Tin nông nghiệp CN ngày 14 tháng 4 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp CN ngày 14 tháng 4 năm 2019

Du mục theo mùa hoa

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Hằng năm, mùa cao su thay lá đến thời điểm cây ra lá non, đơm hoa (từ cuối tháng 12 đến khoảng tháng 4 năm sau), đi sâu vào nông trường hoặc rẫy cao su của các đơn vị, người dân trong tỉnh Bình Phước, không khó để bắt gặp những lều trại nhỏ của người làm nghề nuôi ong lấy mật từ các địa phương khác đến. Không chỉ mang lại thu nhập “khủng”, những chủ đàn ong này cũng tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

LẮM TIỀN NHƯNG NHIỀU RỦI RO

Nuôi ong lấy mật được coi là nghề khá vất vả và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu như thời tiết ủng hộ, những mùa hoa đều đặn thì bầy ong sẽ no mật và cho chất lượng, sản lượng mật thơm ngon. Còn nếu hoa mất mùa cũng đồng nghĩa mất mùa mật ong. Bên cạnh đó, người nuôi còn đối mặt với việc ong bị bệnh, dịch tự cắn lẫn nhau rồi chết, giá cả thị trường biến động... Tuy nhiên nếu thuận lợi, nghề nuôi ong sẽ mang lại nguồn thu nhập “khủng”, đó cũng là điều khiến nhiều người chấp nhận theo nghề lắm tiền nhưng cũng không ít rủi ro này.

Những người địa phương tham gia quay ong cho gia đình ông Nguyễn Mạnh Hà

Một ngày cuối tháng 3, từ thành phố Đồng Xoài, chúng tôi đến khu di tích lịch sử cách mạng Phú Riềng Đỏ, xã Thuận Phú (Đồng Phú). Chỉ cách khu di tích vài trăm mét, 1 lều nhỏ được dựng tạm bợ, xung quanh là hàng trăm thùng ong mật đặt thẳng hàng, các đàn ong vo ve bay khắp hướng để kiếm thức ăn. Ngồi nghỉ sau khi kiểm tra các thùng ong, ông Nguyễn Mạnh Hà (60 tuổi), quê Bình Thuận chia sẻ: “Trước đây, tôi là kỹ sư nông nghiệp, cũng từng trồng, nuôi nhiều loại cây, con và cơ duyên đến với nghề nuôi ong đã 6 năm. Thấy nhiều anh em, bạn bè thành công từ nghề này nên vợ chồng tôi cùng đứa con trai năm nay gần 20 tuổi quyết định làm theo”.

Với những người làm nghề nuôi ong lấy mật, việc phải liên tục di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, thậm chí từ miền này qua miền khác là chuyện hết sức bình thường. Rong ruổi khắp nơi, họ tìm những địa điểm thích hợp, theo những mùa hoa của các loại cây như cà phê, tràm, nhãn, vải, chôm chôm, cao su... để đàn ong đi kiếm ăn, sản xuất ra những giọt mật vàng sánh, an toàn.

6 năm qua, năm nào ông Hà cũng về Bình Phước, do ở đây nguồn mật hoa cho ong khá dồi dào từ các vườn cà phê, cao su và gần đây còn rất nhiều loại cây ăn trái khác cũng phát triển mạnh. “Mật cao su nhiều năm nay luôn được đơn vị thu mua đánh giá cao vì không chỉ sạch mà còn có vị ngọt đặc trưng riêng. Cao su cũng là một trong số cây trồng ít phải chịu tác động của các loại thuốc bảo vệ thực vật nên các đơn vị thu mua rất ưa thích” - ông Hà cho biết.

Với 220 thùng ong, hiện đều đặn hằng tuần ông thuê hàng chục thợ để quay ong lấy mật. Mỗi thùng ong đặt trung bình từ 6-10 cầu ong. Mỗi tuần, 1 cầu ong cho sản lượng khoảng 6-8 lạng mật, với giá bao tiêu sản phẩm hiện nay dao động khoảng 26-30 ngàn đồng/kg. Trừ chi phí mỗi tuần quay, gia đình ông thu từ 30-40 triệu đồng. “Nghe nói về thu nhập, nhiều người cũng giật mình sao mà cao thế, nhưng không phải ai cũng biết nghề này rất nhiều rủi ro. Chọn được chỗ ổn định, ít nhà dân thì đàn ong được đặt cố định 1-2 tháng. Nếu gặp vườn cây ăn trái hay cây trồng của người dân xịt các loại thuốc bảo vệ thực vật thì chỉ vài ngày là phải chuyển đi do nguồn thức ăn đó không đảm bảo, ong dính phải sẽ chết và giảm đàn rất nhanh. Chi phí di chuyển mỗi lần cả chục triệu đồng, rồi công sức, thời gian tốn kém rất lớn” - ông Hà chia sẻ thêm.

Cách khu vực đặt ong của ông Hà chừng 4km, nằm sâu trong Nông trường cao su Thuận Phú, xã Thuận Phú, anh Nguyễn Văn Tuấn (37 tuổi), ngụ xã Thuận Lợi (Đồng Phú) đang dùng bình xịt khói tự chế bằng vỏ hộp sữa bột loại 1kg cùng một số que củi đốt tạo khói để kiểm tra các thùng ong của mình. Hơn 10 năm kiên trì với nghề nuôi ong lấy mật, anh đang có hơn 300 thùng ong. Tuy nhiên, số cầu ong trong mỗi thùng của anh chỉ dao động 4-6 cầu. Sản lượng từ đó cũng không được nhiều như các chủ nuôi ong khác. Anh Tuấn cho biết: “Nghề nuôi ong không phải cứ có kinh nghiệm là làm được mà còn cần có niềm đam mê, yêu thích, cộng chút liều lĩnh. Nghề này có năm mang lại thu nhập vài trăm triệu đồng, nhưng cũng có năm thất thu không đủ bù vốn bỏ ra. Không ít người đã phải từ bỏ nghề này bởi không thể kiên trì cũng như chấp nhận rủi ro mang lại”.

TẠO VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG ĐỊA PHƯƠNG

Việc các chủ nuôi ong về vườn rẫy của người dân hay nông trường cao su trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong mùa cao su thay lá đã trở thành chuyện “đến hẹn lại lên”. Do thời gian nhàn rỗi, không phải đi cạo mủ, các chủ ong thường liên hệ với công nhân cạo mủ hay người dân địa phương để cùng phụ thu hoạch mật ong (quay ong). Nhu cầu mỗi năm một lớn, những công nhân cạo mủ cao su sau mỗi mùa được thuê dần quen việc thời vụ này. Từ đó, nhiều nhóm thợ quay ong được hình thành.

Hơn 15 năm làm công nhân tại nông trường cao su, đến nay anh Nguyễn Khắc Thủy (39 tuổi), ngụ xã Thuận Lợi cũng đã có 4 năm kinh nghiệm trong nghề quay mật ong. “Nghề thu hoạch mật ong thường diễn ra vào mùa cao su thay lá, công nhân cạo mủ không có việc làm. Công việc chủ yếu trong buổi sáng nhưng thu nhập cũng từ 280-300 ngàn đồng/buổi, cao hơn nhiều so với công cạo mủ. Tuy nhiên, công việc này khá nguy hiểm không phải ai cũng dám làm” - anh Thủy nói.

Gần 3 năm gắn bó với công việc thu hoạch mật ong, bà Trịnh Thị Thành, cùng ngụ xã Thuận Lợi thường được giao công đoạn cuối cùng là quay mật (quay máy li tâm). Bà Thành cho biết: “Làm lâu nhưng tôi vẫn còn sợ, đi làm lúc nào cũng phải mặc 2-3 lớp quần áo, đội nón bảo hộ vì ong chích rất đau. Thu nhập từ công việc này cũng khá, bình quân 300 ngàn đồng/buổi”.

Nghề nuôi ong lấy mật không chỉ giúp người nuôi có thu nhập cao, góp phần tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động địa phương mà hơn thế, những đàn ong còn góp phần giúp các loại cây thụ phấn, tăng khả năng đậu trái, tăng năng suất và sản lượng cây trồng. Vì vậy, nghề này đang dần được nhiều nông dân chọn làm hướng phát triển kinh tế cho gia đình.

Đức Hinh

Hưng Yên mùa mật ong hoa nhãn

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Đến hẹn lại lên, vào thời điểm này, khi hoa nhãn đang bắt đầu nở rộ cũng là lúc báo hiệu vào vụ thu hoạch mật ong từ hoa nhãn. Trên các cánh đồng, vườn trại chuyên canh nhãn trên địa bàn tỉnh, từng thùng ong xếp thành hàng dài, các đàn ong mật đua nhau bay đi tìm hoa làm mật râm ran cả một khoảng trời.

Thu hoạch mật ong hoa nhãn tại xã Nguyên Hòa (Phù Cừ)

Cây nhãn từ bao đời nay là một trong những cây trồng truyền thống, không chỉ cho thu hoạch sản phẩm là những chùm nhãn ngọt thơm, tạo nên một sản phẩm đặc sản của tỉnh mà hoa nhãn cũng đang làm nên những giọt mật thơm ngon. Cứ đến mỗi vụ hoa nhãn, các vườn nhãn trong tỉnh thu hút trên 10 nghìn đàn ong mật trên khắp cả nước về đây hội tụ.

Anh Phạm Huy Hoan ở tỉnh Hải Dương đã có hơn 13 năm kinh nghiệm nuôi ong hiện đang đặt gần 1 nghìn thùng nuôi ong để lấy mật hoa nhãn tại huyện Phù Cừ cho biết: “Gia đình tôi hiện đang nuôi chủ yếu là ong Ý, giống ong này có ưu điểm to, khỏe nên sẽ mang lại năng suất mật tốt hơn. Trung bình mỗi mùa hoa nhãn, gia đình tôi thu hoạch 4 - 5 đợt mật được trên 8 tấn mật ong. Hết mùa hoa nhãn, các hộ nuôi ong như gia đình tôi lại đưa đàn ong đi tìm đến những mùa nở hoa của các loại cây trồng khác trên khắp cả nước".

"Tuy nhiên, sau nhiều năm làm nghề, tôi và nhiều hộ nuôi ong khác nhận thấy, không loại hoa nào mà mật đạt năng suất và chất lượng tuyệt vời như hoa nhãn. Bởi vậy, cứ đến mùa mật ong hoa nhãn, khách hàng thường phải liên lạc để đặt trước hoặc đến tận nơi quay mật mua hàng ngay. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, hiện nay gia đình tôi đang có khoảng 6 lao động theo dõi, chăm sóc đàn ong và trực tiếp quay lấy mật ngay tại các vườn nhãn. Như vậy, khách hàng sẽ tin tưởng hơn với chất lượng sản phẩm”, anh Hoan bật mí.

Không như các loại mật ong được lấy từ các hoa khác, mật ong hoa nhãn luôn vàng óng, sánh quyện và ngát mùi thơm hương hoa nhãn và dù có để suốt năm cũng không xuống màu, giảm chất lượng của mật.

Bên cạnh đó, mật ong từ hoa nhãn có rất nhiều công dụng, không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn là một trong những nguyên liệu dùng để làm đẹp tự nhiên, hiệu quả. Bởi vậy, giá xuất bán bao giờ cũng ổn định hơn so với các loại mật khác trên thị trường.

Trao đổi với các hộ nuôi ong đang đặt thùng nuôi ong trên các vườn nhãn trong tỉnh, chúng tôi được biết, thời điểm hiện nay, hầu hết các đàn ong mới cho thu hoạch được 1 lần lấy mật với giá xuất bán ổn định như những vụ trước: Bán buôn khoảng 80 - 90 nghìn đồng/kg, giá bán lẻ khoảng 110 -120 nghìn đồng/kg đối với ong Ý, với ong ta sẽ có giá xuất bán cao hơn 10 - 20 nghìn đồng/kg.

Năm nay, lượng hoa nhãn kém hơn năm ngoái nhưng chất lượng mật vẫn bảo đảm, nếu thời tiết nắng ráo, trung bình 4 - 6 ngày sẽ cho thu một lần mật và trung bình năng suất mỗi một thùng nuôi ong khi quay lấy mật sẽ thu được 2 - 3 kg.

Như hiểu rõ được đặc tính của loài hoa quý này khi chỉ cho khai thác mật trong khoảng 25 - 30 ngày nên những người thợ nuôi ong đang tất bật chuẩn bị máy móc, vật dụng để thu hoạch mật ong. Trên thị trường, nhiều cửa hàng kinh doanh đang treo biển bán mật ong hoa nhãn, khách hàng đang tìm về tận vườn nhãn để mua những chai mật ong thơm ngon, vàng óng đầu mùa.

Minh Huế

Lâm Đồng: Nuôi bò nâng cao sinh kế để giữ rừng

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Báo Lâm Đồng, 08/04/2019

Nhằm giảm áp lực tiêu cực lên tài nguyên rừng, một giải pháp có hiệu quả, cần nhân rộng, đó là tạo an sinh xã hội đối với các hộ dân thông qua nâng cao sinh kế bằng cải thiện kỹ thuật chăn nuôi bò. Mô hình đã triển khai 1 năm nay tại các hộ đồng bào dân tộc thiểu số huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) - thuộc Dự án (DA) Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững (SNRM), Hợp phần 3 (Ða dạng sinh học) do Tổ chức JICA (Nhật Bản) và các bên liên quan hỗ trợ.

Mô hình nuôi bò hiệu quả cao tại hộ anh Păng Ting Bram. Ảnh: M.Đạo

Hợp tác chặt chẽ các bên

Cần nhận thức đầy đủ, triển khai đồng bộ, nghiêm túc đó là sự phối hợp giữa nhiều bên, gọi là quản lý hợp tác (CMA). Đây là mấu chốt nhằm nâng cao năng lực của các bên liên quan để quản lý thích ứng các hệ sinh thái rừng. Các bên gồm: các chuyên gia, cán bộ của DA SNRM - Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - Trung tâm và Phòng Nông nghiệp (NN) của huyện - UBND xã - các hộ tham gia. Trách nhiệm và các bước thực hiện được chia sẻ như sau: DA SNRM tổ chức tham quan mô hình cải tiến chuồng bò; kiểm tra các hộ tiềm năng để tham gia; hỗ trợ vật liệu xây dựng và đệm lót sinh học cho mô hình. Sở TN&MT hỗ trợ một phần trấu và men để làm đệm lót sinh học. Trung tâm NN hỗ trợ người dân xây dựng chuồng bò và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi bò; tiêm chủng, cung cấp thuốc khử trùng. Phòng NN cung cấp giống cỏ cho các hộ tham gia mô hình; tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò. UBND các xã hợp tác với DA kiểm tra các điều kiện của các hộ tham gia mô hình; hợp tác với Trung tâm NN theo dõi việc xây dựng chuồng bò. Các hộ tham gia đóng góp thêm vật liệu xây dựng ngoài vật liệu do DA cung cấp; công lao động để xây dựng chuồng bò; tuân thủ kỹ thuật được chuyển giao. Mục tiêu đặt ra rất rõ, đó là thay đổi tập quán thả rông, tạo cơ hội cho người dân có bò tham gia tiếp cận kỹ thuật bán nuôi nhốt và cải thiện chuồng nuôi, làm lớp đệm sinh học, giảm ô nhiễm môi trường và cải thiện sinh kế nông hộ.

Đầu tháng 4/2018, đợt 1 triển khai thử nghiệm tại 17 hộ dân, gồm 9 hộ xã Đạ Nhim, 4 hộ xã Đạ Chais và 4 hộ thị trấn Lạc Dương. Phía DA hỗ trợ trực tiếp 150 triệu đồng, phối hợp các bên tổ chức tham quan học tập, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm tại huyện Đơn Dương và giám sát quá trình thực hiện. Phòng NN Lạc Dương tập huấn, hỗ trợ 15 triệu đồng để cung cấp 5 tấn giống cỏ (thông qua chương trình của xã Đạ Nhim); Trung tâm NN Lạc Dương hướng dẫn kỹ thuật xây dựng chuồng và làm lớp đệm sinh học...; Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT) hỗ trợ 11 triệu đồng làm lớp đệm sinh học... Các hộ dân cam kết thực hiện đúng 7 tiêu chí của DA và xây dựng chuồng, đối ứng kinh phí và nhân công, trồng cỏ, chăm sóc bò đúng yêu cầu kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm cho các nông hộ khác. Trong đó, yêu cầu thiết kế diện tích chuồng nuôi bò là: 20 m2 để nuôi 3-5 con; 30 m2 nuôi 6-10 con; 42 m2 nuôi 11-17 con.

Hiệu quả về nhiều mặt

Sau thời gian triển khai tại 17 hộ, đại diện DA SNRM, nhà tư vấn, ThS Tôn Thất Minh đánh giá: Về kỹ thuật, người dân hiểu về lợi ích cải tiến chuồng bò và bán nuôi nhốt; đàn bò sinh trưởng nhanh, ít bệnh; dễ tiêm phòng và kiểm soát dịch bệnh; thay đổi tập quán thả rông; tăng số lượng bò thêm 21 con; sử dụng nguồn phân làm nông nghiệp hữu cơ; người dân tận dụng bờ ta luy, ranh giới đất để trồng cỏ lấy thức ăn cho bò (diện tích từ 100 m2 tăng lên 15.500 m2). Về kinh tế, chi phí đầu tư chuồng trại, lớp đệm sinh học bình quân 13,798 triệu đồng/hộ; sau 2,5 tháng, người dân thu được 118 m3 phân để bán hoặc bón cây trồng (giá bán phân 800 ngàn đồng/m3). Lượng phân bò bình quân 0,44 m3/con/tháng; số bò bình quân/hộ 6,35 con. Thu nhập bình quân hàng tháng/hộ từ phân 2,22 triệu đồng... Về môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ phân bò; chuồng trại không có mùi hôi; giảm sự phá hoại rau màu; chống sạt lở taluy; giảm tác động tiêu cực lên môi trường rừng.

Bà Nguyễn Khánh Ngân, cán bộ Chi cục BVMT cũng khẳng định với chúng tôi, kỹ thuật làm đệm sinh học đúng quy trình của DA đã khẳng định bảo đảm yêu cầu về BVMT rất hiệu quả.

Ngày 4/4, chúng tôi trực tiếp đến hộ Păng Ting Bram tại thôn Bon Đưng 1, thị trấn Lạc Dương, một hộ nuôi bò từ lâu nhưng thả rông vào rừng. Khi tiếp cận DA, Bram mạnh dạn đầu tư theo phương pháp nuôi nhốt với chuồng - kho gần 400 m2 rất bài bản, gồm 4 ngăn chuồng thông nhau nuôi 8 con bò lớn, kho thức ăn, phân bò. Bram mua giống bò ở Đức Trọng 160 triệu đồng, xin giống cỏ VA06 từ bạn bè ở Di Linh (hiện 0,5 ha dọc các taluy rất tốt). Anh cho biết: Đàn bò phát triển nhanh; khi thả rông, mỗi năm gia đình phải bỏ khoảng 300 triệu đồng mua phân để canh tác 1 ha rau và hoa/3 vụ, nay chỉ mua khoảng 30 triệu đồng phân màu. Số phân dư khoảng 20 m3 bán cho các hộ sản xuất được thêm 16 triệu đồng. Số rau và hoa bán ra khoảng 420 triệu đồng (nếu như không thuê công ngoài). Nguồn thức ăn là cỏ tươi cho bò ngon và chủ động. Anh Bram nói: “Nuôi bò bây giờ vừa không mất nhiều thời gian đi lên rừng, vừa kinh tế rất ổn định. Mô hình này dễ làm, mọi người đều làm được”.

Với nhiều hiệu quả như trên, anh Lê Khắc Đạo - cán bộ DA SNRM cho biết, mô hình chăn nuôi bò nhốt từ đợt 1 hiện đã nhân rộng thêm 10 hộ do chính người dân nhận thấy lợi ích nên tự đầu tư. Trong đó, Chủ tịch UBND xã Đạ Nhim Kon Sa Ha Vương là người đi đầu. DA cũng đã triển khai đợt 2 với 28 hộ nghèo tại thôn Klong Klanh, xã Đạ Chais như: Đơng Gur Tha Ly, Cil K’Nhương, Da Du Ha Pri, Hà Cường, Cil K’Den, Kon Sa Ha Ngôl... Mỗi hộ mua 1 con bò giống 12 triệu đồng (vốn hỗ trợ hộ nghèo của xã 10 triệu đồng, hộ đối ứng 2 triệu đồng); DA hỗ trợ một phần vật liệu xây dựng làm chuồng, vật tư làm lớp đệm sinh học. UBND huyện Lạc Dương cũng quyết định nhân rộng đến 14 hộ nghèo khác tại các thôn xã Đạ Chais (nằm ngoài mục tiêu DA), hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ từ ngân sách để mua giống bò.

Bí thư Huyện ủy Lạc Dương Phạm Triều rất tâm đắc các mô hình thu nhập của người dân, trong đó mô hình nuôi bò rất phù hợp với tình hình địa phương huyện, từ hiệu quả đến năng lực và giảm suy thoái rừng... Nếu phối hợp tốt giữa các bên thì hiệu quả ngày càng rõ rệt hơn nữa. Đó là đánh giá từ các nhà quản lý, chuyên gia như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, Phó Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Lang Biang Lê Văn Hương, Trưởng đại diện DA SNRM - hợp phần 3 Oda Kensei, Điều phối viên DA SNRM Takuya Nomura...

MINH ÐẠO

Tuy An (Phú Yên): Lần đầu tiên thực hiện mô hình ‘Phát triển chăn nuôi vịt trời’

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Hội Nông dân tỉnh và huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) vừa phối hợp hỗ trợ nguồn con giống để thực hiện mô hình “Phát triển chăn nuôi vịt trời” tại xã An Nghiệp. Đây là mô hình nuôi vịt trời đầu tiên ở huyện Tuy An.

Mô hình này đã chọn hộ ông Đào Văn Ngọc ở thôn Định Phong, xã An Nghiệp để cùng tham gia và thực hiện thả nuôi tại khu vực hồ chứa nước Đồng Tròn. Tổng kinh phí thực hiện hơn 30 triệu đồng; trong đó Quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ 450 con giống, tương đương 22,5 triệu đồng, phần còn lại do hộ gia đình tham gia mô hình đối ứng đầu tư.

Đây là mô hình hướng đến mục tiêu góp phần đa dạng hóa vật nuôi ở huyện Tuy An, giúp hộ chăn nuôi khai thác hiệu quả tiềm năng về diện tích hồ đập, sông suối tại địa phương để phát triển và mở rộng quy mô chăn nuôi, nhằm tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho hộ gia đình.

Theo kế hoạch, mô hình “Phát triển chăn nuôi vịt trời” được thực hiện trong 3,5 tháng. Toàn bộ sản phẩm của mô hình đã được đơn vị cung cấp nguồn con giống ký kết bao tiêu.

KHẮC NHO

Ngân Sơn (Bắc Kạn): Trâu, bò bị chết bất thường

Nguồn tin: Báo Bắc Kạn

Trong các ngày 4 và 8/4, tại khu vực thôn Nà Kéo, xã Thượng Quan (Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) người dân đã phát hiện 06 con trâu, bò bị chết bất thường.

Đàn trâu, bò chết tại hiện trường

Cụ thể ngày 4/4 chết 1 con trâu, 1 con bò và ngày 8/4 chết 3 con bò, 1 con trâu tại một lán đổ nát. Đàn gia súc chết đều có dấu hiệu giống nhau là chướng bụng, có dịch chảy ra miệng và sùi bọt.

Sau khi xảy ra sự việc, cơ quan chức năng huyện đã tiến hành lấy mẫu từ các con gia súc bị chết để giám định, xác định nguyên nhân và bàn giao lại số gia súc cho các hộ gia đình tiêu hủy../.

Lý Dũng

Hòa Bình công bố hết dịch tả lợn châu Phi

Nguồn tin: Nhân Dân

Ngày 9-4, UBND huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình tổ chức hội nghị công bố hết dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh. Như vậy, trong tổng số 23 tỉnh, thành phố trên toàn quốc xảy ra dịch tả lợn châu Phi thì Hòa Bình là tỉnh đầu tiên công bố hết dịch.

Thứ trưởng NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nêu rõ, theo quy định sau 30 ngày, kể từ khi tiêu hủy động vật cuối cùng mắc bệnh và không phát hiện thêm dịch bệnh thì đủ điều kiện để công bố hết dịch.

Tỉnh Hòa Bình đến thời điểm này, qua kiểm tra, theo dõi đã đủ điều kiện hoàn tất để công bố hết dịch tả lợn châu Phi. Dịch tả lợn châu Phi nhanh chóng được khống chế là sự chỉ đạo kịp thời từ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các bộ, ngành liên quan.

Ngay khi sớm phát hiện dịch bệnh, các cơ quan chức năng đã khẩn trương, quyết liệt triển khai xử lý đồng bộ, triệt để theo những hướng dẫn và sự chỉ đạo; đặc biệt là Chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác; tổ chức tốt các chốt phòng dịch. Đây là bài học tiêu biểu điển hình cần được nhân rộng trong ứng phó, dập dịch tả lợn châu Phi, cũng như các dịch bệnh khác.

Trưởng phòng Chăn nuôi, Chi cục Thú y tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Tuấn cho biết, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình vẫn tiếp tục duy trì và chủ động phòng chống dịch bệnh. Khi chính quyền địa phương phát hiện có hiện tượng lợn ốm, chết đột xuất, khả nghi có dịch bệnh tả lợn châu Phi thì phải báo cáo ngay Chi cục Thú y tỉnh để lấy mẫu xét nghiệm, sớm xử lý triệt để nếu như có ổ dịch phát sinh.

Trước đó, ngày 6-3, UBND huyện Lương Sơn (Hòa Bình) đã công bố bệnh dịch tả lợn châu Phi đầu tiên trên địa bàn tại xã Hợp Thanh, sau đó là xã Thanh Lương. Ngay khi phát hiện ổ dịch, các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình đã khẩn trương tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn lợn tại các hộ có lợn ốm, chết tại hai xã trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng quy định tiêu hủy.

TRẦN HẢO

Giá heo hơi phục hồi

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Giá heo hơi hiện tăng từ 3.000-6.000 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tuần. Tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận: Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long… heo hơi từ 40.000-42.000 đồng/kg, nay tăng lên 45.000-47.000 đồng/kg. Giá heo hơi phục hồi mạnh trở lại do nguồn cung giảm, trong khi người chăn nuôi heo không còn tâm lý bán tháo đàn heo để tránh rủi ro về dịch bệnh, bởi dịch tả heo châu Phi đã được khống chế tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc và nguy cơ lây lan của bệnh giảm thiểu khi các địa phương trong nước tích cực phòng, chống bệnh. Người tiêu dùng cũng không còn quay lưng với thịt heo. Giới kinh doanh thịt heo dự đoán, nhiều khả năng giá heo hơi còn nhích lên.

Thương lái thu mua heo của người dân ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Tin, ảnh: Khánh Trung

Đắk Lắk: Ngành chăn nuôi gồng mình chống dịch trên đàn heo

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Người chăn nuôi Đắk Lắk chưa kịp vui vì giá heo tăng cao và khá ổn định sau một thời gian dài rớt giá thê thảm thì dịch bệnh lại ập đến. Tình trạng này không chỉ khiến nhiều hộ rơi vào cảnh khốn đốn mà ngành chăn nuôi cũng phải căng mình cùng dân chống dịch để bảo vệ đàn vật nuôi chủ lực của tỉnh…

Từ 3 ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) đầu tiên ở xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin) vào cuối tháng 1-2019, với 103 con heo chết và tiêu hủy, thì đến ngày 6-4 dịch đã lan ra 117 hộ, 71 thôn buôn, 31 xã phường của 10/15 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số heo mắc bệnh là 2.043 con; số heo chết và tiêu hủy 1.935 con. Các huyện Cư Kuin, Krông Bông, Krông Pắc là những địa phương bùng phát dịch nặng nhất tỉnh, liên tục phát sinh những ổ dịch mới. Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện dịch bệnh LMLM đang diễn biến phức tạp, khác thường khi các ổ bệnh xảy ra cách rất xa nhau nên số địa phương xuất hiện dịch bệnh tăng nhanh. Dịch LMLM chủ yếu bùng phát ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, gây thiệt hại không nhỏ cho các nông hộ.

Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cư Kuin kiểm tra tình hình dịch bệnh ở xã Ea Hu.

Ông Hà Tiến Binh (thôn 5, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin) cho biết, gia đình đang nuôi 14 con heo thịt được gần 5 tháng tuổi. Từ khi nghe về bệnh dịch tả heo châu Phi, ngày nào gia đình cũng xịt khử trùng, không cho người lạ đi vào khu vực chăn nuôi và tiêm phòng các loại bệnh tụ huyết trùng, phó thương hàn, dịch tả, nhưng lại không tiêm phòng bệnh LMLM. Tưởng việc phòng bệnh đã thực hiện tốt, không ngờ dịch LMLM lại ập đến. Đàn heo bỗng nhiên bỏ ăn, sốt, chân sưng, mưng mủ, không đứng dậy được và có một số con chết. Chính quyền, cán bộ thú y xã đến kiểm tra và kết luận đàn heo của gia đình bị bệnh LMLM, buộc phải tiêu hủy hết. Ông Binh xót xa nói: “Gia đình thuộc hộ nghèo, số tiền đầu tư cho đàn heo hết gần 80 triệu đồng được gia đình vay mượn từ người thân. Tiêu hủy hết đàn heo coi như gia đình trắng tay, không biết lấy gì để trả nợ…”

Theo ông Phạm Thanh Hoằng, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hu, đến thời điểm này toàn xã có 3 ổ dịch với 27 con heo mắc bệnh. Chính quyền phối hợp với lực lượng thú y tiêu hủy toàn bộ số heo mắc bệnh. Hiện trên địa bàn xã có trên 1.000 con heo, phần lớn là chăn nuôi nông hộ nên công tác chống dịch gặp khá nhiều khó khăn vì quy mô nhỏ, lẻ, việc vệ sinh chuồng trại thực hiện chưa tốt... Hiện xã cũng đã cấp 2 tấn vôi, 20 lít hóa chất cho các thôn chống dịch, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện cam kết “5 không” trong phòng chống dịch (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt). Xã cũng đã đề xuất huyện cấp vắc xin để tiêm phòng bao vây dập dịch, hạn chế thiệt hại cho người dân.

Ông Thủy Lệ Vũ, Phó Chi cục trưởng phụ trách chung Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, Sở NN-PTNT cũng đã trình UBND tỉnh mức hỗ trợ thiệt hại cho người dân và hiện Sở Tài chính đang xem xét để đưa ra mức hỗ trợ phù hợp cho người chăn nuôi.

Trong khi các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lao đao vì bị dịch tấn công thì các trang trại lớn cũng phải thực hiện quyết liệt các biện pháp cấp bách để ngăn chặn sự lây nhiễm của của dịch tả heo châu Phi vào các trang trại. Ông Đặng Nguyễn Thái Học, chủ trang trại ở phường Thống Nhất (thị xã Buôn Hồ) cho biết, gia đình có 70 con nái, được nuôi theo mô hình khép kín từ con giống đến heo thịt. Để bảo vệ đàn heo, gia đình đã thực hiện kỹ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, từ việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, đến phun thuốc sát trùng hằng ngày, rắc vôi trong khu vực chăn nuôi, không cho người lạ vào trang trại…

Xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) thực hiện tiêu hủy heo bị nhiễm bệnh lở mồm long móng.

Riêng các trang trại của Công ty Cổ phần GreenFeed Việt Nam cũng đang ráo riết thực hiện nghiêm ngặt khâu sát trùng chuồng trại (1 lần/ngày), tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin; các xe của thương lái đến mua heo không được vào trang trại, phải để cách trang trại từ 500 m đến 1 km và công nhân trang trại chở heo ra ngoài xe cho thương lái, trước khi vô lại cũng phải sát trùng, thay đồ, tắm rửa sạch sẽ… nhằm bảo vệ đàn heo trước sự tấn công của dịch bệnh.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trong bối cảnh dịch bệnh đang có dấu hiệu bùng phát nhanh như hiện nay, tổng đàn có nguy cơ bị nhiễm dịch bệnh trên địa bàn tỉnh rất lớn, trên 52.000 con. Trước tình hình trên, tỉnh cũng đã công bố dịch LMLM trên địa bàn Đắk Lắk, đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Trong đó, tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh LMLM đến từng hộ chăn nuôi, phát hiện sớm các ổ dịch để thực hiện dập dịch kịp thời, hạn chế lây lan; đẩy mạnh công tác tiêu độc, khử trùng tiêu diệt mầm bệnh trên toàn tỉnh; thực hiện cách ly, hạn chế người và vật qua lại khu vực có dịch làm phát tán mầm bệnh; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các điểm giết mổ gia súc… Sở NN-PTNT đã cấp 52.000 liều vắc xin LMLM týp O, 4.000 lít hóa chất, 30 tấn vôi, 35.000 tờ rơi cho các địa phương thực hiện công tác chống dịch.

TP. Buôn Ma Thuột triển khai tiêm phòng lở mồm long móng trên heo

Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Buôn Ma Thuột cho biết, để hỗ trợ địa phương chống dịch lở mồm long móng (LMLM) trên heo, tỉnh đã cấp cho thành phố 5.000 liều vắc xin (typ O), 300 lít hóa chất, 2 tấn vôi và 2.300 tờ rơi.

Theo đó, Trạm đã phân bổ số vắc xin và vật tư chống dịch trên cho 21 xã, phường; hướng dẫn cho người tham gia tiêm phòng về cách bảo quản vắc xin và kỹ thuật tiêm phòng. Đồng thời phối hợp với UBND các xã, phường tổ chức công tác tiêm phòng đầy đủ và kịp thời. Hiện nay, các địa phương bắt đầu ra quân tiêm phòng LMLM miễn phí cho đàn heo và phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi ở các nông hộ. Riêng các trang trại, gia trại sẽ phải chủ động mua vắc xin về tiêm cho đàn heo theo quy định.

Được biết, từ ngày 25 đến 29-3-2019, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 3 ổ dịch bệnh LMLM ở 3 thôn (thuộc phường Khánh Xuân và xã Hòa Khánh), với tổng số heo mắc bệnh và tiêu hủy là 12 con. Tính đến thời điểm này, không có địa bàn nào phát sinh thêm ổ dịch mới.

Minh Thuận

Bước chuyển của ngành chăn nuôi Lào Cai

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Nhiều hộ ở Phú Nhuận (Bảo Thắng) làm giàu nhờ nuôi gia cầm theo mô hình trang trại.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành chăn nuôi tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2014 - 2018”, lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh đã có bước chuyển mạnh cả về số lượng, chất lượng, hình thức chăn nuôi và hiệu quả kinh tế, góp phần cải thiện đời sống nông dân.

Xuân Quang là xã có nhiều mô hình phát triển chăn nuôi lợn thịt, gà thịt theo hướng trang trại, gia trại đạt hiệu quả kinh tế cao của huyện Bảo Thắng. Theo đồng chí Nguyễn Viết Khoản, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang, nhờ lợi thế đất đai rộng, người dân có trình độ và kinh nghiệm trong sản xuất, giao thông thuận lợi nên chăn nuôi được xã xác định là thế mạnh để phát triển kinh tế ở địa phương. Thời gian qua, chính quyền xã đã phối hợp với các đơn vị chức năng của huyện tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức và tư vấn, hướng dẫn người dân xây dựng các mô hình chăn nuôi phù hợp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng để mở rộng sản xuất.

Bằng các giải pháp của chính quyền địa phương và sự nỗ lực từ các hộ nông dân, đàn vật nuôi phát triển ổn định, không xảy ra dịch bệnh lớn.

Trên địa bàn xã Xuân Quang hiện có 47 trang trại, khoảng 300 gia trại và hơn 2.000 hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ với tổng đàn trâu, bò gần 1.000 con, đàn lợn 16.000 con, đàn gà 350.000 con. Gia đình anh Trần Doãn Hà, ở thôn Hang Đá là một trong những trang trại chăn nuôi lợn điển hình của xã. Trước đây, gia đình anh cũng như nhiều hộ trong thôn nuôi lợn thịt quy mô đàn khoảng 10 con/lứa, chủ yếu là tận dụng nông sản sẵn có làm thức ăn nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi anh đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi theo hình thức công nghiệp thì doanh thu mỗi năm đạt khoảng 2 tỷ đồng. Hiện tại, trang trại của gia đình anh Hà duy trì 25 con lợn nái, hơn 150 con lợn thịt.

Ông Vũ Kiều Hưng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho biết: Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi, phòng đã chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn và hộ chăn nuôi trên địa bàn tích cực chuyển đổi cơ cấu giống và phương thức chăn nuôi phù hợp với quy hoạch chăn nuôi chung của tỉnh. Do vậy, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang các mô hình trang trại, gia trại đảm bảo vệ sinh phòng dịch. Bên cạnh đó, phòng chủ động tham mưu cho UBND huyện đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển kinh tế trang trại thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng.

Đến nay, toàn huyện có 337 trang trại gia súc, gia cầm đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên/năm, trong đó 230 trang trại nuôi lợn, 107 trang trại nuôi gia cầm. Hằng năm, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt hơn 22,6 nghìn tấn, giá trị đạt 1.017 tỷ đồng và đàn gia cầm hơn 1,7 triệu con, sản lượng xuất chuồng hơn 5,1 nghìn tấn, giá trị đạt hơn 308 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 3 cơ sở sản xuất giống lợn lai, lợn ngoại với quy mô từ 200 đến 500 lợn nái, hằng năm cung ứng khoảng 24.000 con lợn giống.

Bát Xát đẩy mạnh phát triển đàn gia súc.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trong những năm gần đây, lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh phát triển mạnh về số lượng, chất lượng, hình thức chăn nuôi. Các tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình chăn nuôi mới được các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ chăn nuôi tích cực áp dụng, góp phần phòng, chống dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ðáng ghi nhận là ngày càng xuất hiện nhiều mô hình trang trại chăn nuôi lợn, gà quy mô lớn có hiệu quả kinh tế cao.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng thịt hơi bình quân của tỉnh tăng 13,32%/năm; tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp tăng từ 33,65% lên 42,75%. Sản phẩm chăn nuôi đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của tỉnh và có một phần xuất bán ra ngoài tỉnh. Chăn nuôi ở vùng thấp có sự chuyển biến tích cực về phương thức, kỹ thuật chăn nuôi; chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp phát triển mạnh; chăn nuôi công nghiệp công nghệ cao bắt đầu hình thành và phát triển. Các giống mới được nhập về (lợn ngoại, lợn lai, các giống gia cầm công nghiệp cao sản, gà lai lông màu thả vườn...) góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả chăn nuôi...

Đặc biệt, tại vùng thấp đang chuyển đổi mạnh từ phương thức chăn nuôi nông hộ sang phương thức chăn nuôi gia trại, trang trại, công nghiệp và bán công nghiệp. Nhiều trang trại, cơ sở chăn nuôi công nghiệp đã áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAP và ứng dụng công nghệ cao trong các khâu giống, chuồng trại, thiết bị chăn nuôi... Một số hộ áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ khí sinh học hoặc sử dụng chế phẩm vi sinh làm đệm lót sinh học, khử mùi hôi và ủ phân... Trong 5 năm (2014 - 2018), toàn tỉnh đã phát triển thêm 413 trang trại chăn nuôi, nâng tổng số trang trại chăn nuôi toàn tỉnh lên 432 trang trại, trong đó 261 trang trại chăn nuôi lợn, 156 trang trại chăn nuôi gia cầm, 15 trang trại chăn nuôi trâu, bò được chứng nhận đạt tiêu chí kinh tế trang trại theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phát triển được 9 cơ sở chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Bảo Thắng, Bắc Hà, trong đó 7 cơ sở chăn nuôi lợn, quy mô chăn nuôi thường xuyên từ 100 đến 600 con nái và 1.000 - 1.500 con lợn thịt/cơ sở; 1 cơ sở sản xuất giống gia cầm quy mô thường xuyên 10.000 gia cầm bố mẹ; 1 cơ sở chăn nuôi gà đẻ trứng và gà thịt, hằng ngày cung cấp cho thị trường 5.000 quả trứng.

Còn các xã vùng cao đang phát triển mạnh nuôi trâu, bò và các giống vật nuôi bản địa như lợn đen, gà đen, vịt Sín Chéng, vịt Nghĩa Đô... theo hướng tạo sản phẩm đặc sản hữu cơ, an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng...

Để duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân là 6%/năm, các địa phương, ngành chức năng cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới trong chăn nuôi; chuyển đổi phương thức chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập cho người sản xuất gắn với an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái...

VIẾT VINH

Yên Bái: Nuôi thỏ cho thu nhập cao

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Đó là lời khẳng định của anh Vũ Mạnh Thắng, thôn Tân Hà - xã Tân Hương - huyện Yên Bình khi so sánh hiệu quả kinh tế của mô hình chăn nuôi thỏ với các đối tượng chăn nuôi khác. Theo anh, nuôi thỏ không cần vốn nhiều, dễ nuôi, kỹ thuật nuôi không đòi hỏi quá cao mà hiệu quả kinh tế thì hơn hẳn.

Bắt đầu nuôi thỏ từ năm 2015 do được một người bạn giới thiệu, ban đầu vốn ít nên anh chỉ đầu tư nuôi 10 cặp bố mẹ giống thỏ New Zealand do đây là giống thỏ có nhiều ưu điểm như khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh, vóc dáng lớn, sinh sản đều, thịt thơm ngon.

Anh Thắng cũng cho biết thêm, chi phí đầu tư nuôi thỏ không cao, chuồng nuôi khá đơn giản, chỉ bằng tre hoặc lưới sắt, song phải cao ráo và sạch sẽ, mùa hè thoáng mát, mùa đông kín ấm. Do chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người nuôi trước, cộng với bản tính chịu khó mày mò, đọc thêm tài liệu trên mạng, anh đã áp dụng vào điều kiện thực tế của gia đình nên đàn thỏ của gia đình anh phát triển khỏe mạnh. Quanh nhà, anh còn tận dụng đất vườn để trồng một số loài cây có tác dụng hạn chế các bệnh đường ruột để bổ sung vào khẩu phần ăn cho thỏ như chè khổng lồ, hoàn ngọc, ổi…

Trung bình một con thỏ mẹ giống New Zealand một năm đẻ được từ 6 - 8 lứa, mỗi lứa khoảng 6 - 8 con, sau khoảng hơn 3 tháng nuôi, thỏ đạt khoảng 2,5 - 3 kg một con. Để thuận lợi cho việc tiêu thụ thỏ thịt, anh sắp xếp, bố trí cho thỏ mẹ đẻ hợp lý, giãn cách nhau, tránh tình trạng nuôi dồn thỏ con vào một thời điểm, vừa khó chăm sóc vừa khó tiêu thụ.

Tuy thỏ không gặp nhiều bệnh trong quá trình nuôi như nhiều loài vật khác nhưng anh luôn chú ý đến thức ăn cũng như chế độ chăm sóc và vệ sinh chuồng trại để hạn chế tối đa dịch bệnh. Theo anh, thỏ chủ yếu thường mắc 1 số bệnh như E.coli, cầu trùng và dễ bị ghẻ, nấm…, nếu để mắc bệnh không những thỏ chậm phát triển còn lây lan ảnh hưởng đến đàn. Đồng thời, phải theo dõi chặt chẽ quá trình phát triển của thỏ bằng cách ghi nhật ký về ngày thỏ mẹ mang thai, ngày sinh, ngày tách đàn, quá trình sinh trưởng.

Đến nay, gia đình anh Thắng có trên 700 con thỏ

Đến nay, diện tích nuôi thỏ của gia đình anh đã lên đến gần 300 m2, từ 20 con thỏ bố mẹ ban đầu thì nay đã phát triển lên hơn 700 con, trong đó thỏ bố mẹ khoảng 100 con. Việc tiêu thụ thỏ thịt của gia đình anh giờ đã thuận lợi hơn trước rất nhiều, các nhà hàng đã chủ động tìm đến hỏi mua chứ không phải đi từng điểm giới thiệu như trước kia. Trung bình mỗi năm anh xuất bán khoảng 3 tấn thỏ, với giá bán trung bình 75.000 đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí cũng cho thu lãi khoảng 150 triệu đồng.

Anh Vũ Mạnh Thắng khẳng định, so với chăn nuôi gia súc, gia cầm thì nuôi thỏ có hiệu quả cao hơn, rất phù hợp với những hộ dân không có điều kiện về vốn và đất đai. Trong thời gian tới, gia đình anh sẽ tận dụng diện tích đất còn lại của gia đình để xây dựng thêm chuồng nuôi thỏ, tăng quy mô nuôi thỏ lên 1.500 con.

Nguyễn Thị Minh Phượng - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái

Mở hướng làm giàu từ nuôi bò sữa

Nguồn tin: Nhân Dân

Với khát khao vươn lên làm giàu từ vùng đất nghèo ven bãi, nhiều hộ dân ở thôn Xuân Chiểu, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đã mạnh dạn đầu tư phát triển đàn bò sữa, coi đây là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong tái cơ cấu nông nghiệp ở địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Kết quả hình ảnh cho Hình ảnh nuôi bò sữa

Anh Lê Văn Thu chăm sóc đàn bò sữa của gia đình.

Cuối năm 2013, thấy nông dân ở nhiều thôn trong xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường thành công với mô hình nuôi bò sữa, anh Lê Văn Thu ở thôn Xuân Chiểu mạnh dạn dồn toàn bộ vốn liếng và vay thêm ngân hàng, đầu tư hơn một tỷ đồng xây dựng chuồng trại, mua 15 con bò sữa giống về nuôi.

Để đàn bò sớm cho sản phẩm, anh Thu tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật tại Trung tâm bò sữa Ba Vì, nghiên cứu thêm sách báo, tài liệu, học hỏi từ những mô hình nuôi bò sữa thành công trong và ngoài tỉnh, nắm vững kiến thức, kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng, chữa bệnh cho đàn bò của gia đình. Sau những năm tháng cần mẫn, thức khuya dậy sớm, đàn bò bắt đầu cho sữa. Với số vốn xoay vòng từ bán sữa, sau một thời gian, Lê Văn Thu đã trả hết nợ vay ngân hàng, tiếp tục đầu tư để nhân rộng đàn bò. Đến nay, tổng số bò của gia đình là 30 con, trong đó, 12 con đang cho khai thác sữa. Con ít nhất cho 18 kg sữa, con nhiều thì 23 đến 25 kg sữa/ngày, với giá 1 kg sữa ở thời điểm giữa tháng 2 bán cho Công ty Vinamilk là 14.000 đồng/kg, cho doanh thu gần bốn triệu đồng/ngày. Ngoài sữa, anh còn có thu nhập từ tiền bán bê đực với giá 20 đến 25 triệu đồng/con. Trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình Lê Văn Thu lãi khoảng 600 triệu đồng.

Nhận thấy nuôi bò sữa mang lại lợi nhuận cao, phát triển thuận lợi, đầu ra, giá sản phẩm ổn định. Năm 2016, trên diện tích gần 500 m2đất vườn, Lê Văn Thu tiếp tục đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín, đạt chuẩn, điều tiết nhiệt độ mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Bên cạnh đó, anh lắp thiết bị đo nhiệt độ, ẩm độ tại chuồng nuôi; qua theo dõi, nếu nhiệt độ tăng, anh làm mát chuồng bởi hệ thống quạt phun sương, phun ướt mái, giúp giảm từ 3 - 5oC so với ngoài trời. Từ đó, giúp bò ăn ngon miệng, bảo đảm sức khỏe, tăng năng suất, sản lượng sữa. Để cơ giới hóa chăn nuôi, gia đình anh đầu tư lắp hệ thống máng ăn, uống nước tự động và bán tự động; mua máy vắt sữa; máy trộn thức ăn; máy băm cỏ trục cuốn (công suất 2 tấn/giờ); máy phun thuốc sát trùng chuồng trại; máy phát điện; máy bơm; máy lọc nước sạch phục vụ nước uống cho đàn bò.

Để bảo đảm nguồn thức ăn cho bò, gia đình anh mua thêm đất ruộng, nâng tổng diện tích trồng cỏ lên gần 18.000 m2.

Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, với kinh nghiệm tích lũy, anh Lê Văn Thu còn tận tình hướng dẫn, chỉ bảo nghề nuôi bò sữa cho nhiều hộ gia đình ở xã Vĩnh Ninh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ thoát nghèo, trở thành triệu phú.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh Nguyễn Hữu Quân cho biết: Hiện, toàn xã có khoảng gần 40% số hộ nuôi bò sữa với tổng đàn lên tới hơn 1.000 con, trong đó đang cho khai thác sữa là 700 con. Mỗi ngày cung cấp ra thị trường từ 16 đến 18 tấn sữa, thu nhập của bà con nông dân rất ổn định. Nhờ chuyển hướng sang nuôi bò sữa, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, cho thu nhập từ 30 đến 60 triệu đồng/tháng. Có thể kể ra những cái tên đã góp phần làm nên “thương hiệu” bò sữa ở Vĩnh Ninh như: gia đình anh Nguyễn Phùng Phong, Đỗ Thành Chung (thôn Hậu Lộc), anh Ngô Văn Mộc (thôn Duy Bình), anh Nguyễn Văn Thức (thôn Kim Xa)… Không chỉ bò sữa ở Vĩnh Ninh đang “lên ngôi”, mà kinh tế trang trại theo mô hình VACR (vườn - ao - chuồng - ruộng) cũng thu nhiều thành quả. Từ những tiềm năng và lợi thế vốn có, chúng tôi xác định, bò sữa là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp ở địa phương - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh nói.

BÀI VÀ ẢNH: TRẦN HẢI

Nuôi vịt trên đồi cát

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Ngày ông Võ Văn Được, thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) lùa đàn vịt trên đồi cát, ai cũng bảo ông điên. Thế nhưng, bằng cách làm này, ông Được có thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm.

Hiện nay, khi người chăn nuôi heo đang lâm vào cảnh khó khăn do dịch tả heo châu Phi thì mỗi ngày, ông Được xuất bán cả trăm con vịt, thu lãi 9 - 10 triệu đồng.

Mô hình nuôi vịt của ông Được đang phát huy hiệu quả.

Ông Được cho biết, trước đây ông từng hành nghề đánh bắt thủy sản trên đầm Thủy Triều, nhưng khi các phương tiện khai thác lạm sát như lờ dây bị cấm, ông buộc phải lên bờ. Ông nuôi dông, gà chọi, chó, nhưng vì thị trường bấp bênh nên ông không thể duy trì. Tháng 7-2017, ông đặt mua vịt con và đưa chúng lên đồi cát - nơi diện tích đất gia đình bấy lâu bỏ hoang chỉ trồng được một số cây xoài, keo nhưng kém hiệu quả. Ngày ông lùa đàn vịt lên đồi cát, nhiều người tỏ ra nghi ngờ, thậm chí cho ông là khùng, nhưng ông vẫn làm. Ông tự mày mò, học hỏi kỹ thuật nuôi vịt trên đồi cát. Để tránh cái nóng của môi trường, ông trồng thêm cây xanh, che nắng bằng lưới lan. Ông chia ra nhiều khu vực tương ứng với từng giai đoạn phát triển của vịt, mỗi khu rộng vài ngàn m2, bên trong ông làm từng hồ nước nhỏ 2 - 3m2 cho vịt tắm, uống và thay nước liên tục.

Bà Lâm Thị Hoàng Phương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hải Đông: Trước đây, khu vực đồi cát phát triển nghề nuôi dông, lúc đầu có hiệu quả nhưng sau đó lâm vào thoái trào do thị trường quá tải. Gần đây, ông Được triển khai mô hình nuôi vịt khô cho thu nhập cao nên nhiều nông dân làm theo. Đây cũng là hướng đi mới cho nông dân khi nghề đánh bắt trên đầm Thủy Triều ngày càng khó khăn do cạn kiệt nguồn lợi.

Để giải quyết nhu cầu thức ăn đối với một trại vịt quy mô lớn, số lượng 6.000 con, ông hợp tác với một người bạn thu gom thức ăn thừa tại các resort, nhà hàng tại Khu du lịch Bãi Dài với khối lượng khoảng 3 tấn/ngày. Với cách làm này, mỗi tháng ông thu về 80 - 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí; tính ra mỗi năm ông có thu nhập tiền tỷ.

Khu vực đồi cát thôn Thủy Triều có diện tích rộng hàng trăm héc-ta, lâu nay chỉ một màu cát trắng nóng bỏng. Thời gian gần đây, trong khu vực xuất hiện màu xanh do nhiều trang trại nuôi vịt chuyển hướng lên đồi cát. Ông Mai Mỹ - một hộ nuôi vịt có quy mô lớn trong khu vực chia sẻ: “Nhận thấy mô hình của ông Được có hiệu quả, nhiều nông dân phấn khởi làm theo, ở đây người ta gọi là mô hình nuôi vịt khô. Tôi cũng nuôi vịt với quy mô 6.000 con, thu nhập 15 - 20 triệu đồng/tháng. Việc tiêu thụ khá suôn sẻ vì có mối quen ở Cam Hòa, cứ hàng tuần người này thu mua 1.000 - 2.000 con, về bán tại các chợ hay các hàng cháo trong, ngoài huyện”. Hiện nay, trong khu vực có 6 hộ nuôi vịt theo mô hình này với tổng đàn hàng chục ngàn con. Các hộ lấy con giống từ các tỉnh miền Tây, thông qua một đại lý có uy tín cung cấp, bảo đảm tiêm, phòng dịch đầy đủ.

Theo ông Được, phát triển đàn vịt trên đồi cát không phải là vấn đề lớn mà quan trọng là tìm đầu ra cho sản phẩm. Những ngày đầu ông phải lặn lội các nơi để tìm thị trường. Cách làm của ông là khảo sát, sau đó đặt vấn đề, dần dần mở rộng thị phần. Hiện nay, trại của ông cung cấp vịt cho 20 quán thịt vịt, đồng thời cung cấp cho bộ đội Vùng 4 Hải quân với số lượng khá lớn. Thời gian tới, ông dự định mở rộng thị trường tiêu thụ ra các siêu thị và điểm giết mổ gia súc, gia cầm trong tỉnh.

V.LẠC

Đắk Nông: Chăn nuôi dê tạo nguồn thu ổn định

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Trong khi nuôi các loại vật khác gặp những bất lợi như dịch bệnh, giá cả xuống thấp thì việc chăn nuôi dê đang được nhiều nông dân lựa chọn để nâng cao thu nhập.

Chị H’Ang, ở bon Tiêng Wel Đăng, xã Đắk Ha (Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) hai năm gần đây đã đẩy mạnh việc phát triển chăn nuôi dê.

Gia đình chị H'Ang, xã Đắk Ha (Đắk Glong) chuyển từ hình thức thả rông sang nuôi nhốt đàn dê

Chị H’Ang cho biết: Trước đây, gia đình vẫn có thói quen chăn nuôi theo hình thức thả rông với vài ba con. Nhưng sau khi được sự vận động của cán bộ xã, bon, gia đình đã chuyển sang nuôi dê nhốt trong chuồng. Cùng với các loại lá như mít, ngô có thể hái về quanh vườn, rẫy, chị còn trồng cỏ để tạo nguồn thức ăn sạch, ổn định cho dê. Qua hai năm chăn nuôi theo hình thức mới, chị thấy hiệu quả kinh tế cao hơn, lại bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn.

Chị H’Ang vui mừng: “Dê sinh sản nhanh lại đầu tư ít, thị trường tiêu thụ thịt dê cung không đủ cầu nên vừa có lãi cao vừa không lo về đầu ra sản phẩm”. Cũng ở xã Đắk Ha, ông Nông Văn Dung, thôn 7 đang mở rộng phát triển chăn nuôi dê. Theo ông Dung, gia đình bắt đầu nuôi dê cỏ từ năm 2015 với 5 con giống. Hiện nay, đàn dê được nhân rộng lên mức 30-40 con. Hiện nay, gia đình ông Dung chuyển từ nuôi dê cỏ sang nuôi dê bách thảo vì số lứa đẻ nhiều hơn, trọng lượng trung bình đến tuổi trưởng thành cũng cao hơn dê cỏ khoảng 10-15 kg.

Theo UBND xã Đắk Ha, những năm gần đây, chăn nuôi dê đã được nhiều hộ dân lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình. Hiện đàn dê của xã đạt khoảng 1.000 con.

Tương tự, chăn nuôi dê cũng đang được nhiều hộ dân ở Đắk Mil lựa chọn. Gia đình bà Đỗ Thị Tuyến, thôn Tân Lợi, xã Đắk Gằn hiện có đàn dê hơn 20 con lớn, nhỏ.

Gia đình bà Đỗ Thị Tuyến, xã Đắk Gằn (Đắk Mil) hiện có đàn dê hơn 20 con

Bà Tuyến cho biết: Chăn nuôi dê vốn đầu tư không nhiều cả về con giống và chuồng trại. Dê giống ở mức 1 triệu đồng/con. Thức ăn cũng khá dễ tìm là các loại thân, lá cây nông dân vẫn thường trồng dọc bờ ranh, cây che bóng như chuối, keo, mít. Tuy nhiên, để đàn dê phát triển khỏe mạnh, vấn đề cho ăn như thế nào rất quan trọng. Ví dụ, thức ăn lá cây vào mùa mưa phải rải ra nơi sạch sẽ, hong khô, lá cây phải không dính sâu, nái để dê ăn vào không bị đau bụng. Mỗi ngày ít nhất phải cho dê uống nước 1 lần, nguồn nước sạch sẽ. Dê thường hay bị chướng bụng, bại liệt và một số bệnh lây nhiễm như long móng, lở mồm. Những lúc dê bị bệnh cần tách đàn và kiên trì chăm sóc, uống thuốc chữa trị kịp thời.

Thời gian gần đây, giá dê thịt thường ổn định ở mức 120.000-140.000 đồng/kg nên khá thuận lợi cho người chăn nuôi. Trung bình, mỗi con dê thịt khoảng 30 kg, cũng thu về khoảng 4,2 triệu/con. Một năm, gia đình bà Tuyến có thể xuất bán khoảng 20 con dê thương phẩm, thu về khoảng 84 triệu đồng. Cùng với việc bán dê giống, thương phẩm, gia đình đã sử dụng phân dê để bón cho cây trồng rất hiệu quả.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp- PTNT, những năm gần đây, chăn nuôi dê đang được nhiều người dân lựa chọn vì vốn đầu tư ban đầu ít, thức ăn dễ tìm. Thống kê hiện nay, đàn dê toàn tỉnh đạt mức gần 18.000 con, tăng khoảng 8.000 con so với năm 2017. Việc đẩy mạnh chăn nuôi dê đã giúp nhiều nông dân bảo đảm thu nhập trong điều kiện nhiều loại nông sản mất mùa, mất giá. Tuy nhiên, tránh tình trạng cung vượt cầu, ngành chức năng khuyến cáo nông dân không nên tăng đàn ồ ạt mà nên hướng đến việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi dê theo hướng an toàn sinh học, gắn với bao tiêu sản phẩm.

Bài, ảnh: Hồng Thoan

Hiệu quả kinh tế từ nuôi thỏ thương phẩm

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Với 100 thỏ nái, bình quân mỗi năm gia đình ông Nguyễn Công Phúc ở xóm Hương Đình, xã Tân Phú (T.X Phổ Yên) xuất bán 1.500-2.000 con thỏ thương phẩm, cho thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Sau vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá” bởi trồng cây màu và chăn nuôi lợn, gà, ông Nguyễn Công Phúc (sinh năm 1960), ở xóm Hương Đình, xã Tân Phú (T.X Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) đã quyết định nuôi thỏ New Zealand, cho thu lãi hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Đây là mô hình nuôi thỏ thương phẩm đầu tiên cho thu nhập khá tại địa phương, được nhiều người dân đến tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm.

Kể lại quá trình phát triển kinh tế gia đình, ông Phúc cho biết: Trước đây, gia đình tôi chăn nuôi chủ yếu lợn và vịt sinh sản, tuy nhiên giá cả năm được năm mất nên nhiều khi không có lãi. Sau thời gian tìm hiểu, năm 2015, tôi quyết định về cải tạo chuồng trại để nuôi thỏ New Zealand. Lúc đầu, tôi chỉ nuôi thử nghiệm 10-20 thỏ nái, tuy nhiên kinh nghiệm còn hạn chế nên thỏ không chỉ sinh nở không đều mà còn mắc bệnh rồi chết dần. Để tích lũy kinh nghiệm, ngoài việc tìm hiểu thực tế, tôi còn tham khảo kiến thức chăn nuôi trên tivi, sách, báo, đến nay, việc chăn nuôi đã thuận lợi hơn, đàn thỏ nái phát triển ổn định và tăng lên 100 con.

Theo ông Phúc, giống thỏ New Zealand có ưu điểm về khả năng sinh sản tốt, thịt thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng. Theo đó, một năm thỏ mẹ có thể sinh sản 5 lứa, mỗi lứa 5-7 con; thỏ thương phẩm trong 3-3,5 tháng đã có thể xuất chuồng, trọng lượng đạt 2,3-2,7 kg/con. Bên cạnh đó, thức ăn của thỏ cũng không quá cầu kỳ, ngoài cho ăn cám còn có thể bổ sung thêm một số loại thức ăn sẵn có như: ngô, khoai lang, rau xanh…

Tuy nhiên, thỏ cũng rất dễ nhiễm bệnh ngoài da và đường ruột, do vậy không chỉ chú trọng tiêm phòng đầy đủ mà khâu làm chuồng trại cũng phải đặc biệt lưu tâm. Để đảm bảo hiệu quả chăn nuôi, khu nuôi thỏ được ông Phúc xây dựng ở nơi thoáng mát, rộng rãi, mỗi con thỏ được thả trong một ô chuồng nhỏ chừng 0,5m2, cách mặt đất 1,5m. Cùng với đó, hệ thống máng ăn, máng uống nước cũng được lắp đặt khoa học để thỏ có thể ăn, uống tiện lợi và dễ dàng. Ngoài việc thay đổi chế độ ăn, uống phù hợp theo từng mùa, ông Phúc còn trang bị cả hệ thống làm mát, giữ ấm để thỏ sinh trưởng, phát triển ổn định.

Năm 2017, mô hình nuôi thỏ thương phẩm của gia đình ông Phúc đã được Công ty Dược phẩm Nippon Zonki Nhật Bản (trụ sở tại tỉnh Bắc Ninh) ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Hằng tháng, Công ty sẽ cử nhân viên về kiểm tra tình hình sức khỏe của đàn thỏ thương phẩm, thỏ con sau khi tách mẹ được 1 tháng tuổi sẽ được bấm số theo dõi và tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo quy định. Hiện nay, với 100 thỏ nái, bình quân mỗi năm gia đình ông Phúc xuất bán 1.500-2.000 con thỏ thương phẩm cho Công ty. Với giá bán dao động từ 170-200 nghìn đồng/con tùy loại, sau khi trừ chi phí cho thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Hiện nay, ngoài việc tập trung nuôi thỏ, tận dụng diện tích vườn đồi rộng, gia đình ông Phúc còn nuôi cá thương phẩm với diện tích hơn 1.000m2, kết hợp trồng hơn 1.000 cây ăn quả các loại, cho tổng thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. Theo chia sẻ của ông Phúc: Sau nhiều lần thất bại bởi các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, tôi rút ra bài học kinh nghiệm nếu chỉ làm nông đơn thuần thì không thể giàu lên. Vì vậy, bản thân tôi luôn nỗ lực tìm hiểu những mô hình kinh tế mới cho hiệu quả kinh tế và phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình. Hiện nay, mô hình vườn - ao - chuồng là hướng đi mà gia đình tôi xác định gắn bó lâu dài và dự kiến sẽ mở rộng quy mô để cải thiện thu nhập…

Theo đánh giá của ông Trần Văn Phái, Chủ tịch UBND xã Tân Phú: Mô hình nuôi thỏ thương phẩm của gia đình ông Phúc hiện khá phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, bởi có thể tận dụng những sản phẩm nông nghiệp vào chăn nuôi, đầu ra ổn định. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, ông Phúc còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ con giống để người dân đưa thỏ thương phẩm vào chăn nuôi nhằm nâng cao thu nhập. Theo tìm hiểu của địa phương, số lượng thỏ thương phẩm cung cấp cho Công ty Dược phẩm Nippon Zonki Nhật Bản hiện vẫn thiếu, do đó, xã cũng khuyến khích các hộ dân đưa thỏ vào nuôi phù hợp điều kiện thực tế của từng gia đình.

Trịnh Phương

Đi lên từ chăn nuôi công nghệ cao

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Bình Phước được biết đến là tỉnh có nhiều tiềm năng về nông nghiệp với quỹ đất rộng, thích hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi và lại gần thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn là TPHCM cùng các tỉnh miền Đông Nam bộ. Thế nhưng, do sản xuất còn nhỏ lẻ, tự phát, không gắn với nơi tiêu thụ nên dễ gặp rủi ro kiểu “được mùa thì mất giá”.

Công đoạn xếp trứng ở trang trại gà đẻ của Tập đoàn Hùng Nhơn

Để phát huy được tiềm năng, tỉnh Bình Phước rất cần có các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ như mô hình của Tập đoàn Hùng Nhơn - một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi hiện đại ở Việt Nam.

Nuôi gà trong nhà lạnh

Đã nhiều lần lên công tác ở Bình Phước và cũng nghe nói tới Tập đoàn Hùng Nhơn nên ít nhiều gây tò mò và vì thế chúng tôi quyết định mục sở thị đơn vị này cho bằng được. Cảm nhận đầu tiên khi đến với trang trại chăn nuôi gà của tập đoàn ở xã Thuận Lợi (huyện Đồng Phú) là không khí trầm lắng với rất ít người qua lại. Nhưng khi vào sâu bên trong mới hiểu do nơi đây đầu tư chăn nuôi bằng dây chuyền hiện đại - công nghệ nuôi lạnh tiên tiến nhất hiện nay - nên không dùng nhiều lao động phổ thông.

Trên diện tích 7ha có 8 dãy chuồng nuôi gà, mỗi dãy nuôi hơn 41.000 con. Tất cả các công đoạn từ cho ăn, uống nước, lấy trứng, lấy phân… đều bằng dây chuyền tự động, do đó chỉ cần một lao động trông coi. Thức ăn (cám) từ lò hơi ở bên ngoài được chuyển tự động đến các chuồng, chảy vào từng máng; lúc gà đẻ thì trứng tự động lăn vào phía dưới có băng chuyền đẩy đi.

Khi ra ngoài, công nhân chỉ việc lấy trứng, phân loại và sau đó xử lý sạch, sát trùng để xếp vào khay; khâu đóng hộp cũng đều tự động. Phân gà được lấy bằng dây chuyền khá đơn giản chuyển ra phía sau của trại nuôi để có xe đến chở về nhà máy ở cách đó vài cây số. Sản lượng trứng đạt gần 315.000 quả/ngày, tương đương 130 triệu quả/năm và được tập đoàn hợp tác với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam bao tiêu đầu ra.

Ở cách đó khoảng 8km là trại chăn nuôi gà thịt Thùy Thảo được xây dựng trên diện tích 20ha, gồm 20 trại nuôi gà lạnh, cũng áp dụng theo công nghệ tiên tiến của Tập đoàn Big Dutchman (CHLB Đức). Tất cả các công đoạn trong suốt quá trình nuôi đều được tự động hóa, với tổng đàn gà 3 triệu con/năm.

Để thực hiện 2 dự án chăn nuôi gà này, Tập đoàn Hùng Nhơn đã hợp tác với tập đoàn De Heus (Hà Lan) chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi, Công ty Bel Gà (Vương quốc Bỉ) chuyên cung cấp gà giống tại thị trường Việt Nam và Công ty TNHH San Hà chuyên cung ứng gà thịt thương phẩm cho các siêu thị trong nước, tạo thành chuỗi liên kết hợp tác hiệu quả và bền vững. Tổng mức đầu tư cho 2 trang trại gà đẻ trứng và gà thịt này là hơn 180 tỷ đồng. Tập đoàn dự kiến đầu tư thêm 10 trại chăn nuôi gà thịt, nâng sản lượng cung cấp cho thị trường 4 triệu con gà thịt/năm.

Không chỉ có trứng, thịt mà lượng phân gà ở 2 trang trại khoảng 20.000 tấn/năm, được tập đoàn đưa vào chế biến phân bón phục vụ các dự án trồng, chăm sóc cao su và cung ứng cho bà con nông dân.

Mở rộng hợp tác

Tiếp tục phát huy hiệu quả của dự án trang trại gà đẻ, gà thịt tại tỉnh Bình Phước, vào ngày 10-4, tại Hà Nội, Tập đoàn Hùng Nhơn và Công ty TNHH De Heus (Hà Lan) tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ về thỏa thuận liên doanh hợp tác giữa 2 doanh nghiệp, thành lập Công ty cổ phần Phát triển heo giống cao sản Đắk Lắk DHN, dưới sự chứng kiến của đại diện chính phủ hai nước Việt Nam - Hà Lan.

Trong bối cảnh dịch bệnh về heo đang diễn biến phức tạp, Tập đoàn Hùng Nhơn và Công ty TNHH De Heus nhận thấy được tầm quan trọng của vùng an toàn để chăn nuôi heo, cũng như nhu cầu cao về giống di truyền khỏe, năng suất sinh sản cao và chất lượng tốt để phục vụ việc tái đàn nên đã tăng tốc thúc đẩy việc hợp tác đầu tư xây dựng hệ thống trang trại nuôi heo hiện đại ở tỉnh Đắk Lắk.

Theo đó, các giống heo cụ kỵ (GGP) và ông bà (GP) được chọn lọc và nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan để tạo ra các giống heo ông bà (GP) và bố mẹ (PS), bảo đảm nguồn gen tốt cho năng suất sinh sản, cung cấp ra thị trường Việt Nam phục vụ người chăn nuôi.

Quá trình chăn nuôi được tự động hóa bằng ứng dụng công nghệ 4.0 từ nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đến từng cá thể heo được gắn chip. Việc ứng dụng phần mềm vào quản lý trang trại giúp Công ty cổ phần Phát triển heo giống cao sản Đắk Lắk DHN kiểm soát được thực trạng trang trại, sức khỏe vật nuôi, khẩu phần ăn, thời gian nuôi, thời gian sinh sản… của từng cá thể.

Mặt khác, phần mềm còn giúp công ty quản lý các loại chi phí đầu vào, đầu ra và từ đó tính ra được hiệu quả trong quá trình chăn nuôi. Đặc biệt, phần mềm còn có chức năng cảnh báo vấn đề xấu, giúp quản lý trại và nhóm kỹ thuật của Công ty TNHH De Heus phân tích và đưa ra giải pháp xử lý kịp thời.

Dự án này sẽ tạo ra và đáp ứng nhu cầu tăng cao về heo giống GP và PS có chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, cung cấp nguồn nông sản sạch cho thị trường, hướng tới việc thành lập vùng an toàn dịch bệnh.

Dự án có công suất chăn nuôi 2.400 con heo GGP và GP, chia làm 4 giai đoạn, với tổng vốn đầu tư khoảng 22 triệu USD (tương đương 500 tỷ đồng). Sau khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, hàng năm sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 22.000 con heo GP và PS.

Điểm mới trong dự án phát triển đàn heo giống cao sản tại tỉnh Đắk Lắk là hệ thống điện năng lượng mặt trời cho các trang trại. Đây là mô hình trang trại chăn nuôi đầu tiên ở Việt Nam được đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời phục vụ sản xuất, mang lại lợi ích lâu dài. Sử dụng điện năng lượng tái tạo sẽ có giá rẻ hơn các nguồn điện khác, vừa không tổn hại đến môi trường.

VĂN PHONG

Hiệu quả mô hình chăn nuôi ‘có một không hai’ ở Bắc Giang

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Xã Đồng Sơn, thành phố Bắc Giang nằm trải dài dọc theo con đê sông Thương, có nhiều đồng cỏ tự nhiên, là địa điểm lý tưởng để chăn thả trâu, bò. Nhận thấy điều kiện tự nhiên thuận lợi nên nhiều hộ nông dân của xã đã trú trọng phát triển chăn nuôi nhất là chăn nuôi trâu, bò, trong đó, phải kể đến gia đình anh Thân Văn Tuyến, thôn Sòi, xã Đồng Sơn.

Chất lượng con giống- quyết định thành công

Anh Tuyến nuôi bò cái sinh sản đến nay được 10 năm. Chăn nuôi bò cái sinh sản là nghề chính của gia đình, góp phần ổn định cuộc sống của 4 người trong nhà nhất là khi các con anh đang học đại học. Hiện, mỗi năm gia đình anh thu nhập từ việc bán bê con trên 130 triệu đồng.

Chúng tôi gặp anh Tuyến tại bãi chăn thả trước cửa nhà, anh vui vẻ cho biết, trước kia gia đình cũng nuôi bò nhưng chủ yếu nuôi giống bò vàng địa phương, bò cái đến kỳ động dục thì phối tinh nhân tạo nhưng phối bằng tinh bò nội, chính vì vậy bê con sinh ra có trọng lượng sơ sinh nhỏ, chỉ 18- 20kg/con, bê chậm lớn, nuôi 8-10 tháng mới được bán, giá bán thấp chỉ 10-12 triệu đồng/con.

Từ năm 2014 trở lại đây, anh được tham gia các khóa tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật của Trạm Khuyến nông thành phố và Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đồng thời được dẫn tinh viên tư vấn nên anh đã biết đến các giống bò cao sản siêu thịt như bò BBB, bò Charolais. Tuy nhiên, để được tham gia vào dự án cải tạo đàn bò, yêu cầu các hộ chăn nuôi phải có đàn bò cái nền là bò lai Zêbu, trọng lượng 250kg trở lên, vì vậy anh Tuyến bàn với vợ và quyết định chọn lọc lại đàn bò cái của gia đình để tham gia chương trình.

Hiện nay, đàn bò cái của gia đình anh luôn duy trì quy mô đàn từ 11-13 con, đều là giống bò cái lai Zêbu nên rất mắn đẻ, sữa tốt, nuôi con khéo. Cho đàn bò cái phối giống với tinh bò cao sản nhập ngoại, qua theo dõi, anh Tuyến nhận thấy, bê lai sinh ra có ngoại hình đẹp, chân to, tai to, bê con phàm ăn, chóng lớn, chỉ cần nuôi 5-6 tháng đã có thể xuất bán, với giá bán thường từ 15-16 triệu đồng/con, gần đây nhất đã bán được 20 triệu đồng/con bê đực.

Khi được hỏi về khó khăn trong quá trình chăn nuôi bò sinh sản, anh Tuyến cho biết, đáng ngại nhất là bệnh tụ huyết trùng. Bệnh thường xảy ra vào thời điểm giao mùa như hiện nay, bệnh gây chết rất nhanh và tỷ lệ chết cao. Đã có năm gia đình anh cũng thất thu do có 4 bò mẹ bị chết do bệnh tụ huyết trùng. Để đàn bò sinh trưởng phát triển tốt, người chăn nuôi phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, định kỳ tẩy uế, tiêu độc khử trùng. Ở bãi chăn thả và quanh khu vực chăn nuôi cần phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh thoát nước để hạn chế sự tồn tại của mầm bệnh trong tự nhiên. Toàn bộ chuồng trại và bãi chăn thả phải được vệ sinh tẩy uế. Song song với đó là tiêm phòng vắc-xin hàng năm (6 tháng một lần) cho đàn trâu bò để chúng có miễn dịch, chống lại mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể.

Anh Đào Ngọc Anh, dẫn tinh viên thụ tinh nhân tạo trâu bò trên địa bàn thành phố Bắc Giang cho biết, gia đình anh Tuyến cũng như các hộ chăn nuôi trong thôn đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Xu hướng chăn nuôi bò sinh sản bằng các giống bò lai zêbu như hiện nay đang được các hộ dân trên địa bàn ưa chuộng. Đặc biệt các hộ tham gia Hội chăn nuôi bò thôn Sòi, 100% phối tinh bò giống nhập ngoại, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cách chăn nuôi bò có “một không hai”

Tại thôn Sòi, xã Đồng Sơn, thành phố Bắc Giang đã hình thành Hội chăn nuôi bò và đi vào hoạt động được 5 năm.

Tham gia Hội chăn nuôi bò, giúp người chăn nuôi thôn Sòi tiết kiệm được thời gian, nhân lực

Cùng thôn với anh Tuyến, anh Sáng tham gia Hội chăn nuôi bò cho biết, mọi người chăn nuôi bò rủ nhau tham gia Hội. Hoạt động của Hội rất đơn giản, các hộ trong Hội sẽ phân công nhau chăn bò, tùy số lượng bò của mỗi gia đình mà số ngày chăn nhiều hay ít. Nếu hộ có 1 con sẽ chăn một ngày, hộ có 10 con sẽ đi chăn 10 ngày và cứ thế quay vòng lần lượt. Hộ nào có ít bò có khi một tháng mới phải đi chăn bò một lần. Thường cứ sáng sớm các hộ sẽ đưa bò đến nơi quy định giao cho hộ được phân công đi chăn, chiều tối người được phân công sẽ lùa bò về vị trí tập kết để giao trả bò cho các hộ còn lại. Cứ luân phiên như vậy, nếu đến phiên gia đình nào chăn bò mà có việc bận thì có thể thương lượng với các hộ còn lại trong Hội để đổi lịch chăn bò. Đây là cách làm hay và độc đáo, giúp tiết kiệm được thời gian, nhân lực, mặt khác bò đi chăn theo đàn như vậy sẽ đua nhau gặm cỏ và nhanh lớn hơn so với chăn nuôi nông hộ. Mặt khác, tham gia vào Hội, các hộ còn được học tập kinh nghiệm lẫn nhau; công tác tiêm phòng cũng sẽ thuận lợi hơn, các hộ cùng nhau mua vắcxin và thuê cán bộ thú y tiêm cho đàn bò của cả Hội.

Với cách chăn nuôi bò “có một không hai” này, người dân thôn Sòi, xã Đồng Sơn đã được nhiều người tìm đến để học tập. Hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng ở các địa phương khác trong và ngoài tỉnh, bởi ngoài hiệu quả kinh tế mang lại nó còn có hiệu quả xã hội, gắn kết cộng đồng.

Nguyễn Thị Thanh - Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang

Hiệu quả mô hình nuôi dê lấy sữa

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm, cộng niềm đam mê và sự cần cù trong sản xuất nên anh Nguyễn Văn Đua, ở ấp 2B, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang), được nhiều người biết đến với mô hình nuôi dê lấy sữa đang mang lại nguồn thu nhập cao.

Mô hình nuôi dê lấy sữa và thịt của gia đình anh Đua đang cho hiệu quả kinh tế cao.

Chia sẻ cơ duyên đến với nghề nuôi dê lấy sữa, anh Đua cho biết: “Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, lại đông anh em và ruộng đất lại ít. Khi lập gia đình và mới ra riêng thì bản thân cũng không biết trồng cây gì, nuôi con gì để cải thiện cuộc sống gia đình và thoát nghèo. Nhưng với quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng, bản thân cũng thử kinh qua nhiều nghề như: nuôi ba ba, nuôi nhím, chim bồ câu gà… Tuy có hiệu quả kinh tế nhưng nguồn thu nhập không cao. Tình cờ một lần được người quen giới thiệu và tìm tòi trên mạng nên sau nhiều năm học hỏi, nghiên cứu thử nghiệm và thấy mô hình nuôi dê lấy sữa, thịt phù hợp nên tôi bàn cùng gia đình và sau đó quyết định làm theo mô hình này cho đến nay”.

Với số vốn ban đầu hơn 100 triệu đồng, cùng 6,5 công đất ruộng, anh Đua lên liếp cao để trồng cỏ cao sản làm nguồn thức ăn cho dê, đồng thời cất chuồng trại để mua dê giống về thả nuôi. Do vốn ít nên lúc đầu đàn dê của anh chỉ có 12 con dê cái chuyên lấy sữa và 3 con dê đực, đây là giống dê được anh mua từ Trung tâm nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây, thuộc Trung tâm giống Quốc gia. Sau gần 10 năm nuôi, hiện đàn dê của gia đình anh đã tăng lên được 200 con, trong đó có 100 con chuyên lấy sữa, đồng thời phát triển diện tích nuôi gần 1,8ha.

Với số lượng dê lấy sữa trên, mỗi ngày gia đình lấy được từ 40-60 lít sữa tươi, riêng những tháng cao điểm có khi được 80 lít sữa/ngày, với giá bán từ 45.000-50.000 đồng/lít sữa tươi chưa thanh trùng. Để nâng cao giá bán của mặt hàng sữa, anh Đua đã đầu tư máy thanh trùng tại nhà và sữa sau khi được thanh trùng thì giá bán được nâng lên 80.000 đồng/lít. Hiện sữa dê thanh trùng của gia đình anh Đua đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Nhờ có thương hiệu và an toàn vệ sinh thực phẩm nên được nhiều khách hàng biết đến và hiện đã có mặt tại một số thành phố lớn như: Cần Thơ, Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Ngoài sữa dê thì hàng năm anh Đua còn xuất chuồng bán dê thịt (dê đực) trên 1 tấn, giá bán mỗi ký dao động từ 85.000-100.000 đồng, từ đó góp phần giúp gia đình tăng thêm nguồn thu nhập. Nói về cách chăm sóc đàn dê, anh Đua cho biết thêm: “Dê là động vật nhai lại và ăn được rất nhiều loại cỏ, lá cây và các phụ phẩm từ nông nghiệp như: bắp, rơm, cây chuối, cám gạo,… trong khi đây là nguồn thức ăn khá dồi dào tại địa phương. Do đó, nuôi dê rất nhẹ công chăm sóc, vốn đầu tư ít nhưng cho thu nhập nhanh. Mặt khác, dê đẻ nhiều (2 năm 3 lứa), ít bị bệnh, cho nhiều thịt và sữa. Vì vậy, chỉ cần tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp là chúng ta có thể nuôi dê cho thu nhập cao, nhất là phù hợp với những hộ nghèo, ít đất sản xuất”.

Điều khá thú vị khi chúng tôi đến thăm chuồng dê nhà anh Đua là lúc nào cũng có tiếng nhạc phát ra và theo anh Đua thì đây là một trong những bí quyết để nuôi dê thành công. Hiện tại, ngoài cung cấp cho thị trường sữa dê thanh trùng thì dự kiến tới đây anh Đua còn cho ra thị trường một số sản phẩm từ dê như: sữa dê - ca cao, sữa dê - cà phê, yaourt sữa dê, pho mát sữa dê… Các sản phẩm này sẽ được anh đưa đi tiêu thụ tại các trường mẫu giáo, tiểu học để các cháu được tiếp cận với nguồn sữa tốt nhất trên quê hương mình.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, cho hay: Từ hiệu quả của mô hình nuôi dê lấy thịt và sữa của anh Đua mang lại, dự kiến trong năm 2019 này, địa phương sẽ phối hợp với UBND huyện Châu Thành A và các đơn vị liên quan thực hiện kế hoạch hỗ trợ cho những hộ nghèo, cận nghèo mượn dê giống và sẽ thu mua sữa dê cho bà con, qua đây giúp bà con có thêm nguồn thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. Mặt khác, việc nhân rộng mô hình sẽ tạo được nguồn sữa dê dồi dào nhằm đáp ứng nhu cầu của những đơn đặt hàng lớn…

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop