Mùa trồng sâm trên đỉnh Ngọc Linh

Trang chủ»Tin tức»Mùa trồng sâm trên đỉnh Ngọc Linh

 

Mùa trồng sâm trên đỉnh Ngọc Linh

 

Hằng năm cứ vào đầu đông, người dân các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei (Kon Tum) lại bắt đầu một mùa trồng sâm mới trên đỉnh Ngọc Linh.

Nguồn gốc sâm Ngọc Linh

Những ngày cuối năm, chúng tôi ngược về H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) để trải nghiệm mùa trồng sâm trên đỉnh núi Ngọc Linh. Hằng năm, cứ đến khoảng tháng 10 - 11, để phát triển diện tích sâm Ngọc Linh người dân tại Kon Tum lại bắt đầu một mùa trồng sâm mới.

Sâm Ngọc Linh tại Kon Tum là loại dược liệu quý hiếm nên được các doanh nghiệp, tổ chức và người dân bí mật trồng trong rừng sâu, dưới những tán cổ thụ. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới được theo chân những người dân đi thăm vườn sâm trên dãy Ngọc Linh này. Dẫn đường cho chúng tôi là một nhóm hộ trồng sâm của xã Măng Ri (H.Tu Mơ Rông). Sau vài giờ băng rừng, vượt qua nhiều lớp hàng rào bằng tre, lưới và những hố chông tua tủa, vườn sâm cũng dần hiện ra.

 

Mùa trồng sâm trên đỉnh Ngọc Linh - ảnh 1

 

Người dân giăng lưới làm mái che để bảo vệ vườn sâm

Dắt chúng tôi đi dưới tán rừng già, ông A Bủa (70 tuổi, ở thôn Pu Tá, xã Măng Ri) cho biết cây sâm Ngọc Linh chỉ sống ở lưng chừng các ngọn núi, nơi thường xuyên bị mây mù bao phủ. Trước đây người Xơ Đăng sống dưới chân núi Ngọc Linh chỉ xem cây sâm như một phương thuốc chữa bệnh. Những lúc đau ốm nặng hay bị rắn cắn và cả các bệnh thông thường như đau bụng, dân làng thường lấy cây sâm ra ngậm. Cây có vị đắng, mùi thơm, tuy nhiên sau khi dùng thuốc thì ai nấy đều khỏi bệnh và cảm thấy khỏe khoắn. Lúc bấy giờ cũng chưa ai biết đó là cây sâm như ngày nay.

“Ngày trước người dân mình không biết giá trị của sâm nên cứ lên rừng đào sâm về trao đổi hàng hóa. Ở trên này, mùa mưa thường kéo dài nên bà con rất quý áo mưa. Có thời điểm người dân đổi cả gùi sâm chỉ để lấy 2 cái áo mưa”, ông Bủa nhớ lại.

Mãi cho đến năm 1973, một đoàn điều tra dược liệu của Ban Dân y Khu 5 do dược sĩ Đào Kim Long dẫn đầu đã tìm thấy loài cây này và đem mẫu về nghiên cứu. Theo kết quả nghiên cứu, phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh VN chứa 52 hợp chất saponin. Trong đó phát hiện 26 hợp chất saponin có cấu trúc mới chưa từng xuất hiện trong các loại sâm khác. Ngoài các loại saponin, sâm Ngọc Linh còn chứa các polyacetilen, axit béo, axit amin, gluxit, tinh dầu và cả các yếu tố vi lượng.

Trước những phát hiện mới về hàm lượng chất bổ dưỡng trong sâm Ngọc Linh đã khiến giá trị của loại cây này được nâng cao. Cũng bởi vì bổ dưỡng và quý hiếm mà hiện nay giá sâm Ngọc Linh luôn ở mức cao, khoảng 120 - 260 triệu đồng/kg. Trước tiềm năng về kinh tế, nhiều doanh nghiệp, tổ chức quyết định lên đỉnh Ngọc Linh trồng sâm.

 

Mùa trồng sâm trên đỉnh Ngọc Linh - ảnh 2

 

Năm 2021, tỉnh Kon Tum đặt ra chỉ tiêu trồng mới 500 ha sâm Ngọc Linh

Trồng mới hàng triệu gốc sâm

Khi giá trị về kinh tế của sâm ngọc linh đã được khẳng định, bà con người Xơ Đăng cũng tìm cách trồng sâm để làm giàu trên mảnh đất cha ông. Năm 2014, hàng trăm hộ dân tại các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei xin vào làm công nhân tại các công ty trồng sâm trên địa bàn. Công việc chủ yếu của họ là chăm sóc, bảo vệ nguồn giống sâm. Đồng thời, họ cũng được công ty cấp cho mỗi người 100 gốc sâm/năm. Số sâm này bà con trồng chung trong một khu vườn bí mật và cắt cử người trông coi. Cũng từ đây, diện tích sâm của bà con được mở rộng.

 

Mùa trồng sâm trên đỉnh Ngọc Linh - ảnh 3

 

Sau 1 năm gieo trồng, những cây sâm giống đã bắt đầu tạo củ và phát triển tốt

ĐỨC NHẬT

Tham gia trồng sâm trên dãy núi Ngọc Linh, ông A Brít (làng Đăk Viên, xã Tê Xăng, H.Tu Mơ Rông) cho biết, hằng năm sau khi thu hoạch, người dân sẽ đem hạt sâm vào khu rừng già để ươm. Đến tháng 3 hằng năm, cây sâm lên mầm và cho ra củ. Khoảng 5 tháng sau, cây sâm bắt đầu sinh trưởng tốt, có thể di thực dưới tán rừng. Tuy nhiên, thời điểm này bắt đầu vào mùa mưa, cây sâm dễ bị thối củ và chết. Do đó người dân phải chờ đến khoảng tháng 10 - 11, khi thời tiết khô hơn, trong rừng không còn ẩm ướt mới bắt đầu mùa trồng mới.

Vào mùa trồng mới, những nhóm hộ sẽ cùng nhau lên rừng, cẩn thận nhổ những gốc sâm đã gieo trồng tại vườn ươm. Sau đó, bó lại thành từng bó bằng lá chuối rồi đem đi trồng tại khu vực đã chuẩn bị sẵn.

“Khi nhổ, phải làm nhẹ nhàng, dùng tay để bảo vệ bộ rễ, phải cẩn thận nhặt từng cây. Hạt giống khi gieo rất nông nên lúc nhổ cây mọi người chỉ cần bới nhẹ là được. Sau khi nhổ lên, phải đem cây đi trồng ngay. Cây giống đã nhổ nếu để 2, 3 ngày cây sẽ yếu và chết”, ông A Brít nói.

Không chỉ có người dân, nhiều doanh nghiệp cũng chọn thời gian này để trồng mới sâm Ngọc Linh. Ông Nguyễn Đình Hồng, đại diện Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum, cho biết trong đợt này công ty sẽ trồng mới hơn 1 triệu cây sâm. Cũng theo ông Hồng, khi gieo hạt, tỷ lệ thành công chỉ đạt khoảng 60 - 70%. Khi trồng, tỷ lệ sống giảm theo từng năm. Từ lúc trồng đến khi thu hoạch, tỷ lệ sống chỉ còn 30 - 40% số cây. Dù nói là sâm trồng, nhưng thực tế cây giống được gieo bằng hạt, trồng tự nhiên trên rừng. Quá trình trồng không có bất kỳ tác động nào của các loại thuốc, phân khi cây sinh trưởng và phát triển.

 

Mùa trồng sâm trên đỉnh Ngọc Linh - ảnh 4

 

Vào khoảng tháng 10 - 11 hằng năm, người dân bắt đầu mùa trồng sâm mới

Kết hợp giữ rừng

Tại vườn gieo ươm của Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum, hàng trăm công nhân cũng đang hối hả bước vào vụ trồng mới. Mỗi vườn ươm có diện tích 3 - 4 m2 và có cả nghìn cây con trong mỗi vườn. Việc nhổ cây giống được làm thủ công. Công nhân dùng tay xới nhẹ lên mặt đất để lấy cây giống. Họ phải làm tuần tự theo hàng lối để tránh chồng chéo. Với những cây còn lá thì dễ nhổ và tìm hơn. Còn đối với những cây đã rụng lá, mọi người phải đào xới thật kỹ để tìm từng gốc sâm.

Trước khi đưa sâm giống đi trồng, các công nhân phải chuẩn bị đất trồng thật kỹ lưỡng. Họ phải cuốc xới, ủ, tạo mùn cho đất. Theo ông A Hem (công nhân của công ty), trước khi đưa cây con đi trồng, phải tìm mùn bón cho đất. Mùn được lấy từ các cây gỗ mục trên rừng. Có mùn sẽ có thêm dinh dưỡng cho đất, tạo độ xốp và phải lấy thêm lá rừng, ủ lên mặt tạo độ ẩm. Vì trồng số lượng lớn nên tìm cây gỗ mục không dễ. Khác với đất để ươm cây, nơi trồng mới sẽ có mật độ trồng thưa hơn. Khoảng cách giữa các cây khoảng 20 - 30 cm.

Ngoài ra, để bảo vệ sâm, sau khi trồng, công nhân sẽ dùng tre giăng lưới, màn để che, tránh mưa đá, cành cây rừng gãy đổ khiến sâm bị chết.

“Ở trong rừng, những khi mưa to, gió lớn khiến cây ngã đổ có thể đè lên vườn sâm. Các loài động vật như chuột, chim rất thích ăn củ, hạt sâm, nên sau khi trồng chúng tôi phải quây tôn quanh vườn để tiếp tục bảo vệ khỏi sự phá hoại của thú rừng. Chúng tôi còn đặt bẫy khắp vườn, ban đêm phải đi đuổi bắt chim chuột, không để chúng vào vườn phá sâm”, ông A Hem cho biết.

Theo ông A Brít, cây sâm chỉ có thể sống được dưới tán rừng già. Lá và gỗ mục trong rừng sẽ trở thành phân bón giúp cây sâm sinh trưởng. Tán rừng như một máy điều hòa khổng lồ tạo nhiệt độ thích hợp cho cây sâm phát triển. Cũng bởi vậy, người dân sống dưới chân núi Ngọc Linh luôn cố gắng giữ rừng để trồng sâm.

“Dân mình giờ giữ rừng tốt lắm, không ai chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy nữa đâu. Trồng sâm Ngọc Linh giúp người Xơ Đăng hết nghèo, hết đói. Không có rừng già là không có sâm Ngọc Linh đâu. Bà con cùng nhau giữ rừng để trồng sâm, để thoát nghèo mà”, ông A Brit nói.

 

Theo Đức Nhật báo Thanh Niên

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop