Tin nông nghiệp ngày 01 tháng 07 năm 2017

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 01 tháng 07 năm 2017

Phát hiện giống chôm chôm mới cực ngon tại Bến Tre

 

Nguồn tin: Sài Gòn giải phóng

 

Một nông dân trong huyện Chợ Lách (Bến Tre) vừa trồng thành công một giống chôm chôm mới rất ngon.

 

 

TS Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng NN-PTNT Chợ Lách khảo sát giống chôm chôm mới cho năng suất và chất lượng cao

 

Trưa 29-6, tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho biết: “Một nông dân trong huyện vừa phát hiện ra giống chôm chôm mới rất ngon. Chôm chôm này trái to hơn chôm chôm java, có râu ngắn, chớp màu xanh nhạt, khi chín vỏ đỏ, cơm dầy, hạt nhỏ, ăn rất ngọt và dòn… So sánh về chất lượng, giống chôm chôm mới này ăn ngon hơn chôm chôm java, chôm chôm đường và cả chôm chôm Thái".

 

Giống chôm chôm mới này có nguồn gốc từ một giống chôm chôm nội địa, nhưng qua quá trình hột phân ly đã tạo ra một giống mới và sau đó được ông Tiến Cường ở xã Long Thới nhân ra trồng thành công.

 

Ông Dương Văn Lợi, ngụ ấp Phụng Châu, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách (người đang trồng giống chôm chôm mới này nhiều nhất huyện) tiết lộ: “Cách nay khoảng 4 năm, tình cờ tôi nghe tin ở nhà ông Tiến Cường (xã Long Thới) có 1 cây chôm chôm giống mới, ăn rất ngon nên tôi liền tới mua giống về nhân ra trồng ở khu vườn rộng 4 công. Năm 2016, giống chôm chôm này cho trái mùa đầu tiên nhưng chưa nhiều; đến năm 2017 chôm chôm đã cho trái sai, năng suất ước từ 30-35 tấn/ha. Đặc biệt là trái chín có màu rất đẹp, chất lượng tuyệt hảo”.

 

Theo tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, do ông Dương Văn Lợi là người trồng giống chôm chôm mới này nhiều nhất huyện, nên Phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách hỗ trợ thủ tục để ông Lợi đến Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre đăng ký “vườn cây đầu dòng”. Song song đó, mời các ngành chức năng của tỉnh, các nhà khoa học ở các viện, trường đại học… về đây khảo sát thực tế, thẩm định chất lượng; từ đó có cơ sở nhân rộng loại giống mới tuyệt ngon này. Dự kiến, đặt tên cho giống chôm chôm mới này là “Chôm chôm Cái Mơn - RACA”.

 

Hiện toàn huyện Chợ Lách có hơn 4.200 ha chôm chôm, trong đó khoảng 1.600 ha chôm chôm java đã già cỗi, năng suất thấp, chất lượng không cao… cần loại bỏ. Với việc phát hiện giống chôm chôm mới, sẽ là cơ hội tốt để huyện Chợ Lách chuyển đổi giống cũ sang giống mới hiệu quả cao.

 

 

Giống chôm chôm mới vừa được phát hiện ở huyện Chợ Lách rất ngon

 

Ngọc Dân

 

Xuất khẩu 3,5 tấn xoài của Sơn La lần đầu tiên sang Australia

 

Nguồn tin: Hà Nội mới

 

Chiều 28-6, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp với Trung tâm chiếu xạ Hà Nội (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) tổ chức chiếu xạ 3,5 tấn xoài tượng da xanh của tỉnh Sơn La xuất khẩu lần đầu tiên sang thị trường Australia theo đường biển. Đây là giống xoài được đánh giá rất tốt bởi xoài trồng tại Sơn La có chất lượng giòn, thơm ngon đặc trưng, rất phù hợp với thị hiếu ăn tươi hoặc chế biến tại Australia.

 

 

Để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Australia, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu (Cục Bảo vệ thực vật) đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sơn La tập huấn cho nông dân, lập hồ sơ và tiến hành cấp mã số cho 2 vùng trồng tại bản Văn Lùng, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu và bản Noong Xôm, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn để Công ty TNHH Agricare Việt Nam thu mua lần đầu khoảng 3,5 tấn xoài có trọng lượng từ 450gram/quả đến 650gram/quả với giá 22.000 đồng/kg, trong khi giá thị trường tự do đang bán là 16.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân trồng xoài đã được lãi cao hơn từ 15-20%.

 

Ngọc Quỳnh

 

Liên kết chuỗi sản xuất thanh long

 

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

 

Tháng 8/2016, Liên minh hợp tác xã (HTX) tỉnh Bình Thuận xây dựng 2 chuỗi thanh long bước đầu đã mở ra hướng đi tích cực sản xuất gắn kết với kinh doanh - tiêu thụ cho người trồng thanh long trên địa bàn tỉnh khi tham gia chuỗi giá trị.

 

 

Thăm vùng thanh long xã Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc).

 

Chuỗi giá trị

 

Chuỗi thứ nhất gồm Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh, UBND xã Hàm Liêm, Liên hiệp HTX Dịch vụ sản xuất thanh long Bình Thuận, 9 HTX thành viên - nông dân là thành viên của HTX. Chuỗi thứ 2 gồm Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh, UBND xã Hàm Thạnh, Liên hiệp HTX Chế biến và xuất khẩu thanh long Bình Thuận, 5 HTX thành viên – nông dân là thành viên HTX. Ông Nguyễn Phú Hoàng - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: 2 chuỗi sản phẩm thanh long thành lập mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm thanh long, tạo chu trình khép kín trong sản xuất, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu thanh long thông qua các Liên hiệp HTX thanh long làm đầu mối và nòng cốt, khuyến khích tiêu thụ nông sản bằng hợp đồng có định hướng để mở ra hướng đi tích cực.

 

Thực hiện chuỗi thanh long, trong năm 2016, đoàn công tác của tỉnh, các sở ngành và Liên hiệp HTX thanh long đi khảo sát và kết nối cung tiêu thụ sản phẩm thanh long tại các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Hà Giang và Hà Nội. Qua đó, giúp Liên hiệp HTX thanh long Bình Thuận liên kết và ký hợp đồng kinh tế với các đối tác lớn. Tổ chức cho các HTX và liên hiệp HTX tham gia ngày giới thiệu sản phẩm HTX miền Nam tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và tại Bình Thuận… Liên hiệp HTX Dịch vụ sản xuất thanh long Bình Thuận đã ký một số hợp đồng kinh tế với các công ty phân bón như Nam Ngọc, Sông Gianh… để cung ứng sản phẩm đầu vào cho các HTX thành viên và nông dân là thành viên của HTX với sản lượng 140.000 kg phân bón các loại. Đồng thời, ký kết với một số công ty trong nước như: Công ty Gia Phú, Công ty Vineco tiêu thụ 25 tấn/tháng để giải quyết đầu ra cho thanh long.

 

Thách thức

 

Trong 2 năm gần đây, khi tình hình xuất khẩu thanh long gặp nhiều khó khăn, giá cả lên xuống thất thường, đặc biệt là bị Trung Quốc và các cơ sở thu mua ép giá thì xu hướng hợp tác, thành lập các HTX và liên hiệp HTX để liên kết sản xuất và tìm thị trường đầu ra cho các thành viên HTX là tất yếu. Các HTX thành lập và tham gia vào liên hiệp HTX thanh long tạo thành chuỗi cung ứng tập trung với quy mô và sản lượng lớn, sản xuất theo quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP và tìm kiếm các thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt thị trường châu Âu. Tuy nhiên, khó khăn do thị trường đầu ra cho quả thanh long chưa ổn định, chủ yếu các thành viên vẫn bán cho thương lái xuất đi Trung Quốc. 2 liên hiệp HTX thanh long mới thành lập đang trong quá trình hoàn thiện và củng cố tổ chức, đang tìm kiếm thị trường xuất hàng đi với tính chất tìm hiểu thị trường. Nguyên nhân, do nhận thức của những hộ sản xuất thanh long còn hạn chế; các HTX thanh long thiếu vốn, quy mô còn nhỏ, tính liên kết còn yếu, đa số HTX chưa có nhà đóng gói. Các chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể của tỉnh vẫn chưa nhiều. Các HTX phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong khi tiềm năng kinh tế và những điều kiện khác của HTX còn non yếu.

 

Ông Hoàng cho biết thêm: “Thời gian tới Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động thành lập HTX vệ tinh tham gia liên hiệp HTX nhằm thực hiện các khâu từ sản xuất cung cấp thanh long, đóng gói để thu hút nhiều nông dân tham gia. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và hỗ trợ các HTX tìm kiếm thị trường…”.

 

Toàn tỉnh hiện có 14 HTX và 2 liên hiệp HTX thanh long với 251 thành viên tham gia, diện tích 1.548 ha, sản lượng ước tính 38.269 tấn.

 

Thanh Duyện

 

Loài 'cây rồng' chống hạn cho thu nhập cao ở Anh Sơn

 

Nguồn tin: Báo Nghệ An

 

Nhiều hộ dân vùng cao xứ Nghệ vẫn cho rằng, thanh long ruột đỏ là "loài cây rồng" vì khả năng chống chọi với nắng hạn và điều kiện thời tiết ở miền Tây Nghệ An.

 

 

Vườn thanh long ruột đỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Bình ở thôn 1, xã Hoa Sơn. Ảnh: Huyền Trang

 

Vì khả năng chịu đựng, thích nghi với môi trường và địa hình miền núi nên những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Anh Sơn đã tiến hành trồng thử nghiệm giống thanh long ruột đỏ. So với các giống thanh long khác, thanh long ruột đỏ có trọng lượng, chất lượng và giá cả cao hơn.

 

Gia đình ông Nguyễn Văn Bình ở thôn 1 là một trong những hộ đầu tiên ở Hoa Sơn trồng cây thanh long ruột đỏ theo quy mô lớn. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn ông Bình cho biết: Năm 2007, vợ chồng ông đã vào tận tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu để tham quan, học hỏi những mô hình trồng thanh long cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Qua tìm hiểu, ông được biết giống thanh long ruột đỏ xuất xứ Thái Lan có năng suất và chất lượng cao hơn giống thanh long ruột trắng, mỗi năm cho thu 7-8 lứa quả. Ông Bình đã đưa 40 hom giống thanh long ruột đỏ về trồng trên 3 sào vườn nhà mình. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên chỉ sau 2 năm, thanh long cho thu hoạch, quả to, sai và rất ngọt…

 

 

Vườn thanh long năm thứ 2 của gia đình ông Nguyễn Văn Thủy, xã Hoa Sơn đã bắt đầu cho thu hoạch. Ảnh: Huyền Trang

 

Hiện nay ông Bình đã nhân giống lên 200 trụ thanh long ruột đỏ cho thu nhập bình quân mỗi vụ 30 triệu đồng. Ông Bình chia sẻ kinh nghiệm: Thanh long là loại cây dễ trồng tuy nhiên nên để ý khơi thông nước, tránh tù đọng khi xảy ra mưa to, mưa nhiều; vào mùa nóng, hạn cần tưới nước phù hợp, dùng cỏ hoặc rơm để ủ giữ ẩm gốc cây. Nên tỉa cành sao cho tán cây tỏa đều, thanh long mới mang lại năng suất chất lượng cao.

 

Cách đó không xa là vườn thanh long ruột đỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Thủy ở thôn 5, xã Hoa Sơn cũng đang đơm hoa, đậu quả sai trĩu.

 

Trò chuyện với chúng tôi ông Thủy cho hay: Thực hiện chủ trương cải tạo vườn tạp thành vườn cây ăn quả ông đã mạnh dạn đầu tư trồng thanh long ruột đỏ. Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm nên tỷ lệ đậu quả kém, Không nản lòng, ông tiếp tục tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc thanh long. Cây đã không phụ công người, hơn 70 trụ thanh long bắt đầu “đẻ” ra tiền. Ngoài trồng thanh long, ông còn cải tạo một phần vườn tạp để duy trì các loại cây truyền thống như: bưởi, táo, vũ sữa... để tăng thêm thu nhập của gia đình.

 

 

Chất đất và khí hậu phù hợp do đó năng suất chất lượng của thanh long đỏ trồng ở Anh Sơn không thua kém những nơi khác. Ảnh: Huyền Trang

 

Theo kinh nghiệm của những người trồng thanh long nơi đây cho hay: Ưu điểm của cây thanh long ruột đỏ là dễ chăm sóc, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, muốn thanh long năng suất cao cũng đòi hỏi người trồng phải am hiểu kỹ thuật, nhất là về giống, phân bón, tưới nước cũng như cách xử lý cho cây ra hoa quanh năm. Trong quá trình chăm sóc, người trồng phải thường xuyên tỉa cành, tạo tán.

 

Thanh long được chăm bón bằng phân hữu cơ thì chất lượng quả cũng đậm đà hơn. Để cây có chỗ bám và phát triển tốt cần xây hoặc đổ trụ bê tông cao khoảng 2m, khoảng cách giữa các trụ từ 1,5 - 2m. Khi trồng, đắp mô đất cao 20 cm, dùng dây buộc giữ gốc để cây không bị đổ. Cây thanh long càng lâu năm tuổi thì khả năng cho năng suất quả càng cao. Thanh long ruột đỏ là cây trồng lâu năm, khoảng 10 - 15 năm sau mới phải trồng lại, là giống cây không kén đất, không đòi hỏi nhiều nước. Trung bình mỗi năm, một sào thanh long cho thu nhập từ 8-10 triệu đồng.

 

Hiện nay, toàn xã Hoa Sơn có 3 ha diện tích trồng thanh long đỏ với trên 15 hộ tham gia chủ yếu trồng trong đất vườn. Thanh long ruột đỏ đã và đang khẳng định là loại cây chịu hạn cho hiệu quả kinh tế cao, chính quyền và địa phương nơi đât đang tập trung nhân rộng mô hình./.

 

Huyền Trang

 

Phú Yên: Mùa khóm Đồng Dinh

 

Nguồn tin: Báo Phú Yên

 

 

Chợ xổm mua bán khóm Đồng Dinh - Ảnh: Hoài Nam

 

Vùng trồng khóm Đồng Dinh rộng gần 500ha trải dài qua 3 xã Hòa Định Tây, Hòa Quang Nam, Hòa Quang Bắc và thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên). Khóm ở đây trồng trên rẫy cao, thu hoạch quanh năm.

 

Tấp nập mua khóm

 

Sáng sớm, ông Huỳnh Văn Hương ở xã Hòa Định Tây, lên rẫy cao bẻ khóm chín rồi gùi lại chỗ gốc cây có mắc ròng rọc để đưa khóm xuống rẫy bằng đường dây cáp. Ông Hương cho hay: Trước đây, mỗi lần thu hoạch khóm, người dân vác bao khóm nặng trên 50kg từ trên rẫy cao xuống dốc đứng toàn đá dăm. Khi xuống đến nơi rồi leo ngược lên dốc cao dưới cái nắng chói chang nên mệt bã người. Gần đây, người dân “độ” cái ròng rọc, căng dây cáp rồi treo bao tải khóm vào dây cáp thả ròng rọc từ đỉnh “sổ dốc” xuống chân rẫy. Thường “già” nửa buổi, người dân đưa khóm xuống rẫy xong rồi chất khóm vào trong cái giỏ cần xé chở ra bán cho thương lái.

 

Dọc theo con đường dưới chân rẫy khóm ở đầu đường, nhiều người chở khóm tấp vào bên đường để bán. Thương lái đến đây mua khóm ai cũng “sắm” riêng cho mình một chợ xổm để mua khóm. Mỗi chợ xổm họp có 9-10 người bán khóm. Tại chợ xổm, chủ khóm lựa khóm trong giỏ cần xé ra phân 3 loại: trái lớn, trái trung và trái đẹt (trái nhỏ). Khóm không cân ký mà đếm chục “có đầu” (12 trái) rồi bỏ vào trong túi ni lông bán với giá 100.000 đồng/chục (mỗi trái khóm nặng gần 1kg). Thương lái chỉ việc đếm túi ni lông rồi “tiền trao cháo múc”.

 

Ông Bùi Văn Long, đang lựa khóm cho hay: Một xe khóm thồ trong giỏ cần xé bán bỏ túi 1 triệu đồng, còn nếu chở theo kiểu “đèo bồng” (chất bao tải lên phía trên giỏ cần xé) thì được 1,5 triệu đồng. Khóm ở đây chủ yếu là khóm trái lớn, còn khóm đẹt rất ít. Đồng khóm Đồng Dinh rộng lớn nên thu hoạch gối vụ quanh năm (trừ những ngày mưa dầm tầm tả, nước suối lớn, người dân không vào được rẫy).

 

Bà Võ Thị Điệu, thương lái thu mua khóm ở đây cho hay, trước đây chủ khóm chở khóm về nhà để bán, nhưng 7 năm trở lại đây thương lái vào tận rẫy đón đầu tranh nhau mua, tìm chỗ có mặt bằng lập chợ xổm. Thương lái ai cũng có xe tải nên mua xong là chất lên xe chở đi tiêu thụ liền.

 

Mỗi ngày tiêu thụ hơn 50 tấn khóm

 

Vùng khóm Đồng Dinh chạy dọc theo con suối Cái, thương lái đón đầu mua qua 2 “khẩu”, một “khẩu” nằm ngay miệng suối Cái ra thị trấn Phú Hòa, còn một “khẩu” qua cánh xã Hòa Quang Bắc. Hàng ngày trên vùng khóm có 8 thương lái thu mua, mỗi lái mua gom khoảng 7 tấn khóm, tương đương 70 triệu đồng. Như vậy, mỗi ngày vùng khóm Đồng Dinh tiêu thụ trên 50 tấn khóm, thu vào trên nửa tỉ đồng. Khóm ở đây thương lái mua và bán ngoài tỉnh như Khánh Hòa, Ninh Thuận…

 

Ông Trần Tấn Anh, một người trồng khóm ở đây cho biết: Trung bình 1ha khóm mỗi năm thu 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lại 80 triệu đồng/ha. Vùng khóm Đồng Dinh có gần 200 hộ dân chuyên trồng khóm, hộ trồng nhiều trên 10ha, còn lại đa số mỗi hộ trồng 7-8ha. Thường trồng lứa khóm tơ thu hoạch mùa đầu, năm sau “ăn” đến khóm gốc, mỗi mùa cây “nhảy” ra 5-6 cây con quanh gốc; người trồng tách bỏ bớt chừa lại 3-4 cây con để “nuôi” cho ra trái, cứ vậy tiếp tục “ăn” lứa khóm gốc 5-7 năm.

 

Theo nhiều người trồng khóm, vùng này thu hoạch khóm chín cây nên khóm sắc nước, ngọt thanh. Chất đất và tiểu vùng khí hậu ở đây làm cho khóm Đồng Dinh có vị ngon nổi tiếng. Khóm Đồng Dinh trồng trên đất rẫy rất chịu hạn, đến nay vùng khóm này hình thành 18 năm. “Nhờ trồng khóm mà nhiều người xây được nhà lầu và mua cả xe tải. Tại thị trấn Phú Hòa, có xóm nhà chuyên trồng khóm, mấy năm qua tích lũy xây dựng nhà cửa khang trang, nhiều người quanh vùng gọi là xóm “biệt thự” từ khóm”, ông Phan Văn Sơn, một người trồng khóm ở Đồng Dinh, quê ở thị trấn Phú Hòa chia sẻ.

 

Ông Lê Ngọc Tính, Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, cho biết: Khóm Đồng Dinh là khóm sạch trồng theo hướng VietGAP. Khóm có vị ngọt thanh được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Tuy nhiên, hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất khóm ở đây còn hạn chế. Do vậy, UBND huyện khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vốn xây dựng đường, điện, hồ chứa nước để phát triển sản xuất khóm và đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng khóm.

 

Lê Trâm

 

Thái Nguyên: Nâng cao năng suất, chất lượng giống chè Trung du

 

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

 

Thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) có tổng diện tích chè trên 1.300 ha, sản lượng 15.000 tấn, giá trị sản phẩm bình quân đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm. Chè được trồng tại 12 xã, phường nhưng tập trung chủ yếu ở các xã như Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Quyết Thắng, Thịnh Đức, Phúc Hà.

 

Giống chè Trung du được đưa về trồng trên địa bàn thành phố Thái Nguyên từ năm 1922. Hiện nay, diện tích chè Trung du chiếm khoảng 50% tổng diện tích chè của thành phố, giống chè này đang giảm dần về diện tích và chất lượng.

 

Giống chè Trung du có thân cây khỏe, dễ chăm sóc, có khả năng chống chịu sâu bệnh, chịu được rét, chịu nóng tốt; tuổi cây cao... Sản phẩm trà có vị thơm, ngọt hậu, được nhiều người ưa chuộng. Bà Vũ Thị Gấm, xóm Dộc Lầy, xã Phúc Xuân cho biết, trong điều kiện nắng nóng như hiện nay, nhiều nương chè bị cháy táp lá rất mạnh, nhưng đối với nương chè giống Trung du thì tỷ lệ bị cháy lá thấp hơn rất nhiều so với các giống chè khác. Và đặc biệt vào vụ đông, khi những giống chè khác đang co ro, ẩn mình để chống chịu cái rét thì giống chè Trung du này vẫn vươn mầm, bật búp khỏe mạnh,... Như vậy, chứng tỏ giống chè Trung du trồng bằng hạt chịu nóng, chịu hạn và chịu rét rất tốt.

 

Tuy nhiên chè Trung du cho năng suất thấp, sản lượng không ổn định, do nhiều nguyên nhân: Người dân chăm sóc và canh tác thiên về khai thác, chưa chú trọng đầu tư thâm canh; Vườn chè bị mất khoảng do tuổi chè cao, sâu bệnh nhiều; Chè chưa được đốn, hái hợp lý và chăm sóc đúng kỹ thuật...

 

Trong khi đó, những năm gần đây, các dự án, mô hình của thành phố, của tỉnh triển khai các giống chè mới cho năng suất cao vào sản xuất; nên nhiều hộ dân đã chặt bỏ giống chè Trung du để trồng các giống chè mới.

 

Trước thực trạng đó, Trạm Khuyến nông thành phố Thái Nguyên đã xây dựng và triển khai Dự án Khoa học “Xây dựng mô hình cải tạo nương chè giống Trung du theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, bền vững tại vùng chè Tân Cương, thành phố Thái Nguyên”. Dự án được thực hiện từ tháng 2-2015 đến tháng 6-2017 tại 23 hộ dân các xã Tân Cương, Phúc Xuân và Phúc Trìu. Đây là những hộ có vườn chè giống Trung du trồng bằng hạt (đã trồng được từ 25-50 năm); với tổng quy mô 6 ha.

 

Dự án nhằm xây dựng thành công mô hình cải tạo chè Trung du năng suất thấp thành vườn chè Trung du cho thu nhập cao, từ đó nhân mô hình ra diện rộng. Biện pháp kỹ thuật chính trong chăm sóc cây chè Trung du đã bị thoái hóa là sử dụng các biện pháp đốn hái chè phù hợp với vườn cải tạo, hướng dẫn trồng cây cải tạo đất xung quanh vườn chè, trồng dặm giúp vườn chè đảm bảo mật độ không bị mất khoảng và sử dụng các loại phân bón phù hợp với việc cải tạo vườn chè theo hướng tăng năng suất và sản lượng như bón thêm các loại phân vi lượng, bón đủ lượng và đúng cách phân đạm, lân, kaly, bổ sung các loại phân bón qua lá...

 

 

Mô hình cải tạo nương chè giống Trung du tại thành phố Thái Nguyên

 

Gia đình ông Lê Quang Nghìn, là hộ sản xuất chè giỏi tại xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên. Gia đình ông trồng hơn 8.500 m2 chè, chủ yếu giống chè Trung du đã trồng trên 50 năm tuổi. Nương chè đã quá già cỗi, đang ở cuối chu kỳ khai thác; trước đây mỗi năm thu hoạch chỉ đạt tầm 90-95 kg chè khô/sào. Gia đình ông vẫn quyết giữ các nương chè giống Trung du này vì chất lượng tuyệt vời của nó. Theo ông Nghìn, bao năm qua giống chè Trung du Thái Nguyên đã làm nên thương hiệu chè cắm tăm với hương vị đậm đà, màu nước vàng sánh, ai đã uống quen thì không bao giờ muốn thay đổi.

 

Từ khi tham gia dự án, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn gia đình ông đa biết chăm sóc, sử dụng phân bón một chính xác, hợp lý. Ông Lê Quang Nghìn cho biết, khi chăm sóc hợp lý, cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao hơn. Sau khi cây chè được cải tạo, năng suất mỗi năm đạt 115-117 kg chè khô/sào. Hiện nay, sản phẩm trà đặc sản giống Trung du gia đình ông đang bán với giá trung bình từ 300.000 - 400.000 đồng/kg, trà tôm nõn bán giá 500.000 - 600.000 đồng/kg, được giá hơn so với các giống chè khác.

 

Thực tế tại mô hình diện tích chè cải tạo do được áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật như đốn, hái hợp lý, bón phân bằng phương pháp rạch hàng giữa các luống chè hoặc cuốc hố sâu từ 6-8 cm, trộn đều các loại phân để bón, sau đó lấp kín đất nên cây chè sử dụng phân một cách tối ưu hơn, hạn chế được tình trạng bốc hơi, rửa trôi của phân... Kết quả, nương chè cải tạo có mật độ búp dày hơn, khối lượng búp lớn hơn nên năng suất đạt được cao hơn hẳn so với nương chè không được cải tạo. Diện tích chè Trung du được thâm canh cải tạo cho năng suất thực thu mỗi năm trung bình đạt 595 kg búp tươi/sào (119 kg chè búp khô), tương đương với 16,5 tấn búp tươi/ha/năm. Trong khi đó nương chè không được cải tạo chỉ đạt 476 kg búp tươi/sào, thấp hơn so với diện tích chè được cải tạo 119 kg búp tươi/sào.

 

Ngoài ra, chè ở nương chè cải tạo, về ngoại hình, màu nước pha, mùi hương và vị đều tốt hơn rất nhiều so với nương chè chưa cải tạo, chè đạt tiêu chuẩn xếp loại tốt. Nương chè chưa cải tạo, chè thành phẩm chỉ đạt ở mức độ khá.

 

Về hiệu quả kinh tế của mô hình thâm canh cải tạo cao hơn hẳn so với diện tích đại trà. Sau khi trừ khi phí, mỗi ha chè Trung du cải tạo thu lãi gần 700 triệu đồng, còn chè Trung du sản xuất đại trà thu lãi gần 500 triệu đồng. Như vậy, mô hình cải tạo lãi chênh hơn so với sản xuất đại trà hơn 200 triệu đồng/ha.

 

Như vậy áp dụng khoa học kỹ thuật cải tạo nương chè Trung du năng suất thấp cho thấy, 01 ha chè Trung du sau khi được đầu tư cải tạo năng suất chè tăng lên từ 20 - 25%, giá trị (giá bán) chè tăng 10-20%. Từ đó tổng giá trị thu được cao hơn nhiều so với nương chè không được đầu tư cải tạo. Kết quả của dự án đã góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất chè, đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Thái Nguyên là một trong những vùng chè trọng điểm của cả nước. Hiện nay tỉnh Thái Nguyên có trên 21.000 ha chè, trong đó diện tích chè giống mới chiếm trên 60% tổng diện tích. Tỉnh Thái Nguyên đặt ra mục tiêu đến năm 2020 diện tích chè của tỉnh đạt 23.000 ha; chuyển đổi, trồng mới chè giống mới đạt trên 80% tổng diện tích. Bởi vậy, với diện tích chè giống Trung du còn lại cần giữ gìn, bảo tồn đồng thời tuyên truyền, khuyến cáo người trồng chè áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật cải tạo theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng tại các địa phương trong tỉnh là phù hợp Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020./.

 

Dương Trung Kiên - Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên

 

Bạc Liêu: Xây dựng 9 mô hình cánh đồng lớn gần 2.700ha

 

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu

 

 

Nông dân tham quan mô hình cánh đồng lớn ở huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: M.Đ

 

Nhằm xây dựng cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân, ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu tiếp tục duy trì 9 cánh đồng lớn (quy mô đồng lúa 100ha trở lên) với diện tích canh tác 2.679ha. Trong đó, huyện Vĩnh Lợi 1 cánh đồng gồm 50ha, huyện Hòa Bình 2 cánh đồng gồm 920ha; huyện Hồng Dân 4 cánh đồng với 1.329ha; huyện Phước Long 2 cánh đồng gồm 380ha.

 

Các giống lúa trồng chủ yếu là lúa chất lượng cao, lúa thơm như RVT, Nàng hoa 9, Đài thơm 8, OM 4900, OM 5451, OM 6976, OM 7347, OM 2517, IR 50404...

 

Việc xây dựng cánh đồng lớn nhằm tạo nguồn nguyên liệu thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc bao tiêu, thu mua nông sản cho nông dân.

 

Bắc Giang: Trồng khoai thu nhập trên 120 -150 triệu đồng/ha/vụ

 

Nguồn tin: Khuyến nông VN

 

Mặc dù chưa đến ngày thu hoạch nhưng thời điểm này tại xã Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang một số hộ dân đã xuống đồng dỡ khoai lang và khoai sọ. Bởi theo họ, thu hoạch trước 1-2 ngày, khoai sẽ bán được giá cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với chính vụ.

 

Đã 2-3 năm nay, gia đình anh Dương Văn Hạng và chị Nguyễn Thị Thành ở thôn Trại 2 đều thu hoạch khoai sớm ở đầu vụ. Vụ này gia đình anh trồng gần 1 mẫu giống khoai lang Nhật. Hiện anh mới thu được 4 thước giống củ bở, lòng vàng cho năng suất 3,5 tạ. Do thu hoạch sớm nên củ khoai chưa được đẫy đà, cái không đều nhưng được giá nên gia đình anh Hạng thu trước. Củ loại to có giá 7 nghìn đồng/kg và củ nhỏ giá 3 nghìn đồng/kg, trung bình mỗi sào lãi 4-5 triệu đồng. Dự kiến vụ này gia đình anh Hạng thu về khoảng 30 triệu đồng từ trồng khoai lang.

 

Anh Hạng cho biết, so với cấy lúa thì trồng khoai lang hiệu quả hơn nhiều, đặc biệt là giảm nhiều công lao động. Bởi khoai sau thu được thương lái đóng túi nilon cân ngay tại đầu ruộng, người trồng không mất công rửa và vận chuyển. Cứ 25 kg khoai, thương lái trừ 1 kg đất.

 

Khác với giống khoai lang nội chỉ trồng vào vụ đông, khoai lang Nhật trồng được 2 vụ/năm, thời gian khoảng 4-5 tháng/vụ. Trung bình mỗi sào cho năng suất từ 5-7 tạ khoai, nếu có kinh nghiệm chăm sóc tốt năng suất có thể đạt gần 1 tấn. Kỹ thuật trồng khoai khá đơn giản, không cần nhiều công chăm sóc và lượng phân bón nên giảm được chi phí trong sản xuất. Lúc xuống giống cần giữ ẩm cho cây 15-20 ngày, dập đất khoảng 3 đốt dây sẽ giúp cây đậu nhiều củ. 30 ngày sau trồng tiến hành xới bón lân, đạm, kali lần 1 giúp cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển đều, đến lúc thu hoạch bón 1-2 lần tiếp. Để năng suất cao, sau 20 ngày xuống giống người trồng có thể phun thuốc sinh học lần 1 để kích thích cho cây lớn, lần 2 phun tiếp sau 20 ngày sau, đồng thời phải theo dõi thường xuyên, phát hiện kịp thời các bệnh thường gặp và thu hoạch đúng thời vụ. Vụ Xuân ra Tết Nguyên đán trồng, thu đầu tháng 5 âm lịch; vụ Đông trồng cuối tháng 8, đầu tháng 9, thu tháng 12 âm lịch. Khoai dỡ xong không nên luộc ngay sẽ nhạt, để một thời gian ăn vị đậm, ngọt và không mùi đất.

 

Đi tiếp chừng 2 km đến thôn 17, xã Yên Sơn khi nắng lên đỉnh đầu, tôi gặp một vài hộ dân đang hì hục cuốc dỡ khoai sọ. Ông Trần Văn Dũng ngoài 70 tuổi cùng gia đình thu hoạch khoai, vẫn thoăn thoắt gánh từng vầng khoai nặng đất lên xe chuyển về nhà. Ông cho biết, gia đình trồng khoai sọ tía đến nay được 15 năm. Vụ này gia đình ông trồng 1 mẫu, năng suất đạt 5-6 tạ/sào. Khoai khi dỡ về được làm sạch rễ, đất và phân loại. Loại 1 là những củ khoai bánh tẻ, hình tròn, ăn bở và không có xơ, ông Dũng cân giá 15-20 nghìn đồng/kg, loại 2 và 3 giá 2-3 nghìn đồng/kg.

 

“Tranh thủ mọi người chưa thu hoạch nhiều, tôi liên hệ với thương lái quen về cân sớm nên được giá cao. Hạch toán mỗi sào lãi 7-8 triệu đồng, tương đương trên 120 triệu đồng/ha/vụ. Giữa vụ thường chỉ đạt 8-10 nghìn đồng/kg loại đẹp, thậm chí còn thấp hơn” – ông Dũng chia sẻ.

 

 

Nông dân Yên Sơn thu hoạch khoai lang

 

Theo cán bộ khuyến nông xã Yên Sơn, cây khoai lang và khoai sọ là hai cây trồng truyền thống của địa phương nhiều năm nay, tập trung nhiều ở các thôn 17, Quyết Tâm, Mai Phượng, Tiên Triều, Nội Đình, Nội Chùa. So với năm ngoái, năm nay năng suất khoai có giảm do trồng muộn nhưng giá bán lại cao hơn nhiều. Cách đây khoảng 3 năm diện tích khoai lang 30-40 ha, nay mở rộng lên 85 ha khoai lang và có 18 ha khoai sọ toàn xã. Người dân tự học hỏi, tìm hiểu và chia sẻ kinh nghiệm trồng cho nhau. Để có sản phẩm thu hoạch sớm, được giá bán cao không phải hộ nào cũng trồng được, phải là người hiểu kỹ thuật, có kinh nghiệm trồng nhiều năm và công thức luân canh cây trồng hợp lý. Cùng một chân đất ruộng, nếu liên tục trồng khoai nhiều vụ củ sẽ nhỏ và không đều. “Khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen” – câu nói xưa của ông cha ta được một số người dân xã Yên Sơn áp dụng thành công như vợ chồng anh Hạng, gia đình ông Dũng, anh Đại…

 

Tuy nhiên, để nâng cao giá trị kinh tế, phát huy hiệu quả cây trồng thế mạnh của xã Yên Sơn, cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành; rà soát, thống kê diện tích vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch để có cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân kịp thời; chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiến bộ mới giúp giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất, chất lượng cây trồng…

 

Được biết, tại một số xã lân cận như Bắc Lũng, Bảo Đài, Khám Lạng của huyện Lục Nam đã đưa cây khoai lang và khoai sọ vào sản xuất trên cánh đồng mẫu, thu nhập 120-150 triệu đồng/ha/vụ. UBND các xã khuyến khích hỗ trợ một phần giống hoặc vật tư nông nghiệp, tập huấn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, giới thiệu doanh nghiệp thu mua sản phẩm. Đến thời điểm này, toàn huyện Lục Nam có khoảng hơn 600 ha khoai sọ và gần 500 ha khoai lang.

 

Thanh Phúc - Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang

 

Vụ lúa kém vui

 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

 

Vụ lúa Hè thu 2017, Hậu Giang xuống giống trên 77.000ha và hiện bước vào thời điểm thu hoạch rộ. Lúc này tại các cánh đồng, thương lái thu mua lúa tươi với giá khá cao nhưng nhà nông vẫn không mấy phấn khởi.

 

 

Mặc dù giá lúa khá cao, nhưng không ít nhà nông trên địa bàn tỉnh vẫn buồn vì năng suất vụ lúa Hè thu 2017 đạt thấp.

 

Thu hoạch xong 10 công lúa giống OM 5451, ông Nguyễn Lê Văn Thích, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, không mấy vui vì năng suất thấp. Theo ông Thích, lúa thất một phần do thời tiết bất lợi xảy ra, một phần cũng do người dân sau khi thu hoạch lúa xong không cho đất nghỉ ngơi mà tất bật cày ải, làm đất, ngâm giống để gieo sạ vụ lúa tiếp theo.

 

“Vụ lúa Hè thu này, tôi thấy các chủ ruộng lân cận be bờ, tát nước thì tôi cũng nôn nóng gieo sạ theo, sợ làm không đồng loạt sẽ khó bán. Do thời gian cách ly ngắn, kết hợp với đất phèn nên 10 công ruộng gieo sạ giống OM 5451 của tôi bị ngộ độc hữu cơ. Chưa kể đến giai đoạn làm đòng gặp phải mưa, lúa sập nên năng suất chỉ đạt 500kg lúa tươi/công, giảm hơn 200kg so với cùng kỳ năm rồi. Nhưng điểm được là bán với giá 5.000 đồng/kg nên tôi thu lợi nhuận về gần 1 triệu đồng/công”, ông Thích chia sẻ thêm.

 

Theo ngành chuyên môn tỉnh, mấy năm gần đây, tình trạng xé rào gieo sạ lúa của người dân đã làm ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà. Ngoài ra, trên thị trường giá thu mua lúa gạo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Hậu Giang nói riêng không ổn định nên điệp khúc “thất mùa được giá” vẫn cứ tiếp tục xảy ra. Bà Nguyễn Thị Như, ở ấp Nhơn Thuận 1, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, cho rằng do làm diện tích nhỏ lẻ và thời tiết nắng nóng kéo dài nên năm nay ruộng lúa nhà bà cũng như cánh đồng lân cận ở địa phương mọc đầy cỏ dại, sâu rầy gây hại nhiều. Vì vậy, sau khi thu hoạch xong 6 công lúa IR 50404, năng suất chỉ đạt khoảng 600kg lúa tươi/công và bán với giá 4.600 đồng/kg lúa tươi nên bà mất gần 3 triệu đồng/vụ vì năng suất lúa thấp hơn 100kg lúa tươi/công so những hộ dân làm lúa Hè thu đầu vụ”.

 

Còn ông Trần Văn Nguyên, ở ấp 6, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, bày tỏ: “Tôi mới vừa lấy tiền cọc với giá 5.100 đồng/kg lúa tươi giống OM 5451, cao hơn 200 đồng/kg lúa tươi so với nửa tháng trước đây. Với giá này, người dân đã có lời rồi. Tuy nhiên, mấy ngày vừa qua, mưa lớn kèm theo dông nên 8 công lúa của tôi sập với diện tích khá rộng, như vậy chắc chắn năng suất bị ảnh hưởng và chỉ mong tới đây kiếm khoảng 650-700kg lúa tươi/công là mừng rồi”.

 

Ông Nguyễn Thế Tự, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, nhìn nhận: Như mọi năm, năng suất vụ lúa Hè thu này khá cao. Ngược lại năm nay do ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân, trong đó yếu tố thời tiết đã tạo điều kiện thuận lợi để côn trùng, sinh vật gây hại trên lúa nhiều, từ đó làm ảnh hưởng đến năng suất. Tuy nhiên, điều đáng phấn khởi là hiện giá lúa đã tăng hơn 200 đồng/kg so với đầu vụ nên người dân rất vui.

 

“Do đó, để hạn chế thất thoát năng suất, đặc biệt là đối với các ruộng lúa gieo sạ trễ, trước mắt người dân cần chủ động thăm đồng thường xuyên, chú ý khi gieo sạ các vụ tiếp theo nên chọn giống lúa cứng cây. Ngoài ra, khi lúa đang ở giai đoạn làm đòng và trổ chín, người dân cần rút nước khô nhằm giúp nuôi dưỡng bộ rễ của lúa, hạn chế đổ ngã, bảo vệ tốt năng suất”, ông Tự khuyến cáo.

 

Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, tính đến nay, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch hơn 40.000ha trong tổng số gần 78.000ha lúa Hè thu 2017, năng suất ước đạt 6,3 tấn/ha. Số diện tích còn lại, nông dân ở huyện Châu Thành A, Phụng Hiệp và Vị Thủy… vẫn tiếp tục gấp rút thu hoạch, hạn chế thất thoát năng suất, đảm bảo kinh tế gia đình.

 

Chí Công

 

Thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm nhờ trồng đinh lăng 'sạch'

 

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

 

Một mẫu đất ông chia ra làm 4 mảnh, trồng và thu hoạch theo kiểu "cuốn chiếu" để năm nào cũng có đinh lăng cung cấp cho Cty CP Traphaco. Trung bình, mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 3 tấn đinh lăng.

 

 

Ông An bên vườn đinh lăng của gia đình

 

Những năm gần đây, một số xã của huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) đã mạnh dạn chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu cho kinh tế cao. Trong đó, đinh lăng được chọn làm cây trồng chủ lực.

 

Chúng tôi tìm về xã Nghĩa Thắng, nơi được mệnh danh là vựa đinh lăng lớn nhất của huyện Nghĩa Hưng với khoảng 400 hộ tham gia trồng cây dược liệu quý hiếm này.

 

Chia sẻ với chúng tôi, ông Vũ Văn An (SN 1952 ở xóm 7) cho hay, ông là người đầu tiên khởi xướng trồng cây đinh lăng tại địa phương và đã có trên 30 năm kinh nghiệm trồng cây dược liệu này. Ông được người dân ví là “vua đinh lăng”.

 

Thời gian đầu, để phát triển mô hình này, ông đã đứng lên thành lập HTX gồm 18 thành viên và ông là người quản lý HTX, có trách nhiệm hướng dẫn các thành viên cách trồng, chăm sóc cây đinh lăng.

 

Theo ông An, đinh lăng là loại cây dễ trồng, dễ sống, ít sâu bệnh và rất nhàn, không tốn nhiều công sức như những cây trồng khác. Trước khi trồng phải làm vồng và phải trồng bằng đất thịt, không nên trồng bằng đất cát.

 

“Với hơn 30 năm kinh nghiệm trồng cây đinh lăng, tôi thấy cây đinh lăng rất dễ trồng, dễ sống, không phải tưới nước nhiều và ít sâu bệnh”, ông An cho biết.

 

Hiện gia đình ông trồng 1 mẫu đinh lăng, tất cả được trồng theo tiêu chuẩn hướng dẫn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP - WHO).

 

Một mẫu đất ông chia ra làm 4 mảnh, trồng và thu hoạch theo kiểu "cuốn chiếu" để năm nào cũng có đinh lăng cung cấp cho Cty CP Traphaco. Trung bình, mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 3 tấn đinh lăng.

 

“Mỗi một năm, gia đình tôi chỉ thu một mảnh. Sau khi thu hoạch xong, gia đình làm vồng cấy giống mới và đợi năm sau thu mảnh thứ 2, năm sau nữa thu mảnh thứ 3 và cứ xoay vòng như thế. Chứ nhà tôi không trồng đủ 3 năm mới thu hoạch 1 lần như các hộ gia đình khác”, ông An cho hay.

 

Gốc và lễ đinh lăng được bán với giá 35 nghìn đồng/kg; lá đinh lăng khô được bán với giá 20 nghìn đồng/kg. Theo tính toán của ông An, với khoảng 3 tấn đinh lăng/năm, gia đình ông An “đút túi” trên 150 triệu đồng.

 

Ông An cho biết thêm, đinh lăng thường được dùng để ngâm rượu uống và chế biến thuốc (hoạt huyết dưỡng não). Gốc đinh lăng trồng càng lâu thì giá bán càng cao.

 

 

Vườn cây đinh lăng được trồng theo tiêu chuẩn GACP - WHO

 

Cũng giống như ông An, gia đình Nguyễn Văn Liên (xóm 7) đã chọn cây đinh lăng để trồng, đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. Gia đình ông trồng 7 sào, chuyên cung cấp sản phẩm cho Cty CP Traphaco.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Kim Thiên Tứ, Chủ nhiệm HTXNN Nghĩa Thắng cho biết, đinh lăng trở thành cây trồng chủ lực, đem lại kinh tế cao cho người dân địa phương. Toàn xã có khoảng 20ha đinh lăng, chủ yếu cung cấp cho Cty CP Traphaco. Để đảm bảo khách quan trong việc thu mua, tất cả các hộ đều có sổ theo dõi.

 

Ông Trần Văn Dương, cán bộ của Cty CP Traphaco ở xã Nghĩa Lạc cho biết, Cty được thành lập từ năm 2013, là nơi chuyên cung cấp giống cây và thu mua cây đinh lăng đã vào thời kỳ thu hoạch của các hộ dân đã ký liên kết. Cty đang trồng khoảng 6ha với gần 1.000 gốc đinh lăng, tất cả được trồng và SX theo tiêu chuẩn GACP - WHO.

 

Ngoài ra, Cty không chỉ trồng cây dược liệu trong nội bộ mà còn hỗ trợ bà con nông dân về kỹ thuật, kiến thức chăm sóc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm của các xã Nghĩa Lạc, Nghĩa Thắng… và một số xã của huyện Hải Hậu. Cty luôn có nhiều ưu đãi dành cho người trồng cây đinh lăng.

 

Đồng thời, Cty thường xuyên tổ chức lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dược liệu cho bà con trong vùng trồng nguyên liệu theo cách cầm tay chỉ việc.

 

Ông Trần Trung Hiếu, Trưởng phòng NN - PTTN Nghĩa Hưng cho biết: Toàn huyện có trên 40ha trồng cây đinh lăng, chuyên cung cấp cho Cty CP Traphaco và bán cho thị trường tự do.

 

Mai Chiến

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop