Tin nông nghiệp CN ngày 10 tháng 3 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp CN ngày 10 tháng 3 năm 2019

Thừa Thiên Huế: Đặc sản hoa tuylip A Lưới

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Với thổ nhưỡng và khí hậu ôn đới của vùng cao, từ khi cây hoa tuylip “bén duyên” trên đất A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), hiệu quả kinh tế từ cây trồng này trở thành sản phẩm hàng hoá có giá trị kinh tế, mở ra hướng làm ăn mới cho người dân ở địa phương.

Hoa của anh Nguyễn Đức Phú xuất ra các thị trường Huế, Đà Nẵng, Quảng Trị

Anh Nguyễn Đức Phú (tổ dân phố 2, thị trấn A Lưới) dẫn khách tham quan địa điểm trồng hoa tuylip của anh. “Đầu năm nay, tôi tiến hành trồng 6.000 củ giống hoa tuylip được nhập về từ Hà Lan, mỗi chậu trồng 5 củ, với tiền giống mỗi củ là 8.000 đồng. Sau gần 1 tháng xuống giống, hoa nở đúng vào dịp Tết Kỷ Hợi, mỗi chậu bán ra 120 ngàn đồng, trừ chi phí tiền giống, phân bón, công chăm sóc, lãi ròng 60 ngàn đồng mỗi chậu. Trong đợt tết vừa rồi, trên diện tích hơn 200m2 trồng hoa tuylip, tôi thu lãi hơn 70 triệu đồng”.

Từ hiệu quả kinh tế của cây trồng này, nhiều hộ dân ở A Lưới đã chuyển sang đầu tư trồng hoa tuylip, kết quả đem lại cho các hộ trồng có nguồn thu nhập khá cao.

Gia đình chị Lê Thị Nga, ở thị trấn A Lưới là một trong những hộ như thế. Với hơn 300 chậu hoa tuylip cung ứng trong đợt Tết Kỷ Hợi 2019, gia đình chị đã mang về khoản thu nhập 36 triệu đồng với thời gian chỉ gần 1 tháng xuống giống.

Anh Nguyễn Chiến, cùng ở thị trấn A Lưới, một trong những hộ trồng hoa tuylip với số lượng lớn, chia sẻ: Vụ hoa tết vừa qua, trên địa bàn thị trấn A Lưới và xã Sơn Thủy có gần 10 hộ cung ứng hoa tuylip, giá bán trung bình 120 – 150 ngàn đồng/chậu, trong khi chi phí sản xuất chỉ khoảng 60.000 đồng/chậu, nên loại hoa này cho thu nhập khá cao. Đây là cây trồng được bà con kỳ vọng.

Theo anh Nguyễn Đức Phú (trước đây là Trạm trưởng Trạm khuyến nông – lâm – ngư huyện A Lưới, nay là Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện), cách đây 3 năm, anh đã tìm hiểu thị trường cùng các kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa tuylip, và cũng là người đầu tiên đưa loài hoa này du nhập vào A Lưới. Hai năm nay, sản phẩm hoa tuylip ở A Lưới được tiêu thụ tại Huế, Đà Nẵng, Quảng Trị...

“Bình quân mật độ 20 ngàn cây trên một sào đất, thu hoạch thấp nhất cũng trên 400 triệu đồng, cho thấy hoa tuylip cho thu nhập cao so với các loại cây trồng khác. Riêng vấn đề sâu bệnh của cây hoa này, cán bộ kỹ thuật đã tập huấn cho bà con các biện pháp khắc phục hiệu quả, không còn lo ngại”, anh Phú khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới – Hồ Văn Ngưm cho biết: Với lợi thế thích nghi tốt khí hậu bản địa, thời gian sinh trưởng không dài, chỉ từ 20-25 ngày, lợi nhuận cao, được thị trường ưa chuộng, hoa tuylip hoàn toàn có thể phát triển đại trà tại địa phương, hướng đến hình thành mô hình sản xuất ở vùng cao A Lưới.

Trước tiên, cần có chính sách hỗ trợ, vận động người dân cải tạo vườn tạp để hình thành một vùng chuyên canh nhằm đảm bảo nguồn cung cấp và chất lượng sản phẩm.

Lợi thế của cây hoa tuylip ở A Lưới đã rõ. Tuy nhiên, quy mô còn nhỏ lẻ, diện tích trồng chủ yếu là của cá nhân, hoa tuylip đang dừng lại ở mức độ hàng hoá thông thường. Địa phương chưa hình thành được HTX nông nghiệp quản lý và tổ chức mô hình sản xuất gắn với thương hiệu sản phẩm cây trồng này. Trong khi, cần có đơn vị thực hiện nhiệm vụ quảng bá thương hiệu, mở cửa hàng kinh doanh, tổ chức thu mua, giới thiệu sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ...

Theo lãnh đạo huyện A Lưới, hoa tuylip cắt cành phải được đóng bao bì, có tem ghi số lượng, xuất xứ sản phẩm, giá thành... như một nhãn hàng hoá độc quyền chứ không chỉ bán từ vườn như lâu nay. Việc hình thành HTX là cần thiết, có trách nhiệm về nguồn giống, vật tư, cập nhật phổ biến kỹ thuật mới để giảm chi phí, giá thành, tăng năng suất, chất lượng, đưa hoa tuylip trở thành một sản phẩm hàng hoá có giá trị cao.

Hiện, ngành nông nghiệp huyện A Lưới đang đề xuất tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư một kho lạnh cho địa phương để bảo quản củ giống và cây hoa cắt cành khi thu hoạch đại trà trên diện tích lớn.

Bài, ảnh: Bá Trí

Đồng Tháp: Ứng dụng thương mại điện tử, tạo thêm lợi nhuận cho cây sứ

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Không chỉ tập hợp những hộ cùng sản xuất vào mô hình kinh tế hợp tác, thời gian gần đây, một số hộ dân tham gia Tổ hợp tác (THT) hoa kiểng An Bình (xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) còn có cách làm mới khá hay, đó là tạo kênh youtube bán hàng qua mạng, cách làm này vừa giúp nông dân tiêu thụ vừa nâng cao giá trị cho sản phẩm.

Vườn sứ củ 6.000m2 của anh Trần Thanh Sơn

Anh Trần Thanh Sơn - Tổ phó THT hoa kiểng An Bình cho biết, THT hoa kiểng được thành lập cách đây hơn 1 năm. Lúc đầu, THT chỉ có một vài thành viên nhưng đến nay đã có 13 tổ viên tham gia. THT hoa kiểng An Bình có diện tích canh tác hơn 4ha, chủ yếu là tập hợp các hộ trồng sứ với nhau cùng chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất cũng như cách làm hiệu quả để hỗ trợ anh em cùng làm theo.

Do sứ củ và cây Ngọc Lan (cùng họ với sứ củ) là loại cây công trình nên thị trường tiêu thụ khá dễ, chủ yếu là bán cho thương lái ở Sa Đéc và TP.Hồ Chí Minh. Giá bán tương đối ổn định, tuy nhiên theo anh Sơn, bán hàng theo hình thức này phải qua khâu trung gian là thương lái nên bị giảm một phần lợi nhuận, riêng những tháng mưa, chất lượng cây không đồng đều nên thường bị thương lái kỳ kèo ép giá.

Gần đây, một số anh em trong THT tình cờ phát hiện ra cách làm mới, đó là tạo kênh youtube, quay hình ảnh trực tiếp và bán hàng trên mạng. Cách làm này đã tạo ra lợi ích khá lớn cho anh em, bởi bán hàng theo hình thức này có sự tương tác qua lại giữa người mua và người bán, cũng như việc thỏa thuận giá cả hợp lý sẽ giúp khách hàng có sự lựa chọn phù hợp.

Anh Trần Văn Ngôn - Tổ trưởng THT hoa kiểng An Bình, đồng thời cũng là người đầu tiên của tổ thực hiện theo hình thức bán hàng trên mạng chia sẻ: “Bán hàng theo hình thức này mình bỏ được khâu trung gian là thương lái nên lợi nhuận cao hơn khoảng 30 - 40%. Ví dụ, một chậu sứ củ 1 năm tuổi bán cho thương lái đồng giá 50.000 đồng/chậu, khi bán trên mạng mình có thể định giá phù hợp tùy theo chất lượng mỗi chậu, rồi thỏa thuận với khách hàng, nếu khách đồng ý sẽ giao hàng tận nơi”.

Tuy nhiên, theo anh Ngôn, bán hàng theo hình thức này đòi hỏi người nông dân phải nhanh nhẹn trong việc kết nối với các đơn vị vận chuyển như xe khách, bưu điện để giao nhận hàng, phải tạo tài khoản ngân hàng để nhận tiền khi giao dịch thành công. Anh Ngôn cho biết thêm, với tài khoản vườn sứ Nguyễn Nhàn trên youtube của mình, hiện trung bình mỗi ngày anh bán khoảng 30-70 cây sứ củ với đủ loại giá, nhưng thông thường khách ưa chuộng các chậu tầm giá khoảng 100-300 ngàn đồng (loại sứ củ trên 1 năm tuổi).

Được biết, ngoài anh Ngôn, hiện nay một số xã viên trong THT cũng đang tập làm theo, trong đó Facebook, Zalo là 2 kênh chính, còn kênh youtube anh Ngôn đang tiếp tục hỗ trợ họ hoàn thiện quy trình, đồng thời vận động nhiều anh em tham gia thêm vào THT để có những chia sẻ về cách làm ăn mới. Theo anh Ngôn, nếu người nông dân cùng học hỏi cách bán hàng ứng dụng thương mại điện tử sẽ nâng cao lợi nhuận người sản xuất. Đồng thời, cách kinh doanh này sẽ tạo cho người nông dân dần tiếp cận công nghệ mới vào sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm.

Mỹ Nhân

Mô hình trồng hoa chất lượng cao: Hướng đi đúng, hiệu quả

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Từ những mô hình nhỏ lẻ, đến nay, Hà Nội đã phát triển mạnh mẽ trở thành vùng trồng hoa lớn với đa dạng chủng loại. Đặc biệt, các mô hình trồng hoa chất lượng cao trên địa bàn thành phố hiện cho thu nhập từ 200 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/ha/năm, đang được đánh giá là hướng đi đúng, hiệu quả, đã có nhiều nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp… chọn lựa.

Sản xuất hoa lan tại Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng).

Giàu, đẹp từ trồng hoa

Trước nhu cầu chơi hoa, đặc biệt là các loại hoa bản địa của người tiêu dùng ngày càng cao, anh Nguyễn Văn Công ở thôn Đại Tảo (xã Đại Thành, huyện Quốc Oai) đã mạnh dạn chọn mô hình trồng và cấy ghép các giống hoa lan. Anh Công cho biết, việc chọn, cấy ghép, chăm sóc hoa lan rất cầu kỳ, yêu cầu kỹ thuật cao, nên người trồng lan phải tỉ mỉ, say mê mới trồng được loại hoa này. Song, nếu thành công, mô hình sẽ cho hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là phù hợp với hướng đi của nền nông nghiệp đô thị. Qua nhiều năm xây dựng, đến nay anh Công đã thành công với mô hình trồng hoa lan. “Từ quy mô 200m2 ban đầu, đến nay vườn lan đã được mở rộng lên 500m2 với hơn 1.000 giò lan các loại như: Đai Châu, Phi Điệp, Trầm, Quế, Tam bảo sắc, Hạc vĩ... Giá bán trung bình của một giò lan dao động từ 1 đến 2 triệu đồng/giò, có những giò lan thuần, lan rừng có giá đến vài chục triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi năm vườn lan của gia đình tôi thu được hơn 400 triệu đồng”, anh Nguyễn Văn Công cho hay.

Anh Nguyễn Đỗ Thế Cường ở xã Hương Ngải (huyện Thạch Thất) cũng đã trở thành tỷ phú nhờ mô hình trồng lan rừng. Sở hữu vườn lan với hơn 5.000 giò lan, đặc biệt có gần 100 loài lan rừng quý, hiếm khác nhau giá trị lên đến gần 2 tỷ đồng. Trong đó, có những giò lan được kết trên thân gỗ cổ thụ có giá từ 10 đến 20 triệu đồng/giò.

Không chỉ hộ cá thể mà mô hình trồng hoa chất lượng cao còn được nhân rộng tại nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn TP Hà Nội. Điển hình là vùng trồng hoa huyện Mê Linh. Hiện, toàn huyện có khoảng 430ha trồng hoa, hằng năm cung cấp khoảng 295 triệu cành hoa, gồm nhiều loại hoa cho người tiêu dùng Hà Nội, các tỉnh, thành phố trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Lào, Thái Lan… Mô hình trồng hoa tại huyện Mê Linh đang cho thu nhập từ 300 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/ha/năm.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ và sự nỗ lực của mỗi người dân, đến nay toàn thành phố có khoảng 2.700ha trồng hoa, trong đó có hơn 50 vùng trồng hoa có quy mô 20ha/vùng. “Hoa là cây trồng cho giá trị kinh tế cao, đây cũng là loại cây được nhiều địa phương lựa chọn trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ngoài cung ứng sản phẩm hoa cho thị trường, nhiều vườn hoa đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Không những vậy, mô hình trồng hoa ở Hà Nội còn tạo không gian xanh, sạch, đẹp cho vùng ngoại thành, góp phần xây dựng nền nông nghiệp đô thị, sinh thái”, ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

Hiệu quả kinh tế từ trồng hoa là khá rõ, song, trên địa bàn thành phố mới chỉ có hơn 110ha trồng hoa bước đầu ứng dụng công nghệ cao ở một số khâu, quy mô nhỏ. Tổng diện tích nhà màng, nhà lưới của các vùng hoa mới đạt 68,3ha và có 0,1ha bước đầu ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Giám đốc HTX Đan Hoài (huyện Đan Phượng) Bùi Hường Bích cho biết, trồng hoa, nhất là các loại hoa chất lượng cao, việc ứng dụng công nghệ cao trong hệ thống nhà lưới, nhà kính… nhằm điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng sẽ hạn chế những rủi ro trong sản xuất. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư cho các mô hình trồng hoa chất lượng cao không phải là nhỏ, do vậy cần có những chính sách hỗ trợ về vốn giúp doanh nghiệp, HTX đầu tư nhân rộng mô hình.

Ngoài ra, trình độ sản xuất, quỹ đất đang là hạn chế để các mô hình trồng hoa chất lượng cao trên địa bàn thành phố được nhân rộng. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng, việc ứng dụng công nghệ cao vào trồng hoa hiện nay chủ yếu do các doanh nghiệp có quy mô lớn đầu tư. Còn ở các HTX, hộ kinh doanh nhỏ và vừa, việc này gần như chưa thực hiện được, nếu có triển khai thì đầu ra không ổn định hoặc sản phẩm chưa bảo đảm để cạnh tranh trên thị trường.

TP Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2020 diện tích canh tác hoa ứng dụng công nghệ cao đạt 300ha. Tỷ trọng giá trị sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 25 đến 30% tổng giá trị sản xuất hoa toàn thành phố. Để phát triển các mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Theo đó thành phố sẽ đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ như: Đào tạo nghề về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường phục vụ phát triển liên kết; hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng hạ tầng… Với sự hỗ trợ tích cực này, không chỉ mô hình trồng hoa mà nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố sẽ tháo gỡ được những khó khăn, từng bước nhân rộng và phát triển.

ĐỖ MINH

Chàng nông dân làm giàu trên đất... thành phố

Nguồn tin: Báo Hà Giang

Từ những lợi thế như, nhà nằm gần trung tâm thành phố, có diện tích đất canh tác rộng và kinh nghiệm chăn nuôi..., chàng trai trẻ người Tày Trần Thế Ân (sinh 1991), thôn Lúp, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang đã chọn hướng đi trong phát triển kinh tế là chăn nuôi tổng hợp gắn với trồng cây ăn quả và rau màu.

Trần Thế Ân giới thiệu về ao nuôi cá Bỗng của gia đình.

Học chuyên ngành Y, nhưng sau khi ra trường, Ân đã chọn cho mình hướng đi riêng với mô hình chăn nuôi được anh hình thành và xây dựng từ năm 2016. Ân cho biết: “Ban đầu lấy những vật nuôi trong gia đình có sẵn, như lợn, gà để tập chăn nuôi; cùng với đó, anh học hỏi thêm trên mạng và nhiều mô hình khác về cách nuôi và chọn giống; dần tích lũy được kinh nghiệm và mở rộng quy mô. Hiện tại, anh luôn duy trì nuôi từ 50 - 60 con lợn đen, hơn trăm con gà ta và 5 con trâu..., cùng đó, kết hợp trồng cây ăn quả như: Bưởi, mít và trồng các loại rau màu...”.

Ân tâm sự: “Có lần hụt hẫng về những chú gà không rõ lý do mà lăn ra chết, hay làm sao để đỡ đẻ những chú lợn, có lúc nuôi lợn mãi không lớn và phải điều chỉnh thường xuyên liều lượng, cách cho ăn để tìm ra chế độ ăn phù hợp cho từng độ tuổi của lợn..”. Từ một chàng trai học Y, nay lại là một anh nông dân với việc đỡ đẻ cho lợn, chăm sóc cá và theo dõi từng ổ trứng gà ấp. Nhưng trên hết, đây là công việc mà Ân yêu thích nên luôn toàn tâm, toàn ý.

Từ trục đường đôi của thành phố có thể nhìn thấy căn nhà nhỏ với các chòi xung quanh, đó là trang trại Ân đã tự tay gây dựng trong những năm qua. Tuy quy mô chưa lớn, nhưng được Ân quy hoạch rất khoa học; trước cửa nhà, anh trồng cây ngắn ngày; tiếp theo là ao nuôi cá, cách xa nhà là chuồng nuôi lợn, gà; phía sau mảnh đồi là không gian trồng cây ăn quả. Tại khu vực chăn nuôi, Ân xây dựng hệ thống bể biogas để tận dụng chất thải, tạo chất đốt và đảm bảo vệ sinh môi trường. Trong chuồng nuôi, Ân chia thành các ô để tiện cho việc tách đàn và những lứa lợn được sắp xếp theo từng độ tuổi để dễ chăm sóc. Hiện, Ân đang xây dựng thêm một khoảnh vườn để tạo sân chơi cho lợn, cùng với đó là tận dụng những nông sản gia đình trồng được để làm thức ăn cho đàn lợn; bởi vậy, đàn lợn luôn phát triển nhanh, béo tốt và ít bệnh.

Với cách chăn nuôi, trồng những loại cây của địa phương và được cung cấp theo mùa đã giúp Ân thành công trong mô hình phát triển kinh tế của mình. Các sản phẩm của gia đình thường được bán ở chợ phiên vào thứ 7 hàng tuần bằng việc tự mổ lợn, mang gà, rau, hoa quả bán trực tiếp. Qua đó, giúp giảm được khâu trung gian và thu lợi trực tiếp.

Đặc biệt, Ân còn thực hiện nuôi cá ruộng, bên cạnh 2 ao cá với các loại, như: Bỗng, Trắm, Trôi... Ân đã tận dụng những diện tích ruộng để nuôi cá Trê và cá Rô. Đây được xem là cách nuôi thích hợp, tận dụng diện tích ruộng bỏ không, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Cá được nuôi ở ruộng lớn nhanh tốn ít thức ăn; bởi, ruộng luôn sẵn có nguồn thức ăn là côn trùng.

Dám nghĩ, dám làm và linh hoạt trong cách chăn nuôi cũng như kinh doanh; trang trại nhỏ mà Ân nỗ lực xây dựng đã giúp gia đình anh luôn có nguồn thu từ 150 – 200 triệu/năm. Trong năm 2019, Ân tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi với việc nuôi lợn nái, gà Đông Tảo, gà Sao để cung cấp các sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

Phát hiện thêm ổ dịch tả heo châu Phi tại Thái Nguyên

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tỉnh Thái Nguyên vừa tổ chức tiêu hủy đàn heo 52 con mắc dịch tả heo châu Phi, chính thức 'ghi danh' địa phương thứ 10 trên toàn quốc xuất hiện dịch tả heo châu Phi.

Các cơ quan chức năng TP. Hà Nội tổ chức diễn tập, hướng dẫn các biện pháp phòng chống, xử lý heo nhiễm tả châu Phi tại huyện Thanh Oai sáng 7-3 - Ảnh: NAM NGUYỄN

Theo báo cáo của Trạm chăn nuôi và thú y huyện Phú Bình (Thái Nguyên), tại 2 hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Úc Kỳ và xã Kha Sơn phát hiện tình trạng heo ốm với biển hiện sốt cao, bỏ ăn, chết.

Ngày 6-3, Chi cục Chăn nuôi và thú y, UBND huyện Phú Bình và các phòng liên quan của huyện tiến hành kiểm tra thực tế tình hình dịch bệnh trên đàn heo của 2 hộ chăn nuôi trên.

Qua kiểm tra, tại đàn heo hộ ông Nguyễn Văn T. (xóm Giữa, xã Úc Kỳ) gồm 52 con, hộ ông Nguyễn Tiến Đ. (xóm Mai Sơn, xã Kha Sơn) có 20 con cùng có biểu hiện sốt cao, bỏ ăn, ủ rũ, nằm một chỗ.

Chi cục Thú y tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành lấy mẫu huyết thanh, mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm tại Trung tâm Chẩn đoán thú y trung ương. Kết quả, 8/10 mẫu dương tính với virus dịch tả heo châu Phi tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn T. Tại hộ gia đình ông Nguyễn Tiến Đ., mẫu bệnh phẩm âm tính với virus dịch tả heo châu Phi.

Các đơn vị đã tổ chức tiêu hủy đàn heo 52 con theo quy định của hộ gia đình ông Nguyễn Văn T., đồng thời tiến hành khử trùng tiêu độc và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch một cách triệt để, đồng thời công bố dịch trên địa bàn huyện Phú Bình.

Đối với đàn heo của gia đình ông Nguyễn Tiến Đ., Chi cục Thú y Thái Nguyên yêu cầu gia đình cam kết không được bán chạy, giết mổ và giao cho chính quyền địa phương chịu trách nhiệm quản lý, tiếp tục theo dõi nếu vẫn ốm, cho lấy mẫu gửi xét nghiệm và xử lý theo quy định.

Theo thống kê của Cục Thú y, đến hết ngày 7-3, bệnh dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 333 hộ ở 51 xã, 22 huyện của 10 tỉnh thành: Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Hải Dương, Thanh Hóa, Hòa Bình, Điện Biên và Thái Nguyên. Tổng số heo bị mắc bệnh và tiêu hủy là hơn 6.500 con.

PV

Dịch tả heo châu Phi lan ra 9 tỉnh thành, Hà Nội phát hiện thêm 3 ổ dịch

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Theo thống kê của Cục Thú y, đến hết ngày 6-3, dịch tả heo châu Phi đã lan ra 9 tỉnh, thành với tổng số 6.471 con bị tiêu hủy. Hà Nội phát hiện thêm ổ dịch ở 3 quận, huyện Hoàng Mai, Đông Anh và Gia Lâm.

Điện Biên là địa phương thứ 9 phát hiện dịch tả heo châu Phi - Ảnh: BÙI MINH

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Ngọc Sơn - chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội - cho biết trong ngày 6 và 7-3, Hà Nội đã phát hiện thêm 3 ổ dịch tả heo châu Phi tại 3 hộ chăn nuôi ở các quận, huyện Hoàng Mai, Đông Anh và Gia Lâm.

Theo ông Sơn, tại huyện Gia Lâm sáng 7-3, ổ dịch tả heo châu Phi được phát hiện tại một hộ chăn nuôi với 29 heo nái và heo con. Toàn bộ 29 con heo đã được tiêu hủy trong sáng nay.

Tại huyện Đông Anh, ngày 6-3 ổ dịch được xác định tại hộ gia đình bà Trương Thị Vân ở xóm 6, thôn Thụy Lôi. Khi phát hiện có 1 con heo bị chết, gia đình đã báo cáo lên UBND xã Thụy Lâm.

Trong vòng 5 giờ, UBND huyện Đông Anh phối hợp Chi cục Thú y vùng 1, Sở NN&PTNT Hà Nội và các đơn vị tiêu hủy toàn bộ đàn heo 10 con của bà Vân.

Tại quận Hoàng Mai, ổ dịch tả heo được phát hiện tại hộ gia đình bà Nguyễn Thị Lan (số 6, ngách 95/203 phố Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam).

Hộ này chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư với tổng đàn heo 46 con. Những ngày qua, có 4 con mắc bệnh và chết, một số con khác trong tổng số 46 con cũng có dấu hiệu bị bệnh. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã tiêu hủy.

Theo ông Sơn, sau khi phát hiện các ổ dịch, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp các quận, huyện tiêu độc khử trùng khu vực có dịch. Đồng thời lập các chốt chặn kiểm dịch nhằm giám sát việc vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào địa bàn, không để bệnh dịch lây lan.

Trong khi đó tại tỉnh Điện Biên, ông Đỗ Thái Mỹ - chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh - cho biết dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại các bản Bon A, Lóng Luông thuộc xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo.

Ông Mỹ cũng cho biết bước đầu xác định thêm dịch có dấu hiệu lan sang các địa bàn khác thuộc xã Ta Ma và Mường Mùn.

Điện Biên là địa phương thứ 9 phát hiện dịch sau các tỉnh, thành Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hải Dương, Hà Nam và Hòa Bình.

CHÍ TUỆ

Nuôi lợn an toàn giữa tâm dịch

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Nhờ luôn chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh từ xa, trang trại nuôi gần 200 lợn nái và 500 lợn thịt của anh Vũ Xuân Tính vẫn có lãi dù nằm trong vùng dịch.

Phải khó khăn lắm chúng tôi mới thuyết phục được anh Vũ Xuân Tính ở thôn Đồng Trung, xã Việt Hưng, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) dành cho một biệt lệ - phỏng vấn và ghi hình về bí quyết chăn nuôi heo có lãi của gia đình anh, giữa lúc bệnh dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành.

Trang trại lợn của anh Tính được bảo vệ nghiêm ngặt

Anh Tính cho biết: “Do có những hộ dân không tuân thủ nghiêm ngặt qui trình chăn nuôi an toàn sinh học, không thực hiện vaxcin phòng ngừa dịch bệnh cho lợn đúng lịch thú y, đã làm phát snh nhiều loại dịch bệnh gây hại. Sau đó là hiệu ứng đua nhau bán chạy lợn để thu hồi vốn của người chăn nuôi, dẫn đến giảm nguồn cung trong và sau dịch hại, đẩy giá lợn lên cao. Lúc này trang trại nào bảo toàn được đàn lợn, chăn nuôi sẽ có lãi”.

Theo đó, để giữ được đàn lợn an toàn trước các loại dịch bệnh, gia đình anh Tính đã thường xuyên “cấm trại” 100%. Bao gồm tuyệt đối không cho người lạ ra vào trang trại, trường hợp đặc biệt, thượng khách cũng phải qua phòng diệt trùng, mặc đầy đủ các đồ bảo hộ vô trùng, mới có thể được vào khu vực chăn nuôi.

Các phương tiện vận chuyển vật nuôi và thức ăn chăn nuôi, đều phải phun xịt tẩy trùng kỹ lưỡng trước khi bốc xếp hàng hóa. Cổng nhập và xuất lợn có hố sát trùng và thay nước hàng ngày. Rắc vôi bột xung quanh khu vực chăn nuôi vào thứ 2 và thứ 6 hàng tuần.

Sát trùng chuồng nuôi lợn ngày 2 lần (sáng sớm và chiều tối) bằng formol hoặc nước vôi. Trại lợn luôn được vệ sinh khô ráo và thông thoáng. Phun diệt ruồi muỗi định kỳ.

Cho lợn ăn đầy đủ dưỡng chất và chỉ cho lợn ăn sau khi chuồng trại lợn đã đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. Thường xuyên kiểm tra không để lợn ăn phải các loại cám ẩm mốc. Bổ sung vitamin C, các vitamin nhóm B thêm vào thức ăn cho lợn để tăng sức đề kháng. Tiêm vacxin ngừa phòng các bệnh do virus như lở mồm long móng, heo tai xanh... đúng lịch thú y, trong đó phòng ngừa vacxin lở mồm long móng cho lợn 2 lần vào các thời điểm lợn 30 ngày tuổi và 60 lợn ngày tuối. Vacxin phòng bệnh tai xanh cho lợn 3 lần/năm vào các tháng 3, 7 và 11.

Đồng thời giám sát sức khỏe trại heo nuôi hàng ngày để chủ động các biện pháp phòng trị sớm. Thực hiện chăn nuôi khép kín, vào ra đồng loạt và chủ động con giống nuôi chất lượng tốt, bằng cách nuôi thêm đàn lợn bố mẹ, ông bà hoặc cụ kỵ. Sau xuất bán lợn tiến hành vệ sinh tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, rồi để chuồng nghỉ 7 ngày mới nhập lợn nuôi trở lại.

Chăm sóc lợn nái giống GF24

Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật nói trên, anh Tính đã luôn bảo toàn được đàn lợn trước các loại dịch bệnh và chăn nuôi có lãi, trong đó năm 2018 đã cung ứng ra thị trường được 100 tấn lợn thịt hơi thương phẩm, gần 5.000 con lợn giống, trừ mọi chi phí đầu tư còn lãi trên 300 triệu đồng, giúp cho 4 lao động tại chỗ có việc làm thường xuyên, mức thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Trần Văn Phú (Trưởng thôn Đồng Trung): “Anh Tính luôn bảo toàn được đàn lợn và chăn nuôi có lãi, còn do trong nhiều năm làm đại lý bao tiêu, phân phối cám ăn công nghiệp cho các công ty, anh đã không bỏ lỡ cơ hội tìm hiểu, tích lũy kỹ năng chăn nuôi qua các buổi hội thảo, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi lợn của công ty cho người dân trên địa bàn. Đồng thời lựa chọn chính xác được các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi và cung ứng con giống có uy tín, để đưa vào phát triển sản xuất trong trang trại.”

Hiện tại gia đình anh Tính chủ yếu nhập nuôi giống lợn bố mẹ GF24, giống có ưu điểm: Năng suất sinh sản cao (đẻ 2,35 - 2,5 lứa/năm, mỗi nái đẻ 14 - 15 con/lứa). Chất lượng con giống đồng đều. Tỷ lệ hao hụt thấp. Heo con tăng trọng nhanh. Tỷ lệ thịt xẻ cao (80 - 82%). Đặc biệt, lợn GF24 còn có khả năng kháng tốt với bệnh Ecoli (tiêu chảy).

"Để phòng ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi, trang trại đã tạm dừng sử dụng các loại thịt lợn và các sản phẩm từ lợn mua ở bên ngoài. Tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng dịch nói trên. Đồng thời theo dõi sát sao mọi diễn biến trên đàn lợn. Khi thấy xuất hiện những biểu hiện bất thường sẽ báo ngay cho cơ quan thú y địa phương để được tư vấn hỗ trợ kịp thời," anh Vũ Xuân Tính cho biết.

NGUYỄN HẢI TIẾN

Green Feed: 710 hội thảo chống dịch, hỗ trợ thuốc sát trùng cho từng trại

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Theo ông Đỗ Cao Bằng - Tổng giám đốc Green Feed, qua 5 tháng, Cty đã tổ chức được 710 cuộc hội thảo lớn nhỏ để phòng chống dịch. Tới thời điểm này đã có 47.000 lượt khách hàng được tập huấn kỹ thuật phòng dịch, thông qua hệ thống thú y cơ sở và khuyến nông cơ sở.

Green Feed hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn, con giống và hệ thống nhà máy, giết mổ theo mô hình liên kết chuỗi từ trang trại tới bàn ăn. Ý thức rõ tầm quan trọng của an toàn dịch bệnh, ngay từ tháng 8/2018, Cty đã tích cực triển khai tìm hiểu thông tin thông qua các kênh của FAO, OIE, Bộ NN-PTNT, triển khai truyền thông quyết liệt không chỉ trong hệ thống nhà máy sản xuất thức ăn, sản xuất con giống mà còn truyền thông tới khách hàng.

Ông Đỗ Cao Bằng - Tổng giám đốc Green Feed

Theo ông Đỗ Cao Bằng - Tổng giám đốc Green Feed, qua 5 tháng, Cty đã tổ chức được 710 cuộc hội thảo lớn nhỏ để phòng chống dịch. Tới thời điểm này đã có 47.000 lượt khách hàng được tập huấn kỹ thuật phòng dịch, thông qua hệ thống thú y cơ sở và khuyến nông cơ sở.

“Chúng tôi cũng đã hỗ trợ 2 tỷ đồng cho các hộ chăn nuôi”, ông Bằng cho biết. Nhờ vậy, sản phẩm của Green Feed đưa đến cho khách hàng đảm bảo an toàn dịch bệnh. “Chúng tôi cũng cam kết cung cấp sản phẩm thịt sau giết mổ, chế biến đảm bảo an toàn tuyệt đối với dịch tả lợn Châu Phi”, ông Bằng nhấn mạnh.

Tại Hội nghị trực tuyến Triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, đại diện cho nhóm chăn nuôi lớn, ông Đỗ Cao Bằng cho biết, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của các doanh nghiệp thì không đủ. Khối doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên trách, các địa phương và chuyên gia khoa học thì mới xây dựng được chuỗi sản phẩm an toàn trong nước.

MINH PHÚC - VĂN VIỆT - ĐINH TÙNG

98 trang trại chăn nuôi heo chuồng kín, công nghệ tự động

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Bình Phước đã thành lập được các chuỗi giá trị chăn nuôi, với 224/251 trang trại thuộc hệ thống các công ty CP, CJ, Deheus, Việt Phước, Hòa Phước… Đa số các trang trại thực hiện theo quy trình nội bộ, khép kín từ khâu sản xuất, cung cấp giống, thức ăn đến thu mua, tiêu thụ sản phẩm. Việc phát triển chăn nuôi theo mô hình chuồng kín ứng dụng công nghiệp công nghệ cao, hệ thống tự động, bán tự động ngày càng phát triển và được tỉnh ưu tiên khuyến khích. Theo đó, đã có 98/251 trang trại chăn nuôi heo theo mô hình chuồng kín, công nghệ tự động, đạt 39,04%; chăn nuôi gia cầm theo công nghệ chuồng lạnh, tự động, đạt 48,19% (40/83 trang trại). Đến nay, tỉnh có 909 trang trại với tổng diện tích 15.854 ha đất, trung bình 17,5 ha/trang trại, tạo việc làm cho khoảng 13.394 lao động.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 12 mô hình chăn nuôi theo hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ. Điển hình là Hợp tác xã chăn nuôi heo, gà tại xã Thanh Lương (Bình Long), Hợp tác xã chăn nuôi Long Giang (Phước Long)… Đồng thời, có 1.335 tổ hợp tác với 11.990 thành viên. Trong đó, 89 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được thành lập mới và hoạt động tại các xã chỉ đạo điểm xây dựng nông thôn mới. Đây sẽ là tiền đề để thành lập các hợp tác xã trong những năm tới của tỉnh.

P.M

Vĩnh Long: Hiệu quả bước đầu dự án nuôi dê sinh sản theo hướng an toàn sinh học

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Để hình thành các vùng chăn nuôi tập trung qui mô lớn, ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao trong chăn nuôi, liên kết tiêu thụ thịt dê chất lượng, an toàn, nâng cao giá trị và hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long đã xây dựng dự án “Hỗ trợ phát triển mô hình chăn nuôi dê sinh sản theo hướng an toàn sinh học quy mô nông hộ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2017 - 2019”.

Mô hình được thực hiện với số lượng 168 con, trong đó 140 con dê cái và 28 dê đực trên địa bàn 6 xã (xã Thuận Thới, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn; xã Bình Ninh, huyện Tam Bình; xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh; xã Mỹ Thuận, xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân). Các giống dê được sử dụng trong dự án là giống Bách Thảo, lai giống Bách Thảo, lai giống Boer, trọng lượng dê cái từ 20 kg trở lên, dê đực từ 30 kg trở lên. Mỗi hộ dân đủ điều kiện tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ 50% chi phí mua 06 dê giống (05 dê cái, 01 dê đực) và 30% chi phí mua thức ăn; Hỗ trợ 100% chi phí tập huấn chuyển giao kỹ thuật và được cán bộ khuyến nông theo dõi mô hình.

Mô hình nuôi dê sinh sản tại hộ anh Trần Thanh Phong (ấp Hoà Hiệp, xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân)

Sau gần 2 năm thực hiện, tại một số điểm đã thu được kết quả. Phần lớn các hộ nuôi phối giống đã có đậu thai. Dự tính mỗi hộ nuôi 6 con dê giống, sau 03 năm sẽ có 52 con dê con được đẻ ra, thu được số tiền từ dê con bán giống, bán thịt và các khoản thu khác từ thanh lý dê giống. Sau khi trừ chi phí mỗi hộ tham gia sẽ có thêm thu nhập tối thiểu khoảng 14 triệu đồng mỗi năm.

Việc triển khai dự án giúp cải tạo chất lượng giống đàn dê địa phương của tỉnh Vĩnh Long, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

Thành Khải - Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long

Rộ nuôi gà lông ngược giá cả triệu đồng

Nguồn tin: VnExpress

Giới chơi gà các tỉnh đang rộ mua bán gà lông ngược, một giống gà được mang về từ Nga, Ấn Độ.

Chị Hoa, ở Thái Nguyên kể, một lần người quen ở Nga mang trứng gà lông ngược về, chị liền cho gà mái thông thường ấp trứng và đẻ ra chục con gà lông ngược. Vì chúng có bộ lông khá lạ mắt nên chị Hoa nhân giống. Thấy gà lông ngược được đẻ trứng và ấp nở như những con gà khác, chị Hoa bắt đầu giới thiệu thì được mọi người ủng hộ nhiệt tình.

Gà lông ngược được nhiều người bán với giá đắt đỏ: Ảnh: Dân Việt.

"Hiện tôi có khoảng 30 con gà lông ngược trưởng thành và vài chục gà con. Những con gà nhỏ được bán với giá 600.000 đồng, còn một cặp trưởng thành giá 2 triệu đồng", chị Loan nói.

Gà lông ngược được chị nuôi và bán hai năm nay, đa phần bán cho giới sành chơi. Chị cho biết, giống gà này đẻ rất sai trứng và thịt rất thơm, ngon. Đẻ sai, nhưng tỷ lệ đậu trứng lại khá thấp chỉ khoảng 30% và những con nở ra này không phải con nào cũng mang trên mình bộ lông ngược.

Nuôi loại gà này được hơn một năm nay, anh Hoàng ở Thái Bình cho biết, nhiều người hỏi mua nhưng vì nuôi với số lượng ít nên hiện đàn gà lông ngược nhà anh chỉ còn vài con. Ban đầu anh xin giống từ người quen ở Tây Nguyên được một cặp gà lông ngược. Nhưng vì mang về thì cả xóm ai cũng thích nên anh để cho chúng sinh đẻ tự nhiên. "Tới nay tôi đã bán được khoảng 3 cặp, mỗi cặp có giá 1,5 triệu đồng.

Trong khi một số người nuôi ở Thái Nguyên, Thái Bình bán giống gà này với giá cao thì tại Làng Kum (huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai), khá nhiều hộ dân nuôi gà lông ngược nhưng tất cả đều không bán ra thị trường. Gà chỉ dùng trong các dịp lễ, Tết hoặc đãi khách quý. Không bán nhưng gia chủ vẫn sẵn sàng tặng khi mến khách. Nguyên nhân là người dân quan niệm đây là giống gà quý cần phải giữ gìn. Giống gà này có trọng lượng khoảng 1,5 kg và thường ngủ trên cây cao.

Nói về bộ lông của "quái" gà này, ông Hùng thấy khá kỳ lạ vì khi nở ra, bộ lông bắt đầu mọc ngược lên chứ không dẹp xuống như gà thường. Đặc biệt, gà lông ngược có đề kháng rất cao, ít bệnh tật. Thức ăn cho gà lông ngược giống gà thường, nhưng về mùa mưa cần hạn chế cho gà con tiếp xúc nhiều với nước. Vì mùa này, khi lông gà bị ướt xoắn lại để lộ ra lớp thịt, gà sẽ dễ bị cảm lạnh và có thể chết.

Hồng Châu

Quyết đoán làm nên sự khác biệt

Nguồn tin: Báo Tuyên Quang

Anh Quan Văn Tiệp, tổ 3, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) đã bỏ việc ở một công ty có thu nhập khá về chăn nuôi hươu lấy nhung khiến cha mẹ, người thân không đồng tình. Vậy nên, khi anh gây dựng cơ sở nuôi hươu không được ai giúp đỡ, anh phải bán cả chiếc xe máy đang đi để có tiền mua 3 con hươu giống và xây dựng chuồng trại.

Anh Tiệp chăm sóc đàn hươu của gia đình.

Anh Tiệp là người dân tộc Tày, quê ở xã Trùng Khánh (Na Hang), di dân tái định cư công trình thủy điện Tuyên Quang về xã Kim Phú (Yên Sơn). Năm 2004 tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định. Anh từng làm việc ở nhiều công ty có thu nhập ổn định nhưng cuối cùng anh Tiệp quyết định theo nghề nuôi hươu lấy nhung. Anh bảo, chắc do sinh ra ở vùng núi nên rất thích chăn nuôi. Anh đi nhiều nơi, vào tận miền Trung, miền Nam học cách người ta nuôi hươu, khai thác nhung và rồi quyết định mở trang trại nuôi hươu từ năm 2009. Hươu là động vật dễ tính, ăn các loại lá cây và các phụ phẩm nông nghiệp, ít mắc dịch bệnh. Hươu thường mắc bệnh đầy hơi, tiêu chảy, nếu biết cách thì chữa rất dễ, không tốn chi phí mà bảo đảm sức khỏe cho hươu. Bệnh đầy hơi là do hươu ăn phải thức ăn không bảo đảm vệ sinh, nếu phát hiện muộn, chỉ sau 2 tiếng là hươu sẽ chết. Do vậy, khi có dấu hiệu bụng hươu trướng lên bất thường phải lấy tỏi giã cho hươu uống. Chỉ cần bài thuốc đơn giản này là hươu khỏi ngay. Để hươu phát triển tốt, khỏe mạnh phải chú trọng nguồn thức ăn sạch, khi cho hươu ăn phải để ý xem lá cây có sâu cuốn lá, trứng sâu hay không, nếu ăn phải những thứ này, hươu rất dễ bị đầy hơi, tiêu chảy.

Anh Tiệp phấn khởi bảo rằng, đến giờ thì mô hình đã thành công, bố mẹ anh không còn nghi ngờ nữa. Trong làm ăn có rất nhiều cách làm, quan điểm khác nhau, do đó cần phải có sự quyết đoán, lập trường thì mới tạo ra sự khác biệt. Trong khi thị trường có quá nhiều các sản phẩm hàng hóa thì phải biết khảo sát, đánh giá nhu cầu người tiêu dùng đang cần loại hàng hóa nào để tổ chức sản xuất hiệu quả. Anh đã tiến hành khảo sát nhu cầu nhung hươu ở thành phố Tuyên Quang, Hà Nội và các tỉnh lân cận và quyết định theo đuổi nghề này vì nhu cầu nhung hươu của người tiêu dùng khá lớn. Anh liên kết với một số công ty, nhà hàng Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ để cung ứng sản phẩm cho người tiêu dùng. Anh duy trì đàn hươu từ 30 con đến hơn 70 con, sản phẩm nhung hươu và hươu thịt, hươu giống của gia đình anh không đủ để bán, mỗi năm thu lãi 600 triệu đồng từ bán các sản phẩm này.

Hiện tại, anh vừa được Agribank Tuyên Quang cho vay vốn mở rộng quy mô chăn nuôi. Anh mới mua thêm 1.000 m2 đất để xây dựng thêm trang trại nuôi hươu; phát triển lên gần 1 mẫu đất trồng cỏ cho hươu ăn. Trang trại mới của anh khi đi vào hoạt động, dự kiến sẽ tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động. Anh có nhiều kinh nghiệm nuôi hươu và khai thác nhung nên được nhiều cơ sở nuôi hươu trong tỉnh mời tư vấn kỹ thuật, trực tiếp khai thác, tiền kiếm thêm cũng khá. Việc khai thác nhung phải làm sao nhung không vỡ, an toàn cho hươu mới là điều quan trọng. Đây là bí quyết mà không phải ai cũng làm được, góp phần tạo nên sự thành công của anh.

Bài, ảnh: Sơn Anh

Nuôi gà khép kín- Hướng đi hiệu quả trong chăn nuôi gia cầm

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc

Với những ưu điểm vượt trội như: Tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của ngành chăn nuôi, nuôi gà theo mô hình khép kín đang được một số trang trại trên địa bàn tỉnh áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi gà khép kín của gia đình anh Phan Văn Ngọc, thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương thu lãi hàng tỷ đồng/năm

Theo lời giới thiệu của cán bộ thú y xã, chúng tôi “mục sở thị” mô hình chăn nuôi khép kín của gia đình anh Phan Văn Ngọc, thị trấn Hợp Hòa (Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc). Ở đây, những dãy chuồng nuôi được đầu tư, xây dựng kiên cố, sạch sẽ. Ngay từ ngoài cửa hệ thống khử trùng tiêu độc được lắp đặt rất khoa học; trong chuồng nuôi, không gian rộng rãi, thoáng mát, hệ thống máng ăn, máng uống tự động.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Ngọc cho biết: Sau nhiều năm chăn nuôi gà theo quy mô nhỏ lẻ,nhận thấy thị trường tiêu thụ gà thịt, gà giống rất tốt nhưng tỷ lệ lây nhiễm dịch bệnh cao, không đảm bảo môi trường. Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy mô hình chăn nuôi gà khép kín của một số trang trại trên địa bàn trong và ngoài tỉnh đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2013, tôi đã đầu tư, xây dựng chuồng nuôi theo mô hình khép kín. Trên diện tích 3ha, tôi xây dựng 6 dãy chuồng nuôi, với 40.000 gà bố mẹ và hậu bị; đầu tư riêng 1 khu ấp trứng với 7 lò ấp, công suất 2,5 vạn trứng/lò; 3 máy phát điện dự phòng công suất 150KVA/máy cùng nhiều trang thiết bị cần thiết khác. Qua nhiều năm trực tiếp theo dõi và chăm sóc đàn vật nuôi, tôi thấy chăn nuôi theo mô hình khép kín tránh hiện tượng chết nóng, không khí thông thoáng, sạch sẽ nên hạn chế tối đa bệnh tật, giảm mùi hôi, bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí…

Từ khi chăn nuôi gà theo mô hình khép kín đến nay, đàn vật nuôi của gia đình chưa bao giờ xảy ra dịch bệnh lớn. Hiện nay, với 20.000 gà đẻ, trung bình 1 ngày, gia đình tôi thu trên 10.000 trứng, cứ 4 ngày lại xuất bán 1 phiên khoảng 30.000 con gà giống, giá bán 6-13 nghìn đồng/con gà giống tùy theo thị trường, thu lãi 1 tỷ đồng/năm. Hiện tại, công việc sản xuất, kinh doanh của gia đình đang phát triển rất thuận lợi, tạo việc làm cho 10 lao động tại địa phương, với mới thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.

Theo anh Ngọc, để đạt được kết quả như ngày hôm nay, anh luôn đặt uy tín và chất lượng con giống lên hàng đầu. Từ khâu nuôi gà bố mẹ anh đã cho tiêm vacxin phòng bệnh đầy đủ, đúng thời gian. Trước khi đưa trứng vào lò ấp cần chọn lọc và thải loại toàn bộ quả nhỏ, không đảm bảo chất lượng rồi xông khử trùng bằng thuốc tím và phooc môn, trong quá trình ấp trứng phải luôn duy trì nhiệt độ ở mức 37,6oc, sau 21 ngày, gà giống nở ra rất khỏe mạnh và ít bệnh tật.

Nhờ đó, gà giống của gia đình anh Ngọc không chỉ chiếm thị phần trên địa bàn tỉnh mà còn bán ở các tỉnh thành khác như: Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang. Với tốc độ phát triển như hiện nay, thời gian tới, gia đình anh Ngọc dự kiến sẽ phát triển thêm đàn gà bố mẹ.

Từng nhiều lần thất bại khi trồng vải, nhãn, xoài đến chăn nuôi bò thịt nhưng anh Đào Xuân Hải, xã Hướng Đạo (Tam Dương) lại thành công ngoài mong đợi sau khi xây dựng mô hình chăn nuôi gà khép kín và thu lãi hàng tỷ đồng/năm. Hiện nay, trên diện tích gần 7ha, với hơn 90.000 gà bố mẹ và hậu bị, trung bình 1 tuần, trang trại của anh Hải cung cấp ra thị trường khoảng 120.000 gà giống, tạo việc làm cho trên 60 lao động của địa phương, với thu nhập 5- 10 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ bán với số lượng nhiều mà gà giống ở trang trại của anh Hải còn được nhiều người trên địa bàn trong và ngoài tỉnh biết đến bởi chất lượng tốt. Có nhiều khách hàng đặt trước hàng tuần thậm chí hàng tháng, với số lượng lên tới hàng vạn con/lần.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm đang có xu hướng phát triển mạnh theo mô hình sản xuất hàng hóa, quy mô trang trại. Đặc biệt, chăn nuôi gà đã hình thành các vùng chăn nuôi gà đẻ, gà thịt tập trung ở các huyện như Tam Dương, Tam Đảo. Nhiều cơ sở chăn nuôi mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật mới nhằm đảm bảo chế độ dinh dưỡng và quản lý dịch bệnh, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.

Đến nay, đàn gia cầm trên toàn tỉnh có hơn 10,5 triệu con, tăng gần 6% so cùng thời điểm năm trước. Tuy nhiên, nuôi gà theo mô hình khép kín vẫn chưa được các hộ chăn nuôi áp dụng nhiều trên địa bàn. Với những ưu điểm vượt trội trên, hy vọng trong thời gian tới mô hình chăn nuôi gà khép kín sẽ được triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh góp phần giảm thiểu dịch bệnh, nâng cao thu nhập và phát triển chăn nuôi bền vững.

Bài, ảnh Hồng Tính

Bến Tre nhân rộng mô hình chăn nuôi bò sữa

Nguồn tin: Nhân Dân

Mặc dù mô hình chăn nuôi bò sữa chỉ mới phát triển tại Bến Tre trong thời gian gần đây, nhưng nhờ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư, phát triển đàn bò sữa, cho thu nhập cao.

Hộ gia đình bà Phạm Thị Tỷ phát triển đàn bò sữa theo quy mô trang trại mang lại hiệu quả cao.

Làm giàu nhờ bò sữa

Dự án phát triển đàn bò sữa tỉnh Bến Tre (gọi tắt Dự án), giai đoạn 2015 - 2019 được triển khai từ tháng 2-2015, với tổng nguồn vốn thực hiện hơn 98,2 tỷ đồng, trong đó tổ chức Heifer (tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu hoạt động xóa đói, giảm nghèo) hỗ trợ 18 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 18 tỷ đồng, vốn đối ứng của các hộ dân tham gia khoảng 62 tỷ đồng. Đến nay, sau một thời gian thực hiện Dự án, số hộ nông dân tham gia và tổng đàn ngày càng tăng.

Ban đầu Dự án triển khai tại một số xã của huyện Ba Tri, sau đó mở rộng sang huyện Giồng Trôm. Nông dân tham gia Dự án được hỗ trợ bò sữa giống, vốn, kỹ thuật chăn nuôi. Ban quản lý thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề kỹ thuật chăn nuôi bò sữa; quản lý dịch bệnh; thực hiện các mô hình trồng cỏ sả, cỏ voi lai; đưa công nghệ máy băm cỏ, máy vắt sữa vào sử dụng... Đến nay, có 1.310 hộ dân ở 16 xã của huyện Ba Tri và ba xã của huyện Giồng Trôm tham gia Dự án, với tổng số 2.432 con bò nền (bò tại địa phương được lai với bò sữa), 1.796 con bò sữa, trong đó 359 con bò đang cho sữa. Trung bình một hộ có từ ba đến 60 con bò, cho thu nhập bình quân khoảng 52,2 triệu đồng/con/năm.

Chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Thanh Tùng cho biết: Dự án được triển khai tại huyện trong mấy năm qua đã mang lại hiệu quả bước đầu rất tốt. Đây là mô hình triển vọng của địa phương nhằm giúp nông dân làm giàu và góp phần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt.

Tiêu biểu như hộ ông Bùi Văn Thanh, ngụ ấp Bến Vựa Bắc, xã Vĩnh Hòa (Ba Tri) vốn có kinh nghiệm hơn 20 năm chăn nuôi bò thịt, nhưng năm 2016, hộ ông Thanh chuyển dần sang nuôi bò sữa. Được Dự án hỗ trợ cho mượn ba con bò sữa và gia đình ông đầu tư mua thêm hai con. Đến nay, đàn bò sữa của hộ ông tăng lên 19 con, trong đó tám con đang cho sữa. Trung bình mỗi ngày thu hoạch khoảng 85 kg sữa và ký hợp đồng tiêu thụ với giá bán từ 12 đến 14 nghìn đồng/kg. Ông Thanh cho biết: “Hiện tại, mô hình nuôi bò sữa đạt hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với nuôi bò thịt vì giá cả ổn định. Trung bình mỗi tháng gia đình đạt lợi nhuận khoảng 16 triệu đồng, cho nên cuộc sống khá ổn định”.

Từ hiệu quả ban đầu của Dự án mang lại, một số hộ chăn nuôi tại huyện Ba Tri đã mạnh dạn đầu tư phát triển đàn bò sữa với quy mô trang trại. Gia đình bà Phạm Thị Tỷ, ngụ ấp An Hòa, xã An Phú Trung đầu tư gần một tỷ đồng xây dựng chuồng kiên cố để nuôi bò sữa. Nhờ có kinh nghiệm từ nuôi bò thịt, cộng với được tập huấn, đào tạo kỹ thuật nuôi bò sữa, cho nên việc chăn nuôi của gia đình rất thuận lợi. Bà Tỷ khẳng định: “Nuôi bò sữa cơ bản giống như nuôi bò thịt nhưng cần chăm sóc kỹ và cho ăn đúng giờ, đủ chất. Lợi thế của bò sữa là ngày nào cũng cho thu nhập và cao hơn nhiều so với bò thịt. Đến nay, đàn bò sữa đã phát triển lên 34 con, trong đó 10 con đang cho sữa. Trung bình mỗi ngày gia đình thu hoạch khoảng từ 140 đến 150 kg sữa, thu về hơn hai triệu đồng. Sắp tới, gia đình dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng, mua thêm bò giống để tăng đàn theo quy mô trang trại. Một số nông dân chung quanh thấy hiệu quả khá tốt đã đến học hỏi kinh nghiệm để nhân rộng mô hình. Nếu đầu ra ổn định, đàn bò sữa tại địa phương sẽ tăng lên, nông dân có thể làm giàu nhờ nuôi bò sữa”.

Hướng đến phát triển bền vững

Không chỉ hộ chăn nuôi khá giả mới được tham gia Dự án, một số hộ nông dân kinh tế khó khăn cũng được Dự án hỗ trợ đã cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình. Năm 2015, hộ ông Dương Thanh Triều, ngụ ấp An Hòa, xã An Bình Tây (Ba Tri) tham gia Dự án được hỗ trợ cho mượn hai con bò sữa. Đồng thời, ông được tập huấn kỹ thuật nuôi bò sữa, cho mượn vốn 15 triệu đồng để mua máy vắt sữa, xây dựng chuồng trại. Trước đây, kinh tế gia đình ông chủ yếu dựa vào đàn bò thịt sáu con. Bò thịt mỗi năm bán được một lần nhưng giá cả bấp bênh, có khi chẳng lời được bao nhiêu sau một năm đầu tư chăm sóc vì thịt bò rớt giá. Khi tham gia Dự án, gia đình có thu nhập mỗi ngày với giá ổn định đã được ký hợp đồng với đơn vị thu mua. Đến nay, đàn bò của gia đình đã tăng lên năm con, trong đó ba con đang cho sữa. Ông Triều cho biết: “Hiện nay, thu nhập mỗi tuần chỉ khoảng hai triệu đồng nhưng gia đình rất phấn khởi vì hiệu quả bước đầu như vậy là quá tốt. Sắp tới, gia đình sẽ đầu tư xây dựng thêm chuồng, tăng đàn do lợi nhuận khá cao và đầu ra ổn định”.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre - Trưởng Ban quản lý Dự án Đoàn Văn Đảnh cho biết: Theo kế hoạch, Dự án sẽ kết thúc vào cuối năm 2019, nhưng do hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, cho nên Ban quản lý Dự án sẽ trình UBND tỉnh xin được kéo dài đến năm 2021. Đồng thời, mở rộng sang các địa phương khác của các huyện: Bình Đại, Giồng Trôm và Thạnh Phú để góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Đến nay, các hộ chăn nuôi bò sữa đã thành lập 65 nhóm để liên kết, trao đổi kinh nghiệm, tập huấn kỹ thuật nuôi bò sữa. Đồng thời, thành lập quỹ để giúp những hộ khó khăn mượn vốn trồng cỏ, tạo sinh kế ban đầu khi chưa có thu nhập từ bò sữa.

Ông Nguyễn Văn Hùng đang nuôi 20 con bò sữa tại ấp Tân Thanh 2, xã Tân Xuân (Ba Tri) cho biết: Các hộ nuôi bò sữa tại xã Tân Xuân đã thành lập một nhóm với chín hộ dân tham gia. Việc thành lập nhóm đóng vai trò rất quan trọng vì mỗi tháng họp để rút kinh nghiệm, trao đổi kỹ thuật trong nuôi bò sữa nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Nếu có sự liên kết tốt, đầu ra ổn định, nông dân sẽ tăng đàn vì việc chăn nuôi bò sữa rất phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, nguồn thức ăn từ cỏ, rơm tại địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập: Dự án có tác động lớn đến đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, góp phần cải thiện đời sống của người dân. Trong thời gian tới, Ban quản lý Dự án và chính quyền địa phương các xã sẽ đẩy mạnh tiến độ thực hiện để sớm đạt mục tiêu đã đề ra. Trong đó, đẩy mạnh công tác truyên truyền, vận động người dân tham gia vào Dự án, tổ chức sinh hoạt tổ, nhóm để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của người chăn nuôi... UBND tỉnh cũng thống nhất chủ trương sẽ kéo dài Dự án thêm từ ba đến 5 năm nữa. Đồng thời, thành lập hợp tác xã bò sữa để từng bước hình thành chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra nhằm hạ giá thành, tăng thu nhập của người chăn nuôi và hướng đến sự phát triển ổn định, bền vững.

BÀI VÀ ẢNH: HOÀNG TRUNG

Tiêu hủy hơn 5.000 con gà tại 2 ổ dịch cúm A/H5N6 ở Quảng Nam

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Ngày 7-3, ông Lê Trí Hiệu, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam cho biết, huyện đã tiêu hủy hơn 5000 con gà tại 2 ổ dịch cúm A/H5N6 của 2 hộ dân thuộc xã Tiên Thọ trên địa bàn huyện.

UBND huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam đã tiêu hủy hơn 5000 con gà tại 2 ổ dịch cúm A/H5N6

Cuối tháng 2-2019, người dân thôn 4, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam bắt đầu phát hiện một số con gà thả vườn có dấu hiệu ủ rũ rồi chết dần.

Nhận được tin báo, chính quyền địa phương đã tiến hành xét nghiệm và phát hiện đàn gà đã bị nhiễm cúm A/H5N6 của 2 hộ dân cùng trú thôn 4, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

“Hiện các lực lượng liên quan đã chốt chặn không cho đưa gia cầm ra khỏi địa phương. Vận động người dân những khu vực lân cận nhốt gia cầm để tiêm phòng. Đặc biệt, địa phương cũng đã chuẩn bị hơn 10.000 liều vắc xin phòng chống dịch và sẽ tổ chức tiêm phòng trên đàn gia cầm ở toàn thôn 4 của xã Tiên Thọ trong thời gian sớm nhất”, ông Hiệu cho biết.

NGỌC PHÚC

Nuôi gà an toàn sinh học - ‘một vốn bốn lời’

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc

Nuôi gà thả vườn là mô hình chăn nuôi khá phổ biến trên địa bàn xã Hướng Đạo (Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) những năm qua. Từ hình thức chăn nuôi tận dụng phế phẩm trong vườn nhà với số lượng đàn vật nuôi nhỏ lẻ, đến nay, mô hình này đang ngày càng được nhiều nông hộ trên địa bàn phát triển quy mô lớn, theo hướng an toàn sinh học, mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện đất đai của địa phương.

Gia đình ông Phùng Sơn Hảo, thôn Giếng Mát, xã Hướng Đạo (Tam Dương) thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhờ nuôi gà ta lai thả vườn theo hướng an toàn sinh học

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện Tam Dương có 393 trang trại và hơn 1.600 gia trại; đàn gia súc, gia cầm tăng mạnh với quy mô trên 1.600 con trâu, hơn 14.500 con bò và trên 3,5 triệu con gia cầm. Tổng giá trị ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2018 đạt trên 1.600 tỷ đồng, tăng trên 6% so với cùng kỳ và chiếm trên 25% cơ cấu giá trị sản xuất trên địa bàn.Trong đó, phải kể đến mô hình nuôi gà ta lai thả vườn theo hướng an toàn sinh học đang được nhiều nông hộ trên địa bàn xã Hướng Đạo phát triển, nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Khuôn viên vườn rộng hơn 7.000m2 đang là nơi chăn nuôi 3.000 con gà ta lai của gia đình anh Nguyễn Thứ Trưởng, thôn Cổng Sau, xã Hướng Đạo. Trang trại của gia đình anh Trưởng có 3 khu chuồng, phục vụ cho kế hoạch nuôi gối để có gà xuất bán ở bất cứ thời điểm nào trong năm. Ngoài tư duy nhạy bén thì yếu tố chính giúp anh chinh phục được thị trường khó tính chính là chất lượng đàn vật nuôi.

Theo đó, khi gà được 2,5 tháng, anh thay đổi khẩu phần ăn của chúng và kéo dài thời gian nuôi thêm 1 tháng so với thông thường, thay thế cám tổng hợp bằng thức ăn tự chế, trong đó 70% là thức ăn thô xanh và 30% là ngô hạt phối trộn với một lượng men tiêu hóa hợp lý, bằng cách này mỗi cân cám anh tiết kiệm được 1.000 đồng chi phí, lại góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Trưởng cho biết: Nuôi gà ta lai thả vườn theo hướng an toàn sinh học giúp tỷ lệ hao hụt đàn rất thấp, gà phát triển khá đồng đều, độ chênh lệch trọng lượng không cao. Tới khi xuất chuồng, trọng lượng trong thời gian nuôi 3 tháng đạt từ 1,8 – 2kg; chất lượng thịt có độ dai, săn chắc, vị ngọt tự nhiên khi chế biến.

Năm 2010, gia đình ông Phùng Sơn Hảo, thôn Giếng Mát nuôi gà ta thả vườn quy mô lớn. Với diện tích gần 4.000m2, vườn nhà ông Hảo thường xuyên duy trì tổng đàn ở mức 2 nghìn con. Tuy nhiên, ông Hảo lại không bị áp lực tiêu thụ như các nông hộ khác đang gặp phải. Bởi, thay vì đổ xô ra chợ bán, ông Hảo lại có hợp đồng tiêu thụ với rất nhiều nhà hàng, quán ăn trên địa bàn huyện và cả các đầu mối ngoại tỉnh.

Chia sẻ về bí quyết giúp gia đình luôn có đầu ra ổn định, ông Hảo cho biết: Sau 3 tháng đầu cho gà ăn cám công nghiệp hoàn toàn, gia đình ông chuyển sang phối trộn ngô, đậu tương, men sinh học... để cho gà ăn. Để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi, lúc này ông có trộn thêm một lượng vitamin và khoáng chất được tính toán theo định lượng thức ăn của từng lứa tuổi gà, cho ăn trong 5 – 7 ngày liên tục.

Đặc biệt, trong quá trình chăn nuôi, gia đình ông tuyệt đối không sử dụng thuốc kháng sinh và chất kích thích tăng trưởng để đảm bảo khi gà xuất chuồng đạt chất lượng thịt tốt nhất, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Với gần 8.000 gà xuất chuồng mỗi năm, gia đình ông Hảo đem về doanh thu khoảng 300 triệu đồng, đời sống vật chất ngày càng được nâng cao.

Vừa cho đàn gà ăn, ông Hảo vừa hào hứng chia sẻ: Thời gian nuôi gà bằng cám tự phối trộn dài hơn nuôi gà bằng cám công nghiệp từ 1 – 1,5 tháng, đổi lại chi phí thức ăn theo phương pháp này giảm được từ 15 - 17%, đặc biệt gà khỏe mạnh, ít dịch bệnh. Ngoài ra, việc cân đối nhu cầu dinh dưỡng; sử dụng men tiêu hóa hợp lý giúp đào thải dư lượng trong con gà rất tốt… Từ đó, giúp chất lượng gà thịt tốt hơn, được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Hướng Đạo cho biết: Theo thống kê, toàn xã Hướng Đạo có trên 80% hộ dân đầu tư phát triển chăn nuôi gà, với quy mô trên 100 trang trại gà, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Riêng mô hình nuôi gà ta lai thả vườn theo hướng an toàn sinh học phát triển mạnh vài năm trở lại đây, giúp nhiều hộ chăn nuôi thành công. Người chăn nuôi ngày nay đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật và tự cam kết nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo dựng lợi thế cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra, phục vụ cộng đồng.

Với hiệu quả về kinh tế và môi trường mà mô hình này đem lại, thời gian tới, chính quyền địa phương hy vọng các cấp, ngành quan tâm cho xây dựng thương hiệu gà an toàn sinh học, tạo dựng mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Bài, ảnh Ngọc Lan

Nuôi gà sạch theo chuỗi

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Không chỉ có thịt lợn sạch, thịt bò nhập khẩu, mà còn rất nhiều loại thực phẩm hữu cơ khác luôn tươi ngon và quan trọng là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; trong đó thịt gà là một trong những loại thực phẩm hàng đầu cho sự lựa chọn của các bà nội trợ.

Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng về thực phẩm sạch nói chung và thịt gà sạch nói riêng, anh Đinh Văn Hải ở thôn Khúc Bánh, xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Golden Star (Nghệ An) sản xuất thịt gà sạch khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ, đóng gói và vận chuyển sản phẩm.

Đưa chúng tôi tham quan khu chuồng nuôi của gia đình, anh Hải tâm sự, trước khi rẽ sang hướng nuôi gà sạch anh đã từng nuôi lợn. Có những thời điểm gia đình anh nuôi tới 60 con lợn nái và khoảng 800 lợn con. Mọi chi phí đầu vào, đầu ra cho đến khâu kỹ thuật anh đều tự lo hết. Nhưng mấy năm trở lại đây khi chăn nuôi lợn ngày càng phát triển lượng cung lớn hơn cầu, có lúc phải "giải cứu" giá lợn. Năm 2016 gia đình anh thiệt hại tới 700 triệu đồng.

Thấy chăn nuôi lợn bấp bênh, anh Đinh Văn Hải quyết định cải tạo hệ thống chuồng trại để chuyển sang nuôi gà. Vẫn hướng đi cũ, anh tự lo đầu vào, kỹ thuật và đầu ra. Tuy nhiên sau mỗi lứa gà anh lại nhận ra thành công thì ít mà thất bại thì nhiều. Nhiều đêm anh trằn trọc không ngủ nổi chỉ vì chưa tìm ra cho mình được hướng đi đúng. Bạn bè khuyên anh giữa lúc khó khăn về vốn nên tìm đến các công ty, vì chỉ có doanh nghiệp mới nhìn thấy tiềm năng ở những người chăn nuôi như anh.

Theo ông Ngọ Văn Bẩy, Chủ tịch UBND xã Thường Thắng, hộ anh Hải là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu của xã, góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế địa phương. Mô hình chăn nuôi của anh chính là địa điểm đáng để mọi người tham quan học tập kinh nghiệm.

Anh bắt đầu tìm hiểu và biết đến Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Golden Star. Đây là doanh nghiệp rất thành công trong việc tìm đối tác gia công sản phẩm gà sạch. Cuối cùng anh cũng đã quyết định bắt tay ký kết hợp đồng với công ty nhằm đưa ra thị trường sản phẩm gà sạch đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.

Điều đặc biệt khi tham gia ký hợp đồng, anh Hải sẽ được cán bộ kỹ thuật của công ty hỗ trợ về khâu kỹ thuật, con giống cũng như đầu ra cho sản phẩm.

Anh Hải tâm sự, tham gia vào chuỗi sản xuất thịt gà sạch cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật của công ty. Về giống, công ty cũng đã lựa chọn giống gà có chất lượng thịt ngon nhất hiện nay, đó là giống gà ri lai.

Về kỹ thuật, gà nuôi theo chuỗi sản xuất sạch đều được cán bộ kỹ thuật của công ty theo dõi đầu vào từ thức ăn, nước uống và thuốc thú y. Theo đó, thành phần thức ăn không có hóa chất và thuốc kháng sinh.

Trong quá trình nuôi nếu có khó khăn về kỹ thuật công ty sẽ cử cán bộ về tận nơi xem xét và xử lý kịp thời.

Anh Hải có lãi 200 triệu đồng/năm từ liên kết nuôi gà

Cũng theo anh Hải, mỗi lứa gà anh thường nuôi phân loại theo giới tính, ngăn chuồng ra làm hai lô, một lô nuôi gà mái, một lô nuôi gà trống, gà sẽ phát triển đồng đều hơn. Mỗi lứa gà sau khi công ty về thu mua, trả cho anh tiền công chăm sóc nuôi dưỡng bình quân 6.500 đ/kg gà lông. Với quy mô 6.000 con/lứa, mỗi năm nuôi 3 lứa, tính ra thu về gần 200 triệu đồng.

Anh chia sẻ, ưu điểm của cách nuôi này là hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng con giống, chất lượng cám cùng với quy trình dùng vacxin. Đầu ra của sản phẩm được công ty bao tiêu nên không phải lo tìm mối bán gà như trước kia nuôi lợn. Nuôi gia công hoàn toàn không phải lo phần vốn để mua gà giống cũng như mua vật tư trong quá trình chăn nuôi. Đây vốn là cái khó khăn nhất gia đình anh gặp phải do chăn nuôi lợn để lại.

Ngoài ra, anh Hải còn tư vấn kỹ thuật cho một số hộ là thành viên trong Tổ hợp tác xã chăn nuôi xã Thường Thắng để cùng nhau làm giàu.

NGUYỄN THỊ THANH

Đẩy nhanh cải tạo đàn gia súc bằng thụ tinh nhân tạo

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Những năm qua, chăn nuôi được xác định là một trong những thế mạnh của tỉnh Quảng Trị trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động nông thôn. Tuy nhiên việc phát triển đàn trâu, bò chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Nguyên nhân chính là do người chăn nuôi trâu, bò còn mang tính truyền thống, chăn thả tự do nên xảy ra hiện tượng giao phối cận huyết làm giảm tầm vóc và sức sản xuất của đàn trâu, bò, do vậy dẫn tới hiệu quả kinh tế chăn nuôi trâu, bò chưa cao.

Cần nâng cao thể trạng, tầm vóc đàn bò địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Ảnh: PV

Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 93.700 con trâu, bò. Để nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi, giúp người dân chủ động cải tạo con giống, từng bước nâng cao chất lượng đàn trâu, bò, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện chương trình “Cải tạo đàn gia súc bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo”. Năm 2018, thực hiện chương trình cải tạo đàn bò, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chỉ đạo thụ tinh nhân tạo được 11.000 con bò, tỉ lệ phối giống thụ tinh nhân tạo đạt từ 90 đến 95%. Bê lai sinh ra có ngoại hình đẹp, sinh trưởng nhanh, ưu thế lai nổi trội, khối lượng sơ sinh trung bình từ 22 đến 28kg/ con, tăng trọng bình quân 15-17kg/con/ tháng, bê lai 6 tháng tuổi đạt trọng lượng bình quân trên 100kg/con, với giá bán từ 6 triệu đến 8 triệu đồng/con. Bò 1 năm tuổi có giá khoảng 10 triệu đến 14 triệu đồng, giá bán bò lai cao hơn bò nội từ 2 triệu đến 3 triệu đồng. Như vậy, ước tính một năm có khoảng trên 9.500 bê lai ra đời. Từ chương trình cải tạo đàn bò đã mang về lợi nhuận cao hơn nuôi bò nội cho nông dân toàn tỉnh hơn 20 tỉ đồng/năm.

Anh Phan Văn Bình ở thôn Đạo Đầu, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong là một trong những chủ hộ nuôi bò nhiều năm nay, nhưng chủ yếu cho bò phối giống tự nhiên. Sau khi được tuyên truyền, gia đình anh quyết định áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho bò cái giống. Anh Bình cho biết: “Gia đình tôi đã áp dụng thụ tinh nhân tạo cho đàn bò cái giống. So với thụ tinh truyền thống tôi thấy bê con sinh ra từ phương pháp mới này có tầm vóc cao hơn, cân nặng hơn từ 3-4kg, sức đề kháng cũng tốt hơn. Từ kết quả thực tế của gia đình tôi, nhiều hộ dân trong vùng đã đến xem và làm theo. Hiện nay, trong thôn chúng tôi hầu hết các hộ chăn nuôi bò đều áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo này”. Năm 2019 Trung tâm Khuyến nông tiếp tục triển khai chương trình cải tạo đàn trâu bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với kế hoạch phối giống trên 12.000 con, đặc biệt lần đầu tiên áp dụng đối với đàn trâu với số lượng khoảng 300 con. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 33 dẫn tinh viên, đến thời điểm hiện nay Trung tâm Khuyến nông đã chỉ đạo đội ngũ dẫn tinh viên phối được 820 con bò, 10 con trâu.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tư, ở xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh là một trong những hộ có kinh nghiệm nhiều năm trong nuôi trâu cái. Trước đây, mỗi khi đến kì sinh sản, gia đình anh chủ yếu nhân giống trâu bằng phương pháp truyền thống của địa phương. Năm 2019, gia đình anh triển khai kĩ thuật ứng dụng lai giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Sau khi được dẫn tinh viên phối giống cho trâu cái của gia đình, anh được cán bộ kĩ thuật chăn nuôi của Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Linh và Trung tâm Khuyến nông tỉnh tư vấn, hướng dẫn kĩ thuật chăm sóc trâu cái sau khi được thụ tinh nhân tạo. Thấy việc áp dụng kĩ thuật mới rất dễ dàng, không ảnh hưởng đến đàn vật nuôi, quá trình thụ tinh nhân tạo cho trâu cái của gia đình thành công, anh rất phấn khởi.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nguyễn Trung Hậu, ngoài việc tuyên truyền cho người dân chăm sóc thật tốt đàn trâu, bò cái, theo dõi sát sức khỏe đàn trâu, bò để kịp thời phối giống đúng quy trình kĩ thuật, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã cử cán bộ kĩ thuật chỉ đạo đội ngũ dẫn tinh viên thực hiện tốt hoạt động thụ tinh nhân tạo cho đàn gia súc. Việc phát triển đàn trâu, bò địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo trong thời gian tới sẽ là hướng đi mới, tạo ra con lai F1, F2 có năng suất, chất lượng tốt.

Việc triển khai chương trình cải tạo đàn trâu, bò bằng biện pháp thụ tinh nhân tạo sẽ khắc phục triệt để tình trạng thiếu trâu, bò đực giống và thiếu đực giống tốt, giải quyết sự suy thoái đàn trâu, bò đang diễn ra do cận huyết; tạo bước đột phá trong cải tạo tầm vóc thể trạng và sức sản xuất của đàn trâu, bò, nâng cao năng suất, mở ra hướng đi mới nhiều triển vọng trong chăn nuôi trâu, bò lấy thịt theo hướng hàng hóa.

Phan Việt Toàn

Nuôi chim trĩ cho thu nhập cao

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Từ 10 cặp chim trĩ nuôi ban đầu, sau hơn một năm chăm sóc, đến nay đàn chim trĩ của anh Phạm Văn Lọc, ở ấp Mỹ Phú, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), đã phát triển được 16 cặp chim bố mẹ. Năm 2018, lợi nhuận từ việc bán chim giống và chim thịt đã mang về cho anh thu nhập trên 70 triệu đồng, sau khi đã trừ hết các khoản chi phí.

Anh Lọc chăm sóc đàn chim trĩ.

Anh Lọc cho biết chim trĩ rất dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, thức ăn chủ yếu là lúa và rau xanh. Để tăng sức đề kháng cho chim, anh dùng tỏi ngâm với rượu cách 3 ngày cho chim uống 1 lần sẽ hạn chế được bệnh viêm phổi, chống khò khè và cảm cúm. Với 16 cặp chim trĩ bố mẹ, năm vừa rồi anh đã cho sinh sản và bán ra thị trường được 350 con chim trĩ thịt và 700 con chim trĩ giống, Với giá chim thịt 180.000 đồng/kg, chim giống 1 tuần tuổi 40.000 đồng/con, trừ hết các khoản chi phí cho thu nhập gần 70 triệu đồng. Với hiệu quả mang lại, anh Lọc dự định sẽ mở rộng diện tích chuồng nuôi từ 100m2 lên 200m2 để tăng đàn chim trĩ trong thời gian tới. Cũng theo anh Lọc, chim trĩ từ lúc mới nở nuôi đến trưởng thành để bán thịt có thời gian 4 tháng, trọng lượng đạt từ 1-1,2kg/con. Chim trĩ sinh sản là 8 tháng, một con chim mái đẻ hai lứa trong năm, mỗi lứa đẻ được từ 80-100 trứng, với tỷ lệ nở thành con đạt trên 90%.

Tin, ảnh: BÁ ĐĨNH

Nhân rộng mô hình nuôi ruồi lính đen

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Sau nhiều năm nghiên cứu, ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đã áp dụng thành công mô hình trang trại nuôi ruồi lính đen. Mô hình này đã mang lại hiệu quả cao trong việc xử lý chất thải trong nông nghiệp để tạo ra nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi và phân hữu cơ bón cho cây trồng.

Trang trại nuôi ruồi lính đen của ông Nguyễn Văn Chí.

Ông Nguyễn Văn Chí cho hay, cách đây gần 10 năm, ông được biết ở tỉnh Long An có gia đình ông Phạm Văn Bé nuôi ruồi lính đen từ nguồn chất thải chăn nuôi và phế phẩm nông sản. Đến năm 2017, tình cờ gặp Tiến sĩ côn trùng học Trần Tấn Việt - nguyên Trưởng khoa Nông học, Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, ông Chí được giới thiệu và bắt đầu nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng làm thức ăn phục vụ chăn nuôi và phân hữu cơ bón cho cây trồng. “Nuôi ruồi lính đen chuồng trại sạch sẽ, an toàn, không bị bốc mùi hôi thối. Chi phí thức ăn giảm đáng kể do ruồi lính đen chỉ phân hủy các chất hữu cơ như phân gia súc, rau quả...”, ông Nguyễn Văn Chí chia sẻ.

Nhận thấy đây là mô hình tốt, giải pháp hữu hiệu khắc phục ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp và hiệu quả kinh tế cao, ông Nguyễn Văn Chí đã trình bày ý tưởng xây dựng mô hình thí điểm và được Sở NN&PTNT Hà Nội đặt hàng nghiên cứu đề tài khoa học cấp thành phố về nuôi ruồi lính đen. Để có cơ sở ứng dụng nhanh tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất và nghiên cứu, làm tiền đề tham gia thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm của thành phố, Sở NN&PTNT Hà Nội đã cho phép ông Nguyễn Văn Chí tự đầu tư kinh phí nghiên cứu đề tài khoa học về nuôi ruồi lính đen.

Ruồi lính đen (Hermetia illucens) là côn trùng sẵn có trong tự nhiên, không có vòi nên không chích hút vào hoa quả và không bám vào thức ăn như các loài ruồi khác nên khá an toàn. Để có nguồn con giống, ông Nguyễn Văn Chí đã đặt bẫy ngoài tự nhiên, dụ ruồi lính đen vào đẻ trứng. Sau khi thu được trứng ruồi, ông đưa về ấp, nuôi ấu trùng để phát triển đàn giống. Tại trang trại Sen Trì (xã Bình Yên, huyện Thạch Thất) - nơi đang thử nghiệm nuôi ruồi lính đen, ông Nguyễn Văn Chí thiết kế chuồng nuôi bằng lưới nhỏ, khép kín để ruồi không bay ra ngoài, có giá thể cho ruồi đẻ trứng. Vòng đời ruồi lính đen kéo dài khoảng 40 ngày và chia thành 5 giai đoạn: Ruồi trưởng thành, trứng, ấu trùng, tiền nhộng và nhộng. Khi ấu trùng phát triển thành nhộng, thì đây chính là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng, rất tốt phục vụ chăn nuôi gia cầm, gia súc, thủy sản... Ruồi lính đen sẽ tự chết sau khi hết vòng đời và được tận dụng làm phân bón hữu cơ.

Hiện nay, trang trại Sen Trì mỗi ngày thu được từ 200 đến 300kg nhộng ruồi lính đen làm thức ăn cho lợn, gà. Lượng phân sau khi dùng nuôi ấu trùng sẽ chuyển thành phân bón hữu cơ phục vụ trồng rau, hoa ngay tại trang trại. Sau gần 2 năm nuôi thử nghiệm, cuối năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã nghiệm thu đề tài này. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, Hà Nội có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn với hơn 1,6 triệu con lợn, gần 30 triệu con gia cầm, lượng phân hằng ngày thải ra môi trường hơn 9.000 tấn, nếu áp dụng tốt mô hình nuôi ruồi lính đen sẽ tạo ra thức ăn dinh dưỡng cho chăn nuôi và giúp xử lý ô nhiễm môi trường. Không chỉ trong chăn nuôi, mô hình này còn giúp xử lý chất thải từ các làng nghề chế biến thực phẩm như bã đậu, bã sắn... nên có nhiều dư địa để phát triển.

Từ kết quả nghiên cứu, ông Nguyễn Văn Chí cho biết, thời gian tới sẽ chuyển giao kỹ thuật nuôi ruồi lính đen cho nông dân Hà Nội để xử lý chất thải trong nông nghiệp; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất để đưa ra sản phẩm nhộng ruồi lính đen chất lượng cao làm thức ăn phục vụ chăn nuôi.

NGUYỄN MAI

Hiếu Giang tổng hợp

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop