Tin nông nghiệp Chủ nhật ngày 16 tháng 07 năm 2017

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp Chủ nhật ngày 16 tháng 07 năm 2017

Gỡ bí đầu ra cho nông sản Việt

Nguồn tin:  VOV

Để thoát khỏi thế bí ở đầu ra, ngành nông nghiệp cần phát triển chuỗi giá trị sâu, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao...

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp cần tiếp tục tái cơ cấu theo hướng tập trung, bền vững, phát triển chuỗi giá trị sâu, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao.

Thời gian qua nhiều loại nông sản phải nhờ người dân "giải cứu"

Nông sản bao giờ mới hết thời "giải cứu"?

Tại phiên chất vấn trước Quốc hội vừa qua, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng, nguyên nhân chính dồn nông sản Việt vào thế bí là do khối lượng sản xuất khổng lồ trong khi đầu ra chưa được tổ chức tốt.

Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận, khâu chế biến và phát triển thị trường của ngành nông nghiệp Việt Nam còn yếu, chuỗi giá trị chế biến còn tách rời sản xuất với thị trường. Đó là một trong những nguyên nhân xảy ra việc "giải cứu" hết nông sản này đến nông sản khác.

Cung vượt quá cầu, chế biến cách lìa với sản xuất, tổ chức thị trường yếu kém, không có sự liên kết giữa giống, chăn nuôi, giết mổ,… đã dẫn tới khủng hoảng thừa nông sản thời gian vừa qua, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

Mới đây, Bộ NN&PTNT đã chính thức thành lập Cục Chế biến và Phát triển Thị trường. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục là giúp điều phối các hoạt động phát triển thị trường, là đầu mối quản lý về chế biến, bảo quản nông sản.

Tại cuộc gặp với các doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp vừa diễn ra tại Hà Nội, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn cho rằng, vấn đề liên kết trong nông nghiệp ngày càng trở lên rất quan trọng. Nếu để hộ nông dân cá thể không thể làm được điều này. Mặt khác, doanh nghiệp cũng rất khó tổ chức sản xuất quy mô lớn. Nếu không có vùng nguyên liệu, doanh nghiệp phải thu gom nông sản thô, nên rất bị động, sản phẩm không đồng đều, số lượng, chất lượng hàng hóa bấp bênh…

Do vậy, theo ông Lại Xuân Môn, cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân với nông dân và nông dân với doanh nghiệp để xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, loại bỏ bớt tác nhân trung gian giữa người sản xuất và doanh nghiệp, rút ngắn độ dài của kênh tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cho cả nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tìm đường xuất ngoại

Lãnh đạo ngành nông nghiệp cho rằng, ngoài việc hướng vào sản xuất những sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, ngành nông nghiệp cần chú trọng vào khâu tìm hiểu thị trường, sản xuất đúng những mặt hàng mà người tiêu dùng cần, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.

Tại sao trong thời gian gần đây chúng ta sợ bị mất thương hiệu trên sân nhà trong xu thế hội nhập? Bộ trưởng Cường kể câu chuyện về nhiều lô hàng nông sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của các cơ quan kiểm định trong nước, được xuất đi nhưng vẫn bị đối tác nước ngoài trả về, hoặc thịt heo dán nhãn GAP bị phát hiện tồn dư chất cấm... Tình trạng đó cho thấy một lỗ hổng lớn trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm, đe dọa nghiêm trọng uy tín thương hiệu của thực phẩm Việt, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường quốc tế và trong nước.

Do đó, "tư lệnh" ngành nông nghiệp lưu ý, muốn có thương hiệu, tiêu chí đầu tiên phải là an toàn, vì đây là mối quan tâm hàng đầu của người Việt hiện nay.

Công nghiệp thực phẩm là một trong những ngành hàng có tiềm năng lớn của Việt Nam, nhưng tại sao trong khi nhiều nước châu Á đã xây dựng thành công nhiều thương hiệu thực phẩm có vị trí vững chắc tại thị trường thế giới thì các sản phẩm của Việt Nam chưa có chỗ đứng? Đây là câu hỏi đặt ra cho ngành nông nghiệp một thời gian dài nhưng hiện vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Trong Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020, Bộ NN&PTNT nêu rõ: cần nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản, gắn với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững.

Để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại có giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Trong đó, một trong những giải pháp trọng tâm của ngành nông nghiệp trong 5 năm tới là tổ chức lại sản xuất: Tiến hành rà soát, đánh giá tình hình thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, sản phẩm, đánh giá nhu cầu thị trường (cả trong nước và quốc tế); điều chỉnh lại quy mô sản xuất phù hợp. Tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, giảm bớt các khâu trung gian nhằm hạ giá thành sản phẩm.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng sẽ tập trung phát triển thị trường: Phát triển các kênh phân phối bán buôn, bán lẻ để phát triển mạnh thị trường nội địa; tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Người Việt dùng hàng Việt". Tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng; hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định.

Trong 5 năm qua, Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch 70 triệu tấn nông sản, nếu cộng cả phi chính ngạch thì lên đến trên 100 triệu tấn nông sản giá trị 140 tỷ USD, thặng dư xấp xỉ 43 tỷ USD, theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường./.

Trần Ngọc/VOV.VN

Vươn lên từ mô hình kinh tế hỗn hợp

Nguồn tin:  Báo Bình Dương

Sau hơn 5 năm thực hiện mô hình kinh tế kết hợp vườn chuồng khép kín, gia đình anh Đặng Hữu Quỳnh, hộ dân tộc Nùng, ngụ ấp 30-4, xã An Linh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, từ hai bàn tay trắng đã vươn lên trở thành một trong những điển hình làm kinh tế tiêu biểu của nông dân huyện Phú Giáo.

Anh Quỳnh (thứ 2 từ phải qua) đang chia sẻ kinh nghiệm về mô hình vườn chuồng kết hợp theo mô hình khép kín tại buổi tham quan của đồng bào dân tộc 4 xã thuộc 2 huyện Phú Giáo và Bắc Tân Uyên vừa qua Ảnh: Hải Sâm

Mô hình kinh tế kết hợp vườn chuồng của gia đình anh Quỳnh đang được nhiều nông dân huyện Phú Giáo biết đến. Điều đáng quý ở anh Quỳnh là nghị lực vươn lên thoát nghèo bằng sự chịu thương chịu khó, tìm tòi học hỏi và không khuất phục trước khó khăn. Nhờ vậy mà sau hơn 5 năm, từ hộ gia đình thuộc diện khó khăn của xã, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo và trở thành một trong những gương điển hình tiêu biểu vươn lên thoát nghèo của đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện.

Anh Quỳnh chia sẻ trước đây, gia đình anh sinh sống ở Đồng Nai, sau đó chuyển về định cư tại xã An Linh, huyện Phú Giáo. Ban đầu, được sự hỗ trợ của cha mẹ, anh có được mảnh đất rộng khoảng 7.000m2 . Sau khi xây nhà ở và các công trình phụ, vợ chồng anh còn khoảng 6.000m2 . Năm 2012, anh tiến hành cải tạo vườn tạp, chuyển sang mô hình vườn chuồng kết hợp theo quy trình khép. Theo đó, anh trồng chuối cau, tiêu kết hợp nuôi dê và heo theo hình thức khép kín: Lấy phế phẩm chăn nuôi dê và heo để bón cho cây tiêu, chuối cau và ngược lại, lấy sản phẩm từ trồng tiêu, chuối cau để chăn nuôi dê. Sau đó anh đến

Đồng Nai lấy giống chuối cau đem về trồng, đồng thời phá bỏ nọc tiêu trụ bê tông để trồng cây keo và đầu tư làm chuồng nuôi dê và heo. Làm theo mô hình này anh đã tận dụng được phân heo, phân dê để xử lý làm khí đốt, bón cho cây chuối, cây tiêu và ngược lại, lấy lá chuối và lá cây keo (trồng làm nọc tiêu) để làm thức ăn cho dê. Nhờ đó anh đã giảm tối đa chi phí hàng ngày và mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Theo anh Quỳnh, mô hình này đem lại thu nhập cho người nông dân không cao, mỗi năm khoảng hơn 100 triệu đồng, nhưng lại phù hợp với gia đình có ít đất. Hiện nay, trái chuối cau anh trồng đã có mặt ở nhiều quán ăn trong tỉnh và một số địa phương khác. Thương lái vào tận vườn của gia đình anh mua chuối cau với giá 8.000 đồng/ kg, nếu đem ra chợ bán thì giá từ 12.000 - 15.000 đồng/kg; mỗi tuần anh xuất bán khoảng 100kg chuối cau. Đối với đàn dê anh nuôi, dê con từ lúc sinh đến khi xuất chuồng khoảng 7 tháng, trọng lượng từ 30kg trở lên, giá bán hiện nay từ 110.000 - 120.000 đồng/kg. Hiện đàn dê gia đình anh nuôi có gần 20 dê mẹ, bình quân mỗi năm cho thu nhập trên dưới 120 triệu đồng.

“Trong quá trình thực hiện mô hình này, điều người nông dân cần lưu ý đối với cây chuối cau là phải thường xuyên cắt tỉa lá nhằm giảm thiểu sức nặng cho cây chuối để không bị ngã, đổ. Đối với đàn dê, người nuôi cần lưu ý thức ăn phải khô, ráo, đừng quá giàu đạm. Mỗi ngày người chăn nuôi chỉ phải mất khoảng 2 tiếng để lấy thức ăn và cho đàn dê ăn, vì thế rất phù hợp với những gia đình có ít nhân công lao động”, anh Quỳnh chia sẻ.

Ông Vương Thanh Phong, cán bộ phòng Dân tộc Văn phòng UBND tỉnh, cho biết anh Đặng Hữu Quỳnh là gương điển hình cho ý chí, nghị lực vươn lên làm giàu của người nông dân nói chung và đồng bào dân tộc nói riêng. Mô hình kinh tế anh đang thực hiện còn có ý nghĩa đó là sự kết hợp giữa hình thức làm kinh tế vườn - chuồng với một quy trình khép kín, giữa việc tận dụng sản phẩm trồng trọt để làm thức ăn cho chăn nuôi và ngược lại, lấy sản phẩm của chăn nuôi để sử dụng vào trồng trọt…

Hải Sâm

Rất cần những nghiên cứu phục vụ chế biến nông sản sau thu hoạch

Nguồn tin:  Báo Đắk Lắk

Do đặc thù của địa hình nên thời tiết, khí hậu của Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng rất thích hợp để phát triển nông nghiệp nhưng lại không thuận lợi đối với việc sơ chế, bảo quản nông sản của nông dân.

Trong khi đó, việc nghiên cứu khoa học, kỹ thuật lại chưa chú trọng đến lĩnh vực này, vì vậy hiện nay, người dân chủ yếu sơ chế, chế biến nông sản theo cách làm truyền thống – chủ yếu là phơi dưới trời nắng, một số ít được đưa vào lò sấy thủ công.

Điển hình như cây ngô, sau khi thu hoạch ngoài đồng về được sơ chế bằng máy tuốt đa năng và phơi trên sân. Để tiết kiệm thời gian phơi, đa số nông dân đều để quả bắp khô trên vườn mới thu hoạch và tách hạt bằng máy tuốt lúa. Nếu thời tiết thuận lợi, chỉ sau 2-3 nắng là hạt bắp khô có thể lưu kho hoặc bán cho các đại lý, nếu thời tiết bất lợi thì phải ủ đống nhiều ngày, hạt mốc, nảy mầm, chất lượng sụt giảm, khi thương mại bị thương lái ép cấp, ép giá. Tương tự, với lúa cũng vậy, nếu thời tiết thuận lợi thì chỉ vài nắng là khô khén nhưng nếu gặp mưa kéo dài, lúa ủ đống nhiều ngày, chất lượng gạo giảm mạnh.

Sơ chế hồ tiêu tại huyện Cư Kuin.

Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT cho biết, các nghiên cứu về giống, kỹ thuật sản xuất các loại cây trồng không còn mới đối với nông dân nữa bởi bản thân họ từ lâu đã trở thành những chuyên gia thực địa trên chính mảnh vườn của mình. Cái thiếu hiện nay khiến nông nghiệp vẫn chưa phát triển mạnh theo hướng hàng hóa mà các công trình nghiên cứu khoa học chưa chú ý đến là công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Bởi, nông sản thường thu hoạch theo mùa với khối lượng lớn, trong khi diện tích sân phơi trong dân còn hạn chế, việc bảo quản gặp nhiều khó khăn do đặc thù thời tiết. Do đó, nên có những nghiên cứu có sự tham gia của các sở, ngành của các địa phương liên quan đến vùng ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ phục vụ cho chế biến nông sản sau thu hoạch. Đặc biệt là các chính sách ưu đãi đi kèm trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới định hướng được cho các nhà doanh nghiệp bỏ tiền ra để đầu tư với kết quả thực tế thiết thực và nhân rộng đại trà.

Trên thực tế, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch nhưng nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn vay do nhiều yếu tố khác nhau. Mặt khác, trên thị trường hiện nay cũng có những máy móc, nông cụ hỗ trợ nông dân khâu sơ chế sau thu hoạch nhưng giá thành của nó quá lớn đối với các nông hộ. Vì vậy, cần có những công trình nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch với các thiết bị, máy móc có giá thành thích hợp với quy mô nông hộ để ngành nông nghiệp cùng lúc giải quyết được vấn đề giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao chất lượng nông sản.

Thuận Thanh

Máy sấy đảo chiều thích hợp cho nhóm nông hộ

Nguồn tin:  Khoa học phổ thông

Ảnh: ông Dương Xuân Quả (Năm Nhã ở Bình Đức, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) chế tác máy sấy đảo chiều từ mini đến 80 tấn/mẻ.

KHPTO - Hệ thống máy sấy đảo chiều gió có thể sấy khô nhiều loại nông sản trong thời gian ngắn mà vẫn giữ nguyên khả năng nảy mầm của hạt giống, giữ nguyên giá trị dinh dưỡng của lương thực, thực phẩm.

Máy sấy thay phơi, hong thủ công”

Trước đây, sau khi thu hoạch ngũ cốc và các loại nông sản phẩm, để bảo quản nhà nông dùng biện pháp phơi, hong. Trong điều kiện biến đổi thời tiết hay vụ thu hoạch rơi vào mùa mưa, việc làm khô sản phẩm trở nên rất nặng nhọc, khó đảm bảo chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm, dẫn đến việc khó tiêu thụ. Cách phơi, hong sản phẩm mất thời gian, còn phải gánh chịu hư hao, thất thoát sản lượng, chi phí nhiều nhân công ... làm giá thành sản xuất cao.

Sấy nông sản đóng vai trò tiền bảo quản sau thu hoạch, sản phẩm khô ráo, ngăn ngừa phát sinh một số loài nấm, sâu mọt, ít hao hụt số và chất lượng.

Việc trang bị hệ thống máy sấy tiết kiệm diện tích so với đầu tư sân phơi; một máy sấy có diện tích buồng sấy 20 m2 cho năng suất cao sấy tương đương sân phơi 300 m2 trong điều kiện luôn có nắng. Hệ thống sấy chủ động vận hành cho dù trời không có nắng hay thời tiết bất lợi. Dùng hệ thống sấy đảo chiều tiết kiệm 70 - 75% công lao động khâu phơi sản phẩm. Hệ thống sấy nông sản có thể được xây lắp cố định hoặc di động, hoạt động linh hoạt trong bối cảnh sản xuất tập trung hay phân tán đều có thể áp dụng. Sau mùa vụ thu hoạch có thể tháo dỡ bảo quản trong kho, khi cần mang ra ráp và dùng lại.

TS. Nguyễn Thanh Nghị, Trung tâm năng lượng và máy nông nghiệp, Đại học nông lâm TP.HCM cho biết: có nhiều giải pháp làm khô nông sản đang được ứng dụng như sấy lạnh, sấy thăng hoa, sấy bằng tia hồng ngoại, sấy bằng dòng điện cao tầng. Mỗi công nghệ sấy có những ưu và nhược điểm riêng, có thể sấy các dạng nông sản, dược liệu thô hay chế biến sâu. Mỗi loại công nghệ đòi hỏi yêu cầu về vốn đầu tư cũng như về quản lý môi trường, an toàn thực phẩm, kiến tạo giá thành sản phẩm khác nhau.

Theo TS. Nghị, đối với nhà nông hoặc nhóm nông hộ sấy để bảo quản nông sản ngay sau thu hoạch nhằm giữ chất lượng sản phẩm, tránh hư hao, tạo ra nguyên liệu tốt làm giống cho vụ sau, tạo ra nguyên liệu tốt trước khi đưa vào sơ chế, chế biến thì chỉ cần trang bị hệ thống máy sấy đảo chiều gió. Đây được xác định là hệ thống máy sấy đảo chiều bởi công nghệ làm khô do luồng không khí nóng trong buồng sấy vận hành đảo chiều làm sản phẩm khô đều mà không cần trở.

Cấu trúc đơn giản, tiện dụng, nhà nông có thể tự làm

Một máy sấy đảo chiều gió gồm các phần chính sau đây: bộ gia nhiệt, có thể là lò đốt than, củi, trấu, trong trường hợp đặc biệt có thể sinh nhiệt bằng thiết bị ga, điện; một quạt hướng trục nhằm cung cấp lưu lượng gió nóng cần thiết thông qua bộ phân phối (bộ trao đổi nhiệt), đảo chiều gió cho cho lò sấy; bộ trao đổi nhiệt thường được thiết kế cách ly khỏi sản phẩm sấy. Thiết kế này giúp nông sản cần sấy không bị nhiễm khói, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phẩm sấy. Buồng sấy có sàng buồng sấy - vỉ ngang, chứa vật liệu sấy, thường làm bằng tôn hoặc inox được đục lỗ 2 đến 4 mm tùy thuộc vào kích thước nông sản phân bố đều trên mặt vỉ. Vỉ sấy hạt giống có thể làm bằng tre, mê bồ hay vải bạt dệt thông gió. Cấu trúc trên cùng của máy là nắp lò.

Nhà nông sau tham quan học hỏi những kiểu máy sấy nông sản đảo chiều có thể tự làm máy sấy cho gia đình bằng các vật dụng sẵn có. Tuy nhiên kết quả việc sấy tùy thuộc nhiều vào chế độ vận hành - quy trình với những thông số chuẩn, ở đó tích lũy kiến thức của các nhà nghiên cứu hoặc kinh nghiệm dầy dạn của chủ máy.

Chế độ vận hành như sau: sau khi nhen lửa lò để tạo nhiệt, khí nóng thu được sẽ được pha trộn với khí tươi để đạt nhiệt độ cài đặt. Quạt hướng trục đưa gió nóng mức chuẩn (cho từng mẻ sấy nông sản) vào buồng sấy theo sơ đồ cấu trúc với lưu lượng và tốc độ đã hiệu chỉnh của quạt. Giai đoạn thứ nhất khí nóng được bộ phân phối cấp luồn qua lớp nông sản cần sấy theo chiều từ dưới đáy buồng sấy lên. Nông sản sẽ được làm khô theo chiều dưới lên, khí nóng mang hơi ẩm bốc lên cao và thoát ra ngoài. Giai đoạn thứ hai gió nóng được bộ phân phối cấp theo hướng từ phía trên buồng sấy xuống, gió xuyên qua lớp nông sản cần sấy (đảo chiều). Kết quả sau khi đảo chiều cung cấp gió trong buồng sấy một khoảng thời gian ấn định, nông sản được sấy đến nhiệt độ cần thiết với độ đồng đều cao ở mọi vị trí trong lò, độ ẩm còn lại khoảng 12 - 13% với ngũ cốc.

Theo đánh giá của Đại học nông lâm và các chủ lò, máy sấy đảo chiều gió vỉ ngang có chi phí đầu tư thấp, chi phí vận hành (lao động, nhiên liệu) thấp, sản phẩm sau sấy đạt độ đồng đều cao. Tùy vào nhu cầu sấy mà nâng công suất thiết kế từ rất nhỏ đến rất lớn. Máy sấy đảo chiều gió vỉ ngang có thể sấy nông sản dạng hạt (lúa, bắp, đậu, ớt, mè, hạt dưa, hạt bí...), cắt lát (khoai các loại, dứa...), quả nhỏ (táo, chuối, ớt, ...), các loại thủy hải sản (cá, tôm, mực, thịt gà...) miễn sao các dạng nông sản vật liệu cần sấy có khe hở (cho gió nóng lọt qua) khi được chứa trong buồng sấy.

Việc sấy nông sản để lại làm giống có thể thực hiện trên máy sấy đảo chiều gió vỉ ngang, tuy nhiên trường hợp này cần một quy trình vận hành hết sức nghiêm ngặt để hạt có thể duy trì sự nảy mầm, cho cây giống khỏe mạnh và không có sự thay đổi đặc tính nông học.

Hiện Sở khoa học và công nghệ TP.HCM đang khuyến khích các công ty, hợp tác xã, tổ, nhóm nông dân trong và ngoài thành phố áp dụng máy sấy đảo chiều gió vỉ ngang tạo nguyên liệu tốt cho sản xuất, chế biến xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị nông sản.

Minh Tuấn

Nông dân chuyển hướng làm giàu

Nguồn tin:  Báo Đà Nẵng

Đô thị ngày càng phát triển, các dự án “mọc” lên nhiều khiến đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp. Người nông dân chọn giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị.

Nông dân Trần Thiệt (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) đang chăm sóc hoa cây cảnh.

Ông Trần Thiệt (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) là nông dân điển hình vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống. Tại vườn hoa cây cảnh của ông Thiệt có đủ loại hoa đang khoe sắc như: cúc, đồng tiền, ly ly, hoa hồng, hoa lan, mười giờ, mắt nai, cúc sao băng... Ông Thiệt chia sẻ: “Nghề này phải chịu khó mới làm được, bởi đây là nghề nhờ “trời”, mở mắt ra là lấm lem với đất, với phân, nên không kiên trì thì không làm được. Có năm làm được, có năm “trắng tay”, chẳng hạn như năm trước đó, trời mưa miết, hoa bị dập nên coi như mất trắng. Nhưng làm dần rồi quen, mình phải tùy thời tiết, tùy nhu cầu để trồng những loại cây, hoa phù hợp”.

Ông Thiệt kể, trước đây, gia đình ông có đất để sản xuất nông nghiệp nhưng sau này bị thu hồi để làm dự án. Không còn đất sản xuất, ông Thiệt “mượn” tạm đất của các dự án chưa triển khai để trồng nấm, hoa, cây cảnh. Ban đầu, mô hình nhỏ; về sau ông mạnh dạn vay vốn mở rộng trang trại, đầu tư thêm giống, phân... Hiện vườn hoa của ông Thiệt cung cấp ổn định cho các cửa hàng hoa trên địa bàn thành phố, thu nhập mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng. Không những thế, ông còn tạo việc làm cho 3-4 lao động thời vụ.

Ở phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu), nông dân Nguyễn Văn Quý cũng là một trong những nông dân sản xuất giỏi của địa phương trong việc kinh doanh cây cảnh, bonsai, các dịch vụ làm cây cảnh... Vườn cây cảnh của anh Quý có đủ loại cây. Ngoài bán cây cảnh, anh Quý còn ươm cây các loại, cung cấp thị trường những cây cao bóng mát phục vụ cho các công trình lớn. Chính nhờ mạnh dạn đầu tư sản xuất ươm, trồng cây cảnh đã góp phần mang lại thu nhập cao cho gia đình và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Anh Quý cho biết, nhiều năm liền anh đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp phường; tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn (khi có yêu cầu); đồng thời hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất cho nhiều lao động.

Trong quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh, việc lựa chọn chuyển đổi ngành nghề bước đầu gặp không ít khó khăn, vướng mắc và phức tạp. Nhưng nhờ sự động viên, hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp từ thành phố đến chi hội và các nông dân, nhiều hộ nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống. Để hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân các cấp phối hợp với các sở, ban, ngành mở các lớp tập huấn trồng hoa, cây cảnh, nấm...

Ngoài ra, Hội còn mở các lớp học nghề như tiện, phay, bào cho con em nông dân; các lớp trồng rau mầm trong hộp cho các hộ gia đình. Các Hội Nông dân cũng tạo điều kiện cho hội viên tận dụng những khu đất dự án chưa sử dụng để trưng bày sinh vật cảnh, ươm cây giống rau củ quả các loại cung cấp cho các hộ dân trên địa bàn...

Các hình thức tổ chức sản xuất từng bước được đổi mới, chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị như trồng cây cảnh, cây bonsai, nấm và hoa các loại, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo trên địa bàn một cách bền vững.

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Hội Nông dân phường Khuê Mỹ cho biết, phường hiện có 600 hội viên nông dân. Việc tập huấn chăm sóc các giống hoa, cây cảnh… luôn được cán bộ phường triển khai kỹ lưỡng từ khâu lý thuyết đến thực tế để nông dân có thể tự sản xuất tại gia đình.

Theo ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Cường Nam, cùng với quyết tâm vươn lên của nông dân, địa phương hỗ trợ tối đa mặt bằng để nông dân phát triển sản xuất. Về nguồn vốn, hiện có 3 kênh hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngoài ra, địa phương hỗ trợ các đợt tập huấn về hoa cây cảnh.

Tuy nhiên, các cấp Hội Nông dân cũng lo ngại vì hầu hết nông dân đều lớn tuổi, nông dân trẻ tuổi thì đếm “trên đầu ngón tay” nên các địa phương gặp khó khăn trong việc phát triển sản xuất trong nông dân. Ngoài ra, các nông dân đang trồng hoa cây cảnh trên các dự án chưa triển khai, họ vừa phát triển kinh tế, vừa giữ vệ sinh môi trường nói chung nên khi lấy đất để thực hiện các dự án, các Hội Nông dân đề nghị thành phố sắp xếp, tạo điều kiện cho nông dân thuê lại đất để tập trung sản xuất, tránh việc nông dân tự tìm đất, tự sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và thời gian sản xuất quá ngắn.

Thanh Tình

Mất mùa thì chết, mà được mùa cũng chết!

Nguồn tin:  Báo Nghệ An

Nông sản rớt giá, ế ẩm. Đến nỗi, một lãnh đạo của Sở NN&PTNT phải chua xót nói: 'Nếu nông nghiệp mất mùa thì chết, mà được mùa cũng chết!.

Nông sản “đua nhau rớt giá”

“Giải cứu nông sản” - chỉ cần gõ cụm từ này trên hệ thống tìm kiếm của google, sau chưa đầy 1 giây đã xuất hiện 1.140 nghìn kết quả. Đi cùng với những bài viết “giải cứu” luôn là tình trạng xuống giá, ế thừa các sản phẩm nông nghiệp.

Bình ổn giá, một hình thức "giải cứu" thịt lợn được nhiều địa phương tổ chức. Ảnh tư liệu

Mọi thứ càng đáng “quan ngại” hơn khi giá lợn hơi rớt thê thảm từ cuối tháng 3/2017 và đến nay vẫn chưa “ngoi lên” được. Giá lợn hơi từ 60.000 đồng/kg giảm xuống 34.000 đồng/kg người dân đã kêu lỗ và rồi có thời điểm giảm xuống 15.000 đồng/kg mà vẫn ít thương lái tìm mua.

Đến nay, giá có nhích lên khoảng 19.000 - 22.000 đồng/kg lợn hơi nhưng với giá đó, “nuôi lợn chỉ có... lỗ”.

Tình trạng lợn hơi rớt giá thê thảm là thực trạng chung của cả nước. Việc “giải cứu” lợn được các cấp ngành và Chính phủ vào cuộc, rà soát tổng thể từ quy hoạch đến tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…

Trên địa bàn Nghệ An, hầu hết các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi lợn cũng rơi vào tình cảnh khó khăn khi giá lợn xuống thấp và ế. Việc giải cứu lợn được người dân các địa phương tham gia bằng việc chung nhau “đụng lợn”.

Nhưng hoạt động này không mấy hiệu quả như việc giải cứu hành tăm trước đó của các tổ chức đoàn thể ở các huyện Nghi Lộc, Đô Lương… Bởi một con lợn, có khi cả làng ăn mới hết và không thể ngày nào cũng ăn thịt.

Còn tại huyện Yên Thành, vịt thịt cũng rớt giá thê thảm. Từ chỗ 46.000 đồng/kg, nay chỉ còn 18.000 - 22.000 đồng/kg, khiến các hộ nuôi ngán ngẩm.

Huyện Yên Thành hiện có khoảng 59.000 con vịt, do giá giảm mạnh, tiêu thụ chậm, khiến người chăn nuôi lỗ nặng. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Ngô Trí Hà - Chủ trang trại chăn nuôi vịt ở xã Nam Thành, vừa là Chủ tịch Hội Kinh tế trang trại huyện Yên Thành cho biết: Những năm qua trang trại, gia trại chăn nuôi vịt trên địa bàn huyện phát triển mạnh, tổng đàn vịt lên tới 59.000 con.

Trong bối cảnh vịt rớt giá, các hộ cuống cuồng xuất bán nhưng tiêu thụ rất chậm. Gia đình ông Hà chọn cách giải cứu vịt bằng cách huy động con trai dùng ô tô tải loại nhỏ vận chuyển trứng và vịt bán ở các huyện miền núi.

Giá tại chuồng 22.000 đồng/kg, vận chuyển lên các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông… bán với giá 27.000 đồng/kg. Không có lãi, nhưng vịt của gia đình ông và nhiều hộ khác trong xã được giải cứu, kịp thời thu hồi nguồn vốn đầu tư giống, thức ăn, điện nước...

Trở lại với thị trường năm nay, vào chính vụ thu hoạch chanh leo ở Quế Phong, đồng bào trồng loại cây này và chính quyền huyện đã phải gửi kiến nghị lên tỉnh và đơn vị ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm là Công ty CP Chanh leo Nafoods khi giá thu mua chỉ 4.000 đồng/kg, trong khi năm trước giá từ 9.000 - 10.000 đồng/kg. Cùng thời điểm này, giá thị trường của chanh leo là trên 20.000 đồng/kg.

Trang trại chăn nuôi lợn gia công của ông Lê Mạnh Hùng ở xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ. Ảnh: P.V

Rất may, phía Công ty CP Chanh leo Nafoods đã kịp thời “giải cứu”, điều chỉnh giá thu mua bình quân (không phân loại) 8.000 đồng/kg.

Nhưng điều đáng băn khoăn là diện tích chanh leo mới chỉ trồng được 280 ha, bằng 19% vùng nguyên liệu quy hoạch được phê duyệt. Và đây là cây được kỳ vọng giúp đồng bào vùng biên thoát nghèo, làm giàu. Chính vì vậy, bà con trồng chanh leo thực sự lo lắng về tương lai đầu ra của sản phẩm.

Ai chịu trách nhiệm?

Trước hết, chính những người trồng trọt, chăn nuôi bị thiệt hại do rớt giá. Nhưng cũng chính bởi họ chưa nhận biết rõ quy luật khắc nghiệt cung - cầu, năm nay thấy cây, con gì bán chạy là năm sau đua nhau trồng, dẫn đến cung vượt cầu.

Đề cập đến thực tế trên, ông Nguyễn Vương Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: “Không có cách nào khác là người chăn nuôi phải tìm cách để tự “giải cứu”, bởi chính quyền cấp huyện không có giải pháp nào”.

Qua trao đổi, ông Ngô Phú Hàn - Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên cho rằng: “Ngay cả tỉnh cũng khó kêu gọi doanh nghiệp vào ký kết thu mua nông sản chứ không phải cấp huyện”.

Còn ông Nguyễn Bá Thức - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ cho rằng: “Trước tình cảnh giảm giá mạnh, người chăn nuôi phải liên kết với các công ty, doanh nghiệp chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, để liên kết được với các công ty không phải trang trại, gia trại nào cũng làm được…”.

Thanh niên huyện Đô Lương "chung tay tiêu thụ hành tăm" giúp bà con nông dân. Ảnh: Hữu Hoàn

Đem những băn khoăn về khó tìm đầu ra cho nông sản đến các sở, ngành, phía Liên minh Hợp tác xã cho biết, toàn tỉnh có 616 HTX, trong đó có 430 HTX DV Nông nghiệp, cũng chỉ dừng ở việc cung ứng đầu vào cho xã viên và nông dân, chưa vươn lên lo được đầu ra.

Sở Công Thương thì khẳng định tổ chức rất nhiều hội chợ, tích cực kết nối cung - cầu nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp mặn mà lo đầu ra cho nông sản và chưa có doanh nghiệp mạnh trên lĩnh vực này.

Còn Sở NN&PTNT với vai trò chính trong trong chỉ đạo xây dựng quy hoạch, tổ chức sản xuất… cũng thừa nhận công tác dự báo thị trường hạn chế. Bởi vậy, một lãnh đạo Sở NN&PTNT phải chua xót chia sẻ: “Nếu nông nghiệp mất mùa thì chết, mà được mùa cũng chết!”.

Khủng hoảng thừa như vậy, doanh nghiệp chưa mặn mà làm ăn với nông dân, còn chính quyền các cấp lại thiếu thông tin thị trường định hướng, cho nên người dân vẫn phải “tự bơi”.

Thế nhưng trong báo cáo, các ngành, huyện luôn có điệp khúc: “Đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp, cho nông dân đi học tập mô hình, đưa giống cây, con chất lượng cao vào sản xuất, tăng giá trị…”.

Song thực chất các doanh nghiệp đang chỉ mạnh “đầu vào”, cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phương tiện canh tác, còn đầu ra thì bỏ ngỏ, ngoại trừ một số sản phẩm có sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp như: mía, chè, chanh leo, sắn.

Nhiều ý kiến cho rằng, do toàn dân tập trung giải cứu lợn nên dẫn đến vịt, gà… hạ giá, thậm chí ế. Nhưng nhìn thẳng vào thực tế và quy luật thị trường, đó là cung vượt quá cầu.

Điển hình như cách đây 5 năm, hành tăm được mùa và giá chính vụ có khi 70.000 đồng/kg, thấy vậy, người dân các huyện Nghi Lộc, Đô Lương, Yên Thành, Thanh Chương, Nam Đàn… thi nhau trồng hành tăm. Cách đây 2 năm, giá hành tăm xuống còn 25.000 - 30.000 đồng/kg nhưng bà con vẫn không “ngộ ra”, còn các ngành, chính quyền không có khuyến cáo. Còn năm nay giá hành tăm chỉ từ 8.000 - 12.000 đồng/kg, người trồng phải nhờ đến sự giải cứu của đoàn thanh niên, hội phụ nữ…

Còn chính quyền các cấp cũng chỉ chăm chăm hỗ trợ đầu vào, hô hào áp dụng kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị trên đơn vị diện tích nhưng khi được hỏi đầu ra như thế nào? Hầu hết lãnh đạo các huyện, phòng nông nghiệp, lãnh đạo xã lắc đầu: Khó lắm, kêu gọi nhưng chưa có doanh nghiệp vào!

Nhóm PV

Khi nông dân ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

Nguồn tin:  Khoa học phổ thông

Ảnh: ông Chu Khắc Minh – tác giả máy sấy yến – bên máy sấy đang hoạt động.

Cuối tuần qua, Sở khoa học và công nghệ (KH&CN) TP.HCM phối hợp với tạp chí Khám phá tổ chức chuyến tham quan mô hình ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Cần Giờ, TP.HCM. Cụ thể, đoàn đã được tham quan về quy trình sấy yến và sấy cá theo công nghệ mới, đem lại nhiều hiệu quả về kinh tế, xã hội cho người sản xuất.

Sấy tổ yến bằng không khí:

Tại cơ sở yến sào Gấm Lộc (ấp An Lộc, xã Tam Thôn Hiệp), đoàn đã được mục sở thị quy trình sấy yến tại cơ sở. Yến sau quá trình làm sạch được đưa vào sấy theo công nghệ sấy không khí. Theo bà Võ Thị Gấm – chủ cơ sở - sấy là một công đoạn cực kỳ quan trọng được áp dụng trong sản xuất, bảo quản tổ yến. Hầu hết tổ yến khi mới vừa chế biến có độ ẩm từ 90 – 100%, đây là độ ẩm quá cao cho quá trình bảo quản lâu dài. Mặt khác, ở điều kiện này các vi sinh và các loại enzym phát triển rất nhanh làm hư hại cũng như tiêu hao các chất dinh dưỡng có trong tổ yến. Quá trình tách ẩm từ tổ yến sẽ làm chậm tốc độ phát triển của vi sinh, enzym và làm chậm quá trình phân hủy. Đây là bước cần thiết phải thực hiện để bảo quản tổ yến trong thời gian dài.

Qua quá trình theo dõi và được sự tư vấn của các chuyên gia, cơ sở đã đầu tư vào việc sử dụng công nghệ sấy bằng không khí và phương pháp này đem lại nhiều ưu điểm hơn so với phương pháp thủ công.

Theo ông Chu Khắc Minh – công ty TNHH kỹ thuật Thiên Ân, tác giả của máy sấy tổ yến – máy sấy tổ yến (ảnh) hoạt động trên quy trình sử dụng quạt thổi theo nguyên lý chênh áp, dòng không khí đối lưu cưỡng bức tiếp xúc với cả mặt trên và mặt dưới của tổ yến. Nhờ thiết kế buồng sấy kín nên hạn chế thất thoát luồng không khí thổi. Lượng khí thổi và khí ẩm thoát ra được tách riêng cho từng vỉ, tránh được hiện tượng nhiễm ẩm và nhiễm vi sinh chéo nên tổ yến có độ khô đều cả hai mặt. Do đó, độ ẩm sau khi hoàn tất quy trình sấy của tổ yến luôn đồng đều, ổn định và đạt yêu cầu cũng như năng suất cao trong quá trình sản xuất.

Ưu điểm vượt trội của máy sấy so với việc sấy bằng phương pháp thủ công trước đây là máy được sấy bằng không khí tự nhiên, khá thân thiện với môi trường, đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; không làm tổ yến bị biến màu, giúp giữ nguyên mùi hương tự nhiên và các tính chất hóa lý, chất dinh dưỡng có trong tổ yến; giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như tiết kiệm năng lượng.

Cụ thể như, với phương pháp thủ công trước đây, quá trình sấy liên tục 24 giờ cần đến 7 quạt ly tâm, 12 bộ điện trở nhiệt, sử dụng hết 219 kWh/ngày/mẻ thì với máy sấy không khí, số lượng quạt ly tâm chỉ có 3 cái, không dùng điện trở nhiệt nên số lượng điện tiêu thụ chỉ hết 3,75 kWh/ngày/mẻ. Nếu tính bình quân giá điện là 2.000đ/kWh, số lượng trung bình của cơ sở là 240 mẻ sấy/năm thì khi áp dụng máy sấy theo phương pháp thủ công phải cần tiêu tốn đến 105.120.000 đồng tiền điện/năm nhưng nếu sử dụng máy sấy không khí thế hệ mới thì chi phí cho tiền điện chỉ 1.800.000đ/năm, tiết kiệm đến 103.320.000đ/năm. Quả là một con số ấn tượng!

Sấy cá bằng năng lượng mặt trời:

Tại cơ sở chế biến hải sản Kim Yến (ấp Long Thạnh, xã Long Hòa), từ gần một năm nay, để nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, cơ sở đã đưa vào sử dụng máy sấy cá (ảnh). Máy hoạt động theo nguyên lý sử dụng năng lượng mặt trời, có chế độ sấy xuyên khay, đảo chiều không khí giúp trong quá trình sấy không cần phải trở mặt cá, máy có năng suất tối đa là 110kg/mẻ. Ngoài ra, máy còn có bộ phận cấp nhiệt bằng điện trở để dự phòng khi trời mưa hay nắng yếu.

Theo TS. Vương Thành Tiên – Khoa cơ khí công nghệ, Trường đại học nông lâm TP.HCM, tác giả của máy sấy cá - máy hoạt động ổn định trong khoảng nhiệt độ sấy từ 40 – 450C, tùy loại cá mà thời gian sấy từ 3,5 – 4,5 giờ/mẻ/100kg. Sản phẩm khi hoàn thành đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm; chất lượng cá sấy và độ tươi ngon được giữ nguyên.

Ảnh: máy sấy cá.

Ông Lương Văn Mạng - chủ cơ sở - cho biết, hiệu quả về kinh tế mà máy sấy đem lại có thể thấy rõ. Theo tính toán của ông: “Nếu như trước đây, so với phương pháp phơi truyền thống phải cần đến 3 nhân công (khoảng 450.000 đồng) trong khoảng 7 giờ, mặt khác, việc phơi ngoài nắng gắt cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như bụi bặm, côn trùng, trời mưa, vì thế chất lượng sản phẩm không ổn định và còn gây mùi hôi ảnh hưởng đến môi trường. Đến nay, khi dùng máy sấy thì những nhược điểm trên dần được khắc phục: chỉ cần 1 người khởi động máy, do máy chạy bằng năng lượng mặt trời nên lượng điện tiêu thụ (nếu có) cũng rất ít không đáng kể, mùi hôi cũng được khắc phục triệt để. Đặc biệt, không phải lo “chạy” khi mưa xuống bất chợt. Vào những ngày nắng gắt của tháng 7 này, lượng điện mặt trời “dư sức” trong việc tích trữ, cũng như giúp máy hoạt động liên tục, ổn định, không cần đến nguồn điện quốc gia.

“Nếu phơi theo phương pháp thủ công trước đây thì mỗi tháng, chỉ riêng tiền nhân công đã là 13,5 triệu đồng, mỗi năm vị chi khoảng 162 triệu đồng. Nay dùng máy sấy thì nhân công chỉ cần 1 người, công việc cũng nhẹ hơn rất nhiều, nếu trừ đi mọi chi phí, chỉ chưa đầy 2 năm, tiền đầu tư mua máy sấy (khoảng 150 triệu đồng) sẽ được gỡ lại”, ông Năm hồ hởi cho biết thêm.

Tuyết Mai

Nông nghiệp công nghệ cao vì sao chưa hấp dẫn?

Nguồn tin:  VOV

Vẫn còn một số trở ngại trong quá trình thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như nguồn nhân lực, thị trường và nguồn vốn.

Được xác định là trụ đỡ của nền kinh tế, khi nông nghiệp được đầu tư có trọng điểm, nền kinh tế sẽ được củng cố và phát triển bền vững. Chính vì vậy, Chính phủ ngày càng quan tâm hơn vào phát triển nông nghiệp, trong đó đáng chú ý là gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao trị giá 100.000 tỷ cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Điều này được kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Thế nhưng thực tế thời gian qua, những rào cản, rủi ro về thiên tai, khí hậu, dịch bệnh, lợi nhuận thấp… đang khiến cho việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có phần bị hạn chế.

Theo nhận định nhiều chuyên gia kinh tế, nhân lực được coi là hạn chế lớn nhất khiến các nhà đầu tư đang rất băn khoăn khi đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bởi lẽ, đây là lĩnh vực cần được vận hành bởi nông dân trí thức, nhưng hiện có đến trên 97% lao động nông nghiệp hiện nay là chưa qua đào tạo.

Tại hội thảo về nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng nông nghiệp công nghệ cao, do Trung ương Hội Nông dân phối hợp Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia băn khoăn cho rằng, mặc dù Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao bằng gói tín dụng lớn, thế nhưng vấn đề nguồn nhân lực nào để vận hành nền nông nghiệp đó vẫn chưa được tính đến.

Một điểm đáng chú ý khác là vấn đề thị trường tiêu thụ, lâu nay người nông dân bị tồn ứ sản phẩm nông sản vì không có thông tin thị trường. Do vậy, hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao nhưng yếu tố thị trường cũng cần phải được đảm bảo.

Đại diện Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Viện trưởng Lê Thành cho rằng, nếu ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp mà chỉ xây 1 nhà máy trị giá tiền tỷ, rồi sau đó để nông dân “tự bơi” thì đầu tư vào công nghệ cao cho nông nghiệp sẽ rất uổng phí. Do đó, nếu thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ thì cần thiết phải chủ động đầu ra, chủ động thị trường cho sản phẩm nông sản.

Cũng theo nhận định của ông Thành, nông nghiệp công nghệ cao là một phương thức sản xuất, hoàn toàn không phải mô hình kinh tế nên phải gắn liền với chuỗi giá trị. Vì thế, khi đầu tư nông nghiệp công nghệ cao mà không có thị trường sẽ trở thành gánh nặng cho các ngân hàng, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Ngoài những yếu tố về nhân lực, thị trường, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp khi được hỏi vẫn tiếp tục nêu ra những bất cập trong khó tiếp cận nguồn vốn. Doanh nghiệp hiện vẫn đang gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Cụ thể như doanh nghiệp chăn nuôi của ông Lê Văn Trường ở Vĩnh Phúc, từ cuối năm 2016 đến nay, giá lợn giảm sâu đã khiến doanh nghiệp thua lỗ đến 3 tỷ . đồng. Theo quy định, trang trại như của ông Trường được vay tối đa 1 tỷ đồng, nhưng khi ông muốn tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng để tái đàn chăn nuôi đã không gặp thuận lợi như kì vọng.

“Doanh nghiệp mong muốn được giảm lãi suất vay, giãn nợ nhưng đến nay cũng chưa nhận được hướng dẫn, hỗ trợ để tiếp cận nguồn vốn” ông Trường cho hay.

Để giải quyết những điểm nghẽn vẫn còn đang cản trở mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao hiện nay, ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ cho rằng, bản thân mỗi nhà đầu tư khi tham gia lĩnh vực này cần phải quyết định được thị trường. Trong chuỗi liên kết, người nông dân sẽ sản xuất và nhà đầu tư sẽ bao tiêu sản phẩm.

Bên cạnh đó, ông Thành cũng cho rằng, Nhà nước cần quan tâm tới vấn đề cơ chế, tạo điều kiện cho nhà đầu tư để họ có thể thực hiện được mô hình chuỗi cung ứng này. Bởi cuối cùng Nhà nước sẽ được lợi khi nhiều người giải quyết được vấn đề công ăn việc làm, giảm gánh nặng xã hội.

Khẳng định sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là một vấn đề lớn, do đó nhiều chuyên gia cũng nhận định, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao không hẳn chỉ đơn giản là bài toán lỗ - lãi trong kinh doanh, quan trọng hơn đó là câu chuyện về tái cấu trúc nền nông nghiệp Việt Nam./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Chủ động diệt cá dọn hồ và ốc bươu vàng

Nguồn tin:  Báo Phú Yên

Ông Nguyễn Ngọc Bước thực hành cách diệt sinh vật gây hại trên ruộng lúa bằng phương pháp thủ công cho hiệu quả lâu dài và ít tác động đến môi trường - Ảnh: Thái Hà

Là sinh vật ngoại lai có đặc tính ăn tạp, cạnh tranh mạnh, sinh sản nhanh…, cá dọn hồ, ốc bươu vàng đang phát triển mạnh trong tự nhiên làm khổ cho người dân sản xuất nông nghiệp và khai thác thủy sản nước ngọt; đồng thời đe dọa mất cân bằng sinh thái.

Khổ vì cá dọn hồ, ốc bươu vàng

Gia đình anh Nguyễn Văn Dự (xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) có một ao trồng rau muống khá sâu. Nhiều năm trước, mỗi mùa mưa đến, gia đình anh thả lưới bắt được cả thau cá và phải bán bớt vì ăn không hết. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, cá dọn hồ xuất hiện dày đặc, bám đầy mẻ lưới nên gỡ mỏi tay.

Thực tế, số lượng cá dọn hồ không ngừng tăng lên sau mỗi mùa nước lớn. Ông Nguyễn Văn Thường (xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa), một người đánh lưới chuyên nghiệp, cho biết: “Ở xã này, mỗi khi mùa mưa đến, nước ngập tràn đồng, khu dân cư thường bị chia cắt và khai thác thủy sản nước ngọt trở thành công việc chính để có thu nhập lo cuộc sống gia đình và phục vụ cho những ngày không đến chợ được. Nhưng những năm gần đây, khi cá dọn hồ xuất hiện dày, nhiều người làm nghề chài lưới các loại cá đồng phải bỏ nghề vì cá khan hiếm và lưới chài bị rách khi gỡ cá dọn hồ”.

Ngoài cá dọn hồ, ốc bươu vàng thực sự trở thành nỗi lo của người nông dân vào mỗi đầu vụ gieo sạ. Khi chúng tàn phá mạnh, người dân phải dùng thuốc diệt ốc được pha với nồng độ cao mới có thể tiêu diệt được loại sinh vật này. “Ốc bươu vàng xuất hiện nhiều vào ngày tháo nước vào ruộng sau gieo sạ để cắn các mầm lúa non.

Lúc trước, sáng sáng, tôi thường ra ruộng để bắt ốc về vừa dọn cho sạch ruộng vừa làm thức ăn cho vịt. Tuy nhiên, khi thấy ốc bắt hoài không hết nên tôi chuyển sang phun thuốc bảo vệ thực vật. Những thuốc diệt ốc thường có xuất xứ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến các sinh vật khác và gây hại cho con người và môi trường, nhưng nếu không phun thuốc thì chỉ một đêm là ốc cắn tan hoang đám ruộng, dặm lại rất vất vả”, ông Huỳnh Binh ở thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, cho biết.

Theo ông Đặng Văn Mạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, là những sinh vật ngoại lai du nhập vào Việt Nam, ốc bươu vàng và cá dọn hồ đang xuất hiện nhiều trên đồng ruộng, kênh mương, ao hồ trên địa bàn tỉnh gây không ít khó khăn cho người dân trồng lúa và khai thác thủy sản nước ngọt. Nguy hiểm hơn, các đối tượng này có thể làm xáo trộn hệ sinh thái thủy vực do mất cân bằng chuỗi thức ăn cũng như sự cạnh tranh trực tiếp đối với các loài cá bản địa có cùng tập tính; hậu quả có thể làm giảm thiểu đa dạng sinh học.

Cách diệt trừ đơn giản, hiệu quả

Ốc bươu vàng được du nhập vào Việt Nam để nuôi làm thực phẩm và xuất khẩu. Tuy nhiên, chúng thoát ra ngoài tự nhiên và gặp điều kiện sinh sống thích hợp nên đã phát triển thành loài sinh vật gây hại nghiêm trọng cho nền nông nghiệp, nhất là cây lúa. Còn cá dọn hồ là loài cá ăn tạp, cạnh tranh thức ăn với các loài khác, sinh sản nhanh nên khi phát tán ra ngoài thủy vực tự nhiên, có khả năng gây mất cân bằng sinh thái. Để ngăn chặn sự phát triển của các sinh vật này, những cách làm thủ công vẫn cho hiệu quả cao hơn cả.

Ông Đặng Văn Mạnh cho biết, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp thế giới (FAO) đã cảnh báo, nếu để ốc bươu vàng tràn ra môi trường tự nhiên thì sẽ rất khó kiểm soát. Khoảng đầu những năm 1990, Việt Nam đã bắt đầu có dịch ốc bươu vàng và đến nay, chúng tràn trên các đồng ruộng. Nguy hiểm hơn, ốc bươu vàng hiện đã lai với ốc bươu đen và loại con lai này có sức tàn phá rất khủng khiếp.

Tương tự, cá dọn hồ giờ cũng đã xuất hiện rất nhiều ở nhiều địa phương trong tỉnh. Ngành chức năng vẫn chưa có điều tra về tác hại do loài cá này gây ra. Cũng theo ông Mạnh, với bản chất ăn tạp, loài cá này có khả năng phát triển mạnh mẽ, chiếm không gian sống của các loài cá khác, gây mất cân bằng sinh thái.

Để ngăn chặn sự phát triển của các sinh vật ngoại lai, ông Mạnh cho rằng người dân không nên ỷ lại thuốc bảo vệ thực vật mà nên dựa vào quá trình phát triển của chúng để có cách tiêu diệt. Thời điểm tiêu diệt ốc tốt nhất là lúc chúng còn là trứng. Nếu khi đã nở thành ốc con, người dân có thể dùng lưới nhỏ ngăn ở trổ nước khi đưa nước vào ruộng, sau đó vớt ốc lên đi tiêu hủy. Khi ruộng bắt đầu sạ, có thể chừa rãnh nước ở 4 bên của ruộng sau đó chặt một ít cây chà phủ lên. Qua một đêm, người dân gom cây chà cách ly với môi trường nước.

Diệt ốc bươu vàng theo cách này, theo nhiều nông dân là rất hiệu quả, vừa đỡ tốn chi phí thuốc bảo vệ thực vật vừa bảo vệ môi trường. “Tôi cho rằng cách diệt các sinh vật gây hại bằng phương pháp thủ công vẫn mang lại hiệu quả cao nhất”, ông Nguyễn Ngọc Bước ở thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, nói.

Còn với loại cá dọn hồ, khi bắt được cần cách ly chúng khỏi điều kiện sống, chế biến thành thức ăn cho người hoặc cho gia súc. “Với những cách làm đơn giản, thủ công nhưng có tính dự phòng, việc kiềm chế sự phát triển, lây lan của ốc bươu vàng và cá dọn hồ sẽ an toàn hơn, hiệu quả hơn, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững”, ông Mạnh khuyến khích.

Thái Hà

‘Đỡ đẻ’ cho rùa biển tại Côn Đảo

Nguồn tin: Báo Chính phủ

Rùa biển được xem là một trong những chỉ số đánh giá sự khỏe mạnh của môi trường biển. Tuy nhiên, lượng rùa biển ngày nay đang ít dần vì bị săn bắt và tác động của ô nhiễm môi trường.

Rùa mẹ đẻ trứng vào các hố cát. Ảnh: VGP/Phan Trang

Hiện nay, cả 5 loài rùa biển của Việt Nam (vích, đồi mồi, quản đồng, rùa da, đồi mồi dứa) đều suy giảm đáng kể bởi các hoạt động của con người, từ đánh bắt ngẫu nhiên khi rùa biển vô tình lọt vào lưới, cho đến đánh bắt có chủ ý mang tính chất hủy diệt.

Bên cạnh đó, việc người dân xả rác thải ra biển và các hoạt động phát triển như xây dựng kè chống xói mòn, các công trình ven biển, khai thác cát… cũng làm mất các bãi đẻ trứng của rùa biển.

‘Đỡ đẻ’ cho rùa biển

Đến với Đội kiểm lâm trên hòn Bảy Cạnh (Côn Đảo, Bà Rịa-Vũng Tàu) vào lúc nửa đêm, chúng tôi bắt đầu tham gia “đỡ đẻ” cho rùa biển tại bãi Dương trong bóng tối và sự yên tĩnh để rùa mẹ không sợ hãi.

Khoảng 3h, hai rùa mẹ bò lên và bắt đầu đào tổ trong khoảng một giờ đồng hồ. Khi tổ có độ sâu khoảng 60 cm, rùa bắt đầu đẻ trứng. Một rùa mẹ có thể đẻ khoảng 70-120 trứng/đêm và đẻ từ 3-5 lần trong một mùa sinh sản.

Trong hai con rùa mẹ lên đẻ trứng, một con đào đến hai hố, nhưng vẫn chưa đẻ trứng và tiếp tục đào hố thứ ba. Tìm hiểu mới biết, hai hố rùa mẹ vừa đào trúng rễ cây nên nó “không yên tâm” đẻ trứng mà tiếp tục đào hố khác phù hợp hơn.

Anh Nguyễn Quang Kỷ, cán bộ kiểm lâm kể: “Rùa có khả năng ‘nhịn đẻ’ khoảng 1-3 ngày nếu nó không đào được tổ thích hợp. Đây là bản năng bảo vệ con của rùa mẹ, bảo đảm cho tổ trứng đủ độ sâu mà vẫn đủ không khí để trứng có thể phát triển tốt”.

Rùa mẹ đẻ xong sẽ lấp cát kín hố, sau đó tạo ra khoảng 2-3 hố đẻ giả để đánh lừa các loài thiên địch. Xong xuôi, rùa mẹ bơi ra biển và tiếp tục chu kỳ tạo trứng.

Việc rùa biển chọn thời gian sinh sản vào ban đêm, cộng thêm những hố đẻ giả đã gây nhiều khó khăn cho các cán bộ kiểm lâm trong việc tìm kiếm và chuyển trứng về các hồ ấp. Các hồ này là những hố cát đã được đào sẵn ở trung tâm bảo tồn rùa. Trứng từ những tổ tự nhiên sẽ được di dời vào đây để bảo đảm độ an toàn cũng như tăng tỉ lệ nở. Sau khoảng 45-50 ngày, trứng sẽ nở thành rùa con. Tỉ lệ trứng nở thành công tại các trại ấp này đạt 87%.

“Nếu để trứng trong tự nhiên rất có thể sẽ bị kỳ nhông, kỳ đà ăn mất, bởi trứng rùa là món ‘khoái khẩu’ của loài này. Hơn nữa, vào mùa sinh sản, nhiều đêm có hàng chục rùa mẹ lên tìm chỗ sinh, rùa mẹ này đào vào hố của rùa mẹ kia sẽ làm vỡ tổ trứng”, anh Kỷ cho biết.

Khoảng 6h, anh Kỷ dẫn chúng tôi vào trại ấp trứng và mang những chú rùa con đã nở thả về biển. Rùa con sẽ được thả cách mặt biển khoảng 10 m để có thể “nhớ” được nơi mình sinh ra, định vị được đường đi, âm thanh, ánh sáng, để 30 năm sau, chúng lại quay lại chính bãi cát này sinh sản.

Tuy nhiên, tỉ lệ rùa con sống sót khi trở về với biển chỉ là 1/1.000, vì thế, nhìn những chú rùa vừa nở vẫy vùng giữa sóng biển mới thấy quá trình sinh trưởng, phát triển của chúng gian truân làm sao, mới thấy được công tác bảo tồn rùa, bảo vệ sức khỏe cho môi trường biển quan trọng đến mức nào.

Bảo vệ rùa là bảo vệ biển

Hiện nay, tại Vườn quốc gia Côn Đảo có 14 bãi biển có rùa lên đẻ trứng với tổng diện tích các bãi đẻ trên hàng chục nghìn mét vuông. Hằng năm có trên 400 rùa mẹ lên làm tổ và trên 120.000 rùa con được cứu hộ và thả về biển.

Từ năm 1994, Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đã tiến hành công tác bảo vệ sinh cảnh làm tổ cho rùa biển, di dời ổ trứng về trạm ấp an toàn, kiểm tra và thả rùa con về biển; đồng thời, nghiên cứu đặc tính sinh học thông qua việc đo đạc, bấm thẻ cho rùa.

Các sản phẩm từ rùa nói chung và đặc biệt là trứng rùa là những mặt hàng cấm lưu hành nhưng vẫn thu hút rất đông “quy tặc” do lợi ích kinh tế cao. Do đó, công tác bảo tồn tại đây không hề đơn giản.

Trên thực tế, trứng rùa không hề bổ dưỡng như mọi người vẫn lầm tưởng, bởi thành phần cholesterol cao hơn gấp 20 lần so với trứng gà vịt, là nguyên nhân gây máu nhiễm mỡ, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Vì vậy, việc ăn trứng và thịt rùa để bồi bổ là bịa đặt và không có căn cứ khoa học.

Rùa con mới nở được thả về biển. Ảnh: VGP/Phan Trang

Chị Lê Thị Vân, hướng dẫn viên của Côn Đảo Tourist, là người sinh ra, lớn lên tại Côn Đảo cho biết, trước đây, người dân bắt rùa làm thực phẩm rất phổ biến. Thậm chí, trong các đám cưới, thịt rùa được mang ra đãi khách cùng với thịt lợn và thịt chó.

Bên cạnh “quy tặc”, những nguy cơ đe dọa đời sống rùa biển do con người gây ra cũng không ít như mất bãi đẻ do hoạt động khai thác tài nguyên, bị đánh bắt hoặc vô tình dính lưới, do ô nhiễm từ rác thải, túi nylon…

“Việc buôn bán thịt rùa, trứng rùa mặc dù đã bị cấm, nhưng do mới chỉ phạt hành chính nên vẫn còn nhiều người săn bắt, buôn bán và sử dụng thịt rùa. Tôi mong rằng, tới đây, hành vi này sẽ bị quy trách nhiệm hình sự, có như thế mới tránh được việc săn bắt trái phép loại động vật cần được bảo tồn này”, chị Vân chia sẻ.

Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) phối hợp với Vườn quốc gia Côn Đảo phát động chương trình tình nguyện viên tham gia bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo, diễn ra trong tháng 7 và tháng 8 hằng năm, thu hút rất nhiều bạn trẻ tham gia.

Chương trình nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị và tầm quan trọng của rùa biển thông qua việc tạo cơ hội cho họ tham gia vào công tác nghiên cứu và bảo vệ rùa biển tại các bãi đẻ tiêu biểu; đào tạo đội ngũ tình nguyện viên có hiểu biết và kỹ năng, có thể giúp đỡ cán bộ kiểm lâm tại các khu bảo tồn rùa biển và tăng cường năng lực cho các khu bảo tồn rùa biển.

Phan Trang

Đào được củ khoai mài nặng 23kg

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Chiều 9/7, nhiều người dân hiếu kỳ ở quanh vùng đến nhà anh Nguyễn Phần (36 tuổi, ở thôn Phước Nông, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) để xem củ khoai mài “khủng” nặng 23kg.

Củ khoai mài “khủng” nặng 23kg do anh Phần đào được - Ảnh: Lê Trâm

Anh Phần cho biết, cách đây 2 ngày, anh dọn vườn sau nhà phát hiện dây khoai mài liền theo gốc đào củ, ban đầu cứ tưởng củ khoai nhỏ nhưng càng đào sâu xuống đất thì phát hiện củ khoai phình to, có hình thù rất lạ mắt, đào xong anh đem vào cân nặng 23kg. Cách đây một ngày, có người đến hỏi mua với giá 500.000 đồng nhưng anh không bán.

Theo một số người dân quanh vùng, thường củ khoai mài to lắm chỉ nặng 2-3kg, riêng củ khoai mài anh Phần đào được nặng 23kg, hiếm thấy từ trước đến nay. Loại khoai này để được 7-8 tháng.

Lê Trâm

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop