NỒI CÁM HEO - NGÔ THANH VÂN

Trang chủ»Tin tức»NỒI CÁM HEO - NGÔ THANH VÂN

 

NỒI CÁM HEO NGÀY THÁNG XA XƯA
 
T/G: Ngô Thanh Vân
 
Tôi thật sự phân vân khi chọn hình ảnh không mấy đẹp đẽ “sạch sẽ” để viết. Chắc khi đọc, sẽ có người tặc lưỡi “dở hơi” thiếu gì đề tài không viết, lại đi viết về… nồi cám. Không hiểu sao, hình ảnh ấy cứ “lảng vảng” trong đầu tôi mãi. Vậy nên, cuối cùng, tôi quyết định sẽ đưa …nồi cám heo vào trang văn của mình. Đây cũng là một lời nhắc nhở cho tôi về những tháng ngày xa xưa, một tuổi thơ lam lũ, cơ cực để bây giờ khi trưởng thành, tôi có những ký ức đẹp, vất vả nhưng ý nghĩa vô cùng.
 
 
 
 
Khi tôi lên 7, mẹ phải đi học xa, mình bố tôi nuôi chị em tôi lại còn thêm cậu và chú nữa. Ở những năm giữa thập niên 80, một suất lương giáo viên nuôi 5 miệng ăn là một điều không đơn giản. Chị em tôi được ăn cơm trắng, phần cơm độn khoai, độn sắn thì người lớn ăn. Vì vậy, bố phải làm rất nhiều việc để kiếm thêm thu nhập. Ngoài việc chính là giảng dạy, bố còn nuôi heo, gà, thỏ để cải thiện bữa ăn cho gia đình và có thêm chút tiền khi heo xuất chuồng. Ngày ấy, bố vừa nuôi heo thịt vừa nuôi heo đẻ. Công việc của chị em tôi vì vậy cũng thêm phần vất vả ngoài việc nấu ăn, giặt giũ, quét dọn lau chùi nhà cửa, rửa chén bát…, tôi và em gái còn đi hái rau và nấu cám heo. Ngày nào chúng tôi cũng phải nấu 2 nồi cám to đủ để cho heo ăn cả ngày hôm sau. Và sau mỗi buổi học, chị em tôi không ai bảo ai, tự động mang bao mang liềm đi loanh quanh nhà hoặc ra khu vườn cà phê sau nhà tìm và cắt đầy bao cho heo. Lúc đó rau lang chắc cũng rẻ lắm, nhưng bố tôi cũng chẳng đủ tiền để mua. Vì vậy, chúng tôi tranh thủ kiếm rau dại về để đỡ cho bố trong các khoản chi tiêu. Có phải vì ngày đó đến heo cũng được ăn đồ “sạch”, không thuốc kích thích, tăng trọng, nên miếng thịt heo khi nấu lên tỏa mùi thơm nưng nức, không bay mùi thuốc, mùi oi như bây giờ. Mà thời ấy, nuôi heo cũng lâu thật lâu mới “xuất chuồng”. Thế mới nói đến cái công cực khổ của người chăn nuôi. Thật sự, thỉnh thoảng nghĩ lại những tháng ngày đó, chẳng hiểu sao mà chị em tôi có thể làm được. Mà, không làm cũng không được, vì bố, cậu và chú còn phải đi làm những việc khác cực nhọc hơn, thời gian đâu làm những việc vặt trong nhà.
 
Xay lục bình trộn hèm bia cám gạo làm thức ăn cho heo rừng - YouTube
 
Tôi nhớ mãi nồi cám hôm ấy, năm đó tôi vừa học xong lớp ba. Đang cữ nghỉ hè, mẹ tôi cũng được nghỉ và về thăm chúng tôi. Vì heo mẹ đẻ một bầy con, thiếu can xi nên 2 chân sau bị liệt. Mẹ tôi tìm mua cua đồng và rang lên, giã nhỏ, trộn vào cám để bổ sung can xi cho heo mẹ. Tôi lăng xăng lấy những con cua đã được rang lên chín đỏ đưa vào chuồng bỏ vào máng cho heo mẹ ăn. Nó ăn ngon lành. Nhưng thật không may, trong những lần bước ra bước vô cửa chuồng, tôi không cẩn thận nên đã dẫm nguyên bàn chân vào nồi cám mẹ mới nấu vừa nhắc xuống. Tôi chỉ biết khóc thét lên đau đớn rồi ngất đi. Khi tỉnh lại, thấy mọi người đang xúm xít quanh mình, mẹ thì khóc hết nước mắt, bố bế tôi trên đùi, tay cứ lấy nước khoát lên cái chân bị bỏng của tôi. Đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự lo lắng yêu thương của bố vì trước giờ bố là người rất ít khi biểu lộ cảm xúc. Trong những ngày tháng chân tôi bị đau như vậy, đi đâu bố cũng cõng tôi trên lưng. Đó là khoảng thời gian tôi cảm nhận đầy đủ sự ấm áp tình phụ tử nhất.
 
Sau này, khi tôi lớn hơn một chút. Bố bày tôi cách đón những chú heo con từ lòng mẹ ra. Bố hướng dẫn cách dùng chỉ buộc rốn, cắt rốn và bấm răng nanh cho những chú heo nhỏ xíu hồng hào. Nhìn đàn heo con dụi đầu vào vú mẹ để nút dòng sữa âm, tôi hết cả cảm giác sợ sệt, thay vào đó là cảm giác thích thú vô cùng. Làm dần quen tay, có những lúc bố phải đi xa, hoặc bị những cơn sốt rét hành hạ, trong chuồng, heo mẹ “trở dạ” tôi lại trở thành “bà đỡ” bất đắc dĩ của heo. Những trải nghiệm từ thời thơ bé, lúc nhà đang còn nghèo khổ cơ cực là những bài học nhỏ góp thêm hành trang cho sự trưởng thành và hiểu biết của tôi sau này.
 
Ai đã từng một thời nấu cám lợn ko vậy... - Tin Tức Hưng Yên | Facebook
 
 
Nồi cám heo ngày xưa nhắc nhở cho tôi sự vất vả của bố mẹ, đồng thời cũng cho tôi cảm nhận sâu sắc về tình thương của bố dành cho mình. Bây giờ cuộc sống đã khấm khá hơn. Nhà tôi đã không còn phải mưu sinh bằng những đàn heo nữa. Những nhà quanh xóm cũng vậy. Đã rất lâu rồi tôi không còn nhìn thấy những nồi cám heo sánh đặc. Mà hình như bây giờ, người ta nuôi heo cũng không còn vất vả như trước nữa. Thức ăn cho gia súc, gia cầm chỉ cần ra cửa hàng là mua được. Có điều, thức ăn ấy chứa rất nhiều thuốc tăng trọng, kích thích sinh trưởng. Nên hình ảnh cặm cụi nhóm bếp nấu cám heo chỉ còn trong kí ức. Và trong kí ức tôi, những sợi khói bếp và nồi cám nghi ngút khói vừa là một sự ám ảnh đồng thời cũng là những kỉ niệm khó quên.
Tôi đã trải qua một tuổi thơ vất vả, nhưng được chia sẻ với bố mẹ công việc nhà cũng là một cách để tôi có thêm bài học về trách nhiệm. Để bây giờ, trong mỗi công việc lớn nhỏ, tôi làm với tất cả trách nhiệm của mình. Bài học nào cũng có giá của nó, dù ít hay nhiều, và để chúng ta nên người. Tôi luôn tin vậy!
 
Hiếu Giang sưu tầm 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop