Tin nông nghiệp CN ngày 02 tháng 6 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp CN ngày 02 tháng 6 năm 2019

Lạng Sơn: Xây dựng nhãn hiệu tập thể: Nâng cao giá trị sản phẩm ngựa bạch

Nguồn tin: Báo Lạng Sơn

Ngựa bạch Hữu Kiên, huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) có giá trị cao về kinh tế. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu thực nghiệm về chất lượng sản phẩm cũng như chưa được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nên thường bị lợi dụng danh tiếng. Vì vậy, huyện Chi Lăng đang tích cực xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm này.

Ngựa bạch là giống quý hiếm, có thể dùng thịt, xương để làm thuốc chữa bệnh. Tại Lạng Sơn, ngựa bạch được người dân chăn nuôi tập trung từ hơn 30 năm trước, trong đó, chủ yếu tại xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng. Đây là giống vật nuôi mang về giá trị kinh tế cao cho người dân; những con ngựa hơn 3 năm tuổi có trị giá 70 – 80 triệu đồng/con. Ngựa bạch cho sản phẩm thịt tươi, thịt đã qua chế biến và cao ngựa bạch được các thị trường như: Hà Nội, Nam Định, Thái Nguyên, Hải Phòng… ưa chuộng.

Ngựa bạch không chỉ là sản phẩm hàng hóa mà còn là sản phẩm du lịch của huyện Chi Lăng

Với mục tiêu phát triển chăn nuôi ngựa bạch tại Hữu Kiên, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có chất lượng tốt; tạo sự liên kết giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu, Trung tâm Ứng dụng phát triển khoa học công nghệ và đo lường chất lượng sản phẩm phối hợp với một số phòng, ban của huyện Chi Lăng triển khai dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm từ ngựa bạch của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn”.

Đề tài được triển khai từ tháng 6/2018 đến tháng 12/2019. Mục tiêu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm ngựa bạch trên thị trường; thiết lập kênh tiêu thụ ổn định, đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm từ ngựa bạch; phát triển khu vực chăn nuôi ngựa bạch.

Trong năm 2018, Trung tâm Ứng dụng phát triển khoa học công nghệ và đo lường chất lượng sản phẩm đã tiến hành khảo sát thực trạng chăn nuôi, kinh doanh ngựa bạch trên địa bàn huyện Chi Lăng. Xây dựng bản đồ quy hoạch vùng chăn nuôi, chế biến sản phẩm từ ngựa bạch gồm 5 xã: Hữu Kiên, Quan Sơn, Chiến Thắng, Lâm Sơn, Liên Sơn. Cùng đó, tiến hành thiết kế mẫu nhãn hiệu tập thể bao bì cho sản phẩm; 1 mẫu lo go nhãn hiệu bao bì sản phẩm; 3 nhãn hàng hóa; 1 mẫu hộp đựng sản phẩm…

Cùng đó, đơn vị xây dựng hệ thống công cụ, phương tiện quản lý nhãn hiệu tập thể như: quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể, bao bì tem nhãn; xây dựng tài liệu kỹ thuật hướng dẫn chăn nuôi, chế biến; đăng ký mã số, mã vạch để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ huyện, xã về công tác quản lý cho sản phẩm, tập huấn cho người dân về quy trình chăn nuôi, chế biến, và quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể… với hơn 160 người tham gia.

Anh Bế Văn Đức, cán bộ Phòng Ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, Trung tâm Ứng dụng phát triển khoa học công nghệ và đo lường chất lượng sản phẩm cho biết: Cuối năm 2018, tổng đàn ngựa trên địa bàn huyện Chi Lăng là 1.635 con, trong đó có 712 con ngựa bạch. Chúng tôi đang hoàn tất các bước cuối cùng trong quy trình xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm này.

Hiện nay, Trung tâm Ứng dụng phát triển khoa học công nghệ và đo lường chất lượng sản phẩm đang hoàn tất hồ sơ và gửi Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, đồng thời triển khai các chương trình, hoạt động nhằm quảng bá rộng rãi về sản phẩm.

Thời gian qua có rất nhiều sản phẩm cùng loại khác lợi dụng danh tiếng, uy tín làm ảnh hưởng nên giá bán chưa phản ánh được giá trị thực của sản phẩm từ ngựa bạch. Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể không chỉ giúp người tiêu dùng phân biệt sản phẩm ngựa bạch Chi Lăng với các sản phẩm cùng loại mà còn giúp người chăn nuôi ngựa tăng thu nhập.

HOÀNG VƯƠNG

Lo ngại ‘đặc trưng sông nước’ của ĐBSCL khiến dịch tả heo châu Phi lây lan

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Ông Trương Ngọc Trưng, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hậu Giang cho biết, không ít người dân chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn sinh hoạt sàn nước cặp mương, gần chuồng nuôi heo; heo nuôi lớn gần bán - thương lái mua heo đến xem; giết mổ lẻ ở nông thôn, xe vận chuyển cuối làng đầu xóm để chở heo từ nhiều hộ…

Sáng 28-5, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, dịch tả heo châu Phi tiếp tục xuất hiện trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, đàn heo 26 con ở ấp Mỹ Thị, xã Mỹ An, huyện Tháp Mười vừa bị bệnh 12 con trong đó chết 6 con. Ngay lập tức, lực lượng thú y tiến hành lấy mẫu gửi đến Chi cục Thú y Vùng VII xét nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy những con heo này dương tính với virus gây bệnh dịch tả heo châu Phi.

Tại huyện Lấp Vò, đàn heo có 4 con của hộ chăn nuôi ở ấp Hòa Thuận, xã Vĩnh Thạnh cũng vừa bị bệnh khiến 2 con chết; sau khi xét nghiệm, kết quả bị bệnh dịch tả heo châu Phi.

Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp đã có 10 hộ chăn nuôi, ở 5 xã, của 4 huyện trên địa bàn tỉnh có heo mắc bệnh, với số lượng tổng đàn là 284 con (trong số này có 121 con heo rừng). Ảnh: CAO PHONG

Còn ở huyện Lai Vung, dịch bệnh xuất hiện trên đàn heo 9 con ở ấp Long Thuận, xã Long Hậu làm chết 4 con; sau khi lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả bị bệnh dịch tả heo châu Phi.

Đáng lo nhất là ở huyện biên giới Tân Hồng, sau khi dịch bệnh xảy ra tại 4 hộ chăn nuôi heo ở xã Tân Hộ Cơ, với tổng đàn 187 con, thì mới đây bệnh tiếp tục xuất hiện tại 3 hộ chăn nuôi ở xã Thông Bình, tổng đàn 58 con, có 16 con chết. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm, có kết quả dương tính với virus gây bệnh dịch tả heo châu Phi.

Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp đã có 10 hộ chăn nuôi, ở 5 xã, của 4 huyện trên địa bàn tỉnh có heo mắc bệnh, với số lượng tổng đàn là 284 con (trong số này có 121 con heo rừng). Toàn bộ số heo trên đã được ngành thú y phối hợp với cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương tiêu hủy; đồng thời, tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực xung quanh… nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh lây lan ra diện rộng, giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi.

Phun thuốc phòng chống dịch bệnh cho đàn heo. Ảnh: NGỌC DÂN

Ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, đã triển khai thực hiện nghiêm các văn bản của Trung ương và UBND tỉnh về phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi.

Bên cạnh đó, Sở cũng thành lập 2 đoàn kiểm tra, đôn đốc phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Công an tỉnh, chính quyền các địa phương thành lập thêm 5 chốt kiểm dịch tạm thời, đưa tổng số các trạm và chốt kiểm dịch tạm thời trên địa bàn tỉnh lên con số 14.

Ngoài ra, Sở yêu cầu các huyện cung cấp đường dây nóng để tiếp nhận thông tin dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại địa phương; cấp phát 24.000 tờ rơi phòng chống dịch…

Nhưng cái khó hiện nay là không đủ lực lượng và thành phần tham gia tại các chốt chặn tạm thời. Ngoài các tuyến đường chính trên quốc lộ, tỉnh lộ… thì còn rất nhiều các tuyến đường huyện lộ, đường nông thôn, ngõ ngách, bến đò, phà… nên khó có thể kiểm soát hết được việc vận chuyển động vật.

* Trong khi đó, ông Trương Ngọc Trưng, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hậu Giang cho biết: Đến nay Hậu Giang - địa phương ghi nhận ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên ở ĐBSCL - đã ghi nhận ít nhất 20 hộ chăn nuôi bị dịch tả heo châu Phi, nằm ở 8 xã thuộc 5 huyện, thị. Số lượng heo phải tiêu hủy là 1.679 con (125 tấn).

Heo bị dịch tả heo châu Phi đưa đi tiêu hủy ở Hậu Giang. Ảnh: CAO PHONG

Ông Nguyễn Đăng Hải, Chủ tịch UBND thị xã Ngã Bảy, nhìn nhận: “Hạn chế trong xử lý ổ dịch là chúng tôi mất tới 5 ngày mới tiêu hủy xong đàn heo trên 1.000 con nhiễm bệnh ở xã Hiệp Lợi. Hố chôn với số lượng quá lớn nên địa phương đang tiếp tục giám sát nghiêm ngặt, nỗ lực hết sức để kiểm soát mầm bệnh lây lan từ ổ dịch. Qua rà soát, mầm bệnh có khả năng do thức ăn vận chuyển từ bên ngoài vào, bởi trại này tuân thủ tốt về điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng”.

Mất gần 5 ngày các lực lượng chức năng mới xử lý tiêu hủy hơn 1.000 CON heo ở thị xã Ngã Bảy. Ảnh: CAO PHONG

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh ĐBSCL, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã kiến nghị Trung ương sớm có hướng dẫn việc giết mổ heo trong, ngoài vùng có bệnh, để tỉnh tổ chức, quản lý tốt khâu vận chuyển, giết mổ đàn heo trên địa bàn. Xem xét hỗ trợ 30.000 lít hóa chất cho Hậu Giang để tăng cường vệ sinh tiêu độc, phòng bệnh dịch tả heo châu Phi.

Các chốt kiểm dịch được lập ở vùng dịch tả heo châu Phi tại Hậu Giang. Ảnh: CAO PHONG

Ông Trương Ngọc Trưng, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hậu Giang cho biết nguyên nhân lây lan dịch tả heo châu Phi là do "đặc trưng của vùng sông nước". Ông lý giải: Không ít người dân chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn sinh hoạt sàn nước cặp mương, gần chuồng nuôi heo (sàn nước thường là nơi rửa rau, thịt, cá được mua từ chợ); heo nuôi lớn gần bán – thương lái mua heo đến xem; giết mổ lẻ ở nông thôn, xe vận chuyển cuối làng đầu xóm để chở heo từ nhiều hộ… Họ mang theo mầm bệnh và đây là một trong nhiều nguyên nhân có thể làm lây lan nguồn bệnh dịch tả heo châu Phi.

Ông Trương Ngọc Trưng khuyến cáo người chăn nuôi, phải thực hiện nghiêm an toàn sinh học. Theo đó, phải làm hố vôi sát trùng trước cổng ra vào khu vực trại nuôi, đồng thời có thêm hố vôi sát trùng trước cửa trại heo.

CAO PHONG - NGỌC DÂN

Liên kết nuôi vịt trời

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

7 năm trước anh Ngô Hồng Thứ (ngụ ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Tập, Cần Giuộc, Long An) gặp thợ vừa săn được ổ 11 con vịt trời. Anh đã mua cả ổ về nuôi thử.

Vịt trời thuần dưỡng tại trại của anh Thứ.

Theo anh, vịt trời nuôi khó hơn vịt nhà bởi tính hoang dã, sơ sểnh là chúng bay mất mà chăm sóc cũng rất cực. Nuôi vịt trời chuồng trại phải sạch sẽ. Vịt trời rất nhát, thoáng bóng người là hoảng sợ. Vịt trời đẻ thưa chứ không đẻ quanh năm như vịt nhà.

Để thuần dưỡng vịt trời, anh Thứ phải nuôi trên đồng ruộng xa nhà dân, vây lưới kín khu vịt mới nở, tập cho chúng ăn đúng giờ. Anh mua máy về ấp trứng, đàn vịt trời tăng dần. Đến nay, vịt giống luôn đạt số lượng 500 con, vịt trời thương phẩm trên 3.000 con.

Anh Thứ còn đứng ra xây dựng mô hình liên kết cùng nuôi vịt trời bằng cách giao vịt con miễn phí cho các hộ nghèo cùng nuôi.

"Vịt trời là món ăn đặc sản được ưa chuộng nên rất hút hàng. Bình quân giá bán 1 con vịt trời là 100.000 đồng, lợi nhuận khoảng 50.000 đồng. Mỗi ngày tôi giao 200 con mà vẫn không đủ cung ứng. Tôi giao vịt giống cho bà con nghèo trong xóm nuôi. Sau 60 ngày nuôi tôi thu sản phẩm, giao cho các mối nhà hàng, khách sạn. Rất nhiều hộ trong xóm sau thời gian nuôi vịt trời cùng tôi đã vượt qua khó khăn", anh Thứ chia sẻ.

Anh Thứ giới thiệu máy ấp vịt trời.

PHƯƠNG CHI

Bạc Liêu: Tăng cường quản lý đàn vịt nuôi

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu

Sau khi thu hoạch lúa đông xuân, nông dân trong tỉnh Bạc Liêu đã xuống giống vụ hè thu và nhiều hộ mua vịt giống về nuôi. Từ tập quán nuôi gia cầm nhỏ lẻ ở nông thôn, việc quản lý chăn nuôi, nhất là quản lý dịch bệnh của cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn.

Cán bộ thú y huyện Hòa Bình kiểm tra sổ chăn nuôi gia cầm của hộ nuôi vịt. Ảnh: M.Đ

Vụ lúa đông xuân kết thúc, ở vùng ngọt ổn định, nhiều nông dân mua vịt giống về nuôi, một số chủ vịt đến mua đồng cho vịt ăn lúa sót (vịt thả đồng) với số lượng lớn. Anh Nguyễn Văn Út (xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình) cho biết: “Sau khi thu hoạch lúa đông xuân, gia đình tôi mua vài chục con vịt thả ngoài ruộng để vịt tự kiếm ăn. Đây là tập quán chăn nuôi của nông dân”.

Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, các địa phương, ngành chức năng đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát; kiểm tra giấy chứng nhận tiêm vắc-xin và tiêm bổ sung vắc-xin cho đàn vịt chưa tiêm. Nếu chủ đàn vịt không hợp tác sẽ trục xuất đàn vịt ra khỏi địa phương. Cùng với đó, ngành chức năng tiếp tục theo dõi đàn gia cầm trong tỉnh để tiêm phòng, không bỏ sót đối tượng nuôi hết thời hạn miễn dịch.

Theo ông Trương Phước Thông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh: “Các hộ chăn nuôi khi mua gia cầm giống về nuôi phải chọn các cơ sở uy tín và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng chống dịch bệnh. Đồng thời phải báo cho chính quyền địa phương, cán bộ thú y biết để nắm, quản lý đàn gia cầm trên địa bàn”.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát việc giết mổ, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm xuất nhập tỉnh, buôn bán gia cầm tại các chợ. Tăng cường giám sát nguồn gốc giống gia cầm nhập tỉnh; quản lý chặt chẽ các cơ sở ấp nở gia cầm; thực hiện tốt phương châm “phát hiện nhanh, bao vây, khống chế và xử lý gọn” khi xảy ra dịch bệnh.

Minh Châu

Thị trường lợn, gà cuối năm: Ẩn số lớn!

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Dịch tả lợn Châu Phi đã và đang xuất hiện trên 45 tỉnh, thành trong cả nước với diễn biến ngày càng phức tạp khiến cho thị trường lợn, gà cuối năm 2019 thực sự là một ẩn số lớn.

Nuôi lợn hãy để chuyên nghiệp

Theo số liệu thống kê của Cục Thú y hiện số lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi đến thời điểm hiện tại đã trên 1,6 triệu con trên tổng số đàn lợn khoảng 27 triệu con. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là con số sơ bộ ban đầu, chắc chắn lượng lợn tiêu hủy chưa dừng lại ở con số này.

Thị trường lợn cuối năm 2019 vẫn là một ẩn số. Ảnh: Lê Bền.

Bênh cạnh Việt Nam, Trung Quốc công bố ca nhiễm dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên tháng 8/2018, theo CNN đến nay số lượng lợn tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi tại quốc gia này có thể đã lên tới 200 triệu con trên tổng số đàn lợn 700 triệu của Trung Quốc, tức chiếm 30% tổng đàn.

Sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả lợn Châu Phi khiến giá lợn hơi tại Trung Quốc giảm mạnh xuống 10 - 12 tệ/kg thì đến tháng 3/2019 đã phục hồi và tăng mạnh, hiện duy trì trung bình 15 tệ/kg, tương đương 50.000 đồng/kg.

Ngày 22/5, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc tiếp tục công bố 2 ổ dịch mới tại tỉnh Ninh Hạ, Tây Bắc Trung Quốc trên 1 trang trại có 40 con và 1 ổ dịch tại Tứ Xuyên, miền Trung Trung Quốc. Giá lợn hơi tại Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục co kéo quanh mức 15,05 tệ/kg, tương đương dưới 51.000 đồng/kg do tiêu thụ chậm.

Tại Việt Nam, giá lợn hơi hiện đã giảm sâu xuống mức 25.000 - 29.000 đồng/kg tại miền Bắc và 30.000 - 35.000 đồng/kg tại miền Nam do việc tiêu thụ chậm, bên cạnh đó rất nhiều trang trại lớn lo ngại sự lây lan nhanh chóng, phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi nên đang có hiện tượng bán chạy, bán tháo khiến nguồn cung tăng đột biến kéo giá xuống đáy.

Qua khảo sát một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn đang giữ đàn lợn cụ kỵ, ông bà, bố mẹ khoảng 2 tháng nay việc bán lợn nái, lợn giống gần như đóng băng, thậm chí một số đơn vị đã phải tận dụng chuồng trại nuôi gà để nhốt lợn bởi người chăn nuôi lo ngại dịch bệnh kéo dài nên không dám tái đàn.

Trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ đa phần có tâm lý sợ lợn đến phát ốm thì chúng tôi lại ghi nhận làn sóng các doanh nghiệp lớn bắt đầu tuyển dụng nhân sự và khảo sát tìm địa điểm để xây dựng các trang trại nuôi lợn hiện đại quy mô lớn.

Lý giải điều này, một số chuyên gia cho rằng, có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, một số doanh nghiệp đã nhìn thấy tương lai ổn định của ngành chăn nuôi lợn trong vài ba năm nữa khi tỉ lệ cơ cấu chăn nuôi nhỏ lẻ sau cơn bão dịch tả lợn Châu Phi sẽ giảm rất mạnh và rất sâu.

Nguyên nhân thứ 2, rất nhiều doanh nghiệp thức ăn gia súc có công suất lớn nhưng toàn bộ lượng cám lại bán lẻ bên ngoài thị trường nên buộc phải tự xây dựng hệ thống trang trại nuôi lợn cho chính mình nếu không muốn đóng cửa các nhà máy đã đầu tư xây dựng hàng trăm triệu USD.

Do đó, dự báo, những tháng cuối năm khi dịch bắt đầu lắng xuống, lượng lợn bị tiêu hủy với số lượng đủ lớn làm sụt giảm nguồn cung cộng với khoảng trống do người chăn nuôi dừng tái đàn gặp nhau, giá lợn hơi tại Việt Nam chắc chắn sẽ phục hồi, tuy nhiên ở mức giá nào chưa ai đoán định được.

Tuy nhiên, với chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ tốt nhất nên đứng ngoài cuộc trong giai đoạn này bởi dịch tả lợn Châu Phi có thể bùng phát trở lại và gõ cửa bất cứ khi nào, kinh nghiệm tại Trung Quốc hiện nay đang chỉ ra đúng như vậy. Do đó, chỉ những doanh nghiệp, trang trại có nguồn lực, nhân lực, kỹ thuật và bản lĩnh hãy tham gia cuộc chơi vào lúc này.

Cơ hội cho gia cầm

Rất nhanh! Ngay khi chăn nuôi lợn tại Việt Nam gặp tai họa dịch tả lợn Châu Phi, nhiều chuyên gia cho rằng, đây chính là cơ hội để ngành gia cầm Việt Nam bứt phá.

Theo số liệu của Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA), hiện tổng đàn gia cầm, thủy cầm của Việt Nam vào khoảng 450 triệu con, trong đó chiếm tới 70% là gà lông màu, 30% còn lại là gà lông trắng và thủy cầm. Năng lực, cơ cấu sản xuất giống gà lông màu tại Việt Nam hiện rất mạnh và lớn, hoàn toàn có thể đáp ứng được bất kỳ đòi hỏi nào của thị trường cả về sản lượng và chất lượng.

Chăn nuôi gia cầm đón dịp cuối năm 2019 là ẩn số hay cơ hội ngàn vàng? Ảnh: Lê Bền.

Trong đó, Tập đoàn Dabaco Việt Nam vừa mới khánh thành trang trại quy mô 350.000 gà bố mẹ tại tỉnh Bình Phước nâng tổng công suất của doanh nghiệp này lên tới 65 triệu con giống/năm. Các doanh nghiệp lần lượt tiếp theo như Minh Dư, Lượng Huệ, CP, Hòa Phát, Japfa, Phùng Dầu Sơn, Bình Minh, Hòa Bình, Viện Chăn nuôi… cộng lại sản lượng cũng tương đương nên có thể khẳng định nguồn cung về gia cầm đang rất dồi dào, đa dạng.

Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam cho biết, hiện con lợn đang chiếm tỷ trọng khoảng 70% cơ cấu sản lượng thịt của Việt Nam, gia cầm chiếm khoảng 20%, trâu bò khoảng 7%, còn lại là các loại thịt cá khác. Trong khi đó cơ cấu tỷ lệ vàng về các sản phẩm chăn nuôi tại các quốc gia phát triển là lợn chiếm khoảng 40%, gia cầm 40% và 20% là các sản phẩm khác.

Mặc dù là nước có thói quen tiêu dùng ăn nhiều thịt lợn nhưng ông Nguyễn Thanh Sơn vẫn hy vọng Việt Nam sẽ từng bước đạt được cơ cấu chăn nuôi giống các nước phát triển bởi việc phát triển quá nhanh quá nóng con lợn thời gian vừa qua đã để lại hậu quả nặng về môi trường, dịch bệnh và kinh tế, tất nhiên theo ông Sơn mong ước là vậy nhưng cuối cùng vẫn phải để thị trường quyết định.

“Mặc dù khuyến khích chăn nuôi gia cầm để tăng tỉ trọng, nhưng theo chúng tôi người chăn nuôi phải có kế hoạch, lộ trình rõ ràng và phải xác định là nuôi gà chuyên nghiệp chứ không nên ào ạt kiểu cải tạo chuồng nuôi lợn sang nuôi gà vì sẽ khiến nguồn cung tăng đột biến trong khi đầu ra không xây dựng phát triển kịp.

Thực tế giá gà giống, gà thịt, giá trứng đang thấp nhất trong lịch sử hiện nay cho thấy cung đang vượt cầu và phải nói thật ngành gia cầm cũng phát triển quá nóng mấy năm qua. Trong khi chúng ta chưa xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi là bao nên thực sự với nhu cầu tiêu thụ trong nước và khoảng trống do thịt lợn để lại, giá gia cầm dịp cuối năm vẫn đang chỉ là một ẩn số chứ không hẳn là cơ hội ngàn vàng", TS Nguyễn Thanh Sơn tâm sự.

NGUYÊN HUÂN

Có công trồng cỏ nuôi bò...

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Con bò là tài sản lớn của nhiều hộ gia đình ở nông thôn. Mà để duy trì và phát triển đàn bò, thì việc không thể thiếu chính là nguồn thức ăn: rơm, cỏ và phụ phẩm nông nghiệp.

Mô hình ủ rơm của hộ anh Lê Quốc Danh ở ấp Vĩnh Khánh 1 (Vĩnh Xuân- Trà Ôn).

Báo cáo của huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) ở lĩnh vực nông nghiệp cho thấy, đàn bò hiện đạt 29.466 con và đạt 95% kế hoạch năm. Các xã có số lượng bò phát triển khá là: Trung Hiệp, Quới An, Tân Quới Trung, Trung Thành. Theo đó, diện tích trồng cỏ nuôi bò là 778,6ha, trong đó, cỏ trồng dưới ruộng 138,9ha, cỏ vườn 639,7ha. Cùng với rơm, cỏ là nguồn thức ăn chính của con bò.

Ông Nguyễn Hữu Tài (Hai Tài, ấp Đức Hòa, xã Trung Thành Đông) nuôi bò hơn chục năm nay và hiện là một trong số ít hộ có đàn bò đông đúc trong xã. Rơm ông chất cây trong vườn- được mua chở về trữ sau mùa lúa.

Cùng cỏ, đây là nguồn thức ăn chính để duy trì và phát triển loài vật nuôi này. Cỏ thì có cỏ voi, cỏ sả, các loại cỏ ruộng... trong đó chủ yếu nhất vẫn là rơm sau mỗi vụ mùa và cỏ voi, cỏ sả.

Cạnh chuồng bò cũ lợp lá, cuối năm ngoái nhà ông Hai Tài đầu tư mở rộng chuồng để phát triển đàn, nuôi bò sinh sản và bán bê con. Ông nói khi chăn nuôi ông đã tranh thủ nguồn thức ăn tự nhiên (rơm, cỏ), chăm sóc đầy đủ, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và canh bò “lên giống” để có lứa bò con tốt.

Tại Trà Ôn, báo cáo lĩnh vực cơ cấu lại nông nghiệp cho thấy, đến nay ngành chức năng phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổng kết 19/19 mô hình, dự án từ nguồn vốn năm 2018 tỉnh đầu tư cơ cấu lại nông nghiệp và đã đánh giá hiệu quả kinh tế 14/19 mô hình. Còn 5 mô hình, dự án do thời gian thực hiện dài nên tiếp tục theo dõi.

Chuyện nuôi bò chỉ là một trong các mô hình, dự án nuôi trồng mà huyện đã và đang triển khai để nông dân sản xuất và tham gia cơ cấu lại nông nghiệp. Nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập khá cho nông dân.

Các mô hình, dự án nuôi- trồng như: bò, dê, gà, vịt siêu trứng, bồ câu Pháp sinh sản, trồng gừng, và nhất là “trồng cỏ nuôi bò thích ứng với biến đổi khí hậu”- cho thấy cây cỏ đã tham gia vào việc cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và “thời sự” hơn là thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.

Nhà ông Thạch Mực (ấp Ngãi Lộ A, xã Trà Côn) có nuôi bò từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Hàng ngày, ông lấy việc trồng đám cỏ sau nhà, cắt cỏ bò ăn là niềm vui lao động tuổi già.

Đây là những con bò giống tuyển lựa, được ngành chức năng và chính quyền cấp cho ông cũng như các hộ khó khăn. Điều kiện là hộ chăn nuôi phải có điều kiện sản xuất- là cỏ vườn nhà. Bằng cách hỗ trợ bò để hộ nghèo, hộ khó khăn chăn nuôi, mô hình này góp phần để bà con vươn lên trong cuộc sống.

Trong năm 2019, huyện Trà Ôn tiếp tục phối hợp ngành chức năng tỉnh triển khai 2 mô hình dự án do tỉnh đầu tư, đó là mô hình trồng đậu nành rau an toàn sử dụng phân hữu cơ sinh học (1,5ha, kinh phí hơn 47 triệu đồng, thực hiện tại xã Tân Mỹ); mô hình thâm canh các giống cỏ có năng suất, chất lượng cao (Ghine Mombasa và VA06) phục vụ phát triển chăn nuôi bò tỉnh Vĩnh Long (5ha, kinh phí hơn 63 triệu đồng, thực hiện tại 2 xã Vĩnh Xuân, Tích Thiện). Ở đây, cũng cho thấy “bóng dáng” bò- rơm- cỏ trong cơ cấu nông nghiệp.

Nhiều địa phương trong định hướng chăn nuôi cho biết sẽ tiếp tục phát triển đàn gia súc, gia cầm, khuyến khích theo hướng chăn nuôi trang trại và công nghiệp tập trung. Cùng với các vật nuôi khác, con bò vẫn là thế mạnh chăn nuôi ở các địa phương. Và chính vì vậy, cỏ, rơm- thức ăn chủ lực của đàn bò trong tỉnh vẫn được nông dân chú trọng tích trữ, gây trồng... để phát triển chăn nuôi.

Thân bắp được ủ mang lại giá trị dinh dưỡng không kém gì rơm.

Để giúp người chăn nuôi sản xuất, chế biến, bảo quản thức ăn thô xanh thích ứng với tình hình hạn hán, ngập mặn. Thời gian qua, Trung tâm Công nghệ sinh học chăn nuôi (thuộc Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long thực hiện dự án hỗ trợ kinh phí, tập huấn kỹ thuật ủ rơm và thân bắp làm thức ăn chăn nuôi, cho 30 hộ chăn nuôi bò tại huyện Trà Ôn.

Tham gia mô hình, anh Lê Quốc Danh (ấp Vĩnh Khánh 1, xã Vĩnh Xuân) được hướng dẫn ủ cả rơm và thân bắp để làm thức ăn chăn nuôi, trong khi trước đây anh chỉ cho bò ăn cỏ và rơm khô. Cỏ ngày càng khó kiếm hơn nên anh cũng dự trữ rơm để cho bò ăn dần, vì vậy anh rất phấn khởi vì rơm ủ thì bò vẫn “ăn ngon” mà lại có lượng đạm tăng lên đáng kể và có thể dự trữ đến 7- 8 tháng, rất thuận lợi cho người chăn nuôi.

Theo đánh giá của TS Đoàn Đức Vũ- Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học chăn nuôi, thời gian qua, một số tỉnh ĐBSCL, trong đó có Vĩnh Long bị ảnh hưởng hạn hán và xâm nhập mặn. Ngoài Bến Tre và Trà Vinh có tổng đàn bò khá lớn, Vĩnh Long và Sóc Trăng cũng chú trọng phát triển chăn nuôi bò thịt trong những năm gần đây. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn thức ăn thô vẫn chưa được giải quyết một cách khoa học và bền vững.

Do đó, việc chủ động trồng cỏ thâm canh cũng như chế biến, bảo quản cỏ, rơm, phụ phẩm nông nghiệp là giải pháp mang tính chiến lược để phát triển chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt là bò thịt, dê, thích ứng với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL hiện nay.

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN- THÀNH LONG

Bình Định: Đa dạng sinh kế, vật nuôi bằng giống vịt biển

Nguồn tin: Báo Bình Định

Kết quả kiểm tra mô hình liên kết nuôi vịt biển thương phẩm hướng thịt giữa Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định và 2 hộ dân ở xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước cho thấy, sau 2,5 tháng nuôi, trọng lượng bình quân đạt 2,5 - 2,7 kg/con (ảnh); với giá trung bình 95.000 - 100 nghìn đồng/con, người nuôi có lãi khoảng 20.000 đồng/con.

Mô hình có quy mô 1.000 con/hộ nuôi; Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 50% chi phí con giống, kỹ thuật chăm sóc và giới thiệu tiêu thụ sản phẩm.

Giống vịt biển mà hai hộ nuôi thử nghiệm là giống vịt kiêm dụng do Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (thuộc Viện Chăn nuôi Quốc gia) nghiên cứu, chọn tạo, còn có tên Vịt biển 15 - Đại Xuyên, có thể nuôi cả trong vùng nước ngọt và tại cả các vùng nước mặn như ven biển, hải đảo, cửa sông. Mục tiêu của mô hình đa dạng vật nuôi, tạo sinh kế cho các hộ sống ở vùng nước lợ, nước mặn và người chăn nuôi trên địa bàn.

TẤN HÙNG

Mô hình nuôi lợn rừng hiệu quả ở vùng biên

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Bằng sự tiến bộ trong suy nghĩ và cách làm ăn, anh Nguyễn Hành ở khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) đã chuyển đổi cây trồng, con nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Đặc biệt, nhờ cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, anh đã đưa giống lợn rừng F1 từ Thái Lan về nhân giống, phát triển đàn vật nuôi mỗi năm lên đến hàng trăm con, mang lại nguồn thu nhập khá cao cho gia đình, trở thành một trong những điển hình sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương.

Mô hình kinh tế mới

Trước đây, anh Hành đầu tư nuôi bò, tuy nhiên do thị trường tiêu thụ không ổn định và ảnh hưởng của dịch bệnh nên không mấy hiệu quả. Vì thế, anh thường xuyên lên mạng internet, xem ti vi, sách báo tìm kiếm những mô hình kinh tế mới phù hợp để áp dụng. Nhận thấy nhiều địa phương trong nước nuôi lợn rừng cho thu nhập cao lại thích hợp với vùng biên giới Lao Bảo, anh quyết định nghiên cứu kĩ hơn về mô hình chăn nuôi này. Năm 2015, anh Hành đầu tư hơn 300 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mua con giống, trồng chuối, rau cung cấp thức ăn cho lợn trên diện tích đất hơn 1 ha. Anh thiết kế chuồng trại thành nhiều khu, tách các loại lợn giống, lợn nái, lợn thịt ra từng khu vực đảm bảo cho lợn phát triển tốt và dễ chăm sóc. Thức ăn cho lợn chủ yếu từ thân chuối, rau khoai anh tự trồng và mua thêm bột ngô, sắn nên chất lượng lợn luôn đảm bảo.

Hiện nay, trong chuồng trại của anh duy trì 1 lợn giống F1 Thái Lan, hơn 10 lợn nái và hơn 100 con lợn thịt. Anh Hành chia sẻ: “Lợn rừng phải nuôi theo hình thức kết hợp cả hoang dã và nuôi nhốt vừa giúp tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt vẫn đảm bảo thơm ngon. Từ khi nuôi đến khi xuất bán lợn thịt sau 10 tháng, trước khi xuất chuồng 1 - 2 tháng thả lợn ra diện tích đất rộng cho chạy nhảy giúp tiêu hao mỡ, bì dày, thịt săn chắc. Lợn rừng khá dễ nuôi nhờ ăn khỏe, chóng lớn, đẻ khỏe, ít bệnh tật, thịt thơm ngon hơn hẳn so với lợn nuôi thông thường, được thị trường ưa chuộng. Vì thế, gần 4 năm nay việc mô hình nuôi lợn rừng của gia đình tôi thuận lợi. Trung bình, mỗi năm giống lợn rừng Thái Lan đẻ được từ 2-3 lứa, mỗi lứa từ 7 - 8 con; 1 kg lợn hơi có giá 120 nghìn đồng, lợn giống 1 kg có giá 220 nghìn đồng. Trừ chi phí, tôi thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư mở rộng khu vực chăn nuôi, tăng số lượng đàn lợn, đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập cho gia đình”.

Hiện khách hàng khắp nơi trong tỉnh đến tận trang trại của anh Hành tham quan và mua lợn thịt, lợn giống. Không ít người muốn học tập mô hình nuôi lợn rừng và anh không ngại chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với họ. Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Lao Bảo Trần Đại Luận cho biết: “Hiện nay ở Lao Bảo có một số hộ nuôi lợn rừng nhưng mô hình của anh Hành đầu tư bài bản và mang lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều người biết đến. Hội luôn khuyến khích hội viên, nông dân tìm tòi, học hỏi và xây dựng mô hình kinh tế mới phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương cũng như điều kiện kinh tế của gia đình như trường hợp của anh Hành. Thời gian tới, hội phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn kĩ thuật chăn nuôi và trồng trọt, trong đó có kĩ thuật chăn nuôi lợn rừng; hỗ trợ nông dân vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng”.

Kăn Sương

Giá dê tăng kỷ lục

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Từ mấy tháng nay, hàng trăm hộ nuôi dê ở Bình Phước vui mừng khi giá dê liên tục tăng.

Bán dê, gom tiền xây nhà

Năm 2018, gia đình chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Tân Thành, huyện biên giới Bù Đốp tham gia vào Tổ hợp tác nuôi dê của Hội phụ nữ xã. Sau hơn một năm, từ 3 cặp dê giống ban đầu, chị Hoa đã xuất bán lứa đầu được hơn 3 tạ dê hơi. Thương lái mua tại chuồng với giá tới 130 ngàn đồng/kg.

Chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Tân Thành, huyện Bù Đốp, khá lên sau khi tham gia THT nuôi dê sạch Tân Thành.

“Mình chỉ bỏ công chặt lá từ trụ tiêu cho dê ăn, chứ không phải bỏ tiền mua thức ăn. Nên toàn bộ tiền thu được là tiền bỏ công ra chứ không phải đầu tư thêm. Ngoài ra, đàn dê giờ vẫn còn 20 con”, chị Hoa khoe.

Được biết, gia đình chị Hoa trước đây vốn là hộ nghèo, sống trong ngôi nhà thưng vách tạm bợ. Nhờ chịu khó làm ăn và chắt chiu, tiết kiệm nên cách đây 2 tháng, anh chị đã có đủ tiền xây ngôi nhà mới. Trong số tiền này, đàn dê góp một phần không nhỏ.

Anh Nguyễn Văn Thành, ở cùng xã Tân Thành, huyện Bù Đốp, có đàn dê 35 con, cho biết giá dê hơi tăng cao kỉ lục, đạt mức 130 ngàn đồng/kg bán tại chuồng đã trở thành nguồn động viên quý giá, cải thiện đáng kể thu nhập.

Gia đình anh Trần Đức Trung (ngụ xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp) có đàn dê 30 con cho biết, thương lái từ các tỉnh phía Bắc, nhất là Hà Nội đến tận nhà đặt mua. “Nhà tôi từ Tết đến giờ đã xuất được gần 6 tạ dê thu được 51 triệu đồng”, anh Trung phấn khởi.

Dê Bình Phước hút hàng, giá cao do được chăn nuôi sạch, thức ăn đều từ cây lá trong vườn.

Còn anh Phạm Đình Dũng, ở xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh, cũng là một trong số những hộ khá lên nhờ đàn dê. Từ vài con ban đầu, nay đàn dê của gia đình anh đã lên đến hơn 100 con.

Hiện anh dành hẳn một khoảnh đất rộng gần 1.000m2 để trồng cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn cho dê vào mùa khô. Trung bình mỗi năm, nguồn thu từ nuôi dê của gia đình anh đạt gần 200 triệu đồng. Hiện anh Dũng chuẩn bị xuất chuồng lứa dê tiếp theo và với giá hiện nay, anh ước thu về khoảng 400 triệu đồng.

Toàn tỉnh Bình Phước hiện có khoảng 17.000ha hồ tiêu, trong đó hơn 2/3 diện tích được trồng bằng trụ keo sống. Đây là nguồn thức ăn tương đối đồi dào cho dê, và là điều kiện tốt để phát triển mô hình trồng tiêu kết hợp nuôi dê. Do tiêu rớt giá mạnh, nhiều nhà không chăm sóc nữa nhưng họ vẫn chăm bón cho cây keo để lấy lá cho dê ăn.

Đàn dê của gia đình anh Dũng

"Chưa năm nào giá dê cao như năm nay. Năm ngoái, giá dê hơi lúc cao nhất cũng chỉ khoảng 90 ngàn đồng/kg. Còn hiện tại, giá 1kg dê hơi từ 130-145 ngàn đồng. Từ tết tới giờ nhà tôi cũng xuất bán gần 6 tạ dê”, chị Nông Thị Lệ, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi dê xã Tân Thành nói.

HTX nuôi dê sạch

Ra đời tháng 6/2018, Tổ hợp tác nuôi dê xã Tân Thành do chị Nông Thị Lệ làm Tổ trưởng, là một trong số những mô hình rất thành công. Đây là dự án khởi nghiệp đạt giải nhất tại cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp - khởi sự kinh doanh do Hội LHPN tỉnh Bình Phước tổ chức năm 2018. Tổ hợp tác có 40 thành viên, tạo việc làm 100 lao động nữ, vốn ban đầu gần 7 tỷ đồng. Hiện THT này có 40 chuồng, nuôi 1.600 con dê cái bầu và 40 con dê đực. Toàn bộ đàn dê của THT được nuôi thống nhất về phương pháp, kỹ thuật và thức ăn, không dùng chất kích thích, nguồn thức ăn của dê đều được tận dụng từ cây cỏ tự nhiên.

“Bà con nông dân lao động vất vả, 1 nắng 2 sương, nhưng lại không đảm bảo được giá trị đầu ra của sản phẩm, cứ phải chịu cảnh “được mùa, mất giá - mất mùa, trắng tay”, xót lắm. Từ khi THT nuôi dê sạch Tân Thành ra đời, người nuôi được đảm bảo đầu ra, giá cả, thu nhập ổn định nên bà con phấn khởi lắm. Đây là xu hướng phát triển tất yếu, hướng đi bền vững cho người nông dân”, chị Nông Thị Lệ, Tổ trưởng THT nuôi dê sạch Tân Thành, huyện Bù Đốp, Bình Phước.

Với 45 thành viên, vốn điều lệ hơn 1,2 tỷ đồng, HTX kinh doanh chăn nuôi dê Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh, lại có cách làm hay khác, đó là vừa chăn nuôi vừa kinh doanh thịt dê, giúp tăng thêm một nguồn thu từ bán thịt dê sạch.

Nhu cầu tăng vọt

Nguyên nhân khiến giá dê tăng cao, theo anh Trần Minh Thiện, một thương lái ở huyện Bù Đốp, do mấy tháng nay, thương lái từ các tỉnh phía Bắc vào tận nơi đặt mua với số lượng lớn.

Một nguyên nhân khác nữa khiến dê Bình Phước hút hàng là do chất lượng tốt. Thịt dê ở Bình Phước nói chung và các THT nói riêng, đều đạt chất lượng cao, thịt săn chắc, không mỡ.

Hai xã Tân Thành và Tân Tiến của huyện Bù Đốp, có đến 8 điểm thu mua dê thịt chuyên cung cấp cho thị trường các tỉnh phía Bắc.

HỒNG THỦY

Đồng Nai: Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap): Hỗ trợ cấp chứng nhận VietGAHP cho 654 hộ chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Ngày 30-5, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn cùng Ban quản lý Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị tổng kết dự án Lifsap giai đoạn 2010-2015 và khoản vay bổ sung giai đoạn 2016-2018.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh phát biểu tại hội nghị

Theo Ban quản lý dự án Lifsap tỉnh, sau 9 năm triển khai thực hiện, đến nay trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 1 hợp tác xã và 67 tổ hợp tác thực hành chăn nuôi an toàn (GAHP) với tổng số thành viên tham gia đạt 891 hộ. Trong đó, có 49 tổ hợp tác với 654 hộ đã được dự án hỗ trợ đánh giá, cấp chứng nhận VietGAHP. Ngoài ra, dự án cũng đã hỗ trợ về quy trình thực hành chăn nuôi tốt, con giống, thiết bị phục vụ chăn nuôi, xây dựng công trình khí sinh học cho các nông hộ tham gia dự án.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Đến nay, dự án cũng đã hỗ trợ xây dựng được 2 chuỗi kết nối sản phẩm heo an toàn để cung cấp vào hệ thống siêu thị BigC và MM Mega Market; hỗ trợ kinh phí xây dựng cho 33 cơ sở giết mổ đảm bảo các quy định về điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong quá trình tham gia thực hiện dự án.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu, sau khi kết thúc dự án Lifsap, các sở ngành, đơn vị, địa phương cần tiếp tục hướng tới phát triển các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng kế hoạch, lộ trình sắp xếp quản lý giết mổ động vật theo quy hoạch đã phê duyệt, xây dựng vùng an toàn dịch trong chăn nuôi, thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chăn nuôi, hướng tới xây dựng các chuỗi sản xuất an toàn. Đồng thời, các địa phương cần thường xuyên tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động tại các chợ, thực hiện đầy đủ các cam kết để bảo đảm vệ sinh toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường…

Cũng tại buổi lễ, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong quá trình tham gia thực hiện dự án.

Tin, ảnh: Hải Quân

Hiếu Giang tổng hợp

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop