Tin nông nghiêp CN ngày 03 tháng 11 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiêp CN ngày 03 tháng 11 năm 2019

Đắk Lắk: Mô hình trồng chuối xuất khẩu đầu tiên ở huyện Krông Pắc

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Mô hình sản xuất chuối sạch xuất khẩu ở buôn Kré (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) do Công ty Cổ phần KD Green Farm (gọi tắt là Công ty) đầu tư đã đáp ứng các tiêu chuẩn nông sản chất lượng, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần KD Green Farm cho biết, tháng 8-2018 Công ty bắt đầu triển khai trồng 100 ha giống chuối già Nam Mỹ bằng phương pháp cấy mô công nghệ cao, vườn trồng được thiết kế theo ô bàn cờ nhằm thuận tiện cho việc canh tác và thu hoạch sau này. Để sản phẩm chuối già Nam Mỹ đặt tiêu chuẩn xuất khẩu, ngay từ khâu chọn giống đến trồng, chăm sóc, thu hoạch đều phải tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật.

Toàn bộ diện tích vườn chuối được đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, bón phân tới từng gốc chuối, giúp tiết kiệm nước tưới và nhân công. Cây trồng được chăm sóc đầy đủ sau 6 tháng sẽ trổ buồng và 3 tháng sau cho thu hoạch, giai đoạn tạo buồng được theo dõi kỹ lưỡng để xử lý từng công đoạn như: cắt bỏ lá vàng úa, bẻ nụ, tỉa trái (đối với nải chuối nào quá sai hoặc không đạt chất lượng), bao nải, bao buồng… nhằm bảo đảm cho trái chuối sạch, đẹp, không bị tì vết.

Công nhân Công ty Cổ phần KD Green Farm cắt chuối thành từng nải trước khi cho vào bể rửa.

Chuối sau khi thu hoạch được tập kết về khu sơ chế bằng một hệ thống cáp tải truyền (ròng rọc) có tổng chiều dài 15 km. Tại khu sơ chế có diện tích gần 2.000 m2, các buồng chuối được cắt thành từng nải qua 4 bể rửa, sơ chế, phân loại kiểm tra, cân trọng lượng chuẩn theo yêu cầu (13 kg chuối/thùng) rồi chuyển qua khâu hong khô và đóng gói cẩn thận trước khi nhập kho lạnh bảo quản.

Dự án trồng chuối xuất khẩu của Công ty Cổ phần KD Green Farm bước đầu đã tạo việc làm thường xuyên cho 250 lao động tại địa phương, giúp người dân thay đổi tư duy làm nông nghiệp, ổn định thu nhập với mức lương khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.

“Hiện tại, bình quân mỗi tháng Công ty Cổ phần KD Green Farm đã xuất khẩu chính ngạch sang các nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Singapore khoảng 400 tấn chuối, tương đương 20 xe container. Dự tính trong năm đầu thu hoạch năng suất đạt 40 tấn/ha, cho sản lượng 2.000 tấn quả” - bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty CP KD Green Farm.

Anh Hà Văn Khánh (thôn Thanh Sơn), một công nhân đang làm việc tại Công ty chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chỉ dựa vào mấy sào đất trồng hoa màu nhưng do đất canh tác cằn cỗi nên kinh tế mãi không khá lên được. Từ khi được vào làm công nhân với mức lương và công việc phù hợp, nơi làm việc lại gần nhà thuận tiện đi lại đã giúp tôi yên tâm lao động, dần ổn định cuộc sống”.

Với những hiệu quả khả quan mà dự án trồng chuối cấy mô công nghệ cao đem lại, dự kiến những năm tiếp theo, mỗi năm Công ty Cổ phần KD Green Farm sẽ mở rộng thêm khoảng 100 ha trồng chuối. Vùng nguyên liệu mới sẽ thu hút thêm nhiều lao động tham gia vào quy trình sản xuất, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động tại chỗ và các vấn đề về an sinh xã hội.

Ông Nguyễn Duy Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn đánh giá, Vụ Bổn là một xã nghèo, nằm cách trung tâm huyện Krông Pắc hơn 30 km, với 15 dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện đất đai khô cằn, hệ thống giao thông thủy lợi chưa được đầu tư bài bản nên cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Thành công bước đầu từ dự án trồng chuối công nghệ cao phục vụ xuất khẩu đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế của địa phương, những cánh đồng chuối xanh ngát dần thay thế vùng đất cằn sỏi đá đang mở ra hướng phát triển kinh tế ổn định cho người dân.

Thùy Linh

Bình Phước: Giá mít Thái tăng cao

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Những năm gần đây, cây mít Thái được nông dân huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) đưa vào trồng nhiều, do cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, khoảng 2 năm đã cho thu hoạch. Tháng 10-2019, giá mít Thái tăng đỉnh điểm từ trước tới nay, giúp người có thu nhập cao từ loại cây này.

Một vườn mít thuộc Chi hội nghề trồng mít Hội nông dân thị trấn Chơn Thành

Theo những hộ trồng mít Thái ở huyện Chơn Thành, trong tháng 1 và 2-2019, giá mít Thái dao động 3-5 ngàn đồng/kg mít trái và 11 ngàn đồng/kg mít múi. Giữa tháng 3 đến tháng 9, giá mít lên tới 7-8 ngàn đồng/kg mít trái và 14 ngàn đồng/kg mít múi. Bước sang tháng 10, giá mít tăng cao đỉnh điểm từ 12-14 ngàn đồng/kg mít trái và 20-21 ngàn đồng/kg mít múi (tăng 7 ngàn đồng/kg so cùng kỳ năm trước). Các thương lái thu mua cho biết, giá mít tăng vì hàng xuất sang Trung Quốc rất thuận lợi.

Giá mít các tháng có dao động nhưng nhà vườn vẫn thu nhập cao, khoảng hơn 300 triệu đồng/ha. Hiện nay là thời điểm rộ vụ, các nhà vườn đang tranh thủ thu hoạch mít và thuê nhân công lột mít múi với giá 3 ngàn đồng/kg.

Đỗ Trình

Bình Phước: Phòng và trị sâu keo phá hoại bắp

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Bình Phước xuất hiện loại sâu mới gọi là sâu keo mùa thu đang phá hoại nhiều diện tích bắp của người dân. Hiện sâu non và sâu trưởng thành có khả năng kháng thuốc, sâu trưởng thành đã có thể di chuyển và phát tán xa, gây tâm lý lo lắng cho nông dân.

SÂU LẠ BÙNG PHÁT

Mặc dù nhiều năm làm nông nghiệp nhưng lần đầu tiên ông Võ Văn Thống ở ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi (Đồng Phú) chứng kiến một loại sâu lạ có sức tàn phá nhanh như vậy. Chúng xuất hiện và tập trung nhiều nhất ở khu vực có vườn bắp đang xoáy nõn và trổ cờ. Gia đình ông Thống có 6 ha bắp nhưng hiện cây nào cũng bị nhiều sâu hại. Với mật độ trung bình 6-7 con sâu/cây, nhiều cây có cả sâu non, sâu trưởng thành và nhộng... ăn trụi lá bắp non. Ông Thống cho biết, sâu keo mùa thu bùng phát rất nhanh, chỉ sau 1 đêm đã phá hoại diện tích lớn vườn bắp. Gia đình ông phải phá một lứa bắp và trồng lại lứa thứ hai nhưng vẫn bị sâu tàn phá. Để cứu diện tích bắp, ông đã mua thuốc về phun nhiều lần nhưng không ăn thua bởi loại sâu này có khả năng kháng thuốc và di chuyển, phát tán rất xa. Không chỉ phá hoại lá và đọt non, sâu keo mùa thu còn phá hoại cả trái bắp.

Vườn bắp của gia đình anh Võ Văn Đức ở ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi (Đồng Phú) bị sâu keo mùa thu tàn phá

Cũng tại ấp Thạch Màng, gia đình anh Võ Văn Đức trồng 6 ha bắp đang bị loại sâu này tàn phá. Mấy năm trước, gia đình anh thu về hơn 10 tấn bắp/ha/vụ, thế nhưng năm nay dịch sâu keo mùa thu bùng phát, phá hoại gần hết diện tích bắp nên anh phải chặt bỏ để tiêu hủy. Anh Đức cho biết, số cây bắp còn lại cho thu hoạch chẳng đáng là bao, trong khi 10 trái thì có tới 9 trái bị sâu keo phá hoại. Nhiều trái bắp lật ra có tới 4-5 con sâu bên trong.

Sâu keo mùa thu thuộc bộ cánh vảy, họ ngài (bướm) đêm. Sâu trưởng thành hoạt động về ban đêm, từ khi mọc cánh đến lúc đẻ trứng, chúng có thể bay nhiều kilômét để tìm nơi sinh sản. Đặc biệt, chúng có thể di chuyển xa hàng trăm kilômét nhờ gió nên khả năng phát tán dịch bệnh rất cao. Sâu trưởng thành sống trung bình 12-14 ngày với mỗi lần đẻ 50-200 quả trứng. Một sâu cái trưởng thành có sức đẻ từ 1.000-2.000 trứng. Sâu non có 6 tuổi, thời gian sâu non kéo dài 14-21 ngày, nếu độ ẩm cao, nhiệt độ thấp thì thời gian pha sâu non kéo dài khoảng 30 ngày và đây là giai đoạn chúng gây hại chính cho cây bắp. Sâu non mới nở có thể nhả tơ để nhờ gió phát tán đến các cây khác gần đó gây hại. Sâu non, nhộng, trứng, thậm chí sâu trưởng thành di chuyển theo sản phẩm, phế phụ phẩm của cây ký chủ, trong quá trình vận chuyển cây ký chủ qua biên giới hoặc theo hàng hóa thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc giữa các địa phương trong nước.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Phú cho biết, đến nay trên địa bàn huyện có khoảng gần 44 ha bắp bị sâu keo mùa thu gây hại, với mật độ phổ biến 1-4 con/m2, mật độ cao 10-15 con/m2. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều đợt mưa dầm, cộng với sự phát triển nhanh, mạnh và sức tàn phá lớn của sâu nên thiệt hại càng nghiêm trọng hơn.

Ngay từ khi phát hiện sâu keo mùa thu bùng phát tại Bình Phước, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh và các huyện đã cử cán bộ chuyên môn về cơ sở điều tra, giám sát. Trong khi chờ hướng dẫn cụ thể của cơ quan chuyên môn cấp trên, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh phối hợp các huyện giám sát và tư vấn nông dân biện pháp phòng trừ. Trước mắt, tập trung vào diện tích bắp 3 lá đến giai đoạn xoáy nõn, đây là giai đoạn mật độ sâu gây hại rất cao; đồng thời, tiến hành phòng trừ, khuyến cáo nông dân sử dụng một số loại thuốc nội hấp, lưu dẫn, đặc biệt giai đoạn bắp xoáy nõn đến trổ cờ.

PHÒNG, CHỐNG SÂU KEO MÙA THU NHƯ THẾ NÀO?

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sâu keo mùa thu là loại sâu hại mới, xâm nhập vào nước ta từ tháng 4-2019. Đây là loại sâu hại có khả năng di chuyển rất xa, vòng đời ngắn, có nhiều lứa và thời gian các lứa sâu đan xen nhau nên rất khó trong phòng, chống.

Toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 3.000 ha bắp đang giai đoạn 60 ngày tuổi đến thời kỳ chuẩn bị cho trái. Hiện nay, diện tích sâu keo gây hại lên tới 56 ha, trong đó mức độ gây hại nặng trên 17 ha, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Đồng Phú và Chơn Thành.

Trước tình trạng đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ giữa tháng 8-2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã chỉ đạo đơn vị chuyên môn, UBND xã, phường, thị trấn thực hiện triệt để việc phòng và trị bệnh sâu keo mùa thu bằng nhiều biện pháp như làm sạch cỏ dại xung quanh vườn trồng bắp để hạn chế nơi trú ẩn của sâu. Làm đất rồi phơi đất khô để ấu trùng, nhộng trong đất chết hoặc dễ dàng bị thiên địch tiêu diệt. Luân canh bắp và các cây ngắn ngày khác để diệt nhộng trong đất. Làm đất kỹ cũng góp phân diệt nhộng trong đất. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt ở giai đoạn bắp 3-6 lá để phát hiện ổ trứng, ngắt tiêu hủy. Sử dụng tro bếp hoặc nước xà bông loãng đổ vào nõn bắp diệt sâu non. Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học để bảo vệ thiên địch sâu keo mùa thu. Sử dụng chế phẩm nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn BT, virus NPV để phun trừ sâu non. Thả ong ký sinh trứng (ong mắt đỏ...), các loài bắt mồi ăn thịt như bọ đuôi kìm để kiểm soát sâu non mới nở. Dùng bẫy bả chua ngọt, bẫy đèn bằng cách sử dụng bẫy dính màu vàng có pheromone giới tính, hoặc bẫy đèn để diệt sâu trưởng thành.

Đặc biệt, nông dân nên dùng các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng để phun trừ sâu non khi cây bắp ở giai đoạn 3-6 lá. Thời điểm phun vào sáng sớm hoặc chiều mát để đạt hiệu quả cao nhất. Nếu trong trường hợp danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam chưa có thuốc trừ sâu keo mùa thu thì cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật trong phòng trừ loại sâu hại này.

Gia Nghi

Ninh Bình: Vào vụ thu hoạch, người trồng nấm thu tiền triệu mỗi ngày

Nguồn tin: Báo Ninh Bình

Nếu như thời điểm này năm ngoái, nhiều trại nấm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình rơi vào cảnh mất mùa, thất thu thì năm nay đa số người trồng nấm đều phấn khởi bởi nấm sinh trưởng, phát triển thuận lợi, cho sản lượng cao, nhiều hộ thu về cả triệu đồng mỗi ngày.

Trang trại trồng nấm tại xã Khánh Trung (Yên Khánh). Ảnh: Anh Tuấn

Nấm sò hay có tên là nấm bào ngư là loại nấm được trồng phổ biến ở hầu hết các cơ sở sản xuất nấm trên địa bàn tỉnh. Chúng sinh trưởng và phát triển thuận lợi trong điều kiện nhiệt độ từ 20 đến 25 độ C, độ ẩm không khí trên 85% nên từ tháng 8 đến tháng 4 năm sau là thời điểm thích hợp để trồng loại nấm này. Thời điểm này là lúc các hộ trồng nấm vào mùa thu hoạch rộ.

Chúng tôi tìm đến trại nấm của ông Ninh Mạnh Thắng, xã Yên Nhân, huyện Yên Mô, không khí sản xuất ở đây đã nhộn nhịp ngay từ sáng sớm, chỗ thì tất bật thu hoạch, chỗ đang sơ chế, đóng gói. Ông Thắng cho biết: Để kịp đưa nấm đến các chợ đầu mối, thì việc thu hoạch phải tiến hành ngay từ sáng sớm.

Năm nay thời tiết khá thuận, mặc dù ông vào giống sớm hơn 10 ngày so với thời vụ nhưng cây nấm vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường, sau hơn 1 tháng trồng đã bắt đầu cho thu hái. Trung bình mỗi ngày gia đình cung ứng ra thị trường gần 1 tạ, giá bán tại nhà từ 25-30.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 35.000 đồng/kg.

Giống như gia đình ông Thắng, vào thời điểm này gia đình ông Nguyễn Văn Đô ở xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh cũng đang tất bật với công việc sản xuất nấm. Gia đình ông bắt đầu xây dựng trang trại trồng nấm ở Ninh Bình chục năm về trước. Ông chọn loại nấm sò để khởi nghiệp, bởi đây là loài nấm khá dễ trồng, thị trường tiêu thụ rộng.

Mặt khác, nguồn nguyên liệu làm nấm sò cũng rất dồi dào từ rơm rạ, mùn cưa... giá rẻ, dễ kiếm. Chia sẻ với chúng tôi, ông Đô cho biết: Năm ngoái, nhiều hộ trồng nấm trong vùng bị thất thu nhưng năm nay từ đầu vụ đến giờ sản xuất khá thuận lợi. Riêng gia đình tôi một tháng nay mỗi ngày thu hoạch khoảng 2 tạ nấm sò, ngoài ra tôi còn phát triển nhiều sản phẩm khác như nấm kim phúc, nấm mỡ, nấm linh chi, nấm rơm…

Theo thông tin từ Hiệp hội ngành nghề nấm Ninh Bình thì toàn tỉnh hiện có gần 200 gia đình và 10 tổ hợp tác sản xuất và chế biến nấm, giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động nông nhàn. Rút kinh nghiệm từ vụ sản xuất trước, vụ nấm này, bà con xây dựng và cải tạo lán trại đảm bảo độ ẩm, đủ ôxy, khử trùng bằng vôi bột nhằm hạn chế dịch bệnh, giúp nấm sinh trưởng, phát triển tốt.

Hiện nay, bà con đang thu hái những lứa nấm đầu tiên, ước tính cứ 1.000m2 lán trại, cho năng suất 120kg/ngày, tăng 30kg so với vụ trước, trừ chi phí thu lãi 1,5 triệu đồng/ngày. Trong thời gian tới, để duy trì việc sản xuất nấm, đảm bảo năng suất, chất lượng, ông Phạm Quốc Nam, Chủ tịch Hiệp hội khuyến cáo: Hai vấn đề quan trọng trong quá trình trồng nấm là giống và môi trường. Người trồng nấm cần vệ sinh sạch sẽ khu vực trồng nấm, sử dụng vôi tỏa rắc kín toàn bộ nền trại, phun thuốc muỗi trước khi cấy giống.

Có thể dùng lưới, màn che kín để ngăn không cho ruồi giấm bay vào gây hại. Ngoài ra, cũng cần thường xuyên theo dõi độ ẩm trong lán nấm để có sự điều chỉnh kịp thời. Nếu thấy độ ẩm trên 90% thì dừng việc tưới nước, còn khi độ ẩm đột ngột giảm xuống thì phải tăng số lần tưới lên, có thể là 4-5 lần/ngày.

Hà Phương

Nhiều lợi ích khi phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Bà con nông dân rất ấn tượng với thiết bị bay không người lái dùng để phun thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: Bình Nguyên

Ngày 30-10, tại xã Hưng Thịnh, huyện Tân Hưng (Long An), Tập đoàn Lộc Trời tổ chức trình diễn phun thuốc bảo vệ thực vật trên lúa bằng thiết bị bay không người lái (drone). Đây là hoạt động nằm trong dự án triển khai ứng dụng công nghệ cao vào canh tác nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất cho bà con nông dân.

Hiện nay, với xu thế công nghệ hóa trong nông nghiệp, việc áp dụng hệ thống phun thuốc bảo vệ thực vật bằng drone đã cho thấy được nhiều tiện ích. Sự hỗ trợ của drone trong canh tác sẽ giúp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, tài nguyên nước và quan trọng nhất bảo vệ sức khỏe nông dân do không cần trực tiếp phun thuốc. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chương trình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế SRP mà Tập đoàn Lộc Trời đang thực hiện.

Bà con nông dân xem trình diễn thiết bị bay không người lái dùng để phun thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: Bình Nguyên

Trong buổi tổ chức sự kiện, ngoài việc tham quan thực nghiệm drone phun thuốc, bà con nông dân còn trực tiếp tham gia tọa đàm về các vấn đề liên quan đến ứng dụng drone vào phun thuốc quản lý dịch hại trên cây lúa nhằm có cái nhìn toàn diện hơn về thiết bị bay nông nghiệp. Qua quá trình thực nghiệm drone phun thuốc cho thấy hạt thuốc khi ra khỏi đầu phun có kích cỡ rất nhỏ, mịn, điều này sẽ giúp nông dân giảm lượng nước thực tế cần dùng mà vẫn đảm bảo độ trải đều bề mặt và mang lại hiệu quả cao.

Thiết bị bay không người lái đang phun thuốc bảo vệ thực vật trên ruộng lúa. Ảnh: Bình Nguyên

Ngoài ra, việc phun thuốc bảo vệ thực vật trên lúa bằng thiết bị bay không người lái còn giúp tăng năng suất lao động từ 15 - 30 lần, giảm giá thành, rút ngắn thời gian phun thuốc trên 1 đơn vị diện tích; giảm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật so với phun xịt thông thường; công nghệ phun ly tâm giúp giọt nước xoáy tròn nên việc tiếp xúc sâu bệnh mặt dưới lá hiệu quả hơn; khả năng tập trung thiết bị bay không người lái để phun thuốc dập dịch nhanh; chủ động thời gian phun thuốc với khả năng phun thuốc ban đêm; phun thuốc chính xác với việc kiểm soát công nghệ phun trên máy bay, ứng dụng chẩn đoán dịch hại đồng bộ dữ liệu với máy bay phun tự động vào khu vực có dịch hại; giảm tổn thất sản lượng lúa 150 - 200 kg/ha so với phun xịt thuốc thông thường do lúa không bị giẫm đạp.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho biết: “Thông qua dự án triển khai thiết bị bay nông nghiệp, chúng tôi mong muốn bảo vệ sức khỏe nông dân và gìn giữ nguồn tài nguyên nước một cách tốt hơn. Những lợi ích đến từ dự án này nhằm góp phần gia tăng lợi nhuận sản xuất cho bà con nông dân. Đó cũng chính là nỗ lực của tập đoàn trong hiện thực hóa tầm nhìn tiên phong trong ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến hướng tới hiệu quả”.

Bình Nguyên

Lâm Đồng: Nuôi gà Lạc Thủy ở vùng sâu Bảo Thuận

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Phát triển những vật nuôi dễ chăm sóc, cho hiệu quả kinh tế cao là một ưu tiên của ngành nông nghiệp. Giữa xã vùng sâu Bảo Thuận, huyện Di Linh, những đàn gà Lạc Thủy đang mang lại thu nhập tốt cho cư dân. Đây là thành công của mô hình phát triển gà Lạc Thủy cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Gà Lạc Thủy trên nền đệm lót sinh học. Ảnh: D.Quỳnh

Gia đình anh K’Nhàn, thôn Ka La, xã Bảo Thuận cũng như hầu hết các hộ xung quanh đều gắn bó với cây cà phê. Cán bộ khuyến nông đã tới tận nhà hướng dẫn anh kỹ thuật úm gà con, hỗ trợ gà giống và cả thức ăn chăn nuôi. Từ 400 con gà con bằng nắm tay trẻ con, anh úm trong nhà 1 tháng trên nền đệm lót sinh học. Sau đó, anh thả gà ra vườn nuôi thả bán tự do. Bầy gà lớn nhanh, không bệnh tật và vừa qua, anh đã xuất bán 200 con với trọng lượng xấp xỉ 1,7 kg/con cả trống cả mái. Anh cho biết: “Gà này là giống gà ta, nuôi dễ, không cần chăm sóc nhiều mà cũng không mắc bệnh gì cả. Bán giá rất tốt, gà mái 90 ngàn/kg, gà trống 80 ngàn/kg, thương lái vào tận nơi để bắt”. Hiện tại, anh K’Nhàn đã quây vườn để phát triển đàn gà và rất mừng vì đã chăn nuôi một giống gà cho thu nhập tốt.

Hộ chị Ka Yến, thôn Trại Phong cũng nuôi rất thành công đàn gà 300 con. Từ gà con mới nở, sau 4 tháng chăn nuôi, gà đủ trọng lượng để xuất chuồng. Chị Ka Yến nuôi theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật là nuôi trong chuồng, có đệm lót sinh học trộn từ trấu và men Trichoderma. Chị Ka Yến đánh giá, trọng lượng gà không to nhưng thịt thơm ngon, giá cao, dễ bán. So với nuôi heo, nuôi bò hay gà công nghiệp thì gà Lạc Thủy dễ nuôi hơn nhiều, lại nhanh được xuất bán. Chị Ka Yến cho biết, nuôi heo, bò thì vốn vừa lớn, nuôi lại lâu, heo hay bị bệnh. Còn con gà này dễ nuôi, thương lái lại rất chuộng nên gia đình rất thích và chị có ý định mở rộng thêm đàn gà Lạc Thủy.

Anh Nguyễn Thế Phong, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Thuận cho biết, không chỉ có hộ anh K’Nhàn, chị Ka Yến mà còn nhiều hộ khác đang nuôi gà Lạc Thủy theo chương trình hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con nuôi gà trên nền đệm lót sinh học và qua thực tế, gà Lạc Thủy hoàn toàn phù hợp với Bảo Thuận, bà con đã chủ động thả gà ra vườn nuôi thả, tối gà vào chuồng. Hiện hầu hết các hộ đã có gà bán và theo anh Phong, đây là giống gà mới rất thích hợp với Bảo Thuận cũng như phù hợp với kỹ thuật chăn nuôi của bà con. Nhiều nông hộ nhận thấy hiệu quả từ những nhà đang nuôi và cũng dự định thử nghiệm nuôi gà Lạc Thủy.

Anh Xuân Minh Duy, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, phát triển đàn gà Lạc Thủy trên nền đệm lót sinh học trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số Bảo Thuận là một dự án của trung tâm. Gà Lạc Thủy là giống gà ri bản địa có nguồn gốc từ tỉnh Hòa Bình. Do thịt gà thơm ngon, trọng lượng vừa phải, ngoại hình gà mái màu nâu, gà trống màu đỏ tía phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nên gà Lạc Thủy có giá bán trên thị trường rất cao. Bên cạnh đó, do là gà ri bản địa nên giống gà này dễ nuôi, dễ chăm sóc, phù hợp với tư duy canh tác của cư dân nông nghiệp. Trung tâm hỗ trợ 1.800 gà giống và thức ăn chăn nuôi theo phương thức Nhà nước hỗ trợ 70%, nông dân đối ứng 30%. Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con làm chuồng có đệm lót sinh học để nuôi gà. Kết quả cho thấy, tỷ lệ gà sống, phát triển rất tốt, gà lớn nhanh, ít bệnh tật. Các nông hộ nuôi gà Lạc Thủy đã nhanh chóng nhận thấy gà Lạc Thủy thích ứng với khí hậu bên ngoài do có vườn rộng, bà con đã thả tự do để gà tự kiếm ăn trong điều kiện tự nhiên. Từ thành công ban đầu có thể khẳng định, gà Lạc Thủy phù hợp với vùng Di Linh, trong điều kiện chăm sóc vừa phải. Đây cũng là một hướng mở cho đồng bào để tăng thu nhập gia đình từ chăn nuôi gia cầm.

DIỆP QUỲNH

Dịch tả heo Châu Phi càn quét, tổng đàn heo ở Sa Đéc chỉ còn vài trăm con

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Là địa phương có làng bột trăm tuổi và có tổng đàn heo lớn thứ 2 của tỉnh Đồng Tháp với hàng trăm hộ dân gắn bó với nghề sản xuất bột chăn nuôi heo, có thời điểm tổng đàn heo ở đây hơn 50 ngàn con. Thế nhưng qua gần 5 tháng bị dịch tả heo Châu Phi tấn công và hoành hành, đến nay tổng đàn heo còn lại trên địa bàn TP.Sa Đéc chưa đến 500 con, điều này cho thấy sự tàn phá ghê gớm của dịch bệnh này, khiến nhiều hộ chăn nuôi heo phải lao đao.

Tiêu hủy heo nhiễm bệnh

Theo thống kê của Phòng Kinh tế TP.Sa Đéc, tính đến nay, địa phương đã tiêu hủy hơn 19 ngàn con heo bị nhiễm bệnh dịch tả heo Châu Phi của 729 hộ, chiếm hơn 90% tổng đàn heo trên địa bàn thành phố, tổng trọng lượng đã hủy là hơn 1.000 tấn, ước tổng kinh phí hỗ trợ là trên 31,3 tỷ đồng.

Trước diễn biến phức tạp của dich bệnh, ngành chăn nuôi chưa cho phép người dân tái đàn, người chăn nuôi chỉ được phép tái đàn khi có sự đồng ý của chính quyền địa phương và của cơ quan tài nguyên và môi trường. Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người chăn nuôi chỉ được phép tái đàn khi có quyết định công bố hết dịch của cơ quan có thẩm quyền và đảm bảo các điều kiện chuẩn bị khi tái đàn.

Gõ Kiến

Hiệu quả kinh tế cao từ nuôi thỏ

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Sau thời gian dài nuôi gà, heo không hiệu quả do giá cả bấp bênh lại bị dịch bệnh nhiều, anh Phạm Quang Hinh (ở buôn Ea Kmar, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) tạm dừng việc chăn nuôi. Sau đó, qua tìm hiểu thấy nuôi thỏ sinh sản ít vốn đầu tư, dễ chăm sóc lại có giá trị kinh tế cao, anh xuống tận TP. Hồ Chí Minh học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật và mua 30 con thỏ cái, 7 con thỏ đực về nuôi.

Được tận dụng từ chuồng trại nuôi gà, khu nuôi thỏ của gia đình anh Hinh rộng hơn 120 m2 với kinh phí đầu tư 130 triệu đồng; trong đó có nhiều lồng nuôi thỏ, trên từng ngăn lồng có kẹp những tờ giấy ghi lại các số liệu theo dõi quá trình sinh đẻ của từng con thỏ cái.

Do chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đàn thỏ phát triển nhanh, nuôi hơn 3 tháng bắt đầu sinh sản. Sau gần một năm nuôi, hiện nay gia đình anh Hinh có gần 70 con thỏ cái sinh sản và 400 con thỏ thương phẩm, 200 con thỏ con. Sau hơn 3 tháng nuôi là thỏ được xuất bán, với trọng lượng trên 2 kg/con. Trung bình một tháng, gia đình anh bán 2 lần, mỗi lần từ 1,5 - 2 tạ thỏ thịt, với giá từ 65.000 – 70.000 đồng/kg, xuất gần 100 con thỏ giống với giá 75.000 đồng/kg. Theo tính toán, tổng thu nhập từ thỏ của anh Hinh gần 20 triệu đồng.

Anh Hinh giới thiệu với khách tham quan về mô hình nuôi thỏ New Zealand.

Theo anh Hinh, nuôi thỏ không khó nhưng chuồng trại cần thoáng mát, sạch sẽ, khử trùng, vệ sinh thường xuyên. Thỏ ăn tạp với các loại thức ăn như: cỏ, lá cây, các loại củ…, tuy nhiên thức ăn tránh để ẩm ướt, mốc. Để bảo đảm thức ăn cho thỏ, anh Hinh trồng hơn 1 sào cỏ voi, cỏ sả và tận dụng các nguồn phụ phẩm khác như ngô, lúa… Anh cũng xây dựng bảng theo dõi hằng ngày cho từng con như ngày phối giống, ngày đẻ, số con trên lứa, từ đó tính toán con nào đẻ kém để loại thải kịp thời.

Không chỉ nuôi thỏ, anh Hinh còn chăm sóc 1,4 ha cà phê xen hồ tiêu, 200 cây na Thái, 60 cây sầu riêng Dona, 100 cây chè… với tổng thu nhập mỗi năm gần 300 triệu đồng. Anh Hinh còn hỗ trợ người dân địa phương phát triển kinh tế như: cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh vật nuôi...

Mỹ Hằng

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop