Tin nông nghiệp ngày 01 tháng 03 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 01 tháng 03 năm 2021

‘Khách sạn 5 sao’ cho trái cây hút khách

Nguồn tin: Báo Long An

Sau hơn nửa năm vận hành, đưa vào sử dụng, đến thời điểm này, “khách sạn 5 sao Cass” được khách hàng tin dùng bởi chất lượng hơn sự mong chờ. Đó cũng là niềm vui, niềm tự hào của những người tạo dựng nên “khách sạn”.

“Khách sạn 5 sao Cass” được xây dựng tại Khu công nghiệp Hòa Bình, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Đây là kho chứa rau, quả, nhưng khác biệt so với các kho chứa khác bởi được sử dụng, vận hành bằng công nghệ điều chỉnh khí, hoàn toàn tự động. Đây là công nghệ bảo quản nông sản sạch, không dùng hóa chất mà chỉ thay đổi thành phần khí quyển trong kho (giảm lượng oxy, tăng nitơ và CO2) giúp giảm thiểu hô hấp của nông sản. Cass là hệ thống bảo quản nông sản đầu tiên tại Long An cũng như Việt Nam và được ví như khách sạn 5 sao.

Xe đang chờ xuất nhập hàng tại Cass

Giám đốc Công ty (Cty) TNHH Bảo quản rau quả Cass - Quách Thị Lệ Chân chia sẻ, hiện nay, nhiều loại nông sản đã được sản xuất rải vụ quanh năm để có thể điều tiết phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao hiệu quả sản xuất. Thế nhưng, tình trạng được mùa, rớt giá, “giải cứu” nông sản vẫn thường xuyên diễn ra. Nguyên nhân chính là tính mùa vụ của nông sản làm cho sản lượng thu hoạch vượt quá sức tiêu thụ của thị trường. Mặc dù có nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ để chế biến nông sản nhưng hoạt động này chỉ mới góp phần tiêu thụ một phần sản lượng nông sản có mẫu mã không đẹp để tạo ra thêm các sản phẩm giá trị gia tăng. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh nông sản cho rằng, phần lớn sản lượng nông sản vẫn phải được tiêu thụ ở dạng tươi, kể cả xuất khẩu. Do đó, cần có những giải pháp công nghệ phù hợp để nâng cao năng lực bảo quản nông sản, phục vụ tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu dưới dạng tươi. Đó là lý do để Cass ra đời tại Long An - nơi có vùng nguyên liệu trái cây phong phú.

Hiện tại, Cass đã xây dựng xong giai đoạn 1 của dự án gồm hệ thống kho với 2 phòng, mỗi phòng có 9 tầng với sức chứa 4.000 pallet, tương đương 3.000 tấn. Theo đó, phòng 1 từ 4-60C và phòng 2 từ 10-120C, phù hợp cho tất cả các loại trái cây tại Việt Nam. Sau hơn nửa năm đi vào vận hành, hoạt động, hiện Cass thu hút khách hàng đến bảo quản rau, quả các loại như thanh long, chanh, ổi, sapô, dưa hấu, mãng cầu, củ dền,...

Nhân viên Cty TNHH Bảo quản rau quả Cass cho biết, do đặc thù của hệ thống kho Cass, trong kho hoàn toàn không có con người, hệ thống robot thay thế con người trong lưu kho. Trong quá trình nhập kho, nhân viên quét code lên pallet, mỗi pallet có mã số khác nhau, tương tự như số nhà của hàng hóa. Khi cần lấy hàng hóa, nhân viên nhập code, robot sẽ nhận diện, truy hồi hàng hóa thông qua phần mềm lưu trữ thông tin của khách hàng. Với cách làm này, hàng hóa được truy xuất một cách nhanh chóng, chính xác, tránh nhầm lẫn hay đánh tráo hàng. Đồng thời, thông tin cũng như hàng hóa của khách hàng luôn được bảo mật.

Có mặt tại Cass để kiểm tra lô chanh không hạt trước khi lưu kho để xuất khẩu sang Dubai, nhân viên của một Cty chuyên về xuất, nhập khẩu các loại rau, quả tươi, chia sẻ, Cty có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành nghề. Cty đang cung cấp các sản phẩm rau, củ nhập khẩu trực tiếp từ châu Úc, châu Âu và ngược lại. Hiện Cty này là đối tác của Big C, Aeon,… Khi được hỏi vì sao biết đến Cass, nhân viên này cho biết tìm hiểu thông tin từ quá trình tiếp thị của Cty này. So sánh hàng hóa lưu kho tại Cass, nhân viên này cho biết thêm, trái cây lưu kho được lâu hơn so với các kho thông thường khác và độ lạnh được giữ lâu, đồng đều. Cụ thể, trái chanh sau bảo quản không giập túi tinh dầu nên vẫn giữ màu sắc như lúc mới đưa vào kho.

Nhân viên xuất hàng từ kho giao cho khách

Theo bà Quách Thị Lệ Chân, khi mới hoạt động, nhiều khách hàng chưa tin tưởng và thường sử dụng để trải nghiệm, so sánh. Nhưng sau một thời gian trải nghiệm, chính họ là người đưa ra nhận định Cass có nhiều ưu điểm, cụ thể nhất ở tỷ lệ hao hụt sau lưu kho. Hiện nay, đối với dưa hấu, tỷ lệ hao hụt hầu như bằng 0; đối với chanh và các loại trái cây khác chỉ dừng ở mức trên dưới 1%. Trong khi đó, với hệ thống kho khác, tỷ lệ hao hụt có thể ở mức 10-15%, nguyên nhân do mất nước hoặc vỏ trái hư hỏng. Sở dĩ có được kết quả này do Cty đã nghiên cứu rất kỹ, nhân viên thực hiện bốc xếp được tập huấn kỹ việc chồng lớp hàng hóa sao cho khí vẫn được lưu thông đồng đều, chất lượng nông sản vẫn được giữ nguyên như ban đầu.

Giai đoạn 1 kho Cass đã hoàn thành, Cty tiến hành hoàn thiện hơn các bước để hoàn toàn sử dụng bằng máy móc, robot nhằm hạn chế sử dụng lao động nặng nhọc. Dự kiến giai đoạn 2, Cty sẽ xây dựng chuỗi dịch vụ giống như một sàn giao dịch trái cây giữa người mua và người bán. Nơi đây sẽ có mặt bằng rộng lớn hơn 5.000m2 để tập trung nguồn hàng lớn với đầy đủ dịch vụ sơ chế, rửa, xử lý nhiệt, test chất lượng mẫu, đóng gói,... để phục vụ thương lái cùng doanh nghiệp tập kết hàng phục vụ đơn hàng lớn, ổn định nguồn hàng cho kinh doanh nội địa và xuất khẩu./.

Mai Hương

Huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang): Xuống giống được 144ha đu đủ ruột vàng

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Do giá mía bấp bênh nên nhiều nông hộ ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) chủ động chuyển sang trồng đu đủ ruột vàng.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, hiện nông dân đã xuống giống được 144ha đu đủ ruột vàng và sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Bởi đây là loại cây dễ trồng và phù hợp với đất trồng mía. Đặc biệt, khi chuyển từ đất trồng mía sang trồng đu đủ không tốn nhiều chi phí sửa bờ liếp.

Nhiều nông hộ chọn đu đủ để thay thế cho cây mía.

Năng suất đu đủ ruột vàng luôn ổn định, mỗi công thu hoạch 6 tấn trái/năm, trừ hết chi phí cho thu nhập gần 10 triệu đồng. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, đủ ruột vàng cho hiệu quả kinh tế cao nhưng việc gia tăng diện tích cũng cần liên kết đầu ra. Bởi hiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp có thể dẫn đến tình trạng khó tiêu thụ, dẫn đến cung vượt cầu, giá bán sẽ giảm mạnh.

Tin, ảnh: DUY KHÁNH

Nam Định: Rau xanh giảm giá sâu - Nỗi lo của người trồng

Nguồn tin: Báo Nam Định

Từ trước Tết Nguyên đán nửa tháng đến nay, giá rau xanh các loại giảm ngày càng sâu và khó tiêu thụ trong khi đang vào thời điểm thu hoạch rộ khiến người trồng rau màu “đứng ngồi không yên”. Tình trạng rau màu để khô héo hoặc phá bỏ ngay trên ruộng làm phân xanh, thức ăn chăn nuôi đang diễn ra ở nhiều vùng trồng rau gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nông dân.

Người dân Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) phân loại cà chua trước khi xuất bán cho thương lái.

Rau xanh giảm giá mạnh

Không khí buồn đang bao trùm khắp các vùng trồng rau lớn cũng như ở các chợ đầu mối, chợ dân sinh trên địa bàn bởi rau xanh giá quá thấp mà không có người mua. Giá rau bán lẻ trên thị trường ở mức trung bình 5.000 đồng 1 cây cải bắp, 8.000 đồng 1kg đỗ, su hào 2.000-3.000 đồng/củ, cà chua 2.000-4.000 đồng/kg; nhiều loại rau ăn lá khác cũng có giá từ 8-10 nghìn đồng/kg… giảm 70% so đầu vụ. Chị Trần Thị Thu, xã Nam Dương (Nam Trực, tỉnh Nam Định) chở một xe rau cải bắp lên bán tại chợ Văn Miếu (thành phố Nam Định) cho biết: Rau xanh vào thời điểm này giá quá rẻ, mỗi chuyến đi chợ tôi chở hàng tạ rau, đi vài chục cây số, bán hết hàng thì trừ chi phí xăng xe, vé chợ cũng mới chỉ đủ tiền vốn chứ không có đồng công nào. Tại các vùng trồng rau màu kể cả vùng sản xuất rau an toàn như Yên Cường, Yên Dương (Ý Yên); Giao Phong (Giao Thủy) hay những vùng trồng rau truyền thống giá rau màu còn ở mức thấp hơn nữa... Anh Phạm Văn Chuyển, thị trấn Quỹ Nhất cho biết: là vùng sản xuất cà chua nổi tiếng của cả tỉnh với trên 55ha trồng luân canh cả cà chua sớm, đúng vụ và vụ muộn nhưng chưa bao giờ giá bán lại thấp như hiện nay và tiêu thụ rất khó khăn. Theo tính toán của người trồng, mỗi sào cà chua cho thu hoạch 1,5-2 tấn, bán với giá bình quân 5.000 đồng/kg mới đủ chi phí. Vậy nhưng thời điểm này loại cà chua đẹp nhất mới bán được giá hơn 1.000 đồng/kg, mỗi sào cà chua lỗ từ 3-4 triệu đồng. Thiệt hại nhất là những hộ trồng cà chính vụ và cà muộn. Tại vùng rau màu xã Yên Cường (Ý Yên), cả cánh đồng bắp cải quá lứa thu hoạch gặp nắng, gặp mưa nổ tung không còn bán được. Nhiều loại rau màu khác cũng trong tình trạng tương tự. Đồng chí Phạm Văn Dự, Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nam Cường cho biết: Rau rẻ đã đành nhưng không xuất bán được, hiện tại riêng Hợp tác xã còn tồn khoảng 4 tấn cải bắp, chưa kể các loại rau màu khác. Chúng tôi đã tìm nhiều phương án thúc đẩy tiêu thụ rau màu nhưng không khả thi, phương án sơ chế không thực hiện được vì thiếu phương tiện, hơn nữa các loại rau ăn lá HTX trồng không phù hợp cho sơ chế, chỉ duy nhất có su hào có thể thái nhỏ phơi khô.

Người dân tìm mua sản phẩm rau sạch của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Yên Cường (Ý Yên).

Bài toán khó cho tiêu thụ nông sản

Không chỉ rau xanh mà thịt gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm, thủy sản cũng đang trong tình trạng tương tự. Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hiện tại, tổng diện tích trồng rau màu hàng năm của tỉnh đạt khoảng trên 35 nghìn ha, trong đó vụ đông 12.417ha, vụ Xuân 14.530ha, tập trung nhiều ở hầu hết các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Năm nay thời tiết thuận lợi cho các loại rau màu sinh trưởng tốt, nguồn cung dồi dào nên giá bán giảm là phù hợp với quy luật. Bên cạnh đó do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc thực hiện các quy định phòng chống dịch khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, việc tổ chức đình đám, hiếu hỷ hạn chế quy mô; các nhà hàng, quán ăn phải đóng cửa, bếp ăn tập thể trong các doanh nghiệp, trường học tạm ngưng hoạt động hoặc giảm lượng khách nên giảm nhập hàng, sức mua của thị trường kém khiến giá rau màu giảm mạnh. Để hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản, các Hợp tác xã, chính quyền địa phương đã chủ động liên hệ tìm đầu ra cho sản phẩm; nhiều nhóm tình nguyện cộng đồng đã tham gia “giải cứu” giúp bà con… Tuy nhiên, những cách làm này chỉ là tình thế tạm thời bởi nông sản dư thừa đồng thời ở nhiều địa phương khác. Đây là vấn đề khó đối với cả cơ quan chức năng và người nông dân bởi dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp chưa biết đến khi nào mới khắc phục được trong khi mùa vụ vẫn quay vòng quanh năm; người nông dân vẫn phải bám ruộng, bám vườn làm kế sinh nhai.

Giải pháp được đưa ra là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tích cực đưa ra chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết sản xuất với nông dân để góp phần cải thiện thị trường. Đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tổ chức lại sản xuất, từ việc chọn giống cây trồng đến đầu tư chế biến sau thu hoạch. Trong đó tập trung vào nhóm các sản phẩm có thời gian thu hoạch đến tiêu thụ kéo dài, có nhiều khả năng chế biến sâu thành thực phẩm, mỹ phẩm như các loại rau củ như củ cải, cà rốt, khoai tây, lạc, cần tây, đậu tương, ngô… Trước mắt cần sự hỗ trợ chia sẻ của các cơ quan liên quan đến vốn đầu tư, vật tư nông nghiệp giúp nông dân giảm khó khăn khi không thể tiêu thụ sản phẩm để thu hồi vốn trả nợ đầu tư vụ mới, chờ dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động kinh tế, thị trường tiêu dùng từng bước tái hồi phục./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

Bạc Liêu: Nông dân Vĩnh Lợi trúng mùa, trúng giá lúa Tài nguyên

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu

Hiện nông dân huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu) đang thu hoạch rộ vụ lúa Tài nguyên, năng suất đạt từ 7 tấn/ha, cá biệt có nơi lên đến 10 tấn/ha. Đây là một vụ mùa mang đến cho nông dân nhiều niềm vui không chỉ trúng mùa, mà còn trúng giá.

Nông dân thị trấn Châu Hưng (huyện Vĩnh Lợi) thu hoạch lúa Tài nguyên. Ảnh: M.Đ

Huyện Vĩnh Lợi có hơn 9.000ha lúa Tài Nguyên, tuy nhiên năm 2020, do ảnh hưởng của mưa bão và ngập úng nên nông dân trong huyện chỉ xuống giống được 4.500ha. Hiện nông dân đang bắt tay vào thu hoạch rộ lúa Tài nguyên. Không chỉ trúng mùa, bà con còn trúng giá khi giá lúa Tài nguyên dao động từ 7.500 - 8.000 đồng/kg; lợi nhuận từ 35 - 40 triệu đồng/ha.

Anh Nguyễn Văn Chuối (ấp Nam Hưng, xã Vĩnh Hưng) cho biết: “Vụ lúa Tài nguyên này cho năng suất khoảng 50 giạ/công, cao hơn mọi năm, cá biệt có một số hộ trong xã đạt 55 giạ/công. Với 20 công lúa Tài nguyên, sau khi trừ các khoản chi phí, tôi lãi khoảng 4 triệu đồng/công”.

Ông Nguyễn Văn Bé (ấp Hà Đức, xã Châu Hưng A) cũng phấn khởi khoe: “Tôi trồng lúa mấy chục năm trời, đây là năm trúng mùa, trúng giá nhất. Tất cả 11 công lúa nhà tôi đều đạt năng suất từ 50 giạ/công trở lên. Giá lúa khá cao, nên trừ chi phí tôi lãi từ 3,5 - 4 triệu đồng/công”. Gia đình anh Võ Văn Nhẫn (cùng ngụ ấp Hà Đức) cũng vừa thu hoạch 40 công lúa với năng suất 50 giạ/công. Thương lái đến tận ruộng mua lúa với giá 7.500 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, anh Nhẫn lãi hơn 140 triệu đồng.

Ông Từ Minh Phúc, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi, cho biết: “Nông dân được mùa lại trúng giá nên rất phấn khởi. Hướng tới, huyện sẽ xây dựng vùng sản xuất tập trung khoảng 3.000 - 4.000ha lúa Tài nguyên theo hướng an toàn, sạch gắn với các ô đê bao khép kín nhằm bảo vệ, phát triển giống lúa mùa đặc sản của địa phương. Đồng thời phục tráng lúa giống với các đặc tính của gạo Tài nguyên gốc: mềm cơm, thơm. Huyện cũng đang phối hợp với các chủ thể (hợp tác xã) liên quan để hoàn thiện hồ sơ đề nghị đánh giá, phân hạng và công nhận gạo Tài nguyên là sản phẩm OCOP…”.

Minh Châu

Đồng Hỷ (Thái Nguyên): Gần 350ha chè được chứng nhận VietGap

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã vận động, khuyến khích người dân trên địa bàn sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Theo đó, đến nay, toàn huyện đã có 350ha được chứng nhận đạt chuẩn theo quy chuẩn này. Trong đó, 85ha là diện tích được cấp mới; 50ha được cấp lại trong năm 2020; diện tích còn lại đã được cấp chứng nhận trước đó.

85ha được cấp mới, gồm các hợp tác xã, tổ hợp tác chè đó là: Hợp tác xã chè an toàn xóm Phúc Thành 11,6ha; Tổ hợp tác chè Anh Nhàn, xóm Na Long (cùng ở xã Hóa Trung) là 8,4ha; Tổ hợp tác Chè an toàn xã Hòa Bình 10ha; Tổ hợp tác Chè an toàn Mỹ Lập (xã Nam Hòa) 5,3ha; Tổ hợp tác Chè VietGap Khe Mo 5ha; Hợp tác xã Chè Nguyên Việt (xã Minh Lập) 5ha; Nhóm sản xuất chè an toàn xóm Hòa Khê, xã Văn Hán 26,6ha; Tổ hợp tác Chè an toàn Vân Hán (xã Văn Hán) 5ha; Hợp tác xã Chè Tuyết Hương 3ha; Tổ sản xuất chè an toàn xóm 5, thị trấn Sông Cầu 5,1ha. 50ha cấp lại là diện tích của Hợp tác xã Chè Thịnh An (thị trấn Sông Cầu).

Theo đánh giá của các ngành chức năng, sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap vừa giúp năng suất, chất lượng sản phẩm chè, vừa bảo vệ môi trường sống cho người dân. Nhờ đó, giá bán sản phẩm chè an toàn cũng tăng đáng kể, có thể đạt từ 250.000-350.000 đồng/kg chè búp khô, cao hơn chè sản xuất truyền thống từ 80.000-160.000 đồng/kg. Được biết, năm 2021, huyện Đồng Hỷ sẽ tiếp tục vận động người dân đăng ký sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, với tổng diện tích khoảng 50ha.

Chung An

Người trồng hồ tiêu ở Gia Lai tiếp tục gặp khó

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Những ngày này, bà con nông dân ở Gia Lai đang bước vào vụ thu hoạch hồ tiêu. Tuy giá hồ tiêu đang ở mức cao hơn cùng kỳ năm trước nhưng do năng suất giảm sâu khiến nhiều hộ dân tiếp tục lâm vào cảnh khó khăn chồng chất.

Năng suất giảm mạnh

Theo ghi nhận của P.V tại “thủ phủ hồ tiêu” Chư Sê-Chư Pưh, không khí vụ thu hoạch diễn ra khá trầm lắng, không còn cảnh nhộn nhịp như những năm được mùa, được giá. Thậm chí, để tiết kiệm chi phí, nhiều hộ không dám thuê nhân công mà tự thu hái.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do giá hồ tiêu liên tục giảm sâu trong những năm qua nên người dân hạn chế đầu tư hoặc bỏ bê vườn cây dẫn đến năng suất giảm mạnh. Đặc biệt, nhiều vườn hồ tiêu trên địa bàn 2 huyện này bị “xóa sổ” do dịch bệnh, nắng hạn. Cụ thể, huyện Chư Pưh hiện chỉ còn hơn 1.500 ha hồ tiêu, giảm gần một nửa so với giai đoạn 2015-2016; huyện Chư Sê còn 2.248 ha, giảm khoảng 1.000 ha so với trước đây.

4.000 trụ hồ tiêu của gia đình ông Nguyễn Ngọc Hòa (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) chết dần chết mòn do dịch bệnh và nắng hạn. Ảnh: Quang Tấn

Với 4.000 trụ hồ tiêu, trước đây, mỗi khi bước vào vụ thu hoạch, ông Nguyễn Ngọc Hòa (thôn Hòa Tín, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) phải chạy đôn chạy đáo tìm thuê nhân công. Tuy nhiên, những năm gần đây, vườn hồ tiêu chết dần chết mòn do dịch bệnh và nắng hạn, hiện chỉ còn hơn 300 trụ. Phần diện tích hồ tiêu này do không có tiền tái đầu tư nên cũng đang già cỗi, cho năng suất thấp. Để tiết kiệm chi phí, ông Hòa không thuê nhân công mà tự thu hoạch hồ tiêu.

“Với năng suất và giá hồ tiêu như hiện nay khoảng 52 ngàn đồng/kg, nếu thuê nhân công thu hoạch thì có khi không đủ để trả tiền công. 300 trụ này chắc thu được hơn 5 tạ, bán không đủ trả tiền lãi ngân hàng chứ chưa dám nghĩ đến khoản tiền vay ngày càng phình ra. Hiện tại, tôi còn nợ ngân hàng hơn 600 triệu đồng. Với tình hình như thế này có khi tôi đành bán nhà để trả nợ”-ông Hòa buồn bã nói.

Tương tự, hộ bà Nguyễn Thị Hậu (làng Hăng Ring, thị trấn Chư Sê) từng có hơn 1.000 trụ hồ tiêu nhưng dần già cỗi và chết do dịch bệnh và nắng hạn, hiện chỉ còn khoảng 500 trụ. “Do không có tiền tái đầu tư nên vườn hồ tiêu còi cọc, cho trái rất ít. Dự kiến vụ này, tôi chỉ thu được khoảng 1 tấn, giảm hơn 50% so với vụ trước. Với mức giá hiện tại thì không đủ tiền chi tiêu cũng như trả lãi ngân hàng”-bà Hậu cho hay.

Buồn bã do năng suất hồ tiêu giảm mạnh cũng là tâm trạng của ông Lê Hùng (thôn An Điền, xã Ia Blang, huyện Chư Sê). Gia đình ông có 3 ha hồ tiêu (tương đương 6.000 trụ). Vụ trước, ông thu hoạch hơn 15 tấn. Thế nhưng, năm nay, ông Hùng dự ước chỉ thu chưa tới 10 tấn.

Ông Hùng cho biết: “Giá hồ tiêu những năm gần đây xuống thấp, nhất là đầu năm 2020, giá giảm sâu kỷ lục, có thời điểm chỉ còn 35 ngàn đồng/kg. Chính vì vậy, người dân hầu như chỉ đầu tư cầm chừng để duy trì vườn cây dẫn đến năng suất cứ giảm dần qua từng năm. Hy vọng giá hồ tiêu tăng mạnh trở lại trong thời gian tới để chúng tôi phần nào giảm bớt khó khăn cũng như có tiền tái đầu tư, trả nợ ngân hàng”.

Năng suất hồ tiêu của gia đình ông Lê Hùng (xã Ia Blang, huyện Chư Sê) giảm hơn 30% so với vụ trước. Ảnh: Quang Tấn

Theo ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê, cây hồ tiêu hiện không xuất hiện bệnh chết nhanh, chết chậm như trước đây. Tuy nhiên, giá hồ tiêu những năm qua luôn ở mức thấp khiến nông dân gặp rất nhiều khó khăn, không có tiền tái đầu tư. Hệ quả là năng suất hồ tiêu liên tục giảm. Dự kiến, năng suất hồ tiêu của huyện vụ này giảm khoảng 20% so với năm trước.

Vận động nông dân liên kết sản xuất gắn với chế biến

Trao đổi với P.V, ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê-nhận định: Hiện nay, hầu như nguồn dự trữ hồ tiêu trong dân cũng như các đại lý đã cạn kiệt. Trong khi đó, theo dự ước thì sản lượng hồ tiêu cả nước giảm khoảng 30% so với vụ trước.

Hiện tại, các doanh nghiệp lớn của TP. Hồ Chí Minh đang bắt đầu mạnh tay mua hàng dự trữ để xuất khẩu. Vì thế, thời điểm này bắt đầu xuất hiện tình trạng cầu vượt cung. Do thiếu hụt nguồn cung nên giá hồ tiêu bắt đầu tăng trở lại và dự kiến có thể tăng mạnh trong thời gian tới.

Nông dân thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Quang Tấn

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê, định hướng của huyện trong thời gian tới là không phát triển thêm diện tích hồ tiêu. Tuy nhiên, huyện cũng khuyến cáo người dân nên giữ lại diện tích hồ tiêu hiện có. Trong trường hợp muốn chuyển đổi cây trồng, bà con cần chọn loại phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nhằm phát huy lợi thế của vùng. Đồng thời, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm từng bước nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, tạo đầu ra ổn định cho mặt hàng này.

Còn theo ông Nguyễn Long Khánh-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh, thời gian qua, huyện đã xây dựng các mối liên kết theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tổ chức lại sản xuất trên những cây trồng chủ lực như: hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả…

Đối với những diện tích hồ tiêu bị chết do dịch bệnh, già cỗi thì huyện hướng dẫn người dân chuyển sang trồng các loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương như: cây ăn quả, rau màu gắn với chuỗi liên kết nhằm tạo đầu ra ổn định. Đặc biệt, huyện sẽ hỗ trợ xây dựng các hợp tác xã đủ mạnh để tổ chức liên kết sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, bền vững cũng như kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết nhằm bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá ổn định.

Liên quan đến ngành sản xuất hồ tiêu, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Toàn tỉnh hiện có 13.673 ha hồ tiêu, trong đó có gần 12.582 ha kinh doanh, còn lại đang trong quá trình kiến thiết cơ bản và trồng mới. Tổng sản lượng hồ tiêu bình quân hàng năm khoảng 47.260 tấn.

Mặc dù những năm gần đây, giá hồ tiêu xuống thấp, nhiều diện tích chết do dịch bệnh, hạn hán nhưng hồ tiêu vẫn là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh. Do đó, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh cùng các địa phương đã tập trung vận động người dân phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 200 ha hồ tiêu sản xuất theo các tiêu chuẩn như VietGAP, Organic. Nhiều diện tích hồ tiêu cũng đã được áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước.

“Để cây hồ tiêu phát triển bền vững, thời gian tới, ngành Nông nghiệp xác định không mở rộng diện tích. Thay vào đó, ngành sẽ tập trung vận động người dân duy trì, ổn định diện tích hồ tiêu từ 12.000 ha đến 13.000 ha. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất giữa nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp gắn với chế biến sâu nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước; chú trọng hướng dẫn người dân sản xuất theo các tiêu chuẩn và chế biến sâu, trong đó hết sức quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, từng bước nâng cao thương hiệu hồ tiêu Gia Lai”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin thêm.

QUANG TẤN

Hậu Giang: Sẽ chuyển đổi nhiều diện tích mía, cây trồng kém hiệu quả

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Theo định hướng thì trong giai đoạn 2021-2025, các địa phương trong tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục chuyển đổi diện tích mía kém hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả và giá trị kinh tế cao. Đến năm 2025 diện tích mía còn khoảng 3.500ha, năng suất bình quân 110-120 tấn/ha. Sản lượng 350.000-500.000 tấn, chữ đường bình quân 10 CCS. Theo đó, sẽ đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, xây dựng nội đồng phù hợp cơ giới hóa từ khâu làm đất, chăm sóc, tưới tiêu, thu hoạch, vận chuyển,… nhằm hạ giá thành đủ sức cạnh tranh và tăng thu nhập cho nông dân trồng mía.

Những diện tích trồng mía kém hiệu quả sẽ được địa phương khuyến khích người dân chuyển đổi sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn.

Bên cạnh đó, tiếp tục cải tạo diện tích vườn tạp, chuyển đổi đất lúa xen vườn ở huyện Châu Thành và thành phố Ngã Bảy để hình thành vườn chuyên canh, chuyển đổi một phần đất mía ở Phụng Hiệp và đất khác ở các huyện còn lại thành đất vườn với diện tích cây ăn quả chung toàn tỉnh khoảng 41.500ha, sản lượng 500.000 tấn, tăng 120.000 tấn so với năm 2020. Song song đó, sẽ hình thành các vùng trồng tập trung, ứng dụng quy trình sản xuất tiên tiến, đạt tiêu chuẩn chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện rải vụ để nâng cao giá bán và hiệu quả sản xuất cây ăn quả và đồng thời đầu tư cải tạo diện tích đất vườn hiện có...

Tin, ảnh: H.T

Hiệu quả vượt trội khi phun thuốc trừ sâu bằng thiết bị bay

Nguồn tin:  CTV Cà Mau

Trong nhiều năm nay, phun thuốc trừ sâu bằng thiết bị bay là công nghệ tự động hóa sản xuất nông nghiệp được phát triển nhiều tại các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang. Tại tỉnh Cà Mau, đây lại là loại hình khá mới mẻ. Gần đây, một số hộ dân ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời đã đầu tư 05 chiếc máy bay để tiến hành phun thuốc trừ sâu phục vụ quá trình sản xuất lúa.

Mỗi máy phun thuốc này có thể tải được bình thuốc dung tích 10 lít, pin có thể duy trì cho hoạt động bay được 5-7 phút cho 1 lần xịt 5.000m2. Máy được lập trình sẵn đường bay, đường phun và liều lượng thuốc phun ra nên đảm bảo không sót lúa, chi phí cho một lần xịt như thế này thấp hơn so với cách xịt truyền thống.

Ứng dụng công nghệ phun thuốc trừ sâu bằng công nghệ bay không chỉ giúp nông dân tiết kiệm chi phí, thuốc bảo vệ thực vật mà còn giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh về da, thần kinh, ngộ độc…do tiếp xúc thường xuyên với thuốc trừ sâu gây ra.

Mỗi vụ lúa, trung bình người dân xịt thuốc từ 4 đến 5 lần. Đối với những hộ có đất nhỏ thì đa phần tự xịt thuốc bằng cách thủ công. Còn đối với những hộ đất lớn thì đa phần thuê mướn người xịt. Tuy nhiên, các đợt xịt thuốc thường các hộ trồng lúa sẽ diễn ra đồng loạt, nên việc thuê lao động xịt mỗi ngày chỉ được từ 1 đến 2 hecta. Việc xịt chậm trễ sẽ gây ra nhiều hệ lụy làm ảnh hưởng đến năng suất lúa. Phun thuốc bằng công nghệ bay có thể phun thuốc vào ban đêm và ban ngày với công suất hơn 40 hecta/ 1 ngày đêm. Lượng nước pha thuốc ít nên sẽ tránh được tình trạng dư thừa thuốc tràn xuống mặt ruộng. Và đặc biệt là không xảy ra tình trạng thiệt hại lúa do giẫm đạp so với cách phun xịt truyền thống.

Công nghệ thời 4.0 đã len lỏi đến từng mảnh vườn, thửa ruộng vì thế việc nông dân ngồi nhà thao tác trên điện thoại di động để điều khiển việc sản xuất đã không còn xa lạ. Những cánh đồng được cơ giới hóa từ mặt đất, đến phun thuốc, quản lý dịch hại từ trên bầu trời đã mang đến sắc thái mới cho ngành nông nghiệp./.

PV: Hoàng Thành

Thu tiền tỷ từ mô hình VAC

Nguồn tin:  Báo Bình Phước

Khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương cộng với cần cù, dám nghĩ, dám làm, ông Phạm Văn Lai (SN 1964), ngụ ấp 5, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) đã xây dựng thành công mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng (VAC) đạt hiệu quả cao. Mỗi năm, gia đình ông thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng.

Sinh ra tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, năm 1977, ông Lai theo cha mẹ vào tỉnh Bình Phước xây dựng kinh tế mới. Lập gia đình, năm 2000, vợ chồng ông dồn vốn mua được 5 ha đất tại ấp 5, xã Tân Hưng. Đây là vùng đất thấp, mùa mưa thường xuyên bị ngập. Chọn khu đất cao ráo, ông đắp nền xây dựng căn nhà tạm để ở. 2 vợ chồng vừa làm thuê “lấy ngắn nuôi dài” vừa cải tạo đất. Vùng đất trũng nhất, ông đào ao thả cá, nơi đất cao ông trồng cao su, xây dựng chuồng trại chăn nuôi…

Làm kinh tế từ mô hình vườn - ao - chuồng, mỗi năm gia đình ông Phạm Văn Lai thu tiền tỷ

Dẫn chúng tôi tham quan mô hình VAC rộng 5 ha, trong đó có gần 1 ha trồng cao su, 1 ha trồng điều, 2,5 ha ao cá, số còn lại là đất ở và xây dựng chuồng trại nuôi heo, ông Lai cho biết vừa đầu tư 500 triệu đồng thuê máy múc cải tạo hệ thống ao, hồ. Trước đây, ông thường nuôi cá trắm, chép… nên thu nhập không cao. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ cá lăng nha thương phẩm trên thị trường khá cao, năm 2019, ông nuôi thử nghiệm 200 con cá lăng nha. Cá phát triển tốt và năng suất cao, thịt trắng, dai và thơm ngon.

Năm 2020, ông đầu tư 20 triệu đồng mua 4.000 con cá lăng nha giống. Ông quây lưới để cá giống nuôi trong một góc ao. Thức ăn cho cá chủ yếu là cám và những thực phẩm nấu chín, băm nát. Khi cá nặng khoảng 300g, ông mới thả ra ao lớn. Cá lăng nha nuôi 1 năm cho trọng lượng trung bình 2kg mỗi con, giá cá thương phẩm khoảng 150-180 ngàn đồng/kg. Với 4.000 con cá lăng nha giống, gia đình ông thu lãi khoảng 700 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn xây dựng chuồng trại nuôi heo. Hiện gia đình ông duy trì 5 con heo nái và khoảng 100 con heo thịt, mỗi năm xuất chuồng 2 lứa heo thịt… thu lãi khoảng 600 triệu đồng.

Đối với cây điều và cao su, theo ông Lai, để cây cho năng suất cao thì người nông dân thường xuyên theo dõi vườn để phát hiện, nhận biết bệnh sớm, chữa trị kịp thời. Ông phải thường xuyên thăm vườn, phát hiện sớm bệnh để xịt thuốc kịp thời…; kết hợp các biện pháp canh tác khác như tỉa cành tạo tán, xông khói, dọn cỏ, chăm bón hợp lý.

Nhờ kiên trì, chịu khó và áp dụng tốt khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, gia đình ông Lai đã thành công với mô hình kinh tế VAC. Nguồn thu từ mô hình này đã giúp gia đình ông trở thành hộ khá, giàu trong xã.

Khắc Bảy

‘Bò Tây’ ở Ninh Thuận

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Chỉ sau một thời gian ngắn về với chủ mới, đàn bó tót lai Ninh Thuận như được “hồi sinh”. Và vui hơn, chúng đã có những “hậu duệ”.

Đàn bò tót lai đã vạm vỡ trở lại, sau khi Vườn quốc gia Phước Bình tiếp quản chăm sóc

Hồi hộp đón “hậu duệ”

Những ngày cuối năm, chúng tôi vượt gần 200km để đến “thăm” những con bò tót lai vốn gầy teo và “nổi như cồn” trên các mặt báo cách đây mấy tháng. Trong khuôn viên nuôi, thần sắc đàn bò nhìn khác hẳn, không tong teo như trước đây. Bò tót lai được gặm cỏ non, uống nước sạch mỗi ngày nên chúng nhanh khỏe, lông mượt mà, đen óng như đặc trưng vốn có của bò rừng tự nhiên.

Trước đây, đàn bò tót lai 11 con nằm trong dự án phục hồi bò tót lai quý hiếm, do Trung tâm Ứng dụng Khoa học - Công nghệ tỉnh Lâm Đồng làm chủ dự án (thực hiện tại tỉnh Ninh Thuận). Cứ tưởng rằng, với nguồn đầu tư không nhỏ (hơn 5 tỷ đồng) cho dự án, đàn bò sẽ có những hồi sinh mạnh mẽ để bảo tồn nguồn gen quý. Nhưng trớ trêu, do chỉ toàn ăn rơm khô nên đàn bò tiều tụy, không còn sức sống. Sau khi dư luận phản ánh mạnh, 11 con bò tót nói trên được tỉnh Ninh Thuận giao cho Ban quản lý Vườn quốc gia (VQG) Phước Bình chăm sóc. Từ đó, đàn bò rừng lai một thời tưởng như đã chết nay sống lại, khỏe mạnh.

Chỉ vài tháng sau khi VQG Phước Bình nhận chăm sóc, đàn bò tót lai 11 con đã phục hồi, mập lên từng ngày. Đặc biệt, đầu tháng 12-2020, con bò tót cái lai F2 mà Trung tâm Ứng dụng Khoa học - Công nghệ tỉnh Lâm Đồng mua lại từ nhà ông Nguyễn Đình Tích (ngụ thôn Bạc Rây 2, xã Phước Bình) đã sinh 1 con bê cái khỏe mạnh, nặng khoảng 25kg.

Theo anh Võ Đăng Khiêm, nhân viên Phòng Khoa học hợp tác quốc tế VQG Phước Bình - người chăm sóc đàn bò tót lai, cho biết, bê con vừa sinh có những dấu hiệu hoang dã như vừa lọt lòng đã tự đứng dậy ngay. Tiếp sau đó, con bê có thể đi lại rất cứng cáp và chỉ 2 ngày sau, con bê hiếu động chạy nhảy quanh mẹ và khắp chuồng. “Khi bò lai F2 sinh bê con, tất cả anh em ở VQG Phước Bình rất hồi hộp, vui mừng, vì trước đây cũng như những con bò tót lai khác trong đàn, con bò mẹ lai F2 cũng bị đói gầy trơ xương nhưng còn phải nuôi thai”, anh Khiêm kể lại.

Lập tour du lịch “bò Tây”

Đến với VQG Phước Bình, khác với hình ảnh 11 con bò rừng lai trơ xương có nguy cơ chết đói, nay tất thảy 11 con bò tót lai đều phục hồi nhanh. Nếu như trước đây, đàn bò bị bỏ đói trông vẻ rất hiền vì kiệt sức thì nay đã trở nên hung dữ khi thấy người. Đó chính là bản năng hoang dã đã trở lại với đàn bò tót lai này. Riêng con bò F1 lớn nhất từng sắp chết vì đói, gần 2 tháng trước đã phục hồi rất nhanh, các cơ, u bắp nổi lên cuồn cuộn trông rất mạnh mẽ và có dấu hiệu “đầu đàn”.

Anh Nguyễn Văn Linh, nhân viên VQG Phước Bình, thông tin: “Kể từ khi đàn bò được chăm sóc đầy đủ thì nhiều con bắt đầu rượt đuổi nhau, tỏ ra hung dữ khi có người lạ. Đây là dấu hiệu sức khỏe đàn bò được hồi phục và trở lại bản năng hoang dã của bò rừng. Đàn bò cũng thể hiện sức mạnh của mình qua việc tranh giành thứ bậc. Con bò tót lai lớn nhất, khỏe nhất tỏ ra là con đầu đàn. Khi nó chưa ăn thì các con khác cũng không dám ăn và nó cũng giành quyền kiểm soát cả 5 con bò cái trong đàn để thể hiện uy lực”.

Chia sẻ niềm vui khi đàn bò rừng lai hồi sinh mỗi ngày, ông Nguyễn Công Vân, Giám đốc VQG Phước Bình, cho biết sau khi nhận bàn giao đàn bò tót lai vào ngày 5-10-2020, được sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, VQG Phước Bình đã thực hiện chăm sóc phục hồi sức khỏe đàn bò với chế độ mỗi ngày một con bò tót lai được ăn 1,5kg thức ăn tinh, 30kg bắp sinh khối và 10kg cỏ tươi. Nhờ vậy, sức khỏe đàn bò đang phục hồi nhanh chóng, có khả năng sinh sản trong thời gian gần.

“Bò F2 sinh con là một tín hiệu vui, chứng minh cho việc đàn bò tót lai có thể sinh sản và bảo tồn được nguồn gen. Vui hơn là hiện UBND tỉnh Ninh Thuận đã đồng ý chủ trương lập dự án để chăm sóc, bảo vệ, phát triển đàn bò trong 5 năm tới với tổng kinh phí dự kiến 2,5 tỷ đồng. Riêng VQG Phước Bình đang xây dựng đề án nuôi đàn bò tót lai theo mô hình bán tự nhiên trên diện tích khoảng 5ha. Sắp tới, chúng tôi sẽ di dời 11 con bò tót lai từ chuồng cũ về địa điểm mới tại vườn thực vật của VQG. Xa hơn, có thể xây dựng điểm tham quan bò tót lai thành một tour du lịch, để mọi người dân có thể tham quan”, ông Vân chia sẻ.

VĂN NGỌC

27.000 con trâu, bò được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện cả nước có 42 ổ dịch viêm da nổi cục, tổng số gia súc mắc bệnh là 771 con, đã tiêu hủy 39 con.

Trong số 8 tỉnh có dịch, Hà Tĩnh là địa phương thiệt hại nặng nhất với 27 ổ dịch và 464 con gia súc bị mắc bệnh.

Để khống chế dịch bệnh, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Công ty cổ phần kinh doanh thuốc thú y Amavet nhập khẩu khẩn cấp 50.000 liều vắc xin, bao gồm 10.000 liều vắc xin Lumpyvac từ Thổ Nhĩ Kỳ, 20.000 liều vắc xin LumpyShield từ Jordan; Công ty TNHH Thú y Đông Phương nhập khẩu 20.000 liều vắc xin Mevac LSD từ Ai Cập để triển khai thí điểm tiêm phòng, chống dịch tại 8 tỉnh (Sơn La, Hà Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Tĩnh và Quảng Trị) và một số trại bò sữa.

Đến nay, các địa phương trên đã tổ chức tiêm phòng được hơn 27.000 con trâu, bò. Đánh giá bước đầu về hiệu quả của vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục tại một số địa phương cho thấy, số trâu, bò được tiêm phòng đến nay đều khỏe mạnh, không phát bệnh sau khi tiêm được hai tuần.

Đặc biệt, số trâu, bò được tiêm vắc xin Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ sau 28, 35, 42 ngày đã có kháng thể kháng vi rút viêm da nổi cục. Riêng với số trâu, bò được tiêm vắc xin LumpyShield từ Jordan và Mevac LSD từ Ai Cập, hiện đã có kết sau tiêm 28 ngày, tiếp tục chờ kết quả sau 35 và 42 ngày để lấy mẫu, đánh giá hiệu quả sau tiêm phòng trước khi có khuyến cáo, hướng dẫn sử dụng.

Để chủ động phòng, chống và khống chế dịch viêm da nổi cục lây lan diện rộng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công văn đề nghị các tỉnh, thành phố căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương, quyết định sử dụng vắc xin Lumpyvac để tiêm phòng khẩn cấp cho đàn trâu, bò. Bộ cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố chủ động rà soát, thống kê số lượng trâu, bò thuộc diện tiêm phòng để xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí mua vắc xin; thực hiện tiêm phòng theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất và cơ quan thú y địa phương, đồng thời tiến hành lấy mẫu đánh giá sau khi tiêm phòng.

NGỌC QUỲNH

Nuôi vịt chạy đồng

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Vào thời điểm này, đi dọc các cánh đồng lúa ở vùng ngoại thành của TP Cần Thơ, thường gặp những túp lều nhỏ dựng ngay trên bờ ruộng. Ðó là nơi ăn, nghỉ của những người nuôi vịt chạy đồng. Những ruộng lúa vừa thu hoạch xong là nguồn thức ăn dồi dào - nơi chăn thả lý tưởng cho đàn vịt. Do đó, không quản xa xôi, dầm sương dãi nắng, những người nuôi vịt vẫn lùa đàn di chuyển hàng chục cây số tìm bãi thả.

Gia đình ông Vinh đang thả vịt trên đồng nhà.

Ông Nguyễn Văn Lợi ở xã Ðông Bình, huyện Thới Lai, có “thâm niên” nuôi vịt chạy đồng đã hơn 10 năm. Hằng năm, cứ đến mùa thu hoạch lúa, ông lại đưa đàn vịt ra đồng. Năm nay cũng vậy, khi biết cánh đồng lúa ở phường Thới An, quận Ô Môn, vừa thu hoạch, ông quyết định lùa đàn vịt khoảng 1.000 con đến đây. Ông Lợi cho biết: “Bình quân mỗi ngày, đàn vịt ăn hết 100kg thức ăn, tương đương 1,2 triệu đồng. Nếu nuôi nhốt hoàn toàn, tôi sẽ không có lãi, thậm chí lỗ vốn. Hơn 1 tuần nay, nhờ thả đồng, đàn vịt tự kiếm thức ăn nên tôi không phải tốn thêm chi phí”. Ðược ăn những hạt thóc rơi vãi, cua ốc... vịt mập ra, đẻ trứng cũng nhiều hơn. Bình thường, nếu nuôi nhốt đàn vịt, ông Lợi thu khoảng 600 quả trứng/ngày. Khi đem vịt thả đồng, ông Lợi thu được khoảng 700 quả/ngày. Hai tháng sau, khi mùa thả đồng kết thúc, đàn vịt được ăn thức ăn tự nhiên, vận động nhiều nên thịt săn chắc và thơm hơn so với vịt nuôi cám tổng hợp, giá bán cũng sẽ cao hơn. Tuy nhiên, bù lại, người nuôi vịt phải tốn công nhiều hơn. Ông Lợi kể: “Nghề nuôi vịt chạy đồng này vất vả lắm! Ðồng này xong, chúng tôi nhanh chóng di chuyển đến đồng khác. Ban ngày thì ngoài đồng trông giữ đàn vịt; tối đến thì lượm trứng, bán cho lái. Công việc tuy cực, nhưng bù lại, tôi có một khoản lời kha khá”.

Ông Nguyễn Văn Vinh ở phường Thới An, quận Ô Môn, gắn bó với nghề nuôi vịt chạy đồng hơn 5 năm nay. Hiện nay, ông có đàn vịt khoảng 1.000 con và đang bắt đầu đẻ trứng. Ông Vinh chia sẻ: “Mỗi năm, tôi thả vịt chạy đồng 2 lần vào mùa thu hoạch lúa. Hình thức nuôi này giúp giảm chi phí. Thay vì mỗi ngày cho vịt ăn 100kg thức ăn, thì khi thả đồng chỉ tốn khoảng 30kg mà chúng vẫn lớn nhanh, tăng khả năng sinh sản. Ngoài ra, trứng vịt thả đồng to, ngon và béo hơn nên dễ tiêu thụ”. Hiện nay, với giá trứng vịt 20.000 đồng/chục, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Vinh thu lãi khoảng 60 triệu đồng/năm. “Nghề nuôi vịt chạy đồng phải “ăn bờ, ngủ bụi” bất kể trời mưa hay nắng, vịt đi tới đâu, người trông giữ phải đi tới đó để tránh thất lạc. Khoảng 10 ngày, tôi thay đổi địa điểm thả vịt để chúng tìm nguồn thức ăn mới. Nuôi vịt chạy đồng cũng gặp nhiều rủi ro hơn về dịch bệnh, nhưng chúng tôi phải chấp nhận vì nuôi nhốt thì không có lãi” - ông Vinh nói.

Xác định nuôi vịt chạy đồng gặp nhiều rủi ro nên khi tái đàn, trước khi bước vào mùa chạy đồng, ông Trần Tứ Hải ở xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai, đã tiêm phòng cho vịt trước. Ông Hải nuôi trên 2.000 con vịt. Mùa này, ông dự kiến sẽ đưa vịt đi khắp nơi, từ đồng nhà trong thành phố đến các tỉnh lân cận: Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang… Ông Hải cho biết: “Bây giờ mình dời đàn đi bất cứ chỗ nào người ta cũng kiểm dịch, phải trình báo đầy đủ giấy tờ nên việc tiêm phòng dịch là không thể thiếu”.

Công việc tuy vất vả, nhọc nhằn nhưng nghề nuôi vịt chạy đồng mang lại nguồn thu nhập kha khá cho nông dân.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop