Tin nông nghiệp CN ngày 26 tháng 5 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp CN ngày 26 tháng 5 năm 2019

Thái Bình: Nông dân thời 4.0

Nguồn tin: Báo Thái Bình

Đó là những người mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, tạo ra bước đột phá trong sản xuất, chăn nuôi. Họ được coi là những người “mở đường” đón đầu công nghệ, dám thử nghiệm cái mới để phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Trại gà thông minh

Khi được chính quyền địa phương tạo điều kiện chuyển đổi đất kém hiệu quả sang mô hình trang trại, gia trại, ông Phạm Văn Tràng, xã Vũ Đoài (Vũ Thư) đã mạnh dạn đấu thầu hơn 1ha đất vùng bãi, mở trang trại nuôi gà đẻ trứng thương phẩm theo các tiêu chí an toàn sinh học. Thay vì lựa chọn phương thức chăn nuôi, sản xuất theo lối mòn truyền thống, ông Tràng đã chủ động tìm hướng đi mới nhằm phát triển mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng, chuyển từ nuôi gà chuồng trệt sang nuôi chuồng khép kín, nuôi trên lồng và có phần mềm quản lý theo dõi trên máy tính để thực hiện việc tiêm vắc-xin theo định kỳ. Hệ thống nước uống cho gà hoàn toàn tự động, thức ăn có trộn men sinh học giúp gà hấp thụ hết thức ăn, ít bị bệnh, hạn chế tối đa mùi phân thải ra bên ngoài. Giống gà được ông Tràng lựa chọn là gà Hyline, nhập khẩu từ Mỹ. Thời gian gà đẻ kéo dài 12 tháng, trung bình mỗi con gà cho 320 - 330 quả trứng. Ngoài việc đầu tư nguồn giống, ông còn lắp đặt hệ thống làm mát và sưởi cho gà, nhiệt độ chuồng nuôi luôn được điều hòa bảo đảm đông ấm, hè mát. Công đoạn thu phân gà của trang trại cũng được thực hiện hoàn toàn tự động, giảm sức lao động cho công nhân. Do nhiều công đoạn được thực hiện tự động nên dù nuôi gần 20.000 con gà nhưng trang trại của ông chỉ cần 3 lao động làm việc thường xuyên. Cùng với thực hiện tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng nuôi, bên ngoài ông xây tường rào bao quanh. Cổng ra vào thường xuyên được tiêu độc, khử trùng nhằm hạn chế bệnh cho gà.

Ông Tràng chia sẻ: Năm 2000 tôi bắt đầu lựa chọn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm khi thấy trên địa bàn tỉnh ít người nuôi trong khi nhu cầu thị trường có cơ hội để phát triển. Ban đầu nuôi tại gia đình với số lượng 450 con nhưng khi có trang trại tôi đã nuôi 2.000 con và hiện nay là gần 20.000 con. Với số lượng gà nuôi lớn, tôi xác định phải thay đổi phương thức nuôi mới hiệu quả. Vì thế, tôi thường xuyên đi học hỏi các mô hình nuôi gà đẻ thương phẩm ở các tỉnh. Những cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả đều được tôi áp dụng vào trang trại để không bị tụt lại phía sau.

Hiện mỗi ngày trang trại của ông Tràng thu được từ 1,2 - 1,3 vạn quả trứng. Doanh thu một năm đạt khoảng 7 tỷ đồng, trừ chi phí ông thu về 700 triệu đồng. Ông đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, ông cũng được nhận bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và nhiều bằng khen của UBND tỉnh.

Nuôi tôm công nghệ cao

Thử nghiệm hướng đi mới cũng là cách anh Vũ Văn Của, xã Thái Thượng (Thái Thụy) áp dụng nhằm phát triển mô hình nuôi tôm của mình. Khởi nghiệp ban đầu với mô hình nuôi tôm xen kẽ cua xanh và rau câu để tạo lập vốn. Khi có vốn, anh Của chuyển đổi mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao.

Trên tổng diện tích 10.000m2, anh dành 2.000m2 nuôi tôm. Ở các ao nuôi bên dưới đều lót nền, bên trên che nhà bạt để điều hòa nhiệt độ ao nuôi. Mỗi năm anh Của nuôi 3 vụ, thu hoạch hàng chục tấn tôm. Trừ chi phí, thu nhập từ việc nuôi tôm giúp anh thu về trên 4 tỷ đồng/năm. Thành công đã tạo động lực để anh có những bước tiến xa hơn, tiếp tục học hỏi, tham quan những mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ mới để học tập. Hiện nay, ngoài việc nuôi tôm trong nhà bạt, anh Của còn áp dụng công nghệ nuôi biofloc. Biofloc là nguồn vitamin, khoáng chất rất tốt, có tác dụng giống như chế phẩm sinh học. Việc ứng dụng tạo ra biofloc trong quy mô nhỏ nhằm hạn chế tác động của các hợp chất nitro độc hại, xử lý thức ăn thừa, giảm chi phí thức ăn và sử dụng chế phẩm. Trên diện tích ao 500m2, theo công nghệ biofloc, anh thả tôm với mật độ 340 con/m2, số lượng thả 170.000 con. Biofloc bao gồm tảo, động vật nguyên sinh, các hạt hữu cơ chết, vi khuẩn... Quá trình áp dụng nuôi tôm theo công nghệ biofloc tại mô hình cho thấy tỷ lệ tôm sống cao đạt 90%, năng suất, chất lượng hiệu quả.

Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đi trên những con đường mới và đã thành công, anh Của là 1 trong 50 gương mặt tiêu biểu được Trung ương Đoàn tặng giải thưởng Lương Định Của lần thứ XIII, năm 2018.

Khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương đã trở thành nguồn động lực để những nông dân như ông Tràng, anh Của thực hiện ước mơ của mình. Thành công của họ hôm nay là minh chứng cho tinh thần ham học hỏi, dám đổi mới, tiên phong đi trước, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi.

Hoàng Lanh

Mật ong Phương Di Gia Lai: Từng bước vươn ra ‘biển lớn’

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Những tháng đầu năm nay, các sản phẩm mật ong Phương Di Gia Lai của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Thương mại dịch vụ Gia Lai (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) đã được đối tác trong và ngoài nước trực tiếp đặt hàng với số lượng lớn. Đây thực sự là tín hiệu vui cho ngành nuôi ong Gia Lai nói chung, thương hiệu mật ong Phương Di Gia Lai nói riêng khi tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Tháng 1-2019, HTX Nông nghiệp và Thương mại dịch vụ Gia Lai đã 2 lần tiếp đón đối tác doanh nghiệp Hàn Quốc đến tham quan, tìm hiểu về sản phẩm mật ong tại trang trại mật ong Phương Di (đơn vị thành viên của HTX, làng Klah 1, xã Ia Dêr). Sau khi tận mắt chứng kiến quy trình khai thác, chế biến mật ong hoàn toàn tự nhiên, cơ sở vùng nguyên liệu và các điều kiện cần thiết của ngành nuôi ong, đối tác Hàn Quốc đã không ngần ngại đề nghị đàm phán ký kết hợp đồng lâu dài. Trên tinh thần hợp tác cùng có lợi, từ đầu năm đến nay, trang trại đã liên tục xuất 3 đợt hàng mật ong thiên nhiên chất lượng cao theo yêu cầu cho đối tác Hàn Quốc.

Sản phẩm mật ong Phương Di Gia Lai trưng bày tại Lễ hội nông sản địa phương do Siêu thị Co.op Mart Pleiku tổ chức. Ảnh: S.C

Ngay sau đó, nhiều doanh nghiệp đã tìm hiểu, kết nối thông tin đặt vấn đề hợp tác kinh doanh với trang trại mật ong Phương Di. Vào ngày 18-5 này, Viet Ha Corporation sẽ thương thảo ký kết hợp đồng hợp tác toàn diện với trang trại. Theo thông tin sơ bộ về lần hợp tác này, trang trại sẽ sản xuất, cung cấp các sản phẩm mật ong cho Viet Ha Corporation để phân phối rộng rãi tại thị trường miền Bắc. Cũng trong tháng 5 này, một doanh nghiệp tại Hà Nội sẽ trực tiếp gặp gỡ, tham quan trang trại và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ký kết hợp đồng sản xuất viên nghệ curcumin với số lượng lớn, phân phối trên thị trường toàn quốc.

“Đón nhận những tin vui liên tiếp như thế này, tôi vừa mừng vừa lo. Các hợp đồng này có nhiều triển vọng lâu dài bởi các đối tác rất nhiệt huyết, tin tưởng vào chất lượng sản phẩm mật ong Phương Di, sản lượng hàng xuất đi sẽ ngày càng gia tăng, giá bán cũng rất tốt. Vì vậy, sản phẩm của các xã viên, tổ liên kết thuộc HTX làm ra sẽ được bao tiêu hết với giá cao hơn”-chị Trần Thị Hoàng Anh-Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp và Thương mại dịch vụ Gia Lai, người sáng lập thương hiệu Mật ong Phương Di Gia Lai-chia sẻ.

Việc tìm kiếm đầu ra ổn định cho mật ong cũng như các sản phẩm từ mật ong là điều kiện cần thiết để duy trì và phát triển sản xuất, nhất là trong bối cảnh hiện nay, chỉ riêng trang trại mật ong Phương Di và các tổ liên kết thuộc HTX đang quản lý khoảng 5.000 đàn ong mật nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ sự lựa chọn cũng như phản hồi của các đối tác và người tiêu dùng cho thấy, chất lượng vượt trội và giá cả hợp lý là ưu thế của mật ong Gia Lai. Tuy nhiên, để thương hiệu mật ong Gia Lai phát triển mạnh hơn, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường, ngoài tinh thần quyết tâm thì cần có sự đầu tư bài bản về mọi mặt lẫn chiến lược dài hơi.

Hiện nay, trang trại mật ong Phương Di đã nghiên cứu ra những dòng sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng với tiêu chí hoàn toàn tự nhiên. Có thể kể ra đây các sản phẩm như: viên tinh nghệ mật ong Phương Di (sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2018), mật ong hoa cà phê Phương Di (sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực năm 2018). Không dừng lại đó, sản phẩm Serum sữa ong chúa, chuối sấy mật ong, mật ong chanh đào… đã liên tục ra mắt thị trường và được người tiêu dùng, đối tác phản hồi tích cực. Khách hàng Trần Phúc Ái (TP. Hồ Chí Minh) đánh giá: “Chưa bao giờ mình tin sản phẩm ngon-sạch-bổ mà lại rẻ. Bởi lẽ, những sản phẩm đạt tiêu chí sạch-ngon-bổ thì giá bao giờ cũng rất cao. Song khi sử dụng viên tinh nghệ mật ong Phương Di Gia Lai thì mình thấy nó đạt tất cả những tiêu chí đó”.

Khi bắt đầu khởi sự, trang trại mật ong Phương Di lựa chọn phát triển thương hiệu từ thị trường online, nỗ lực xây dựng mạng lưới cộng tác viên, đại lý bán lẻ khắp các tỉnh thành để nhanh chóng lan tỏa sản phẩm rộng rãi. Sau khi đã định hình được thương hiệu, ổn định quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh, trang trại đang từng bước tiếp cận thị trường truyền thống bằng việc phủ sóng các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng Co.op Food, tham gia quảng bá sản phẩm qua các chương trình xúc tiến thương mại ở các tỉnh, thành. Bởi theo chị Trần Thị Hoàng Anh: “Trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi tập trung nguồn lực cho khâu sản xuất, cung cấp các sản phẩm từ mật ong theo đơn yêu cầu của đối tác, khách hàng doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục chú trọng vào mảng bán lẻ trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá thương hiệu Mật ong Phương Di Gia Lai”.

SƠN CA

Công bố Chỉ dẫn địa lý sản phẩm thịt bò Vàng Hà Giang

Nguồn tin: Báo Hà Giang

Tối ngày 18.5, tại huyện Đồng Văn, UBND tỉnh tổ chức Lễ công bố Chỉ dẫn địa lý “Hà Giang” cho sản phẩm thịt bò, gắn với Không gian ẩm thực và trưng bày các sản phẩm tiêu biểu Cao nguyên đá Đồng Văn. Dự buổi lễ có các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Hoàng Văn Vịnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và thường trực UBND 11 huyện, thành phố.

Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN trao Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt bò Hà Giang.

Bò Hà Giang nổi tiếng với tên gọi bò Vàng vùng cao hay còn có tên gọi khác là bò H'mông, là một giống bò đặc trưng của tỉnh. Giống bò Vàng Hà Giang được phân bố chủ yếu tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá gồm Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ; chiếm 3/4 tổng số đàn bò toàn tỉnh. Tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh có gần 117. 000 con, giống bò này đang nằm trong danh sách bảo tồn nguồn gen quý do có các đặc điểm chịu được điều kiện khắc nghiệt của vùng cao núi đá như: Khí hậu lạnh giá của mùa Đông, địa hình hiểm trở, độ dốc cao, đặc biệt là khan hiếm nước, nhất là vào mùa khô và thiếu thức ăn. Thịt bò Vàng Hà Giang có phẩm chất thịt mềm và thơm ngon hơn so với nhiều loại thịt bò khác, có hàm lượng dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng…

Các đồng chí lãnh đạo tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm thịt bò tại buổi lễ.

Để truy xuất nguồn gốc, nhằm bảo hộ quyền lợi cho người chăn nuôi và người tiêu dùng, đồng thời tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm tham gia thị trường trong nước, cũng như vươn ra thị trường thế giới, Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa tỉnh Hà Giang (CPRP) đã hỗ trợ kinh phí để tỉnh lập hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt bò Vàng Hà Giang. Ngày 19.4.2019, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN đã quyết định cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt bò Vàng Hà Giang, phạm vi bảo hộ của chỉ dẫn địa lý tại địa bàn 44 xã thuộc 6 huyện trong tỉnh gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì và Xín Mần. Đây là sản phẩm thứ 6 của tỉnh được cấp Chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhấn mạnh: Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là bước đột phá, mở ra cơ hội to lớn cho người chăn nuôi; đồng thời góp phần phát triển kinh tế, giữ gìn và bảo tồn và phát triển giống bò địa phương, từng bước đưa sản phẩm thịt bò Hà Giang trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và tiếp cận được không chỉ thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường thế giới. Đây là niềm tự hào, cũng là trách nhiệm đầy khó khăn, thách thức của tỉnh ta để giữ gìn, bảo tồn và quảng bá sản phẩm. Đồng chí yêu cầu Sở NN & PTNT, với vai trò tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý sẽ có các hoạt động quản lý và khai thác chỉ dẫn địa lý hiệu quả thông qua tuyên truyền, phổ biến, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng số lượng, chất lượng sản phẩm thịt bò Hà Giang; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành những văn bản, tài liệu, liên quan đến quản lý, sử dụng sản phẩm chỉ dẫn địa lý; ban hành các quy trình kỹ thuật từ lựa chọn giống, chăm sóc, chế biến sản phẩm để duy trì chỉ dẫn địa lý đồng thời bảo hộ quyền lợi chính đáng cho người chăn nuôi và người tiêu dùng; yêu cầu các sở, ngành liên quan, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nâng cao trách nhiệm trong bảo vệ, phát triển chỉ dẫn địa lý có hiệu quả, từng bước đưa sản phẩm thịt bò Vàng trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường…

Tin, ảnh: MY LY

Người chăn nuôi gặp khó

Nguồn tin: Báo Long An

Hiện nay, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Long An gặp rất nhiều khó khăn khi mọi sản phẩm đầu ra đều giảm nhưng giá các loại đầu vào như thức ăn, thuốc thú y, điện, xăng,... đều tăng.

Người chăn nuôi heo điêu đứng

Sau hơn 2 tháng kể từ khi xuất hiện dịch tả heo châu Phi (DTHCP) tại một số tỉnh, thành trên cả nước, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh dù có heo đang phát triển tốt nhưng đều lo lắng, bất an vì giá heo giảm sâu và khó tiêu thụ. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển chăn nuôi và cần có giải pháp đồng bộ, kịp thời.

Người chăn nuôi điêu đứng vì giá sản phẩm đầu ra liên tục giảm mạnh mà giá thức ăn đầu vào không giảm

Theo ông Nguyễn Văn Giàu (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa): “Trước đây, khi chưa có thông tin về DTHCP xuất hiện, gia đình tôi thường bán heo hơi với giá từ 50.000-53.000 đồng/kg. Khi dịch bệnh xảy ra, giá heo lập tức giảm xuống và đến nay chỉ còn từ 33.000-35.000 đồng/kg mà vẫn không có thương lái đến mua. Gia đình tôi hiện có 30 con heo nái, hơn 150 con heo thịt đang trong giai đoạn xuất chuồng. Nếu tình trạng này kéo dài, gia đình tôi sẽ bị thua lỗ nặng”. Còn anh Nguyễn Công Trung (phường 3, TP.Tân An) cho biết: “Sau gần 2 năm chăn nuôi gặp “bão giá”, năm 2018, giá heo bắt đầu nhích lên thì lại xuất hiện bệnh lở mồm long móng rồi DTHCP vào quí I/2019 khiến những người chăn nuôi chúng tôi điêu đứng vì chưa kịp gỡ lại vốn. Ngoài chi phí về thức ăn, chúng tôi còn phải mua thêm thuốc khử trùng, tiêu độc, vôi bột để rắc xung quanh chuồng trại nhằm hạn chế sự lây lan của mầm bệnh. Biết bao nhiêu chi phí nhưng heo thì vẫn không bán được vì giá quá rẻ”.

Không chỉ người chăn nuôi mà ngay cả các đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng “choáng váng” khi giá thức ăn cứ tăng liên tục. Anh Mai Hữu Tiến - chủ một đại lý thức ăn gia súc trên địa bàn phường 3, TP.Tân An, cho rằng: “Với giá đầu vào như hiện nay cộng thêm tình hình dịch bệnh khiến giá heo hơi tuột dốc, 10 người nuôi heo thì hết 8 người thua lỗ, trong đó không ít hộ phải đóng cửa trại để chuyển nghề. Người kinh doanh cũng “đau đầu” khi nhiều hộ nuôi không trả được tiền mua thức ăncho đại lý. Quí I/2019, đại lý của tôi giảm lợi nhuận khoảng 30%. Để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay, tôi sẵn sàng cho các hộ chăn nuôi chậm hoàn trả tiền thức ăn để có vốn tái đàn sau khi dịch bệnh không còn xảy ra”.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Phan Ngọc Châu thông tin: “Hiện nay, người chăn nuôi không chỉ gặp khó khăn khi phải tập trung ứng phó với dịch bệnh mà còn trong khâu tiêu thụ. Mặc dù DTHCP không lây sang người nhưng nhiều người dân, các trường học vẫn e dè khi sử dụng thịt heo. Để hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua khó khăn, chúng tôi phối hợp các đơn vị chức năng tổ chức các lớp tập huấn về DTHCP và cách phòng, chống nhằm nâng cao nhận thức cho các hộ chăn nuôi, đồng thời, khuyến cáo người dân chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học. Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan thông tin, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình dịch bệnh cũng như cách phòng, chống để người dân không tẩy chay thịt heo”.

Lê Huỳnh

Ngăn bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhập, lây lan

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Những ngày qua, bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xuất hiện trên địa bàn tỉnh Hậu Giang gây lo ngại cho người chăn nuôi, tiêu thụ thịt heo ở ĐBSCL. Mặc dù, ngành thú y và chính quyền địa phương kịp thời xử lý, nhưng người dân mong muốn bệnh dịch sớm được dập tắt...

TP Cần Thơ tăng cường công tác kiểm tra hoạt động phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại của các hộ dân chăn nuôi heo trên địa bàn. Ảnh: HÀ VĂN

Nguy cơ lây lan

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh DTHCP, hiện nay bệnh DTHCP đã xuất hiện ở ĐBSCL. Địa phương xảy ra dịch bệnh là tỉnh Hậu Giang, với đàn heo bị tiêu hủy hàng trăm con heo. Cụ thể, tại xã Nhơn Nghĩa A (huyện Châu Thành A), ngành thú y tỉnh Hậu Giang đã tiêu hủy 50 con heo của một hộ chăn nuôi; 18 con của một hộ khác tại xã Vĩnh Tường (huyện Vị Thủy)... Hậu Giang có tổng đàn heo khoảng 150.000 con. Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hậu Giang cho biết, đã tăng cường công tác dập dịch và lập các trạm kiểm soát trong phạm vi bán kính vùng DTHCP tại 2 huyện Châu Thành A và huyện Vị Thủy. Hiện các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến cấp cơ sở thực hiện các biện pháp cấp bách để phòng chống lây lan dịch bệnh...

Nguy cơ lây lan, xâm nhiễm DTHCP tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL rất cao. Bởi đây là khu vực có hệ thống giao thông từ các tuyến đường bộ đến đường thủy kết nối đan xen, chằng chịt qua lại giữa các địa phương, rất khó kiểm soát. Đồng thời, việc mua bán, vận chuyển thịt heo, thực phẩm và sản phẩm chế biến từ heo phức tạp, rất khó cho các lực lượng cán bộ, nhân viên thú y kiểm soát, phòng dịch. Trong khi đó, giá heo hơi giữa miền Bắc, miền Trung và miền Nam hiện nay chênh lệch khá cao. Lượng heo thịt nhập vào ĐBSCL rất lớn, nhất là ở TP Cần Thơ. Bởi, thành phố là đầu mối phân phối sản phẩm động vật cho các tỉnh ĐBSCL, nguy cơ xâm nhiễm DTHCP vào thành phố rất cao. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ, để ngăn chặn bệnh DTHCP xâm nhập địa bàn TP Cần Thơ, 2 trạm kiểm dịch động vật tại đầu mối giao thông của thành phố đã kiểm soát 24/24 giờ trong ngày đối với hoạt động vận chuyển heo, sản phẩm heo ngang qua địa bàn thành phố. Trường hợp phát hiện có heo bệnh, nghi mắc bệnh, chết… các trạm kiểm dịch nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm bệnh và xử lý theo quy định. Kết quả, từ ngày 4-3-2019 đến ngày 7-5-2019, ngành thú y thành phố đã kiểm dịch 36.923 con heo nhập vào địa bàn thành phố. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, ngành thú y thành phố đã tổ chức 1.274 lượt kiểm tra về kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y thịt, sản phẩm động vật tại các chợ, các cơ sở giết mổ động vật. Qua đó phát hiện 103 trường hợp vi phạm, trong đó xử phạt hành chính 63 trường hợp với số tiền trên 175,5 triệu đồng, tiêu hủy hàng trăm kilogram động vật không rõ nguồn gốc, không đạt điều kiện vệ sinh thú y…

Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: "Ngành nông nghiệp TP Cần Thơ thường xuyên cung cấp thông tin về các biện pháp phòng, chống bệnh DTHCP cho các cơ quan truyền thông đưa tin theo tinh thần vừa đảm bảo chống được dịch bệnh, vừa bảo vệ, phát triển chăn nuôi, tránh để người dân và cộng đồng hoang mang, lo lắng quay lưng với thịt heo sạch, thịt heo có nguồn gốc và đã được kiểm dịch…".

Chủ động ngăn chặn

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ, đến tháng 5-2019, thành phố có đàn heo hơn 124.300 con, đạt 91,4%, tăng 0,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nguồn heo tại chỗ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố chỉ khoảng 85%. Còn 15% nguồn heo phải nhập thêm từ các tỉnh, thành khác, như: Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Mặt khác, cơ cấu đàn chăn nuôi đa số là cách nuôi dạng nông hộ, nhỏ lẻ, phân tán và tận dụng phế phẩm trong nông nghiệp. Hiện nay, trong số hơn 5.200 hộ chăn nuôi heo, có trên 2.700 hộ nuôi heo dưới 10 con, chiếm tỷ lệ 52,4% tổng hộ nuôi heo; trên 1.260 hộ chăn nuôi heo dưới 20 con/hộ. Bên cạnh đó, thành phố có 10 trang trại nuôi heo với tổng đàn trên 4.380 con… Tuy nhiên, các trang trại chăn nuôi phát triển tự phát, nhiều trang trại vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, trình độ và tiếp cận thông tin về thị trường của chủ trang trại còn hạn chế, thiếu liên kết trong chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, lực lượng cán bộ thú y chuyên trách tại các địa phương khá "mỏng", mỗi xã chỉ có 1 cán bộ thú y phụ trách, kiêm nhiệm là do tinh giản biên chế hệ thống thú y các cấp, dẫn đến không đủ nhân lực trong việc thực hiện kiểm dịch động vật cũng như các hoạt động thú y khác (trong phòng chống dịch bệnh động vật). Thêm nữa, chế độ thù lao cho người thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh còn rất thấp so chi phí thực tế dẫn tới tình trạng ngại hoặc chưa tích cực tham gia triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh…

Để triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh DTHCP, TP Cần Thơ đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét chậm lại việc sáp nhập các cơ quan thú y cấp tỉnh, cấp huyện; đồng thời củng cố, duy trì hệ thống thú y địa phương, như: Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp thành phố, Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện và Ban Chăn nuôi Thú y cấp xã. Xem xét, ban hành quy định tạm thời, tạm dừng xuất heo từ các tỉnh có dịch ra ngoài địa bàn; xem xét, hỗ trợ người có heo bị tiêu hủy bắt buộc theo mức cụ thể và khả thi khi áp dụng… Ông Phạm Trường Yên cho biết: "Ngành chăn nuôi thành phố đang tăng cường công tác kiểm dịch động vật và tiêu độc phương tiện vận chuyển tại 2 trạm kiểm dịch đầu mối giao thông; các chốt kiểm dịch lưu động được thành lập mới và duy trì hoạt động; tăng cường công tác kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, kịp thời phát hiện và ngăn chặn bệnh DTHCP xâm nhiễm vào thành phố... Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp cùng các đơn vị chức năng kiểm tra chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển trái phép động vật và sản phẩm động vật; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc… Ngành nông nghiệp thành phố quyết tâm ngăn chặn sản phẩm heo, thịt heo không rõ nguồn gốc xâm nhập vào địa bàn, nhằm ngăn chặn bệnh DTHCP xuất hiện tại TP Cần Thơ".

HÀ VĂN

Quảng Bình: Mô hình chuồng vượt lũ cho vật nuôi ở xã Phù Hóa: Giúp nông dân vơi bớt nỗi lo

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Nhằm hạn chế những thiệt hại về người và tài sản khi mùa mưa lũ đến, thời gian qua, chính quyền và người dân xã Phù Hóa (Quảng Trạch) đã tích cực triển khai nhiều giải pháp hiệu quả cao, trong đó, xây nhà chống lũ cho vật nuôi là mô hình được nhiều người dân đồng tình hưởng ứng.

Hệ thống chuồng tránh lũ thiết kế vững chắc, hợp vệ sinh và có lối đi thuận tiện.

Toàn xã Phù Hóa (tỉnh Quảng Bình) hiện có khoảng 400 hộ dân tham gia chăn nuôi gia súc, gia cầm. Những năm trước, địa phương chưa có mô hình chuồng chống lũ cho vật nuôi nên khi lũ tới, bà con phải đưa vật nuôi lên đồi cao, nếu không kịp di chuyển sẽ bị cuốn trôi, thiệt hại rất lớn.

Hiện tại, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, nhiều hộ dân đã đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố tránh lũ cho vật nuôi, giúp nhiều vật nuôi được an toàn và hạn chế đến mức thấp nhất lượng vật nuôi bị trôi hay chết vì lũ.

Theo chân chị Hoàng Thị Thái Việt, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV) thôn Long Châu, xã Phù Hóa, chúng tôi đến nhà ông Hoàng Văn Nghiêm, một trong những hộ mạnh dạn đi đầu vay vốn để xây chuồng chống lũ cho vật nuôi. Thoạt nhìn từ xa, khó ai có thể nghĩ rằng “ngôi nhà” cao ráo của gia đình ông Nghiêm lại là chuồng tránh lũ cho vật nuôi.

Ông Hoàng Văn Nghiêm hồ hởi chia sẻ: "Trước đây, mỗi lần lũ về là cả nhà “chạy lũ”, nhiều tài sản và vật nuôi của gia đình tôi bị lũ cuốn đi hết. Năm 2019, tôi mạnh dạn tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện vay 85 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng vượt lũ.

Theo tôi nghĩ, việc xây nhà chống lũ cho vật nuôi là điều rất cần thiết. Mỗi chuồng chống lũ tôi thực hiện theo đúng thiết kế mô hình, như: chiều cao phải đạt tối thiểu từ 2-2,5m tính từ mặt đất lên tới nền, rộng khoảng 15-20m2, được xây dựng vững chãi trên các trụ bê tông cốt thép.

Trên nhà vượt lũ có dự trữ đầy đủ cỏ khô, rơm rạ, thức ăn dành cho trâu bò, lợn, gà... trong những ngày nước lớn. Đối với các chuồng chống lũ, chi phí xây dựng khoảng 30 triệu đồng, còn những hộ chưa đủ điều kiện thì xây chuồng tầm 15-20 triệu đồng".

Cùng có chung suy nghĩ và quan điểm với gia đình ông Nghiêm, gia đình bà Đậu Thị Quế ở thôn Trường Xuân, xã Phù Hóa, cũng đã liên hệ vay vốn ưu đãi từ PGD NHCSXH huyện 80 triệu để nuôi bò sinh sản và xây chuồng vượt lũ. Bà Quế cho hay, hệ thống chuồng tránh lũ được thiết kế phù hợp với điều kiện mô hình chăn nuôi của gia đình.

Cụ thể, khu vực chuồng được chia làm nhiều ngăn nhỏ để tiện bố trí từng loại vật nuôi. Lối lên xuống cũng được đúc xi măng, thuận tiện cho người chăm sóc và di chuyển vật nuôi. Tất cả máng ăn, vòi nước và hệ thống vệ sinh chuồng trại được thiết kế bán tự động nên rất thuận tiện cho việc chăm sóc gia súc, gia cầm khi mùa mưa lũ về.

“Mấy năm trước, khi chưa có chuồng cao tầng, chúng tôi không dám nuôi nhiều gia súc, gia cầm vì lo lũ lụt sẽ bị trôi hết. Bây giờ, không lo nhiều đến chuyện "chạy lũ" nên chúng tôi mạnh dạn nuôi nhiều hơn. Nếu bà con vùng lũ xác định chăn nuôi bền vững thì nên làm chuồng cao tầng tránh lũ cho an toàn”, bà Quế chia sẻ.

Thực tế cho thấy, mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng nhiều hộ nông dân vùng rốn lũ Phù Hóa đã mạnh dạn vay mượn để xây dựng nhà chống lũ phục vụ chăn nuôi.Chị Hoàng Thị Thái Việt, Tổ trưởng Tổ TK-VV thôn Long Châu, xã Phù Hóa, cho biết, cả xã Phù Hóa hiện có 220 hộ dân vay vốn đầu tư xây dựng mô hình chuồng trại tránh lũ cho vật nuôi.

Do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên khi thực hiện mô hình này, nhiều hộ dân không đủ kinh phí để đầu tư xây dựng chuồng trại theo đúng quy mô. Các tổ TK-VV ở cơ sở đã tích cực hỗ trợ các hộ dân trong quá trình giải ngân vốn nhằm giúp bà con xây dựng mô hình.

“Có thể thấy, việc xây dựng chuồng trại chống lũ cho vật nuôi ban đầu chỉ tự phát từ một vài hộ dân. Sau đó, bà con trong xã thấy được hiệu quả của mô hình, đồng thời được chính quyền địa phương động viên nhân rộng nên tích cực hưởng ứng, tạo thành phong trào. Đây là một mô hình hay và mang lại hiệu quả rõ rệt”, chị Hoàng Thị Loan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phù Hóa cho biết.

Hiền Phương

Hiệu quả từ mô hình nuôi heo rừng

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Nhờ sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, anh Hoàng Văn Tặng (ảnh) ở thôn Tân Lập 2, xã Lương Sơn (Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) đã thu về cả trăm triệu đồng mỗi năm nhờ nuôi heo rừng.

Năm 2008, anh Tặng tận dụng mảnh đất trống không có khả năng trồng trọt làm trang trại rộng 3.000 m2 để nuôi heo rừng. Mới đầu, anh mua 20 con heo giống về gầy dựng, nhưng do thiếu kinh nghiệm phòng trừ dịch bệnh, nên đàn heo phát triển chậm. Không nản chí, anh mày mò nghiên cứu sách vở cùng với việc tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng để nắm rõ hơn về đặc tính loại heo này. Nhờ chăm sóc kỹ, đến nay đàn heo tăng lên gần 100 con và đều phát triển tốt.

Anh Tặng, cho biết: Hiện nay quy mô trang trại của anh được mở rộng lên đến 1 ha. Hệ thống chuồng trại đã được nâng cấp thành các khu nuôi heo nái và heo con riêng biệt. Bên cạnh đó, anh còn xây dựng các lán để cho heo tránh mưa. Toàn bộ trang trại được rào bằng lưới B40, tạo môi trường tự nhiên để heo sinh trưởng. Ngoài các chuồng nhỏ, anh còn xây các ô nuôi lớn để heo có thể tự do vận động cũng như kiếm ăn. Thức ăn chủ yếu của đàn heo là các sản phẩm nông nghiệp như bắp nghiền, lúa gạo, rau, củ, quả. Anh trồng thêm cỏ voi để cung cấp thêm nguồn thức ăn giàu chất xơ cho đàn heo. Hiện đàn heo của anh có 2 con heo đực và 18 con heo nái giống, sinh sản một năm trung bình 2 lứa, mỗi lứa một heo mẹ sinh từ 5-6 con, sau hơn 3-4 tháng là có thể xuất chuồng. Đối với heo giống dưới 10kg, anh bán 1 triệu đồng/con, còn với heo thịt giá 120 nghìn đồng/kg, trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình anh thu lãi 100 triệu đồng.

Lê Tuấn

Đồng Nai: Phát động Tháng tổng vệ sinh phòng, chống dịch tả heo châu Phi

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Ngày 24-5, tại huyện Thống Nhất, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Lễ phát động Tháng tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch tả heo châu Phi trên địa bàn toàn tỉnh năm 2019.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh phát biểu tại lễ phát động.

Tham dự lễ, có Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống khẩn cấp dịch tả heo châu Phi tỉnh, cùng đại diện các sở, ngành, chính quyền địa phương, chủ trang trại và nhiều công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn.

Đoàn xe diễu hành tuyên truyền tháng tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng chống dịch tả heo châu Phi.

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Đồng Nai hiện đã có 8 xã thuộc 4 huyện: Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và Long Thành xuất hiện dịch, với tổng số heo tiêu hủy trên 5 ngàn con. Do đó, việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi và cộng đồng dân cư cùng chung tay tiêu độc, khử trùng là biện pháp quan trọng, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Theo đó, bắt đầu từ nay cho đến ngày 24-6, toàn tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ, thường xuyên công tác tiêu độc, phun khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận; rải vôi xung quanh chuồng trại và khu vực hàng rào; đảm bảo vệ sinh các khu vực chợ, kinh doanh thực phẩm; tổ chức phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, quét dọn thu gom phân rác để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh…

Ra quân tiêu độc khử trùng tại khu vực chợ Phan Bội Châu (xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) ngay sau lễ phát động.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu các sở, ngành địa phương cần tập trung, quyết liệt công tác giữ gìn vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch tả heo châu Phi, cân đối thị trường tiêu dùng các loại thịt, tránh tình trạng thiếu hụt do ảnh hưởng của dịch. Đồng thời, nâng cao công tác tuyên truyền đến người dân, chủ trang trại; hạn chế tối đa mức độ lây lan của mầm bệnh...

Lực lượng dân quân tham gia phát quang bụi rậm khu vực xung quanh chợ Phan Bội Châu (huyện Thống Nhất).

Lãnh đạo tỉnh cũng kêu gọi người chăn nuôi cần thực hiện 5 không: không giấu dịch; không buôn bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa cho heo ăn...

Tin, ảnh: Hoàng Hải

6 tỉnh, thành ĐBSCL xuất hiện bệnh dịch tả heo châu Phi

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

TP Cần Thơ tiêu hủy trên 140 con heo bị chết do bệnh dịch tả heo châu Phi

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, mặc dù tăng cường công tác phòng tránh, nhưng đến nay, trên địa bàn TP Cần Thơ đã xuất hiện bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP). Ổ dịch xuất hiện ở các hộ chăn nuôi heo thuộc phường Thường Thạnh, phường Phú Thứ (quận Cái Răng), phường Long Hoà (quận Bình Thuỷ). Ngành thú y TP Cần Thơ, quận Bình Thủy khoanh vùng ổ dịch, vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, hỗ trợ các hộ dân xử lý trên 140 con heo chết... TP Cần Thơ đang triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống bệnh DTHCP lây lan. Các ngành, các cấp trên địa bàn thành phố cũng phối hợp kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển trái phép động vật và sản phẩm động vật; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc...

Vệ sinh chuồng trại, phòng tránh bệnh DTHCP được ngành thú y TP Cần Thơ kiểm tra và hướng dẫn người dân thực hiện.

Ở khu vực ĐBSCL đến nay đã có 6 tỉnh, thành xuất hiện bệnh DTHCP: Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và TP Cần Thơ. Đến ngày 24-5-2019, số heo chết và tiêu hủy gần 2.000 con với tổng trọng lượng gần 111 tấn. Chi cục Thú y vùng VII đã kịp thời xét nghiệm mẫu heo chết, đáp ứng công tác phòng chống dịch bệnh ở các địa phương; phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành đang xảy ra dịch thực hiện công tác điều tra, phòng chống dịch bệnh và hướng dẫn tiêu hủy đàn heo chết. Chi cục Chăn nuôi và Thú y các địa phương đang xảy ra dịch tăng cường kiểm tra, rà soát đàn heo trên địa bàn về tình hình dịch bệnh, phòng chống lây lan, lập chốt kiểm dịch trên các tuyến giao thông, thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và xung quanh khu vực chăn nuôi xảy ra bệnh DTHCP…

Công tác kiểm soát đàn heo vận chuyển qua địa bàn TP Cần Thơ được thực hiện thường xuyên.

Tin, ảnh: H.VĂN

Lan tỏa mô hình vỗ béo bò thịt

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Một lao động nông nhàn có thể dễ dàng nuôi vỗ béo thường xuyên từ 7-10 con bò thịt, theo đó sẽ có thu nhập 7-10 triệu đồng/tháng.

Một trang trại vỗ béo bò thịt ở Hưng Yên.

Nhiều địa phương trong tỉnh Hưng Yên đang dấy lên phong trào nuôi vỗ béo bò thịt. Chỉ tính riêng 2 xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) và Tân Tiến (huyện Văn Giang), từ đầu năm đến nay, đã nuôi vỗ béo được hơn 200 con bò thịt các loại. Hầu hết các con bò đưa vào nuôi vỗ béo đều có thể trọng thấp, tỷ lệ thịt xẻ không cao, chất lượng thịt thương phẩm kém, như bò già không có khả năng sinh sản, bò đực không còn sức cày kéo, bò sau điều trị ký sinh trùng hoặc sau ốm dậy và bò loại ra trước khi giết thịt.

Sau mua gom về các hộ đã tiến hành tẩy nội, ngoại ký sinh trùng và chăm sóc theo hướng dẫn của khuyến nông cơ sở. Kết quả, chí sau tiến hành vỗ béo 3 tháng, toàn bộ số bò gầy yếu xiêu vẹo nói trên, đã trở thành những con bò thịt có giá trị thương phẩm cao, trừ hết các khoản chi phí chăn nuôi, vẫn còn lãi thu nhập trên dưới 3 triệu đồng 1con. Theo đó, các hộ càng nuôi vỗ béo nhiều bò thịt càng có lãi thu nhập cao.

Ông Bùi Văn Hoan ở xã Tân Tiến, huyện Văn Giang hồ hởi khoe với chúng tôi: “6 tháng đầu năm 2019 này, vợ chồng tôi đã vỗ béo được 20 con bò thịt, trừ tiền mua con giống và vật tư chăn nuôi, còn lãi công lao động hơn 60 triệu đồng, ngoài ra vẫn cấy thêm được ba sào lúa để lấy thóc ăn. Nhờ vậy lúc nào tôi cũng có tiền tiêu rủng rỉnh trong túi”.

Theo ông Hoan: Kỹ thuật vỗ béo bò thịt không phức tạp. Nuôi nhốt chuồng không cần chăn thả. Con giống mua từ các nguồn thải loại nên khá rẻ. Chuồng bò có thể tận dụng lại trại chăn nuôi gia cầm cũ hoặc dựng mới bằng một số cọc bê tông, tấm lợp bro xi-măng và bạt nhựa quây che khi cần, nhưng phải đảm bảo yên tĩnh, sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè ấm áp về mùa đông.

Thức ăn cho bò quan trọng nhất là phải đủ lượng và chất. Rơm khô, thân lá cây ngô, rau cỏ các loại, cho ăn bằng 10% trọng lượng cơ thể bò. Cám ngô, cám gạo, các chất khoáng và vi tamin cho ăn 2-3kg/con/ngày, tuỳ theo thể trọng bò.

Chú ý, cân đối các thành phần dinh dưỡng đạm, khoáng, năng lượng và vitamin. Trồng thêm một số diện tích cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn thô xanh cho bò. Cần cho bò ăn thêm một số thức ăn chế biến như rơm ủ urê, cỏ ủ chua, tảng urê - rỉ mật. Phải cho bò ăn uống sạch sẽ. Tắm chống nóng cho bò hàng ngày vào mùa hè. Giữ vệ sinh cơ thể bò thường xuyên để phòng bệnh ngoại ký sinh trùng.

Trồng cỏ voi để vỗ béo bò.

Theo cân nhắc của ông Trần Văn Lý (xã Tân Hưng, huyện Tiên Lữ): “Nuôi các loại gia súc gia cầm đều tiềm ẩn rất nhiều rủi ro dịch bệnh và giá cả lên xuống. Nhưng nuôi trâu bò nói chung, vỗ béo bò thịt nói riêng chưa bao giờ xảy ra dịch bệnh lớn, giá bán sản phẩm lại luôn ổn định qua các năm. Giống nuôi đầu vào và đầu ra bò thịt luôn có thương lái tìm đến tận nhà. Chăn nuôi không tốn nhiều công lao động. Phù hợp với khả năng đầu tư của đa số các hộ kinh tế còn khó khăn. Ngoài nuôi vỗ béo bò thịt, nhà nông còn có thể làm thêm được nhiều công việc đồng áng khác”.

Ông Lý còn khẳng định: “Mỗi con bò nuôi vỗ béo, sẽ có công lao động bình quân 1 triệu đồng/tháng. Một lao động nông nhàn có thể dễ dàng nuôi vỗ béo thường xuyên từ 7-10 con bò thịt, theo đó sẽ có thu nhập 7-10 triệu đồng/tháng, nguồn thu này có ý nghĩa rất lớn với các gia đình thuần nông”.

Có thể nói, nuôi vỗ béo bò thịt ở Hưng Yên là cách làm không mới, nhưng được địa phương quan tâm thúc đẩy đạt hiệu quả rõ nét, đã cung cấp cho thị trường thêm một lượng thịt chất lượng, và tạo ra một lượng phân hữu cơ đáng kể cho thâm canh bền vững các loại cây trồng, góp phần thúc đẩy phong trào chăn nuôi bò hướng thịt tại các địa phương trong tỉnh, hạn chế việc giết mổ bê non (chất lượng và sản lượng thịt còn thấp), tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều nông hộ. Đây có thể là một trong những giải pháp thoát nghèo bền vững cho nông hộ, và là gợi mở hữu ích cho các nhà nông khác trên toàn quốc.

“Có được những kết quả nổi bật nói trên là nhờ ảnh hưởng lan toả từ mô hình nuôi vỗ béo bò thịt, do Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên thực hiện năm 2018” – ông Lê Hồng Sĩ, Phó phòng NN-PTNT Văn Giang.

NGUYỄN HẢI TIẾN

Bắc Ninh: Người đam mê làm giàu từ mô hình chăn nuôi vịt siêu thịt

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Đi dọc triền đê từ xã Xuân Lai đến xã Đại Lai, huyện Gia Bình (Bắc Ninh), cứ khoảng 200 - 500m, tôi bắt gặp một màu trắng như mây của những đàn vịt trông thật đẹp mắt. Tò mò đến gần và hỏi thăm, được biết đó là đàn vịt nuôi của anh Nguyễn Sỹ Quý, thôn Trung Thành, xã Đại Lai, huyện Gia Bình.

Trò chuyện với anh Quý được biết: Năm 2006, anh tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán, sau này anh học thêm một bằng quản trị kinh doanh nữa. Với 02 tấm bằng đại học trong tay, anh đã bôn ba khắp nơi và cũng thử sức với nhiều lĩnh vực, khi thì làm ở công ty xây dựng cầu đường, khi thì làm ở bộ phận kinh doanh của công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật Hòa Bình… Nhưng anh thấy bản thân không phù hợp với các công việc này nên từ năm 2016, anh đã về quê làm kinh tế và xây dựng trang trại chăn nuôi.

Khi mới bắt đầu xây dựng trang trại, do điều kiện kinh tế còn khó khăn và kinh nghiệm chưa nhiều nên năm đầu anh chỉ nuôi từ 10.000 - 20.000 con vịt. Sau một, hai năm, khi kinh tế đã tương đối ổn định, anh đã đầu tư nhiều hơn. Hiện nay, anh đang nuôi trên 12.000 con vịt, chia ra làm 03 đàn lớn nhỏ ở các cỡ tuổi khác nhau, mỗi đàn cách nhau khoảng 01 tháng. Cứ như vậy, một năm anh nuôi khoảng 7-8 đàn, mỗi đàn từ 3.000 – 5.000 con.

Hiện, trang trại của anh Quý đang nuôi trên 12.000 con vịt thịt

Khi được hỏi về kỹ thuật nuôi vịt, anh Quý chia sẻ rất cởi mở: Nuôi vịt không phải là khó mà quan trọng phải luôn theo dõi, để ý đến tình trạng của đàn vịt để có điều chỉnh, bổ sung lượng thức ăn, thuốc phòng dịch bệnh cho hợp lý. Sử dụng con giống nào, mua ở đâu cũng rất quan trọng. Giống vịt anh nuôi là giống vịt bầu lai bơ, được mua tại Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên. Đây là giống vịt siêu thịt, toàn thân có lông màu trắng, sức sống mạnh, tỷ lệ sống cao, kháng bệnh tốt, phát triển nhanh, tỷ lệ thịt đùi, ức cao và được các thương lái ưa chuộng. Từ vịt mới nở, nuôi khoảng 02 tháng là đạt trọng lượng khoảng 2,5 – 3,0 kg/con.

Để có địa điểm nuôi vịt, anh Quý phải đi tìm gặp các chủ hồ cá để thuê lại phần mặt nước và tận dụng sườn đê làm nơi cho vịt lên ăn nghỉ. Bên cạnh đó, với vịt tuổi nhỏ, anh làm bè nổi có mái che ở giữa hồ để vịt tránh mưa, nắng. Trong quá trình nuôi, anh thực hiện nghiêm ngặt quy trình tiêm phòng dịch bệnh, nhất là tiêm vắc- xin cho vịt con vào giai đoạn 3 và 7 ngày tuổi để phòng bệnh viêm gan và bệnh dịch tả vịt; định kỳ bổ sung thuốc phòng bệnh và vitamin tăng sức đề kháng.

Nuôi vịt quả thật là nềm đam mê của anh, từ khi nuôi vịt đến nay, không ngày nào anh không có mặt ở quây vịt, dù có việc bận đến mấy anh cũng phải tranh thủ để đến thăm đàn vịt. Cứ 03 lần/ngày, anh có mặt ở quây vịt để cho vịt ăn và cũng để theo dõi quá trình sinh trưởng của vịt.

Được hỏi về hiệu quả kinh tế cũng như đầu ra của đàn vịt nuôi, anh Quý cho biết: Đầu ra anh không lo, cứ nuôi đến đâu có thương lái đến tận nơi mua nhưng giá cả thì không ổn định, giá vịt cao nhất từ trước đến nay là 49.000 đồng/kg, có năm giá vịt xuống thấp chỉ còn 19.000 đồng/kg. Nhìn chung, với giá bán trung bình 35.000 - 38.000 đồng/kg, mỗi đàn vịt nuôi khoảng 3.000 con, anh xuất bán cũng cho doanh thu khoảng gần 300 triệu đồng. Không chỉ nuôi vịt, anh Quý còn nuôi thêm 20 con lợn nái và 200 con lợn thịt, 2.000 gà thịt, mỗi năm cho doanh thu hàng trăm triệu đồng.

Trong thời gian tới, anh Quý có dự định sẽ cùng một số hộ trong thôn thành lập Hợp tác xã chăn nuôi để liên kết, giúp đỡ nhau về vốn, kỹ thuật cũng như đầu ra cho sản phẩm của mình. Anh rất mong được sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền hỗ trợ cho người chăn nuôi về kỹ thuật mới cũng như các loại vắc xin phòng trừ dịch bệnh. Với tuổi trẻ và lòng đam mê của mình, anh Quý đã thu được những thành quả xứng đáng. Đây là mô hình cần được quan tâm và nhân rộng./.

Đỗ Thị Vui - Trung tâm Khuyến nông Bắc Ninh

Vượt khó nhờ nuôi dê

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Tỉnh Bình Phước là một trong những tỉnh có diện tích hồ tiêu tăng lớn, nhưng trong hơn 2 năm qua đang phải hứng chịu cảnh rớt giá thê thảm. Để vượt qua giai đoạn khó khăn, nhiều mô hình trồng tiêu kết hợp nuôi dê đã giúp người nông dân cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, về lâu dài cần xây dựng mô hình liên kết và tiêu thụ sản phẩm để phát triển đàn dê theo hướng bền vững, an toàn.

Tổ hợp tác nuôi dê xã Tân Thành đang hướng tới sự phát triển bền vững và an toàn

Giá dê cao kỷ lục

Nhu cầu dê thương phẩm hiện ngày càng tăng cao, khiến thị trường thịt dê tại Bình Phước cũng nhộn nhịp hẳn lên. Theo anh Nguyễn Văn Thành (ngụ xã Tân Thành, huyện Bù Đốp), vài năm gần đây, giá dê hơi liên tục có nhiều biến động lên xuống thất thường và mức giá cao nhất cũng chỉ vào khoảng 90.000 - 100.000 đồng/kg.

Việc giá dê hơi tăng cao kỷ lục như hiện tại - đạt mức 130.000 đồng/kg - đã trở thành nguồn thu đáng kể cho nhiều gia đình kết hợp trồng tiêu nuôi dê (dê được nuôi thả trong vườn tiêu và lấy nguồn phân dê bón cho tiêu).

Hộ anh Phạm Đình Dũng (ngụ xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh) bắt đầu nuôi dê từ vài năm nay. Ban đầu, anh chỉ nuôi vài con, sau đó phát triển đàn lên đến 100 con. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho dê, nhất là vào mùa khô, anh đã dành gần 1.000m2 đất để trồng cỏ và tận dụng thêm nguồn thức ăn từ rơm rạ. Trung bình mỗi năm, nguồn thu từ nuôi dê của gia đình anh đạt gần 200 triệu đồng và với giá hiện nay, anh đang xuất chuồng với số lượng lớn, dự tính thu về gần 400 triệu đồng.

Theo những người nuôi dê, trên địa bàn có hàng trăm điểm thu mua dê thịt để cung cấp ra thị trường Đồng Nai, TPHCM (ngoài các thương lái trong tỉnh tìm mua dê thương phẩm để cung cấp cho thị trường Bình Dương), thương lái từ các tỉnh phía Bắc, nhất là Hà Nội, cũng đến tận nhà người nuôi dê đặt mua, thậm chí mua cả dê đang trong thời kỳ sinh sản, đẩy giá dê tăng cao. Bên cạnh dê thịt thì giá dê giống cũng tăng cao so với những năm trước, bởi nhu cầu tăng đàn nuôi của chính những người dân tại đây.

Triển vọng từ mô hình nuôi dê sạch

Hợp tác xã (HTX) kinh doanh chăn nuôi dê xã Lộc Hiệp (huyện Lộc Ninh) có 45 thành viên với vốn điều lệ hơn 1,2 tỷ đồng, vừa chăn nuôi dê vừa kinh doanh thịt dê. Chị Nguyễn Thị Hường, một xã viên HTX, là người Ninh Bình vào Bình Phước lập nghiệp đã được hơn chục năm, khi mới vào làm vườn thuê cho nhà trồng tiêu, sau đó tích cóp mua đất trồng trọt và nuôi dê. Được sự hướng dẫn và giúp đỡ của Hội Phụ nữ xã khi tham gia vào tổ hợp tác, đàn dê nhà chị Hường đã phát triển, hiện có 20 con cả dê trưởng thành và dê non mới đẻ.

Ấn tượng nhất là Tổ hợp tác nuôi dê xã Tân Thành - dự án khởi nghiệp đoạt giải nhất tại cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Phước tổ chức năm 2018. Mô hình triển khai vào tháng 6-2018, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương, tạo việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động nữ. Tổ hợp tác có 40 thành viên với đầu tư ban đầu gần 7 tỷ đồng, quy mô 40 chuồng trại, nuôi 1.600 con dê cái bầu và 40 con dê đực. Chị Nông Thị Lệ, Tổ trưởng Tổ hợp tác, cho biết sau nhiều lần chứng kiến cảnh “được mùa - mất giá, mất mùa - trắng tay” của người nông dân, chị đã quyết tâm thực hiện mô hình nuôi dê sạch.

Điểm khác biệt của mô hình nằm ở quy trình nuôi dê và cam kết đầu ra sản phẩm là dê có nguồn gốc rõ ràng, không dùng chất kích thích, cám tăng trọng. Nguồn thức ăn của dê được tận dụng từ cây cỏ tự nhiên nên thịt dê đạt chất lượng sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Chị Lệ nhận xét: “Qua quá trình nghiên cứu thị trường, tôi thấy mô hình nuôi dê lấy thịt và dê giống đã được nuôi tại nhiều địa phương như Đồng Nai, Bình Thuận… Thế nhưng, các địa phương này nuôi dê tràn lan, chủ yếu được nuôi bằng cám công nghiệp nên lớn rất nhanh; do vậy thịt dê thường nhão, nhiều mỡ. Bên cạnh đó, tại một số quán ăn, nhà hàng sử dụng thịt dê đông lạnh, vận chuyển từ nơi khác đến, nguồn gốc không rõ ràng, nên chất lượng không đảm bảo. Vì vậy, mô hình chăn nuôi dê sạch sẽ là hướng đi tích cực, tạo thương hiệu cho vùng”.

Với việc thành lập các tổ hợp tác nuôi dê sạch, những người nuôi dê được đảm bảo đầu ra, giá cả, nên không lo bị tiểu thương ép giá. Đây chính là nền tảng để phát triển nghề chăn nuôi dê theo hướng bền vững. Mô hình này giúp người nông dân có điều kiện về vốn liếng mạnh dạn chuyển đổi vườn tiêu ở những nơi có năng suất thấp sang cây trồng khác; hoặc nuôi dê kết hợp chăm tiêu, hạn chế tác động tiêu cực của tình trạng rớt giá lên đời sống của nông dân.

HOÀNG BẮC

Phòng chống đúng cách sẽ loại được dịch tả lợn châu Phi

Nguồn tin: Báo Công Thương

Bình Dương là địa phương tiếp theo ở khu vực miền Nam phát hiện dịch tả lợn châu Phi (ASF). Các chuyên gia về thú y cho rằng, các cơ quan chức năng, người chăn nuôi hợp lực để phòng chống đúng cách thì bệnh dịch ASF sẽ được khống chế hoàn toàn.

Dịch ASF tiếp tục lan rộng

Sau Đồng Nai, Bình Phước, Hậu Giang tỉnh Bình Dương ghi tên vào danh sách những địa phương ở khu vực miền Nam phát hiện dịch ASF. Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, cho biết, ngày 21/5, cơ quan chức năng phối hợp với địa phương đã tổ chức tiêu hủy 1.004 con lợn dương tính với dịch ASF. Đàn lợn được phát hiện dịch bệnh tại hộ ông Nguyễn Quang Huy và hộ ông Nguyễn Quang Tuyến ở xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.

Ngay sau khi phát hiện đàn lợn bị dịch ASF, chính quyền tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời tiêu hủy số lợn bị nhiễm bệnh, tăng cường an toàn sinh học để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Yêu cầu ngành nông nghiệp tăng cường các biện pháp phòng chống, ngăn ngừa virus lây lan trên diện rộng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cơ sở, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ về thông tin dịch bệnh.

Cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương tổ chức tiêu hủy lợn dịch bệnh ASF

Ngày 22/5, ông Trương Ngọc Trưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hậu Giang cho biết, cơ quan chức năng đã tổ chức tiêu hủy đàn lợn khoảng 1.200 con bị dịch bệnh ASF của một hộ chăn nuôi tại xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Đây là ổ dịch thứ 7 xẩy ra tại Hậu Giang sau các huyện Châu Thành A, Vị Thủy và Châu Thành. Tại địa bàn huyện Châu Thành A, nơi phát sinh ổ dịch ASF đầu tiên tại Hậu Giang, hiện đã qua 31 ngày nhưng không có gia súc chết và tiêu hủy do bệnh. Để phòng dịch bệnh lây lan, cơ quan chức năng huyện Châu Thành A đã lập 2 chốt kiểm tra, kiệm dịch động vật, sản phẩm động vật. Đồng thời, tổ chức tiêu độc 168.000m2/224 lít hóa chất khử trùng và 380kg vôi bột, nhờ đó dịch bệnh đã được khống chế.

Phòng chống đúng sẽ loại được dịch ASF

Theo các chuyên gia về thú y, virus ASF là loại virus có vỏ bọc dễ bị bất hoạt bởi nhiệt. AND virus này ít biến chủng, virus sinh sản trong đại thực bào của tế bào bạch cầu lợn, có kích thước lớn, phức hợp nên khó để sản xuất vacxin phòng bệnh. Virus bất hoạt trong môi trường pH11.5, trong môi trường có máu virus sống lâu hơn và bất hoạt ở nhiệt độ 70 độ C. Virus gây bệnh cho tất cả các loại lợn, không gây bệnh cho các vật nuôi khác và không gây bệnh cho người. Virus sinh sản trong bọ thân mềm (Ornithodoros) là vật chủ trung gian truyền bệnh cho lợn, không ký sinh trên các loại ruồi, muỗi, ve bét khác. Bọ Ornithodoros không có ở Việt Nam. Virus không truyền qua thai lợn con và virus loại này đào thải qua phân, nước tiểu, nước bọt, máu của lợn bệnh.

Bệnh ASF có 3 thể bệnh là cấp tính, á cấp tính và mãn tính. Thể cấp tính xẩy ra ở giai đoạn đầu ổ dịch, lợn có tỷ lệ chết 100%. Thể á cấp tính xẩy ra ở giai đoạn giữa ổ dịch, lợn có tỷ lệ chết thấp hơn 30-70%. Thể mãn tính xẩy ra ở cuối ổ dịch và tỷ lệ chết thường rất thấp, hoặc không gây chết nhưng lợn sẽ bị còi cọc. Bệnh ASF có triệu chứng lâm sàng giống với dịch tả lợn cổ điển (CSF, đang lưu hành nhiều năm ở Việt Nam). Do vậy, không thể phân biệt ASF và CSF bằng chẩn đoán lâm sàng mà phải xét nghiệm phòng thí nghiệm. Hiện nay chưa có vacxin và thuốc đặc trị cho bệnh dịch ASF.

Để phòng chống dịch ASF một cách hiệu qủa và bền vững, các chuyên gia về thú y cho rằng, nhà nước cần công bố rằng, virus ASF không lây sang người khi tiếp xúc với lợn cũng như thịt lợn. Bệnh ASF không liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, do vậy người dân có thể tiêu thụ thịt lợn bình thường mà không cần quan tâm đến dịch bệnh ASF. Tại Việt Nam, dịch bệnh ASF lây lan quá nhanh kể từ ổ dịch đầu tiên (tháng 2/2019) và dịch bệnh ASF xẩy ra chủ yếu ở hộ chăn nuôi nhỏ, đến nay vẫn chưa kiểm soát được.

Mô hình chăn nuôi khép kín công nghiệp kiểm soát tốt dịch bệnh ASF

Tiến sĩ Kiều Minh Lực, Phó Tổng giám đốc phụ trách di truyền giống Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho rằng, Việt Nam khó có thể khống chế và dập tắt ngay được dịch bệnh ASF. Bởi con đường lây nhiễm bệnh ASF chủ yếu là vận chuyển và sử dụng thức ăn, nước thải nhà bếp chưa qua xử lý. Tuy nhiên Việt Nam không có bọ thân mềm Ornithodoros và số lượng lợn rừng không đáng kể là yếu tố tích cực giảm thiểu mức độ lưu cữu virus ASF trong tự nhiên. Do vậy, khả năng thanh toán bệnh ASF là khả thi trong tương lai.

Giải pháp lâu dài để thanh toán bệnh ASF tại Việt Nam, theo tiến sĩ Kiều Minh Lực, các cơ quan hữu quan cần tuyên truyền để người tiêu dùng nhận thức dịch bệnh ASF không liên quan đến an toàn thực phẩm nhằm ổn định thị trường thịt lợn và ổn định sản xuất. Mặt khác, cần tiêu hủy lợn chết, cho giết mổ và lưu thông sản phẩm lợn tại địa phương, không cho vận chuyển vào vùng an toàn dịch bệnh nếu không có phiếu xét nghiệm âm tính về ASF. Tổ chức tuyên truyền các biện pháp hiệu quả, kinh tế nhất trong phòng chống dịch bệnh ASF như sử dụng vôi, thuốc sát trùng, nhập nguồn heo giống âm tính, xử lý thức ăn thừa, nước thải nhà bếp và các biện pháp an toàn sinh học khác. Không vứt xác lợn chết xuống sông, suối, ao, hồ để virus không có chỗ cư trú, dịch bệnh ASF sẽ được thanh toán.

“Mặc dù dịch bệnh đang còn diễn biến phức tạp nhưng số lượng lợn bị tiêu hủy do dịch bệnh ASF sẽ không đến mức ảnh hưởng lớn đến mất cân đối nguồn cung thịt lợn trong nước. Nhưng do tâm lý bán chạy lợn hơi của người chăn nuôi và người tiêu dùng giảm sử dụng thịt lợn là tác nhân chính làm đảo lộn thị trường và sẽ ảnh hưởng xấu đến sản xuất cũng như làm mất cân đối cung cầu thịt lợn trong nước”, tiến sĩ Lực đánh giá.

Trần Thế

Lợi kép từ chăn nuôi an toàn

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

.Mô hình chăn nuôi an toàn đang ngày càng được nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu áp dụng. Đây là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, hạn chế được dịch bệnh, đồng thời khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chị Lê Thị Cẩm Loan chăm sóc đàn heo rừng lai 2 tháng tuổi.

Từ 2 chuồng (10m2/chuồng) nhận làm mô hình trình diễn “Nuôi heo rừng lai thương phẩm theo công nghệ sinh học” do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai, đến nay cơ sở nuôi heo của chị Lê Thị Cẩm Loan (33 Tuệ Tĩnh, phường Long Toàn, TP. Bà Rịa) đã phát triển lên 10 chuồng, mỗi năm cung cấp cho thị trường 2 tấn thịt heo rừng thương phẩm. Chị Loan cho biết, trước đây chị chăn nuôi heo theo cách truyền thống, dù đã sử dụng hầm biogas để xử lý chất thải nhưng vẫn không tránh được mùi hôi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Năm 2018, chị tham gia mô hình “Nuôi heo rừng lai theo hướng công nghệ sinh học”. Theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, chị cải tạo 20m2 chuồng cũ thành 2 ô, có vách ngăn bằng xi măng, quây lưới B40, lợp mái che. Bên trong mỗi ô chuồng trải lớp đệm cao 60cm gồm 90% trấu và 10% mùn cưa. Sau đó, chị dùng 2kg men Balasa No1 đã ủ qua đêm, cùng 10kg cám bắp hòa nước trộn đều tưới lên lớp đệm lót, đảo đều, ủ trong 10 ngày rồi thả heo giống vào nuôi. Ban đầu, chị được hỗ trợ 10 con heo giống có trọng lượng mỗi con 15kg. Sau 6 tháng nuôi, chị bán ra thị trường 400kg heo thịt, trừ chi phí, chị thu lãi 8 triệu đồng.

Theo chị Loan, heo rừng lai F1 là loài động vật bán hoang dã, thịt nhiều nạc ít mỡ, có da dày nhưng giòn. Khi nuôi nhốt, thức ăn của heo chủ yếu là rau muống, chuối cây, lục bình, hèm bia, bã đậu… Đây là những phụ phẩm có sẵn, dễ kiếm ở địa phương, kết hợp thêm 30% cám bắp, chi phí thấp mà sản phẩm thịt heo lại được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Đây là mô hình chăn nuôi thân thiện môi trường, có thể áp dụng nuôi ở gần khu dân cư, chi phí đầu tư xây dựng chuồng thấp, tiết kiệm được công chăm sóc, giảm tỷ lệ bệnh thường gặp trong chăn nuôi. Ngoài ra, sau 2 đợt nuôi, các giá thể làm đệm có thể ủ làm phân bón cho cây trồng. “Từ 2 ô chuồng, đến nay tôi đã phát triển lên 10 ô, mỗi năm cung cấp cho thị trường trong tỉnh khoảng 2 tấn heo thịt heo rừng lai. Với giá bán trung bình 70.000 đồng/kg heo hơi, tôi thu lãi từ 80-100 triệu đồng/năm”, chị Loan nói thêm.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, từ năm 2013 đến nay, Trung tâm đã đầu tư nhiều mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học cho heo, gà và sử dụng thức ăn men ủ vi sinh hoạt tính. Ngoài ra, sau khi học tập kinh nghiệm chăn nuôi tiên tiến của các nước, hiện nay nhiều hộ dân cũng mạnh dạn đầu tư chuồng trại, để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng.

Mô hình nuôi vịt trên sàn của anh Đồng Thanh Điền (ấp An Hòa, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) là một ví dụ điển hình. Có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi vịt chăn thả lấy trứng, anh Điền sớm nhận thấy những hạn chế của cách chăn nuôi này. Anh đã mạnh dạn đầu tư gần 2 tỷ đồng để thực hiện mô hình nuôi vịt trên sàn - mô hình anh đã tìm hiểu và học tập sau khi tham quan tại Thái Lan.

Mô hình nuôi trên nền đệm lót sinh học giúp giảm chi phí thức ăn, giảm tỷ lệ mắc bệnh ở heo. Trong đó, tỷ lệ mắc bệnh đường ruột, hô hấp giảm từ 50% - 70%; giảm chi phí sử dụng thuốc thú y 50.000 đồng/con; tiết kiệm hơn 10% chi phí thức ăn; tiết kiệm 80% nước (do không cần tắm heo, rửa chuồng). Đặc biệt, mô hình còn giúp giảm tình trạng ô nhiễm môi trường do phân heo thải ra, không có mùi hôi như cách nuôi heo truyền thống và hạn chế ruồi muỗi. (Ông Trương Công Danh, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Bà Rịa)

Chia sẻ về kỹ thuật xây dựng chuồng trại, anh Điền cho hay: Sàn nuôi vịt được giăng lưới trên hệ thống đá vững chắc, cao từ 40cm - 60cm so với mặt sàn xi măng. Phía dưới sàn trải trấu, rơm vụn; mặt sàn căng lưới mềm chuyên dùng cho chăn nuôi. Sàn có mái che mưa, cao và thoáng gió, giúp vịt luôn khô ráo. Xung quanh chuồng trại được lắp đặt hệ thống ống dẫn nước để vệ sinh chuồng trại, bên hông chuồng có bể cạn cho vịt thay nhau tắm. Nước được thay mới hàng ngày. Giữa tấm bạt, anh đặt trống ăn hình trụ rỗng. Khu vực cho vịt ăn được trải tấm bạt hứng thức ăn dính theo mỏ vịt văng ra nên bảo đảm vệ sinh sạch sẽ.

Hiện trang trại của anh Điền đang nuôi gối đầu hơn 19 ngàn con vịt lấy trứng. “Ưu điểm của mô hình này là gần như hạn chế được việc gây ô nhiễm môi trường. Đàn vịt được vệ sinh thường xuyên nên tránh được mùi hôi. Phân và chất thải cũng được gom hàng ngày, chuồng trại lúc nào cũng sạch sẽ và thoáng mát”, anh Điền cho hay. Hiện nay, mô hình mang lại thu nhập cho gia đình anh từ 1,2-1,5 tỷ đồng/năm.

Theo Hội Nông dân xã Lộc An, thành công của mô hình nuôi vịt trên sàn đã mở ra hướng chăn nuôi mới, là động lực để nông dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô, vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

KIM HỒNG - TRỌNG HOÀNG

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop