Tin nông nghiệp CN ngày 18 tháng 8 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp CN ngày 18 tháng 8 năm 2019

Nhãn sạch trên đất Hòa Bình

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Tháng 8/2016 sản phẩm nhãn xã Sơn Thủy (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

Đây được coi như chứng thư đảm bảo cho các hộ đủ điều kiện sử dụng nhãn hiệu tập thể, duy trì và nâng cao danh tiếng, uy tín sản phẩm...

Cây nhãn Hương Chi được đưa về Sơn Thủy từ năm 1989. Người có công đầu là ông Bùi Văn Lực, Bí thư Đảng ủy xã. Lần đầu tiên trên địa bàn xã có diện tích trồng nhãn được áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh 2,5ha. Mặc dù vậy trong suốt 20 năm sau đó do gặp nhiều trở ngại như thị trường, giá cả bấp bênh, vốn đầu tư và kiến thức thâm canh còn nhiều hạn chế. Do vậy diện tích nhãn tăng chậm. Đến năm 2010 cả xã mới chỉ đạt 38ha.

Giống nhãn Hương Chi phù hợp khí hậu thổ nhưỡng Hòa Bình.

Trong 5 năm trở lại đây những khó khăn dần được tháo gỡ, nhận thức của cán bộ và người trồng nhãn có những thay đổi tích cực... Đến nay tổng diện tích trồng nhãn của xã lên tới 136ha, trong đó diện tích kinh doanh cho quả 80ha, năng suất trung bình đạt 15 tấn/ha. Năm 2019, do thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt triền miên, sản lượng nhãn Sơn Thủy ước đạt 400 - 500 tấn (giảm khoảng 50% so với năm 2018).

Người dân Sơn Thủy giờ quý đất như vàng, nhà nào cũng chăm chỉ vun trồng cho nhãn tốt tươi. Nhãn được trồng tập trung ở các xóm Khoang, Lốc. Tập trung vào giống nhãn Hương Chi cho quả to, vỏ mỏng, cùi dày, ngọt dịu.

Năm nào cũng vậy vào thời điểm từ giữa tháng 7 bà con nông dân trong xã lại tất bật thu hoạch nhãn. Năm 2019 tuy sản lượng thấp hơn năm 2018 nhưng bù lại giá bán lại cao hơn. Đầu vụ nhãn được bán với giá 35.000 - 40.000 đồng/kg; giữa vụ khoảng 20.000 đồng/kg.

Ông Bùi Văn Lực, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Năm 2016, nhãn Sơn Thủy được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đồng thời, 34ha nhãn của 41 hộ thành viên HTX Sơn Thủy được Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật trao giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Nhờ đó, cây trồng này ngày càng có tiếng trên thị trường. Xã đang triển khai chương trình trồng nhãn sạch theo tiêu chuẩn VietGAP để giữ được thương hiệu trên thị trường và đảm bảo phát triển bền vững.

Sau khi chương trình trồng nhãn VietGAP hoàn thành, xã sẽ triển khai tiếp chương trình đăng ký mã số, mã vạch để truy xuất nguồn gốc...

Chăm sóc tốt nhãn Hương Chi quả sai, chất lượng tốt.

Bà Bùi Thị Chiến ở xóm Khoang chia sẻ: Nhãn năm nay được giá. Đầu vụ, gia đình bán 35.000 đồng/kg. Nhà tôi trồng khoảng 2ha giống nhãn Hương Chi. Luôn tuân thủ quy trình kỹ thuật về chăm sóc, phòng, chống sâu bệnh, kích thích ra hoa, đậu quả, cây nào cũng sai trĩu. Vụ này, dự kiến thu hoạch 15 - 20 tấn quả. Cứ vào vụ là thương lái tấp nập đến thu mua. Đã 21 năm trồng nhãn, nhưng chưa bao giờ chúng tôi lo khó tiêu thụ.

Anh Bùi Văn Dũng, PGĐ HTX Sơn Thủy cho biết: Gia đình có hơn 2.000m2 trồng nhãn, năm nay cho sản lượng khoảng 7 - 8 tấn. Thực tế qua nhiều năm cho thấy, cây nhãn có thu nhập cao hơn nhiều so với trồng màu, tuy nhiên lại đòi hỏi tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật và khâu chăm sóc để đảm bảo quả to, đều, mẫu mã đẹp, ngọt sắc.

Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh, gia đình đã đầu tư sản xuất theo quy trình VietGAP, trong đó, thực hiện chặt chẽ việc ghi sổ nhật ký đầy đủ, ngày nào bón phân, phun thuốc, lượng thuốc, thời gian cách ly trước khi cung cấp ra thị trường...

"Chúng tôi đang hướng tới sản phẩm có mã QR, mã vạch để khi người tiêu dùng check in bằng điện thoại thì biết được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm", anh Dũng chia sẻ.

THANH HẰNG - Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình

Đặc sản thanh trà Huế mất mùa nặng

Nguồn tin: VOV

Hạn hán kéo dài khiến cây thanh trà, đặc sản ở tỉnh Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, quả thanh trà chậm phát triển, mất mùa nặng.

Phường Thủy Biều, thành phố Huế là nơi có diện tích trồng thanh trà lớn của tỉnh Thừa Thiên - Huế, với hơn 145 ha. Năm nay, nhiều vườn thanh trà ở đây mất mùa nặng.

Theo thời vụ, khoảng đầu tháng 8, các nhà vườn bắt đầu thu hoạch thanh trà. Nắng nóng kéo dài, lượng nước cung cấp không đủ, rất nhiều cây bị khô héo, quả phát triển chậm, nhỏ, số lượng ít, hoặc nhiễm bệnh cây bưng mủ, rụng quả… gây thất thu rất lớn cho người trồng.

Nhiều hộ dân trồng thanh trà thất thu nặng.

Ông Đặng Văn Kế, một hộ dân trồng thanh trà ở phường Thủy Biều thành phố Huế lo lắng: "Đời sống đa số dân nông nghiệp ở đây chủ yếu sống nhờ cây thanh trà, mất mùa thanh trà về mặt kinh tế gia đình ảnh hưởng rất lớn. Năm ngoái, nhà tôi thu hoạch được khoảng gần 50 triệu đồng, nhưng năm nay dự thu chưa đến 20 triệu đồng".

Theo ông Hoàng Trọng Di, Giám đốc HTX Thủy Biều, nắng hạn đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cũng như số lượng của thanh trà: "Cây thanh trà giai đoạn phát triển mà gặp nắng hạn thì trái bị phát triển chậm. Cũng do nắng hạn làm mầm bệnh ủ sẵn ở trong đất phát triển mạnh hơn. Những khu vườn có lượng nước tưới không đầy đủ thì cây sẽ chết dần".

Hiện các vùng chuyên canh cây thanh trà tỉnh Thừa Thiên - Huế đều rơi vào tình cảnh tương tự. Cây lớn thì không đậu quả, cây nhỏ cứ chết dần, tỉ lệ cây chết từ 20% đến 30%.

Nhiều cây thanh trà đã bị chết vì nắng nóng và sâu bệnh.

Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có gần 700 ha thanh trà tập trung chủ yếu ở các vùng chuyên canh phường Thuỷ Biều, thành phố Huế; phường Hương Vân, thị xã Hương Trà; xã Phong Thu, huyện Phong Điền... rất nhiều hộ trồng thanh trà có thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng/năm. Năm nay, nắng nóng kéo dài nên tỷ lệ đậu quả chỉ bằng 1/2 so với các năm trước. Mặt khác, nhiều loại bệnh xuất hiện trên cây thanh trà như bệnh xì mủ làm cho cây chảy mủ toàn thân, quả kém phát triển...

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, UBND tỉnh vừa chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với Sở Điện lực kéo điện về vùng trồng thanh trà, giúp bà con chủ động nước tưới.

Ông Hồ Vang cho biết: "Toàn tỉnh có khoảng 170 ha bị ảnh hưởng, bị chết, trong đó nhiều nhất là ở Hương Trà, Hương Thủy, thành phố Huế, Phong Điền. Những diện tích này do không chủ động được nguồn để tưới, bà con cũng chưa sẵn sàng chuẩn bị các phương tiện, thiết bị để tưới do đó không đủ nước, trong đó có một số diện tích do nắng hạn, kết hợp với bệnh chảy gôm nên bị chết. Do thiếu nước nên bị rụng trái, trái nhỏ, năng suất của những vườn cây này giảm khoảng 20 đến 30% so với bình thường"./.

Lê Hiếu/VOV-Miền Trung

Quảng Trị: Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hồ tiêu Hướng Hóa

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) có nhiều sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng vùng miền, trong đó cây hồ tiêu được xem là loại nông sản có giá trị kinh tế cao, đã được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chứng nhận về chỉ dẫn địa lí. Hiện nay, huyện đang triển khai các giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cũng như tăng cường quảng bá đưa thương hiệu hồ tiêu Hướng Hóa ngày càng vươn xa trên thị trường trong nước và thế giới.

Chăm sóc cây hồ tiêu ở huyện Hướng Hóa

Xã Tân Liên là một trong 4 điểm đã được Bộ KH&CN chứng nhận chỉ dẫn địa lí về sản phẩm hồ tiêu của huyện Hướng Hóa. Đây được xem là vùng đất khá lí tưởng cho cây tiêu phát triển. Người nông dân nơi đây đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế đất đai, khí hậu để mở rộng diện tích hồ tiêu, đưa cây hồ tiêu trở thành loại cây trồng chủ lực. Đến nay, toàn xã Tân Liên có gần 250 hộ trồng tiêu, tổng diện tích trên 50 ha. Với rất nhiều cách làm hay, Tân Liên đã từng bước mở rộng diện tích hồ tiêu và ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó thành lập các câu lạc bộ trồng tiêu là một mô hình tiêu biểu. Kêu gọi sự hỗ trợ từ dự án ROP, xã Tân Liên đã xây dựng được 3 câu lạc bộ trồng mới cây hồ tiêu, với 25 hội viên. Trong thời gian 3 năm, dự án hỗ trợ một phần về nguồn vốn, cây giống, thuốc trừ sâu cũng như kiến thức khoa học kĩ thuật. Qua mô hình này, các hộ nông dân trồng hồ tiêu có điều kiện thuận lợi trong việc học hỏi, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với nhau nhằm nâng cao chất lượng các diện tích hồ tiêu trên địa bàn. Một số hộ cũng đã mạnh dạn đầu tư vườn ươm ngay tại địa phương, đảm bảo nguồn cây giống cung cấp cho các hộ trồng tiêu trong và ngoài huyện. Đây đã trở thành các mô hình trình diễn cho toàn xã cũng như các địa phương khác tham quan học tập. Từ những mô hình dự án ROP hỗ trợ, đến nay xã Tân Liên đã phát triển được 5 câu lạc bộ trồng tiêu với gần 100 hội viên tham gia.

Anh Nguyễn Công Văn, thôn Tân Tiến, xã Tân Liên, một thành viên câu lạc bộ trồng tiêu của xã cho biết: “Hồ tiêu là cây có giá trị kinh tế cao so với nhiều loại cây trồng khác, lại phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây nên tôi đã xây dựng mô hình trồng tiêu. Ngoài ra, mới đây tôi còn xây dựng thêm vườn ươm cây giống hồ tiêu để chủ động nguồn giống trồng cũng như cung cấp cho người dân có nhu cầu. Cây hồ tiêu bước đầu đã cho gia đình tôi nguồn thu nhập khá ổn định”. Anh Nguyễn Đình Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ trồng mới hồ tiêu Tân Liên chia sẻ: “Khi tham gia câu lạc bộ, các hội viên sẽ được tập huấn, trang bị kiến thức khoa học kĩ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc hồ tiêu, từ đó cùng nhau phát triển hiệu quả loại cây trồng này. Ngoài ra, các hội viên còn chia sẻ với nhau về đầu ra của hồ tiêu. Thời gian tới, để cây hồ tiêu phát triển bền vững, chúng tôi kiến nghị các cấp, ngành và địa phương quan tâm hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho cây hồ tiêu Hướng Hóa, từ đó nâng cao giá trị và tạo thu nhập ổn định từ cây hồ tiêu cho người dân”.

Hiện nay xã Tân Liên đang tập trung đẩy mạnh các giải pháp nhằm quảng bá rộng rãi thương hiệu hồ tiêu, trong đó giữ vững năng suất, chất lượng luôn là mục tiêu hàng đầu. Đồng thời tăng cường chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng hồ tiêu, khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học kĩ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, quyết tâm đưa thương hiệu tiêu của địa phương ngày càng vươn xa hơn. Toàn huyện Hướng Hóa hiện có trên 250 ha hồ tiêu, tăng gần 50 ha so với năm trước. Trong đó diện tích hồ tiêu cho thu hoạch gần 130 ha với sản lượng đạt trên 123 tấn/ ha. Các vùng hồ tiêu lớn ở Hướng Hóa tập trung chủ yếu ở các xã Hướng Phùng, Tân Liên, Tân Hợp và thị trấn Khe Sanh. Đây là 4 điểm đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lí về sản phẩm hồ tiêu Quảng Trị vào tháng 7/2018. Năng suất hồ tiêu của Hướng Hóa đạt khá cao và ổn định qua các năm, chất lượng đảm bảo, mang lại nguồn thu nhập khá cho người nông dân. Để từng bước xây dựng thương hiệu hồ tiêu của địa phương, thời gian qua huyện đã triển khai nhiều giải pháp như quy hoạch xây dựng vùng chuyên canh để có hướng đầu tư lâu dài; tập trung hỗ trợ về nguồn vốn, cây giống cũng như kiến thức khoa học kĩ thuật. Huyện cũng đã kêu gọi các chương trình, dự án đầu tư xây dựng mô hình trình diễn tại địa phương để nghiên cứu nhân rộng. Tăng cường hướng dẫn người dân chăm bón đúng khoa học kĩ thuật, không sử dựng hóa chất để thu được sản phẩm sạch, đạt chất lượng. Cử một số hộ trồng hồ tiêu tiêu biểu tham gia Câu lạc bộ sản xuất và kinh doanh hồ tiêu Quảng Trị để được nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trồng tiêu cũng như tiếp cận các giải pháp xây dựng và quảng bá thương hiệu tiêu của địa phương.

Việc đã có 4 điểm được cấp chỉ dẫn địa lí về sản phẩm hồ tiêu của tỉnh Quảng Trị được xem là bước khởi đầu thuận lợi giúp huyện Hướng Hóa đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hồ tiêu địa phương, mà trước mắt là có được cơ sở để các doanh nghiệp và người dân nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm hồ tiêu. Đây là động lực cho huyện Hướng Hóa tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu hồ tiêu địa phương ngày càng vươn xa trên thị trường.

Hiếu Giang

Cà Mau: Hiệu quả sản xuất tôm - lúa hữu cơ

Nguồn tin: Báo Cà Mau

Sản xuất lúa - tôm sạch theo hướng hữu cơ đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông dân ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Mô hình này đã được nông dân địa phương triển khai thực hiện từ nhiều năm nay.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 280 ngàn héc-ta nuôi tôm và được xem là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước. Trong đó, hơn 40 ngàn héc-ta tôm - lúa, tập trung ở các huyện: U Minh, Cái Nước, Thới Bình, Trần Văn Thời và TP Cà Mau. Đây được xem là vùng chuyên canh tiềm năng của tỉnh, sẽ mang lại giá trị kinh tế cao hơn nữa nếu nông dân áp dụng cách thức canh tác an toàn, thân thiện với môi trường theo đúng quy trình sản xuất hữu cơ.

Mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất lúa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Mô hình này đã được áp dụng thí điểm tại Ấp 9, xã Thới Bình, thu hút 50 hộ dân tham gia, với quy mô trên 50 ha. Để xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa đạt chuẩn hữu cơ, trước tiên phải giúp nông dân thay đổi nhận thức trong sản xuất nông sản sạch. Đó cũng là nền tảng gắn kết phát triển du lịch sinh thái ở các địa phương.

Giám đốc Công ty TNHH lương thực Tấn Vương (An Giang) Lê Thành Thiện Nhân nhận định: “Cà Mau là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong vuông nuôi tôm. Hiện công ty đang điều tra và chuẩn bị giao giống, ký hợp đồng với bà con”.

Đặc trưng vùng Cà Mau còn nhiều nơi giàu chất hữu cơ để cho cây lúa hấp thu và phát triển. Để chọn vùng sản xuất lúa - tôm đạt yêu cầu, nông dân tham gia phải tự nguyện, tự giác và tuân thủ áp dụng đúng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đã được hướng dẫn và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những nông dân khác.

Công ty TNHH lương thực Tấn Vương Công ty Tấn Vương hỗ trợ giống, vật tư phân bón, chế phẩm sinh học... ghi nợ cuối vụ và bao tiêu thu mua toàn bộ lúa hữu cơ của HTX Thành Công và nông dân với giá cả hợp lý.

Giám đốc HTX Thành Công Huỳnh Thanh Điền cho biết: “Để chọn vùng sản xuất lúa - tôm đạt yêu cầu không ô nhiễm môi trường, không sử dụng hoá chất, kháng sinh trong canh tác lúa, nuôi tôm, nông dân tham gia phải tự nguyện, tự giác và tuân thủ áp dụng đúng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đã được hướng dẫn”.

Các đơn vị tư vấn, giám sát đánh giá, chứng nhận sản phẩm lúa - tôm của HTX đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế.

Cũng theo ông Thiện Nhân, khi mô hình sản xuất này được cấp chứng nhận lúa - tôm hữu cơ thì nông dân không còn lo sợ không có đầu ra. Việc xuất khẩu những mặt hàng này sang thị trường khó tính cũng dễ dàng hơn. Đồng thời, giá trị nông sản và thu nhập của nhà nông cũng sẽ tăng lên.

“Công ty sẽ thu mua toàn bộ số lúa mà bà con đã thu hoạch theo giá thị trường và cộng thêm cho bà con 500 đồng/kg lúa. Đối với những người tham gia vụ lúa đầu tiên, năm nay công ty sẽ thu mua tăng thêm 700 đồng/kg lúa”.

Hộ tham gia mô hình này sẽ áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ được quy định theo tiêu chuẩn USDA, EU, JAS… Mô hình này có sản lượng trung bình từ 4-4,5 tấn/ha.

Ông Nguyễn Thiện Chinh, Ấp 9, xã Thới Bình, phấn khởi: “Tôi tham quan, học hỏi tại các mô hình sản xuất lúa - tôm của các xã lân cận thì nông dân trồng lúa theo mô hình này rất hiệu quả. Cây lúa ít bị đổ ngã, giá cả được thu mua khá cao. Do không sử dụng phân bón hoá học nên con tôm dưới ruộng cũng khoẻ mạnh, lớn nhanh”.

Thành công bước đầu của mô hình sản xuất lúa - tôm hữu cơ thí điểm tại Ấp 9, xã Thới Bình đang nhận được sự quan tâm của nông dân vùng chuyên canh lúa - tôm. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau Nguyễn Trần Thức đánh giá: “Xu hướng tiêu dùng của các nước phát triển hiện nay thường chuộng nông sản sạch, được sản xuất theo quy trình an toàn để đảm bảo sức khoẻ. Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã hướng đến việc mở rộng diện tích sản xuất lúa - tôm hữu cơ quy mô lớn”./.

Vũ Trân

Nguy cơ bệnh khảm lá mì gây hại trở lại

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Hiện nay, bệnh khảm lá mì đã xuất hiện trở lại tại nhiều vườn mì ở huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Kết thúc vụ mì 2018-2019, hiện nông dân đã xuống giống vụ mới. Tuy nhiên, một số nơi nông dân lấy hom giống ngay trong vùng dịch bệnh khiến bệnh nguy cơ lây lan diện rộng. Ngành nông nghiệp huyện Đồng Phú đang thực hiện nhiều giải pháp không để tái phát dịch bệnh trên địa bàn.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Đồng Phú, hiện trên địa bàn huyện có 290 ha mì, trong đó hơn 70 ha bị bệnh khảm lá, tập trung chủ yếu ở các xã Tân Lập, Tân Lợi, thị trấn Tân Phú. Hầu hết diện tích mì bị bệnh gây hại ở mức độ nhẹ đến trung bình. Điều đáng lo ngại hiện nay là người dân chủ yếu lấy hom giống từ cây mì vụ trước để nhân giống vụ sau. Nếu tiếp tục lấy hom giống từ những cây mì bị bệnh sẽ khiến bệnh lây lan nhiều, phát bệnh sớm hơn dẫn đến năng suất giảm mạnh và có khả năng mất trắng. Hơn ai hết, chính người trồng mì hiểu rõ nhất những nguy hại của bệnh khảm lá mì bởi họ đã “nếm mùi” mất mùa, thua lỗ, thậm chí phải cày bỏ diện tích cây trồng do nhiễm bệnh nặng trong vụ mùa vừa qua. Thế nhưng, do chủ quan và tâm lý “hên, xui”, nhiều người lại tiếp tục cày đất xuống giống mì ngay trên diện tích từng bị nhiễm bệnh, để rồi được khoảng 1 tháng, cây phát bệnh, nguy cơ thua lỗ hiển hiện trước mắt.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Phú kiểm tra vườn mì bị nhiễm bệnh khảm lá trên địa bàn

Bà Phạm Thị Nga trồng mì tại xã Tân Lập cho biết, vụ mì vừa qua, vườn mì của gia đình bà bị nhiễm bệnh khoảng 30% diện tích. Sau khi thu hoạch xong, bà đã đốt cây mì, rắc vôi khử trùng đất và cày xới để tiếp tục trồng vụ mì mới. Thời gian qua, ngành chức năng đã đưa ra nhiều khuyến cáo nên cắt vụ chuyển sang trồng loại cây khác ít nhất 1 vụ. Tuy nhiên, thấy trồng mì cho lợi nhuận ổn định, hơn nữa, bà nghĩ chỉ cần cải tạo đất kỹ và tìm giống mì mới không có mầm bệnh là có thể an tâm canh tác. Vậy nên hậu quả là gần 1 ha mì mới trồng của gia đình đã không tránh khỏi bệnh khảm lá, vụ này bà bị mất trắng.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Thanh trồng mì ở thị trấn Tân Phú cho biết: khi phát hiện bệnh trên cây mì, tôi nhổ bỏ ngay. Mặc dù rất tiếc nhưng nếu không nhổ bỏ, bệnh lây lan cả vườn sẽ thiệt hại nặng hơn. Khi phát hiện bệnh, tôi được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn phun 1 tuần 2 lần các loại thuốc trị bọ phấn trắng, tiêu diệt loại sâu hại này nên bệnh có chiều hướng giảm.

Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Phú Nguyễn Thị Thu Yến cho biết: Bệnh khảm lá mì do bọ phấn trắng gây nên. Bệnh thường có biểu hiện lá bị vàng và hơi xoăn, có khả năng lây lan nhanh, đến nay chưa có thuốc đặc trị. Theo điều tra tại những hộ trồng mì đã thu hoạch, đối với diện tích mắc bệnh năng suất và độ bột của củ mì bị giảm từ 20-40%. Do đó, khi phát hiện bệnh, người dân phải nhổ bỏ và tiêu hủy ngay diện tích mì mắc bệnh để tránh lây lan sang khu vực khác, đồng thời phun thuốc trừ bọ phấn trắng (trung gian mang mầm bệnh) ở những vùng nguy cơ nhiễm bệnh; không nên trồng giống HL-S11, bởi đây là giống nhiễm bệnh khảm lá và chưa được công nhận; nên sử dụng các giống ít nhiễm bệnh như KM94, KM140...

Để hạn chế bệnh khảm lá lây lan và có nguy cơ bùng phát, ngành chức năng khuyến cáo nông dân phải theo dõi sát vườn mì để kịp thời phát hiện bọ phấn trắng. Khi có những dấu hiệu bất thường trên cây mì, người trồng báo ngay cho cán bộ nông nghiệp ở địa phương để được hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và cách phun. Nông dân lưu ý, không nên phun quá nhiều, lạm dụng thuốc sẽ không mang lại kết quả, ngược lại còn gây ra hiện tượng kháng thuốc đối với bọ phấn trắng.

Minh Hiền

Hậu Giang: Nông dân trúng mùa bắp nếp

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Hiện nay, nông dân huyện Phụng Hiệp đang vào vụ thu hoạch bắp nếp. Vụ này, thời tiết thuận lợi cho cây bắp phát triển, nên trái đạt chất lượng, giá bán cao, nên nông dân có lãi.

Bắp nếp vụ này được mùa, trúng giá.

Bắp nếp được các nông hộ ở huyện Phụng Hiệp chọn trồng thường là các giống cao sản, khoảng 65-70 ngày là cho thu hoạch, để tranh thủ sản xuất được 3 vụ/năm. Bắp nếp là loại nông sản rất dễ trồng phù hợp với mọi loại đất, kể cả đất xấu. Đặc biệt, ở những khu vực trồng mía của huyện Phụng Hiệp năm nay do giá mía khá rẻ nên nông dân đã chuyển đổi sang trồng bắp nếp. Vụ này, năng suất dao động từ 2.000-2.500 trái/công, được thương lái thu mua bình quân ở mức 28.000-30.000 đồng/chục (14 trái), trừ hết chi phí nông dân lãi hơn 4 triệu đồng/công/vụ. Ông Nguyễn Văn Vuông, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Vụ rồi cây mía rẻ quá thua lỗ nên năm nay chuyển sang trồng bắp. Hai công bắp vừa thu hoạch xong, trừ hết chi phí thu nhập cũng gần 9 triệu đồng”.

Theo thống kê, vụ này huyện Phụng Hiệp xuống giống được 643ha bắp nếp, đến nay đã thu hoạch được hơn 80% diện tích.

Tin, ảnh: DUY KHÁNH

Nông dân Cà Mau kiếm cả trăm triệu mỗi năm nhờ cây bồn bồn

Nguồn tin: VOV

Tại Cà Mau, nhiều năm trước, bồn bồn là loại cây dại, không có giá trị kinh tế. Tuy nhiên, giờ đây cây bồn bồn ngày càng khẳng định được giá trị.

Đặc biệt, từ khi sản phẩm bồn bồn được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học - Công nghệ công nhận nhãn hiệu tập thể cho vùng đất tận cùng Tổ quốc, loài cây này càng giúp người trồng có thu nhập cao.

Gia đình bà Nguyễn Thị Năm (xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, Cà Mau) có gần 1ha đất trồng bồn bồn. Mỗi ngày gia đình bà thu hoạch khoảng 10 - 15 kg cây bồn bồn tươi và bán giá dao động khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg. Ngoài ra, bà Năm còn làm dưa bồn bồn bày bán cho người dân đi lại trên quốc lộ 1A. Mỗi keo dưa bồn bồn nặng 0,5 kg, có giá 30.000 đồng. Từ đó, mỗi tháng gia đình bà có thu nhập trên dưới 10 triệu đồng.

Diện tích trồng bồn bồn của tỉnh Cà Mau tập trung tại huyện Cái Nước.

Theo bà Năm, trong cả năm, mùa thu hoạch bồn bồn chỉ đứt đoạn khoảng 2 – 3 tháng cuối mùa khô, do thiếu nước cây bị già cỗi. Khi có mưa xuống, loại cây này sẽ tự tái sinh. Còn để nhanh được thu hoạch, bà con có thể bứng ra trồng và rải thêm phân. Nhờ sức sống của cây bồn bồn mãnh liệt, sinh sôi nhanh nên rất ít tốn công chăm sóc.

“Cũng mau, nhổ bán rồi qua tháng quay lại nhổ nữa. Trồng rồi tự nó lớn. Bán trên đường lộ, dân thành phố người ta xuống mua lần mấy trăm ngàn đồng luôn. Có ngày làm mấy chục kg nhưng bán không đủ, thấy ham lắm” - bà Năm nói.

Diện tích trồng bồn bồn của tỉnh Cà Mau hiện tập trung nhiều tại huyện Cái Nước. Trước đây, vùng đất ven theo Quốc lộ 1A đoạn đi qua huyện Cái Nước được quy hoạch nuôi tôm. Từ khi quốc lộ hoàn thành, đã ngăn nước mặn xâm nhập vào diện tích đất của bà con. Việc nuôi tôm không còn thuận lợi, cây lúa thì lại khó phát triển tốt trên vùng đất đã nhiễm mặn nên người dân nơi đây đã chọn cây bồn bồn là hướng đi mới.

Bà Lê Thị Lệ (ở xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước) cho biết, ngày trước, cây bồn bồn vốn chỉ là thực phẩm được dùng trong bữa cơm gia đình của người dân. Khi có đường lộ đi qua, bà con tận dụng mang ra bán cho khách qua đường. Nhờ là sản phẩm sạch, ít dùng phân, đặc biệt không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên được ưa chuộng và cây bồn bồn dần trở thành cây kinh tế của người dân. So với các mô hình gia đình bà từng làm thì trồng bồn bồn cho thu nhập gấp 2 - 3 lần trồng lúa; so với nuôi tôm quảng canh cũng ổn định hơn và cho thu nhập cao hơn.

“Thu vô rồi mình chẻ ra. Tuần trước lấy 40 kg, sáng này lấy 50 kg. Nhà hàng điện lấy hàng là mình gửi xe đi” - bà Lê Thị Lệ chia sẻ.

Thời gian gần đây, sản phẩm bồn bồn ngày càng có giá trị.

Vào năm 2017, Cục Sở hữu Trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học – Công nghệ) đã công nhận nhãn hiệu tập thể "Sản phẩm bồn bồn Cái Nước – Cà Mau" cho người dân vùng đất cuối trời. Thương hiệu sản phẩm ẩm thực bồn bồn được khẳng định và phổ biến rộng rãi. Từ đó, nhu cầu tiêu thụ loại cây này cũng tăng lên. Người dân vùng “thủ phủ” trồng bồn bồn huyện Cái Nước có điều kiện nhân rộng. Từ diện tích tự phát ban đầu chỉ vài chục ha, hiện trên địa bàn huyện đã có hơn 160 ha chuyên canh bồn bồn.

Ông Trần Hoàng Đạo, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đông, nơi có diện tích trồng bồn bồn lớn nhất huyện Cái Nước cho biết: “Mô hình rất hiệu quả. Bà con đang thực hiện trồng bồn bồn với khôi phục nuôi cá đồng, kết hợp trồng cây ăn trái. Mỗi ha cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Hiện, đang triển khai dự án trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá. Bà con cũng đang mở rộng diện tích, cây bồn bồn rất có hiệu quả.”

Theo hướng đa cây, đa con, ngoài thực hiện trồng bồn bồn, chính quyền địa phương còn đang khuyến khích người dân kết hợp trồng thêm cây ăn trái trên bờ bao và nuôi thêm cá đồng để tăng thu nhập. Hiện nay, huyện Cái Nước cũng đang triển khai Đề án nâng cao năng suất, hiệu quả cây bồn bồn. Đề án hứa hẹn sẽ giúp người dân trồng bồn bồn trên địa bàn phát triển bền vững hơn.

Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL

Hội thảo quốc tế về phát triển sâm Việt Nam công nghệ cao tại Lâm Đồng

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Sáng ngày 16/8, tại Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Hiệp hội Sâm Hàn Quốc và Công ty Cổ phần Sâm Việt VGC tổ chức Hội thảo quốc tế về phát triển sâm công nghệ cao lần thứ nhất tại Lâm Đồng. Tiến sĩ Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cùng đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, các chuyên gia nghiên cứu sâm; và hơn 20 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực dược liệu trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng tham dự.

Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Phạm S cho biết: Sâm Việt Nam (Panax Vietnamensis) được phân bổ dưới tán rừng tự nhiên, khu vực núi Ngọc Linh thuộc 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Từ nhiều năm qua, cây sâm Việt Nam được nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị… ở Lâm Đồng nghiên cứu nhân giống bằng các kỹ thuật in vitro, nhân giống hữu tính, khả năng ra hoa, tạo hạt, xác định hàm lượng saponin…, trong đó có nhiều công trình công bố trong và ngoài nước.

Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, Công ty Cổ phần Sâm Việt VGC đã phối hợp với Hiệp hội Nhân sâm Hàn Quốc di thực và trồng thử nghiệm thành công cây sâm Việt Nam theo quy trình công nghệ cao tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Tại Hội thảo, PGS.TS Trần Công Luận, nguyên Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu Thành phố Hồ Chí Minh nhận định rằng, các công trình nghiên cứu gần đây cho thấy hợp chất saponin của sâm Việt Nam vượt trội hàm lượng so với các loài sâm thuộc chi Panax trên thế giới.

Trưng bày cây sâm Việt Nam trồng thành công tại Lâm Đồng

GS.TS Nguyễn Minh Đức, đại diện Công ty Cổ phần Sâm Việt VGC công bố sau 5 năm trồng sâm Việt Nam công nghệ cao trên độ cao 1.400 m tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương bằng gieo hạt đạt tỷ lệ nảy mầm khoảng 80%, chăm sóc đến 3 năm thì cây nở hoa, đậu quả. Hiện, Công ty đã nhân giống tại chỗ hàng chục ngàn cây sâm Việt Nam, dự kiến đầu năm 2020 sẽ chuyển giao cây giống và công nghệ chăm sóc cho nông dân trong vùng…

VĂN VIỆT

Thợ làm vườn

Nguồn tin:  Báo Bình Phước

Khác với những lao động mùa vụ, thợ làm vườn thường gắn bó với từng khu vườn và một số loại cây trồng nhất định. Thợ làm vườn yêu cầu sức khỏe tốt, có kiến thức chăm sóc, phát triển các loại cây trồng bền vững.

Anh Lưu Văn Nhất (1972) ở ấp 3, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước quê tỉnh Bến Tre. Sau khi lên Bình Phước định cư, anh đi làm vườn thuê cho một số hộ dân quanh vùng để có thu nhập nuôi gia đình. Đầu năm 2015, anh cùng vợ con sang “đầu quân” cho lão nông Lâm Văn Đông ở thôn 8, xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh làm 7 ha măng cụt, sầu riêng, chôm chôm Thái, với mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

Công việc làm vườn mang về thu nhập ổn định cho gia đình anh Lưu Văn Nhất ở ấp 3, xã Lộc Hưng

Công việc của thợ làm vườn gồm nhiều giai đoạn, luôn đòi hỏi sự am hiểu, tỉ mỉ, cẩn thận, khéo léo, từ làm đất, lai tạo, chiết cành, ghép cây, xới cỏ, phun thuốc, cắt tỉa, tạo hình, thu hoạch... Mỗi khi “sở hữu” được thợ làm vườn có tay nghề, đạo đức tốt, chủ vườn rất quý, muốn gắn bó lâu dài. Ông Lâm Văn Đông cho biết: “Tỉa cành, làm cỏ, bón phân, xới đất sau thu hoạch tưởng đơn giản, không nhất thiết phải thuê thợ làm vườn. Tuy nhiên, cách làm vườn của họ, ở giai đoạn nào cũng mang lại hiệu quả lâu dài cho cây trồng”.

Bên cạnh có thu nhập ổn định, làm vườn còn giúp mỗi người thợ có những niềm vui. Anh Nhất hóm hỉnh: “Mỗi ngày làm vườn là một ngày đi du lịch. Chúng tôi được tận hưởng, nghỉ dưỡng trong thiên nhiên tuyệt vời, được thưởng thức rất nhiều rau, củ, quả tươi ngon”. Chị Nguyễn Thị Loan (vợ anh Nhất), cũng là thợ làm vườn chuyên nghiệp nhiều năm nay, khoe: “Ngoài có thu nhập ổn định cho gia đình, mỗi ngày đi làm vườn chúng tôi còn thu hái được các loại rau, củ tươi làm thức ăn tốt cho sức khỏe, lại tiết kiệm được tiền mua rau”.

Cẩm Thơ

‘Cầu nối’ giúp nông dân giảm bớt khó khăn

Nguồn tin:  Báo Đắk Lắk

Phát huy vai trò là “cầu nối”, những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều chương trình cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế.

Gia đình ông Y Mu Mlô (buôn Drăh 2, xã Cư Né, huyện Krông Búk) có 4 ha cà phê xen tiêu. Trước đây, cứ đến vụ sản xuất ông lại lo lắng về khoản tiền để mua phân bón. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nhờ chương trình cung ứng phân bón trả chậm của Hội Nông dân huyện, đến cuối vụ thu hoạch mới phải trả, gia đình ông không phải vay tiền trả lãi để mua phân bón như trước. Không những thế, mua theo dịch vụ này giá phân bón cũng rẻ hơn so với mức giá ngoài thị trường, nhờ thế cũng đỡ bớt một phần chi phí cho gia đình ông.

Ông Y Mu chia sẻ: “Trước đây, khi vào vụ sản xuất, nông dân chúng tôi phải lo rất nhiều về chi phí đầu tư, đặc biệt là phân bón. Từ khi tham gia sinh hoạt trong Chi hội Nông dân, được mua phân bón theo hình thức trả chậm, gia đình tôi không còn phải lo lắng về giá cả, chất lượng phân bón như trước mà còn được nâng cao kiến thức về cách chăm sóc, bón phân cho cây trồng thông qua các lớp tập huấn của công ty cung ứng”.

Hội viên nông dân xã Cư Né, huyện Krông Búk chia sẻ kinh nghiệm sản xuất.

Cũng như gia đình ông Y Mu, hộ chị Nguyễn Thị Hương (thôn Hiệp Đoàn, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) có 2 ha cà phê, mỗi năm đầu tư khoảng 7 tấn phân bón các loại. Trước đây, cứ đến vụ sản xuất, gia đình chị lại chạy đôn chạy đáo vay tiền để mua phân bón, nếu không sẽ phải mua nợ phân bón ở các đại lý gần nhà. Khi hết vụ, ngoài việc trả nợ gốc, chị còn phải trả thêm tiền lãi, thành ra lợi nhuận sau thu hoạch cũng chẳng còn bao nhiêu.

Từ khi được tham gia chương trình mua phân bón trả chậm đến nay, gia đình chị không còn phải lo lắng về giá cả và chất lượng phân bón. Cứ đầu mùa vụ, chị chỉ cần đăng ký với Chi hội Nông dân thôn về số lượng, chủng loại phân bón, sau đó doanh nghiệp cung ứng sẽ đưa phân bón về tận hội trường thôn, sau mỗi mùa thu hoạch mới phải trả tiền. “Cách làm này giúp hội viên yên tâm sản xuất, giảm bớt nỗi lo về tiền vật tư, phân bón mỗi khi vào mùa vụ. Hơn nữa nông dân được sử dụng các loại phân bón bảo đảm chất lượng mà không phải qua khâu trung gian, từ đó tiết kiệm chi phí sản xuất”, chị Hương cho hay.

Chương trình cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm đang được bà con nông dân nhiệt tình hưởng ứng, số lượng đăng ký tăng theo từng năm. Bình quân mỗi năm, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tín chấp cung ứng hơn 8.000 tấn phân bón các loại theo hình thức trả chậm giúp nông dân có thêm điều kiện phát triển sản xuất.

Để giảm bớt khó khăn cho người nông dân và giúp họ chủ động hơn về vật tư trong sản xuất, chỉ tính từ đầu năm đến nay, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã tín chấp với một số công ty, doanh nghiệp mua gần 2.000 tấn phân bón các loại cho hội viên nông dân theo hình thức trả chậm, với tổng trị giá gần 10 tỷ đồng.

Trước mỗi vụ, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố thông báo bảng giá từng loại phân bón đến các xã, thị trấn. Hội Nông dân các xã, thị trấn có trách nhiệm thông báo đến từng chi hội, tổ hội và bà con nông dân, hội viên nào có nhu cầu thì đăng ký. Hội Nông dân cơ sở có trách nhiệm giao hàng cho hội viên và thu hồi nợ khi đến hạn theo quy định. Nhiều năm thực hiện chương trình hỗ trợ mua phân bón trả chậm cho bà con nông dân, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh luôn thanh toán tiền đầy đủ cho các công ty theo hợp đồng, không có tình trạng nợ, vì vậy lượng phân bón được tín chấp tăng theo từng năm. Việc triển khai chương trình cung ứng phân bón trả chậm, nông dân đã phần nào giải tỏa nỗi lo về giá cả lên xuống thất thường, tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Cán bộ Hội Nông dân huyện Krông Búk hướng dẫn hội viên nông dân cách mua phân bón theo hình thức trả chậm.

Để chương trình đạt hiệu quả cao, các cấp Hội Nông dân còn phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, cấp phát tờ rơi, hướng dẫn bà con sử dụng phân bón theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng thời gian, đúng phương pháp), đồng thời xây dựng các mô hình trình diễn để đánh giá chất lượng và hiệu quả thực tế.

Có thể nói, chương trình cung ứng phân bón trả chậm là chương trình có ý nghĩa thiết thực cho người nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Để chương trình ngày càng phát triển hơn nữa, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của chương trình để bà con nông dân nắm được và chủ động tham gia; vận động doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm và mở rộng số lượng cung ứng hơn nữa.

Vân Anh

Nuôi thành công giống gà Quý phi

Nguồn tin: Báo An Giang

Đó là mô hình do Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành, tỉnh An Giang ứng dụng thành công tại hộ bà Hồ Thị Lợi (xã Cần Đăng).

Giống gà Quý phi có nguồn gốc từ Châu Âu, nhưng thích hợp với điều kiện khí hậu vùng nông thôn nước ta. Theo Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành, hiện tại bà Lợi đang nuôi 180 con gà Quý phi, tỷ lệ sống đạt 91,1 %. Để gà đạt trọng lượng 1,4 kg (gà mái) và 2,2 kg (gà trống), bà con phải nuôi 6 tháng và tiêu tốn 4 - 6,5 kg thức ăn.

Hiện nay, giống gà Quý phi bán trên thị trường đến 1 triệu đồng/cặp, giá trị kinh tế mang lại cao. Trong quá trình nuôi, người nuôi cần tạo giàn đậu thông thoáng cho gà ngủ trên cao. Đặc biêt, chuồng nuôi phải sử dụng đệm lót sinh học bằng men balasa N01, mật độ thả 20 con/7m2.

T.C

Nam Định: Phát triển chăn nuôi gia cầm, thủy cầm kịp thời đáp ứng nhu cầu thực phẩm

Nguồn tin: Báo Nam Định

Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, không chỉ gây thiệt hại nặng về kinh tế cho các hộ chăn nuôi mà còn làm mất cân đối trong sản xuất thực phẩm của ngành chăn nuôi tỉnh ta. Vì vậy, cùng với việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn, tiến tới khống chế dịch tả lợn châu Phi, khôi phục chăn nuôi lợn, ngành Nông nghiệp phải tổ chức quy hoạch, cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm, thủy cầm đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho xã hội, tạo hướng phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

Trang trại nuôi vịt đẻ của anh Mai Văn Sơn, xã Hải Thanh (Hải Hậu) mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động ở địa phương.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018 đàn lợn của tỉnh đạt 754.602 con, tương đương tổng đàn năm 2017; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 152.173 tấn, tăng 2.050 tấn so với năm 2017. Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp 214/229 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh có lợn bị mắc bệnh phải tiêu hủy, làm tổng đàn lợn của tỉnh giảm nhanh, có địa phương giảm tới 50-70%. Trong chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, theo số liệu Cục Thống kê tỉnh, tính tại thời điểm tháng 3 năm 2019, tổng số gia cầm của tỉnh ta là 7.647,67 nghìn con. Trong đó có 5.499,21 nghìn con gà; 1.666,59 nghìn con vịt và 481,87 nghìn con ngan. Huyện Hải Hậu là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng gia cầm, thủy cầm với 1.245,03 nghìn con; tiếp đến là huyện Nghĩa Hưng 1.098,81 nghìn con; huyện Giao Thủy 1,01 triệu con; huyện Ý Yên 891 nghìn con… Sản lượng thịt gia cầm đạt hơn 23.906 tấn, tăng hơn 2.663 tấn; sản lượng trứng gia cầm đạt 316,3 triệu quả, tăng 28,9 triệu quả so với năm 2018. Tổng giá trị sản xuất chăn ngành nuôi năm 2018 ước đạt 6.750 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 3,3% so với năm 2017; tính theo giá hiện hành đạt 8.078 tỷ đồng và chiếm 40,07% tỷ trọng toàn ngành Nông nghiệp. Toàn tỉnh có 206 trang trại đạt tiêu chí theo quy định của Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13-4-2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó có 14 trang trại chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP, 20 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh và 1 cơ sở chăn nuôi gia cầm được công nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm, Newcastle. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh và các địa phương đã có các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi nói chung, chăn nuôi gia cầm, thủy cầm nói riêng theo hướng tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, đơn vị để hình thành chuỗi liên kết sản xuất. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công Phượng ở xã Hải Xuân (Hải Hậu) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cơ sở nuôi gà hiện đại theo tiêu chuẩn VietGAHP với quy mô nuôi trên 30 nghìn con gà đẻ. Trung bình mỗi năm, Công ty cung cấp cho thị trường hơn 8 triệu quả trứng, tạo việc làm cho trên 30 lao động ở địa phương với mức lương 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Công ty Cổ phần Gà giống Châu Thành, xã Nam Hùng (Nam Trực) có 15 dãy chuồng nuôi khép kín với khoảng 12 nghìn con gà mái đẻ. Bình quân mỗi năm, Công ty tổ chức ấp khoảng 280 nghìn quả trứng gà, mỗi tháng cung ứng cho thị trường và các hộ chăn nuôi 46 nghìn quả trứng vịt lộn và 180 nghìn con gà, vịt giống. Doanh thu hàng năm của Công ty đạt 17,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 41 lao động với thu nhập bình quân đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng… Chăn nuôi gia cầm, thủy cầm của các địa phương đã chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ sang tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường. Năng lực sản xuất, kinh doanh của hộ nông dân được nâng lên, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho gia đình và người lao động ở địa phương. Cùng với việc khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết với doanh nghiệp, hình thành các trang trại, gia trại quy mô, tỉnh cũng đặc biệt chú trọng tới công tác bảo vệ môi trường nuôi nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời nâng cao nhận thức của người chăn nuôi trong việc giữ gìn môi trường. Theo đó, để xử lý chất thải chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường, tỉnh ta đã chủ trương hướng dẫn các hộ chăn nuôi xây dựng, lắp đặt các công trình khí sinh học (biogas). Hiện, tổng số công trình biogas trên địa bàn toàn tỉnh là trên 18 nghìn công trình. Các công trình này đã ủ phân compost làm phân bón hữu cơ, làm đệm lót sinh học, sử dụng các chế phẩm sinh học và thực hành chăn nuôi an toàn sinh học, quy trình chăn nuôi tốt VietGAHP. Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực triển khai dự án hỗ trợ nông nghiệp cacbon thấp, nghiên cứu và triển khai hiệu quả 49 mô hình quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi chống quá tải hầm khí sinh học, gồm: mô hình nhà ủ phân, mô hình kết hợp bể lắng tách chất thải rắn trước hầm biogas kết hợp ủ phân compost, mô hình ủ phân hữu cơ kết hợp nuôi giun xử lý chất thải chăn nuôi, mô hình sử dụng máy tách phân, sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi và mô hình tách phân kết hợp máy phát điện sử dụng khí sinh học… Thông qua các mô hình này đã giúp tuyên truyền nâng cao nhận thức về chăn nuôi an toàn sinh học cho người dân, đồng thời góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, hạn chế mùi trong các khu chuồng nuôi. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo các địa phương chủ động hướng dẫn các hộ chăn nuôi lựa chọn bộ giống gia cầm, thủy cầm chất lượng cao, trong đó giống gà thịt sử dụng giống CP, Japfa, Ross 308; gà chuyên đẻ trứng sử dụng giống ISA Brown, gà Ai Cập. Tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh và chú trọng công tác kiểm dịch, kiểm tra chất lượng giống gia cầm, thủy cầm, đảm bảo cung cấp giống có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt, không mang mầm bệnh cho người chăn nuôi. Thực hiện tốt các biện pháp khuyến cáo người dân sử dụng con giống gia cầm, thủy cầm đã được cơ quan chuyên môn kiểm dịch, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng từ các cơ sở, đại lý cung ứng giống uy tín; lựa chọn các loại thức ăn phù hợp với từng đối tượng, giai đoạn nuôi, không sử dụng chất kích thích sinh trưởng, hóa chất, kháng sinh cấm trong chăn nuôi. Khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp tự chế biến các loại thức ăn chăn nuôi hữu cơ bằng thiết bị nghiền trộn nhỏ, phù hợp với quy mô loại hình chăn nuôi nông hộ, tổ hợp tác và hợp tác xã, vừa giảm chi phí, vừa chủ động nguồn thức ăn và kiểm soát được chất lượng thức ăn cho vật nuôi.

Thời gian tới, nhằm phát huy lợi thế sẵn có của các địa phương, ngành chăn nuôi cần tiếp tục khắc phục những hạn chế, đó là hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ dẫn đến khó kiểm soát các vấn đề về dịch bệnh, an toàn thực phẩm và năng suất, giá thành, đầu ra cho sản phẩm, đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, thủy cầm theo quy mô công nghiệp khép kín. Xây dựng chuỗi liên kết giữa người chăn nuôi nông hộ với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tạo điều kiện để áp dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhằm giảm lao động phổ thông nặng nhọc, tiết kiệm năng lượng và tận dụng hiệu quả các loại phụ phẩm trong nông nghiệp như: ngô, khoai lang hay rơm, rạ… Từ đó tạo sinh kế bền vững cho các hộ chăn nuôi, thay thế và thích ứng với tình hình chăn nuôi hiện nay đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa thể khống chế, khó kiểm soát. Đây được xem là hướng phát triển chăn nuôi chủ đạo của ngành chăn nuôi tỉnh ta trong thời gian tới, góp phần đa dạng hóa các loại thực phẩm và thị trường tiêu thụ, giải quyết kịp thời nguy cơ khan hiếm thực phẩm được dự báo có thể xảy ra trong tương lai gần./.

Bài và ảnh: Văn Đại

'Nóng rực' giống thủy cầm!

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

7 tháng đầu năm 2019, thị trường giống thủy cầm có tốc độ tăng trưởng đột biến, luôn duy trì ở mức 2 đến 3 con số khiến người làm giống vừa mừng vừa lo.

Ào ào về giá

Theo tìm hiểu của NNVN, nguồn cung giảm, trong khi nhu cầu vịt, ngan giống, vịt, ngan thịt thương phẩm tăng cao khiến thị trường thủy cầm Việt Nam đầu năm 2019 tăng trưởng nóng chưa từng có trong lịch sử.

Thị trường giống vịt năm 2019 tăng trưởng trên 100%.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương Nguyễn Quý Khiếm chia sẻ, thủy cầm hiện chiếm khoảng 25% trong cơ cấu sản xuất giống của đơn vị. Các năm trước, bình quân mỗi năm Trung tâm cung cấp ra thị trường khoảng 100.000 - 120.000 con giống vịt ngan bố mẹ, song chỉ qua 7 tháng đầu năm 2019 sản lượng vịt ngan bố mẹ Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương bán ra đã đạt 250.000 con.

Cũng có mức tăng trưởng trên 100%, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên Nguyễn Văn Duy cho biết, số liệu thống kê hết tháng 7/2019, Trung tâm đã bán ra 330.000 vịt ngan bố mẹ, trong khi đó cả năm 2018 và các năm trước sản lượng vịt ngan bố mẹ của đơn vị chỉ dao động xung quanh 200.000 - 250.000 con/năm.

Ngoài sản lượng giống bố mẹ tăng đột biến, ông Dương Xuân Tuyển - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi Gia cầm Vigova (TP.HCM) cho biết, ngay cả sản lượng vịt giống thương phẩm của Trung tâm 6 tháng đầu năm cũng tăng trưởng trên 50% so với cùng kỳ, dự kiến tổng sản lượng giống thủy cầm bố mẹ và thương phẩm của Vigova năm 2019 có thể đạt trên 2 triệu con.

Phân tích của ông Dương Xuân Tuyển, có thể do thị trường thủy cầm thế giới tăng trưởng mạnh cộng dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục lây lan trên diện rộng nên lượng người dân chuyển từ nuôi lợn sang nuôi vịt, ngan khá lớn khiến thị trường thủy cầm năm 2019 tăng trưởng mạnh như vậy.

Khan về hàng

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Khánh Ly, Cty CP Giống gia cầm Lượng Huệ (Hải Phòng) chia sẻ, doanh nghiệp đang tiếc hùi hụi vì không mở rộng chuồng trại kịp tiến độ để nâng quy mô, công suất nuôi vịt bố mẹ nhằm đáp ứng nhu cầu giống vịt của thị trường mặc dù dự đoán được năm 2019 này thị trường thủy cầm sẽ tăng trưởng mạnh.

Các doanh nghiệp kinh doanh giống thủy cầm lo ngại khủng hoảng thừa trong tương lai không xa

Mặc dù giá vịt giống đang tăng cao và luôn trong tình trạng cháy hàng nhưng hiện giá vịt thịt lại đang có chiều hướng giảm chỉ còn 30.000 đồng/kg, trong khi đó giá thành nuôi vịt ở thời điểm hiện tại vào khoảng 31.000 - 32.000 đồng/kg nên các doanh nghiệp làm giống mặc dù rất mừng song cũng không khỏi lo lắng cho các năm tiếp theo bởi việc tăng gấp 2 - 3 lần quy mô đàn bố mẹ như hiện nay có thể tạo ra cuộc khủng hoảng dư thừa giống thủy cầm trong tương lai mà bài học không đâu xa chính là con vịt siêu trứng và con gà lông màu.

Theo bà Phạm Khánh Ly, hiện nay doanh nghiệp đặt mua vịt bố mẹ từ hãng Griamaud của Pháp, ít nhất 6 tháng sau mới nhận được hàng nên bản thân người chăn nuôi thủy cầm trong nước giờ đặt mua vịt giống của Cty Lượng Huệ cũng phải đợi ít nhất 1 tháng mới có vịt giống để giao dù phía doanh nghiệp đã chạy hết công suất lò ấp với sản lượng khoảng 2 triệu con giống/năm.

Bên cạnh nguồn giống khan hiếm, theo bà Ly sản phẩm vịt thịt thương phẩm Cty đưa vào giết mổ hàng ngày cũng đang trong tình trạng cung không đủ cầu.

Với sự tăng trưởng đột biến về sản lượng giống thủy cầm trong năm 2019 nên giá giống vịt ngan bố mẹ và vịt ngan giống thương phẩm năm 2019 cũng tăng từ 25 - 30% so với năm 2018.

Theo đó, hiện các dòng vịt siêu nạc, siêu thịt, kiêm dụng đều tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/con giống 1 ngày tuổi lên mức 22.000 - 25.000 đồng/con vịt thương phẩm (năm 2018 giá giống vịt thương phẩm 16.000 - 18.000 đồng/con) và 38.000 - 42.000 đồng/con vịt bố mẹ (năm 2018 giá vịt bố mẹ 28.000 - 30.000 đồng/con).

Theo tìm hiểu của NNVN, hiện có hai dòng vịt thịt phổ biến và chiếm tỷ lệ áp đảo về số lượng giống thủy cầm trên thị trường Việt Nam là vịt Star của hãng Grimaud (Pháp) và vịt Super của hãng Cherry Valley (Anh).

Các giống vịt siêu thịt này có ưu điểm là lớn nhanh, đạt cân, trọng lượng lớn, nhiều thịt, nuôi được trong chuồng lạnh trên cạn, không cần ao, hồ hay mặt nước để vịt bơi lội như các giống vịt bản địa truyền thống trước kia của Việt Nam.

Bên cạnh các giống vịt siêu thịt gen ngoại, các giống vịt kiêm dụng, ngan, con lai ngan vịt và vịt ưu thế lai giữa giống bản địa của Việt Nam với vịt ngoại như Vịt Biển 15 Đại Xuyên, Vịt Biển trời, Vịt siêu nâu, Đại Xuyên TC, ngan R51, R71, Vịt Vigova… hiện cũng trong tình trạng cháy hàng.

Trái ngược với sự thăng hoa chưa từng có trong lịch sử của giống vịt siêu thịt, hiện thị trường các giống vịt siêu trứng lại khá ảm đạm khi cả sản lượng và giá bán theo chia sẻ của các đơn vị kinh doanh giống là đều giảm so với năm 2018.

Nguyên nhân của thực trạng này do các năm trước dòng vịt siêu trứng đã tăng trưởng quá nóng cộng ảnh hưởng của thị trường trứng gia cầm xuống quá sâu và quá lâu từ tháng 11/2018 đến nay khiến người nuôi vịt trứng cũng lâm cảnh thua lỗ khi giá trứng dưới giá thành và mới chỉ tăng lên ngưỡng hòa vốn khoảng 1 tháng trở lại đây.

NGUYÊN HUÂN

Làm giàu từ chăn nuôi gà siêu trứng theo tiêu chuẩn VietGAHP

Nguồn tin: Báo Nam Định

Những năm qua, nhờ phát triển chăn nuôi gà siêu trứng theo tiêu chuẩn VietGAHP, mô hình nuôi gà ta đẻ trứng, gà thịt của gia đình hội viên Nguyễn Văn Công, xóm 3 Đức Thuận, xã Hải Xuân (Hải Hậu, tỉnh Nam Định) đã cho hiệu quả kinh tế cao. Mô hình của gia đình anh là một điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi được nhiều người đến tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm.

Trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ theo tiêu chuẩn VietGAHP của gia đình anh Nguyễn Văn Công, xóm 3 Đức Thuận, xã Hải Xuân cho hiệu quả kinh tế cao.

Trước khi nuôi gà đẻ siêu trứng, anh Công đã từng làm nhiều nghề khác nhau. Trong một lần tình cờ biết đến mô hình nuôi giống gà siêu trứng Brown, anh nhận thấy mô hình này cho hiệu quả kinh tế rất cao. Vốn là người từng có nhiều năm gắn bó với nghề chăn nuôi nên đã thôi thúc anh tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật từ các mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng thành công khác. Năm 2006, qua các kênh thông tin, kết hợp với tham quan học tập kinh nghiệm từ các mô hình, anh quyết tâm chuyển hướng chăn nuôi gà siêu trứng theo tiêu chuẩn VietGAHP. Xuất phát điểm là một gia trại chăn nuôi quy mô nhỏ, bản thân anh luôn suy nghĩ phải làm sao để phát triển mô hình kinh tế trang trại nhằm đưa ra những sản phẩm sạch, an toàn đến với người tiêu dùng. Với định hướng phát triển đó, anh tập trung nguồn vốn, vay mượn anh em, bạn bè và các nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư xây dựng chuồng trại theo tiêu chuẩn. Hệ thống chuồng trại được lắp đặt hệ thống thông gió, giàn lạnh, trong đó anh quy hoạch xây dựng một trại gà đẻ trứng áp dụng công nghệ chăn nuôi của Thái Lan với quy mô 10 nghìn con. Năm 2013, anh tiếp tục đầu tư, mở rộng xây dựng thêm một trang trại nuôi gà siêu trứng khép kín với quy mô 5.000 con, nâng tổng đàn gà đẻ lên 15 nghìn con. Năm 2014, anh đầu tư xây mới một trại chăn nuôi gà trắng thuộc giống gà Công Phượng với quy mô 10 nghìn con, nâng tổng đàn gà đẻ lên 25 nghìn con. Đến nay, trang trại của anh đã có gần 50 nghìn con gà siêu trứng giống Brown, trung bình mỗi ngày gia đình anh Nguyễn Văn Công cung cấp ra thị trường khoảng hơn 40 nghìn quả trứng, với giá bán dao động từ 1.700-2.000 đồng/quả. Ngoài ra, mỗi năm trang trại của anh còn xuất ra thị trường hàng chục tấn gà thịt sau khi thôi đẻ. Sau khi trừ hết chi phí gia đình anh Công có thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm. Ngoài chăn nuôi gà, anh còn đào ao nuôi cá với diện tích mặt nước trên 6.000m2 thả cá diêu hồng, cá trắm và quy hoạch 8.000m2 trồng cây ăn quả lâu năm. Với mong muốn đưa các sản phẩm của mình làm ra tới mọi miền của đất nước, năm 2015 anh quyết định thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công Phượng. Từ đó, các thương hiệu trứng cũng được ra đời mang tên: Trứng gà Công Phượng, Trứng gà quê Công Phượng, Trứng vịt quê Công Phượng cũng được ra đời. Anh cũng đầu tư lắp đặt thêm dây chuyền thức ăn tự động của Đức và nâng tổng đàn chăn nuôi gà công nghệ cao lên 55 nghìn con. Theo anh Công, nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAHP đòi hỏi người chăn nuôi phải đảm bảo nghiêm ngặt theo đúng quy trình. Toàn bộ hệ thống chăn nuôi của gia đình anh được đầu tư xây dựng khép kín, nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm chuồng nuôi được điều khiển tự động và điều chỉnh phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng của đàn gà. Trước khi vào trại gà, công nhân phải trải qua bước khử trùng nhằm loại bỏ vi khuẩn gây bệnh. Cũng như gà thịt, gà nuôi lấy trứng được kiểm soát chặt chẽ từ khâu giống cho đến phương pháp nuôi, đặc biệt là giai đoạn đẻ trứng, ấp, nở gà giống. Trong quá trình nuôi, đàn gà sẽ được theo dõi hàng ngày, có sổ nhật ký ghi lại những triệu chứng cụ thể để có cách xử lý. Quá trình chăm sóc, anh hướng dẫn người lao động làm việc trong trang trại luôn tuân thủ nghiêm ngặt các kỹ thuật như tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại, nhất là trong thời tiết nắng nóng dễ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia cầm. Do vậy đàn gà phát triển tốt, ít bệnh và tỷ lệ đẻ trứng cao. Từ khi nuôi gà con đến khi gà đẻ trứng khoảng 5 tháng, một lứa gà có thể khai thác trứng từ 7-8 tháng, tỷ lệ đẻ đạt 70-80%. Sau khoảng 8 tháng khai thác sẽ thay thế đàn gà mới, đảm bảo nguồn cung cấp trứng ra thị trường. Hiện ngoài nguồn lao động trong gia đình, trang trại của anh còn tạo việc làm cho 15 lao động thường xuyên với mức thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng. Cũng theo anh Công, thực hiện chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAHP đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn hơn so với các trại gà thông thường 4-5 lần, nhưng lại cho năng suất cao, sản phẩm có chất lượng tốt, đồng đều và đầu ra tiêu thụ thuận lợi. Đồng thời, thực hiện quy trình khép kín có thể giảm từ 5-10% chi phí thức ăn, chi phí thuốc thú y và giảm số nhân công phục vụ. Để tiếp tục phát triển quy mô sản xuất, anh thường xuyên cập nhật thông tin, nâng cao trình độ quản lý, chú trọng xây dựng chuồng trại đảm bảo vệ sinh và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất vào chăn nuôi; đồng thời làm tốt công tác bảo vệ môi trường, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có giá trị kinh tế cao để nâng cao sức cạnh tranh trong và ngoài tỉnh. Với hướng đầu tư hiệu quả, doanh thu bình quân hàng năm của trang trại đạt trên 20 tỷ đồng.

Trong bối cảnh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang được quan tâm như hiện nay, việc phát triển chăn nuôi sạch được cấp chứng nhận VietGAHP đang có rất nhiều triển vọng và mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho người dân. Mô hình nuôi gà siêu trứng của gia đình anh Nguyễn Văn Công là một trong những mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP tiêu biểu trong phát triển kinh tế của địa phương cũng như của tỉnh. Ngoài việc tích cực phát triển kinh tế gia đình, anh cũng thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, giúp nhau giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn

Hiếu Giang tổng hợp

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop