Tin nông nghiệp Chủ Nhật ngày 03 tháng 01 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp Chủ Nhật ngày 03 tháng 01 năm 2016

 

Nông dân Đồng Tháp Mười thất thu vì lũ không về

 

Nguồn tin:  Đại Đoàn Kết

 

Hàng năm vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An cung cấp trên 1,5 triệu tấn lúa hàng hoá, hàng ngàn tấn thuỷ sản và hoa màu các loại. Năm 2015, lũ không về đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người nông dân.

 

 

Khai thác cá nuôi trong gièo của nông dân Đồng Tháp Mười.

 

Giảm từ năng suất lúa...

 

Vĩnh Hưng và Tân Hưng là hai huyện sâu của Đồng Tháp Mười có diện tích sản xuất lúa lớn nhất tỉnh Long An. Vụ đông xuân năm 2014, năng suất lúa bình quân đạt 6,5 tấn/ha, cá biệt có nơi năng suất trên 7 tấn/ha. Năm 2015, lũ không về đồng ruộng không được bổ sung phù sa đã ảnh hưởng tới năng suất vụ đông xuân vừa xuống giống.

 

Ông Tô Văn Chảnh- Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Hưng cho biết: Dự kiến, vụ đông xuân 2015 năng suất chừng 6 tấn/ha, giảm 8% so với đông xuân 2014. Với diện tích xuống giống vụ đông xuân 28.500 ha, Vĩnh Hưng thất thu trên 10.000 tấn lúa hàng hoá. Trong khi đó, diện tích xuống giống đông xuân ở huyện Tân Hưng đạt 34.000 ha. Đông xuân 2014 năng suất vượt ngưỡng 7 tấn/ha.

 

Kỹ sư Phan Văn Nỉ- cán bộ Phòng Nông nghiệp Tân Hưng cho biết: “Tuy chúng tôi chưa có đánh giá cụ thể, nhưng chắc chắn năng suất sẽ giảm so với năm ngoái”. Ông Hai Thành- nông dân sản xuất lúa giỏi ở xã Hưng Điền B canh tác gần 70 ha theo quy mô trang trại nói tương đối cụ thể: “So với vụ đông xuân 2014, năng suất giảm 1,5 tấn/ha. Tính ra gia đình tôi sẽ bị thất thu khoảng 100 tấn, tương đương 480 triệu đồng, chưa kể công đầu tư chăm sóc, tiền mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…”.

 

Tuy nhiên, ông Hai Thành cũng lạc quan tin giá lúa có khả năng cao hơn vụ đông xuân năm 2014.

 

Lũ không về, nông dân Đồng Tháp Mười không chỉ thất thu sản lượng lúa mà còn kéo theo nhiều hệ luỵ khác như chuột sinh sản nhiều hơn, ốc bươu vàng phát triển mật độ dày hơn. Chi phí diệt chuột và ốc bươu vàng của nông dân vì thế cũng tăng theo. Ở những khu vực trũng không được thau chua rửa phèn càng làm năng suất lúa giảm đáng kể. Nguy cơ xâm nhập mặn không thể không xảy ra đối với 5 huyện phía dưới gồm Thủ Thừa, Bến Lức,Thạnh Hoá, Đức Huệ, Tân Thạnh.

 

... Đến nguồn lợi thủy sản

 

Ngoài lúa, nguồn lợi thuỷ sản do lũ mang đến trở thành nguồn thu nhập đối với nông dân vùng Đồng Tháp Mười, đặc biệt bộ phận nông dân nghèo thiếu hoặc không có đất sản xuất. Vùng đệm Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen nằm trên diện tích xã Vĩnh Lợi và một phần xã Vĩnh Đại ở huyện Tân Hưng, hàng năm lũ về mang theo sản lượng cá khá lớn.

 

Để tạo điều kiện hỗ trợ nông dân nghèo không có ruộng sản xuất, lâm trường Vĩnh Lợi đang quản lý hơn 4.000 ha đã mạnh dạn cho nông dân sống bằng nghề đánh bắt cá đấu thầu khai thác nguồn lợi thuỷ sản dưới chân rừng tràm. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn cho nông dân đăng ký khai thác thuỷ sản mặt nước kinh 79 thuộc địa bàn quản lý hành chính trên cơ sở phương tiện đánh bắt phải bảo đảm kỹ thuật nhằm bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

 

Năm 2005, Từ An Giang, anh Nguyễn Văn Bia đưa vợ con sang bờ kinh 79 thuộc xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng lập nghiệp. Đến vùng đất mới anh nghĩ ngay tới việc sắm ghe, mua lưới... khai thác cá. Anh Bia so sánh: “ Năm 2005, mỗi ngày tôi thu gần 150 kg cá các loại. Năm nay không có lũ, số lượng đánh bắt giảm gần 90% so với năm 2005, các loại cá quý hiếm như cá lăng, cá ngựa, cá hô cũng không thấy xuất hiện như năm lũ lớn”.

 

Cũng ở xã Vĩnh Lợi, anh Nguyễn Thành Dạ sắm tới 250 cặp lợp và 7 bộ giớn, năm 2014 mỗi ngày thu không dưới 100kg cá. Thế nhưng năm nay anh chỉ đặt được 9 cái lợp chỉ vì nước không đủ độ sâu phù hợp với khai thác cá bằng dụng cụ này. Anh Dạ nói: “Lũ không về, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, những nông dân sống bằng nghề đánh bắt cá như chúng tôi chắc chắn gặp khó khăn trong đời sống”.

 

Nhờ kinh nghiệm mấy chục năm sống chung với lũ, mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá ở Đồng Tháp Mười, linh cảm năm nay lũ không về, ông Nguyễn Văn Thức ở ấp Cả Nổ, xã Vĩnh Lợi vừa đặt lợp, quây giớn kết hợp nuôi cá lóc, cá trê trong gièo. Cá linh, cá chốt khai thác được do số lượng không nhiều nên ông không bán mà dùng làm thức ăn nuôi cá trong gièo.

 

Ông Thức phấn khởi nói: Cái khó ló cái khôn nên dù cá khai thác ngoài kinh ngoài đồng không bằng năm có lũ, tôi vẫn thắng nhờ 6.000 con cá lóc, cá trê nuôi trong ba gièo, nay có con nặng gần ký lô!.

 

Khuynh Diệp

 

Điều kiện hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật

 

Nguồn tin:  Báo Chính Phủ

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư 48/2015/TT-BNNPTNT hướng dẫn chi tiết điều kiện hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật.

 

Theo đó, người trực tiếp làm dịch vụ tư vấn biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật, sinh học; người trực tiếp làm dịch vụ phòng, chống sinh vật gây hại thực vật phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật, sinh học hoặc có giấy chứng nhận tập huấn về bảo vệ thực vật theo quy định.

 

Khi thực hiện hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật phải có sổ ghi chép, theo dõi nội dung liên quan đến hoạt động của người thực hiện và người sử dụng dịch vụ; trang thiết bị, dụng cụ phù hợp với hoạt động như dụng cụ phát hiện sinh vật gây hại (đối với hoạt động tư vấn phòng chống sinh vật gây hại thực vật) hoặc dụng cụ phun rải thuốc, bẫy bả, dụng cụ bắt, diệt sinh vật gây hại thực vật, bảo hộ lao động (đối với hoạt động phòng chống sinh vật gây hại thực vật).

 

Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật phải có địa chỉ giao dịch hợp pháp, rõ ràng để có thể liên hệ khi cần thiết. Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật cần có một trong những giấy tờ: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nhà gắn liền với đất; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà; hợp đồng thuê nhà hợp pháp có thời hạn tối thiểu là 01 năm hoặc sổ hộ khẩu (đối với cá nhân).

 

Việc thực hiện dịch vụ bảo vệ thực vật phải sự đồng ý của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi tổ chức, cá nhân có địa chỉ giao dịch hợp pháp theo mẫu quy định.

 

Thông tư cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật. Theo đó, tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật có quyền: Được trả chi phí thực hiện dịch vụ bảo vệ thực vật theo thỏa thuận hợp đồng ký kết với chủ thực vật hoặc đại diện của chủ thực vật; tham dự chương trình tập huấn, nâng cao kiến thức về phòng, chống sinh vật gây hại thực vật phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; được cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; được quyền khiếu nại kết luận và quyết định của cơ quan kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khiếu nại...

 

Về nghĩa vụ, tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật có nghĩa vụ: Chỉ được sử dụng thuốc trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam theo nguyên tắc bốn đúng; sử dụng các biện pháp bảo vệ thực vật đảm bảo hiệu quả, an toàn cho người, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái; bảo quản thuốc bảo vệ thực vật và thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng đúng quy định; bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do tư vấn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại thực vật không đúng quy định...

 

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2016.

 

Lan Phương

 

Kỳ vọng rau quả Việt Nam

 

Nguồn tin:  Báo Chính Phủ

 

Tăng trưởng gần 50% so với năm 2015, ngành rau quả được coi như “hiện tượng” bứt phá ngoạn mục trong xuất khẩu nông sản năm nay.

 

 

Nhiều diện tích rau trái được công nhận VietGap cho giá trị xuất khẩu cao vượt bậc - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm nay, kim ngạch xuất khẩu của ngành rau quả đạt 2,2 tỉ USD, tăng tới 47% so với năm 2014. Đây là mức tăng trưởng ngoạn mục của một ngành sản xuất có nhiều lợi thế, thế mạnh. Trong năm, nhiều loại trái cây, như nhãn, vải, xoài đã tiếp cận được với nhiều thị trường xuất khẩu khó tính, như Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản… góp phần giúp cho xuất khẩu rau quả trong thời gian qua liên tục tăng trưởng mạnh.

 

Việc tiếp cận những thị trường này có được là do thời gian qua, nước ta có nhiều diện tích rau quả đạt tiêu chuẩn VietGAP. Điển hình như trong tháng 9/2015, đã có trên 20 ha nhãn lồng Hưng Yên đạt tiêu chuẩn VietGAP được cấp mã vùng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, sản phẩm thanh long cũng đã được thị trường Nhật Bản chấp nhận.

 

Có thêm thị trường mới cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nhiều rủi ro. Những biến động của thị trường này đã và đang gây nên những bấp bênh về giá cả, khiến các nhà vườn thanh long và nông dân điêu đứng.

 

Theo ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit): “Nhiều mặt hàng hoa quả, rau củ quả của Việt Nam có thừa chất lượng nhưng rất thiếu bộ nhận diện thương hiệu. Các chỉ dẫn địa lý mới chỉ áp dụng cho thanh long ruột đỏ, các mặt hàng khác không được đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu và chỉ dẫn địa lý nên rất khó đi vào các chợ, trung tâm thương mại của các nước. Sản phẩm được tiêu thụ vẫn phần lớn do cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài và bán được nhiều chủ yếu là do các đối tác nước ngoài chủ động nhập khẩu, đóng gói theo quy trình và công nghệ tiên tiến”.

 

Tuy xuất khẩu rau quả có bước tiến bất ngờ, nhưng vẫn còn bấp bênh về thị trường. Cụ thể, tỉ trọng xuất khẩu hoa quả Việt Nam sang các nước có thị trường giá trị cao như Nhật, EU, Mỹ, Australia không nhiều khiến giá trị gia tăng của mặt hàng này không cao và thường gánh chịu rủi ro. Theo Vinafruit, trong các điều kiện để gia tăng xuất khẩu, chỉ cần áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn sản xuất sạch của nước nhập khẩu cũng như tiêu chuẩn GlobalGAP, rau quả Việt Nam sẽ tự vươn xa không chỉ 2 tỉ USD/năm.

 

Cả nước hiện có trên 100 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất 300.000 tấn sản phẩm/năm. Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp trong số này có giấy phép xuất khẩu, các doanh nghiệp vẫn chủ yếu làm đầu mối thu mua và bán lại cho các thương lái nước ngoài để ăn chênh giá nên chưa có chiến lược xâm nhập thị trường bài bản đến từng thị trường.

 

Xuất khẩu nông sản đạt 30,14 tỉ USD

 

Tuy nhiên, bức tranh chung về xuất khẩu nông sản năm 2015 lại không được tươi sáng như xuất khẩu rau quả.

 

Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản năm 2015 đạt 30,14 tỉ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 13,95 tỉ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2014.

 

Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 12/2015 ước đạt 629.000 tấn với giá trị đạt 267 triệu USD đưa khối lượng xuất khẩu gạo năm 2015 ước đạt gần 6,7 triệu tấn và 2,85 tỉ USD, tăng 5,8% về khối lượng nhưng giảm 2,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2015 với 31,73% thị phần.

 

Đối với ngành hàng cao su, ước tính năm 2015 xuất khẩu cao su đạt 1,13 triệu tấn, giá trị đạt 1,52 tỉ USD, tăng 6,1% về khối lượng nhưng giảm 14,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ vẫn duy trì là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2015, chiếm 72,73% thị phần.

 

Khối lượng xuất khẩu chè năm 2015 ước đạt 123.000 tấn với giá trị đạt 211 triệu USD, giảm 6,8% về khối lượng và giảm 7,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá chè xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2015 đạt 1.712 USD/tấn.

 

Khối lượng hạt điều xuất khẩu năm 2015 đạt 328.000 tấn với 2,39 tỉ USD, tăng 8,3% về khối lượng và tăng 20,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2015 đạt 7.291 USD/tấn, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2014. Mỹ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam.

 

Khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 12/2015 ước đạt 8.000 tấn, với giá trị đạt 72 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu năm 2015 lên 135.000 tấn với giá trị 1,26 tỉ USD, giảm 13% về khối lượng nhưng tăng 5% về giá trị. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2015 đạt 9.335 USD/tấn, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2014.

 

Ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 12/2015 đạt 629 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu năm 2015 đạt 6,77 tỉ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2014. Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc – 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2015 – chiếm 67,46% tổng giá trị xuất khẩu...

 

Đỗ Hương

 

Thừa Thiên Huế: Triệu phú trẻ ở làng quê

 

Nguồn tin:  Báo Thừa Thiên Huế

 

Bằng sự năng động, sáng tạo của sức trẻ, nhiều thanh niên nông thôn đã trở thành những triệu phú trẻ ngay trên làng quê của mình.

 

Không quản khó

 

Tốt nghiệp PTTH, chàng thanh niên Hoàng Trọng Tuấn, xã Phong Hải (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) đi làm công nhân nuôi tôm cho các công ty đóng trên địa bàn huyện. Thời gian đó, dù mùa hè hay mùa đông anh đều có mặt dưới hồ tôm hàng giờ đồng hồ để làm vệ sinh hồ và theo dõi sự phát triển của tôm “Tuy làm việc cực khổ, nhưng đó là thời gian “vàng” để mình có được ngày hôm nay”, Tuấn bộc bạch.

 

 

Nhiều lao động nông thôn được anh Hùng tạo việc làm

 

Năm 2011 anh quyết định dùng số vốn tích cóp được và vay mượn thêm để đầu tư nuôi 2 hồ tôm, với diện tích 5.500m2, thực hiện ước mơ bấy lâu của mình. “Đặt cược” cuộc sống của gia đình vào 2 hồ tôm, anh cẩn thận từ khâu nhỏ nhất, bởi vốn đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng rất lớn, chỉ cần sơ sẩy nhỏ cũng dẫn đến mất trắng. Mặc dù có 7 lao động làm công, nhưng anh vẫn chẳng khác anh công nhân nuôi tôm ngày nào, trực tiếp tham gia từ cải tạo ao, thả giống đến chăm sóc, cho ăn, thu hoạch... “ăn ngủ cùng tôm, vui buồn cũng tôm”. Với những kinh nghiệm tích lũy, cộng với sự chăm chỉ cần mẫn, cẩn thận đã giúp chàng thanh niên trẻ thành công từ khi đầu tư nuôi tôm cho đến nay. Trung bình mỗi năm thu được trên 3 tỷ đồng, trừ chi phí anh lãi ròng gần 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 10 lao động. Ngoài ra, anh cũng tích cực tham gia các phong trào thanh niên tại địa phương và là ủy viên Ban chấp hành Hội LHTN Việt Nam xã Phong Hải.

 

Dẫn chúng tôi đi xem trang trại chăn nuôi rộng hơn 5ha của mình, anh

 

Nguyễn Văn Chương (phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy) kể về con đường bám quê làm kinh tế của mình. Năm 2002, đang là sinh viên Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Huế, anh quyết định nghỉ học về tiếp quản trang trại chăn nuôi của gia đình đang gặp khó khăn, mặc cho gia đình can ngăn. Trở về quê, anh bắt đầu cuộc sống của một nông dân thực thụ, ngày đêm lăn lội để vực dậy trang trại. Tuy nhiên, mọi việc không dễ như anh nghĩ, hàng ngàn con vịt bị dịch cúm H5N1, phải tiêu hủy. Kết quả gần như trắng tay. Không có đường lùi, anh đem toàn bộ số tiền vợ chồng dành dụm được và vay mượn thêm để làm lại từ đầu.

 

Rút kinh nghiệm từ thất bại, lần này anh cẩn thận trong từng việc nhỏ, từ chọn giống, làm chuồng, tiêu độc, khử trùng, tiêm phòng đến theo dõi sự phát triển của đàn vịt từng ngày.... Nhờ đó, 3.000 con vịt giống của anh đã phát triển tốt, tỷ lệ đẻ trứng đạt 80%. Anh còn đào ao nuôi cá và tận dụng vùng đất đồi của trang trại trồng cây sanh, lộc vừng. Bình quân mỗi năm anh thu nhập trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi trên 400 triệu đồng. Ngoài số lao động thời vụ, trang trại của Chương đang tạo việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương với thu nhập 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Không giữ bí quyết làm giàu cho riêng mình, anh Chương sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm cho bất cứ ai khi tới trang trại anh tìm hiểu.

 

Tìm hướng đi mới

 

Cũng làm giàu từ nơi “chôn nhau, cắt rốn”, nhưng Đinh Khắc Hùng, sinh năm 1983, thôn Vinh Sơn, xã Lộc Sơn (Phú Lộc) lại tìm cho mình hướng đi khác. Tiếp chúng tôi tại cơ sở sản xuất gỗ và nhiều sản phẩm mộc mỹ nghệ, Giám đốc Công ty TNHH mộc mỹ, nghệ Đinh Khắc Hùng kể về con đường lập nghiệp của mình. Yêu nghề mộc mỹ nghệ nên sau khi nghỉ học, anh đã vào Đắc Lắc học nghề. Sau 4 năm khổ luyện, anh trở về quê mở xưởng mộc mỹ nghệ, với vốn đầu tư ban đầu 20 triệu đồng. 5 năm sau, các sản phẩm của anh như bàn, ghế, giường, tủ... đã được nhiều khách hàng trong tỉnh biết đến nhờ đường nét sắc sảo, hoa văn tinh tế. Năm 2011, anh đã thành lập công ty TNHH với vốn điều lệ 7 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 10 thanh niên địa phương, với mức lương trung bình 6 triệu đồng/tháng/người và hàng chục lao động thời vụ. Doanh thu hàng năm của công ty đạt hàng tỷ đồng.

 

Hùng chia sẻ, để quảng bá sản phẩm, trong các dịp như hội chợ thương mại, Festival nghề truyền thống Huế, anh đều có gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm của anh không chỉ được người dân trong tỉnh mà còn lan tỏa đến nhiều tỉnh thành khác trong cả nước như Đà Nẵng, An Giang, Cà Mau... Anh cũng đã từng tham gia thực hiện đề án “Đào tạo nghề mộc dân dụng và mỹ nghệ cho lao động nông thôn” của Sở Công thương và đã đào tạo nghề cho 40 lao động nông thôn. Một số lao động, sau khi được đào tạo có nhu cầu anh nhận vào làm tại công ty. Không chỉ làm kinh tế giỏi, Hùng còn là Bí thư chi đoàn năng động của thôn Vinh Sơn từ năm 2011 đến nay. Anh chia sẻ: “Được cùng anh em trẻ trong thôn tham gia các phong trào tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng mình thấy rất vui và ý nghĩa. Vì vậy, dù bận rộn với công việc kinh doanh nhưng mình cũng luôn tranh thủ đưa phong trào của chi đoàn ngày càng phát triển”.

 

Anh Nguyễn Duy Cường, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế khẳng định: “Hiện nay, số thanh niên biết tận dụng các tiềm năng và thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế xuất hiện ngày càng nhiều, có hàng chục mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ mang lại thu nhập mỗi năm từ 300 triệu đồng trở lên. Từ các mô hình này, đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh. Để nhân rộng các mô hình làm giàu này, thời gian tới Tỉnh đoàn tiếp tục tăng cường công tác hỗ trợ vốn vay, đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao tiến bộ, khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, giúp những nhà nông trẻ yên tâm sản xuất. Đồng thời, thành lập các Hợp tác xã thanh niên, các câu lạc bộ thanh niên giúp nhau làm kinh tế để tập hợp sức mạnh, liên kết các mô hình thanh niên làm kinh tế với nhau”.

 

Để đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp, thời gian qua, Tỉnh đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác trên 42 tỷ đồng, cho hơn 3.000 thanh niên vay vốn phát triển kinh tế và thành lập 4 hợp tác xã và 38 câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế.

 

Hải Thuận

 

Tiêu chí xác định vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

 

Nguồn tin:  Báo Chính Phủ

 

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải đáp ứng 5 tiêu chí.

 

Quyết định quy định vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất một hoặc một số sản phẩm nông sản hàng hóa có lợi thế của vùng bảo đảm đạt năng suất, chất lượng cao, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường theo quy định của pháp luật.

 

Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải đáp ứng 5 tiêu chí sau:

 

1- Tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị; có tổ chức đầu mối của vùng là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong vùng ký hợp đồng thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp của vùng.

 

2- Sản phẩm sản xuất trong vùng là sản phẩm hàng hóa có lợi thế của vùng, tập trung vào các nhóm sản phẩm sau:

 

a- Giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao và khả năng chống chịu vượt trội;

 

b- Sản phẩm nông lâm thủy sản có giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế cao; chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, khu vực hoặc quốc gia (Viet GAP).

 

3- Công nghệ ứng dụng là các công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học trong chọn tạo, nhân giống và phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; công nghệ thâm canh, siêu thâm canh, chế biến sâu nâng cao giá trị gia tăng; công nghệ tự động hóa, bán tự động; công nghệ thông tin, viễn thám, thân thiện môi trường. Công nghệ ứng dụng trên quy mô công nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị của sản phẩm và tăng năng suất lao động.

 

4- Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vùng chuyên canh, diện tích liền vùng, liền thửa trong địa giới hành chính một tỉnh, có điều kiện tự nhiên thích hợp, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh về giao thông, thuỷ lợi, điện, thuận lợi cho sản xuất hàng hóa, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất nông nghiệp của ngành và địa phương.

 

5- Đối tượng sản xuất và quy mô của vùng:

 

a) Sản xuất hoa diện tích tối thiểu là 50 ha;

 

b) Sản xuất rau an toàn diện tích tối thiểu là 100 ha;

 

c) Sản xuất giống lúa diện tích tối thiểu là 100 ha;

 

d) Nhân giống và sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu diện tích tối thiểu là 5 ha;

 

đ) Cây ăn quả lâu năm diện tích tối thiểu là 300 ha;

 

e) Cây công nghiệp lâu năm (chè, cà phê, hồ tiêu) diện tích tối thiểu là 300 ha;

 

g) Thủy sản: Sản xuất giống diện tích tối thiểu là 20 ha; nuôi thương phẩm diện tích tối thiểu là 200 ha;

 

h) Chăn nuôi bò sữa số lượng tối thiểu là 10.000 con/năm; bò thịt tối thiểu 20.000 con/năm;

 

i) Chăn nuôi lợn thịt số lượng tối thiểu là 40.000 con/năm; lợn giống (lợn nái) tối thiểu 2.000 con/năm;

 

k) Chăn nuôi gia cầm số lượng tối thiểu là 50.000 con/lứa.

 

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan có thẩm quyền quyết định công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 

Phương Nhi

 

“Làn sóng” nông nghiệp công nghệ cao từ Nhật Bản

 

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng

 

Mới đây, với đầu mối Công ty cổ phần Nông nghiệp kỹ thuật cao Nhật Bản GK - Organic, 7 tập đoàn hàng đầu Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp có buổi giới thiệu và triển lãm 700 loại sản phẩm khác nhau trước đông đảo nhà quản lý, hiệp hội ngành nghề, nhà khoa học và doanh nghiệp (DN) Việt Nam tại TPHCM. Sự kiện này khép lại một năm sôi động trong việc tìm hiểu, thăm dò, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác, đầu tư nhiều và sâu hơn vào nông nghiệp công nghệ cao.

 

Cơ hội cho cả hai

 

Tại buổi ra mắt của 7 tập đoàn nông nghiệp này, ông Ngô Chánh, Chủ tịch HĐQT GK - Organic, một Việt kiều Nhật, xác định Việt Nam và Nhật Bản có những nét tương đồng về nhiều mặt mà Nhật Bản có thể đầu tư lâu dài, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, Nhật Bản lại rất mạnh về công nghệ sau thu hoạch, tái chế phụ phẩm nông nghiệp.

 

 

Rau chất lượng cao trồng tại Khu Nông nghiệp cao TPHCM (Ảnh: CAO THĂNG)

 

Năm 2015 là năm nhộn nhịp với nhiều hoạt động của các đoàn DN, nhà đầu tư nông nghiệp Nhật Bản đến với nhiều tỉnh, thành Việt Nam. Theo tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, xu hướng đầu tư vào nông nghiệp từ Nhật Bản có dấu hiệu gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt trong nông nghiệp công nghệ cao. Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã và sẽ tiếp tục tổ chức cho nhà đầu tư nông nghiệp tới Việt Nam tìm hiểu, cũng như tổ chức các hội thảo kết nối kinh doanh. Tổ chức JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) đang xây dựng và triển khai một số dự án hỗ trợ DN Nhật Bản đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam.

 

Nhưng vì sao là Việt Nam? Bởi Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi để kết nối với các thị trường tiêu dùng lớn, như ASEAN, Trung Quốc... Có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp để sản xuất đa dạng các loại nông sản nhiệt đới, kể cả ôn đới. Và điểm mấu chốt, nhu cầu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao và tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam đang tăng. Có thể nói, có nhiều cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản thời gian tới, khi cả hai nước gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương cấp khu vực và thế giới. Với ưu thế về công nghệ và tiếp cận thị trường, cũng như tận dụng ưu đãi thuế quan, nguồn lực tài nguyên, lao động Việt Nam và phát huy lợi thế của DN Nhật so với Việt Nam về công nghệ và kỹ thuật, DN Nhật Bản có thể xem xét đầu tư vào nông nghiệp như các ngành công nghiệp sản xuất vật tư đầu vào (máy móc, phân bón, thuốc trừ sâu), công nghiệp phụ trợ (thiết bị bảo quản, bao bì, nhà lưới…), chế biến sâu, chế biến phụ phẩm nông nghiệp. Những lĩnh vực Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư để tiếp cận khoa học công nghệ, không chỉ để nâng cao trình độ tay nghề người lao động, mà còn tạo ra dòng sản phẩm nông sản giá trị gia tăng; mở rộng thị trường xuất khẩu, tiếp cận các thị trường lớn nhất thế giới, tham gia vào những chuỗi cung ứng toàn cầu; phát triển chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, xuất khẩu sản phẩm chế biến.

 

Tăng cường chuyển giao công nghệ

 

Thạc sĩ Từ Minh Thiện, Phó ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, cho biết nếu chỉ tự do hóa thuế quan, kết quả đạt được sẽ không như mong muốn. Thực tế, tự do hóa thương mại song phương với Nhật Bản (JBTA) đã giúp lưu chuyển hàng hóa hai nước theo hướng tích cực nhưng không cân xứng. Nhờ tự do hóa thương mại làm tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Nhật Bản sang Việt Nam, nhưng với yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản, cùng với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các nước lại là thách thức lớn đối với các DN Việt Nam khi muốn thâm nhập sâu vào thị trường này. Cùng thời điểm, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Nhật Bản dù tăng 53%, nhưng chỉ bằng một nửa so mức tăng từ Nhật. Như vậy, theo thạc sĩ Từ Minh Thiện, nếu tăng cường hợp tác thương mại giữa hai nước mà không tăng cường chuyển giao công nghệ, điều mà nền nông nghiệp Việt Nam còn khiếm khuyết sẽ hạn chế khả năng tăng trưởng cũng như khả năng cạnh tranh các mặt hàng nông sản phẩm Việt.

 

Ông Từ Minh Thiện cho rằng, tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp Việt Nam rất thấp, khoảng 1%. Dòng vốn đầu tư nước ngoài nhắm vào nông nghiệp công nghệ cao đang có xu hướng tăng tuy là điều tích cực, nhưng ai sẽ được hưởng lợi là điều cần quan tâm. Vì vậy, cần có chính sách hợp lý trong thu hút đầu tư, chọn lựa công nghệ cũng như phân khúc nào khi tham gia chuỗi giá trị để có lợi. Nếu làm không khéo, Việt Nam chỉ là điểm gia công cho nông nghiệp công nghệ cao của nước ngoài.

 

Nhiều đoàn DN Nhật Bản đã đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư vào nông nghiệp như mô hình rau công nghệ cao tại Lâm Đồng, liên kết xuất khẩu xoài Cát Chu ở Đồng Tháp sang Nhật Bản, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Vĩnh Phúc, phát triển lĩnh vực đánh bắt và chế biến cá ngừ ở Bình Định, hay phát triển các mặt hàng nông sản (trái cây, tôm, cá…) vùng đồng bằng sông Cửu Long.

 

Nhật Bản có 2.788 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 38,7 tỷ USD, chiếm thứ 3 trong 58 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư. Có khoảng 20 DN Nhật Bản đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam, trong đó hơn 10 DN đầu tư ở tỉnh Lâm Đồng.

 

ĐĂNG LÃM

 

Nông sản sạch giá rẻ: Tại sao không?

 

Nguồn tin:  Báo Đồng Nai

 

Theo các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu nông sản, hàng rào kỹ thuật về nông sản nhập khẩu của các nước trên thế giới ngày càng khắt khe. Nông sản Việt Nam đang mất nhiều thị trường giàu tiềm năng vì không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng.

 

 

Giám đốc Công ty cổ phần phát triển công nghệ sinh học Nguyễn Phú Cường (bìa phải) trao đổi với nông dân về mô hình trồng tiêu sạch.

 

Các phong trào sản xuất VietGAP, GlobalGAP... ngày càng được nhân rộng với mục tiêu sản xuất đạt chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên, do phải đầu tư thêm chi phí và còn nhiều yêu cầu khắt khe, sản xuất GAP vẫn phát triển manh mún, nhỏ lẻ với giá cao nên chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Do đó, bài toán: làm sản phẩm sạch với giá rẻ đang rất cần lời giải để cạnh tranh khi bước vào hội nhập?

 

* Thay đổi thói quen sản xuất

 

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đã tham gia vào các tổ chức thương mại toàn cầu, phải tuân thủ những tiêu chuẩn, quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng khắt khe của thị trường thế giới. Lối thoát duy nhất là nông dân phải làm ra sản phẩm an toàn theo quy mô lớn, giá cả cạnh tranh. Giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay là thay đổi tập quán sản xuất, nhất là không nên lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ sâu, bệnh. Với những thị trường khó tính, như: Mỹ, châu Âu... chỉ cần nông sản không bị tồn dư các chất độc hại hoặc thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cấm của họ là đạt yêu cầu.

 

Ông Nguyễn Phú Cường, Giám đốc Công ty cổ phần phát triển công nghệ sinh học (Dona - Techno), khẳng định: “Nông dân cứ nghĩ sản xuất sạch là phải đầu tư lớn, chấp nhận giảm năng suất nên giá bán phải cao. Kinh nghiệm sản xuất sạch để trái sầu riêng của Dona - Techno vào được thị trường Mỹ nhiều năm nay, chỉ đơn giản là tuân thủ đúng quy trình sử dụng thuốc trong phòng và trị bệnh”.

 

Nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh làm nông sản sạch bằng cách tận dụng những giải pháp có sẵn trong tự nhiên. Cụ thể, trồng hoa cúc dại và một số hoa cỏ khác trong vườn tiêu, trên bờ ruộng lúa... để dẫn dụ thiên địch về diệt các loại côn trùng, sâu bệnh gây hại cho cây. Trồng cỏ đậu phộng dại trong vườn tiêu để hạn chế cỏ dại mà không cần sử dụng những loại thuốc diệt cỏ gây hại cho môi trường; chi phí phân bón giảm lại giúp cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh cũng là giải pháp rẻ tiền nhưng hiệu quả để làm ra sản phẩm an toàn.

 

Mô hình nuôi kiến vàng trong vườn cây để phòng trừ dịch bệnh, cho sản phẩm sạch của ông Nguyễn Quang Ánh, nông dân tại huyện Thống Nhất, cũng đang được rất nhiều nông dân học tập, ứng dụng. Ông Ánh so sánh: “Nhờ đàn kiến vàng diệt sâu, bệnh nên vườn ca cao của tôi không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Kết hợp với việc xử lý kỹ thuật cho cây ra hoa lệch vụ, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ sẽ ngăn ngừa được bệnh thối trái một cách hiệu quả, chi phí giảm, năng suất tăng. Nhờ đó, chỉ với 300 gốc ca cao trồng xen canh cây điều, tôi thu nhập được khoảng 120 triệu đồng/năm/hécta”.

 

* Doanh nghiệp, nông dân cùng làm

 

Thực tế đã có một số mô hình sản xuất an toàn không cần tốn chi phí chứng nhận các tiêu chuẩn GAP hay các tiêu chuẩn khác mà sản phẩm vẫn được doanh nghiệp bao tiêu với giá tốt. Và mô hình này chỉ thành công khi có DN đồng hành cùng nông dân triển khai.

 

Ông Trần Văn Tánh, Phó giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San (huyện Cẩm Mỹ), nhận xét: “Từ thực tế sản xuất, một số nông dân nhận thấy tác hại của việc lạm dụng phân bón hóa học, các loại thuốc trừ sâu, bệnh độc hại nên dần chuyển hướng sang sản xuất hữu cơ, ưu tiên sử dụng phân chuồng, thuốc sinh học. Thời gian đầu, sản phẩm sạch vẫn bán cho thương lái với giá hàng thường nên đa số nông dân vẫn giữ tập quán sản xuất cũ. Chỉ khi có DN về lấy mẫu thử nghiệm, vườn tiêu nào đạt chuẩn an toàn sẽ được ký hợp đồng bao tiêu với giá cao. Từ đó đã thuyết phục đông đảo nông dân đầu tư theo hướng sản xuất an toàn”.

 

Huyện Cẩm Mỹ đang triển khai các dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm tiêu an toàn, thu hút nhiều doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tham gia đầu tư. Trong đó, có cả các DN chế biến hoặc xuất khẩu nông sản của Ấn Độ, Đức, Nhật Bản... đã tìm đến HTX đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm cho thị trường xuất khẩu.

 

Bình Nguyên

 

Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2015 đạt 30,14 tỷ USD

 

Nguồn tin:  Báo Công Thương

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN & PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 12/2015 ước đạt 2,65 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành năm 2015 lên 30,14 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2014.

 

 

Điều là ngành hàng duy nhất trong năm 2015 có sự gia tăng xuất khẩu cả về khối lượng và giá trị

 

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 13,95 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2014, giảm mạnh nhất ở các mặt hàng như cà phê, cao su, chè và gạo. Cụ thể, đối với mặt hàng cà phê, xuất khẩu cà phê năm 2015 ước đạt 1,28 triệu tấn với tổng trị giá 2,56 tỷ USD, giảm 24,6% về khối lượng và giảm 28,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014, giá cà phê xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2015 đạt 2.020 USD/tấn, giảm 3,6% so với năm 2015. Ngoại trừ thị trường Nhật Bản tăng 10,25% về khối lượng và tăng 0,24% về giá trị thì giá trị xuất khẩu cà phê trong 11 tháng đầu năm 2015 ở 9 thị trường chính còn lại của Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ năm 2014.

 

Mặt hàng nông sản có mức sụt giảm đứng thứ 2 là cao su, theo đó, năm 2015 xuất khẩu cao su tăng 6,1% về khối lượng nhưng giảm 14,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cao su bình quân 11 tháng đầu năm 2015 đạt 1.377 USD/tấn, giảm 18,74% so với cùng kỳ năm 2014. Giá trị xuất khẩu cao su trong 11 tháng đầu năm 2015 ở 10 thị trường chính của Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ năm 2014.

 

Ngành hàng chè cũng là ngành hàng có sự sụt giảm cả về khối lượng và giá trị với mức giảm tương ứng là 6,8% và 7,4%. Ngành hàng gạo mặc dù tăng 5,8% về khối lượng nhưng lại giảm 2,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

 

Trong số các ngành hàng nông sản, điểm sáng chỉ duy nhất ở ngành hàng điều. Theo đó, xuất khẩu điều năm 2015 đạt 328 nghìn tấn với 2,39 tỷ USD, tăng 8,3% về khối lượng và tăng 20,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2015 đạt 7.291 USD/tấn, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2014.

 

Ngành hàng thủy sản trước giờ vẫn được xem là điểm sáng trong kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp của cả nước, tuy nhiên giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 12 năm 2015 chỉ ước đạt 531 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu năm 2015 đạt 6,53 tỷ USD, giảm 16,5% so với cùng kỳ năm 2014.

 

Cũng theo Bộ NN & PTNT, giá trị nhập khẩu toàn ngành trong 12 tháng năm 2015 ước đạt 23,05 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2014. Như vậy, trong cả năm 2015, toàn ngành nông nghiệp xuất siêu 7,09 tỷ USD.

 

Nguyễn Hạnh

 

Vào rừng "săn" tìm cây cỏ nhung

 

Nguồn tin: Báo Quảng Ngãi

 

Với giá hơn 1 triệu/kg, cây cỏ nhung trở thành một “món hàng” được người dân ở miền núi săn lùng để bán cho thương lái, khiến cho loại thảo dược này ngày càng ít đi và có nguy cơ cạn kiệt.

 

Trong chuyến công tác về thôn Quế ở xã Trà Bùi, huyện vùng cao Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi chúng tôi nghe người dân rủ nhau vào núi Cà Đam để “săn” cỏ nhung- một loại cỏ có giá cả triệu đồng 1 ký và xem đây là nghề kiếm cơm hằng ngày của họ.

 

“Người dân chúng tôi đi tìm nhổ cỏ nhung từ hơn 1 năm nay rồi, kiếm được bao nhiêu thương lái ở dưới xuôi lên cũng mua, không biết họ mua làm gì? Nhưng thấy họ mua với giá cao nên bà con chúng tôi lặn lội vào rừng tìm, chỉ biết có nó là có tiền nên đi nhổ mang về bán để có thêm thu nhập”- ông Hồ Quang Trường (65 tuổi) ở thôn Quế, xã Trà Bùi thật thà cho biết.

 

Qua tìm hiểu của chúng tôi, cây cỏ nhung mà người dân địa phương ở đây săn tìm còn có nhiều tên gọi khác như: Kim cương, kim tuyến, kim tuyến liên, mộc sơn thạch tùng, thạch tằm, lan gấm… Đây là một loại cỏ thân mềm, cao khoảng 20cm, lá có màu xanh tía hoặc xanh nhạt, trên lá có đường gân trong óng ánh. Cỏ nhung thường mọc nơi có độ ẩm, nhất là dọc theo các con suối hoặc ở hốc đá, dưới tán rừng kín thường xanh ẩm…

 

Điều đặc biệt, với đặc tính sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm, chịu được thời tiết có sương mù dài ngày nên cỏ nhung mọc nhiều ở khu vực núi Cà Đam. Trước đây loại cỏ này mọc nhiều trên núi, người dân không buồn nhổ. Tuy nhiên, từ khi thương lái đặt mua với giá cao nên không chỉ riêng người dân sống ở khu vực xung quanh núi Cà Đam mà ở các địa phương lân cận khác cũng tranh thủ băng rừng, lội suối lên núi Cà Đam để tìm về bán cho thương lái.

 

 

Giá thu mua cao, cây cỏ nhung được người dân tìm bán cho thương lái.

 

Ông Hồ Văn Hùng ở thôn Quế, xã Trà Bùi cho hay: Giá cao, thương lái lại vào tận nơi để thu mua, đặt hàng trước người dân nên sau một ngày vào rừng, mỗi người chỉ cần kiếm được 3 - 4 lạng cỏ nhung là đã có trong tay 300- 400 nghìn đồng. Thậm chí có người “trúng mánh” thu nhập cả tiền triệu. Với bà con ở miền núi thì đây là số tiền không hề nhỏ so với nhu nhập hằng ngày từ tiền công đi làm thuê.

 

Song, trước mức thu nhập hấp dẫn từ cây cỏ này, kéo theo số lượng người vào rừng truy tìm ngày càng nhiều khiến cho cỏ nhung ngày càng khó kiếm. Ban đầu là khai thác điểm gần, dần dà người dân cứ leo cao dần, ngày sau lại đi xa hơn ngày trước. Không ít trường hợp người dân trở về tay trắng sau một ngày lặn lội trong rừng.

 

“Ngày trước cỏ nhung ở núi Cà Đam nhiều lắm, mỗi ngày vợ chồng mình vào rừng kiếm được vài lạng hay cả ký là chuyện bình thường. Nhưng giờ hiếm rồi, kiếm khó lắm, để tìm được cỏ nhung, phải đi tận vào rừng sâu, núi cao, người may mắn lắm thì cũng chỉ kiếm được 1 - 2 lạng/ngày thôi”- bà Hồ Thị Xinh cho biết.

 

Thế nhưng, dù cỏ nhung ngày càng ít đi và khó kiếm nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, người vào rừng săn tìm vẫn không ít đi . Bởi thu nhập vượt xa những mặt hàng nông sản mà người dân trồng được, khiến làn sóng người dân đổ xô vào rừng tìm vận may từ cỏ nhung là chuyện không hiếm.

 

 

Cùng chung số phận với nhiều loại thảo dược khác, cỏ nhung có nguy cơ bị tận diệt, nếu khai thác quá mức.

 

Có thể nói, cùng chung số phận với nhiều loại thảo dược khác như rễ mật nhân, cà gai dây leo, sâm 7 lá… cỏ nhung sau khi được thương lái thu mua thì đã người dân ráo riết săn tìm về bán mà không hề biết công dụng thật sự của loại cỏ này và bán đi đâu, khiến cho loại cỏ này có nguy cơ bị tận diệt.

 

Tìm hiểu về công dụng của cỏ nhung cho thấy, theo Đông y, cỏ nhung là một loại thảo dược có vị ngọt, hơi chát, tính mát, có tác dụng chữa các bệnh thần kinh suy nhược, ho khan, đau họng, tăng huyết áp, suy thận; chữa di tinh, đau lưng, phong thấp, làm tiêu đờm, giải độc, giải nhiệt, viêm khí quản, viêm gan mạn tính, an thần, nhuận phế (mát phổi) và tăng cường sức khỏe, giúp khí huyết lưu thông.

 

Thiết nghĩ, nếu các cấp, ngành, địa phương không có biện pháp ngăn chặn kịp thời; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ các loại thảo dược quý và có hướng bảo vệ loại cỏ nhung nói riêng và các loại thảo dược khác nói chung, thì trong tương lai không xa, các loại thảo dược này sẽ có nguy cơ biến mất.

 

Bảo Khánh

 

Ám ảnh trại chăn nuôi

 

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

 

Chăn nuôi theo quy mô lớn là điều khuyến khích, nhưng việc nuôi heo của các nông hộ ở Đồng Nai đã khiến môi trường xung quanh, nhất là ở các khu dân cư bị ô nhiễm nghiêm trọng, dư luận bức xúc.

 

Khu vực ấp 6, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) trước đây có không khí trong lành, dòng suối nhỏ đổ ra suối Sông Lạnh (đoạn qua xã Sông Trầu) còn sạch, nhưng nay nước đã đục ngầu, mùi hôi thối bốc lên bay vào khu dân cư đông đúc. Có hiện tượng này là do một số hộ gia đình trong vùng tổ chức nuôi đàn heo quy mô lớn. Nhẩm tính sơ sơ, cả ấp 6 đang có cả ngàn con heo thịt được chăn nuôi sát con suối nhỏ chảy ra suối Sông Lạnh. Hầu hết các trại nuôi được xây dựng hết sức giản đơn, theo kiểu “hồ lắng”. Tức mỗi chủ trại cho đào một cái ao chứa phân, rồi xây hệ thống mương dọc chuồng trại để mỗi khi tắm heo thì phân theo dòng nước chảy xuống ao. Ao phân bốc mùi nồng nặc, bề mặt đen kịt, phân heo lâu ngày sùi bọt khí; rồi khi ao bị đầy thì phân tràn bờ, trôi ra ngoài lênh láng cả vùng. Đó là chưa kể các chủ trại heo có “sáng kiến” lắp đặt những ống cống thông ra suối; thừa đêm hôm, mưa lụt “tuồn” phân heo chưa qua xử lý ra dòng suối.

 

Ở vùng chuyên canh rau, hoa Phúc Nhạc, xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất (Đồng Nai), tình hình cũng bi đát không kém. Vùng đất này vốn nổi tiếng với nghề trồng hoa và rau củ, cung ứng cho cả vùng khi chuẩn bị đến Tết Nguyên đán. Theo ghi nhận, từ năm 2005 đến nay, nông dân trong vùng liên tục thất thu. Dễ hiểu, vì các trại heo lẫn lộn trong vùng thường xuyên xả thải trực tiếp ra kênh mương tưới tiêu, khiến rau củ, hoa lá tại các nhà vườn bị hư hại nặng.

 

Nhưng đáng nói hơn cả là các trại nuôi heo đã và đang “lọt thỏm” trong nội thị TP Biên Hòa (tỉnh lỵ của Đồng Nai). Tại phường Trảng Dài, ước tính có khoảng 200 hộ chăn nuôi, đàn heo lên cả chục ngàn con. Dọc theo dòng suối Săn Máu, người đi đường phải bịt mũi vì quá hôi thối. Phần lớn các hộ nuôi heo ở đây cho phân heo chưa qua xử lý đi thẳng xuống dòng suối đang chảy, tạo thành “bãi tràn” giữa dòng nước đục. Suối Săn Máu xuôi dòng để ra sông Đồng Nai. Vậy ai dám chắc dòng sông rộng lớn này không bị nhiễm độc, với nhung nhúc ký sinh trùng!

 

Nhiều hộ dân ở TP Biên Hòa bức xúc, dù mang tiếng sống ở đô thị nhưng gần chục năm nay, bà con vô cùng khổ sở vì “sống chung” với ô nhiễm. Những trại heo ngang nhiên xả phân, nội tạng ra cống công cộng, gây mùi hôi cả vào mùa nắng lẫn mùa mưa. Thanh niên ở các tổ dân phố phải lội nước mưa lẫn với phân heo để ra cống vớt lòng heo, các phế thải từ heo để khơi thông dòng chảy. Tại nhiều buổi tiếp xúc cử tri ở các huyện và TP Biên Hòa, vấn đề ô nhiễm môi trường do chăn nuôi heo đều được người dân địa phương “báo cáo” với đại biểu HĐND tỉnh. Rồi thì các chủ trại chăn nuôi gây ô nhiễm bị xử phạt hành chính, nhưng vẫn tái phạm thường xuyên, như biểu hiện của sự “lờn thuốc”. Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý hành vi xả thải hiện nay của các cơ quan chức năng tỉnh tiến hành kiểu “được chăng hay chớ”.

 

Trong giai đoạn hội nhập, việc hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh, đặc biệt đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là điều rất cần thiết ở nước ta. Để hạn chế tối đa mức độ gây ô nhiễm từ chất thải, như đã nêu ở Đồng Nai thì việc chăn nuôi gia súc phải được quy hoạch phù hợp theo vùng. Đặc biệt, những khu vực có sử dụng nguồn nước ngầm, hoặc nguồn nước sông hồ cung cấp cho các nhà máy nước sinh hoạt thì công tác quy hoạch chăn nuôi càng phải chặt chẽ hơn. Khi xây dựng trang trại chăn nuôi cần phải đủ xa khu vực nội thành, nội thị; đặc biệt phải được đánh giá tác động môi trường trước khi khởi công.

 

ĐỨC THANH

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop