Tin nông nghiệp Chủ Nhật ngày 02 tháng 07 năm 2017

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp Chủ Nhật ngày 02 tháng 07 năm 2017

6 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 17,1 tỷ USD

 

Nguồn tin:  Báo Công thương

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 6/2017 ước đạt 2,97 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2017 đạt 17,1 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2016.

 

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2016; Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2016; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2016.

 

Trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu, gạo, cao su và chè là những ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cả về lượng và giá trị. Cụ thể, đối với ngành hàng gạo, xuất khẩu tháng 6/2017 ước đạt 413 nghìn tấn với giá trị đạt 182 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 2,8 triệu tấn và 1,2 tỷ USD, tăng 6,3% về khối lượng và tăng 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2017 với 46,5% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 5 tháng đầu năm 2017 đạt 1,1 triệu tấn và 488 triệu USD, tăng 34,2% về khối lượng và tăng 31,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

 

Mặt hàng cao su 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 462 nghìn tấn và 867 triệu USD, tăng 5% về khối lượng và tăng 58,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá cao su xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2017 đạt 1.957 USD/tấn, tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2016. Khối lượng xuất khẩu chè tháng 6/2017 ước đạt 13 nghìn tấn với giá trị đạt 22 triệu USD, đưa khối lượng xuât khẩu chè 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 63 nghìn tấn và 98 triệu USD, tăng 17% về khối lượng và tăng 15% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

 

Cà phê và hạt điều là hai ngành hàng giảm về khối lượng nhưng tăng về giá trị. Cụ thể, xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 817 nghìn tấn và 1,86 tỷ USD, giảm 16,7% về khối lượng nhưng tăng 9,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2017 đạt 2.264 USD/tấn, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2016. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2017 với thị phần lần lượt là 16,8% và 14,8%.

 

Đối với hạt điều, 6 tháng đầu năm 2017 xuất khẩu ước đạt 149 nghìn tấn và 1,5 tỷ USD, giảm 4,4% về khối lượng nhưng tăng 20,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2017 đạt 9.562 USD/tấn, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2016.

 

Đặc biệt, giá trị xuất khẩu hàng rau quả tháng 6/2017 ước đạt 283 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu hàng rau quả 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 44,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2017, chiếm 84,7% tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả. Trong 5 tháng đầu năm 2017, các thị trường có giá trị xuất khẩu hàng rau quả tăng mạnh là Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (96,3%), Nga (67,2%), Nhật Bản (56,1%), Trung Quốc (50,5%), Hoa Kỳ (23,5%), Hàn Quốc (14,9%) và Thái Lan (12,5%).

 

Cũng theo Bộ NN&PTNT, giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng 6/2017 ước đạt 2,94 tỷ USD, đưa giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 14,06 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, ước tính nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 10,74 tỷ USD, tăng khoảng 37,8% so với cùng kỳ năm 2016.

 

Nguyễn Hạnh

 

Khẩn cấp chữa bệnh “sạch xuất khẩu, bẩn để dùng”

 

Nguồn tin:  VOV

 

Các doanh nghiệp hiện nay vẫn chú trọng sản xuất sản phẩm sạch nhưng lại không phải để tiêu thụ trong nước mà là để… xuất khẩu.

 

Chưa khi nào vấn nạn thực phẩm bẩn lại gây bức xúc như hiện nay. Mặc dù đã có quá nhiều cuộc hội thảo, hội nghị nhằm bàn bạc, hiến kế những giải pháp để giảm thiểu vấn nạn này, song trên thực tế thực phẩm bẩn vẫn từng ngày từng giờ len lỏi vào bữa ăn của người tiêu dùng.

 

Một phần của nguyên nhân này là do thực phẩm sạch dù được các doanh nghiệp chú trọng sản xuất nhưng lại không phải để tiêu thụ trong nước mà là để… xuất khẩu.

 

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, để xuất khẩu ra nước ngoài các sản phẩm thực phẩm như thịt gà, thịt lợn, cá tra, tôm, cá ba sa… bao giờ cũng phải đảm bảo các yêu cầu rất khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó ở trong nước, chất lượng thực phẩm hầu như bị bỏ ngỏ. Do đó, thị trường nội địa vẫn phải “hứng” các sản phẩm nhiễm bẩn.

 

Điều này cũng có nghĩa, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang chú trọng xuất khẩu hơn là thị trường trong nước. Và như vậy, vô hình chung, người tiêu dùng trong nước vẫn luôn luôn phải đối diện với vấn nạn thực phẩm bẩn.

 

Nhận định về thực tế chất lượng các sản phẩm nông sản hiện nay, PGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM cho rằng, có một “căn bệnh” các doanh nghiệp đang mắc phải hiện nay đó là, cái gì tốt thì xuất khẩu đi, còn không đủ “chuẩn” thì để lại nhà dùng.

 

“Giống như người nông dân có sản phẩm gì ngon nhất thì dành để bán, con cái ở nhà thì phải ăn của thừa, đồ hỏng”, bà Lan nhận định.

 

Do đó theo bà Lan, nếu các doanh nghiệp không thay đổi ngay tư duy sẽ không bao giờ có thể loại bỏ được vấn nạn thực phẩm bẩn. Để thay đổi được tư duy “sạch thì xuất, bẩn để dùng”, bản thân chính mỗi người tiêu dùng cũng cần phải thay đổi nhận thức trong tiêu dùng.

 

Đó là cần phải chịu bỏ ra một số tiền lớn hơn để có thể mua được một sản phẩm sạch, an toàn, Còn nếu vẫn tư duy ưa đồ rẻ thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ chỉ có thể mua được những sản phẩm chất lượng kém./.

 

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

 

Hà Nội: Ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong nông nghiệp

 

Nguồn tin:  Kinh tế đô thị

 

UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường triển khai các biện pháp quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp.

 

Thời gian qua, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP đã triển khai nhiều biện pháp quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo ATTP và hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, tình trạng sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không ghi rõ thành phần, nguồn gốc, xuất xứ… còn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi gây thiệt hại cho người sản xuất và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

 

Trước tình hình đó, UBND TP yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn, xử lý nghiêm và công khai các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Trong đó, giao Sở NN&PTNT chủ trì quản lý, kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp trên địa bàn TP. Đồng thời phối hợp với các ngành, địa phương nắm chắc tình hình, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp có dấu hiệu vi phạm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn. Đặc biệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra đặc biệt là thanh kiểm tra đột xuất tập trung vào việc sử dụng chất cấm Salbutamol, Aurmine, Cysteamine và các hóa chất, kháng sinh trong danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

 

UBND TP giao Công an TP chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và công an các quận, huyện, thị xã tập trung điều tra, trinh sát phát hiện các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, buôn bán, sử dụng các loại chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, kháng sinh cấm, giả, thuốc ngoài danh mục. Qua đó xử lý nghiêm vi phạm, truy tố đối với những vụ việc nghiêm trọng để răn đe, giáo dục các đối tượng khác.

 

UBND TP cũng nêu rõ, UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước TP về tình hình quản lý, kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh sử dụng trên địa bàn. Địa phương, đơn vị nào để xảy ra tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, sử dụng vật tư nông nghiệp không đúng quy định trên địa bàn quản lý mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước UBND TP.

 

Thiên Tú

 

Phòng tránh thiệt hại khi lũ về sớm

 

Nguồn tin:  Người Lao Động

 

Mùa lũ 2017 ở thượng nguồn sông Mê Kông có khả năng đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm, đến cuối tháng 7, nguy cơ xảy ra ngập lụt ở một số tỉnh

 

Theo dự báo, lũ đầu nguồn ở ĐBSCL có khả năng đến sớm hơn trung bình nhiều năm nên ngành nông nghiệp đã khuyến cáo các tỉnh, thành cần chủ động có kế hoạch sản xuất lúa thu đông, tránh thiệt hại.

 

 

Nhiều nơi ở ĐBSCL chuẩn bị cho vụ mùa mới Ảnh: Ngọc Trinh

 

Tại hội nghị "Sơ kết vụ hè thu và triển khai kế hoạch sản xuất vụ thu đông 2017 tại Đông Nam Bộ và ĐBSCL" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 23-6 tại TP Cần Thơ, ông Lê Thanh Tùng, Phó trưởng Văn phòng phía Nam (Cục Trồng trọt), cho biết vụ hè thu, vùng ĐBSCL gieo sạ hơn 1,6 triệu ha, giảm gần 31.500 ha, năng suất ước đạt 5,69 tấn/ha. Tuy nhiên, sản lượng đạt hơn 9,4 triệu tấn, tăng 336.000 tấn so với hè thu năm 2016. Một số tỉnh giảm diện tích lúa hè thu như Sóc Trăng, An Giang, Long An, Vĩnh Long do chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, rau màu, trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi…

 

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, mùa lũ 2017 ở thượng nguồn sông Mê Kông có khả năng đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Đến cuối tháng 7, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu, Châu Đốc có khả năng ở mức 2,5-3 m, nguy cơ xảy ra ngập lụt ở 2 huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, tỉnh Long An và một số vùng ven sông, ngoài đê bao một số tỉnh như An Giang (các huyện An Phú, Tịnh Biên, thị xã Tân Châu, TP Châu Đốc), Đồng Tháp (các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, thị xã Hồng Ngự).

 

Trong 2 tháng 8 và 9-2017, mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên dần. Đỉnh lũ cao nhất năm ở đầu nguồn sông Cửu Long có thể ở mức báo động 2 đến báo động 3, tương đương đỉnh lũ trung bình nhiều năm, thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào khoảng nửa đầu tháng 10 (tại Tân Châu 4 m, tại Châu Đốc 3,5 m).

 

Ông Đặng Văn Dũng, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, nhận định: "Năm 2016, mực nước lũ đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu thuộc vào loại thấp nhưng do những tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017, mưa trái mùa xảy ra trên diện rộng, lượng mưa ở Nam Bộ luôn cao hơn trung bình nhiều năm. Có những trận mưa rất to, lưu lượng về qua 2 trạm đầu nguồn ở Tân Châu, Châu Đốc lớn hơn năm 2016 rất nhiều nên tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm nay không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và đời sống".

 

Cục Trồng trọt đề xuất tổng diện tích gieo sạ vụ thu đông ở ĐBSCL là 832.000 ha. Trước tình hình dự báo lũ về sớm và lũ cao hơn trung bình nhiều năm, ông Tùng cho rằng Cục Trồng trọt bố trí sản xuất vụ thu đông phân theo vùng ngập sâu, ngập nông và vùng ven biển. Theo đó, vùng ngập sâu gồm Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, thời vụ xuống giống bắt đầu vào cuối tháng 6 đầu tháng 7 với vùng đã xuống giống vụ hè thu trong tháng 4. Vùng ngập nông (thuộc vùng phù sa ngọt sông Tiền, sông Hậu) xuống giống vào thời điểm đầu tháng 7 và tháng 8.

 

Riêng vùng ven biển như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu xuống giống vụ thu đông bắt đầu từ tháng 8. "Ưu tiên sản xuất vụ thu đông ở những vùng an toàn với lũ, lấy mức lũ năm 2011 để bố trí sản xuất lúa cho vùng ngập sâu khu vực Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Hạn chế mức thấp nhất xảy ra bằng giải pháp về thời vụ, công trình đê bao, cống đập… Phấn đấu tăng sản lượng lúa thu đông để bù đắp sự sụt giảm ở vụ đông xuân bằng việc tăng năng suất, mở rộng diện tích vùng ngập nông và ven biển" - ông Tùng khuyến cáo.

 

Ca Linh

 

Quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản: Cần nâng cao nhận thức từ sản xuất đến tiêu dùng

 

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ

 

Nhiều ý kiến cho rằng, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm là biện pháp cấp bách có hiệu quả trước mắt nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Tuy nhiên, xử phạt chỉ giải quyết "phần ngọn", để giải quyết tận gốc của vấn đề, về lâu dài cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động tự giác của người dân, trong tất cả các khâu: cung cấp vật tư đầu vào, sản xuất, chế biến bảo quản và tiêu dùng.

 

Còn nhiều khó khăn

 

Thời gian qua, TP Cần Thơ kịp thời ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các chương trình, kế hoạch nhằm thực hiện tốt các quy định và chỉ đạo của Trung ương trong quản lý, đảm an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Thành phố cũng tập trung các giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ, nâng cao nhận thức, hành động của doanh nghiệp, người dân nhằm đảm bảo an toàn từ khâu sản xuất đến tiêu dùng. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Kết quả, thành phố đã ngăn chặn và xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; không để xảy ra tình trạng người dân lạm dụng các loại phụ gia và chất cấm trong bảo quản, chế biến thực phẩm và các sản phẩm nông lâm thủy sản. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn thành phố không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính nào. Thành phố cũng xây dựng và phát triển được nhiều mô hình sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản lâm thủy sản an toàn.

 

 

Nông dân ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ thu hoạch trái cây.

 

Tuy nhiên, công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn thành phố vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, hạn chế. Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, do đa số cơ sở sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực này quy mô nhỏ lẻ, việc phân công người quản lý hồ sơ, theo dõi sản xuất rất hạn chế. Các cơ sở thường vi phạm: không khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, không cập nhật kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định... Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực chuyên ngành vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản được quan tâm triển khai nhưng chưa thường xuyên, sâu rộng đến người sản xuất, kinh doanh. Ý thức chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm của một bộ phận người dân chưa cao do còn hạn chế về khả năng tiếp cận các quy định của pháp luật, một số cơ sở chưa nắm kịp thời các quy định và chưa thực hiện đúng. Trong khi đó, lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở các cấp còn ít về số lượng, phần lớn là kiêm nhiệm nên việc kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở chưa thực hiện đồng bộ và đúng mức. Một số quận huyện còn gặp khó trong bố trí nhân lực, nguồn kinh phí phục vụ công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm.

 

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức

 

Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cho rằng: Muốn thực phẩm an toàn phải đảm bảo an toàn cả quá trình sản xuất và tiêu thụ. Trên địa bàn thành phố, đa số các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản nhỏ lẻ. Vì vậy, cần có giải pháp mở rộng tuyên truyền, vận động tất cả các cơ sở thực hiện cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngành chức năng cũng cần quản lý chặt nguồn gốc xuất xứ hàng hóa bán tại các chợ gắn với việc tăng cường kết nối giữa các nhà sản xuất và tiêu dùng thực phẩm an toàn, có sự phối hợp liên ngành tốt trong công tác quản lý, tránh kiểm tra chồng chéo gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Bà Bùi Thị Nga, Trưởng Phòng Kỹ thuật an toàn và Môi trường, Sở Công thương TP Cần Thơ, cho rằng: Cần phải phối hợp liên ngành tốt và địa phương trong tuyên truyền, hỗ trợ người dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm. Thực tế cho thấy, nhiều cơ sở trên địa bàn thuộc dạng nhỏ lẻ, chủ hộ kinh doanh còn gặp khó trong nắm bắt các quy định của Nhà nước cũng như ngại đăng ký các thủ tục theo quy định do phải tốn thêm nhiều chi phí, sản phẩm khó cạnh tranh trên thị trường.

 

Để tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng yêu cầu phải quan tâm thực hiện tốt các quy định và chương trình, kế hoạch của Trung ương và thành phố. Các sở ngành và địa phương, nhất là ngành nông nghiệp phải xác định năm 2017 là năm cao điểm hành động an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản và nắm rõ các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch để tổ chức thực hiện tốt trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa nội bộ ngành và các bên liên quan. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, thực hiện cam kết, kiểm tra xử lý kịp thời các vi phạm… nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của người dân. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ người dân xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn, tạo các điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường kết nối với nông dân…

 

Thành phố hiện có hơn 222ha nuôi thủy sản theo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và thực hành nông nghiệp tốt, như VietGap, GlobalGAP, ASC, BMP… Trong đó có hơn 218ha cá tra và 3,87ha các loại thủy sản khác. Nhiều diện tích lúa, rau màu cây ăn trái tại thành phố cũng được sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP. Cụ thể: có 83ha lúa tại huyện Vĩnh Thạnh và Cờ Đỏ được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hơn 10ha rau tại quận Bình Thủy đạt chuẩn VietGAP, 10ha cây ăn trái tại Phong Điền sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP…

 

Ngoài 12 siêu thị và trung tâm thương mại, trên địa bàn thành phố cũng xuất hiện hàng chục cửa hàng tiện ích và điểm kinh doanh có bán các loại thực phẩm, sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn.

 

Khánh Trung

 

Tỷ phú nông dân Trần Văn Đảm

 

Nguồn tin:  Báo Cà Mau

 

Ở xứ Hoà Thành, TP. Cà Mau, bà con không tiếc lời khen ngợi anh Trần Văn Đảm, ấp Bùng Binh, một nông dân chân chất, hiền hoà lại cần cù, chịu thương chịu khó, nhạy bén trong sản xuất.

 

 

Ngoài nuôi tôm, anh Trần Văn Đảm còn tận dụng đất trống xung quanh nhà trồng rau màu, cây ăn trái.

 

Kể về quá trình làm giàu của mình, anh Đảm bộc bạch: “Năm 2000 trở về trước, khi vùng đất này còn sản xuất nông nghiệp, với diện tích chưa đầy 3 ha, ngoài làm lúa 2 vụ, tôi mạnh dạn đầu tư đào 6 ao nuôi cá bống tượng, cá chình. Sau khi thu hoạch, trừ chi phí mỗi năm thu về trên 150 triệu đồng. Thời đó, mức thu nhập này được coi là rất “lý tưởng” cho hộ sản xuất nông nghiệp xứ này”.

 

Đến khi có chủ trương cho chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm, bước đầu anh Đảm nuôi quảng canh, mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng.

 

Không dừng lại đó, năm 2004, anh là một trong những người tiên phong đầu tư nuôi tôm công nghiệp ở địa phương, với 3 ao nuôi tôm sú và 1 ao lắng. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật và học hỏi thêm kinh nghiệm thực tiễn từ những hộ nuôi tôm công nghiệp ở một số địa phương khác, anh Đảm thực hiện thành công mô hình này. Các vụ tôm năm đó, anh đều trúng đậm.

 

Trên đà phát triển, anh sang thêm gần 11 ha đất và mở rộng quy mô sản xuất từ 3 ao nuôi ban đầu lên 20 ao, diện tích mỗi ao từ 2.500-4.500 m2, mỗi năm lãi ròng trên 1 tỷ đồng.

 

Khi nhà nhà đổ xô nuôi tôm công nghiệp, do xử lý chưa tốt nên nguồn nước bị ô nhiễm, nhiều hộ nông dân bị phá sản, năm 2014, anh Trần Văn Đảm tiến hành san ủi lại những ao tôm công nghiệp để nuôi tôm quảng canh cải tiến. Với trên 10 ha tôm sú mật độ thưa kết hợp nuôi cua, mỗi con nước anh thu hoạch không dưới 50 triệu đồng.

 

Nhờ nhạy bén trong việc chọn mô hình sản xuất thích hợp, hiệu quả bền vững mà nhiều năm liền anh Trần Văn Đảm được công nhận nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, nhà cửa khang trang nhất vùng, các con đều thành đạt. Nói về anh, bà con trong ấp Bùng Binh đều nhận xét giàu mà sống nghĩa tình, chan hoà, sẵn sàng giúp đỡ bà con lối xóm./.

 

Phùng Quốc Toàn

 

Nhà nông lao đao vì nuôi trồng: Khổ vì nuôi cá

 

Nguồn tin:  Báo Cà Mau

 

“Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo”, câu nói ấy dường như đang gây hụt hẫng rất nhiều cho nông dân tại thời điểm này. Nghề nuôi cá đã từng là nghề “hot” của nông dân Tân Thành, rồi nhân rộng ra toàn tỉnh Cà Mau; nuôi heo từng là 1 hình thức tiết kiệm hiệu quả nhất của nông dân… Thế nhưng, trong cơn lốc thị trường, những ngành sản xuất không có sự tính toán cẩn thận sẽ nhanh chóng bị loại khỏi cuộc chơi, và nông dân vẫn là người khốn đốn nhất. Không chỉ có nuôi cá, nuôi heo, mà trồng rau màu, nông dân cũng khốn đốn vì giá cả luôn bấp bênh. Vậy nông dân sai gì khi làm ra sản phẩm hay họ trông đợi vô vọng từ ngành chuyên môn một lời khuyên trách nhiệm, một quy hoạch hợp lý?

 

Nhãn hiệu tập thể cá chình, cá bống tượng xã Tân Thành được công nhận, nông dân rất phấn khởi vì cứ ngỡ rằng khi đã có thương hiệu chính thức sẽ mở ra hướng đi mới trong sản xuất, không còn bị thương lái ép giá. Nhưng niềm vui đó không giữ được lâu, vì từ trước Tết đến nay, giá cá nuôi liên tục xuống dốc không phanh khiến nhiều hộ dân như ngồi trên lửa.

 

Gặp khó trăm bề

 

Tôi trở lại xã Tân Thành, TP. Cà Mau sau hơn 2 tháng và gặp lại những nông dân đã một thời “vươn lên từ đất”. Không khác với lần trước, vẫn với vẻ mặt đượm buồn pha chút thất vọng, ông Tô Hoàng Xuyên, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành dẫn tôi “tham quan” những ao cá kèo, cá bống tượng, cá chình… ế chỏng chơ đang “nằm thoi thóp” để chờ giá lên.

 

 

Cá kèo Tân Thành năm nay trúng mùa nhưng rớt giá thê thảm. Ảnh: Hoàng Tú.

 

Ông Tô Hoàng Xuyên nói, đầu năm 2000, Nhà nước ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích bà con đào ao thả cá. Nhờ được mùa, trúng giá nên chỉ sau vài năm, đa phần đời sống của bà con nâng lên rõ rệt, nhiều hộ đã trả sổ hộ nghèo và xây dựng cơ ngơi kiên cố.

 

“Riêng Ấp 4 là ấp không còn hộ nghèo. Nhưng nếu thực trạng giá cá liên tục giảm mạnh thì chắc nhiều hộ dân phải lại đăng ký “nghèo bền vững”, ông Tô Hoàng Xuyên than thở.

 

Ông Tô Hoàng Xuyên cho biết, khoảng 4 năm về trước, giá cá cao ngất ngưởng, nhiều hộ phất lên làm giàu nhờ con cá. Thấy vậy, bà con ùn ùn đào ao nuôi cá dẫn đến tình trạng “dội hàng”. Hiện nay, diện tích nuôi cá trong toàn xã Tân Thành khoảng 240 ha, chủ yếu là nuôi cá chình, cá bống tượng với gần 1.000 hộ nuôi.

 

Riêng cá kèo có 20 hộ nuôi với khoảng 17 ha. Vụ vừa qua có đến 15 hộ thua lỗ từ 20–30 triệu đồng, 5 hộ may mắn phá huề. Với nét mặt ngao ngán, anh Mạc Trường Giang, 38 tuổi, Ấp 5, xã Tân Thành thở dài: “Vụ này được mùa mà mất giá, đến nay giá cá kèo vẫn không nhỉnh lên chút nào. Thế nhưng tiền ban đất lấp ao còn mắc hơn tiền mua con giống nên vụ này tôi liều nuôi cá một phen nữa xem sao. Hy vọng là giá cá tăng lên để nông dân tụi tôi đỡ khổ”.

 

Xã Tân Thành có thế mạnh nuôi cá. Xã đã thành lập được 2 tổ hợp tác nuôi cá chình, 6 tổ hợp tác nuôi cá bống tượng, 1 câu lạc bộ 90 triệu nuôi cá bống tượng và Hợp tác xã Tân Thành Tiến nuôi cá chình, nhưng việc liên kết “4 nhà” vẫn còn rất lỏng lẻo. Vụ cá rớt giá vừa qua, bà con nông dân khốn đốn tìm thương lái và dẫu biết bị ép giá nhưng họ vẫn phải bán tháo, bán đổ.

 

Anh Phan Văn Vạn, 38 tuổi, Ấp 5, xã Tân Thành một thời “vươn lên từ đất” trầm ngâm kể, ngày mới ra riêng anh chỉ có mảnh vườn để nuôi cá. Ấy vậy mà chỉ sau vài năm phấn đấu, chí thú làm ăn, anh đã xây cho mình căn nhà gần 150 triệu đồng và có dư đôi chút. Vụ rồi, anh nuôi 2 ao cá bống tượng với diện tích khoảng 400 m2 nhưng đến thời điểm lên cá thì giá sụt mạnh. Do không có vốn để neo ao, anh đành ngậm ngùi “nhắm mắt” bán rẻ như cho.

 

Ông Tô Hoàng Xuyên thông tin, ao cá chình, cá bống tượng tầm 100 m2 thì trung bình mỗi ngày phải tốn khoảng 10 kg thức ăn với giá cá mồi dao động từ 12.000–15.000 đồng/kg. Bởi thế, chỉ những hộ khá giả mới có khả năng neo ao trong thời gian dài. Còn những hộ trung bình hoặc khó khăn thì phải bán tháo bán đổ thế nên nghèo vẫn hoàn nghèo.

 

“Thủ phủ” cá bổi thất thủ

 

Sau khi nuôi cá rô bị thiệt hại nặng nề vì giá cả bấp bênh, nông dân huyện Trần Văn Thời chuyển sang nuôi cá bổi. Ban đầu việc nuôi cá bổi chỉ mang tính tự phát một vài hộ. Dần dà, khi thấy nhiều hộ nuôi trúng mùa và giá thành ổn định nên bà con ngày đêm đào ao thả giống.

 

 

Khô bổi Trần Văn Thời nức tiếng xa gần nhưng 2 năm nay bắt đầu chịu cảnh ế hàng dội chợ và giá cả giảm thảm hại. Ảnh: Nhật Huy.

 

Thế nhưng gần 2 năm nay, giá cá bổi trên thị trường lao dốc không phanh, một phần do lượng cá bổi từ tỉnh trên chở về Cà Mau quá nhiều và được bán với giá rất thấp. Tại thời điểm này, giá cá bổi chỉ khoảng 17.000 đồng/kg khiến nông dân huyện Trần Văn Thời và U Minh mất ăn mất ngủ dù họ cũng đã sở hữu thương hiệu “Cá bổi U Minh”.

 

Anh Nguyễn Chí Cuộc, Khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời cho biết: “Năm rồi tôi nuôi 1 ao cá bổi. May mắn là tôi lên cá sớm, được giá 32.000 đồng/kg nên chỉ lỗ đôi chút. Chứ nếu đợi tới thời điểm này vừa tốn tiền thức ăn, vừa liên tục sụt giá thì bị lỗ nặng rồi. Lúc trước tôi cũng khá lên nhờ con cá bổi nên giờ dẫu nó có bị rớt giá vẫn đeo nuôi tiếp, vì nếu bỏ tôi cũng không biết làm nghề gì”.

 

Khác với anh Cuộc, nhiều hộ dân ở kinh Dân Quân, Khóm 2, thị trấn Trần Văn Thời đã “đầu hàng” con cá bổi. Do vụ vừa rồi nuôi nhiều nên họ bị tổn thất nặng nề, có hộ thua lỗ trên 100 triệu đồng. Đi đến kinh này, thấy ao, đầm bỏ trống mới thấu được nỗi khổ của người dân. Hết vốn làm ăn, một số hộ bỏ đi Bình Dương, Đồng Nai làm công nhân. Còn đối với những người muốn bám trụ thì làm mướn hay lấy ao trống nuôi cá phi để kiếm ăn qua ngày.

 

Trong cái khó có cái may, vì ở ngay thị trấn đã xuất hiện “người hùng” gỡ bí cho hàng chục hộ dân đang bế tắc đầu ra con cá bổi. Ông Ba Đức (Lê Minh Đức, 69 tuổi, Khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời) thu mua hết số lượng cá bổi của hơn 20 hộ dân và đang giải quyết việc làm cho gần 30 người làm công. Trước tình hình cá bổi thịt xuống giá sát đáy, ông đã chuyển sang làm khô để bán ra thị trường với giá thành tương đối cao.

 

Đợt rồi ông Ba Đức đã thu mua trên 75 tấn cá thịt chế biến thành 25 tấn cá khô để bán cho các đại lý trong và ngoài tỉnh. Diện tích nuôi cá bổi của huyện là 217 ha, trung bình năng suất 20 tấn/ha. Rõ ràng, sau mỗi vụ nuôi thì lượng cá bổi cung cấp ra thị trường là rất lớn, không thể một mình ông Ba Đức cáng đáng được.

 

Thế nhưng, trong câu chuyện trao đổi với ngành có trách nhiệm duy nhất của huyện về vấn đề nuôi trồng, họ lại đẩy phần khó về nông dân. Ông Duy Quốc Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời nhận định, nông dân muốn có đầu ra ổn định và không bị thương lái ép giá thì phải ý thức làm ăn tập thể, theo dõi thông tin thị trường và không nên sản xuất dàn trải khi chưa tìm được chuỗi đầu ra. Nông dân nên thành lập hợp tác xã để mời gọi các doanh nghiệp lớn về đầu tư, đặt hàng sản phẩm. Nhưng với thực tế hiện nay tỉnh ta chưa có nhiều doanh nghiệp lớn nên gặp không ít khó khăn. Vì thế, Phòng NN&PTNT sẽ phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ và giúp đỡ nông dân về việc tìm đối tác.

 

Hơn 10 năm nông dân nuôi cá bổi mà hôm nay ngành chuyên môn mới có ý định phối hợp để hỗ trợ cùng những lời khuyên bàn giấy thì việc làm ăn tự phát và hệ lụy là không tránh khỏi. Câu hỏi thực tế đặt ra là ngành chuyên môn được thành lập để giữ vai trò gì trong đời sống của nhà nông?

 

Ông Lê Minh Đức tâm sự: “Khi thấy bà con khổ quá, tôi cũng muốn thành lập một hợp tác xã làm khô cá bổi để cùng nhau vượt qua khó khăn này. Nhưng điều này rất khó, vì hiện nay chúng tôi chưa tìm được công ty hay doanh nghiệp nào đặt hàng khô cá bổi mà chỉ bán lẻ. Nếu sản xuất ồ ạt, đại trà thì tiếp tục bị ứ đọng vì không có đầu ra. Rất mong các ngành chức năng hỗ trợ chúng tôi về vấn đề tìm đầu ra”.

 

Phóng sự của Phùng Ngọc Trầm

 

Nhà nông lao đao vì nuôi trồng: Đắng cay vì rau màu

 

Nguồn tin:  Báo Cà Mau

 

Trước nay, nhiều dự án, nhiều chương trình xóa đói giảm nghèo hướng vào khuyến khích sản xuất rau màu. Từ các huyện vùng mặn đến vùng ngọt, đâu đâu cũng có phong trào cải tạo đất hoang hóa trồng rau màu để cải thiện thu nhập. Dẫu vậy, khi mùa màng bội thu về sản lượng, nông dân lại hụt hẫng vì không biết bán ở đâu. Và khi ấy, hỏi ngành từng khuyến cáo mình trồng, thì họ đã… dắt con bỏ chợ.

 

Ông Duy Quốc Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết, chỉ tính riêng vụ rau màu, huyện đã có gần 800 ha cho năng suất rất cao. Nhưng vấn đề muôn thuở là đầu ra của sản phẩm không ổn định. Đôi khi tới vụ thu hoạch không có thương lái đến mua buộc người nông dân phải bán tháo bán đổ để tránh tình trạng vứt bỏ.

 

Giàu lên vì rau, khổ cũng vì rau

 

Xã Phong Điền là một trong những xã đi đầu trong việc trồng màu của huyện Trần Văn Thời. Chỉ tính riêng năm qua, toàn xã có gần 700 hộ trồng màu với diện tích khoảng 60 ha, tập trung ở ấp Đất Biển và Đất Mới.

 

Để tận mắt chiêm ngưỡng màu xanh trên vùng đất mặn, từ ủy ban xã, chúng tôi phải đi đò gần 1 tiếng đồng hồ mới đến được 2 ấp này. Bà Nguyễn Thị Út, Trưởng ấp Đất Biển tình nguyện làm “hướng dẫn viên” để giới thiệu về các mô hình trồng màu ở địa phương. Bà Út cho hay, ở đây, bà con chủ yếu là trồng màu trên đê và một số trồng trên bờ vuông. Do ven biển, phù sa thường xuyên bồi đắp nên đất đai màu mỡ. Và cũng nhờ mô hình này mà nhiều hộ dân đã trả sổ hộ nghèo và vươn lên làm giàu.

 

Bà Út cho biết, do nuôi tôm thất bát, một số hộ dân đã thử nghiệm trồng màu. Ấy vậy mà, rau màu phát triển tươi tốt quanh năm, bà con liên tiếp trúng vụ. Nhận thấy thuận lợi, bà con ồ ạt cải tạo đất, lên liếp trồng và thành lập tổ hợp tác rau màu 30/4. Thế nhưng, hiện nay giá cả rau màu lại bấp bênh và đầu ra không ổn định nên nông dân gặp nhiều khó khăn.

 

Ở ấp Đất Mới cũng có 1 tổ hợp tác trồng rau màu là Tổ hợp tác 1/5 và cũng cùng nỗi niềm ế ẩm. Ông Phạm Thái Hòa, Bí thư Chi bộ ấp Đất Mới, cho biết, Tổ hợp tác trồng rau màu 1/5 được thành lập vào tháng 11/2008. Ban đầu chỉ có 18 thành viên và đến nay đã tăng lên 53 thành viên với 11 ha trồng màu. Trung bình mỗi vụ, tổ hợp tác cung cấp ra thị trường trên 80 tấn rau màu các loại.

 

Anh Lê Văn Sáng, 45 tuổi, thành viên tổ hợp tác, tâm tình, lúc mới ra riêng chỉ vỏn vẹn 5.000 m2 đất sản xuất, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn và thuộc diện hộ nghèo. “Nhiều đêm tôi trằn trọc, suy tính tìm cách để vươn lên và cuối cùng tôi quyết định cải tạo đất trồng màu và cuộc sống ổn định hơn”, anh Sáng trãi lòng.

 

Chỉ sau vài năm làm việc chăm chỉ, anh Sáng đã trả lại sổ hộ nghèo và trở thành người thuần thục kỹ thuật trồng màu nhất vùng. Vụ mùa này, anh trồng dưa leo và đã thu về cho gia đình gần 150 triệu đồng. Nhưng hiện nay, các hộ dân đều gặp khó về đầu ra. Do lượng cung quá lớn nhưng thương lái lại ít nên dẫn đến “dội hàng” và bị ép giá. Anh Sáng cho biết thêm, ở đây bà con chỉ bán ra chợ Sông Đốc. Mà đường sá không có nên trời nắng thì còn có thể chở đi bán được, chứ trời mưa thì đành nhìn rau, củ úng thúi rồi bỏ đi.

 

 

Ông Trần Văn Bính, ấp Đất Mới, xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời (bìa trái) có gần 1 ha chủ yếu trồng bí đỏ và mãng cầu. Mỗi ngày, hai vợ chồng già phải dùng xe gắn máy chở ra Sông Đốc bán, không hết thì lại vất vả chở về. Ảnh: Chí Diện.

 

Đồng cảnh ngộ với anh Sáng, lão nông Trần Văn Bính, ấp Đất Mới, cho biết, mảnh vườn của ông gần 1 ha chủ yếu trồng bí đỏ và mãng cầu. Hễ cứ đến mùa thu hoạch, hai vợ chồng già phải khệ nệ dùng xe gắn máy chở ra Sông Đốc bán. Bữa nào hên thì bán được nhiều, còn không thì lại vất vả chở về.

 

Ông Nguyễn Văn Giới, Chủ tịch Hội nông dân xã Phong Điền, cho biết, từ khi bà con tham gia vào Tổ hợp tác trồng màu 30/4 và Tổ hợp tác 1/5, đời sống cải thiện rõ nét. Thế nhưng, thời gian gần đây giá cả bấp bênh và đầu ra không ổn định nên nhiều hộ dân rất ái ngại sản xuất quy mô lớn, nên diện tích trồng rau màu trong thời gian tới có nguy cơ thu hẹp lại. Và như thế, đồng nghĩa con đường thoát nghèo, làm giàu của nông dấn dần bị thu hẹp lại.

 

Rau VietGAP cũng khổ lây

 

Những tưởng, trồng màu không theo quy hoạch thì hiển nhiên sẽ gặp khó về đầu ra, còn có quy hoạch hẳn hoi, thương hiệu đàng hoàng thì bà con chỉ cần cố gắng sản xuất thì khách hàng sẽ ồ ạt đến mua; chí ít cũng có đầu mối bao tiêu. Nhưng không, mọi ước vọng của người dân xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau đều đã bị sụp đổ tan tành.

 

 

Lúc trước, bà Lưu Thị Đẹp, ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm trồng rau sạch, cây rau không mướt, bà phải vất vã ra chợ Phường 7, TP. Cà Mau bán lẻ từ 3 giờ chiều đến 8 giờ đêm, rồi từ 10 giờ đêm đến 5 giờ sáng mới mong hết ra số rau đã trồng.

 

Anh Nguyễn Văn Toàn, Bí thư chi bộ ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau từ chối quyết liệt khi tôi đặt vấn đề ông cùng xuống nhà dân để nắm tình hình. Ông nói, giờ mà “ló mặt xuống” là dân chửi chết. Dân chửi cũng không sao, ông quen rồi, nhưng sợ tôi là người lạ, sẽ bị sốc. Ông buồn rầu kể, khoảng 3 năm trước, lúc mới triển khai trồng thí điểm rau sạch trong nhà lưới, ấp đi vận động bà con tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật, quy trình trồng rau sạch, rau an toàn và kêu gọi bà con mua lưới, mua cây để làm nhà lưới. Vì hứa hẹn sẽ bao tiêu đầu ra nên bà con rất phấn khởi nhưng đến lúc thu hoạch thì lại nơi tiêu thụ khiến người dân vô cùng hụt hẫng. Không còn cách nào khác, họ phải đem ra chợ bán với giá bằng với rau thường, đôi khi còn thấp hơn hoặc cho không. Vì trồng theo quy trình VietGAP, nông dân phải hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật nên mẫu mã sản phẩm xấu hơn rau thường.

 

Từ hơn 2 ha đất trồng theo quy trình rau an toàn, đến nay ấp Ông Muộn chỉ còn 8.000 m2 trồng theo quy trình này. Bà Lưu Thị Đẹp, 64 tuổi, ấp Ông Muộn, nói: “Trồng theo quy trình để làm gì khi giá cả bán ra cũng vậy. Lúc trước, tôi đầu tư nhà lưới hơn 500 m2 để trồng rau mà mấy ổng có bao tiêu đâu. Bây giờ tôi trồng rau ở ngoài, khi nào thấy sâu thì cứ xịt thuốc, cây rau phát triển nhanh hơn, mập mạp hơn trồng trong nhà lưới nhiều”.

 

Bà Đẹp hồi tưởng, trước đa phần người dân ở đây đều sống nhờ cây lúa. Nhưng sau thời gian nhận thấy trồng lúa vất vả, thời gian thu hoạch dài nhưng lợi nhuận không cao nên hầu hết người dân chuyển sang trồng màu. Lúc nghe triển khai trồng màu theo quy trình, ai nấy đều rất háo hức vì nghĩ không còn lo sợ về đầu ra nữa. “Ai ngờ, rau chất hàng đống mà không thấy ai xuống thu mua. Ngặt cái, cây rau sạch mẫu mã không được xanh mướt nên rất khó bán lẻ. Cho nên mỗi ngày tôi phải đem ra chợ Phường 7 bán lẻ. Bán từ 3 giờ chiều đến 8 giờ đêm, rồi từ 10 giờ đêm đến 5 giờ sáng. Bán liên tục như vậy để không bị ứ hàng. Thời điểm đó thiệt quá khổ”, bà Đẹp chua chát.

 

 

Ông Nguyễn Văn Tiếng, ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm vừa trồng rau vừa phải mang đi bán lẻ, rất vất vả.

 

Tiếc 1.000 m2 nhà lưới, ông Nguyễn Văn Tiếng, 53 tuổi, ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm tiếp tục trồng. “Trồng rau trong nhà lưới hạn chế được sâu, bọ tấn công. Mấy năm nay, dân tụi tui luôn được mùa mà cứ mất giá hoài nên mong các ngành, các cấp hỗ trợ tìm đầu ra ổn định. Chớ mỗi ngày chở ra chợ Phường 7 bán lẻ thì thật là khốn khổ, còn thời gian đâu trồng, chăm sóc rau?” ông Tiếng bức xúc.

 

Câu chuyện trồng rau cũng kết thúc không có hậu như câu chuyện người nuôi cá.

 

Ban đầu, theo quy hoạch sẽ thực hiện trồng rau VietGAP ở ấp Ông Muộn nhưng do vào khu đô thị nên chuyển sang ấp Chánh. Hiện tại, dự án trồng rau VietGAP đang được trình diễn thí điểm. Do việc vận động bà con tham gia vào hợp tác xã gặp khó nên số thành viên chỉ mới 12 người trồng thí điểm trên diện tích 5 ha.

 

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm cho biết, dưa hấu đã được công nhận chuẩn VietGAP. Vụ dưa Tết vừa qua bán rất chạy, chưa đến 30 Tết mà đã không còn một trái dưa. “Còn dự án rau VietGAP thì mới bắt đầu trồng trình diễn, đến khi nào nông dân làm ra sản phẩm và được kiểm định đạt chất lượng mới được cấp giấy chứng nhận. Và sau đó, chúng tôi còn phải chào hàng để tìm đầu ra cho sản phẩm, đây là điều không hề dễ dàng. Rất mong các ngành, các cấp quan tâm, giúp đỡ”, ông Phúc kiến nghị.

 

“Làm cán bộ ấp như tôi lương bổng không có bao nhiêu, chủ yếu làm vì tinh thần phục vụ, cống hiến cho bà con địa phương mình. Nhưng hóa ra chưa giúp được gì cho họ mà thấy lời hứa của mình vô phương thực hiện rồi. Mỗi khi gặp họ là lại nghe hỏi: “Khi nào có người xuống mua rau vậy chú?”, dần dần họ bức xúc nhiều nên cũng có đôi lời không hay. Mà sao trách được họ, tại khổ quá thôi!”, anh Toàn trải lòng.

 

Sau khi thuyết phục anh Nguyễn Văn Toàn bất thành, anh Trương Chí Nguyện, Trưởng ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, miễn cưỡng: “Để tôi dẫn đi hen! Mà phải chuẩn bị tâm lý trước, vì phóng viên mà xuống hỏi thăm thì người dân họ tranh nhau nói ra bức xúc của mình nhiều lắm”.

 

Phóng sự của Phùng Ngọc Trầm

 

Nhà nông lao đao vì nuôi trồng - Bài 3: Hướng mở nào cho nông dân?

 

Nguồn tin:  Báo Cà Mau

Muốn đi lên sản xuất hàng hóa lớn phải đẩy mạnh chuyên môn hóa: nông dân là người chuyên tâm nuôi trồng, bán buôn là chuyện của thương nhân. Nhưng trớ trêu thay, nông dân hiện nay ngoài nuôi trồng, họ còn phải là người buôn bán những sản phẩm do chính mình làm ra – một cách “tự sản, tự tiêu”. Ít nhất 2 ngành quản lý sản phẩm “từ ruộng đồng tới bàn ăn” là ngành nông nghiệp và thương nghiệp, nhưng dường như họ “vô can” khi quy hoạch mùa vụ, định hướng thị trường không được thực hiện một cách quy củ.

 

Bà Đoàn Thị Duyên (64 tuổi, Phường 1, TP. Cà Mau) là nông dân duy nhất của Cà Mau đến thời điểm này đã đưa được nông sản duy nhất đạt chứng nhận an toàn để vào hệ thống Co.opMart. Thương hiệu “Rau mầm bà Năm” đã được bày bán trong siêu thị Co.opMart mấy năm qua nhưng không phải do cơ quan xúc tiến thương mại nào hỗ trợ mà do bà tự “tìm đường”, còn tất cả nông dân khác, cây rau vào siêu thị là một hành trình xa dịu vợi.

 

Nhọc nhằn “đi biển mồ côi”

 

Tờ mờ sáng đã thấy nhiều chiếc xe máy lỉnh kỉnh chở hàng khối nông sản tự trồng từ nhà ra chợ Phường 7, TP. Cà Mau bày bán. Vật vã ngồi hàng giờ đồng hồ nhưng có người chỉ bán được vài bó rau, vài con cá, trái bầu, trái bí… Đó là chưa kể đến chuyện thời tiết thất thường làm thiệt hại không nhỏ đến số lượng và chất lượng sản phẩm.

 

 

Ngoài "Rau mầm bà Năm", tất cả nông sản hàng hóa tại Co.opMart Cà Mau đều nhập từ nơi khác về.

 

Vội lau nhẹ mồ hôi còn lấm tấm trên vầng trán, bà Nguyễn Thị Út, ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, bán rau cải ở chợ Phường 7, TP. Cà Mau, bộc bạch: “Ròng rã trồng màu suốt mấy tháng trời chỉ mong đến ngày thu hoạch. Nhưng buôn bán như thế này giống như cầu may vậy. Do ở đây rất nhiều tiểu thương và người dân tập trung đến bán nên hôm nào may mắn thì hết hàng, còn không lại chở về”.

 

Bà Út tâm sự: “Vừa ngồi bán mà tôi vừa hồi hộp khi trời bắt đầu chuyển mưa. Vì trời mưa thì không biết sẽ dời khối rau, cải này đi đâu cho khỏi ướt và chắc hẳn rằng lượng khách đi chợ sẽ giảm rất nhiều. Giờ ước gì có mớ vốn để ở nhà chăn nuôi gà, vịt hoặc đào ao nuôi cá để khỏi mất công đi sớm về muộn nhưng không lời lãi bao nhiêu”.

 

Thực tế cho thấy, không chỉ rau màu gặp khó về đầu ra mà chăn nuôi cũng chẳng khởi sắc hơn. Dẫu đã thành lập tổ hợp tác và đã được cấp bằng chứng nhận nhãn hiệu tập thể nhưng nông dân xã Tân Thành, TP. Cà Mau vẫn bị thương lái ép giá và vẫn chưa được hỗ trợ về đầu ra. Sự liên kết giữa nông dân, Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học vẫn chưa chặt chẽ. Hiện nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào bao tiêu sản phẩm nên bà con vẫn phải tự tìm cách tiêu thụ sản phẩm của mình làm ra. Có người tìm thương lái bán rẻ, lại có người “trồng tận gốc, bán tận ngọn”.

 

Ông Tô Hoàng Xuyên, Phó chủ tịch Hội nông dân xã Tân Thành, TP. Cà Mau, bộc bạch: “Không chỉ đầu ra không ổn định mà đầu vào cũng rất bấp bênh, vì chất lượng con giống quá kém, giá cả vật tư quá cao. Chúng tôi mong muốn các ngành chức năng kiểm soát sát sao hơn nữa về con giống, vật tư nông nghiệp – thủy sản”.

 

Trở lại chuyện hành trình “Rau mầm bà Năm” gian nan tìm đường vào siêu thị, bà Đoàn Thị Duyên tâm sự: “Sau nhiều lần thử nghiệm trồng rau mầm thất bại, cuối cùng tôi cũng đã cho ra sản phẩm rau mầm như ý muốn. Nhưng sản phẩm ra đời mà không ai biết đến nên không còn cách nào khác, tôi đem rau cho hàng xóm và người thân quen, đồng thời giới thiệu cho họ biết về tác dụng và cách sử dụng rau mầm”.

 

Nhờ “tiếng lành đồn xa”, nhiều người đã đến cơ sở của bà Duyên đặt hàng rau mầm để đem về phục vụ cho bữa ăn hoặc đám tiệc trong gia đình. Thấy sản phẩm mình làm ra đã được nhiều người chất nhận, bà Duyên “thừa thắng xông lên”, đem rau mầm chào hàng ở các quán nhậu, nhà hàng, Co.opMart Cà Mau và đều được chấp nhận.

 

Bà Duyên chia sẻ: “Từ trước đến nay, vợ chồng tôi “tự bơi” chớ không được ai giúp đỡ hay hỗ trợ bất cứ vấn đề gì. Và muốn đưa rau vào Co.opMart phải có giấy chứng nhận rau sạch của Sở NN&PTNT, giấy kiểm nghiệm vi sinh. Khi có được những thủ tục cần thiết, phía Co.opMart sẽ kiểm tra lại chất lượng rau và ký hợp đồng. Trong hợp đồng ký với Co.opMart có rất nhiều quy định nghiêm ngặt, buộc người trồng rau phải có trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra và tuân thủ đúng vấn đề an toàn thực phẩm”.

 

Dẫu cách làm của bà đã được nhiều báo đài trong và ngoài tỉnh tuyên truyền, quảng bá nhưng mấy năm qua vẫn chưa thấy ngành chức năng nào xúc tiến nhân rộng cách làm này cho bà con trồng màu ở nông thôn.

 

Nuôi mãi không chịu lớn

 

Anh Huỳnh Quang Hiệp, Quản lý chất lượng sản phẩm Co.opMart Cà Mau, cho biết: “Ở Cà Mau, chúng tôi chỉ nhập hàng “Rau mầm bà Năm” thường xuyên và dưa hấu Lý Văn Lâm vào dịp Tết vừa rồi; còn tất cả các mặt hàng nông sản khác đều nhập từ Đà Lạt và nơi khác. Dẫu chi phí có đắt đỏ hơn nhưng đảm bảo được các tiêu chuẩn chúng tôi đưa ra. Muốn sản phẩm của mình được bày bán trong siêu thị thì buộc người trồng phải đảm bảo được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm… Nhưng nhìn chung, ở Cà Mau, ngoài 2 địa chỉ vừa kể, chưa có nơi nào đạt được tiêu chuẩn này”.

 

 

Dẫu là tỉnh có tỷ trọng nông nghiệp lớn nhưng nông sản Cà Mau lại thua ngay trên sân nhà khi tranh chiếc vé vào siêu thị.

 

Rau an toàn xã Lý Văn Lâm đã phá sản mơ ước vào Co.opMart dẫu đã đầu tư số tiền không nhỏ. Ông Thái Văn Tính, Phó trưởng phòng Kinh tế TP. Cà Mau, lý giải: “Do người dân xã Lý Văn Lâm trồng rau gần khu chăn nuôi nên khi đến khi kiểm tra chất lượng để cấp chứng nhận rau sạch thì không đạt yêu cầu. Vì thế, chúng tôi không thể hỗ trợ bà con về đầu ra”.

 

Và khi nói như thế, trách nhiệm “rau an toàn không an toàn” thuộc người dân và cơ quan chuyên ngành vô can? Khi người dân được vận động, khuyến khích vào dự án trồng thí điểm rau sạch thì họ chỉ có nhiệm vụ trồng, còn ngành chuyên môn phải hỗ trợ họ về kỹ thuật và đầu ra. Vấn đề đặt ra là tại sao khi quy hoạch trồng rau, những người có trách nhiệm lại chọn nơi chăn nuôi hoặc không khuyến cáo hoặc bắt buộc người dân không được chăn nuôi khi thí điểm trồng rau?

 

Thí điểm rau an toàn đã không thành công, thời điểm này xã Lý Văn Lâm đang tiếp tục thí điểm trồng rau VietGAP với số vốn Nhà nước hỗ trợ khá lớn. Thế nhưng cũng chẳng biết quy hoạch vùng trồng rau đã hợp lý hay chưa, có được cấp chứng nhận và tìm được doanh nghiệp thu mua hay không thì không ai dám đứng ra đảm bảo.

 

Hiện có nhiều dự án Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích nông dân nuôi trồng nhưng vẫn bị kẹt cứng về đầu ra. Chẳng hạn như dự án nuôi cá sấu được triển khai ở Ấp 10, xã An Xuyên, TP. Cà Mau. Dự án này được đầu tư 300 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân, thời hạn hoàn trả vốn trong vòng 2 năm. Nhưng vừa qua, giá cá sấu giảm mạnh, nông dân khóc ròng vì kỳ hạn trả nợ sắp đến.

 

Ông Huỳnh Văn Cận, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi cá sấu Ấp 10, xã An Xuyên, buồn bã: “Chúng tôi rất vui khi được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế. Nhưng do thị trường trong nước dễ biến động nên rất mong các ban, ngành xem xét, quan tâm về vấn đề đầu ra cho chúng tôi”.

 

Chuyện muôn thuở của nông dân là vấn đề “đầu ra”. Đó không chỉ là lời cầu cứu của riêng ông Cận mà của toàn thể nông dân, vì hiện nay bất kể nuôi con gì hoặc trồng cây gì và nuôi trồng như thế để không bị tắt nghẽn về đầu ra thì rất nhiều ngành trong chuỗi sản xuất này chưa đưa ra được quy trình, quy hoạch. Và lời thỉnh cầu từ thực tế cuộc sống mong các ngành chức năng đừng ngồi yên mà hãy có động thái thiết thực, khoa học để tháo gỡ thực trạng này.

 

Mục tiêu dự án xây dựng vùng sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP tại xã Lý Văn Lâm là tạo vành đai xanh cho TP. Cà Mau. Theo phân kỳ thực hiện, năm 2013-2014, dự án triển khai trên quy mô 2,5 ha, với 35 hộ dân tham gia. Năm 2014–2015 mở rộng ra 8 ha, với 35 hộ tham gia. Tổng kinh phí đầu tư của dự án hơn 1,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn đối ứng của nông dân gần 800 triệu đồng. Cơ sở sơ chế rau an toàn do Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Lý Văn Lâm đầu tư hiện đang bỏ trống.

 

Phóng sự của Phùng Ngọc Trầm

 

Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả của thành viên HTX

 

Nguồn tin:  Báo Phú Yên

 

 

HTX Hòa Hiệp Bắc sẽ huy động vốn để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ đối với sản phẩm chim cút - Ảnh: Minh Duyên

 

Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ của HTX, nhiều thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) đã duy trì hiệu quả sản xuất hộ gia đình. Hiện HTX này tiếp tục hỗ trợ để thành viên tiếp cận những mô hình mới, cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Từ diện tích đất lúa kém hiệu quả, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Hiệp Bắc (HTX Hòa Hiệp Bắc) đã cải tạo lại và giao cho hộ dân đủ điều kiện kinh tế để trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao hơn. Theo ông Nguyễn Ngọc, Giám đốc HTX Hòa Hiệp Bắc, do đất trũng nên sau khi sạ lúa nếu gặp mưa đều hư giống dẫn tới mất mùa. Lâu dần đất bị bỏ không.

 

HTX thuê lại toàn bộ diện tích này, làm kè bao và cho một số hộ thả rau muống. Khi thấy mô hình trồng sen ở nhiều nơi cho hiệu quả kinh tế cao, HTX đã khuyến khích thành viên chuyển sang trồng sen. Hộ ông Nguyễn Quới ở thôn Phú Hiệp 3, thị trấn Hòa Hiệp Trung đã trồng sen trên diện tích 2,5 mẫu và bước đầu cho hiệu quả kinh tế. Ông Nguyễn Quới cho biết: Tôi chọn giống sen cao sản chuyên lấy hạt bán.

 

Tôi thu hoạch lần đầu từ ngày 5/6 vừa qua. Đến nay, mỗi ngày tôi thu hoạch 2-3 lần, mỗi lần 5 bao (1 bao 25kg). Hiện nay, với giá bán từ 12.000-16.000 đồng/kg thì một ngày tôi thu được từ 3-6 triệu đồng, gấp 5-6 lần trồng lúa. Đây mới là đầu vụ, vào chính vụ mỗi ngày tôi có thể thu hoạch 4-5 lần. Trồng sen đầu tư ban đầu một lần có thể tận thu 5 năm sau và không tốn chi phí phân thuốc.

 

Trong chăn nuôi, mô hình nuôi cút của các hộ thành viên HTX cũng phát triển mạnh, từ 15 hộ nuôi vào năm 1995, đến nay đã mở rộng hơn 300 hộ. Mỗi hộ có thu nhập từ 100-500 triệu đồng/năm. Điển hình là hộ ông Trương Ngọc Khuê ở thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Hiệp Bắc. Ông Khuê cho biết: Sau khi nuôi thử nghiệm thấy chim cút dễ nuôi lại cho giá trị kinh tế cao, tôi đã đầu tư hơn 500 triệu đồng để mở rộng chăn nuôi. Tôi mua lò ấp trứng, cung cấp cút giống cho bà con; quy hoạch trang trại thành các khu chuyên biệt như khu ấp giống, nuôi lấy trứng và nuôi lấy thịt. Khâu nào cũng được hiện đại hóa bằng các trang thiết bị và hệ thống điện, nước đầy đủ.

 

Hiện, tôi có trang trại cút rộng 300m2, trung bình mỗi năm tôi bán từ 700.000-800.000 con chim cút giống, cung cấp cho thị trường hơn 2 tấn cút thịt. Ngoài ra, tôi còn làm đại lý cung ứng thức ăn nuôi cút cho Công ty TNHH MTV Con Cò tại Bình Định, mỗi năm tôi bán hơn 1.500 tấn thức ăn nuôi cút cho bà con. Hàng năm, từ nuôi cút, gia đình tôi có thu nhập từ 300-400 triệu đồng.

 

Để đa dạng mô hình, HTX Hòa Hiệp Bắc phối hợp với Công ty CP Xuất khẩu nông sản sạch Việt Nam (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) để trồng gừng trong bao, mở ra một mô hình mới cho bà con. Theo HTX Hòa Hiệp Bắc, cán bộ HTX đã được đưa đi học hỏi thực tế mô hình, cũng như được trang bị kỹ thuật trồng gừng trong bao. HTX cũng đã chuẩn bị sẵn diện tích trồng. Theo kế hoạch, HTX sẽ trồng hơn 1.000 bao gừng. Sau thu hoạch, công ty sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

 

Đối với các mô hình đã triển khai và cho hiệu quả kinh tế, HTX tiếp tục đồng hành cùng với hộ thành viên giúp các mô hình này phát triển theo hướng bền vững. Theo ông Nguyễn Ngọc, Giám đốc HTX, HTX sẽ mở rộng diện tích trồng sen lên khoảng 1ha. Khuyến khích các hộ trồng sen kết hợp với nuôi cá và cua đồng. Đối với nuôi cút, HTX sẽ tập hợp các hộ nuôi, xây dựng thành chuỗi chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ. Các hộ nuôi đảm nhận các khâu từ ấp trứng bán giống đến cung cấp trứng lộn, trứng thường và cút thịt. Mỗi thôn đều có một hộ thu mua toàn bộ sản phẩm bán cho các thương lái cũng như cung cấp cám, con giống cho bà con. Từng hộ nuôi đều có chuồng trại được xây dựng kiên cố với hệ thống điện, nước cùng các loại máy ấp trứng, máy nhổ lông… HTX sẽ phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, chính quyền các cấp xây dựng thương hiệu sản phẩm và đưa trứng cút, thịt cút Hòa Hiệp Bắc vào các siêu thị để tiêu thụ.

 

Ông Phạm Trọng Yêm, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, nhận xét: Các mô hình sản xuất của thành viên HTX Hòa Hiệp Bắc đã phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập cao. HTX mong muốn xây dựng các mô hình này theo hướng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ. Để làm được điều này, đơn vị rất cần sự hỗ trở của các cấp ngành để có vốn đầu tư.

 

Minh Duyên

 

Khánh thành chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây

 

Nguồn tin:  Báo Đồng Nai

 

Ngày 28-6, tại xã Xuân Thạnh (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) đã diễn ra Lễ khánh thành Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây giai đoạn 1 do Công ty cổ phần bất động sản Thống Nhất (Tổng công ty Tín Nghĩa) làm chủ đầu tư.

 

Lễ cắt băng khánh thành Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây giai đoạn 1.

 

Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây giai đoạn 1 có diện tích 2 hécta, với tổng vốn đầu tư gần 50 tỷ đồng. Chợ được xây dựng hiện đại với 8 dãy ô vựa, mỗi ô vựa có diện tích từ 24-32m2. Đường nội bộ trong chợ rộng rãi, xe chở container có thể ra vào thỏa mái đâể vận chuyển hàng hóa. Hệ thống hạ tầng của chợ đầu mối Dầu Giây kết nối với Quốc lộ 1A, Quốc lộ 20.

 

 

Mua trái cây tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây.

 

Giai đoạn đầu, chợ kinh doanh buôn bán hàng nông sản thực phẩm: trái cây, rau, củ, quả, hoa tươi, các sản phẩm từ nông sản khác của Đồng Nai và cả nước. Giai đoạn 2 sẽ được đầu tư xây dựng vào năm 2018, trong đó sẽ mở rộng diện tích thêm 48 hécta, có kho lạnh bảo quản và sẽ kinh doanh thịt, thủy, hải sản.

 

Tại lễ khánh thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh, sau 6 tháng xây dựng, chợ đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Đây là chợ đầu mối nông sản đầu tiên của tỉnh và dự tính sau này sẽ nâng lên thành chợ đầu mối của khu vực phía Nam. Nông sản đưa vào chợ phải có chứng nhận an toàn, đảm bảo nông sản sạch và truy xuất được nguồn gốc. Chợ sẽ ưu tiên tiêu thụ nông sản sạch của Đồng Nai.

 

Hương Giang

 

Nông sản sạch tiếp tục được kết nối đầu ra

 

Nguồn tin:  Báo Long An

 

Việc ký kết phối hợp sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các chuỗi cung ứng nông sản giữa Long An và TP.HCM giai đoạn 2017 -2020 là cơ hội để nông sản của Long An mở rộng thị phần, nâng sản lượng và có đầu ra ổn định hơn.

 

 

Công nhân Hợp tác xã Phước Thịnh sơ chế rau an toàn

 

Tạo lối ra cho thực phẩm sạch

 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Lê Văn Hoàng cho biết, để tạo lối ra cho nông sản sạch, thời gian qua, Long An có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Bên cạnh đó, các nông sản được sản xuất theo quy trình VietGAP, được quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm, các cuộc xúc tiến thương mại,...

 

Huyện Cần Giuộc là một trong những địa phương được quy hoạch sản xuất rau an toàn của tỉnh. Địa phương có 8 hợp tác xã (HTX) rau an toàn, trong đó có 3 HTX được cấp chứng nhận VietGAP. Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cần Giuộc - Đồng Quang Đôn, hiện nay, mỗi ngày, bình quân 1 HTX cung cấp từ 3-6 tấn rau. Ở 3 HTX rau an toàn được chứng nhận VietGAP, chỉ có trên 20% rau an toàn được tiêu thụ thông qua liên kết với các doanh nghiệp đầu mối, bếp ăn tập thể, còn lại 80% phải bán cho các thương lái nên giá cả không ổn định. Đây là khó khăn lớn nhất của nông dân.

 

HTX Nông nghiệp - Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Phước Thịnh (gọi tắt là HTX Phước Thịnh), xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc hiện có 9 xã viên chính thức và 40 xã viên liên kết sản xuất trên diện tích hơn 25ha rau ăn lá, rau gia vị và củ, quả. Giám đốc HTX Phước Thịnh - Đặng Duy Dũng cho biết, tất cả xã viên đều thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất rau an toàn từ sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu đến các kỹ thuật canh tác khác. Chính điều này giúp HTX dần tìm được đầu ra tương đối ổn định, đưa được nhiều loại rau ăn lá vào các siêu thị tại TP.HCM. Bình quân mỗi ngày, HTX cung cấp cho các đơn vị từ 4-5 tấn rau. Ngoài ra, HTX có một lượng hàng xuất khẩu đi các nước bạn. Hiện, doanh thu hàng tháng của HTX từ 2-3 tỉ đồng.

 

Ngoài thế mạnh về rau an toàn, Long An còn là trung tâm giết mổ các loại gia súc, gia cầm cung cấp thực phẩm cho TP.HCM. Tổng Giám đốc Công ty (Cty) TNHH San Hà (xã Thanh Phú, huyện Bến Lức) - Phạm Thị Ngọc Hà cho biết: “Hiện, Cty cung ứng hơn 70 tấn sản phẩm/ngày cho thị trường TP.HCM. Các sản phẩm của Cty được giám sát nghiêm ngặt từ khâu chăn nuôi, sơ chế, vận chuyển, bảo quản, được cấp chứng nhận “chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn” của cơ quan thẩm quyền”.

 

Nhằm thỏa mãn các điều kiện về chuỗi an toàn thực phẩm, thời gian qua, Cty TNHH San Hà đầu tư cả trăm tỉ đồng trang bị dây chuyền giết mổ hiện đại từ châu Âu. Cty còn chủ động cung ứng con giống, thức ăn và quy trình nuôi đạt chuẩn đến nông dân,... nhằm hướng đến tiêu chí “Sạch - an toàn”. Sắp tới, doanh nghiệp còn đưa vào hoạt động trang trại nuôi gà công nghiệp rộng 75.000m2 tại Long An nhằm chủ động hơn nữa nguồn nguyên liệu.

 

Kết nối tiêu thụ

 

Vừa qua, tại Long An, Sở NN&PTNT Long An và Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM ký kết phối hợp sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các chuỗi cung ứng nông sản giai đoạn 2017-2020. Tại buổi ký kết, ông Lê Văn Hoàng cho rằng, thực tế hiện nay, nông dân cũng như các doanh nghiệp rất muốn sản xuất, chế biến thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn về đầu ra. Nếu nông sản của Long An có đầu ra, được bao tiêu ổn định thì tỉnh cam kết cung cấp sản phẩm sạch, theo chuẩn mà TP.HCM yêu cầu. Long An sẵn sàng tham gia chuỗi giá trị truy xuất nguồn gốc.

 

Mục tiêu của việc ký kết nhằm xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản an toàn giữa Long An và TP.HCM được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác) đến cơ sở sơ chế/giết mổ, chế biến, kinh doanh nông sản và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ. Dự kiến, đến năm 2020, phần lớn nông sản chủ lực của Long An tiêu thụ tại TP.HCM đều kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi.

 

Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM - Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ, TP.HCM mong muốn nguồn thực phẩm sạch không chỉ được cung ứng ở các kênh hiện đại như siêu thị hay các cửa hàng tiện ích mà còn ở các chợ đầu mối: Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức. Bà đề nghị, cả TP.HCM và Long An phải kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác) đến cơ sở sơ chế hoặc giết mổ, chế biến, kinh doanh nông sản, đồng thời truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ. Nếu làm tốt khâu ban đầu, TP.HCM tạo nhịp cầu kết nối tăng sản lượng tiêu thụ nông sản, trong đó, giai đoạn đầu tập trung vào rau, thịt các loại./.

 

Mai Hương

 

Bầu Đức: 'Còn gì trong nhà cũng dồn vào đầu tư cây ăn trái'

 

Nguồn tin:  VNExpress

 

Ông Đức cho biết đã trồng 17 loại trái cây, 2 năm qua luôn giữ giá cao nên còn gì trong nhà sẽ dốc hết vào mảng này.

 

Sáng 30/6, tại Đại hội cổ đông thường niên 2017 Công ty cổ phần nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã CK: HNG), Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức chia sẻ với nhà đầu tư, từ năm 2017 trở đi, doanh nghiệp có thể tự tin đã thoát khỏi giai đoạn khó khăn nhất.

 

Người đứng đầu HNG nhận xét, năm 2016 đã diễn ra trong tình thế không thể khó hơn khi tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (công ty mẹ) tiến hành cấu trúc nợ. Lượng tiền lưu động của HNG không nhiều, làm gì cũng khó. Công ty không còn đường nào ngoài việc mạnh dạn đầu tư 17 loại cây ăn trái vì không thể chờ giá cao su lên hay giá cọ dầu cải thiện ngay lập tức. Lấy ngắn nuôi dài, HNG buộc phải lựa chọn ngành kinh doanh cốt lõi bằng cách dịch chuyển từ chăn nuôi sang trồng cây ăn trái, mảng tốn ít thời gian và quay vòng vốn nhanh hơn.

 

Ông Đức tâm sự, đến kỳ đại hội năm nay ông mới có thể lạc quan báo tin tốt lành cho nhà đầu tư. Ông cảm ơn cổ đông đã trung thành với HNG trong nhiều năm qua kèm theo lời khẳng định sẽ không để cổ đông chịu thiệt và bằng mọi giá nỗ lực làm cho công ty đi lên.

 

“HNG sẽ lột xác từ một 'thằng nằm viện' thành người khỏe mạnh. Qua cuộc đại phẫu vừa qua, công ty chỉ mất thanh khoản tạm thời chứ không mất tài sản. Chúng tôi thấm thía nhiều bài học của việc đầu tư tràn lan, cương quyết đầu tư vào cốt lõi”, Bầu Đức cho hay.

 

 

Bầu Đức cho biết trong năm 2016 và một vài năm tới, doanh thu chủ lực của HNG sẽ tập trung vào cây ăn trái. Ảnh: Vũ Lê

 

Để tái cấu trúc chọn mảng nông nghiệp làm ngành cốt lõi dịch chuyển hẳn từ chăn nuôi sang trồng trọt, HNG đã tận dụng quỹ đất dôi dư còn 20.000 ha trên tổng số 100.000 ha đất phục vụ nông nghiệp để trồng cây ăn trái. Hiện nay 17 loại cây ăn trái đã được trồng trọt, năm 2016 mới có thanh long, chanh dây được bán ra thị trường. Năm nay tiếp tục có thêm chuối, xoài sẽ có mặt trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp. HNG sẽ đóng gói, phân phối trực tiếp sang thị trường Trung Quốc qua các tập đoàn bán lẻ lớn. Quý II/2017 lợi nhuận trước thuế đạt 215 tỷ đồng, 6 tháng xấp xỉ 50% kế hoạch lợi nhuận. Khoản lợi nhuận 215 tỷ đồng có 70% đến từ trái cây. "Đây là cơ cấu hoàn toàn mới", chủ tịch HNG nói.

 

Bầu Đức tiết lộ, năm 2016 HNG và cả công ty mẹ đã sống nhờ nguồn thu từ cây ăn trái. Mảng này bao gồm: trái cây tươi, trái cây chế biến. Công ty sẽ kết hợp với các nhà bán lẻ trong nước để phân phối. Ngoài nước, dẫn đầu có Trung Quốc, kế đến là Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang tiếp cận mua hàng. Chanh dây thu hoạch tháng 9/2016, trong nước không tiêu thụ nhiều, nhưng doanh nghiệp vẫn bán được với giá cao, nhờ có quy trình bán khác biệt. Hiện HNG có những tập đoàn bán lẻ lớn là đối tác ký hợp đồng hàng nghìn container.

 

Tại sao chọn Trung Quốc? Ông Đức đoán trước câu hỏi của nhà đầu tư và chủ động trả lời một cách mạch lạc. Đây là thị trường một tỷ dân, nhu cầu trái cây chưa hề giảm trong 2-3 năm qua. Các trung tâm tiêu thụ lớn, chợ đầu mối của Trung Quốc chưa hề giảm trong thời gian qua. Giá thấp nhất trong năm của chuối sang Bắc Kinh khoảng 19.000 đồng một kg, trong khi Việt Nam lại giảm mạnh. Không phải ngẫu nhiên HNG dành mười mấy ha cây ăn trái, công ty đã nhờ đội ngũ chuyên gia từ Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam hỗ trợ, và trồng những giống thị trường cần, khách hàng cần. Được người mua sỉ tư vấn về nhu cầu của họ, trồng theo đơn hàng chứ không trồng tự phát.

 

Năm 2017, HNG trình cổ đông kế hoạch lãi trước thuế 461 tỷ đồng và không chia cổ tức. Mảng bò điều chỉnh giảm xuống nhưng vẫn duy trì do không có nhiều vốn lưu động. Diện tích khai thác cao su 11.000 ha, doanh thu khoảng 745 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 202 tỷ đồng. Chanh dây dự kiến thu được 56.250 tấn góp phần mang lại doanh thu khoảng 1.055 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 437 tỷ đồng. Thanh long thu hoạch 17.000 tấn góp phần mang lại doanh thu khoảng 680 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 303 tỷ.

 

Riêng chuối dự kiến năm 2017 ước tính thu được 50.000 tấn góp phần mang lại doanh thu khoảng 843 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 354 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các mảng cung cấp dịch vụ hàng hóa, mua bán hàng hóa và bán căn hộ mang lại doanh thu khoảng 230 tỷ và lợi nhuận gộp 90 tỷ đồng.

 

Vũ Lê

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop