Tin nông nghiệp Chủ Nhật ngày 13 tháng 11 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp Chủ Nhật ngày 13 tháng 11 năm 2016

AgroViet 2016 tăng cường quảng bá nông sản an toàn ra thế giới

 

Nguồn tin:  VOV

 

Triển lãm AgroViet 2016 giới thiệu hàng nghìn sản phẩm nông sản đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm ra thị trường thế giới.

 

Sáng 11/11, Hội chợ Triển lãm nông nghiệp Quốc tế lần thứ 16 (AgroViet 2016) được khai mạc tại Hà Nội,với chủ đề “Sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm". Hội chợ diễn ra trong 5 ngày, từ nay đến 15/11.

 

Với quy mô 400 gian hàng của 300 doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia, AgroViet 2016 giới thiệu hàng nghìn sản phẩm nông sản là đặc sản các vùng miền, thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được sản xuất theo chuỗi, công nghệ và thiết bị bảo quản, chế biến thực phẩm, phục vụ sản xuất nông nghiệp tiên tiến….

 

 

Ông Lê Quốc Doanh-Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định hội chợ góp phần quảng bá nông sản Việt Nam ra quốc tế.

 

Phát biểu khai mạc hội chợ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nêu rõ, vượt qua những khó khăn về thị trường xuất khẩu, bất lợi về thời tiết do biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng những tháng cuối năm 2016.

 

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 10 tháng năm 2016 đạt khoảng 26,4 tỉ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Bám sát về chủ đề an toàn thực phẩm, hội chợ lần này có ý nghĩa quan trọng trong xúc tiến thương mại nông sản, quảng bá nông sản an toàn không chỉ trong nước mà còn ra các thị trường thế giới.

 

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Hội chợ được tổ chức nhằm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm Nhà nước về an toàn thực phẩm. Đồng thời mở rộng tìm kiếm các thị trường tiêu thụ nông sản ổn định có giá trị cao bao gồm cả thị trường xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, hiện thực hóa Kế hoạch hành động “Năm an toàn thực phẩm” thúc đẩy nông nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi phát triển.

 

“Bộ NN&PTNT tin tưởng rằng, thông qua các hoạt động tại hội chợ là cơ hội giúp các địa phương, doanh nghiệp quảng bá nông sản, tạo cầu nối sản xuất và tiêu thụ góp phần nâng cao thương hiệu nông sản trên thị trường trong và ngoài nước”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nêu rõ./.

 

Minh Long/VOV.VN

 

Lào Cai: Rét đậm tăng cường, một số địa phương bị ảnh hưởng

 

Nguồn tin:  Báo Lào Ca

 

Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai cho biết: Từ chiều và đêm 8/11, một vùng không khí lạnh từ phương bắc tràn xuống Lào Cai, kết hợp với tác động đồng thời của vùng hội tụ gió trên cao nên gây mưa đều khắp, một số địa phương xuất hiện mưa vừa đến mưa to; trời chuyển rét sâu, vùng núi trời rét đậm, các vùng núi cao rét hại khá sâu.

 

 

Hầu hết các hộ dân Sa Pa đã có ý thức phòng, chống rét cho gia súc ngay khi có đợt không khí lạnh tăng cường.

 

Theo quan trắc của các trạm khí tượng, từ chiều qua (9/11), nhiệt độ các vùng trong tỉnh cao nhất dao động từ 19 - 210C; vùng núi trong khoảng 14 - 160C; nhiệt độ thấp nhất từ 15 - 170C; vùng cao 10 - 120C; riêng khu du lịch Sa Pa giảm còn 6 - 80C. Hiện tại, không khí lạnh vẫn đang tiếp tục tràn về, ảnh hưởng đến các địa phương trong tỉnh.

 

Đợt không khí lạnh này tăng cường gây mưa rét, song, mức độ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân trong tỉnh không nhiều. Chỉ ở huyện Sa Pa, Bắc Hà và Mường Khương nhiệt độ xuống thấp gây ảnh hưởng tới việc đi lại sản xuất, sinh hoạt của người dân ở vùng cao.

 

Đặc biệt, tại huyện Sa Pa, rét đậm sẽ làm ảnh hưởng đên sự phát triển của cây địa lan và một số diện tích rau, màu của người dân. Hiện, toàn huyện Sa Pa có 16.000 chậu địa lan do nhân dân trồng phục vụ tết, trước tình hình thời tiết rét đậm, nhiều hộ đã di chuyển lan xuống vùng thấp để tránh rét và kích nụ, ra hoa.

 

 

Nhiều hộ dân ở Sa Pa đã chuyển lan xuống vùng thấp để tránh rét.

 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sa Pa, cho biết: Đàn gia súc của huyện hiện có hơn 12.000 con (hơn 10.000 con trâu và 1.800 con bò). Để chủ động các biện pháp phòng, chống rét cho gia súc, ngay từ đầu qúy 3, năm 2016, huyện đã tập trung rà soát việc củng cố chuồng trại đã có và vận động nhân dân làm mới với sự hỗ trợ của Nhà nước là 2 triệu đồng/chuồng/hộ nghèo.Tính đến nay, toàn huyện đã có 92% số hộ chăn nuôi gia súc có chuồng trại, bảo đảm giữ ấm cho trâu, bò trong mùa đông. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không thả rông gia súc trong mùa đông.

 

Thông tin từ các địa phương, trong đêm mùng 8 và ngày 9/11, một số địa phương có mưa vừa đến mưa to cũng đã khiến việc khắc phục sạt lở một số tuyến đường liên xã thuộc huyện Bắc Hà, Văn Bàn và Sa Pa bị ảnh hưởng. Đặc biệt, tuyến đường từ trung tâm huyện Văn Bàn đi xã Nậm Tha có nhiều điểm sạt lở lớn gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

 

TÙNG LÂM

 

VietGAP: Góp phần hình thành tư duy công nghiệp trong sản xuất nông nghiệp

 

Nguồn tin:  Báo Bình Dương

 

Tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) là một trong những quy trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế… nông sản an toàn được ngành chức năng khuyến khích áp dụng vào sản xuất nông nghiệp. Tại Bình Dương, thời gian qua, nhiều hộ và chủ trang trại đã áp dụng VietGAP vào sản xuất, nhất là theo định hướng phát triển nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 

 

Việc áp dụng VietGAP đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân và từng bước tạo thương hiệu cho nông sản của Bình Dương trên thị trường. Trong ảnh: Trang trại nấm bào ngư của anh Đoàn Lai Uyên (xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng) Ảnh: HOÀNG PHẠM

 

Áp dụng trên nhiều mô hình

 

Theo chân “vua quýt” Lê Văn Phấn (xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng) tham quan mô hình trồng quýt đường với diện tích hơn 10 ha, chúng tôi khá ngạc nhiên trước sự đầu tư bài bản trong canh tác của ông. Xen kẽ những hàng quýt là hệ thống phun nước tự động. “Trước đây, việc trồng cây ăn trái chủ yếu theo kinh nghiệm ông bà để lại, từ việc chọn giống, canh tác cho đến thu hoạch. Tuy nhiên, hiện nay, việc sản xuất ra nông sản an toàn, nông sản sạch được chú trọng nhiều hơn. Với quy trình VietGAP sẽ tạo ra quy trình sản xuất khép kín từ khâu chọn giống đến thu hoạch; trong đó việc dùng thuốc bảo vệ thực vật phải bảo đảm theo nguyên tắc đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách. Điều này giúp cho sản phẩm an toàn và góp phần bảo vệ môi trường”, ông Phấn cho biết.

 

Trong khi đó, với mô hình trồng ớt lấy hạt giống trong chậu ứng dụng công nghệ nhà màn tự động và hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel của gia đình, anh Huỳnh Đoàn Thông, ở xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng khẳng định, công nghệ gắn với sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả tốt. Theo anh Thông, bằng công nghệ tưới nhỏ giọt sẽ tiết kiệm từ 30 - 60% nước so với phương pháp tưới truyền thống. Cùng với đó, qua hệ thống có thể mang nước, phân bón đến đúng địa chỉ với liều lượng vừa đủ được máy tính kiểm soát.

 

Bên cạnh đó, nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng trong việc sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch, thời gian qua nhiều hộ và chủ trang trại trên địa bàn tỉnh đã đầu tư hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng để xây dựng trang trại, mô hình sản xuất theo VietGAP. Bà Vũ Thị Huê, ở xã An Bình, huyện Phú Giáo cho hay, qua các phương tiện truyền thông và tìm hiểu nhu cầu của người tiêu dùng trong việc sử dụng thực phẩm sạch, cùng với đó sau khi tham khảo các mô hình gia đình bà đã mạnh dạn đầu tư hơn 500 triệu đồng để trồng cây dưa lưới áp dụng công nghệ cao. Trên diện tích 2.000m2, gia đình bà đã xây dựng mô hình nhà lưới khép kín có nylon bao phủ; lưới bằng sắt và bằng nhựa bên ngoài để chống côn trùng, bên trong sử dụng hệ thống phun tưới tự động, đo nhiệt độ…

 

Ngoài ra, còn có nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP được triển khai trên địa bàn tỉnh như trang trại chăn nuôi heo của anh Phạm Văn Tạo (xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng), trang trại nuôi chim yến của ông Nguyễn Quang Quý (xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng), trang trại trồng lan…

 

Nguồn thu ổn định, bền vững

 

Ghi nhận cho thấy, thực hiện sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP đầu tư ban đầu khá cao, trung bình từ 500 triệu đến hơn 1 tỷ đồng, tuy nhiên hiệu quả kinh tế mang lại là không hề nhỏ. Theo ông Trần Minh Dũng, ở xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, việc ứng dụng công nghệ trại lạnh trong nuôi gà trắng hiện nay người nuôi không tốn chi phí về nhân công, bởi tất cả các khâu trong chăn nuôi đều sử dựng hệ thống kỹ thuật hiện đại, gà được nuôi ở nhiệt độ ổn định nên nhanh lớn, không xảy ra dịch bệnh. Hiện nay, với diện tích 2.000m2, tổng đàn gà mỗi đợt 15.000 con, ông nuôi khoảng 45 - 50 ngày là xuất chuồng. Mỗi năm ông nuôi 4 đợt, sau khi trừ chi phí mô hình này cho ông thu lãi trên 700 triệu đồng.

 

Tương tự, mô hình trồng ớt lấy hạt giống trong chậu của anh Huỳnh Đoàn Thông có diện tích 8.200m2 cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với hơn 11.000 cây ớt giống, thời gian trồng, thụ phấn, cho thu hoạch khoảng 6 - 7 tháng; mỗi đợt thu hoạch ông lãi trên 150 triệu đồng. Đối với mô hình ứng dụng công nghệ hệ thống tưới nước tự động trên trang trại quýt đường của ông Lê Văn Phấn, mỗi ha cho thu nhập khoảng 300 - 400 triệu đồng/năm. Với 37 ha quýt đường hiện nay, mỗi năm ông thu lãi vài tỷ đồng...

 

Ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sản phẩm của các mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP trên địa bàn tỉnh đều đạt chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên dễ tiêu thụ với mức giá ổn định. Không chỉ đạt hiệu quả kinh tế cao, sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP còn giúp nông dân các địa phương nâng cao nhận thức về vấn đề chất lượng sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh. Do đó, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, nhất là theo định hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh là hướng đi tất yếu nhằm nâng cao chất lượng nông sản, để các sản phẩm nông sản của Bình Dương đủ sức cạnh tranh, vươn ra thị trường.

 

Với mục đích hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả có múi ở xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án Hỗ trợ sản xuất phát triển vùng cây ăn quả có múi xã Hiếu Liêm. Theo đó, dự kiến trong 4 năm (2014-2017), sẽ có 12 ha cây bưởi da xanh, cam và quýt đường đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tham gia dự án có 8 hộ ở xã Hiếu Liêm; trong đó có 6 hộ trồng mới với diện tích 7 ha (bưởi da xanh, cam sành, cam xoàn, quýt đường) và 2 hộ thâm canh với diện tích 5 ha (cam sành).

 

KHÁNH ĐĂNG

 

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 31 tỷ USD

 

Nguồn tin:  Báo Chính Phủ

 

Dự kiến, trong cả năm nay, tăng trưởng ngành nông nghiệp có thể đạt từ 1,2-1,4% và giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 31 tỷ USD, thặng dư 8 tỷ USD.

 

Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ NN&PTNT diễn ra ngày 9/11, tại Hà Nội, ông Trần Quốc Tuấn, quyền Chánh Văn phòng Bộ NN&PTNT cho biết: Trong thời gian qua, do toàn ngành tổng lực vào cuộc nên đến nay, mặc dù có thiên tai bất khả kháng ở 8 tỉnh miền Trung đã làm phát sinh thêm một số khó khăn mới, nhưng sức sản xuất, đặc biệt là những mặt hàng có dư địa lớn như chăn nuôi, thủy sản tiếp tục phát triển tốt, an toàn dịch bệnh xử lý tốt...

 

Nhờ đó, tăng trưởng của ngành bảo đảm theo đúng mục tiêu đề ra và khả năng tăng trưởng ngành nông nghiệp năm nay có thể đạt từ 1,2-1,4% với giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 31 tỷ USD, thặng dư 8 tỷ USD.

 

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy cũng cho thấy, tính tới hết tháng 10, tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 26,4 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2015.

 

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn: Từ nay tới hết năm, trong lĩnh vực chăn nuôi, Bộ NN&PTNT xác định sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp và các cơ sở giống có giải pháp tăng cường hoạt động sản xuất, cung ứng đủ nhu cầu giống cho sản xuất; kiểm soát giá giống vật nuôi, bảo đảm bình ổn thị trường phục vụ đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm thị trường trong nước trong các tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán và phục vụ xuất khẩu.

 

Đối với thủy sản, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tổng thể khôi phục sản xuất ổn định đời sống 4 tỉnh Bắc Trung Bộ bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.

 

Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát chất lượng giống tôm nước lợ, cá tra tại các tỉnh vùng ĐBSCL, chất lượng cá rô phi tại các tỉnh miền Bắc để bảo đảm cung cấp đủ giống chất lượng cao cho người nuôi, tăng mạnh nguồn tôm nguyên liệu các tháng cuối năm trong bối cảnh thị trường thuận lợi; kiểm tra giám sát hoạt động quản lý chất lượng thức ăn, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất, khoáng chất dùng trong nuôi trồng thủy sản.

 

Trong chế biến và thương mại, Bộ xác định thúc đẩy nghiên cứu đề xuất giải pháp, cơ chế chính sách mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực cần tập trung thực hiện trong quý I và cả năm 2017…

 

Đỗ Hương

 

“Lượng” nhiều, “chất” chưa cao

 

Nguồn tin:  Hà Nội Mới

 

Sản xuất nông nghiệp năm 2016 gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường... Trong bối cảnh đó, dù các bộ, ngành liên quan và địa phương đã nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm khôi phục tăng trưởng, nhưng xuất khẩu nông sản vẫn rơi vào tình trạng “đuối hơi”, nhất là khi chạy theo số lượng, chất lượng chưa được quan tâm đầu tư.

 

 

Giá trị xuất khẩu cà phê tăng mạnh. Ảnh: Dương Giang

 

Tổng giá trị tăng do số lượng lớn

 

10 tháng qua, tổng giá trị xuất khẩu nông sản của cả nước đạt 26,4 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài những mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng như thủy sản, cà phê, hạt tiêu, rau, quả… thì ngược lại, một số mặt hàng như gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn... giá trị xuất khẩu giảm mạnh.

 

Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Trần Thanh Nam cho biết, trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu, cà phê là mặt hàng có sự gia tăng mạnh nhất, khi 10 tháng qua đạt 1,5 triệu tấn thu về 2,76 tỷ USD, tăng 40,2% về khối lượng và tăng 25,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Rau, quả, thủy sản, hạt tiêu, điều cũng có sự tăng trưởng vượt bậc, giá trị mỗi mặt hàng đạt 1 tỷ USD trở lên.

 

Dù có sự tăng trưởng, song năm nay có thể là một năm “ảm đạm” với ngành lúa gạo của Việt Nam. Gạo vốn là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực nhưng trong 10 tháng qua mặt hàng này tiếp tục giảm 21,2% về khối lượng và giảm 16,9% về giá trị. Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn thời gian qua cũng giảm mạnh. 10 tháng qua xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt gần 3 triệu tấn, đạt 806 triệu USD, giảm 14,8% về khối lượng và giảm 26,8% về giá trị so cùng kỳ năm 2015.

 

Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Sự tăng trưởng về giá trị xuất khẩu nông sản trong 10 tháng qua chưa hẳn là niềm vui. Bởi đa số các mặt hàng xuất khẩu có giá trị tăng do số lượng xuất khẩu lớn, giá trị xuất khẩu thấp hơn so với các nước trong khu vực...

 

Tỷ lệ chế biến thấp

 

Theo điều tra của Ngành Nông nghiệp, một trong những nguyên nhân chính khiến xuất khẩu nông sản có xu hướng giảm ở những mặt hàng chủ lực là do chất lượng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Cùng với đó, thực tế từ vài chục năm nay, xuất khẩu nông sản Việt Nam chủ yếu dưới dạng thô, tỷ lệ chế biến thấp. Đơn cử, cả nước vẫn có tới 95% sản lượng cà phê xuất thô với giá 2 USD/kg. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI xuất khẩu cà phê chế biến tới 10 USD/kg. Các doanh nghiệp trong nước có thương hiệu mạnh như: Trung Nguyên, Vinacafe, Mê Trang… rất ít.

 

Cũng do chất lượng thấp mà nhiều mặt hàng nông sản Việt chưa xâm nhập được vào các thị trường tiềm năng. Ví như, tôm của Việt Nam chưa vào được thị trường Australia vì nước này chưa công nhận tôm của Việt Nam sạch bệnh.

 

Để tháo gỡ những khó khăn, giúp các doanh nghiệp dồn lực vào 2 tháng cuối năm và chuẩn bị cho kế hoạch dài hơi, Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài liên kết để tăng cường xuất khẩu. Đặc biệt, tìm đầu ra cho thị trường gạo tại các nước như: Indonesia, Philippines và thị trường Châu Phi...

 

Cùng với đó, tập trung xây dựng thương hiệu gạo, trong tháng 11, Việt Nam sẽ hoàn thiện bộ tiêu chuẩn chất lượng gạo, đầu năm 2017 sẽ thi thiết kế logo thương hiệu gạo quốc gia. Với thủy sản, Bộ NN&PTNT sẽ cử đoàn sang Mỹ để tháo gỡ các kỹ thuật liên quan tới xuất khẩu cá tra... Ngoài ra, sản xuất và kinh doanh hàng nông sản ẩn chứa nhiều rủi ro nên Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ về thuế và tín dụng.

 

Tiến sĩ Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng: Hạn chế lớn nhất đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản là nguồn vốn và chính sách thuế. Nhà nước cần có những cơ chế đặc thù cho những lĩnh vực kinh doanh ẩn chứa nhiều rủi ro như nông nghiệp. Vai trò Nhà nước trong kết nối những hợp đồng mang tính quốc gia là hết sức quan trọng...

 

Đào Huyền

 

Bình Dương: Khi nông dân làm du lịch

 

Nguồn tin:  Báo Bình Dương

 

Dự án nâng cao năng lực cho nông dân trong tỉnh Bình Dương phát triển du lịch sinh thái giai đoạn 2014-2016 bước đầu đã có biến chuyển tích cực. Đây là dự án do Hội Nông dân tỉnh tổ chức, triển khai đến các hộ nông dân tại những khu vực có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh.

 

 

Khách hàng chọn mua trái cây tại Lễ hội Lái Thiêu mùa trái chin. Ảnh: QUỐC CHIẾN

 

Đánh thức tiềm năng

 

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh cho biết Bình Dương có nhiều địa danh như vườn trái cây Lái Thiêu, nhà tù Phú Lợi, địa đạo Tam giác sắt, khu di tích lịch sử rừng Kiến An, khu du lịch Núi Cậu, làng sơn mài Tương Bình Hiệp… Cùng với đó là các làng nghề truyền thống có hàng trăm năm tuổi như sơn mài, gốm sứ, điêu khắc gỗ, làm guốc mộc. Đây chính là tiềm năng lớn để du lịch sinh thái phát triển gắn liền với lợi ích của hội viên nông dân.

 

Theo đánh giá, thời gian qua dịch vụ du lịch của tỉnh có chuyển biến nhanh nhưng chất lượng chưa cao, tỷ trọng của ngành trong cơ cấu kinh tế của tỉnh còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và tiềm năng của tỉnh nhà. Do đó, việc triển khai Dự án nâng cao năng lực cho nông dân phát triển du lịch sinh thái giai đoạn 2014-2016 là rất cần thiết nhằm góp phần phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Ngành du lịch của Bình Dương phát triển trên cơ sở khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, từ đó đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi, giải trí của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Do vậy, xây dựng và phát triển du lịch đặc thù là một việc làm rất quan trọng đối với sự phát triển du lịch của Bình Dương.

 

Mục tiêu của dự án nói trên là tuyên truyền cho 100% hội viên nông dân trong tỉnh làm nông nghiệp ở những điểm xây dựng mô hình du lịch sinh thái, nhận thức được vai trò quan trọng của sự gắn kết nông nghiệp và du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, dự án cũng chú trọng việc cử các hội viên đi tham quan, học hỏi các mô hình sinh thái, miệt vườn ở các tỉnh, thành khác; xây dựng 8 mô hình điểm ở địa bàn 8 xã, phường, thị trấn trong tỉnh có tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch sinh thái…

 

Ông Nguyễn Hoàng Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết thực hiện dự án nói trên, đã có hàng trăm lượt hộ nông dân được cử đi học hỏi kinh nghiệm tại các địa phương An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu…, những nơi có thế mạnh về du lịch sinh thái và điều kiện tự nhiên tương đồng với Bình Dương. Nguồn kinh phí thực hiện dự án này là gần 700 triệu đồng. Đến nay dự án đã triển khai các lớp kỹ năng làm du lịch cho hội viên nông dân ở các phường Hưng Định, Bình Nhâm (TX.Thuận An), xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên)…

 

Hướng đi phù hợp

 

Có thể nói, qua dự án nói trên, người nông dân trong tỉnh đã được trang bị kỹ năng tiếp khách, tổ chức tour, thuyết trình, tổ chức phục vụ tại gia, tổ chức vận chuyển hành khách... Bên cạnh đó góp phần đa dạng các hình thức tham quan trang trại, vườn cây ăn trái và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của tỉnh.

 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, người dân xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên, chia sẻ qua quá trình đi tham quan tại một số tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, Bình Dương không thua kém tiềm năng du lịch so với các địa phương bạn. Thực tế cho thấy, một số mô hình du lịch sinh thái thành công tại Đồng Tháp, Vĩnh Long… vẫn có thể áp dụng tại Bình Dương. Điều quan trọng nhất là để duy trì lượng khách thường xuyên đòi hỏi các địa phương trong tỉnh phải liên kết để phát triển du lịch sinh thái. Ông Hùng cho biết cụ thể, ở xã Bạch Đằng thường vào khoảng tháng 12 trở đi mới vào mùa thu hoạch bưởi, cam, quýt... Nhưng để thu hút khách thường xuyên trong năm, xã cần liên kết với một số nơi khác như Lái Thiêu (nơi trái cây vào mùa khoảng tháng 5 đến tháng 8)… mới có thể giúp du lịch sinh thái phát triển lâu bền.

 

Theo ông Nguyễn Hoàng Vinh, qua 3 năm thực hiện Dự án nâng cao năng lực cho nông dân trong tỉnh phát triển du lịch sinh thái giai đoạn 2014- 2016, hội viên nông dân trong tỉnh đã có chuyển biến tích cực hơn về cách làm du lịch. Sau giai đoạn 2014-2016, du lịch sinh thái gắn liền với các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ chuyển sang giai đoạn mới bằng những kế hoạch, chương trình phụ hợp và bám sát với thực tế. Phát triển du lịch sinh thái giúp người nông dân tăng thu nhập, mô hình du lịch nông nghiệp sẽ gắn kết thị trường của nông sản ở nông thôn, sản phẩm thủ công truyền thống. Từ đó góp phần phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp và thực hiện chương trình chính sách chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao.

 

XUÂN VĨ

 

Đà Nẵng: Từ ngày 1/1/2017, sản phẩm vào chợ phải có truy xuất nguồn gốc

 

Nguồn tin:  Báo Công Thương

 

Ngày 3/11 vừa qua, UBND TP. Đà Nẵng đã có cuộc họp về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) với các sở, ngành liên quan do Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng chủ trì.

 

Cuộc họp đã đi đến thống nhất: “Từ ngày 1/1/2017, tất cả sản phẩm nông lâm thủy sản đã qua chế biến không bao gói sẵn và sản phẩm rau, trái cây, thủy sản nhập vào tiêu thụ tại Đà Nẵng ở các chợ sẽ được kiểm tra, cung cấp thông tin về nguồn gốc, xuất xứ; chủ hàng, chủ phương tiện nhập, vận chuyển sản phẩm phải chấp hành việc kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ và tự chịu trách nhiệm về hàng hóa kinh doanh của mình”.

 

Để khẳng định cam kết đó, ngay sau cuộc họp, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 35/2016/QĐ-UBND quy định quản lý ATTP đối với sản phẩm nông lâm thủy sản đã qua chế biến không bao gói sẵn và sản phẩm rau, trái cây, thủy sản nhập vào tiêu thụ tại Đà Nẵng. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.

 

Theo quy định, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đã qua chế biến không bao gói sẵn (không thuộc sản phẩm bao gói sẵn, có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật) phải có biện pháp bảo quản để đảm bảo VSATTP trong suốt quá trình sản xuất, vận chuyển và bày bán; khi đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ phải có thông tin về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh không thực hiện đúng theo quy định trên, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Đối với sản phẩm rau, trái cây và thuỷ sản nhập vào tiêu thụ tại thành phố ở các chợ thì các chủ hàng hoặc chủ phương tiện vận chuyển nhập phải thực hiện theo các quy định: Cung cấp thông tin về nguồn gốc, xuất xứ; hàng hóa nhập phải có thông tin về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm như: tên loại sản phẩm, số lượng, nguồn gốc sản phẩm (đơn vị cung cấp), xuất xứ sản phẩm (nếu sản phẩm trong nước ghi cụ thể địa danh nơi sản xuất; nếu sản phẩm nhập từ nước ngoài phải ghi nước sản xuất).

 

Nếu hàng hóa có hoá đơn chứng từ mua bán nhưng không ghi đầy đủ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm hoặc mua trực tiếp của nông dân, ngư dân không có hóa đơn chứng từ thì phải lập bảng kê khai về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm theo biểu mẫu quy định này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai; nếu nội dung kê khai không đúng sự thật mà hàng hóa đó bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định về ATTP làm ảnh hưởng, thiệt hại đến tổ chức, cá nhân khác thì chủ hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.

 

Chủ hàng hoặc chủ phương tiện vận chuyển phải thực hiện cung cấp hóa đơn chứng từ hoặc thực hiện kê khai về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm cho ban quản lý chợ trước khi đưa hàng hoá xuống khỏi phương tiện vận chuyển để tiêu thụ.

 

Đối với các loại thủy sản khai thác nhập vào cảng cá trên địa bàn thành phố, chủ tàu cá trước khi đưa thuỷ sản lên cảng cá để tiêu thụ phải thực hiện khai báo về nguồn gốc, xuất xứ thủy sản khai thác; xuất trình sổ nhật ký khai thác thuỷ sản cho ban quản lý chợ (Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang) trước khi đưa thủy sản lên cảng cá để tiêu thụ.

 

Chủ tàu cá phải có trách nhiệm tự kiểm tra về ATTP đối với thủy sản do mình khai thác, kinh doanh; không khai thác thủy sản tại ngư trường, vùng biển được cảnh báo bị ô nhiễm; không khai thác các loài thủy sản được cảnh báo không đảm bảo ATTP hoặc có nguy cơ mất ATTP; chịu trách nhiệm đối với sản phẩm thủy sản bị phát hiện không đảm bảo về ATTP.

 

Nếu chủ hàng hoặc chủ phương tiện vận chuyển không thực hiện các nội dung nêu trên sẽ bị cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời không được phép đưa hàng hóa xuống khỏi phương tiện vận chuyển để tiêu thụ và buộc phải đưa hàng hóa ra khỏi TP. Đà Nẵng; hoặc không được phép tiếp tục kinh doanh tại chợ.

 

Để công tác kiểm tra, giám sát ATTP tại đầu vào có hiệu quả, UBND thành phố yêu cầu ban quản lý các chợ thực hiện tiếp nhận, kiểm tra thông tin về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa theo quy định để làm cơ sở cho phép chủ hàng hoặc chủ phương tiện vận chuyển, chủ tàu cá được đưa hàng xuống khỏi phương tiện vận chuyển, tàu cá để tiêu thụ; lưu trữ, tổng hợp thông tin kê khai hàng hóa nhập vào chợ, cảng cá hàng ngày gồm: chủng loại, số lượng, nguồn gốc, xuất xứ để làm cơ sở cho cơ quan chức năng thực hiện truy xuất nguồn gốc, xuất xứ và xử lý vi phạm ATTP theo quy định.

 

Để đảm bảo quyết định thực thi có hiệu quả, UBND TP. Đà Nẵng cũng quyết định thành lập tổ công tác gồm các cơ quan chức năng liên quan; cử lực lượng thường trực tại các chợ trọng điểm như chợ đầu mối Hòa Cường, chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang, cảng cá Thọ Quang, chợ Hòa Khánh để xử lý các DN, cá nhân vi phạm. Quyết định cũng nêu rõ, trong quá trình kiểm tra không được gây nhũng nhiễu, phiền hà, khó dễ cho chủ hàng cũng như chủ phương tiện vận chuyển…

 

Trần Minh Tích

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop