Tin nông nghiệp CN ngày 21 tháng 7 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp CN ngày 21 tháng 7 năm 2019

Trồng sen – hướng phát triển kinh tế hiệu quả

Nguồn tin: Báo Phú Thọ

Đầm sen rộng gần 20ha của gia đình ông Thau khu 6, xã Dị Nậu

Hiệu quả từ mô hình trồng sen mang lại giá trị thu nhập cao đã và đang khẳng định đây là một hướng phát triển kinh tế trong những năm trở lại đây ở xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Sen là giống cây dễ trồng, ít bị sâu bệnh, vốn đầu tư thấp, thích nghi tốt với những vùng đất trũng, ngập nước.

Gia đình ông Tạ Đình Thau ở khu 6 là một trong những người đầu tiên phát triển mô hình trồng sen ở Dị Nậu. Ông bắt đầu trồng sen từ năm 1998, với diện tích gần 20ha. Ông Thau chia sẻ: Sen là loại cây rất dễ trồng phù hợp với đồng trũng và ít tốn công chăm sóc, không phải phun thuốc trừ sâu mà giá bán sen hạt luôn cao và ổn định, thị trường tiêu thụ rộng. Thời điểm xuống giống sen là đầu tháng 2, đến tháng 3 sen bắt đầu ra hoa và cho thu hoạch gương cho đến tháng 8”. Trồng sen chi phí thấp mà năng suất cao hơn gấp nhiều lần trồng lúa. Ngoài ra, ông Thau còn cung cấp giống sen và hướng dẫn kỹ thuật trồng cho bà con ở nhiều địa phương. Theo ước tính với gần 20ha, sau mỗi vụ trồng, chăm sóc và thu hoạch, gia đình ông thu về hơn 1 tỷ đồng.

Bóc sen thời vụ đem lại thu nhập thêm cho nhiều lao động địa phương

Cũng giống ông Thau, năm 2000 gia đình ông Tạ Diên Mai ở khu 8 cũng đầu tư trồng hơn 14ha sen. Mỗi năm thu lãi gần 700 triệu đồng. Ông Mai cho biết: Đầm sen của gia đình tôi có nguồn thu chủ yếu từ hạt sen, giá hạt sen hiện nay trên thị trường tương đối ổn định, từ 30-40 nghìn đồng/kg, mỗi ngày trung bình thu hái được từ 70 – 100kg và được các lái buôn từ dưới Hà Nội lên thu mua hàng ngày”. Bên cạnh đó, vào mùa thu hái sen, gia đình ỗng tạo việc làm cho khoảng 20 – 30 người lao động thời vụ tại địa phương với thu nhập gần 10 triệu đồng/người/vụ.

Dị Nậu là xã có nhiều cánh đồng trũng, ao, hồ nên rất thuận lợi trong việc trồng sen, vì vậy trong thời gian qua, xã đã khuyến khích, tạo mọi điều kiện để bà con nông dân trên địa bàn đưa cây sen vào trồng kết hợp với nuôi cá nước ngọt cho hiệu quả kinh tế cao so với trồng lúa. Ông Tạ Công Hải – Chủ tịch Hội nông dân xã cho biết: Trồng sen là mô hình không mới, nhưng để khuyến khích người dân xã cũng đã phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn, cho bà con tham quan các mô hình trồng sen trên địa bàn. Tìm nguồn vốn vay cho hội viên có nhu cầu phát triển mô hình. Bên cạnh đó, về giống, kỹ thuật có thể học tập ngay tại các gia đình có nhiều năm kinh nghiệm. Chủ yếu nguồn đầu ra cho các sản phẩm từ sen luôn ổn định giúp bà con yên tâm phát triển và nhân rộng.

Hạt sen là sản vật quý và bổ dưỡng

Cây sen đang là loại cây trồng rất phù hợp cho các vùng đất trũng kém hiệu quả tại nhiều địa phương, đồng thời mở ra hướng phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập từ cây trồng trên một đơn vị diện tích.

Mộc Lâm

Lạng Sơn: Chủ động chăm sóc cây trồng, vật nuôi mùa nắng nóng

Nguồn tin:  Báo Lạng Sơn

Những ngày qua, nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến trồng trọt, chăn nuôi. Để khắc phục khó khăn về thời tiết đó, nông dân trong tỉnh Lạng sơn đã và đang chủ động áp dụng các giải pháp để bảo vệ cây trồng, vật nuôi nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, nông dân trong toàn tỉnh đang tích cực thu hoạch cây trồng vụ xuân với diện tích lúa xuân ước khoảng 9.000 ha, ngô xuân ước khoảng 7.000 ha. Cùng với thu hoạch vụ xuân, một số nơi đã gieo cấy lúa mùa, hiện được khoảng 7.500 ha. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa rào đã ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ thu hoạch và thời vụ gieo cấy của bà con.

Người dân xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng bọc quả để hạn chế sâu bệnh mùa nắng nóng

Để đảm bảo hiệu quả mùa vụ, các cơ quan chuyên môn đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân cần tranh thủ thời tiết thuận lợi để khẩn trương thu hoạch lúa, ngô, hoa màu vụ xuân theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để tránh tổn thất do mưa, bão. Sau thu hoạch phải bảo quản nơi thoáng mát. Đối với các cây rau màu, nhất là cây mới trồng phải đảm bảo đủ nước tưới. Đồng thời, căn cứ vào thời điểm trồng mới, bà con nên lựa chọn các loại giống có khả năng chịu nắng nóng kéo dài. Đối với các loại cây ăn quả, cần tiến hành bọc quả để tránh rám vỏ và hạn chế sâu bệnh….

Bà Hoàng Thị Hằng, Phó Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp và Dịch vụ Nà Chuông cho biết: Thời điểm này, các thành viên của hợp tác xã đang tích cực thu hoạch rau, màu vụ xuân, kết hợp thu lúa xuân để cấy lúa mùa. Để tránh nắng nóng và bảo đảm thời vụ, tôi và các thành viên hợp tác xã thường ra đồng từ 4 đến 10 giờ sáng, buổi chiều từ 15 đến 19 giờ. Với những diện tích đã gieo trồng, chúng tôi thường xuyên kiểm tra để nắm tình hình. Đồng thời, áp dụng bón thúc phân cân đối, kịp thời sau gieo, cấy để cây sinh trưởng và phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu hạn và sâu bệnh.

Cùng với bảo vệ cây trồng trong những ngày nắng nóng, người chăn nuôi trong tỉnh đang tích cực thực hiện các giải pháp bảo vệ đàn vật nuôi như: giảm mật độ nuôi; tăng cường che chắn, làm mát chuồng nuôi; tiêm phòng để hạn chế dịch bệnh…

Ông Hoàng Văn Hoàn, thôn Hang Nà, xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan cho biết: Gia đình tôi hiện nuôi 5 con trâu và hơn 100 con gia cầm. Mùa nắng nóng hiện nay, được cán bộ thú y của xã hướng dẫn tôi chủ động phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại; tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi. Với đàn gia cầm, hằng ngày, tôi pha điện giải hòa với nước cho uống. Còn đối với gia súc tôi pha dinh dưỡng, vitamin trợ sức hòa cùng nước muối loãng để tăng cường sức đề kháng, phòng bệnh, đồng thời kích thích ăn ngon…

Theo thống kê, hiện tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh ước khoảng 124 nghìn con; đàn lợn còn khoảng 89.000 con và đàn gia cầm ước trên 4,1 triệu con…Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, trong thời điểm nắng nóng, người chăn nuôi cần chú trọng các biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm. Trong đó, cần chú ý mật độ nuôi vừa phải; chăn thả sáng sớm và chiều mát; cho vật nuôi ăn các thức ăn sạch, dễ tiêu, đầy đủ chất dinh dưỡng… Cho vật nuôi uống nước sạch, có bổ sung thêm các loại vitamin tổng hợp, chất điện giải để tăng sức đề kháng. Đối với gia súc, cần tăng cường thức ăn thô xanh trong khẩu phần ăn; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thu gom, xử lý chất thải…

Bà Phạm Thị Nga, Phó Trưởng phòng Thủy sản Kỹ thuật tổng hợp, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết: Bước vào mùa nắng nóng, nhiệt độ cao khiến cho cây trồng, vật nuôi giảm sức đề kháng, dễ phát sinh dịch bệnh.Vì vậy, các nông hộ cần chú ý theo dõi diễn biến của thời tiết, quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, sự phát sinh của các loại sâu bệnh gây hại để áp dụng các biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây trồng hợp lý; đảm bảo đủ nước tưới cho cây trồng mùa nắng nóng. Bên cạnh đó, đối với đàn vật nuôi cần chú ý một số bệnh đường ruột, hô hấp; chú ý tiêm phòng, đồng thời, cần thường xuyên theo dõi, phát hiện sớm dịch bệnh nguy hiểm để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để mầm bệnh lây lan…

NGUYỄN PHƯƠNG

Phú Thọ: Cẩm Khê chống nóng bảo vệ đàn vật nuôi

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Hiện nay đang mùa hè, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh có thể bùng phát trên diện rộng, gây thiệt hại về kinh tế cho bà con nông dân.

Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn đang tăng cường chỉ đạo các hộ chăn nuôi chủ động triển khai nhiều biện pháp chống nắng nóng bảo vệ đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Là hộ chăn nuôi lâu năm ở xã Tam Sơn, gia đình chị Nguyễn Thị Doanh cùng với 7 thành viên trong HTX chăn nuôi Phương Nam luôn ưu tiên bảo vệ an toàn đàn vật nuôi lên hàng đầu.

Trang trại chăn nuôi của chị Nguyễn Thị Doanh xã Tam Sơn thực hiện chống nóng cho đàn vật nuôi.

Hầu hết các trang trại trong HTX được đầu tư bài bản, khép kín và lắp đặt sẵn hệ thống làm mát, quạt thông gió, giàn tưới nước, nên khi nắng nóng, các chuồng nuôi hơn 10.000 con gà và hàng trăm con lợn cùng với hơn 2 mẫu ao cá của chị đều không bị chết do nắng nóng.

Chị cho biết: “Như trang trại chúng tôi, tất cả chuồng gà, lợn có giàn tưới nước chống nóng. Ngoài ra trồng cây để che bóng cho gà, lợn”.

Cũng như chị Doanh, trang trại chăn nuôi với quy mô lớn của anh Phan Minh Hồng, HTX Bồ câu Quốc Anh có hơn 10.000 cặp chim bồ câu Pháp bố mẹ và chim thương phẩm; hệ thống chuồng trại xây dựng khép kín rộng 900m2. Để chống nóng, anh đầu tư thêm máy phát điện dự phòng những hôm mất điện. Ngoài ra, thực hiện các biện pháp chống nóng khác, như thay đổi khẩu phần ăn cho đàn chim, thường xuyên bổ sung các vitamin, chất điện giải, canxi, để tăng sức đề kháng.

Anh Phan Minh Hồng, Giám đốc HTX Bồ câu Quốc Anh xã Thụy Liễu cho biết thêm: “Đối với con chim bồ câu và các con gia cầm khác, mùa hè sử dụng các nhà trên lợp tôn xốp, trời quá nắng nóng đối với các hộ lợp proximang phải dùng tấm cách nhiệt hoặc làm hệ thống giàn phun nước để con vật đỡ nóng”.

Không chỉ ở các trang trại lớn, ở các hộ dân chăn nuôi không tập trung, bà con đều đã tích cực thực hiện các biện pháp chống nóng cho đàn vật nuôi. Theo đó, các hộ cần đảm bảo chuồng trại cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, thích hợp với từng đối tượng vật nuôi; phủ lá, rơm, trồng cây dây leo lên mái chuồng trại để chống nóng trực tiếp. Những ngày nắng nóng cần phun nước lên mái, phun sương trong chuồng nuôi và bố trí đủ quạt điện để làm mát, tránh tăng độ ẩm trong chuồng nuôi; tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi trong phòng chống dịch bệnh.

Đồng thời, tăng cường chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với cán bộ thú y cơ sở hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật chăm sóc bổ sung thêm rau xanh, nước uống và các loại vitamin A, D, Becomlech... tăng sức đề kháng cho đàn vật trong những ngày nắng nóng.

MẠNH THUẦN

Thái Bình: Khẩn trương đối phó với dịch cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm

Nguồn tin: Báo Thái Bình

Từ cuối tháng 6/2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ổ dịch cúm A/H5N6 tại xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy và xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Trước diễn biến của tình hình dịch bệnh và nguy cơ lây lan, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đang quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống không để dịch bùng phát.

Lực lượng thú y viên phun hóa chất tiêu độc, khử trùng trong và ngoài khu vực chăn nuôi.

Ổ dịch cúm gia cầm đầu tiên phát sinh tại gia đình ông Nguyễn Đức Thuần, thôn Lưu Đồn, xã Thụy Hồng (Thái Thụy).

Ông Thuần cho biết: Đàn vịt nhà tôi có trên 700 con. Ngày 23/6, nhiều con vịt trong đàn ốm, bỏ ăn và chết không rõ nguyên nhân. Tôi nhanh chóng báo cho chính quyền địa phương và được cán bộ thú y đến lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời tiêu hủy ngay những con vịt ốm, chết theo quy định. Sau khi có kết quả xét nghiệm vịt chết do dương tính với cúm A/H5N6, gia đình tôi chấp hành việc tiêu hủy toàn bộ đàn vịt còn lại và thực hiện các biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi.

Cũng vào đầu tháng 7/2019, trên địa bàn huyện Kiến Xương phát hiện ổ dịch cúm A/H5N6 tại hai hộ chăn nuôi của xã Bình Minh và phải tiêu hủy 2.714 con gia cầm. UBND huyện Kiến Xương đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan phối hợp với địa phương phát sinh ổ dịch tổ chức tiêu hủy ngay đàn gia cầm, thực hiện nghiêm các biện pháp xử lý dịch theo quy định, trong đó tập trung khoanh vùng ổ dịch, thực hiện tiêu độc, khử trùng, tiêm phòng bổ sung vắc-xin cho đàn gia cầm; tăng cường giám sát và lấy mẫu xét nghiệm vi rút cúm trên đàn gia cầm tại các khu vực có nguy cơ cao; thành lập các chốt kiểm dịch động vật để kiểm soát các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn. Các địa phương trên địa bàn huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân về tác hại và sự nguy hiểm của dịch cúm gia cầm; hướng dẫn thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng, chống dịch cúm gia cầm, hạn chế chăn nuôi thả đồng; khi xuất hiện gia cầm chết bất thường chưa rõ nguyên nhân thì các hộ chăn nuôi phải kịp thời báo với chính quyền địa phương xử lý theo quy định.

Hiện nay, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh khoảng trên 13 triệu con. Thời gian qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, nhiều hộ chuyển sang chăn nuôi gia cầm thay thế chăn nuôi lợn khiến cho đàn gia cầm tăng mạnh.

Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để chủ động phòng bệnh và kịp thời phát hiện, xử lý, khống chế sự bùng phát của dịch cúm gia cầm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản yêu cầu các huyện, thành phố tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm, phát hiện sớm, xử lý dịch kịp thời ngay khi mới phát sinh trong diện hẹp. Thực hiện nghiêm túc quy định về khai báo dịch bệnh khi có gia cầm ốm, chết; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân giấu dịch, bán chạy làm lây lan dịch bệnh. Tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm tại các vùng có nguy cơ cao như chợ, bến, bãi, các điểm thu mua, tập kết, vận chuyển gia cầm; hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi. Tổ chức ngay việc tiêm phòng vắc-xin cúm cho đàn gia cầm tại các địa phương; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tăng cường quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đàn gia cầm. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc vận chuyển, kinh doanh, buôn bán gia cầm tại các chợ, cơ sở ấp nở, nuôi úm gia cầm giống, bến phà, đò, cầu, nơi giáp ranh với các tỉnh; phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về kiểm dịch, phòng, chống dịch bệnh trong kinh doanh, vận chuyển gia cầm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bệnh cúm gia cầm và thực hiện nghiêm túc “5 không” trong phòng, chống dịch cúm gia cầm; thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y phát biểu: Các địa phương phát sinh dịch cúm cần thực hiện nghiêm các biện pháp xử lý ổ dịch theo phụ lục số 09 về hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm (ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn). Trong đó, thực hiện ngay việc tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh; tiêm phòng khẩn cấp cho gia cầm khỏe mạnh tại các nơi xảy ra dịch; thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; tăng cường quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đàn gia cầm; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi để hạn chế mầm bệnh phát sinh.

Bà Bùi Thị Minh Thành, Phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Kiến Xương cho biết: Sau khi phát hiện ổ dịch cúm gia cầm trên địa bàn xã Bình Minh, lực lượng chuyên môn của huyện, xã đã phối hợp tiêu hủy toàn bộ số gia cầm theo quy định; tiến hành thống kê, rà soát tổng đàn gia cầm, tăng cường công tác giám sát để kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch. Địa phương đã sử dụng 76 lít hóa chất và 1.650kg vôi bột để thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi của hộ có gia cầm mắc bệnh, thôn có dịch và trên địa bàn xã; tiến hành tiêm phòng bao vây ổ dịch để khống chế, tránh lây lan dịch với tổng số vắc-xin đã sử dụng là 3.000 liều.

Ông Đặng Văn Tuyệt, thôn Nguyên Kinh 2, xã Minh Hưng (Kiến Xương) cho biết: Bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra khiến kinh tế của gia đình tôi thiệt hại rất lớn khi phải tiêu hủy đàn lợn hơn 40 con. Tôi thiết kế lại chuồng trại chuyển sang chăn nuôi gia cầm với hơn 3.000 con ngan, gà, vịt. Dịch cúm gia cầm phát sinh khiến tôi rất lo lắng, để bảo vệ đàn gia cầm tôi đã tiến hành tiêm phòng bổ sung vắc-xin cúm, chú trọng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho gia cầm, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi đồng thời quản lý việc nuôi nhốt, không thả vịt ra đồng.

Thanh Huyền

Vĩnh Phúc: Phát triển nghề nuôi rắn ở Bạch Lưu

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phú

Được hình thành và phát triển cách đây hơn 20 năm, với sự năng động, linh hoạt của người dân, nhiều gia đình ở xã Bạch Lưu (Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) đã đầu tư xây dựng chuồng trại ấp trứng rắn, từng bước chủ động nguồn giống phục vụ nhu cầu chăn nuôi của người dân trên địa bàn.

Anh Vũ Văn Kiên, thôn Hồng Sen, xã Bạch Lưu đầu tư xây dựng chuồng ấp nở trứng rắn với quy mô vài nghìn con

Theo tìm hiểu, nghề nuôi rắn ở xã Bạch Lưu (Sông Lô) trước đây chỉ được coi là nghề phụ, người dân tranh thủ những lúc nông nhàn tăng gia sản xuất thêm thu nhập nên quy mô chăn nuôi chỉ từ vài chục đến vài trăm con rắn/hộ gia đình. Dần dần, do nhu cầu thị trường về nguồn rắn thương phẩm và trứng rắn tăng cao, giá bán rắn thương phẩm và trứng rắn cũng tăng mạnh, nhiều hộ gia đình đã đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi và nâng quy mô đàn rắn từ vài chục, vài trăm con lên đến vài nghìn con.

Là một trong những hộ chăn nuôi rắn với số lượng lớn tại thôn Hồng Sen, anh Vũ Văn Kiên cho biết: “Khởi nghiệp nuôi rắn từ năm 2006, thời gian đầu, tôi đến tận Móng Cái - Quảng Ninh, giáp ranh vùng biên giới để tìm mối tiêu thụ. Tuy nhiên, quá trình đi lại vất vả song cũng không hiệu quả, mấy năm trở lại đây, tôi chủ yếu nhập giống, thức ăn và bán rắn thương phẩm, trứng rắn cho các thương lái ở Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường)”.

So với các loài vật nuôi khác thì rắn là con vật dễ nuôi, ít dịch bệnh, không tốn thời gian, nhân lực chăm sóc và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Để rắn sinh trưởng và phát triển tốt, hệ thống chuồng nuôi phải đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông. Hiện nay, với hơn 400m2 chuồng trại, gia đình anh Kiên đang nuôi trên 1.000 con rắn thương phẩm và rắn bố mẹ. Trung bình mỗi năm, anh cung cấp ra thị trường vài nghìn trứng rắn và hàng chục tấn rắn thương phẩm, thu lãi 300 - 400 triệu đồng/năm.

Nhờ mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ trong xã đã học cách làm theo, từ đó,nghề nuôi rắn phát triển nở rộ, tập trung nhiều ở 2 thôn Hùng Mạnh và Xóm Làng. Với gần 10 năm nuôi rắn bố mẹ, bà Vũ Thị Hồi, thôn Xóm Làng cho biết: “Năm 2008, thấy các hộ trong thôn nuôi rắn hiệu quả, tôi cũng mày mò học hỏi kinh nghiệm và bắt đầu nuôi thử vài chục con. Qua quá trình nuôi, nhận thấy chăm sóc rắn khá đơn giản, tranh thủ thời gian nông nhàn mà nâng cao thu nhập cho gia đình. Đến nay, gia đình đã phát triển đàn rắn lên gần 400 con rắn bố mẹ, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm.

Đánh giá về hiệu quả chăn nuôi rắn trên địa bàn, ông Trần Xuân Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Lưu cho biết: Chăn nuôi rắn là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả. Nhờ nuôi rắn mà nhiều hộ dân thoát nghèo, có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, sạch đẹp. Nếu như năm 2011, toàn xã có khoảng 90 hộ nuôi rắn thì đến nay, số hộ nuôi rắn đã lên tới hơn 200 hộ. Đặc biệt, năm 2015, thôn Hùng Mạnh được công nhận làng nghề và năm 2017, thôn Xóm Làng cũng được công nhận làng nghề như một động lực thúc đẩy người dân phát triển chăn nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Mấy năm trở lại đây, với sự năng động, linh hoạt của người dân, nhiều hộ chăn nuôi rắn trên địa bàn xã đã đầu tư xây dựng chuồng trại, đổi mới kỹ thuật chăm sóc để ấp nở trứng rắn, từng bước chủ động nguồn rắn giống phát triển chăn nuôi của gia đình và cung cấp cho người dân trên địa bàn.

Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả đem lại, hiện nay, người chăn nuôi rắn ở Bạch Lưu đang gặp một số khó khăn về đầu ra vì thị trường tiêu thụ bị động, không ổn định, giá rắn thương phẩm, trứng rắn lên xuống thất thường, lúc cao điểm hơn 1 triệu đồng/kg rắn thương phẩm, trứng rắn 80 nghìn đồng/quả, nhưng hiện nay rắn thương phẩm chỉ khoảng 500 nghìn đồng/kg, trứng rắn loại 1 khoảng 40.000 đồng/1 quả. Do đó, nhiều hộ chăn nuôi cũng đắn đo trong việc mở rộng quy mô, số lượng.

Để phát triển làng nghề, khẳng định chỗ đứng trên thị trường, thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục vận động người dân chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, mở các lớp tập huấn về kiến thức nuôi rắn cũng như các mô hình cây, con khác. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng mong các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, có thêm các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân làng nghề nuôi rắn ở Bạch Lưu phát triển.

Bài, ảnh Hồng Tính

‘Gỡ khó’ cho chuỗi liên kết chăn nuôi

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng và phát triển chăn nuôi bền vững, Hà Nội đang đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi từ sản xuất đến tiêu thụ.

Là một trong những đơn vị tham gia chuỗi liên kết, Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ) Đặng Đình Tiên cho biết: Đến nay, công ty đã xây dựng được 8 trại chăn nuôi khép kín với quy mô 20.000 gà hậu bị, 25.000 gà đẻ. Công ty đã liên kết với 15 trại chăn nuôi vệ tinh của các hộ dân tại địa phương, tuy nhiên việc xây dựng chuỗi còn khó khăn do đầu ra cho sản phẩm hạn chế. Mặc dù công ty đã ký hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo trong cả nước, nhưng số lượng bán được rất ít nên đơn vị vẫn phải bán qua thương lái ở các chợ đầu mối. Một số hộ dân khi liên kết với công ty vẫn phá vỡ hợp đồng, bán trứng ra ngoài khi giá lên cao.

Còn ông Trần Đình Thành - Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì cho rằng, các hộ dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất theo đúng quy trình chăn nuôi an toàn, nhưng việc tiếp cận nguồn thông tin thị trường còn hạn chế, tiêu thụ sản phẩm vẫn qua thương lái nên hay bị ép giá…

Về khó khăn trong phát triển chuỗi liên kết trong chăn nuôi, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Hiện thành phố có 52 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, hằng ngày cung cấp cho thị trường 60 tấn thịt các loại, 300 nghìn quả trứng và 78 tấn sữa. Các chuỗi đã thu hút 3.000 hộ và 100 cơ sở bán hàng, doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, việc phát triển chuỗi còn lỏng lẻo do thiếu doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi, dẫn đến hàng hóa chưa đa dạng; thói quen sử dụng thịt mát, thịt cấp đông của nhiều người chưa cải thiện. Đặc biệt, cơ chế, chính sách chưa đủ sức khuyến khích, tạo động lực cho các thành phần, nhất là các doanh nghiệp tham gia xây dựng chuỗi. Trong đó có chính sách khuyến khích xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, giết mổ công nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Một số doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm và chia sẻ lợi ích với người chăn nuôi khiến mối liên kết chưa bền vững; sản xuất thiếu cân bằng, tiêu thụ sản phẩm bấp bênh...

Để tháo gỡ khó khăn cho các chuỗi liên kết chăn nuôi, theo ông Nguyễn Đình Tường, chủ chuỗi chăn nuôi lợn sinh học ở huyện Quốc Oai, các sở, ngành tham mưu cho thành phố tiếp tục có chính sách đặc thù hỗ trợ hợp tác xã, người dân xây dựng chuỗi nhằm khuyến khích kịp thời các chủ thể tham gia.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đông - Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn, khi phát triển chuỗi, rất cần doanh nghiệp có tiềm năng, có khả năng đầu tư lâu dài và sẵn sàng chia sẻ lợi ích với các hộ chăn nuôi. Các chuỗi khi xây dựng nên gắn với cơ sở giết mổ, sơ chế, đóng gói bảo đảm an toàn thực phẩm để truy xuất được nguồn gốc. Các ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm của các chuỗi.

Về lâu dài, để chuỗi liên kết chăn nuôi phát triển bền vững, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng đề nghị chính quyền địa phương lựa chọn những doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ chăn nuôi đủ điều kiện tham gia chuỗi liên kết và quản lý chặt chẽ nhằm bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất. Đồng thời, mở các lớp tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho người dân chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang khép kín với việc lựa chọn con giống, thức ăn, quy trình chăm sóc bảo đảm an toàn sinh học; chính quyền địa phương cần phát huy vai trò trung gian kết nối doanh nghiệp và người dân trong ký kết hợp đồng kinh tế, bảo đảm quyền lợi giữa các bên khi tham gia chuỗi.

NGỌC QUỲNH

Vĩnh Phúc: Hiệu quả lớp học IPM trên cây lúa

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc

Thực hành tốt các kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp; giảm chi phí đầu vào, giảm lượng hóa chất trên đồng ruộng, nhất là thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, đồng thời tăng năng suất, chất lượng nông sản, hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường… là những kết quả đạt được từ lớp học quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức.

Lớp học IPM thực hành trên cây lúa vụ Xuân 2019 tại xã Hoàng Đan (Tam Dương)

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai 7 lớp học tập huấn về IPM trên cây lúa tại 7 xã: Minh Quang (Tam Đảo), Vũ Di (Vĩnh Tường), Hoàng Đan (Tam Dương), Đồng Thịnh (Sông Lô), Văn Tiến (Yên Lạc), Cao Minh (thành phố Phúc Yên) và Đồng Tâm (thành phố Vĩnh Yên). Thời gian khóa tập huấn kéo dài cả một vụ sản xuất lúa với nội dung đào tạo kết hợp giữa lý thuyết và thực hành tại đồng ruộng theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây lúa.

Theo ông Trần Thế Bắc, xã Văn Tiến (Yên Lạc), trước đây, các lớp tập huấn chủ yếu được tổ chức tại hội trường, thời gian thực hành không có nhiều. Với lớp học IPM thì khác, đồng ruộng chính là lớp học, cây trồng và các yếu tố trong hệ sinh thái đồng ruộng như đối tượng sinh vật gây hại, sinh vật có ích liên quan tới cây trồng là công cụ học tập. Trước mỗi buổi học, giáo viên và học viên cùng quan sát, thu thập mẫu sâu bệnh hại trên ruộng thí nghiệm, sau đó học viên về lớp thảo luận theo từng tổ, nhóm về sinh trưởng của cây lúa, đất, nước, sinh vật gây hại, thiên địch và vẽ bức tranh hệ sinh thái ruộng lúa, đồng thời đưa ra các ý kiến để xử lý vấn đề liên quan. Sau đó, đại diện từng nhóm lên trình bày về các yếu tố ảnh hưởng đến cây lúa, phân tích tình trạng cây lúa ở từng thời điểm và đưa ra các biện pháp quản lý hiệu quả.

Qua đây, học viên vừa được nâng cao kiến thức chuyên môn vừa rèn luyện kỹ năng báo cáo, thuyết trình. Hơn nữa, tại lớp học này, chúng tôi được tìm hiểu sâu về cây lúa qua từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển, được trực tiếp bố trí thực hành trên đồng ruộng. Chính vì vậy mà kiến thức chuyên môn cũng như tay nghề của học viên được nâng cao rất nhiều.

Theo bà Trương Thị Sinh, xã Minh Quang (Tam Đảo), với phương pháp thảo luận nhóm và thực hành tại đồng ruộng nên chúng tôi nắm được những kỹ năng chuyên môn kỹ thuật từ khâu làm đất, gieo cấy, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại trên lúa trong từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển. Quan trọng hơn, chúng tôi được thực hành thực tế theo các phương pháp điều tra, phân tích hệ sinh thái đồng ruộng; ghi chép, thu thập mẫu sâu bệnh hại, thiên địch trên ruộng thực hành; thảo luận các vấn đề kỹ thuật trồng cây lúa như giai đoạn cây mạ, đẻ nhánh, ôm đòng, trỗ bông, phơi màu, chín sáp và giai đoạn chín hoàn toàn để đưa ra phương pháp giải quyết vấn đề một cách cụ thể và hiệu quả. Đặc biệt, chúng tôi còn trực tiếp thí nghiệm nuôi sâu cuốn lá nhỏ để theo dõi vòng đời, mức độ gây hại, tập tính của chúng… phục vụ công tác dự báo tình hình sâu bệnh và đề ra phương pháp phòng trừ, bảo vệ cây lúa một cách hiệu quả nhất.

Hiệu quả những lớp tập huấn IPM trên cây lúa được minh chứng bằng vụ xuân vừa qua. Qua kết quả theo dõi sinh trưởng, phát triển của mô hình IPM tại xã Văn Tiến (Yên Lạc) cho thấy: Do ruộng IPM cấy thưa, bón phân cân đối nên cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, thời gian đẻ nhánh, trỗ bông đều sớm hơn so với ruộng đối chứng và hạn chế tối đa bệnh khô vằn gây hại. Năng suất đạt gần 238 kg/sào, trong khi ruộng đối chứng chỉ đạt 216 kg/sào. Sau khi hạch toán cho hiệu quả kinh tế cao hơn 260 nghìn đồng/sào so với ruộng đối chứng, giúp nông dân nâng cao trình độ canh tác, kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế sâu bệnh và hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm an toàn, bảo vệ môi trường nông nghiệp.

Theo ông Phan Văn Trực, Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, với phương pháp “học đi đôi với hành” dưới sự hỗ trợ của giảng viên, học viên trực tiếp thực hành trên đồng ruộng, lớp học IPM đã phát huy tính sáng tạo, tự nghiên cứu đồng ruộng của nông dân, giúp các hộ nông dân nâng cao kiến thức trong việc nhận biết, phát hiện sâu bệnh và có biện pháp phòng trừ dịch hại trên cây lúa kịp thời, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả không ảnh hưởng đến môi trường; đồng thời trở thành “chuyên gia” hướng dẫn và chuyển giao kiến thức cho các hộ nông dân khác.

Ông Trực cho biết thêm: Thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh ứng dụng IPM trên cây lúa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiếp tục mở các lớp huấn luyện IPM trên các cây trồng khác; huấn luyện cho nông dân về IPM trên cây rau, cây ngô và cây ăn quả với mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 90% số xã, thị trấn sản xuất nông nghiệp có đội ngũ nông dân nòng cốt được trang bị kiến thức, kỹ năng để ứng dụng hiệu quả về IPM.

Bài, ảnh Lâm Hải

Bình Định: SRI ở Hoài Châu

Nguồn tin: Báo Bình Định

Vụ Hè Thu 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI tại xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định). Mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng năng suất lúa, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất.

Mô hình được triển khai thực hiện tại cánh đồng thôn Thành Sơn, với quy mô 30 ha, sử dụng giống lúa MT10, gồm 258 hộ nông dân tham gia. Với mô hình này nông dân sử dụng phương pháp “1 phải - 5 giảm - 3 tăng”. Theo đó, nông dân sẽ: Phải sử dụng giống xác nhận - Giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước và giảm thất thoát sau thu hoạch - Tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế.

Nông dân phấn khởi!

Qua tập huấn đầu vụ, khảo sát cho thấy 100% nông dân trong mô hình cho biết, trước đây, họ vẫn sạ từ 6 đến 7 kg thóc giống/sào, khi tham gia mô hình lượng thóc giống giảm xuống chỉ còn từ 4 đến 5 kg/sào. Chị Nguyễn Thị Minh Kiều, một nông dân tham gia mô hình, chia sẻ: “Gia đình tôi làm 4 sào, như mấy vụ trước tôi sạ 6 kg/sào, nay được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, tôi chỉ dùng 4 kg/sào, tính ra 4 sào lúa tôi lợi được hơn 140 nghìn đồng tiền lúa giống. Rồi lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm. Mỗi sào một ít nên tính chung cả 4 sào lúa, gia đình tôi cũng tiết kiệm được một khoản kha khá. Trong khi năng suất và chất lượng lúa thu hoạch vẫn tốt.

Nông dân ngoài mô hình tham quan ruộng lúa thuộc mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI thôn Thành Sơn.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thi cho hay: “Hồi giờ mình vẫn có tâm lý sạ dày một chút, để rủi chết cây này thì còn cây kia. Mới đầu, theo lời của cán bộ khuyến nông, thứ gì cũng giảm, ai cũng lo năng suất, hiệu quả không đạt. Nhưng họ thường xuyên kiểm tra, cùng mình ra đồng, động viên hướng dẫn chi tiết, thuyết phục lắm nên dần dần bà con cũng yên tâm. Đến nay, thu hoạch rồi, tôi thấy cứ nghe theo lời cán bộ khuyến nông mà hay. Hiệu quả canh tác cao hơn hẳn, nếu cộng thêm khoản tiết kiệm do giảm giống, giảm phân, thuốc bảo vệ thực vật… là có được một khoản tiền lớn. Đó là chưa kể giảm công lao động bơm thuốc bảo vệ thực vật. Mấy trăm hộ nông dân tụi tôi ai cũng phấn khởi”.

Qua hạch toán kinh tế, mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI mang lại hiệu quả thiết thực, năng suất lúa bình quân đạt 67 tạ/ha, cao hơn so với trung bình những vụ trước từ 2 - 3 tạ/ha. Chị Đỗ Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc HTXNN xã Hoài Châu, xác nhận: “Tổng chi phí đầu tư cho mô hình gần 20,8 triệu đồng/ha, so với ruộng đối chứng thấp hơn 3,1 triệu đồng/ha, gồm giảm lượng giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm phân bón, giảm công lao động; trong khi đó lợi nhuận trong mô hình SRI đạt trên 22,4 triệu đồng/ha, cao hơn gần 5 triệu đồng so với ruộng ngoài mô hình”.

Thay đổi nhận thức canh tác

Có một điểm đặc biệt là mô hình SRI đã giúp tiết kiệm tới 20 - 30% lượng nước tưới so với thông thường. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, tình trạng thiếu nước tưới ngày càng nặng, đây là điểm tích cực rất lớn. Anh Mai Văn Vinh, cán bộ nông nghiệp xã Hoài Châu, cho biết: “Hàng năm xã Hoài Châu gieo sạ gần 1.090 ha lúa, trong đó lúa 3 vụ 850 ha. Thường thường, gần đến cuối vụ Hè Thu sẽ thiếu từ 1 đến 2 đợt nước, nhưng năm nay thời tiết khắc nghiệt, hạn hán kéo dài không có lượng mưa bổ sung nên hầu hết lúa Hè Thu trổ đều bị thiếu nước, tính ra vụ Hè Thu lúa ngoài mô hình thiếu tới 4 - 5 đợt nước. Thế nhưng lúa trong mô hình SRI lại đủ nước tưới. Đã giảm được lượng nước tưới trong điều kiện nắng hạn là một điểm mừng, năng suất lại cao hơn lúa ngoài mô hình từ 2 đến 3 tạ/ha là một điểm mừng nữa, cộng với khoản tiết kiệm chi phí nên “nông dân SRI” ai cũng phấn khởi. Bây giờ nhiều người đã đề nghị UBND xã làm sao để nhân rộng mô hình này ra, ai cũng khoái canh tác theo định hướng hiện đại, có sự tư vấn của các nhà khoa học!

Không chỉ năng suất cao, tăng lợi nhuận, mà thông qua các lớp tập huấn nông dân đã từng bước hoàn thiện hơn về kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI, tự tin phát biểu trước đám đông cũng như chủ trì các cuộc họp nhóm bàn về canh tác. Đặc biệt, canh tác theo SRI còn giúp chị em nông dân nắm thêm được các kiến thức về giới tính, nâng cao vai trò vị thế của phụ nữ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp nhờ các hoạt động lồng ghép. Hơn nữa, với SRI nông dân có ý thức tốt hơn về tác hại của việc lạm dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học trong quá trình canh tác ảnh hưởng đến môi trường cũng như các sản phẩm nông nghiệp làm ra.

Chị Lê Thị Thành, trưởng nhóm mô hình SRI Thành Sơn, nhận xét: “Thông thường hồi giờ phụ nữ đi tập huấn thì chỉ được nghe hướng dẫn về kỹ thuật canh tác lúa, làm đất gieo sạ, cách bón phân phòng trừ sâu bệnh… nhưng tham gia mô hình này ngoài được hướng dẫn canh tác lúa còn được truyền đạt những thông tin về bình đẳng giới, về nâng cao vai trò của phụ nữ. Qua các lớp tập huấn, với tư cách là trưởng nhóm thường xuyên theo dõi tôi thấy nhiều cặp vợ chồng đã thay đổi cách nghĩ, đã biết cùng nhau chia sẻ công việc nhà, giờ làm thì vợ chồng cùng làm, giờ nghỉ thì vợ chồng cùng nghỉ, thấy gia đình rất đầm ấm, hạnh phúc”.

THÁI NGÂN

Tuy Phong: Mủ trôm Vĩnh Hảo (Bình Thuận) chất lượng cao

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Ông Lê Khắc Phong - Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Vĩnh Hảo, tỉnh Bình Thuận cho biết, Vĩnh Hảo là vùng trồng trôm lớn nhất tỉnh Bình Thuận với diện tích trên 300 ha, điều kiện khí hậu, đất đai và phương thức sản xuất cho sản phẩm mủ trôm Vĩnh Hảo có chất lượng khá tốt. Tuy nhiên, qua các kỳ hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm mủ trôm Vĩnh Hảo đang bộc lộ 3 điểm yếu: mẫu mã chậm thay đổi; nắm bắt nhu cầu, thị hiếu kém và dịch vụ bán hàng, hậu mãi hời hợt.

Nhóm nghiên cứu Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.

Xuất phát từ sự thấu hiểu người tiêu dùng, Hợp tác xã đã liên kết với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam xây dựng sản phẩm mủ trôm chất lượng cao và thay đổi mẫu mã bao bì sản phẩm mủ trôm Vĩnh Hảo, bảo vệ sản phẩm tốt hơn khi vận chuyển cũng như có thể phân biệt hàng giả, hàng kém chất lượng đang tràn lan ngoài thị trường, giúp cho khách hàng an tâm khi mua và sử dụng sản phẩm mủ trôm Vĩnh Hảo.

Sản phẩm mủ trôm cao cấp được đóng gói trong các bao bì đẹp, bắt mắt, trong đó ghi rõ xuất xứ nguồn gốc, thành phần dinh dưỡng. Mủ trôm cao cấp đóng gói rất tiện lợi để làm quà tặng biếu và dễ dàng đem theo trong các chuyến du lịch, trọng lượng 0,5 kg có giá 200.000 đồng. Với việc “nâng cấp” về quy trình sản xuất và mẫu mã bao bì đã làm cho giá trị sản phẩm mủ trôm Vĩnh Hảo cao gấp 10 lần so với sản phẩm mủ trôm thông thường hiện nay nhưng vẫn đảm bảo ổn định đầu ra trên thị trường cả nước.

Trước đó, cuối năm 2018 Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã hoàn thành đề tài “nghiên cứu chọn giống, kỹ thuật trồng và khai thác mủ trôm (Sterculia foetida L.) ở vùng khô hạn Nam Trung bộ” trong giai đoạn từ năm 2013 - 2018 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao. Mục tiêu chính của đề tài là tìm ra giống trôm cho số lượng và chất lượng mủ vượt trội so với giống đại trà hiện nay. Theo đó, nhóm đề tài do Tiến sĩ Phùng Văn Khen làm chủ nhiệm cùng các cộng sự đã thực hiện nghiên cứu kỹ thuật khai thác mà không cần thuốc kích thích mủ tại xã Vĩnh Hảo, trong đó có sự hỗ trợ, hợp tác của Giáo sư Fukuju Yammoto thuộc Trường Đại học Tottori (Nhật Bản) - một trong 5 giáo sư hàng đầu của Nhật Bản về cây nhựa mủ.

Được biết, mủ trôm Vĩnh Hảo có giá trị dinh dưỡng cao, tính mát có nhiều vi lượng, hàm lượng khoáng chất cao như: magiesium, kali, kẽm, calcium, natri, sắt, gluco và chất xơ... có tác động rất lớn đến chuyển hóa toàn bộ cơ thể. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mủ trôm có tác dụng thanh nhiệt, mát gan, giải độc gan, giảm mỡ trong gan, hỗ trợ điều trị đối với những bệnh về gan mật, mụn nhọt. Về mặt y học, mủ trôm có tính chất hút nước mạnh nên có tác dụng làm trương nở, gây kích thích nhu động ruột giúp đẩy phân ra nhanh. Vì vậy, mủ trôm được xem là một vị thuốc nhuận tràng chữa trị các bệnh về đường tiêu hóa rất hiệu quả, đặc biệt là chứng táo bón, kiết lỵ. Do có giàu chất xơ nên mủ trôm có khả năng cải thiện độ mỡ trong máu, tăng cảm giác no và điều tiết lượng đường trong máu ở người thừa cân, béo phì, điều hòa đường huyết ở người tiểu đường, chống vữa xơ động mạch, ổn định huyết áp, hỗ trợ ngăn ngừa bệnh thiếu máu cơ tim, giãn tĩnh mạch, thuyên tắc tĩnh mạch sâu.

Năm 1995, cây trôm được trồng ở Vĩnh Hảo. Trải qua 24 năm nhiều thăng trầm, nhưng cây trôm vẫn được xem là cây xóa nghèo ở vùng đất có khí hậu khắc nghiệt này.

MINH CHIẾN

Xuất khẩu xoài, lại lo chất lượng!

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Một bác đang sinh sống bên Mỹ vừa “phản hồi online” với phóng viên, cho hay những lô xoài của Việt Nam xuất khẩu sang sau này đã còn không ngon bằng lô xoài đầu tiên. Cụ thể là chất lượng trái giảm; có trái “thịt xoài” bị giập, giảm độ ngọt.

Mặc dù chưa có thông tin phản hồi chính thức từ cơ quan chuyên môn, nhưng dưới góc độ “khách hàng là thượng đế” và đây được xem như người ra quyết định cuối cùng về chất lượng, thì cũng thật đáng lo. Bởi người tiêu dùng nước sở tại không ưng thuận thì khó lòng mà xuất bán lâu dài được.

Được biết, xoài là loại trái cây thứ 5 của nước ta chính thức được phép nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, sau trái vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa, thanh long.

Tính đến giữa tháng 5 vừa qua, nghĩa là sau gần 1 tháng kể từ ngày công bố xuất khẩu sang Mỹ, Việt Nam đã xuất xoài sang quốc gia này được 103 container. 4 tỉnh vùng ĐBSCL tham gia xuất khẩu là Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang và Tiền Giang.

Vĩnh Long có gần 4.900ha trồng xoài, tiềm năng rất lớn. Với việc xuất xoài sang thị trường khó khăn bậc nhất thế giới là niềm vui cho ngành nông nghiệp và bà con nông dân, khẳng định vị thế của trái cây Việt Nam.

Tuy nhiên, để giữ được thị trường xuất khẩu ổn định là hành trình không dễ, đòi hỏi nhiều yêu cầu, tiêu chuẩn, kỹ thuật nghiêm ngặt. Đã có bài học từ việc xuất khẩu xoài sang Nhật Bản, được đánh giá cao nhưng sau một thời gian lại giảm sức cạnh tranh thấp bởi quả xoài nhanh héo vỏ, chín nhanh và dễ thối.

Xoài vốn là loại quả khó bảo quản nhưng thực tế công nghệ bảo quản của Việt Nam lại chưa tốt. Trong khi các nước khác có thế mạnh về xoài đã xây dựng hẳn chiến lược phát triển trái xoài ra thị trường thế giới, nông dân được hỗ trợ tối đa về giống, kỹ thuật và sự đồng thuận áp dụng kỹ thuật của người trồng thì nước ta lại làm chưa tốt.

Phần lớn xoài còn manh mún, trồng xen nên năng suất xoài chưa cao, chất lượng chưa đảm bảo, đặc biệt là việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Điều này nếu không được kiểm soát tốt sẽ rất dễ lặp lại “vết xe đổ” là không giữ được thị trường.

HOÀNG MINH

Đưa nhãn Sơn La đến với người tiêu dùng Thủ đô

Nguồn tin: Báo Công Thương

Sáng 19/7, tại Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư Sơn La phối hợp với Siêu thị Big C Thăng Long tổ chức tuần lễ “Nhãn và nông sản tỉnh Sơn La năm 2019”. Với vị thơm, ngọt đặc trưng, sau nhiều năm quảng bá đến người tiêu dùng Thủ đô, trái nhãn Sơn La đã trở thành một trong những sản phẩm địa phương được người dân Thủ đô ưa chuộng.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Đức Thuận - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La - cho biết, tuần lễ “Nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2019” thu hút sự tham gia của 21 doanh nghiệp, HTX, với quy mô 30 gian hàng, giới thiệu đến người dân Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận các mặt hàng nông sản an toàn của tỉnh Sơn La đạt Chứng nhận VietGAP, GobalGAP của tỉnh Sơn La như: Nhãn, na, bơ sáp…. “Tỉnh Sơn La hy vọng qua hệ thống của Big C Việt Nam, sản phẩm nông sản an toàn tỉnh Sơn La nói chung và sản phẩm nhãn nói riêng sẽ được nhiều người tiêu dùng biết đến. Qua đó kích cầu tiêu dùng, góp phần tạo thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh”, ông Vũ Đức Thuận nói.

Đưa nhãn Sơn La đến với người tiêu dùng Thủ đô

Về phía Big C Thăng Long, đại diện Tập đoàn Central Group Việt Nam cho biết: Sự kiện tuần lễ "Nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2019" tại Big C Thăng Long một lần nữa tái khẳng định cam kết của chúng tôi về việc hỗ trợ hàng Việt nói chung và sản phẩm tỉnh Sơn La nói riêng. Đánh giá cao sự vào cuộc của tỉnh Sơn La để có các vùng trồng an toàn, nhiều nông sản an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường trong nước và xuất khẩu, Big C sẽ luôn đồng hành với các sở, ban, ngành của Sơn La để có sự gắn kết, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất đưa hàng vào các kênh phân phối của tập đoàn.

Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - đánh giá, những năm gần đây, tỉnh Sơn La rất quan tâm đến việc sản xuất các sản phẩm an toàn, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm của địa phương trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Hà Nội - với sức mua hơn 10 triệu dân và hệ thống thương mại, bán lẻ hiện đại - rất mong muốn được đón nhận các sản phẩm an toàn của tỉnh Sơn La để đưa vào phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bà con nhân dân trên địa bàn Thủ đô.

Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2019 tại Big C Thăng Long diễn ra từ 19 - 23/7

Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2019 tại Big C Thăng Long được diễn ra từ 19 - 23/7, là một trong những sự kiện được Sơn La tổ chức nhằm tìm đầu ra bền vững cho nhãn Sơn La cũng như đem đến cho người dân Thủ đô những sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Đồng thời, mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia đầu tư sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản… Trong khuôn khổ lễ khai mạc đã diễn ra lễ ký cam kết hợp tác giữa đại diện Big C Việt Nam và đại diện doanh nghiệp tỉnh Sơn La.

Lễ Ký cam kết hợp tác giữa đại diện Big C Việt Nam và đại diện doanh nghiệp tỉnh Sơn La trong việc tiêu thụ nhãn và nông sản an toàn của tỉnh

Với diện tích 15.090ha, mùa nhãn Sơn La năm 2019 có sản lượng ước đạt 73 nghìn tấn, tăng 1,81 lần so với năm 2015, bằng 113,7% so với năm 2018. Hiện, Sơn La đã cấp 45 mã vùng trồng cho diện tích 227,43 ha với sản lượng 33.411 tấn. Với việc triển khai xây dựng các vùng sản xuất áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như: VietGAP; GlobalGAP; Organic… trong sản xuất, chế biến, bảo quản an toàn cho trái nhãn vụ mùa năm 2019, nhãn Sơn La được mùa được giá.

Cùng với Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La, trong tháng 7 - 8/2019, tỉnh Sơn La sẽ tổ chức một loạt các sự kiện xúc tiến tiêu thụ trái nhãn an toàn đến với những địa phương lân cận. Cụ thể, tổ chức Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2019 tại Hapromart và Lotte Mart; tổ chức Ngày hội nhãn sông Mã và lễ công bố xuất khẩu nhãn năm 2019 tại huyện Sông Mã; tổ chức khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn và xuất khẩu tại lễ khai trương cặp cửa khẩu phụ Nậm Lạnh (huyện Sốp Cộp, Sơn La)…

Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi lại tại tuần lễ:

Người tiêu dùng Hà Nội đến thăm quan và mua sản phẩm nhãn và nông sản an toàn Sơn La

Nhãn Sơn La được truy xuất nguồn gốc và có giá bán 60.000 đồng/kg

Với vị ngọt đặc trưng cùng với hương vị thơm ngon, nhãn sông Mã (Sơn La) được đông đảo người tiêu dùng đón nhận

Bơ sáp (Sơn La) được truy xuất nguồn gốc và bán tại siêu thị với giá 45.000 đồng/kg

Sản phẩm na Thái (Sơn La) mẫu mã đẹp, sáng, quả to, giá bán 100.0000 đồng/kg

Người tiêu dùng Hà Nội đến thăm quan và mua sản phẩm nhãn và nông sản an toàn Sơn La

Nguyễn Hạnh

Nhân rộng mô hình trồng cây ăn trái hiệu quả cao

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Những năm qua, cùng với đầu tư hạ tầng giao thông thủy lợi giúp thuận lợi cho trồng lúa, xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ còn khuyến khích nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thực hiện mục tiêu đa dạng hóa các mặt hàng nông sản để tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Nhờ đó, ở địa phương ngày càng xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế vườn cho hiệu quả cao và được các nông hộ học tập áp dụng.

Nhiều mô hình làm vườn đang phát triển mạnh ở xã Thạnh Mỹ.

Năm 2010, ông Huỳnh Văn Trí ở ấp Long Thạnh, xã Thạnh Mỹ tiến hành cải tạo vườn tạp và trồng thử nghiệm 2 công quýt hồng và quýt đường. Trước khi áp dụng mô hình, ông về quê nhà ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp để học tập kinh nghiệm, kỹ thuật và đặt mua cây giống. Sau 3 năm quýt bắt đầu cho trái đem lại khoản lợi trên 200 triệu đồng. Thấy hiệu quả nên năm 2016 gia đình ông mạnh dạn chuyển 6 công đất trồng lúa sang trồng quýt, lợi nhuận mỗi năm từ 400-500 triệu đồng. Ông Trí nói: “Lúc mới trồng bản thân tôi thấy lo lắm vì không biết vùng đất này có thích hợp cho cây có múi phát triển hay không, nhưng nhờ đất tốt và áp dụng chặt chẽ kỹ thuật chăm sóc, bón phân tưới nước nên cây sinh trưởng và cho trái khá nhiều, thấy vậy nên gia đình tôi mạnh dạn đầu tư”.

Theo ông Hàn Phước Khánh, Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ, trước đây ở địa phương, nông dân chỉ độc canh cây lúa, chuyện trồng hoa màu hay cây ăn quả ít người nghĩ tới. Thế nhưng từ thành công của ông Trí, ở đây phát triển khá mạnh mô hình làm vườn, trồng cây có múi, chủ yếu là cam, quýt bước đầu cho hiệu quả cao hơn gấp nhiều lần so với cây lúa. Ông Hàn Phước Khánh cho biết: “Cải tạo vườn tạp hoặc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái được xem là mô hình đột phá của nông dân địa phương. Do đặc thù là vùng đất xốp “gan rùa” rất thích hợp cho các loại cây ăn trái sinh trưởng và phát triển nên chúng tôi khuyến khích nông dân học hỏi và áp dụng nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác”. Hiện nay, xã Thạnh Mỹ đã phát triển được hơn 45ha đất trồng cây ăn trái. Ngoài cây có múi như: cam xoàn, cam sành, quýt hồng, quýt đường…, nhiều nông hộ còn mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm từ các nơi các mô hình trồng cây ăn trái khác như: ổi, xoài, mít, mận, mãng cầu…

Năm 2016, anh Đinh Văn Bá, ở ấp Qui Long đến cù lao thuộc phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt học tập mô hình trồng mận và đã về chuyển đổi 6.000m2 đất trồng lúa sang áp dụng mô hình trồng 300 gốc mận An Phước và mận Hồng Đào Đá, đồng thời trồng xen 300 gốc mãng cầu. Điều đáng nói là ngoài áp dụng kỹ thuật theo chỉ dẫn của các nhà vườn, anh còn đầu tư giàn lưới phủ kín cả khu vườn nhằm hạn chế bướm và sâu hại xâm nhập từ bên ngoài. Với mô hình này, chỉ năm đầu tiên thu hoạch trái, gia đình anh đã thu được tiền vốn đầu tư khoảng 160 triệu đồng, năm 2018 đến nay gia đình anh bắt đầu thu lợi nhuận. Anh Bá bộc bạch: “Nhờ phủ kín vườn mận bằng lưới nên hạn chế được sâu bệnh, đỡ tốn chi phí phun xịt và đảm bảo chất lượng trái. Vụ mận vừa rồi giá cả ổn định, đối với mận An Phước loại 1 (10 trái/kg) có giá 40.000 đồng, mận Hồng Đào Đá có giá từ 18.000-20.000 đồng/kg nên gia đình tôi thu lợi nhuận khá”.

Để phát triển diện tích làm vườn cũng như giúp bà con sản xuất đạt hiệu quả, xã Thạnh Mỹ đã tập hợp các nhà vườn thành lập câu lạc bộ trồng cây ăn trái, đến nay đã phát triển được 25 thành viên mỗi tháng tổ chức sinh hoạt một lần, UBND xã cử cán bộ khuyến nông đến hỗ trợ cùng với bà con trao đổi kỹ thuật, cách bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… Ông Hàn Phước Khánh, Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ, cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã quan tâm hỗ trợ các nhà vườn về nhiều mặt, như: nạo vét kênh mương, phối hợp tổ chức tập huấn, cử cán bộ xuống sinh hoạt câu lạc bộ, thăm vườn phát hiện sâu bệnh,… Thời gian tới, chúng tôi kiến nghị UBND huyện và ngành chức năng cần ưu tiên nguồn vốn bố trí cho địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn chỉnh hệ thống đê bao, thủy lợi, lắp đặt trạm điện hạ thế giúp nhà vườn chủ động bơm tưới và tiêu thoát nước vào mùa lũ. Đồng thời, cần có chính sách phát triển lĩnh vực du lịch tạo thêm kênh thu nhập, giải quyết đầu ra để nhân rộng và phát triển mô hình một cách bền vững, góp phần tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho bà con nông dân”.

Bài, ảnh: Minh Hải

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop