Tin nông nghiệp CN ngày 09 tháng 6 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp CN ngày 09 tháng 6 năm 2019

Nuôi gà lấy trứng ấp, mở mắt đã lượm tiền

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Đang thắng lớn khi nuôi gà siêu trứng, anh Lưu Trần Đình Châu (39 tuổi) ở xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn, Bình Định) bỗng phá chuồng, làm chuồng mới chuyển sang nuôi gà lấy trứng giống.

Bà con trong nghề chăn nuôi ở địa phương ai cũng lấy làm lạ, và tiếc rẻ cho cuộc chăn nuôi của anh Châu đang ăn nên làm ra.

Bây giờ anh Châu bắt đầu thu trứng giống bán được giá cao, trong khi trứng gà thương phẩm trên thị trường tuột giá mạnh, ai nấy đều khâm phục bước chuyển ngoạn mục.

Nhạy cảm với thị trường

Anh Lưu Trần Đình Châu vốn ở xã Nhơn Thọ, là người rất say mê chăn nuôi. Nhưng ngặt nỗi nhà không có đất nên năm 2010 anh qua xã láng giềng là xã Nhơn Lộc thuê 5.000m2 đất để khởi nghiệp.

3.000 gà mái và 300 gà trống được thả nuôi chung trong 1 dãy chuồng

Trên đất mới, Châu nuôi luôn một lèo 4.000 con gà thịt. Thời điểm ấy gà thịt có giá rất cao, luôn ổn định trên 60.000đ/kg, mỗi con gà khoảng 1,7kg bán được 110.000đ. Mỗi năm xuất chuồng 2 lứa, giá gà thịt ổn định kéo dài đến cuối năm 2015, sau khi trừ tất tần tật chi phí, mỗi con gà còn lãi ròng 30.000đ, vị chi lứa gà ấy anh bỏ vào “hầu bao” số tiền 120 triệu đồng.

Tháng 8/2017, thời điểm giá gà thịt hạ thấp, dao động từ 35.000 – 50.000đ/kg, lời lãi chẳng còn bao nhiêu, Châu lại chuyển sang nuôi 1.000 con gà siêu trứng. Đàn gà bắt đầu cho trứng đúng lúc trứng gà trên thị trường đang có giá cao.

Thắng to. Cuối năm 2017 Châu tăng đàn thêm 1.000 con nữa. Từ khi Châu bắt đầu nuôi gà siêu trứng đến cuối năm 2018 giá trứng luôn ổn định ở mức cao, 1.950 đ/quả, sau hạ còn 1.700 đ/quả, mức giá “ăn ngon” này kéo dài đến cuối năm.

Những chú gà trống đang ve vãn lũ gà mái để “đạp” phối giống

Không “ngủ quên trong chiến thắng”, anh Châu nghe ngóng thị trường và quyết định chuyển sang liên kết với 1 cơ sở sản xuất gà giống để nuôi gà lấy trứng giống.

Lúc Châu bán xác đàn gà siêu trứng chuyển sang nuôi gà lấy trứng giống đang trong lúc trứng gà thương phẩm trên thị trường đứng ở mức 1.700đ, rất ngon ăn, người chăn nuôi ở địa phương ai nấy đều “há hốc” ngạc nhiên.

Họ không hiểu vì sao anh chàng này lại từ chối “lượm tiền” từ đàn gà siêu trứng, mà lại chuyển sang nuôi gà lấy trứng giống, một nghề nuôi khá mới đối với người dân địa phương.

Chẳng bao lâu sau, giá trứng gà trên thị trường tuột dốc chỉ còn 1.350đ/trứng, đến khi ấy người chăn nuôi ở địa phương mới khâm phục sự nhạy cảm với thị trường của anh Châu.

Mở mắt ra là lượm tiền

Trước khi chấm dứt nuôi gà siêu trứng, Lưu Trần Đình Châu đã liên kết làm ăn với cơ sở sản xuất gà giống Ngụy Tân ở xã Phước Quang (huyện Tuy Phước, Bình Định).

Sau khi đạt thỏa thuận, anh Châu dỡ phá hết những dãy chuồng tầng trước đây nuôi gà siêu trứng, đầu tư thêm 300 triệu đồng để xây dựng dãy chuồng trệt có mái che kiên cố.

“Nuôi gà siêu trứng có thể làm chuồng tầng nên cần ít diện tích, còn nuôi gà lấy trứng giống gà trống phải đập mái trực tiếp nên phải làm chuồng trệt để lũ gà phối giống”, Châu cho biết.

Nhân công đang làm vệ sinh chuồng gà của anh Châu

Phương thức kiên kết giữa anh Châu với cơ sở sản xuất gà giống Ngụy Tân là nơi cung cấp cho anh 3.000 con gà mái và 300 con gà trống 1 ngày tuổi, mỗi con gà giống được tính giá 12.000đ/con. Trong quá trình nuôi, cơ sở có trách nhiệm cung ứng cho anh thức ăn chăn nuôi trong suốt chu kỳ.

Theo anh Châu, gà lấy trứng giống chịu nóng tốt hơn gà siêu trứng, nên dù thời tiết rất nắng nóng nhưng chúng vẫn phát triển tốt, ít bệnh vặt.

"Gà mái và gà trống được thả nuôi chung, mỗi con gà trống chịu trách nhiệm “đạp” 10 con gà mái, đó là theo phân bổ, chứ con trống nào khỏe thì “đạp” thoải mái, trứng đẻ ra vẫn bảo đảm có cồ", anh Châu chia sẻ.

“Nuôi gà lấy trứng giống không phải lo đầu ra, bởi cơ sở sẽ bao tiêu hết trứng giống để mang về ấp ra gà giống cung ứng cho người chăn nuôi trong tỉnh. Giá lại cao và đầu ra cực kỳ ổn định. Hiện trứng giống được cơ sở thu với giá 4.500đ/trứng. Sau khi thu trứng, cơ sở sẽ trừ dần tiền con giống và thức ăn chăn nuôi mà cơ sở đã cung cấp.

Chu kỳ đẻ của gà mái kéo dài đến 12 tháng, tỷ lệ đẻ bình quân từ giai đoạn đẻ mạnh đến thời điểm đẻ yếu dần là 50%, nghĩa là 3.000 gà mái đẻ mỗi ngày 1.500 trứng, vị chi mỗi ngày tôi thu vào 6.750.000đ.

Chu kỳ đẻ của chúng là 365 ngày (12 tháng), tôi cầm chắc sẽ thu được số tiền là gần 2,5 tỷ đồng. Ước tính tiền giống, tiền thuốc thú y và tiền thức ăn cả chu kỳ cho lũ gà mất khoảng 1,5 tỷ đồng thì tôi cũng còn lãi 1 tỷ đồng/năm”, anh Châu tính toán.

“Sau khi lũ gà hết chu kỳ đẻ trứng, cơ sở còn cho mình hưởng trọn 3.000 con gà xác. Khi ấy, mỗi con gà xác đạt trọng lượng 2,5kg/con. Giá gà xác bao giờ cũng cao hơn gà thịt, bởi gà già nên thịt của chúng ngon hơn, người tiêu dùng rất ưa chuộng. Hiện gà xác có giá hơn 60 ngàn đồng/kg. Nếu đến lúc xả đàn gà mà gà xác còn đứng ở mức giá này, thì ngoài khoản lãi từ trứng giống, mỗi con gà xác tôi sẽ bán được 150.000đ, với đàn gà 3.000 con tôi sẽ có thêm được khoản tiền 450 triệu đồng nữa”, anh Châu phấn khởi cho biết thêm.

VŨ ĐÌNH THUNG

Nuôi gà ác, sống khỏe re

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Xuất thân từ nhà nông, anh Hoàng Điền Dưỡng, SN 1987 (xã Cẩm Điền, Cẩm Giàng, Hải Dương) sau khi bươn trải ngoài xã hội với nhiều ngành nghề, cuối cùng anh đã lựa chọn nuôi gà ác để làm giàu.

Năm 2008, anh Dưỡng bắt đầu thử nghiệm nuôi gà ác thương phẩm. Bởi anh thấy, gà ác là loài vật nuôi dễ tính, thời gian nuôi ngắn nên tỷ lệ rủi ro thấp. Mặt khác, gà ác có cơ thể nhỏ nên tiêu tốn thức ăn ít, chuồng trại không cần rộng. Gà ác không chỉ là nguồn thức ăn bổ dưỡng mà còn được coi là món thuốc bắc quý hiếm, ngày càng được nhiều người tiêu dùng sử dụng.

Thời gian đầu còn bỡ ngỡ về kĩ thuật, thị trường tiêu thụ khó nên Dưỡng chỉ dám đầu tư nuôi thử nghiệm 50 con. Ngay từ lứa nuôi đầu tiên anh đã có lãi. Dưỡng thấy giống gà này nuôi không quá khó vì có sức đề kháng cao. Anh mạnh dạn mở rộng quy mô nuôi, đầu tư thời gian học hỏi kĩ thuật, tham quan các trang trại gà ác…

Trang trại gà ác của anh Hoàng Điền Dưỡng.

Đến năm 2013, nhờ sự kết nối với nhiều trang trại nuôi gà ác ở các tỉnh khác và có được thị trường tiêu thụ cho các nhà hàng, khách sạn, Dưỡng đã phát triển đàn gà lên tới trên 500 con mỗi lứa. Ngần ấy thời gian nuôi gà ác thương phẩm đã giúp anh trở thành một thợ nuôi cừ khôi. Để rồi từ nuôi gà ác thịt anh nhân cả gà ác giống. Hiện anh cấp giống cho các trang trại khác từ 8.000 - 10.000 con giống mỗi tháng. Xuất bán cho các nhà hàng, khách sạn khoảng 2 - 2,5 tấn gà thịt/tháng. Hạch toán kinh tế sau khi trừ chi phí mỗi năm anh thu lãi gần 600 triệu đồng.

Được biết, để có được thành công ngày hôm nay là cả một quá trình Dưỡng phải đầu tư cả về sức lực, trí tuệ lẫn vốn liếng thậm chí là đánh đổi. Anh cười bảo: “Mài sắt mãi rồi ắt sẽ thành kim. Cây kim này đã có được thì anh phải thường xuyên mài dũa để nó ngày một sáng”.

Khi hỏi về kĩ thuật nuôi anh chia sẻ, muốn hiệu quả khi nuôi gà ác đòi hỏi phải tinh nhạy trong chọn giống cũng như phòng bệnh trong đó, khâu vệ sinh trong chăn nuôi là hàng đầu.

Một ngày có thể cho gà ăn chục lần nhưng yêu cầu thức ăn phải tươi, nước uống sạch có bổ sung thường xuyên điện giải, chất khoáng, vitamin.

Trong quá trình nuôi cần phải tiêm đầy đủ một số vacxin ngừa bệnh nguy hiểm như dịch tả, cầu trùng đặc biệt là cúm A H5N1. Để gà tăng trưởng tốt chuồng nuôi đòi hỏi phải ấm về mùa đông, mát về mùa hè (22 - 30 độ C). Nền chuồng tốt nhất sử dụng đệm lót sinh học để khỏi bốc mùi hôi thối.

Anh cho biết thêm, gà ác thường xuất bán khi trọng lượng trung bình đạt từ 0,3 - 0,7kg/con do vậy, thời gian nuôi sẽ ngắn mà người tiêu dùng muốn gà ăn chắc thịt, thơm ngon thì bắt buộc người nuôi phải chuyển hướng sang nuôi sinh học. Đây là phương pháp anh đã áp dụng trong 3 năm trở lại đây.

Hiện Dưỡng là cầu nối đắc lực cho các trang trại liên kết trong và ngoài tỉnh. Anh không chỉ cung ứng con giống, chuyển giao kĩ thuật cho các hộ nuôi gà ác mà còn là đầu mối tiêu thụ sản phẩm trên cả nước.

Nuôi gà ác an toàn sinh học ngoài điều kiện chuồng trại đảm bảo như trên thì thức ăn cho gà cũng phải thay đổi từ cám công nghiệp sang các loại thức ăn dễ tiêu nhưng bổ dưỡng như mầm thóc, bột cá, bã đậu…

So với trước đây (nuôi công nghiệp) anh thấy gà ác nuôi theo hướng sinh học có nhiều lợi thế hơn: Gà ít khi bị bệnh, tăng trọng tuy không nhanh nhưng rất chắc con, thịt thơm ngon, không bị nhũn, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nuôi sinh sản theo hướng sinh học thì gà bố mẹ rất khỏe mạnh, gà mái đẻ sai, đều.

“Muốn khẳng định được thương hiệu thì không có cách nào khác là cần phải hướng sang nuôi sinh học. Người tiêu dùng chỉ sử dụng gà ác có trọng lượng nhỏ đến vừa phải (300 - 700g/con). Do đó nuôi theo hướng sinh học sẽ đảm bảo được gà tăng trọng dần dần, thịt thơm ngon hơn và được giá", anh chia sẻ.

TRẦN THỊ LIÊN

'Vua dúi' giống ở xứ Đoài

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Dúi là món ăn đặc sản vì thịt thơm ngon, giá thịt dúi luôn ở mức cao, từ 400.000 - 500.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Văn Chiến ở phường Viên Sơn, TX Sơn Tây, Hà Nội đã phất lên nhờ nuôi dúi.

Nhận thấy dúi là động vật dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, chu kỳ nuôi ngắn, nhanh thu hồi vốn, tốn ít nhân công và thời gian chăm sóc, anh Nguyễn Văn Chiến đầu tư nuôi dúi (chuột nứa) cho hiệu quả kinh tế cao.

Theo anh Chiến, dúi hiếm khi mắc bệnh, lượng thức ăn tiêu thụ trong ngày của chúng cũng rất ít. Thức ăn của dúi chủ yếu từ phụ phẩm nông nghiệp như ngọn mía, cỏ voi, tre và ngô… Bình quân 1 ngày, dúi trưởng thành tiêu thụ khoảng 200g thức ăn.

Nuôi dúi mang lại giá trị kinh tế cao.

"Đầu tư chuồng nuôi dúi rất đơn giản, có thể tận dụng nhà ở, nhà bếp hoặc chuồng nuôi heo cũ, đảm bảo kín đáo, mưa không dột và không gió lùa. Các ô chuồng nuôi được tận dụng từ gạch lát nền loại, giá rẻ, có kích thước từ 0,5 - 0,6 m quây lại. Vệ sinh chuồng trại cũng không mất thời gian, chỉ cần dọn 2 lần/tuần. Điều đặc biệt ở loài này là phân của chúng không mùi, không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Đầu tư chuồng nuôi dúi rất đơn giản.

Sau khi nuôi thử nghiệm, đến nay gia đình Chiến luôn duy trì khoảng 100 con dúi trưởng thành và sinh sản. Chiến cho biết: “Dúi mẹ thường đẻ 3 lứa/năm, mỗi lứa từ 2-3 con. Dúi thương phẩm nuôi khoảng 8 tháng, nặng từ 1,3-1,5kg có thể xuất bán. Hiện giá bán dúi giống khoảng 1,4 triệu đồng/cặp, mỗi năm anh thu nhập khoảng 250-300 triệu đồng.”

Lựa chọn phân khúc thị trường của mình là cung cấp con dúi giống đã thuần hóa.

Anh Chiến xác định, khó khăn nhất trong nuôi dúi hiện nay là việc lựa chọn ra những con giống tốt để sinh sản và tăng quy mô đàn. Vì vậy anh rất chú trọng tới khâu này.

Hiện tại, do diện tích nuôi nhỏ nên số dúi giống mà anh Chiến nuôi được vẫn không đáp ứng đủ cho nhu cầu của thị trường.

Anh Chiến kỳ vọng trong thời gian tới sẽ mở rộng được quy mô sản xuất để cung cấp cho nông dân có nhu cầu.

LÊ TUẤN

Đa dạng nguồn cung thực phẩm trước 'cơn bão' dịch tả lợn châu Phi

Nguồn tin: Báo Tuyên Quang

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tuyên Quang, trên địa bàn tỉnh đã có dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 9 xã của 4 huyện: Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa và Yên Sơn. Để ổn định nguồn cung thực phẩm, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo các địa phương tích cực phát triển chăn nuôi các vật nuôi khác, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Công ty TNHH Hà Đức liên kết với các hộ dân ở xã Yên Lập (Chiêm Hóa) chăn nuôi vịt bầu thương phẩm.

Hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, đàn lợn khi mắc dịch bệnh đều phải tiêu hủy, người chăn nuôi hạn chế tái đàn sẽ dẫn tới nguồn cung thực phẩm cho thị trường giảm sút trong thời gian tới. Tại một số chợ khu vực thành phố Tuyên Quang như Phan Thiết, Tam Cờ… những ngày gần đây sức tiêu thụ và giá bán thịt lợn đang giảm so với những ngày trước. Chị Nguyễn Thị Hằng và nhiều tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Tam Cờ chia sẻ, từ khi có thông tin dịch tả lợn châu Phi bùng phát, lượng thịt bán ra giảm sút. Bình thường mỗi buổi chợ chị bán được 70 - 80 kg thịt lợn các loại, nhưng từ khi công bố dịch tả lợn châu Phi, lượng thịt lợn bán ra chỉ từ 30 - 40 kg. Thịt lợn bán chậm là do người tiêu dùng lo ngại thịt bị nhiễm dịch nên giảm mua và chuyển sang các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác như gà, bò, cá, tôm...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các huyện, thành phố phát triển các đối tượng vật nuôi khác thay thế chăn nuôi lợn bị giảm sút trong thời gian qua. Trong đó tập trung phát triển mạnh đàn gia cầm như gà, vịt; chăn nuôi gia súc như trâu, bò và tập trung phát triển nuôi cá lồng, bè...

Chị Hồ Thị Niềm, tiểu thương bán cá tại chợ Phan Thiết cho biết, những ngày này, lượng cá gia đình chị bán được gấp đôi so với trước. Mỗi buổi sáng, hàng cá của chị tiêu thụ từ 90 - 95 kg cá các loại. Theo chị Niềm, nhờ nguồn cung thủy sản từ các huyện Na Hang, Chiêm Hóa dồi dào, nên ngay khi thị trường có nhu cầu, gia đình chị nhập hàng về liên tục để đáp ứng người tiêu dùng. Hiện nay, ngoài cung cấp cho người tiêu dùng khu vực thành phố, chị Niềm cũng nhập cá từ các lồng bè để cung cấp cho khách hàng tại Hà Nội, Phú Thọ... Theo thống kê của ngành nông nghiệp, sản lượng thủy sản trên địa bàn tỉnh mỗi năm đạt trung bình 8.000 tấn, trong đó riêng cá đặc sản đạt 480 tấn. Đây là nguồn cung thực phẩm ổn định, không chỉ cung cấp cho người tiêu dùng trong tỉnh mà còn đủ đáp ứng cho các tỉnh lân cận.

Việc phát triển chăn nuôi gà thả vườn, chăn nuôi vịt bầu địa phương thả suối cũng đang phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Tổng đàn gia cầm toàn tỉnh hiện có trên 6 triệu con. Anh Phạm Duy Lập, Giám đốc Hợp tác xã nông lâm nghiệp Bằng Tiến, xã Minh Hương (Hàm Yên) cho biết, trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, hợp tác xã đã vận động các hộ chăn nuôi tăng số lượng vào đàn. Nếu tháng 4 vừa qua, 40 hộ thành viên chỉ vào đàn khoảng 20 nghìn con thì trong tháng 5 đã tăng lên 30 nghìn con để cung cấp cho thị trường. Giá bán 1 kg thịt vịt thương phẩm vẫn được giữ ổn định như bình thường, từ 90 nghìn đồng đến 130 nghìn đồng/kg.

Phát triển chăn nuôi gia súc cũng là hướng đi của các địa phương trong bối cảnh nhiều dịch bệnh lây lan trên đàn lợn như hiện nay. Nhiều địa phương trong tỉnh đã hình thành được chuỗi liên kết chăn nuôi trâu bò nhốt chuồng, như Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn... Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tăng cường giúp người dân phòng bệnh cho đàn vật nuôi và áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAP, chăn nuôi hữu cơ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng sản phẩm...

Bài, ảnh: Trần Liên

Vượt ‘bão giá’, làm giàu từ chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Đến thăm mô hình kinh tế của chị Trần Thị Trang, ở Bản 5, xã Điện Quan (Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), chúng tôi rất ngỡ ngàng trước quy mô trang trại chăn nuôi tổng hợp rộng gần 1 ha của gia đình.

Được biết, chị Trang đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng trang trại này. Chị cho biết: Sau khi lập gia đình, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn khi cả hai vợ chồng đều không có nghề nghiệp ổn định. Tôi đã bàn với chồng tập trung chăn nuôi gà, lợn để phát triển kinh tế. Trong thời gian này, chăn nuôi rất thuận lợi nên gia đình có nguồn thu ổn định.

Chị Trang làm giàu từ chăn nuôi.

Chưa hài lòng với những gì đã có, năm 2017, chị Trang bàn với chồng mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng để xây dựng chuồng trại kiên cố và lắp đặt hệ thống làm mát, chiếu sáng, xử lý chất thải chăn nuôi đồng bộ. Qua các phương tiện thông tin đại chúng và tìm hiểu thực tế các mô hình chăn nuôi ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, chị đã mua 1.000 con gà giống Minh Dư về nuôi. Bên cạnh đó, chị cũng đầu tư nuôi lợn với quy mô 20 con 1 lứa. Thời điểm mở rộng quy mô trang trại chăn nuôi cũng là lúc gia đình chị gặp phải khó khăn khi giá lợn thịt xuống rất thấp. Gia đình chị chịu cảnh lao đao bởi phụ thuộc giá cả thị trường, bị thương lái ép giá.

Nhưng không vì thế mà chị Trang nản lòng, ngoài việc duy trì đàn lợn, chị tập trung phát triển đàn gà để bù lỗ. Chị tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh từ sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Bên cạnh đó, chị tích cực tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi qua sách báo, internet và học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi ở Bảo Yên, Bảo Thắng để áp dụng tại gia đình. Nhờ đó, những khó khăn dần qua đi.

Với sự cần cù, chịu khó và ý chí làm giàu, sau 2 năm, mô hình chăn nuôi của gia đình chị Trang đã đem lại hiệu quả. Năm 2018, gia đình chị xuất ra thị trường hơn 6.000 con gà Minh Dư, xuất từ 4 đến 5 lứa lợn thịt với số lượng hơn 100 con. Dần dần, mô hình kinh tế của gia đình chị trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều thương lái do số lượng vật nuôi xuất chuồng ổn định, vật nuôi khỏe mạnh. Chăn nuôi hiệu quả đã giúp gia đình chị thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Từ thực tế sản xuất, chị Trang thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cho hội viên phụ nữ và các đoàn viên, thanh niên trong xã. Mỗi năm, chị còn tiêu thụ hơn 6 tấn ngô cho bà con trong khu vực Bản 5 để phục vụ chăn nuôi.

Trao đổi với chúng tôi, chị Trang chia sẻ nhiều dự định về việc tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi và áp dụng thêm nhiều biện pháp kỹ thuật mới để tăng chất lượng vật nuôi. Trước mắt, thời điểm này, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, gia đình sẽ nỗ lực chăm sóc và phòng bệnh để bảo vệ đàn vật nuôi. Tin tưởng rằng, mô hình kinh tế của gia đình chị Trang sẽ ngày càng phát triển, giúp gia đình chị làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

HỮU HUỲNH

Đề nghị tăng tiền công tiêu hủy heo

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Tổng số heo bị bệnh chết, buộc phải tiêu hủy là hơn 2,2 triệu con với trọng lượng gần 130.000 tấn. Tính theo giá thị trường (đang ở mức thấp) hiện thiệt hại do dịch khoảng 3.600 tỷ đồng.

Tiêu hủy heo bệnh trên địa bàn huyện Phú Giáo, Bình Dương

Tại cuộc họp giữa Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và đại diện 35 tỉnh, thành phố để thống nhất cách thức, mức hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có heo bị chết, tiêu hủy bởi dịch tả heo châu Phi diễn ra ngày 4-6, Bộ NN-PTNT cho biết, đã có 55 tỉnh và thành phố xuất hiện ổ dịch.

Tổng số heo bị bệnh chết, buộc phải tiêu hủy là hơn 2,2 triệu con với trọng lượng gần 130.000 tấn. Tính theo giá thị trường (đang ở mức thấp) hiện thiệt hại do dịch khoảng 3.600 tỷ đồng.

Đề xuất tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng, hiện nay phương án hỗ trợ thiệt hại hộ dân, doanh nghiệp có heo bị chết phải tiêu hủy đang thực hiện theo Nghị quyết 16 của Chính phủ với mức bằng 80% giá thị trường và tính theo ký. Nhưng lực lượng chức năng không thể đi cân hết được trong điều kiện thiếu nhân lực. Vì vậy, đề nghị áp dụng cách hỗ trợ theo nhóm heo mà tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh đang áp dụng.

Theo đó, cần phân ra 5 nhóm heo. Heo sữa có mức hỗ trợ: 250.000 đồng/con; heo con cai sữa dưới 2 tháng tuổi: hỗ trợ 500.000 đồng/con; heo thịt từ 2 đến 4 tháng tuổi (từ 30 đến 80kg) hỗ trợ 1,5 triệu đồng/con; heo thịt từ 4 tháng tuổi trở lên: 2,5 triệu đồng/con; heo nái đang khai thác: 3,5 - 4 triệu đồng/con.

Tuy nhiên khi thảo luận tại cuộc họp, hầu hết các ý kiến đề nghị tiếp tục phương án hỗ trợ được quy định tại Nghị quyết số 16 của Chính phủ, đó là hỗ trợ bằng cân với mức tối thiểu bằng 80% giá thị trường. Toàn bộ chi phí hỗ trợ được trích từ ngân sách dự phòng của địa phương. Các địa phương cũng đề xuất nâng mức hỗ trợ lực lượng tiêu hủy heo bệnh bằng với mức thuê nhân công ở địa phương hiện nay, dao động 300.000-500.000 đồng/ngày.

Ngày 4-6, UBND tỉnh Kon Tum cho biết, đã có công văn yêu cầu UBND huyện Ia H’Drai khẩn trương triển khai công tác phòng chống bệnh dịch trên địa bàn, sớm khống chế dập tắt ổ dịch, không để lây lan thành dịch. Tính đến ngày 3-6, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai đã có 644 con heo của 121 hộ dân bị chết và đã được cơ quan chức năng tiêu hủy.

Tỉnh Đắk Lắk đã xuất hiện các ổ dịch ở xã Hòa Phú TP Buôn Ma Thuột, xã Ea Rốk và xã Ea Bung huyện Ea Súp. Ngành chức năng cũng phát hiện 16 con heo bị bệnh vừa chết ở huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông... Hiện 11/13 tỉnh thành ở ĐBSCL hiện đã có dịch, trừ 2 tỉnh Long An và Bến Tre.

Tại Long An, 8 trạm kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông nỗ lực kiểm soát 24/24 giờ đối với hoạt động vận chuyển heo, sản phẩm từ heo ra, vào địa bàn tỉnh. Trong khi từ ngày 5-3 đến nay, Bến Tre triển khai các chốt kiểm soát tạm thời dịch bệnh động vật trên cạn.

Trong buổi họp về kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2019 vào chiều 4-6, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, cho biết, TP sẽ khám xét các điểm giết mổ trái phép khi cần. TPHCM đang tập trung nhiều biện pháp phòng chống dịch như, phối hợp các tỉnh thành lân cận để kiểm soát việc đưa heo về TPHCM giết mổ, tiêu thụ; lập nhiều chốt di động để giám sát chặt chẽ nguồn heo, các xe chuyển heo vào địa bàn. UBND TP cũng đã chỉ đạo các quận huyện kiểm tra và cần thiết phải chuẩn bị lệnh khám xét những trường hợp giết mổ trái phép. Trong trường hợp xảy ra dịch bệnh, cố gắng khu trú, không để dịch lây lan, mất kiểm soát.

NHÓM PV

Triển khai bảo hiểm trâu, bò tại Đắk Lắk

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Vừa qua, tại TP. Buôn Ma Thuột, Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) phối hợp với Sở NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai bảo hiểm trâu, bò tại Đắk Lắk.

Đây là hoạt động nhằm đưa tinh thần Nghị định số 58/2018/NĐ-CP, ngày 18-4-2018 của Chính phủ về Bảo hiểm nông nghiệp vào cuộc sống và thực hiện văn bản số 2003/UBND-KT, ngày 18-3-2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk về việc thí điểm bảo hiểm trâu, bò trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu tham dự hội nghị triển khai bảo hiểm trâu, bò tại Đắk Lắk

Theo đó, mục tiêu của chương trình là bảo hiểm cho 100% khách hàng có quan hệ tín dụng với Agribank và khách hàng khác có nhu cầu tham gia bảo hiểm. Đối tượng bảo hiểm bao gồm: bò thịt, trâu thịt (từ 1 đến 4 tuổi), bò giống, trâu (từ 1 đến 8 tuổi).

Người tham gia bảo hiểm sẽ được bồi thường trong trường hợp vật nuôi chết trực tiếp do các nguyên nhân: thảm họa tự nhiên (sét đánh, bão, lũ lụt, thời tiết lạnh, sương giá); dịch bệnh (bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng).

Điều kiện bảo hiểm là vật nuôi phải được nuôi theo tiêu chuẩn kỹ thuật quy trình nông nghiệp do Bộ NN-PTNT và/hoặc cơ quan có thẩm quyền ở địa phương quy định. Đồng thời, vật nuôi được nuôi tại vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, phải có sức khỏe tốt và không bị thương tật, ốm đau hoặc dị tật nào và cần phải có giấy chứng nhận tiêm phòng vắc xin cho các bệnh được bảo hiểm trước thời điểm bắt đầu bảo hiểm. Vật nuôi phải có thẻ đeo tai (dùng để nhận dạng vật nuôi) trước thời điểm bắt đầu bảo hiểm. Ưu tiên vật nuôi được thế chấp để vay vốn tại Agribank.

Trên cơ sở kiểm tra đối tượng được bảo hiểm, căn cứ giấy yêu cầu bảo hiểm của người được bảo hiểm và các giấy tờ có liên quan, doanh nghiệp bảo hiểm và người được bảo hiểm thống nhất về số tiền bảo hiểm. Người tham gia bảo hiểm được hỗ trợ một phần phí bảo hiểm từ ngân sách theo quy định tại Điều 18, Nghị định số 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ, tối đa là 20% đối với hộ không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Với tổng đàn trâu, bò hiện có là 235.000 con (đứng thứ 7 toàn quốc), việc triển khai thí điểm đưa sản phẩm Bảo hiểm trâu, bò tại Đắk Lắk sẽ góp phần khắc phục rủi ro, tổn thất do thiên tai, dịch bệnh trong chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn, giúp người chăn nuôi sớm khôi phục sản xuất và ổn định đời sống. Người chăn nuôi có một điểm tựa để yên tâm mở rộng sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lớn. Khi tham gia bảo hiểm, các rủi ro về tài chính sẽ được chuyển giao lại cho ABIC, các rủi ro này cũng được san sẻ ra thị trường quốc tế thông qua Tổng Công ty Cổ phần tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam và Công ty tái bảo hiểm quốc tế.

Phan Quốc Lương

Tiền Giang: Nỗ lực khống chế sự lây lan dịch tả heo Châu Phi

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

Đến 19 giờ ngày 5-6, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, ngành chức năng đã phát hiện 26 trường hợp heo có dấu hiệu bệnh dịch tả heo châu Phi. Trong đó, dịch xuất hiện ở 14 xã thuộc 4 huyện, thị là: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang).

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng kiểm tra 1 ổ dịch tả heo châu Phi ở TX. Cai Lậy vào chiều 5-6.

Đến thời điểm này, cơ quan Thú y đã lấy mẫu gửi Chi cục Thú y Vùng VI xét nghiệm 15 trường hợp. Kết quả, 9 trường hợp có kết quả dương tính, 1 trường hợp có kết quả âm tính và 5 trường hợp đang chờ kết quả.

Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang cũng đã lấy mẫu 6 trường hợp test nhanh và dương tính với dịch tả heo châu Phi. Cơ quan này ngay lập tức gửi mẫu đến Chi cục Thú y Vùng VI xét nghiệm. 5 trường hợp test nhanh cho kết quả âm tính, nhưng các đàn heo này đang được theo dõi nghiêm ngặt về tình trạng sức khỏe.

SĨ NGUYÊN

Bình Thuận: Đàn gia súc, gia cầm tăng trưởng ổn định

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trong 5 tháng đầu năm 2019 khá ổn định và có sự tăng trưởng so cùng kỳ năm 2018. Đến giữa tháng 5/2019, tổng đàn trâu bò có 175.837 con; tuy đàn trâu (8.947 con) có giảm 0,28%, nhưng đàn bò (168.837 con) tăng 1,45% nên tổng đàn tăng 1,36% so cùng kỳ. Đàn lợn có 272.500 con, tăng 4,35% so cùng kỳ. Đàn gia cầm có 3, 293 triệu con, tăng 3,36% so cùng kỳ.

Nhìn chung, đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tiếp tục duy trì và phát triển, không có bệnh dịch xảy ra, hiệu quả kinh tế từ việc chăn nuôi trâu, bò tạo thu nhập ở các hộ nông thôn ổn định. Tình hình dịch bệnh trên đàn lợn, đàn gia cầm không xảy ra, giá đầu ra ổn định nên các cơ sở chăn nuôi và hộ nông dân tập trung đầu tư phát triển cả về quy mô tập trung lẫn nhỏ lẻ, phân tán.

Trước tình hình dịch bệnh trên đàn lợn ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, tỉnh đã tập trung chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống dịch. Đã thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên quốc lộ 1A và 7 chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại các huyện; đến nay trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Các bệnh truyền nhiễm thông thường chỉ xảy ra lẻ tẻ, không lây lan thành dịch. Ngành chức năng đã bố trí các kiểm dịch viên tại các địa phương tăng cường công tác kiểm dịch động vật; kết quả đã kiểm dịch đàn heo 593.091 con; đàn trâu, bò 14.348 con; đàn dê 10.263 con và 454.801 con gia cầm.

T.N

Nhiều địa phương không phát sinh thêm lợn bệnh

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Theo số liệu thống kế của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), hiện đã có 133 xã thuộc 72 huyện của 24 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP)

Các địa phương tạm an toàn sau 30 ngày không phát sinh lợn mắc mới không nên chủ quan với DTLCP - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Tuy nhiên Cục thú y cũng đưa ra khuyến cáo các địa phương không nên chủ quan với tình hình dịch . Thực tế thời gian qua, cũng có 47 xã thuộc 15 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh.

Về tình hình thiệt hại, tính đến ngày 5/6/2019, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 3.775 xã, 369 huyện của 54 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy 2.312.850 con lợn với trọng lượng là 135.996 tấn.

Tại Hội nghị thường niên lần thứ 87 của OIE tại Pháp từ ngày 26-31/5/2019, các tổ chức quốc tế và các nước nhận định, bệnh DTLCP là mối đe dọa lớn của toàn cầu với hơn 60 quốc gia trên cả 5 châu lục bị mắc DTLCP. Các nước đã buộc phải tiêu hủy hàng trăm triệu con lợn và phải chịu tổn thất hàng chục tỷ USD.

Riêng tại Trung Quốc, bệnh DTLCP đã xảy ra rất nghiêm trọng tại 100% các tỉnh, buộc phải tiêu hủy số lượng lợn rất lớn, dự báo lên đến trên 200 triệu con. Chính phủ Trung Quốc đã phải chi hơn 1 tỷ USD cho công tác phòng, chống dịch bệnh và đã phải điều chỉnh mức hỗ trợ nhiều lần.

Theo thông tin thị trường hôm nay, giá lợn hơi đang có dấu hiệu phục hồi là một tín hiệu đáng mừng, giúp nhiều nông dân vượt qua khó khăn. Sau khi giảm sâu xuống còn 25.000 - 28.000 đồng/kg, vài ngày trở lại đây, giá lợn hơi tại phía Bắc tăng mạnh trở lại

Cụ thể, giá lợn hơi hôm nay tại Hải Dương tăng từ 30.000 đồng/kg lên 34.000 đồng/kg, Hưng Yên cũng tăng lên 34.000 đồng/kg; Vĩnh Phúc tăng từ 28.000 đồng/kg lên 31.000 đồng/kg, Phú Thọ tăng lên 28.000 đồng/kg... Tính chung toàn miền Bắc, giá lợn hơi dao động trong khoảng 27.000 - 36.000 đồng/kg.

Tại thị trường miền Trung, giá lợn hơi hôm nay được giao dịch từ 26.000 đồng/kg đến 38.000 đồng/kg; trong khi giá lợn hơi hôm nay ở miền Nam dao động từ 29.000 - 37.000 đồng/kg, có nơi đã lên 40.000 đồng/kg.

Mặc dù giá lợn hơi đang tăng mạnh, thương lái thu mua tấp nập nhưng ở nhiều địa phương, nông dân không còn lợn để bán.

Đỗ Hương

Tái đàn lợn mà không khai báo trong thời gian xảy ra bệnh dịch sẽ bị xử phạt

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Sở NN&PTNT Hà Nội vừa ban hành công văn đề nghị các quận, huyện, thị xã quản lý việc tái đàn lợn trong thời gian diễn ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

Cụ thể, đối với các hộ chăn nuôi nằm trong vùng xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi, sau 30 ngày không phát sinh bệnh dịch mới được tái đàn. Các hộ chăn nuôi khi tái đàn phải bảo đảm con giống có nguồn gốc rõ ràng, từ cơ sở an toàn dịch bệnh hoặc được giám sát định kỳ theo quy định.

Lợn vận chuyển từ các tỉnh khác vào thành phố phải có giấy chứng nhận kiểm dịch, có xét nghiệm âm tính với bệnh Dịch tả lợn châu Phi...

Trước khi tái đàn phải báo chính quyền, thú y địa phương và được chính quyền địa phương cho phép; nếu không khai báo sẽ bị xử lý vi phạm. Trong quá trình chăn nuôi áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; hạn chế người chăn nuôi ra vào vùng dịch, không đến các khu tiêu hủy lợn bệnh. Không sử dụng thức ăn dư thừa tại các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể; khi xảy ra bệnh dịch phải khai báo, không giấu dịch...

NGỌC QUỲNH

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop