Tin nông nghiệp Chủ Nhật ngày 31 tháng 01 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp Chủ Nhật ngày 31 tháng 01 năm 2016

Gài bẫy chuột bắt được mèo rừng

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Con mèo có dáng vẻ lạ, chân dài cao to, răng và móng vuốt sắc bén với bộ lông giống con báo.

Gài bẫy chuột bắt được mèo rừng

Anh Nguyễn Văn Thống- Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng cộng đồng tỉnh Vĩnh Long cho biết: Anh Nguyễn Văn Dày- phụ trách căn tin của trường nuôi gà con ở phí sau căn tin- khu vực đất trống còn nhiều lau sậy, tuy nhiên nhiều ngày qua gà thường xuyên bị mất. Nghi bị chuột cống ăn nên anh dùng bẫy chuột để bắt.

Đến sáng 19/1 khi thăm bẫy thì phát hiện một con mèo lạ nằm gọn trong bẫy và rất hung hăng. Con mèo có dáng vẻ lạ, chân dài cao to, răng và móng vuốt sắc bén với bộ lông giống con báo nên những ngày qua nhiều người đến xem hay gọi là báo mèo.

Sau đó, anh Dày và một số người khác chụp ảnh con mèo đưa lên feacbook thì nhận được nhiều cuộc gọi từ nước ngoài và một cơ quan bảo vệ thú quý hiếm ở Hà Nội cho hay đây là một trong những cá thể méo rừng Châu Phi thuộc dạng quý hiếm cần được bảo vệ. Ngay sau khi nhận được thông tin này, nhà trường đã liên lạc với ngành chức năng tiến hành bàn giao cá thể mèo rừng và được chấp nhận nguyện vọng mang thả về khu bảo tồn Phú Quốc. Hiện con mèo được chăm sóc kỹ và có sức khỏe tốt.

Trưa nay (27/1), đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Long và Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã có buổi làm việc với đại diện Trường Cao đẳng cộng đồng tỉnh Vĩnh Long để thống nhất việc bàn giao cá thể mèo rừng về khu bảo tồn của Phú Quốc- là đơn vị có chức năng cứu hộ, nuôi dưỡng và bảo tồn động vật bán hoang dã. Lãnh đạo nhà trường cũng cho hay sẽ tiến hành đưa mèo rừng này về Phú Quốc vào ngày thứ bảy 30/1/2016.

HẠNH UYÊN

Diện mạo mới ở Đầm Nại

Nguồn tin: Nhân Dân

Cán bộ Vườn quốc gia Núi Chúa và người dân xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận tích cực trồng và chăm sóc rừng ngập mặn theo dự án để hồi sinh cho Đầm Nại.

Nhờ triển khai Dự án trồng mới, phục hồi và kết hợp quản lý bảo vệ rừng chống xâm thực bờ biển thuộc địa bàn các huyện Ninh Hải, Ninh Phước và Thuận Nam, giai đoạn năm 2015 - 2020; giờ đây, Đầm Nại ở huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận đang hồi sinh đúng với những gì thiên nhiên đã ban tặng trước đó.

Trước đó, Đầm Nại rộng khoảng 1.200 ha, trong đó diện tích vùng triều chiếm 800 ha. Là một trong 12 đầm phá ven biển ở nước ta, mang đặc thù đầm nhiệt đới khô hạn. Đầm Nại là vùng nước tự nhiên nằm sâu trong đất liền, có cửa liên thông với biển qua lạch Ninh Chữ và nhận nước ngọt từ các kênh mương hệ thống thủy lợi chung quanh. Tuy nhiên, hơn chục năm trước, bất chấp những cảnh báo của ngành chức năng, người dân đã thay nhau chặt phá rừng ngập mặn, lấn chiếm hơn 400 ha đất khu vực Đầm Nại để làm đìa nuôi tôm công nghiệp đã khiến 300 ha rừng ngập mặn gồm cây mắm trắng và cây đân với hơn 147 loài thực vật và động vật nổi; 40 loài rong biển; 61 loài động vật đáy; 42 loài cá biển gần như bị tận diệt hoàn toàn. Đời sống của người dân chung quanh Đầm Nại ngày càng khó khăn, vì đã mất đi những gì mà thiên nhiên ban tặng.

Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải Nguyễn Thị Diệu Tuyết cho biết, vào thời điểm từ năm 1996 đến 2000, khi Đầm Nại bị tàn phá, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng do lợi nhuận từ nuôi tôm mang lại quá cao, cho nên người dân bất chấp tất cả cảnh báo. Chính quyền tổ chức ngăn chặn ban ngày, thì họ lén lút đào đìa vào ban đêm. Và, Đầm Nại bị tàn phá, môi trường bị ô nhiễm ngày càng nặng… đã hủy diệt những gì đã từng hiện hữu ở Đầm Nại hàng trăm năm.

Hệ lụy để lại là những loài thủy sản đặc trưng, quý hiếm trong khu vực Đầm Nại, như cua, ghẹ, sò, ốc, lươn, chạch đỏ… bị tận diệt, đời sống của hàng trăm hộ dân mưu sinh hằng ngày nhờ khai thác thủy hải sản ở khu vực này ngày càng khó khăn, phải đi đến những vùng khác làm thuê để kiếm sống.

Kế đó là thất bại của những người đã từng lấn chiếm đất Đầm Nại để nuôi tôm bị vỡ mộng trở thành tỷ phú, vì môi trường bị ô nhiễm, dẫn đến thua lỗ nặng nề, nợ nần chồng chất, hầu như 100% người nuôi tôm đã đi khỏi làng để trốn nợ.

Năm 2015, từ nguồn vốn Chương trình Ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng của Trung ương; vốn ODA, UBND tỉnh Ninh Thuận giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ dự án, thực hiện việc khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn; tái tạo nguồn lợi thủy hải sản khu vực Đầm Nại.

Sự tích cực của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng sự đồng thuận của người dân đã và đang dần khôi phục lại diện mạo vốn có cho Đầm Nại. Anh Trần Cường, Trạm trưởng Trạm Kiểm Lâm Kiền Kiền – Bỉnh Nghĩa, Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận, bộc bạch: “Ban đầu, việc triển khai trồng lại rừng ngập mặn để tạo môi trường sinh thái gặp nhiều khó khăn, vì cây rừng đã bị hủy hoại, nên tìm giống thích hợp để trồng rất gian nan. Cùng với đó là người dân chưa thật sự đồng thuận, chúng tôi phải mất ba năm cử cán bộ thực hiện sách lược “năm cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng trồng, cùng bảo vệ và cùng khai thác) với người dân. Giờ thì bà con đã thấy được diện mạo mới của Đầm Nại, nên rất tích cực hưởng ứng”.

Xen lẫn với diện tích rừng ngập mặn tự nhiên còn lại được chăm sóc chu đáo trong những năm qua đang phát triển tốt bao bọc những điểm xung yếu của vành đai khu vực Đầm Nại là 52 ha cây mắm trắng và cây đân được ươm, trồng đang vươn mình, tạo cho Đầm Nại một màu xanh sinh thái mới. Hàng nghìn người dân sống quanh Đầm Nại có cơ hội để khai thác nguồn lợi thủy hải sản đa dạng cũng như thả nuôi các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Nông dân Võ Văn Trúc, thôn Phương Cựu, xã Phương Hải, huyện Ninh Hải phấn chấn, nói: “Sau gần chục năm bị thiếu đói vì hậu quả tàn phá Đầm Nại, giờ nhất cử nhất động đều tuân thủ vào hướng dẫn của cán bộ kiểm lâm, tích cực trồng và bảo vệ rừng ngập mặn, không dùng xung điện để khai thác, tận diệt các loài thủy hải sản quý…nhờ đó, đời sống của bà con ngày càng tốt hơn. Gia đình tôi, giờ thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng nhờ nuôi cua, hào sửa…”

Trong những ngày cận Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, chúng tôi trở lại Đầm Nại và tận mắt chứng kiến hàng chục ha rừng ngập mặn mới đang phát triển, nơi này đã và đang hồi sinh với diện mạo mới. Giám đốc Vườn Quốc gia Núi Chúa Đặng Kim Cương cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều đàn chim lưu lạc đã tựu về; các loài hải sản tưởng chừng bị tận diệt cũng đã quay về chốn cũ, sinh đẻ và phát triển từng ngày. Nhiều hộ dân đã từng tàn phá, lấn chiếm hàng chục ha rừng Đầm Nại để làm đìa nuôi tôm đã từng bỏ làng trốn nợ cũng đã quay về tích cực tham gia khôi phục lại những gì quý giá mà Đầm Nại đã có, với mong mỏi chuộc lại lỗi lầm và phát triển nuôi trồng các loài thủy sản theo định hướng của địa phương. Cũng có người đã trả hết nợ nần và đang vươn lên thoát nghèo.

Gặp lại các nông dân một thời tìm đủ mọi cách để “tàn sát” rừng ngập mặn Đầm Nại, ai cũng bộc bạch sự hối hận cho hành động của mình ngày ấy, cho nên, giờ chính họ là những người tích cực nhất, không quản ngày đêm bám đầm, tự nguyện trồng và chăm sóc từng cây non của rừng ngập mặn.

“Thấm thía lắm anh ơi, giờ mới nhận ra, nên anh em không nghĩ đến chuyện nhận lương mà chỉ mong những gì đóng góp hôm nay được cộng đồng chấp nhận để đền bù cho việc làm chưa đúng của hàng chục năm trước đây” - nông dân Võ Văn Trúc tâm sự.

Với những nỗ lực của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận và người dân ở huyện Ninh Hải, giờ đây, Đầm Nại đang từng ngày tạo ra sự trù phú mới cho vùng đất tưởng chừng sẽ mãi mãi mất đi màu xanh vốn có mà thiên nhiên đã ban tặng.

Người dân sống ven Đầm Nại đã có hướng mưu sinh mới từ nguồn lợi thủy hải sản được tái tạo và chăm sóc đúng định hướng của ngành NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận.

NGUYỄN TRUNG

ĐBSCL: Chật vật đối phó với hạn mặn

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Do tác động của các hồ chứa thượng lưu, dòng chảy sông Mê Công về ĐBSCL khiến tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL diễn biến phức tạp. Ở nhiều vùng ven biển, nước mặn xâm nhập sâu và sớm hơn mọi năm, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống. Nhiều khu vực nội đồng, đô thị… đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước ngọt cho sinh hoạt.

Dồn sức cứu lúa

Tính đến trung tuần tháng 1-2016, tỉnh Sóc Trăng có hơn 2.300ha lúa mùa và đông xuân bị ảnh hưởng do nhiễm mặn, trong đó hơn 780ha bị mất trắng, dù nông dân đã cố gắng làm đất sạ lại, bón thêm phân, thuốc dưỡng, nhưng vẫn thiệt hại trên 70% năng suất. Năm nay, nông dân vùng tôm lúa huyện Mỹ Xuyên xuống giống lúa mùa vượt hơn 11% kế hoạch, với trên 10.620ha. Ngoài 3.232ha đã thu hoạch, cho năng suất từ 4 - 6,5 tấn/ha, các diện tích còn lại chủ yếu đang làm đòng đến trổ, tuy vậy, đã có trên 480ha lúa bị ảnh hưởng do mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, trong đó 439ha bị mất trắng, diện tích còn lại cũng thiệt hại từ 20% - 50% năng suất. Một số xã của huyện Trần Đề đã có 1.834ha lúa bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn, trong đó hơn 340ha mất trắng. Theo kết quả quan trắc môi trường, độ mặn sông Mỹ Thanh hiện đạt mức cao nhất là 6,5%0, dự báo còn tăng trong những ngày tới. Ngoài ra, các huyện Long Phú, Châu Thành, Mỹ Tú… cũng có nguy cơ nhiễm mặn vào nội đồng cao, bởi hiện độ mặn trên sông Hậu đang ở mức báo động 2, đạt mức cao nhất là 19,5%0.

Nông dân tỉnh Sóc Trăng nhìn lúa chết vì hạn, mặn. Ảnh: TRUNG HIẾU

Diện tích lúa đông xuân 2015 - 2016 của Sóc Trăng còn hơn 100.000ha trên đồng, chủ yếu ở giai đoạn từ đẻ nhánh đến trổ chín, thời gian tới ngành chức năng khuyến cáo nông dân vui xuân nhưng không nên lơ là mà cần theo dõi sát tình hình độ mặn và thông báo của địa phương để canh lấy nước vào đồng, bảo đảm năng suất cho vụ lúa này.

Tại Tiền Giang, đến thời điểm này phần lớn diện tích lúa đông xuân đang ở giai đoạn tỉa dặm và đẻ nhánh nên nhu cầu dùng nước rất lớn. Trong khi đó, mực nước tại các kinh trong vùng rất thấp và đang tiếp tục xuống nhanh. Ngoài sông, độ mặn tiếp tục tăng, xâm nhập sâu vào nội đồng đe dọa đến các trà lúa hiện nay. Tại huyện Gò Công Đông, trên địa bàn huyện có khoảng 8.000ha lúa đang ở giai đoạn 30 ngày tuổi trong tổng số 11.000ha xuống giống trong vụ lúa đông xuân này. Nếu thời gian tới tình hình nước vẫn diễn biến theo hướng thế này, các trà lúa sẽ bị nguy kịch. Từ đó, huyện đã chỉ đạo các xã tổ chức bơm chuyền 2 cấp, trục vớt lục bình.

Nạo vét kênh mương dẫn nước phục vụ sản xuất tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: TRUNG HIẾU

Ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang cho biết, trước tình hình các kinh nội đồng cạn kiệt hiện nay, ngoài chỉ đạo tổ chức bơm chuyền, trục vớt lục bình, huyện chỉ đạo Phòng NN-PTNT, các xã giám sát chặt chẽ các công trình thủy lợi, tổ chức bơm chuyền từ kinh cấp 1 đến kinh cấp 2; đồng thời đã cho tiến hành rà soát, bổ sung phương án phòng, chống hạn, mặn từ huyện đến xã. Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão tỉnh Tiền Giang cho biết, mặn diễn biến quá nhanh so với dự tính, trong khi đó vùng dự án có nhiều diện tích phải đến cuối tháng 3 mới cắt nước. Nếu trước đây việc bơm chuyền chỉ dự kiến tổ chức cho các diện tích trễ vụ, còn nay phải tổ chức bơm chuyền cho cả những diện tích xuống giống đúng lịch thời vụ. Không chỉ vậy, ngoài sản xuất lúa, trong vùng còn khoảng 10.000ha cây ăn trái, rau màu và nước phục vụ sinh hoạt cho người dân.

Lo nguồn nước sinh hoạt

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo, từ tháng 2-2016 trở đi, các thành phố như: Bến Tre (tỉnh Bến Tre), Rạch Giá (Kiên Giang), Vị Thanh (Hậu Giang) có khả năng thiếu nước ngọt nên cần có kế hoạch dự trữ để sinh hoạt... Trước tình hình này, TP Bến Tre đã chủ động đảm bảo nguồn nước từ Nhà máy nước Sơn Đông và lắp đặt trạm bơm và đường ống dẫn nước từ xã Phú Thành, huyện Châu Thành (nơi có độ mặn thấp nhất) đưa về Nhà máy nước Sơn Đông mỗi ngày khoảng 20.000m3 để pha loãng với nguồn nước tại chỗ. Ngoài ra, ngành cấp nước cũng tổ chức xe phục vụ nước ngọt cho các huyện ven biển, những nơi bị khô hạn và mặn xâm nhập sâu.

Theo ông Nguyễn Hữu Hoài Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang, trong trường hợp mặn xâm nhập 20 ngày liên tục, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang cố gắng phân vùng và tách mạng cấp nước, bảo đảm cấp nước ổn định cho bệnh viện, trường học trên địa bàn thành phố Rạch Giá. Công ty chỉ bảo đảm cung cấp nước ổn định cho thành phố Rạch Giá và một phần huyện Hòn Đất khoảng 10 ngày, đêm. Ông Nguyễn Hữu Hoài Phương cho biết, để chủ động nguồn nước phục vụ sinh hoạt, công ty sẽ tiến hành khoan 16 giếng công cộng ở các phường trong nội ô thành phố Rạch Giá. Đồng thời, khôi phục một số giếng nước ngầm do công ty quản lý, bổ sung cụm xử lý nước đạt tiêu chuẩn cho phép, như giếng nước sân bay đường Cách Mạng Tháng Tám, Trạm cấp nước Rạch Sỏi tại khu dân cư bến xe tỉnh. Dự kiến những tháng đầu năm 2016, Nhà máy nước khu công nghiệp Thạnh Lộc có công suất 5.000m³/ngày, đêm đi vào hoạt động, bổ sung nước sinh hoạt cho người dân. Cống ngăn mặn tại cửa Sông Kiên dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trước Tết Bính Thân 2016 sẽ góp phần hạn chế nguồn nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.

Trước tình hình trên, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khuyến cáo: Để thông tin kịp thời về mặn xâm nhập, nguồn nước và xây dựng kế hoạch vận hành các cửa cống, các giải pháp chống hạn mặn, đề nghị các địa phương thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo hạn mặn, từ đó có kế hoạch triển khai ứng phó kịp thời, tránh bị thiệt hại trong sản xuất và đời sống.

NHÓM PV

Làm giàu từ mô hình “gia trại”

Nguồn tin:  Báo Ninh Thuận

Ít ai ngờ giữa vùng đất tưởng chừng “sỏi đá” của thôn Láng Ngựa (Nhơn Sơn, Ninh Sơn, Ninh Thuận) có chàng trai chí thú vươn lên làm giàu từ mô hình “gia trại”. Anh nông dân trẻ Nguyễn Trí mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế gia đình từ hoa lợi của hai loài cây đặc sản của tỉnh ta là nho, táo kết hợp nuôi bò nái sinh sản lai sind.

Nguyễn Trí đưa chúng tôi đi thăm thú vườn táo trái đóng trĩu cành đang vào mùa thu hoạch cung cấp thị trường tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Thương lái đến vườn thu mua táo “rút” chuyển ra các tỉnh phía Bắc với giá 11 ngàn đồng/kg; táo “xô” bán tại thị trường địa phương và các tỉnh phía Nam với giá 6 - 7 ngàn đồng/kg. Gia đình anh Trí hiện có 1,5 sào đất trồng táo bán vào vụ tết năm nay dự kiến cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng. Anh đang tiếp tục đầu tư trồng mới 1,5 sào táo luân canh trên nền đất trồng nho từ buổi đầu khởi nghiệp qua tám năm cho trái nay đã già cỗi. Hiện nay, anh Trí sở hữu vườn nho đỏ Red Cartinal rộng 3 sào và 2 sào nho xanh NH 01- 48 đang cho trái chiến chặt chùm được thương lái dạm giá thu mua 45 ngàn đồng/kg. Anh sử dụng nguồn phân chuồng bón lót nền và chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh hại trên cây nho, cây táo theo tiêu chí bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Ngoài ra, anh Trí còn tận dụng nguồn rơm rạ từ 5 sào ruộng lúa kết hợp trồng cỏ chăn nuôi 5 con bò nái sinh sản lai sind. Anh có thu nhập hàng năm 300 - 400 triệu đồng từ trồng cây đặc sản nho- táo và nuôi bò nái sinh sản theo mô hình “gia trại”, bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm.

Nông dân trẻ Nguyễn Trí thu hoạch táo bán vào dịp tết Bính Thân 2016.

Hái những táo chín đầu mùa giòn ngọt mời khách, nông dân trẻ Nguyễn Trí cho biết gia đình anh gốc gác ở thôn Đắc Nhơn 2, xã Nhơn Sơn. Đầu năm 2007, anh về làm rể trên vùng đất đỏ “sỏi cốm” thuộc địa bàn thôn Láng Ngựa. Nhìn thấy lợi thế của đất đai chủ động bơm tưới từ hệ thống thủy kênh Bắc, anh Trí bàn với vợ quyết tâm đầu tư trồng nho và trồng táo cho thu nhập cao. Buổi đầu khởi nghiệp, anh tìm mua cột gỗ của bà con thôn xóm chuyển từ nhà đất sang nhà gạch để làm trụ giàn nho với diện tích 1,5 sào. Cây nho đỏ bén rể trên đồng đất Láng Ngựa sau hơn một năm chăm sóc chu đáo cho thu hoạch lứa trái đầu tiên trên 3,5 tấn. Nhìn thấy hiệu quả trồng cây đặc sản vừa ít sử dụng nước tưới phù hợp với điều kiện canh tác địa phương vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, anh Trí tiếp tục mở rộng diện trồng nho, trồng táo hiện nay lên 8 sào.

Anh Cao Hoàng Phi, Trưởng thôn Láng Ngựa cho biết Nguyễn Trí là nông dân trẻ sản xuất giỏi tiêu biểu ở địa phương. Anh luôn đi đầu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác cây nho, cây táo kết hợp chăn nuôi bò sinh sản đạt hiệu quả kinh tế cao. Phát triển kinh tế gia đình theo mô hình “gia trại” của anh Trí được Ban quản lý thôn tuyên tuyền vận động bà con học tập kinh nghiệm làm theo vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Sơn Ngọc

Quảng Ninh: Phòng, chống đợt rét đậm, rét hại: Sự chủ động của nhà nông

Nguồn tin:  Báo Quảng Ninh

Trước tình hình rét đậm, rét hại xảy ra trên diện rộng trong những ngày qua, nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã và đang tích cực chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống rét cho vật nuôi, hoa màu nhằm giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại do giá lạnh gây ra.

Người dân thôn Tân Đức, xã Quảng Đức (huyện Hải Hà) chủ động nguồn thức ăn cho gia súc trong thời tiết giá lạnh.

Tại huyện Hoành Bồ, “vựa hoa” của tỉnh đang chuẩn bị vào mùa cao điểm để phục vụ hoa dịp Tết Nguyên đán, bà con trồng hoa đang chủ động áp dụng mọi biện pháp cần thiết theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn. Anh Lê Thế Phước, Chủ nhiệm HTX Hoa Đồng Chè (thị trấn Trới), cho biết: “Với diện tích khoảng 7ha, dự kiến năm nay, HTX sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 20 vạn bông (cây) hoa các loại, chủ yếu là hoa ly, cúc, đồng tiền, thược dược, lay ơn... Đây đều là những loại hoa thích hợp với thời tiết lạnh, có thể chịu được nhiệt độ từ 4 độ C trở lên, nên với mức 6 độ C như những ngày vừa qua, toàn bộ diện tích trồng hoa không bị ảnh hưởng, mà còn cho thời gian hoa nở chậm lại, sát với dịp Tết, có lợi cho người bán. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn theo dõi sát sao dự báo thời tiết và chuẩn bị sẵn nilon quây, cũng như tăng cường chiếu đèn cho hoa nếu thời tiết xuống mức thấp hơn 4 độ C, đảm bảo không làm hoa bị héo, rụng, ảnh hưởng đến chất lượng của hoa”.

Đối với TX Quảng Yên, một trong những địa phương có diện tích rau màu lớn nhất tỉnh, công tác phòng, chống rét cho cây trồng cũng đã được bà con nhân dân thực hiện một cách tích cực. Theo thống kê, hiện trên địa bàn TX Quảng Yên đã gieo cấy lúa xuân đạt 650ha/4.460ha (tập trung chủ yếu là trà lúa xuân sớm, tại các xã, phường: Sông Khoai, Hiệp Hoà, Liên Vị, Tân An...); mạ xuân muộn đã gieo được 130ha (diện tích tương đương với 2.600ha lúa); cây rau màu vụ xuân cũng đã được bà con nông dân trồng khoảng 1.100ha. Trước ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại vừa qua, Hội Nông dân thị xã đã tập trung tuyên truyền người dân giữ nước để phòng, chống rét cho 650ha lúa xuân đã cấy, còn đối với diện tích mạ đã gieo 130ha hiện đang được các hộ dân chăm sóc tích cực và giữ nước, che phủ nilon giữ ấm 100%. Riêng đối với khoảng 6.500ha nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn thị xã, đến thời điểm hiện nay, sản lượng nuôi trồng đã thu hoạch xong khoảng 70%, chỉ còn một số hộ dân tiếp tục dự trữ nuôi để phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán. Phần sản lượng thuỷ sản dự trữ cũng đã được người dân đưa những đối tượng nuôi có khả năng chống chịu rét như cá vược, rô phi đến vùng nước sâu và diện tích nhỏ để quản lý, chăm sóc tốt hơn bằng cách quây kín bạt và thắp điện sưởi công suất lớn, đảm bảo nhiệt độ thích hợp cho cá sinh trưởng, do đó đến thời điểm này chưa xảy ra thiệt hại.

Tương tự như TX Quảng Yên, bà con nông dân trên địa bàn TX Đông Triều cũng đã chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để đối phó với đợt rét hại, rét đậm. Chị Nguyễn Thị Bính, khu 1, phường Xuân Sơn (TX Đông Triều) cho biết: “Ngay từ ngày 20-1, khi nghe dự báo thời tiết là đêm 21-1 sẽ có một bộ phận không khí lạnh tràn xuống các tỉnh vùng núi phía Bắc, gia đình đã chủ động che chắn chuồng trại, mua thêm củi và trấu để sưởi ấm chuồng hàng ngày cho đàn ngựa. Do đó đến nay đàn ngựa 25 con của gia đình đều khoẻ mạnh, sức ăn tốt). Còn tại Bình Liêu, do xuất hiện băng tuyết nên số lượng gia súc bị thiệt hại khá lớn với khoảng 250 con trâu, bò, dê. Nhằm giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất cho đàn gia súc, hiện các hộ dân đã tăng cường sửa chữa chuồng trại, che chắn gió lạnh, giữ khô nền chuồng, kín, ấm và vệ sinh. Đồng thời, sử dụng các tấm bạt dứa, nilon, phên để che phủ chuồng trại; sử dụng chăn bông, bao tải gai làm áo khoác giữ ấm cho trâu, bò và chuẩn bị đủ thức ăn dự trữ như rơm, rạ, cỏ khô, cám... đảm bảo bình quân 5 - 7kg rơm, rạ hoặc cỏ khô cho trâu, bò trong thời gian giá rét. So với đàn gia súc, khả năng chịu rét của đàn gia cầm yếu hơn, dễ mắc các bệnh về đường hô hấp nên những ngày này, việc phòng chống rét cho đàn gia cầm để phục vụ dịp Tết Nguyên đán được các trang trại, hộ dân chăn nuôi gà, vịt thực hiện một cách tích cực. Chị Phạm Thị Nguyệt Dung, chủ trang trại Tân An (phường Tân An, TX Quảng Yên), cho biết: Ngay từ những ngày đầu mùa rét, chúng tôi đã triển khai quây kín chuồng trại, dùng đệm lót sinh học giữ khô chuồng và bổ sung thuốc bổ, các loại vitamin để tăng sức đề kháng cho gà. Đến nay, 4 vạn con gà của trang trại đều ăn uống bình thường, mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 4 vạn trứng gà”.

Có thể khẳng định, bên cạnh sự vào cuộc, chỉ đạo sát sao của các cơ quan chuyên môn và địa phương thì sự chủ động tích cực từ phía bà con nông dân đã góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra. Tuy nhiên, để không thể có thêm thiệt hại, các cơ quan chuyên môn, nhất là Hội Nông dân các cấp cần tiếp tục tăng cường vận động hội viên nâng cao nhận thức về phòng chống rét, cũng như công tác thú y, phòng chống dịch bệnh.

Hoàng Nga

Gương những nông dân say mê sáng chế

Nguồn tin:  Đài PT-TH Sóc Trăng

Không chỉ sản xuất giỏi, biết tính toán, nắm bắt thị trường mà ngày càng có nhiều nông dân có những sáng chế thiết thực, giúp tăng năng suất lao động, tăng giá trị sản phẩm, tiết kiệm thời gian và tăng lợi nhuận… Với Sóc Trăng, những nông dân như thế đã góp phần cho nông nghiệp tỉnh nhà tiến thêm những bước mới.

Nông dân Sóc Trăng ngoài lao động sản xuất giỏi còn say mê sáng chế.

Năm 2012, ông Quách Văn Hom ở thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị bắt đầu nghiên cứu máy xúc lúa. Sau một thời gian, máy được đưa vào chạy thử nhưng chưa thành công vì máy chỉ xúc được một phần nhỏ lượng lúa cần xúc. Phải trải qua 4 lần thất bại, đến đầu năm 2014 chiếc máy xúc lúa do ông sáng chế mới có thể xúc toàn bộ lượng lúa cần xúc vào bao chỉ với 10 giây cho 1 bao lúa 50kg. Niềm vui thành công chưa bao lâu thì những bất cập của chiếc máy khiến ông lo lắng, do máy chỉ chạy ở một chức năng, không xúc được lúa ở mật độ dày và không hút bụi, thế là ông tiếp tục bắt tay vào hoàn thiện chiếc máy, ông Hom cho biết: “Là nông dân quanh năm gắn với đồng ruộng, hiểu rõ những thuận lợi khó khăn trong quá trình sản xuất, nên tôi nghĩ mình phải có một sáng chế nào đó để giảm sự lao động nặng nhọc cho nông dân, giảm chi phí thuê mướn nhân công, rút ngắn thời gian làm việc… Từ đó tôi tìm tòi nghiên cứu rồi sáng chế ra máy xúc lúa, lúc đầu cũng gặp khó khăn, nhưng rồi cũng khắc phục được và đưa vào phục vụ sản xuất rất hiệu quả”.

Năm 2015 chiếc máy xúc lúa đa năng ra đời được bán với giá 42 triệu đồng, với 3 chức năng chạy, chạy tiến ở mức độ nhanh hay chậm tùy theo điều chỉnh của người sử dụng, chạy lùi và chạy một chỗ, xúc lúa ở mật độ dày thành đống và hút sạch bụi trước khi vào bao nhưng vẫn giữ nguyên hạt lúa, ông Hom cho biết thêm: “Sau thành công ban đầu, trong quá trình vận hành tôi thấy máy còn nhiều nhược điểm như vào lúa đầy bao thì phải cho máy ngừng để thay bao khác, từ đó tôi quyết tâm nghiên cứu và sáng chế mô hình máy xúc lúa đa năng, với chức năng chạy liên tục không phải ngừng lại thay bao khi lúa đã đầy. Hiện nay tôi đang cho máy vận hành thử và sẽ ra mắt trong thời gian tới”.

Với cây mía từ khi đặt hom trồng đến thu hoạch có 3 lần vô chân. Lần đầu vô chân khi mía được 60 ngày tuổi, gọi là vô chân khỏa. Lần thứ 2 vô chân ấm khi mía được từ 90 đến 100 ngày. Lần cuối cùng là vô chân đạp khi mía từ 120 đến 130 ngày. Với một công đất trồng mía nếu thuê nhân công phải tốn 350 ngàn đồng cho khâu vô chân khỏa, 550 ngàn đồng cho khâu vô chân ấm. Tất cả các khâu này vừa tốn chi phí lại vừa khó tìm nhân công. Là giáo viên dạy giáo dục thể chất không qua trường lớp kỹ thuật, nhưng anh Nguyễn Văn Nưng ở xã An Thạnh Ba, huyện Cù Lao Dung cũng là người trồng mía và anh rất hiểu cái khó mà nông dân đang gặp phải. Từ thực tế đó anh đã sáng chế những chiếc máy phục vụ đắc lực cho người trồng mía. Đầu tiên là máy vô chân khỏa, sau đó là máy vô chân ấm với giá bán 25 triệu đồng một chiếc và hiện anh đang hoàn thành máy vô chân đạp, anh Nưng cho biết: “Do những năm gần đây việc thuê mướn nhân công chăm sóc mía rất khó và giá lại cao. Từ đó tôi suy nghĩ sao mình không khắc phục những khó khăn này bằng cách sáng chế ra máy làm thay người. Nên tôi tích lũy tiền mua máy cắt, máy hàn và thu mua lại sắt vụn làm ra máy vô chân rạ cho mía. Khi sáng chế đầu đưa vào sử sụng thành công, tôi tếp tục nghiên cứu và làm tiếp máy vô chân ấm. Hiện hai sản phẩm này rất hữu ích cho người trồng mía ở Cù Lao Dung”.

Chiếc máy của anh Nưng so với thuê nhân công giúp tiết kiệm khoảng 40% chi phí. Anh cho biết, trong các khâu vô chân mía, thì vô chân đạp là khâu nặng nhọc và tốn nhiều chi phí nhất. Một công mía phải tốn 800 ngàn đồng cho khâu vô chân đạp và số tiền này còn tăng lên khi vào vụ thiếu nhân công. Để tiết kiệm chi phí cho người trồng mía, anh tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời thêm chiếc máy vô chân đạp, hiện máy đã hoàn thành khoảng một nửa.

Máy xúc lúa góp phần giảm công lao đông do nông dân Sóc Trăng tự sáng chế.

Ứng dụng máy móc vào sản xuất giúp giảm sức người, tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân. Nhưng hiện nay, máy móc để thay thế hoàn toàn các khâu sản xuất thủ công vẫn chưa đáp ứng đủ, gây khó khăn trong quá trình đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp. Ông Huỳnh Ngọc Vân, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Sóc Trăng, nhận xét: “Hiện nay trong sản xuất nông nghiệp rất thiếu nhân công, đây là nhu cầu rất bức xúc. Còn cơ giới hóa thì chưa đáp ứng hết được, nên nhiều nông dân đã tự suy nghĩ, sáng kiến nhằm từng bước cơ giới hóa trong lĩnh vực này, góp phần giảm chi phí, giải quyết được vấn đề thiếu lao động, giúp tăng lợi nhuận. Hiện có nhiều sáng chế của nông dân Sóc Trăng được Hội đồng khoa học công nhận”.

Những chiếc máy phục vụ sản xuất do nông dân Sóc Trăng sáng chế đã góp phần giải quyết khó khăn về máy móc trong cơ giới hóa nông nghiệp tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung. Hướng đến mục tiêu đưa máy móc thay thế hoàn toàn các khâu sản xuất hiện còn sử dụng chân tay để hoàn thành, đưa nền nông nghiệp tỉnh nhà theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.

Kim Sang

Cạnh tranh bằng hàng hóa sạch

Nguồn tin:  Đại Đoàn Kết

Gần đây, giới doanh nghiệp bắt đầu chủ động đầu tư sản xuất, chế biến nông sản theo chuẩn thiên nhiên, hữu cơ nhằm tạo nên sức mạnh cạnh tranh cho sản phẩm ở thị trường trong và ngoài nước. Nông sản hữu cơ qua chế biến đã làm tăng giá trị gia tăng lên ít nhất là 50% so với sản phẩm thường.

Nông sản Việt rất cần một “cuộc cách mạng xanh” với những sản phẩm sạch. Ảnh TL.

Tìm cách gia tăng giá trị nông sản

Hội nhập kinh tế thế giới từ các hiệp định thương mại đang tạo điều kiện để sản phẩm nông sản Việt Nam trụ vững ở sân nhà, đồng thời tiến xa hơn nữa sang thị trường các nước. Song để làm được điều đó theo chuyên gia kinh tế với giới kinh doanh, vấn đề bức thiết phải hướng đến hiện nay là nông sản Việt rất cần một “cuộc cách mạng xanh” với những sản phẩm sạch. Chỉ có thể phát triển chuỗi sản xuất, chế biến thiên nhiên, hữu cơ mới đủ sức cạnh tranh và mang lại giá trị giá tăng cao.

Ông Phạm Minh Thiện - Giám đốc kinh doanh doanh nghiệp tư nhân Cỏ May chia sẻ, xác định rõ nhu cầu thị trường cần, vì vậy doanh nghiệp chủ động sản xuất nấm rơm theo quy trình sạch. Rơm được mua từ vùng lúa đạt chuẩn VietGap, sau đó hấp và xử lý trong nhà kính. “Từ nấm rơm trồng trong nhà kính chúng tôi chủ động đem sản phẩm kiểm tra ở nước ngoài. Kết quả, sản phẩm không nhiễm kim loại nặng. Nấm rơm sản xuất trong nhà kính sẽ hướng đến cung cấp cho thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu”, vị giám đốc này tiết lộ kế hoạch phát triển thị trường.

Nổi tiếng với các sản phẩm nông sản phong phú và đa dạng nhưng nông sản Việt Nam liên tục rơi vào tình trạng “dội chợ”, rớt giá, rồi trồng – chặt, chặt – trồng. Điệp khúc được mùa, mất giá liên tục tiếp diễn đối với các sản phẩm như: vải thiều, dưa hấu, thanh long… Điều này vô hình trung đẩy thị trường rơi vào tình trạng “lo dồn, đói góp”. Nhằm hạn chế thấp nhất sự thiệt hại về mùa vụ, không ít doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch tích trữ hàng hóa bằng cách sấy khô, đóng gói sản phẩm.

Ông Đỗ Văn Dũng, chủ đơn vị ép dẻo thanh long ( tỉnh Bình Thuận) cho hay, thị trường thanh long ngày càng dội nguồn cung trong khi nhu cầu trong nước không cao, sản phẩm này buộc xuất sang Trung Quốc với giá rẻ. Đau lòng cho người nông dân, ông Dũng mạnh dạn quyết định đầu tư máy chế biến thanh long ép dẻo. Đến nay sản phẩm được thị trường tiếp nhận sản phẩm khá nhiệt tình.

Với mong muốn ngành nông nghiệp phát triển ổn định cùng những sản phẩm sạch nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất theo hướng vừa thiên nhiên, vừa hiện đại. Là đơn vị đi đầu và thành công lớn trong đầu tư, phát triển trái cây sấy khô theo công nghệ thiên nhiên, Vinamit tiếp tục tập trung mở rộng sản xuất theo mô hình sạch organic. Tương tự, Công ty Đức Việt cũng áp dụng tốt nguồn nguyên liệu xoài đạt chuẩn VietGap vào sấy dẻo và đóng gói theo chuẩn ISO, HACCP hiện đại.

Nông sản sạch đang được thị trường đón nhận và tiêu thụ.

Không ngại đầu ra

Áp dụng dây chuyền sản xuất sạch, công nghệ chế biến hiện đại cũng được trang bị, nhưng không ít người bày tỏ quan ngại đầu ra cho nông sản sạch. Đặc biệt, lo lắng nông sản Việt không thể cạnh tranh nổi với sản phẩm của một số nước mặc dù đó là sản phẩm hoàn toàn thiên nhiên, hữu cơ. Nguyên nhân chủ yếu là do giá cả nông sản đống gói “made in Vietnam” thường cao hơn giá một số mặt hàng nội – ngoại nhập khác. Đơn cử, thanh long ép dẻo sản xuất sạch giá 600.000 đồng/kg; nấm rơm, nấm rơm 160.000 đồng/kg tương ứng với giá trên thị trường là khoảng 300.000 – 400.000 đồng/kg và 80.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, đại diện giới doanh nghiệp khẳng định, hoàn toàn không lo đầu ra nhu cầu sản phẩm sạch trên thị trường rất lớn. Giá gấp đôi sản phẩm thông thường nhưng vẫn tiêu thụ hết, chứng tỏ nhu cầu sử dụng sản phẩm nông sản sạch hoàn toàn cấp thiết.

Ông Nguyễn Phát Triển - Giám đốc Việt Đức cho biết, khách hàng ở Đức đặt mỗi tháng 3 container loại 40 feet nhưng doanh nghiệp không dám nhận vì chưa thể đáp ứng đủ. Có vẻ tự tin vào chất lượng sản phẩm nông sản sạch, hầu hết DN đều khẳng định, doanh nghiệp thường nghiên cứu kỹ thị trường trước khi chính thức thâm nhập. Từ đó biết được các đối thủ đang có gì và thị trường cần gì?

Ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit cho hay, thị trường các nước nhập khẩu đang đón nhận nông sản sạch Việt Nam rất tích cực, kể cả thị trường trong nước. Nông sản hữu cơ qua chế biến làm tăng giá trị gia tăng lên ít nhất là 50% so với sản phẩm thường. Nghĩa là, từ những sản phẩm giá rẻ, giá trị nông sản được nâng lên một mức cao hơn. Đã có doanh nghiệp cho rằng, đầu tư trồng trọt cho đến chế biến nông sản hữu cơ đang tạo ra lợi nhuận mấy chục phần trăm và nhiều hơn là 100 – 200% cho doanh nghiệp.

Nhận định về tình hình chung cũng như định hướng phát triển của ngành nông nghiệp các chuyên gia cho rằng, hội nhập sâu – rộng đang buộc nông sản Việt phải cạnh tranh gay gắt với các nước có nền nông sản hiện đại. Phát triển nông sản sạch là hướng đi mới của thị trường ngách sẽ phù hợp trong cạnh tranh, thay vì nông nghiệp Việt Nam phát triển theo kiểu đại quy mô. Kiểu phát triển đại quy mô mức độ cạnh tranh không bằng và chắc chắn gai góc hơn thị trường ngách.

“Hội nhập kinh tế đang đến rất gần. Vấn đề còn lại đòi hỏi doanh nghiệp chủ động thay đổi và sáng tạo ra những sản phẩm 3C. Tức là, sản phẩm phải đạt chất lượng, công nghệ, chuỗi giá trị” - bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định.

Thanh Giang

Thừa Thiên Huế: Không để thiệt hại vì rét

Nguồn tin:  Báo Thừa Thiên Huế

Chủ động ứng phó rét đậm rét hại, hạn chế tối đa thiệt hại cho lúa đông xuân, hoa Tết và gia súc, gia cầm.

Bảo vệ lúa, hoa màu

Ông Lê Văn Lự, một hộ dân trồng hoa cho biết: “Đối với bà con làng hoa truyền thống Phú Mậu (Phú Vang - Thừa Thiên Huế), kinh nghiệm nhiều năm cho thấy các đợt rét tràn về trên dưới 10 ngày mới đáng lo ngại. Thời tiết hiện nay, tuy có ảnh hưởng nhưng chưa đến mức phải lo lắng”.

Hộ ông Lự trồng hơn 5.000 gốc hoa ly, pha lê… Khi bước vào đầu vụ từ tháng 10 (DL) bà con thường trồng gối vụ, “canh” các loại hoa nở đúng dịp Tết hoặc ra giêng. Các diện tích hoa bị ảnh hưởng thời tiết lạnh như hiện nay, với hoa trồng ngoài trời có thể tiến hành bơm từ 1 - 3 đợt (tùy theo loại hoa, mức độ, thời điểm bơm) phân bón lá ka ly theo tỷ lệ một gói thuốc trộn với 16 lít nước cho 3.000 gốc hoa. Các loại hoa giàn, trong vườn nhà cần tăng cường che chắn gió, thắp đèn tăng độ ấm cho hoa nở đúng vụ.

Ông Hà Út, Giám đốc HTX Phú Mậu 2 cho biết: “Toàn HTX hàng năm đưa vào trồng khoảng hơn 5 ha hoa các loại. Ngoài vùng sản xuất tập trung, số diện tích hoa còn lại được bà con trồng trong vườn nhà. Những ngày mưa rét như hiện nay, HTX cùng bà con tích cực xuống đồng chăm sóc, phun thêm các loại phân kích thích hoa và che chắn gió, tăng độ ấm trong vườn nhằm cho hoa nở đúng dịp Tết”.

Với lúa, vừa sạ xuống đã gặp ré, các HTX cũng đã có nhiều biện pháp tích bảo vệ mùa màng. Tại HTX Đông Phước (xã Quảng Phước, Quảng Điền), ông Ngô Đình Triển, Chủ nhiệm HTX cho biết: “Toàn HTX gieo cấy 263 ha lúa. Đối với giống lúa dài ngày như 4B đã sạ 51 ha, giống ngắn ngày như Khang Dân, TH5, HT1 mới sạ 150 ha, còn 70 ha nữa HTX đã chỉ đạo các đội sản xuất cùng bà con nông dân ngừng sạ để tránh thời tiết lạnh, mưa rét”.

Theo kinh nghiệm của người dân, những diện tích lúa khi sạ bị ảnh hưởng rét, cây lúa có thể phát triển chậm, nếu trời nắng ấm trở lại, khi đã bén rễ, bà con nông dân thường bón thêm phân kaly, lân để kích thích cây lúa phát triển kịp khung lịch thời vụ.

Ông Hoàng Vọng, Phó Phòng Nông nghiệp&PTNT huyện Quảng Điền cho hay, đến nay trên địa bàn huyện đã gieo cấy được 3.500 ha (trên tổng diện tích 4.258 ha toàn huyện). Thời tiết mưa rét bước đầu chưa ảnh hưởng đến diện tích đã gieo cấy. Tuy nhiên, còn khoảng 150 ha ở các HTX Tín Lợi, Sịa 1,2, Đông Vinh bị ngập úng, bà con đang tích cực tiêu úng khu vực này để gieo cấy cho kịp khung lịch thời vụ.

“Bước vào đầu vụ, huyện đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị HTX có sự hướng dẫn và vận động nông dân triển khai các biện pháp chăm sóc lúa. Chống rét cho phát triển tốt nhằm rút ngắn tối đa thời gian sinh trưởng. Cán bộ về cơ sở cùng người dân bám đồng chủ động nắm tình hình dịch bệnh, có biện pháp xử lý sâu bệnh và hướng dẫn người dân bơm, tiêu nước cân đối mực nước trong đồng ruộng”.

“Sưởi ấm” cho vật nuôi

Mùa rét năm 2007 - 2008, toàn tỉnh có đến hàng ngàn con trâu, bò bị đột quỵ, chết rét gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Từ đó đến nay, nhiều hộ dân không còn chủ quan trong công tác phòng, chống đói rét cho gia súc. Hộ chị Nguyễn Thị Ni ở xóm Bàu Hạ, thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong (TX Hương Trà) nuôi 5 con trâu, là tài sản lớn đối gia đình chị. Chị chia sẻ: “Tận dụng nguồn rơm từ trồng lúa của gia đình, thu mua thêm của bà con, dự trữ vài tấn rơm cho trâu ăn. Trước mùa mưa, vợ chồng tôi tranh thủ sửa chữa, mua bạt che chắn chuồng trại đảm bảo kín gió. Vào những ngày rét đậm, rét hại phải quấn chăn cho trâu, bò, cho uống nước ấm…”.

Ông Trần Viết Én, Chủ tịch UBND xã Hương Phong cho biết, trước mùa mưa hằng năm, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống đói rét cho gia súc, gia cầm. Nguồn rơm rạ tại địa phương rất lớn là thuận lợi trong việc làm thức ăn dự trữ. Qua kiểm tra, hầu hết người dân đều dự trữ thức ăn đầy đủ, chuồng nuôi được che chắn kín đáo. Trước khi có dự báo thời tiết mưa rét, người dân đã lùa gia súc về nhốt chuồng. Các hộ chăn nuôi còn chuẩn bị thêm củi đốt để sưởi ấm cho vật nuôi.

Anh Trần Thiện Chương, chủ trang trại chăn nuôi gà ở Quảng Điền chia sẻ: “Nuôi gia cầm lo ngại nhất là dịch bệnh và rét. Rét đậm rét hại cũng là một trong những tác nhân gây dịch bệnh trên đàn gia cầm. Vào mùa đông phải che chắn thật kỹ, không để mưa dột, gió lùa. Nguồn thức ăn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng nhằm tăng đề kháng cho gia cầm, có thể tận dụng nguồn trứng tại chỗ trộn với thức ăn công nghiệp cho gà ăn. Nước uống được pha thêm nước ép từ củ tỏi, không chỉ làm ấm cho gia cầm mà còn phòng, chống dịch bệnh rất hiệu quả…”. Với những phương pháp này, nhiều năm qua, các trang trại trên địa bàn huyện Quảng Điền đã bảo vệ an toàn cho đàn gia cầm.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh đánh giá, người dân hiện nay ý thức khá cao trong việc bảo vệ đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo và thường xuyên hướng dẫn người dân các pháp phòng, chống đói rét cho vật nuôi. Trước mùa mưa, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương, hướng dẫn người dân che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn đảm bảo cho mỗi con gia súc từ 5 - 7kg rơm/ngày. Người dân không thả rông gia súc mà phải lùa về nhốt chuồng trong những ngày mưa rét. Thời điểm mưa rét không nên nhập gia súc, gia cầm về nuôi…

Nguyễn Khánh - Hoàng Triều

Đà Nẵng: Nông sản Tết

Nguồn tin:  Báo Đà Nẵng

Ông Trần Văn Hưng ở thôn Đại La, Hòa Sơn (Đà Nẵng) và đàn gà ta thả vườn của mình.

Vào dịp Tết Nguyên đán, nông sản có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống mỗi gia đình. Không chỉ dồi dào về lượng, mà mặt hàng này đòi hỏi phải tươi, ngon và an toàn. Cũng vì vậy, trong sản xuất của nhà nông ai nấy đều có kế hoạch đưa ra thị trường các loại đặc sản của mình vào những ngày cận Tết.

Gà ta thả vườn, sự lựa chọn số 1

Nếu trong vô số thực phẩm cần thiết trong những ngày Tết thì gà trống không thể thiếu. Đơn giản chỉ vì, loài vật này gần như là duy nhất để làm mâm cúng tổ tiên. Và loại gà ta thả vườn được nhiều người nuôi nhất.

Cùng với việc “thúc” cho đàn heo hơn 100 con kịp xuất chuồng vào dịp cận Tết, gia đình ông Trần Văn Hưng, ở thôn Đại La, xã Hòa Sơn (Hòa Vang - Đà Nẵng) đang ưu tiên chăm sóc đàn gà hơn 1.000 con, trong đó đa số là con trống. Là loại giống nội, thả trong khu vườn rộng khoảng 4 sào ở mé đồi, gà nhà ông được mọi người gọi là gà ta thả vườn “chính hãng”.

Đến thăm gia trại của lão nông này mới hay, ông nhạy bén với thị trường Tết. Vãi mớ thóc xuống sân, ông Hưng gọi gà theo giọng điệu quen thuộc, cứ thế từ mọi ngõ ngách của khu vườn, hàng trăm con gà hối hả chạy về. “Gà ta thả vườn, cho ăn toàn thóc gạo, chất lượng số 1.

Cứ vào dịp cận Tết không cần đưa ra chợ, khách hàng gọi điện đến đặt mua bằng hết. Mâm cỗ ngày Tết mà có con gà trống loại này thì còn gì bằng”, ông nói. Về giá cả, ông cho biết, so với năm ngoái không đắt hơn là mấy. Mỗi kilôgam gà ta loại 4 - 5 tháng tuổi, chừng 110 - 120 nghìn đồng/kg.

Ngược lên các xã miền núi Hòa Vang, đến gia trại nào cũng thấy khá nhiều gà ta đến lứa xuất chuồng. Phát huy kinh nghiệm nuôi gà thả vườn của mình, năm nay, hộ ông Nguyễn Như Khánh ở thôn 5, Hòa Ninh cũng nuôi khoảng 500 con, trong đó đa số con trống.

Nói về đặc sản của địa phương, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh, Nguyễn Hữu Trung cho biết: Thế mạnh về nông sản Tết ở Hòa Ninh là gà đồi. Tuy mỗi hộ nuôi chỉ khoảng vài ba trăm con, nhưng nhiều hộ nuôi, nên số lượng đưa ra thị trường dịp Tết Nguyên đán năm nay khá nhiều, ước khoảng 5 nghìn con. “Gà đồi Hòa Ninh” đang được địa phương xúc tiến đăng ký thương hiệu.

Rau an toàn

Rau xanh là thứ không thể thiếu trong bữa ăn ngày thường cũng như ngày Tết của mỗi gia đình. Nắm bắt nhu cầu này, việc gieo trồng triển khai cách đây vài ba tháng, nay đã gần thu hoạch. Đến các vùng rau trên địa bàn thành phố, có thể lạc quan khẳng định, thị trường rau Tết năm nay khá dồi dào.

Tại vùng rau Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương có khá nhiều khổ qua, dưa leo, cà tím, đậu cô ve đến kỳ thu hoạch. Ông Nguyễn Kế Hiệp, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Khương cho biết: Ở đây chủ yếu trồng rau ăn quả, trong đó nhiều nhất là khổ qua.

Ước tính, vụ tết năm nay, toàn xã đưa ra thị trường khoảng 5 tấn rau, quả các loại. Còn tại vùng rau La Hường, phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ), các loại rau ăn lá, ăn quả cũng sắp đến kỳ thu hoạch. Bên cạnh các loại cải cay, cải ngọt, mồng tơi... khá nhiều vườn súp lơ xanh, súp lơ trắng trồng rất bài bản. Theo ông Trần Văn Hoàng, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh rau an toàn La Hường, dịp Tết năm nay HTX sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 7 - 8 tấn.

Cá nước ngọt

Những ngày đầu xuân, cá nước ngọt nướng, hấp, nấu lẩu là món khoái khẩu của không ít gia đình. Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Kế Hiệp cho biết, với gần 100 hộ nuôi trên phạm vi khoảng 40ha, dự kiến Tết năm nay sẽ thu hoạch chừng 50 tấn cá nước ngọt các loại. Không ít hộ sẽ bội thu từ vụ cá dịp Tết này.

Không chỉ Hòa Khương, bà con nuôi cá nước ngọt ở Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Liên... cũng đang tích cực vỗ béo cho cá để kịp bán vào dịp Tết. Với hàng trăm lồng nuôi tại 4 hồ đập lớn nhỏ trên địa bàn Hòa Vang triển khai từ nhiều năm nay, hộ ông Lê Minh ở xã Hòa Phú, dự kiến thu hoạch khoảng 20 tấn cá điêu hồng vào dịp Tết năm nay...

Nguyễn Cầu

Bước chuyển của kinh tế trang trại Lâm Đồng

Nguồn tin:  Báo Lâm Đồng

Giai đoạn 2011 - 2015, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi cho 420 lượt chủ trang trại, hỗ trợ gần 100 mô hình phát triển giống cây trồng, vật nuôi mới, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tham gia hội chợ thương mại, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa... Kết quả này đã góp phần tạo điều kiện cho người nông dân phát huy lợi thế so sánh trong sản xuất, chăn nuôi trang trại, từ đó không ngừng nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông phẩm Lâm Đồng trên thị trường trong và ngoài nước.

Ngày càng nhiều mô hình trang trại sản xuất ở Lâm Đồng đạt giá trị kinh tế cao nhờ ứng dụng công nghệ cao

Phát triển nhiều loại hình trang trại

Thông qua các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, đầu tư, tín dụng, khoa học, công nghệ... và xúc tiến thị trường, cộng với nguồn hỗ trợ kinh phí lồng ghép từ các chương trình, đề án khác nhau và nguồn vốn đối ứng của kinh tế hộ gia đình, từ năm 2011 đến năm 2015, Lâm Đồng đã tăng nhanh số lượng trang trại sản xuất, chăn nuôi với nhiều thành phần kinh tế tham gia. Nhiều trang trại không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất, cung ứng các nguồn giống mới chất lượng cao, mà còn tích cực mở rộng dịch vụ, kỹ thuật, làm đầu mối tiêu thụ nông sản cho nông dân trong vùng, góp phần tạo thêm nguồn nguyên liệu chất lượng cao để cung cấp cho các cơ sở, đơn vị chế biến trong nước và vươn ra thị trường xuất khẩu.

Tính đến đầu năm 2016, theo tiêu chí quy định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 760 trang trại (năm 2011 khoảng gần 380 trang trại) gồm: hơn 350 trang trại trồng trọt và gần 120 trang trại tổng hợp (mỗi trang trại có diện tích tối thiểu 2,1ha và thu nhập 700 triệu đồng/năm); hơn 290 trang trại chăn nuôi (sản lượng hàng hóa đạt 1 tỷ đồng/trang trại/năm trở lên). Ở mỗi huyện, thành trong tỉnh Lâm Đồng đều có trên 70% chủ trang trại được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về quản lý và tổ chức sản xuất. Hàng năm đã chọn ra 2 trang trại điển hình về sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao nhất và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để tiếp tục hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật, bổ sung những kinh nghiệm tích lũy cho những trang trại khác hoặc trang trại xây dựng mới.

Thu nhập bình quân 2,4 tỷ đồng

Thống kê diện tích đất trang trại ở Lâm Đồng hiện đang sử dụng gần 4.000ha, tăng gần 2.000ha so với năm 2011, bình quân 1 trang trại sử dụng lên đến hơn 5ha. Trong đó, chiếm nhiều diện tích nhất là lĩnh vực trồng trọt với hơn 8ha/trang trại; kế tiếp là bình quân 4,8ha/trang trại tổng hợp; cuối cùng là lĩnh vực chăn nuôi với hơn 1,8ha/trang trại. Tính riêng số lượng gia súc, gia cầm của trang trại trên địa bàn Lâm Đồng đến cuối năm 2015 gồm: gần 125.000 con trâu, bò; hơn 112.000 con heo; hơn 1,3 triệu con gia cầm... Nhìn chung số trang trại ở Lâm Đồng giai đoạn 2011 - 2015 đều đạt và vượt so với quy định về quy mô và giá trị sản lượng hàng hóa, đạt mức thu nhập bình quân trên 2,4 tỷ đồng/trang trại/năm. Hoạt động sản xuất ở các trang trại vẫn tiếp tục duy trì đầu tư kỹ thuật theo hướng từng bước ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt. Và trong chăn nuôi kinh tế hộ gia đình đã có sự chuyển dịch từ quy mô nhỏ lẻ chuyển sang quy mô trang trại lớn ngày càng nhiều. Tổng số lao động thu hút thường xuyên của trang trại hơn 3.000 người, lao động thuê ngoài thời vụ lên đến hơn 4.800 người, tăng lần lượt so với năm 2011 là hơn 190% và hơn 180%...

Về những bước chuyển biến tích cực của kinh tế trang trại giai đoạn 2011 - 2015 nêu trên, ông Nguyễn Văn Châu, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhấn mạnh: “Nhờ mở rộng ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào trồng trọt, chăn nuôi, kinh tế trang trại ở Lâm Đồng đã sản xuất ngày càng đa dạng sản phẩm với quy mô tập trung, giá trị hàng hóa bán ra thị trường ngày càng cao, góp phần đáng kể trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giảm áp lực về giải quyết việc làm cho người lao động ở các địa phương, huy động nguồn vốn đầu tư khá lớn trong dân để đầu tư cho phát triển sản xuất. Nhiều trang trại đã sản xuất và cung cấp các loại giống vật nuôi, cây trồng chất lượng cao, đồng thời triển khai nhiều dịch vụ khoa học kỹ thuật, làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trong vùng, qua đó đã chung sức tạo tiền đề cho công nghiệp chế biến địa phương phát triển, cũng như mở mang các ngành nghề dịch vụ nông thôn...”.

VĂN VIỆT

Hoa dập, tàu hư vì mưa gió thất thường

Nguồn tin:  Báo Phú Yên

Huy động lực lượng kéo tàu của ông Huỳnh Tấn Bình lên bờ - Ảnh: P.NAM

Mưa, lạnh, gió đông bắc giật xoáy bất thường trong những ngày qua đang làm “mất” miếng cơm của nông dân trồng hoa tết; làm hư hại nhiều tài sản của ngư dân TP Tuy Hòa (Phú Yên).

Hoa Tết “bay” theo gió

Ngày 25/1, hàng loạt nhà vườn ở TP Tuy Hòa “méo mặt” vì hoa tết đổ rạp, tan nát. Bà Ngô Thị Hường ở xã Bình Kiến vừa dựng vớt lại đám vạn thọ, vừa than: “Mấy ngày nay mưa gió dữ quá, trong đó mạnh nhất là tối 24/1, làm cho vườn hoa vạn thọ bị ngã. Trên 100 triệu đồng đổ vào mấy ngàn chậu vạn thọ này, chứ ít gì. Không biết vớt vát được bao nhiêu”.

Đi sâu vào các vùng chuyên canh hoa ở ngoại thành Tuy Hòa, hàng trăm hécta hoa tết như cúc, mai, vạn thọ… đều bị gió quật ngã đổ. Cúc xuân đang đơm nụ, bị đợt giá lạnh bất thường, đang “cầm” lại, không chịu nở. Gặp đợt gió lốc, cúc bị quật đổ tứ tung, xơ xác. Mai xuân thì hơn 90% đã nở sớm, cánh vàng bay tan tác…

Theo ông Nguyễn Đồng Ghi, Chủ tịch Hội Nông dân phường 9, đợt mưa lạnh, gió lớn chỉ mấy ngày mà gây thiệt hại quá nặng cho các vùng chuyên canh hoa Tết. Đặc biệt, các trận gió đông bắc luôn ở cấp 6 - 8, giật cấp 9 - 10, đã làm hư hại hàng vạn chậu hoa chờ bán trong dịp Tết Nguyên đán…

“Vừa gặp đợt nắng kéo dài, mai bung nở sớm, còn cúc thì bất chợt gặp lạnh nên đang bị “điếc”, không nở nổi. Vạn thọ thì bị gió dập ngã. Theo dự báo, đợt không khí lạnh kèm mưa gió lớn còn kéo dài mấy ngày tới. Tết đến gần rồi, bà con bị thiệt hại thế này, nên ai cũng lo lắng. Vụ hoa này coi như bà con trắng tay rồi…”, ông Ghi nói.

Triều cường lại uy hiếp ngư dân

Trong khi đó, từ đêm 24 đến chiều 25/1, do ảnh hưởng của không khí lạnh, triều cường kèm theo sóng lớn liên tục uy hiếp bến sửa chữa, đóng tàu xóm Rớ, phường Phú Đông - nơi neo đậu hơn 150 tàu cá của ngư dân. Những cột sóng cao hơn 3m liên tục đánh vào bờ, đánh sập và cuốn trôi nhiều tài sản và máy móc, thiết bị của 4 trại sửa chữa, đóng tàu.

Tại hiện trường bến sửa chữa, đóng tàu xóm Rớ chiều 25/1 vẫn còn ngổn ngang vật dụng, tài sản của ngư dân. Nhiều người dân vẫn huy động lực lượng di chuyển máy móc, tàu cá đang sửa chữa tại xóm Rớ để tránh triều cường tiếp tục tấn công. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ biên phòng cùng xe máy được huy động đến để kéo tàu cá PY96380TS của ông Huỳnh Tấn Bình ở khu phố 6, phường Phú Đông, bị sóng biển nhấn chìm trong đêm 24/1 vào bờ. Bà Phạm Thị Hoa, chủ một trong số bốn trại sửa chữa, đóng tàu cá tại xóm Rớ, cho biết: Đã có nhiều đợt triều cường uy hiếp khu vực này, nhưng đây là lần mạnh nhất.

Trong khi đó, tại cảng cá phường 6, triều cường kèm theo hàng trăm mét khối cát phủ sân cảng từ 20 - 40cm, cuốn trôi nhiều đoạn kè đá hộc, uy hiếp trực tiếp 11 hộ dân ven biển. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng phải cấp tốc huy động xe múc đắp bờ bao, tiếp tục đổ hàng trăm mét khối đá hộc để khống chế triều cường.

Đ.TUẤN - P.NAM

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phòng chống rét đậm, rét hại

Nguồn tin:  Báo Chính Phủ

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 153/CĐ-TTg chỉ đạo phòng chống rét đậm, rét hại.

Người dân Sa pa lùa gia súc xuống vùng thấp tránh rét. Ảnh: Báo Lào Cai

Thủ tướng Chính phủ điện: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Nội, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ rất mạnh được tăng cường liên tục, tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xảy ra đợt rét hại trên diện rộng, ngày 24/1/2016 đã xuất hiện băng giá, mưa tuyết ở vùng núi cao, nhiệt độ xuống mức thấp nhất 40 năm qua, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là hoa màu và chăn nuôi gia súc.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, rét đậm, rét hại còn tiếp tục kéo dài trong một vài ngày tới, tại các tỉnh miền núi phía bắc có khả năng xảy ra băng giá và mưa tuyết ở vùng núi.

Để hạn chế thiệt hại do rét đậm, rét hại đối với người dân sản xuất nông nghiệp, chủ động bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10200/CT-BNN ngày 16/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phòng, chống đói, rét cho gia súc trong vụ Đông Xuân 2015 - 2016 và chỉ đạo công tác phòng chống rét cho thủy sản nuôi.

Chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương theo dõi chặt chẽ, cập nhật diễn biến thời tiết và thông báo, hướng dẫn nhân dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống rét, bảo đảm an toàn cho người, sản xuất nông nghiệp, hạn chế thiệt hại.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân triển khai các biện pháp phòng, chống rét, nhất là việc bảo đảm nguồn thức ăn, nước uống, che chắn chuồng trại để chủ động phòng, chống rét cho đàn gia súc; triển khai các biện pháp tránh rét cho thủy sản nuôi. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn kế hoạch sản xuất phù hợp đối với cây trồng, vật nuôi và thủy sản.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, dự báo, thông tin kịp thời cho các địa phương, cơ quan liên quan và nhân dân biết để chủ động phòng, tránh.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh./.

Tháng 1: Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 2,33 tỷ USD

Nguồn tin:  Báo Công Thương

Theo Bộ NN & PTNT, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính trong tháng 1/2016 ước đạt 2,33 tỷ USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 1,16 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2015. Giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 455 triệu USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu gạo tháng 1/2016 tăng cả về lượng và giá trị

Tín hiệu lạc quan từ xuất khẩu gạo trong tháng 1/2016, với sự gia tăng mạnh về cả khối lượng và giá trị. Theo đó, khối lượng xuất khẩu gạo tháng 1 ước đạt 495 nghìn tấn với giá trị đạt 218 triệu USD, tăng 56,7% về khối lượng và tăng 46% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Cùng với gạo, xuất khẩu hạt điều trong tháng 1/2016 cũng có chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Khối lượng hạt điều xuất khẩu tháng 1/2016 ước đạt 24.000 tấn với giá trị 183 triệu USD, tăng 9% về khối lượng và tăng 15,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu hạt điều cả năm 2015 đạt 329.000 tấn, tăng 8,7% về khối lượng và tăng 20,6% về giá trị so với năm 2014. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân năm 2015 cũng tăng 10,9% so với năm 2014. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam.

Cà phê, cao su là hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng về lượng nhưng giảm về giá trị. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu cà phê trong tháng 1/2016 ước đạt 149.000 tấn với giá trị đạt 264 triệu USD, tăng 8% về khối lượng nhưng giảm 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với ngành cao su, xuất khẩu trong tháng 1 đạt 106.000 tấn với giá trị đạt 120 triệu USD, tăng 13,3% về khối lượng nhưng giảm 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Xuất khẩu cao su tính cả năm 2015 cũng trong tình trạng này với mức tăng tương ứng 6,7% về khối lượng và giảm 13,9% về giá trị so với năm 2014.

Chè và hạt tiêu là hai ngành hàng chứng kiến sự sụt giảm cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu trong tháng 1/2016. Theo đó, đối với ngành chè, khối lượng xuất khẩu chè tháng 1/2016 ước đạt 9.000 tấn với giá trị đạt 15 triệu USD, giảm 3,2% về khối lượng và giảm 9,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá chè xuất khẩu bình quân năm 2015 đạt 1.708 USD/tấn, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2014. Trong năm 2015, khối lượng chè xuất khẩu sang Pakistan – thị trường lớn nhất của Việt Nam với 38,4% thị phần, tăng 9,7% về khối lượng và tăng 0,7% về giá trị so với năm 2014. Các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng đột biến là Nga (tăng 19,4%), Các tiểu vương quốc Arập thống nhất tăng 44,9% và Indonesia tăng 33,6%.

Xuất khẩu hạt tiêu chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất so với các mặt hàng nông sản trong tháng 1/2016 với mức giảm khoảng 30,2% về khối lượng và giảm 31,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng theo Bộ NN & PTNT, kim ngạch nhập khẩu toàn ngành nông, lâm, thủy sản trong tháng 1/2016 ước đạt 2,01 tỷ USD, giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ước tính nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 1,45 tỷ USD, giảm khoảng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, trong tháng 1/2016, toàn ngành nông nghiệp xuất siêu 0,32 tỷ USD.

Nguyễn Hạnh

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop