Tin nông nghiệp ngày 01 tháng 01 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 01 tháng 01 năm 2016

 

Hậu Giang: Giá gừng duy trì ở mức thấp

 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang,

 

Hiện gừng bán lẻ tại chợ Một Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang duy trì mức giá thấp 10.000 đồng/kg. Nhà vườn cân xô cho thương lái khoảng 6.000 - 8.000 đồng/kg, trong khi đó năm rồi, giá gừng từ 20.000 đồng/kg trở lên, có lúc bán lẻ tại các chợ 80.000 - 100.000 đồng/kg.

 

Tuy giá gừng năm nay thấp nhưng rất khó tiêu thụ. Mặt khác, nhiều diện tích bị thối củ, hộ trồng gừng phải bán tháo. Hộ chăm sóc tốt, gừng không bị bệnh cũng giảm ít nhất 2 - 3 lần thu nhập so năm rồi.

 

KIM VIẾNG

 

Sóc Trăng: Mía trúng giá, nông dân thắng lớn

 

Nguồn tin: Đài PT-TH Sóc Trăng

 

Niên vụ 2015 - 2016, tỉnh Sóc Trăng có 10.519 ha mía đường, giảm 2.000 ha so với niên vụ trước, trong đó huyện Mỹ Tú đã thu hoạch được hơn 50% diện tích, còn Cù Lao Dung mới vào vụ thu hoạch. Nông dân rất phấn khởi vì giá mía tăng cao.

 

 

Mía trúng giá, nông dân thắng lớn.

 

Ở huyện Mỹ Tú, sau 3 niên vụ mía nông dân lao đao vì giá, thì vụ sản xuất này bà con rất phấn khởi khi mía trúng mùa, bán được giá cao. Hiện tại mía được thương lái mua từ 920 - 1.000 đ/kg tùy chữ đường. Năng suất đạt 130 tấn/ha, tăng gần 10% so với vụ trước. Thu nhập của hộ trồng mía tăng cao, một phần là do trồng giống mía mới có năng suất, chữ đường cao và nhờ năm nay lũ không về nên nông dân chủ động được thời gian thu hoạch, ông Võ Văn Công ở ấp Mỹ Khánh B, xã Long Hưng, cho biết: “Năm nay, bà con trồng mía ở Long Hưng phấn khởi vì mía trúng mùa, trúng giá. Đó là cũng nhờ Nhà nước đầu tư cho bà con vùng trồng mía có được hệ thống thủy lợi nội đồng, nên chủ động được nguồn nước, không xảy ra tình trạng thiếu nước hay ngập úng”.

 

Theo ngành chức năng, do diện tích mía đường giảm nên các nhà máy chế biến thiếu nguyên liệu đã đẩy giá mua lên cao để cạnh tranh nguồn cung, nhờ đó mà nông dân thu được lợi nhuận khá trong vụ này, ông Trần Văn Tâm, Trưởng Phòng NN & PTNT huyện Mỹ Tú, nhận xét: “Bên cạnh trúng mùa vì nông dân đã mạnh dạn thay đổi dần các giống mía cũ bằng những giống mía mới có chữ đường cao hơn, thì do năm nay diện tích mía đường của vùng ĐBSCL giảm mạnh. Trong khi lượng đường tồn kho tại các nhà máy còn ít, giá đường trên thị trường gần đây nhích lên, nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh, nhất là vào dịp cuối năm nên mía nguyên liệu có giá cao hơn mọi năm. Nhìn chung các diện tích mía đã thu hoạch đều có lời, bà con rất phấn khởi”

 

Cù Lao Dung là huyện có diện tích mía nguyên liệu lớn nhất Sóc Trăng, niên vụ này bà con xuống giống được hơn 7.100 ha, giảm gần 1.000 ha so với niên vụ trước. Dù vài tháng nữa mới bắt đầu thu hoạch, nhưng thông tin giá mía tăng đã làm cho bà con vô cùng phấn khởi. Ông Huỳnh Quốc Toán ở ấp Văn Sáu, xã Đại Ân 1, cho biết: “Diện tích mía của gia đình tôi sắp cho thu hoạch, với giá mía hiện nay thì lời từ 4 triệu đến 5 triệu đồng/công. Nông dân mong giá này sẽ kéo dài tới cuối vụ”. Tuy nhiên, nếu ở Mỹ Tú nông dân vui mừng vì có được vụ mùa bội thu cả về năng suất lẫn giá bán, thì ở Cù Lao Dung do ảnh hưởng thời tiết bất lợi, sản lượng mía khu vực này có thể giảm, ông Phan Văn Tám, Chủ tịch UBND xã Đại Ân 1, cho biết: “Diện tích mía năm nay giảm so với mọi năm do mặn xâm nhập sớm và sâu. Sản lượng mía ước từ 120 đến 130 tấn/ha, nhờ bán được giá cao nên bà con thu lời khá”.

 

 

Nông dân Cù Lao Dung tập trung chăm sóc vụ mía niên vụ 2015 - 2016.

 

Nhiều khả năng từ nay đến cuối vụ giá mía vẫn sẽ ở mức cao so với niên vụ trước. Bởi vừa qua diện tích mía sụt giảm dẫn đến các nhà máy thiếu hụt nguyên liệu nên phải nâng giá để đảm bảo nguồn cung, cộng với năng suất bị ảnh hưởng do thời tiết bất lợi, sản lượng mía ở Cù Lao Dung - vùng mía nguyên liệu lớn nhất tỉnh có thể sụt giảm./.

 

Hải An

 

Đầu vụ hành tím: Nông dân Sóc Trăng thấp thỏm lo đầu ra

 

Nguồn tin: VOV

 

Mới bắt đầu niên vụ hành tím 2015 - 2016 nhưng người nông dân ở Sóc Trăng vẫn canh cánh nỗi lo về giá thị trường và đầu ra sản phẩm.

 

Sự bấp bênh về giá cả và thị trường tiêu thụ trong các niên vụ đã qua khiến tâm lý người trồng hành tím ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng vô cùng lo lắng khi bước vào vụ 2015 - 2016. Có không ít người dân đã phải chuyển một phần diện tích để trồng các loại cây trồng khác hoặc ngưng sản xuất với nhiều lý do.

 

Hiện nay, bà con Vĩnh Châu đang chuẩn bị bước vào trồng hành tím vụ chính 2015 - 2016, những công việc như chuẩn bị giống, làm đất lên luống hay gieo trồng đang được bà con tập trung. Tuy vậy, trên khuôn mặt của những người nông dân này vẫn đầy ắp những nỗi lo đối với giá cả và thị trường tiêu thụ không rõ sẽ diễn biến ra sao khi bước vào vụ thu hoạch?

 

Bắt đầu trồng 1 công hành tím, anh Thạch Luôn ở phường 2, thị xã Vĩnh Châu tâm sự, những năm gần đây, củ hành tím Vĩnh Châu luôn bị lao đao vì không có đầu ra và giá quá thấp. Ba niên vụ gần đây nhất, anh chỉ hòa vốn và lỗ, trong khi phải bỏ trắng công chăm sóc; vụ mới này vẫn chưa biết sẽ ra sao.

 

“Mỗi năm gia đình thường trồng 4 công hành tím, nhưng năm nay tính chỉ trồng nửa diện tích đó bởi chưa biết hướng giá cả thế nào. Giá hành tím giống giờ cũng cao hơn trước, nhưng có đất thì phải trồng chứ cũng chưa biết trồng cây gì khác”, anh Luôn nói.

 

 

Người trồng hành tím ở Sóc Trăng chưa yên tâm về giá thị trường và đầu ra sản phẩm.

 

Chung nỗi lo như anh Luôn, ông Châu Tấn Sinh, nay đã 75 tuổi đang chăm sóc 2,5 công hành tím cho biết, ông đã gắn bó hàng chục năm với củ hành tím, nhưng không thời gian nào khó khăn như những năm gần đây. Hành tím luôn bị rớt giá thê thảm mỗi khi bước vào vụ thu hoạch. Bên cạnh đó, vật tư nông nghiệp, đặc biệt là giống hành năm nay giá khá cao, kết hợp với dịch bệnh tấn công mạnh, nên chi phí đầu vào sẽ tăng đáng kể. Năm nay, nếu giá hành tím không cải thiện, thách thức cho người nông dân là rất lớn.

 

“Người trồng hành bây giờ phải lo đủ thứ, trong khi đó nếu giá hành tăng cao còn bù đắp được chi phí, còn giá bấp bênh như mọi năm chắc chắn không hiệu quả. Hộ nào không phải vay mượn vốn để sản xuất còn đỡ, nếu phải vay vốn mà giá cả như vậy sẽ lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn”, ông Sinh cho biết.

 

Được biết, giá hành giống năm nay dao động trên dưới 40.000 đồng/kg, có lúc lên tới 50.000 đồng/kg. Trong khi để trồng được 1 công hành cần ít nhất gần 100kg hành giống, chi phí mất gần 4 triệu đồng. Hiện nay, có rất nhiều hộ đã không còn mặn mà với củ hành tím mà chuyển sang trồng cây khác, với hy vọng có giá hơn; trong khi cũng còn rất nhiều diện tích đang được người dân bỏ trống vì không còn đủ vốn đầu tư sản xuất.

 

Hành tím là cây trồng truyền thống có từ trăm năm nay trên vùng đất cát ven biển thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, được xem là cây xóa nghèo. Mỗi năm, địa phương có từ 5.000 – 7.000 ha hành được xuống giống, cho sản lượng trên dưới 100.000 tấn mỗi năm.

 

Tuy nhiên, cũng như những năm trước, trong niên vụ 2015 - 2016, hành tím Vĩnh Châu tiếp tục được dự báo sẽ còn hết sức khó khăn và thách thức nếu bài toán đầu ra, giá cả cho nông sản truyền thống này không được giải quyết kịp thời./.

 

Thạch Hồng/VOV - ĐBSCL

 

20 năm hiệu quả mô hình: “Lúa thơm, tôm sạch”

 

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

 

Huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng tổng kết 20 năm mô hình tôm - lúa bền vững, từ việc lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp với đặc điểm sinh thái của vùng mặn và lợ, phong trào sản xuất "Lúa thơm-tôm sạch" chứng minh khả năng gia tăng hiệu quả sản xuất. Đến năm 2015 giá trị sản phẩm thu hoạch từ trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 140 triệu đồng/ha. Đời sống kinh tế người dân được nâng lên, huyện Mỹ Xuyên có điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM).

 

Bước đầu gian nan

 

Huyện Mỹ Xuyên có hõn 37.000 ha đất tự nhiên, trong đó đất nông nghiệp hơn 32.500 ha, với 8.100 ha đất làm lúa 2 vụ và 17.700 ha đất nuôi tôm - trồng lúa và hơn 1.200 đất trồng màu. Tuy là một vùng đất giàu tiềm nãng phát triển kinh tế đa dạng về trồng trọt, chăn nuôi, nhưng sau năm 1975 Mỹ Xuyên vẫn còn là một huyện thuần nông, nghèo khó. Mô hình tôm-lúa ban đầu chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên. Người dân canh tác tập trung ở các vùng đất ven sông, kênh, rạch. Vào mùa khô đất bị nhiễm mặn, nên người dân tranh thủ cho nước ra, vào theo thủy triều để thu thủy sản tự nhiên, sau đó rửa mặn và trồng lại lúa.

 

 

Trồng lúa trên nền ao tôm.

 

Kể từ năm 1995, nông dân Mỹ Xuyên bắt đầu quá trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Trên địa bàn huyện hình thành hai vùng sinh thái rõ rệt: Vùng tôm - lúa (gồm 6 xã: Hòa Tú 1, Hòa Tú 2, Ngọc Đông, Ngọc Tố, Gia Hòa 1, Gia Hòa 2) và vùng trồng 2 vụ lúa (gồm xã Đại Tâm, Tham Đôn, Thạnh Phú, Thạnh Quới và thị trấn Mỹ Xuyên). Tuy nhiên, mô hình tôm - lúa của những năm này còn gặp nhiều khó khăn, do thiếu điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng. Giao thông nông thôn, vận chuyển và giao thông hàng hóa đi lại còn gian nan. Hệ thống điện, thủy lợi, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ sản xuất còn hạn chế, lạc hậu...

 

Do đó đến cuối năm 2000, nãng suất lúa ở Mỹ Xuyên vẫn còn thấp, bình quân chỉ chừng 4,1 tấn/ha, sản lượng lúa toàn huyện khoảng 267.600 tấn. Diện tích nuôi tôm khoảng 9.270 ha đến 13.100 ha, sản lượng tôm đạt chưa tới 3.000 tấn/năm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện còn chậm, GDP bình quân đầu người đạt 295 USD. Diện mạo nông thôn chưa có sự chuyển biến rõ nét, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhà ở của dân đa số là nhà tạm bợ, dột nát (toàn huyện chỉ có 1.150 căn nhà kiên cố và hơn 5.700 căn nhà bán kiên cố, tỷ lệ hộ nghèo hơn 28%.

 

Thế nhưng dấu mốc từ khi Chính phủ có chủ trương, chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm, cho phép chuyển đổi sản xuất trên đất kém hiệu quả sang nuôi tôm, trên vùng chuyển dịch trọng điểm của huyện được xác định, phân vùng nuôi 1 vụ tôm - 1 vụ trồng lúa phù hợp với đặc điểm sinh thái của địa phương; đồng thời khởi đầu mô hình nuôi quảng canh truyền thống và sau đó là mô hình nuôi quảng canh cải tiến.

 

Chuyển đổi hiệu quả

 

Nhiều người dân Mỹ Xuyên cho biết, từ năm 2000 hoạt động nuôi thủy sản phát triển mạnh mẽ, nhất là mô hình nuôi tôm bán thâm canh song hành cùng nhiều công trình xây dựng thủy lợi. Bên cạnh tuyến kênh Thạnh Mỹ, các tuyến kênh thuộc Dự án tiểu vùng 1, các tuyến đường giao thông nông thôn từ huyện đến trung tâm xã, ấp liền ấp được đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, vận chuyển hàng hóa, nhiều cơ sở thu mua, nhà máy chế biến thủy sản về đầu tư trên địa bàn huyện. Đến cuối năm 2005, vùng nuôi tôm của huyện tăng lên gần 20.000 ha, sản lượng tăng từ 12.700 tấn đến hơn 13.100 tấn/năm. Đặc biệt mô hình trồng lúa thơm ST trên nền ao tôm được nhiều nông dân canh tác hiệu quả, diện tích lúa từ 7.900 ha tăng trên 10.200 ha, góp phần nâng cao sản lượng lúa từ 29.900 ha tăng lên trên 51.200 tấn/năm.

 

Trong 5 năm qua, đối phó với tình hình thời tiết, dịch bệnh gây bất lợi huyện Mỹ Xuyên khuyến khích nông dân sản xuất, khai thác có hiệu quả lợi thế đất đai, thủy lợi, môi trường sinh thái, chuyển giao khoa học kỹ thuật để tiếp tục phát triển mô hình tôm-lúa ổn định, bền vững. Đến nay, toàn huyện có hơn 21.300 ha nuôi tôm, đạt sản lượng hơn 25.500 tấn, tăng hơn 12.400 tấn so với giai đoạn 2005 - 2010. Bên cạnh đó, vào năm 2014 nông dân còn chuyển đổi sang nuôi tôm thẻ chân trắng hơn 11.400 ha, góp phần tăng thêm thu nhập. GDP bình quân đầu người đến cuối năm 2015 đạt 785 USD/người/năm tăng hơn 10,2% so với giai đoạn 2005 - 2010; hộ nghèo trong huyện giảm còn 10,63%.

 

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Mỹ Xuyên, qua kết quả nghiên cứu, đánh giá tác động của các nhà khoa học, viện, trường và thực tiễn sản xuất cho thấy hệ thống canh tác tôm - lúa có tính bền vững cao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, đa dạng hóa mô hình sản xuất tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, lúa và trồng màu trên bờ bao…góp phần tăng hiệu quả kinh tế, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Mô hình tôm - lúa theo hướng "Lúa thơm - tôm sạch" góp phần cụ thể hóa Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện theo huớng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

 

HỮU ĐỨC

 

Gỡ khó cho sản xuất rau hữu cơ

 

Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị

 

Những năm gần đây, rau hữu cơ (RHC) đã từng bước khẳng định được vị trí trên thị trường, mang lại sự tin tưởng cho người tiêu dùng (NTD).

 

Những năm gần đây, rau hữu cơ (RHC) đã từng bước khẳng định được vị trí trên thị trường, mang lại sự tin tưởng cho người tiêu dùng (NTD). Tuy nhiên, việc mở rộng sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm RHC còn gặp không ít khó khăn.

 

Tín hiệu khả quan

 

Năm 2008, Hà Nội chính thức bắt tay vào sản xuất RHC tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn cùng với sự tài trợ của Dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ VNFU - ADDA. Đến nay, xã Thanh Xuân đã nhân rộng được 18 nhóm nông dân (8 - 10 hộ/nhóm) sản xuất RHC, với diện tích RHC đạt 24ha. Ngoài ra, trên địa bàn TP còn một số DN tham gia sản xuất RHC như: Công ty Việt Liên với diện tích 3ha tại phường Cự Khối (Long Biên), Công ty TNHH Khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc với diện tích 10ha tại xã Yên Bình (Thạch Thất), Công ty CP Thực phẩm Sanam với diện tích 10ha tại Ba Vì.

 

Về mặt tiêu thụ, đến nay, trên địa bàn TP hình thành 9 chuỗi tiêu thụ RHC với 47 cửa hàng. Hình thức tiêu thụ sản phẩm chủ yếu thông qua hợp đồng thu mua với các công ty, cửa hàng bán rau an toàn theo đơn đặt hàng trực tiếp của các hộ gia đình.

 

 

Sản xuất RHC tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất.

 

Điều đáng mừng là nhận thức của cả người nông dân và NTD về RHC đã thay đổi theo chiều hướng tích cực. Không chỉ mở rộng về diện tích mà RHC ngày càng được NTD đón nhận. Bà Trương Kim Hoa – Giám đốc Công ty TNHH Khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc cho biết: "Hiện nay, mỗi tháng Công ty xuất bán ra thị trường trung bình từ 25 - 30 tấn RHC, trừ các khoản chi phí thu lãi 80 - 100 triệu đồng". Còn tại xã Thanh Xuân, với giá bán trung bình 15.000 đồng/kg rau, củ các loại, nông dân trong các nhóm sản xuất đều có mức thu nhập ổn định từ 4 - 6 triệu đồng/tháng.

 

Ông Trần Mạnh Chiến - Đại diện thương hiệu rau sạch Bác Tôm cho biết, thời gian đầu, Công ty phải mất rất nhiều thời gian và công sức để thuyết phục nông dân hợp tác sản xuất theo phương thức hữu cơ nhưng nông dân vẫn thờ ơ. Song, với phương châm "mưa dần thấm lâu", hiện nay, rất nhiều nông dân đã chủ động xin gia nhập nhóm liên kết sản xuất RHC của Công ty. Còn thị trường RHC cũng "dễ thở" hơn khi mức tiêu thụ đã tăng lên gấp 2 - 3 lần so với mấy năm về trước.

 

Nông dân, doanh nghiệp cần được hỗ trợ

 

Bày tỏ lo ngại về chất lượng bộ giống bản địa cho sản xuất RHC hiện nay, bà Nguyễn Thị Liên - chủ trang trại hữu cơ Tuệ Viên chia sẻ, do sản xuất RHC không can thiệp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học nên cần thiết phải có những giống rau, củ, quả chống chọi được sâu bệnh mà không bị thoái hóa giống. Do đó, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn trong lĩnh vực nghiên cứu những bộ giống dành riêng cho sản xuất RHC. Theo bà Hoàng Thị Hậu - Chủ tịch Hội Nông dân, Trưởng nhóm liên kết sản xuất RHC xã Thanh Xuân, hiện nay, nhu cầu sử dụng RHC lớn nhưng việc mở rộng diện tích rất khó khăn nên người nông dân rất cần được hỗ trợ tập huấn nâng cao kiến thức sản xuất RHC và kinh phí xây dựng mô hình để yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất.

 

Như vậy, cả người nông dân và DN đều đang gặp khó khi tham gia sản xuất RHC. Để từng bước tháo gỡ khó khăn, Bộ NN&PTNT cần sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật sản xuất RHC. Cùng với đó, TP cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, chẳng hạn như: Hỗ trợ kinh phí tham gia gian hàng hội chợ; Hỗ trợ công tác tuyên truyền để DN đưa sản phẩm chất lượng đến với NTD một cách hiệu quả nhất. Ông Đào Duy Tâm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, sản xuất và đáp ứng nhu cầu RHC là xu hướng tất yếu của xã hội. Vì vậy, trong thời gian tới, Sở sẽ tập trung đầu tư công tác tập huấn, hỗ trợ nông dân liên kết nhóm chuyển từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hữu cơ. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền giá trị của sản phẩm RHC đến với NTD, Sở sẽ tham mưu TP xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ.

 

Liên đoàn Nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM), Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam cần hỗ trợ Hà Nội nguồn lực xây dựng mô hình sản xuất RHC; Tạo điều kiện cho cán bộ kỹ thuật, nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất RHC của các nước trong khu vực và thế giới. (Ông Nguyễn Duy Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội)

 

Ánh Ngọc

 

Lai Vung (Đồng Tháp): Trên 50% diện tích quýt hồng có thể chín không đúng Tết

 

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

 

Hiện toàn huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp có gần 750ha quýt hồng đang cho trái, tập trung nhiều ở các xã: Tân Phước, Tân Thành, Long Hậu và một phần xã Vĩnh Thới. Nếu vào thời điểm này những năm trước quýt hồng đã chuyển sang màu vàng nhạt thì hiện nay có khoảng 50% diện tích quýt hồng trái vẫn còn xanh. Theo dự đoán của nhà vườn, số quýt này sẽ không chín kịp để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán, nguyên nhân do thời tiết bất lợi.

 

Theo nhà vườn, do ảnh hưởng của thời tiết bất thường trong năm nên sản lượng quýt hồng năm nay ở huyện Lai Vung sẽ giảm từ 15 - 20%, thu nhập của nhà vườn cũng sẽ bị ảnh hưởng.

 

Kỹ sư Huỳnh Văn Tồn - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Năm nay thời điểm quýt ra hoa gặp nắng nóng khiến tỷ lệ đậu trái không cao, cây bị rụng trái non. Lượng mưa trong năm cũng ít khiến cho quýt chín chậm hơn. Năm nay khả năng sản lượng quýt cung ứng cho thị trường Tết sẽ giảm, chỉ khoảng 30 - 40%, số còn lại ra Tết sẽ thu hoạch.

 

Phúc Hiền

 

Tiền Giang: Trang trại thanh long Cát Tường được chứng nhận GlobalGAP

 

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

 

Lãnh đạo Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn và lãnh đạo huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang vừa có chuyến khảo sát trang trại trồng thanh long Cát Tường.

 

Trang trại tọa lạc tại xã Thạnh Tân với quy mô trên 20 ha, được tưới nước bằng công nghệ tưới nhỏ giọt. Ông Đoàn Văn Sang, chủ trang trại cho biết, mỗi năm trang trại của ông thu hoạch thanh long 9 đợt, trong đó có 4 đợt xử lý nghịch vụ để bán được giá cao. Ông đang thu hoạch thanh long nghịch vụ với khoảng 90 tấn, giá bán khá cao.

 

Trang trại thanh long Cát Tường được chứng nhận đạt tiêu chuẩn vietGAP năm 2014 và ngày 18-12-2015 trang trại đón nhận chứng nhận GlobalGAP. Đây là loại trái cây đầu tiên của huyện Tân Phước được nhận chứng nhận này.

 

PHÚC THỊNH

 

Dừa Bến Tre giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc

 

Nguồn tin: VOV

 

Các sản phẩm chế biến từ dừa Bến Tre đang được thị trường các nước ưa chuộng và ngày càng giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

 

Theo Sở Công thương tỉnh Bến Tre, hiện tỉnh có hơn 30 mặt hàng chế biến từ dừa, trong đó các mặt hàng có giá trị tăng cao như cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, bột sữa dừa, nước cốt dừa đóng lon… đang được nhiều nước ưa chuộng.

 

Các mặt hàng truyền thống như kẹo dừa, chỉ xơ dừa, dừa trái… lại gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ. Các sản phẩm này hiện đang xuất sang 105 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó đứng đầu là thị trường Nhật Bản với 48% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

 

 

Doanh nghiệp địa phương thu mua dừa của nông dân.

 

Dừa là cây trồng chủ lực của Bến Tre, hiện địa phương có hơn 68.000ha, sản lượng đạt 500 triệu trái, bảo đảm nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trong khu vực. 05 năm qua, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm dừa đạt 737 triệu USD, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

 

Ông Trần Văn Đức, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre - doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ dừa của địa phương cho biết, hiện nay thu mua nguyên liệu trực tiếp từ Trung Quốc giảm rất nhiều do lực lượng chế biến công nghiệp của tỉnh càng ngày càng phát triển, đặc biệt là các sản phẩm chế biến từ dừa đang khẳng định được thế mạnh.

 

“Tôi rất kỳ vọng về chiến lược 2 - 3 năm nữa lực lượng chế biến công nghiệp từ dừa của Bến Tre phát triển rất mạnh, đây là sự đột phá để nâng cao giá trị từ dừa cũng như để ổn định và đời sống của nông dân ngày càng cao hơn,” ông Đức nói./.

 

Sa Oanh/VOV – ĐBSCL

 

Bưởi đỏ 'tiến vua' được săn lùng trước Tết

 

Nguồn tin: VnExpress

 

Mang ý nghĩa tài lộc với màu đỏ rực, trong khi lượng trồng hạn chế, giống bưởi đỏ "tiến vua" Luận Văn (Thanh Hóa) đang được giới buôn tranh nhau đặt hàng với giá có khi lên hơn 200.000 đồng mỗi quả.

 

Có nguồn gốc từ làng Luận Văn (Thọ Xương, Thọ Xuân), theo người dân địa phương, đây là giống bưởi được dâng vua thời hậu Lê. Dù mới được khôi phục lại và bán ra thị trường vài năm nay song bưởi đỏ của vùng này đang rất đắt hàng mỗi dịp cuối năm.

 

Có hơn một ha trồng từ năm 2005, sau 5 năm, những quả đầu tiên được bán ra thị trường nhưng đến 2012 bưởi đỏ của gia đình anh Nguyễn Tiến Hải mới được nhiều khách hàng cả nước biết đến.

 

Anh cho biết đây là giống bưởi thuần chủng bị mai một trước đó, sau khi được dân địa phương gây dựng lại, lúc này, diện tích lẫn số hộ trồng đã nhiều hơn. Song do kỹ thuật chăm sóc khắt khe, kén thổ nhưỡng nên sản lượng bưởi đỏ thu hoạch mỗi năm của các vườn vẫn hạn chế.

 

"Với diện tích canh tác hiện có cùng các vườn thuê thêm bên ngoài, năm nay gia đình tôi dự kiến thu hoạch được vài nghìn quả. Dù chính vụ bắt đầu vào tháng 12 Âm lịch nhưng lúc này đã có nhiều khách đặt hàng trước", anh cho biết.

 

Cũng là một trong số ít hộ có diện tích trồng nhiều xã, dù mới chỉ là năm thứ hai thu hoạch nhưng từ vài tháng nay khách buôn từ nhiều tỉnh như Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định lặn lội tìm đến tận vườn nhà ông Nguyễn Văn Mậu (thôn Mục Ngoại) để tìm hiểu nguồn hàng.

 

 

Bưởi đỏ Luận Văn loại một có giá 200.000 đồng một quả bán tại vườn nhưng vẫn không đủ để cung cấp ra thị trường.

 

Dù vậy, lúc này ông không dám nhận đơn hàng vì chưa tính được số lượng quả thu hoạch. Do thời tiết xấu nên trước khi chín đỏ quả rụng gần 1/3 vườn. "Nhiều lắm năm nay nhà tôi chỉ thu hoạch được 300 - 400 quả. Từ nay đến Tết tôi chỉ bán cho khách buôn ngoại tỉnh một ít, còn lại sẽ để tiêu thụ ngay tại địa phương cho khách lẻ", ông Mậu tính toán.

 

Ngoài khách buôn, ông Mậu cho biết rất nhiều khách lẻ của cả nước gọi điện đặt mua. Không ít hộ trồng còn bán hàng qua kênh online nên mỗi năm khách tìm đến mỗi đông.

 

Theo các chủ vườn, so với năm ngoái, bưởi năm nay mất mùa, bởi nắng nóng kéo dài, sương muối quả rụng nhiều. Do số lượng quả hạn chế khiến giá bán sẽ cao hơn 30.000 - 50.000 đồng. Hiện giá bán tại các vườn dao động mức 100.000 - 150.000 đồng mỗi quả tùy loại. Riêng loại một có giá bán lên đến 200.000 đồng.

 

Lý giải về mức giá, anh Hải cho biết do bưởi đỏ tiến vua chỉ duy nhất được trồng tại vùng đất Luận Văn. Tuy nhiên, diện tích trồng cả vùng chưa đầy 10ha nên sản lượng quá ít so với nhu cầu thị trường. Ngoài ra, khi bưởi chín vỏ từ màu xanh chuyển sang đỏ rực như gấc từ vỏ đến tép, có mùi thơm, ăn ngọt thanh. Do vậy nhiều người quan niệm để thắp hương hoặc làm quà tặng biếu sẽ mang ý nghĩa tài lộc. Khoảng 2 năm trở lại đây, nhu cầu thị trường về loại bưởi này tăng cao dù giá bán thậm chí đắt gấp 2 - 3 lần bưởi thường.

 

Dù khá đắt hàng nhưng lúc này nhiều chủ vườn lại tỏ ra lo ngại khi trên thị trường bắt đầu xuất hiện sản phẩm "nhái" bưởi Luận Văn. "Không ít khách hàng đã gọi điện than phiền mua bưởi đỏ nhưng ăn vị he và khô dù giá khá đắt. Do vậy, chúng tôi chỉ cung cấp hàng cho những mối quen lâu năm và tiến tới mở rộng diện tích để có thể làm chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm", anh Hải dự tính.

 

Chị Ngân - chủ cửa hàng hoa quả trên đường Láng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết năm ngoái chị mới biết đến bưởi đỏ nên chỉ nhập thử gần 100 quả về bán không ngờ chạy hàng. Nhất là thời điểm gần 30 Tết giá bán lên đến gần 300.000 đồng một quả loại vẫn nhiều khách hỏi mua. Năm nay, để giảm giá bán, thay vì qua trung gian chị tìm về tận vườn trồng Thanh Hóa để đặt hàng trước, nhưng vẫn không thu gom được nhiều.

 

"Vừa qua tôi có về và đặt tiền để mua khoảng 300 quả cả loại 1 và 2 nhưng nhà vườn từ chối vì số lượng quá ít. Hiện cửa hàng vẫn đợi nhà vườn trả lời chính thức số lượng có thể bán. Tôi chỉ cần được 200 quả thôi cũng may rồi", chị cho hay.

 

Trong khi đó, với anh Tín - một mối buôn bưởi đỏ vào TP HCM đang như ngồi trên lửa vì trót chốt đơn hàng quá sớm với khách. Anh cho biết năm ngoái buôn được cả nghìn quả nên nhiều cửa hàng đặt cọc tiền trước giữ hàng. Lúc này, dù đã liên hệ với nhiều chủ vườn nhưng anh vẫn chưa đủ một nửa số lượng so với năm ngoái. Anh này tính đợi khoảng một tuần nữa nếu không gom đủ hàng thì chắc phải tìm cách mua lẻ hoặc trả lại tiền cho khách.

 

Trịnh Nguyên

 

Chuẩn bị hơn 1.000 trái bưởi tạo hình bán dịp Tết

 

Nguồn tin: Trà Vinh

 

Theo Câu lạc bộ bưởi tạo hình ở xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 sắp tới, Câu Lạc bộ đã lên khuôn tạo hình bưởi hồ lô với khoảng 1.000 trái để bán trong dịp tết tới đây. Sản phẩm được khắc chữ: Tài - Lộc, Phước - Lộc - Thọ, hình thỏi vàng đồng tiền và bàn tay Phật. Năm ngoái, các nhà vườn ở địa phương đã bán bình quân từ 600.000 - 2 triệu đồng/cặp. Cá biệt, nhiều cặp bưởi đẹp có giá đến 3 triệu đồng.

 

Câu lạc bộ có 14 thành viên tham gia, với diện tích khoảng 10 ha trồng bưởi. Hiện số lượng khách đặt hàng đang tăng mạnh quanh các mặt hàng mang nhiều ý nghĩa này để trưng trong dịp tết cổ truyền của dân tộc./.

 

NGUYỄN TÂN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop