Tin nông nghiệp ngày 01 tháng 07 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 01 tháng 07 năm 2020

6 tháng: Nông, lâm thủy sản xuất siêu 4,5 tỷ USD

Nguồn tin:  Báo Chính Phủ, 29/06/2020
Ngày cập nhật: 30/6/2020

Trong 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tăng 1,18% so với cùng kỳ năm 2019. Tốc độ tăng GDP của ngành 6 tháng đầu năm đã đạt trên 1%.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo hội nghị. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ngày 29/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức họp sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm của toàn ngành và đưa ra các định hướng hoạt động trọng tâm trong các tháng cuối năm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sang quý II, ngành nông nghiệp đã lấy lại tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất quý II toàn ngành tăng 2,19%.

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, riêng xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng ước đạt 18,81 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2019. Thặng dư thương mại 4,5 tỷ USD, tăng 339 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Sáu tháng đầu năm, điểm đáng lưu ý còn là đã có 9 dự án chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản với tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động; cả nước có 58,2% số xã và 127 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới...

Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, đại diện Bộ NN&PTNT thừa nhận, 6 tháng qua hoạt động của ngành vẫn còn một số hạn chế. Đó là, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân chủ yếu do giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm; kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm.

Việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ nông sản giai đoạn hậu dịch COVID-19 còn chậm do các nước còn phong tỏa, hạn chế đi lại.

Ngoài ra, đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp còn chậm tiến độ. Tỉ lệ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư của Bộ nhìn chung còn chậm, nhất là các dự án vốn trái phiếu Chính phủ, ODA.

Đáng chú ý, mặc dù có sự chỉ đạo quyết liệt của các bộ, ngành và chung tay vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp, người dân nhưng việc tái đàn lợn chủ yếu diễn ra ở các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, tại khu vực hộ chăn nuôi còn chậm.

Cả năm nay, tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp phấn đấu đạt 2,5-3%; tổng giá trị xuất khẩu cả năm đạt 41 tỷ USD.

Tại hội nghị nhiều ý kiến phân tích, tình hình thời gian tới khá khó lường bởi diễn biến dịch COVID-19 vẫn tương đối phức tạp. Tại Trung Quốc dịch COVID-19 lại tiếp tục bùng phát, có thể có nguy cơ Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ giao thương biên mậu. Tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng khó tránh khỏi nguy cơ dịch bùng phát lần 2; ở châu Âu dịch vẫn diễn biến phức tạp…

Tuy nhiên theo đánh giá của Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn: “Nếu tình hình diễn biến thị trường tiến triển tốt, vẫn như thời điểm nửa cuối tháng 6 đến nay thì dự báo ngành nông nghiệp có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 41 tỷ USD cả năm. Ngược lại, nếu xảy ra tình trạng dịch COVID-19 bùng phát trở lại nghiêm trọng, các thị trường đóng cửa thì rất khó đoán định”.

Bộ NN&PTNT xác định, để đạt được các mục tiêu đề ra, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành đẩy mạnh là phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông, lâm, thủy sản thông qua nâng cao chất lượng thu thập, phân tích thông tin, dự báo thị trường trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19, đặc biệt là các thị trường trọng điểm, kịp thời cảnh báo và tháo gỡ rào cản, vấn đề phát sinh khi xuất khẩu nông sản.

Cùng với đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài nhằm quảng bá sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm sạch, an toàn; phát triển thị trường xuất khẩu; phát triển mạnh các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn....

Ngoài ra, đẩy mạnh cơ giới hóa để giảm tổn thất sau thu hoạch, giảm chi phí và hạ giá thành sản phẩm; hỗ trợ và tạo điều kiện để các nhà máy chế biến rau quả, dừa, nông, lâm sản quy mô lớn, công nghệ hiện đại khởi công và đi vào hoạt động ngay trong năm 2020; đẩy mạnh công suất các nhà máy chế biến hiện có để phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu...

Đỗ Hương

Ninh Thuận: Ngư dân xã Nhơn Hải và Thanh Hải (Ninh Hải) trúng “lộc” của biển

Nguồn tin:  Báo Ninh Thuận

Khoảng 2 tuần trở lại đây, khi thời tiết bước vào chính vụ mùa gió Nam, dọc bãi biển từ thôn Khánh Nhơn 1, xã Nhơn Hải đến khu vực Hòn Đỏ, xã Thanh Hải (Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) xuất hiện rong mơ biển từ ngoài khơi dạt vào bờ với số lượng lớn nên nhiều ngư dân địa phương ven biển đã túc trực ngoài biển từ sáng sớm đến chiều tối để vớt “lộc” của biển.

Chị Nguyễn Thị Lành ở thôn Khánh Nhơn 1, xã Nhơn Hải cho biết, hàng năm thường thì từ tháng 6 đến tháng 7 Dương lịch là thời điểm nước biển ấm rong mơ mọc nhiều nên bà con ở trong thôn thường đi lấy mơ biển ở những bải gành, bải rạn gần bờ khi thủy triều xuống, mỗi mùa rong mơ có nhà cũng kiếm cả chục triệu đồng. Khoảng 10 ngày nay rong mơ từ ngoài khơi trôi vào bờ rất nhiều nên bà con ai cũng tranh thủ canh để vớt mơ bán, như nhà tôi mấy ngày nay ngày nào cũng kiếm được 400 đến 500 ngàn đồng…

Chị Nguyễn Thị Lành ở thôn Khánh Nhơn 1 (Nhơn Hải) đang phơi rong mơ biển.

Theo người dân địa phương cho biết, những năm trước vào mùa này rong mơ cũng trôi dạt vào bờ nhưng không nhiều bằng năm nay nên bà con rất phấn khởi. Các loại rong mơ sau khi thu hoạch dưới biển lên, qua công đoạn phơi khô từ 1 đến 2 nắng sẽ được thương lái ở địa phương, TP. Hồ Chí Minh và Khánh Hòa trực tiếp thu mua với giá từ 5.500 đến 6.000 đồng/kg. Nhờ lộc biển mang lại ngay từ chính vụ mùa Nam nên đã giúp nhiều ngư dân có thu nhập ổn định từ nghề phụ này.

Kha Hân

Bình Định: Bơ 034 bắt rễ ở Vân Canh

Nguồn tin: Báo Bình Định

Nhận thấy tiềm năng lớn từ cây bơ cao sản 034, ông Nguyễn Trọng Đào, ở thôn Hiệp Vinh 2, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định) tìm tòi, học hỏi để đưa giống cây ăn trái này từ Đắk Lắk về Vân Canh. Chỉ sau 4 năm vừa làm, vừa học hỏi, đúc kết kinh nghiệm vườn bơ của ông Đào đã cho thu hoạch với năng suất, chất lượng thơm ngon tương đương như ở Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Trọng Đào (bìa phải) giới thiệu vườn bơ 034 của gia đình.

Thật ra khu vườn chuyên canh cây ăn trái của ông Đào có rộng tới 10 ha với đủ các loại cây trái. Nhưng chiếm nhiều tâm huyết của ông là 1 ha trồng 700 gốc bơ, trong đó những cây bơ giống 034 đầu tiên nay đang xum xuê trái. Ông Đào kể, năm 2016, tôi cầm mẫu đất vườn nhà lên đến tận nhà “vua bơ” Đắk Lắk - Trịnh Xuân Mười để nhờ thẩm định. Cảm mến tinh thần ham học của ông Đào, ông Trịnh Xuân Mười chỉ bày để ông Đào làm chủ kỹ thuật ghép mắt chồi nhằm cải tạo vườn bơ. Biết chắc chân đất Vân Canh phù hợp với bơ cao sản 034, về đến nhà, ông cho phá bỏ vườn điều để trồng bơ 034. Nói thì đơn giản vậy nhưng trước khi đúc kết được kỹ thuật chăm sóc cây bơ sao phù hợp thổ nhưỡng, thời tiết địa phương không hề đơn giản.

Đưa tôi đi thăm những cây bơ 034 quý giá của mình, ông Đào cho biết, giống bơ 034 có sức sinh trưởng khỏe, cho quả sớm và đặc biệt năng suất ổn định. 2 cây bơ trưởng thành, tầm vóc tương đương nhau thì năng suất bơ 034 gấp 3 lần bơ thường. Đã vậy chất lượng bơ 034 lại vượt trội về mọi mặt. Quả bơ 034 dài, dẻo, béo, bảo quản được lâu hơn so với bơ thường từ 4 - 5 ngày. Hiện, bơ 034 trên thị trường có giá khoảng 80.000 đồng/kg, trong khi bơ thường cao lắm chỉ đến mức 15.000 đồng/kg. Tuy vậy, điểm khiến nhiều người ngần ngại trồng bơ 034 là bởi mấy điểm: mối rất hay xông từ gốc lên thân những cây bơ 034 khiến cây bơ chết rất nhanh, giống bơ này cây thiếu nước thì chết ngay nhưng thừa nước cây cũng chết nhanh không kém, từ khi cây ra hoa đến khi kết trái rất khó canh nước tưới. Để dễ dàng kiểm soát nước tưới, đảm bảo vườn bơ đạt năng suất, chất lượng cao, từ năm 2018, ông Đào lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, nhờ đó vừa tiết kiệm nước, phân bón, thời gian, tăng hiệu quả kinh tế.

Tính luôn cả những đợt trái chín bói, đến nay ông Đào đã thu hoạch được 3 mùa bơ. Tuy cây bơ cũng chưa đạt năng suất tối đa nhưng mỗi vụ, gia đình ông đã thu được hơn 150 triệu đồng. Ông Đào hy vọng tới đây, khi cây bơ trưởng thành hoàn chỉnh, năng suất và chất lượng sẽ cao hơn, đặc biệt trái bơ sẽ đạt độ to đến tối đa, lúc ấy thu nhập từ vườn bơ sẽ tốt hơn.

Ông Đinh Văn Quảng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vân Canh cho biết, giống bơ sáp 034 đang được đánh giá cao ở thời điểm hiện nay với nhiều ưu điểm vượt trội, đặc biệt cho năng suất cao. Xã đang có kế hoạch tổ chức tập huấn để ông Đào có thể chuyển giao kỹ thuật trồng và ghép mắt giống bơ 034 cho những bà con có nhu cầu nhằm nhân rộng mô hình.

HỒNG HÀ

Quy hoạch vùng trồng - ‘Đòn bẩy’ để phát triển cây ăn trái

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Ngoài thế mạnh là con tôm và cây lúa thì tỉnh Sóc Trăng còn có diện tích cây ăn trái đặc sản rất tiềm năng, đem về thu nhập tốt cho nhà vườn, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương. Thời gian gần đây, cây ăn trái đặc sản của tỉnh được nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm bởi Sóc Trăng có trái vú sữa tím xuất ngoại; trái xoài, bưởi được rất nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu để liên kết tiêu thụ trong nước và xuất khẩu...

Quy hoạch trái cây và định hướng phát triển

Theo thống kê của ngành chuyên môn, diện tích cây ăn trái của tỉnh hơn 29.000ha, tập trung tại các huyện: Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú, Châu Thành, Cù Lao Dung, TX. Ngã Năm, TX. Vĩnh Châu. Trong 2 năm trở lại đây, việc trồng cây ăn trái có chuyển biến tích cực thông qua Dự án “Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh” từ khâu tổ chức sản xuất, mở rộng diện tích đến liên kết tiêu thụ…

Vú sữa tím là một trong những loại trái cây trong vùng quy hoạch phục vụ thị trường xuất khẩu. Ảnh: Thúy Liễu

Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ trái cây đang có xu hướng mở rộng, việc phát triển các vùng cây ăn trái phù hợp cho từng vùng với sản lượng hàng hóa đủ lớn để đầu tư phát triển và xây dựng thương hiệu cho mỗi vùng là cần thiết. Do vậy, Dự án “Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh” được lập để phát triển diện tích cây ăn trái đặc sản cho 7 huyện, thị xã đã nêu trên. Theo đó, các loại cây ăn trái được phát triển, trồng tập trung gồm: bưởi da xanh, bưởi năm roi, cam xoàn, cam sành, cam mật, quýt, nhãn, xoài, mãng cầu gai, vú sữa và các loại cây đặc sản có lợi thế của vùng dự án. Đồng thời, để đạt diện tích 33.000ha các loại cây ăn trái quy hoạch đến năm 2020, Ban Quản lý Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh sẽ phối hợp cùng các địa phương tổ chức lại sản xuất và hình thành những vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản tập trung bằng cách tập trung chuyển đổi, cải tạo, nâng cấp trồng các loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao và mở mới diện tích trồng cây ăn trái, dự kiến trong năm 2021 mở mới 740ha cây ăn trái, nâng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh lên 30.000ha, sản lượng 390.000 tấn.

Tiếp theo đó, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ cải tạo, nâng cấp 2.405ha và mở mới 3.125ha, nâng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh trên 33.000ha, sản lượng 462.000 tấn, qua đó sẽ tổ chức hơn 100 lớp tập huấn cho nhà vườn tại các địa phương triển khai dự án và xây dựng 132 mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, cải tạo nâng cấp và mở mới vườn cây ăn trái; xây dựng 6 chuỗi giá trị cây ăn trái đặc sản, thành lập thêm các hợp tác xã cây ăn trái nhằm liên kết nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, ổn định thị trường tiêu thụ thông qua chế biến và xuất khẩu…

Giải pháp phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh

Gần 2 năm triển khai dự án phát triển cây ăn trái đặc sản, tỉnh đã có hơn 370ha áp dụng canh tác theo hướng VietGAP trên cam, nhãn, mãng cầu gai, xoài cát chu, bưởi da xanh, vú sữa; xây dựng 10 vùng trồng được cấp 36 mã code với diện tích hơn 320ha trên cây vú sữa, xoài, nhãn để liên kết xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Hoa Kỳ… và tiêu thụ tại một số siêu thị trong nước. Để đạt được thành quả trên, Ban Quản lý Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng cho các chủ hộ, chủ trang trại về việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trên cây ăn trái. Qua đó, xây dựng chuỗi liên kết giá trị sản phẩm, tạo mối liên kết 4 nhà trong sản xuất và tiêu thụ, kết nối công nghiệp phục vụ nông nghiệp, khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản theo hướng hiện đại.

Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khuyến nông, đào tạo, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ thông qua lồng ghép các chương trình, dự án; tạo mọi điều kiện cho người dân đầu tư, cải tạo, mở mới, hình thành các vùng sản xuất tập trung cũng như khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển các dịch vụ về giống, chế biến; huy động nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư phát triển của Nhà nước để bảo đảm cho người sản xuất được vay vốn theo quy định, mở rộng các hình thức dịch vụ về vốn thông qua các tổ chức tín dụng trung gian, các hợp tác xã, hiệp hội, doanh nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại và đồng bộ chế biến đa dạng hóa các loại trái cây như đóng hộp, chiên, sấy…

Song song đó, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông nông thôn nhằm tạo sự gắn kết, liên hoàn, thông suốt với mạng lưới giao thông của tỉnh, huyện làm cầu nối giữa các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa, vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến, giữa sản xuất và tiêu thụ; đầu tư trang bị cho hệ thống các trạm, trại kỹ thuật, hỗ trợ các cơ sở nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng và xây dựng hệ thống nhân giống đạt tiêu chuẩn, quy hoạch các cơ sở sản xuất cây giống đảm bảo chất lượng cung cấp cho nhà vườn; dự báo và hướng dẫn phòng, chống dịch hại trên cây trồng. Qua đó, Ban Quản lý Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh còn hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết chuỗi giá trị, áp dụng quy trình GAP, vệ sinh an toàn thực phẩm, hữu cơ và các tiến bộ kỹ thuật khác, chuyển đổi, mở mới, cải tạo nâng cấp diện tích cây ăn trái trong vùng dự án…

Thúy Liễu

Đầu ra trái thanh long bấp bênh do chưa mở rộng thị trường xuất khẩu

Nguồn tin: VOV

Trái thanh long vùng đồng bằng sông Cửu Long liên tục rớt giá do thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, trong khi đó, nhà vườn đang mở rộng diện tích.

Dù ở thời điểm đầu mùa mưa, năng suất thấp, nhưng trái thanh long ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long sụt giá. Thanh long ruột đỏ giá 10.000 đồng/kg, ruột trắng 3.000 - 4.000 đồng/kg. Với mức giá này, nhà vườn không có lãi, thậm chí thua lỗ. Từ đầu năm đến nay, do thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn, chưa mở rộng được các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật… nên giá loại trái cây này sụt giảm hơn các năm trước từ 2-3 lần.

Đầu ra trái thanh long gặp khó khăn do chưa mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 20.000 ha cây thanh long, trồng tập trung ở tỉnh Tiền Giang và Long An. Do dễ trồng, thích ứng với biến đổi khí hậu nên thời gian gần đây, người dân khu vực phát triển mạnh diện tích cây thanh long.Với mức giá như hiện nay, nhà vườn rất lo ngại sẽ còn sụt giảm khi “cung vượt cầu”.

Ông Phan Văn Tuấn, nhà vườn trồng cây thanh long tại xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Với giá này, nông dân không có lời, bị lỗ vì chi phí nhiều. Bây giờ thuê vuốt ngoe 35.000 đồng/giờ, rồi thuốc phân… Mùa mưa này mà không phun xịt thuốc thường xuyên thì cây bị bệnh. Đẩy mạnh xuất khẩu mới đỡ đầu ra cho thanh long”./.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Chủ động chuyển đổi cây trồng, nông dân có thu nhập khá

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng đậu phộng tại phường Hòa Xuân Tây, TX Đông Hòa. Ảnh: CTV

Thời gian qua, Hội Nông dân TX Đông Hòa (tỉnh Phú Yên) triển khai một số mô hình chuyển đổi cây trồng mới, giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập.

Nhiều cách làm

Theo Hội Nông dân TX Đông Hòa, trước đây người dân địa phương chủ yếu trồng lúa, tuy nhiên giá cả bấp bênh, giá vật tư nông nghiệp luôn biến động nên đời sống người trồng lúa không cao. Do vậy, hội đã vận động và hướng dẫn hội viên, nông dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng hàng năm khác như: sen, dưa hấu, đậu phộng, rau màu… Các diện tích cây trồng chuyển đổi đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng lúa.

Tại phường Hòa Xuân Tây, trước đây cây lúa chiếm thế độc canh, cây sen chỉ được trồng thành các khóm nhỏ trong các ao, hồ, các khu đồng trũng, thì hiện nay, nhiều hộ dân trong xã đã đưa cây sen vào trồng trên đất lúa với tổng diện tích hơn 73ha (trong đó chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả 60ha). Ông Lưu Văn Sơn ở khu phố Nam Bình 1, là một trong những hộ điển hình trồng sen. Năm 2015, ông mạnh dạn đầu tư trồng sen trên diện tích 1,5ha đất trồng lúa kém hiệu quả. “Trồng sen cho lợi nhuận cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa, không cần phải lo đầu ra cho sản phẩm. Bình quân mỗi ngày, gia đình tôi thu hoạch khoảng 500kg gương sen và được thương lái đến tận nơi thu mua”, ông Sơn phấn khởi cho biết.

Ngoài chuyển đổi sang trồng sen, nông dân các phường, xã khác cũng chuyển sang trồng các loại cây trồng khác trên đất lúa kém hiệu quả, cho năng suất và lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa. Như mô hình thâm canh cây đậu phộng cho năng suất 52 tạ/ha, lợi nhuận từ 20-30 triệu đồng/ha sau 4 tháng trồng; mô hình trồng dưa hấu tại các xã Hòa Thành, Hòa Xuân Đông, lợi nhuận 20 triệu đồng/ha, cao hơn từ 2-3 lần so với trồng lúa; hay mô hình trồng cây sâm nam, với 10.000 gốc sâm nam, mỗi tháng thu hơn 1 tạ lá, thu nhập khoảng 7 triệu đồng…

Khuyến khích phát triển cánh đồng lớn

Ông Trần Duy Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân TX Đông Hòa, cho biết: “Các loại cây trồng được hội lựa chọn chuyển đổi trên đất trồng lúa kém hiệu quả có thời gian sinh trưởng ngắn, chịu hạn tốt, sử dụng ít nước, tạo nguồn thu nhập quanh năm nên đa số nông dân đều hưởng ứng. Trong 5 năm từ 2015-2020, Đông Hòa đã chuyển đổi thành công 385 ha, đạt 14,4% kế hoạch và đang nhân rộng một số mô hình.

Ông Châu Ngọc Sang, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Xuân Tây, cho hay: “Mô hình trồng sen được nhiều hội viên tập trung trồng tại các bàu, hồ tự nhiên ở các khu phố Nam Bình 1, Nam Bình 2 và một số diện tích đất ruộng ngập trũng, sản xuất lúa một vụ bấp bênh. Sen sinh trưởng mạnh, kỹ thuật trồng không khó, cho thu nhập ổn định, hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ nông dân mạnh dạn thuê mướn diện tích lúa 1 vụ kém hiệu quả đầu tư trồng mở rộng”.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng góp phần đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người dân. Hội đang hướng nông dân phát triển các giống cây trồng chuyển đổi trên đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường, đồng thời tăng cường liên kết với các đơn vị đầu mối để bao tiêu sản phẩm ổn định trong những năm tới. “Để sản xuất bền vững, hội sẽ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu; trong đó khuyến khích phát triển cánh đồng lớn và sản xuất theo hướng liên kết để nâng cao chuỗi giá trị, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất, trồng trọt. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, hội tập trung đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế giúp hội viên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần phát triển kinh tế địa phương và xây dựng nông thôn mới”, ông Trần Duy Ngọc khẳng định.

Ông Trần Duy Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân TX Đông Hòa: Để phát triển mô hình chuyển đổi cây trồng một cách bền vững, Hội Nông dân TX Đông Hòa sẽ tham mưu Thị ủy, UBND thị xã quy hoạch cụ thể các vùng trồng chuyển đổi để tránh việc bà con trồng tự phát, ảnh hưởng đến canh tác một số cây trồng khác. Đồng thời gắn kết trong tiêu thụ, tránh trường hợp cung nhiều hơn cầu, rớt giá một số mặt hàng nông sản trong thời gian qua.

NGỌC HÂN

Giá rau Đà Lạt tăng cao

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Ngày 28/6, giá các loại rau, hoa tại TP Đà Lạt và vùng lân cận đã bắt đầu tăng mạnh sau một thời gian dài lâm vào tình trạng ế ẩm, thậm chí phải đổ bỏ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Rau xanh khan hiếm khiến giá tăng mạnh

Cụ thể, xà lách Mỹ, côrôn được thương lái thu mua tại vườn với giá 50.000 đồng/kg, xà lách lôlô giá từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, rau tần ô và bó xôi có giá từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, cải thảo, bắp sú giá từ 5.500 - 7.000 đồng/kg, tăng gần gấp 3 lần so với 10 ngày trước đây.

Một chủ vựa đầu mối chuyên cung cấp các mặt hàng rau, củ cho các chợ nhỏ tại đường Ngô Quyền, TP Đà Lạt cho biết, đây là mức giá cao “kỷ lục” từ trước đến nay. Giá bán buôn tại đây hiện tại cô rôn, cô ria, xà lách mỡ và các loại rau mùi như hành, ngò, rau thơm có giá 50.000 đồng/kg, sú tim 25.000 đồng/ kg, lơ 15.000 đồng/cây, cải dưa 18.000 đồng/kg…

Anh Nguyễn Định (Phường 8, TP Đà Lạt) chuyên sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho biết thêm, thời điểm cách ly xã hội do dịch Covid-19, nhà vườn trồng rau không bán được phải nhổ bỏ, cày làm phân. Do không biết khi nào dịch chấm dứt nên nhà vườn ngại xuống giống, để đất trống, nay mọi sinh hoạt trở lại bình thường, nhu cầu rau tăng cao lại không đủ cung ứng.

Theo nhiều nhà vườn tại TP Đà Lạt, thời gian gần đây, thời tiết thất thường khiến rau ăn lá canh tác ngoài trời ở TP Đà Lạt và các huyện lân cận bị hư hại nhiều, năng suất kém. Thêm vào đó, nhiều diện tích cô rôn bị dịch bệnh héo rũ khiến sản lượng giảm sút nghiêm trọng. Dự báo, trong thời gian tới, giá các loại rau sẽ tiếp tục tăng mạnh và giữ ổn định ở mức cao. Nguyên nhân là do các hoạt động xã hội đã trở lại bình thường, nhà nông trồng rau ở Đà Lạt và các vùng phụ cận mới cơ cấu lại sản xuất, nên chưa đáp ứng đủ sản phẩm cho thị trường.

VĂN BÁU

Nông dân tìm cách khôi phục vườn cà phê sau hạn hán

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Do ảnh hưởng của hạn hán, toàn tỉnh Đắk Nông có 22.755 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 1.767 ha cà phê bị mất trắng. Hiện nay, khôi phục diện tích cây trồng, đặc biệt là cây cà phê đang được các địa phương chú trọng.

Đợt hạn hán vừa qua, khiến cho hàng ngàn ha cà phê của bà con ở các huyện Đắk Mil, Cư Jút, Krông Nô bị héo úa, khô cháy. Đến nay, các khu vực sản xuất cà phê tại các huyện đã bước vào mùa mưa, bà con nông dân đang tích cực chăm sóc, khôi phục lại vườn cây. Theo bà con nông dân, tùy theo mức độ thiệt hại, bà con có thể tỉa bỏ cành khô, cưa ghép, tạo bộ tán mới cho cây cà phê phát triển.

Ngoài bón phân, phun thuốc phòng ngừa bệnh hại, ông Nguyễn Thành Trung ở thôn Tân Lợi, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) còn thường xuyên vặt chồi, tạo tán để cây đủ sức nuôi trái non

Gia đình chị Nguyễn Thị Hương, ở thôn Đắk Hoa, xã Tân Thành (Krông Nô) có trên 3 ha đất nông nghiệp trồng cà phê và cây ăn trái. Theo chị Hương, đợt nắng hạn vừa qua có thể nói là khốc liệt. Sau 5 lần tưới, đến cuối tháng 5 âm lịch, tất cả ao hồ chứa nước trong vườn gần như cạn kiệt. Không có nước tưới, vườn cà phê, cây ăn trái của gia đình chị bị suy kiệt, nhiều cây chết. Chị Hương cho biết: “Do những ngày cuối mùa khô, vườn cây bị thiếu hụt nước nên đa số cây trồng bị vàng lá, khô quả, nhiều cây chết khô toàn bộ cành chính. Tôi sẽ tiến hành cưa cành chết để phục hồi bộ tán mới. Đối với cây cà phê bị chết cành thứ cấp và còn khả năng tái sinh, tôi sẽ tiến hành ghép cành để cây phát triển trở lại”.

Hiện tại, chị Hương đang dồn sức để chăm sóc, bón phân, phòng bệnh cho những cây cà phê bị rụng lá, khô quả. Ngay từ đầu mùa mưa này, chị Hương đã trồng xen thêm các loại cây ăn trái, cây tạo bóng mát để giữ độ ẩm cho vườn cà phê.

Theo UBND xã Tân Thành, đợt hạn hán vừa qua diễn ra trên địa bàn khá gay gắt, khiến hơn 4.369 ha cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả bị thiệt hại. Hiện chính quyền địa phương đang phối hợp với các cấp, ngành chuyên môn hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, giúp các vườn cây sinh trưởng, phát triển ổn định trở lại. Đến nay, trên địa bàn xã đã có mưa tương đối đều, nên việc khôi phục diện tích cây trồng đã bắt đầu có nhiều thuận lợi hơn so với trước.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, chăm sóc cây cà phê đầu mùa mưa, bà con cần lưu ý biện pháp phun phân bón lá chuyên dùng cho cây. Trong trường hợp đất không đủ ẩm, cần phun phân bón lá ít nhất 2 lần, cách nhau khoảng 15 - 20 ngày, nồng độ theo khuyến cáo của nhà sản xuất để cây phục hồi và hạn chế rụng quả sau thời kỳ khô hạn. Khi đất đủ ẩm, bà con nên tập trung bón phân cho cây. Đặc biệt, đầu mùa mưa bà con nên tiến hành 2 lần bón phân để phục hồi vườn cà phê sau những tháng ngày khô hạn...

Ngoài việc khôi phục lại các vườn cây bị ảnh hưởng do hạn hán, thiếu hụt nước, hiện nay, bà con nông dân cũng đặc biệt quan tâm đến sâu bệnh hại tại các vườn cà phê sau mùa khô. Theo ông Nguyễn Thành Trung ở thôn Tân Lợi, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa), bước vào mùa mưa, việc đầu tiên cần quan tâm đó là tập trung đầu tư phân bón, thuốc phòng bệnh để giúp vườn cà phê lấy lại sinh lực. Đối với vườn cà phê bị ảnh hưởng do hạn hán thì phải xử lý dứt điểm các loại sâu bệnh hại phát sinh trong những tháng mùa khô để lại. Trước mắt là tiến hành vệ sinh vườn cây, cắt tỉa những cành khô, cành bị sâu bệnh, làm sạch cỏ dại để giúp cây sạch bệnh, phát triển nhanh trong môi trường mùa mưa thuận lợi. Bà con cũng cần chú trọng đến khâu chăm bón, bổ sung dưỡng chất để giúp cây phát triển tốt trong giai đoạn tăng kích thước trái.

"Đây là giai đoạn quan trọng, do cây có yêu cầu dinh dưỡng rất lớn, nếu bón phân thiếu hụt, hoặc mất cân đối sẽ khiến quả non rụng nhiều, làm mất năng suất", ông Trung chia sẻ.

Ông Nguyễn Thành Trung ở thôn Tân Lợi, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) luôn làm sạch cỏ dại để ngăn ngừa mầm bệnh cho vườn cây

Tại Diễn đàn khuyến nông và nông nghiệp, với chủ đề “Giải pháp khôi phục sản xuất cà phê và hồ tiêu sau hạn hán kéo dài khu vực Tây Nguyên” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp – PTNT) chủ trì diễn ra tại tỉnh Gia Lai mới đây, các chuyên gia cho rằng, đối với vườn cà phê bị hạn nặng, lá, cành đã bị khô và rụng trầm trọng, thiệt hại năng suất từ 70% - 100%, có thể xem xét trường hợp phải cưa đốn cây để nuôi chồi mới ghép tái canh.

Còn vườn cà phê có năng suất trung bình các năm trước cao (4 - 5 tấn nhân/ha), cây đồng đều thì có thể phục hồi tái tạo lại hệ thống thân cành mới. Nếu vườn cà phê bị chết cây, thuộc vùng đất dốc, tầng đất mỏng, những năm gần đây liên tục bị thiếu nước, về lâu dài không chủ động được nguồn nước tưới bền vững thì cần chuyển đổi sang cây trồng khác có nhu cầu sử dụng nước ít hơn như: điều, sầu riêng, chôm chôm, bơ…

Những vườn cà phê bị ảnh hưởng của hạn hán ở mức độ nhẹ và trung bình, năng suất có thể bị giảm từ 30% - 70%, bà con có thể đốn tỉa và tạo tán, cắt bỏ cành khô, cành bị rụng lá càng sớm càng tốt để giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi các cành mang quả, hạn chế rụng quả. Trường hợp cây bị khuyết tán, cần tạo hình bổ sung tán; thường xuyên kiểm tra vườn cây, phát hiện và phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh...

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nuôi ruồi để chăn nuôi sạch

Nguồn tin: Báo Kon Tum

Dù cả gia đình ngăn cản, cũng như có không ít ánh mắt tò mò, nghi ngại của xóm giềng, ông Cao Đức Ấn (thôn 5, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) vẫn bắt tay vào nuôi ruồi lính đen để làm thức ăn phục vụ chăn nuôi sạch. Hiệu quả đem lại đã cho thấy hướng đi đúng của ông Ấn.

Làm việc “điên khùng”

Dù đang thực hiện mô hình vườn, ao, chuồng (nuôi cá, trồng cà phê, cây ăn quả), nhưng ông Ấn vẫn luôn tìm tòi các mô hình phát triển kinh tế bền vững. Năm 2018, tình cờ xem trên mạng xã hội, ông biết đến mô hình nuôi ruồi lính đen để làm thức ăn chăn nuôi. Tìm tòi, suy nghĩ, nghiên cứu kỹ, lại nhận thấy có đủ nguồn lực (đất rộng, khí hậu phù hợp…), ông quyết tâm nuôi ruồi để làm thức ăn cho gà, cá. “Thay vì cho gà, cá ăn cám công nghiệp, tôi nuôi ruồi để lấy thức ăn cho chúng, phát triển theo hướng chăn nuôi hữu cơ, sạch, bền vững” - ông Ấn giải thích.

Vẫn biết ông Cao Đức Ấn là người hay mày mò, sáng tạo, làm những việc chưa ai làm đại trà, nhưng năm 2019, nghe chuyện ông chuẩn bị nuôi ruồi, ai nấy đều xua tay ngăn cản. “Ông này toàn làm việc “điên khùng”. Nuôi con gì không nuôi lại đi nuôi ruồi. Nuôi ruồi cho ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến khu dân cư”. Người ta nói tôi như vậy - ông Ấn chia sẻ.

Vợ ông - bà Phan Thị Hồng Nhung - luôn ủng hộ ông thực hiện các mô hình, nhưng lần này, bà cũng nhất quyết ngăn cản. Thậm chí, bà còn gọi điện về quê, nhờ người nhà cùng tác động để dừng ngay việc làm “điên khùng” của chồng.

Ông Ấn khoe đàn ruồi lính đen trưởng thành. Ảnh: HT

Mặc kệ mọi người ra sức ngăn cản, tìm hiểu kỹ càng, ông Ấn vẫn quả quyết thực hiện. “Ai nói gì kệ, tôi không phân bua, giải thích, để kết quả chứng minh” - ông Ấn bảo vậy.

Suy nghĩ kỹ, ông đặt mua trên mạng 2 lạng trứng ruồi lính đen với giá 6 triệu đồng. “Lúc đấy tôi cũng nóng vội. Chuồng trại chưa chuẩn bị, kinh nghiệm chưa có, nên tôi thất bại. Trong quá trình vận chuyển, do nhiệt độ quá cao, 2 lạng trứng chết sạch. Tôi mất 6 triệu đồng” - ông Ấn nói.

Không bỏ cuộc, rút kinh nghiệm lần đầu, khoảng tháng 9/2019, sau khi chuẩn bị chuồng trại đàng hoàng, ông tìm vào Đồng Nai tham quan, học tập kinh nghiệm nuôi ruồi. Trong 1 tuần, ông học các kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh, cách ủ, ấp trứng… Có thêm những kiến thức cơ bản và kinh nghiệm từ thực tế, ông tiếp tục mua 2 lạng trứng ruồi đem về ấp trứng.

“Ăn với ruồi, ngủ với ruồi”

Không như lần đầu, lần này, sau khi mua trứng về, ông bỏ vào khay ủ trứng. Khoảng 2 ngày 3 đêm, trứng nở ra ấu trùng. Với kinh nghiệm học được, ông sử dụng cám (loại cám cho gà con) hòa với nước rồi rải lên khay để cho ấu trùng ăn. Sau khi ủ 4-7 ngày, ấu trùng to bằng đầu tăm, ông cho vào máng và sử dụng các loại bả đậu, thức ăn dư thừa để nuôi. Khoảng 20-25 ngày tuổi, ấu trùng đen dần, chuyển thành nhộng đen và đóng kén. “Lúc này ấu trùng hóa thành những con sâu đen và mình ngưng cho ăn. Và khoảng thời gian tầm 1 tuần tiếp theo nó sẽ thành ruồi và tiếp tục đẻ trứng” - ông Ấn chia sẻ.

Đã chuẩn bị sẵn tâm lý, thời gian đầu, vừa làm, vừa học để rút kinh nghiệm nên ông Ấn dành hầu hết thời gian vào đàn ruồi. Sáng, mở mắt ra, ông đã chạy xuống chuồng, kiếm thức ăn nuôi ấu trùng, chuẩn bị khay đựng trứng… quần quật đến tối mới lên nhà.

“Thời gian đầu, tôi không dám đụng vào, khiếp lắm! Lúc đấy, một mình ông ấy chăm sóc, ăn cũng nghĩ đến ruồi, ngủ cũng nghĩ đến ruồi. Nhiều lúc, nửa đêm đang ngủ ông còn chạy xuống xem đàn ruồi. Thấy ông quá quyết tâm, hơn nữa, nhìn đàn ấu trùng, nhộng ruồi mãi thành quen, hết sợ, tôi mới phụ giúp ông” – bà Nhung nhớ lại.

Ròng rã mấy tháng trời, mỗi lần làm, ông lại rút kinh nghiệm dần. Lần nuôi sau tốt hơn lần nuôi trước, cứ thế, thay vì mua trứng như ban đầu, ông đã tự ủ trứng và gây giống thành công.

1 lạng trứng nở ra khoảng 100kg ấu trùng. Ảnh: HT

Chi ít, thu nhiều

Vì ấu trùng ruồi lính đen có thể ăn nhiều thứ nên việc nuôi hầu như không tốn chi phí (trừ chi phí mua cám gà con giai đoạn đầu). “Ấu trùng của ruồi lính đen có thể phân hủy hầu hết các loại rác hữu cơ cũng như phân gà, phân heo… Chính vì vậy, phân gà thải ra đến đâu, ấu trùng xử lý hết đến đó. Ngày trước, việc chăn nuôi gà còn gây mùi hôi khó chịu, từ ngày nuôi ruồi lính đen, hoàn toàn không còn mùi hôi thối. Với những đặc điểm trên, người ta còn ứng dụng việc nuôi ruồi lính đen trong nông nghiệp và xử lý chất thải sinh hoạt” - ông Ấn cho biết.

Bên cạnh việc “dọn” vệ sinh môi trường, ấu trùng ruồi lính đen dùng làm thức ăn chăn nuôi gà, cá giúp tiết kiệm đến 50% chi phí so với nuôi bằng cám công nghiệp. “Qua làm thử nghiệm, 1 lạng trứng sẽ nở ra được khoảng 100 kg ấu trùng. Tôi trộn ấu trùng ruồi lính đen với bắp để cho khoảng 300 con gà ăn. Nếu như trước đây nuôi bằng cám công nghiệp, 1 ngày tôi mất 400 ngàn đồng tiền cám thì bây giờ khi dùng ấu trùng ruồi lính đen, tôi chỉ mất chi phí khoảng 200 ngàn đồng, mà hiệu quả hơn rất nhiều” - ông Ấn nói.

Ông Ấn còn cho hay, theo các nghiên cứu, ấu trùng ruồi lính đen trước giai đoạn hóa nhộng có thành phần dinh dưỡng cao (khoảng trên 40% protein, 10% chất béo và 5% canxi). Chính vì hàm lượng chất dinh dưỡng cao, gà, cá ăn ấu trùng mau lớn và sức đề kháng cao. Ông cho biết, đàn gà nhà ông nhanh lớn, khỏe mạnh, không bị bệnh phần lớn là nhờ ăn ấu trùng ruồi lính đen.

Không chỉ có vậy, xác ruồi lính đen sau khi đẻ trứng được tận dụng làm thức ăn cho gà, cá; làm phân bón hữu cơ cho cây trồng. Tiếng lành đồn xa, từ việc lo ngại việc nuôi ruồi lính đen tác động xấu đến môi trường, một số hộ chăn nuôi tại huyện Đăk Hà đã xuống tận nhà ông Ấn “mục sở thị” và làm theo.

Thay vì bán với giá 3 triệu đồng/1 lạng trứng, ông Ấn chỉ bán cho người dân với giá 1,5 triệu đồng. Cùng với đó, ông còn tận tình hướng dẫn cách làm chuồng trại, cách chăm sóc…

“Nuôi ruồi lính đen vừa là mô hình làm sạch môi trường chăn nuôi, vừa là mô hình chăn nuôi kinh tế được nhiều địa phương ở các tỉnh triển khai, nhưng ở Đăk Hà, gia đình tôi triển khai đầu tiên. Sắp tới, tôi cũng có hướng nhân rộng thêm. Bây giờ thì không ai nói ông Ấn “điên, khùng” nữa rồi. Nếu ai muốn học hoặc làm, tôi sẵn sàng giúp đỡ” - ông Ấn cười vui vẻ.

HOÀI TIẾN

Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng giảm 8,8%

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Ngày 29-6, giá thịt lợn hơi tại miền Bắc tiếp tục tăng 1.000 đồng/kg so với hôm qua (28-6), với giá dao động 90.000-93.000 đồng/kg.

Cụ thể, tại tỉnh Ninh Bình có giá 93.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg so với hôm qua; tại Hà Nội 92.000-95.000 đồng/kg; tại miền Trung giảm nhẹ, dao động trong mức 75.000-87.000 đồng/kg; tại các tỉnh miền Nam, giá ổn định mức 83.000-86.000 đồng/kg.

Ảnh minh họa.

Liên quan tới việc giá thịt lợn hơi vẫn cao, ông Nguyễn Đình Tường - Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) cho biết, ngày 29-6, giá thịt lợn hơi xuất chuồng tại các trang trại của hợp tác xã là 95.000 đồng/kg, nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung còn thiếu. Trước đây, hợp tác xã có 8 trang trại chăn nuôi với tổng đàn rất lớn, nhưng từ khi có bệnh Dịch tả lợn châu Phi đến nay, 3 trang trại (quy mô 50-70 con lợn) đang ngừng chăn nuôi, chưa tái đàn.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), đến thời điểm này, đã có khoảng 4.800 con lợn cả hậu bị và lợn thịt được nhập khẩu chính ngạch về Việt Nam. Lợn nhập từng lô 300-500 con nhưng chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Hơn nữa, việc nhập khẩu lợn sống phải tuân thủ các quy định của kiểm dịch thú y nên không thể nhập ồ ạt, thiếu kiểm soát.

Đến thời điểm này, mới có 500 con lợn sống nhập khẩu từ Thái Lan được giết mổ bán ra thị trường nên nguồn cung chủ yếu vẫn là lợn nuôi trong nước. Theo báo cáo của các địa phương, tổng đàn lợn cả nước hiện đạt gần 2,5 triệu con, tương đương 80,3% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1,64 triệu tấn, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Hiện, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn cả nước mỗi quý từ 900-910 nghìn tấn trong bối cảnh các trang trại, doanh nghiệp cung cấp chỉ khoảng hơn 811 nghìn tấn, dẫn tới nguồn cung vẫn thiếu, kéo theo giá thịt lợn hơi vẫn tăng, nhất là tại các tỉnh miền Bắc.

Để giảm áp lực thiếu hụt nguồn cung thịt lợn, mới đây, trong buổi làm việc với ông Alexandre Bouchot, Tham tán nông nghiệp Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên kết nối để Việt Nam có thể nhập khẩu thịt lợn từ Pháp, nếu phía Pháp có thịt lợn chất lượng tốt, giá cả phù hợp.

Trong khi tại các tỉnh miền Bắc giá thịt lợn hơi tiếp tục tăng thì khu vực chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội, giá thịt lợn có chiều hướng ổn định, dao động 130.000-170.000 đồng/kg tùy từng loại.

NGỌC QUỲNH

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop