Tin nông nghiệp CN ngày 17 tháng 11 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp CN ngày 17 tháng 11 năm 2019

Đắk Lắk: Sinh kế bền vững từ mô hình nông lâm kết hợp

Nguồn tin:  Báo Đắk Lắk

Trước tình trạng diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, nạn phá rừng vẫn còn nhiều thách thức thì các mô hình nông lâm kết hợp đang được triển khai tại huyện Krông Bông được xem là giải pháp cơ bản để gắn sinh kế người dân với phục hồi cảnh quan rừng.

Theo số liệu của Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk), toàn huyện có hơn 40.000 ha đất đang canh tác các loại cây công nghiệp, cây lương thực, hoa màu, cây ăn quả… Trong đó, nhiều diện tích có nguồn gốc từ đất lâm nghiệp hoặc vùng chồng lấn giữa đất canh tác của người dân với đất rừng. Những năm qua, mặc dù huyện đã nỗ lực hỗ trợ bà con tiếp cận khoa học, kỹ thuật; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, song hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích còn thấp. Nguyên nhân chính là do đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn hán, bão lụt, sâu bệnh hại.

Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp nhiệt đới giới thiệu về mô hình trồng xen cây rừng bản địa tại huyện Krông Bông.

Nhằm tìm phương án phục hồi cảnh quan rừng lưu vực sông Sêrêpốk gắn với sinh kế người dân, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp nhiệt đới (Tropenbos Việt Nam) đã phối hợp với Trường Đại học Tây Nguyên thực hiện nghiên cứu tại huyện Krông Bông và Lắk trong 2 năm 2017 và 2018. Dựa vào kết quả nghiên cứu này, năm 2019, Tropenbos Việt Nam phối hợp với UBND huyện Krông Bông và Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sin xây dựng 2 mô hình trồng cây rừng trên đất lâm nghiệp hiện đang canh tác nông nghiệp với diện tích 49 ha. Người dân được tập huấn kiến thức trồng xen các loại cây rừng bản địa có giá trị kinh tế cao như: gáo vàng, sưa đỏ, trắc, giáng hương, cà te, cẩm lai… với các loại cây trồng sẵn có hoặc trồng tại bờ biên, đường ranh, trồng thành từng khoanh. Qua đó, 42 hộ dân tại các xã: Hòa Phong, Hòa Lễ, Khuê Ngọc Điền đã trồng gần 40.000 cây rừng trên diện tích hơn 90 ha đất đang sản xuất nông nghiệp. Sau hơn 1 tháng xuống giống, cây rừng thích nghi và sinh trưởng khá tốt với tỷ lệ sống đạt trên 85%, đã phát triển thêm 1-2 cặp lá.

Là một trong số các hộ tham gia mô hình, anh Đặng Văn Thịnh (thôn 1, xã Hòa Phong) đã trồng 4,5 ha gáo vàng trên diện tích vừa khai thác keo lai. Trước đây, anh đã tự mày mò, nghiên cứu trên Internet và nhận thấy giá trị kinh tế của loại cây này cao hơn nhiều so với việc trồng keo lai. Với mỗi chu kỳ sinh trưởng từ 6 – 8 năm, cây gáo vàng có thể cho thu nhập 600 – 800 triệu đồng/ha. Nhờ được tham gia các buổi hội thảo, tập huấn của Tropenbos, anh được giải đáp nhiều thắc mắc và tiếp cận sâu hơn về cách thức trồng, chăm sóc cũng như thị trường tiêu thụ cho loại cây này nên mạnh dạn đăng ký tham gia. Nếu mô hình thử nghiệm thành công, anh sẽ tiếp tục nhân rộng và hướng dẫn bà con trong vùng cùng thực hiện. Còn anh Trần Văn Tuấn (thôn 6, xã Khuê Ngọc Điền) đã trồng xen nhiều loại cây rừng bản địa do Tropenbos hỗ trợ trên diện tích 1,8 ha. Dự tính, khi các loại cây rừng phát triển ổn định, anh sẽ tự nghiên cứu đưa các loại cây dược liệu bản địa trong rừng Chư Yang Sin về nhân giống dưới tán rừng trồng của gia đình.

Anh Trần Văn Tuấn giới thiệu về ý tưởng trồng cây gỗ lớn để tạo môi trường nhân giống cây dược liệu có nguồn gốc từ rừng Chư Yang Sin.

Có thể thấy, đầu ra cho cây lâm nghiệp hiện nay rất rộng, nhất là trong điều kiện nguồn gỗ rừng tự nhiên ngày càng khan hiếm, cạn kiệt. Với các loại gỗ thông thường như gáo vàng, giá thu mua tại nhiều địa phương đang ở mức trên 2 triệu đồng/m3. Còn đối với các loại gỗ nhóm IIA như cẩm lai, giáng hương, trắc, sưa… tuy thời gian sinh trưởng chậm hơn, song giá trị về gỗ rất cao, gấp hàng chục lần cây gáo vàng. Nếu muốn thu hoạch sớm, người dân có thể bán dưới dạng cây di thực để trồng làm cảnh quan tại các khu dân cư, khu đô thị, đường giao thông… Bên cạnh đó, nhờ cách thức trồng xen canh hợp lý với các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, hoa màu, người dân vẫn được đảm bảo thu nhập hằng năm vì cây rừng không ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng của các loại cây khác và hầu như không tốn công chăm sóc.

Theo ông Lê Văn Lân, Điều phối viên Tropenbos Việt Nam, việc tranh chấp, lấn chiếm đất đai giữa các chủ thể xảy ra ở hầu hết các diện tích rừng, các loại rừng, cả ở rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Tình trạng mất rừng, suy thoái rừng xảy ra trên diện rộng. Đất trống, đồi trọc cũng tăng lên hằng năm khiến tình trạng thoái hóa đất, suy giảm nguồn nước và biến đổi khí hậu ngày càng tác động lớn đến đời sống của người dân. Tín hiệu đáng mừng qua các nghiên cứu của Tropenbos là vùng lưu vực sông Sêrêpốk có nhiều cơ hội phục hồi lại cảnh quan rừng gắn với cải thiện sinh kế cộng đồng, tiêu biểu là các mô hình nông lâm kết hợp sử dụng các cây rừng bản địa có giá trị kinh tế cao. Những mô hình này cần được các cấp, các ngành quan tâm, tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, hỗ trợ về nguồn vốn, kỹ thuật để người dân nhân rộng, góp phần vào việc phát triển kinh tế gắn với việc tăng độ che phủ của thảm thực vật bản địa, cải thiện cảnh quan, môi trường.

Theo số liệu từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh, toàn tỉnh có 721.904,6 ha đất rừng và đất lâm nghiệp, độ che phủ rừng hiện chỉ đạt 38,46%. Riêng rừng tự nhiên có 457.643 ha, song rất nhiều diện tích có chất lượng thấp, cây rừng thưa thớt đến mức chỉ bị chặt hạ một vài cây cũng không đủ tiêu chí thành rừng.

Đinh Nga

Thêm mùa cà phê kém vui

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Bước vào vụ thu hoạch, giá cà phê khô đạt 30 ngàn đồng/kg, còn tươi chỉ 5.000 đồng/kg, thấp hơn 5-10 ngàn đồng/kg so với những vụ mùa trước. Nỗi lo giá cả và khan hiếm nhân công thu hái đang khiến người trồng cà phê trong tỉnh Bình Phước kém vui...

Theo thống kê, Bình Phước hiện có khoảng 16.000 ha cà phê, tập trung chủ yếu tại các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Đồng Phú. Do diện tích trồng cà phê phân tán và không được đầu tư bài bản nên giá trị thu được chưa tương xứng tiềm năng.

MÙA CÀ PHÊ “ĐẮNG”

Đồng Phú hiện có hơn 877 ha cà phê, tập trung ở các xã Tân Hưng, Tân Phước, Thuận Phú, Đồng Tiến, Đồng Tâm với năng suất bình quân 2-3 tấn/ha. Gia đình ông Nguyễn Văn Đẹp ở đội 3, ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng có 2 ha cà phê trồng xen trong vườn điều đang bắt đầu vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên do giá thấp nên ông và các hộ trồng cà phê khác trong ấp không háo hức thu hái thành quả lao động. Ông Đẹp cho biết, giá cà phê đầu vụ ở mức 30 ngàn đồng/kg khô, 5.000 đồng/kg tươi, người trồng cầm chắc thua lỗ vì thu không đủ bù chi phí đầu tư chăm sóc.

Giá cà phê xuống thấp, gia đình anh Đậu Văn Tuân ở thôn Bù Gia Phúc 1, xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) chỉ đầu tư cầm chừng

“Thông thường giá cà phê đầu vụ sẽ cao hơn khi vào chính vụ, nhưng năm nay giá thấp ngay từ đầu vụ. Trong khi trồng cà phê tốn nhiều công sức và tiền của, bởi ngoài công chăm sóc, mỗi năm người trồng còn phải bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh 3 lần. Những năm trước, thời tiết thuận lợi, kết hợp chăm sóc tốt thì được mùa, còn năm nay mùa mưa kéo dài khiến trái non bị thối rụng nên năng suất giảm khoảng 40%” - ông Đẹp thở dài.

Mặc dù không phải là vùng trọng điểm trồng cà phê, nhưng những năm gần đây, giá cà phê trên thị trường liên tục biến động, thời tiết không thuận lợi, có năm giá rớt sâu khiến người trồng cà phê trong tỉnh lỗ nặng. “Với 2 ha trồng xen, vụ trước tôi thu được 1,8 tấn, sau khi trừ các khoản chi phí lãi khoảng 30 triệu đồng. Niên vụ này, sản lượng giảm, giá thấp, chi phí đầu tư cao nhưng giá nhân công thu hái vẫn cao, từ 200-250 ngàn đồng/người/ngày. Nhiều gia đình không dám thuê nhân công mà tự hái hoặc trải bạt chờ cà phê rụng rồi thuê công hái một lần. Dù giá đang có chiều hướng giảm, nhưng ít hộ dám trữ cà phê chờ tăng giá” - ông Đẹp nói.

Cà phê là cây dễ trồng, ít sâu bệnh gây hại, giá dao động từ 37-45 ngàn đồng/kg là nông dân có thu nhập tương đối. Tuy nhiên, do giá cả bấp bênh, nhiều nông dân không dám đầu tư vì sợ thua lỗ nên chăm sóc cầm chừng khiến nhiều vườn cà phê phát triển kém, bị sâu bệnh tấn công dẫn đến năng suất thấp. Thời tiết thất thường không chỉ ảnh hưởng đến chăm sóc, thu hoạch cà phê mà còn ảnh hưởng chất lượng hạt nên dễ bị thương lái ép giá.

Nhà có 1 ha đất trồng điều, thu nhập bấp bênh nên anh Đậu Văn Tuân ở thôn Bù Gia Phúc 1, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập trồng xen cà phê để có thêm thu nhập. “Mỗi năm từ tiền bán cà phê, gia đình tôi có khoản để dành 60 triệu đồng. Vài năm gần đây, giá nông sản thấp lại mất mùa nên gia đình tôi chỉ đầu tư cầm chừng từ vốn vay của Quỹ hỗ trợ nông dân. Nếu vụ này giá cà phê vẫn thấp thì khoản nợ ngân hàng và đại lý phân bón sẽ là mối lo lớn của gia đình” - anh Tuân chia sẻ.

CẦN CHỦ ĐỘNG TÌM ĐẦU RA

Gia đình anh Hồ Quốc Hưng ở ấp Pa Pếch có 10 ha trồng cà phê. Nhờ cây cà phê mà gia đình anh có của ăn của để, xây dựng cơ ngơi khang trang. Những năm gần đây, giá cà phê trên thị trường biến động, liên tục xuống thấp khiến anh Hưng không khỏi lo lắng. Để không phụ thuộc thương lái, anh Hưng quyết định tìm hướng đi riêng bằng việc đầu tư dây chuyền sản xuất cà phê theo hình thức khép kín từ trồng, chăm sóc, thu hái và sơ chế bán ra thị trường. Khi tìm được đầu ra ổn định thì ngoài sử dụng nguồn nguyên liệu gia đình, anh còn thu mua của nông dân trong vùng hàng chục tấn cà phê nhân, cà phê tươi mỗi năm, giúp người trồng cà phê có đầu ra ổn định. Về lâu dài, anh Hưng đang tính toán chặt bớt cà phê trồng xen điều và cây ăn trái.

Nông dân xã Long Bình, huyện Phú Riềng đón vụ cà phê mới kém vui vì giá liên tục giảm

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê trong nửa đầu tháng 10-2019 đạt 39,7 ngàn tấn, trị giá 71,88 triệu USD, giảm 24,7% về lượng và giảm 27,2% về trị giá so nửa cuối tháng 9-2019. So nửa đầu tháng 10-2018, giảm 37,6% về lượng và giảm 37% về trị giá. Lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 10-2019, xuất khẩu cà phê đạt 1,304 triệu tấn, trị giá 2,245 tỷ USD, giảm 13,6% về lượng và giảm 21,6% về trị giá so cùng kỳ năm 2018. Về giá xuất khẩu cà phê bình quân trong nửa đầu tháng 10-2019 đạt mức 1.809 USD/tấn, giảm 3,4% so nửa cuối tháng 9-2019, nhưng tăng 1% so nửa đầu tháng 10-2018.

Nguyên nhân khiến giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam thường ở mức thấp nhất so với các nước trong nhóm xuất khẩu cà phê (Brazil, Colombia, Guatemala, Mexico, Indonesia) được lý giải là do cà phê Việt Nam chủ yếu xuất thô (80% lượng cà phê xuất khẩu là hàng thô). Cùng với đó, nguyên liệu thu hoạch không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về độ chín, cà phê còn lẫn tạp chất... dẫn đến chất lượng thấp. Theo dự báo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, từ nay đến cuối năm, giá cà phê có dấu hiệu khởi sắc do nguồn cung cà phê của Việt Nam có dấu hiệu giảm và tồn kho thấp.

Mặc dù rớt giá nhưng cây cà phê vẫn có đầu ra ổn định và xuất khẩu đi nhiều nước. Để gắn bó và làm giàu từ cà phê, nông dân cần chuyển đổi hình thức canh tác, tập trung vào liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ để giảm chi phí đầu tư và ổn định đầu ra sản phẩm. Đồng thời, ngành chức năng cần tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật để nông dân nâng cao năng suất và sản lượng cà phê. Những vườn cây già cỗi nên định hướng chuyển đổi các loại cây trồng khác phù hợp...

Ngân Hà

Tìm hướng phát triển mô hình tiêu – tràm

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Những năm qua, giá hồ tiêu xuống thấp làm cho người trồng tiêu trong tỉnh gặp khó khăn. Tìm hướng phát triển bền vững mô hình này là một việc làm cần thiết.

Mùa tiêu của nông dân Hậu Giang sẽ bắt đầu thu hoạch từ sau Tết Nguyên đán, nhưng giá trên thị trường còn rất thấp.

Giá thấp

Ở Hậu Giang, mô hình trồng tiêu mới phát triển hơn 10 năm gần đây, diện tích đến thời điểm hiện tại khoảng 90ha, tập trung ở huyện Vị Thủy, Long Mỹ, thành phố Vị Thanh, huyện Châu Thành A. Người trồng chủ yếu là theo mô hình tiêu - tràm. Ông Đỗ Thanh Hiền, ở ấp 7 A1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, cho biết lúc mới trồng thì giá trên 200.000 đồng/kg, nhưng khi tiêu thu hoạch vào năm rồi thì chỉ còn hơn 50.000 đồng/kg. Với 14 công tiêu, theo dự kiến năm nay ông Hiền thu hoạch trên 2 tấn tiêu hạt, nhưng với giá thu mua hiện tại là 47.000 đồng/kg thì cầm chắc không có lợi nhuận. Vì theo ông, giá mướn nhân công thu hoạch tiêu hiện ở mức cao cộng với chi phí đầu tư, công chăm sóc, tính ra người trồng trắng tay sau vụ trồng vất vả.

Khởi đầu cho mô hình trồng tiêu ở xã Vị Thanh phải kể đến anh Nguyễn Thanh Nhàn, ở ấp 3, khi bắt tay vào trồng 2 công tiêu từ 13 năm trước. Anh Nhàn cho biết, lúc mới trồng thì tiêu giá cao lắm, có lúc lên đến hơn 250.000 đồng/kg, bán một bao tiêu còn nhiều hơn bán một tấn lúa. Tiêu có giá, dần dần gia đình đã chuyển đổi sang mô hình trồng tiêu - tràm với diện tích hiện tại đã lên đến 2,5ha. Do giá tiêu năm qua thấp nên đến thời điểm hiện tại anh vẫn còn trữ lại gần 5 tấn. Theo dự kiến đợt thu hoạch vào tháng Giêng tới đây sản lượng cũng chừng 7 tấn nữa. Với kinh nghiệm trồng tiêu lâu năm, anh dự đoán khoảng 3-4 năm tới đây giá tiêu sẽ cải thiện, vì một số nơi người dân đã phá bỏ tiêu để chuyển sang cây trồng khác, số khác diện tích thì bị nhiễm bệnh nên năng suất thấp.

Đối với ông Út Lơ (Nguyễn Văn Lơ), ở ấp 3, xã Vị Thanh thì có cách làm khác hơn là đem tiêu bán lẻ. Với sản lượng thu hoạch mỗi năm chừng 400kg tiêu hạt được gia đình phơi khô rồi bán cho những người trong xóm, người quen, các điểm chợ với giá 80.000 đồng/kg. Đến thời điểm này, vườn tiêu - tràm 1.300m2 của ông Út Lơ cho thu hoạch được 2 vụ và ước tính vụ tới đây cũng bẻ được chừng 500kg hạt. Ông Út Lơ cho biết: “Do diện tích trồng ít, sản lượng cũng không nhiều nên gia đình chọn cách bán lẻ để được giá hơn. Chịu khó một chút mà có lợi nhuận, chứ bán giá thấp quá sẽ không có tiền để mua phân bón tái đầu tư. Vụ thu hoạch tới đây, nếu giá tiêu không cải thiện thì tôi vẫn chọn cách bán này để tăng thêm chút ít tiền lãi”.

Thạc sĩ Phan Thanh Lâm, Chi cục Phát triển nông thôn Hậu Giang, cho rằng trong những ngày đầu tháng 10-2019, các nhà nhập khẩu đẩy mạnh nhập khẩu hạt tiêu Brazil khiến cho giá hạt tiêu trong nước chỉ còn từ 39.000-41.500 đồng/kg. Theo nhận định của một số chuyên gia ngành hồ tiêu, giá chưa dừng lại ở đây mà còn có thể giảm tiếp. Trước hết là do sản lượng hạt tiêu Việt Nam cũng như trên thế giới còn vượt xa so với nhu cầu. Theo Hiệp hội hồ tiêu Quốc tế, dự kiến sản lượng hạt tiêu toàn cầu trong năm nay khoảng 602.000 tấn, trong khi nhu cầu thế giới hiện khoảng 510.000 tấn/năm. Còn ở Việt Nam, hiện ước tính có khoảng 100.000ha tiêu đang cho thu hoạch, với năng suất bình quân 2,47 tấn/ha, tương ứng với sản lượng khoảng 247.000 tấn.

Một điểm nữa là đa phần nông dân không bán thẳng sản phẩm cho đại lý thu mua, nhà máy chế biến hoặc doanh nghiệp xuất khẩu mà bán cho thương lái. Giá tiêu do các thương lái thu mua hiện nay thấp hơn nhiều so với trước đây do tác động từ giá tiêu xuất khẩu nên ảnh hưởng đến thu nhập của hộ trồng tiêu. Đặc biệt, đa số hộ trồng tiêu thường bán sản phẩm sau khi thu hoạch vì cần tiền cho sinh hoạt gia đình, chuẩn bị vốn để tái đầu tư sản xuất vụ kế tiếp. Một phần là nông hộ không có điều kiện tồn trữ và sợ gặp phải rủi ro khi giá cả biến động.

Tìm cách phát triển cây tiêu

Để phát triển cây hồ tiêu ở Hậu Giang trong thời gian tới, theo thạc sĩ Phan Thanh Lâm, cần quy hoạch lại vùng sản xuất và có chính sách hỗ trợ người nông dân ở những vùng trồng tiêu trọng điểm, nhất là nghiên cứu giải quyết vấn nạn dịch hại cho các vùng trồng tiêu. Khuyến khích nông dân tham gia sâu vào các tổ hợp tác, HTX; hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động của các tổ hợp tác để để nâng lên HTX nhằm tổ chức sản xuất theo quy trình, số lượng lớn đồng đều, chất lượng đảm bảo, cung ứng đầu vào, tiêu thụ. Phải tổ chức liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và người nông dân thông qua tổ hợp tác, HTX bền vững, chặt chẽ hơn. Có chính sách khuyến khích, xây dựng nhân rộng mô hình tiêu - tràm, hỗ trợ áp dụng biện pháp canh tác bền vững theo hướng GAP, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm trên cây hồ tiêu… để đạt cao nhất về năng suất, chất lượng, giảm giá thành, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Như vậy thì người trồng tiêu vẫn có lãi mặc dù giá xuống thấp như hiện nay. Cũng cần khuyến khích nông dân quan tâm hơn nữa đến giá trị tăng thêm của sản phẩm ở mức nông hộ. Cụ thể là đa dạng hóa sản phẩm hồ tiêu như tinh dầu tiêu, tiêu ngâm giấm, tiêu xanh sấy hút chân không, kẹo tiêu… để đưa vào thực phẩm chế biến thay vì bán tiêu khô.

Theo Công ty TNHH sinh học tự nhiên Phú Quốc, đơn vị cũng đã liên kết với nông dân ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, thực hiện mô hình sản xuất tiêu hữu cơ và nông dân lợi nhuận khá cao. Ở Hậu Giang, công ty cũng đã đến tìm hiểu tại các vùng trồng, sẵn sàng liên kết với hộ trồng nhưng phải theo mô hình kinh tế hợp tác, quy trình phải chặt chẽ, đặc biệt và xa vùng sản xuất cây ăn trái, lúa để không bị ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật… Nếu nông dân đảm bảo thực hiện được các điều kiện thì công ty sẽ hợp tác và cam kết thu mua với giá cao hơn thị trường, đồng thời hỗ trợ máy sấy tiêu cho tổ hợp tác, HTX trồng tiêu để đảm bảo chất lượng.

Tiến sĩ Lê Hoàng Xuyên, Giám đốc Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang, cho biết: Thời gian qua đã thực hiện nhiều hoạt động tạo sự liên kết, nâng cao kiến thức canh tác cho nông dân trồng tiêu - tràm. Ngoài ra, còn nghiên cứu về ảnh hưởng một số loại dịch trích lên các loại tác nhân gây bệnh trên tiêu. Đặc biệt là xây dựng 3 mô hình tiêu - tràm bằng hình thức xử lý Trichoderma, quy trình xử lý Agri-Fos, quy trình chế phẩm SH1. Các sản phẩm bước đầu đã cho kết quả tích cực trong việc phòng trừ bệnh trên tiêu và cải thiện năng suất vườn tiêu trong mô hình so với vườn đối chứng.

Ở Hậu Giang, giống tiêu trồng nhiều là tiêu Vĩnh Linh, tiêu Phú Quốc, tiêu sẻ, tiêu Ấn Độ. Năng suất bình quân đạt từ 2,8 tấn/ha. Hầu hết các giống hồ tiêu cho năng suất cao nhất ở năm thứ 4-7, sau đó năng suất giảm khi vườn tiêu trên 9 năm tuổi.

Bài, ảnh: HOÀI THU

Tuy An (Phú Yên): Trồng diệp hạ châu cho hiệu quả cao

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Ông Phạm Đăng Tĩnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) cho biết, Hội Nông dân xã An Mỹ (huyện Tuy An) phối hợp với Công ty Dược liệu Miền Trung triển khai mô hình trồng cây diệp hạ châu trên diện tích 0,6ha với 3 hộ nông dân của xã tham gia.

Sau gần 2 tháng triển khai, cây diệp hạ châu phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao, sản lượng đạt 7,5 tấn tươi thành phẩm. Với giá bán 4.300 đồng/kg, do Công ty Dược liệu Miền Trung bao tiêu sản phẩm, mô hình thu lãi được 32 triệu đồng/0,6ha.

Thông qua mô hình, nông dân mở rộng sản xuất lên 2,5ha cho lứa thứ 2, hiện nay đã được gần 1 tháng tuổi. Hiện cây phát triển tốt, sâu bệnh hại không đáng kể.

LÊ TRÂN

Ra mắt bệnh viện cây ăn quả

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Bác sĩ cây trồng giới thiệu về bệnh viện cây ăn quả với bà con nông dân. Ảnh: Bình Nguyên

Với sự hợp tác giữa Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) và Tập đoàn Lộc Trời, đến năm 2021, ĐBSCL sẽ có 12 bệnh viện cây trồng. Bà con nông dân cũng được tư vấn "khám chữa bệnh” cho cây trồng qua ứng dụng di động.

Ngày 15-11, tại Tiền Giang, Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) và Tập đoàn Lộc Trời tổ chức ra mắt Bệnh viện Cây ăn quả. Tại sự kiện, lãnh đạo hai bên cũng ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển hệ thống bệnh viện cây ăn quả (BVCAQ) bao gồm 1 BV Trung tâm và 11 BV khu vực đến năm 2021 để trực tiếp hỗ trợ người làm vườn tại miền Nam và miền Trung, đồng thời tư vấn cho người làm vườn cả nước qua ứng dụng di động được thiết kế riêng.

Lãnh đạo Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) và Tập đoàn Lộc Trời ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển hệ thống bệnh viện cây ăn quả. Ảnh: Bình Nguyên

Hệ thống BVCAQ có 57 bác sĩ cây trồng, bao gồm các chuyên gia SOFRI và lực lượng kỹ sư nông nghiệp của Tập đoàn Lộc Trời được SOFRI đào tạo, sẽ thực hiện các hoạt động chuyển giao kiến thức canh tác và dinh dưỡng, tư vấn kịp thời cho người làm vườn khi phát sinh sâu, bệnh trên cây ăn quả. Các bác sĩ của BV sau khi xét nghiệm lâm sàng và đề ra phác đồ điều trị tối ưu sẽ hướng dẫn chi tiết cho người làm vườn.

Bác sĩ cây trồng hướng dẫn bà con nông dân sử dụng ứng dụng di động “Bệnh viện cây ăn quả”. Ảnh: Bình Nguyên

Các BVCAQ thiết lập nhiều kênh tiếp nhận và phản hồi thông tin như qua điện thoại, gặp gỡ trực tiếp, qua các cơ quan báo chí và đặc biệt là qua ứng dụng di động “Bệnh viện cây ăn quả” chạy trên 2 nền tảng iOS và Android. Ứng dụng bao gồm các thông tin hữu ích về các giống cây ăn quả thông dụng, tư vấn chi tiết cho các câu hỏi của người làm vườn, thông tin về tất cả các BV trong hệ thống và nhiều tiện ích khác.

Bà con nông dân tham quan bệnh viện cây ăn quả. Ảnh: Bình Nguyên

Cũng trong lễ ra mắt, Tập đoàn Lộc Trời tổ chức trình diễn phun thuốc bảo vệ cây ăn quả bằng thiết bị bay không người lái (drone). Hoạt động này nằm trong chiến lược của Lộc Trời triển khai ứng dụng công nghệ cao vào canh tác giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất. Sự hỗ trợ của drone giúp thuốc được phun đều và mịn, không lãng phí thuốc, tiết kiệm thời gian và tài nguyên nước, tăng năng suất lao động và quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe người làm vườn do không cần trực tiếp phun thuốc.

Bà con nông dân xem trình diễn phun thuốc bảo vệ cây ăn quả bằng thiết bị bay không người lái. Ảnh: Bình Nguyên

Bình Nguyên

Lão nông 60 tuổi trồng thành công chanh dây ngọt

Nguồn tin: Khoa Học Phổ Thông

Ông Nguyễn Hữu Công, 60 tuổi (tỉnh Sóc Trăng) đã gây bất ngờ cho nhiều người khi trồng thành công mô hình chanh dây ngọt thơm độc, lạ. Với cách trồng đơn giản, chi phí ít, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đây là mô hình mang đến niềm hy vọng lớn cho bà con Long Phú.

Ông Nguyễn Hữu Công, hay còn được gọi với cái tên thân mật là Sáu Công (ở ấp Phụng Sơn, xã Song Phụng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng), vài năm trở lại đây ông được gắn với cái tên chanh dây ngọt Sóc Trăng.

Kể về thời kỳ đầu đến với trái chanh dây ngọt gặp đầy khó khăn, từ khi ông chỉ là một lão nông bình thường, mọi tìm tòi, học hỏi đều thông qua mạng Internet. Ban đầu, ông chỉ vô tình biết đến giống chanh dây ngọt Colombia này qua một trang mạng. Sau đó, ông quyết định đặt thử 1 túi giống có 10 hạt từ Hà Nội và tiến hành trồng thử nghiệm tại vườn nhà nhưng chỉ có 5 hạt phát triển dây và có 3 dây cho trái. Không từ bỏ, ông tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân thì biết được loại chanh dây ngọt này không phù hợp với vùng nước mặt, lại bị nhiễm phèn do đó cây không phát triển được. Lão nông mày mò và nảy ra phương án ghép chanh dây với dây nhãn lồng.

“Tôi thấy cây nhãn ở vùng đất này phát triển tốt, thích ứng với vùng đất hạn mặn này, từ đó quyết định ghép thử. Sau đó, trời không phụ công người cố gắng, tôi nhận được kết quả tuyệt vời, sau 7 tháng lai ghép, chanh dây cho trái và vài ba tháng sau có trái chín vàng ngọt, hương vị đậm đà. Tôi bán ra 100 ngàn đồng/ký, thu nhập gấp 5 lần so với những cây trồng quen thuộc ở đây như bầu, bí, dưa chuột,… Hơn nữa, việc trồng ghép và chăm sóc khá đơn giản, không cần tốn nhiều phân bón, đầu ra bán ổn định với mức giá tốt”, ông Công chia sẻ.

Hiện nay, ông đang có vườn chanh dây ngọt rộng 3.000 m2. Ông Công cũng cho biết thêm, loại chanh dây này có tuổi thọ khoảng 3 - 4 năm, mỗi năm thu hoạch khoảng 2 đợt, một dây sẽ cho khoảng 300 trái/đợt, ước chừng 300 trái khoảng 20 chục ký. Do đó, có thể thấy mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Nhận thấy tiềm năng lớn của mô hình trồng chanh dây ngọt, ông Công đã chiết dây chanh để làm giống cung cấp cho bà con nông dân có nhu cầu. Hiện giá bán giống là 100.000 đồng/dây.

Đặc biệt, loại chanh dây ngọt này không giống với những loại chanh dây thông thường phải lấy ruột pha với nước kèm đường, mà có thể lấy ăn trực tiếp hoặc pha với nước đá rất tốt cho sức khỏe. Vốn có vị ngọt thanh và mùi thơm hấp dẫn nên khi pha nước uống dễ dàng.

Ông Công cho biết, chanh dây ngọt được nhiều người tiêu dùng yêu thích, số lượng cây còn hạn chế nên chưa đủ nguồn cung ra thị trường. Mặc dù có khá nhiều đơn vị liên hệ nhập trái chanh dây ngọt, nhưng ông phải từ chối vì không có khả năng cung cấp với số lượng lớn. Ông mong muốn mở rộng diện tích trồng và nhân rộng mô hình cho bà con nông dân ở Long Phú. Ông có nguyện vọng trong thời gian tới sẽ được chính quyền giúp đỡ và hướng dẫn làm thủ tục đăng ký công nhận giống mới, để có thể phát triển mô hình chanh dây ngọt dễ dàng hơn.

HOÀI AN

Cựu chiến binh làm giàu từ mô hình nuôi thỏ

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Là một cựu chiến binh năng động, ông Vũ Xuân Thọ ở khu Cộng Hòa, thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã mạnh dạn chuyển đổi từ nuôi vịt và lợn sang chăn nuôi thỏ cho hiệu quả kinh tế cao.

Nuôi thỏ là nghề còn khá mới mẻ đối với nông dân thị trấn Thanh Nê nói chung và ở khu Cộng Hòa nói riêng. Khi hỏi về nghề này, ông Thọ chia sẻ, việc nuôi vịt, lợn đã rất quen thuộc với bà con nông dân nhưng cũng nhiều rủi ro vì dịch bệnh và đầu ra không ổn định. Qua nghiên cứu sách báo và tham quan mô hình nuôi thỏ ở một số địa phương trong và ngoài tỉnh, ông nhận thấy việc nuôi thỏ chi phí đầu tư thấp, ít dịch bệnh, đầu ra thuận lợi và giá trị kinh tế cao nên quyết định chuyển đổi sang chăn nuôi thỏ.

Với số vốn ban đầu còn ít, chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức chăn nuôi nên ông Thọ chỉ đầu tư 20 cặp thỏ trắng giống New Zealand để lấy giống và cung cấp thỏ thịt. Ban đầu, ông tự tìm tòi và học hỏi trên sách báo để chăm sóc và chữa trị khi thỏ bị bệnh. Qua một năm nuôi thử, ông đã theo dõi sát sao để tự đúc rút kinh nghiệm cho mình. Từ năm thứ hai, ông mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô trang trại và nhân thêm giống. Hiện nay quy mô trang trại của ông đã lên tới hàng nghìn con, trong đó luôn duy trì hơn 140 con thỏ cái.

Với 140 thỏ cái sinh sản, trung bình mỗi năm 1 thỏ mẹ đẻ 5-6 lứa, mỗi lứa 6-8 con; sau 3 tháng nuôi, trọng lượng thỏ đạt 2,5-3kg/con là có thể xuất bán. Đầu ra thuận lợi, thương lái đến tận trại thỏ của ông để thu mua. Hàng tháng ông xuất ra thị trường 5-6 tạ thịt thỏ, với giá trung bình dao động 75.000 - 80.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông lãi 15 - 20 triệu đồng.

Theo ông Thọ, để thỏ sinh trưởng phát triển tốt, người nuôi cần chú trọng phòng bệnh cho thỏ, tiêm vắc-xin cho thỏ mẹ 6 tháng/lần, thỏ con từ 1,5 tháng tuổi sẽ tiêm một lần cho tới khi xuất bán. Ngoài ra, còn pha các loại vitamin vào nước hoặc thức ăn để thỏ ăn nhiều, nhanh lớn nhằm tăng sức đề kháng. Chuồng trại phải thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Các chuồng nuôi đặt cách xa mặt đất 50cm và có lắp hệ thống máng uống nước tự động. Đặc biệt lưu ý trong nuôi thỏ vấn đề về vệ sinh chuồng trại và thức ăn sạch đảm bảo là rất quan trọng, giúp thỏ tránh được nhiều bệnh như: nấm, ghẻ, tiêu chảy,… Do đó, khi bắt tay vào nuôi gia đình ông đã tận dụng toàn bộ chất thải của thỏ làm thức ăn cho giun quế. Cũng nhờ cách nuôi giun quế bên dưới chuồng nuôi thỏ đã tiết kiệm được khá nhiều công vệ sinh chuồng trại, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực nuôi thỏ và có thêm nguồn thu nhập từ nuôi giun quế.

Khu chuồng nuôi thỏ kết hợp nuôi giun của gia đình ông Vũ Xuân Thọ

Không chỉ bằng nghị lực, nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm để vươn lên làm giàu cho bản thân và gia đình mình, ông Thọ còn luôn nhiệt tình hướng dẫn những người chăn nuôi có cùng sở thích phát triển kinh tế theo mô hình trang trại, gia trại này. Ông thực sự là tấm gương sáng trong phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Phạm Thị Thúy An - Trung tâm Khuyến nông Thái Bình

Phú Yên: Nở rộ phong trào nuôi bò lai 3B

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Nông dân xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) nuôi bò lai 3B. Ảnh: LÊ TRÂM

Hiện đang là mùa mưa, đồng cỏ phát triển sau đợt khô hạn kéo dài, nông dân vùng miền núi tập trung nuôi bò. Trong khi các giống bò lai sind khác phải nuôi đúng sức mới phát, thì bò lai 3B (Blanc Bleu Belge) nuôi lớn đến đâu bung đùi, đổ thịt đến đó nên nông dân chọn nuôi nhiều.

Vào tận chuồng đặt hàng

Nhờ đổi mới trong cách thức chăn nuôi bò truyền thống kết hợp phương pháp nuôi công nghiệp, bán công nghiệp nên chất lượng đàn bò được nâng lên rõ rệt. Vì vậy, không chỉ người dân miền núi mà người dân vùng đồng bằng cũng áp dụng.

Ông Nguyễn Văn Tính, một người buôn bò ở huyện Đồng Xuân cho hay: Hiện nay, nhiều nông dân đặt tôi mua bò nghé giống 3B nhưng đi các địa phương tìm mua giống rất khan hiếm. Trước đây nắng hạn, đồng cỏ khô cháy thiếu thức ăn, nhiều người bán bò; nay trời mưa, nông dân tập trung nuôi bò trở lại, người nuôi đa số chọn giống 3B nên giống bò này đang khan hiếm.

Còn ông Mạnh Thế Bình, nông dân nuôi bò ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), chia sẻ: Tôi có con giống bò lai 3B mới đẻ 2 tháng, có người vào tận chuồng đặt hàng. Hiện nay, người dân chọn nuôi bò lai 3B vì nuôi lớn đến đâu bung đùi, đổ thịt mập to đến đó, lưng bằng. Còn các loại bò lai sind khác phải nuôi đúng sức mới phát.

Cũng do nhiều người chọn nuôi bò lai 3B nên hiện loại bò này không chỉ khan hiếm giống mà còn sốt giá.“Năm ngoái, tôi mua con nghé cao 1m, giá 7 triệu đồng, nuôi giáp năm bán 20 triệu đồng. Năm nay, tôi tìm mua con nghé chỉ cao 0,8m nhưng giá lên đến 12 triệu đồng”, ông So Minh Tỵ, nông dân nuôi bò ở xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) nói.

Theo ông La O Hóa, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ, hiện người dân các thôn Phú Tiến, Phú Giang, Phú Lợi, Phú Hải và Phú Đồng của xã nuôi gần 1.000 con bò lai, chủ yếu giống bò 3B. Bò này nuôi thúc bằng cháo, mau mập, bán có giá nên người dân chọn nuôi để tạo nguồn thu nhập, giúp gia đình thoát nghèo.

Chăn nuôi truyền thống kết hợp vỗ béo

Thời gian qua, người nuôi bò từ đồng bằng đến miền núi ngoài tận dụng rơm, rạ làm thức ăn cho bò bằng phương pháp nuôi truyền thống còn áp dụng phương pháp nuôi công nghiệp, bán công nghiệp với quy mô phù hợp bằng cách nấu cháo nuôi bò. Bà La Lang Thị Xoa ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), cho hay: Vùng này nhà nào nuôi bò cũng có nồi nấu cháo cho bò, chủ yếu nấu bằng rau muống hoặc rau lang trộn với ít gạo và cám.

Ngoài các bữa cháo, các gánh cỏ đầy ắp luôn được xếp trong chuồng để bò ăn cả ngày. Chuồng trại luôn được vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo môi trường thoáng mát nhằm tránh dịch bệnh cho đàn bò. Trước đây, sáng nào tôi cũng lùa đàn bò gần 10 con đi 2 cây số chăn thả ở vùng gò đồi bỏ hoang. Nay thì cả tháng, tôi mới lùa thả ăn cho bò khỏi cuồng chân, còn hầu hết là nuôi nhốt.

Còn ông Nguyễn Văn Hùng, một nông dân ở xã An Thọ (huyện Tuy An), cho hay: Cách đây 3 tháng, tôi mua một cặp bò 40 triệu đồng, nuôi theo phương pháp vỗ béo là nấu cháo cho bò ăn, giờ bán 60 triệu đồng. Nuôi bò lai 3B, thúc bò bằng cháo; nuôi hơn tháng bò sẽ bung đùi, đổ thịt.

Nhờ đổi mới trong cách thức chăn nuôi bò truyền thống kết hợp phương pháp nuôi công nghiệp, bán công nghiệp nên chất lượng đàn bò được nâng lên rõ rệt. Vì vậy, không chỉ người dân miền núi mà người dân vùng đồng bằng cũng áp dụng. Ông Phạm Ngọc Cảnh, một người tham gia vỗ béo bò lai ở xã An Phú (TP Tuy Hòa) cho hay, hiện nay giá thịt bò tăng, năm ngoái cùng thời điểm này giá 190.000 đồng nay lên 200.000 đồng/kg. Cũng vì vậy, thời điểm này năm ngoái, con bò bán 20 triệu đồng nay lên 23 triệu đồng. Tôi mua con nghé lai 3B với giá 16 triệu đồng về nuôi vỗ béo bằng cách cho ăn cháo. Sau hơn 3 tháng thúc bò bằng cháo, hiện con bò có giá khoảng 25 triệu đồng.

Theo ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên, hiện nay trên địa bàn tỉnh có các giống bò lai brahman, limousine, charolais và bò lai 3B. Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông triển khai mô hình vỗ béo bò lai tại các huyện Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An, TX Sông Cầu và TP Tuy Hòa với trên 300 hộ chăn nuôi gần 400 con bò. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 20% tiền thức ăn, thuốc thú y, áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật theo yêu cầu của mô hình.

Qua quá trình nuôi, mô hình làm căn cứ để đánh giá so sánh hiệu quả kinh tế và môi trường giữa hai phương pháp chăn nuôi truyền thống và thâm canh. Từ đó làm cơ sở cho nông dân học hỏi kinh nghiệm để tự làm giàu cho gia đình. Thông qua mô hình, hàng trăm hộ chăn nuôi trong tỉnh đã chuyển từ tập quán chăn nuôi thả rông hoàn toàn sang nuôi nhốt mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

MẠNH HOÀI NAM

TPHCM đủ điều kiện xây dựng sàn giao dịch heo

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Ngày 14-11, Sở Công thương TPHCM tổ chức tọa đàm “Trao đổi, lấy ý kiến vận hành mô hình dự kiến sàn giao dịch heo trên địa bàn TPHCM”.

Với 14 ý kiến phát biểu từ các chuyên gia trong và ngoài nước, các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu, DN chăn nuôi và giết mổ, các chợ đầu mối tại TP đều có sự đồng thuận và thống nhất cao về sự cần thiết phải thành lập Đề án Sàn giao dịch heo tại TP - dự kiến vận hành vào năm 2021.

Giám đốc Sở Công thương Phạm Thành Kiên cho biết, thị trường TP giao dịch bình quân 10.000 con heo/ngày đã đạt quy mô lớn với tổng trị giá đến 17.000 tỷ đồng, tương đương 750 triệu USD/năm. Do vậy, việc xây dựng sàn giao dịch heo sẽ chuẩn hóa được chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP), khắc phục phần lớn nhược điểm của mặt hàng thịt heo đang phân phối trên địa bàn TPHCM. Sàn giao dịch có thể tập hợp, thống kê tương đối đầy đủ số liệu hoạt động chăn nuôi, giết mổ và kinh doanh thịt heo trên địa bàn TP và các tỉnh thành lân cận để làm cơ sở phân tích, đánh giá, đối chiếu với các yêu cầu tối thiểu cần thiết cho việc tham gia và vận hành sàn giao dịch. Với cách làm này, TP sẽ sắp xếp lại việc chăn nuôi - mua bán heo để tạo giá trị gia tăng cao cho mặt hàng này trong thời gian tới, tránh tình trạng “được mùa rớt giá” và ngược lại.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM, Phó ban Quản lý Đề án, phân tích, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tươi sống nói chung và thịt heo nói riêng tại TPHCM rất cao nhưng hiện chưa có chuẩn quy cách đồng bộ trong chăn nuôi, giết mổ, mua bán thịt heo. Phần lớn heo vẫn được giết mổ thủ công, không bảo đảm vệ sinh dịch tễ, ATTP; mua bán truyền thống là chính; vận chuyển còn sơ khai, đơn giản; điều kiện bảo quản kho lạnh còn kém. Khi nào chưa thay đổi quy trình theo phương thức kinh doanh mới thì thương lái vẫn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng thịt heo. Người chăn nuôi yếu thế có hàng nhưng không quyết định được giá, người tiêu dùng thì giá bán lẻ ra sao cũng phải mua vậy nên bị động. Thông tin từ sản xuất, mua bán đến người tiêu dùng còn chưa minh bạch, thiếu quy hoạch. Các khâu cung ứng rời rạc, không tạo thành chuỗi sẽ khó quản lý các chủ thể.

“Sàn giao dịch là nơi hoạt động tập trung nên giá cả sẽ do sàn quyết định, không phụ thuộc vào thương lái. Heo đạt chất lượng mới được đưa lên sàn, nếu không sẽ bị loại ngay từ đầu. Chất lượng heo sẽ do một cơ quan giám định độc lập thực hiện. TPHCM cũng đã có sẵn dữ liệu từ Đề án Truy xuất nguồn gốc đầy đủ, phong phú nên việc xây dựng sàn giao dịch heo đang gặp nhiều thuận lợi”, ông Nguyễn Ngọc Hòa nhận định.

Về phương thức vận hành sàn, một số ý kiến cho rằng, Việt Nam đã từng có khá nhiều sàn giao dịch nông sản như cà phê, hồ tiêu… nhưng đều bị thất bại vì nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là các cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa thực sự hỗ trợ cho các sàn hoạt động và phát triển. Vì vậy, dù muốn hay không thì sàn này phải được triển khai theo hướng xã hội hóa, tức là có sự tham gia của nhiều thành phần, trong đó Nhà nước phải đưa ra cơ chế, chính sách phù hợp thì mới có thể nuôi dưỡng các sàn phát triển.

Để làm rõ, ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công thương TP, cho biết, qua khảo sát thực tế các sàn giao dịch hoa, rau củ quả, heo ở Đài Loan, thì thấy xuất phát điểm của bạn khá giống Việt Nam, cũng từ các chợ mua bán nhỏ lẻ. Hầu hết mô hình này của công ty cổ phần, vốn đầu tư không lớn. Nhà nước hỗ trợ thông qua việc tạo dựng chính sách, dành đất và cử người tham gia, theo dõi giám sát. Phần còn lại là của các DN cùng tham gia để xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị và điều phối hoạt động… Ban quản lý đề án cũng đã đến các địa phương từng xây dựng sàn giao dịch cà phê, hồ tiêu đề tìm hiểu kỹ nguyên nhân thất bại tại Việt Nam để định hướng hoạt động cho sàn giao dịch heo.

Ngay sau khi đề án được cho phép triển khai, Cục Thực thi quy định quốc tế thuộc Bộ Năng lượng và chiến lược công nghiệp Vương quốc Anh ký ghi nhớ hợp tác hỗ trợ xây dựng Sàn giao dịch heo trên địa bàn TPHCM, nhưng theo đánh giá của ông Phạm Thành Kiên, TPHCM là địa phương tiên phong mở sàn giao dịch heo nên để triển khai thành công là điều không dễ dàng, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền, cũng như cộng đồng DN. Nếu TP triển khai thành công, có thể nhân rộng ra các mặt hàng nông sản khác, hình thành hoạt động mua bán, kinh doanh văn minh, hiện đại, góp phần thực hiện chủ trương xây dựng TP thông minh, định hướng tái cơ cấu và chuẩn hóa sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.

THÚY HẢI

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop