Tin nông nghiệp CN ngày 15 tháng 9 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp CN ngày 15 tháng 9 năm 2019

Bấp bênh mùa lũ muộn

Nguồn tin:  Báo An Giang

Nước từ thượng nguồn đổ về trong những ngày qua khiến người dân vùng đầu nguồn An Phú (tỉnh An Giang) mừng khấp khởi. Mấy tháng nay, dân câu lưới đứng ngồi không yên do lũ kiệt. Hơn tuần nay, nước lũ tràn về bơm đầy các nhánh sông, cánh đồng, nên không khí mưu sinh ở vùng lũ cũng bắt đầu khởi động.

Nước lũ về muộn nhuộm trắng quãng đồng của xã biên giới Phú Hữu. Trong cái lạnh hanh hanh của buổi sớm mai, nhiều người giong xuồng thả câu, giăng lưới để bắt đầu một ngày mưu sinh mới. So với năm trước, mùa lũ này về trễ, nước kiệt, tôm, cá rất ít. Năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai quy định mới về đánh bắt thủy sản, nên ngư dân vùng lũ rất thận trọng trong việc khai thác nguồn lợi từ thiên nhiên. Danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản như: lồng xếp (lờ dây, bát quái, dớn), đăng, đáy, xiệp. Đối với các loại ngư cụ như: lưới kéo, vây, lưới rê, vó, chài các loại, ngư dân sử dụng phải chấp hành quy định về kích thước mắt lưới tối thiểu tại nơi tập trung cá… Đặc biệt, năm nay còn quy định cấm khai thác bằng các hình thức đặt đáy, dớn để khai thác thủy sản trên sông Tiền, sông Hậu và các nhánh sông, kênh, rạch của tỉnh.

Theo thói quen khai thác của người dân, từ tháng 5 đã chuẩn bị sẵn sàng ngư cụ, phương tiện khai thác thủy sản để chờ nước lũ về. Nhưng năm nay đến tháng 9, nước lũ mới đổ về lai rai. Nhiều người vốn gắn bó với nghề “bà cậu” cũng không thể chờ đợi, đành phải khăn gói ra TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai tìm việc làm để mưu sinh.

Trên “đồng không, mông quạnh” thả lưới từ tờ mờ sáng đến gần 9 giờ mới bắt được chừng 2kg cá chạch, cá he, vợ chồng anh Vĩnh (xã Phú Hữu) than vãn: “Năm rồi, vào tháng này nước sâu ngập đầu luôn, tôm, cá rất nhiều. Năm nay nước ít, sâu nhất chừng 7 - 8 tấc nước, nên tôm, cá cũng ít theo. Năm rồi, với mỗi dây lưới 100m bắt được chừng 2 - 3 kg cá là bình thường, còn giờ giảm hơn mấy lần”.

Ngược qua bờ Tây sông Hậu, xã Phú Hội cũng bắt đầu đón nhận những dòng nước lũ tràn về trong những ngày qua. Rút kinh nghiệm từ mùa vụ trước, năm nay người dân không dám sản xuất (lúa, hoa màu) vùng ngoài đê bao. Năm trước, lũ về nhanh bất ngờ gây ngập nhiều diện tích sản xuất ngoài đê bao ở các xã: Phú Hội, Nhơn Hội, Khánh An, Phú Hữu… Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Hội Lê Huệ Yến cho biết, nước về chưa nhiều nên bà con chưa triển khai các hoạt động khai thác mùa nước nổi. Địa phương đang tiếp tục theo dõi và tăng cường khuyến cáo người dân đề phòng nước lũ, phòng chống sạt lở và đảm bảo an toàn trong sinh hoạt, sản xuất.

Còn ở xóm đặt lọp cua đồng ở xã Vĩnh Hội Đông năm nay cũng vắng vẻ, đìu hiu. Trước đây, người dân đi đặt cua quanh năm trên các cánh đồng trong huyện An Phú, nhiều người còn thuê đồng bên Campuchia để đặt cua. Vì thế, cua đồng từ Vĩnh Hội Đông đã có mặt ở nhiều chợ lớn, không chỉ ở An Giang mà lên tận TP. Hồ Chí Minh. Năm nay, phía Campuchia không còn cho thuê, “đồng nhà” thì không có nước nên nhiều người phải khăn gói ra Bình Dương làm thuê kiếm sống. “Tôi chờ nước lũ về từ mấy tháng nay nhưng đặt cua cũng không được nhiều. Gắn bó với nghề này hơn chục năm nhưng giờ thấy bấp bênh quá. Tôm, cua càng ngày càng ít, chắc phải chuyển đổi nghề khác mới sống nổi” - một người dân ở ấp Vĩnh An than.

Trở lại xóm làm lọp cá linh Cồn Cóc (xã Phước Hưng, An Phú), tuy không sôi động như chục năm trước nhưng nghề làm lọp cũng giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương. Năm nay lũ về muộn, một phần vì người dân sử dụng lại lọp cũ để đặt, nên lượng lọp làm ra không nhiều. “Nhớ chục năm trước mà thấy ham, mỗi năm làm mấy chục ngàn cái lọp, giao khắp các tỉnh, thành phố, có cả dân bên Campuchia đi ghe lớn qua mua. Cả xóm làm nhộn nhịp ngày đêm mới kịp giao hàng. Mấy năm nay lũ kém (trừ năm rồi lũ bất thường), cá ít dần nên người ta cũng bỏ nghề đặt lọp cá linh” - chú Út Tòng, người gắn bó mấy chục năm với nghề làm lọp cá linh ở Cồn Cóc cho biết.

Năm nay lũ về muộn nhưng người dân cũng cần hết sức cảnh giác, đề phòng nước lũ, phòng chống sạt lở và đảm bảo an toàn trong sản xuất, sinh hoạt. Bởi sau vài cơn bão, chắc chắn các đập phía thượng nguồn sẽ xả lũ; cộng với triều cường lên sẽ ảnh hưởng các vùng phía hạ lưu. Vì thế, cần chủ động trong mọi tình huống, không nên chủ quan trong việc phòng chống lũ, đề phòng sạt lở.

HỮU HUYNH

Cây ổi bo mang lại thu nhập cao cho người dân Thanh Hà

Nguồn tin: VOV

Ổi bo Thanh Hà (Hải Dương) thịt chắc, ngọt, có vị thơm đặc trưng, quả to đều với trọng lượng trung bình 2-3 quả/kg với giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg.

Thanh Hà, Hải Dương không chỉ nổi tiếng với quả vải thiều đặc sản mà vùng đất này còn được biết đến với những vườn ổn bo trĩu quả. Cây ổi đang dần trở thành loại cây chủ lực, cùng cây vải nâng cao đời sống kinh tế của người dân nơi đây.

Huyện Thanh Hà hiện có hơn 1.400 ha trồng ổi với sản lượng trên dưới 35.000 tấn/năm. Được trồng theo quy trình VietGAP, những vườn ổi bo Thanh Hà cho năng suất và chất lượng vượt trội, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận “Nhãn hiệu tập thể”.

Ổi bo Thanh Hà thịt chắc, ngọt, có vị thơm đặc trưng đang dần trở thành loại nông sản chủ lực, cùng cây vải nâng cao đời sống kinh tế của người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chủ tịch UBND xã Liên Mạc, một trong những xã có diện tích ổi lớn nhất của huyện Thanh Hà, cho biết, có tới 2/3 số vườn ổi của xã cho thu hoạch trái vụ.

“Nhờ trồng ổi, các dịch vụ nông nghiệp phát triển, địa phương không có lao động dư thừa. Không chỉ vậy, trồng ổi trái vụ cho thu nhập cao, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên, xã Liên Mạc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới” - ông Toản cho biết.

Ổi bo Thanh Hà thịt chắc, ngọt, có vị thơm đặc trưng, quả to đều với trọng lượng trung bình khoảng 2-3 quả/kg. Trên thị trường, giá ổi bo Thanh Hà hiện dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, thời điểm khan hiếm, giá có thể lên đến 15.000đ/kg nhưng thương lái vẫn vào tận vườn thu mua hết.

Ông Nguyễn Đức Hậu, thôn Mạc Thủ, xã Liên Mạc có 2 mẫu vườn ổi chia sẻ: “Chúng tôi đã áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật rất là tốt, mô hình sản xuất theo chương trình VietGap đang được lan tỏa rộng rãi nên đảm bảo được chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường, được bà con các vùng khác rất được ưa chuộng”.

Nhờ điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, cây ổi đã trở thành một trong những loại cây đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao nhất trong nhóm cây ăn quả đang được trồng tại huyện Thanh Hà. Hiện nay, quả ổi Thanh Hà đang được tiêu thụ tại nhiều địa phương trong cả nước và nhiều công ty kinh doanh nông sản có uy tín đặt hàng bao tiêu sản phẩm để tiêu thụ tại thị trường trong nước và tìm hướng xuất khẩu loại quả này./.

CTV Linh Giang/VOV-Đông Bắc

Thanh long rớt giá, diện tích vẫn tăng

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Trong năm 2018 và 9 tháng đầu năm 2019, giá thanh long lúc nào cũng ở mức thấp so với những năm trước. Nhất là những ngày gần đây, khi thanh long bị “dội chợ” từ thị trường Trung Quốc, giá thanh long càng rớt thê thảm. Thế nhưng, cái lạ là dù giá thanh long liên tục xuống thấp người dân vẫn trồng, tiếp tục mở rộng diện tích.

Lúc “dội chợ”, thanh long đổ đống cũng không có thương lái đến mua

Như tại Tiền Giang, năm 2017, toàn tỉnh có khoảng 6.000ha thanh long, trồng tập trung tại huyện Chợ Gạo. Từ năm 2018 đến nay, dù giá thanh long liên tục xuống thấp, nhiều gia đình vẫn bỏ ruộng lúa, ruộng khóm, ao cá để chuyển qua trồng thanh long, dù chi phí đầu tư rất cao (250 - 350 triệu đồng/ha). Đáng nói là diện tích thanh long tăng thêm này (gần 2.500ha), tập trung nhiều nhất là ở huyện Tân Phước, một huyện nằm sâu trong vùng Đồng Tháp Mười, chuyên trồng lúa và trái thơm. Tại Long An, trước đây thanh long chỉ trồng chủ yếu tại huyện Châu Thành, với diện tích hơn 2.000ha. Trong khoảng 1-2 năm trở lại đây, người dân trong tỉnh vẫn mở rộng diện tích trồng (hiện hơn 11.777ha) rải khắp nhiều huyện chứ không còn là “đặc sản” Châu Thành. Như huyện Tân Trụ, vốn chuyên trồng lúa mùa, nuôi tôm nước mặn, nay đã “bén” rễ gần 1.000 ha thanh long; trong khi các huyện vùng lũ Đồng Tháp Mười cũng “cắm” trên 1.000ha (Bến Lức 322ha, Thủ Thừa 360ha, Thạnh Hóa 70,5ha, Mộc Hóa 77,5ha…). Thậm chí, TP Tân An cũng “giành phần” với 750ha.

Theo lý giải của ông Tư Phương, ở xã Đức Tân, huyện Tân Trụ: “Nuôi tôm, trồng lúa bấp bênh, lỗ lời không biết trước, trong khi thanh long có tương lai hơn, bởi biết lời lỗ rõ hơn”. Theo tính toán của ông Phương, 5 công đất nhà (5.000m²) nuôi tôm thẻ 3 năm, hết 2 năm lỗ, chỉ có 1 năm lời không nhiều. Làm lúa cũng chẳng khác nào “tiền cũ đổi tiền mới”, nhưng tiền mới thu về ít hơn số vốn bỏ ra. Còn trồng thanh long tuy mới thu hoạch vài đợt, giá có thấp nhưng về lâu dài vẫn hơn nuôi tôm, làm lúa. Ông Lê Văn Tài ở xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước (Tiền Giang), cũng cho rằng làm lúa, trồng thơm không bằng trồng thanh long. Nếu làm lúa 1ha, mỗi vụ bỏ vốn 25 - 30 triệu đồng, những lúc lúa có giá lời 5 - 10 triệu đồng, còn lúc giá thấp thì từ hòa đến lỗ, tiền công coi như mất trắng. Nếu 1 năm làm 3 vụ, chi phí đầu tư nặng hơn, rủi ro cao hơn. Còn trồng 1ha thanh long, chi phí đầu tư ban đầu có cao, nhưng trồng một lần thu hoạch nhiều năm và năng suất thuộc dạng “khủng”. Nếu trồng 5 - 7 năm trở lên, mỗi năm 3 vụ, có thể thu 50 - 60 tấn/ha. Chỉ cần giá 5.000 đồng/kg là lời “ăn đứt” lúa. Có lẽ vì thế, ông Bảy Cưng ở ấp 1, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, Long An đã bỏ 1,7ha đất lúa sang trồng thanh long (chi phí trên 500 triệu đồng), với hy vọng sớm “đổi đời”. Nhiều nông dân các huyện Đồng Tháp Mười đều làm như thế. Họ mạnh dạn bỏ lúa màu để trồng thanh long. Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, vùng này đã “bứng” gần 2.000ha đất lúa để trồng thanh long…

Theo ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang: Thực tế, những năm qua, cây thanh long đã giúp nhiều nông dân khấm khá hơn so với làm lúa và các loại rau màu khác. Do đã xác định thanh long là một trong những loại trái cây chủ lực, tỉnh rất coi trọng quy hoạch vùng trồng, cơ sở hạ tầng để hỗ trợ nông dân. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào trồng trọt cũng được hỗ trợ, khuyến khích. Tỉnh đang định hướng tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ… để bà con “sống khỏe” với cây thanh long.

Tuy nhiên, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công thương Long An, lại cảnh báo: Thanh long của Việt Nam trong thời gian qua có trên 80% xuất khẩu sang Trung Quốc, nên mỗi khi thị trường này “có chuyện” là thanh long bị ế, nên nhà nông, nhà vườn khi sản xuất cần tính toán cân đối lợi nhuận thu về và độ rủi ro xảy ra, chủ động đầu ra.

KIẾN VĂN

Quảng Trị: Trồng lạc thích ứng với biến đổi khí hậu

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Vụ hè thu năm nay mặc dù thời tiết không thuận lợi, nắng nóng kéo dài nhưng sau hơn 3 tháng triển khai, 15 ha lạc thuộc mô hình sản xuất lạc thích ứng với biến đổi khí hậu tại HTX Quật Xá, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ vẫn cho năng suất vượt trội. Năng suất thực thu cao hơn so với sản xuất đại trà của người dân khoảng 4 tạ/ha, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn khoảng 9 - 10 triệu đồng/ha.

Mô hình sản xuất lạc thích ứng với biến đổi khí hậu cho năng suất vượt trội

Bà Đoàn Thị Nga, một trong những hộ tham gia thực hiện mô hình cho biết, gia đình bà có 10 sào sản xuất lạc theo mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng giống lạc L14. Ước tính năng suất thu hoạch đạt 1,2 tạ/sào, cao hơn so với trước đây 0,2 tạ/sào. Với giá bán bình quân khoảng 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí với 10 sào đất trồng lạc gia đình bà thu lãi hơn 15 triệu đồng. Theo bà Nga, khi tham gia vào mô hình này, bà và các hộ dân được cán bộ kĩ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn từ khâu làm đất, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt là sử dụng máy gieo hạt chứ không gieo bằng tay như trước đây nên giảm được công lao động và đảm bảo được mật độ. Ngoài ra, HTX đã điều hành tốt khâu tưới tiêu, đảm bảo cung cấp đủ độ ẩm cho đất giúp lạc phát triển tốt.

Theo kĩ sư Dương Hồng Phong, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đây là một trong những hoạt động của mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu thuộc dự án cải thiện nông nghiệp có tưới tỉnh Quảng Trị nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp và bền vững. Theo đó, mô hình được triển khai tại HTX Quật Xá trên diện tích 15 ha với 90 hộ tham gia. Tham gia thực hiện mô hình, các hộ dân được hỗ trợ giống lạc chất lượng cao, chế phẩm vi sinh Tricoderma, các loại vật tư phân bón, máy gieo hạt, hệ thống tưới phục vụ cho ruộng mô hình khi thời tiết khô hạn. Theo kĩ sư Phong, vụ hè thu năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài đã ảnh hướng đến quá trình sinh trưởng của cây trồng nói chung và cây lạc nói riêng. Tuy nhiên, ở ruộng mô hình do sử dụng giống lạc L14, là giống lạc có thời gian sinh trưởng ngắn, có khả năng thích ứng rộng, tỉ lệ đậu quả cao; gieo trồng bằng máy gieo hạt MGH-1 đảm bảo mật độ 45 cây/m2 và áp dụng đúng quy trình kĩ thuật, sử dụng phân đạm urê hạt vàng nhả chậm, chủ động được nước tưới, xử lí đất bằng chế phẩm Tricoderma trước khi gieo nhằm tăng độ phì cho đất nên cây lạc vẫn phát triển tốt, hạn chế được bệnh chết ẻo; các chỉ tiêu cấu thành năng suất như số quả, số quả chắc, trọng lượng quả… đều cao hơn so với ruộng đại trà của người dân. Kết quả, năng suất ở ruộng mô hình đạt trên 24 tạ/ha, cao hơn so với ruộng đại trà 4 tạ/ha. Với giá bán khoảng 25.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí ruộng mô hình mang lại lợi nhuận gần 29,5 triệu đồng/ha, cao hơn so với ruộng đại trà gần 9,2 triệu đồng/ha.

Theo Giám đốc HTX Quật Xá Trần Văn Lương, hầu hết xã viên đều đánh giá cao hiệu quả mà mô hình sản xuất lạc thích ứng với biến đổi khí hậu này mang lại. Theo thống kê của HTX, ruộng mô hình có năng suất cao hơn so với ruộng đại trà của người dân từ 4 - 6 tạ/ha. Ngoài ra, do lạc trong vụ hè thu này chủ yếu là bán để làm lạc giống cho vụ đông xuân nên giá bán thường đạt từ 40.000 - 45.000 đồng/kg nên tính ra mỗi héc ta lạc người dân thu lãi từ 47 - 53 triệu đồng. “Trên cơ sở này, trong vụ đông xuân tới chúng tôi sẽ vận động xã viên áp dụng mô hình này trên toàn bộ diện tích trồng lạc của gia đình”, ông Lương cho hay.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cam Lộ Lê Anh Chương đánh giá rất cao mô hình sản xuất lạc thích ứng với biến đổi khí hậu này. Theo ông Chương, bên cạnh mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người dân còn góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Thông qua mô hình còn trang bị cho người nông dân những kiến thức, kĩ năng mới để áp dụng vào sản xuất của gia đình mình; tạo bước đột phá trong quá trình thâm canh sản xuất, thay đổi phương thức canh tác, đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cao; góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. “Là một trong những địa phương có diện tích trồng lạc lớn nhất tỉnh, trên cơ sở này, chúng tôi sẽ tham mưu UBND huyện có những chính sách hỗ trợ, tổ chức tuyên truyền, mở các lớp tập huấn để nhân rộng mô hình này ra toàn huyện.”, ông Chương khẳng định.

Lê An

Gia Lai: Chủ động phòng cà phê rụng quả trong mùa mưa

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Mùa mưa là thời điểm cây cà phê phát triển mạnh, xanh tốt. Song đây cũng là lúc cây rất dễ xảy ra trình trạng rụng quả non sinh lý hoặc do sâu bệnh hại. Vì vậy, cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo nông dân cần áp dụng đồng bộ các giải pháp phòng trừ bệnh rụng quả trên cây cà phê để đảm bảo năng suất.

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 70 ha cà phê có hiện tượng rụng quả, phân bố tại các huyện: Đak Đoa 50 ha, Ia Grai 21,5 ha và rải rác ở các địa phương khác với tỷ lệ rụng từ 2,5% đến 9,2%. Trong đó, một số diện tích cà phê bị rụng quả theo quy luật tự nhiên. Ở giai đoạn quả cà phê bắt đầu hình thành nhân và tăng mạnh về thể tích, chùm quả bị chèn ép khiến những quả nhỏ thiếu dinh dưỡng bị thải loại. Một nguyên nhân khác khiến cà phê rụng quả là do người dân bón phân không cân đối, bón nhiều đạm, thiếu trung và vi lượng hoặc do thời tiết mưa kéo dài làm cho cây không hút được dinh dưỡng. Ngoài ra, hiện tượng rụng quả còn do sâu bệnh gây ra ở các vườn mà quá trình vệ sinh, cắt cành tạo tán không được thông thoáng, thiếu ánh sáng, độ ẩm cục bộ cao tạo điều kiện cho nấm thán thư gây hại, hoặc vườn bị rệp sáp, rệp vảy gây hại nặng, vườn bị mọt đục quả…

Sau khi dứt mưa, vườn cà phê nhà anh Nguyễn Hữu Nghị (thôn Tân Lập, xã Ia Sao) được làm cỏ để hạn chế sâu bệnh hại. Ảnh: L.N

Ia Grai là một trong những địa phương có diện tích cà phê tương đối lớn của tỉnh với hơn 17 ngàn ha. Theo những người trồng cà phê lâu năm ở đây cho biết, thời gian qua, mưa nhiều không chỉ ảnh hưởng đến bộ rễ mà còn khiến cà phê bị rụng quả. Anh Nguyễn Hữu Nghị (thôn Tân Lập, xã Ia Sao) cho biết: “Với kinh nghiệm nhiều năm trồng cà phê, tôi thấy cây cần rất nhiều chất dinh dưỡng vào mùa mưa để nuôi quả nên phải bón phân có đầy đủ các yếu tố đa lượng và trung, vi lượng như: đạm, lân, kali, đồng, kẽm giúp cây phát triển, nuôi quả và hạn chế rụng quả. Do đó, nhà tôi đã chủ động phun thuốc trừ sâu bệnh và tiến hành bón phân đầy đủ cho cây. Tuy nhiên, vừa qua, mưa liên tục gần 2 tháng cũng làm vườn cây quang hợp kém, thiếu chất dinh dưỡng nên có xảy ra hiện tượng rụng quả rải rác”.

Theo ông Đỗ Xuân Hiền-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai, trên cây cà phê chủ yếu xuất hiện các loại bệnh gây hại như: rệp sáp, rệp vảy, gỉ sắt, khô cành, nấm hồng, mọt đục cành, sâu đục thân, vàng lá và bệnh rụng quả. Do đó, hàng tháng, Trung tâm đều gửi cảnh báo dịch bệnh và hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, cách xử lý bệnh cho các địa phương để phổ biến cho người dân chủ động triển khai. Với hiện tượng rụng quả non, người dân có thể dùng thuốc điều hòa sinh trưởng RIC 10WP rải quanh gốc với liều lượng 2,5 kg/100 gốc.

Tại huyện Đak Đoa, tình trạng rụng quả đã xuất hiện ở hơn 50 ha cà phê. Ông Lê Tấn Hùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-thông tin: Hiện tượng rụng quả cà phê trên địa bàn chủ yếu là do sinh lý. Nguyên nhân là đầu vụ có nắng nóng kéo dài, mưa đến muộn nên nông dân không bón phân cho cây cà phê được, dẫn đến cây thiếu chất dinh dưỡng. Khi có mưa, cơ quan chức năng đã hướng dẫn người dân chăm sóc. Hiện tại, cây cà phê đang phát triển ổn định, hiện tượng rụng quả sinh lý không ảnh hưởng nhiều đến năng suất cà phê của người dân.

Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, trong tháng 9 này, lượng mưa trên địa bàn tỉnh sẽ cao hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm 10-30%, độ ẩm không khí cao. Do đó, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân tiếp tục tập trung chăm sóc và triển khai các biện pháp phòng trừ bệnh cho cây cà phê. Ông Hà Ngọc Uyển-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cơ quan chuyên môn tăng cường công tác điều tra, dự báo, xác định đúng nguyên nhân để đưa ra giải pháp phòng trừ phù hợp đối với bệnh rụng quả trên cây cà phê. “Đối với những vườn rụng quả do thiếu dinh dưỡng, mất cân bằng dinh dưỡng, người trồng cần căn cứ vào định mức phân bón cho cây cà phê của tỉnh làm cơ sở để vận dụng cho phù hợp với điều kiện thực tế; bón phân kịp thời, đầy đủ, cân đối hàm lượng N-P-K, không nên bón quá nhiều đạm, bổ sung thêm các loại phân trung, vi lượng để cây phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh, hạn chế rụng quả. Đối với những vườn rụng quả do nấm Collectotrichum coffeanum cần xử lý sớm bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Azoxystrobin+Difenoconazole, Hexaconazole, Metalaxyl+Mancozeb, Mandipropamid+Chlorothalonil... hoặc có thể sử dụng các loại thuốc: Ridomil Gold 68WP, Revus Opti 440EC, Amista Top 325EC...”-ông Uyển khuyến cáo.

Cũng theo ông Uyển, người trồng cà phê cần áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM) để giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao giá trị nông sản, hiệu quả sản xuất. Những vườn cà phê có rệp các loại gây hại cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất như: Chlorpyrifos Ethyl+Permethrin, Alpha-Cypermethrin+Chlorpyrifos, Buprofezin, Tasodan 600EC, Super tac 500EC, Mapjudo 25WP... để xử lý.

LÊ NAM

Gà Đông Tảo hết thời 'sốt' giá

Nguồn tin: VnExpress

Nhiều hộ nuôi gà Đông Tảo trước đây bán mỗi đợt 1.000 - 3.000 con thì nay số lượng mua chỉ ở mức 200 - 300 con một tháng.

Ông Minh, chủ trang trại nuôi gà Đông Tảo ở quận 9 (TP HCM) cho biết, nếu 3 năm trước trang trại nhà ông rộng một ha và số lượng nuôi lên tới vài nghìn con thì nay đã thu hẹp diện tích và chỉ nuôi khoảng hơn 30 con gà mái để làm giống.

Theo ông Minh, do nhu cầu tiêu thụ đi xuống, ngay cả lễ, Tết số lượng đặt mua cũng giảm 30-40%, nên ông buộc phải thu hẹp quy mô. Trong khi đó, giá gà cũng hạ nhiệt so với cách đây vài năm. Nếu 2016, gà Đông Tảo có trọng lượng 4-5 kg thường bán theo con ở mức 20-30 triệu đồng thì nay nhiều con giá cao lắm chỉ 10-15 triệu đồng. Với loại dưới 3 kg giá gà thịt giảm 20-30% xuống còn 200.000 - 300.000 đồng một kg.

Gà Đông Tảo thuần chủng có trọng lượng lên tới 7 kg. Ảnh: Hồng Châu.

Cũng đầu tư trang trại lớn ở miền Bắc và miền Nam, tuy nhiên, hơn một năm trở lại đây lượng gà Đông Tảo của anh Nghĩa bán ra không còn được nhiều như trước, chỉ lẻ tẻ khoảng 200 - 300 con một tháng.

"Trước đây, nhiều đợt tôi vận chuyển hơn 1.000 con gà Đông Tảo từ Bắc vào Nam để bán, nhưng luôn được khách đặt mua hết dù giá cao. Tuy nhiên, hiện nay khách lẻ mua không nhiều, đa phần hàng bán lai rai cho các nhà hàng với giá ổn định 200.000 - 250.000 đồng một kg", anh Nghĩa nói và cho hay, sở dĩ sức tiêu thụ yếu là vì loại gà này trọng lượng khá lớn, không phù hợp với bữa ăn gia đình mà chủ yếu phục vụ cho nhà hàng hay cỗ bàn đình đám.

Theo anh Nghĩa, gà Đông Tảo kỹ thuật nuôi không quá phức tạp. Thế nhưng, giá con giống cao, nếu không chăm sóc và vệ sinh thường xuyên gà dễ bị dịch bệnh. Song song đó, giống này thường hay đánh nhau nên nếu nuôi ở diện tích chật hẹp chúng sẽ mổ nhau đến chết và người nuôi dễ bị lỗ nặng. Đặc biệt, với sức tiêu thụ và giá như hiện nay, nuôi gà Đông Tảo không còn lãi cao như trước.

Những con gà Đông Tảo có bộ chân to tại trang trại anh Nghĩa. Ảnh: Anh Nghĩa.

Không chỉ giống gà Đông Tảo thuần chủng giảm sức hấp dẫn mà ngay cả giống gà lai cũng ế ẩm vì không có người mua.

Tại Yên Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, nhiều hộ dân nuôi giống gà này cho biết đang lỗ nặng vì giá thịt lao dốc. Giá gà hơi tại đây chỉ quanh mức 75.000 - 90.000 đồng một kg, giảm 50.000 - 60.000 đồng so với năm trước. Nếu trước đó, mỗi đợt các trang trại nơi đây xuất bán cả tấn gà thì này lượng bán ra chỉ được một phần mười.

Gà Đông Tảo hay được gọi là Đông Cảo là giống là quý ở Việt Nam, do dân làng Đông Tảo (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) tuyển chọn, thuần dưỡng và nuôi lưu giữ từ rất lâu đời. Gà Đông Tảo nổi tiếng bởi giống gà to con, dáng hình bệ vệ, có thể dùng làm gà cảnh, gà thịt và quý nhất là làm đồ cúng tế.

Hồng Châu

Thu nhập khá từ việc nuôi vịt thả ruộng

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Mùa lũ năm nay, do mực nước còn thấp, ở nhiều khu vực đất thấp không thể sản xuất lúa, nông dân huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) đã thả vịt nuôi, thay vì thả cá như thông lệ.

Vịt thả nuôi thường là các giống siêu thịt. Thức ăn cho vịt là lúa chét, cua, ốc có sẵn trên đồng ruộng, nên không tốn nhiều chi phí đầu tư. Sau 70-75 ngày thả nuôi, vịt đạt trọng lượng từ 2,5-3kg/con là xuất bán. Hiện nay, thương lái thu mua 35.000 đồng/kg, trừ hết các khoản chi phí, như: con giống, nhân công lao động, người nuôi lãi bình quân 35.000 đồng/con. Anh Bùi Văn Tuấn, ở thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, cho biết nuôi vịt trên ruộng mùa nước nổi khá đơn giản. Mỗi ngày, cho vịt ăn khu vực nào thì dùng lưới bao khu vực đó lại, tránh tình trạng vịt đi sang cánh đồng khác.

DUY KHÁNH

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop