Tin nông nghiệp Chủ Nhật ngày 24 tháng 01 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp Chủ Nhật ngày 24 tháng 01 năm 2016

Các tỉnh phía Nam ứng phó với khô hạn, xâm nhập mặn gây hại cây trồng

 

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phía Nam quan tâm chỉ đạo sản xuất trong tình hình hạn hán và trong thời gian Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

 

Theo kết quả khảo sát và tổng hợp từ các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh chịu ảnh hưởng của tình hình khô hạn nặng là Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đăk Nông, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang. Hiện nay các trà lúa Đông Xuân đang ở nhiều giai đoạn từ giai đoạn mạ đến đẻ nhánh, làm đòng và trỗ chín, giai đoạn nào của cây lúa cũng chịu tác động của những diễn biến khô hạn, nắng nóng và có thể ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa, gạo.

 

Riêng vùng ĐBSCL trong thời gian trước, trong và sau tết Nguyên đán Bính Thân sẽ có khoảng 600 ngàn ha lúa Đông Xuân ở giai đoạn chín, thu hoạch cần tập trung theo dõi sát sao để tránh những thiệt hại và thất thoát sản lượng.

 

Trước tình hình hạn hán gay gắt, nguồn nước tưới tụt giảm nghiêm trọng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương phát động rộng rãi các biện pháp tích trữ nước từ mọi nguồn, mọi phương tiện. Tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, chất lượng nước và tình trạng xâm nhập mặn trong và ngoài hệ thống cống, có kế hoạch vận hành ngăn mặn, trữ ngọt, đảm bảo phân phối nước công bằng, hợp lý, hiệu quả cho từng đối tượng cây trồng ở những tiểu vùng sinh thái khác nhau.

 

Bên cạnh đó tăng cường kiểm tra, tu sửa, gia cố bờ vùng, bờ thửa để giữ nước, giảm thất thoát nước; sử dụng tiết kiệm nguồn nước trong các hồ chứa phục vụ cho sản xuất vụ Đông Xuân và dự tính cho sản xuất vụ Hè Thu 2016 cũng như các loại cây trồng khác trong mùa khô 2016.

 

Đồng thời quán triệt đến từng địa phương cụ thể về khả năng đảm bảo của nguồn nước, không sản xuất diện tích vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng trên đất lúa tại những nơi có khả năng thiếu nước.

 

Chuyển đổi cây trồng trên đất thiếu nước

 

Cục Trồng trọt yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ sản xuất lúa ở các tiểu vùng sinh thái và có giải pháp ứng phó với các điều kiện thiếu nước, xâm nhập mặn, diễn biến thất thường của thời tiết, nắm vững các trà lúa trỗ, chín để khuyến cáo thu hoạch tập trung, hợp lý tránh thất thoát.

 

Những vùng không đủ nước tưới cho lúa, nhưng vẫn đảm bảo cho rau màu ngắn ngày, hoặc khai thác được nguồn nước bổ sung (nước ngầm, nước hồ, đập, sông, suối…) tiếp tục chuyển đổi sang gieo trồng cây ngô, lạc, rau đậu các loại là các cây trồng có nhu cầu nước thấp hơn cây lúa. Khi chuyển đổi cần lưu ý thị trường tiêu thụ và hiệu quả kinh tế của người sản xuất.

 

Đối với vườn cây ăn trái, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, trữ nước trong các kênh trong vườn, theo dõi tình hình nước mặn trước khi đưa nước vào vườn.

 

Lan Phương

 

Thương lái ồ ạt thu mua cây cu li

 

Nguồn tin: VOV

 

Tư thương ở Kon Tum đang thu mua cây cu li với giá 2.000 đồng/kg, sau khi sơ chế bán lại hơn 10.000 đồng/kg.

 

Thời gian qua, sau khi thương lái thu mua nhiều loại dược liệu khiến người dân vào rừng khai thác theo kiểu tận diệt, tại tỉnh Kon Tum tình trạng trên lại đang tái diễn và lần này sản phẩm được thương lái thu mua là cây cu li.

 

Trên đường N5 nối từ đường Hồ Chí Minh lên cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, đoạn qua thôn 7, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, cây cu li được thương lái thu mua đổ thành từng đống chồng chất kéo dài cả hàng trăm mét. Người bán chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số vào các khu rừng trên địa bàn huyện Đắc Glei tận thu gom về.

 

 

Cây cu li được sơ chế bằng máy thành những lát mỏng, phơi khô để bán cho thương lái đưa sang Trung Quốc.

 

Tại đây, cây cu li được sơ chế bằng máy thành những lát mỏng, phơi khô sau đó thổi hết lông và đóng thành từng bao bán cho thương lái đưa sang Trung Quốc. Tìm hiểu được biết, tư thương ở huyện Ngọc Hồi thu mua cây cu li đã từ 1 tháng nay với giá 2.000 đồng/kg, sau khi sơ chế bán lại hơn 10.000 đồng/kg.

 

Một người phụ nữ chuyên thu mua loại cây này cho biết, cây cu li mọc ở trong rừng nên ít người đi lấy. Những người thu mua như chị phải ứng tiền trước cho người dân để họ vào rừng khai thác. Đồng thời, người thu mua hiện tại đang chắc chắn về đầu ra ổn định mới tiến hành thu mua của bà con, sau này nếu nhu cầu thay đổi cũng không thể biết trước được.

 

Cây cu li còn có những tên khác, như cẩu tích, sương sống chó (do có hình thù giống như sương sống con chó) hay cây kim mao, cây lông khỉ (do có lớp lông vàng bên ngoài).

 

Loại cây này là vị thuốc chuyên trị đau lưng, gân xương nhức mỏi. Nếu tư thương tiếp tục thu mua ồ ạt như hiện nay, chỉ một thời gian ngắn nữa cây cu li có thể sẽ vắng bóng trong các khu rừng ở Kon Tum./.

 

Khoa Điềm/VOV - Tây Nguyên

 

Phú Yên: Trung tâm dược liệu đón… du khách

 

Nguồn tin: Báo Phú Yên

 

 

Vườn dược liệu với nhiều loại hoa khiến du khách thích thú - Ảnh: T. QUỚI

 

Một vùng đất cát rộng lớn chuyên biệt trồng và chế biến dược liệu. Nhưng đó không phải là khu vực “bất khả xâm phạm”, chủ nhân của nó đang muốn nhiều người tới tham quan để hiểu thêm về nguồn gốc, tác dụng của những cây thuốc quý quanh ta, cùng những sản phẩm dược liệu sạch 100% made in Việt Nam. Trong khi đó, những người làm du lịch thì tỏ ra vô cùng thích thú với điểm đến mới lạ này.

 

Nơi bảo tồn và phát triển nguồn gen

 

Trên khu đất rộng 10ha trồng đủ loại cây thuốc như: diệp hạ châu, kim tiền thảo, tần dày lá, hồng đài, thìa canh, trinh nữ hoàng cung, rau đắng, râu mèo, xuyên tâm liên, dừa cạn, lạc tiên tây, gừng Nhật Bản, đinh lăng… Đó là “nông trại” của Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung tại xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), với gần 50 loài cây thuốc nam đang được trồng và chế biến dược liệu theo quy mô sản xuất hàng hóa.

 

Ngoài ra, trung tâm này còn thu thập, trồng và đang theo dõi những loại cây thuốc quý cần bảo vệ nguồn gen như sâm Phú Yên, bình vôi, xáo tam phân, mật nhân… đang bị khai thác cạn kiệt trong tự nhiên.

 

Kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh, Giám đốc trung tâm, cho biết cây dược liệu ở Việt Nam rất phong phú, được phân bổ ở nhiều vùng miền khắp đất nước, nhưng riêng một sốcây chỉ thích hợp và có dược tính cao nhất khi trồng ở vùng đất Phú Yên. Trước đây, nhiều loài dược liệu quý như xáo tam phân, mật nhân mọc nhiều ở vùng núi Phú Yên. Do có thông tin chúng có khả năng chữa nhiều bệnh, trong đó có bệnh ung thư, nên người ta không ngại “đào tận gốc, bốc tận rễ” để sử dụng, buôn bán. Đây chính là lý do vì sao trung tâm chúng tôi chọn vùng đất cát khắc nghiệt đầy nắng và gió biển này để làm nơi trồng, bảo tồn các loài thuốc quý. Hiện tại, tất cả các loài dược liệu tại đây đều được trồng và chăm sóc theo quy trình VietGAP; cả những cây di thực, như xáo tam phân và mật nhân cũng đang phát triển rất tốt trên vùng đất mới.

 

Song song với trồng cây dược liệu, trung tâm còn sản xuất hàng hóa, đưa ra thị trường các loại sản phẩm: trà túi lọc, cao chiết, bột sấy phun dược liệu các loại. Các sản phẩm này được phân phối đến nhiều nhà thuốc, các công ty dược liệu cũng như các nhà máy dược GMP trên cả nước. Không chỉ vậy, với quy mô sản xuất lớn, đạt tiêu chuẩn chất lượng GACP - WHO, sản phẩm của trung tâm đã xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu như: Đức, Pháp, Hungary và một sốnước châu Á như Nhật Bản, Đài Loan…

 

Điểm đón du khách

 

Không phải là nơi kinh doanh dịch vụ du lịch, nhưng Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung đang thu hút nhiều khách tham quan vì sự đa dạng của các loại cây dược liệu và không gian xanh mát nơi đây.

 

Mới đây, Sở VH-TT-DL, Hiệp hội Du lịch Phú Yên và các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh đã tổ chức khảo sát địa điểm này để đưa vào điểm tour thuộc tuyến du lịch phía Nam của tỉnh.

 

Tại điểm đến này, khách du lịch có thể tham quan, tìm hiểu về các loài cây dược liệu quý, quy trình chăm sóc, sản xuất, chế biến thành sản phẩm dược liệu. Anh Nguyễn Văn Lập, Trung tâm lữ hành Thuận Thảo Travel, cho biết: “Thời gian gần đây, chúng tôi đưa nhiều đoàn khách dừng chân ở điểm này tham quan. Du khách rất thích thú khi biết hình dạng những cây thuốc mà lâu nay họ sử dụng sản phẩm chiết xuất từ nó. Nhiều người thì tỏ ra phấn khích, say mê khi được chụp hình giữa một nông trại dược liệu mênh mông và mua sản phẩm tinh chế trước khi ra về”.

 

Tuy nhiên, theo giám đốc trung tâm này, lợi ích của việc mở cửa đón khách không hẳn chỉ là bán sản phẩm dược liệu cho du khách. Đây chỉ là mục tiêu thứ yếu. Kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh bộc bạch: “Cái chính là chúng tôi muốn mọi người biết về cây thuốc nam của nước mình và những sản phẩm dược liệu sạch 100%. Từ đó, họ có tình cảm và niềm tin với sản phẩm thuốc nam. Lâu nay, sản phẩm của chúng tôi xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới nhưng “dược liệu đạt chuẩn của Việt Nam” vẫn chưa có chỗ đứng xứng đáng trên thị trường trong nước là điều rất trăn trở”.

 

Từ một nơi chuyên trồng và sản xuất dược liệu, để trở thành điểm đến tham quan của khách du lịch, trung tâm cần một số điều chỉnh, sắp xếp hợp lý. Ông Nguyễn Thành Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên, nói: “Về cơ bản trung tâm là điểm dừng chân thú vị của khách tour. Du khách đến Phú Yên ngoài tham quan các di tích, danh thắng, tắm biển, ăn hải sản… họ còn được tìm hiểu về cây thuốc nam và được mua sản phẩm chính gốc, đảm bảo chất lượng. Nhưng để khách du lịch thoải mái, trung tâm nên bốtrí thêm các lối đi đủ rộng, khu vực chụp hình, tham quan nơi sản xuất, phòng đợi xem phim tư liệu và dùng thử sản phẩm, quầy bán hàng, người hướng dẫn…”.

 

Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên, trung tâm có vị trí rất thuận tiện trên tuyến đường ven biển thuộc tuyến du lịch phía Nam của tỉnh. Khách tour sau khi tham quan các điểm di tích Tàu Không số - Vũng Rô, Bãi Môn - Mũi Điện sẽ ghé lại trung tâm tham quan trước khi về TP Tuy Hòa. “Rất vui là giám đốc trung tâm này sẵn sàng hợp tác, mở cửa đón khách du lịch tham quan, mua sắm. Sắp tới, bộ phận nghiệp vụ của sở sẽ tư vấn cho trung tâm hình thành một số cơ sở vật chất cơ bản phục vụ khách du lịch, hướng dẫn các thủ tục để có thể công nhận điểm du lịch địa phương”, ông Bảy nói.

 

TRẦN QUỚI

 

Thưa dần tiếng gáy gà rừng

 

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

 

Nuôi gà rừng làm cảnh và nhậu thịt gà rừng đang là thú vui của nhiều người. Chính điều này đã thổi bùng cơn sốt săn gà rừng, khiến chúng đang đứng trước nguy cơ bị tận diệt.

 

Theo chân thợ săn gà rừng

 

Sau nhiều lần nài nỉ, Thắng - một “thợ săn” có thâm niên ở xã Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) mới đồng ý cho chúng tôi cùng đi bẫy gà rừng. Đồ nghề mà anh mang theo cho chuyến đi rừng là một chú gà mồi, 40 chiếc bẫy giò, ít thức ăn và nước uống. Thắng bảo: “Ở khắp các vùng núi Ninh Hòa nơi nào cũng có gà rừng, nhưng không đâu nhiều bằng dãy Hòn Hèo, nhất là khu vực xã Ninh Vân. Vì thế, những tay bẫy gà ở Nha Trang, Diên Khánh cũng mang gà mồi đến đây đặt bẫy”.

 

 

Một thợ săn chuẩn bị đồ nghề trước lúc đi bẫy gà rừng

 

Chúng tôi đến Ninh Vân hơn 4 giờ 30 sáng. Sau khi gửi xe và chuẩn bị đồ nghề, Thắng chăm chú lắng nghe tiếng gà gáy để xác định điểm bẫy. Khi nghe tiếng gáy của một chú gà rừng ở phía đồi xa, anh bảo chúng tôi thẳng tiến về phía những quả đồi còn vùi mình trong màn sương sớm. Sau hơn 30 phút đi bộ, chúng tôi đến một rẫy điều ở thôn Tây nằm ở lưng chừng dãy Hòn Hèo. Theo kinh nghiệm của Thắng, đây là vị trí “đắc địa” để bẫy gà rừng, bởi giáp với bìa rừng có rẫy của người dân, gần suối, lũ gà khi đi kiếm ăn vào buổi sáng nhất định sẽ qua đây. Đến nơi, anh chọn một khoảng đất trống bên con suối nhỏ làm điểm đặt bẫy giò. Những chiếc bẫy được làm bằng dây phanh xe đạp nối với sợi dây dù làm thòng lọng. Chỉ hơn 5 phút, 40 chiếc bẫy giò được anh cột với cành cây rừng, vít đinh cắm xuống đất, rồi ngụy trang bằng lá khô hoàn tất. Chuẩn bị xong, anh đưa chú gà mồi ra đặt ở giữa, cách giàn bẫy 3 - 4m.

 

Theo lời kể của Thắng, con gà mồi này anh mua của một tay bẫy có tiếng ở xã Ninh Phước, với giá 800.000 đồng. Nó không phải là gà rừng thuần chủng mà là gà rừng lai đời F1. “Con gà mồi này đã “chinh chiến” nhiều, khả năng dụ gà rừng hay nên bảng thành tích của nó cũng dày cộm”, Thắng không giấu được vẻ tự hào khi sở hữu được con gà mồi hay. Cũng theo lời anh, có mấy người quen ở Nha Trang đã nài nỉ anh nhượng lại chú gà chiến này với giá 3 triệu đồng nhưng anh không bán. Ở nhà anh vẫn còn đến 4 con gà mồi khác đang cho người thân mượn để đi bẫy gà bán dịp Tết.

 

 

Một thợ săn chuẩn bị đồ nghề trước lúc đi bẫy gà rừng

 

Đặt xong bẫy, gà mồi vỗ cánh, cất tiếng gáy, ở đằng xa vọng lại tiếng gà rừng đáp trả, Thắng giục chúng tôi lùi ra xa, nép mình dưới những gốc điều lớn. Anh vừa quan sát động tĩnh xung quanh vừa thầm thì: “Loài này rất tinh khôn, chỉ cần một tiếng động nhẹ là chúng bay đi và không bén mảng đến nữa. Cho nên, khi đã đặt bẫy xong phải núp cho kỹ rồi chờ đợi...”. Từ đằng xa, tiếng gà gáy đáp trả mỗi lúc một gần, nhưng vẫn chưa thấy chú gà nào xuất hiện. Hơn 1 giờ đồng hồ không động tĩnh, thấy chúng tôi tỏ ra chán nản, Thắng rỉ tai: “Bẫy gà rừng phải kiên trì”. Theo lý giải của Thắng, gà rừng sinh sống theo từng “lãnh địa” riêng và chúng tức nhau tiếng gáy. Chính vì đặc tính này mà gà rừng dù tinh khôn đến đâu cũng bị dụ. Khi con gà mồi cất tiếng gáy như thách thức, con gà bản địa chắc chắn sẽ tìm đến xua đuổi kẻ mới đến để giữ “lãnh địa” và đàn gà mái trong vùng đất “cai quản” của chúng.

 

Thắng nói chưa dứt lời thì trong lùm cây trước mặt có tiếng gà rừng gáy đáp lại. Sau tiếng gáy là một chú gà rừng trống đẹp mã, lông đỏ, chân chì, cựa dài nhọn, đôi tai trắng phau bay đến. Nó xù lông cổ nhìn chú gà mồi. Chú gà mồi cũng rướn cổ gáy khiêu khích. Thấy đối thủ nghênh chiến, chú gà rừng lao vào, nhưng chưa kịp ra đòn thì chân nó đã dính vào bẫy, giãy phành phạch, kêu quang quác. Nhìn con gà bẫy được rất đẹp, Thắng gỡ bẫy một cách thận trọng để không làm chân gà bị tổn thương và giữ cho bộ lông còn nguyên vẹn. “Con gà này đẹp, nếu thuần dưỡng được cho bớt nhát, có thể bán cho dân chơi gà cảnh với giá hơn 1 triệu đồng” - anh bảo.

 

Thưa dần tiếng gà gáy

 

Bỏ chiến lợi phẩm vào một chiếc túi chuyên dụng, thu dọn bẫy giò, Thắng tiếp tục đi sang đồi khác. Trên đường đi, anh chia sẻ: “Trước đây, gà rừng nhiều, có ngày tôi bẫy được cả chục con, bây giờ nhiều người bẫy quá nên không còn nhiều. Ở Ninh Xuân có đến 7 - 8 người chuyên nghề bẫy gà rừng, hạng “nghiệp dư” có hơn chục người; còn tính cả thị xã thì nhiều lắm. Đôi khi, mình bẫy ở đồi này, người khác bẫy ở đồi kia, không thấy nhau, chỉ nghe tiếng gà mồi gáy cứ tưởng gà rừng, đợi hoài chẳng thấy đâu”. Theo lời Thắng, cứ vào dịp Tết, nhiều người ở phố thị lại lùng mua gà rừng về nhậu, bởi thịt gà rừng là món “độc”. Cận Tết, mỗi con gà rừng có thể bán được với giá gấp đôi ngày thường, nên mấy tháng trước Tết, thợ săn đổ xô vào rừng bẫy gà về bán.

 

Theo dấu chân của thợ bẫy gà rừng, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Hưng, người dân Ninh Vân đi chăn bò sớm và được ông cho biết: “Ở Ninh Vân trước đây gà rừng rất nhiều, cứ sáng sớm là gáy vang khắp núi đồi. Bây giờ người bẫy gà nhiều nơi đổ về nên lượng gà rừng ngày càng cạn kiệt, thưa dần tiếng gáy. Thậm chí vài người dân địa phương cũng tìm mua bẫy về bắt gà rừng ”.

 

Ở Ninh Hòa và một số vùng cao ở Cam Lâm, Khánh Vĩnh, Diên Khánh... cũng có nhiều người đi bẫy gà rừng. Hỏi chuyện người dân ở các địa phương vùng núi, chúng tôi được biết, trước đây gà rừng rất nhiều. Thậm chí, chúng còn quanh quẩn, ăn với gà nhà, nhưng bây giờ do săn bắt quá mức nên thi thoảng mới nghe tiếng gáy của chúng. Ông Cao Phiên (xã Sơn Tân, Cam Lâm) cho rằng: “Với tốc độ tận diệt gà rừng như hiện nay, chẳng bao lâu nữa giống gà rừng quý này sẽ tuyệt chủng...”.

 

Gặp chúng tôi trên đường đi bẫy gà ở xã Sơn Tân trở về, người thanh niên tự xưng tên Hải (ở Cam Tân, Cam Lâm) cho biết: “Hiện nay, giá gà rừng cảnh đẹp hơn 1 triệu đồng/con; trong khi gà rừng thịt bán cho các nhà hàng, quán nhậu cũng được hơn 200.000 đồng/con nên nhiều người đổ xô vào rừng bẫy gà. Không chỉ dân đi bẫy chuyên nghiệp, nhiều người còn mang gà đi bẫy như một thú tiêu khiển”. Cũng theo chia sẻ của Hải, những người đi bẫy gà rừng thường đi vào lúc sáng sớm hoặc chiều tà. Hiện nay, gà rừng không còn nhiều, nhưng mỗi ngày Hải có thể kiếm được 3 - 4 con, nếu may mắn bẫy được gà ngũ sắc có thể bán cho dân chơi ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... với giá 2 - 3 triệu đồng/con.

 

Rảo quanh một số quán nhậu chuyên “đặc sản” rừng ở Nha Trang, Cam Lâm, Ninh Hòa..., chúng tôi thấy có không ít quán đưa món gà rừng vào thực đơn. Chủ một quán nhậu ở ngoại thành Nha Trang cho biết: “Món gà rừng rất được thực khách ưa chuộng, nhưng khả năng đáp ứng hạn chế, bởi nguồn hàng ngày càng khan hiếm. Để duy trì món này, chúng tôi phải đặt hàng từ các đầu nậu chuyên thu mua thịt rừng ở các địa phương trong tỉnh”.

 

Hiện nay, thú chơi gà rừng làm cảnh đang trở thành phong trào ở nhiều nơi; trong khi đó, thịt gà rừng trở thành món nhậu đặc sản, nên dù số lượng ngày càng giảm sút nhưng cơn sốt săn gà rừng vẫn không giảm. Nếu tình trạng này không được xử lý, gà rừng sẽ đứng trước nguy cơ bị tận diệt.

 

Ông Nguyễn Khương - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh: Gà rừng là một loại động vật hoang dã thông thường nhưng cần được bảo vệ. Các hành vi săn bắt, tiêu thụ gà rừng đều vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng; người vi phạm sẽ bị xử lý. Để tăng cường bảo vệ động vật hoang dã nói chung, gà rừng nói riêng, chi cục đã chỉ đạo hạt kiểm lâm các địa phương tăng cường tuần tra, xử lý các đối tượng săn bắt, tiêu thụ loại động vật hoang dã này.

 

HẢI LĂNG - NAM ANH

 

Nghệ An: Cam, mía, gà đồi, mật ong Yên Thành sẵn sàng vào vụ Tết

 

Nguồn tin:  Báo Nghệ An

 

Thời điểm này nông dân xã miền núi Đồng Thành, Yên Thành (Nghệ An) đang chuẩn bị nhiều nguồn hàng nông sản và thực phẩm để phục vụ thị trường Tết.

 

 

4 năm qua, gia đình anh Nguyễn Văn Tám ở xóm Đồng Trổ đã mạnh dạn nhận 1,3 ha đất hoang hoá để cải tạo trồng cam Xã Đoài. Với bản tính cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, từ tháng 10 đến nay hơn 600 gốc cam của gia đình anh đã bước vào kỳ thu hoạch đầu tiên, đạt sản lượng trên 4 tấn quả, với giá bán giao động từ 40 – 50 nghìn đồng/kg.

 

 

Hiện tại trong khu vườn còn có khoảng 1,5 tấn cam quả đang được chăm sóc bảo quản chu đáo, thương lái đã đặt hàng cho dịp Tết, trừ chi phí sẽ thu lãi ròng hơn 200 triệu đồng.

 

 

Cùng với phát huy thương hiệu cam Đồng Thành, một số mô hình mới cũng được hình thành như cây mía đỏ đang từng bước khẳng định được hiệu quả kinh tế. Mía đỏ là một trong những sản phẩm cung cấp mía cho thị trường Tết, phục vụ văn hoá thờ cúng gia tiên.

 

 

Chị Thái Thị Phú - xóm Đồng Trổ là hộ trồng nhiều nhất, với diện tích trên 0,5 ha.

 

 

Phát huy lợi thế vùng bán sơn địa có nhiều diện tích đồi rừng, 2năm lại nay xã đã thành lập được Hội nuôi ong lấy mật với 60 thành viên tham gia, bước đầu đưa lại hiệu quả kinh tế cao.

 

 

Riêng hộ ông Nguyễn Xuân Hùng ở xóm Đồng Xuân đã phát triển được 160 tổ ong, năm vừa rồi cho thu hoạch 500 lít mật, với giá bán 400 ngàn đồng/lít.

 

 

Hiện tại gia đình đang dự trữ khoảng 50 lít mật ong phục vụ nhu cầu dịp Tết.

 

 

Ông Thái Văn Thành – Chủ tịch UBND xã Đồng Thành cho biết: Bên cạnh quy hoạch vùng cam trên 65 ha bằng giống cam Xã Đoài và phát triển nghề rừng, thì chăn nuôi vẫn là nghề thu nhập chính. Ngoài xây dựng được 8 trang trại chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hoá, bà con chú trọng phát triển chăn nuôi lợn, trâu bò hàng hoá, gà thả vườn, dê đàn... Năm 2015, ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng gần 40% trong sản xuất nông nghiệp.

 

 

Dự kiến dịp Tết Nguyến đán Bính Thân – 2016, bà con sẽ cung cấp cho thị trường từ 20 - 25 tấn cam quả, 1 vạn cây mía đỏ, 30 tấn thịt lợn, thịt bò và gà đồi; chưa kể cá tươi đánh bắt ở 12 hồ đập địa phương, góp phần tăng thu nhập vào dịp Tết

 

Thái Dương - Đài Yên Thành

 

Mỗi trang trại ở Bắc Giang đạt doanh thu bình quân 3 tỷ đồng

 

Nguồn tin:  Báo Bắc Giang

 

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đến hết năm 2015, toàn tỉnh Bắc Giang có 540 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tăng 60 trang trại so với năm 2014, tập trung ở các huyện: Tân Yên, Việt Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa và Lục Ngạn.

 

 

Mô hình nuôi thủy sản an toàn sinh học tại xã Song Vân (Tân Yên). Ảnh tư liệu

 

Trong đó có khoảng 400 trang trại chăn nuôi, còn lại là trang trại thủy sản, trồng trọt, lâm nghiệp và tổng hợp. Các trang trại mỗi năm mang lại doanh thu hơn 1,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 3 tỷ đồng/trang trại; đồng thời tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương với mức thu nhập 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.

 

Phát triển kinh tế trang trại đã góp phần tích cực giúp các địa phương trong tỉnh hoàn thành tiêu chí thu nhập và tiêu chí hộ nghèo trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

 

Hải Minh

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop