Tin nông nghiệp CN ngày 19 tháng 5 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp CN ngày 19 tháng 5 năm 2019

Lâm Đồng: Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi thỏ

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Đến thăm mô hình chăn nuôi thỏ của gia đình anh Trần Ngọc Dư ở thôn Trại Phong, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, Lâm Đồng, chúng tôi được tận mắt chứng kiến đàn thỏ khỏe mạnh với đủ loại màu sắc và kích cỡ.

Khi được hỏi vì sao anh bén duyên với nghề chăn nuôi thỏ, anh chia sẻ: Năm 2016, anh mua 3 con thỏ giống về nuôi thử. Trong quá trình nuôi, anh cảm thấy thỏ dễ chăm sóc, nhanh sinh sản và mang lại hiệu quả kinh tế cao nên quyết định đầu tư mở rộng chăn nuôi.

Để mở rộng quy mô như hiện nay với 15 con thỏ đực giống, 120 con thỏ cái sinh sản và tổng đàn thỏ luôn duy trì ở mức 700-800 con, anh đã phải chia làm 2 khu vực nuôi riêng biệt trên gần 1.000m2, một khu nuôi thỏ cái sinh sản và một khu nuôi thỏ con sau khi tách mẹ. Ngoài ra, để chủ động nguồn thức ăn cho thỏ, 7.000m2 còn lại anh đã phá bỏ dần diện tích cà phê già cỗi để trồng cây vông. Hiện tại gia đình anh đã trồng được gần 3.000m2 cây vông (năm thứ 3) đang cho thu hoạch lá. Diện tích đất còn lại anh sử dụng để làm bể ủ phân, chăn nuôi gà và diện tích đất ở.

Nuôi thỏ khá đơn giản vì thức ăn cho chúng rất phổ biến, chủ yếu là lá vông (không chỉ có lá vông trồng ở trong vườn, lá này còn dễ kiếm và có sẵn ở những khu vực xung quanh). Lá vông là loại thức ăn tốt nhất, dễ kiểm soát được sâu, với số lượng đàn thỏ trong trại, trung bình 1 ngày tiêu thụ hết 1 tạ lá vông. Ngoài lá vông, anh còn cho thỏ ăn bổ sung thêm cám, bắp (nấu chín) và các loại thức ăn khác như cỏ voi, cỏ xả, cây đậu rừng, lá bìm bịp…

Anh Trần Ngọc Dư bên vườn lá vông – thức ăn chủ yếu để nuôi thỏ

Dễ nuôi, lợi nhuận cao, ít dịch bệnh, thị trường tiêu thụ lớn là những lợi thế có thể thấy rõ từ chăn nuôi thỏ so với các ngành nghề khác. Theo anh Dư, thông thường chỉ 30 ngày sau sinh là thỏ con có thể tách mẹ, nhưng để thỏ con cứng cáp, khỏe mạnh, ít bệnh và dễ chăm sóc thì nên tách mẹ sau 40 ngày. Vấn đề phòng bệnh cho đàn thỏ cũng được anh hết sức quan tâm, để đàn thỏ được khỏe mạnh anh luôn chủ động áp dụng quy trình phòng bệnh chặt chẽ. Đàn thỏ giống được tiêm vắc xin định kỳ 6 tháng/lần, thỏ con từ 1,5 tháng tuổi sẽ tiêm vắc xin một lần cho tới khi xuất bán. Ngoài ra, anh sử dụng men tiêu hóa và kháng sinh để phòng bệnh hô hấp và tiêu hóa cho đàn thỏ…

Với 120 thỏ cái sinh sản, trung bình mỗi năm thỏ đẻ 5-6 lứa, mỗi lứa 6-8 con. Sau 3 tháng nuôi, trọng lượng đạt 2,5–3 kg/con là có thể xuất bán. Đầu ra thuận lợi, thương lái đến tận trại để thu mua, hàng tháng trại thỏ của anh xuất ra thị trường 5-6 tạ thịt thỏ, với giá trung bình dao động 75.000 – 80.000 đồng/kg đã mang về cho gia đình anh thu nhập 35-40 triệu đồng/tháng. Ngoài bán thỏ thịt, gia đình anh Dư còn cung cấp thỏ con và thỏ cái đã mang thai với giá lần lượt 130.000 đồng/cặp thỏ con 01 tháng tuổi và 140.000 đồng/kg thỏ cái đã mang thai cho những ai có nhu cầu nuôi. Để khuyến khích bà con quanh vùng nuôi thỏ, ngoài việc tư vấn kỹ thuật cho người mua, đổi con giống không đạt yêu cầu, gia đình anh còn nhận bao tiêu sản phẩm cho người nuôi mua giống của gia đình.

Anh Dư chia sẻ kinh nghiệm nuôi thỏ với khách

Chưa dừng lại ở đây, trong quá trình nuôi, nhận thấy phân thỏ thải ra khá nhiều, ảnh hưởng đến môi trường, anh nảy ra ý định dùng vỏ cà phê rải bên dưới, vừa giảm mùi hôi, lại đỡ công dọn chuồng. Trung bình cứ 10 ngày anh mới dọn chuồng một lần. Lượng phân trộn với vỏ cà phê này được anh đem ủ với nấm Trichoderma, sau 3 tháng ủ, gia đình anh lại có phân hoai mục để bón cho diện tích vông đang trồng. Ngoài ra, hàng năm theo ước tính, gia đình anh có thể thu được hơn 1.000 bao phân, mỗi bao 25kg, với giá bán 35.000 đồng/bao, đã mang lại cho gia đình anh thu nhập thêm 35-40 triệu đồng.

Với nguồn thức ăn dư thừa (cám và bắp thỏ ăn còn dư) từ việc nuôi thỏ, anh tận dụng nuôi thêm hơn 200 con gà để tăng thêm thu nhập. Bên cạnh đó, anh cũng đang thử nghiệm nuôi trùn quế để tận dụng chất thải của thỏ. Nếu thành công sẽ mang lại thêm nguồn thu đáng kể cho gia đình anh. Từ việc tận dụng triệt để được tất cả các phế phụ phẩm từ nông trại, đã giúp cho gia đình anh vừa nâng cao được hiệu quả kinh tế, tăng thêm các nguồn thu nhập, vừa đảm bảo được vệ sinh môi trường.

Anh Nguyễn Thế Phong – Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Thuận khẳng định: Nuôi thỏ là một hướng đi mới, phù hợp điều kiện đất đai và thổ nhưỡng tại địa phương. Đây là một mô hình kinh tế có hiệu quả, trong thời gian tới, Hội sẽ chú trọng công tác tuyên truyền xuống tới từng người nông và nhân rộng mô hình nuôi thỏ ra trên địa bàn toàn xã Bảo Thuận để bà con học tập.

Văn Thọ - Xuân Duy

Bắc Giang: Phát triển gà đồi Yên Thế theo hướng an toàn sinh học

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Cũng như mọi miền quê, con gà đã gắn bó với người nông dân huyện Yên Thế (tỉnh Bắc Giang) từ thời xa xưa, nhưng hầu hết là chăn nuôi nhỏ lẻ, theo hướng tự phát. Phải đến năm 2006, xác định chăn nuôi gà thả đồi là một lợi thế, UBND huyện Yên Thế đã xác định xây dựng thương hiệu “gà đồi Yên Thế” để phát triển. Từ đó đến nay, thương hiệu này đã vang danh khắp cả nước bởi chất lượng thịt thơm ngon, lại đảm bảo an toàn sinh học. Chăn nuôi gà đồi đã và đang trở thành một nghề đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện.

Anh Đào Văn Tuấn, thôn Xuân Lan, xã Bố Hạ là một trong những hộ chăn nuôi gà vườn đồi theo hướng an toàn sinh học. Anh Tuấn cho biết, gia đình anh bắt đầu chăn nuôi gà tập trung từ năm 2008, đúng năm đó, dịch bệnh cúm gia cầm hoành hành, gần 1.000 con gà của gia đình anh chết vì dịch bệnh, khiến anh mất trắng. Không nản chí, với kinh nghiệm đúc rút được cùng với sự hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm của cán bộ thú y xã, anh tiếp tục vào đàn, năm sau đã thu hồi được vốn và bắt đầu có lãi. Từ đó đến nay, gia đình anh duy trì nuôi gối vụ, mỗi năm khoảng hơn 6.000 con gà, chủ yếu là giống Ri lai. Trung bình từ khi nuôi đến khi xuất bán gà thương phẩm là khoảng 4 tháng, khi đó trọng lượng gà đạt từ 2,2 - 2,7 kg/con. Với lợi thế đã có thương hiệu nên gà của gia đình anh đều được thương lái đến tận nhà thu mua cả đàn chứ không cần mang đi bán lẻ. Giá gà thời điểm hiện tại khoảng hơn 60.000 đồng/kg, trừ tất cả các chi phí, mỗi năm anh thu về cho gia đình trên 100 triệu đồng/năm.

Anh Đào Văn Tuấn chăm sóc đàn gà của gia đình

Để đảm bảo chăn nuôi gà an toàn sinh học, anh Tuấn lựa chọn những trung tâm, trang trại cung cấp giống có uy tín như Trung tâm Giống gia cầm Thụy Phương... bởi nhưng cơ sở này khi xuất bán con giống đều đã chọn lọc, tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Ngoài ra, chuồng trại chăn nuôi cũng phải đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Hàng năm, anh đều đăng kí tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi gà an toàn sinh học để về áp dụng vào thực tế chăn nuôi tại gia đình mình.

Kinh nghiệm hơn chục năm chăn nuôi, anh Tuấn cho biết thêm, muốn chăn nuôi gà thắng lợi, trước hết cần phải giữ được số lượng con, sau đó chú ý cho ăn, uống các loại thức ăn theo từng giai đoạn; trước khi xuất bán khoảng 1 tháng thì cho gà ăn thêm đỗ tương luộc để trọng lượng tăng nhanh lại không có chất tăng trọng, thịt thơm ngon.

Ông Thân Minh Sâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho biết, hiện toàn huyện Yên Thế duy trì từ 3,9 - 4,7 triệu con gà thương phẩm, cho giá trị mỗi năm khoảng 1.300 tỷ đồng. Để tiếp tục xây dựng thương hiệu gà đồi Yên Thế thì Huyện ủy, UBND huyện Yên Thế đã triển khai nhiều dự án, ban hành nhiều cơ chế theo từng giai đoạn cụ thể để phát triển thương hiệu. Song song với đó, huyện hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ xây dựng chuồng trại. Hàng năm, huyện đều tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại nhằm quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ để bà con yên tâm mở rộng quy mô chăn nuôi.

Nguyễn Khương - Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang

Gỡ khó cho hộ nuôi chồn hương

Nguồn tin: CTV Cà Mau

Thời gian qua, chồn hương chứng tỏ là vật nuôi phù hợp với vùng đất Cà Mau. Toàn tỉnh có hơn 100 hộ nuôi với tổng đàn khoảng 3.000 con, tập trung ở các huyện: U Minh, Ngọc Hiển. Tuy nhiên, đầu năm nay, Nghị định số 06/2019 của Chính phủ đã đưa chồn hương vào nhóm các loài động vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng, nhưng có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng, nếu không được quản lý chặt chẽ, hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Điều này khiến nhiều hộ nuôi chồn hương gặp khó khăn.

Theo đó, cơ sở nuôi cần được cấp mã số bởi Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, tức hạt kiểm lâm địa phương, thông qua cổng thông tin điện tử một cửa; chồn hương con sinh sản cũng cần phải được khai báo và cấp mã số; việc buôn bán chồn hương cũng cần có giấy phép và truy xuất nguồn gốc.

Tuy nhiên, để đến được với hạt kiểm lâm, hồ sơ của người dân phải được chuyển đi từ bộ phận một cửa. Câu chuyện nhiều thủ tục giấy tờ, thông qua nhiều cơ quan chuyên môn, chờ trả kết quả… đã làm nhiều hộ nuôi chồn hương tỏ ra ngao ngán.

Mới đây trong chuyến công tác tại huyện Ngọc Hiển, lãnh đạo tỉnh Cà Mau khi lắng nghe nguyện vọng của nhiều hộ nuôi chồn hương, đã chỉ đạo địa phương tìm cách đơn giản hóa, hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn khi thực hiện nghị định này, nhằm kịp thời hợp pháp hóa việc nuôi chồn hương, tạo điều kiện nhân rộng hiệu quả mô hình nuôi chồn trong tỉnh. Chính quyền địa phương tại một số vùng nuôi lớn cũng đã họp, lắng nghe ý kiến các hộ nuôi để có phương án cải thiện phù hợp.

Nghị định 06/2019 không có thông tư hướng dẫn, nên thời gian qua khi đưa vào thực thi còn gặp phải một số bất cập, khiến người chăn nuôi từ thuận lợi, bỗng gặp phải khó khăn.

Theo bà con, chồn hương rất dễ nuôi, sinh sản nhanh, đem lại lợi nhuận cao. Giá một cặp chồn con khoảng hơn 6 triệu đồng, giá chồn thịt nhiều năm nay cũng giữ mức từ 1,2 đến 1,4 triệu đồng/kg, và luôn được các nhà hàng lớn thu mua ổn định. Xuất bán mỗi đợt, người nuôi có thể thu nhập từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng./.

PV: Phạm Thư

Giảm chi phí nuôi trăn nhờ áp dụng đệm lót sinh học

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Hiện nay, giá trăn thương phẩm xuống thấp, khiến nhiều hộ bỏ nghề. Tuy nhiên, ở huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), nghề nuôi trăn vẫn phát triển ổn định nhờ người dân áp dụng đệm lót sinh học.

Trăn nuôi trên đệm lót sinh học ít bệnh, giảm được chi phí.

Trăn nuôi trên đệm lót sinh học có nhiều ưu điểm, như: hạn chế tối đa mùi hôi do phân trăn thải ra; trăn tăng trưởng đều, không bị bệnh, nên hạn chế được chi phí thuốc men. Bên cạnh đó, nuôi bằng đệm lót rất nhẹ công chăm sóc, không cần phải tắm cho trăn so với hình thức nuôi thông thường. Trung bình, để nuôi một con trăn con đến xuất bán mất thời gian khoảng 2,5 năm, đạt trọng lượng khoảng 35-40kg. Với giá bán hiện nay dao động từ 180.000-200.000 đồng/kg, giảm 100.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây 1 năm, trừ hết chi phí, người nuôi lãi trên 3 triệu đồng/con.

Ông Nguyễn Thế Tự, Phó phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Theo thống kê, toàn huyện Phụng Hiệp hiện có khoảng 68 hộ nuôi trăn, với tổng đàn hơn 3.000 con. Trong đó, khoảng 60% số hộ áp dụng nuôi trên đệm lót sinh học. Vật liệu để làm đệm lót trong nuôi trăn khá đơn giản, gồm: mạt cưa và men vi sinh. Chi phí để làm một đệm lót cho một chuồng trăn diện tích khoảng 1,5m2 chưa đến 30.000 đồng, sử dụng được từ 1,5-2 năm.

Tin, ảnh: QUỐC HƯNG

Dê tăng giá - thận trọng tăng đàn

Nguồn tin: Báo Bình Phước

“Thương lái lùng sục cả ngày lẫn đêm, mua cả dê lớn lẫn dê bé, đặc biệt dê càng nhỏ thì giá càng cao. Vài năm gần đây, giá dê hơi có nhiều biến động thất thường, tuy nhiên, mức giá cao nhất cũng chỉ khoảng 90-100 ngàn đồng/kg. Kinh nghiệm 10 năm trồng tiêu kết hợp nuôi dê chưa năm nào tôi thấy giá dê hơi tăng kỷ lục như năm nay” - ông Vi Văn Thân, người nuôi dê ở ấp Hiệp Hoàn A, xã Lộc Hiệp (Lộc Ninh) cho biết.

NÔNG DÂN PHẤN KHỞI

Bình Phước hiện có khoảng 17.000 ha hồ tiêu, trong đó hơn 2/3 được trồng bằng nọc sống, tạo điều kiện thuận lợi phát triển mô hình trồng tiêu kết hợp nuôi dê. Trước tình hình hồ tiêu liên tục rớt giá thì việc dê được giá đang trở thành “cứu cánh” giúp nông dân cải thiện thu nhập đáng kể.

Gia đình ông Vi Văn Thân đang trồng 2.000 nọc tiêu sống bằng cây keo, kết hợp nuôi 30-40 con dê. Để bổ sung thức ăn cho dê, ông tận dụng các khoảnh đất trống trồng thêm cỏ nên không phải sử dụng cám và phụ phẩm khác. Hằng năm, đàn dê còn cho lượng lớn phân hữu cơ phục vụ trồng cỏ và chăm sóc tiêu. Niềm vui của ông Thân và nhiều hộ nuôi dê ở xã Lộc Hiệp càng được nhân lên vì từ đầu năm đến nay, giá dê hơi bán tại chuồng lên tới 130 ngàn đồng/kg. Đặc biệt, dê có trọng lượng dưới 15kg được thương lái mua với giá cao hơn 5-10 ngàn đồng/kg so với dê lớn.

Tình trạng thu mua dê ồ ạt với giá cao kéo theo tổng đàn dê của tỉnh đang giảm đáng kể. Trong ảnh: Tổ hợp tác nuôi dê xã Đức Hạnh (Bù Gia Mập) đang giúp hội viên hỗ trợ vay vốn và tìm đầu ra ổn định trong chăn nuôi

Vừa xuất bán 4 con dê, mỗi con từ 20-25kg với giá 125-130 ngàn đồng/kg, tăng 25-30 ngàn đồng/kg so cuối năm ngoái nên ông Thân rất phấn khởi. Hiện đàn dê nhà ông còn 40 con, ngày nào cũng có thương lái đến hỏi 3-4 lần, nhưng ông không bán vì theo nhận định của bản thân, cứ đà này, giá dê sẽ còn tăng.

Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hiệp cho biết: Nhờ tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ là lá cây tự nhiên, cành lá từ nọc tiêu sống và các phụ phẩm nông nghiệp nên nuôi dê ít tốn kém và không cần nhiều công chăm sóc. Trên địa bàn xã hiện có khoảng 70% dân số nuôi dê, bình quân mỗi hộ nuôi 15-20 con. Chất lượng thịt dê của xã được đánh giá cao bởi sự thơm ngon, nhiều nạc và chắc thịt nên thương lái khắp nơi tìm về mua, nông dân tăng thu nhập bù vào giá điều, tiêu xuống thấp.

Đức Hạnh là xã có tổng đàn dê lớn của huyện Bù Gia Mập. Các hộ liên kết với nhau thành lập tổ hợp tác nuôi dê số lượng từ 30-100 con/hộ để ổn định đầu ra. Trước đây, hộ ông Phan Văn Thanh Hoàng ở thôn 19/5, xã Đức Hạnh từng nuôi bò nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2015, ông chuyển sang nuôi dê vì thị trường đang rất ưa chuộng loại thực phẩm này. Đầu tư chuồng trại chăn nuôi bài bản, từ 5 cặp dê giống, đến nay ông đã phát triển đàn lên gần 100 con do nguồn thức ăn dễ kiếm, vốn đầu tư không cao, dê ít bị bệnh, khí hậu thích hợp, quay vòng vốn nhanh. Dê thịt được thương lái đến tận chuồng mua với giá cao nên mỗi lứa xuất bán ông Hoàng thu về 50-60 triệu đồng. Ngoài bán dê thịt, ông còn có thêm nguồn thu từ bán dê giống. Từ đầu năm đến nay, nhu cầu mua dê giống của người dân tăng nên giá cũng tăng theo, hiện giá dê đực giống 200 ngàn đồng/kg, dê cái giống 150 ngàn đồng/kg.

CẨN TRỌNG TĂNG ĐÀN

Ông Vi Văn Thạch ở ấp Hiệp Hoàn A, xã Lộc Hiệp cho biết: “Tôi nghe các thương lái kháo nhau thu mua dê bán cho các đầu nậu ở tỉnh Đồng Nai. Họ thu gom dê nhỏ từ 7-15kg/con và dê trong thời kỳ sinh sản đưa đến các trại tập trung để thúc cám tăng trọng cho nhanh lớn; còn dê đực già, ốm yếu, dê cái đẻ nhiều lứa thì bán cho thương lái Trung Quốc”. Tình trạng thu mua dê ồ ạt với giá cao kéo theo tổng đàn dê của tỉnh đang giảm đáng kể, dẫn đến thiếu nguồn cung. Đây cũng là một trong những lý do khiến thương lái cạnh tranh đẩy giá dê tăng cao.

Dê tăng giá nên mỗi lần xuất bán, hộ ông Phan Văn Thanh Hoàng ở thôn 19/5, xã Đức Hạnh (Bù Gia Mập) thu về 50-60 triệu đồng

Bà Nông Thị Lệ, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi dê xã Tân Thành (Bù Đốp) cho biết: Ngoài các thương lái địa phương mua dê cung cấp cho thị trường Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh... còn nhiều thương lái từ các tỉnh phía Bắc vào Bình Phước thu gom dê với số lượng lớn. Sức mua lớn khiến giá dê không ngừng tăng. Tình trạng thương lái gom hàng ồ ạt, gom hết các loại dê sẽ khiến đàn dê trong huyện giảm mạnh. Từ đó có thể dẫn đến việc người dân đổ xô vào đầu tư khiến giá dê giống tăng cao. Vì vậy, người chăn nuôi cần tỉnh táo trong đầu tư và cân nhắc thời điểm xuất bán dê cho phù hợp.

Hiện nay, rất nhiều hộ chăn nuôi chạy theo thị trường, khi thấy hút hàng thì đầu tư đến khi giá rớt lại bán đổ bán tháo, hậu quả là lỗ nặng. Vì vậy, người chăn nuôi cần chủ động nguồn thức ăn dự trữ cho dê trong mùa khô, nuôi dê đến khi đủ trọng lượng mới bán, như vậy không lo bị ép giá. Bên cạnh đó, nông dân cũng cần tỉnh táo vì cơn sốt giá này chỉ có tính nhất thời, phải thận trọng khi tăng đàn để không rơi vào “bẫy” cung vượt cầu của các thương lái mà hậu quả vẫn là người chăn nuôi phải gánh chịu.

Ngân Hà

Gia súc lớn sẽ là ‘hướng mở’ mới cho ngành chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều ngành sản xuất, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến khá phức tạp thì chăn nuôi gia súc ăn cỏ có thể là một “cứu cánh.

Chăn nuôi gia súc có thể là một “cứu cánh”

Ngày 15/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), tổng đàn gia súc ăn cỏ của cả nước khoảng 2,4 triệu con, trong đó, các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc tổng đàn lớn nhất, xấp xỉ 1,4 triệu con. Trong 3 năm qua, tổng đàn trâu của cả nước giảm nhẹ 1,89%, tổng đàn bò tăng trung bình 2,75%. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của đàn bò lai là 4,27%/năm; tốc độ tăng trưởng sản lượng thịt bò là 4,11%/năm.

Đối với đàn bò sữa, tốc độ tăng trưởng đạt 2,09%/năm. Ước tính, năng suất sữa trung bình của đàn bò vắt sữa trong cả nước năm 2018 đạt trên 5.000kg/con/năm, đây là mức khá cao. Đặc biệt, tại một số trang trại áp dụng công nghệ cao của Vinamilk, TH True milk, Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu năng suất sữa trung bình/con/ngày của đàn bò sữa đạt 26,1 - 28 kg/con.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều ngành sản xuất, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến khá phức tạp thì chăn nuôi gia súc ăn cỏ có thể là một “cứu cánh”, giúp cân bằng sản lượng thịt phục vụ cho người tiêu dùng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ vẫn chưa được khai thác đúng mức, bởi sản lượng thịt mới chiếm khoảng 8%, trong khi thịt lợn chiếm đến 70%, gà 20%. “Ngành chăn nuôi đang chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô lớn với sức sản xuất 5,5 triệu tấn thịt, 11 tỷ quả trứng, 1 triệu tấn sữa, đáp ứng nhu cầu cơ bản của 100 triệu dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn tồn tại nhiều nút thắt, đóng góp cho xuất khẩu còn thấp. Nếu không xuất khẩu thì lấy đâu ra động lực tái cơ cấu ngành, phân chia lợi nhuận bền vững cho chuỗi?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi.

Đáng lưu ý là, trong giai đoạn 2016-2018, giá trị kim ngạch xuất khẩu sữa và sản phẩm từ sữa liên tục tăng. Từ 84,47 triệu USD năm 2016 tăng lên 82,65 triệu USD năm 2017 và 129,68 triệu USD năm 2018. Trong 3 tháng đầu năm 2019, giá trị kim ngạch xuất khẩu sữa đạt 48,6 triệu USD.

Bộ trưởng cũng đặt ra yêu cầu sớm tái cơ cấu ngành chăn nuôi gia súc lớn, coi đó là một nhu cầu cấp thiết. Ngành chức năng, các địa phương cần chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô trang trại, công nghiệp, phù hợp với thực tế địa phương; quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với quy hoạch giết mổ và thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo thị trường và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm đến các thị trường tiềm năng. Tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường, trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm.

Chăn nuôi đang chuyển sang quy mô lớn với sức sản xuất 5,5 triệu tấn thịt/ năm - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Phát triển hơn nữa từ lợi thế

Được đánh giá là một ngành hàng có lợi thế nhưng đến nay, ngành chăn nuôi đại gia súc ăn cỏ ở Việt Nam phát triển chưa xứng với tiềm năng. Sản lượng thịt gia súc ăn cỏ sản xuất trong nước chỉ chiếm 8,6% tổng sản lượng thịt các loại. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ cần có những thay đổi căn bản để tận dụng được lợi thế này.

Theo TS.Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thông tin: “Thống kê cho thấy, năm 2018, sản lượng thịt gia súc ăn cỏ sản xuất trong nước chỉ chiếm 8,6% tổng sản lượng thịt các loại. Tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Việt Nam năm 2018 mới đạt 27 kg/người/năm, dự báo đến năm 2020, mức tiêu thụ sữa khoảng 28 kg/người/năm. Đáng chú ý, mức tiêu thụ thịt bò trung bình của người Việt Nam trong năm 2018 là 3,15 kg thịt xẻ/người/năm, thấp hơn mức trung bình của thế giới và một số nước trong khu vực như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU...”, ông Chinh nói.

Cũng theo ông Chinh, ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ đang từng bước chuyển dịch theo hướng trang trại, tập trung chuyên nghiệp và công nghiệp hơn, giúp quy mô đàn, năng suất và sản lượng sản phẩm gia súc ăn cỏ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian qua. Trong đó, tốc độ tăng về sản lượng của các sản phẩm luôn cao hơn tốc độ tăng quy mô đầu con, chứng tỏ năng suất chăn nuôi gia súc ăn cỏ ngày càng được cải thiện.

Phương thức chăn nuôi đã có những thay đổi tích cực, hình thành nhiều chuỗi liên kết có hiệu quả trong sản xuất, điển hình là các chuỗi liên kết trong chăn nuôi bò sữa hiện đang chiếm tỷ lệ liên kết gần 100% cao nhất trong khu vực sản xuất nông nghiệp hiện nay; từng bước hình thành ngành công nghiệp chăn nuôi và chế biến sữa hiện đại so với khu vực và thế giới”, ông Chinh cho biết thêm.

Tuy vậy, đại diện Cục Chăn nuôi cũng thừa nhận, chăn nuôi gia súc ăn cỏ vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, ảnh hưởng không nhỏ tới việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi và công tác kiểm soát dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Tình hình nhập lậu động vật sống đặc biệt là bò thịt và sản phẩm chăn nuôi từ nước ngoài qua đường bộ biên giới phía Tây, Tây Nam, phía Bắc… vào nước ta vẫn chưa được kiểm soát, dẫn đến dịch bệnh, ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước.

Đỗ Hương

Bình Thuận: Xây dựng chỉ dẫn địa lý gà Thiện Nghiệp

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Chăn nuôi đang là một trong những ngành thế mạnh, tạo thu nhập ổn định cho nông dân Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) những năm qua. Là nơi được xem là địa chỉ cung cấp heo giống có tiếng trong tỉnh, thì bà con rất nhạy bén trong phát triển đàn vật nuôi từ bồ câu, thỏ, gà.

Khâu vệ sinh chuồng trại luôn được anh Phụng chú ý, để đảm bảo sức khỏe và chất lượng thịt của đàn gia cầm.

“Gà Thiện Nghiệp được thả trong môi trường tự nhiên, thức ăn chủ yếu là bắp, rau xanh và các loại côn trùng nên rất ít dịch bệnh, thịt dai, chắc và có vị thơm hơn những giống gà được nuôi trồng ở vùng khác”. Anh Lý Thanh Phụng – Chủ nhiệm Hợp tác xã chăn nuôi gà thả vườn Thiện Nghiệp, mở đầu câu chuyện bằng giọng kể chắc nịch, đầy tự hào. Tận dụng đồi bãi, đất vườn rộng, hầu như gia đình nào ở xã Thiện Nghiệp cũng nuôi vài chục con gà. Ngoài cung cấp thêm thực phẩm cho gia đình thì họ còn có thêm thu nhập từ bán giống, gà thịt. Cụ thể, gà trống loại xuất chuồng có giá 90.000 đồng/kg, còn đối với gà mái được thương lái thu mua tại chỗ là 110.000 đồng/kg. Giá thu mua cao, giúp nhiều hộ nông dân phấn khởi. Gà Thiện Nghiệp chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn tại địa phương, khu vực Hàm Tiến – Mũi Né và một số cơ sở dịch vụ ăn uống, cưới hỏi ở nội thành Phan Thiết. Riêng tại Hợp tác xã chăn nuôi gà thả vườn Thiện Nghiệp, nuôi tập trung hơn 1.000 con/lứa (mỗi lứa 3 - 4 tháng sẽ xuất).

Anh Phụng khẳng định: Thịt gà là thực phẩm không thể thiếu trong mâm cỗ hay mỗi bữa tiệc, trong khi thị trường đang có nhiều tiềm năng thì việc xây dựng nhãn hiệu cho con nuôi đặc trưng của xã là điều cần thiết. Nhận thấy điều này, cả 8 thành viên ở thôn Thiện Bình, từng có thâm niên nuôi gà hơn 20 năm bàn bạc thống nhất thành lập hợp tác xã. Tổng số vốn đóng góp ban đầu hơn 300 triệu đồng. Hơn 1 năm đi vào hoạt động, nhận thấy việc chăn nuôi tập trung, thay vì phân tán nhỏ lẻ như trước đây sẽ thuận lợi hơn trong khâu kiểm soát dịch bệnh, cũng như tìm đầu ra. Thậm chí nhiều tháng, rất nhiều nơi đặt hàng nhưng hợp tác xã không đủ nguồn thực phẩm để cung ứng.

Hiện hợp tác xã đang tuyển chọn những con gà mái chất lượng và mua máy ấp trứng về để gia tăng đàn, vừa đảm bảo nguồn giống gà. Ngoài ra, cũng đã phối hợp làm các thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý gà Thiện Nghiệp và đang chờ Cục Sở hữu trí tuệ xem xét, cấp nhãn hiệu logo. Một khi các điều kiện trên hoàn thành sẽ góp phần khẳng định chất lượng của gà Thiện Nghiệp, đầu ra sản phẩm và giá trị kinh tế có thể cao hơn; đồng thời đảm bảo quyền, lợi ích cho người sản xuất và tiêu dùng…

“Những bước đi thành công đầu tiên của Hợp tác xã chăn nuôi gà thả vườn Thiện Nghiệp đã và đang chứng tỏ mô hình liên kết phát triển kinh tế tại nông thôn là đúng đắn. Từ đó khuyến khích người dân mạnh dạn tham gia vào hợp tác xã và chú trọng hơn về quy trình chăn nuôi an toàn sinh học để xây dựng và phát huy thương hiệu gà Thiện Nghiệp”, ông Trần Minh Quân – Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết.

THÙY LINH

Quảng Ngãi: Xã Tịnh Hiệp phát triển chăn nuôi trâu hàng hóa

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

So với các địa phương khác ở huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi) thì Tịnh Hiệp là địa phương có thế mạnh để bà con tập trung phát triển kinh tế từ chăn nuôi trâu. Hiện Tịnh Hiệp là xã có số lượng đàn trâu chiếm nhiều nhất huyện. Với lợi thế có đồng cỏ rộng, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, hàng chục năm qua, người dân xã Tịnh Hiệp đã đầu tư phát triển chăn nuôi trâu theo hướng hàng hóa.

Vào thời điểm sau khi thu hoạch lúa vụ Đông Xuân, mỗi buổi chiều cứ tầm khoảng 15 giờ, chị Phạm Thị Truyền ở xã Tịnh Hiệp đưa đàn trâu của gia đình ra cánh đồng Càng Cua để trâu ăn cỏ. Hơn 20 năm từ ngày lập gia đình đến nay, chị Truyền chủ yếu làm ruộng và nuôi trâu. Chị Truyền cho biết: Trung bình mỗi năm, chị nuôi từ 2-3 con trâu sinh sản. Trước đây, chị nuôi trâu chủ yếu để tận dụng sức kéo dùng vào việc cày cấy, lấy phân bón ruộng, giờ có cơ giới hóa nên chị chủ yếu nuôi trâu để tăng hiệu quả kinh tế. Nhờ chịu khó chăn thả, chăm sóc, trung bình mỗi năm nuôi từ 6 đến 7 tháng, 1 con trâu cái sinh sản cho ra đời 1 con bê, giá từ 12-13 triệu đồng/con. “Đầu ra của việc nuôi trâu rất thuận lợi, chỉ cần bán là sẽ có người tới mua ngay, người mua trâu chủ yếu ở địa phương, trong và ngoài tỉnh. Giá bán trâu luôn ổn định” chị Truyền tâm sự.

Chị Phạm Thị Truyền, ở xã Tịnh Hiệp thả trâu ra đồng ăn cỏ

Xã Tịnh Hiệp có nhiều đồng cỏ, là điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi trâu. Toàn xã hiện có trên 2.300 con trâu, nhiều nhất ở thôn Xuân Hòa (trên 500 con). Trước đây, người dân trong xã nuôi trâu chủ yếu cày kéo và lấy phân hữu cơ bón ruộng, hiện nay khâu làm đất trong sản xuất nông nghiệp cơ bản được cơ giới hóa, chăn nuôi theo kiểu cũ không còn phù hợp. Bởi vậy, bà con nông dân trong toàn xã chuyển mạnh sang chăn nuôi trâu hàng hóa, chăn nuôi theo phương thức này đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tính trung bình mỗi hộ nuôi từ 2-3 con trâu, có hộ nuôi từ 6-7 con. Bà Võ Thị Ánh, ở thôn Xuân Hòa đã có hơn 30 năm chăn nuôi trâu, trong chuồng lúc nào cũng nuôi từ 2- 3 con trâu. Nhờ nguồn thu nhập từ bán trâu, bà tích lũy để trang trải cuộc sống, nuôi các con ăn học và xây dựng nhà cửa. Bà Võ Thị Ánh vui vẻ chỉ tay về phía ngôi nhà khang trang của mình cho biết: “Tiền xây được ngôi nhà này cũng được tích lũy từ tiền bán trâu hàng năm, con cái ăn học cũng từ tiền bán trâu đấy”.

Đa số người dân xã Tịnh Hiệp phát triển chăn nuôi trâu, vì trâu có đặc tính dễ nuôi, dễ chăm sóc, tận dụng được nhiều công lao động trong gia đình, thức ăn cho trâu chủ yếu là cỏ và rơm rạ. Người nông dân chăn nuôi trâu ở xã Tịnh Hiệp đã áp dụng cách nuôi nhốt và chăn thả thích ứng với mùa vụ. Khi vào vụ thì trâu được nhốt chuồng, khi thu hoạch mùa vụ xong, từng đàn trâu được thả trên đồng. Bà con chủ yếu nuôi bán thịt và nuôi trâu sinh sản. Trung bình 1 năm, 1 con trâu sinh sản sinh 1 con nghé. Nghé đẹp, nhanh lớn, một năm xuất chuồng được 15 triệu đồng/con.

Để phát triển mạnh mẽ đàn trâu của địa phương theo hướng hàng hóa mang lại giá trị kinh tế nông nghiệp, xã Tịnh Hiệp đã và đang nỗ lực nâng tầm vóc và chất lượng đàn trâu. Ông Đỗ Xuân Hùng- Phó chủ tịch UBND xã Tịnh Hiệp cho biết: “Ở xã Tịnh Hiệp, kinh tế nông nghiệp giúp bà con đổi đời chủ yếu từ trồng keo và nuôi trâu. Nhà nào cũng có trâu. Chính nhờ nuôi trâu, cuộc sống của bà con ngày càng khấm khá hơn, hộ nghèo cũng giảm đáng kể. Địa phương đã và đang đề nghị huyện hỗ trợ nguồn tinh giống trâu Mura của Nhật Bản để nâng tầm vóc và chất lượng thịt của đàn trâu bản địa, giúp người chăn nuôi trâu ở địa phương có cơ hội phát triển kinh tế hơn”.

Hiện nay, nuôi trâu là hướng đi vững chắc cho việc thoát nghèo, vươn lên làm giàu của nông dân Tịnh Hiệp. Với lợi thế tự nhiên sẵn có, lại được Nhà nước và chính quyền địa phương khuyến khích đầu tư thì việc nuôi trâu hàng hóa ở xã Tịnh Hiệp sẽ tiếp tục được bà con đầu tư phát triển, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Thu Phượng- Kim Cúc - Đài Phát thanh – Truyền hình huyện Sơn Tịnh

Phát triển bền vững đàn chim yến

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Trong khuôn khổ Festival Biển 2019, ngày 11-5, hội thảo khoa học “Phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam” do Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa (Công ty Yến sào Khánh Hòa) tổ chức đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng.

Những biến động bất lợi

Theo kết quả điều tra, khảo sát hang đảo yến năm 2018 của Công ty Yến sào Khánh Hòa, vùng duyên hải Nam Trung bộ đang là khu vực có số lượng hang yến tự nhiên lớn nhất cả nước với 223 hang yến lớn nhỏ. Trong đó, Khánh Hòa có 173 hang yến, Bình Định 16 hang, Quảng Nam 9 hang, Quảng Ngãi 3 hang, Phú Yên 13 hang và Ninh Thuận 9 hang. Bên cạnh yến đảo, 10 năm trở lại đây, nghề nuôi yến trong nhà để lấy tổ với mục đích thương mại đã phát triển mạnh mẽ. Cả nước hiện có 42 tỉnh, thành phố hình thành và phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà với tổng số hơn 8.540 nhà yến, nhiều nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiếp đến là khu vực Đông Nam bộ, duyên hải miền Trung. Riêng khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên có 3.424 nhà yến. Đến cuối năm 2018, sản lượng yến sào của cả nước đạt khoảng 63.400kg.

Chim yến đảo thiên nhiên ở Khánh Hòa. (Ảnh do Công ty yến sào Khánh Hòa cung cấp)

Tuy nhiên, những năm gần đây, sự thay đổi khí hậu và nóng lên trên toàn cầu làm ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của chim yến. Sự suy giảm về diện tích rừng tự nhiên, sự gia tăng về quần đàn chim yến, cạnh tranh về thức ăn đã tác động đến sự di cư của quần thể chim yến. Bên cạnh đó, nạn săn bắt chim yến đang diễn ra tại một số tỉnh, thành như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên và gần đây xuất hiện ở Khánh Hòa, ảnh hưởng nguy cấp đến sự an toàn của quần thể chim yến, làm suy giảm nguồn tài nguyên yến sào của các địa phương.

Ông Nguyễn Anh Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa cho biết, 2 năm qua, biến đổi khí hậu, đặc biệt là các cơn bão lớn đã làm suy giảm đàn chim yến ở Khánh Hòa. Tình hình nhiệt độ tăng cao, tốc độ đô thị hóa cũng ảnh hưởng rất lớn đến điều kiện sinh sống của loài chim này. Do đó, việc nghiên cứu để đưa ra các giải pháp nhằm phát triển bền vững nghề nuôi chim yến là rất cần thiết.

PGS.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn - Trưởng khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng nhận định, hiện nay, bên cạnh yến đảo phát triển, yến nhà cũng phát triển, nguồn thức ăn chắc chắn bị cạnh tranh. Khi quần thể phát triển lớn sẽ không cân bằng với hệ sinh thái. Ngoài ra, trong một không gian mà quy hoạch sử dụng đất luôn thay đổi thì đàn chim yến phải dịch chuyển đến vùng khác để kiếm ăn. Như vậy, việc phát triển quần đàn chim yến nếu không quản lý sẽ gặp rủi ro từ các hoạt động quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, nơi có nghề nuôi yến phát triển.

Cần kết hợp nhiều giải pháp

Tiến sĩ Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay, kiến thức khoa học kỹ thuật phát triển không ngừng trong nghề nuôi chim yến. Một số doanh nghiệp áp dụng công nghệ như: kỹ thuật ấp nở nhân tạo trứng chim yến, nhân tạo chim yến, kỹ thuật sản xuất thức ăn, kỹ thuật dẫn dụ, di đàn, xây dựng nhà. Song, việc nuôi chim yến vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: chưa có quy định cụ thể về vị trí xây dựng mới cơ sở nuôi chim yến. Các địa phương đều nuôi tự phát là chính, dẫn đến việc quản lý dịch bệnh còn bất cập, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn sinh học và dịch bệnh cho đàn yến. Để đàn yến phát triển an toàn và bền vững, ông Trọng đề nghị cần công khai quy hoạch vùng nuôi chim yến trên địa bàn các tỉnh, thành phố; giám sát chặt chẽ tình hình nuôi chim yến trên địa bàn theo quy hoạch.

Ông Tào Anh Tuấn - nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa cho rằng, muốn phát triển đàn yến bền vững, cần đẩy mạnh công tác chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ kỹ thuật, nguồn nhân lực phục vụ phát triển nghề nuôi này. Đồng thời, ứng dụng các bí quyết kỹ thuật di chuyển đàn yến, tăng cường công tác bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu và chỉ dẫn xuất xứ của sản phẩm yến sào thiên nhiên.

Đối với yến đảo, nhiều ý kiến thừa nhận, hiện nay, hầu hết các hang yến đều bị ảnh hưởng khi có bão xảy ra, vì vậy cần thực hiện các giải pháp để bảo vệ an toàn cho đàn chim yến khi có thiên tai. Việc xây dựng hang trú đông trên đảo yến là giải pháp tối ưu để bảo vệ an toàn cho quần đàn chim yến. Bên cạnh đó, các giải pháp về ánh sáng, độ ẩm và áp dụng khoa học công nghệ cao cho việc phát triển đàn yến cũng cần được tính đến.

Ông Lê Hữu Hoàng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Yến sào Khánh Hòa cho biết, bên cạnh các giải pháp về khoa học kỹ thuật, thức ăn, môi trường sinh thái cho đảo yến, nhà yến, cần xác định rõ định hướng phát triển ngành nghề nuôi chim yến của quốc gia; các địa phương trong toàn quốc cùng phối hợp thực hiện trên cơ sở quy hoạch chặt chẽ; ưu tiên quy hoạch phát triển nuôi chim yến đảo tại các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận. Đồng thời, thực hiện quy hoạch phát triển thêm hang đảo yến mới tại Đà Nẵng, Bình Thuận. Theo ông Hoàng, thực tế tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến ở nước ta rất lớn. Vì vậy, cần khai thác tốt nhất lợi thế về tự nhiên, khả năng về kỹ thuật để phát triển nghề nuôi chim yến, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các địa phương.

Đình Lâm

Mô hình nuôi hươu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng của Phó Bí thư đoàn xã

Nguồn tin: Báo Ninh Bình

Anh Lương Văn Mong - Phó Bí Thư đoàn xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) - có "nghề tay trái" mỗi năm cho thu nhập hơn hai trăm triệu đồng. Anh là tấm gương tiêu biểu cho lớp thanh niên trẻ khởi nghiệp từ nghề nông.

Hươu đến thời kỳ thu hoạch nhung được anh Mong nhốt riêng để tránh tấn công lẫn nhau làm gãy nhung.

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, anh Mong vừa kể về quá trình trở thành triệu phú của mình. Như nhiều thanh niên xuất thân từ gia đình thuần nông, những công việc đồng áng hay chăn nuôi không mấy xa lạ với chàng thanh niên Lương Văn Mong. Tuy nhiên, Mong nhận thấy, nếu chỉ trồng mía, trồng sắn như những nông dân trong vùng thì sẽ chẳng thể giàu được. Trăn trở tìm một mô hình sản xuất mới, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, năm 2010, sau một thời gian đi tham quan, học hỏi tại một số trang trại, thấy mô hình nuôi hươu sao phù hợp, anh đầu tư mua hươu sao giống về nuôi.

“Mỗi lần đi đâu về, việc đầu tiên mình làm là ra trang trại để xem hươu hôm nay thế nào, có ăn hết khẩu phần không, có gì trấn động làm nó hoảng sợ không. Thực sự rất lo lắng, vì mọi vốn liếng đều đầu tư cho trang trại mà không biết kết quả như thế nào. May mắn là đàn hươu khỏe mạnh, không ốm đâu bệnh tật gì, sau 1 năm chăm sóc, anh đã có thể cắt nhung hươu bán” – Phó Bí thư đoàn xã Kỳ Phú nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp của mình.

Lương Văn Mong cho biết: Nuôi hươu tưởng khó nhưng lại rất nhàn, chăm 10 con hươu chỉ như nuôi 1 con bò bởi chúng ăn rất ít, thức ăn lại là các lá cây dại sẵn có trong vùng. Nếu trong chuồng có 20 con hươu thì mỗi ngày chỉ cần 2 giờ đồng hồ đi kiếm cỏ, lá về cho hươu ăn. Trừ những lúc hươu mọc nhung phải cho ăn thêm thức ăn bổ dưỡng hơn như quả chuối, ngô, cà rốt, sung, vả, quả mít…, thời gian còn lại chủ nuôi không phải mất chi phí thức ăn.

Có kinh nghiệm, có thu nhập từ nuôi hươu, được sự hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho vay vốn, anh Mong tiếp tục mạnh dạn mở rộng quy mô đàn hươu. Từ nuôi hươu lấy nhung, anh nuôi thêm hươu sinh sản, bán hươu giống. Hiện, gia đình anh nuôi 30 con hươu sao; sản phẩm nhung hươu luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Trung bình, 100g nhung hươu giá từ 2 đến 2,5 triệu đồng; hươu giống giá 15 triệu đồng/cặp, mỗi năm anh thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Dù thành công khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng với Lương Văn Mong, đây mới chỉ là những bước khởi đầu. Theo Mong, hiện nay, sản phẩm nhung hươu trong vùng mới chỉ tiêu thụ bằng hình thức thô chưa qua chế biến nhất là chế biến thành những bài thuốc có giá trị, vì vậy anh đang nghiên cứu để đưa nhung hươu vào chế biến gắn với việc xây dựng thương hiệu sản phẩm để không chỉ tiêu thụ trong nước mà có thể xuất ra nước ngoài. Ngoài ra, anh cũng đang triển khai trồng thêm một số cây ăn quả có giá trị như bưởi, mít, hồng xiêm… vừa để đa dạng hóa sản phẩm, tăng thu nhập vừa tận dụng lá của chúng làm thức ăn cho hươu.

Được biết, không chỉ là một chủ trang trại thành công, Lương Văn Mong còn đảm nhận vai trò một Phó Bí thư đoàn xã năng nổ, nhiệt tình, có khả năng vận động, tập hợp đoàn viên tích cực tham gia các phong trào, hoạt động đoàn tại cơ sở. Từ kinh nghiệm của bản thân, Mong đã trực tiếp truyền đạt kinh nghiệm của mình cho những thanh niên khác trong vùng cùng xây dựng, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy, hiện xã Kỳ Phú cũng có rất nhiều mô hình khởi nghiệp thanh niên thành công.

Hà Phương

Xem biến đổi khí hậu là động lực để nông nghiệp thay đổi

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp

Được dự báo là khu vực dễ bị tổn thương và chịu tác động trực tiếp nhất từ biến đổi khí hậu (BĐKH), hàng triệu nông dân của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện đứng ngồi không yên trước những diễn biến ngày một cực đoan hơn của thời tiết. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ lạc quan hơn thì BĐKH thật sự trở thành động lực mạnh mẽ để nông dân thay đổi tập quán canh tác của mình. Tại tỉnh Đồng Tháp đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH mà ở đó hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đóng vai trò then chốt.

Quản lý nước tưới tiêu thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh ở Hợp tác xã Thuận Tiến, huyện Cao Lãnh

Sống chung với BĐKH, khoa học kỹ thuật phải là nền tảng

Mới thoảng nhìn những cánh đồng trồng lúa ở HTX Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười; cánh đồng lúa của HTX Thuận Tiến, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh hay cánh đồng lúa của HTX Tiến Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp), nhiều người sẽ không thấy sự khác biệt rõ rệt so với những cánh đồng lúa khác ở khu vực miền Tây Nam bộ. Nếu có khác thì chính là việc áp dụng những tiến bộ về khoa học kỹ thuật (KHKT) trong sản xuất lúa mà các HTX này đang áp dụng.

Những năm qua, với việc triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành hàng lúa gạo của tỉnh có nhiều diễn biến khởi sắc. Việc sản xuất lúa của nông dân Đồng Tháp đang dần phát triển theo chiều sâu, vấn về đảm bảo chất lượng đầu ra, giảm giá thành sản xuất đang được nhiều nông dân, HTX nhiệt tình hưởng ứng.

Đó là những giải pháp kỹ thuật mới như: mô hình tưới tiết kiệm ngập khô xen kẽ giúp tiết kiệm nước và kiểm soát tốt cỏ dại ở HTX Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười; giảm lượng khí phát thải nhà kính với mô hình sản xuất lúa giảm giá thành bằng cách bón phân vùi ở HTX An Phong, huyện Tháp Mười; nghiên cứu lai tạo các giống lúa mới kháng sâu bệnh, chống chịu hạn tốt nhằm giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở HTX giống Định An, huyện Lấp Vò; mô hình canh tác lúa lý tưởng ở HTX Thuận Tiến, huyện Cao Lãnh...

Và, hiện có rất nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đang áp dụng quy trình sản xuất hiện đại, sử dụng phân bón vi sinh, hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa và giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Nhờ áp dụng các tiến bộ KHKT mà chi phí sản xuất lúa tại các khu vực cánh đồng của tỉnh Đồng Tháp giảm khá nhiều so với những khu vực sản xuất bình thường.

Muốn là “đầu tàu”, HTX phải đột phá

Tại diễn đàn “Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp thích ứng với cơ chế thị trường, ứng phó với BĐKH vùng ĐBSCL” diễn ra trong tháng 4 vừa qua tại TP.Cao Lãnh, Phó Thủ tướng Chính Phủ Vương Đình Huệ và các chuyên gia cho rằng, nông nghiệp muốn thích ứng với BĐKH, nông dân có thể gắn bó bền lâu với nghề nông thì phải tham gia vào hoạt động của HTX nông nghiệp. Tuy nhiên để nông dân vượt qua những những thử thách cam go của “mẹ thiên nhiên”, HTX nông nghiệp phải thật sự có hướng đi đột phá.

HTX không ngừng tự đổi mới, khai thác mọi tiềm năng tổ chức lại sản xuất, kinh doanh theo hướng đa dạng và đa chức năng hoạt động, tổ chức mở rộng ngành nghề kinh doanh, hướng dẫn thành viên tiếp cận thị trường, chuyển giao tiến bộ KHKT - công nghệ, sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc... là những giải pháp sống còn mà HTX nông nghiệp cần hướng tới.

Với sự nhạy bén trong sản xuất và kinh doanh của nhiều HTX trên địa bàn tỉnh, hứa hẹn một nền nông nghiệp thay đổi tích cực ở tỉnh Đồng Tháp. Được biết đến là vùng màu trọng điểm của huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, vậy nhưng nhiều năm qua tình hình sản xuất hoa màu ở xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự thường rơi vào tình trạng bế tắc. Có thời điểm được mùa nhưng rau màu mất giá, có những lúc rau tăng giá nhưng lại mất mùa do thiên tai và dịch hại.

Để giải quyết hai điểm nghẽn lớn này, thời gian qua, HTX Sản xuất tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận đã thay đổi kỹ thuật sản xuất cũng như hình thức kinh doanh của mình. Với việc áp dụng nhà màng, nhà lưới trong sản xuất đã giúp HTX này nâng cao chất lượng rau. Đây còn là giải pháp giúp HTX ứng phó tốt với những diễn biến tiêu cực của thời tiết.

Mô hình “Cây xoài nhà tôi” giúp nhiều nhà vườn ở Hợp tác xã xoài Mỹ Xương tăng lợi nhuận kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích

Ông Dương Minh Sang - Giám đốc HTX sản xuất tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự chia sẻ: "Trong bối cảnh thời tiết và thị trường đang ngày càng diễn biến phức tạp thì tự đổi mới mình để thích ứng với tình hình mới là giải pháp sống còn. Những năm gần đây, thời tiết diễn biến rất cực đoan đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất rau màu của nhiều nông dân.

Để tiếp tục gắn bó với nghề, chúng tôi bắt đầu chuyển sang vận động nông dân mở rộng diện tích sản xuất rau trong nhà lưới, nhà kín theo tiêu chuẩn an toàn và VietGAP. Đây là giải pháp để thích ứng với BĐKH tốt hơn và cũng là lời cam kết của HTX với người tiêu dùng trong việc cung ứng thực phẩm an toàn - sạch”.

Đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng, mở rộng kênh tiêu thụ thông qua ứng dụng công nghệ thông tin như: mô hình cây xoài nhà tôi ở HTX xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh; mô hình ruộng nhà mình ở HTX Thuận Tiến, huyện Cao Lãnh; HTX Tiến Cường, huyện Tam Nông. Các HTX này đã và đang tận dụng sức mạnh của internet trong việc rút ngắn khoảng cách giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Thông qua các mô hình này, người nông dân có được giá trị tăng thêm nhiều hơn trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất. Đồng thời, đây còn là cách quảng bá hiệu quả hình ảnh nông sản của địa phương đối với người tiêu dùng.

Khẳng định vai trò của HTX nông nghiệp trong bối cảnh sản xuất mới, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, HTX là mắt xích quan trọng trong chuỗi ngành hàng. HTX là giải pháp duy nhất để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, làm chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, giúp người dân cùng nhau thay đổi phương thức sản xuất trong điều kiện BĐKH. Triết lý của HTX là lợi thế về quy mô, quy mô HTX càng lớn, thành viên càng nhiều sẽ giúp giảm giá thành do lợi thế mua chung, tăng khả năng thích ứng với thị trường và năng lực đàm phán nhờ bán chung.

Mỹ Lý

Tìm thị trường cho nông sản An Giang

Nguồn tin:  Báo An Giang

Liên tục những sự kiện kết nối giao thương, xúc tiến thị trường cho các mặt hàng nông sản chủ lực được tổ chức ở An Giang. Qua đó, giúp doanh nghiệp hoạch định chiến lược dài hơi cho hàng hóa xuất khẩu, đồng thời hợp tác đưa nông sản An Giang tiến vào thị trường lớn, ngày càng nâng cao chất lượng, thương hiệu và giá trị sản phẩm.

Cơ hội tiếp cận người tiêu dùng Trung Quốc

Tại lớp tập huấn “Xúc tiến thị trường Trung Quốc”, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang (ATIP) phối hợp Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc tổ chức, Phó Giám đốc ATIP Nguyễn Hồng Quang nhấn mạnh, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. “Thị trường Trung Quốc chiếm từ 40 - 70% đối với một số mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên thời gian qua, xuất khẩu tiểu ngạch vẫn còn cao (chiếm từ 60 - 70%), làm giảm giá trị nông sản và tiềm ẩn nhiều rủi ro” - ông Quang phân tích.

Các sản phẩm từ cá tra An Giang có cơ hội lớn ở thị trường Trung Quốc

Theo Phó Giám đốc ATIP, Trung Quốc được coi là thị trường lớn nhất thế giới với hơn 1,5 tỷ dân, doanh nghiệp Trung Quốc trải đều các nước. Trung Quốc không chỉ nhập khẩu hàng hóa về phân phối trong nước mà còn chế biến rồi bán cho các quốc gia khác. Từ năm 2018, Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu theo hướng ưu tiên đường chính ngạch như giảm thuế suất, không còn chênh lệnh giữa đường bộ và đường biển. Các mặt hàng lương thực, rau, củ, trái cây… nhập khẩu phải đáp ứng an toàn thực phẩm, các quy định về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch của Trung Quốc. “Trong các hình thức quảng bá sản phẩm, cách tiếp cận nhanh nhất và rẻ nhất với người tiêu dùng là tham gia hội chợ. Trung Quốc tổ chức rất nhiều hội chợ, có những hội chợ lớn thu hút 5.000 - 6.000 gian hàng. Việc trực tiếp tham gia hội chợ sẽ giúp doanh nghiệp hiểu được khuynh hướng tiêu dùng, yêu cầu của thị trường Trung Quốc. Dự kiến cuối tháng 9-2019, sẽ có gian hàng trưng bày sản phẩm An Giang tham gia hội chợ lớn tại TP. Nam Ninh (Trung Quốc). Đây là cơ hội để doanh nghiệp An Giang giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tiếp cận người tiêu dùng Trung Quốc” - ông Nguyễn Hồng Quang thông tin.

Kết nối thị trường

Chia sẻ với các doanh nghiệp An Giang tại lớp tập huấn “Xúc tiến thị trường Trung Quốc”, TS Đào Việt Anh (Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc) cho rằng, với mức thu nhập ngày càng tăng (GDP bình quân đầu người của Trung Quốc năm 2018 là 9.780USD), người tiêu dùng Trung Quốc đòi hỏi cao hơn về chất lượng hàng hóa. Chính phủ Trung Quốc có chính sách khuyến khích hàng hóa nhập khẩu, tổ chức nhiều hội chợ nhập khẩu lớn nhằm đáp ứng nhu cầu người dân. Trong đó các mặt hàng nông, thủy sản nhiệt đới của Việt Nam có cơ hội rất lớn tại thị trường này. Doanh nghiệp Việt Nam cũng hưởng lợi thế khi có đường biên giới trên bộ dài 1.406km giáp Trung Quốc, thuận lợi cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không, giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển. “32 tỉnh, thành phố của Trung Quốc đều có nhu cầu khác nhau đối với từng loại sản phẩm cụ thể. Mỗi địa phương của Trung Quốc với dân số lớn (từ vài chục triệu đến cả trăm triệu người) có thể coi là 1 thị trường riêng lẻ. Do vậy, mỗi doanh nghiệp có thể nghiên cứu sản phẩm, mẫu mã hàng hóa đáp ứng nhu cầu từng tỉnh, thành phố chứ không cần trải đều khắp Trung Quốc” - TS Đào Việt Anh lưu ý.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh cho biết, hiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có nhiều thuận lợi như: nhóm hàng nông, lâm, thủy sản được hưởng ưu đãi thuế quan nhập khẩu trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) với mức thuế cơ bản là 0%; Trung Quốc đang tăng cường, khuyến khích nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, đặc biệt có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh. TS Đào Việt Anh lưu ý, các doanh nghiệp khi giao dịch, kinh doanh tại thị trường Trung Quốc cần thông qua hệ thống các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến Thương mại tại Trung Quốc và Việt Nam để tìm kiếm các đối tác phù hợp, có uy tín tại Trung Quốc, cần xác minh năng lực của các doanh nghiệp Trung Quốc để hợp tác lâu dài, tránh rủi ro. “Mọi giao dịch với doanh nghiệp Trung Quốc phải thực hiện bằng hình thức hợp đồng theo thông lệ của thương mại quốc tế. Các điều khoản về giao dịch và giải quyết tranh chấp phải được thống nhất chặt chẽ, có tính ràng buộc cao, làm cơ sở pháp lý cho việc phân xử sau này. Các doanh nghiệp nên tìm hiểu các quy định xuất, nhập khẩu của Trung Quốc đối với các hàng hóa mà doanh nghiệp có kế hoạch hợp tác, giao dịch, nhất là những sản phẩm như: thực phẩm, nông sản, thủy sản... vì đây là những sản phẩm chịu sự kiểm soát, kiểm dịch chặt chẽ” - TS Đào Việt Anh nhắc nhở.

Chuyên gia này cho rằng, để chiếm lĩnh không chỉ thị trường Trung Quốc mà nhiều thị trường khác, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu, thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường, chính sách xuất, nhập khẩu, thị hiếu người tiêu dùng ở quốc gia nhập khẩu. “Riêng thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp cần tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ để tiếp cận trực tiếp với doanh nghiệp và người tiêu dùng Trung Quốc. Doanh nghiệp Việt Nam cần có nhân viên am hiểu tiếng Trung Quốc để thuận lợi trong giao dịch, đàm phán hợp đồng. Hiện ở Trung Quốc có khoảng 10.000 - 12.000 sinh viên Việt Nam theo học. Đây là nguồn nhân lực mà doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng để xúc tiến mạnh vào thị trường Trung Quốc theo đường chính thống” - TS Đào Việt Anh gợi ý.

Trong các mặt hàng nhập khẩu vào Trung Quốc, TS Đào Việt Anh đặc biệt ấn tượng với con cá tra - sản phẩm thế mạnh của An Giang. Đây được xem là sản phẩm chưa có đối thủ, được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng và điều kiện nhập khẩu cũng thuận tiện.

NGÔ CHUẨN

TPHCM sắp cấm nông sản chưa sơ chế nhập chợ

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng

Dự kiến cuối quý 3-2019, TPHCM sẽ không cho hàng nông sản chưa qua sơ chế nhập chợ.

Chiều 15-5, đoàn công tác liên ngành của TPHCM do bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương, làm trưởng đoàn đã làm việc với các sở, ngành của tỉnh Đắk Nông để triển khai các giải pháp thực hiện sơ chế tại nguồn đối với các mặt hàng nông sản nói chung, hàng rau củ quả nói riêng cung ứng cho thị trường TPHCM.

Tại đây, các bên đã phân tích, đánh giá và so sánh chi phí và lợi ích của việc sơ chế hàng hóa tại nguồn để tìm tiếng nói chung trong việc sản xuất và phân phối, từ đó đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ các đơn vị tham gia nhằm thực hiện chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường và quản lý rác thải trên địa bàn TPHCM, đồng thời thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Các bên đều thống nhất, việc thực hiện sơ chế, đóng gói hàng nông sản tại nguồn là vấn đề phải làm vì xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người tiêu dùng. Trong tương lai, tỉnh Đắk Nông sẽ tìm mọi giải pháp để thực hiện sơ chế, đóng gói tại nguồn nhằm cung ứng cho thị trường TP.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở Công thương TPHCM, sản lượng hàng nhập chợ bình quân hàng đêm hiện nay tại 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm của TPHCM là Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn ước đạt hơn 9.200 tấn/đêm. Tổng lượng rác bình quân hàng đêm tại 3 chợ ước đạt 240 tấn/ngày, trong đó ước tính lượng rác từ các hoạt động sơ chế nông sản chiếm gần 90%. Để xử lý hết toàn bộ lượng rác thải này, ban quản lý 3 chợ phải tốn chi phí bình quân khoảng 8,5 tỷ đồng/năm cho công tác thu gom, vệ sinh, tiêu độc khử trùng, vận chuyển và xử lý rác tại chợ.

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, trong năm 2018, TPHCM đã triển khai chủ trương sơ chế rau củ quả đến thương nhân ở 3 chợ đầu mối của TP, đồng thời làm việc với 2 tỉnh có nguồn cung lớn cho TPHCM là Lâm Đồng và Bến Tre. Nhờ thế, đến nay không còn thực hiện sơ chế trong nhà lồng chợ như trước đây, đồng thời lượng rác thải hữu cơ phát sinh từ hoạt động sơ chế mặt hàng rau củ quả giảm 10% - 60%. Dự kiến cuối quý 3-2019, TPHCM sẽ không cho hàng nông sản chưa qua sơ chế nhập chợ.

THÚY HẢI

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop