Tin nông nghiệp CN ngày 16 tháng 6 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp CN ngày 16 tháng 6 năm 2019

Dùng trứng gà tăng sức đề kháng cho lợn

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Trong khi dịch tả lợn châu Phi (TLCP) đang lan rộng nhanh chóng trên địa bàn tỉnh, các chủ trang trại (TT) ở vùng cát Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) dùng trứng gà nuôi tại chỗ để pha trộn vào thức ăn nhằm bổ sung dinh dưỡng, tăng đề kháng, bảo vệ an toàn cho đàn lợn.

Vệ sinh, tắm mát cho đàn lợn

Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình đang đối mặt với tình hình dịch TLCP trên diện rộng, các TT ở vùng cát Quảng Vinh, Quảng Lợi, Quảng Thái (Quảng Điền) đang tăng cường bảo vệ an toàn cho đàn lợn. Một trong những biện pháp cơ bản nhất được các chủ TT áp dụng là chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh.

Chủ TT chăn nuôi gia súc, gia cầm ở xã Quảng Vinh, ông Trần Thiện Chương ngoài tuân thủ các quy trình chăn nuôi an toàn theo hướng dẫn của cán bộ thú y, cơ quan chức năng còn tìm tòi, học hỏi và tự nghiên cứu các biện pháp bảo vệ an toàn cho đàn gia súc, gia cầm trong mùa dịch. Theo ông Chương, một trong những biện pháp bảo vệ an toàn đàn lợn là bổ sung dinh dưỡng, các chất viamin vừa tăng đề kháng vừa thúc đàn lợn tăng trưởng nhanh.

Từ khi công bố dịch TLCP xuất hiện tại Phong Điền, ông Chương sử dụng trứng gà pha trộn vào thức ăn công nghiệp, bổ sung thêm thức ăn tinh bột cho lợn. Trứng gà được sản xuất tại chỗ là lợi thế lớn trong việc hạn chế chi phí đầu tư thức ăn trong quá trình xảy ra dịch TLCP. Cứ mỗi bữa ăn, bình quân mỗi con lợn được bổ sung 1 quả trứng gà. Với 200 con lợn nuôi tại TT, mỗi ngày cần khoảng 400 quả trứng gà; giá trứng gà tại chỗ hiện nay khoảng 2.000 đồng/quả, ước chi phí (trứng gà) mỗi ngày trên dưới 800 ngàn đồng.

Ông Chương tính toán: “Việc đầu tư dinh dưỡng để bảo vệ an toàn cho đàn lợn trong mùa dịch là điều cần thiết. Trong khi chi phí bổ sung trứng gà vào thức ăn cho 200 con lợn, bình quân mỗi tháng chỉ chừng 24 triệu đồng, còn nếu để xảy ra dịch TLCP bị chôn hủy sẽ thiệt hại 500-600 triệu đồng”.

Ngoài TT của ông Chương, hầu hết các chủ TT ở vùng cát Quảng Điền dùng trứng gà nuôi tại chỗ trộn vào thức ăn để bảo vệ an toàn cho đàn lợn. Được biết trong những lần xảy ra dịch cúm gia cầm trước đây, các chủ TT ở Quảng Điền cũng đã dùng trứng gà trộn vào thức ăn để bảo vệ an toàn cho hàng trăm ngàn con gà nuôi tại đây.

Ông Ái Hiệp, chủ TT chăn nuôi gia súc, gia cầm ở vùng cát Quảng Lợi tiết lộ, sở dĩ đàn lợn nuôi lâu nay vẫn đảm bảo an toàn, ít xảy ra dịch bệnh một phần là nhờ làm tốt việc bổ sung các chất dinh dưỡng. Ngoài trộn thêm trứng gà vào thức ăn công nghiệp, người dân còn dùng nước ép từ tỏi trộn vào thức ăn cho lợn nhằm tăng đề kháng.

Ông Trần Quốc Sửu, Trưởng phòng Dịch tễ-Chi cục Chăn nuôi-Thú y (CNTY) tỉnh cho rằng, trứng gà là nguồn cung cấp đạm dồi dào cho sự phát triển của các loại gia súc, gia cầm. Tuy nhiên việc sử dụng trứng gà trong chăn nuôi là "bất đắc dĩ" vì khá tốn kém chi phí đầu tư, chủ yếu phục vụ nhu cầu bổ sung dinh dưỡng, tăng đề kháng, phòng ngừa các loại bệnh trong mùa dịch.

Theo các chuyên gia, trong 100g trứng gà có chứa 10,8g protein, trung bình 1 quả trứng có 2,7g protein từ lòng đỏ và 3,6g protein từ lòng trắng. Nguồn đạm ở lòng trắng thường là các albumin và acid amin toàn diện có vai trò quan trọng trong việc bồi bổ dinh dưởng, tăng đề kháng cho vật nuôi.

Cùng với các biện pháp bổ sung dinh dưỡng, các chủ TT ở Quảng Điền thực hiện rất tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Các chủ TT luôn dự phòng đầy đủ các loại vắc xin, thuốc khử trùng, vôi… tại chỗ để chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Việc tiêu độc khử trùng (TĐKT) chuồng trại, quanh khu vực chăn nuôi được triển khai theo định kỳ mỗi tuần một lần; trong mùa dịch được tăng lên mỗi ngày tiêu độc một lần. Lợn được tiêm vắc xin phòng ngừa dịch bệnh, trước khi xuất chuồng được kiểm tra, kiểm dịch đầy đủ.

Vào mùa nắng nóng như hiện nay, các TT sửa chữa, cải tạo chuồng nuôi đảm bảo thoáng mát, thông gió, tránh để nắng chiếu trực tiếp vào nền chuồng. Mái và trần chuồng được phủ thêm tranh tre, nứa lá, tạo bóng mát. Các chủ TT còn lắp đặt hệ thống làm mát như giàn phun mưa trên mái, hệ thống quạt thông gió, hệ thống làm mát bằng hơi nước nhằm làm giảm nhiệt độ trong chuồng…

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục CNTY tỉnh đánh giá cao hiệu quả công tác phòng chống dịch TLCP tại các TT ở vùng cát Quảng Điền. Trước tình hình dịch TLCP diễn biến phức tạp, chi cục cũng đã tăng cường hướng dẫn các chủ TT và các hộ nuôi chấp hành nghiêm việc TĐKT. Trong đợt này chi cục đã cấp 7 tấn hóa chất, nâng tổng số hóa chất đã cấp lên 32 tấn.

Đến nay, dịch TLCP đã xảy ra 648 hộ chăn nuôi tại 210 thôn của 55 xã thuộc huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới, TX. Hương Trà, TX. Hương Thủy và TP. Huế. Tổng số lợn mắc bệnh và đã tiêu hủy 2.552 con với tổng trọng lượng tiêu hủy 129.200 kg...

Bài, ảnh: Hoàng Triều

TPHCM phát hiện dịch tả heo châu Phi tại quận 9

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Ngày 11-6, Sở NN-PTNT TPHCM công bố đã phát hiện đàn heo bị nhiễm dịch tả heo châu Phi tại phường Phú Hữu (quận 9) và TPHCM cũng là địa phương thứ 55 phát hiện dịch bệnh này.

Lực lượng chức năng chở heo đi tiêu hủy, đồng thời phun thuốc tiêu độc khử trùng

Trước đó, ngày 10-6, hộ nuôi của bà Lê Thị Ngọc Cẩm (phường Phú Hữu, quận 9) thông báo đến Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM phát hiện 3 con heo bị chết, các con còn lại có triệu chứng điển hình của bệnh dịch tả heo châu Phi.

Ngay sau đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã lấy mẫu xét nghiệm gởi Chi cục Thú y Vùng VI (Cục Thú y) để chẩn đoán và cho ra kết quả xét nghiệm dương tính bệnh dịch tả heo châu Phi.

Vùng bị dịch tả heo châu Phi nằm rất sát tỉnh Đồng Nai nơi đã có dịch

Ngày 11-6, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND quận 9 triển khai tiêu hủy đàn heo của hộ Lê Thị Ngọc Cẩm với tổng đàn 163 con: 23 nái sinh sản, 112 con heo thịt, 28 con cai sữa.

Song song đó, rải vôi bột tại khu vực hộ chăn nuôi, khu vực xử lý và hố chôn, tiêu độc khử trùng liên tục 10 ngày kể từ ngày xử lý heo bệnh.

Sở NN-PTNT TPHCM đã triển khai bố trí 2 chốt chặn tại cầu Ông Nhiêu và cầu Xây Dựng để kiểm soát heo không vận chuyển ra khỏi vùng dịch tả heo châu Phi.

Hiện tại, trên địa bàn phường Phú Hữu có 7 hộ chăn nuôi tổng đàn 506 con heo, Chi cục Chăn nuôi Thú y phối hợp UBND quận 9 triển khai cấp thuốc sát trùng cho các hộ tiêu độc khử trùng liên tục mỗi ngày trong 7 ngày kể từ ngày; tiêu độc định kỳ 3 lần/tuần trong 3 tuần tiếp theo. Tạm thời các hộ này không được xuất bán heo trong vòng 30 ngày.

Bán kính 3 km từ khu vực hộ có heo bệnh gồm các phường Long Trường, Trường Thạnh (quận 9), Bình Trưng Đông (quận 2) Chi cục Chăn nuôi Thú y phối hợp UBND quận 2, 9 triển khai cấp thuốc sát trùng cho các hộ tiêu độc khử trùng

Đối với các hộ chăn nuôi thuộc vùng uy hiếp với bán kính 3 km từ khu vực hộ có heo bệnh gồm các phường Long Trường, Trường Thạnh (quận 9), Bình Trưng Đông (quận 2) gồm 29 hộ chăn nuôi, tổng đàn 2.422 con, Chi cục Chăn nuôi Thú y phối hợp UBND quận 2, 9 triển khai cấp thuốc sát trùng cho các hộ tiêu độc khử trùng định kỳ 3 lần/tuần trong 4 tuần.

THANH HẢI

Phòng, chống dịch tả heo Châu Phi theo đặc thù khu vực Tây Nam Bộ

Nguồn tin: Báo An Giang

Dịch tả heo Châu Phi đang lây lan nhanh trong cả nước nói chung, khu vực Tây Nam Bộ và tỉnh An Giang nói riêng. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới, nguy cơ bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan rất cao, có thể phát triển theo 3 hướng: dịch bệnh dễ dàng phát tán, lây lan nhanh và lan tỏa đến các địa bàn chưa bị; tái phát các ổ dịch cũ qua 30 ngày và đặc biệt nguy hiểm hơn, bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn.

Tuyên truyền phòng bệnh cho các chủ hộ chăn nuôi heo trên địa bàn TP. Long Xuyên

Dịch tả heo Châu Phi là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, có thể gây chết 100%, hiện chưa có thuốc điều trị, vaccine phòng bệnh. Virus gây bệnh có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm thịt heo (như: xúc xích, giăm bông, salami) vài chục ngày đến 1.000 ngày (ở thịt đông lạnh). Virus có khả năng chịu được nhiệt độ 56oC trong 70 phút, 70oC trong 20 phút, 100oC trong 1 phút; có thể tồn tại trong môi trường có độ pH từ 3,5-11,5 và ở các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, quần áo của người chăn nuôi trong nhiều ngày.

Tại khu vực Tây Nam Bộ, ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại Hậu Giang vào ngày 11-4, sau đó tiếp tục lan rộng ra các tỉnh khác. Trong quá trình kiểm tra đôn đốc phòng, chống dịch bệnh tại Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát, phát hiện một số tồn tại, bất cập. “Phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng nuôi heo xen lẫn trong khu dân cư vẫn phổ biến; mật độ chăn nuôi rất cao, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Hầu hết các chủ hộ chăn nuôi bị dịch bệnh chưa hiểu rõ tính chất nguy hiểm của dịch, nên chưa thực hiện đúng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Một số hộ chăn nuôi vẫn sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. Các hộ khi phát hiện heo có bệnh, nghi ngờ mắc bệnh không khai báo với chính quyền địa phương và thú y cơ sở để xác minh dịch bệnh, mà tự ý điều trị, vứt xác heo ra ngoài môi trường. Công tác chủ động giám sát phát hiện, báo cáo và công bố dịch chưa kịp thời; chưa làm tốt công tác kiểm soát giết mổ, vẫn để tình trạng giết mổ lậu diễn ra thường xuyên… Hiện nay, đang là thời điểm bắt đầu vào mùa mưa, các địa phương thuộc khu vực ĐBSCL có hệ thống kênh, rạch dày đặc, giao thông đường thủy và đường bộ đan xen, khó kiểm soát” - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thông tin.

Để giảm áp lực về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, từ đó giảm số lượng heo bệnh phải tiêu hủy, góp phần giảm thiểu tổn thất về kinh tế và ô nhiễm môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số biện pháp khẩn cấp về quản lý giết mổ, tiêu thụ sản phẩm từ heo khi có bệnh dịch tả heo Châu Phi, dưới sự giám sát của cơ quan thú y.

Cơ sở được phép giết mổ heo phải đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y theo quy định. Cơ sở nằm trong vùng dịch được phép tiếp nhận, giết mổ heo và có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh từ cơ sở chăn nuôi heo ở trong vùng dịch, ngoài vùng dịch thuộc phạm vi trong và ngoài địa bàn cấp tỉnh. Heo đưa vào cơ sở giết mổ phải bảo đảm theo quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y. Sản phẩm từ heo sau khi giết mổ được vận chuyển bằng phương tiện theo quy định của Luật thú y, phải lấy mẫu sản phẩm xét nghiệm âm tính với mầm bệnh dịch tả heo Châu Phi để tiêu thụ trong và ngoài vùng dịch thuộc phạm vi địa bàn cấp tỉnh. Phương tiện vận chuyển phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước khi ra khỏi cơ sở chăn nuôi, trước khi vào và ra khỏi cơ sở giết mổ heo.

Trước khi vận chuyển heo đến cơ sở giết mổ, chủ cơ sở chăn nuôi phải báo cho cơ quan thú y địa phương để tổ chức giám sát và lấy mẫu xét nghiệm mầm bệnh. Trường hợp xuất bán, vận chuyển dưới 100 con, chỉ lấy mẫu máu 5 con heo để gộp thành 1 mẫu xét nghiệm. Trường hợp cơ sở chăn nuôi có dưới 5 con, thì phải lấy mẫu tất cả heo và gộp thành 1 mẫu xét nghiệm. Trường hợp từ 100-300 con, lấy mẫu máu của 15 con, gộp thành 3 mẫu xét nghiệm. Trường hợp xuất bán, vận chuyển trên 300 con, phải lấy mẫu máu 30 con để gộp thành 6 mẫu xét nghiệm. Đối với chủ cơ sở thu gom, kinh doanh, trước khi vận chuyển heo đến cơ sở giết mổ, cũng phải báo cho cơ quan thú y địa phương để tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, với số lượng gấp đôi quy định trên.

Đặc biệt, phải tiêu hủy ngay toàn bộ heo tại ô chuồng nuôi, cơ sở thu gom, khu vực cách ly dương tính với mầm bệnh; đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch, phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Cơ sở giết mổ heo, cơ sở bảo quản sản phẩm từ heo có kết quả dương tính với mầm bệnh phải thực hiện việc tiêu hủy heo, sản phẩm từ heo của lô sản xuất dương tính với mầm bệnh; ngừng sản xuất và thực hiện việc tổng vệ sinh, sát trùng liên tục trong vòng 5 ngày trước khi giết mổ, kinh doanh trở lại.

Hiện nay, các địa phương cần rà soát lại và hoàn chỉnh ngay các phương án phòng, chống dịch ở các cấp độ khác nhau; tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý sớm và kịp thời các ổ dịch. Việc xử lý chôn lấp cần chú ý đến giảm thiểu tối đa tác hại đến môi trường, đặc biệt là ở vùng ngập nước như Tây Nam Bộ. Đối với các chủ trang trại, hộ nuôi đừng chủ quan và tăng cường hơn nữa biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn heo.

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG

Gần 2.000 con heo bị tiêu hủy và chết do bệnh lở mồm long móng

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, từ đầu năm 2019 đến nay, trên 26 xã (thuộc 7 huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Đạ Huoai và 2 thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc) có gần 3.900 con heo mắc bệnh lở mồm long móng (LMLM), trong đó số chết và tiêu hủy gần 2.000 con.

Số heo chết và tiêu hủy do bệnh LMLM chiếm nhiều nhất ở huyện Đức Trọng (gần 840 con), Đạ Tẻh (gần 490 con), Bảo Lâm (315 con), Lâm Hà (hơn 220 con). Còn lại 3 huyện Đơn Dương, Di Linh, Đạ Huoai và 2 thành phố Bảo Lộc, Đà Lạt, mỗi địa bàn có số heo chết và tiêu hủy do bệnh LMLM từ 1 con đến 54 con.

Tính đến ngày 31/5/2019, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã cấp phát 170.270 liều vắc xin phòng, chống các loại bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả đối với đàn heo trên 12 huyện, thành.

VŨ VĂN

Thủ lĩnh thanh niên thành công với mô hình nuôi heo rừng

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Năm 2013, anh Nguyễn Tuấn Vũ (26 tuổi) hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về nhà ở thôn 5, xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk).

Bắt tay vào làm kinh tế, anh Vũ loay hoay lựa chọn hướng khởi nghiệp. Ban đầu, anh mua một cặp bò giống, sau hơn 2 năm nuôi bò thấy không hiệu quả, anh Vũ lại bán bò chuyển sang nuôi gà theo hướng sinh học nhưng cũng không khả quan hơn là mấy. Một lần tình cờ đến xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột), anh Vũ biết tới mô hình nuôi heo rừng. Vào tháng 2-2018, anh quyết định mua 3 con heo cái và 1 con heo đực với tổng chi phí 25 triệu đồng về nuôi. Khu chăn thả heo được anh xây dựng khá kiên cố với diện tích hơn 60 m2.

Anh Nguyễn Tuấn Vũ chăm sóc đàn heo rừng của gia đình.

Thời điểm đầu, do chưa có kinh nghiệm nuôi heo rừng nên anh Vũ gặp không ít khó khăn. Nhưng nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm nuôi heo rừng từ bạn bè, các tài liệu, sách, báo, Internet... để áp dụng vào mô hình chăn nuôi của gia đình nên đàn heo của anh rất khỏe mạnh, lớn nhanh. Đến nay, 2 con heo nái đã đẻ được 4 lứa với tổng cộng 37 con. Trong đó, 3 lứa heo đầu anh đã bán với giá bán dao động từ 90.000 - 95.000 đồng/kg. Tổng số tiền anh thu được sau khi bán 3 lứa heo là gần 40 triệu đồng. Hiện tại đàn heo của anh còn 33 con, trong đó anh duy trì 1 con heo đực và 2 con heo nái. Anh Vũ dự kiến thời gian tới sẽ mở rộng thêm chuồng trại, tiếp tục nhân giống, tăng đàn để nâng cao thu nhập cho gia đình.

Theo anh Vũ, điều anh yên tâm nhất khi nuôi heo rừng là đầu ra luôn đảm bảo ổn định, giá cả lại khá cao. Hiện nay, có nhiều cơ sở đăng ký mua heo nhưng nguồn cung của gia đình anh không đủ đáp ứng. Về kinh nghiệm nuôi heo rừng, anh Vũ chia sẻ, heo rừng là động vật hoang dã nên sức đề kháng cao, ít dịch bệnh, dễ nuôi và ít tốn công chăm sóc. Cũng theo anh Vũ, chuồng trại nuôi heo rừng phải đảm bảo thoáng mát, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ. Khi chăn nuôi heo, giai đoạn mà người nuôi cần chú ý là khi heo mới sinh sản, cần nhốt riêng heo mẹ và đàn heo con với các lứa heo khác.

Hiện nay, ngoài mô hình heo rừng, gia đình anh Vũ còn chăm sóc 1 ha cà phê xen tiêu, mỗi năm thu hoạch khoảng 3 tấn cà phê và 2 tấn tiêu. Nhờ trồng trọt và chăn nuôi, gia đình anh Vũ hiện có thu nhập ổn định.

Trong những năm qua, không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Vũ còn tích cực tham gia hoạt động xã hội với vai trò là Bí thư Chi đoàn thôn 5, xã Ea Bar. Anh Vũ nhiệt tình, năng nổ cùng với tập thể Chi đoàn thôn 5 thực hiện nhiều công trình, phần việc thanh niên, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế ở địa phương. Anh Y Khen Hmok, Bí thư Đoàn xã Ea Bar nhận xét: “Những năm qua, trên địa bàn xã có nhiều đoàn viên, thanh niên dám nghĩ dám làm, từ đó gặt hái được thành công trong nhiều kinh vực. Anh Nguyễn Tuấn Vũ - Bí thư Chi đoàn thôn 5 là một trong những điển hình như thế”.

Quốc An

Quảng Trị: Gà sao, vật nuôi mới ở Lao Bảo

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Không chỉ là người đi đầu ở vùng biên chế tạo thành công máy bơm tự áp dẫn nước về phục vụ sản xuất tại trang trại của gia đình hiệu quả, gần đây anh Nguyễn Duy Phong, trú tại khóm Đông Chín, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) tiếp tục tạo ấn tượng với nông dân địa phương bởi mô hình gà thả vườn mang lại giá trị kinh tế khá cao. Đặc biệt, anh đã đưa giống gà sao vào nuôi bước đầu phù hợp và phát triển tốt, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập không nhỏ, góp phần làm phong phú loại vật nuôi ở địa phương.

Anh Nguyễn Duy Phong nói về mô hình gà thả vườn mang lại giá trị kinh tế khá cao

Để xây dựng, duy trì và phát triển trang trại bền vững, anh Phong luôn suy nghĩ phải tìm kiếm những cây trồng, vật nuôi mới, phù hợp, hiệu quả đưa vào trồng trọt và chăn nuôi. Qua tìm hiểu, anh thấy gần đây có nhiều nông dân các tỉnh bạn thu nhập cao nhờ đầu tư nuôi gà sao nên nghiên cứu sâu hơn về cách thức chăn nuôi loại gà này. Đầu năm 2018, anh mua 20 con giống gà sao từ Lào về nuôi thử nghiệm. Quá trình chăn nuôi, anh chịu khó học hỏi nhiều hơn kinh nghiệm của những chủ mô hình nuôi gà sao trên trên ti vi, sách báo, mạng internet. Chỉ trong thời gian ngắn, đàn gà sao của anh thích nghi với môi trường và sinh trưởng tốt. Từ 20 con gà giống ban đầu hiện trang trại của anh phát triển lên hơn 200 con. Để phát triển đàn gà, anh Phong kĩ lưỡng trong khâu lựa chọn con giống, ấp trứng. Riêng giai đoạn ấp gà (om gà khoảng 1 tháng rưỡi) sau đó nuôi tự nhiên từ 4 - 5 tháng mới xuất chuồng.

Anh Phong chia sẻ: “Để lấy ngắn nuôi dài, trước đây trang trại của gia đình tôi chủ yếu nuôi gà ta, bình quân mỗi năm 3 lứa, mỗi lứa 300 – 400 con, trừ chi phí, lãi mỗi năm hơn 50 triệu đồng. Từ ngày nuôi thêm gà sao đen, hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi gà thả vườn vượt trội. 1 con gà sao đẻ trung bình 1 năm hơn 180 quả trứng, gà khi nuôi đến xuất chuồng từ 4 – 5 tháng, giá bình quân mỗi con khoảng 200 nghìn đồng (tùy theo cân nặng/con). Nhờ thế, thu nhập của mô hình gà thả vườn của chúng tôi từ 50- 100 triệu đồng/năm. Ưu điểm của gà sao là có sức đề kháng tốt, dễ chăm sóc, ít dịch bệnh, đàn gà phát triển nhanh và đều, vốn đầu tư chuồng trại không cao. Quá trình nuôi phải cho đàn gà ăn thức ăn, uống nước sạch. Thức ăn chủ yếu của gà sao là cám, lúa, ngô, rau xanh. Tuy nhiên, do thời tiết ở Lao Bảo đôi lúc thất thường nên thỉnh thoảng gà xảy ra dịch bệnh. Để duy trì tốt đàn vật nuôi mới, gia đình tôi chú trọng khâu vệ sinh chuồng trại và phun thuốc khử trùng phòng, chống dịch bệnh cho gà sao nói riêng và đàn gà ta nói chung. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ phát triển đàn gà sao từ 200 con/lứa lên 300 – 500 con/lứa”.

Gà sao có chất lượng thịt chắc, nạc thơm ngon, khả năng miễn dịch tốt, vì thế, nuôi loại gà này chưa lâu nhưng anh Phong đã có thị trường tiêu thụ ổn định. Phần lớn khách hàng đến tận trang trại đặt mua gà thịt và trứng nên anh không phải vận chuyển đi xa để bán. Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Lao Bảo Trần Đại Luận cho biết: “Giống gà sao có chi phí tương đối thấp, ít vốn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xoá nghèo và làm giàu cho nông dân. Đặc biệt, gà sao thương phẩm cho giá trị kinh tế cao hơn hẳn các giống gà ta, lai ri, gà công nghiệp..., nên được thị trường tiêu thụ ưa chuộng. Từ mô hình chăn nuôi gà thả vườn, trong đó có gà sao của anh Phong, Hội Nông dân thị trấn Lao Bảo khuyến khích hội viên, nông dân ở địa phương có nhiều đột phá hơn nữa trong phát triển kinh tế, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp và hiệu quả cao đưa vào sản xuất, làm giàu chính đáng. Hội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn về kĩ thuật nuôi trồng, đặc biệt là nuôi gà sao để nhân rộng mô hình này; tạo điều kiện về vốn vay ưu đãi để nông dân có điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương ngày càng phát triển”.

Kăn Sương

Phát triển chăn nuôi bò chất lượng cao

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Trước tình trạng bệnh Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, Hà Nội khuyến cáo nông dân tập trung phát triển chăn nuôi bò nhằm ổn định nguồn cung thực phẩm. Đồng thời, đây cũng là giải pháp nhằm góp phần bù đắp thiệt hại cho người dân trong bối cảnh chăn nuôi lợn suy giảm.

Mô hình chăn nuôi bò thịt tại xã Minh Châu (huyện Ba Vì) cho hiệu quả kinh tế.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, tổng đàn bò toàn thành phố là 134.400 con, sản lượng đạt khoảng 10 nghìn tấn/năm, song mới chỉ đáp ứng gần 20% nhu cầu thịt bò của người tiêu dùng. Dự kiến, thời gian tới, nhu cầu thịt bò tiếp tục tăng. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Hà Nội có điều kiện tự nhiên đa dạng khoảng 150 nghìn héc ta đất đồi gò, 125 nghìn héc ta đất bãi phù sa, đất ven sông và 35 nghìn héc ta đất đồng bằng rất thuận lợi cho phát triển chăn nuôi bò.

Để nâng cao chất lượng bò thịt, thành phố tập trung đưa các giống bò mới chất lượng vào chăn nuôi, như bò BBB - giống bò cho hiệu quả kinh tế cao, tỷ lệ thịt đạt 63%, cao hơn 10-12% so với giống bò thông thường. Ngoài ra, thành phố tiếp tục đưa giống bò Wagyu Kobe vào sản xuất và hợp tác với Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhằm chọn ra giống bò mang thương hiệu của Hà Nội. Đến nay, đàn bò BBB của Hà Nội đạt 140.000 con, đàn bò lai giống Kobe Nhật Bản hơn 4.000 con. Từ đàn bò giống ban đầu, sau khi được lai giống, cho tỷ lệ thịt cao, chất lượng tốt, nông dân có lãi. Thời gian tới, khi đàn bò có thể đưa vào giết mổ công nghiệp, thành phố sẽ kết nối với doanh nghiệp mua bò thịt để giá tăng cao và lượng tiêu thụ ổn định…

Về hiệu quả của chăn nuôi bò thịt, bà Nguyễn Thị Xuân ở xã Minh Châu (huyện Ba Vì) chia sẻ: “Trước đây là hộ nghèo, từ năm 2008, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi nên gia đình tôi nuôi một con bò cái sinh sản, đến nay, tăng lên 10 con bò BBB. Nhờ nuôi bò thịt, gia đình tôi đã thoát nghèo”. Tương tự, ông Đỗ Văn Tiếp, hộ chăn nuôi bò BBB ở xã Thượng Cốc (huyện Phúc Thọ) với quy mô 10 con bò thịt, cho hay: "Sau một thời gian nuôi cho thấy, giống bò BBB dễ nuôi, đạt trọng lượng 150-160kg sau 5 tháng nuôi, giá bán 16-18 triệu đồng/con. Nhờ chăn nuôi bò thịt, mỗi năm gia đình tôi thu nhập khoảng 100 triệu đồng".

Nhằm phát triển số lượng, nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò thịt, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu (huyện Ba Vì) Nguyễn Danh Hưng cho rằng, các sở, ngành cần hỗ trợ địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng vùng chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học; tiếp tục giới thiệu một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định để người dân yên tâm nuôi bò.

Đối với người chăn nuôi, theo ông Đỗ Văn Xuất ở xã Tòng Bạt (huyện Ba Vì), để chăn nuôi bò thịt phát triển ổn định, các cấp, ngành cần thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho người chăn nuôi; hỗ trợ tuyển chọn đàn bò cái nền đủ tiêu chuẩn, tạo cơ sở cho việc cải tạo giống bò chất lượng cao…

Mới đây, trong buổi làm việc giữa Bộ NN&PTNT với thành phố Hà Nội về chính sách, mô hình phát triển chăn nuôi bò chất lượng cao, Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ thịt bò ở Việt Nam có thể tăng từ 330 nghìn tấn đến 1 triệu tấn. Hà Nội, Thái Bình là hai địa phương có triển vọng trở thành hạt nhân trong chăn nuôi đàn bò ở khu vực Đồng bằng sông Hồng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Hà Nội có thể tăng gấp đôi số lượng đàn bò hiện có; chú trọng chăn nuôi bò thịt chất lượng cao và bò giống bảo đảm chất lượng cung ứng cho các địa phương lân cận. Qua đó, phát triển ngành kinh tế chăn nuôi bò có giá trị cao, tăng thu nhập cho nông dân.

NGỌC QUỲNH

An toàn sinh học vẫn là biện pháp hiệu quả nhất

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã có tại 55 tỉnh, thành phố. Trong các giải pháp chống dịch thì an toàn sinh học vẫn phát huy hiệu quả tốt nhất, hiệu quả. Minh chứng điển hình là tất cả các hộ chăn nuôi lớn hiện nay đều vẫn an toàn. Nếu làm tốt biện pháp an toàn sinh học thì sẽ góp phần ngăn chặn được dịch bệnh này lây lan.

Chiều 13/6, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị bàn giải pháp nhằm ổn định, thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn, với sự tham gia của nhiều địa phương và doanh nghiệp chăn nuôi lớn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin tại hội nghị, hiện nay Bộ NN&PTNT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Cụ thể, hỗ trợ người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi (gọi chung là cơ sở chăn nuôi) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi với mức hợp lý trên cơ sở giá thành, chi phí chăn nuôi lợn và phù hợp cho từng loại lợn (đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác được mức hỗ trợ cao hơn các loại lợn khác).

Theo đó, đối với lợn con, lợn thịt các loại hỗ trợ 25.000 đồng/kg lợn hơi (tương đương 66% giá thành); đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác: Hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn hơi tương đương 79% giá thành.

Việc hỗ trợ dựa trên giá thành sản xuất sẽ ổn định hơn, sát với chi phí thực tế mà người dân bỏ ra để chăn nuôi lợn; công bằng hơn giữa các địa phương và khả thi hơn trong điều kiện dịch bệnh xảy ra ở phạm vi rộng, số lượng lợn buộc phải tiêu hủy lớn; hạn chế tình trạng khai báo và xác định không chính xác giữa các loại lợn, phù hợp với khả năng hỗ trợ ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, hỗ trợ chủ cơ sở nuôi giữ lợn giống cụ kỵ, ông bà đến ngày 31/12/ 2019 với mức 500.000 đồng/con. Hiện nay, cả nước có khoảng 120.000 con lợn giống cụ kỵ, ông bà được nuôi ở 240 cơ sở sản xuất lợn giống. Đây làn đàn lợn giống, có chất lượng cao, giá trị lớn, phần lớn được nhập khẩu từ nước ngoài để sản xuất ra lợn bố mẹ...

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay, thời gian qua, nhiều địa phương vẫn lơ là trong việc phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Qua kiểm tra thực tế tại nhiều địa phương còn rất nhiều bất cập như: các cơ sở giết mổ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; kiểm soát, kiểm dịch chưa đúng quy định; chưa chủ động khai báo khi phát hiện lợn bệnh; việc tổ chức tiêu huỷ lợn bệnh không đúng quy định...

Về giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương rà soát lại và hoàn chỉnh ngay các phương án phòng, chống dịch ở các cấp độ khác nhau. Đồng thời, khẩn trương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư về việc kiện toàn, củng cố hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định của Luật Thú y, tăng cường năng lực thú y các cấp đủ sức thực thi nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, thành lập các đội tiêu hủy lợn mang tính chuyên nghiệp, triển khai nhanh, chấp hành chặt chẽ việc vệ sinh tiêu độc, tránh phát tán mầm bệnh và không gây ô nhiễm môi trường. Thành lập và xây dựng các trạm kiểm dịch bảo đảm các yêu cầu kiểm soát vận chuyển động vật tại các địa phương trọng điểm trên trục quốc lộ Bắc Nam.

Đặc biệt, đẩy mạnh xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh và xây dựng các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm...

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp. Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã có tại 55 tỉnh, thành phố; với đàn lợn bị tiêu huỷ 2,5 triệu con, bằng 7,5% tổng đàn lợn của cả nước. Đây là thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi.

Trong các giải pháp đã triển khai thì an toàn sinh học vẫn phát huy hiệu quả tốt nhất, hiệu quả. Minh chứng điển hình là tất cả các hộ chăn nuôi lớn hiện nay đều vẫn an toàn. Nếu làm tốt biện pháp an toàn sinh học thì sẽ góp phần ngăn chặn được dịch bệnh này lây lan.

"Ngoài ra, Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện đang rất tích cực nghiên cứu vắc xin phòng dịch, và đã có kết quả bước đầu. Cụ thể, Học viện đã đưa ra loại vắc xin bước đầu khảo nghiệm có được kết quả khả quan ở phạm vi thí nghiệm. Bộ đang chỉ đạo Học viện tiến hành nhân mở quy mô rộng hơn, nếu kết quả tốt thì có thể chuyển sang giai đoạn 2 là tổ chức sản xuất thương mại vắc xin.

Bên cạnh đó, một số mô hình chăn nuôi đã áp dụng chế phẩm ức chế vi khuẩn phối kết hợp cùng nâng cao thể trạng của đàn lợn và biện pháp an toàn sinh học, cho đến nay đã có kết quả tích cực. Tới đây sẽ tổng kết sớm mô hình này, trên cơ sở những kết quả chắc chắn thì nhân rộng góp phần trong khống chế dịch" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tới đây, để không bị động về mất cân đối thực phẩm, thì cần phải tập trung phát triển các nhóm thực phẩm khác khi dịch bệnh ổn định. Cụ thể, là phát triển gia cầm, thuỷ sản, đại gia súc... Vấn đề này, Bộ đã triển khai cách đây hơn 2 tháng. Cho đến nay, đàn gia cầm tăng rất nhanh, kể cả trứng và sữa; đại gia súc thì tăng chậm hơn vì chu kỳ chăn nuôi dài.

Đáng chú ý, ngay từ bây giờ phải đảm bảo đàn lợn giống cụ, kỵ và ông, bà. Bộ NN&PTNT đã kiến nghị với Chính phủ có chính sách hỗ trợ 240 cơ sở nuôi đàn giống hạt nhân này có đủ điều kiện nuôi an toàn sinh học tốt nhất, giữ bằng được đàn giống gốc này và khi dịch bệnh ổn định thì tăng nhanh việc tái đàn. Vấn đề này đã được Chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc, kiên quyết bảo vệ đàn giống.

Đỗ Hương

Hội Chăn nuôi bò xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang): Cách làm mới, hiệu quả cao

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Nhiều năm nay, Hội Chăn nuôi bò xã Đồng Sơn, TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) đã có cách làm sáng tạo trong việc chăm sóc phát triển đàn vật nuôi. Qua đây, tạo thuận lợi cho bà con vùng ven TP phát triển kinh tế.

Thành lập từ năm 2014, đến nay Hội Chăn nuôi bò xã Đồng Sơn có 50 thành viên là người dân ở các thôn Sòi, Đồng Quan, Đồng Sau với tổng đàn 150 con. Hội hoạt động theo cách phân công lịch chăn bò cho từng hội viên.

Chăn thả đàn bò tại xã Đồng Sơn.

Cụ thể, tùy theo số lượng bò của gia đình mà chăn nhiều hay ít ngày. Nếu hộ có 1 con sẽ chăn một ngày, hộ có 10 con đi chăn 10 ngày và cứ thế quay vòng lần lượt. Hộ nào có ít bò thì có khi vài tháng mới phải đi chăn bò một lần. Các gia đình có thể đổi lịch cho nhau nếu bận công việc.

Anh Tạ Đoàn Thắng, Chủ tịch Hội chăn nuôi bò kể: “Đã thành nếp, ngày nào cũng vậy, trừ những hôm trời mưa, cứ tầm từ 7-8 giờ sáng các hộ đưa bò đến ngã ba, nơi giao nhau giữa các thôn để người đảm nhận nhiệm vụ lùa đàn vật nuôi đi chăn. Chiều tối người đi chăn lùa bò về vị trí tập kết giao trả cho các hộ”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, thôn Sòi mỗi năm nuôi từ 4-6 con bò. Từ ngày tham gia Hội, gia đình bà tiết kiệm được nhân công đi chăn hàng ngày để làm việc khác, kiếm thêm thu nhập.

Với cách làm như vậy, các hộ tham gia Hội Chăn nuôi bò đều nhận thấy lợi ích rõ nhất là tiết kiệm thời gian, nhân lực. Mặt khác bò đi chăn theo đàn lâu ngày thành thói quen không tách lẻ, giúp người trông dễ kiểm soát, không xảy ra thiếu mất.

Tham gia vào Hội, các hộ còn chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi; cùng nhau thực hiện việc tiêm phòng bệnh cho đàn bò đúng quy định. Đây là cách làm độc đáo, tiết kiệm thời gian chăm sóc mang lại hiệu quả cao, nhờ vậy số lượng đàn bò của hội viên ngày một tăng, mang lại thu nhập khá cho bà con.

Được biết, ngoài Hội Chăn nuôi bò, xã Đồng Sơn có tổng đàn bò gần 600 con. Để giúp các hộ chăn nuôi có thu nhập cao, UBND xã thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn của TP tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Nhiều mô hình hỗ trợ sản xuất phát triển đàn bò thương phẩm giống ngoại nhập đã được hội nông dân các cấp, cơ quan khuyến nông hỗ trợ thực hiện.

Minh Hương

Tiền Giang: Mô hình chăn nuôi dê ứng phó với biến đổi khí hậu ở xã Phú Đông

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ứng phó với biến đổi khí hậu, trong thời gian qua, xã Phú Đông (huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) đã sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi thích hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao như trồng hơn 800 ha sả, 70 ha mãng cầu Xiêm và có trên 200 ha mặt nước nuôi thủy sản, chủ yếu là con tôm… góp phần từng bước nâng cao mức sống của người dân. Đến nay, bộ mặt đời sống kinh tế, xã hội xã Phú Đông có nhiều thay đổi, hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm ngày càng hoàn chỉnh, tình hình khó khăn về nước sinh hoạt cũng đã được cải thiện, hình thành nhiều khu dân cư tập trung, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên.

Mô hình chăn nuôi dê của anh Lê Hoàng Mừng, ấp Gãnh, xã Phú Đông.

Đạt được kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực vượt khó của cán bộ và nhân dân xã Phú Đông, còn có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh, với nhiều hoạt động thiết thực như: Hỗ trợ phòng tránh và giảm nhẹ rủi ro khi có thiên tai xảy ra; hỗ trợ sinh kế và thiết bị truyền thông cảnh báo sớm thiên tai. Đối tượng được hưởng lợi là bà con hộ nghèo không có đất canh tác, sống trong vùng chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, thường xuyên đối mặt với thiên tai.

Đối với hoạt động sinh kế, trên địa bàn xã Phú Đông có nhiều hộ dân được hỗ trợ dê cái sinh sản để phát triển mô hình chăn nuôi hộ gia đình, bởi dê là loài vật dễ nuôi, sử dụng được nguồn thức ăn dồi dào sẵn có tại chỗ như các loại rau, cỏ và thích nghi với môi trường biến đổi khí hậu của vùng đất cù lao. Các hộ dân còn được hướng dẫn kỹ thuật nuôi dê, cách làm chuồng, phòng bệnh, chăm sóc dê cái đẻ... Nhiều hộ nhờ cần cù chịu khó, siêng năng lao động và áp dụng tốt những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào quá trình chăn nuôi nên đạt được hiệu quả kinh tế cao.

Điển hình như hộ anh Lê Hoàng Mừng, ngụ ấp Gãnh. Sau khi được hỗ trợ 01 con dê cái, anh chịu khó chăm sóc và thành lập nhóm cùng sở thích chăn nuôi dê do anh làm nhóm trưởng, cùng các thành viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi. Nhờ vậy đến nay, từ con dê cái ban đầu được hỗ trợ, anh đã nhân đàn lên hàng chục con, là cơ sở cung cấp dê giống và dê thịt cho cả vùng, đã giúp anh có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình. Anh Mừng cho biết: Ngoài việc cung cấp dê giống cho bà con chăn nuôi, anh còn cung cấp thức ăn bổ sung cho dê và thu mua phân dê làm phân bón hữu cơ cho cây trồng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế...

Tương tự, anh Nguyễn Quốc Dũng, ngụ cùng ấp cũng được hỗ trợ 01 con dê đực giống. Là thành viên của nhóm cùng sở thích chăn nuôi dê nên anh chịu khó học hỏi kinh nghiệm, tham dự đầy đủ các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê. Có được kiến thức, anh mạnh dạn nhân đàn dê đực giống, bảo đảm nhu cầu gieo tinh dê giống cho cả vùng. Bên cạnh, anh còn mở rộng chuồng trại chăn nuôi thêm dê cái sinh sản và dê thịt, nhờ vậy, cuộc sống gia đình ngày càng ổn định. Anh Dũng cho biết: Mô hình chăn nuôi dê ứng phó với biến đổi khí hậu được gia đình anh kết hợp với sản xuất trồng trọt rất có hiệu quả. Bằng nguồn thu nhập từ đàn dê, anh đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng diện tích trồng ớt, đồng thời sử dụng phân dê bón cho cây trồng, giảm bớt chi phí, tăng thu nhập.

Nói về hiệu quả thiết thực của mô hình chăn nuôi dê, ứng phó với biến đổi khí hậu, bà Võ Thị Huỳnh Nhi, Chủ tịch UBND xã Phú Đông khẳng định: Đối với các hộ nghèo, do thiếu đất canh tác, thiếu việc làm ổn định nên khi được hỗ trợ dê cái sinh sản, nhiều hộ dân trong xã đã tích cực chăm sóc, từng bước nhân đàn, vừa có thêm thu nhập, vừa giải quyết được tình trạng lao động nông nhàn. Trên nền tảng mô hình chăn nuôi dê hộ gia đình được hỗ trợ dê giống, đến nay phong trào chăn nuôi dê đã phát triển mạnh ở Phú Đông. Phong trào nuôi dê vừa tạo công ăn việc làm, vừa có thêm thu nhập, nhiều hộ ổn định cuộc sống, tác động tích cực đến công tác xóa đói giảm nghèo của xã trong thời gian qua.

Hữu Dư

Phú Thọ: Phòng chống dịch bệnh trong mùa nắng nóng cho đàn vật nuôi

Nguồn tin: Báo Phú Thọ

Thú y viên cơ sở xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn tiêm vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng cho trâu theo yêu cầu của người dân.

Những ngày qua, thời tiết nắng nóng xảy ra trên diện rộng, có ngày nhiệt độ lên đến 40 độ C, là điều kiện bất lợi làm giảm sức đề kháng, vật nuôi có thể bị chết do cảm nắng, cảm nóng, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Theo các cán bộ ngành chăn nuôi và thú y đánh giá: Mùa hè là mùa dễ phát sinh nhiều loại bệnh dịch trên đàn vật nuôi do thời tiết nóng, ẩm. Hiện nay, bên cạnh việc tập trung mọi nguồn lực để dập, chống và khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi thì cũng không thể chủ quan với các loại dịch bệnh khác của gia súc gia cầm như: Tụ huyết trùng, dịch tả, tai xanh, lở mồm long móng, Newcastle, cúm gia cầm, bệnh dại… Do tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát mạnh, lây lan nhanh nên mối quan tâm của người chăn nuôi đang tập trung chủ yếu vào loại bệnh này. Các loại dịch bệnh khác dù đã có vắc xin phòng, chữa nhưng nếu chủ quan rất dễ bùng phát thành dịch. Bà Vũ Thị Hương Giang, Trạm trưởng Trạm chăn nuôi và thú y huyện Phù Ninh cho biết: Bên cạnh việc tập trung hướng dẫn người nuôi lợn các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, cán bộ Trạm cũng tận dụng thời gian tuyên truyền để người dân chủ động tiêm phòng các loại dịch bệnh khác. Cơ bản người chăn nuôi đã theo khuyến cáo của ngành chăn nuôi thú y chủ động thực hiện tiêm phòng vắc xin cho các loại vật nuôi.

Nhận thức của nhiều người chăn nuôi trong việc chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh đã có sự thay đổi rõ rệt so với trước kia. Ông Nguyễn Văn Trường ở xã Hương Nộn, huyện Tam Nông cho biết: “Người chăn nuôi như chúng tôi xác định đàn vật nuôi là tài sản của mình, phải có trách nhiệm bảo vệ, không thể trông chờ vào Nhà nước mãi được. Vì thế, gia đình tôi và một số hộ quanh đây đều chủ động nhờ sự tư vấn của cán bộ thú y huyện để tiêm phòng các loại vắc xin phòng dịch, lắp thêm hệ thống quạt, dây phun sương để làm mát và thoáng khu vực chăn nuôi, giúp giảm nhiệt độ bên trong chuồng trại”.

Những năm gần đây, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi thường hay xuất hiện và bùng phát. Việc biến đổi khí hậu cũng khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn, gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi. Vì vậy, để bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho đàn vật nuôi. Theo đó, cần đảm bảo chuồng trại cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, thích hợp với từng đối tượng vật nuôi; phủ lá, rơm, trồng cây dây leo lên mái chuồng trại để chống nóng trực tiếp; những ngày nắng nóng cần phun nước lên mái, phun sương trong chuồng nuôi và bố trí đủ quạt điện để làm mát, tránh tăng độ ẩm trong chuồng nuôi; chuẩn bị lưới chống nóng, bạt để chủ động che chắn chống nắng và chống mưa tạt gió lùa vào chuồng nuôi; khơi thông rãnh thoát nước thải và xử lý chất thải. Đồng thời khuyến cáo các hộ chăn nuôi cần bổ sung đầy đủ thức ăn và nước uống cho vật nuôi. Tuyệt đối không thả trâu, bò từ 10 giờ đến 16 giờ trong những ngày nắng nóng nhiệt độ cao vì dễ bị cảm nóng, chết đột ngột. Tăng cường vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, định kỳ phun thuốc sát trùng, tiêu độc để chống những tác nhân truyền nhiễm và gây bệnh trong mùa hè…

Đặc biệt, mùa hè là mùa bệnh dại trên đàn chó mèo dễ phát sinh trong khi tổng đàn chó mèo trên địa bàn tỉnh là khá lớn (trên 250.000 con), đa phần tập trung ở nông thôn và được thả rông theo tập quán. Vì vậy, cán bộ các trạm chăn nuôi và thú y cũng tích cực vận động người dân tiêm phòng vắc xin dại đầy đủ cho đàn chó mèo. Tuy nhiên, do giá vắc xin vẫn còn khá cao, từ 20.000 đồng đến 25.000/mũi nên một số hộ nuôi nhiều vẫn không tiêm hoặc chỉ tiêm 1 - 2 con/đàn khiến tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó mèo chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết mùa hè năm nay sẽ có nhiều đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, gây bất lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của đàn vật nuôi, vì vậy, các hộ chăn nuôi cần chủ động các biện pháp “giải nhiệt” cho vật nuôi để tránh thiệt hại.

QUÂN LÂM

Bắc Giang: Triển khai mô hình nuôi ong nội theo hướng VietGAHP

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Yên Thế và Sơn Động triển khai mô hình nuôi ong nội theo hướng VietGAHP với quy mô 160 đàn, tại xã Đồng Tiến (huyện Yên Thế) và xã An Lạc, Dương Hưu (Huyện Sơn Động).

Mô hình được triển khai với mục đích phát triển giống vật nuôi bản địa và đặc sản, đồng thời chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới cho các hộ nuôi ong, phổ biến tuyên truyền để nâng cao nhận thức nuôi, chăm sóc đàn ong khỏe mạnh, ít mắc bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học, không tồn dư kháng sinh và thuốc bảo vệ thực vật trong mật ong.

Hộ tham gia mô hình kiểm tra chất lượng ong giống khi nhận

Tham gia mô hình các hộ nông dân được hỗ trợ 100% giá giống, 50% thức ăn (đường) và 50% giá máy quay mật. Được biết giống ong nội do Trung tâm chuyển giao được nuôi dưỡng và thuần hóa tại Việt Nam. Ong chúa đẻ có khối lượng ≥ 190mg/con, sức đẻ trứng trung bình ≥ 400 trứng/24h, năng xuất mật ≥15kg/đàn/năm. Ong giống có nhiều ưu điểm như tính tụ đàn cao, hệ số nhân đàn nhanh, ít bốc bay, có khả năng đề kháng với bệnh thối ấu trùng và một số bệnh khác, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu.

Hiện, Trung tâm đã tiến hành giao xong giống và vật tư (đường và máy quay mật) cho các hộ tham gia mô hình.

Nguyễn Thanh - TT Khuyến nông Bắc Giang

Một cựu chiến binh làm giàu từ nuôi gà

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Dù đã ngoài 70 tuổi, kinh tế gia đình khá giả, nhưng cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Hữu Tường (thôn Lam Sơn, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) vẫn miệt mài lao động. Với mô hình nuôi gà đẻ trứng công nghệ cao rất hiệu quả, 10 năm qua, ông liên tục là gương CCB sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Mạnh dạn chuyển đổi

Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ngoài việc tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở (nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Cam Thành Bắc), ông Tường luôn nỗ lực trong lao động sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, từng bước đẩy lùi cái khó, cái nghèo. Ban đầu, ông chọn mô hình nuôi heo để phát triển kinh tế, nhưng sau nhiều lần heo bị dịch bệnh, giá cả bấp bênh khiến ông lâm vào cảnh lao đao. Ông đã trăn trở tìm tòi và chọn cho mình một hướng đi mới, đó là mô hình chăn nuôi gà đẻ công nghệ cao.

Ông Tường hướng dẫn nhân công thu hoạch trứng gà.

Sau khi tìm hiểu kỹ về tính hiệu quả kinh tế và vấn đề đảm bảo môi trường của mô hình nuôi gà bằng trại lạnh, năm 2008, ông Tường quyết định đi tham quan và học tập mô hình này của “vua gà” Tám Lợi ở xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Sau 1 tháng học tập tại đây, ông trở về cùng 1 kỹ sư và 3 công nhân từ Hà Nội vào hỗ trợ ông về kỹ thuật thi công xây dựng chuồng trại, lắp đặt hệ thống thiết bị và kỹ thuật pha trộn thức ăn cho gà. Ông đã mạnh dạn vay ngân hàng 1 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 1 trại với quy mô 3.000 con, bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu năm 2009.

Hiệu quả cao

Từ thành công bước đầu, ông Tường tin rằng mô hình nuôi gà theo công nghệ mới sẽ là một hướng đi triển vọng bởi hiệu quả cao và có tính bền vững. Vì thế, từ năm 2010 đến 2012, ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng nhiều tỷ đồng để tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 2 trại nuôi gà đẻ và 1 trại nuôi gà dự bị. Hiện tại, mỗi ngày, các trại gà của ông cho sản phẩm hơn 10.000 quả trứng, tính thu nhập bình quân trên 500 triệu đồng/năm.

Theo ông Tường, giống gà ông nuôi có xuất xứ từ Đức, với đặc tính sức đề kháng cao, chất lượng thịt và trứng cao, được thị trường ưa chuộng nên số lượng trứng sản xuất bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu, kể cả số gà mái sau khi hết thời gian khai thác cũng được các công ty ở TP. Hồ Chí Minh bao tiêu. Nhờ tuân thủ chặt chẽ kỹ thuật các khâu chăm sóc, đặc biệt là khâu tự chế biến thức ăn cho gà hoàn toàn từ các loại thực vật như cám gạo, bột bắp, đậu nành, dầu ăn… nên 10 năm qua, trang trại của ông chưa từng xảy ra dịch bệnh, việc chăn nuôi rất thuận lợi.

Ngoài cho thu nhập cao, hiện tại, trang trại gà của ông Tường còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động địa phương với mức lương hơn 4 triệu đồng/người/tháng và bao ăn, ở. Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều CCB và người dân trên địa bàn cũng như các tỉnh khác đến học tập kinh nghiệm đều được ông nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ, đặc biệt là cách pha trộn thức ăn cho gà do ông học hỏi được từ một công ty chế biến thức ăn gia súc của Đức.

Ông Nguyễn Văn Thư - Chủ tịch Hội CCB xã Cam Thành Bắc cho biết: “Tuy đã lớn tuổi nhưng ông Tường vẫn luôn nỗ lực trong lao động sản xuất, là tấm gương sáng cho các hội viên CCB học tập. Ngoài ra, thời gian qua, ông đã giúp đỡ nhiều hội viên khác cùng vươn lên phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao hiệu quả phong trào CCB giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương”.

THẾ ANH

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop