CHÚC MỪNG NĂM MỚI và Tin nông nghiệp ngày 05 tháng 02 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»CHÚC MỪNG NĂM MỚI và Tin nông nghiệp ngày 05 tháng 02 năm 2016

 

 

Một mùa Xuân mới Bính Thân đã về, Ban Giám Đốc và toàn thể cán bộ - công nhân viên của công ty TNHH Hiếu Giang, xin chúc quý khách hàng và bạn hữu xa gần  mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn, an khang thịnh vượng. Chúc cho đất nước ngày một thịnh vượng, phú cường!

Trân trọng

 

Tin nông nghiệp ngày 05 tháng 02 năm 2016

Làm giàu từ mô hình đa cây

 

Nguồn tin: Báo Bình Phước

 

Dẫn chúng tôi tham quan vườn cây ăn trái sai trĩu, anh Lưu Chí Cường ở khu phố Phú Mỹ, phường Tân Phú (Đồng Xoài - Bình Phước) kể: “Năm 1994, gia đình rời Hưng Yên vào Bình Phước lập nghiệp, tôi dốc toàn bộ số vốn dành dụm được mua 1,2 ha đất trống để canh tác. Thời gian đầu, gia đình trồng giống bưởi mang từ quê vào nhưng ít trái, không ngọt. Trong một lần xuống tỉnh Tiền Giang chơi (năm 1998), thấy người dân trồng cây ăn trái nhiều và cho hiệu quả kinh tế cao, tôi đã mua 4 cây về trồng thử nhưng do không biết kỹ thuật chăm sóc nên 2 cây bị chết”.

 

Không nản chí, anh tiếp tục tìm hiểu trên sách báo và học hỏi kinh nghiệm của nhà vườn ở miền Tây về cách chăm sóc bưởi. Sau nhiều năm chịu khó, kiên trì với giống bưởi, đến nay anh đã có hơn 300 gốc bưởi phát triển tốt và cho năng suất cao. Ngoài trồng bưởi da xanh, anh còn trồng thêm 200 cây quýt đường, 200 cây dừa xiêm và 200 cây tắc cảnh (quất cảnh) nhằm tận dụng tối đa những khoảnh đất trống để tăng thu nhập. Từ mô hình đa cây, mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu về gần 500 triệu đồng.

 

 

200 cây tắc cảnh của anh Cường hứa hẹn trong dịp tết cho thu nhập khá

 

Theo kinh nghiệm của anh, muốn bưởi da xanh cũng như các loại cây ăn trái khác cho trái quanh năm, việc đầu tiên là đảm bảo nước tưới. Bưởi rất ưa nước nhưng không chịu ngập úng, khi thiết kế vườn phải chống ngập úng tuyệt đối. Anh còn thiết kế hệ thống tưới nước phun sương vừa tiết kiệm chi phí, nhân công vừa giúp cây không bị dư nước cũng như thiếu nước.

 

Ngoài tưới nước, việc bón phân cung cấp dưỡng chất cho cây theo hướng hữu cơ sinh học cũng được đặt lên hàng đầu. Bởi đảm bảo được phân và nước, bưởi cũng như các loại cây ăn trái khác sẽ ra bông, đậu trái quanh năm. Anh mua hạt đậu nành về ngâm, sau đó xay nhỏ, ủ từ 15 - 20 ngày cho hoai mục, rồi trộn với phân lân để tưới cho cây. Cách bón phân này được anh áp dụng từ những ngày đầu trồng bưởi. Anh Cường giải thích: “Nếu dùng phân ủ với bột đậu nành bón sẽ giúp cây phát triển tốt và tạo độ mùn cho đất, không ảnh hưởng đến môi trường. Còn bón phân hóa học làm cho đất bị chai và dư chất còn tồn lại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Nhờ cách làm này, trái cây của anh được nhiều thương lái tin tưởng đặt hàng”.

 

Là nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền, anh Lưu Chí Cường còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ PTD khu phố Phú Mỹ. Anh cho biết: “PTD là phương pháp tạo sự tham gia, trong đó nông dân đóng vai trò chủ thể trong mọi hoạt động từ học tập đến thực hành trên diện tích đất sản xuất. Phương pháp này giúp nông dân học tập tốt nhất bằng kinh nghiệm thực tế, đồng thời nâng cao tính tương tác giữa nông dân, khuyến nông viên và nhà khoa học”.

 

Câu lạc bộ được thành lập năm 2009, đến nay đã có 13 thành viên, chủ yếu là các hộ trồng cây ăn trái có múi tham gia. Hằng tháng, anh đều tổ chức hội thảo để các thành viên trao đổi kinh nghiệm làm ăn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giúp nhau làm giàu. Anh còn tổ chức cho các thành viên đi tham quan học hỏi kinh nghiệm cũng như tập huấn về chuyển giao kỹ thuật do các cấp tổ chức, giúp thành viên học tập về áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình.

 

Hữu Dụng

Vân Canh (Bình Định): Chuối được mùa, mất giá

Nguồn tin: Báo Bình Định

 

Với hơn 600 ha chuối, huyện Vân Canh được xem là vựa chuối lớn nhất tỉnh Bình Định. Những ngày cuối năm Ất Mùi, người dân Vân Canh đang hối hả thu hoạch chuối để bán trong dịp Tết. Năm nay, chuối được mùa nên giá không tăng so với năm trước.

 

Ông Lê Văn Cẩn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Canh, cho biết: Nhiều năm trở lại đây, do hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, trong khi vốn đầu tư thấp, chăm sóc đơn giản, chuối đã trở thành cây trồng chủ lực trên đất Vân Canh. Các địa phương có diện tích trồng chuối lớn như Canh Vinh, Canh Hiệp, thị trấn Vân Canh, Canh Thuận, Canh Hòa. Thời điểm hiện nay, bà con đang vào chính vụ thu hoạch để bán trong dịp Tết.

 

 

Chợ chuối Vân Canh. Ảnh: NGUYỄN HÂN

 

Theo ghi nhận của PV Báo Bình Định, tại chợ đầu mối huyện Vân Canh, mới 4 - 5 giờ sáng, chợ đã bắt đầu hoạt động nhộn nhịp và kéo dài đến 16 - 17 giờ chiều mới tan. Giá chuối thời điểm 22 - 23 tháng Chạp vẫn đang ở mức khá thấp so với mọi năm. Chuối đẹp loại 1 (buồng chuối loại lớn, 6 - 10 nải/buồng) được thương lái thu mua với giá 150 - 200 ngàn đồng/buồng; chuối loại 2 (buồng nhỏ 5 - 6 nải/buồng) từ 80.000 - 120 ngàn đồng/buồng; loại 3 (buồng nhỏ từ 3 - 5 nải) từ 60.000 - 80.000 đồng/buồng. Theo bà con nông dân, giá chuối hiện nay giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Bà Nguyễn Thị Sới, người trồng chuối ở làng Đắc Đâm, thị trấn Vân Canh, cho biết: “Tui có rẫy chuối hơn 6 sào, mùa chuối Tết năm ngoái thu hoạch hơn 300 buồng, thu được 8 triệu đồng. Năm nay tui thu đến trên 400 buồng, nhưng do giá thấp nên thu về được chưa đến 5 triệu đồng. Thị trường chuối Tết năm nay rất lạ là đã đến 23 tháng Chạp mà sức mua rất chậm”.

 

Cũng theo bà Sới, giá chuối thấp đã đành, điều khiến các nhà vườn thấp thỏm là hiện nay mỗi khi thương lái thu mua là họ lợi dụng đầu ra hạn chế để bắt ép nhà vườn. Trong khi đó, thời điểm này năm ngoái nhiều thương lái đã vào tận làng đặt cọc với giá sỉ 20.000 - 25.000 đồng/nải; năm nay thì chỉ được từ 15.000 - 20.000 đồng/nải.

 

“Các năm trước, thương lái vào tận làng năn nỉ nhà vườn, còn khi chuối được mùa thì họ lại bắt ép. Năm ngoái, buồng chuối 8 nải trở lên, ngày thường tôi bán với giá 150 ngàn đồng/buồng, còn giáp Tết thì giá tăng gấp đôi, gấp ba. Giờ đến ngày tiễn “Ông Công, Ông Táo” mà giá chuối vẫn không nhích lên nên bà con trồng chuối ai cũng buồn” - anh Sô Zuôn Linh, ở làng Canh Phước, xã Canh Hòa, bộc bạch.

 

Theo tìm hiểu, năm nay thời tiết thuận lợi, không có bão lũ nên nhiều địa phương trồng chuối trên địa bàn tỉnh đều được mùa lớn. Trong khi đó, lượng chuối từ các tỉnh Tây Nguyên đổ về các chợ càng gần đến giáp Tết khá nhiều, dẫn đến cung vượt quá cầu. Theo dự báo, từ nay đến giáp Tết, giá chuối khó có khả năng tăng đột biến như các năm trước.

 

NGUYỄN HÂN

 

ĐBSCL: Một số loại nhãn, chôm chôm giá giảm mạnh

 

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

 

Bước vào những ngày cận Tết Nguyên đán 2016 nhưng giá một số loại nhãn và chôm chôm tại ĐBSCL lại giảm mạnh khiến nhà vườn gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm.

 

 

Đóng rổ nhãn tiêu da bò xuất khẩu tại một cơ sở thu mua trái cây ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

 

Vào cùng kỳ năm trước, nhãn tiêu da bò (tiêu Huế) tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL như: Bến Tre, Vĩnh Long… được nhiều nhà vườn bán cho thương lái và các vựa thu mua trái cây ở mức 20.000 đồng/kg, nhưng gần đây giá giảm chỉ còn 4.000 - 6.000 đồng/kg. Chôm chôm Java cũng giảm từ mức trên 20.000 đồng/kg xuống còn 5.000 - 7.000 đồng/kg. Giá nhãn tiêu da bò và chôm chôm Java giảm mạnh do thời gian qua hàng xuất đi thị trường Trung Quốc khá chậm. Nhiều tiểu thương và doanh nghiệp kinh doanh trái cây cho rằng, thời tiết lạnh nên nhu cầu "ăn hàng" tại thị trường Trung Quốc giảm. Gần đây, thời tiết ấm trở lại và nhu cầu tiêu thụ trái cây tại thị trường trong nước cũng khởi sắc do bước vào cận Tết Nguyên đán, giá nhãn tiêu da bò và chôm chôm Java đã tăng nhẹ khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg.

 

Hiện giá nhãn Ido và chôm chôm Nhãn (còn gọi là chôm chôm đường) cũng giảm khoảng 5.000 - 7.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước, xuống còn mức 10.000 - 13.000 đồng/kg (giá nhà vườn bán cho thương lái). Riêng nhãn xuồng cơm vàng và chôm chôm giống Thái do nguồn cung hạn chế nên giá vẫn giữ ổn định ở mức khá cao, nông dân bán ngay tại vườn cho thương lái với giá trên dưới 25.000 đồng/kg.

 

Khánh Trung

 

Đồng Nai: Xây dựng 2 vùng GAP cho chôm chôm và ổi

 

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

 

Hiện nay, TX.Long Khánh (Đồng Nai) đã xây dựng thành công 2 vùng sản xuất trái cây an toàn đạt tiêu chuẩn GAP (thực hành nông nghiệp tốt) cho trái ổi và chôm chôm tại 2 xã Bảo Quang và Bình Lộc. Trong đó, trái ổi đã được hệ thống Siêu thị BigC bao tiêu đầu ra ổn định với giá bán tại vườn luôn cao hơn giá ngoài thị trường. Nông dân TX.Long Khánh đang tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa - học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, thay thế các giống cũ bằng giống mới có năng suất, chất lượng cao. TX.Long Khánh cũng hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa với một số loại trái cây để bảo vệ thương hiệu.

 

Nguyệt Hạ

 

Xoài Úc nghịch vụ trúng đậm

 

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

 

Xoài Úc nghịch vụ tại Khánh Hòa được thương lái thu mua với mức từ 100 - 115 ngàn đ/kg gấp khoảng 3 lần so với giá xoài chính vụ...

 

 

Nhiều hộ có doanh thu hàng trăm triệu đồng nhờ trúng giá xoài nghịch vụ

 

Do nguồn cung khan hiếm cộng với hút hàng nên từ đầu tháng 10 (âm lịch) đến nay giá xoài Úc nghịch vụ tại Khánh Hòa được thương lái thu mua với mức từ 100 - 115 ngàn đ/kg gấp khoảng 3 lần so với giá xoài chính vụ. Đây là năm thứ hai liên tiếp xoài Úc nghịch vụ đạt ở mức giá cao như vậy.

 

Anh Lê Văn Duyệt, một người trồng xoài Úc có thâm niên ở tổ dân phố Nghĩa Trung, thị trấn Cam Đức (Cam Lâm) cho biết, năm nay giá xoài Úc nghịch vụ tại Khánh Hòa được thương lái thu mua từ tháng 10 (âm lịch) đến nay luôn dao động với mức cao từ 100 - 115 ngàn đ/kg. Giá này so với giá xoài Úc chính vụ tăng gấp 3 lần và gần bằng so với thời điểm năm ngoái.

 

“Vụ xoài Tết này chỉ cần nhà vườn thu hoạch khoảng 1 tấn xoài, doanh thu trên 100 triệu đồng, có tiền ăn Tết no ấm. May mắn cho gia đình tôi năm nay với diện tích 3 sào (tương đương 60 cây) thu hơn 2 tấn, bán với giá từ 105 - 110 ngàn đ/kg, sau khi trừ chi phí lãi gần 200 triệu đồng. Đây là năm thứ 2 liên tiếp gia đình tôi trúng đậm xoài Úc nghịch vụ”, anh Duyệt hồ hởi nói.

 

Còn gia đình ông Trần Lực, tổ dân phố Nghĩa Nam, thị trấn Cam Đức, có tất cả 9 cây xoài Úc nhưng giữa tháng 11 (âm lịch) đã bán đứt 150 triệu đồng cho thương lái khi trái mới to bằng nắm tay.

 

Gặp chúng tôi, ông Lực cho biết, mặc dù giá xoài Úc nghịch vụ tăng cao nhưng hầu như các nhà vườn không điều khiển được xoài ra quả hàng loạt để thu hoạch đúng vào dịp giá cao ngất ngưởng. Nguyên nhân là do thời tiết nắng hạn kéo dài cộng với nhiều đợt ảnh hưởng không khí lạnh tăng cường khiến bông, trái rụng nhiều.

 

“Nhưng nhờ giá xoài Úc nghịch vụ tăng cao nên vụ này tuy sản lượng ít gia đình tôi vẫn có lãi khoảng 40 triệu đồng. Có tiền gia đình tôi đã sắm Tết đầy đủ”, ông Hương, ở thị trấn Cam Đức chia sẻ.

 

 

Vợ ông Hương cho biết vụ này gia đình chỉ thu 5 tạ xoài Úc nhưng lãi 40 triệu đồng

 

Bà Nguyễn Thị Kim Loan, chủ vựa xoài Tiến Loan (thị trấn Cam Đức) chuyên thu mua xoài Úc để xuất khẩu sang Trung Quốc cho biết, sở dĩ giá xoài Úc nghịch vụ năm nay vẫn ở mức cao là do nguồn cung khan hiếm cộng với hút hàng. Thời điểm từ tháng 10 đến tháng 11 (âm lịch), giá xoài Úc được thu mua ổn định từ 110 - 115 ngàn đ/kg, bước sang tháng Chạp, giá xoài Úc có giảm xuống còn 100 ngàn đ/kg nhưng vẫn là cao.

 

“Từ đầu mùa xoài đến nay giá cước vận chuyển xoài Úc xuất sang Trung Quốc cũng hạ, khoảng 70 ngàn đ/rổ (30 kg), tương đương hơn 2.300 đ/kg. Nhờ giá cước vận chuyển ổn định, tiêu thụ dễ nên DN làm ăn có lãi”, bà Loan chia sẻ.

 

KIM SƠ

 

Tiêu rụng lá vì giá rét

 

Nguồn tin: VnExpess

 

Đợt rét đậm kỷ lục vừa qua khiến 20% diện tích tiêu ở Quảng Trị bị rụng lá, ảnh hưởng đến năng suất.

 

 

Trời rét khiến cây tiêu rụng lá hàng loạt. Ảnh: Hoàng Táo

 

Chiều muộn hôm trước, đi thăm con gái về đến nhà, bà Lê Thị Yến (80 tuổi, trú xóm Trằm, xã Gio Châu) không tin vào mắt mình khi thấy vườn tiêu 1.500m2 rụng lá. “Lá tiêu rải khắp mặt đất, tôi bàng hoàng không biết là người hay trời hại. Nhìn xót ruột quá, chỉ biết ứa nước mắt”, bà Yến nói.

 

Tương tự, vườn tiêu 1.000m2 của ông Hoàng Xuân Thí (trú thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh) cũng bị rụng lá dày đặc khoảng 3 ngày nay. “Chỉ cần một trận gió nhẹ là lá rụng tả tơi và khoảng 20% trái tiêu bị rụng”, ông Thí nói và cho hay lần đầu tiên gặp hiện tượng tiêu rụng lá.

 

Theo ông Nguyễn Văn Thức, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Gio Linh, hiện tượng tiêu rụng lá xuất hiện 3 ngày gần đây, trên tất cả xã trồng tiêu của huyện. Đợt rét đậm hôm 25/1 đã gây nên hiện tượng này với khoảng 20% diện tích bị ảnh hưởng. “Ban đêm nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ C làm cây rụng lá và quả. Việc này chắc chắn ảnh hưởng đến năng suất”, ông Thức nói.

 

 

Người nông dân thẩn thờ trước việc tiêu rụng lá. Ảnh: Hoàng Táo

 

Người trồng tiêu đang lo đợt rét kéo dài đến 7/2 tới đây sẽ ảnh hưởng đến cây. “Sau đợt rét vừa rồi, cây tiêu cần thời gian để hồi phục, nhưng nếu nhiệt độ ngoài trời tiếp tục dưới 15 độ C, cây sẽ bị mất sức và chắc chắn thiệt hại lớn”, ông Thức đánh giá.

 

Việc rụng lá nhiều, dẫn đến rụng đốt và gây chết cây. Đây là năm đầu tiên người trồng tiêu ở Quảng Trị gặp hiện tượng này do trời rét bất thường. Biện pháp cứu chữa duy nhất hiện nay là chờ nắng, bón phân bổ sung kali và vi lượng để cây phục hồi, với hy vọng trước mắt là giảm tỷ lệ chết.

 

Toàn huyện Gio Linh có gần 500 ha tiêu. Ngành nông nghiệp huyện đang thống kê diện tích bị ảnh hưởng để đề nghị hỗ trợ người nông dân.

 

Hoàng Táo

 

Chống rét cho mạ vụ Xuân

 

Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị

 

Vụ Xuân năm nay thời tiết rét đậm, rét hại có thể thường xuyên xuất hiện nên mạ cần được bảo vệ cẩn thận để tránh bị chết rét.

 

Do đó, để tránh gây thiệt hại cho sản xuất, bà con nông dân nhất thiết phải áp dụng biện pháp che phủ nilon để bảo vệ mạ.

 

Che phủ nilon: Dùng các thanh tre rộng 2cm, dày 0,6 – 0,8cm, dài 2 – 2,2m; Cứ 1,5 – 2m chiều dài luống mạ thì cắm 1 thanh tre uốn theo hình vòm cách mép luống từ 5 – 10cm, sao cho độ cao khung giàn tre đạt 50 – 60cm. Buộc liên kết các thanh vòm với nhau bằng 1 thanh tre dài theo chiều dọc luống cho chắc chắn. Tiếp đó, dùng nilon màu trắng khổ 1,2 – 1,4m chùm kín theo chiều dài luống mạ. Sau cùng, lấy bùn ở rãnh luống chèn kín kỹ xung quanh mép nilon phủ 2 bên và 2 đầu luống. Với cách làm này, luống mạ được che kín hoàn toàn và tránh được gió lùa gây bung nilon hay chuột chui vào trong luống phá mạ.

 

Chăm sóc mạ: Bà con cần giữ cho mạ luôn đủ ấm sau khi gieo. Khi mạ đạt 1,5 lá, cần đưa nước láng mặt luống mạ nhằm giữ ấm chân mạ (đối với mạ gieo trên ruộng). Những ngày thời tiết buổi trưa ấm, cần mở nilon 2 đầu luống để thoát khí độc, chiều tối lại tiếp tục che lại. Trước khi cấy 2 – 3 ngày, cần mở dần nilon nhằm luyện cho mạ quen với môi trường. Đối với mạ gieo trên sân nhà, bà con có thể thắp điện sưởi ấm cho mạ vào những ngày rét đậm, rét hại. Lưu ý, bà con không nên bón phân thúc cho mạ, đặc biệt ở giai đoạn trước khi cấy vì cây mạ sẽ non, mềm, không đanh rảnh, chống chịu rét kém rất dễ bị chết khi cấy ra ruộng.

 

Kỹ sư Nguyễn Văn Hà (Phòng Trồng trọt – Trung tâm Khuyến nông Hà Nội)

 

Thu tiền tỷ nhờ trồng rau sạch

 

Nguồn tin: Báo Bình Phước

 

Trăn trở về nguồn rau sạch cung ứng cho người dân, chị Đỗ Thị Đạt ở thôn 12, xã Long Hà (Phú Riềng - Bình Phước) đã tìm tòi, học hỏi từ sách báo phương thức trồng rau sạch và biến thửa đất sỏi đá của gia đình thành vườn rau xanh tốt, thu lợi hàng tỷ đồng mỗi năm.

 

Làm giàu trên đất cằn

 

Chị Đạt chia sẻ: “Tôi muốn mở rộng mô hình trồng rau từ rất lâu nhưng do không có đất phải đi mượn để canh tác, sau một thời gian phải trả lại cho người ta, rất vất vả. Sau đó, gia đình tôi mua được gần 2 ha đất. Vì vậy, tôi đã quyết tâm xây dựng mô hình trồng rau sạch trên đất của mình”.

 

Năm 2012, khi mới bắt tay trồng rau sạch, gia đình chị Đạt đã trải qua không ít khó khăn. Thửa đất của gia đình chị không bằng phẳng và rất nhiều sỏi đá. Chị vay vốn thuê dọn đá, đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động trị giá hơn 1 tỷ đồng. Dọn đến đâu, chị trồng rau đến đó.

 

 

Vườn rau sạch của gia đình chị Đạt cho thu lời trên 100 triệu đồng/tháng

 

Chị Đạt cho biết: “Để làm ra sản phẩm rau sạch đạt chất lượng, tôi tận dụng những lá già ủ thành phân bón, vừa sạch lại vừa hiệu quả, tiết kiệm chi phí”. Trong quá trình trồng rau, chị hoàn toàn không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Những sản phẩm được chế biến từ rau, củ, quả và chế phẩm sinh học như: tỏi, ớt, gừng ủ với nước đường, trái xoan... được chị chiết xuất dùng làm thuốc trừ sâu. Nhờ vậy, chất lượng sản phẩm đảm bảo sạch, an toàn, ngon và rẻ nên dần chiếm được lòng tin của khách hàng. Từ đó, thương hiệu rau sạch của gia đình chị vươn ra xa hơn. Từ đầu mối chính là chợ Bù Nho, Nông trường 6 ở huyện Phú Riềng, đến nay đã vươn ra các địa bàn khác như Phước Long, Phước Bình, Nông trường 3, Nông trường 9, Thanh An...

 

Nhân rộng mô hình

 

Sau 3 năm vừa trồng vừa rút kinh nghiệm và mở rộng diện tích, gia đình chị đã có 3 ha rau. Bình quân 1 ngày chị xuất bán hơn 1 tấn rau sạch các loại. Trung bình 1 tháng, sau khi trừ chi phí giống, công chăm bón... gia đình chị thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, anh chị còn cùng các con, anh em họ hàng mở rộng diện tích trồng rau sạch. Chị cho biết, ngoài 3 ha rau hiện tại, gia đình chị đang thuê gần 2 ha và hoàn thiện hệ thống tưới tiêu để đưa vào trồng rau.

 

Mô hình trồng rau sạch đạt chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao của hộ chị Đạt không chỉ được hội nông dân mà cả chính quyền xã rất quan tâm. Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hà cho biết: Từ khi hộ chị Đạt bắt đầu trồng rau, Hội Nông dân xã đã tới tìm hiểu và động viên gia đình cố gắng phát triển với quy mô lớn hơn nữa. Nhận thấy tiềm năng phát triển từ mô hình, hội đã kết hợp với chính quyền xã đề đạt với các cấp, ngành, giới thiệu mô hình, tìm đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, hỗ trợ vay vốn đầu tư với mong muốn phát triển hơn nữa mô hình trồng rau sạch của gia đình chị Đạt. Bởi đây là cách làm mới trên địa bàn xã, hướng đến bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vì thế, xã mong mô hình trồng rau sạch được nhân rộng, phát triển đa dạng hơn, đem lại những thành quả tốt đẹp về mọi mặt, đặc biệt là kinh tế.

 

Thành Nguyện

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop