Tin nông nghiệp CN ngày 24 tháng 2 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp CN ngày 24 tháng 2 năm 2019

Nông nghiệp đô thị

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Quận 12, TPHCM có tốc độ đô thị hóa nhanh. Đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng hoa ngày càng bị thu hẹp, nhưng vốn là “cái nôi” trồng hoa tết, người dân nơi đây thuê lại các khu đất quy hoạch hay dự án xây dựng chưa được triển khai để trồng hoa, góp thêm thu nhập mỗi dịp tết đến.

Nắm bắt nhu cầu thị trường cũng như đáp ứng nguyện vọng của người dân, Trung tâm Khuyến nông TPHCM mạnh dạn đầu tư mô hình trình diễn trồng hoa cát tường, quy mô 16.000 chậu/4.000m² cho 6 hộ ở 2 phường Thới An và An Phú Đông của quận 12 sản xuất.

Triển khai từ tháng 9-2018, áp dụng quy trình kỹ thuật trồng hoa cát tường giống Eustoma grandiflorum - giống hoa kép sản xuất tại Đà Lạt (với các màu trắng viền tím, hồng nhạt), cây trồng trong chậu đường kính 25cm, chiều cao từ 5 - 7cm có 5 - 6 lá/cây. Sau hơn 4 tháng triển khai, trước tết vừa qua, trung tâm đã tổng kết và đánh giá, đây là mô hình đạt hiệu quả cao, tỷ lệ cây sống trên 90%, tỷ lệ ra hoa 90%/tổng số cây. Sử dụng giống mới, áp dụng công nghệ tiên tiến nên sau khi trồng 3 tháng, số hoa bình quân 10 - 15 hoa/chậu, đường kính từ 4 - 5cm, chiều cao cây khoảng 35 - 45cm, hoa có màu sắc sáng, đẹp. Qua đó, cho thấy hoa cát tường sinh trưởng tốt với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở TPHCM, nhất là ở quận 12.

Theo anh Nguyễn Hoàng Sơn ngụ tại số 354 Lê Văn Thọ, khu phố 4, phường Thới An), nhằm đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, Trung tâm Khuyến nông TP cần đa dạng thêm nhiều mô hình về trồng hoa cấy mô, kiểng lá… để giúp nông dân có điều kiện phát huy nghề trồng hoa. Ông Nguyễn Hữu Bình, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hiệp Thành, quận 12, nhận xét: “Từ ghi nhận của nông dân cũng như kết quả mô hình, tôi thấy hoa cát tường phù hợp với vùng đất có truyền thống trồng hoa ở quận 12. Đề nghị Trung tâm Khuyến nông TPHCM tiếp tục hỗ trợ mô hình để nông dân tham gia. Lợi thế của nông dân trồng hoa phường Hiệp Thành là có đất riêng, không phải đi thuê, đây là điều kiện thuận lợi giúp nông dân có điều kiện cơ cấu lại sản xuất, tăng thêm thu nhập”.

Ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TPHCM, ghi nhận góp ý của người dân, đoàn thể địa phương và cho rằng, quận 12 có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng là quận có nghề truyền thống trồng hoa - rau - cây kiểng, nên khi được trung tâm hỗ trợ mô hình, người dân dễ dàng tiếp nhận và đạt hiệu quả cao, góp phần nâng thêm thu nhập, thực hiện đúng chủ trương phát triển hoa - cây kiểng, nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp đô thị TP. Nhưng mong muốn của trung tâm với nông dân trồng hoa ở quận 12 không dừng ở đó, mà còn là cầu nối’giúp nông dân có thể ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư và tiêu thụ sản phẩm. Để phát triển ngành nghề căn cơ cần có sự liên kết, hợp tác một cách bài bản, thay vì dừng lại ở những mô hình đơn lẻ của nông dân hiện nay. Do đó, Trạm Khuyến nông quận 12 nên có kế hoạch tổ chức các buổi hội thảo liên quan đến sản xuất hoa ở địa phương, mời các doanh nghiệp, nông dân tham gia giao lưu, trao đổi, tìm hướng đi mới cho nông dân ở đây, không chỉ sản xuất hoa nền vào mỗi dịp tết mà có thể tiến tới sản xuất quanh năm, đáp ứng nhu cầu của người dân TP.

Hiện tại có hơn 70% lượng hoa sử dụng hàng ngày tại TPHCM đến từ các tỉnh Lâm Đồng (nhất là TP Đà Lạt), Đồng Tháp, Bến Tre… Nếu việc thực hiện tốt, có thể tính tới việc phát triển thêm các vùng hoa với thương hiệu riêng, tạo việc làm ổn định cho người dân vùng ven và ngoại thành phù hợp với ngành nông nghiệp đô thị, góp phần đưa nghề trồng hoa - cây kiểng phát triển, là mũi nhọn của nông nghiệp TPHCM.

ĐĂNG LÃM - MINH HIẾU

Thuốc hay từ hoa Xuân

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Rất nhiều loài hoa, đặc biệt là hoa Xuân không chỉ đẹp, chỉ thơm, mà còn có tác dụng chữa bệnh, chống lão hóa.

Hoa cúc chứa tinh dầu, các vitamin A, B, một số acid amin và nhiều nguyên tố vi lượng

Hoa cúc: Hoa cúc có khoảng 13.000 loài, trong đó 2 loại hoa hay được dùng làm thuốc là bạch cúc (cúc trắng) và kim cúc (cúc vàng).

Theo Đông y, hoa cúc vị ngọt, cay, vào 3 kinh phế, can, thận; có tác dụng dưỡng âm, ích can, tán phong thấp, thanh đầu mục, giáng hỏa. Cúc trắng vị ngọt nhiều hơn đắng, tính hơi hàn, thiên về khí phế. Cúc vàng vị cay đắng nhiều hơn ngọt, tính hơi ôn, thiên về can nhiệt.

Còn theo Tây y, hoa cúc chứa tinh dầu, các vitamin A, B, một số acid amin và nhiều nguyên tố vi lượng, trong đó đáng chú ý có selen - một nguyên tố khử gốc tự do điển hình, chống oxy hoá, chống lão hoá, và crom - chất phân giải, bài tiết cholesterol, phòng chống các bệnh tim mạch.

Nếu muốn trường xuân, bất lão, bạn hãy lấy mầm cúc tháng 3 âm lịch, lá tháng 6, hoa tháng 9, gốc rễ tháng 12, lượng bằng nhau, phơi khô, tán bột, rồi hoàn bằng hạt đậu xanh, uống 10-15g, ngày 2 lần lúc đói.

Để chữa chứng đau đầu kèm mắt đỏ do thời tiết nắng gắt gây cảm mạo do hoả bốc, lấy 30g hoa cúc, 20g kim ngân hoa, lá dâu tằm 15g, tất cả hãm nước thật sôi, uống nóng, cách nhau 2-3 giờ.

Chữa tăng huyết áp: Hoa cúc 10g, hoa hoè 6g, thảo quyết minh 10g… tất cả cho vào 500 ml nước sắc kỹ, chia uống 3 lần trong ngày. Hoặc bạch cúc 10g, hoa hoè 8g, lạc nhân 3g… sắc uống ngày một thang, uống trong 7 ngày liền.

Hoa đào: Có vị đắng, tính bình, không độc, vào 3 kinh tâm, can và vị; có công dụng lợi thủy, hoạt huyết, thông tiện, được người xưa dùng để chữa các chứng bệnh như thủy thũng, cước khí, đàm ẩm, tích trệ, đại tiểu tiện bất lợi, kinh bế, đau vùng tim, mụn nhọt…

Người xưa cũng dùng để chữa chứng rụng tóc, hói đầu bằng cách dùng bột hoa đào trộn đều với mỡ lợn hoặc dầu vừng rồi bôi lên vùng tổn thương sau khi đã rửa sạch bằng nước hòa với tro của rơm rạ.

Để trị các vết nám ở mặt, người ta dùng hoa đào 4 phần, bạch dương bì 2 phần và bạch quả tử nhân 5 phần, tất cả đem sấy khô, tán thành bột mịn, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 g ngay sau bữa ăn. Hoặc dùng hoa đào tươi 50 g và nhân hạt bí đao 50 g nghiền nhỏ trộn với mật ong rồi bôi mỗi ngày vài lần lên da mặt.

Hoa đào nấu với gạo tẻ, mật ong và đường thành cháo, có tác dụng hoạt huyết.

Hoa đào 10g nấu với gạo thành cháo, ăn mỗi ngày, hoặc có thể dùng ít gạo nếp nấu xôi, xong rắc men rượu lên, làm cho nó lên men thành rượu nếp dùng hoa đào trộn vào rượu nếp ăn… trị chứng đau thắt lưng rất hiệu nghiệm.

Hoa mai trắng: Theo Đông y, hoa mai trắng vị ngọt hơi đắng, tính ấm, không độc, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như sốt cao phiền khát, tức ngực, ho, hầu họng sưng đau, bỏng, lao hạch, chán ăn, chóng mặt, viêm đường hô hấp.

Theo y học hiện đại, hoa mai trắng có tác dụng thúc đẩy bài tiết dịch mật, ức chế một số loại vi khuẩn như coli, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn thương hàn, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn lao...

Muốn khỏi bệnh liệt dương: Dùng hoa mai, hoa đào, hoa hồng, hoa tường vi, hoa hẹ, trầm hương mỗi thứ 30g cùng với 240g nhân hạt đào, 2.500 ml rượu… tất cả cho vào túi lụa treo vào trong 1 hũ sành sứ bịt kín miệng. Ngâm 1 tháng lấy ra uống, mỗi lần uống 20 ml, ngày uống 2 lần sau 2 bữa ăn chính.

Chữa tăng huyết áp, cơn đau thắt ngực: Hoa mai trắng 3g, thảo quyết minh 10g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì uống thay nước trong ngày.

Chữa chứng chán ăn: 6g hoa mai trắng, 15g đậu ván, 20g sơn tra khô trộn đều và chưng cách thủy cho nhừ hoa. Uống lúc khi còn ấm, sau bữa tối khoảng 1 giờ.

Đông y thường sử dụng hồng đỏ và trắng để làm thuốc

Hoa hồng: Có nhiều loại hoa hồng, nhưng Đông y thường sử dụng hồng đỏ (mai khôi hoa) và trắng (hồng bạch) để làm thuốc.

Theo y học cổ truyền, hoa hồng có vị ngọt, tính ấm, tác dụng hoạt huyết, điều kinh, tiêu viêm, tiêu sưng. Hoa hồng đỏ dùng làm huyết mạch lưu thông, chữa kinh nguyệt không đều, đau ở vùng bụng dưới, vết sưng tấy, đinh nhọt và viêm mủ da, bệnh bạch cầu. Hoa hồng trắng chứa nhiều vitamin, đường, tinh dầu, dùng chữa ho trẻ em rất công hiệu, ngoài ra còn có tác dụng nhuận tràng.

Đặc biệt, hoa hồng dùng thể làm đẹp, dưỡng da, trị mụn rất hiệu quả.

Để tẩy sạch lớp tế bào chết: Lấy một vài cánh hoa hồng giã nát cùng mấy giọt hành nhân, rồi đắp hỗn hợp vừa tạo lên da, để 10 phút, sau đó rửa sạch lại với nước mát. Thực hiện 2 lần/tuần, da không những sạch lớp tế bào chết, bụi bẩn, mà còn trắng mịn và tươi tắn hơn.

Làm mặt nạ dưỡng trắng da: 1/2 thìa cà phê bột cánh hoa hồng, 1 thìa cà phê sữa tươi không đường, 1 thìa cà phê bột mỳ… trộn đều tạo nên hỗn hợp đặc sền sệt. Thoa nhẹ nhàng hỗn hợp vừa tạo lên da mặt, để 10-15 phút lớp mặt nạ khô và dùng tay bóc đi, rồi rửa sạch lại mặt với nước mát. Áp dụng thường xuyên 3-4 lần/tuần, bạn sẽ thấy làn da của mình có sự thay đổi rõ rệt.

Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp: Hoa hồng bạch 9-15g, sắc uống hằng ngày, hoặc hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được.

Chữa ho, khái huyết do phế hư: Hoa hồng bạch 15g, đường phèn lượng đủ dùng, sắc hoặc hấp uống hàng ngày, uống còn nóng. Uống liền 1 tuần.

Nếu trẻ em ho do lạnh có thể lấy cánh hoa hồng bạch còn tươi 15g, một quả quất chín (bỏ cuống), 1/2 thìa mật ong hoặc đường phèn… tất cả cho vào chén nhỏ hấp cơm hoặc chưng cách thuỷ, rồi nghiền nát, trộn đều và gạn lấy nước cho trẻ uống nhiều lần trong ngày.

Hoa đỗ quyên: Vị chua ngọt, tính ấm, vào 2 kinh can tỳ, tác dụng hòa huyết, điều kinh, trừ đàm, chỉ khái, khử phong thấp, làm hết ngứa, vì vậy được dùng để chữa các chứng rối loạn kinh nguyệt, bế kinh, tổn thương do ngã, phong thấp, thổ huyết, chảy máu cam.

Những chị em thân thể khô gầy, kinh nguyệt không đều, hãy dùng hoa đỗ quyên 5 bông, gan lợn 5 lạng, hành 1 củ, rượu 1/2 thìa, gia vị vừa đủ nấu chín cùng 3 bát nước.

Mệt mỏi bồn chồn: Lấy 8g hoa đỗ quyên trộn đều với 8g hoa hồng rồi hãm uống nóng thay trà.

Đau bụng kinh, đau lưng: Rễ đỗ quyên 30g, rễ hải kim sa 30g, ô dược 15g… trộn đều, sắc uống trước kỳ kinh.

Thạch hộc

Hoa lan phi điệp: Nhiều loài lan, ngoài việc được dùng làm cây cảnh còn là vị thuốc quý được Đông y sử dụng, trong đó điển hình là lan phi điệp.

Lan phi điệp, hay còn gọi là thạch hộc, có vị ngọt, nhạt, tính hơi lạnh, vào 3 kinh phế, vị và thận; có tác dụng hạ nhiệt, giảm đau nhẹ, tăng tiết dịch vị, trợ tiêu hóa, làm tăng nhu động ruột và thông tiện, nhưng liều cao thì tác dụng ngược lại làm tê liệt cơ ruột. Thạch hộc còn có tác dụng làm tăng đường huyết ở mức độ trung bình, lượng cao thạch hộc có thể ức chế hô hấp, tim, hạ huyết áp.

Trường hợp sốt khát nước, mồm khô, có thể dùng thạch hộc 8-16g sắc uống giải khát, nếu sốt cao kết hợp với thạch cao, tri mẫu.

Trị chứng vị nhiệt (thường có lở loét mồm), kèm ăn vào dễ nôn, nôn khan (trường hợp viêm dạ dày mạn): Thạch hộc 12g, bắc sa sâm 16g, mạch môn, hoa phấn, bạch biển đậu, trúc nhự tươi mỗi thứ 12g, giá đậu tươi (mầm đậu sống) 16g, sắc uống.

Thuốc trị ho, đầy hơi: Thạch hộc 6g, mạch môn đông 4g, trắc bá diệp 4g, trần bì 4g sắc với nước 300 ml còn 200 ml, uống trong ngày.

Hoa thủy tiên: Có chứa nhiều độc tố có thể gây hại đến sức khỏe, nhưng vẫn được dùng để trị ho gà, cảm lạnh và hen suyễn. Người ta cũng dùng thuốc từ thủy tiên để gây nôn mửa.

Đặc biệt, hoa thủy tiên có tác dụng chống ung thư, hỗ trợ điều trị bệnh Alzheimer, giảm đau, kháng viêm. Củ thủy tiên có tác dụng gây mê, làm trầm cảm hệ thần kinh; làm mờ vết tàn nhang. Rễ hoặc củ loại cây này giã nát trộn với mật ong dùng đắp ngoài da để trị phỏng, sẹo vết thâm tím, sưng khớp, đau gót chân, đau tai…

Nước sắc rễ cây thủy tiên là liều thuốc gây nôn rất hiệu quả. Củ loài cây này nghiền nát trộn với bột bánh lúa mạch nướng dùng bôi ngoài da để làm mềm các chỗ sưng cứng, rút ra gai, mảnh vụn găm vào thịt.

Lương y Vũ Tuấn Lương

Ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao góp phần nâng tầm giá trị hoa kiểng

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Những năm qua, Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Đồng Tháp (ƯDNNCNC) đã có nhiều hoạt động tạo sức lan tỏa trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao vào sản xuất hoa kiểng của địa phương.

Hoa hướng dương Hà Lan của Trại ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao Tân Khánh Đông cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán 2019

Ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao

Được thành lập từ năm 2014, hoạt động chính của Trung tâm là hợp tác nghiên cứu với các đơn vị trong và ngoài nước lai tạo, khảo nghiệm, trình diễn, ứng dụng, chuyển giao giống cây, con và kỹ thuật sản xuất công nghệ cao. Trong đó, nổi bật trong những năm qua là việc hợp tác, liên kết với Hà Lan, Đài Loan, Israel, Hàn Quốc... chuyển giao công nghệ sản xuất hoa trong nhà màng; lai tạo và nhân nhanh các giống hoa đẹp, lạ, giống CAT.

Tọa lạc trên tuyến đường tỉnh lộ DT848, ở ấp Đông Khánh, xã Tân Khánh Đông, TP.Sa Đéc, những năm qua, Trung tâm thường xuyên hợp tác, liên kết với Trung tâm Công nghệ sinh học, Ban quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam... trên lĩnh vực hợp tác nghiên cứu. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Trung tâm còn nhận chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô hoa kiểng, các mô hình sản xuất hiệu quả trên rau, hoa... Đối với lĩnh vực hoa kiểng, thời gian qua, Trung tâm ƯDNNCNC sản xuất, kinh doanh, nhân giống hoa kiểng cấy mô công suất từ 1 - 2 triệu cây/năm, phục vụ nhu cầu sản xuất trong và ngoài tỉnh. Trung tâm còn nhận chuyển giao nhân giống cấy mô, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

Bên cạnh việc sản xuất, kinh doanh, từ những ngày đầu thành lập, Trung tâm luôn chú trọng việc xây dựng mô hình, huấn luyện, chuyển giao công nghệ. Trung tâm đã có những mô hình đưa chuyển giao cho nông dân áp dụng thành công. Cụ thể như xây dựng mô hình sản xuất trong nhà màng với hệ thống tưới phân và nước tự động, có thể kiểm soát sâu bệnh, gió mưa. Điểm đáng ghi nhận từ các mô hình này là khả năng cảm biến gió mưa phù hợp với thời tiết, cảm biến với nhiệt độ, tạo luồng không khí mát cho nhà màng. Nhờ đó, nông dân có thể chủ động xử lý ra hoa đúng thời điểm, cây được cách ly nên giảm được sâu bệnh, thuốc hóa học, mang lại sản phẩm chất lượng và chi phí thấp. Theo ông Nguyễn Văn Sâu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Khánh Đông, hiện có rất nhiều các hộ trồng hoa kiểng ở địa phương đầu tư nhà màng để trồng hoa cho hiệu quả cao.

Một hoạt động khác luôn được Trung tâm ƯDNNCNC chú trọng đó là tổ chức tập huấn, hội thảo, diễn đàn trên lĩnh vực sản xuất kinh doanh hoa kiểng. Những kinh nghiệm, kiến thức từ các chương trình này đã từng bước được nông dân ứng dụng hiệu quả, giúp giảm chi phí và giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng hoa, từng bước tiếp cận thị trường hoa tại TP.HCM, Hà Nội và xuất khẩu sang thị trường Campuchia, Lào, Trung Quốc... Anh Nguyễn Hữu Khanh - chủ vườn hoa kiểng Hữu Khanh (ấp Đông Huề, xã Tân Khánh Đông) cho biết, nhờ tham dự các chương trình hội thảo, mô hình trình diễn do Trung tâm ƯDNNCNC tổ chức nên tôi có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu trong nghề để áp dụng vào quy trình canh tác hoa kiểng của mình mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn.

Nông dân đầu tư hệ thống nhà lưới canh tác hoa ở xã Tân Khánh Đông, TP.Sa Đéc

Góp phần nâng tầm giá trị hoa kiểng

Trung tâm ƯDNNCNC hiện có 3 trại trực thuộc: Trại ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao Tân Khánh Đông (Trại Tân Khánh Đông), Trại ứng dụng, thực nghiệm cây trồng An Phong, Trai thực nghiệm nông lâm nghiệp Động Cát. Chị Phạm Thị Xuân Quyên - Trưởng trại Tân Khánh Đông cho biết: “Mùa Tết năm nay, Trại Tân Khánh Đông cung ứng cho thị trường các loại hoa đồng tiền, hoa chuông, cúc pico (cúc mini)... Đặc biệt, loại hoa hướng dương hạt giống từ Hà Lan được Trại trồng thử nghiệm phát triển rất tốt, được khách hàng ưa chuộng. 2.000 giỏ hoa hướng dương của Trại sản xuất dịp này được khách hàng đặt mua hết từ trước 23 Tết...”.

Hiện nay, do thị hiếu của người tiêu dùng nên nông dân Sa Đéc đã bắt kịp xu hướng bằng cách du nhập rất nhiều loại hoa, Trung tâm ƯDNNCNC cũng không ngoại lệ. Theo ông Phạm Hữu Phước - Giám đốc Trung tâm ƯDNNCNC, trong công tác thu thập, bảo tồn nguồn gen, những năm qua, Trung tâm ƯDNNCNC đã xây dựng vườn tiêu bản để thu thập các nguồn gen. Trung tâm luôn quan tâm thu thập, phục tráng các giống hoa đặc trưng của Đồng Tháp, đặc biệt là hoa hồng, sen và hoa cúc các loại. Nhờ vậy, đã góp phần làm sinh động thêm không gian muôn màu của làng hoa Sa Đéc.

Năm 2018, đơn vị đã sản xuất 5.000 cây in-vitro (nuôi cấy mô). Trung tâm ƯDNNCNC còn được biết đến là nơi nuôi cấy mô thành công các loại hoa và được nông dân trồng hoa quan tâm đặt hàng các sản phẩm: hoa đồng tiền cao, lùn (mini); tiểu la lan (hoa chuông); các loại lan Ý, lan Ý Mỹ, lan dendro, mokara, hồ điệp; hoa cúc mini (farm), cúc mâm xôi, tiger, Đài Loan; dứa diễm phúc; hoa dạ yến thảo, thạch thảo, sống đời kép, hoa khế, lưỡi phụng... Ngoài ra, Trung tâm còn đang tiến hành nghiên cứu, cấy mô một số giống hoa mới nhập nội.

Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao lần 6 tổ chức vào cuối năm 2018 thông tin, so với thời điểm cách đây 10 năm, hoa kiểng Đồng Tháp từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ đã từng bước cải thiện và mở rộng dần quy mô (bình quân diện tích sản xuất 0,1ha/hộ năm 2008 lên 0,22ha/hộ năm 2018); từ hình thức nhân giống thô sơ sang kỹ thuật công nghệ tiên tiến (sử dụng cây giống chiết/giâm cành sang cấy mô in-vitro)... đặc biệt là nông dân ngày nay biết ứng dụng internet vào giới thiệu, quảng bá sản phẩm và thương hiệu.

Chăm sóc hoa chuông trong nhà màng ở Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

Với mục tiêu phát triển làng hoa Sa Đéc trở thành vùng hoa nổi tiếng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, một trong những vấn đề Đồng Tháp sẽ chú trọng trong thời gian tới là Trung tâm ƯDNNCNC tiên phong trong việc hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp, các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài nước để tiếp nhận kỹ thuật, công nghệ mới nhằm chuyển giao cho người dân ứng dụng. Đặc biệt là tiếp cận những nền nông nghiệp có kỹ thuật cao như Hà Lan, Nhật, Israel... từng bước trồng hoa theo hướng công nghiệp để tiết kiệm công lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận; nghiên cứu về giống, kỹ thuật phù hợp với sản xuất hoa cắt cành nhằm thực hiện thành công mục tiêu xuất khẩu hoa kiểng. Bên cạnh đó, từng bước hình thành vùng nguyên liệu hoa để chiết xuất tinh dầu, ẩm thực, dược phẩm, mỹ phẩm từ hoa, góp phần khẳng định chất lượng đặc trưng và nâng tầm giá trị của hoa kiểng Sa Đéc...

Theo ông Võ Thanh Tùng - Chủ tịch UBND TP.Sa Đéc, với giá trị sản xuất hoa kiểng trong năm ước đạt trên 1.500 tỷ đồng, ngành hàng hoa kiểng đang có sức hút và đem lại lợi nhuận khá cao cho người dân Sa Đéc. Từ đó, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo đúng định hướng nông nghiệp đô thị của thành phố và xây dựng Sa Đéc thành “Vương quốc hoa” của đồng bằng sông Cửu Long. Riêng hoa hồng là một trong những loài hoa đặc trưng của ngành hàng này, được địa phương chọn làm logo biểu trưng của thành phố. Những năm qua, thành phố luôn quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ về khoa học, công nghệ trong lai tạo, cấy ghép, thuần dưỡng giống hoa hồng truyền thống cũng như nhân giống hoa nhập từ các nơi khác về tạo thêm sự đa dạng về chủng loại hoa hồng tại địa phương; khuyến khích người dân mạnh dạn dồn điền đổi thửa, tạo nên vùng sản xuất hoa rộng lớn, tập trung cùng chủng loại để hướng đến thị trường xuất khẩu, đồng thời phát triển du lịch tăng thêm lợi nhuận và thu nhập của người dân.

Thanh Hiền

Trồng lan chơi, thu nhập thật

Nguồn tin: Báo Thái Bình

Nhờ nhạy bén gắn sản xuất, kinh doanh với trồng hoa lan để thưởng ngoạn mà nhiều nông dân xã Bách Thuận (Vũ Thư) có nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Vườn lan rừng của gia đình anh Sơn có nhiều loài lan quý, giá trị cao.

Nếu các loại hoa hồng, hoa cúc được coi là bình dị, dân dã thì phong lan được coi là hoa “quý tộc”. Nhiều loại lan rừng quý hiếm, có giá trị cao, vì vậy người chơi lan thường khá tốn tiền cho thú chơi tao nhã này. Ngược lại, nhờ nhạy bén gắn sản xuất, kinh doanh với trồng hoa lan để thưởng ngoạn mà nhiều nông dân xã Bách Thuận (Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) có nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Vườn lan rừng của gia đình anh Nguyễn Như Sơn ở thôn Trung Hòa ngày giáp tết, ngoài những giò lan đai châu đang độ nở bông, còn lại đều “ngủ im” chưa vào mùa. Nhìn không khác gì những cành củi khô, vậy nhưng anh Sơn bảo vườn lan 120m2này trị giá hơn nửa tỷ đồng, nhiều giò lan quý trị giá hàng triệu đồng, thậm chí như lan phi điệp chỉ một nhánh nhỏ cũng có giá vài triệu đồng.

Anh Sơn chia sẻ, hơn 10 năm trước anh là người có vườn lan đầu tiên ở Bách Thuận. Trước kia anh chỉ nhập lan rừng ở khắp nơi về để kinh doanh, cung cấp cho người chơi. Nhưng càng chăm lan anh càng đam mê với thú chơi tao nhã này. Sau đó, ngoài kinh doanh lan giống, anh còn nhận ghép lan vào giá thể cho khách và xây dựng 1 nhà lưới để ươm lan. Tuy vườn lan của gia đình anh chỉ rộng 120m2 nhưng thiết kế giá treo nhiều tầng nên chứa được gần 1.000 giò lan.

Có lẽ đã quá gắn bó và hiểu cây lan nên dù nhiều người thấy lan khó chăm nhưng anh Sơn cho rằng lan không khó ươm và chăm sóc, điều quan trọng là người trồng phải có tính kiên nhẫn, tỉ mỉ. Cây lan rừng phụ thuộc vào tiểu khí hậu vườn nuôi và là cây ưa ẩm nên dưới mặt đất anh Sơn trồng kín cây hoa lan ý (còn gọi là hoa bạch môn) nhằm giúp vườn râm mát, giữ ẩm và hút khí độc trong không khí, bên trên anh treo lan rừng. Mùa hanh khô anh phải thường xuyên phun nước cho lan. Để phòng bệnh cho lan, anh mày mò thử nghiệm và tìm ra các cách phòng, điều trị một số bệnh nấm mốc, thối thân ở lan rất hiệu quả và an toàn như phun tưới 2 lần/tuần bằng nước vôi trong; xay gừng tươi ngâm nước phun cho lan. Nhờ cách làm này, vườn lan nhà anh Sơn không phải sử dụng thuốc hóa học mà cây lan vẫn phát triển khỏe, an toàn, thậm chí anh còn chủ động cho hoa lan nở sớm hay muộn hơn 1 - 2 tháng so với chu kỳ thông thường của cây.

Để đáp ứng nhu cầu chơi lan cao cấp của nhiều khách sành chơi, anh Sơn mua những thân gỗ lũa to, ghép loại lan quý như lan đai châu, hiện nhiều khách đã trả 50 triệu đồng/cặp gỗ lũa ghép lan nhưng anh Sơn vẫn muốn chăm cho thật đẹp mới bán. Hiện vườn của gia đình anh có đủ các loại lan, trong đó có nhiều loại lan quý như tam bảo sắc, phi điệp, đai châu, hạc vỹ thiên cung, chân rồng, thảo kèn, kiều...

Cùng với kinh doanh lan giống, ghép lan thuê cho khách và trồng khoảng 1 vạn khóm lan ý, mỗi năm gia đình anh Sơn có thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Xuất phát điểm ban đầu là thú chơi tao nhã, nhờ nhạy bén, năng động, giờ đây anh Sơn đã trở thành ông chủ trẻ thành công. Đặc biệt, anh không giấu nghề mà còn động viên, hướng dẫn kinh nghiệm cho nhiều bạn bè, anh em ở trong và ngoài xã, đến nay có gần 10 vườn lan khác đã hình thành và cho thu nhập khá.

Nếu anh Sơn chơi toàn bộ lan rừng thì vườn lan của gia đình ông Hoàng Văn Thiều ở thôn Bách Tính lại chủ yếu là các loại lan được ươm giống từ nhà kính của các trung tâm nghiên cứu tại Hà Nội chuyển về như lan hồ điệp, denro, đai châu Thái, trầm, điệp, vũ nữ... So với lan rừng, giống lan nhà kính (lan công nghiệp) này khó chăm sóc hơn nhưng lại có ưu thế là đa dạng về màu sắc, bông hoa lan to hơn.

Ông Thiều cho biết: Mỗi loại lan có một đặc tính khác nhau, ví dụ có loại ưa nắng 90% nhưng có loại chỉ ưa nắng 70% nên treo lan cao thấp như thế nào cũng cần có sự tính toán của người chăm; hoặc có loại ưa nước có loại lại cần “cắt nước” vào thời điểm nào để hoa nở đúng mùa...

Ở tuổi gần 60 mới bắt đầu chơi lan, ban đầu ông Thiều cũng gặp khó khi chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cho cây. Nhưng với lòng yêu lan, chịu khó tìm tòi, thậm chí không ngại học hỏi cả những người bạn trẻ tuổi hơn mình như anh Sơn, đến nay, ông Thiều đã nắm khá vững kỹ thuật chăm sóc các loại lan rừng và lan công nghiệp. Mỗi năm gia đình ông xuất bán ra thị trường hàng trăm giò lan, thu về hàng trăm triệu đồng, giúp nâng cao đời sống.

Ông Nguyễn Kim Sáu, Phó Chủ UBND xã Bách Thuận cho biết: Lợi thế của người dân làng vườn Bách Thuận là có kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại hoa, cây cảnh rất tốt, lại thêm tính năng động, sáng tạo nên nhiều hộ đã mạnh dạn du nhập nghề trồng hoa lan về địa phương. Chơi hoa lan là thú chơi tao nhã, ngày càng có nhiều người ưa chuộng, vì vậy thị trường tiêu thụ hoa lan rất rộng mở. Cái khó nhất của các hộ phát triển vườn lan là điều kiện thời tiết miền Bắc khá thất thường hay có mưa, bão vì thế thường gây thiệt hại lớn cho người trồng. Tuy nhiên, có thể hạn chế thiệt hại bằng cách chủ động thu dọn, cất lan ở chỗ an toàn tạm thời. Ngoài ra, người trồng lan mới tự tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc lan chứ chưa tổ chức tập huấn kỹ thuật cho bà con.

Mặc dù nhiều khó khăn nhưng hiện xã Bách Thuận đã có hơn 10 vườn lan, tiêu biểu như vườn lan của gia đình anh Sơn, ông Thiều... Mỗi vườn lan cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho các gia đình, mỗi giò phong lan khoe sắc còn minh chứng cho đôi bàn tay khéo léo của người làng vườn và tô điểm làm đẹp khắp mọi miền quê.

Quỳnh Lưu

Đồng Tháp: Sa Đéc, còn đây muôn sắc hoa hồng

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Cửa ngõ mướt xanh với ngàn hoa khoe sắc, làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) luôn đón mọi người bằng nét duyên dáng của một miền quê thanh bình giữa lòng thành phố. Là thủ phủ hoa của miền đất phương Nam, nơi đây vẫn mang bên mình niềm tự hào về loài hoa hồng bốn mùa lan tỏa sắc hương...

Chăm sóc, gìn giữ những giống hoa hồng nội là niềm tự hào của nông dân Nguyễn Văn Sáng

Dấu ấn vườn hồng xưa

Với lịch sử làng nghề hơn 300 năm, nghề trồng hoa kiểng ở TP.Sa Đéc hiện có diện tích canh tác 527ha với 3.000 hộ theo nghề, tập trung chủ yếu ở phường Tân Quy Đông và xã Tân Khánh Đông. Tại làng hoa Sa Đéc, bên cạnh những loài hoa đặc thù khác thì hoa hồng vẫn được xem là hoa chủ đạo chiếm 20% diện tích trồng hoa kiểng.

Hầu như ai đến làng hoa Sa Đéc, hỏi thăm về hoa hồng sẽ được nghe người dân nơi đây kể chuyện về Vườn hồng Tư Tôn, khu vườn ngày xưa ở phường Tân Quy Đông vô cùng nổi tiếng. Ông Tư Tôn - chủ nhân khu vườn, là một nghệ nhân từng gầy dựng nên vườn hồng nổi tiếng xinh đẹp với nhiều loài hoa hồng đặc sắc được du nhập từ phương trời xa xôi nước Pháp. Danh tiếng khu Vườn hồng đẹp như miền cổ tích thuở ấy luôn được người trong nghề nhắc lại bằng niềm nhớ tự hào, như linh hồn của làng nghề trăm tuổi. Bởi chính khu vườn này là nguồn cảm hứng để nhiều nông dân học hỏi, quyết tâm giữ gìn nghề trồng hoa hồng như một nét riêng của làng nghề truyền thống.

Anh Nguyễn Hữu Khanh - chủ vườn hoa kiểng Hữu Khanh ở ấp Đông Huề, xã Tân Khánh Đông chia sẻ, anh theo nghề trồng hoa hồng do có người thân từng gắn bó với nghề này ở khu vực Vườn hồng Tư Tôn ngày xưa. Anh tâm sự: “Mặc dù Vườn hồng của bác Tư Tôn giờ không phát triển nữa nhưng tôi luôn xem khu vườn đó là khởi nguồn ý tưởng khi theo nghề trồng hoa hồng”. Với hơn 3.000m2 diện tích đất canh tác chuyên sản xuất hoa hồng, vườn hồng của anh Khanh luôn có khoảng 15.000 giỏ hoa luân phiên cung cấp cho thị trường.

Tâm điểm nghề trồng hoa hồng của làng hoa Sa Đéc trước đây thuộc khu vực phường Tân Quy Đông nhưng hiện đã phát triển sang vùng lân cận Tân Khánh Đông, phường 3, phường An Hòa. Vườn hồng Tư Tôn dẫu không còn hiện hữu như xưa vì lý do riêng của gia đình ông chủ nhưng làng hoa Sa Đéc hiện đã khai sinh thêm nhiều vườn hồng mới. Đó là những khu vườn nổi tiếng về quy mô cũng như chủng loại hoa hồng vô cùng phong phú, chuyên sản xuất, cung ứng hoa hồng cho thị trường trên toàn quốc. Phải kể đến là Vườn hồng Anh Long, Vườn hồng Hữu Khanh, Vườn hồng Hai Lâm, Vườn hồng Tư Thắng, Vườn hồng chú Sáu... Những khu vườn này hiện được đầu tư rất bài bản với hệ thống nhà lưới, nhà màng, phun tưới, giàn trồng hoa kiên cố... Đặc biệt, bên cạnh việc nhạy bén cập nhật, thuần dưỡng các giống hoa mới, nông dân chuyên canh tác hoa hồng ở làng hoa Sa Đéc luôn ý thức gìn giữ những giống hoa hồng bao đời gắn bó với nơi đây.

Đóa hồng lung linh khoe sắc ở Vườn hồng chú Sáu

Vườn hồng khoe sắc thắm hôm nay

Hoa hồng ở làng hoa Sa Đéc được sản xuất liên canh nên khi các loại hoa khác thường chỉ rực rỡ mỗi độ xuân về, riêng hoa hồng quanh năm khoe sắc. Hoa hồng ở làng hoa này phong phú từ chủng loại đến màu sắc, kiểu dáng. Đó là vẻ đẹp của đóa hồng marseile trắng tinh khôi, hồng nhung đỏ thắm, hồng lửa rực rỡ, hồng carey hương thơm nồng nàn dịu dàng, hồng rủ, hồng bụi aoi rose, hồng tiểu muội xinh xắn...

Gần 20 năm gắn bó với hoa hồng bằng tất cả tâm huyết và niềm đam mê, ông Trang Hoàng Lâm (chủ Vườn hồng Hai Lâm ở ấp Khánh Nhơn, xã Tân Khánh Đông) đã thuần dưỡng, gầy dựng nên một vườn hồng đặc sắc được nhiều người mến mộ với hàng trăm giống hoa hồng nhập ngoại. Vườn hồng Hai Lâm được chăm sóc khoa học từ khâu đất trồng, nước tưới đến bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Nhờ vậy những gốc hồng trong khu vườn rộng 5.000m2 của gia đình ông quanh năm khoe sắc rực rỡ.

Tuổi thơ gắn liền với những ký ức ở Vườn hồng Tư Tôn xưa, anh Nguyễn Văn Sáng (ấp Khánh Nhơn, xã Tân Khánh Đông) chia sẻ, vườn hoa 1.500m2 của gia đình anh chủ yếu canh tác giống hoa hồng nội có nguồn gốc từ khu vườn nổi tiếng ngày xưa như: hồng nhung, hồng vàng, hồng lửa... Anh tâm sự, phải thật yêu nghề mới gắn bó với công việc này được. Khi chăm sóc hoa hồng là phải nhớ rõ “tính nết” từng loài, tùy theo loại hồng mà phải biết cách để tưới nước, chăm sóc phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Hon - Phó Chủ tịch UBND TP.Sa Đéc cho biết, với giá trị sản xuất hoa kiểng trong năm ước đạt 1.500 tỷ đồng, ngành hàng hoa kiểng đang có sức hút và đem lại lợi nhuận cao cho người dân Sa Đéc. Từ đó, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo đúng định hướng nông nghiệp đô thị của thành phố và xây dựng Sa Đéc thành “Vương quốc hoa” của đồng bằng sông Cửu Long. Riêng hoa hồng là một trong những loài hoa đặc trưng của ngành hàng này, địa phương luôn có sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ để bà con nông dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin, các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, tiêu thụ, kết hợp khâu xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, du lịch.

Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh hoa kiểng, TP.Sa Đéc phối hợp Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Đồng Tháp chuyển giao các giống hoa, kiểng mới. Hiện nay, do thị hiếu của người tiêu dùng nên nông dân Sa Đéc đã bắt kịp xu hướng bằng cách du nhập rất nhiều loại hoa hồng ngoại (hồng leo và hồng bụi). Ông Phạm Hữu Phước - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Đồng Tháp cho biết: “Bên cạnh việc nhập hoa hồng leo, hồng bụi, Trung tâm vẫn chủ trương bảo tồn và phục hồi nhiều giống hoa hồng địa phương như hồng nhung, hồng lửa, hồng nữ hoàng...”.

Hiện tại, Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Đồng Tháp phối hợp với Bộ môn Hoa và cây - Viện cây ăn quả miền Nam tiếp nhận 14 chậu hồng lửa cấy mô thuộc đề tài “Cải thiện giống hoa hồng lửa và hoa cúc Tiger phù hợp với làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp” để khảo sát giai đoạn một tại Trung tâm. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tập trung đẩy mạnh hướng nhân giống hoa hồng bằng phương pháp nuôi cấy mô. Hoạt động này nhằm có số lượng lớn cây giống khỏe, sạch bệnh cung ứng cho nông dân làng hoa Sa Đéc cũng như các tỉnh lân cận.

Khi làng hoa Sa Đéc khai sinh thêm nhiều khu vườn hồng mới cũng là lúc địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch. Nhiều vườn hồng nơi đây trở thành điểm tham quan, thưởng lãm thú vị của du khách trong và ngoài nước. Sức sống mới từ những vườn hồng của làng hoa trăm tuổi như tô điểm thêm cho bức tranh thiên nhiên của “thành phố hoa” thêm phần tươi đẹp.

Thanh Hiền

‘Nữ hoàng’ hoa hồng

Nguồn tin: Báo Bình Phước

“Ươm các giống cao su, cà phê, điều, tiêu... mỗi vụ bán không hết đều ngậm ngùi bỏ đi, tổn thất hàng chục triệu đồng. Tôi chuyển sang kinh doanh giống hoa hồng, mùa này không bán được, mùa sau bán lại được giá cao hơn. Lúc mới vào nghề, trồng hoa chỉ vì mục đích kinh doanh nhưng chăm sóc lâu năm tôi nghiện hương thơm, sắc đẹp của loài hoa này lúc nào không hay!” - chị Võ Thị Cẩm Lường, chủ trại hoa hồng Phương Nam ở thôn 2, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) cho biết.

Làm vườn ươm các loại cây nông sản từ năm 2005, nhận thấy thị trường này bấp bênh, hiệu quả kinh tế thấp, năm 2014 chị Võ Thị Cẩm Lường chuyển sang nhân giống hoa hồng. Sau bao thăng trầm, hiện chị sở hữu hàng ngàn giống hoa hồng trong và ngoài nước, kể cả những dòng quý hiếm ngoài thị trường không có chị cũng nhân giống thành công. Dân chơi trong nghề gọi chị là “phượng hồng”, là “nữ hoàng” của loài hoa mê hoặc lòng người bởi hương sắc đặc trưng.

HÀNH TRÌNH TRẢI NGHIỆM ĐAM MÊ

Hoa hồng được mệnh danh là chúa tể các loài hoa, đỏng đảnh, khó chăm sóc. Để thành công với loài hoa này, chị Lường phải đi trên con đường đầy gai cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. “Ươm và chăm hoa hồng khác với các giống cây trồng lâu năm, kiến thức và kỹ thuật về hoa hồng của tôi lúc đó là số “0”. Tôi phải tìm hiểu thông tin trên mạng về loài hoa này, sau đó đến Đà Lạt (Lâm Đồng) để học kỹ thuật cấy, ghép, nhân giống hoa hồng. Đến đó, tôi lạc vào thế giới hoa hồng đúng nghĩa, vì không có người thân giới thiệu nơi uy tín, tất cả đều tự thân vận động. Sau khi tìm hiểu, tôi chọn vựa giống của ông chủ ở phường 5, thành phố Đà Lạt để học lớp cấp tốc 20 ngày với mức học phí 80 triệu đồng” - chị Lường cho biết.

Sau 1 tuần nhập môn, chủ vườn cho chị thực hành những việc như làm đất, trộn giá thể, vào bầu, nhổ cỏ, tưới nước cho hoa chẳng khác gì công việc mà chị thuê người làm cho vườn cây giống của mình. “Tôi đi học kỹ thuật cấy, ghép, nhân giống hoa hồng chứ đâu có học việc làm đất” - chị Lường thắc mắc ông chủ. Chị nhận được câu trả lời: “Học phải có quy trình, theo thứ tự thời gian”. Không đồng ý với ông chủ, chị đề nghị hủy hợp đồng, đòi lại 20 triệu đồng đã ứng trước đó nhưng không được chủ vườn đồng ý. Chị tìm đến UBND phường kiện “thầy” bất tín với lý do không làm đúng thỏa thuận. Được UBND phường phân xử thu về 20 triệu tiền đặt cọc, chị tiếp tục kiện đòi 10 ngày làm công cho chủ vườn được 1 triệu đồng, số tiền này chị nhờ UBND phường trao tặng cho người nghèo của phường.

Chị Võ Thị Cẩm Lường (trái) giới thiệu các dòng hoa hồng trong vườn của gia đình

Trong 10 ngày làm công ở trại hoa, chị kịp làm quen với anh Thảo - một công nhân kỹ thuật chăm sóc hoa lâu năm của chủ vườn. Thông qua anh Thảo, chị đã học được tất cả kỹ thuật liên quan đến cây hoa hồng với chi phí 5 triệu đồng chỉ trong vòng 5 ngày. Sau đó, chị trở về và bắt đầu xây dựng thế giới hoa hồng của riêng mình với 3 loại giống đầu tiên, gồm hồng tiểu muội, hồng Pháp và hồng Thái ở tỉnh Gia Lai. Sau hơn 1 năm gầy dựng cơ ngơi, trại hoa hồng của chị được nhiều người biết đến với những giống hồng hiếm, độc, lạ về màu sắc, hương thơm. Vì hoàn cảnh gia đình, năm 2015, chị phải rời Gia Lai, di chuyển vườn hồng về Bù Đăng lập nghiệp.

“SĂN” HOA HỒNG

Không gian rực rỡ sắc màu, hương thơm nồng nàn, ấm áp, thanh tao của nhiều loại hoa hồng quyện chặt vào nhau khiến người “ngoại đạo” như chúng tôi không thể rời đi. Chúng tôi được thuyết giáo về những đặc tính sinh trưởng cũng như sức quyến rũ của hoa hồng trong nắng chiều yếu ớt, đang thấp dần sau những ngọn đồi trên vùng đất Bù Đăng đầy nắng gió. Để có được vườn hồng với hàng ngàn loại xuất xứ từ nhiều vùng, miền, lãnh thổ là cả một “chiến dịch săn hoa hồng” không hồi kết của chị. Trải qua nhiều lần “ăn quả lừa” từ việc mua hạt giống, nhập ngoại các loại hoa hồng qua mạng, chị rút ra bài học mua cây có hoa để đảm bảo chất lượng. Ứng dụng những kỹ thuật đã học, chị nhân cây giống tạo ra thế hệ cây con phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất Bình Phước. Mỗi loại hoa hồng trong vườn của chị đều có lý lịch rõ ràng. Trong muôn loài hoa hiện tại, chị vẫn còn nhớ cây hồng xanh có tên LoveLy Green mua từ Trung Quốc với giá 800 ngàn đồng, tiền vận chuyển bằng máy bay thêm 300 ngàn đồng. Thời tiết, khí hậu 2 nước khác nhau nên việc chăm sóc cây hồng LoveLy Green gặp không ít khó khăn. Nhưng sau cùng chị cũng nhân giống thành công. Săn hoa hồng đối với chị là một thú vui với bao kỷ niệm không thể quên. Chị săn hoa hồng trong mọi trường hợp, thăm người thân, tìm đến các vựa hoa hồng từ Nam chí Bắc, cứ thấy ở đâu có hoa hồng cho màu sắc, hương thơm lạ mình chưa có là chị mua bằng được, bất chấp giá cả để tạo giống phục vụ khách hàng đam mê loài hoa này.

Bén duyên với hoa hồng đến nay đã 5 năm, chị không thể nhớ hết trại hồng của mình có bao nhiêu loài, chỉ nhẩm sơ các loại thuộc hồng ngoại, hồng leo, hồng bụi, hồng cổ, hồng thân gỗ... chưa tính các dòng cấy, lai ghép cũng có hàng ngàn loại. Trong đó, nhóm hồng leo có trên 20 dòng, nhóm hồng bụi, tiểu muội của Pháp trên 50 dòng, nhóm bán leo 15 dòng, hồng cổ có 15 dòng, nhóm thân gỗ hơn 20 loại khác nhau... Mỗi dòng có từ 10-15 loài khác nhau, mang màu sắc, hương thơm khác biệt. Để tạo sự phong phú cho vườn hồng, chị cấy ghép nhiều giống hồng trên cùng một cây, tạo ra các loại hoa khác nhau và đặt tên theo cách của riêng mình.

“MẬT NGỌT” HOA HỒNG

Kẻ thù lớn nhất của hoa hồng là nhện đỏ, một số bệnh khác như nấm, thán thư cũng có thể gây hại cho cây. Do vậy để có hoa thưởng ngoạn, người trồng phải thường xuyên chăm bón, tưới nước mỗi ngày. Chu kỳ 10-15 ngày bón phân 1 lần, mỗi lần phải thay đổi phân bón để bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cây. Cách đây 5 năm, các loại hồng ngoại, hồng leo đối với người dân vẫn còn xa lạ nhưng chị Lường đã mạnh dạn đầu tư để chinh phục vị trí số 1 ở thị trường hoa hồng Bình Phước. Ngoài trại hồng Phương Nam do chị quản lý, chị còn giúp gia đình người em lập một trại hồng riêng để có thu nhập ổn định. Nhiều nhà vườn, cơ sở mua bán hoa hồng từ Đồng Xoài, Phước Long, Đồng Phú... thậm chí mãi vùng cao Đắk Nông cũng tìm đến vườn hồng của chị lấy hàng.

Chị Lường cho biết, thị trường hiện nay rất ưa chuộng loại hồng thân gỗ, hồng leo, hồng nhập ngoại vì hương thơm, vẻ đẹp sang trọng, sắc hoa lạ, dễ tạo cảnh cho mọi không gian của gia đình. Không tính dịp lễ, tết, riêng hoa hồng leo bình quân mỗi ngày tiêu thụ khoảng 20 chậu. Đối với hồng thân gỗ, cây bụi có giá 350 ngàn, có loại 50 ngàn đồng/cây nhưng cũng có loại đến 500 ngàn đồng/cây tùy giống và hương sắc mỗi cây. Đặc biệt có những giống hồng cổ dao động từ 5-10 triệu đồng/cây. Nhờ nắm được phương pháp cấy ghép nên giá thành mỗi cây hồng của chị thấp hơn mặt bằng chung ngoài thị trường. Các mối lấy về bán lại chênh nhau từ 100-300 ngàn đồng/chậu/bụi tùy mỗi shop. Ngoài bỏ mối cho thương lái, trại hồng Phương Nam còn tạo việc làm cho những người không có vốn, hoàn cảnh khó khăn được lấy hoa đi bán trả tiền sau mà không cần đặt cọc. Nếu bán không hết mang hoa về trả lại với điều kiện hoa không bị gãy, giập là được.

Rời trại hoa hồng Phương Nam khi phố đã lên đèn, trong chúng tôi đọng lại một bức tranh đẹp về hình ảnh người phụ nữ có làn da rám nắng, đôi tay chi chít vết sẹo do gai hồng để lại đã chai sần cùng năm tháng. Thế nhưng, hương sắc của hoa hồng cứ ngào ngạt tỏa hương làm đẹp cho đời.

Ngọc Bích - Đông Kiểm

Vườn lan ‘quý tộc’ của thạc sĩ quản lý xây dựng

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Sau gần 6 năm khởi nghiệp từ vườn hoa lan hồ điệp, đến nay có thể khẳng định, định hướng khởi nghiệp của Chí là đúng và đã thành công. Doanh thu và lợi nhuận từ vườn hoa lan của Chí ngày càng cao, vốn đầu tư lập vườn cơ bản đã thu hồi.

Năm 2012, người quen với gia đình ông Dương Khải Thành ở khu phố Hiệp Bình, phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh đều cảm thấy ngạc nhiên khi biết con trai ông là anh Dương Võ Đạt Chí có ý định khởi nghiệp từ vườn hoa lan hồ điệp (tên khoa học là Phalaenopsis sp- một loại lan được mệnh danh là “nữ hoàng của các loài hoa lan”, rất khó trồng để cho ra hoa đạt yêu cầu).

Lan loại lớn ra hoa dài hơn 1m tại vườn lan của Chí.

Bởi vì khi ấy, Chí vừa mới lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành Quản lý xây dựng, chẳng dính dáng gì với nghề trồng hoa lan cả, mà đây lại là loại hoa lan “quý tộc”, không mấy người trồng quy mô. Thế nhưng, với quyết tâm và lòng đam mê của mình, sau mấy năm gầy dựng, vườn lan hồ điệp của Chí dần cho hoa đạt yêu cầu, thị trường ngày càng ưa chuộng, doanh số bán ra ngày càng cao.

Có lẽ Dương Võ Đạt Chí “nhiễm” sự đam mê hoa lan từ cha của mình. Anh Dương Khải Thành xuất thân là một tiểu thương nhưng lại rất đam mê trồng lan. Trước đây, dù bận bịu với công việc kinh doanh, nhưng anh Thành vẫn dành thời gian chăm sóc vườn lan ở nhà, trong vườn luôn có vài chậu nở hoa. Tuy chỉ trồng chủ yếu để ngắm hoa, nhưng nghe ở đâu có giống lan mới, lan đẹp, anh Thành không ngại cất công tìm đến.

Có lần trên chiếc xe Honda 81 cũ xì, anh Thành lặn lội đến tận huyện Đức Hoà, tỉnh Long An để chia lại vài tép lan về gây giống. Thời còn học phổ thông, Chí thường giúp cha chăm sóc vườn lan nho nhỏ ở nhà những lúc anh Thành bận công việc. Nào ngờ, việc này lâu dần trở thành niềm đam mê của Chí lúc nào không hay.

Một góc vườn lan hồ điệp của Chí.

Lúc đầu, Chí không nhận thức hết niềm đam mê của mình đối với hoa lan. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Chí thi vào Trường đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh, chuyên ngành xây dựng. Tốt nghiệp, kỹ sư Chí vừa làm việc vừa học tiếp cao học. Tưởng rằng lấy bằng thạc sĩ, Chí sẽ tiếp tục theo làm việc trong ngành xây dựng, nên nghe Chí bày tỏ muốn lập nghiệp từ việc trồng hoa lan, anh Thành và cả gia đình đều kinh ngạc.

Nghe Chí phân tích, anh Thành tin tưởng, giúp vốn cho con thực hiện ước mơ của mình. Theo Chí, việc lập vườn hoa lan có điều kiện thuận lợi trước tiên là xuất phát từ niềm đam mê nên không sợ bỏ dở giữa chừng. Còn Chí chọn trồng hoa lan hồ điệp- loại lan muốn trồng thành công phải bảo đảm rất nhiều yếu tố như độ ẩm, nhiệt độ, tỷ lệ chiếu sáng, quy trình chăm sóc, bón phân... do đây là loài hoa lan không mấy người trồng, toàn miền Nam lúc bấy giờ chưa có ai trồng kinh doanh với quy mô lớn cả, vì thế sẽ dễ tìm kiếm thị trường tiêu thụ hơn các loài hoa lan khác.

Từ kiến thức học hỏi ở nhiều nơi cộng với nghiên cứu trên mạng, Chí đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất gồm giàn che, hệ thống làm lạnh, tạo độ ẩm tự động... trên khu đất gần 1 công. Sau đó, Chí liên hệ nhập giống hoa lan hồ điệp từ Đài Loan về trồng. Do kinh nghiệm tích luỹ chưa nhiều, mấy năm đầu tiên, Chí chủ yếu nhập cây hoa lan loại gần trưởng thành về trồng nhưng tỷ lệ thành công vẫn không cao.

Mấy năm sau, từ thực tế, Chí điều chỉnh quy trình trồng và các thông số kỹ thuật, kết quả khá thành công, tỷ lệ cây ra hoa đạt yêu cầu ngày càng cao. Lúc đó, Chí mạnh dạn nhập cây loại nhỏ về trồng để giảm chi phí đầu tư ban đầu. Lan ra hoa đạt yêu cầu, nhiều nơi ưa chuộng nên sản phẩm của Chí sản xuất tới đâu tiêu thụ hết tới đó- đặc biệt là vào dịp Rằm tháng 8 (lễ Hội yến Diêu Trì cung của đạo Cao Đài) và Tết nguyên đán.

Bình quân mỗi năm, vào dịp Rằm tháng 8, vườn lan của Chí cung cấp cho thị trường 3.000 giò; dịp tết cung cấp hơn 1.500 giò. Còn những ngày bình thường, vườn hoa lan của Chí thường xuyên cung cấp hoa cắt cành cho các nơi làm tràng hoa, giỏ hoa và trang trí.

Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, Chí nhập về giống lan hồ điệp mới (loại cây lớn), cộng thêm kỹ thuật chăm sóc đặc biệt để cho ra mỗi phát hoa dài đến hơn 1m. Mỗi giò lan như thế có nhiều phát hoa, cho ra có khi đến 70 bông, nở kéo dài đến cả tháng. Vì thế, tuy loại lan này xuất bán với giá khá cao- khoảng từ 1,2 triệu đồng trở lên mỗi giò nhưng vẫn không đủ cung ứng cho thị trường.

Năm rồi, ngoài hàng ngàn giò hồ điệp bình thường, vườn lan của Chí đã tung ra thị trường hàng trăm giò lan lớn có phát hoa dài. Tết 2019 sắp tới, ngoài hơn 1.000 giò lan hồ điệp bình thường, Chí chuẩn bị khoảng 400 giò lan hồ điệp lớn để cung cấp cho thị trường Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh. Do đây là giống hồ điệp mới, hoa nhiều và đẹp nên thị trường luôn hút hàng, Chí định hướng sẽ tập trung sản xuất ngày càng nhiều giống hồ điệp này để tăng doanh thu.

Hiện nay, vườn lan của thạc sĩ Dương Võ Đạt Chí luôn có hơn 13.000 giò hoa lan hồ điệp- từ cây cấy mô đến cây trưởng thành. Trong đó có hơn 1.000 giò cây bình thường và hơn 400 giò cây loại lớn đang cho ra phát hoa, chuẩn bị cung cấp thị trường tết nguyên đán sắp tới.

Sau gần 6 năm khởi nghiệp từ vườn hoa lan hồ điệp, đến nay có thể khẳng định, định hướng khởi nghiệp của Chí là đúng và đã thành công. Doanh thu và lợi nhuận từ vườn hoa lan của Chí ngày càng cao, vốn đầu tư lập vườn cơ bản đã thu hồi. Nói về định hướng phát triển trong tương lai, ngoài việc tập trung phát triển loại hoa lan hồ điệp phát hoa dài để cung ứng cho thị trường, Chí còn dự kiến thử sức thêm một số loại cây trồng khác ở lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Hiện Chí đã chuẩn bị một số diện tích đất để thực hiện định hướng này.

S.T

Từ mê hoa đến ông chủ vườn hồng bạc tỷ

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Đam mê hoa từ nhỏ, sau nhiều năm tìm hiểu, tích lũy kinh nghiệm trồng hoa hồng, anh Đoàn Xuân Sơn quyết định đầu tư mở vườn chuyên bán hoa hồng để phục vụ niềm đam mê và truyền cảm hứng đến nhiều người có chung sở thích.

Anh Đoàn Xuân Sơn chăm sóc vườn hồng.

VÌ TRÓT YÊU HOA

Bước vào Vườn hồng Bà Rịa (QL 51, phường Phước Trung, TP. Bà Rịa), khách như lạc vào không gian đầy lãng mạn với gần 2.000 chậu hoa hồng các loại, trong đó có 200 chậu hồng cổ. Hoa hồng đủ màu khoe sắc vàng, sắc đỏ, sắc hồng, sắc tím… Có cây cao quá đầu người nhưng cũng có cây chỉ là là mặt đất. Đoàn Xuân Sơn cho biết, anh đam mê chơi hoa từ nhỏ và đặc biệt ấn tượng với hoa hồng cổ. Khi đi làm, có điều kiện, anh mua hoa về trồng trong vườn nhà. Ngoài việc mua hoa từ các nhà vườn ở miền Bắc, anh còn trao đổi giống hoa với những người có chung sở thích để làm phong phú bộ sưu tập của mình. Do có sẵn kinh nghiệm và nhận thấy xu hướng chơi hoa hồng ngày càng phát triển nên từ tháng 9-2018, anh quyết định đầu tư mở vườn hồng để thỏa mãn đam mê, tạo sân chơi trao đổi kiến thức, giống hoa cho những người yêu hoa, đồng thời cũng là để kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.

“Trước đây, khi nhắc đến hoa hồng, người ta thường nghĩ rằng loài hoa này chỉ dùng để cắm trong bình, kết thành lẵng, bó để chưng. Khoảng 5 năm gần đây, nhiều người đã chọn trồng hoa hồng trong vườn nhà cho hoa nở quanh năm như một thú chơi cây cảnh đầy tinh tế. Thú chơi này bắt đầu từ miền Bắc, lan tỏa vào miền Nam khoảng 3 năm nay và dần trở thành trào lưu được nhiều người ưa thích”, anh Sơn chia sẻ.

Theo anh Sơn, khó khăn lúc mới mở vườn là khi trồng để chơi thì ít cây nên anh hiểu được đặc tính của từng cây, còn nay, vườn có cả ngàn cây, với hàng trăm giống, khó quán xuyến hết nên thời gian đầu nhiều cây bị sâu, bệnh. Ngoài ra, loài hoa này cũng rất kén khách chơi, đặc biệt là người biết cách chăm sóc hoa. “Tôi không giấu nghề. Khi có người đến nhờ tư vấn, dù mua hoa hay không, tôi luôn hướng dẫn tận tình kỹ thuật chăm sóc hoa. Bởi, tôi luôn mong muốn có nhiều người yêu hoa và đến với hoa hơn nữa để họ được thưởng lãm vẻ đẹp của hoa. Với người mới chơi, tôi khuyên họ mua cây giá trị nhỏ, khi nào rành kỹ thuật chăm sóc hoa mới mua cây giá trị lớn và số lượng nhiều. Như vậy, thú chơi này mới được bền vững”, anh Sơn nói.

LAN TỎA THÚ CHƠI TAO NHÃ

Anh Sơn là một trong những người đầu tiên ở BR-VT và khu vực phía Nam chuyên trồng hoa hồng, có chuyển giao kỹ thuật chăm sóc hoa cho khách hàng. Đặt chữ tín lên hàng đầu nên vườn hồng của anh ngày càng được nhiều khách hàng biết đến. Giờ đây, Vườn hồng Bà Rịa đã có lượng khách ổn định. Ngoài người địa phương, nhiều khách hàng từ TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương cũng tìm đến Vườn hồng Bà Rịa để mua hoa, trao đổi hoa. Cũng có nhiều du khách, đặc biệt là giới nữ, trên đường đến BR-VT thường ghé vào vườn hồng để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp và chụp hình cùng các bông hồng đang khoe sắc. Anh còn được nhiều chủ đầu tư các khu đô thị, biệt thự tại một số tỉnh, thành lân cận mời về thi công vườn hồng trong sân vườn. Theo anh Sơn, thu nhập từ vườn hoa bước đầu đủ để anh duy trì đam mê, sưu tầm và trao đổi được thêm nhiều giống hồng đẹp, lạ và trả lương cho 2 nhân công.

Vườn hồng Bà Rịa có nhiều loại hoa hồng cổ.

Bà Bùi Thị Dung, chủ villa Q&A (52/6, Bắc Sơn, phường 11, TP. Vũng Tàu) là một khách hàng quen thuộc của anh Sơn. Chị Dung cho biết, villa cho khách du lịch thuê nên chị thường xuyên phải làm mới không gian sân vườn, tạo cảnh quan xanh, đẹp để phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, thư giãn của du khách. Ngoài việc trang trí sân vườn bằng các loại hoa lan, chị đã đầu tư gần 70 triệu đồng mua hơn 30 chậu hồng từ Vườn hồng Bà Rịa về trang trí khuôn viên. “Vườn hồng Bà Rịa có nhiều loại hoa lạ, đẹp. Đến đây, khách được chủ vườn tư vấn nhiệt tình về đặc tính, cách chăm sóc từng loại hoa nên cây sống tốt, cho bông đều. Chứng kiến sự hài lòng của du khách đối với cảnh quan khi đến villa nghỉ dưỡng, tôi rất vui và dự kiến còn tiếp tục đầu tư thêm một số chậu hoa hồng nữa”, chị Dung bày tỏ.

Anh Đoàn Xuân Sơn, chủ Vườn hồng Bà Rịa: Hoa hồng là loài hoa khó tính nhưng nếu biết chăm sóc, cây có thể ra hoa quanh năm. Thời gian từ khi hoa nở đến khi tàn khoảng 1-3 tuần (tùy từng loại). Sau khi hoa tàn, cần cắt cành cho ra nhánh mới và 2-3 tuần lại ra nụ. Người chơi hoa hồng cần chú trọng cách trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ xanh, sạch, trong đó đặc biệt chú ý đến bộ rễ. Rễ hoa hồng rất yếu, đòi hỏi đất trồng phải tơi xốp, thành phần gồm vỏ trấu tươi, vỏ đậu phộng, xơ dừa. Nếu đất cứng quá, cây không phát triển được; nếu tưới nhiều nước, rễ cây bị úng, dẫn đến sâu bệnh hoặc chết.

Theo anh Sơn, hoa hồng được trồng trong chậu là chủ yếu. Người có điều kiện trồng từ 5 - 7 chậu hoặc thành khu vườn, người có ít điều kiện hơn thì trồng một vài chậu làm cảnh. Giá hoa hồng phụ thuộc vào độ quý hiếm, độ lớn và độ lâu năm của cây. Đặc biệt, các loại hồng cổ có giá trị cao hơn. Hiện nay, Vườn hồng Bà Rịa có hơn 10 loại hoa hồng cổ, mức giá trung bình từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng mỗi cây, trong đó có cây lên đến 150 triệu đồng. Ngoài ra, vườn cũng có khoảng 150 - 170 loại hoa hồng ngoại nhập, chủ yếu là giống Thái Lan. “Hoa hồng cổ là giống cây được trồng trước sân, nơi bờ rào của các gia đình ở nông thôn Việt Nam từ nhiều năm trước. Giờ đây, khi điều kiện kinh tế khá giả, nhiều người sinh sống ở thành thị có sở thích trồng vài bụi hồng cổ trong sân vườn như một cách tìm về ký ức tuổi thơ. Giới nữ văn phòng lại thích trồng hoa hồng ngoại vì bông lớn, nhiều màu đẹp, hương thơm quyến rũ. Tôi cũng thích hoa hồng cổ và sẽ đầu tư cho loại hoa này nhiều hơn”, anh Sơn nói.

Bài, ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Đồng Tháp: Độc đáo với những cây sứ có hình bím tóc

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Thời gian gần đây, tại làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) xuất hiện những cây sứ có hình dáng như những chiếc bím tóc của người phụ nữ thu hút sự chú ý của khách hàng và có giá bán khá cao.

Anh Nguyễn Quốc Hiển ngụ phường Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc là một trong số ít những người sáng chế ra những cây sứ hình bím tóc cho biết, để có được những cây sứ có hình dáng như vậy phải trồng và nuôi dưỡng ít nhất là 2 năm trở lên.

Cây sứ khi gieo hạt lên sẽ tiến hành chọn những nhánh suông và thẳng, sau đó đan lại với nhau thành chiếc bím, bím càng cao giá bán càng tăng. Điều khó khăn nhất đối với việc tạo ra cây sứ bím là trên cùng 1 cây sứ phải chọn nhánh sứ và điều chỉnh cho các nhánh cây sứ lên cân đối, sau khi đan lại bím sứ phải thẳng thì cây mới đẹp.

Ngoài hình dạng chiếc bím thì cây có bộ gốc đẹp và có hoa nhiều cũng làm gia tăng giá trị của cây. Hiện giá bán các cây sứ này từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/cây, tùy vào chiều cao và kích thước của chiếc bím.

Thanh Nghĩa

Làm kinh tế từ chính đam mê loài chó Rottweiler

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Ông Trần Văn Vinh, Chi hội trưởng nông dân khu phố Kim Hải, phường Kim Dinh (TP.Bà Rịa) đã thành công với trang trại nuôi chó cảnh, mang đến mức thu nhập ổn định.

Ông Trần Văn Vinh (khu phố Kim Hải, phường Kim Dinh) chăm sóc đàn chó của gia đình.

Sau nhiều năm loay hoay “nuôi con gì” để phát triển kinh tế gia đình, ông Trần Văn Vinh cuối cùng mới tìm được đường đi, gắn với sở thích của chính mình. Vốn yêu thích loài chó, sau khi tìm hiểu và tham quan các trang trại ở nơi khác, năm 2017, ông Vinh đã đầu tư 100 triệu đồng để nhập về 5 con chó Rottweiler (1 đực, 4 cái) từ huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) và TP.Biên Hòa (Đồng Nai) để nuôi. Ông Vinh cho biết, Rottweiler là một giống chó có nguồn gốc từ Đức được dùng như loại chó chăn gia súc. “Để nuôi giống cho này, khâu chuẩn bị chuồng trại rất quan trọng. Mỗi gian nuôi có diện tích khoảng 2m2, làm bằng kim loại. Giá mua mỗi gian nuôi khoảng 5-7 triệu đồng/chuồng tùy loại, có thể nhốt 1 chó trưởng thành hoặc 2 chó con”, ông Vinh thông tin.

Thức ăn cho chó được ông Vinh tự tay chế biến. “Việc chăm sóc chó Rottweiler không tốn nhiều thời gian. Trên hệ thống chuồng, tôi lợp thêm một lớp bạt chống nóng và hệ thống tưới nước phun sương tự động. Vào mùa hè, nắng nóng và khô, tôi chỉ cần nhấn nút là hệ thống tự phun sương, tạo độ ẩm và không khí mát mẻ cho đàn chó. Đây là giống chó dễ nuôi, ít bệnh, chăm kỹ chút xíu thì chúng nhanh lớn, lông mượt, mắt lanh lợi, khôn và rất tình cảm”, ông Vinh cho hay.

Được chăm sóc kỹ càng, đàn chó của ông lớn lên, sinh sản nhanh chóng. Sau vài tháng, ông đã có thêm lứa chó con đầu tiên với 10 con. Ông Vinh cho biết: “Đến nay, trại chó của tôi nuôi thường xuyên khoảng 20 con. Loài chó này phát triển nhanh. Chó con nuôi từ 2-3 tháng có thể xuất chuồng, chó lớn 6-7 tháng là huấn luyện được để coi nhà. Loài chó này có hình thức đẹp với bộ lông dài, bóng, mượt, mắt sáng. Đặc biệt, chó Rottweiler nhìn hung dữ, nhưng rất ít cắn người. Chính vì vậy, loài chó được nhiều người ưa chuộng, giá rất cao. Hiện nay, chó từ 2 tháng tuổi (nặng 8-9kg) là có thể bán với giá 4,5-5 triệu đồng/con”. Mỗi tháng, ông Vinh bán bình quân 1 bầy từ 7-9 con, đem lại cho ông thu nhập từ 150 triệu đồng/năm. Thêm vào đó, thức ăn dư thừa của chó, ông Vinh tận dụng nuôi 300 con cá trê trong bể, nhờ đó, gia đình ông có thêm một nguồn thu ổn định trên 200 triệu đồng/năm.

Ông Lưu Ngọc Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân phường Kim Dinh cho biết, mô hình nuôi chó cảnh của ông Vinh khá mới nhưng đã đem lại hiệu quả tốt. Ông Hiếu cho biết: “Ông Vinh cũng rất nhiệt tình khi có người muốn nuôi loại chó này. Không chỉ cung cấp con giống, ông còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho ai muốn tìm hiểu. Nếu nhiều bà con áp dụng thành công, mô hình nuôi chó cảnh thương phẩm sẽ trở thành một hướng đi mới, có thể giúp bà con nông dân địa phương cải thiện thu nhập”.

Bài, ảnh: QUANG VINH, MINH THANH

Hiếu giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop