Tin nông nghiêp ngày 01 tháng 11 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiêp ngày 01 tháng 11 năm 2019

Nâng cao chất lượng cà phê từ khâu thu hoạch

Nguồn tin: VOV

Tại khu vực Tây Nguyên, các doanh nghiệp và người dân đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch cà phê với tổng diện tích khoảng 500.000ha.

Để có sản phẩm chất lượng, chính quyền và ngành nông nghiệp các địa phương trong khu vực tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo, thậm chí là tổ chức giám sát ngay từ khâu thu hoạch quả cà phê trên nương rẫy. Việc nâng cao được chất lượng cà phê cũng chính là một trong những giải pháp để tăng được giá bán trong bối cảnh cà phê rớt giá hiện nay.

Hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Pô Kô ở huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum có vùng nguyên liệu gần 200ha cà phê trên cơ sở liên kết với các hộ dân. Để chuẩn bị cho vụ thu hoạch cà phê năm nay, Hợp tác xã này đã cho xây dựng hàng nghìn m2 nhà kính và đặt mục tiêu thu hoạch 100% quả chín.

Đồng thời cà phê nhân phải được phơi trên giàn cao và tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

Ông Nguyễn Khắc Vị, Trưởng Ban Kiểm soát chất lượng cà phê, Hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Pô Kô cho biết, để tăng được giá bán trong bối cảnh cà phê rớt giá hiện nay, cách duy nhất là phải sản xuất được cà phê chất lượng cao. Muốn làm được điều này, cùng với quá trình chăm sóc thì khâu thu hoạch cà phê là rất quan trọng.

“Khi sản phẩm của chúng tôi được thu về thì rửa sạch và đưa vào máy bắn màu, bắn quả xanh ra. Quả chín này được xay dập, xay trong máy chế biến ướt mini là hất vỏ ra. Còn nhân cà phê đưa phơi trên giàn cách mặt đất khoảng 20 phân. Làm giàn phơi trên đấy. Bây giờ phải làm như thế mới bán được cho nên là đang vận động bà con làm như thế và cũng giao cho mỗi hộ phải làm bằng được sản phẩm đó để làm sao mình có hàng xuất khẩu” - ông Nguyễn Khắc Vị chia sẻ.

Tỉnh Kon Tum có trên 21.000ha cà phê, vụ thu hoạch năm nay, để nâng cao được chất lượng cà phê, chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động doanh nghiệp và người dân thu hái đảm bảo tỷ lệ quả chín; hướng dẫn người dân cách sơ chế bảo quản sản phẩm; đầu tư, hỗ trợ phương tiện, nông cụ giúp quá trình thu hoạch cà phê của người dân được thuận lợi.

Ông Trần Văn Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết: “Chúng tôi đã tuyên truyền cho người dân rất nhiều các giải pháp, như vận động người dân để mức độ quả chín trên 90% thì mới bắt đầu thu hoạch đảm bảo chất lượng hạt cà phê tốt hơn. Trong quá trình sơ chế nếu trong trường hợp chế biến ướt phải vận chuyển về cơ sở chế biến trong vòng 24 giờ.

Nếu trong trường hợp chế biến khô phải tổ chức phơi trên sân bê tông. Cũng đã hỗ trợ nhiều các Hợp tác xã để tổ chức sân bê tông phơi. Khi phơi, không nên để độ dầy của cà phê trên 30cm, phải đảo liên tục để đảm bảo hạt cà phê khô, đồng đều và chuẩn bị tất cả các điều kiện, như là bạt để che mưa không được để nước mưa vào hạt cà phê để đảm bảo chất lượng cà phê”./.

Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên

Tăng lợi nhuận khi cho ớt sừng vàng ‘ở trong mùng’

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Nắm bắt được xu thế nhu cầu thị trường, Trạm Khuyến nông TP. Sóc Trăng đã xây dựng mô hình trồng ớt theo hướng an toàn, cung cấp đến người tiêu dùng. Để ớt đảm bảo đầu ra ổn định, đơn vị đã thực hiện trồng ớt trong nhà lưới, bước đầu đã tăng thêm thu nhập cho hộ dân canh tác.

Trung tâm Khuyến nông TP. Sóc Trăng chọn triển khai mô hình trồng ớt sừng vàng trong nhà lưới tại điểm nhà ông Nguyễn Văn Hùng, Khóm 9, Phường 3 (TP. Sóc Trăng). Đây là hộ nông dân có kinh nghiệm trồng màu hơn 20 năm và ông đã từng trồng ớt sừng vàng bên ngoài nhà lưới nên khi thực hiện mô hình này sẽ so sánh được hiệu quả thiết thực của mô hình.

Ông Hùng bộc bạch: “Tôi có 3 công đất rẫy chuyên canh cây màu với đủ các loại rau, nào là bắp cải, bông cải, cải xanh, dưa leo, khổ qua… và diện tích đất được trồng màu xoay vòng tiếp nối nhau để đảm bảo lúc nào cũng có rau màu cung cấp cho thị trường. Hiện tại, tôi trồng 3 công cải bông, sử dụng màn che di động do học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh, thành khác. Màn che di động tiện lợi rất nhiều trong việc đảm bảo cây màu, nhất là họ nhà cải phát triển quanh năm, bất kể mưa nắng. Chi phí đầu tư cho các màn che thấp, chỉ dùng cao su trắng che phía bên trên xung quanh các luống màu, dùng sắt uốn cong tạo thành vòng cung để kéo màn che qua lại khi thời tiết nắng nóng và gặp lúc mưa chỉ việc kéo màn che qua thì cây màu không bị ảnh hưởng bởi tác động thời tiết đem đến”.

Lãnh đạo Trạm Khuyến nông TP. Sóc Trăng và ông Nguyễn Văn Hùng, Khóm 9, Phường 3 (TP. Sóc Trăng) bên trong mô hình trồng ớt sừng vàng trong nhà lưới. Ảnh: Thúy Liễu

Cũng theo ông Hùng, thấy hiệu quả thiết thực với màn che di động trên màu nên khi ông được Trung tâm Khuyến nông TP. Sóc Trăng hỗ trợ, ông làm nhà lưới và trồng ớt sừng vàng bên trong. “Tôi rất phấn khởi, vì trồng màu nhà lưới không có các loại côn trùng gây hại tấn công cây màu, hạn chế tối đa việc dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhẹ công chăm sóc, bảo vệ được sức khỏe người trồng và người tiêu dùng” - ông Hùng vui vẻ cho biết thêm.

Trưởng Trạm Khuyến nông TP. Sóc Trăng Mai Quốc Ngưng cho biết: “Trong năm 2019, đơn vị triển khai một số mô hình trồng trọt, chăn nuôi chuyển giao đến hộ dân, trong đó có mô hình trồng ớt nhà lưới. Mục tiêu chính của mô hình là để phân tích tính hiệu quả của việc trồng ớt trong nhà lưới cũng như chuyển giao kỹ thuật đến hộ dân nhằm hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo sản phẩm an toàn cho người sử dụng cũng như để nông dân trong vùng tham quan học tập, nhân rộng mô hình trong thời gian tới. Mô hình có diện tích 1.000m2, kinh phí thực hiện hơn 22,5 triệu đồng, nông dân đối ứng gần 6 triệu đồng, phần còn lại do Nhà nước hỗ trợ, giống ớt được trồng là ớt sừng vàng F1 CN 405. Qua thời gian xuống giống, ớt đã cho thu hoạch tầm 5 tháng nay, dự kiến đến cuối vụ, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận tầm 24 triệu đồng/1 công ớt nhà lưới. Dự định tới đây, đơn vị sẽ hỗ trợ thêm hộ thực hiện mô hình hệ thống tưới phun tự động”.

Đồng chí Mai Quốc Ngưng cho biết thêm: “Mô hình trồng ớt trong nhà lưới hạn chế ô nhiễm đất, nước, không khí… gây ra bởi các hóa chất có trong thuốc bảo vệ thực vật và giảm tác động thời tiết lên cây, tránh ánh sáng mạnh hay mưa trực tiếp, bảo vệ cây trồng tốt hơn. Đồng thời, duy trì năng suất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận thông qua việc hạn chế tối đa dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tạo ra được sản phẩm nông nghiệp an toàn. Hướng tới, để phát huy hiệu quả và nhân rộng mô hình, đơn vị sẽ phối hợp ngành chuyên môn, địa phương vận động, tuyên truyền nông dân tham gia ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật canh tác mới như trồng màu trong nhà lưới và mô hình tưới phủ trên màu. Tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nhà lưới bằng cách liên kết các doanh nghiệp thu mua sản phẩm nông sản và hướng nông dân sản xuất các sản phẩm theo hướng hữu cơ nhằm phục vụ cho thị trường, nâng cao giá trị hàng hóa, hướng đến việc sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững…”.

Ông Nguyễn Văn Hùng thông tin, tới đây ông sẽ mở rộng thêm diện tích nhà lưới để trồng màu được tốt hơn. Với 1 công màu được Nhà nước hỗ trợ nhà lưới, ông sẽ tự xây dựng thêm 1,5 công trồng màu bên trong nhà lưới để việc sản xuất màu thuận tiện hơn trong thời điểm biến đổi khí hậu như hiện nay.

Thúy Liễu

Người trồng mía kêu cứu

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Mỗi ngày chỉ thu hoạch khoảng 10ha, trong khi nhu cầu cần đốn lên đến hơn 200ha và hiện có nhiều diện tích mía đã quá ngày thu hoạch đang dần chết khô ngoài đồng. Từ đó, tạo ra áp lực không nhỏ cho nông dân tại vùng mía nguyên liệu lớn nhất của tỉnh là huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) trong lúc này.

Chỉ có Nhà máy đường Phụng Hiệp hoạt động nên không đảm bảo tiêu thụ mía cho nông dân Hậu Giang trong lúc này.

Những ngày qua, bà Thái Thị Tuyết Hoa cùng nhiều nông dân trồng mía tại ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, đứng ngồi không yên vì cánh đồng mía phía sau nhà đã quá ngày thu hoạch gần một tháng. Hiện lá và đọt mía cũng bắt đầu khô dần, nhưng thương lái thì đến thu mua nhỏ giọt vì phải phụ thuộc vào sự chi phối của nhà máy đường.

Bà Hoa bức xúc cho biết: “Năm nay, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) áp dụng chính sách mới trong thu mua mía là nông dân phải bán mía trực tiếp qua thương lái được Casuco hợp đồng vận chuyển mía từ trước, còn bà con nào bán cho thương lái bên ngoài thì Casuco không tiếp nhận mía. Do đó, số lượng thương lái đến đây mua mía trong lúc này rất ít. Bởi, hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có mỗi Nhà máy đường Phụng Hiệp (thuộc Casuco) là còn hoạt động, trong khi bà con thì rất cần được bán mía sớm vì mía sắp chết khô ngoài đồng. Riêng gia đình tôi có 4 công mía (giống ROC 16) hiện cũng bị khô đọt khá nhiều và việc giảm năng suất khi thu hoạch sẽ khó tránh khỏi”.

Theo nhiều người dân trồng mía sống dọc tuyến kênh Bảy Mũ, thuộc ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng thì vào thời điểm này mọi năm, tuy giá mía thấp như năm nay nhưng không khí bán mía của bà con nơi đây cũng khá sôi nổi vì có đông thương lái đến thu mua. Cụ thể, toàn tuyến kênh Bảy Mũ này dài khoảng 1,3km nhưng mỗi ngày có ít nhất 20 ghe với tải trọng từ 50-70 tấn đậu dọc theo kênh để cân mía cho nông dân. Đồng thời, kéo theo đó là mỗi ngày khu vực này cũng có không dưới 200 nhân công đốn và vận chuyển mía từ rẫy ra bãi cân. Còn năm nay, do Casuco thay đổi chính sách thu mua nên mỗi ngày, toàn tuyến chỉ có 3-4 hộ được bán mía, từ đó diện tích mía chưa thu hoạch còn khá nhiều.

Cùng tâm trạng lo lắng như người trồng mía ở xã Hiệp Hưng, bà Nguyễn Thị Biểu, ở ấp Long Trường, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, có 7 công mía (giống ROC 16) hiện đã hơn 11 tháng tuổi nhưng chưa được thu hoạch. Bà Biểu thông tin: “Năm nay, giá mía đã thấp làm người dân lo lắng lắm rồi, ai dè đến ngày đốn mía mà kiếm thương lái chẳng thấy ở đâu thì gánh nặng thêm chồng chất. Giờ mía ngoài ruộng bị khô đọt và xuống lá rất nhiều. Chỉ mong ngành chức năng sớm có giải pháp hối thúc nhà máy đường đẩy nhanh tiến độ mua mía cho nông dân”.

Qua theo dõi của ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, bình quân mỗi ngày, toàn huyện chỉ có khoảng 30-40 ghe đến cân mía nên nông dân trên địa bàn huyện chỉ thu hoạch khoảng 10ha mía/ngày, trong khi tổng diện tích mía của toàn huyện trong vụ này là 6.449ha. Với tiến độ thu hoạch mía rất chậm nên đến thời điểm này, mía đã đốn để bán cho nhà máy đường chỉ chiếm khoảng 20% diện tích, trong khi cùng kỳ năm trước đã hơn 60%.

Nhiều diện tích mía của nông dân do quá ngày thu hoạch nên đang bị khô đọt.

“Do nhà máy đường vào vụ ép trễ hơn năm trước gần một tháng đã dẫn tới tình trạng mía đang bị ùn ứ ngoài đồng khá nhiều, vì hầu hết các diện tích mía hiện nay đều đã quá ngày và trong giai đoạn cần thu hoạch. Trường hợp tiếp tục kéo dài thêm thời gian nằm chờ ngoài đồng thì địa phương lo lắng mía của nông dân sẽ bị thiệt hại do bị chết cây. Chính vì vậy, nhu cầu của huyện trong lúc này là mỗi ngày cần thu hoạch hơn 200ha mía. Trước tình hình trên, địa phương đề nghị nhà máy đường có giải pháp tăng cường công suất ép mía và số lượng ghe thu mua trong dân để tăng diện tích mía được thu hoạch trong thời gian tới”, ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho hay.

Mặc dù ngành chức năng huyện Phụng Hiệp và người dân đang kiến nghị Casuco tăng cường công suất ép để tiêu thụ mía được nhanh. Tuy nhiên, giải pháp này chưa thật sự là trọng tâm. Bởi trước đây, khi vào vụ ép mía thì trên địa bàn tỉnh có đến 3 nhà máy đường hoạt động, với tổng công suất ép gần 9.000 tấn mía cây/ngày/đêm. Tuy nhiên, với nhiều lý do khác nhau nên trong vụ ép 2019-2020 này, Hậu Giang chỉ còn có một Nhà máy đường Phụng Hiệp hoạt động, với công suất ép 3.500 tấn mía cây/ngày/đêm, tương đương chỉ khoảng 30-35ha mía nhưng phải chạy hết công suất. Trong khi tổng diện tích mía đã xuống giống trên địa bàn tỉnh ở niên vụ 2019-2020 này là gần 8.200ha và hiện mới thu hoạch được gần 2.000ha (chủ yếu bán mía chục làm nước ép giải khát) nên phải mất thời gian khá lâu nữa mới tiêu thụ hết mía cho nông dân Hậu Giang. Do đó, thiết nghĩ giải pháp hữu hiệu trong lúc này là lãnh đạo Casuco xem xét vào vụ ép tiếp tại 2 nhà máy đường khác có cổ phần lớn của Casuco là Nhà máy đường Sóc Trăng và Trà Vinh. Có như vậy, Casuco sẽ góp phần giải quyết nhanh diện tích mía đang rất cần được thu hoạch trong lúc này cho nông dân Hậu Giang để giảm thiệt hại…

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Sầu riêng Việt Nam chinh phục thị trường Australia

Nguồn tin: VOV

Ngày 29/10, tại thành phố Sydney, Australia, đã diễn ra lễ khai mạc Hành trình Thưởng thức sầu riêng Việt Nam.

Hành trình Thưởng thức sầu riêng Việt Nam tại Australia là hoạt động mở màn cho Chương trình xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam tại Australia do Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Australia và Tổng lãnh sự Việt Nam tại Sydney tổ chức.

Tổng Lãnh sự Trịnh Đức Hải (đeo kính đen) tin tưởng sầu riêng đông lạnh Việt Nam sẽ có chỗ đứng tại thị trường Australia.

Trong Hành trình Thưởng thức sầu riêng Việt Nam tại Australia, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam đã được mang ra mời thực khách nếm thử tại nhiều khu vực đông người Châu Á tại Sydney như Market City, China Town, Nhà hát Con Sò hay khu vực đông người Việt là Marrickville...

Ông Suren Pather, Chủ tịch tập đoàn SUMO, một người rất thích ăn sầu riêng đã rất ngạc nhiên khi lần đầu nếm thử sầu riêng Việt Nam tại Australia: “Tôi đã ăn sầu riêng ở khắp nơi trên thế giới như Thái Lan, Malaysia nhưng đây là lần đầu tiên tôi thử sầu riêng Việt Nam. Tôi có thể nói rằng đây là một trong những loại sầu riêng ngon nhất mà tôi từng được thử, hương vị của nó thật sự rất ngon. Tôi mong sớm được mua sầu riêng Việt Nam tại Australia”.

Sầu riêng hiện đang là một trong những loại nông sản phát triển mạnh tại Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2008-2018, diện tích trồng sầu riêng tăng từ 17.500ha lên 47.300ha. Sản lượng sầu riêng cũng tăng mạnh từ 93.000 tấn lên hơn 478.600 tấn.

Trong bối cảnh sản lượng và chất lượng sầu riêng của Việt Nam đều gia tăng nhanh chóng, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng tại Australia cũng tăng mạnh trong những năm gần đây, Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Australia và Tổng lãnh sự Việt Nam tại Sydney xây dựng Chương trình xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam tại Australia để giới thiệu loại quả đặc sản của Việt Nam tới thị trường nhiều tiềm năng.

Australia hiện chưa cho phép nhập khẩu sầu riêng tươi trong khi sầu riêng đông lạnh của Việt Nam lại giữ nguyên được màu sắc và hương vị ngọt dịu, béo ngậy đặc trưng nên Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia đã quyết định giới thiệu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam tới thị trường Australia.

Ông Nguyễn Phú Hòa, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia tin tưởng, với chất lượng vượt trội, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam có thể có được chỗ đứng xứng đáng tại thị trường Australia.

“Vai trò và trách nhiệm của thương vụ là tìm đầu ra cho bà con nông dân, đồng thời xây dựng một chiến lược thương hiệu sầu riêng Việt Nam tại Australia để cạnh tranh và khẳng định thương hiệu sầu riêng Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu này, Thương vụ đã biên soạn một sổ tay liên quan đến vấn đề cạnh tranh sầu riêng để phổ biến đến các doanh nghiệp có quyết tâm xuất khẩu và mong muốn xây dựng thương hiệu tại Australia.

Chúng tôi rất mong các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sầu riêng Việt Nam hãy liên hệ với thương vụ để chúng tôi hỗ trợ tư vấn nhằm tạo dựng chỗ đứng và xây dựng một thương hiệu sầu riêng Vua của Việt Nam tại Australia”, ông Hòa nói.

Kể từ khi Việt Nam và Australia thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 3/2018, quan hệ nhiều mặt giữa hai nước có thêm cơ sở vững chắc để phát triển nhanh chóng. Tổng kim ngạch thương mại 2 nước đạt 3,2 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, nông sản là một mặt hàng tăng trưởng liên tục và chiến lược. Ông Trịnh Đức Hải, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Sydney khẳng định, việc các mặt hàng nông sản trong đó có trái cây của Việt Nam được chào đón tại thị trường Australia, một trong những thị trường khó tính nhất thế giới, là một sự thành công rất là có ý nghĩa.

“Tôi tin tưởng chắc chắn trái sầu riêng Việt Nam sẽ có chỗ đứng vững chắc trong danh mục nhập khẩu ưu tiên của các doanh nghiệp Australia và đặc biệt là đối với người tiêu dùng Australia. Tôi tin rằng chúng ta có đầy đủ cơ sở để cạnh tranh công bằng và thành công đối với những trái cây tương tự quả sầu riêng, đặc biệt là đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm khác đến từ Thái Lan và Malaysia”, ông Hải nhận định.

Thực khách Australia háo hức nếm thử sầu riêng Việt Nam.

Bà Trần Xuân Đào, Tổng giám đốc Happy Durian cho rằng, sầu riêng Việt Nam có thể xây dựng chỗ đứng tại thị trường Australia: “Thị trường sầu riêng đông lạnh của Việt Nam hoàn toàn có lợi thế cạnh tranh tại Australia nếu so với sầu riêng đông lạnh của Malaysia và Thái Lan.

Sầu riêng Việt Nam có lợi thế về công nghệ, chất lượng của giống và kỹ thuật của những nông dân. Công ty chúng tôi sẽ tiếp tục học hỏi để nâng cao chất lượng sầu riêng đông lạnh của Việt Nam để gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế”.

Để sầu riêng đông lạnh Việt Nam nhanh chóng có chỗ đứng tại thị trường Australia, Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia đã xây dựng chương trình cụ thể, trong đó có việc hướng dẫn các điều kiện nhập khẩu, kết nối với các nhà nhập khẩu tại Australia; tiếp tục kết nối và thuyết phục kiều bào để nhập khẩu sầu riêng với số lượng lớn, xuất đi bằng tàu biển để giảm chi phí, tăng sự cạnh tranh tại thị trường Australia...

Những lô hàng sầu riêng đông lạnh lần này của Việt Nam nhập khẩu sang Australia đã nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận. Nhiều bà con Việt kiều rất vui khi thấy loại quả đặc sản của Việt Nam được bày bán tại cửa hàng./.

Việt Nga/VOV-Australia

An Giang: Diện tích cây ăn trái tăng mạnh

Nguồn tin: Báo An Giang

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã trồng mới khoảng 500ha cây lâu năm, chủ yếu là cây ăn trái.

Ảnh: H.C

Đến nay, diện tích cây lâu năm trên địa bàn tỉnh đạt 17.700ha, nhóm cây ăn trái là 15.425ha (tăng 577ha so cùng kỳ 2018), chiếm 87,22% diện tích. Loại cây ăn trái có diện tích tăng mạnh nhất là xoài (đạt 10.737ha, tăng 540ha), trong đó 80% là các giống xoài chất lượng như: Đài Loan, cát Hòa Lộc. Những loại khác cũng có diện tích tăng và thị trường tốt là: chuối 1.467ha (tăng 63ha, riêng chuối cấy mô tăng 70ha), mít 259ha (tăng 34ha), nhãn 294ha (tăng 51ha), cây có múi (cam, chanh, quýt, bưởi) 1.376ha (tăng 121ha)…

Việc tăng diện tích cây ăn trái kéo theo sản lượng thu hoạch trong 9 tháng tăng 22.500 tấn, bù lại sản lượng lúa sụt giảm, góp phần đưa giá trị sản xuất ngành trồng trọt tăng 551 tỷ đồng.

NGÔ CHUẨN

Độc đáo nghề làm tôm câu mực

Nguồn tin:  Báo Bình Thuận

Là một nghề thủ công, đòi hỏi sự tỉ mỉ, trải qua nhiều công đoạn - nghề làm tôm câu mực hơn 10 năm qua đã mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình anh Phạm Hồng Bình - khu phố 1, phường Phước Lộc, thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận).

Một con tôm câu mực tưởng chừng đơn giản, nhưng thực tế đòi hỏi rất nhiều thao tác. Từ các nguyên vật liệu như: gỗ, kẽm, hạt nhựa, decal phản quang và cước... người làm phải trải qua 10 công đoạn mới cho ra một sản phẩm con tôm câu mực hoàn chỉnh.

Mỗi người phụ trách một công đoạn khác nhau, như anh Bình, ngoài việc cưa gỗ để định hình ra tôm, sau đó dùng máy thao tác mài nhẵn mịn thân và khoan mắt tôm. Rồi tiếp tục dùng chì nóng đổ vào phần bụng tôm, tạo độ nặng giúp tôm có thể chìm xuống nước.

Các khâu còn lại như gắn mắt và trang trí thân tôm sẽ do vợ và 2 con thực hiện. Dựa vào đặc tính của mực mà làm mồi câu, theo đó, phần đầu và cuối thân tôm giả được dán decal phản quang và cố định bằng cước, khi dưới nước sẽ phát màu sáng bắt mắt để thu hút con mồi. Đuôi tôm được làm bằng kẽm, đầu mài sắt nhọn như mũi kim, có chức năng làm lưỡi câu... Công việc tuy đơn giản nhưng đòi hỏi ở người làm sự chăm chút.

Ở thị xã La Gi, nghề này gần như là một nghề khá hiếm. Mỗi ngày, 4 thành viên trong gia đình anh Bình sẽ làm ra được trên dưới 150 con tôm thành phẩm. Sản phẩm được gia đình bỏ mối cho các cửa hàng bán vật tư ngư nghiệp, phục vụ các ghe tàu hoạt động nghề mành mực hoặc lưới rút. Trước đây, anh Bình còn bỏ hàng tại Long Hải - Bà Rịa Vũng Tàu, nhưng nay, do mở rộng kinh doanh các mô hình khác, nên sản phẩm tôm câu mực của gia đình làm ra chỉ đủ cung cấp trong thị xã.

Với thu nhập mỗi người có thể kiếm được sau khi trừ hết chi phí từ 350.000 – 400.000 đồng/ngày, không đòi hỏi quá nhiều sức lực nhưng cần lắm sự công phu. Tuy nhiên, theo anh Bình cho biết rất muốn được tạo điều kiện vay vốn, đầu tư thêm máy móc để làm thêm nhiều sản phẩm cung ứng cho nhu cầu thị trường thời gian tới.

Minh Trúc - Công Dũng

Hướng dẫn phòng dịch, tiêm phòng đàn gia súc

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) được chọn xây dựng dự án chuỗi sản xuất thịt heo an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới – OIE. Qua thống kê, toàn huyện có 8 xã, thị trấn trong vùng đệm xung quanh trang trại Làng Việt Nam thuộc Công ty Greenfeed gồm các xã, thị trấn: Hàm Thắng, Phú Long, Hàm Đức, Hồng Sơn, Hồng Liêm, Ma Lâm, Hàm Trí và Hàm Chính có tổng đàn gia súc hơn 33.500 con gồm đàn bò, heo và dê.

Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Thuận Bắc vừa phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh và Công ty Greenfeed tổ chức tập huấn về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học cho cán bộ thú y, hộ, cơ sở chăn nuôi của 8 xã vùng đệm xung quanh trang trại Làng Việt Nam. Theo đó, người dân được thông tin các nội dung cơ bản về chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh để xuất khẩu; hướng dẫn thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh lở mồm long móng, tai xanh và dịch tả heo. Sau đó, lực lượng thú y, cán bộ thôn, khu phố tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc lập danh sách và báo cáo theo mẫu quy định. Dự án chuỗi sản xuất thịt heo an toàn dịch bệnh để xuất khẩu giai đoạn (2019 – 2022) được GreenFeed triển khai tại tỉnh có quy mô 140 ha. Khi đi vào hoạt động dự kiến sản lượng thịt cung cấp ra thị trường là 300.000 tấn/năm.

T.D

Đắk Lắk: Phát triển nghề nuôi vịt ở Lắk

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Tận dụng lợi thế có diện tích đồng ruộng rộng lớn, hệ thống kênh mương, ao hồ đa dạng, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) đã phát triển nghề nuôi vịt với quy mô lớn, từng bước xây dựng “thương hiệu” thịt vịt và trứng vịt Lắk trên thị trường...

Hiệu quả kinh tế cao

Trang trại nuôi vịt đẻ của gia đình chị Trần Thị Hà ở buôn Tung 1 (xã Buôn Triết, huyện Lắk) rộng khoảng 3.000 m2 nằm ngay sát khu vực ruộng lúa nước hơn 5 ha của gia đình. Bên trong trang trại có sân bê tông, nhiều ô chuồng, ao cho vịt tắm kết hợp thả cá cùng hệ thống cấp thoát nước bảo đảm vệ sinh tốt. Chị Hà cho biết, gia đình bắt đầu nuôi vịt từ năm 2010, mỗi năm đều duy trì ổn định 5.000 con vịt mái đẻ và trên 200 con vịt trống. Ngoài ra, chị còn đầu tư thêm lò ấp trứng với công suất 40.000 quả/lượt. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật và phòng dịch bệnh tốt nên tỷ lệ đẻ trứng của đàn đạt khoảng 95%. Số lượng trứng vịt đều được thương lái đến tận nhà thu mua với giá bình quân 3.400 đồng/trứng lộn và 2.500 đồng/trứng ngang. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình chị Hà có thu nhập trên 300 triệu đồng.

Chị Trần Thị Hà ở buôn Tung 1 (xã Buôn Triết, huyện Lắk) chăm sóc đàn vịt.

Những ngày này, anh Phạm Huy Cường (thôn Liên Kết 2, xã Buôn Tría) cũng đang chăn thả đàn vịt hơn 3.000 con ở cánh đồng gần nhà. Anh Cường cho hay, từ tháng 7 đến hết tháng 10 âm lịch hằng năm, khi cánh đồng lúa ở xã Buôn Tría được gặt xong thì anh lại thuê ruộng của bà con để chăn thả vịt. Nhờ thiên nhiên ưu đãi, lượng thức ăn tự nhiên ngoài đồng phong phú nên trứng vịt thả đồng ở huyện Lắk thường to, lòng đỏ nhiều hơn và khi ăn có cảm giác ngọt, béo hơn so với trứng ở các nơi khác.

Anh Nguyễn Trung Hiếu, thương lái thu mua trứng vịt ở tổ dân phố 3, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk: Ở Lắk còn có loại trứng vịt “đặc sản” hai lòng đỏ, quả to và có giá trị dinh dưỡng cao hơn so với trứng thường. Sở dĩ trứng hai lòng đỏ là do vịt được chăn thả tự nhiên, ăn đầy đủ chất chứ không có sự tác động nào của con người. Loại này được bán với giá cao hơn trứng thường từ 500 - 1.000 đồng/quả”.

Bên các mô hình chăn nuôi thì ở huyện Lắk cũng xuất hiện nhiều cơ sở thu mua trứng vịt quy mô lớn. Với kinh nghiệm 10 năm làm nghề thu mua trứng vịt trên địa bàn, anh Nguyễn Trung Hiếu ở tổ dân phố 3, thị trấn Liên Sơn chia sẻ: Sản phẩm trứng vịt huyện Lắk đang có đầu ra khá ổn định, tạo được thương hiệu riêng trên thị trường bởi chất lượng trứng thơm ngon, quả to đều. Mỗi ngày anh thu mua trên 50.000 trứng để đưa đi các tỉnh Gia Lai, Bình Dương, Lâm Đồng bỏ mối cho các đại lý.

Xây dựng thương hiệu cho Lắk

Huyện Lắk có 8.200 ha lúa nước, cùng hệ thống sông, kênh mương thủy lợi, hồ ao khá dày đặc nên lượng phụ phẩm từ nông nghiệp và thức ăn tự nhiên như cá, tôm, ốc… phong phú. Đây là điều kiện thuận lợi để giúp việc chăn nuôi vịt quy mô trang trại trở thành một trong những nghề chính của người dân huyện Lắk, nhất là ở các xã Buôn Triết, Buôn Tría, Đắk Liêng, Đắk Nuê…

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Lắk, năm 2019, toàn huyện có khoảng 200 hộ nuôi vịt, với tổng đàn hơn 200.000 con, trong đó có khoảng 165.000 con vịt đẻ trứng. Trung bình mỗi năm, huyện Lắk cung cấp cho thị trường khoảng 100 triệu quả trứng và 80 tấn vịt thịt. Ông Nguyễn Viết Quang, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lắk cho hay, hằng năm, ngành Nông nghiệp huyện thường xuyên phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi vịt cho người dân, đặc biệt là hướng dẫn cách phòng ngừa dịch bệnh, kỹ thuật làm chuồng trại chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường. Cùng với đó, các chủ trang trại cũng liên hệ với cán bộ thú y huyện, xã thường xuyên đến kiểm tra, xử lý, tiêu độc khử trùng, phòng ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi ngay từ đầu, không để phát sinh dịch bệnh.

Trứng vịt được cơ sở gia đình anh Nguyễn Trung Hiếu ở tổ dân phố 3, thị trấn Liên Sơn thu mua về phân loại trước khi xuất bán.

Ông Nguyễn Viết Quang cho biết thêm, hiện Phòng NN-PTNT huyện đang triển khai kế hoạch hỗ trợ trên 400 triệu đồng để thí điểm xây dựng mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thành Tín (thôn Yên Thành 2, xã Đắk Nuê) với quy mô khoảng 24.000 con vịt đẻ trứng. Mô hình này có liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh để giới thiệu và bán sản phẩm thịt, trứng vịt. Đây là điều kiện cần để giúp nghề nuôi vịt phát triển ổn định, sản phẩm trứng và thịt vịt Lắk khẳng định được thương hiệu.

Lê Thành

Bộ Công Thương khuyến cáo không tăng đàn trong chăn nuôi gà

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Bộ Công Thương vừa có khuyến cáo các hộ, các cơ sở chăn nuôi cân nhắc việc tăng đàn, tránh tự phát, ồ ạt; các địa phương chăn nuôi gà trọng điểm tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền đến các hộ, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn nhằm kiểm soát tình hình chăn nuôi, đáp ứng đúng quy hoạch, tránh dẫn đến nguồn cung quá lớn, làm giảm giá bán.

Ảnh minh họa

Giá thịt gà trong nước giảm không phải do nhập khẩu

Về tình hình nhập khẩu, theo số liệu công bố của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2019, cả nước nhập khẩu 215,7 nghìn tấn thịt gà các loại với kim ngạch đạt hơn 186 triệu USD, tăng 49% về lượng và 46% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê trong các tháng đầu năm 2019, so với năm 2018, có thể thấy lượng nhập khẩu thịt gà tăng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6/2019 nhưng đã giảm dần từ tháng 6 đến nay.

Giá nhập khẩu bình quân mặt hàng này là 861 USD/tấn, tương đương khoảng 19.800 đồng/kg (chưa tính thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, bảo quản kho lạnh...) và có xu hướng tăng khá mạnh từ tháng 6/2019 đến nay.

Về nguồn cung thịt gia cầm phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước, tốc độ tăng trưởng sản lượng thịt gà các loại sản xuất trong nước giai đoạn 2015-2018 đạt 5,6%/năm, tính đến hết tháng 9/2019, tổng đàn gia cầm của cả nước đã tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2018 (chỉ riêng quý III/2019 đã tăng 19,2% so với quý III/2018).

Riêng tỉnh Đồng Nai là địa phương chăn nuôi trọng điểm của cả nước, khi dịch bệnh tả lợn châu Phi lan rộng, nhiều cơ sở chăn nuôi lợn ở tỉnh Đồng Nai nói riêng và khu vực Đông Nam Bộ nói chung đã chuyển sang chăn nuôi gà. Tính đến hết tháng 9/2019, tổng đàn gà của riêng tỉnh Đồng Nai đạt hơn 24,8 triệu con, đã tăng 16,8% so với thời điểm tháng 4/2019.

Vào thời điểm ngày 22/10/2019, giá thịt gà công nghiệp (lông trắng, lông mầu) tại các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ - nơi tập trung các trang trại chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn của cả nước ở mức 25.000-25.500 đồng/kg, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2018.

Đây là mức giá đã tăng hơn nhiều so với thời điểm giữa tháng 9 năm 2019 (16.000-18.000 đồng/kg) - là giai đoạn các hộ chăn nuôi đang ồ ạt bán tháo cắt lỗ gây giá sụt giảm mạnh.

Trong khi đó, tại các tỉnh phía bắc, giá thịt gà nuôi công nghiệp dao động từ 35.000-37.000 đồng/kg, giá các loại thịt gà ta vẫn giữ mức giá ổn định, thậm chí nhiều nơi có mức giá tốt.

Như vậy, có thể thấy, trước tháng 8/2019, giá gà thịt trong nước tương đối ổn định, chỉ giảm cục bộ tại một khu vực với một chủng loại trong một thời điểm (giá thịt gà ta, gà công nghiệp tại phía bắc gần như không có sự thay đổi, chỉ giảm giá thịt gà công nghiệp tại khu vực Đông Nam Bộ trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 9/2019).

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, nguyên nhân là do khi dịch tả lợn châu Phi lan rộng, nhiều hộ chăn nuôi lợn ở khu vực Đông Nam Bộ dự báo người tiêu dùng sẽ không ăn thịt lợn, vì vậy đã chuyển sang chăn nuôi gà công nghiệp ồ ạt, làm tăng đàn tự phát, thiếu kiểm soát. Bên cạnh đó, việc phát triển “nóng” ngành chăn nuôi gà tại khu vực này đã gây sức ép cho các hộ, các cơ sở chăn nuôi bán giảm giá để cắt lỗ, thu hồi vốn.

“Có thời điểm mỗi tuần, khu vực Đông Nam Bộ cho xuất chuồng đến 2,5 triệu con gà. Đây là những nguyên nhân chính đẩy giá gà công nghiệp tại khu vực Đông Nam Bộ giảm sâu trong thời gian tháng 8 và tháng 9 năm 2019”, Cục Xuất nhập khẩu cho biết.

Kiểm soát tăng đàn trong chăn nuôi gà

Như vậy, có thể thấy, việc nhập khẩu thịt gà trong thời gian qua có thể cũng tác động một phần nào nhưng không phải là nguyên nhân chủ yếu tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi trong nước, gây giảm giá thịt gà tại Đông Nam Bộ. Dự kiến trong thời gian từ nay đến cuối năm, giá thịt gà công nghiệp vẫn duy trì ở mức thấp, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Bộ do nguồn cung ứng trong nước vẫn dồi dào.

Trước tình hình này, Bộ Công Thương khuyến cáo các hộ, các cơ sở chăn nuôi cân nhắc việc tăng đàn, tránh tự phát, ồ ạt; các địa phương chăn nuôi gà trọng điểm tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền đến các hộ, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn nhằm kiểm soát tình hình chăn nuôi, đáp ứng đúng quy hoạch, tránh dẫn đến nguồn cung quá lớn, làm giảm giá bán.

Đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục theo dõi sát tình hình chăn nuôi gia cầm, gia súc các loại, tái cơ cấu ngành chăn nuôi với mô hình tập trung và hiện đại, đảm bảo sản xuất theo đúng quy hoạch, tránh tình trạng dư thừa, thiếu hụt nguồn cung cục bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến giá trong nước, đồng thời tiếp tục đàm phán với cơ quan hữu quan các nước để mở cửa thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình giá tại thị trường trong nước đối với các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt thịt các loại nhập khẩu, kịp thời có giải pháp phù hợp khi có những diễn biến bất thường về giá hoặc lượng tiêu thụ; đồng thời chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm soát hoạt động vận chuyển, lưu thông nhằm phòng chống hiện tượng buôn lậu và gian lận thương mại phát sinh.

Phan Trang

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop