Tin nông nghiệp Chủ Nhật ngày 10 tháng 07 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp Chủ Nhật ngày 10 tháng 07 năm 2016

Một thoáng Tràm Chim

Nguồn tin: Báo Ảnh Đất Mũi

Ở Đồng bằng Sông Cửu Long, nếu như mũi Cà Mau (Cà Mau) là khu Ramsar thuộc vùng ngập ven biển thì Tràm Chim (Đồng Tháp) là khu Ramsar thuộc hệ sinh thái ngọt, khô cạn và ngập lụt theo mùa, tạo nên sự đa dạng sinh học với nhiều giống loài đặc hữu, quý hiếm, cảnh quan sinh động. Tràm Chim là điểm đến nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái lý thú khi đến với Tháp Mười.

Diệc lửa, diệc xám, giang sen… sống đan xen, tạo nên bức tranh sinh động nhưng khá hài hòa, bình yên.

Với tổng diện tích trên 7.500ha, thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, Vườn Quốc gia Tràm Chim trước đây là vùng đất của một lâm ngư trường, với các hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản, lâm nghiệp. Nhằm bảo tồn các giá trị về văn hóa, lịch sử và nghiên cứu, khai thác hợp lý hệ sinh thái vì lợi ích quốc gia và đóng góp vào bảo vệ môi trường sinh thái chung của vùng Đông Nam Á, Vườn Quốc gia Tràm Chim ra đời từ năm 1998, như là hình mẫu, thể hiện sống động môi trường và cuộc sống, văn hóa vùng Tháp Mười.

Trích cồ, trích ré là loài chiếm tỷ lệ khá lớn, vì chúng sinh trưởng trong tự nhiên rất nhanh và nhờ nguồn thức ăn tự nhiên phong phú.

Du khách thích thú ghi ảnh về hệ sinh thái của Vườn từ xuồng tham quan.

Do tác động của con người, rừng tràm nguyên sinh không còn hiện hữu, những cây tràm “gió” nơi đây được hình thành trong quá trình tái tạo, bảo tồn của con người. Xen kẽ vào cây rừng là những đồng năn ống, bông súng, sen… tạo nên thảm thực vật thơ mộng, thoáng đãng, thu hút các loài chim, động vật về đây trú ngụ.

Đến Tràm Chim nói riêng và Đồng Tháp - xứ sở của loài sen, không thể bỏ qua những món ngon từ sen.

Vào mùa khô, hệ sinh thái Tràm Chim càng thể hiện tính riêng biệt một cách rõ nét: Tràm phân tán trên những mô đất cao, đồng năn ở vùng ẩm ướt, sen và súng thì nằm dưới vùng trũng. Tuy có tính phân tầng, song tất cả quyện vào nhau, tạo nên nét đặc trưng, chấm phá cho bức tranh Tràm Chim càng thêm độc đáo, thơ mộng và lôi cuốn.

Thuyền đưa khách vào tham quan Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Với ưu tiên hàng đầu là bảo tồn và phát triển hệ sinh thái đặc hữu, lãnh đạo Vườn Quốc gia Tràm Chim cho biết sẽ tiếp tục thực hiện việc mở rộng các dự án bảo vệ các giống loài quý hiếm; nhân giống, lai tạo những giống loài mới để hệ sinh thái của Vườn ngày thêm phong phú, coi trọng giá trị diễn thế tự nhiên, để nơi đây trở thành điểm đến lý tưởng, đáp ứng được nhu cầu trong du lịch, học tập, nghiên cứu khoa học…

TRẦN NGUYÊN

Một kg ốc bươu vàng bằng một kg lúa

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, ốc bươu vàng hiện được thu mua với giá 4.500 đồng/kg (tương đương với một ký lúa), tăng hơn 2.000 đồng/kg so với khoảng 3 tháng trước. Giá ốc tăng mạnh đã thu hút nhiều nông hộ ở nông thôn bắt ốc để bán.

Ốc bươu vàng tăng giá nên đã thu hút nhiều nông hộ ở nông thôn bắt ốc để bán.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Phụng Hiệp hiện nay có khoảng 30 điểm thu mua sơ chế ốc. Theo anh Nguyễn Văn Phát, chủ một điểm thu mua ốc ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, do nhu cầu sử dụng ốc làm các món ăn ở Thành phố Hồ Chí Minh tăng mạnh nên đã làm cho giá ốc tăng trong khoảng một tháng nay. Hiện nay gia đình anh thu mua với giá 4.500 đồng/kg ốc (còn vỏ), qua sơ chế 3kg ốc sẽ cho ra 1kg đầu ốc, giao cho điểm thu mua ở ngoài thị xã Ngã Bảy với giá 19.000 đồng/kg đầu ốc. Trung bình mỗi ngày gia đình anh giao khoảng 300kg đầu ốc.

Ốc bươu vàng là một đối tượng phá hại mùa màng. Ở huyện Phụng Hiệp đến nay chưa phát hiện trường hợp nào nuôi ốc bươu vàng để bán.

D.KHÁNH - V.MINH

Manh mối lần ra nguyên nhân gây cá chết hàng loạt

Nguồn tin: VnExpress

Vệt nước màu đỏ từng xuất hiện ở Quảng Bình, Hà Tĩnh không phải tảo nở hoa hay phù sa, mà là lớp màng sắt - manh mối quan trọng để tìm ra ổ độc di động dưới đáy biển.

Sau hiện tượng hải sản chết bất thường tại một số vùng ven biển miền Trung, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng các bộ ngành liên quan đã lấy mẫu, phân tích. Khi có kết quả ban đầu, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ chủ trì thành lập Hội đồng khoa học công nghệ cấp quốc gia, với ba tổ nghiên cứu các nhóm tác nhân gây cá chết gồm: hóa học, sinh học, khí tượng thủy văn và động lực học biển...

Tiến sĩ Vũ Đức Lợi, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học tìm nguyên nhân cá chết cho biết, các nghiên cứu đã loại trừ yếu tố động đất, sóng thần, tràn dầu, dịch bệnh và tập trung vào hai nhóm chính là: tảo đỏ và độc tố hóa học. Tuy nhiên, ảnh viễn thám chụp vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế không phát hiện dấu hiệu tảo nở hoa trên diện rộng, nên các nhà khoa học cho rằng nó không thể là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt.

Hình ảnh so sánh giữa cá chết do phenol (bên trái) và cá chết tự nhiên.

Để tìm độc tố, giới khoa học lấy lượng mẫu lớn từ Vũng Áng đến Thừa Thiên Huế, đặc biệt là khu vực Formosa với mức độ dày đặc tại 27 điểm. Các chuyên gia đã lấy 289 mẫu nước tầng mặt, tầng đáy tại thời điểm đỉnh triều và chân triều từ ngày 27 đến 29/4; 97 mẫu trầm tích, 135 mẫu sinh vật phù du (nhóm tảo), 34 mẫu động vật đáy, 254 mẫu cá chết và sống để phân tích.

Lúc này, nhóm phát hiện nhiều mẫu cá chết ngoài tự nhiên có hiện tượng bỏng ở đầu và đuôi, đặc biệt là dính mang, thân và mô bị xung huyết.

Các mẫu cá chết có hàm lượng kim loại nặng và asen thấp hơn tiêu chuẩn Bộ Y tế, nhưng một số mẫu có xyanua từ 0,39 đến 40 mg/kg, phenol hàm lượng 5-340 mg/kg. Hai mẫu cá chết khác được Australia kiểm chứng cũng chỉ ra hàm lượng phenol trong cơ, gan và trứng ở mức cao.

"Các mẫu cá đều có hiện tượng biến đổi cấu trúc mô, nhiều mẫu bị dính mang, một số có biểu hiện cháy đầu đuôi - dấu hiệu điển hình của nhiễm độc phenol. Phân tích trầm tích khu vực ven biển bốn tỉnh miền Trung cũng có phenol", ông Lợi cho hay.

Để chắc chắn hơn, nhóm đã thí nghiệm thử độc tính dịch chiết của mẫu cá chết. Dịch từ cá chết khi phân hủy vào nước tiếp tục làm chết các con cá biển khác. "Nếu cá chết do tảo thì không thể khiến con cá đang sống khác chết được", tiến sĩ Lợi nói và đi đến kết luận nguyên nhân gây cá chết không phải thiên nhiên mà chính là con người, cụ thể phenol và xyanua - hai tác nhân hóa học gây ra tình trạng hải sản chết.

Nhận định xyanua xuất hiện trong cá có thể do hoạt động đánh bắt hoặc chất thải từ luyện cốc, nhưng phenol chỉ xuất hiện trong nước thải của luyện cốc, nhóm nhà khoa học “truy” lại Formosa để tìm nguồn thải ra hai độc tố này.

Lớp màng nhầy chứa độc tố bao phủ cá và rặng san hô gây hiện tượng hải sản chết.

Cụ thể, trong quá trình súc rửa đường ống, Formosa sử dụng lượng lớn axit - yếu tố tạo phức với sắt rất tốt. Lượng nước thải có chứa axit xitric trong quá trình súc rửa không được xử lý riêng mà dẫn thẳng tới trạm xử lý nước công nghiệp.

Ngoài ra, quá trình xử lý nước thải lò cốc có lượng lớn sắt, nước thải sau khi xử lý cũng được dẫn về trạm xử lý nước công nghiệp tập trung. Trạm này chỉ đóng vai trò lắng lọc, chứ không xử lý được độc tố như phenol hay xyanua.

Độc tố di chuyển thế nào?

"Tìm được nguồn xả thải và nguyên nhân gây ô nhiễm, các nhà khoa học đặt nghi vấn phenol hay xyanua là dạng tự do tan và sẽ bị nước biển pha loãng, nếu cá chết thì chỉ ở một điểm chứ không thể lan rộng đến Huế", tiến sĩ Lợi nhớ lại.

Các nhà khoa học dự đoán cơ chế di chuyển của các độc chất này dọc theo dòng hải lưu, có thể xuất phát từ một số dấu vết bất thường như nước màu đỏ, đen tại Hà Tĩnh, Quảng Bình. Màng dịch nhày bao bọc cá chết trên rạn san hô, màu nâu đỏ phủ trên trầm tích tại Thừa Thiên Huế - điểm cuối của sự cố.

Từ nhận định trên, nhóm thử độc tính với mẫu nước thu được từ vệt nước màu đỏ gạch ở Quảng Bình ngày 4/5, Hà Tĩnh ngày 5/5 và 12/5 cho kết quả tỷ lệ cá chết 80-100% trong 3-30 phút. Đồng thời khi phân tích mẫu nước, hàm lượng sắt trong cặn lơ lửng cao (gần 25%), hydroxit sắt (gần 50%) và chứa phenol.

Giả thuyết về đường đi của hệ keo sắt và quá trình vận chuyển độc tố.

Màu nước bất thường không phải là màu của tảo nở hoa hay phù sa mà là dạng keo sắt hấp thụ các độc tố như phenol, xyanua - sản phẩm do hoạt động xả thải của con người gây ra. Phân tích màng dịch nhày bao bọc thân cá trên rạn san hô thu được ở Thừa Thiên - Huế ngày 24/4 cũng thu được hàm lượng sắt cao và có chứa phenol.

Từ kết luận trên, các nhà khoa học đã tìm ra mối liên kết giữa dòng nước thải chứa axit, sắt từ súc rửa đường ống và dòng nước thải sinh hóa chứa FeSO4 (sắt II sunfat) cùng phenol, xyanua. Chúng tạo thành hệ keo sắt kéo theo các độc tố khi thải ra biển, còn gọi là “ổ độc di động”. Lớp màng nhầy di động này theo chiều của dòng hải lưu từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên - Huế làm cá chết do tắc mang hoặc do tác động của độc tố phenol, xyanua.

Trong quá trình di chuyển, phenol và xyanua được giải phóng dần và dạng keo có thể lắng xuống đáy. Khi có thủy triều và sóng, lớp keo này bị đẩy lên mặt nước tạo thành vệt màu bất thường như đã thấy ở Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Đến Huế, ổ độc di động gặp xoáy nên dừng lại, vì thế Đà Nẵng không bị ảnh hưởng như các địa phương còn lại.

"Bằng luận cứ khoa học một cách độc lập và khách quan, nguyên nhân và thủ phạm gây hải sản chết bất thường đã được chỉ rõ và Formosa đã thừa nhận", ông Lợi nói.

Hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế khiến đời sống người dân 4 tỉnh miền Trung lao đao.

Để tìm nguyên nhân, 7 bộ ngành cùng các viện nghiên cứu, 100 nhà khoa học trong và ngoài nước đã vào cuộc. Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả điều tra sơ bộ, khoanh vùng hai nhóm nguyên nhân là độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa. Tuy nhiên, nguyên nhân tảo nở hoa vấp phải sự phản ứng của giới khoa học và người dân.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã mời chuyên gia từ Đức, Mỹ, Israel tham gia điều tra nguyên nhân cá chết, đồng thời lập đoàn liên ngành gồm đại diện các bộ và địa phương tổng kiểm tra Khu kinh tế Vũng Áng, nơi Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, có hệ thống ngầm xả thải ra biển.

Ngày 30/6, Formosa đã thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra thảm họa cá chết và cam kết bồi thường 500 triệu USD để khắc phục hậu quả và cải tạo môi trường.

Phạm Hương

Ninh Bình sẽ xây dựng công viên động vật hoang dã quốc gia đầu tiên tại Việt Nam

Nguồn tin: Báo Ninh Bình

Công viên động vật hoang dã quốc gia tại Ninh Bình là dự án bảo tồn, cứu hộ, phát triển các loài động vật hoang dã đầu tiên tại Việt Nam. Dự án được xây dựng, phát triển, hoạt động theo tiêu chuẩn Quốc tế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 154/QĐ-TTg.

Dự án được xây dựng tại xã Kỳ Phú và Phú Long, huyện Nho Quan, với tổng diện tích quy hoạch 1.155,43ha. Mục tiêu của dự án là bảo tồn, cứu hộ, phát triển và lưu trữ nguồn gen các loài động vật hoang dã, ưu tiên các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm; phục vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo, giáo dục môi trường kết hợp với du lịch sinh thái; tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Theo ông Phạm Văn Thành, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Công viên động vật hoang dã Quốc gia: Dự án sẽ bảo tồn, cứu hộ, phát triển khoảng 3.000 cá thể thuộc 250 loài động vật; tổ chức gây nuôi các loài động vật trong môi trường bán tự nhiên; tạo hiện trường và cơ sở phục vụ nghiên cứu khoa học; đào tạo học sinh, sinh viên trong nước và quốc tế về bảo tồn và phát triển các loài động vật hoang dã; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, giáo dục môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Dự kiến, khi hoàn thành công viên sẽ thu hút khoảng 5 triệu lượt khách/năm, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Dự án Công viên động vật hoang dã quốc gia tại Ninh Bình bao gồm 6 phân khu được phân chia trên cơ sở chức năng và nhiệm vụ của các khu bảo tồn.

Theo đó, phân khu động vật hoang dã, phân khu này có vị trí tại phía Tây khu công viên, tiếp giáp với Vườn quốc gia Cúc Phương. Các hoạt động tại đây có tính chất gần gũi với thiên nhiên, gồm các công trình: Nhà điều hành, quản lý, nghiên cứu khoa học; công trình phục vụ chăm sóc, triển lãm động vật hoang dã, các công trình dịch vụ phục vụ khách tham quan…

Phân khu vui chơi giải trí theo chủ đề, vị trí tại phía Đông khu công viên, cách xa Phân khu động vật hoang dã, gồm các cụm công trình TDTT (trường đua ngựa, nhà luyện tập, thi đấu TDTT); các cụm công trình giải trí (thế giới nước, trò chơi cảm giác mạnh, biểu diễn nghệ thuật, khu mô hình các công trình nổi tiếng thế giới, mê cung cây xanh, phim trường...) và các dịch vụ hỗ trợ.

Phân khu trung tâm - dịch vụ có vị trí tại trung tâm khu công viên, là trục chuyển tiếp, kết nối giữa hoạt động thiên nhiên (Công viên động vật hoang dã) và hoạt động con người (các khu dịch vụ, vui chơi giải trí). Có các công trình dịch vụ văn phòng, dịch vụ thương mại, khu dịch vụ ăn uống và dịch vụ nghỉ dưỡng.

Phân khu tái định cư và nhà công vụ, cung cấp quỹ đất cho nhà ở kiểu biệt thự; chung cư và các công trình công cộng như trạm y tế, siêu thị, trường học… cho công tác tái định cư và cán bộ, nhân viên làm việc lâu dài của Dự án.

Phân khu cây xanh sinh thái, là trục cảnh quan rừng của Dự án, tiếp nối với Vườn quốc gia Cúc Phương. Một số khu vực phù hợp sẽ được trồng mới rừng tự nhiên theo dạng ngẫu nhiên tạo nên cảnh quan rừng tương tự các khu rừng nguyên sinh và theo các chủ đề nhất định.

Khu vực này có thể bố trí các mô hình nghỉ dưỡng để thu hút đầu tư. Các vị trí có địa hình thuận lợi bố trí các khu trang trại nông lâm, các khu nghỉ dưỡng sinh thái Bungalow. Khu này như vùng đệm có chức năng cách ly khu động vật hoang dã với các hoạt động bên ngoài công viên.

Phân khu chăm sóc - nghiên cứu phát triển, phục vụ nuôi dưỡng, chăm sóc và cứu hộ động vật trong công viên có nhiệm vụ nghiên cứu nhân giống các loài động vật hoang dã, cung cấp thú cho các vườn thú, cung cấp giống cho các trang trại chăn nuôi động vật hoang dã.

Phân khu này bố trí góc Tây Bắc khu công viên, tiếp giáp với tỉnh lộ 479D, liên kết với phân khu động vật hoang dã bằng tuyến đường nội bộ phục vụ cho công tác chăm sóc – nghiên cứu phát triển.

Tại đây xây dựng các công trình chức năng như nhà làm việc, nhà xưởng chế biến thức ăn, nhà cứu hộ, trung tâm nghiên cứu khoa học và khu cách ly động vật, khu nuôi thả động vật phục vụ nghiên cứu bảo tồn….

Ông Phạm Văn Thành cũng cho biết: Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 7.368 tỷ đồng, trong đó: Vốn xã hội hóa khoảng 5.247 tỷ đồng (71,2%) đầu tư cho các hạng mục: Xây dựng hạ tầng các phân khu và các dự án, công trình dịch vụ, du lịch trong phạm vi công viên.

Ngân sách nhà nước khoảng 2.121 tỷ đồng (28,8%) đầu tư cho các hạng mục: Giải phóng mặt bằng; các trục đường trong công viên; các trạm cấp nước, cấp điện, xử lý nước thải, rác thải; cơ sở hạ tầng Phân khu động vật hoang dã, Phân khu chăm sóc - nghiên cứu phát triển động vật hoang dã.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, tỉnh Ninh Bình đang kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào từng phân khu hoặc các hạng mục công viên động vật hoang dã.

Nguyễn Thơm

MDEC – Hậu Giang năm 2016: Tìm “tiếng nói chung” để đồng bằng phát triển bền vững

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ

Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL– Hậu Giang 2016 (MDEC – Hậu Giang 2016) với chủ đề "ĐBSCL-chủ động hội nhập và phát triển bền vững" được tổ chức tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang từ ngày 11 đến 15-7-2016. Các chương trình, hoạt động diễn ra tại MDEC – Hậu Giang 2016 được kỳ vọng sẽ giúp các địa phương trong vùng tìm ra được các giải pháp và tiếng "nói chung" để giúp ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững thời gian tới.

Phong phú các hoạt động

Theo Ban tổ chức MDEC – Hậu Giang 2016, đến nay, công tác chuẩn bị cho MDEC – Hậu Giang 2016 cơ bản hoàn tất và Ban Tổ chức đang tiếp tục rà soát lại tất cả các nội dung, chương trình và hoạt động để có sự chuẩn bị chu đáo nhằm tổ chức đạt kết quả tốt nhất.

Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) được Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, UBND TP Hồ Chí Minh và UBND 13 tỉnh, thành vùng Tây Nam bộ tổ chức theo Quyết định số 388/QĐ-TTg ngày 25-3-2010 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là hoạt động liên kết mở nhằm tăng cường tính hợp tác và liên kết giữa các địa phương, giữa ĐBSCL với các bộ, ngành Trung ương, các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế, nhằm đẩy mạnh đối ngoại, phát triển kinh tế-xã hội, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng. Nội dung của diễn đàn năm nay nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác đầu tư với các địa phương trong nước và quốc tế, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa cho vùng ĐBSCL, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống của nhân dân. Tăng cường liên kết vùng, hợp tác nội vùng giữa các tỉnh, thành Tây Nam bộ. Huy động các nguồn lực để thực hiện an sinh xã hội, đầu tư một số công trình phúc lợi xã hội cho vùng ĐBSCL, nhất là địa phương đăng cai tổ chức MDEC.

MDEC – Hậu Giang 2016 được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực vào thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực của vùng ĐBSCL là gạo, thủy sản và trái cây. Trong ảnh: Sơ chế bưởi da xanh xuất khẩu ở Bến Tre.

MDEC – Hậu Giang 2016 gồm có 14 hoạt động chính. Điểm nhấn là lễ khai mạc được tổ chức tối ngày 11-7 gắn với việc công bố Quỹ an sinh xã hội cho vùng ĐBSCL năm 2016 và Hội nghị "ĐBSCL chủ động hội nhập và phát triển bền vững". Hội nghị này rất quan trọng nhằm tìm cơ chế, chính sách phù hợp cho vùng hội nhập, phát triển kinh tế, nhất là nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL là lúa gạo, trái cây, thủy sản. Một sự kiện cũng rất quan trọng là hội thảo về các biện pháp kiểm soát mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh vùng ĐBSCL. Tại MDEC – Hậu Giang 2016 còn diễn ra Hội chợ Công thương khu vực ĐBSCL với quy mô khoảng 1.000 gian hàng và các hội thảo về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, về hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL và diễn đàn doanh nghiệp vùng ĐBSCL năm 2016. Đặc biệt, tại Hội nghị Ban chỉ đạo và bế mạc MDEC – Hậu Giang 2016 diễn ra ngày 15-7 sẽ đánh giá kết quả tổ chức diễn đàn, quyết định các vấn đề đưa ra thảo luận tại các hội nghị, hội thảo trước đó và thông qua tuyên bố chung, đồng thời tổng hợp đề xuất các sáng kiến, kiến nghị tới Chính phủ và các cơ quan Trung ương.

Ban tổ chức cũng phối hợp các bộ ngành Trung ương tổ chức nhiều hoạt động kết hợp như: Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang; Hội nghị sơ kết công tác bình ổn thị trường 6 tháng đầu năm 2016 giữa các tỉnh, thành ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh; khởi công, khánh thành một số công trình trên địa bàn hưởng ứng MDEC – Hậu Giang 2016; giới thiệu, quảng bá các làng nghề, sản phẩm đặc sản truyền thống của địa phương. Tại MDEC – Hậu Giang 2016 còn diễn ra hội nghị liên kết phát triển du lịch ĐBSCL và hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020" tại tỉnh Hậu Giang. Ngoài ra, còn có cuộc thi "Người đẹp miền Hậu Giang" được tổ chức từ ngày 13 đến 15-7 trong khuôn khổ Hội chợ Công thương khu vực ĐBSCL.

Nhiều kỳ vọng

Với nhiều nội dung, chương trình hoạt động phong phú gắn với các vấn đề thời sự, bức xúc được các cấp chính quyền và người dân tại ĐBSCL quan tâm, MDEC – Hậu Giang 2016 được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, qua sự kiện này, các địa phương vùng ĐBSCL mong muốn sẽ tìm ra được tiếng nói chung trong việc giải quyết các vấn đề chung, hướng đến một vùng đồng bằng phát triển nhanh, bền vững.

Theo Ban tổ chức, MDEC – Hậu Giang 2016 sẽ giúp mang lại nhiều hiệu quả cả về mặt chính trị và kinh tế xã hội. Đây là môi trường tốt để tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước và tạo điều kiện xây dựng mối liên kết giữa các địa phương trong vùng với nhau và với cả nước và quốc tế nhằm tạo ra môi trường thuận lợi để phát huy tiềm năng của vùng trên nhiều lĩnh vực. MDEC cũng là dịp thúc đẩy liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ hàng hóa, phối hợp giữa các địa phương trong xây dựng thương hiệu chung cho các sản phẩm chủ lực của vùng , giới thiệu công nghệ kỹ thuật cao cho sản xuất, chế biến nông sản. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh của vùng đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tăng cường hợp tác kinh tế và các chương trình hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong vùng với nhau, với các địa phương trong cả nước, với các bộ ngành Trung ương. Mặt khác, thúc đẩy nghiên cứu, đề xuất hoàn thành những giải pháp, cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL. Ông Nguyễn Hữu Tình, Trưởng Ban tuyên giáo tỉnh Hậu Giang, cho biết: "MDEC – Hậu Giang 2016 còn có hoạt động công bố quỹ an sinh xã hội, vinh danh các đơn vị ủng hộ quỹ an sinh xã hội vùng Tây Nam bộ và tỉnh Hậu Giang năm 2016 mang ý nghĩa tôn vinh, tri ân các mạnh thường quân đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân…".

Một vấn đề mang tính chất hết sức thời cuộc là vừa qua ĐBSCL bị hạn hán và xâm nhập mặn kỷ lục 100 năm qua. Ngay cả tỉnh Hậu Giang dù nằm cách xa biển nhưng cũng bị nước mặn xâm nhập nghiêm trọng và có 4 huyện phải công bố tình trạng thiên tai. Xác định đây là vấn đề rất quan trọng, cần phải tìm được giải pháp, tiếng nói chung của tất cả các địa phương trong vùng để giải quyết, Ban chỉ đạo và Ban tổ chức đã kịp thời đưa thêm vào nội dung hội thảo về các biện pháp kiểm soát mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh vùng ĐBSCL vào Diễn đàn lần này.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh, trong 14 sự kiện chính tại MDEC – Hậu Giang 2016, 3 sự kiện rất quan trọng, mang tính bao quát chung là hội nghị "ĐBSCL chủ động hội nhập và phát triển bền vững", hội thảo về các biện pháp kiểm soát mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh vùng ĐBSCL và diễn đàn doanh nghiệp vùng ĐBSCL năm 2016. Các sự kiện này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để góp tiếng nói chung, nói lên mong muốn, tâm huyết của người dân đồng bằng trong quá trình phát triển hiện nay trước xu thế hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ. Ngoài ra, MDEC – Hậu Giang 2016 được kỳ vọng sẽ góp tiếng nói chung trong việc giải quyết các vấn đề về liên kết vùng, nhất là việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho liên kết vùng tại ĐBSCL, thúc đẩy kinh tế-xã hội của vùng phát triển nhanh và bền vững thời gian tới.

KHÁNH TRUNG

Diêm dân gặp khó trong sản xuất muối trải bạt

Nguồn tin:  Báo Phú Yên

Chỉ có 2 người làm muối trên cánh đồng muối rộng lớn thôn Trung Trinh, xã Xuân Phương (TX Sông Cầu) - Ảnh: LÊ TRÂM

Năm 2011, Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT) đã cấp kinh phí xây dựng mô hình sản xuất muối trải bạt, với quy mô 3ha tại HTX Muối Tuyết Diêm, xã Xuân Bình (TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên). Mô hình này đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng muối, tuy nhiên, đến nay vẫn không nhân rộng được.

Giá thấp

Ông Nguyễn Tấn Lợi, một diêm dân làm muối ở thôn Tuyết Diêm, cho hay: Cứ 1 sào muối (500m2), sau khi kết tinh thu được 3 gánh muối (tương đương 150kg), bán với giá 600 đồng/kg muối sạch, thu được 90.000 đồng. Trong khi đó, tiền bỏ ra mua bạt (tấm bạt khổ 6x80m), giá 120.000 đồng, loại bạt này trải một thời gian ngắn là mục. Còn bà Phan Thị Năm, một diêm dân vùng muối Tuyết Diêm, phân trần: Áp dụng mô hình sản xuất muối trải bạt thì ngoài việc mua bạt phải đầu tư kiên cố hệ thống mương, bờ bao. Vì nếu mương thấp, rỉ nước tràn vô ruộng, dù trải bạt trên khô nhưng dưới ướt do xì mặn thì khó kết tinh muối. Còn việc kiên cố bờ mương, Nhà nước không hỗ trợ kinh phí đầu tư thì mỗi gia đình góp 2 triệu đồng, giá muối thấp như hiện nay thì làm 2, 3 năm chưa đủ trả.

Nói về mô hình sản xuất muối trải bạt, ông Tăng Văn Chiến ở vùng muối Trung Trinh (xã Xuân Phương) cho rằng, làm muối trải bạt thì giá muối sạch 1.500 đồng/kg mới có lãi. Nay muối sạch trên thị trường có giá 600 đồng/kg, dù cao hơn muối thường 200 đồng/kg nhưng diêm dân không có lãi. Giá muối hạ lại bán không chạy, ở vùng muối này có người 3 năm nay không bán được muối, còn tồn rất nhiều.

Theo Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, từ đầu vụ sản xuất đến nay, diêm dân địa phương đã sản xuất 3.600 tấn muối ráo, giảm hơn 2.400 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Muối tiêu thụ rất chậm, hiện lượng muối còn tồn đọng trong dân khoảng 1.600 tấn. Không chỉ muối làm thủ công không bán chạy mà muối sạch cũng tồn, lượng muối tồn đọng chiếm gần 50% sản lượng muối thu hoạch được.

Ruộng muối bỏ hoang

Những ngày qua, tại cánh đồng muối Trung Trinh, nhiều diêm dân không màng ra ruộng, nhiều ruộng muối bỏ hoang. Chòi muối của ông Nguyễn Văn Hiền nằm giữa cánh đồng muối Trung Trinh qua mùa mưa gió rách te tua, đến giờ ông chưa che chắn lại. Ông Hiền cho hay: “Mấy hôm nay, tôi và nhiều người ở trong xóm kêu sang lại ruộng muối nhưng không ai nhận vì muối ế nhiều quá. Cạnh đó, ông Bùi Văn Năm, một diêm dân làm muối gần 20 năm, nay đành bỏ nghề, than vãn: Vùng này có hàng trăm tấn muối không bán được, có đống muối để lâu năm thành muối trầm mỡ. Trước đây, muối có giá, đầu vụ HTX đứng ra cho vay vốn mua ky, mua giống, còn nay diêm dân tự bỏ tiền ra đầu tư, muối không bán được, diêm dân cụt vốn nên bỏ ruộng hoang.

Theo ông Nguyễn Hữu Lộc, Phó Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Xuân Phương, giá muối xuống thấp, khó bán nên nhiều diêm dân bỏ hoang 3ha ruộng. Còn theo thống kê của Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, đến nay, TX Sông Cầu có khoảng 8ha ruộng muối bỏ không, trong đó có 5ha ở xã Xuân Bình.

Theo nhiều diêm dân, toàn TX Sông Cầu hiện có 171,8ha ruộng muối, bình quân mỗi năm sản xuất hơn 20.200 tấn. Tuy nhiên, nếu diêm dân sản xuất muối trải bạt thì phải có nhà máy chế biến muối hầm, muối ăn, muối tiêu dùng để bao tiêu sản phẩm tiêu thụ muối trải bạt của diêm dân. Thế nhưng thời gian qua do không có cơ sở sản xuất muối nên diêm dân tự tìm đầu ra, giá bán thấp, không kích thích được sản xuất muối sạch. Một điều đáng lưu ý nữa là tại các vùng sản xuất muối, cơ sở hạ tầng chưa được nâng cấp đầu tư về giao thông nội đồng trong khâu vận chuyển; đê kè, bờ bao ruộng muối còn là bờ đất nên sau khi mưa to bị xói lở trôi tróc bạt gây thiệt hại trong sản xuất.

Để nâng cao chất lượng muối, diêm dân đầu tư sản xuất muối trải bạt thì Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn cho diêm dân vì số tiền bỏ ra ban đầu lớn. Bên cạnh đó, địa phương cần kêu gọi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất muối để giải quyết được thị trường tiêu thụ. Lâu nay, tại các vùng muối chưa có nhà máy thu mua nên lượng muối tồn đọng hàng năm rất lớn, kể cả muối làm thủ công và muối sạch nên diêm dân khó khăn trong vấn đề sản xuất muối trải bạt. - Ông Đặng Thái Lành, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT)

LÊ TRÂM

Giám sát sản xuất nông nghiệp với SmartAgri

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng

Mới đây, Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, Công viên phần mềm Quang Trung cùng với Công ty Global Cyber Soft Vietnam (GCS) đã công bố hệ thống công nghệ thông tin giám sát sản xuất nông nghiệp - SmartAgri.

Theo dõi quá trình sinh trưởng các sản phẩm nuôi cấy trong phòng thí nghiệm ở Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM. Ảnh: T.L

Hệ thống “thay” người nông dân quản lý hoạt động sản xuất từ ươm mầm đến thu hoạch, bảo quản theo quy trình chuẩn cũng như liên kết thị trường, tìm đầu ra tốt nhất cho nông sản.

Theo ông Trần Kim Vũ, đại diện Công ty GCS, trước đây việc xem xét nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng cho cây trồng hoàn toàn được thực hiện thủ công và dựa vào kinh nghiệm của người nông dân là chính. Với SmartAgri, tất cả sẽ được thực hiện một cách tự động thông qua các hệ thống chip cảm biến được gắn trong nhà màn. Điều này đảm bảo cho các yếu tố ảnh hưởng đến cây trồng luôn được giữ ở một mức độ phù hợp nhất. Cụ thể, hệ thống sẽ sử dụng các công cụ phân tích thông tin môi trường để xác định nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, tốc độ gió, lượng mưa, độ pH… tại khu vực sản xuất nông nghiệp. Căn cứ vào đó, các thiết bị của hệ thống tưới, làm mát, đèn chiếu sáng, quạt, màn chắn… sẽ tự động vận hành phù hợp với các chỉ số môi trường theo quy trình kỹ thuật đã ấn định trước đó. Khi các yếu tố ảnh hưởng đến cây trồng vượt quá giới hạn, hệ thống sẽ cảnh báo đến người nông dân qua tin nhắn, email hoặc chuông báo động…

Ngoài ra, SmartAgri còn cho phép theo dõi mùa vụ từ bất kỳ nơi đâu thông qua các ứng dụng di động hoặc trình duyệt web trên nền tảng đám mây, ghi lại lịch sử chăm bón và các sự kiện trong suốt mùa vụ, để khi vào vụ thu hoạch, hệ thống sẽ tự tạo mã QR nhằm cung cấp cho người dùng các thông tin về sản phẩm (mùa vụ, ngày trồng và thu hoạch, chất lượng, hàm lượng, xuất xứ, hạn bảo quản...). Đến cuối vụ, SmartAgri sẽ hỗ trợ người nông dân phân tích, đánh giá năng suất theo giống, mùa vụ, quy trình, khu vực sản xuất và đề xuất giải pháp tối ưu cho nhà nông trong các vụ kế tiếp.

Ông Từ Minh Thiện, Phó trưởng ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP, cho biết nông sản Việt khi xuất khẩu hiện gặp thách thức rất lớn từ các hàng rào tiêu chuẩn công nghệ như giống, sản xuất, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch, vận chuyển… Vấn đề cốt lõi là phải xây dựng và vận hành được chuỗi cung ứng hàng hóa một cách bền vững phục vụ xuất khẩu và nhu cầu trong nước; kết nối người nông dân vào các chuỗi liên kết chiều ngang (hợp tác xã, tổ nhóm sản xuất - tạo nguồn cung đủ lớn) và chiều dọc (chuỗi cung ứng - đầu ra). Bên cạnh đó, quy trình sản xuất phải tuân thủ các tiêu chuẩn thực hành tốt GlobalGAP, VietGAP, sẵn sàng cung cấp thông tin truy xuất nguồn gốc; cung cấp đầy đủ thông tin thị trường cho người nông dân yên tâm sản xuất… Do vậy, cần thiết phải ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ thông tin để quản lý sản xuất nông nghiệp. Với một hệ thống quản lý tự động như SmartAgri, các thông số về sản phẩm được thể hiện chính xác, minh bạch sẽ tạo thành một chuỗi liên kết giá trị trong nông nghiệp. Đây là công cụ đắc lực trong việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ cho việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu…

Cũng theo ông Từ Minh Thiện, cái khó của phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta hiện nay là người nông dân thiếu công nghệ, thiếu quy trình chuẩn..., nhưng đến khi nông sản sản xuất ra lại thiếu đầu ra ổn định, nông dân chưa liên kết lại với nhau. SmartAgri tạo ra một mạng xã hội thu nhỏ, liên kết nhà nông với chuyên gia, nhà nông với đơn vị phân phối, thu mua để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác sản xuất…

Đến nay, SmartAgri đã được thử nghiệm trên 2 vụ dưa lưới trong nhà màn tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM. Kết quả sản lượng dưa lưới tăng khoảng 10%, chất lượng và trọng lượng khá đồng đều. Tuy vậy, việc ứng dụng thử nghiệm này chưa được mở rộng trên đồng ruộng và cũng chưa đa dạng cây trồng.

GIA QUẢNG

Đặc sản Hậu Giang

Nguồn tin:  Báo Hậu Giang

Hậu Giang với nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên như thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu... từ đó rất thích hợp cho phát triển đa dạng chủng loại nông sản nhiệt đới và bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, với 11 loại nông sản có phẩm chất ngon, trở thành đặc sản của tỉnh.

Khóm Cầu Đúc với chất lượng và hương vị mang nét riêng của Hậu Giang.

Do là tỉnh thuần nông nên cây lúa đang đóng vai trò chủ đạo trong nền nông nghiệp của Hậu Giang. Sản phẩm này không những góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển. Tổng diện tích canh tác lúa hàng năm trên địa bàn Hậu Giang ổn định ở mức từ 200.000 - 210.000ha, sản lượng 1,2 triệu tấn/năm. Một trong các điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất lúa của tỉnh là có kênh xáng Xà No, đây là con đường lúa gạo miền Hậu Giang, giúp phục vụ tưới tiêu và giao thương hàng hóa giữa các tỉnh vùng ĐBSCL.

Để không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng hạt lúa, những năm qua, Hậu Giang thường xuyên đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Theo đó, diện tích đất lúa được bà con nông dân sử dụng giống xác nhận chiếm hơn 70%, với các giống như: OM 4218, OM 5451, OM 7347, OM 4900, đặc biệt là lúa Hậu Giang 2 (HG2) đã được công nhận nhãn hiệu… Bên cạnh đó, hiện tỉnh đã xây dựng được 2 cánh đồng lớn trong sản xuất lúa, với quy mô từ 300 - 500 ha/cánh đồng tại huyện Vị Thủy và Châu Thành A. Tại các cánh đồng lớn đều có liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong việc hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho bà con. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh cũng có kế hoạch tiếp tục nhân rộng mô hình này tại các địa phương còn lại.

Bên cạnh cây lúa, thời gian qua, ngành chức năng của tỉnh còn xây dựng nhiều mặt hàng nông sản khác, tạo được tiếng vang lớn và mang tính đặc trưng riêng của tỉnh. Trong đó, sản phẩm được nhiều người biết đến đó chính là nhãn hiệu “Khóm Cầu Đúc Hậu Giang” do Cục Sở hữu trí tuệ công nhận, một loại cây trồng đã có mặt trên vùng đất phèn, mặn của huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh trên 100 năm qua. Theo người dân của hai địa phương trên, do vùng đất nhiễm phèn và hàng năm thường bị ảnh hưởng nặng của tình hình xâm nhập mặn, ngoài cây khóm thì rất ít cây trồng khác thích nghi được. Chính vì vậy, nhiều nông dân chọn cây khóm để phát triển kinh tế gia đình.

Hiện nay, diện tích trồng khóm trên địa bàn tỉnh khoảng 2.000ha (chủ yếu khóm Cầu Đúc), trong đó có 60ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt khoảng 40.000 tấn. Nét đặc trưng và mang tính riêng của giống khóm Cầu Đúc Hậu Giang là trái có hình dáng thanh nhã, cuống ngắn, lõi nhỏ, mắt lồi, hố mắt hơi sâu, thịt màu vàng sậm, ít xơ, ít nước, ăn giòn và ngọt. Nhờ chất lượng, hương vị hơn hẳn cây khóm trồng ở các vùng khác nên khóm Cầu Đúc Hậu Giang đã vang danh khắp trong và ngoài nước. Cây khóm không những giúp người dân nơi đây no ấm mà hiện còn được xem là cây giảm nghèo hiệu quả.

Ông Võ Văn Thanh, hộ có hơn 50 năm trồng khóm tại ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, thông tin: “Nhà nào có được 1ha khóm thì mỗi năm cho thu nhập hơn 50 triệu đồng. Khóm gần như cho trái quanh năm, do hiện nay đa phần bà con áp dụng biện pháp xử lý trái rải vụ nên luôn có đồng ra, đồng vô ổn định. Người trồng khóm vùng này không mau giàu, nhưng chẳng đến nỗi khó khăn. Có hộ chỉ được 5-7 công, nhưng nhiều hộ có tới 5-6ha khóm”.

Để nhãn hiệu khóm Cầu Đúc Hậu Giang tiếp tục vươn xa, ngành chức năng tỉnh đã và đang tiếp tục đầu tư cho vùng khóm về cải tạo đất trồng, xây dựng đê bao khép kín để chống ngập úng, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con. Đặc biệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đang thực hiện dự án du lịch cộng đồng tại vùng khóm Cầu Đúc. Hy vọng trong một ngày gần, đây sẽ là điểm du lịch lý tưởng cho những ai thích khám phá và trải nghiệm.

Cùng với hai nông sản chủ lực trên, mỗi khi nhắc đến Hậu Giang thì nhiều người còn nghĩ ngay đến bưởi Năm Roi, loại nông sản mà ngoài việc sử dụng để ăn thì nhiều nhà vườn tại Hậu Giang còn sáng tạo ra những trái bưởi hồ lô có khắc lên những chữ tài - phước - lộc - thọ, đặc biệt là hình bản đồ Việt Nam có hai quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam là Hoàng Sa và Trường Sa. Hiện diện tích trồng bưởi Năm Roi tại Hậu Giang khoảng 3.000ha, tập trung ở huyện Châu Thành. Hàng năm, các nhà vườn có thể cung ứng khoảng 45.000 tấn bưởi Năm Roi cho thương lái các nơi đến mua để tiêu thụ trong và ngoài nước. Cây bưởi Năm Roi Hậu Giang đã được chứng nhận GlobalGAP với diện tích 55,4ha và được Công ty The Fruit Republic của Hà Lan bao tiêu trong diện tích này.

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Trên cơ sở định hướng ban đầu khi mới thành lập tỉnh về cây trồng, vật nuôi chủ lực vốn có, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã tiến hành quy hoạch và mở rộng vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, cũng như khai thác tốt lợi thế ở từng vùng sinh thái để phát triển các loại cây, con thế mạnh riêng của từng địa phương trong tỉnh. Đến nay, bước đầu đã hình thành được các vùng nguyên liệu nông sản chuyên canh với quy mô khá lớn, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu. Đó là vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, lúa đặc sản 32.000ha tại các khu vực giao thông thuận lợi dọc theo kênh xáng Xà No và trục Quốc lộ 61, vùng nguyên liệu mía hơn 10.500ha, vùng nguyên liệu khóm 2.000ha, vùng cây ăn trái tập trung 10.000ha, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung 1.500ha, phân bố đều khắp ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Như vậy, sau 12 năm thành lập, đến nay tỉnh Hậu Giang đã bắt nhịp cùng sự phát triển chung của các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL. Trong những nhân tố góp phần tạo nên sự thành công đó phải kể đến vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp. Để phát triển kinh tế nông nghiệp, tỉnh đã chọn 4 cây (lúa, mía, cây ăn trái, khóm) và 4 con (trâu, heo, gia cầm, thủy sản) để phát triển theo chiều sâu, tập trung tạo bước đột phá mới. Qua đây, đã khẳng định một số loại đặc sản nông nghiệp của tỉnh và bước đầu tạo thành thương hiệu được thị trường cả nước biết đến. Trong đó, có 3/11 nông sản chủ lực của tỉnh là cam sành, khóm, cá thát lát đã phát triển thành thương hiệu nổi tiếng. Bên cạnh đó, các nông sản đã bước đầu sản xuất theo hướng GAP, an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu dùng. Những nông sản này sẽ được ngành nông nghiệp tỉnh đem trưng bày, quảng bá tại Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL - Hậu Giang 2016 (MDEC - Hậu Giang 2016) được khai mạc vào ngày 11-7 tới đây tại Hậu Giang.

“Trước thềm MDEC - Hậu Giang 2016 được tổ chức tại Hậu Giang, hiện các cơ quan chuyên môn của ngành nông nghiệp tỉnh đang chuẩn bị các sản phẩm để tận dụng tối đa cơ hội này nhằm giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh, thông qua hình thức giới thiệu và tham gia hội chợ triển lãm thương mại, hội nghị xúc tiến đầu tư trong khuôn khổ các hoạt động của MDEC”, ông Đời cho biết thêm.

Hiện Hậu Giang đã hình thành và xây dựng được 11 nông sản chủ lực của tỉnh, trong đó đã có 9 nông sản được công nhận nhãn hiệu hàng hóa, gồm: bưởi Năm Roi Phú Thành, cam sành Ngã Bảy, khóm Cầu Đúc, chanh không hạt, cá thát lát Hậu Giang, cá rô đồng Hậu Giang, lúa Hậu Giang 2, mía đường Casuco, quýt đường Long Trị và đang tiến tới xoài Bảy Ngàn, riêng cam xoàn Phương Phú mới đưa vào loại nông sản chủ lực thứ 11 của tỉnh.

HỮU PHƯỚC

Thành công trên vùng sỏi đá

Nguồn tin:  Báo Thừa Thiên Huế

“Biến sỏi đá thành cơm” là câu nói mà người dân xã Lộc Hòa (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) “gắn” cho gia đình ông Đỗ Đãi, một điển hình nông dân giỏi ở địa phương đã vượt khó đi lên bằng hai bàn tay trắng.

Ông Đãi vừa tậu 6 con bò lai về nuôi ở vườn nhà

Cái khó ló cái khôn

Ấn tượng khi bước vào “lãnh địa” của gia đình ông Đãi bên đồng Lầy Mới, thôn Nam Khe Dài là vùng đất đầy sỏi và đá. Vậy mà không hiểu sao ông Đãi quy hoạch, sắp xếp trước nhà có vườn tiêu xanh tốt, hàng trăm gốc chè, cam, ổi; cùng hệ thống ao hồ nuôi cá nước ngọt và đan xen những khóm chuồng trại nuôi lợn nái, lợn thịt đến cả trăm con.

Vợ chồng ông Đãi trước đây ở thôn Miêu Nha (Lộc Điền) thuộc diện nghèo khó. Năm 1984, vợ chồng dẫn nhau lên Lộc Hòa làm thuê, đốt than, đi mây kiếm sống. Rồi cuộc sống đưa đẩy, ông Đãi tìm đến triền đồi thuộc đồng Lầy Mới (bây giờ gọi là Bắc Khe Dài) để lập nghiệp. Những năm tháng ở đây, vợ chồng ông làm đủ việc, nhưng cái nghèo cứ đeo bám. Con cái vì thế cũng không có điều kiện để học đến nơi đến chốn... Không lẽ để gia đình nghèo mãi, ông Đãi nhiều đêm không ngủ vắt tay lên trán suy nghĩ. “Cái khó lại ló cái khôn”, ông Đãi bàn với vợ khai hoang phục hóa triền đồi mà gia đình đã sở hữu để làm vườn theo cách “lấy ngắn nuôi dài”. Trồng rau, trồng sắn giải quyết cuộc sống trước mắt rồi tính đến quy hoạch trồng các cây có giá trị kinh tế cao. Từ những bước đi chập chững ban đầu, vợ chồng lần lượt xây dựng các mô hình mới, đào ao nuôi cá kết hợp với làm vườn, trồng các cây củ quả ngắn ngày; nuôi heo, nuôi bò để lấy chất thải làm phân, thức ăn cho cá...Đặc biệt lúc này, hướng nuôi bò của gia đình thuận lợi vì có đồng cỏ rộng. Đều đều, mỗi năm 1 mẹ sinh 1 con. Cứ thế mà bán, gom góp lại rồi đầu tư vào vườn, mở rộng thêm quy mô sản xuất theo hướng VAC. Đồng vốn của vợ chồng ông Đãi kiếm được xoay như “chong chóng”. Cái tên Đỗ Đãi lúc này không còn nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. Người dân trong vùng “tâm phục khẩu phục” cách mà ông Đãi thoát nghèo bên triền đồi chỉ có sỏi và đá.

Dẫn tôi dạo quanh vườn, ông Đãi thực tình: “Khuôn vườn này thành điển hình chăn nuôi sản xuất ở Lộc Hòa cũng nhờ người con trai đầu lòng, Đỗ Tý rời quân ngũ trở về vào năm 2007. Tý đã đứng vào hàng ngũ của Đảng khi đang ở quân đội, hiện là Bí thư Chi đoàn thôn Nam Khe Dài. Tý mê lao động và cái gì đã quyết là nghiên cứu, học hỏi làm đến nơi đến chốn”

Sức trẻ

Từ mô hình kinh tế gia đình đang trên đà phát triển, Tý vạch thêm những kế hoạch làm kinh tế mang tính chiến lược. Ban đầu, anh quy hoạch lại vườn tạp thay thế hồ tiêu mà chính anh tự đi xin giống của bà con trong thôn về tự ươm, tự trồng và chăm bón. Sau cây tiêu, anh đã lập phương án đầu tư hệ thống đưa nước từ các khe cạnh hồ Truồi vào vườn với khoảng cách gần cả cây số. Có được nguồn nước dồi dào, anh cùng bố chỉnh trang, nâng cấp đê đập 4 hồ cá, diện tích khoảng 2.500m2, thả cá chép, mè, rô phi một năm hai lứa.

Theo lời ông Đãi, bao nhiêu năm khó khăn vất vả trước đây, giờ bản thân không còn lo nghĩ nhiều về cơm áo gạo tiền, gia đình có của ăn của để. Hiện vườn tiêu gia đình phát triển xanh tốt, hơn 200 gốc đã ra quả bói, hứa hẹn mang đến nguồn thu đáng kể cho gia đình trong thời gian đến. Cùng việc đầu tư cá, lợn, vườn tiêu, năm 2012, gia đình đã gom số tiền kha khá đầu tư thêm 3 ha rừng đang trồng keo, tràm ở gần Đôộng Tranh, thôn An Hà (Lộc Hòa). Đó là tài sản ông Đãi dành cho anh Tý làm vốn sau này khi lập gia đình.

Ông Đãi cho biết, gia đình đang tính bán đàn bò cỏ hơn 10 con để đầu tư nuôi 6 bò lai vì nuôi bò cỏ bây giờ ở Lộc Hòa không hiệu qủa vì không còn đồng cỏ và cấm thả rong. Đã mất công chăm sóc thì nuôi bò lai, theo hướng công nghiệp kép kín mới hiệu quả. Tính sơ, nếu nuôi 6 bò lai, mỗi năm đẻ một lứa, khoảng 4 năm sau đàn bò mẹ, con đua nhau đẻ sẽ lên hàng chục con. Theo giá như hiện nay, mỗi con bê lai mua từ Thanh Hóa, Nghệ An từ 20-25 triệu đồng thì cũng kiếm được cả trăm triệu đồng.

Chỉ vài năm nữa, vợ chồng ông Đãi sẽ có những nguồn thu lớn từ các mô hình kinh tế vườn rừng, vườn đồi vững chắc. Đó là thành quả của một gia đình biết vươn lên bằng ý chí, nghị lực và khát vọng làm giàu chính đáng.

Minh Văn

Xuất khẩu nông sản: Đối diện không ít thách thức

Nguồn tin:  Hà Nội Mới

6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu (XK) nông sản cán mốc hơn 15 tỷ USD là tín hiệu vui trong bối cảnh ngành nông nghiệp tăng trưởng âm. Nhiều mặt hàng nông sản có sản lượng, giá trị XK tăng mạnh và đã có mặt tại thị trường khó tính như: Trái cây, cà phê, cao su, thủy sản... Dù nhiều cơ hội, song XK nông sản cũng gặp không ít thách thức do hạn hán, xâm nhập mặn và vấn đề chất lượng an toàn thực phẩm...

Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia... Ảnh: Khánh Huy

Chú trọng thị trường trọng điểm

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trong nước đã XK gần 4.610 tấn trái cây tươi sang Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, tăng 81% so cùng kỳ năm ngoái. Không riêng XK trái cây, hầu hết các mặt hàng chủ lực như cà phê, cao su, thủy sản đều tăng trưởng mạnh. Thống kê của Bộ NN&PTNT, kim ngạch XK nông sản 6 tháng đầu năm đạt hơn 15 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Nguyễn Văn Bích, chuyên gia phân tích thị trường nông nghiệp cho hay: Hiện XK nông sản của Việt Nam tập trung chủ yếu vào những thị trường trọng điểm như: Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc, Châu Phi... Một trong những thị trường XK của Việt Nam là Hoa Kỳ được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới; riêng mặt hàng rau quả XK có tốc độ phát triển vượt bậc.

Theo ông Nguyễn Văn Bích, trước đây, các loại trái cây như thanh long, xoài, vải thiều, nhãn... chưa bao giờ xuất ngoại, thì nay đã thâm nhập vào các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản... Nếu giữ được kết quả XK rau, hoa quả như thời gian qua, cuối năm nay, mặt hàng này có thể mang về hơn 2 tỷ USD. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: "Việt Nam có 11 mặt hàng XK nông sản chủ yếu cho giá trị lớn. Nhiều mặt hàng đã đạt tới ngưỡng khó có thể tăng thêm, nhưng cũng nhiều mặt hàng chưa phát huy hết tiềm năng, do đó cần duy trì những mặt hàng có thế mạnh, song phải tập trung nâng cao sản xuất và XK những mặt hàng mới, có thế mạnh".

Khó khăn ở phía trước

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (ISPARD), tính đến cuối tháng 5-2016, hạn hán và xâm nhập mặn đã làm sản lượng lúa đông xuân tại Đồng bằng sông Cửu Long giảm gần 1,1 triệu tấn. Nước biển xâm nhập sâu hơn thông thường trung bình hằng năm từ 10 đến 25km cũng khiến sản lượng tôm sú giảm 12%, tôm thẻ giảm 14% so với cùng kỳ. Ngoài ra, hạn hán còn làm một số diện tích cà phê chết khô, năng suất kém, năng suất trái cây có múi và dừa, hạt tiêu đều giảm mạnh. Nếu không có biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai thì sản lượng hàng hóa XK của Việt Nam trong những năm tiếp theo sẽ bị tác động lớn. Ngoài ra, vấn đề chất lượng vẫn là "bài toán" nan giải của XK nông sản Việt Nam.

TS Nguyễn Trung Kiên, Trưởng bộ môn Nghiên cứu thị trường và ngành hàng ISPARD cho rằng: Việt Nam có thế mạnh sản xuất nông sản chất lượng. Đã đến lúc, ngành nông nghiệp cần chọn “chất” và duy trì “lượng”. TS Nguyễn Trung Kiên nhấn mạnh: “Khi sản xuất trong nước đối diện nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn thì chúng ta cần tính đến bài toán về lượng… Việc tăng chất lượng sản phẩm sẽ tăng giá trị XK. Không phải số lượng XK lớn thì lợi nhuận lớn. Với các thị trường tiềm năng như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản… việc chất lượng tăng sẽ kéo theo lợi nhuận tăng”.

Theo ông Phạm Quang Diệu, Công ty Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam, việc thiếu đánh giá về thị trường và xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm là hạn chế lớn nhất của các doanh nghiệp XK nông sản Việt Nam. Đặc biệt, Liên minh Châu Âu (EU) vừa đồng ý bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực là một tín hiệu đáng mừng vì hầu hết các sản phẩm bảo hộ đều là nông sản. Các doanh nghiệp XK cần tận dụng điều đó để quảng bá và xây dựng thương hiệu, đăng ký bản quyền sản phẩm của mình. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với nông sản Việt Nam, bởi công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý chỉ là bước đầu, biến đây thành lợi thế là vấn đề các bộ, ngành và doanh nghiệp cần sớm có giải pháp.

Viện trưởng ISPARD - TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng: Một yếu tố khác gây bất lợi cho XK nông sản của Việt Nam là việc hàng loạt ngân hàng trung ương các quốc gia đã có xu hướng giảm giá đồng nội tệ để hỗ trợ XK.

Ví dụ, đồng real của Brazil giảm 42% so với USD, đồng peso của Colombia giảm 37%, đồng rupee của Ấn Độ giảm 5%, đồng rupiah của Indonesia giảm 13%, đồng baht của Thái Lan giảm 5%, trong khi VND chỉ giảm 3% so với đồng USD. Điều này làm cho giá hàng nông sản Việt Nam cao hơn các nước và làm giảm khả năng cạnh tranh. Do đó, ngoài việc đối diện với những hạn chế của sản xuất trong nước và XK trên thị trường thế giới, nông sản Việt còn phải đối diện với những “biến động” về tiền tệ, thị trường, thiên tai… trên thế giới. Do vậy, khó khăn phía trước là rất lớn, cần nhiều nỗ lực để vượt qua.

Việt Phong

Nông nghiệp cả nước giảm, Đồng Nai vẫn tăng

Nguồn tin:  Báo Đồng Nai

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2016, lần đầu tiên sau nhiều năm nông nghiệp cả nước tăng trưởng âm 0,18% so với cùng kỳ năm 2015, nhưng Đồng Nai vẫn giữ được giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,6%.

Đồng Nai dẫn đầu cả nước về tổng đàn heo gần 1,7 triệu con. Trong ảnh: Một trang trại heo tại xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) nuôi theo mô hình khép kín.

Dù bị ảnh hưởng của khô hạn và xâm nhập mặn ở một số địa phương trong tỉnh, nhưng các ngành chức năng và địa phương đã khắc phục kịp thời nên ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh vẫn tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị sản xuất trồng trọt tăng gần 0,7%; chăn nuôi tăng hơn 6%; dịch vụ tăng gần 6%; lâm nghiệp, thủy sản đều giữ mức tăng trưởng gần 3%.

* Vượt qua sóng gió

Đồng Nai cũng chịu chung những ảnh hưởng khốc liệt của thời tiết, song sự cố gắng của người dân và chỉ đạo kịp thời của tỉnh, huyện, xã nên nông nghiệp của tỉnh vẫn giữ được tăng trưởng ổn định.

Ông Lý Phát Sinh, nông dân ở ấp Tây Minh (xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc), nói: “Thời tiết năm nay khô hạn hơn mọi năm, nhưng nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xuống giống đúng thời vụ theo khuyến cáo của huyện nên sản lượng bắp, lúa của tôi vẫn khá cao. Bắp đạt 12 - 14 tấn/hécta/vụ, lúa 6 - 7 tấn/hécta/vụ nên lợi nhuận vẫn cao”.

Một số nông dân ở huyện Xuân Lộc, TX.Long Khánh, Cẩm Mỹ... cũng khẳng định mùa khô 2015 - 2016 gần như không có mưa trái mùa nên khô hạn diễn ra ở nhiều nơi. Với cây trồng ngắn ngày, nông dân chuyển đổi sang những cây trồng có khả năng chịu hạn tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, giá trị kinh tế cao, như: bắp, đậu, rau màu nên ít bị ảnh hưởng hơn. Cây trồng lâu năm thì người dân áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, do đó trồng trọt của tỉnh vẫn giữ mức tăng trưởng gần 1%.

Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cho biết: “Do có dự báo trước về tình hình thời tiết nên tỉnh cùng các địa phương chủ động tốt về giống, phân bón, nước tưới thủy lợi để phục vụ sản xuất và gieo trồng đúng thời vụ né hạn nên trồng trọt giảm bớt được ảnh hưởng từ khô hạn, xâm nhập mặn. Chăn nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh phát triển ổn định nhờ chăn nuôi nhỏ lẻ dần bị thu hẹp, thay vào đó là chăn nuôi tập trung theo mô hình khép kín, ít bị dịch bệnh giúp ngành chăn nuôi Đồng Nai tăng trưởng khá”.

* Chăn nuôi dẫn đầu

Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi hiện tăng nhanh nên đã kích thích cho người chăn nuôi đầu tư và mở rộng quy trình sản xuất. Đáng mừng là giá bán sản phẩm chăn nuôi đảm bảo được lợi nhuận. Các công ty liên doanh tăng cường mở rộng phạm vi và quy mô sản xuất thông qua liên kết với các hộ theo hình thức nuôi gia công tại nhiều huyện trong tỉnh. Hiện Đồng Nai đang dẫn đầu cả nước về nuôi heo với tổng đàn gần 1,7 triệu con. Ngoài ra, Đồng Nai còn được biết đến là nơi có chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại khép kín với heo, gà, vịt lớn nhất cả nước trên 70%. Đây cũng là yếu tố giúp cho giá heo, gà, vịt của Đồng Nai luôn có giá bán tại trại cao hơn những tỉnh khác từ 1 - 2 ngàn đồng/kg.

“Trong 6 tháng đầu năm, nhiều trang trại chăn nuôi heo thịt của tỉnh có doanh thu lớn vì giá heo hơi luôn ở mức cao, từ 46 - 54 ngàn đồng/kg. Nhiều thời điểm giá heo hơi trên 50 ngàn đồng/kg, giúp người chăn nuôi lời từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/tạ heo hơi” - Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán chia sẻ.

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn), phần lớn các trang trại chăn nuôi trong tỉnh có kỹ thuật tốt nên ít bị dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt đàn thấp, lượng thức ăn tiêu tốn ít. Bên cạnh đó, đa số trang trại đều có cam kết chăn nuôi theo hướng an toàn không sử dụng chất cấm, hạn chế sử dụng kháng sinh trong nuôi heo để giữ gìn thương hiệu.

Hương Giang

Quảng bá hình ảnh từ nhãn hiệu tập thể

Nguồn tin:  Báo Ảnh Đất Mũi

Đến nay, tỉnh Cà Mau có 5 sản phẩm đặc sản được công nhận nhãn hiệu tập thể, gồm: Mật ong U Minh, tôm khô Rạch Gốc, khô bổi U Minh, cua Năm Căn Cà Mau và mắm cá lóc Thới Bình. Qua thời gian kiểm chứng, các nhãn hiệu này vẫn “sống” được và ngày càng phát triển.

Từ khi có nhãn hiệu tập thể, cua Năm Căn ngày càng vươn xa thị trường trong và ngoài nước.

Lợi thế để giữ thương hiệu cho đặc sản

Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi nhiều sản vật. Các đặc sản là niềm tự hào và cũng là nguồn thu nhập đáng kể của người dân. Những đặc sản rất phổ biến của Cà Mau là tôm khô, cua biển, sò huyết, vọp, cá lóc, cá sặt rằn, cá trê, mật ong… và các loài thủy, hải sản được nuôi trồng và đánh bắt. Đây là lợi thế để Cà Mau thu hút khách du lịch cũng như xuất khẩu, mang lại nguồn thu cho ngân sách địa phương và nâng cao đời sống người dân.

Tuy nhiên, để giữ vững thương hiệu cho đặc sản Cà Mau trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay là rất khó khăn, vì tình trạng gian lận thương mại ngày càng tăng; hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng nhiều, với những thủ đoạn rất tinh vi, phần nào đã làm suy giảm uy tín, thương hiệu của các đặc sản. Một số đặc sản của địa phương đã từng nổi tiếng trên thị trường, do không được quan tâm đúng mức, không đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu đã trở nên mai một, mất uy tín và không còn đủ sức cạnh tranh.

Khô bổi U Minh là thương hiệu được chứng nhận cho đặc sản của hai địa phương là huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời. Nghề làm khô bổi đã tạo việc làm đem lại nguồn thu nhập khá cho nhiều người dân địa phương.

Nhãn hiệu tập thể thường là của một hiệp hội hoặc một tập thể, các thành viên trong đó có thể sử dụng nhãn hiệu tập thể để quảng bá sản phẩm. Thực tế đã chứng minh, nhãn hiệu tập thể là hình thức hiệu quả để cùng quảng bá sản phẩm của một nhóm doanh nghiệp; nếu là với từng nhãn hiệu riêng biệt, khó có thể được người tiêu dùng nhận biết hoặc được các đại lý lớn chấp nhận phân phối.

Việc được công nhận nhãn hiệu tập thể sẽ góp phần nâng cao giá trị, tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, cũng là tạo uy tín cho các đặc sản Cà Mau trong quảng bá hình ảnh.

Tôm khô Rạch Gốc nổi tiếng từ rất lâu.

Phát huy giá trị

Cuối năm 2015, huyện Năm Căn tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cua Năm Căn Cà Mau. Theo đó, nhãn hiệu cua Năm Căn Cà Mau được cấp cho các cơ sở đăng ký kinh doanh mặt hàng cua Năm Căn và hội viên Hội Nông dân huyện. Đây là kết quả sau hơn 4 năm đăng ký và thực hiện quy trình. Có thế mới thấy, để có được một nhãn hiệu thì không phải dễ dàng, mà là cả một quy trình và sản phẩm phải được kiểm chứng, nhận được sự phản hồi tích cực từ người tiêu dùng cũng như nhà quản lý.

Cua Năm Căn từ lâu đã nổi tiếng không chỉ ở khu vực mà trên toàn quốc với chất lượng ngon rất đặc trưng, do đó giá cua tuy cao nhưng được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhiều năm nay, cua Năm Căn Cà Mau không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước mà đã xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Việc được công nhận nhãn hiệu không chỉ là bước ngoặt lớn giúp nâng cao giá trị thương hiệu cua Năm Căn, mà còn giúp nông dân, các cơ sở kinh doanh bảo vệ được quyền lợi, tăng vị thế về giá trị mặt hàng khi mở rộng thị trường và xuất khẩu. Thương hiệu cua Năm Căn Cà Mau là một trong những mặt hàng tươi sống đầu tiên của Cà Mau được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu. Hiện nay, Ban Quản lý nhãn hiệu cua Năm Căn đã ban hành quy chế hoạt động và có giải pháp kiểm tra, giám sát tình hình mua bán cua trên thị trường nội địa.

Có thâm niên kinh doanh cua xuất khẩu, anh Phan Hoàng Diệu (vựa mua cua Hoàng Diệu) tại Khóm 1, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, chia sẻ: “Việc công nhận nhãn hiệu tập thể cua Năm Căn Cà Mau đã giúp việc kinh doanh của gia đình thuận lợi hơn nhiều, nhất là có nhiều đơn đặt hàng lớn từ thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh bạn”.

Tôm khô Rạch Gốc (thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) nổi tiếng từ rất lâu. Từ khi được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể vào năm 2012, uy tín của sản phẩm đối với người tiêu dùng càng được nâng lên. Hiện tại, huyện Ngọc Hiển có 5 cơ sở đã đăng ký nhãn hiệu tôm khô Rạch Gốc. Trung bình mỗi tháng, các cơ sở cho ra thị trường từ 2 - 5 tấn tôm khô, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 130 lao động với mức thu nhập từ 2 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Doanh nghiệp tư nhân Chí Tâm là một trong những cơ sở đi đầu trong việc tham gia nhãn hiệu tập thể tôm khô Rạch Gốc. Cơ sở đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất hiện đại trị giá gần 1 tỷ đồng, từ các khâu rửa, luộc, sấy, bóc vỏ, đóng gói hút chân không. Cuối năm 2012, cơ sở cho ra sản phẩm mang thương hiệu tôm khô Rạch Gốc, nhãn hiệu cơ sở Chí Tâm. Từ khi đầu tư với quy mô lớn, nhu cầu thị trường tăng cao, mỗi ngày cơ sở sản xuất trên 20 tấn tôm khô, tăng hơn 10 tấn so với lúc chưa đầu tư. Anh Tâm chia sẻ: “Hiện nay, cơ sở chúng tôi ký hợp đồng dài hạn với nhiều điểm phân phối trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là ở TP. Hồ Chí Minh. Khi có thương hiệu, cơ sở tôm khô chúng tôi an tâm sản xuất hơn vì sản phẩm khi ra thị trường không bị pha tạp, trà trộn với những mặt hàng tôm khô không có thương hiệu”.

Nhìn chung, công tác xây dựng, đăng ký bảo hộ và phát triển sản phẩm đặc sản của địa phương trong thời gian qua luôn được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức và đạt được nhiều kết quả khả quan, tạo được niềm tin và phấn khởi trong người dân. Bảo hộ thương hiệu đặc sản của địa phương là bước đi rất quan trọng để giữ gìn và phát huy, nâng cao giá trị của từng sản phẩm mang nhãn hiệu thời hội nhập. Hy vọng, sẽ có thêm nhiều sản phẩm đặc sản của quê hương Cà Mau được bảo hộ, để mỗi người con của Cà Mau dù có đi đâu cũng nhìn thấy được đặc sản của quê mình, trên cả nước và nhiều nơi trên thế giới.

LÂM PHÚ

Vĩnh Long: Nhiều liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản

Nguồn tin:  Báo Vĩnh Long

Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp - PTNT, 6 tháng qua, nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh Vĩnh Long đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp và bao tiêu nông sản.

Cụ thể: Tam Bình liên kết với DN Sài Gòn Coop đầu tư xây dựng mô hình sản xuất gạo sạch 43,3ha lúa hữu cơ và lúa bán hữu cơ và bao tiêu sản phẩm cho nông dân ở Ấp 9 (xã Mỹ Lộc).

Vũng Liêm liên kết với Công ty TNHH KTC Việt Nam thực hiện dự án trồng 47,56ha xoài Xiêm núm theo hướng VietGAP tại xã Trung Chánh (Quới An). Bình Tân liên kết với Công ty Thủy sản Bạc Liêu bao tiêu sản phẩm ổn định cho mô hình gần 10ha cây đậu bắp xanh sản xuất theo hướng VietGAP ở xã Tân Bình với sản lượng 25 - 30 tấn/ha/vụ, mời gọi Công ty TNHH TM Tùng Lâm chuyển giao 58,8kg mè giống gắn với ký hợp đồng tiêu thụ mè (16ha) cho các xã Tân Lược, Tân An Thạnh, Tân Bình và Thành Lợi.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức ký liên kết tiêu thụ bưởi Năm Roi giữa Công ty Hương Bưởi Mỹ Hòa với đại diện hộ nông dân 2 tổ hợp tác được hỗ trợ đầu tư chứng nhận GlobalGAP năm 2014, 2015 và hỗ trợ hộ nông dân tham gia mô hình ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm bắp lai (4,76ha) ở xã Loan Mỹ (Tam Bình) với Công ty TNHH TMDV Hiệp Quang.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hỗ trợ Công ty TNHH CNM Korea thu mua hơn 20 tấn xoài xuất khẩu sang Hàn Quốc, hỗ trợ doanh nghiệp Rồng Đỏ tiếp cận vùng sản xuất nhãn Tân Hạnh, Hòa Ninh, An Bình với các mặt hàng nhãn tiêu da bò, Edor, xuồng cơm vàng. Đến nay, tổ hợp tác nhãn Edor Hòa Ninh đã cung cấp 4 chuyến với hơn 30 tấn nhãn xuất khẩu...

MỸ HÀ

Cà Mau: Ưu tiên phát triển ba nhóm sản phẩm sạch

Nguồn tin:  Đài PT-TH Cà Mau

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã xây dựng chương trình phát triển nông sản, thực phẩm sạch, có chất lượng, giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo.

Cụ thể, đối với nhóm lương thực sẽ khuyến khích nông dân sản xuất lúa sạch, tiến tới hình thành cánh đồng lớn về loại lúa này; phấn đấu mỗi năm cung cấp 100.000 tấn gạo sạch cho người tiêu dùng. Nhóm sản phẩm thứ hai là khuyến khích phát triển đàn heo đến năm 2020 đạt 300.000 con, bảo đảm đủ cung ứng cho người tiêu dùng trong tỉnh. Song song đó, phát triển đàn gia cầm đạt 1 triệu con. Nhóm sản phẩm thứ ba là rau sạch, với diện tích 50ha.

Để thực hiện kế hoạch này, tỉnh Cà Mau sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp: xây dựng chương trình hợp tác sản xuất giữa chính quyền địa phương với nông dân; xây dựng cơ chế đầu ra cho sản phẩm, hỗ trợ nguồn giống, kỹ thuật cho người dân./.

PV: Thúy An

Liên kết để không bỏ rơi nông dân

Nguồn tin:  Kinh Tế Đô Thị

Cho đến tận bây giờ, nhiều hộ nông dân, HTX vẫn cảm thấy đơn độc trên con đường tìm đầu ra cho nông sản an toàn, trong khi các DN phân phối cũng phải dò dẫm một cách thận trọng để tìm nhà cung cấp.

Để giải quyết được khoảng trống ấy, liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và DN là yêu cầu cần thiết.

Lúng túng trước thị trường

Với mong muốn chắp nối mở những nhịp cầu nông sản, ngày 1/7, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức hội thảo tăng cường liên kết giữa cơ sở DN sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm có nguồn gốc và ATTP trên địa bàn TP. Quá mong ngóng những cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa nhà sản xuất và DN phân phối nên bên lề hội thảo luôn sôi nổi những cuộc chuyện trò tìm kiếm đối tác. Cũng tại diễn đàn này, nhiều nông dân đã có dịp bày tỏ những trăn trở của mình xung quanh vấn đề xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra cho nông sản.

Giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác bên lề hội thảo. Ảnh: Quang Thiện

Ông Trần Cô Va, một hộ dân chuyên nuôi trồng thủy sản ở xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên giãi bày, trong quá trình nuôi, gia đình ông luôn quan tâm tới đảm bảo chất lượng sản phẩm. Thay vì cám công nghiệp, thức ăn cho cá được dùng chủ yếu là ngô, thóc, đậu tương nghiền… Tuy nhiên, cám cảnh là người dân chỉ biết sản xuất ra mà không biết bán cho ai. “Chúng tôi mong muốn các cấp quan tâm tạo điều kiện để bà con có đầu ra ổn định cho sản phẩm” – ông Va đề nghị.

Không riêng gì thủy sản, nhiều mặt hàng nông sản khác của các HTX trên địa bàn TP cũng đang gặp bế tắc trong quá trình tiếp cận thị trường, nhất là phân khúc siêu thị, nhà hàng cao cấp. Ông Đỗ Hùng Cường – Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Kim An, huyện Thanh Oai cho biết, toàn xã có 100ha trồng cam Canh và 20ha trồng ổi Đài Loan (Trung Quốc). Từ năm 2014, địa phương đã được công nhận nhãn hiệu “Cam đường Kim An”, tuy nhiên sản lượng làm ra mỗi năm khoảng gần 500 tấn song mới đưa vào hệ thống siêu thị Fivimart 20 tấn, chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Bởi vậy, bản thân HTX luôn muốn có cơ hội được gặp gỡ các nhà phân phối để đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng.

Tăng cơ hội giao thương

Có một thực tế khiến cho đầu ra của nông sản gặp nhiều khó khăn là ngoài nguyên nhân nông dân, HTX thiếu thông tin về thị trường, việc xây dựng nhãn hiệu hay chứng nhận chất lượng cho nông, lâm, thủy sản vẫn còn khá hạn chế. Chính vì vậy, tại diễn đàn hội thảo cũng như các cuộc tiếp xúc bên lề, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khâu liên kết từ sản xuất đến phân phối nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm. Bà Vũ Thị Hậu – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart cho biết, hệ thống phân phối của công ty luôn ưu tiên đưa các sản phẩm của HTX sản xuất theo quy trình VietGAP.

Trước thực trạng nông dân phàn nàn về sản xuất an toàn nhưng không đưa được vào siêu thị và giá cả không tương xứng với công sức bỏ ra, theo đại diện các DN, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để giảm bớt khâu trung gian. Chỉ trong một buổi ngắn ngủi gặp gỡ, trao đổi, đã có hơn 20 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các DN phân phối nông sản thực phẩm và HTX được ký kết. Đó là thành công mà nhịp cầu xúc tiến thương mại đã mang lại cho cả người sản xuất và kinh doanh.

Đánh giá cao sân chơi bổ ích này, ông Hoàng Văn Dự - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) đề nghị cần phải tổ chức thường xuyên hơn nữa những hoạt động gặp gỡ, liên kết giữa người sản xuất và nhà phân phối. Theo ông Dự, đã có tình trạng DN sẵn sàng “bỏ rơi” bà con nông dân trong điều kiện kinh doanh bất lợi hay người sản xuất có thể “lật kèo” khi giá ngoài thị trường cao hơn giá hợp đồng. Chìa khóa để giải quyết những yếu kém này chỉ có thể liên kết. “Có liên kết, nông dân mới tìm nguồn vật tư đầu vào với giá cạnh tranh và chủ động trong dòng chảy giá cả, tránh tình trạng bị ép giá” – ông Dự nhấn mạnh.

Thắng Văn

Làm gì khi nông nghiệp tăng trưởng âm?

Nguồn tin:  Báo Công Thương

Lần đầu tiên ngành nông nghiệp- trụ đỡ của nền kinh tế- tăng trưởng âm. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách cần xây dựng chính sách hỗ trợ nông dân một cách thiết thực để phát triển ngành nông nghiệp nhanh, bền vững, ổn định khu vực nông thôn.

Lần đầu tiên tăng trưởng âm

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, GDP nông - lâm - thủy sản 6 tháng đầu năm giảm 0,18%, giá trị sản xuất ước đạt 397.400 tỷ đồng, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó nông nghiệp đạt 297.200 tỷ đồng, giảm 0,7%, lĩnh vực giảm mạnh nhất là trồng trọt với 3%.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết, lĩnh vực trồng trọt đã gánh chịu thiệt hại kép cả về diện tích và sản lượng đối với rất nhiều cây trồng, từ lúa, ngô, khoai, đậu tương, mía đường…

Nguyên nhân của sự sụt giảm dẫn đến kinh tế nông nghiệp tăng trưởng âm được lãnh đạo Bộ NN&PTNT nêu ra, là bởi từ đầu năm đến nay, chúng ta gặp quá nhiều bất lợi do thiên tai, thời tiết. Rét đậm, hạn hán, xâm nhập mặn, cá chết hàng loạt… là nguyên nhân khiến cho tất cả các lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp đều theo chiều mũi tên đi xuống.

Phân tích những khó khăn mà lĩnh vực trồng trọt gặp phải, ông Đào Thế Anh- Phó Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, biến đổi khí hậu nặng nề trong thời gian vừa qua đã tác động mạnh, làm giảm diện tích trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long và hạn hán đã gây thiệt hại nghiêm trọng ở Tây Nguyên. Do đó, mặc dù xuất khẩu rau quả và nhiều loại nông sản 6 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm ngoái đã bù đắp được một phần nhưng vẫn không đủ để kéo tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

Cần chính sách thích hợp để phát triển

Theo TS Đặng Kim Sơn- Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn, trong những năm qua, ngành nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển nhất định, tuy nhiên, sự phát triển này thiếu bền vững.

Định hướng nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, theo kiểu thu gom của 10 triệu hộ nông dân sản xuất nhỏ thành một khối lượng hàng hóa lớn, lộn xộn để xuất khẩu với giá rẻ. Đã đến lúc, Việt Nam cần chuyển từ nền nông nghiệp cạnh tranh theo chiều rộng sang sản xuất theo chiều sâu, tăng giá trị và muốn vững bền thì phải thay đổi bằng chính sách.

"Ngành nông nghiệp cần có được 3 đột phá: đất đai, khoa học công nghệ và thể chế" - ông Sơn nhấn mạnh.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa sát, thiếu tính hợp lý. Ông Nguyễn Duy Lượng- Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam cho rằng, việc xây dựng chính sách để phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, ổn định khu vực nông thôn, hỗ trợ nông dân một cách thiết thực vẫn chưa được quan tâm thỏa đáng.

Trước hai thách thức lớn là hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu, để kinh tế nông nghiệp tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu thực hiện các giải pháp đồng bộ để sản xuất nông nghiệp có khả năng cạnh tranh cao hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Các lĩnh vực cần tận dụng mọi khả năng để phục hồi, duy trì tăng trưởng sản xuất, triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Cần tạo điều kiện thuận lợi để DN đầu tư mạnh vào nông nghiệp nông thôn. Kết nối chặt chẽ với DN để khơi thông, phát triển, mở rộng thị trường. Nỗ lực cải cách hành chính để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân, DN để giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm.

Nguyễn Hạnh

Nhân rộng mô hình phun, tưới tự động trong nông nghiệp

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp

Với mong muốn nâng cao hiệu quả trong canh tác nông nghiệp, ông Nguyễn Phú Thạnh (xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) mày mò nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống pha thuốc tự động - phun nước tưới vườn điều khiển từ xa. Hiện hệ thống mang nhiều tính năng ưu việt này được nông dân trong và ngoài tỉnh học hỏi, nhân rộng.

Bộ điều khiển do ông Nguyễn Phú Thạnh thiết kế hoàn thiện hơn với lệnh mở, tắt được cài đặt trên sim điện thoại

Những năm đầu vận hành, hệ thống pha thuốc tự động - phun nước tưới vườn điều khiển từ xa của ông Thạnh chỉ hoạt động được trong phạm vi khoảng 20 - 30m và người sử dụng phải tốn công chạy khắp vườn để rà sóng.

Song, với tinh thần đam mê sáng chế, ông Thạnh đã cải tiến thêm nhiều tính năng cho hệ thống pha thuốc tự động - phun nước tưới vườn điều khiển từ xa giúp hỗ trợ tốt hơn trong sản xuất nông nghiệp. Theo ông Thạnh: “Ban đầu, việc vận hành hệ thống tuy có suôn sẻ nhưng khoảng cách phun tưới vẫn còn hạn chế và khá thủ công. Chính vì điều này, tôi đã nghiên cứu làm sao cho khoảng cách điều khiển xa hơn mà không phải chạy khắp vườn. Sau thời gian tìm tòi, tôi nghĩ ngay đến việc sử dụng sóng điện thoại để điều khiển hệ thống hoạt động. Và chỉ sau một thời gian nghiên cứu, tôi thành công khi đưa một sim số vào bộ điều khiển, thiết lập lệnh tắt mở, thời gian hoạt động của mỗi van... Với tính năng này, chỉ cần vài thao tác trên điện thoại là có thể điều khiển toàn bộ hệ thống”.

Qua khảo sát thực tế, với hệ thống ban đầu, để tưới nước cho 5.000m2 vườn, người sử dụng phải mất thời gian hơn 7 giờ đồng hồ. Nhưng khi hệ thống đã hoàn thiện, với thiết kế 6 van (mỗi van 100 béc phun), thời gian tưới nước chỉ mất 60 phút cho 5.000m2; tiết kiệm được hơn 50% thời gian hoạt động.

Nói về tính năng phun thuốc, ông Thạnh chia sẻ: “Trước đây khi tưới thuốc phải cần 2 - 3 người và mất thời gian hơn nửa ngày mới phun xong thuốc cho cả vườn, bây giờ chỉ cần một người mở nắp chai thuốc (mỗi lần pha được 4 loại thuốc khác nhau) là tất cả lượng thuốc, lượng nước đến việc phun đều được thực hiện tự động. Đặc biệt, trong quá trình phun thuốc nếu có xảy ra sự cố, người sử dụng chỉ cần thao tác một lệnh tắt trên điện thoại là toàn bộ hệ thống ngưng hoạt động ngay, không cần đi tới chỗ để tắt điện”.

Với tấm lòng cùng sẻ chia, ông Thạnh không ngại hướng dẫn và trực tiếp lắp đặt hệ thống pha thuốc tự động - phun nước tưới vườn điều khiển từ xa cho nhiều nông dân trong tỉnh và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa ngụ xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung cho biết: “Tôi thấy hệ thống pha thuốc tự động - phun nước tưới vườn điều khiển từ xa của ông Thạnh sáng chế thể hiện được nhiều tính năng hiệu quả. Rất nhiều nông dân lân cận và từ nơi khác đến nhờ ông hướng dẫn để lắp ráp sử dụng trên vườn nhà. Qua thời gian sử dụng, tôi thấy hệ thống này giúp giảm công lao động, chi phí, thời gian, nhất là người nông dân có thể chủ động trong việc tưới tiêu và phun thuốc. Điều đáng mừng nhất là nhờ hệ thống này mà nông dân không phải tiếp xúc với hóa chất độc hại”.

Hiện sáng chế của ông Thạnh đã hoàn tất hồ sơ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ và chờ Cục sở hữu trí tuệ công nhận với tên gọi chính thức là “Hệ thống tưới vườn điều khiển từ xa - mở van tự động”.

Khánh Pha

Thêm kênh quảng bá đặc sản miền Tây

Nguồn tin:  Người Lao Động

PGS-TS Nguyễn Phú Son, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Chuyển giao công nghệ - Trường ĐH Cần Thơ, thông tin: “Cửa hàng giới thiệu và phân phối đặc sản ĐBSCL đã được khai trương với hơn 300 sản phẩm từ 30 doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất trong khu vực. Đây là những đặc sản được chế biến, đóng gói, chất lượng bảo đảm sạch”.

Trường ĐH Cần Thơ đang phối hợp với nhiều DN nhỏ và vừa ở ĐBSCL nâng cao sức cạnh tranh, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Đặc sản ĐBSCL được bày bán trong cửa hàng của Trường ĐH Cần Thơ

Theo anh Nguyễn Minh Kiêm, quản lý cửa hàng giới thiệu và phân phối đặc sản ĐBSCL, đặc sản của nhiều địa phương được quy tụ về đây như gạo thơm ST 20 (Sóc Trăng); mắm cá lóc Bà Giáo Khỏe, khô cá tra phồng (Châu Đốc); rượu nếp Phú Lễ Ông Già Ba Tri, dầu dừa tinh khiết (Bến Tre); khô cá khoai Tiến Hải, mắm tép Hảo Ngon, chả hoa Năm Thụy (Trà Vinh); khô cá Tứ Quý (Đồng Tháp)…

Ông Son cho biết ngoài giúp quảng bá sản phẩm, Trường ĐH Cần Thơ còn hỗ trợ nhiều DN xây dựng phần mềm, cách quản trị và làm thương hiệu, chuyển giao công nghệ để họ làm ra sản phẩm mới hoặc hoàn thiện đặc sản đã có. Chẳng hạn, nước chấm của một DN bán trong cửa hàng bị phản ánh quá mặn, trường sẽ chuyển thông tin này cho DN. Nếu DN không có cách điều chỉnh, trung tâm sẽ giao cho bộ môn công nghệ thực phẩm nghiên cứu, sau đó sẽ chuyển giao công nghệ xử lý cho DN. Công nghệ bảo quản khô các loại được lâu hơn cũng được trường chuyển giao cho nhiều cơ sở...

Nhiều cơ sở có hàng hóa trưng bày tại trung tâm cho biết sản phẩm của họ rất khó đưa vào siêu thị do làm theo mùa, sản lượng không nhiều, kinh nghiệm tiếp thị yếu… Muốn vào các kênh phân phối hiện đại, sản phẩm phải có thời gian bảo quản 1-2 tháng, trong khi nhiều đặc sản có thời hạn sử dụng không quá 10 ngày. Muốn kéo dài thời gian bảo quản, cơ sở sản xuất phải có nhiều vốn để đầu tư công nghệ.

Ông Nguyễn Trường Chinh, Chủ nhiệm CLB Đặc sản Trà Vinh, bày tỏ: “Cái khó của các cơ sở là thiếu kỹ thuật cao để có sản phẩm tốt, thời gian bảo quản lâu, xử lý vi sinh... Vì vậy, CLB đang phối hợp với Trường ĐH Cần Thơ để khắc phục những hạn chế này”.

PGS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, nhận định: “Một trong những nút thắt khiến nhiều đặc sản ở ĐBSCL không thể mở rộng thị trường là đầu mối tiêu thụ. Để giải quyết vướng mắc này, trường đang xúc tiến xây dựng thêm 12 trung tâm phân phối đặc sản đặt tại nhiều địa phương ở ĐBSCL, đồng thời tiếp cận hệ thống siêu thị cũng như các trung tâm phân phối tại TP HCM, Hà Nội. Việc làm này cũng có lợi cho sinh viên ngành thị trường, thương mại của trường khi được tham gia phân phối hàng hóa”.

Lê Chinh

Điều kiện đầu tư kinh doanh 6 lĩnh vực ngành Nông nghiệp

Nguồn tin:  Báo Chính Phủ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số66/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

Nghị định trên quy định điều kiện kinh doanh, gồm:

1- Điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, trừ thuốc bảo vệ thực vật sinh học có hoạt chất là các vi sinh vật có ích; buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật để đăng ký vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam;

2- Điều kiện kinh doanh dịch vụ khảo nghiệm giống cây trồng;

3. Điều kiện nuôi động vật rừng thông thường;

4. Điều kiện kinh doanh con giống vật nuôi, tinh, phôi, trứng giống, chăn nuôi tập trung đối với trâu, bò, dê, cừu, ngựa, thỏ, lợn, gà, vịt, ngan, đà điểu, chim cút, chim yến; sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản (bao gồm cả chế phẩm sinh học, vi sinh vật, khoáng chất, hóa chất, trừ hóa chất khử trùng, tiêu độc, sát trùng, dùng trong nuôi trồng thủy sản); buôn bán thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản; kinh doanh dịch vụ khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản;

5. Điều kiện sản xuất giống thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, cá rô phi, nghêu Bến Tre), nuôi trồng thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, cá rô phi); kinh doanh dịch vụ khảo nghiệm giống thủy sản; khai thác thủy sản;

6. Điều kiện kinh doanh thực phẩm (lương thực; thịt và các sản phẩm từ thịt; thủy sản và sản phẩm thủy sản; rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả; trứng và các sản phẩm từ trứng; sữa tươi nguyên liệu; mật ong và các sản phẩm từ mật ong; muối; gia vị; đường; chè; cà phê; ca cao; hạt tiêu; điều và các nông sản thực phẩm khác): cơ sở sản xuất thực phẩm (trồng trọt, thu hái, chăn nuôi, nuôi trồng, đánh bắt, khai thác thủy sản); cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm; chợ đầu mối nông sản; cơ sở buôn bán thực phẩm.

Điều kiện đầu tư kinh doanh bảo vệ thực vật

Về điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Nghị định quy định tổ chức sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 61 của Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật và các điều kiện chi tiết quy định tại Nghị định này về nhân lực, nhà xưởng, kho bảo quản thuốc bảo vệ thực vật, thiết bị, hệ thống quản lý chất lượng.

Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 63 của Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật và các điều kiện về nhân lực, địa điểm, kho thuốc bảo vệ thực vật.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định, tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 37 của Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật và các điều kiện chi tiết về nhân lực; điều kiện đối với cá nhân được cấp Thẻ hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; về cơ sở vật chất kỹ thuật.

Phương Nhi

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop