Tin nông nghiệp Chủ Nhật ngày 11 tháng 12 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp Chủ Nhật ngày 11 tháng 12 năm 2016

Kết nối cung cầu cho nông sản sạch

 

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ

 

Nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ với dân số gần 1,3 triệu người và thu nhập bình quân đầu người 73,9 triệu đồng/năm đã tạo ra nhu cầu tiêu thụ hàng hóa khá lớn, nhất là đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu. Thời gian qua, các nhà sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm ngày càng gắn kết chặt chẽ với các đơn vị phân phối trong và ngoài địa bàn để tiêu thụ sản phẩm. Khi cung cầu gặp nhau, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

 

Nhu cầu tăng

 

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, năm 2016 ước tổng mức lưu chuyển hàng hóa của thành phố đạt 95.620 tỉ đồng. Đối với mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu, theo thống kê sơ bộ, mỗi năm thành phố tiêu thụ 151.000 tấn gạo; 23.800 tấn thịt heo; 7.600 tấn thịt gia cầm; 76 triệu quả trứng gia cầm; 136.000 tấn rau củ các loại; 4.500 tấn trái cây, 38.000 tấn thủy hải sản… Nguồn hàng nông sản, thực phẩm trên địa bàn TP Cần Thơ nhìn chung khá dồi dào. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa đa dạng nên một số mặt hàng thực phẩm tiêu thụ tại Cần Thơ phải nhập từ một số địa phương khác như: thịt gia cầm từ Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng; thủy sản từ Kiên Giang, An Giang, Cà Mau…; rau củ quả từ Lâm Đồng, Vĩnh Long. Đa số hàng hóa nông sản, thực phẩm cung ứng trên địa bàn thành phố thông qua chợ Tân An, Công ty cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ, hệ thống siêu thị, các doanh nghiệp (DN), cơ sở, hợp tác xã trên địa bàn… Ngoài tiêu thụ tại thị trường nội địa, Cần Thơ còn đóng vai trò đầu mối để cung ứng một số mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu, đi các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh. Do đó, một số thương nhân thu mua từ các tỉnh, thành về tiêu thụ trên địa bàn thành phố vừa cung ứng cho các tỉnh thành lân cận.

 

 

Khách hàng chọn mua trái cây tại Siêu thị Co.opmart Cần Thơ.

 

Đối với mặt hàng thực phẩm, để người tiêu dùng yên tâm mua sắm, tiêu chí an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Cụ thể là hàng hóa phải đảm bảo truy xuất được nguồn gốc, có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy công bố chất lượng đối với từng sản phẩm; bao bì sản phẩm sạch đẹp, cung cấp đầy đủ thông tin cho người tiêu dùng… Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, thời gian qua, chính quyền thành phố và ngành chức năng rất chú trọng đến việc kiểm tra an toàn thực phẩm, nhất là ở kênh phân phối truyền thống. Theo đó, ngành Công thương nỗ lực phối hợp cùng các ngành hữu quan, Ban quản lý các chợ kết hợp với lực lượng quản lý thị trường, cơ quan thú y… kiểm soát chặt chẽ đầu vào của hàng hóa nông sản, thực phẩm để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

 

Hiện nay, nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ ngày một tăng. Trên địa bàn thành phố đã có nhiều đơn vị mạnh dạn đầu tư và tham gia cung ứng các sản phẩm nông sản sạch. Ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản xanh Cần Thơ, cho biết: Hợp tác xã chuyên kinh doanh các mặt hàng nông sản sạch, nên vấn đề nguồn gốc xuất xứ và quy trình canh tác đảm bảo an toàn rất quan trọng. Trong quá trình canh tác nông sản sạch, nhiều nhà vườn thường băn khoăn khi tốn nhiều chi phí sản xuất hơn nhưng khi ra thị trường lại bán bằng giá sản phẩm thông thường. Do đó, hợp tác xã đang đặt vấn đề liên kết và hướng dẫn nhà nông canh tác theo quy trình an toàn và cung ứng vào cửa hàng Nông sản sạch với mức giá hợp lý. Hợp tác xã cũng đang được Chi cục bảo vệ thực vật TP Cần Thơ hỗ trợ giới thiệu một số mô hình canh tác lúa an toàn để bao tiêu và chế biến gạo đóng túi đưa vào bán tại cửa hàng của hợp tác xã.

 

Thống nhất phương thức hợp tác

 

Hướng đến nền nông nghiệp an toàn và bền vững, ngành nông nghiệp thành phố đã phát triển được các chuỗi liên kết như: Sản xuất lúa chất lượng cao gắn với cánh đồng lớn; phát triển chuỗi sản xuất rau an toàn; phát triển vùng cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch sinh thái; phát triển chăn nuôi liên kết đảm bảo an toàn sinh học và vệ sinh thực phẩm; phát triển vùng nuôi cá tra và các mô hình thủy sản hiệu quả. Phong Điền là huyện có thế mạnh về cây ăn trái và đã hình thành các vùng chuyên canh trái cây đặc sản. Đây chính là điều kiện thuận lợi để liên kết cung ứng sản phẩm với các nhà phân phối uy tín, chất lượng. Cùng đó, huyện đã vận động phát triển các tổ chức kinh tế tập thể như các câu lạc bộ khuyến nông, tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm… Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, chia sẻ: Chỉ có hợp tác sản xuất với quy mô lớn, nông dân mới đảm bảo nguồn cung ổn định và chất lượng theo nhu cầu DN. Sắp tới, huyện sẽ phối hợp với Sở Công thương để xây dựng điểm tập kết thu gom hàng nông sản tại trung tâm huyện. Nơi đây sẽ là đầu mối thu gom, phân loại hàng trái cây, rau củ quả để đưa đến các DN chế biến, siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng nông sản…

 

Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) là một trong các đơn vị có thế mạnh trên các lĩnh vực sản xuất, chế biến, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu và đang có kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống bán lẻ tại TP cần Thơ vào đầu năm 2017. Ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng Giám đốc SATRA, chia sẻ: Với năng lực hoạt động và khả năng tiếp nhận hàng hóa rất lớn của SATRA, các DN tại TP Cần Thơ sẽ có nhiều cơ hội để cung ứng mặt hàng nông sản phục vụ nhu cầu giao thương, tiêu dùng của người dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh. Đặc biệt, chúng tôi đã lựa chọn và ký kết biên bản thỏa thuận được một số mặt bằng có tiêu chí phù hợp để mở cửa hàng Satrafoods và văn phòng chi nhánh bán lẻ Satra tại Cần Thơ. Dự kiến đầu năm 2017. SATRA sẽ tổ chức khai trương và đưa chuỗi cửa hàng Satrafoods tại Cần Thơ đi vào hoạt động. Đây sẽ là cơ hội thuận lợi để các sản phẩm nông sản của địa phương được phân phối đến người tiêu dùng thông qua kênh siêu thị và cửa hàng bán lẻ hiện đại.

 

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, khẳng định: Việc liên kết theo chuỗi, quản lý chất lượng từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ nông sản, thực phẩm được xem là nhu cầu tất yếu trong bối cảnh hội nhập. Người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn, đặt yêu cầu chất lượng lên trên hết. Nhà sản xuất, nhà phân phối phải đổi mới tư duy, cùng bắt tay hợp tác để sản xuất và cung ứng những sản phẩm với chất lượng tốt nhất đến người tiêu dùng. Sở Công thương sẽ phối hợp với các sở ngành hữu quan và các địa phương kết nối cung cầu nông sản sạch để nông dân yên tâm về đầu ra và nhà phân phối yên tâm tiêu thụ nguồn hàng.

 

MINH HUYỀN

 

Khởi nghiệp nông nghiệp tại TP HCM được hỗ trợ đến 300 triệu đồng

 

Nguồn tin:  VnExpress

 

Các tổ chức, cá nhân có dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến sẽ được TP HCM xem xét hỗ trợ đến 300 triệu đồng kinh phí.

 

Theo quyết định của TP HCM, các nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và nhóm khởi nghiệp có dự án nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn sẽ được hỗ trợ tối đa 70% kinh phí để triển khai, bao gồm các khâu tư vấn, thiết kế, chế tạo, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo… nhưng không quá 300 triệu đồng cho mỗi dự án.

 

Để được nhận hỗ trợ, dự án phải được triển khai trên địa bàn thuộc 5 quận - huyện của Thành phố, bao gồm: quận 9, quận 12, Bình Tân, Thủ Đức, Gò Vấp… là những khu vực được định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM cho biết, sở này sẽ chịu trách nhiệm xét duyệt các dự án có tính khả thi theo từng quý để cấp kinh phí hỗ trợ.

 

 

Các dự án khởi nghiệp nông nghiệp tại TP HCM có thể được tài trợ đến 300 triệu đồng.

 

Hiện tại, TP HCM là một trong các địa phương đang dẫn đầu về giá trị sản xuất trên mỗi hécta đất nông nghiệp. Nếu như trung bình giá trị thu được trên mỗi hécta đất trồng trọt của cả nước vào khoảng 83 triệu đồng thì năm 2015, giá trị này tại TP HCM là 375 triệu. Thu nhập bình quân hộ gia đình khu vực nông thôn của Thành phố khoảng 40 triệu đồng mỗi người một năm, gần gấp đôi so với trung bình cả nước là hơn 24 triệu đồng. Kế hoạch tài trợ 300 triệu đồng cho dự án khởi nghiệp nông nghiệp nằm trong Kế hoạch tổng thể hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào nông nghiệp của Thành phố giai đoạn 2016-2025. Trước đó, vào đầu 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP HCM cũng đã đặt mục tiêu giá trị sản xuất bình quân mỗi hécta đất nông nghiệp của Thành phố đạt 420 triệu đồng.

 

Cùng với việc khuyến khích khởi nghiệp nông nghiệp ứng dụng các công nghệ tiên tiến, TP HCM cũng đang mở rộng Khu nông nghiệp công nghệ cao từ diện tích 200 hécta hiện tại lên mức 570 hécta vào 2020. Cụ thể, ngoài mở rộng thêm 23 hécta cho phần diện tích hiện hữu tại huyện Củ Chi, hai dự án khác đang được xây dựng và thu hút đầu tư gồm Khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ rộng 89 hécta và Dự án khu chăn nuôi công nghệ cao tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh diện tích 170 hécta. Dự kiến, với quy mô mở rộng này, đến 2020, các dự án sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp an toàn của người dân Thành phố.

 

Viễn Thông

 

Những nông dân biết cách làm giàu

 

Nguồn tin:  Báo Quảng Trị

 

Làm giàu từ chăn nuôi lợn rừng

 

 

Trang trại lợn rừng của bà Tâm

 

Chăn nuôi lợn rừng không phải là mô hình mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhưng từ trước tới nay nông dân mới thực hiện ở quy mô nhỏ. Thấy được lợi ích to lớn từ chăn nuôi lợn rừng, bà Lê Thị Tâm ở thôn Tân Trang, Cam Thành, Cam Lộ (Quảng Trị) đã đầu tư vốn để phát triển mô hình kinh tế này một cách bài bản, có quy mô lớn, ứng dụng quy trình kỹ thuật mang lại hiệu quả cao.

 

Từ năm 1995, bà Tâm đầu tư nguồn vốn khá lớn để xây dựng trang trại tổng hợp trên vùng đất gò đồi Cam Lộ. Ngoài trồng rừng, bà còn đầu tư phát triển chăn nuôi. Bà đã thử nghiệm nuôi khá nhiều loại vật nuôi khác nhau và cuối cùng trên cơ sở phân tích tính thích nghi, hiệu quả kinh tế, khả năng tiêu thụ của th ị trường, cung ứng giống, thức ăn, điều kiện nuôi... của từng con vật nuôi, bà chọn lợn rừng làm hướng đầu tư trọng tâm để phát triển kinh tế. Ban đầu bà chỉ nuôi ở quy mô vài chục con, sau mở rộng dần theo hiệu quả sản xuất và đến nay trang trại của bà có hơn 500 con, trong đó có 50 con lợn rừng nái.

 

Để việc nuôi lợn rừng thành công, bà Tâm tìm hiểu cách nuôi lợn rừng từ các mô hình ở tỉnh bạn, tìm hiểu qua sách báo và đầu tư nuôi tại trang trại của mình theo đúng quy trình kỹ thuật. Nhờ đó, lợn rừng ở đây sinh trưởng và phát triển rất tốt. Theo kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm của bà, lợn con sau khi sinh được nuôi đạt trọng lượng từ 15-20 kg rồi mới đưa ra ngoài khu vực nuôi lợn thịt. Khu vực này được xây dựng gần 3 ha, xung quanh rào chắn cẩn thận để vừa bảo vệ được lợn, vừa tạo sự thoải mái cho lợn tự do đi lại, ăn uống như lợn rừng tự nhiên. Nhờ đó mà chất lượng thịt ngon và được thị trường ưa chuộng. Bà Tâm cho biết: “Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ thịt lợn rừng trên thị trường khá lớn nhưng thực tế không có nhiều lợn rừng để cung cấp thịt cho người tiêu dùng nên tôi quyết định chăn nuôi lợn rừng theo kiểu chăn thả tự nhiên với quy mô lớn. Thịt lợn rừng chăn thả và cho ăn thức ăn tự nhiên nên chất lượng thịt ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy, trang trại chăn nuôi của tôi khá hiệu quả”

 

Hiện nay, trang trại chăn nuôi lợn rừng của bà Tâm có quy mô lớn nhất trên địa bàn huyện Cam Lộ. Do ăn thức ăn tự nhiên nên lợn rừng thường nuôi thời gian dài hơn lợn chuồng nhưng lại có giá bán cao gấp ba lần. Lợn rừng ở trang trại của bà Tâm được bán ra các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…, giá xuất bán thịt lợn rừng hơi khoảng 150 ngàn đồng/kg. Hàng năm, thu nhập riêng từ lợn rừng của bà Tâm khoảng hơn 600 triệu đồng. Sắp tới bà sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi lớn hơn, đồng thời tiến hành xây dựng thương hiệu thịt lợn rừng Cam Lộ để đảm bảo ổn định đầu ra trên thị trường. Từ hiệu quả của mô hình này mang lại, nhiều hộ nông dân đã tìm đến học tập kinh nghiệm nuôi lợn rừng từ trang trại của bà Tâm. Theo bà, yếu tố quan trọng để lợn rừng đạt giá trị kinh tế cao là cần tránh sự lai tạp giống của lợn và tạo được môi trường tự nhiên trong quá trình chăm sóc.

 

Ngoài chăn nuôi lợn rừng, trang trại bà Tâm còn nuôi thêm 2.000 con lợn siêu nạc mỗi năm, hàng trăm con gia cầm các loại và cá nước ngọt, thu nhập bình quân mỗi năm gần 1,5 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí còn lãi hơn 800 triệu đồng. Trang trại của bà còn tạo được công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/ người/tháng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, đối với những ai muốn phát triển mô hình này đều được bà Tâm tận tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh để cùng nhau làm giàu cho bản thân và quê hương.

 

Tỷ phú vườn đồi

 

 

Trang trại tổng hợp của ông Cận mang lại thu nhập cao

 

Trong chiến lược phát triển kinh tế tại các xã vùng gò đồi, huyện Vĩnh Linh xác định phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại gắn với thế mạnh trồng cây lâu năm, trong đó đặc biệt chú trọng các loại cây công nghiệp dài ngày mang lại hiệu quả kinh tế cao như hồ tiêu, cao su. Với tiềm năng sẵn có về đất đai, biết quy hoạch và tổ chức sản xuất phù hợp, nhiều nông dân đã thực sự trở thành tỷ phú vườn đồi. Ông Nguyễn Khắc Cận, thôn Thủy Ba Hạ, xã Vĩnh Thủy là một trong số đó.

 

Hơn 10 năm trước, ông Cận đã thực sự đánh thức vùng đồi rộng lớn này chính bằng bàn tay và khối óc của mình. Ông quan niệm rằng, có đất là có tất cả, gia đình ông đã không quản ngại khó khăn để khai hoang vỡ đất, lấy ngắn nuôi dài với đa cây, đa con. Và rồi quyết tâm “biến sỏi đá thành cơm” trên đất quê hương đã được vợ chồng ông thực hiện thành công với mô hình kinh tế trang trại vườn đồi. Ông Cận cho biết: “Ngày trước lên đây khó khăn lắm nhưng vợ chồng tôi luôn động viên nhau khắc phục để xây dựng cơ ngơi. Tôi xác định dù khó khăn mấy cũng phải làm và gia đình tôi đã làm thành công” .

 

Bằng sự nỗ lực, vượt khó để làm giàu, ông Cận không ngừng khai hoang đất đồi, mở mang trang trại và quy hoạch sản xuất hợp lý. Hiện với trang trại rộng 35 ha, ông đã trồng 5 ha rừng tràm, 15 ha cao su đang trong thời kỳ khai thác, 5 ha còn lại được ông quy hoạch để trồng cây ngắn ngày, chăn nuôi gia súc, gia cầm…Mỗi năm ông thu nhập từ trang trại tổng hợp này khoảng 1,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 11 lao động với mức lương 4- 5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Cận còn giúp đỡ nhiều gia đình mới lên vùng đồi này lập nghiệp. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ nhiều hoạt động từ thiện, ủng hộ người nghèo trên địa bàn, đóng góp xây dựng nông thôn mới. Ông Cận cho rằng mình được hưởng lộc từ đất thì phải biết chia sẻ với mọi người kinh nghiệm làm ăn, để ngày càng có nhiều người vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng.

 

Đi qua những ngày đầu gian khó, ông Cận thấy được giá trị của thành quả kinh tế hôm nay mang lại. Với ông, kinh nghiệm làm giàu trên đất vườn đồi quan trọng là nỗ lực, chịu khó và biết được cách thức bố trí trồng trọt, chăn nuôi phù hợp. Cuối năm nay, ông sẽ khoanh nuôi một phần diện tích tại trang trại để nuôi lợn với số lượng lớn. Với cách làm ăn khoa học và tính toán chặt chẽ này, ông Cận sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công trong cuộc sống.

 

Tìm được hướng đi thích hợp trên vùng cát trắng

 

 

Không cam chịu nghèo khó, chị Bé đã vươn lên làm giàu

 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Diên Khánh, Hải Dương, Hải Lăng, chị Phan Thị Bé thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của cuộc sống nghèo khổ. Lập gia đình, cái đói, cái nghèo vẫn cứ đeo bám gia đình bé nhỏ của chị. Những đứa con của chị lớn dần, chị càng thấm thía cuộc sống nghèo khổ bởi càng ngày càng có nhiều điều phải lo toan. Không cam chịu mãi đói nghèo, chị Bé quyết tâm bứt phá vươn lên. Và đến hôm nay, chỉ sau hơn 6 năm quyết chí thoát nghèo, gia đình chị Bé đã có một cuộc sống no đủ.

 

Khởi nghiệp của chị là từ đồng vốn vay xóa đói giảm nghèo của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hải Lăng để đầu tư chăn nuôi. Phát triển từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn hơn, từ chỗ mày mò làm theo cảm tính đến áp dụng khoa học kỹ thuật được tiếp thu từ các lớp tập huấn chăn nuôi, thú y do Hội Nông dân huyện tổ chức, lợi nhuận mang lại cho gia đình chị cũng tăng dần qua các năm. Tận dụng diện tích đất đai rộng rãi ở vùng cát, gia đình chị tiếp tục vay vốn giải quyết việc làm, vốn của ngân hàng thương mại để mở rộng quy mô chăn nuôi, đến nay, trang trại chăn nuôi của gia đình chị Bé rộng gần 1 ha có khu chăn nuôi, khu xử lý chất thải riêng biệt. Chị Bé cho biết: “Trong quá trình phát triển chăn nuôi tôi liên tục ứng dụng các tiến bộ KHKT và chăm sóc thú y tốt nên đàn lợn lớn nhanh, không bị dịch bệnh, cho hiệu quả cao. Tôi cũng đầu tư hầm biogas để xử lý chất thải nên môi trường chăn nuôi sạch sẽ”.

 

Trang trại chăn nuôi lợn của chị Bé nằm xa khu dân cư, có quy mô 24 ô chuồng với hệ thống phun sương làm mát về mùa hè, đèn sưởi ấm về mùa đông, có 6 lồng đẻ và giàn đẻ. Nguồn lợn giống được sản xuất tại chỗ với 24 lợn nái siêu nạc cung cấp nguồn lợn giống đảm bảo chất lượng nên ít khi bị lây dịch bệnh từ bên ngoài vào. Hiện trang trại của chị Bé xuất chuồng mỗi lứa lợn hơn 100 con, mỗi tháng xuất chuồng 2 lứa lợn. Thu nhập hàng năm từ chăn nuôi của gia đình chị Bé đạt gần 300 triệu đồng. Cộng với nguồn thu nhập từ việc làm đại lý thức ăn gia súc, gia đình chị Bé có nguồn thu gần 400 triệu đồng/năm.

 

Biết phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương và với quyết tâm, chịu khó tìm hướng làm ăn thích hợp ngay trên chính mảnh đất của mình, gia đình chị Phan Thị Bé đã thoát khỏi đói nghèo và vươn lên làm giàu một cách chính đáng chỉ trong một thời gian ngắn.

 

VÕ THÁI HÒA

 

Tham quan học tập mô hình nông nghiệp hiệu quả tại Nam Bộ

 

Nguồn tin:  Khuyến Nông VN

 

Trong thời gian 6 ngày (từ ngày 6-11/11/2016), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông các tỉnh/TP: Cần Thơ, Tiền Giang và Tp. Hồ Chí Minh tổ chức đoàn tham quan học tập tại Nam Bộ cho 26 cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông 12 tỉnh/thành phố phía Bắc.

 

Tại Cần Thơ, đoàn đã đi tham quan học tập mô hình nuôi lươn không bùn, mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với du lịch sinh thái, mô hình trồng dưa leo an toàn. Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt được đánh giá là sáng kiến hay, chi phí thấp, áp dụng tốt ở điều kiện Nam Bộ do các tỉnh phía Nam không có mùa đông và nhiều nơi đã chủ động sản xuất được lươn giống. Mô hình này đã thay đổi cách nghĩ của nông dân, rút ngắn thời gian nuôi, giảm chi phí thức ăn, không gây ô nhiễm góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

 

Tại Tiền Giang, đoàn đã tham mô hình nuôi lợn trên đệm lót sinh học, mô hình trồng bưởi da xanh, mô hình tưới nước tiết kiệm cho thanh long. Mô hình nuôi lợn trên đệm lót sinh học được đánh giá cao với ưu điểm không tốn công lao động dọn chuồng; giảm chi phí do tiết kiệm điện nước (để tắm rửa cho đàn lợn); lợn hầu như không mắc bệnh; giảm mùi hôi rõ rệt do đó đảm bảo vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, gia đình đã tái sử dụng chất thải độn chuồng từ chăn nuôi lợn để trồng gừng trong bao túi, bước đầu cho hiệu quả rõ rệt như: gừng phát triển tốt, không bị thối khi trời mưa, năng suất đạt 1,5 kg/túi. Mô hình trồng thanh long áp dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời rất hiệu quả và hiện đang được nhân rộng ở địa phương.

 

 

Tham quan mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây thanh long

 

Tại thành phố Hồ Chí Minh, đoàn đã đi thăm mô hình nuôi cá cảnh, mô hình chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Israel, mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Các đại biểu đặc biệt chú ý đến mô hình chăn nuôi bò sữa công nghệ cao. Do áp dụng công nghệ nuôi bò sữa của Israel nên năng suất cho sữa của đàn bò ở trại thực nghiệm chăn nuôi bò sữa cao hơn so với nuôi truyền thống 19%. Qua trao đổi được biết lượng sữa vắt từ đàn bò tại trại thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Israel đạt mức 24,5kg/con/ngày, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm trước. Tính ra, sản lượng sữa bình quân của bò sữa nuôi tại trại thực nghiệm đang ở mức 7.480 kg/con/chu kỳ (305 ngày). Bên cạnh đó các đại biểu cũng rất quan tâm đến mô hình nông nghiệp công nghệ cao và mong muốn có thời gian học tập dài hạn về công nghệ cao tại đây để về áp dụng vào sản xuất của địa phương.

 

 

Đoàn tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao

 

Chia sẻ về chuyến tham quan học tập, ông Nguyễn Văn Xuyên - giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bắc Ninh cho rằng chuyến đi thực sự bổ ích, cán bộ khuyến nông các tỉnh phía Bắc được trao đổi kinh nghiệm hoạt động với các tỉnh phía Nam về công tác tổ chức các hoạt động khuyến nông, từ khuyến nông nhà nước đến xã hội hóa công tác khuyến nông. Thông qua việc tham quan học tập các mô hình hiệu quả và trao đổi trực tiếp với các hộ nông dân phía Nam, cán bộ khuyến nông đã đút rút ra được những kinh nghiệm quý và những bài học hay để về áp dụng cho địa phương.

 

Ông Lê Sỹ Cương, Q. giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Dương cho biết: Nội dung tham quan rất phù hợp, vừa có mô hình của nông hộ, vừa có mô hình trang trại để cán bộ khuyến nông có thể nắm bắt được cách thức triển khai mô hình. Hiện tại Hải Dương đang triển khai mô hình nuôi lươn có bùn và rất nhiều trang trại chăn nuôi lợn, gà. Sau khi tham quan học tập cũng sẽ áp dụng thử nghiệm mô hình nuôi lươn không bùn và sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi để tăng hiệu quả sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

 

Đánh giá về chuyến tham quan, ông Phạm Văn Trung, giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình cho rằng, chuyến đi thực sự hữu ích. Qua chuyến tham quan, ông đã học được cách thức tổ chức câu lạc bộ khuyến nông của Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang. Ngoài ra, ông còn rất quan tâm đến máy cuốn rơm kết hợp với phun chế phẩm men để ủ chua trộn thức ăn, cách thụ tinh nhân tạo cho dê của Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang. Ông dự định sẽ xem xét áp dụng thử nghiệm tại Ninh Bình. Ông cũng cho biết ở Ninh Bình cũng đã áp dụng nuôi lươn không bùn nhưng chưa thực sự hiệu quả vì rất khó khăn về nguồn giống. Thời gian tới ông sẽ kết nối với các đơn vị phía Nam để mua lươn giống và học hỏi thêm về công nghệ sản xuất lươn giống.

 

Ông Lại Văn Hiếu – giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nam cho biết: Hiện Hà Nam đang triển khai một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất rau, mô hình sản xuất theo chuỗi. Qua chuyến tham quan học tập này, ông sẽ áp dụng một số mô hình hay như mô hình nuôi lươn không bùn, mô hình chăn nuôi bò sữa theo công nghệ Israel vào sản xuất ở địa phương mình. Ông Hiếu cũng cho biết sẽ đề xuất, tham mưu với tỉnh tái cơ cấu diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau, hoa, quả công nghệ cao. Ông Hiếu cũng mong muốn Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức các đoàn tham quan học tập hàng năm cho cán bộ khuyến nông giữa các vùng miền, đặc biệt quan tâm đến các mô hình sản xuất theo chuỗi, cách sơ chế, đóng gói tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước, mô hình các hợp tác xã kiểu mới.

 

Ông Nguyễn Đức Thụ - giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên đánh giá cao công tác tổ chức lớp chu đáo, sự phối hợp giữa trung tâm khuyến nông các tỉnh/thành phố cũng như các chủ trang trại, mô hình rất chặt chẽ và khoa học. Qua tham quan học tập đã giúp các thành viên trong đoàn học được các phương pháp hoạt động khuyến nông hiệu quả, được chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt vấn đề sản xuất nông nghiệp hàng hóa, mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Bên cạnh đó các đại biểu cũng học được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về công tác tổ chức của bộ máy khuyến nông, chính sách và nguồn kinh phí cho hoạt động khuyến nông của các địa phương và hiểu được văn hóa của các vùng miền.

 

Đánh giá về chuyến tham quan, tất cả thành viên trong đoàn nhất trí rằng các mô hình đến tham quan đều rất hiệu quả và phù hợp với yêu cầu đề ra của Đoàn. Các đại biểu đã học hỏi và tiếp thu được nhiều thông tin đạt kết quả mong đợi và sẽ chọn lọc các mô hình hiệu quả, phù hợp để áp dụng vào địa phương. Hơn nữa thành phần đoàn tham quan là lãnh đạo khuyến nông các tỉnh phía Bắc, đây là lực lượng chỉ đạo công tác khuyến nông của các tỉnh. Do đó, được tham quan, học hỏi những cách làm hay đặc thù của các mô hình nông, lâm, ngư nghiệp hiệu quả cũng như trao đổi về phương thức tổ chức xây dựng mô hình và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là cơ hội để đại diện các tỉnh có thêm kinh nghiệm trong việc triển khai công tác khuyến nông của địa phương mình.

 

Bên cạnh đó thành viên của đoàn cũng cho rằng đối với các mô hình hiện nay cần phải tập trung sản xuất theo quy mô lớn, đảm bảo số lượng hàng hóa để ký kết với doanh nghiệp tiêu thụ đầu ra sản phẩm, đặc biệt cần phải sản xuất theo chuỗi hoặc liên kết sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thường xuyên tổ chức các đoàn tham quan học tập trong và ngoài nước về sản xuất nông nghiệp hiệu quả giúp các cán bộ khuyến nông nâng cao kiến thức, kỹ năng về tổ chức quản lý, chỉ đạo sản xuất, góp phần thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước đổi mới hoạt động công tác khuyến nông, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập./.

 

Thanh Huyền - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

 

Tân Kỳ (Nghệ An): Tăng thu nhập cho nông dân từ các mô hình

 

Nguồn tin:  Báo Nghệ An

 

Huyện Tân Kỳ (Nghệ An) có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp như trong trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Những năm qua, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi cho thu nhập cao.

 

Xây dựng cánh đồng mía 100 tấn/ha

 

Mía nguyên liệu là cây trồng chủ lực của bà con xã Tân Xuân (Tân Kỳ) hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, do canh tác theo phương thức truyền thống, chủ yếu bằng sức người, sức trâu, nên năng suất và chất lượng cây mía không cao. Đầu năm nay, với sự hỗ trợ của Công ty cổ phần Mía đường Sông Con, xã Tân Xuân đã quyết định dồn điền đổi thửa làm mô hình mẫu với diện tích 50 ha mía giống Thái Lan.

 

 

Ruộng mía được trồng theo phương thức mới, cho năng suất cao ở xóm Thanh Trà, xã Tân Xuân (Tân Kỳ).

 

Ông Trương Văn Thủy - xóm trưởng xóm Thanh Trà, xã Tân Xuân phấn khởi: “Từ khi áp dụng phương pháp canh tác mới này, năng suất và chất lượng mía của bà con đã nâng lên rõ rệt. 1 ha đạt 100 tấn, cao hơn trước 30 tấn/ha".

 

Phương thức sản xuất mới, theo ông Thủy cho biết, nhà máy hỗ trợ máy cày 3 chảo, đất được cày sâu tới 30 cm, mía được trồng hàng kép, luống rộng 1,3 m (trước đây bà con trồng hàng đơn, luống rộng 90 cm), vì vậy mật độ mía dày hơn. Hơn nữa, giống mía được thay thế bằng giống mới KK2 và Việt đường, ít sâu bệnh.

 

Chị Phan Thị Ngữ - cán bộ nông nghiệp xã Tân Xuân cho biết: Toàn xã hiện có 370 ha đất trồng mía, trong đó mía làm theo phương thức sản xuất mới là 50 ha. Năng suất của loại mía này xấp xỉ 100 tấn/ha so với 60 tấn/ha cách làm cũ.

 

Đây là vụ đầu tiên áp dụng cách làm này nên đa phần mía sau khi thu hoạch sẽ được làm giống để nhân rộng trong các năm tiếp theo”. Từ công việc cày đất đến đặt giống xuống rãnh, đều áp dụng cơ giới. Các hộ dân trồng mía được Công ty Mía đường Sông Con hỗ trợ mùn mía có tác dụng cải tạo đất, đồng thời sử dụng vôi để xử lý phèn chua.

 

Điều đặc biệt trong cách làm mới này là bà con chuyển từ trồng mía đơn sang trồng mía kép, việc làm này giúp tăng số lượng cây trên một đơn vị diện tích nên sản lượng mía tăng lên đáng kể.

 

Ông Nguyễn Bá Quý – Phó Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sông Con cho biết: Vụ mía 2015 – 2026, công ty hỗ trợ xây dựng 2 cánh đồng mía thu nhập cao với diện tích 100 ha, trong đó 50 ha ở Tân Xuân và 50 ha ở xã Nghĩa Đồng. Niên vụ 2016 – 2017 này, công ty tiếp tục hỗ trợ xây dựng 100 ha mía thu nhập cao trên địa bàn huyện.

 

 

Trại bò thịt giống Úc của Công ty TNHH Kiều Phương.

 

Đẩy mạnh chăn nuôi bò sữa

 

Gia đình anh Nguyễn Hùng Sơn ở xóm 3, xã Nghĩa Hợp là hộ đầu tiên của huyện Tân Kỳ đầu tư chăn nuôi bò sữa. Đầu năm 2014, qua các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tham quan một số mô hình chăn nuôi bò trong và ngoài tỉnh, gia đình anh Sơn đã quyết tâm đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng chuồng trại và nuôi 4 con bò sữa đã trưởng thành.

 

Thời gian đầu, gia đình khá lúng túng khâu kỹ thuật chăm sóc, nhưng được cán bộ của Công ty sữa Vinamilk hướng dẫn nên anh chị đã áp dụng thành công quy trình chăn nuôi bò sữa một cách thành thục. Đến nay, đàn bò sữa của anh đã hơn 20 con, mỗi ngày cho gia đình từ 1 - 1,5 triệu đồng/ngày.

 

Từ hiệu quả mô hình chăn nuôi bò sữa của gia đình anh Nguyễn Hùng Sơn, nhiều hộ dân trong và ngoài xã đã đến tham quan học tập, đầu tư xây dựng chuồng trại, mua bò sữa về nuôi, như gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh, Trần Duy Cường, Chu Văn Loan ở xóm 3, xã Nghĩa Hợp.

 

Điển hình, có gia đình anh Nguyễn Thu Ngoạn ở xóm 11, xã Nghĩa Đồng đã đầu tư trên 5 tỷ đồng để xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa với tổng đàn 50 con. Trang trại của anh Ngoạn được xây dựng trên cánh đồng rộng tới 5 ha, trong đó anh dành 1 ha xây dựng chuồng trại, còn lại 4 ha trồng cỏ voi, đảm bảo đủ thức ăn thô cho đàn bò.

 

 

Trang trại chăn nuôi lợn của bà Trần Thị Nga, xã Tân Phú mở rộng quy mô lên 800 con/lứa.

 

Trang trại lợn thịt lớn nhất huyện

 

Trang trại chăn nuôi lợn thịt trên địa bàn huyện Tân Kỳ không ngừng phát triển, nhiều chủ trang trại làm ăn có lãi đã đầu tư mở rộng quy mô. Bà Trần Thị Nga, xã Tân Phú, cách đây 5 năm đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn quy mô 300 con/lứa. Giữa năm 2016, nhận thấy kinh tế trang trại đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, chị đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại nâng quy mô lên 800 con/lứa.

 

Bà Nga hồ hởi: Sự quan tâm, khuyến khích của chính quyền địa phương là động lực giúp tôi thêm nghị lực trong phát triển chăn nuôi. Sau nhiều năm gắn bó với trang trại, thấy rằng, làm nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi chịu tác động rất nhiều đến thị trường, do vậy chủ trang trại cần có kiến thức, có vốn và chủ động tìm thị trường.

 

Ông Nguyễn Bá Thức – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ cho biết: Trên cơ sở những cây trồng, vật nuôi của địa phương, huyện tập trung chỉ đạo tạo điều kiện cho người dân áp dụng cách thức sản xuất mới, nhằm tăng thu nhập cho người nông dân.

 

Có thể thấy, nhiều mô hình, cách làm hay của người dân đã được khẳng định tính hiệu quả như: Mô hình trồng mía bằng phương thức thâm canh mới ở Tân Xuân, Nghĩa Đồng; trồng ngô sinh khối ở các xã dọc sông Con; các trang trại, gia trại chăn nuôi bò sữa ở Nghĩa Đồng, Nghĩa Hợp, chăn nuôi bò thịt ở Nghĩa Dũng; trang trại chăn nuôi lợn thịt ở Tân Phú, Nghĩa Hoàn, Giai Xuân, Nghĩa Hành…

 

Đặc biệt, trong 2 năm nay, trên địa bàn huyện đã xuất hiện 10 trang trại chăn nuôi gà thịt, quy mô trên 1 nghìn con/trang trại.

 

Xuân Hoàng - Quang An

 

Bến Tre: Người dân vùng mặn “trở bộ” hiệu quả

 

Nguồn tin:  Báo Đồng Khởi

 

 

Trồng cỏ. Bài, ảnh: Trọng Đạt nuôi bò mang lại sinh kế bền vững cho người dân vùng dễ tổn thương do xâm nhập mặn.

 

Nhiều hộ gia đình ở các vùng dễ tổn thương do xâm nhập mặn đã chuyển đất canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ, so đũa để nuôi bò, dê cho thu nhập cao, cuộc sống đã ổn định. Đó là bước đi đúng đắn của người nông dân trước diễn biến thời tiết ngày càng khó lường như hiện nay.

 

Sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu

 

“8 công ruộng của gia đình tôi trước kia trồng lúa 3 vụ/năm, mỗi năm lãi nhiều được hơn 8 triệu đồng, nhưng không dám mạnh dạn chuyển sang trồng cỏ chăn nuôi. Sau đợt xâm nhập mặn dữ dội vừa rồi, tôi quyết định lên liếp trồng dừa. Tôi tận dụng những khoảng trống trồng cỏ nuôi bò, dê nhằm lấy ngắn nuôi dài. Tôi nuôi 5 con bò, 6 con dê, vài chục con gà thả vườn... chỉ hơn nửa năm đã kiếm lãi trên 10 triệu đồng từ bán dê; chưa kể vài tháng nữa dừa bắt đầu thu hoạch, bò đến ngày sinh sản” - nông dân Lê Trung Du ở ấp Quý Khương, xã Quới Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre phấn khởi.

 

Hộ ông Huỳnh Văn Sơn tuy chỉ vỏn vẹn 3 công ruộng nhưng chuyển đổi sang trồng dừa và chăn nuôi sớm nên hiệu quả rõ ràng hơn. “Trước kia, tôi nuôi được 5 con bò cái nhưng sinh hoạt gia đình cứ thiếu trước hụt sau nên trong khoảng thời gian dài vẫn không tăng đàn được, bởi bò sinh sản ra nghé phải bán ngay để trang trải cuộc sống. Nay, hàng tháng, 150 cây dừa cho trái thu hoạch bán đã dư trang trải chi phí sinh hoạt gia đình nên chỉ sau 1 năm đàn bò đã tăng lên gấp đôi. Trồng cỏ, nuôi bò thật sự có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với trồng cây lúa nơi thường xuyên bị xâm nhập mặn này. Nếu so sánh, tôi chỉ lấy lợi nhuận của đàn gà thả vườn cũng bằng trồng 3 công lúa như trước kia. Còn về rơm, nếu mình có đủ cỏ thì chắc chắn không còn là vấn đề lớn nữa” - ông Sơn chia sẻ.

 

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thạnh Phú, trong năm 2016, toàn huyện tăng gần 9 ngàn con bò, nâng tổng đàn lên gần 40 ngàn con, theo đó đàn dê cũng tăng đáng kể. Hiện người dân ở ven sông Cổ Chiên, Hàm Luông đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 130ha lúa sang trồng dừa xen cỏ hoặc chuyên canh cỏ; riêng từ lúa sang rau màu cũng được hơn 15ha, kéo giảm dần diện tích đất vốn không còn phù hợp với cây lúa nữa. “Quan trọng là sự tăng trưởng bền vững của mô hình này trước biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Hiện nay, chúng tôi đang tăng cường vận động người dân tham gia sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể để giảm rủi ro về giá, tăng thu nhập và có điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Như vừa rồi, những hộ chăn nuôi không chuẩn bị trồng cỏ đã phải khốn đốn trước cơn sốt giá rơm cuộn. Tôi nghĩ đó là điều khuyến khích người nông dân vùng mặn trực quan nhất”, ông Trương Thanh Hải - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thạnh Phú phân tích.

 

Chuyển đổi phù hợp

 

Tương tự như Thạnh Phú, người dân 2 huyện biển Ba Tri và Bình Đại cũng đã thực hiện cuộc chuyển đổi khá mạnh mẽ. Ba Tri chuyển đổi 20ha đất lúa sang trồng rau màu, 50ha sang trồng dừa, 25ha sang trồng cỏ nuôi bò. Bình Đại chuyển sang trồng dừa 165ha, trồng cỏ 27ha, trồng cây ăn trái 64,6ha và trồng rau màu 15,4ha. Không những vậy, một số huyện khác tuy ảnh hưởng xâm nhập mặn ít hơn các huyện biển nhưng người dân cũng đã chuyển đổi mạnh mẽ đất sản xuất sang trồng dừa, trồng cỏ, chăn nuôi và đời sống của họ đã ổn định hơn trước rất nhiều.

 

Ông Bùi Văn Lâm - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, kế hoạch chuyển đổi theo hướng chăn nuôi và phát triển lĩnh vực thủy sản ở những vùng ven biển dễ tổn thương do xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh đã được ngành xây dựng, triển khai 2 năm qua và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân sau đợt thiên tai hạn mặn lịch sử đầu năm 2016. Hiện nay, tổng đàn bò của tỉnh đã hơn 200 ngàn con (tăng gần 30 ngàn con so với năm 2015). “Tập trung chăn nuôi, phát triển thủy sản là điều kiện sinh kế hợp lý nhất của người dân vùng ven biển, cũng như các vùng dễ bị mặn xâm nhập. Chúng tôi luôn khuyến khích và có những chính sách hỗ trợ phát triển cho các mô hình hiệu quả này” - ông Bùi Văn Lâm khẳng định.

 

Chợ Lách là huyện chưa từng bị xâm nhập mặn nhưng sau đợt thiên tai lịch sử đầu năm 2016, cơ cấu cây trồng đã được chuyển đổi mạnh mẽ, hợp lý. Trong đó, dưới sự vận động, hỗ trợ từ chính quyền, người dân đã thực hiện chuyển đổi 580,67ha vườn tạp, cây trồng giá trị thấp, nhãn nhiễm bệnh sang trồng cây có giá trị cao như: chôm chôm, bưởi da xanh, sầu riêng, cây giống và hoa kiểng.

 

Trọng Đạt

 

Giá trị sản phẩm sau VietGAP còn bỏ ngõ!

 

Nguồn tin:  Trà Vinh

 

VietGAP là quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) xây dựng và ban hành ngày 28/01/2008. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, các đơn vị: Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Làm vườn, Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm Thủy sản… tham gia xây dựng mô hình VietGAP trong lĩnh vực nông nghiệp như cây màu, cây lúa, cây ăn trái cho các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) tại các huyện: Cầu Kè, Trà Cú, Càng Long. Tính đến cuối tháng 11/2016, 100% mô hình VietGAP sau công nhận (lần đầu) đều không tái công nhận; gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước khi thực hiện VietGAP. Lý do đơn giản là phần lớn các sản phẩm từ mô hình VietGAP không bán đươc giá cao hơn so với sản phẩm thông thường.

 

 

 

Ông Nguyễn Văn Thân đã không còn mặn mà với mô hình thanh long VietGAP.

 

VietGAP xây dựng dễ… duy trì khó

 

Theo điều tra của chúng tôi, các mô hình thực hiện VietGAP trên địa bàn tỉnh thời gian qua, chủ yếu do 03 đơn vị: Công ty TNHH công nghệ NHONHO (Quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ), Trung tâm Chất lượng Nông Lâm Thủy sản vùng 6 (quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) và Công ty Cổ phần Giám định và Khử trùng FCC Thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận VietGAP.

 

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 10 mô hình VietGAP đã được chứng nhận. Trong đó, huyện Cầu Kè nhiều nhất với 06 mô hình, huyện Càng Long có 03 mô hình. Riêng tại huyện Trà Cú đang trong giai đoạn triển khai VietGAP trên cây màu tại HTX nông nghiệp Thành Công. Nhờ chính sách khuyến khích của Nhà nước, chi phí để xây dựng mô hình VietGAP lần đầu được thực hiện bằng ngân sách Nhà nước thông qua các cấp, sở, ngành và các Ban Quản lý Dự án. Được biết, đến nay đã có 05/10 mô hình VietGAP hết hạn mà không tiếp tục tái công nhận lần 2.

 

Tìm hiểu về nguyên nhân, ông Đỗ Văn Tài, nguyên Chủ nhiệm HTX măng cụt Tân Thành, ấp Tân Qui I, xã An Phú Tân, cho biết: Khi thực hiện quy trình VietGAP công đoạn thực hiện không khó lắm, phần lớn do chính nhà vườn thực hiện. Sau khoảng 01 năm thực hiện và được phía công ty đến kiểm tra, nếu đáp ứng đầy đủ các quy trình đưa ra, sẽ được công nhận VietGAP. Từ khi được công nhận VietGAP đến nay, sản phẩm măng cụt của HTX vẫn bán với giá thông thường; đôi lúc nhà vườn làm măng cụt VietGAP lại bán thấp hơn so với măng cụt bên ngoài…Vì vậy, nhiều nhà vườn không còn mặn mà với VietGAP.

 

Nông dân Thạch Ren, Tổ trưởng THT Tân Châu ấp Ô Mịch, nói: Gia đình có 01ha sản xuất lúa thực hiện theo VietGAP. Qua 03 vụ sản xuất, chỉ vụ đầu sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu có giá cao hơn thị trường 500 đồng/kg, nông dân làm VietGAP rất phấn khởi. Nhưng từ vụ thứ 2 trở đi, doanh nghiệp không còn bao tiêu sản phẩm, nông dân bán lúa ra ngoài, bằng với giá lúa thông thường. Từ đó, nông dân không mặn mà với lúa VietGAP. Nhận thấy sản phẩm lúa VietGAP giá trị kinh tế không cao, từ năm thứ 02 nhiều hộ không còn làm VietGAP, và việc tái công nhận cũng rơi vào quên lãng, các thành viên không đóng góp kinh phí để tái công nhận.

 

Nhà vườn Đồng Thị Mai Linh, ấp Tân Qui I, xã An Phú Tân cho biết: Gia đình có 0,7ha măng cụt tham gia VietGAP. Thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn nhưng bán giá không cao, mà năng suất đôi lúc còn thấp hơn măng cụt không VietGAP.. Bây giờ mà kêu gọi các thành viên bỏ ra chi phí để tái công nhận VietGAP (khoảng 60% chi phí công nhận ban đầu, tương đương khoảng 60-70 triệu đồng), mỗi thành viên phải đóng góp 03-04 triệu đồng (tùy diện tích) sẽ rất khó.

 

Nhà vườn Nguyễn Văn Thân, Giám đốc HTX Thanh long ruột đỏ Đức Mỹ, cho chúng tôi biết: Trong 14 thành viên tham gia VietGAP, với diện tích 24,4ha; chỉ có 04 thành viên trong HTX trồng thanh long tại xã. Do mô hình VietGAP ghép manh múng, cách xa về diện tích và hộ, nên việc liên kết tiêu thụ sản phẩm gặp khó; phía thu mua không chấp nhận khi diện tích VietGAP không tập trung, khó kiểm soát. Sau hơn 02 năm công nhận VietGAP, sản phẩm thanh long ruột đỏ được các nhà vườn tự đem bán và tìm mối tiêu thụ như bao trái cây khác. Vì vậy, không có chi phí “tích lũy” do hiệu quả từ sản phẩm VietGAP chưa mang lại, nên nhà vườn sẽ khó thực hiện trong góp vốn để tái công nhận lại VietGAP.

 

Lời giải cho sản phẩm VietGAP

 

Huyện Cầu Kè, là địa phương được các ngành “ưu ái” chọn “tiên phong” trong xây dựng mô hình VietGAP. Đến nay, đã có 03/06 mô hình VietGAP đã hết thời hạn, nhưng phải “đắp chiếu” do các THT không có kinh phí để đề nghị kiểm tra để tái công nhận. Theo ông Trương Văn Đệ, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cầu Kè: Hiện nay, sản phẩm của THT sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP chưa ký được hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp (DN), mà chủ yếu là bán cho các thương lái địa phương, không có sự chênh lệch về giá so với các sản phẩm cây trồng cùng loại. Nên các THT sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã hết thời hạn, nhưng không thực hiện việc tái công nhận trở lại; mặt khác, muốn tái công nhận lại (lần 2) cần bỏ ra một chi phí tương đối lớn, nên các thành viên không có chi phí để thực hiện việc tái công nhận.

 

Nói về hướng mở ra cho sản phẩm VietGAP, ông Lê Hoàng Y, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Thực hiện sản xuất theo VietGAP là xu thế không thể tách rời trong sản xuất hiện nay, qua đó nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng và phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, xây dựng VietGAP không nên chạy theo phong trào, mà phải để cho từng người dân, THT hay HTX tự nguyện, thấy được hiệu quả khi sản phẩm có đầu ra và được liên kết với DN, khi đó nhu cầu sản phẩm phải đòi hỏi đáp ứng về vệ sinh an toàn thực phẩm hay truy xuất nguồn gốc…lúc đó xây dựng VietGAP sẽ không bị lãng phí, đầu ra sản phẩm đã có “điểm đến”.

 

Ông Ngô Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè nhận định: Sản phẩm VietGAP hiện còn bỏ ngõ, người tiêu dùng còn thờ ơ với sản phẩm VietGAP và giá trị sản phẩm nông sản VietGAP chưa phát huy hiệu quả, nên 100% sản phẩm VietGAP trên địa bàn huyện sau thời gian công nhận hết hiệu lực, đều không tái công nhận lại. Nguyên nhân, là không có kinh phí từ nguồn vốn “tích lũy” qua việc bán sản phẩm VietGAP, buộc các mô hình VietGAP phải kết thúc sau khi hết hạn công nhận, từ đó gây lãng phí nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để thực hiện công nhận VietGAP (lần đầu).

 

Để sản phẩm VietGAP không bị lãng phí, khi xây dựng mô hình cần đảm bảo đúng theo quy định tại Quyết định số 28/2015/QĐ-UBND, ngày 09/11/2015 của UBND tỉnh Ban hành quy định về “Chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015-2020”. Trong này, theo Khoản 5, Điều 6 về điều kiện hỗ trợ khi xây dựng VietGAP (có hợp đồng tiêu thụ hoặc phương án tiêu thụ sản phẩm) tránh làm VietGAP tràn lan như hiện nay.

 

Một thực tế cho thấy, việc chứng nhận sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP phải thông qua một số tổ chức chứng nhận chất lượng. Ngoài khâu sản xuất đảm bảo các tiêu chí thì việc quản lý các chứng chỉ cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế, nên người tiêu dùng vẫn còn tâm lý e ngại khi lựa chọn, phân biệt các sản phẩm. Trong khi đó, đầu ra cho sản phẩm VietGAP ban đầu quá khó khăn, việc chứng nhận VietGAP lại quá dễ. Riêng trong thời gian còn hiệu lực của sản xuất VietGAP việc thực hiện các quy định về thanh, kiểm tra, xử lí không được phân định cụ thể…Từ đó, người tiêu dùng thiếu niềm tin vào sản phẩm VietGAP nên đánh đồng như các sản phẩm an toàn khác. Theo ông Trang Tửng, Trưởng Phòng Kỹ thuật (Sở NN-PTNT): Nên chăng việc chứng nhận VietGAP cần phân định cho Sở NN-PTNT đảm nhận, vừa góp phần làm giảm đi chi phí cho nông dân, THT, HTX khi xây dựng VietGAP và thuận lợi trong việc giám sát, kiểm tra, xử lý sau công nhận….

 

Hiện nay, nạn thực phẩm bẩn đang tràn lan thị trường làm cho người tiêu dùng lo sợ khi chọn mua thực phẩm. Nhiều người tiêu dùng không ngại khi bỏ thêm một khoảng tiền (05 -10%) để mua, nếu biết chắc là sản phẩm sạch. Thế nhưng sản phẩm VietGAP của nông dân Trà Vinh hiện nay đa số vẫn bán với giá bình thường. Nghịch lý này từ đâu?

 

HỮU HUỆ

 

Làm giàu từ trang trại tổng hợp

 

Nguồn tin:  Báo Quảng Trị

 

Vượt qua bao khó khăn vất vả, chị Thái Thị Hoa, quê gốc ở Vĩnh Linh vào lập nghiệp tại thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã gây dựng và đã có nguồn thu ổn định từ trang trại tổng hợp, thực hiện được mục tiêu xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

 

 

Chị Hoa chăm sóc đàn bò

 

Vùng gò đồi Triệu Thượng đất không rộng và ít màu mỡ nên việc khai hoang được 3 ha đất là một thành quả không nhỏ đối với chị Hoa. Trên diện tích đất khai hoang, chị Hoa chọn trồng, chăm sóc nhiều loại cây trồng, vật nuôi để hỗ trợ nhau “lấy ngắn nuôi dài” . Bên cạnh đó, chị luôn thu xếp tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi do các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp tỉnh, huyện tổ chức. Kiến thức học được chị ứng dụng có hiệu quả vào trồng trọt và chăn nuôi. Đàn gia súc, gia cầm chị gây dựng dần từ quy mô nhỏ đến lớn. Đặc biệt, gà nuôi thịt chỉ khoảng 4 tháng là bán. Mỗi lứa xuất chuồng bao nhiêu con gà thịt, chị lại bù vào chuồng ngay bấy nhiêu con gà con để luôn duy trì 1.500 con gà thịt trong trang trại. Tiền thu được từ bán gà, lợn, chị Hoa trang trải cho cuộc sống và đầu tư trồng tiêu. Đến nay, trang trại của chị Hoa đã trồng được 500 gốc tiêu, trong đó có 100 cây đã cho thu hoạch mỗi năm khoảng 400 kg tiêu khô. Tiền thu từ tiêu, chị Hoa đầu tư trồng rừng. Đến nay, chị Hoa đã xây dựng hoàn chỉnh trang trại nông- lâm đa cây, đa con với thu nhập ban đầu mỗi năm khoảng 250 triệu đồng.

 

Chị Hoa cho biết: “Những ngày đầu từ Vĩnh Linh vào đây lập nghiệp, tôi gặp rất nhiều khó khăn, đường sá đi lại, điện, nước chưa có, rừng núi hoang vu, nhưng nhờ quyết tâm bám trụ và chịu khó vươn lên, bây giờ tôi đã bắt đầu có thu nhập tốt. Tôi dự tính sẽ tiếp tục mở mang trang trại khi nguồn thu nhập từ cây trồng, vật nuôi tăng lên. Ngoài quyết tâm, cần cù chịu khó, tôi nhận thấy phải tổ chức sản xuất khoa học, ứng dụng KH-KT vào sản xuất và biết cách sử dụng đồng vốn mới mang lại hiệu quả cao”.

 

Hiệu quả từ mô hình sản xuất trang trại tổng hợp của chị Thái Thị Hoa, trên địa bàn xã Triệu Thượng đã có nhiều người tham quan học hỏi để phát triển sản xuất. Chị Hồ Thị Ẩn, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Triệu Thượng cho biết: “Mô hình kinh tế trang trại của chị Thái Thị Hoa là mô hình đa cây, đa con mang lại hiệu quả kinh tế cao cần được nhân rộng. Thời gian tới, Hội Phụ nữ xã sẽ tổ chức các lớp tập huấn KH-KT về chăn nuôi, trồng trọt để nhiều phụ nữ trong xã có thể phát triển được sản xuất như chị Hoa. Ngoài ra, Hội Phụ nữ xã sẽ tín chấp ngân hàng để giúp hội viên đầu tư mô hình kinh tế hiệu quả”.

 

Nhờ biết phát huy tiềm năng, lợi thế đất đai và chịu khó tìm tòi, học hỏi cách làm ăn phù hợp, chị Hoa đã giàu lên bằng mô hình kinh tế trang trại. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, chị Hoa còn truyền đạt kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi cho chị em phụ nữ địa phương để cùng đẩy lùi nghèo đói, vươn lên làm giàu chính đáng.

 

VÕ THÁI HÒA

 

Bến Tre tồn 64.000 tấn muối

 

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng

 

Ngày 9-12, Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, do không có đầu ra nên sản lượng muối trên địa bàn vẫn còn tồn đọng khá nhiều, ước khoảng 64.000 tấn.

 

 

Khoảng 64.000 tấn muối tại Bến Tre vẫn chưa có đầu ra

 

Theo đó, niên vụ muối năm 2015 – 2016, diêm dân Bến Tre sản xuất 1.622 ha muối, chủ yếu ở hai huyện Bình Đại và Ba Tri. Nhờ thời tiết thuận lợi nên nhiều hộ trúng mùa, sản lượng muối toàn tỉnh đạt hơn 111.000 tấn, tăng gần 10% so với cùng kỳ, nhưng giá muối thấp khiến việc tiêu thụ khó khăn.

 

Hiện nay, đang vào vụ muối mới nhưng giá muối chỉ ở mức 300-400 đồng/kg. Dù giá thấp nhưng đa phần bà con chỉ có thể tiêu thụ nhỏ lẻ tại địa phương cho việc cải tạo vuông tôm, sản xuất nước đá... số lượng không đáng kể.

 

Gần đây, thực hiện việc tạm trữ muối, tỉnh Bến Tre đã triển khai thu mua đợt 1 được hơn 2.200 tấn muối, với giá 600 đồng/kg. Tuy nhiên, số lượng trên vẫn còn quá ít so với sản lượng tồn đọng rất lớn…

 

Lãnh đạo UBND xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại lo lắng: “Đến thời điểm này toàn xã còn tồn hơn 10.000 tấn muối. Nguyên nhân là do năm nay thương lái hạn chế thu mua. Muối không bán được khiến nhiều diêm dân gặp khó khăn bởi không có vốn đầu tư cho vụ mới”.

 

KHÁNH HƯNG

 

Thu gom gần 5 tấn vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng

 

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Ngày 7-12, tại UBND huyện Vĩnh Thạnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ phối hợp cùng Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức sự kiện chính của chiến dịch "Môi trường sạch – Cuộc sống xanh" lần thứ 2 năm 2016. Trước đó, ngày 6-12, hơn 200 nông dân trên địa bàn quận Thốt Nốt tham gia chương trình này tại UBND phường Tân Hưng. Đây là chương trình do Sở NN&PTNT TP Cần Thơ phối hợp với Công ty Syngenta Việt Nam tổ chức tại 5 quận, huyện trên địa bàn thành phố gồm: Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ, Ô Môn và Thốt Nốt, nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của nông dân khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

 

 

Nông dân đem vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đến điểm thu gom tại UBND huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: L.T

 

Trong ngày 6 và 7-12, nông dân trên địa bàn thành phố thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng bị vứt ngoài đồng ruộng, ở những nơi công cộng và sau khi sử dụng mang đến các điểm thu gom tại xã UBND xã Đông Hiệp (huyện Cờ Đỏ), UBND xã Trường Xuân (huyện Thới Lai), UBND phường Tân Hưng (quận Thốt Nốt), UBND phường Long Hưng (quận Ô Môn) và UBND huyện Vĩnh Thạnh để nhận về những phần quà, như: bình nước đá, đường, dầu ăn... Chiến dịch "Môi trường Sạch – Cuộc sống Xanh" lần thứ 2 năm 2016 thu hút hơn 1.000 lượt người tham gia và thu gom gần 5 tấn vỏ chai, bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng. Hơn 500 nông dân TP Cần Thơ còn được tập huấn về quy tắc "4 đúng" và các cách sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật, các trò chơi vận động, đố vui… để xây dựng tinh thần đồng đội; đồng thời cùng ký vào bản cam kết "Môi trường sạch - Cuộc sống xanh". Chiến dịch nhằm góp phần nâng cao ý thức sử dụng thuốc BVTV cho người nông dân một cách an toàn và hiệu quả; đồng thời vệ sinh đồng ruộng, bảo vệ môi trường.

 

Năm 2015, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam phối hợp cùng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh An Giang phát động chiến dịch "Môi trường sạch - Cuộc sống xanh". Chỉ trong 2 ngày đã thu gom và xử lý gần 4 tấn vỏ chai, bao bì bị bỏ lại trên đồng ruộng, kênh mương. Hơn 500 nông dân tỉnh An Giang cùng nhau ký cam kết bảo vệ môi trường, ghi nhận trách nhiệm chung trong việc giữ gìn đồng ruộng xanh, sạch, đẹp.

 

THANH LONG - HẢI TRIỀU

 

Hiếu Giang tổng hợp

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop