Tin nông nghiêp CN ngày 24 tháng 11 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiêp CN ngày 24 tháng 11 năm 2019

Hiệu quả mô hình trồng táo kết hợp nuôi cá đồng

Nguồn tin: Báo Cà Mau

Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn Ấp 8, xã Khánh Hội (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) mạnh dạn chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả để lên liếp trồng cây ăn trái, đặc biệt là cây táo kết hợp với nuôi cá đồng.

Ấp 8, xã Khánh Hội là vùng chuyên canh trồng lúa, tuy nhiên, việc sản xuất lúa của người dân phụ thuộc rất lớn vào lượng nước trời, mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ, hiệu quả mang lại không cao. Từ đó, nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, chuyển đổi đất nông nghiệp lên liếp để trồng cây ăn trái, dưới mương nuôi các loại cá đồng.

Cách đây 3 năm, gia đình anh Võ Văn Ninh mạnh dạn chuyển đổi 9 công đất nông nghiệp để trồng táo và nuôi cá đồng. Do mới thực hiện nên bước đầu việc trồng táo của gia đình anh gặp nhiều khó khăn. Nhưng nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ sách, báo đài và những người đi trước nên việc trồng táo của gia đình anh Ninh dần ổn định và ngày càng mang lại hiệu quả. Hiện nay, 3 ngàn gốc táo của gia đình anh đang bước vào vụ thu hoạch thứ 3. Với diện tích táo này mỗi năm mang về cho gia đình anh hàng trăm triệu đồng.

Anh Ninh chia sẻ: “Trồng táo khoẻ hơn làm ruộng rất nhiều, mình chỉ cực và tốn chi phí nhiều ở vụ đầu, các vụ tiếp theo mình chỉ cần tỉa cành, bón phân rồi chờ ngày thu hoạch. Hiện trung bình mỗi công táo 1 vụ mang về cho gia đình tôi lợi nhuận từ 15-20 triệu đồng, 1 năm vườn táo này mang về từ 160-180 triệu đồng. Năm rồi vợ chồng tôi tính, trừ chi phí hết còn hơn 180 triệu đồng. Nhờ chuyển đổi qua mô hình này mà cuộc sống gia đình phát triển ổn định hơn".

Táo rất dễ trồng, có đầu ra ổn định và cho thu nhập cao.

Những ngày này, gia đình anh Trần Minh Thuận đang tất bật thu hoạch vụ táo thứ 2 trong năm nay. Hiện anh Thuận có hơn 5 công táo. Theo anh Thuận, táo rất dễ trồng, phù hợp với vùng đất tại địa phương, cho trái to và ngọt hơn táo ở các vùng khác do vùng này nước ngọt quanh năm. Hiện táo đang có đầu ra ổn định và giá cao, được các thương lái từ Cà Mau và vùng lân cận đến cân tại vườn với giá từ 15-18 ngàn đồng/kg.

Anh Thuận phấn khởi cho biết: “Mấy năm nay nhờ trồng táo mà cuộc sống gia đình cải thiện đáng kể, trước đây làm lúa không đủ ăn. Với 5 công táo này, mỗi năm mang về cho gia đình tôi từ 150-170 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Ngoài táo, hiện nay tôi đang phát triển thêm ổi Đài Loan, nhãn xuồng, mãng cầu ta, các loại cây trồng này cũng đang cho lợi nhuận khá”.

Hiện nay, trong ấp có gần 30 hộ dân tham gia thực hiện mô hình này. Bên cạnh nguồn thu từ táo, nhiều hộ dân còn có nguồn thu từ việc kết hợp nuôi cá đồng. Diện tích mặt nước mương lớn, sau khi lên liếp là môi trường phát triển lý tưởng của cá trê, cá rô, cá lóc. Từ mô hình nuôi cá đồng, mỗi năm 1 hộ có thêm nguồn thu nhập từ 30-40 triệu đồng.

Bí thư Chi bộ Ấp 8 Lê Quang Lung cho biết: “Mô hình trồng táo kết hợp nuôi cá đồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ khai thác tốt tiềm năng của đất mà còn góp phần khôi phục nguồn lợi cá đồng, mang về nguồn thu nhập khá cho người dân. Từ những hiệu quả của mô hình, hiện nay ấp đã thành lập được Hợp tác xã Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Đất Mới. Hợp tác xã sẽ tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm và phát triển mô hình một cách bền vững, giúp người dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương./.

Trần Thể

Long An: Nông dân Thủ Thừa có lãi với cây thơm, chanh, thanh long và khoai mì

Nguồn tin: Báo Long An

Năm 2019, một số nông dân huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An) chuyển đổi diện tích trồng mía sang cây trồng khác có lãi như cây thơm, cây chanh, thanh long, khoai mì.

Huyện Thủ Thừa có hơn 380ha thanh long, nông dân có lãi từ 100 - 200 triệu đồng/ha

Cây thơm được trồng tại các xã Long Thành, Tân Lập, Tân Thành và Mỹ An với diện tích trên 42ha, năng suất từ 15 - 20 tấn/ha, nông dân có lãi từ 15 - 40 triệu đồng/ha.

Cây chanh cũng được trồng trên 672ha ở thị trấn Thủ Thừa, các xã Nhị Thành, Tân Thành, Long Thạnh, Long Thành, Long Thuận, Mỹ Lạc, Mỹ Thạnh, Mỹ An và Bình An. Tuy có sâu bệnh rải rác nhưng năng suất chanh từ 16 - 18 tấn/ha. Giá chanh dao động từ 5.000 đồng đến 25.000 đồng/kg, nông dân có lãi từ 40 - 80 triệu đồng/ha.

Huyện còn có hơn 380ha thanh long ở các xã, trong đó đã cho trái trên 268ha. Tuy có sâu bệnh nhưng được nông dân quản lý tốt; năng suất từ 20 - 25 tấn/ha, giá bán dao động nhưng nông dân có lãi từ 100 - 200 triệu đồng/ha.

Cây khoai mì cũng được trồng ở các xã Tân Thành, Nhị Thành và thị trấn Thủ Thừa trên 500ha, đã thu hoạch trên 350ha, năng suất từ 15 - 20 tấn/ha, nông dân có lãi từ 30 - 40 triệu đồng/ha./.

Trần Thị Kim Phụng

Giá thanh long nghịch vụ xuống thấp, nông dân đứng ngồi không yên

Nguồn tin: VOV

Với mức giá thu mua chỉ còn ở mức 5.000đ -7.000 đồng, người nông dân cầm chắc thua lỗ khi chi phí sản xuất nghịch vụ cao.

Từ đầu vụ chong đèn nghịch mùa 2019 đến nay, giá thanh long tại các nhà vườn ở Bình Thuận luôn ở dưới mức 10.000đ/kg. Cao điểm từ đầu tháng 11 đến nay, loại trái cây này chỉ còn thu mua ở mức 5.000đ -7.000 đồng. Với mức giá này, người nông dân cầm chắc thua lỗ khi chi phí sản xuất nghịch vụ cao.

Một số vườn thanh long tại Bình Thuận đã chín đỏ cây nhưng giá thấp khiến nông dân chưa muốn cắt bán.

Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là 330 gốc thanh long của ông Nguyễn Văn Năm (thôn Tiến Hoà, xã Tiến Lợi, TP.Phan Thiết) chuẩn bị xuất bán lứa chong đèn nghịch vụ đầu tiên của năm nay. Tuy nhiên, thay vì sốt sắng, vui mừng khi trái thanh long đang phát triển tốt, ít sâu bệnh thì trái lại, ông Năm hết sức lo lắng khi giá thu mua đang ở mức rất thấp.

“Vụ này tôi cầm chắc lỗ. Bởi vì thanh long ra trái ít, mà giá chỉ 6.000 – 7.000đ/kg thì lỗ rất nhiều. Nếu thanh long ra nhiều, trái đẹp thì mới hy vọng huề vốn hoặc lời chút ít”, ông Năm cho biết.

Ông Nguyễn Văn Năm lo lắng khi thanh long đang chín mà giá quá thấp.

Không chỉ các hộ nông dân có thanh long đang chín mà những hộ đang chong đèn đón lứa bán vụ Tết Nguyên đán sắp tới cũng đang đứng ngồi không yên.

Bà Nguyễn Thị Hai (xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) cho biết, gia đình đang có 180 gốc thanh long chong đèn để bán trong dịp tháng Chạp tới. Tuy nhiên, mức giá thu mua thấp cộng với việc tiền điện khiến bà hết sức bất an.

“Năm ngoái chạy được một lứa hàng Tết, bán được 18.000/ký. Còn giờ giá thấp quá, chỉ 6.000 – 7.000đ/kg. Thanh long của mình thì chưa chín, nhưng không biết tới lúc đó, giá có lên được hay không?”, bà Hai nói.

Được biết, từ đầu vụ chong đèn đến nay, mức giá thu mua trái thanh long tại Bình Thuận thường xuyên nằm dưới ngưỡng 10.000đ/kg. Cá biệt có thời điểm các thương lái chỉ còn thu mua ở mức 6.000 – 7.000đ/kg. Mức giá này chưa bằng một nửa so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Với chi phí cho việc sản xuất nghịch vụ tăng cao cho các khoản như: tiền điện, phân thuốc… thì mức giá này người nông dân chỉ từ lỗ đến huề vốn.

Bà Hai cho biết, thanh long của bà vườn rồi bị ảnh hưởng mưa.

Theo các chủ vựa thu mua, hiện nay sản lượng thanh long của những lứa đầu mùa chong đèn tại Bình Thuận không quá nhiều. Vì vậy, nguyên nhân giá loại trái cây này rớt mức thấp không phải do sản lượng tăng đột biến. Cũng theo các chủ vựa, hiện nay tại thị trường tiêu thụ chính của trái thanh long là Trung Quốc, việc nhập hàng đang hạn chế. Việc thị trường này tiêu thụ chậm trái thanh long đã tác động đến giá thu mua.

Hơn 1 tháng qua, nhiều chủ vựa thay vì đóng hàng đi xuất khẩu thì đã phải lựa chọn thị trường trong nước để tiêu thụ. Một số vựa thậm chí còn tạm ngưng thu mua.

Ông Nguyễn Trọng Luân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiến Lợi (TP. Phan Thiết) lo lắng tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến vụ Tết của bà con.

“Nhìn tổng thể trên địa bàn xã so với mọi năm thì năm nay các hộ nông dân tập trung chong đèn vào vụ Tết rất nhiều. Vì vậy dự đoán Tết năm nay giá thanh long sẽ không còn cao như mọi năm”, ông Luân nói.

Tình trạng trái thanh long rớt giá không phải là hiếm gặp trong các năm qua. Thông thường, ở các mùa chong đèn nghịch vụ, giá của loại trái cây này thường có một lứa xuống thấp, do trùng với tiết ra trái của hàng chính vụ, dẫn đến sản lượng nhiều. Tuy nhiên năm nay tại Bình Thuận, những lứa đầu vụ chong đèn sản lượng không nhiều nhưng mức giá vẫn thấp, kéo dài, khiến người nông dân hết sức lo lắng./.

CTV Văn Thuận/VOV-TPHCM

Giá cà phê tăng 900.000 đồng/tấn

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Giá cà phê khu vực Tây Nguyên ngày 21-11 tăng đồng loạt 900.000 đồng/tấn lên 33,2 - 33,6 triệu đồng/tấn.

Cụ thể, giá cà phê tại tỉnh Lâm Đồng 33,2 triệu đồng/tấn; Gia Lai, Đắk Nông 33,5 triệu đồng/tấn; Đắk Lắk 33,6 triệu đồng/tấn.

Nông dân xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột thu hoạch cà phê

Mặc dù đây chưa phải là giá mong muốn của người trồng cà phê nhưng sự tăng giá trong thời điểm chính vụ thu hoạch đang đem đến kỳ vọng về giá tốt trong tương lai, giúp bà con có sự định hình nhất định trong chiến lược sản xuất, kinh doanh hậu mùa thu hoạch 2019.

Thanh Hường

Kiên Giang: Khoai lang được mùa bán có giá nông dân phấn khởi

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Kiên Giang

Huyện Hòn Đất và Giồng Riềng là hai địa phương có diện tích trồng khoai lang tập trung nhiều nhất của tỉnh Kiên Giang với gần 1.000 ha/năm. Trồng khoai lang năm nay bà con nông dân rất phấn khởi vì được mùa, bán có giá, lợi nhuận cao

Kết quả hình ảnh cho Hình ảnh thu hoạch khoai lang

Nông dân ấp Hiệp Tân, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) thu hoạch khoai lang.

Vụ mùa khoai lang năm 2019, huyện Hòn Đất trồng gần 600 ha, tập trung ở hai xã Mỹ Thái và Mỹ Hiệp Sơn. Chúng tôi đến ấp Hiệp Tân, xã Mỹ Hiệp Sơn khi nhiều hộ nông dân ở đây đang tất bật thu hoạch khoai lang với không khí rộn ràng, vui tươi, phấn khởi. Vây quanh đống khoai tươi đỏ hàng trăm tấn vừa chuyển từ ruộng vào bờ đê, hàng chục phụ nữ nông thôn với đôi bàn tay nhanh nhẹn lặt rễ, phân loại khoai để bán cho thương lái. Bà con cho hay, giá khoai lang năm nay ở mức 9.000 - 10.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với mùa khoai năm 2018, lợi nhuận trên dưới 15 triệu đồng/công (1.000 m²) sau khi trừ chi phí sản xuất.

Vụ khoai lang năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Lợt ở ấp Hiệp Tân, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) trồng 75 công (7,5 ha), lợi nhuận khoảng 1,1 tỷ đồng. Bà Lợt cho biết: “Chi phí sản xuất 1 công khoai lang 14 - 15 triệu đồng như đắp vòng, trồng khoai, chăm sóc, phân bón, thu hoạch… Sau khoảng 4 tháng thu hoạch năng suất 3,5 - 4 tấn/công, so với sản xuất lúa, trồng khoai lang lời gấp nhiều lần. Nếu giá khoai lang luôn ở mức 9.000 - 10.000 đồng/kg thì bà con nông dân trồng khoai ở đây, mỗi gia đình thu về hàng trăm triệu đồng sẽ giảm nghèo, vươn lên làm giàu nhanh.”

Ông Bùi Bá Đông, Tổ trưởng Tổ kinh tế kỹ thuật nông nghiệp nông thôn xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) cho biết: “Đối với hộ trồng khoai lang, nông dân sản xuất theo mô mình một vụ lúa, một vụ khoai. Ngoài lợi nhuận về kinh tế từ khoai lang, sau khi thu hoạch bà con gieo sạ lại vụ lúa mà không phải tốn chi phí làm đất, giảm đáng kể lượng phân bón hay thuốc trừ sâu so với trồng lúa trên đất ruộng bình thường nhưng lúa sinh trưởng, phát triển tốt do đất đai màu mỡ, năng suất đạt 7 - 8 tấn/ha. Bà con thu về hai nguồn lợi kinh tế là lúa và khoai trên cùng diện tích sản xuất.”

Tuy nhiên, ông Đông chia sẻ thêm: Trồng khoai lang ở đây chưa thực sự ổn định, bền vững, nhất là về giá cả thị trường và phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu khoai sang Campuchia, Trung Quốc. Năm nay, khoai lang được mùa bán có giá nông dân phấn khởi, chứ như năm rồi giá 4.500 - 5.000 đồng/kg, bà con trồng khoai thua lỗ nặng, đời sống kinh tế hết sức khó khăn.

Theo lãnh đạo huyện Hòn Đất, huyện quy hoạch lại diện tích trồng khoai lang ở những vùng có điều kiện thích hợp, tập trung ở hai xã Mỹ Thái và Mỹ Hiệp Sơn có nghề sản xuất khoai lang truyền thống khá lâu đời. Huyện hướng dẫn, tập huấn cho nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại… để nâng cao năng suất, chất lượng khoai lang, giảm chi phí đầu tư sản xuất, tăng lợi nhuận cho bà con theo hướng sản xuất sạch, an toàn thực phẩm. Tăng cường, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm khoai lang để tìm đầu ra tiêu thụ và giá cả ổn định. Huyện xây dựng thương hiệu tập thể “Khoai lang Hòn Đất”, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, VietGAP nhằm nâng lên giá trị kinh tế của loại sản phẩm nông sản này./.

Lê Huy Hải

Đồng Tháp: Triển khai nhiều giải pháp khoa học công nghệ trong sản xuất

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp

Xác định khoa học công nghệ là giải pháp tạo sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, Đồng Tháp đã triển khai nhiều giải pháp khoa học công nghệ trong sản xuất, góp phần giảm giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và thu nhập cho bà con nông dân.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan (thứ 3 từ phải sang) cùng đoàn công tác tham quan mô hình canh tác lúa lý tưởng tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2

Trong lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi, tỉnh đã tập trung nghiên cứu và khuyến khích nông dân thay đổi tập quán canh tác, sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường. Đối với ngành hàng lúa gạo, hiện tại nhiều bà con nông dân áp dụng các giống lúa chất lượng cao vào canh tác với khoảng 70% diện tích canh tác.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp như Công ty Lương thực Tân Hồng (thuộc Tập đoàn Lộc Trời) kết hợp với nông dân triển khai ứng dụng sản xuất giống lúa mới “Hạt ngọc trời - Thiên Long” nằm trong top 3 gạo ngon nhất thế giới. Khi sản phẩm gạo Ngọc đỏ Hương dứa được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt, Hợp tác xã (HTX) giống nông nghiệp Định An đẩy mạnh sản xuất và nhân rộng giống lúa giàu dinh dưỡng cho hiệu quả kinh tế cao này.

Đối với sản xuất giống các tra, tỉnh triển khai sâu rộng chương trình sản xuất giống cá tra 3 cấp. Trong đó, sử dụng cá tra bố mẹ được cải thiện về di truyền tăng trưởng nhanh và chất lượng thịt tốt. Năm 2019, tỉnh cung cấp số lượng khoảng 700 triệu con cá tra giống cho hộ nuôi. Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất giống cá tra tập trung ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy mô công nghiệp, đảm bảo điều kiện sản xuất giống và kiểm soát được chất lượng con giống.

Ngành hàng hoa kiểng của tỉnh phát triển mạnh khi người dân trồng hoa Sa Đéc đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng giống hoa cấy mô nhằm giảm chi phí, chất lượng hoa được cải thiện đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Hàng năm, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học Lan Anh và Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghiệp cao cung cấp khoảng 700.000 giống hoa cấy mô với hơn 16 chủng loại góp phần thúc đẩy phát triển ngành hàng hoa kiểng và du lịch địa phương.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các tiêu chuẩn GAP và tương đương trong sản xuất nông nghiệp được tỉnh triển khai một cách hiệu quả. Đối với cây trồng, tỉnh đã triển khai thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP với gần 1.000ha và sản xuất theo hướng GlobalGAP là 53ha. Đặc biệt đối với ngành hàng cá tra, toàn tỉnh có trên 800ha thả nuôi đạt các tiêu chuẩn ASC, GlobalGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP và BAP...

Hiện nay, tỉnh còn đang thực hiện cấp mã số nhận diện vùng trồng, vùng nuôi thủy sản, thí điểm sản xuất nông nghiệp thông minh, sử dụng các thiết bị cảm biến trong sản xuất lúa lý tưởng tại HTX Mỹ Đông 2 (Tháp Mười), công nghệ Blockchanin truy suất nguồn gốc xoài tại HTX xoài Mỹ Xương; sử dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) để dự báo tình hình sâu bệnh trong chăn nuôi và trồng trọt nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp....

Mô hình canh tác lúa lý tưởng tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2. Ảnh: M.NHÂN

Hướng đến nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, nhiều mô hình giảm giá thành, nâng cao chất lượng lúa gạo được đẩy mạnh thực hiện, nhân rộng như mô hình sản xuất lúa chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ, với quy mô 300ha tại HTX Mỹ Đông 2 (huyện Tháp Mười), HTX Phú Thọ và HTX Tân Cường (huyện Tam Nông). Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả tích cực cho người sản xuất khi công ty mua lúa cho nông dân cao hơn giá thị trường 200 đồng/kg. Ngoài ra, tỉnh cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật giảm giá thành sản xuất, áp dụng cơ giới hóa đối với sản xuất lúa, góp phần giảm chi phí, tăng lợi nhuận từ 1 đến 6 triệu đồng/ha so với quy trình sản xuất cũ.

Thời gian qua, các mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” thuộc dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững VnSAT tác động tích cực vào sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà, giúp nông dân trong vùng dự án thay đổi nhận thức, sản xuất theo hướng an toàn, hiệu quả và bền vững. Qua đó, góp phần tăng lợi nhuận cho nông dân trung bình khoảng 3,1 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất theo tập quán cũ.

MN

Nam Định: Mô hình Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Lợi

Nguồn tin: Báo Nam Định

Qua 4 năm hoạt động đến nay Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Lợi, xã Yên Lợi (Ý Yên, tỉnh Nam Định) đã được nhiều người tiêu dùng trong tỉnh biết đến nhờ có sản phẩm thịt lợn sạch sản xuất theo quy trình khép kín, đảm bảo truy xuất nguồn gốc.

Chăn nuôi lợn theo quy trình sạch, khép kín và có truy xuất nguồn gốc tại Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Lợi.

Chúng tôi đến trang trại nuôi lợn của anh Nguyễn Việt Hùng ở thôn Nam Sơn (người sáng lập và hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Lợi) khi vợ chồng anh đang chăm 2 con lợn đẻ. Nằm dưới chân núi Phương Nhi, tách biệt hẳn khu dân cư, trang trại nuôi lợn của anh Hùng được thiết kế, tổ chức sản xuất, quản lý bài bản. Toàn bộ đường ra vào trang trại đều được rắc vôi bột thường xuyên để tiêu độc, khử trùng; đặc biệt trong thời gian có dịch tả lợn châu Phi. Cả 7 dãy chuồng được xây dựng để đảm bảo nuôi lợn theo quy trình sạch, khép kín, lắp đặt hệ thống làm mát về mùa hè, giữ ấm trong mùa đông, hệ thống cung cấp nước sạch cho lợn uống tự động. Nhờ đó, trong khi bệnh dịch tả lợn châu Phi hoành hành khiến các hộ chăn nuôi điêu đứng nhưng đến nay trang trại của anh Hùng vẫn an toàn. Hiện, trang trại duy trì nuôi 150 con lợn thịt, hàng chục con lợn nái để tạo nguồn giống tại chỗ cho gia đình và các hộ thành viên nuôi lợn thịt. Trao đổi với chúng tôi, anh Hùng cho biết: Nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng nông sản sạch, an toàn trên thị trường ngày càng cao; yêu cầu hợp tác để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cách thức sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y trong sản xuất chăn nuôi hiện đại nhằm giảm chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập cho thành viên, tháng 10-2015, anh Hùng và 7 thành viên khác đã thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Lợi.

Các thành viên hợp tác xã đã dành nhiều thời gian để đi tham quan, tìm hiểu, học hỏi các mô hình chăn nuôi theo quy trình sản xuất sạch ở trong và ngoài tỉnh. Áp dụng vào sản xuất của hợp tác xã, các thành viên đều đảm bảo các công đoạn từ phối trộn thức ăn đầy đủ nguồn dinh dưỡng đến chăm sóc lợn con, lợn thịt và xử lý môi trường chuồng nuôi khép kín, các nguồn chất thải, nước thải, phế phụ phẩm chăn nuôi không được xả trực tiếp ra môi trường mà được thu gom, xử lý qua hầm biogas trước khi sử dụng tưới cho cây ăn quả, rau. Toàn bộ thức ăn cho lợn đều được các thành viên hợp tác xã nhập từ các cơ sở cung cấp thức ăn có uy tín, bảo đảm an toàn. Nước cho lợn uống cũng được lấy từ nguồn do nhà máy cấp nước sạch tập trung của xã cung cấp... Lúc cao điểm, đàn lợn thịt của hợp tác xã đạt 1.000-1.200 con/lứa. Tuy nhiên, hiện nay hợp tác xã đã giảm mật độ để ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Sản phẩm lợn sạch được giết mổ, sơ chế ngay tại cơ sở giết mổ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của hợp tác xã, một phần cung cấp cho người tiêu dùng ở địa phương, một phần được đóng túi hút chân không phân phối tiêu thụ qua hệ thống cửa hàng nông sản sạch của Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh tại thành phố Nam Định. Anh Hùng cho biết, sản xuất theo quy trình sạch, khép kín thời gian nuôi lợn kéo dài hơn; thức ăn cho lợn do hợp tác xã sử dụng các loại nguyên liệu ngô, cám gạo, đỗ tương, men vi sinh... để chế biến và ủ lên men thay thế chất đạm khác và đảm bảo quy trình sạch nên chi phí tăng, nhưng bù lại, giá bán thịt cũng cao hơn so với thịt lợn nuôi theo cách nuôi thông thường. Sản phẩm thịt lợn thương phẩm của hợp tác xã hiện đang không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường.

Mô hình nuôi lợn sạch, khép kín của Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Lợi đang cho hiệu quả bước đầu và là hướng đi đúng trong phát triển chăn nuôi lợn hiện nay. Đối với các hộ thành viên đã có lợn mắc bệnh phải tiêu hủy, hợp tác xã khuyến cáo chuyển đổi sang chăn nuôi gia cầm, thủy cầm hoặc trâu, bò để tạo sinh kế trước mắt giảm thiểu rủi ro, không cố tái đàn để tránh nguy cơ tái phát dịch, giữ uy tín thương hiệu. Theo anh Hùng, việc tái đàn sẽ được tiến hành thử nghiệm từng bước với số lượng mỗi trang trại thành viên chỉ nuôi từ 20-30 con lợn, theo dõi và làm đầy đủ các xét nghiệm, nếu kết quả âm tính với vi-rút bệnh dịch tả lợn châu Phi mới tăng dần đàn lợn nuôi một cách hợp lý trên nguyên tắc an toàn trên hết.

Phát triển nuôi lợn theo hướng quy mô, đảm bảo an toàn, có trách nhiệm và truy xuất nguồn gốc là chủ trương được tỉnh và các địa phương quan tâm khuyến khích và tạo điều kiện. Vì thế mô hình sản xuất của Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Lợi cần được khuyến khích nhân rộng, tạo cơ sở để xây dựng, phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh lớn mạnh và bền vững./.

Bài và ảnh: Văn Đại

Nghệ An: Mô hình chăn nuôi gà thịt sử dụng thức ăn thảo dược

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Thức ăn thảo dược trong chăn nuôi gà đang là vấn đề mới đối với bà con, nhưng tác dụng của nó rất tốt, tăng cường sức đề kháng, không bị dịch bệnh, do đó sẽ hạn chế sử dụng được kháng sinh trong quá trình nuôi. Vì vậy sẽ không có tồn dư thuốc trong cơ thể, tạo nên sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng.

Do vậy Trạm Khuyến nông huyện Nam Đàn, Nghệ An đã triển khai mô hình chăn nuôi gà thịt sử dụng thức ăn thảo dược tại xã Hùng Tiến. Hai hộ tham gia mô hình được hỗ trợ giống, thức ăn công nghiệp, thức ăn thảo dược, vắc-xin, thuốc thú y, hóa chất sát trùng. Hai hộ cũng được tập huấn tư vấn về kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng, phòng và trị bệnh, đặc biệt cách sử dụng thức ăn thảo dược cho gà.

Anh Nguyễn Kim Ý – hộ thực hiện mô hình phấn khởi cho biết mô hình nuôi gà sử dụng thức ăn thảo dược đạt được hiệu quả cao hơn những gì anh mong đợi. Nuôi gà bằng thức ăn thảo dược đã giảm đáng kể thiệt hại do dịch bệnh. Trước đây, dù tiêm phòng đầy đủ cho đàn gà mà gà vẫn mắc bệnh và chết. Bây giờ chỉ cần thay thuốc kháng sinh bằng bột thảo dược, kết hợp vắc-xin và khoáng chất đầy đủ nên bệnh dịch hầu như không có.

Theo anh Ý, việc lạm dụng thuốc kháng sinh làm sức đề kháng của gà ngày càng yếu, chất lượng thịt không thơm ngon, có vị tanh. Hơn nữa, nếu còn dư lượng kháng sinh trong thịt gà sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người tiêu dùng. Tuy nhiên khi sử dụng thức ăn thảo dược, thịt gà có độ dai, vị ngọt, chắc, không bị tanh, gà không tồn dư thuốc kháng sinh nên rất dễ bán, bán với giá cao hơn và thị trường ưa chuộng.

Thức ăn bằng thảo dược có thể mua ở dạng bột sẵn như chế phẩm Marphasol thảo dược... hoặc tự chế biến các nguyên liệu: nghệ, cam thảo, lá mơ lông, húng quế, cây sả, quế, kim tiền, trần bì, cát cánh, bạch linh, bán hạ…. bằng cách phơi khô rồi nghiền nhỏ. Trong mô hình này, Trạm Khuyến nông Nghệ An đã sử dụng thức ăn thảo dược dạng chế biến sẵn là Marphassol thảo dược… rất tiện cho hộ mô hình sử dụng. Gà từ 2 tháng tuổi cho đến khi xuất chuồng bắt đầu bổ sung thức ăn thảo dược trộn với thức ăn tổng hợp cho gà ăn hàng ngày theo tỷ lệ 5 kg thảo dược dạng bột trộn 1.000 kg thức ăn tổng hợp (bột ngô, sắn...). Liều lượng thức ăn thảo dược khoảng 0,8-1 gam/con/ngày.

Anh Nguyễn Kim Ý chăm sóc đàn gà của gia đình mình

Qua 3 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng bình quân 2,0 - 2,2 kg/con, tỷ lệ nuôi sống đạt 98%. Với giá bán 85.000 đồng/kg, một con gà cho thu nhập 187.000 đồng, trừ chi phí, còn lãi 54.000 nghìn đồng. Mỗi hộ thực hiện mô hình nuôi 400 con gà trong vòng 3 tháng cho lãi hơn 20 triệu đồng, cho lãi cao hơn nhiều so với sản xuất đại trà.

Mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực về mặt kinh tế, cũng như môi trường, là hướng đi mới trong chăn nuôi gà nói riêng, chăn nuôi gia cầm nói chung, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Nguyễn Thị Dung - Trạm Khuyến nông huyện Nam Đàn, Nghệ An

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop