Tin nông nghiệp ngày 01 tháng 06 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 01 tháng 06 năm 2021

Nhiều giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản

Nguồn tin:  Báo Cà Mau

Hiện nay, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu với những biến chủng mới nguy hiểm, tác động mạnh đến nền kinh tế nhiều nước là đối tác lớn của Việt Nam. Theo đó, nhiều loại nông, lâm, thuỷ sản đang gặp khó khăn về đầu ra, giá cả xuống thấp, khiến người dân điêu đứng.

Khó tìm đầu ra

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, trên địa bàn có gần 40 trang trại nuôi cá sấu với số lượng trên 23.000 cá thể. Riêng hộ nuôi nhỏ lẻ cũng tương đương số lượng trên. Con cá sấu từng là đối tượng nuôi mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân. Nhưng hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá cá sấu thương phẩm trên thị trường luôn ở mức thấp (khoảng 60.000-65.000 đồng/kg), trong khi giá thành chăn nuôi của người dân khoảng 80.000-90.000 đồng/kg. Dù giá rất thấp nhưng lại khó bán vì các công ty thu mua, chế biến sản phẩm từ da cá sấu đang phải thu hẹp sản xuất, giảm mua nguyên liệu do đầu ra khó khăn.

Hiện nay, giá cá sấu thương phẩm đang dao động từ 60.000- 65.000 đồng/kg nhưng tiêu thụ rất chậm. Ảnh: H.VŨ

Ông Trần Văn Gần, một người nuôi cá sấu lâu năm ở thị trấn U Minh, huyện U Minh, cho biết: “Hiện nhà tôi đang có 100 con cá sấu đang chờ ngày xuất chuồng, nhưng vì dịch Covid-19, thương lái không dám mua nhiều, giá lại giảm mạnh. Giờ đây, bình quân mỗi con cá sấu bán ra tôi phải lỗ khoảng 500.000 đồng. Tính chung, tổng thiệt hại khoảng 50 triệu đồng. Trong khi từ trước tới giờ thu nhập của cả nhà tôi chỉ trông chờ vào bầy cá sấu này”.

Ngoài cá sấu, cá chình, cá bống tượng cũng gặp khó khăn vì đầu ra và giá giảm. Theo ghi nhận từ các hộ dân, do xuất khẩu gặp trở ngại, thị trường nội địa tiêu thụ chậm, có lúc thương lái ngừng thu mua, hoặc mua cá chình, bống tượng với giá rất thấp. Cá bống tượng có lúc chỉ còn từ 150.000-200.000 đồng/kg; còn cá chình thương lái thường thu mua với số lượng nhỏ.

Ngoài con cá sấu, cá chình và cá bống tượng cũng đang "bế" đầu ra. Ảnh: HOÀNG VŨ

Theo dự báo, thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản năm nay rất khó lường và có thể còn tiếp tục khó khăn do diễn biến của dịch Covid-19 vẫn phức tạp cả trong và ngoài nước. Tại hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 vừa được Bộ NN&PTNT tổ chức vào trung tuần tháng 5/2021, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam lo ngại: Các địa phương có dịch bệnh đều có chung một đặc điểm là có đường giao thông huyết mạch chạy qua, án ngữ những con đường vận tải hàng hoá về Hà Nội, nối liền với các trung tâm kinh tế thương mại của miền Bắc. Cụ thể như: Quốc lộ 1 nối Hà Nội - Bắc Ninh - Lạng Sơn, đường cao tốc nối Sân bay quốc tế Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long, Quốc lộ 2 và cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Quốc lộ 10 nối Hải Phòng - Thái Bình - Nam Ðịnh - Ninh Bình… có nguy cơ kéo dài thời gian, ứ đọng hàng hoá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Nhiều giải pháp được đưa ra

Cũng tại hội nghị này, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) Hoàng Anh Tuấn cho rằng: Trong điều kiện hiện nay, các giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ tiêu thụ nông sản ở thị trường trong nước càng cần được chú trọng. Thời gian tới, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Y tế và các đơn vị liên quan hướng dẫn công tác vận chuyển, tiêu thụ nông sản trong vùng dịch, đảm bảo việc lưu thông hàng hoá của các vùng trồng, đặc biệt là các vùng nông sản có diện tích lớn, thu hoạch tập trung. “Thời gian qua, UBND các tỉnh, thành phố cũng chỉ đạo rất sát sao trong xây dựng kế hoạch, giải pháp tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch Covid-19 vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, vừa đảm bảo đầu ra cho nông sản, hạn chế tình trạng ùn, ứ cục bộ như đã từng xảy ra”, ông Hoàng Anh Tuấn đánh giá.

Ðể tháo gỡ khó khăn này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chỉ đạo các địa phương cần áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt, chủ động trong tiêu thụ nông, lâm, thuỷ sản trong điều kiện dịch Covid-19. Việc đẩy mạnh và tăng cường các kênh tiêu thụ tại thị trường nội địa có vai trò rất quan trọng. Ðồng thời, Thứ trưởng Trần Thanh Nam kiến nghị, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, Hiệp hội Doanh nghiệp triển khai đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản và chế biến nông, lâm, thuỷ sản để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh. Ðặc biệt, các nhà máy chế biến nông sản tăng cường công suất tập trung cho phân khúc hàng khô, hàng sơ chế, sản phẩm cấp đông, nước quả cô đặc, trái cây đóng lon… chuẩn bị tốt nhất cho phương án hậu dịch Covid-19 cho thị trường Trung Quốc, Mỹ và EU.

Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng dẫn đến hoạt động kinh doanh bị đứt đoạn, lợi nhuận các doanh nghiệp suy giảm, người lao động thiếu việc làm. Ði cùng với đó, khi đơn hàng xuất khẩu giảm dần dẫn đến áp lực ngày càng cao đối với chi phí lưu kho. Ðặc biệt, hệ thống kho lạnh bảo quản nông, thuỷ sản rất hạn chế. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông, thuỷ sản với công suất 700.000 palet và hàng ngàn kho lạnh nhỏ với công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm. Tuy nhiên, số lượng kho lạnh hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu bảo quản nông sản, thuỷ sản phục vụ nhu cầu chế biến và xuất khẩu, nhất là khu vực ÐBSCL.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam kiến nghị, khu vực sản xuất, chế biến và bảo quản nông, thuỷ sản đòi hỏi chi phí lớn, do thời gian kéo dài, nên Ngân hàng Nhà nước triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các gói tín dụng đặc thù ứng phó Covid-19. Trong đó, có chính sách hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp, HTX, nông dân được khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất vay. Bộ Tài chính triển khai nhanh chóng những giải pháp gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Ðặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi hoá công tác thông quan và hạ tầng logistic./.

Trung Ðỉnh

Phòng trừ sâu, bệnh trên cây có múi

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Toàn tỉnh Hưng Yên hiện có trên 3,6 nghìn ha trồng cây có múi, chủ yếu là cam, bưởi các loại. Hiện nay, cây có múi đang trong giai đoạn quả non, phát triển quả. Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết, tỷ lệ đậu quả trên các diện tích cây có múi không cao. Do đó, để bảo đảm năng suất, chất lượng quả, ngoài chú trọng chăm sóc, bổ sung nguồn dinh dưỡng nuôi dưỡng quả, nông dân các địa phương trong tỉnh cần chủ động theo dõi, thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh, đặc biệt là những đối tượng sâu, bệnh hại chính. Đồng thời, thực hiện cắt tỉa, chăm sóc các diện tích bị mất mùa để bảo đảm cho vụ sau.

Nông dân xã Đồng Thanh (Kim Động) kiểm tra tình hình sâu, bệnh tại vườn trồng cây ăn quả

Gia đình ông Lương Văn Đồng, thôn Thanh Sầm, xã Đồng Thanh, (Kim Động) hiện trồng gần 1 mẫu cam, bưởi. Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết nên nhiều cây cam, bưởi tỷ lệ đậu quả thấp, nhiều cây gần như không có quả. Ông Đồng cho biết: Tỷ lệ đậu quả tại vườn của gia đình tôi chỉ đạt 50%. Để bảo đảm năng suất, chất lượng và hạn chế tình trạng rụng quả sinh lý, trong giai đoạn này tôi tập trung bón phân cung cấp dinh dưỡng cho quả phát triển. Ngoài ra, với những cây không có quả, tôi tiến hành cắt tỉa lộc, dưỡng cây để bảo đảm cho vụ sau.

Cùng với chú trọng dự báo tình hình sâu, bệnh gây hại trên cây trồng nói chung, cán bộ bảo vệ thực vật của các địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra diễn biến của sâu, bệnh gây hại trên cây có múi để kịp thời khuyến cáo, hướng dẫn nông dân phòng trừ đạt hiệu quả; đặc biệt là các biện pháp phòng trừ rệp, sâu vẽ bùa, sâu đục quả, nhện đỏ... trên cây có múi để hạn chế lây lan diện rộng.

Theo tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Động, toàn huyện có trên 757ha trồng cây có múi, trong đó có gần 20ha bị nhện đỏ gây hại. Đến nay, 100% diện tích bị nhiễm được nông dân chủ động phòng trừ kịp thời. Trước diễn biến tình hình sâu, bệnh, ngành chuyên môn của huyện đã chủ động thông báo nhanh tình hình sâu, bệnh hại cây trồng trên hệ thống đài truyền thanh để người dân nắm bắt; hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác phòng trừ theo nguyên tắc “4 đúng”; đồng thời khuyến cáo nông dân thường xuyên kiểm tra vườn cây, theo dõi chặt chẽ diễn biến của các đối tượng sâu, bệnh.

Những ngày này, theo khuyến cáo của ngành chức năng, nông dân trên địa bàn huyện Phù Cừ thường xuyên có mặt tại vườn để nắm bắt tình hình sâu, bệnh và phun thuốc phòng trừ kịp thời. Thời tiết những ngày này bắt đầu chuyển sang mùa nắng nóng, để cây có múi sinh trưởng, phát triển tốt, phòng chuyên môn tuyên truyền, khuyến cáo các hộ làm vườn cần chú trọng chăm sóc, bón phân cân đối cho cây trồng, bảo đảm đủ nước và thoát nước tốt trong những ngày mưa, bão, luôn giữ vườn cây thông thoáng để hạn chế nơi trú ngụ của các đối tượng sâu, bệnh gây hại. Khi phát hiện sâu, bệnh, sử dụng các loại thuốc đặc trị theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Đồng chí Bùi Quang Nam, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phù Cừ cho biết: Hiện toàn huyện có trên 480ha trồng cây có múi, trong đó có gần 70ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Các diện tích trồng cây có múi tập trung chủ yếu ở các xã như: Nguyên Hòa, Tam Đa, Tiên Tiến… Định kỳ hàng tuần, trạm bảo vệ thực vật huyện nắm bắt, thông báo tình hình sâu, bệnh, các biện pháp chăm sóc, phòng trừ đối với từng loại cây trồng đến các nhà vườn. Đối với vùng sản xuất cây có múi theo tiêu chuẩn Vietgap, nông dân cần tuân thủ đúng theo quy trình chăm sóc, sử dụng các loại thuốc phòng trừ sâu, bệnh nằm trong danh mục cho phép để không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Theo dự báo của Chi cục BVTV, thời gian tới, tình hình sâu, bệnh nói chung và nhện đỏ trên cây có múi tiếp tục tăng cục bộ ở những vườn phòng trừ hiệu quả thấp, hiện tượng rụng quả sinh lý tiếp tục xảy ra… Để hạn chế thiệt hại do sâu, bệnh gây ra, đặc biệt là nhện đỏ trong thời điểm này, Chi cục BVTV đề nghị các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt văn bản chỉ đạo của tỉnh, của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc tập trung chỉ đạo phòng trừ sâu, bệnh trên cây ăn quả có múi. Trạm BVTV các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, dự tính, dự báo sâu, bệnh, đặc biệt theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết; thông báo nhanh tình hình nhện đỏ đến các hộ nông dân để chủ động phòng trừ kịp thời.

Minh Hồng

Thâm canh sầu riêng theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Hiện nay, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng được vùng chuyên canh sầu riêng gần 15.000 ha tập trung tại các huyện, thị nằm trong vùng kiểm soát lũ phía Tây là: Huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, huyện Cái Bè, mỗi năm đạt sản lượng trên 300.000 tấn trái cung ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Với năng suất bình quân 20 tấn trái/ha, giá bán 50.000 đồng/kg, mỗi ha sầu riêng nông dân đạt giá trị sản xuất lên đến hàng tỷ đồng, là cây trồng cho thu nhập cao nhất hiện nay tại địa phương. Nhờ sầu riêng, nông dân vùng chuyên canh dựng nên cơ nghiệp vững vàng và nông nghiệp - nông thôn đổi thay theo hướng hiện đại.

Tuy nhiên, mùa khô năm 2019 - 2020, do hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt đã làm thiệt hại gần 4.500 ha sầu riêng, trong đó có đến trên 3.500 ha gần như chết trắng. Đây là mức thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay cho sản xuất nông nghiệp do thiên tai tại địa phương mà nguyên nhân bởi thiếu nước ngọt tưới cho cây sầu riêng, trong khi sầu riêng rất mẫn cảm với hạn, mặn; kỹ thuật và quy trình canh tác của nông dân còn nhiều khiếm khuyết, sự chủ quan của bà con,…

Trước tình hình trên, một mặt địa phương tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, tích cực đưa ra các giải pháp phù hợp khôi phục vườn sầu riêng sau hạn, mặn, giúp nông dân sớm ổn định cuộc sống, một mặt rà soát lại quy trình sản xuất, khắc phục các khiếm khuyết lâu nay và định hướng ứng dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh sầu riêng thích ứng biến đổi khí hậu nhằm phát triển bền vững. Sau khi thiên tai qua đi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng Viện Cây ăn quả miền Nam và các ngành hữu quan đã tổ chức 363 cuộc tập huấn cho trên 12.000 lượt nhà vườn về quy trình 05 bước chăm sóc, phục hồi vườn sầu riêng sau hạn, mặn do Viện Cây ăn quả miền Nam nghiên cứu đưa ra; đối với những vườn cây bị thiệt hại nặng không có khả năng phục hồi thì khuyến khích nông dân cải tạo, trồng mới hoặc chuyển đổi sang cây trồng thích hợp khác.

Đồng thời, nhằm ứng phó hiệu quả hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô hàng năm, không để thiệt hại cho vùng chuyên canh, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân chủ động trữ nước ngọt tưới cho cây trong mùa khô thông qua nhiều hình thức: Trữ trong ao mương vườn, đầu tư dụng cụ trữ nước ngọt; triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ và chăm sóc cây sầu riêng trước, trong và sau mùa khô theo khuyến cáo của các nhà khoa học nhằm giúp cây sung mãn, đủ sức chống chọi với thời tiết khắc nghiệt hoặc thiên tai hạn, mặn gay gắt; khuyến cáo nông dân tuyệt đối không xử lý ra hoa, để trái đối với những vườn cây có dấu hiệu suy kiệt. Những vườn trồng mới chú ý thiết kế đúng kỹ thuật, mật độ vừa phải và cần thiết phải có ao đủ rộng để trữ ngọt tưới tiêu vào mùa khô; đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước và thâm canh theo hướng GAP cho ra những nông sản hàng hóa an toàn, truy xuất nguồn gốc, nâng chất lượng sản phẩm…

Bên cạnh đó, chủ động xây dựng phương án phòng, chống hạn, mặn cho vùng chuyên canh vào đầu mùa khô, tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, xây dựng phương án ứng phó hữu hiệu theo phương châm "4 tại chỗ"... Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang còn quan tâm kiện toàn mạng lưới đê bao ngăn lũ và các công trình phòng, chống hạn, mặn, giảm nhẹ thiên tai hiện hữu như: Ô bao Đông - Tây Ba Rài, ô bao Ba Rài - Phú An,... tuyệt đối không để rò rỉ mặn vào nội đồng gây hại trong mùa khô hạn hàng năm.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, về lâu dài, để phát triển bền vững vùng chuyên canh sầu riêng theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình kết hợp với phi công trình. Trong đó, chú trọng đầu tư xây dựng các cống điều tiết nước, kiểm soát mặn tại đầu các kênh rạch thông ra sông Tiền trên Đường tỉnh 864 như: Cống Nguyễn Tấn Thành, cống Rạch Gầm, cống Rau Răm, cống Cây Cồng…, nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát lũ lụt và hạn, mặn; triển khai xây dựng các công trình trữ ngọt đầu nguồn đảm bảo nguồn nước tưới đưa về phục vụ vùng chuyên canh. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, Viện Cây ăn quả miền Nam cùng các Viện, Trường nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật thâm canh sầu riêng theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu cho nông dân, đặc biệt là xây dựng và nhân rộng các mô hình canh tác sầu riêng hiệu quả, ứng dụng khoa học - công nghệ cao một cách rộng rãi để bà con cùng nghiên cứu, học tập, áp dụng.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các giải pháp đang phát huy hiệu quả trong đời sống. Trong mùa khô năm 2020 - 2021, nhờ rút kinh nghiệm từ đợt hạn, mặn khốc liệt mùa khô năm 2019 - 2020, đưa ra các giải pháp phù hợp, kịp thời và chủ động nên mặc dù hạn, mặn gay gắt nhưng không gây thiệt hại đáng kể cho vùng chuyên canh sầu riêng. Còn các giải pháp chăm sóc, phục hồi vườn sầu riêng sau đợt hạn, mặn khốc liệt năm 2019 - 2020 theo quy trình 05 bước: Rửa mặn cho đất; Phục hồi bộ rễ và lá; Hỗ trợ bộ lá phát triển; Hỗ trợ bộ rễ và hoàn thiện bộ lá; Tăng cường hấp thu dinh dưỡng và quang hợp, do Viện Cây ăn quả miền Nam đưa ra, chuyển giao cho nông dân đang mang lại kết quả khả quan. Sau khoảng một năm triển khai, vườn cây phục hồi tốt, bà con phấn khởi. Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các khu vườn bị ảnh hưởng nhẹ, dưới 30% đã phục hồi hoàn toàn; khoảng 1.000 ha bị ảnh hưởng từ 30% đến dưới 70% bộ lá phát triển tốt, cây phục hồi đạt trên 80%. Đối với diện tích sầu riêng đã chết thì đến thời điểm hiện nay, nông dân cải tạo trồng mới được gần 2.000 ha.

Mộng Tuyết

Bến Tre: Cơ bản kiểm soát được sâu đầu đen gây hại trên cây dừa

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Sau thời gian triển khai quyết liệt các biện pháp phòng trừ sâu đầu đen gây hại trên cây dừa, đến nay tỉnh Bến Tre đã kiểm soát được dịch sâu đầu đen, không để lây lan ra diện rộng, nhiều diện tích dừa bắt đầu phục hồi trở lại.

Từ tháng 7/2020, trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã phát hiện nhiều địa điểm có vườn dừa bị sâu đầu đen hại dừa gây hại như huyện Bình Đại, Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và thành phố Bến Tre. Tại khu vực khởi phát của các địa điểm trên, các vườn dừa đều bị gây hại rất nặng, ước thiệt hại sinh trưởng trên 70% số lá và trên 80% năng suất cây dừa.

Ông Võ Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cho biết, toàn tỉnh có 393 ha dừa bị nhiễm sâu đầu đen; trong đó, diện tích nhiễm nặng gần 132 ha. Diện tích dừa bị nhiễm sâu đầu đen nằm rải rác ở các huyện Châu Thành, Bình Đại, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách và thành phố Bến Tre.

Trước thực trang trên, cơ quan chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ người dân phòng và trị sâu đầu đen trên cây dừa.

Đến nay, các huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Bình Đại và Thành phố Bến Tre đã hoàn thành phun thuốc bảo vệ thực vật lần thứ 1. Diện tích dừa bị đốn tiêu hủy là 4.695 cây, phun thuốc bảo vệ thực vật 44.879 cây.

Ngoài ra, Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre đã lựa chọn vườn dừa chưa thực hiện phun thuốc bảo vệ thực vật để tiến hành phóng thích 150 cặp ong ký sinh nhộng đùi to Brachymeria sp tại ấp Phú Mỹ, xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc để kiểm soát sâu đầu đen gây hại với diện tích khoảng 2 ha.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn và cung cấp vật liệu nhân nuôi bọ đuôi kìm cho cán bộ kỹ thuật Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, tăng cường nhân nuôi và phóng thích bọ đuôi kìm nhằm hỗ trợ kiểm soát sâu đầu đen hại dừa trên địa bàn tỉnh. Năm 2021, dự kiến có 4 đợt phóng thích bọ đuôi kìm với 28.000 con trên các vườn dừa nhiễm sâu đầu đen.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, sau khi các huyện đồng loạt thực hiện việc phòng trừ sâu đầu đen, kết quả đánh giá hiệu quả sử dụng thuốc bảo vệ thực vật từ 60-95%. Hiện, hơn 100 ha dừa bị sâu đầu đen gây hại ở Bến Tre đã được kiểm soát. Cây dừa có dấu hiệu phục hồi, được người dân tiếp tục chăm sóc. Tuy nhiên, do thiếu nguồn nhân công nên việc cắt tỉa tàu lá bị gây hại nặng tiêu hủy trước khi phun không được thực hiện triệt để, tỷ lệ vườn có cắt tỉa là rất thấp hoặc các vườn dừa quá cao việc phun thuốc gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, hiệu quả phun thuốc một số địa phương chưa cao và cần rút kinh nghiệm để chuẩn bị phun thuốc lần 2.

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre cho biết, bên cạnh các giải pháp sinh học, về lâu dài, cần tính toán đến những giải pháp nhanh, hiệu quả, an toàn và phản ứng kịp thời hơn; trong đó có giải pháp sử dụng những phương tiện công nghệ cao trong việc dập dịch sâu đầu đen hại dừa như xây dựng bản đồ số để kiểm soát vùng dịch, sử dụng công cụ bay siêu nhẹ (drone) để phun thuốc bảo vệ thực vật.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện đúng, đầy đủ các biện pháp phòng trừ sâu đầu đen. Tại các vườn dừa đã thả ong ký sinh và bọ đuôi kìm, ngành chuyên môn khuyến cáo không phun thuốc bảo vệ thực vật. Riêng đối với các cây ký chủ phụ như dừa nước, cau kiểng... khuyến cáo cắt tỉa, tiêu hủy triệt để các tàu lá bị gây hại mà không cần phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

TTXVN

Sóc Trăng: Giải pháp của ngành nông nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ hành tím

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Hành tím là một trong những đặc sản của tỉnh Sóc Trăng và được trồng tập trung tại TX. Vĩnh Châu, một ít được trồng ở huyện Trần Đề. Theo thống kê của ngành chuyên môn, diện tích hành tím trong năm 2020 là 6.675ha, trong đó hành thương phẩm hơn 5.300ha, năng suất bình quân từ 18 - 20 tấn/ha, sản lượng gần 104.000 tấn.

Ngành nông nghiệp sẽ phân vùng trồng hành tím cũng như xây dựng khung lịch thời vụ thích hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hành tím của thị trường trong nước và xuất khẩu. Ảnh: THÚY LIỄU

Ngành nông nghiệp luôn đồng hành với nông dân

Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai nhiều mô hình để hỗ trợ cho người dân sản xuất, như: sản xuất hành tím an toàn theo hướng hữu cơ, sinh học; sản xuất hành tím theo tiêu chuẩn VietGAP… với diện tích hơn 126ha tại các xã, phường trên địa bàn TX. Vĩnh Châu. Sau thời gian triển khai nhận thấy, hành tím có màu sắc đẹp, củ hành to, độ lớn đồng đều, thời gian bảo quản hành lâu hơn so sản xuất truyền thống, hành đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên diện tích mô hình đã tăng lên trên 1.000ha. Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng đã triển khai 14 nhà lưới trồng hành tím trên diện tích 0,7ha, cùng với đó hỗ trợ 85.000 tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm hành tím cho các hợp tác xã (HTX) của Vĩnh Châu và hỗ trợ thành lập 27 tổ hợp tác (THT), 2 HTX sản xuất và tiêu thụ hành tím. Ngoài ra, ngành nông nghiệp còn hỗ trợ hộ sản xuất hành giới thiệu, quảng bá hình ảnh hành tím Vĩnh Châu tại các cuộc hội chợ, hội thảo trong và ngoài tỉnh, kể cả các lần xúc tiến thương mại ở nước ngoài…

Giải pháp trong khâu sản xuất và tiêu thụ hành tím

Ngành nông nghiệp đã có cuộc họp bàn cùng một số sở, ban ngành liên quan và ngành Nông nghiệp TX. Vĩnh Châu để tìm hướng đi tốt nhất cho củ hành tím trong những vụ mùa tiếp theo. Phó trưởng Phòng Kinh tế TX. Vĩnh Châu Nguyễn Minh Chí chia sẻ: “Hành tím Vĩnh Châu có diện tích hơn 6.600ha/năm. Thường vào đầu vụ (hành sớm), hành có giá cao khoảng 55.000 đồng/kg thì hiện tại giá hành giảm xuống chỉ còn 7.000 - 15.000 đồng/kg (hành chính vụ) và hiện nay, số lượng hành tím tồn đọng trong dân còn lớn vẫn được các ngành hỗ trợ thu mua tiêu thụ. Do đó, để giải bài toán tiêu thụ hành tím khi thị trường biến động khó tiêu thụ, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các nước nhập khẩu hành ngưng thu mua và sức tiêu thụ hành trong nước giảm, tôi đề xuất ngành nông nghiệp tỉnh nghiên cứu giảm diện tích hành mùa, tăng diện tích hành sớm, hành giống và xây dựng mô hình sản xuất gắn liên kết tiêu thụ. Đồng thời, tiến hành hỗ trợ các THT, HTX sản xuất hành từ việc bán củ hành tươi sang chế biến, như: hành tím bóc vỏ hút chân không, hành phi, nước ép hành… cùng với đó là liên kết doanh nghiệp đưa vào các cửa hàng, siêu thị”.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Phan Thanh Chiến cho rằng: “Hành tím là loại gia vị nên người tiêu dùng chỉ sử dụng số lượng vừa phải. Do đó, ngành nông nghiệp cần cân đối mùa vụ sản xuất hành, áp dụng các công nghệ bảo quản sau thu hoạch và khâu quan trọng nữa là phải tìm doanh nghiệp liên kết tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt là phải kêu gọi được các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu hành tím đến những nước có nhu cầu sử dụng hành nhiều”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Ngọc Nhã cho biết: “Vấn đề hành tím khó tiêu thụ cũng có nhiều nguyên nhân nhưng đứng về góc độ chuyên môn, để hành tím sản xuất, tiêu thụ tốt trên thị trường, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiến hành việc phân vùng sản xuất hành phù hợp theo nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, xây dựng lịch thời vụ trồng hành phù hợp từng khu vực quy hoạch kèm các khuyến cáo ngay đầu vụ; nghiên cứu kéo dài thời gian bảo quản; gia tăng giá trị củ hành thông qua việc chế biến đa dạng các sản phẩm. Bên cạnh đó, phát triển thêm các THT, HTX hành tím; hỗ trợ các HTX hành tím xây dựng nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc; tăng cường xúc tiến thương mại...”.

THÚY LIỄU

Vĩnh Long: Bình Tân bàn cách giúp nông dân tiêu thụ khoai lang

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Giá thấp, nhiều chủ ruộng khoai không thu hoạch, “cho ai muốn lấy khoai thì xuống nhổ”.

Nông dân ở Bình Tân- vùng khoai lớn nhất tỉnh Vĩnh Long- như đang “ngồi trên đống lửa” khi hàng trăm héc ta khoai lang đã “tới lứa phải thu hoạch” vẫn còn neo trên đồng, bởi giá xuống thấp và thương lái không mua.

Trước tình hình đó, ngày 27/5/2021, UBND huyện Bình Tân đã có cuộc họp với các ban ngành đoàn thể bàn cách giúp nông dân tiêu thụ khoai lang.

Theo UBND huyện Bình Tân, khoảng 1 tháng nay, giá khoai lang xuống rất thấp khiến người nông dân khó thu hồi vốn. Nhưng khoảng 1 tuần nay, khoai lang không bán được do thương lái không mua. Khoai lang Bình Tân chủ yếu là khoai tím Nhật xuất khẩu qua Trung Quốc.

Bà Võ Ngọc Thơ- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện cho biết hiện diện tích đến thời điểm thu hoạch khoai còn nằm trên đồng là 850ha, với sản lượng khoảng 32.000 tấn, tập trung ở các xã Tân Thành, Tân Hưng, Thành Trung, Tân Bình và Tân Lược.

Hiện giá mua khoai tím Nhật tại ruộng là 40.000 đ/tạ. Với mức giá này, nông dân chắc chắn lỗ nhưng vẫn chấp nhận dỡ khoai để chuẩn bị vụ mùa mới.

Tuy nhiên, do dịch COVID-19, hiện mỗi ngày tiêu thụ không đáng kể, chỉ 1 container (30 tấn, bình thường là 20- 30 container/ngày), lượng khoai ứ đọng trên ruộng rất lớn. Tình trạng neo kéo dài sẽ giảm chất lượng khoai, cũng như ảnh hưởng cơ cấu mùa vụ Thu Đông sắp tới.

Ông Nguyễn Hoàng Anh- Chủ tịch UBND xã Tân Thành- rất trăn trở vì hiện nay hơn 300ha khoai lang đã tới lứa thu hoạch nhưng “nông dân bán không được, dỡ khoai bán giá thấp cũng không bù được chi phí tiền công thu hoạch, do đó nhiều hộ có ý định trục bỏ”.

Để giải quyết vấn đề tiêu thụ giúp nông dân, lãnh đạo xã tăng cường kết nối các tổ chức từ thiện, doanh nghiệp, công ty… hỗ trợ giúp nông dân bán khoai.

Bên cạnh, vận động người dân thu hoạch khoai mới làm vụ lúa, UBND xã “đang tiếp nhận rất nhiều đoàn trong và ngoài tỉnh đến hỗ trợ mua khoai của nông dân.

Hiện đơn vị “Nối vòng tay lớn” đang test mẫu, họ có thể tiêu thụ 100 tấn/tuần cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh và Campuchia”- ông Nguyễn Hoàng Anh nói.

Với giá khoai hiện tại, nhiều nông dân cho biết lỗ khoảng 15 triệu/công, nếu thuê đất thì lỗ đến 20 triệu đồng/công. Lãnh đạo UBND xã Tân Hưng cho biết khoảng 250ha khoai lang ở xã đến thời điểm thu hoạch cũng trong tình cảnh “không bán được”.

Do đó, xã đang liên hệ với các doanh nghiệp trong tỉnh, Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh… hỗ trợ nông dân tiêu thụ khoai lang.

Tại buổi họp này, đại diện Hội Nông dân, Huyện Đoàn, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ… cũng đề xuất giải pháp như mở các điểm bán lẻ khoai lang; liên kết với các vựa khoai, hợp tác xã, doanh nghiệp thu mua để thu hoạch, lựa chọn, đóng gói khoai để thuận lợi cho các đơn vị đến Bình Tân mua khoai.

Đồng thời, cũng đề xuất UBND huyện cần thống nhất mức giá “giải cứu” phù hợp để thông báo cho các đơn vị thu mua…

Tham dự cuộc họp và phát biểu chỉ đạo, đồng chí Lê Minh Đức- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bình Tân- cho rằng trước mắt cần có những giải pháp hỗ trợ cho bà con trong thời điểm khó khăn này, như ra các chợ, tổ chức nhiều điểm bán lẻ, tăng cường kết nối các kênh bán hàng… để giúp nông dân tiêu thụ khoai lang.

Đối với diện tích khoai lang đã tới thu hoạch, cần động viên bà con dỡ khoai và UBND xã, các đoàn thể cùng nhảy vào “giải cứu” khoai lang.

Bí thư Huyện ủy giao UBND huyện sớm có văn bản cụ thể liên hệ các các đối tác, doanh nghiệp, tổ chức từ thiện… định mức giá chung và làm đầu mối để các đơn vị liên hệ mua khoai. Đồng thời, đảm bảo quy trình thu gom, lựa chọn, đóng gói… đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Bí thư Huyện ủy Bình Tân cũng cho rằng cần khuyến cáo người dân hạn chế tối đa xuống giống khoai vụ mới. Thời gian tới, “huyện sẽ có hội thảo về vấn đề sản xuất- tiêu thụ khoai lang, sản xuất phải theo hướng sạch, hữu cơ, làm sao để đưa sản phẩm khoai lang Bình Tân vào xuất khẩu chính ngạch”- đồng chí nói.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC

Vụ đông xuân ở phía Bắc đạt kỷ lục về năng suất và sản lượng

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết sản xuất vụ đông xuân 2020-2021, triển khai kế hoạch vụ hè thu, vụ mùa và định hướng vụ đông 2021 tại các tỉnh phía Bắc, do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 28-5, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, vụ đông xuân 2020-2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Nhờ đó, vụ sản xuất này đã thắng lợi kỷ lục về năng suất, sản lượng, giá trị; lợi nhuận tăng do diện tích giống lúa chất lượng được mở rộng và chi phí sản xuất giảm.

Thu hoạch lúa vụ đông xuân tại huyện Thường Tín (Hà Nội). Ảnh: Tô Quý

Theo Cục Trồng trọt, tổng diện tích gieo cấy vụ đông xuân 2020-2021 là 1,086 triệu héc ta, giảm khoảng 12.000ha so với vụ đông xuân 2019-2020. Diện tích gieo cấy giảm do chuyển đổi sang các loại cây rau màu và mục đích phi nông nghiệp. Năng suất lúa vụ đông xuân ước đạt khoảng 63,6 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước. Sản lượng lúa toàn miền Bắc vụ đông xuân 2020-2021 ước đạt 6,9 triệu tấn, tăng khoảng 34.000 tấn.

Theo Cục Trồng trọt, từ nay đến cuối vụ, các địa phương ở miền Bắc cần tăng cường điều tra, dự tính, dự báo, phát hiện chính xác, kịp thời các đối tượng sâu, bệnh hại cuối vụ, đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo nông dân về kỹ thuật, biện pháp phòng trừ hữu hiệu cho từng đối tượng sâu, bệnh cuối vụ theo hướng dẫn của ngành Bảo vệ thực vật.

Với diện tích lúa đã chín, các địa phương huy động tối đa máy móc, phương tiện, nhân lực để thu hoạch nhanh gọn theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng", thu hoạch đến đâu làm đất đến đó; triển khai gieo cấy lúa hè thu và lúa mùa đúng lịch thời vụ theo phương án đã được xây dựng, đồng thời tạo quỹ đất cho sản xuất cây vụ đông ưa ấm.

PV

Nông dân miền Trung cấp bách bảo vệ đàn gia súc

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Theo Bộ NN-PTNT, tính đến ngày 25-5, cả nước có trên 2.300 xã của 32 tỉnh, thành phố xảy ra dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò với trên 60.000 gia súc bị bệnh, trên 9.500 con bị chết. Tại khu vực miền Trung, dịch bệnh này xảy ra ở các tỉnh Bắc Trung bộ và đến nay lan rộng đến các tỉnh Nam Trung bộ, khiến người dân phải tìm đủ cách để bảo vệ đàn gia súc.

Cán bộ thú y tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn bò ở xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Ảnh: NGỌC OAI

Ngày 28-5, theo thống kê của ngành thú y các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, tổng trâu bò các địa phương bị bệnh viêm da nổi cục là gần 7.000 con/206 xã, phường, huyện, thị; ước tính tổng thiệt hại ban đầu là gần 8 tỷ đồng. Tình hình dịch bệnh tại các tỉnh này hiện vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát, đang tiếp tục lây lan với tốc độ khá nhanh. Tại tỉnh Bình Định, ngành thú y phát hiện ổ dịch đầu tiên vào cuối tháng 4-2021 tại thôn Phú Trung, xã Cát Thành (huyện Phù Cát), sau đó lan rộng ra 117 thôn/37 xã/5 huyện, thị xã với 1.826 trâu, bò mắc bệnh.

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP tại các vùng chăn nuôi trâu, bò các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Ân (Bình Định), khắp nơi người dân chạy đôn chạy đáo để bảo vệ gia súc của mình. Huyện Hoài Ân có tổng đàn bò trên 22.000 con, đang tự vận động kinh phí, thần tốc tổ chức tiêm vaccine cho tất cả đàn bò. Trong buổi sáng 27 và 28-5, xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân) đã tổ chức tiêm vaccine đồng loạt 750/1.400 con bò toàn xã.

Hơn 1 tuần trước, trong đàn bò của gia đình ông Trần Văn An (45 tuổi, xóm Đồng Trạng, thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân) xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên 1 con bê. Mặc dù tích cực chăm sóc, chạy chữa, nhưng vài ngày sau con bê chết. Phát hiện sự việc, cán bộ thú y địa phương đã tổ chức tiêm phòng, sát khuẩn khu vực chăn nuôi của hộ ông An. Tuy nhiên, hiện dịch bệnh đã lây lan sang một số hộ khác trong xóm Đồng Trạng và các xã Ân Tường Tây, Ân Mỹ và khu vực lân cận. Tại xóm Đồng Trạng, nhiều hộ dân tỏ ra vô cùng lo lắng khi đàn trâu, bò mắc bệnh. Bên cạnh tiêm phòng, một số hộ chăn nuôi quy mô lớn còn tổ chức vệ sinh đồng loạt cho gia súc và tăng cường tẩm bổ để đàn gia súc có sức đề kháng vượt qua bệnh.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây (Hoài Ân) Võ Trọng Thu cho biết, trước mắt, UBND xã đang huy động cán bộ thú y đến tận nhà của bà con để kêu gọi tiêm phòng hết cho gia súc. UBND tổ chức tiêm phòng theo kiểu khoanh vùng từ ngoài vào trong, làm sao tiêm phòng toàn diện trên đàn trâu, bò.

Tương tự, tại tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, người dân cũng đang lao đao khi đàn gia súc liên tục mắc bệnh và lây lan rất phức tạp. Theo ngành thú y Quảng Ngãi, yếu tố thời tiết thất thường, nắng nóng cũng là nguyên nhân gây ra nhiều khó khăn cho quá trình dập dịch, điều trị bệnh cho trâu, bò của người dân. Hiện, Quảng Ngãi đã mua 55.000 liều vaccine để triển khai tiêm phòng bao vây, khống chế dịch. Tuy nhiên, trong kế hoạch của Bộ NN-PTNT, địa phương này mới chỉ tiêm phòng đạt 16% so với chỉ tiêu của Bộ NN-PTNT giao cho.

Sau khi xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, ngành nông nghiệp Quảng Nam đã vào cuộc và xác định nguyên nhân dịch lây lan do các cơ sở chăn nuôi thuộc những đơn vị sản xuất, mua bán giống vật nuôi không đảm bảo theo quy định của Luật Chăn nuôi. Để bảo vệ hơn 231.000 gia súc của tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt kế hoạch mua hóa chất, vaccine phòng dịch với kinh phí trên 1,37 tỷ đồng. “Hiện, chúng tôi đã phân bổ về địa phương 15.000 liều vaccine để các huyện tập trung phòng chống, bao vây, khống chế dịch…”, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam Ngô Tấn cho hay.

Tồn đọng hơn 1 triệu liều vaccine bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò

Tại hội nghị trực tuyến ngày 27-5 về tình trạng 32 tỉnh, thành phố xuất hiện bệnh lạ (viêm da nổi cục trên trâu bò), ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, các doanh nghiệp đã nhập về 2,78 triệu liều vaccine cho trâu bò, nhưng đến nay mới có 30 tỉnh, thành phố triển khai tiêm khoảng 1,5 triệu liều vaccine. Ông Nguyễn Văn Bách, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh thuốc thú y Amavet - một trong 3 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu vaccine viêm da nổi cục, cho rằng, sau khi tiêm 21 ngày, vaccine mới phát huy hiệu quả, nên càng chậm, dịch càng lan rộng. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến kêu gọi các địa phương tiêm vaccine bệnh lạ cho trâu, bò do thời tiết đang tạo điều kiện cho các sinh vật trung gian phát triển.

NGỌC OAI - NGUYỄN CƯỜNG - VĂN PHÚC

Kinh tế vững nhờ nuôi gà

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Trong những năm qua, các hộ dân trên địa bàn xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước) đã có nguồn thu ổn định từ nuôi gà ta thả vườn. Với đặc điểm dễ nuôi, không mất nhiều chi phí đầu tư, ít tốn công chăm sóc…, hộ ông Đoàn Văn Kể, ấp Sóc Ruộng, xã Tân Hưng đang “sống khỏe” từ nuôi gà ta thả vườn.

Nhờ chịu khó học hỏi từ các mô hình chăn nuôi, năm 2016, gia đình ông Đoàn Văn Kể nuôi giống gà ta thả vườn. Tận dụng vườn rộng rãi, vốn đầu tư chuồng trại lại không cao, chủ yếu dùng các vật liệu như lưới thép B40, gạch chỉ xây chân tường, tre, gỗ tạp quanh vườn, bạt việc nuôi gà vẫn bảo đảm giữ nhiệt độ thích hợp, hạn chế tối đa dịch bệnh. Bên cạnh đó, nuôi gà không tốn nhiều công chăm sóc; thức ăn chủ yếu là lúa, bắp, rau xanh. Ngoài ra còn tận dụng được nguồn phân bón cho cây cao su, cam quýt của gia đình.

Đàn gà 1 tuần tuổi của thành viên hợp tác xã Nguyễn Văn Mạnh, ấp Sóc Ruộng, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản

Hiện tổng đàn gà của hộ ông có trên 1.500 con. Mỗi năm, gia đình ông nuôi 4-5 lứa, mỗi lứa từ 5-6 tháng, hằng năm xuất bán ra thị trường trên 10 ngàn con gà thịt, trung bình nặng 1,7-3kg/con… Với mức giá ổn định từ 85-95 ngàn đồng/kg, gia đình ông thu gần 400 triệu đồng/năm, đã trừ mọi chi phí. Thương lái thu mua sản phẩm của gia đình ông chủ yếu từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Xoài…

Ông Kể cho biết: Nếu làm tốt phòng dịch bệnh, tiêm vắc-xin đầy đủ, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ thoáng mát, làm sàn thì hao hụt ít, 1.000 con chỉ hao 15-20 con.

Còn ông Nguyễn Văn Mạnh ở cùng ấp Sóc Ruộng, năm 2019 tham gia vào hợp tác xã, được đi tham quan các buổi học tập chăn nuôi ở nhiều nơi. Sau đó, gia đình ông Mạnh vay vốn phát triển chăn nuôi gà trang trại. Theo ông Mạnh, vấn đề con giống là yếu tố quyết định gia đình thường chọn gà giống đảm bảo nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt, ông đã liên kết với thương lái bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường.

Ông Mạnh cho biết, nuôi gà không khó, quan trọng là phải thường xuyên kiểm tra, tiêm ngừa đầy đủ cho gà để phòng, chống bệnh như: Thương hàn, dịch tả, tụ huyết trùng và không cho gà tiếp xúc với mầm bệnh bên ngoài. Sau mỗi đợt xuất chuồng, phải vệ sinh chuồng và rải vôi bột khử trùng, sau khoảng 15 ngày ông mới thả gà cho vụ nuôi kế tiếp. Qua hạch toán, trung bình mỗi năm gia đình ông nuôi 4 lứa quy mô 1.500 con/lứa, giá bán trung bình từ 45-55 ngàn đồng/kg. Mỗi lứa ông thu từ 40-45 triệu đồng đã trừ chi phí.

Từ nuôi gà thả vườn và gà trại đã có nhiều hộ vươn lên làm giàu, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Qua đó, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Ông Lê Xuân Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Tân Hưng, huyện Hớn Quản nói: Hiện hợp tác xã có 18 thành viên và đều nắm chắc được phương thức chăn nuôi nên ổn định. Tuy nhiên, hợp tác xã gặp một số khó khăn về vốn, đầu ra sản phẩm. Hợp tác xã mới thành lập, đa số hộ chăn nuôi tự bỏ vốn và có Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ vay vốn từ 50-70 triệu đồng để phát triển kinh tế.

Phát triển chăn nuôi ở xã Tân Hưng đã góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao. Từ đó, giúp người nông dân đổi mới cách nghĩ, cách làm, sáng tạo trong vận dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao mức sống.

Lê Khương

Cả nước có hơn 1.400 ổ dịch viêm da nổi cục chưa qua 21 ngày

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Ngày 27-5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Cán bộ thú y kiểm tra trâu, bò bị viêm da nổi cục.

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 10-2020, đến ngày 23-5, dịch bệnh đã xảy ra tại 2.252 xã, thuộc 252 huyện của 32 tỉnh, thành phố, với tổng số 63.714 con gia súc mắc bệnh và 9.170 con gia súc chết và tiêu hủy.

Hiện nay, cả nước có 1.416 ổ dịch viêm da nổi cục chưa qua 21 ngày tại 199 huyện của 27 tỉnh, thành phố với 48.449 con gia súc mắc bệnh và 7.025 con gia súc chết và tiêu hủy.

Đến nay, có hai doanh nghiệp đã được Bộ NN&PTNT cho phép nhập khẩu 3 loại vắc xin phòng, chống bệnh viêm da nổi cục của 3 nhà sản xuất tại Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, số lượng là 4,12 triệu liều (bảo đảm đủ số lượng để tiêm phòng cho hơn 50% tổng đàn trâu, bò của Việt Nam).

Tính đến ngày 10-5, các doanh nghiệp đã nhập khẩu hơn 2,7 triệu liều; đã cung ứng hơn 2 triệu liều cho các địa phương và các doanh nghiệp chăn nuôi trâu, bò (bao gồm: 1,45 triệu liều cho 33 tỉnh, thành phố; hơn 555 nghìn liều cho 27 cơ sở chăn nuôi); các doanh nghiệp còn hơn 750 nghìn liều đang được bảo quản tại kho.

Dự kiến, thời gian tới, các doanh nghiệp tiếp tục nhập khẩu hơn 3 triệu liều, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, công tác phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò đang gặp nhiều khó khăn như: Nhiều địa phương chưa thực hiện công bố dịch theo quy định; chưa kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch dẫn đến tình trạng dịch bệnh lây lan, kéo dài. Nhiều địa phương chưa có kế hoạch, chưa kịp thời bố trí kinh phí hoặc có bố trí nhưng không đủ và chưa bảo đảm nguồn lực để tổ chức tiêm vắc xin viêm da nổi cục cho đàn gia súc ở các vùng có dịch, địa phương có nguy cơ cao.

Cùng với đó, chăn nuôi trâu, bò phần lớn còn nhỏ lẻ, thả rông; ý thức phòng, chống dịch bệnh của một số người chăn nuôi gia súc chưa cao, không chấp hành và không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan thú y...

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, các địa phương cần có kế hoạch và bố trí kinh phí để tổ chức phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục, bao gồm kinh phí mua vắc xin để tiêm phòng, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu hơn 80% số gia súc thuộc diện tiêm.

Các địa phương cần tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng; hướng dẫn người chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch; tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc; tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc...

NGỌC QUỲNH

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop