Tin nông nghiệp ngày 01 tháng 12 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 01 tháng 12 năm 2016

Thu hoạch “bí đao khổng lồ”

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Hiện tại, một số hộ dân trên địa bàn tỉnh đang vào vụ thu hoạch “bí đao khổng lồ”. Ông Lê Thanh Hòa có kinh nghiệm trồng bí đao hơn 10 năm qua, đang thu hoạch bí đao ở đường Võ Văn Kiệt, phường V, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Trước đó, một số hộ khác cũng có thu hoạch chút đỉnh rồi. Năm nay, do điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường nên sản lượng bí đao giảm đáng kể so với những năm trước. Bình quân 1.000 dây bí đao chỉ thu hoạch được khoảng 8 tấn trái, so với năm trước là từ 10 đến 12 tấn. Thương lái thu mua tại rẫy với giá 2.000 đồng/kg, giảm 600 đồng/kg so với năm trước. Tính ra lỗ khoảng 2 triệu đồng/công”.

Ông Hòa đang chuẩn bị cân bí đao cho thương lái.

Theo nhiều thương lái, “bí đao khổng lồ” này chủ yếu bán cho các cơ sở làm mứt phục vụ Tết Nguyên đán.

G.K

Cặp bưởi có bản đồ Việt Nam giá 3 triệu đồng

Nguồn tin: VnExpress

Để chuẩn bị cho thị trường tết Đinh Dậu 2017, ông Ngô Văn Sơn ở Đồng Nai đã mày mò sáng tạo ra hàng trăm cặp bưởi hồ lô mang tên Tài Lộc, thỏi vàng, bản đồ Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Làng bưởi Tân Triều xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) mùa này trở nên nhộn nhịp khi nhà vườn nào cũng hối hả chăm bón chuẩn bị cho mùa vụ Tết. Sáu năm nay, các thương lái chuyên săn hàng độc lạ cho thị trường Tết thường ghé vườn ông Sơn, nơi có nhiều kiểu dáng thu hút người mua mà chủ nhân vườn bưởi này tự sáng tạo.

Theo ông Sơn, việc đầu tiên là phải chọn những trái vừa tròn, đẹp, có cành cuống rồi mới bỏ khuôn vào. "Thời gian xác định trái bưởi để bỏ khuôn vào đến lúc ra sản phẩm hoàn chỉnh thường phải mất 6 tháng", ông Sơn nói.

Nhiều trái bưởi hồ lô được tạo dáng bản đồ Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa treo lủng lẳng trên cây được che chắn kĩ càng. "Việc đưa kiểu dáng bản đồ chủ quyền biển đảo Việt Nam được tôi thử nghiệm 2 năm nay nhưng chưa đưa ra thị trường. Tết năm nay tôi mới bắt đầu làm để phục vụ khách hàng", ông Sơn tiết lộ.

Hình dáng bản đồ Việt Nam cùng 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa sẽ phụ thuộc vào sự che chắn của khuôn với ánh nắng mặt trời. Khi tháo khuôn ra thì hình muốn tạo sẽ ra màu vàng, xung quanh là màu xanh thường thấy của trái bưởi.

Theo ông Sơn, mỗi cặp bưởi này ông sẽ bán ra thị trường với giá 3 triệu đồng. "Dù chưa đến Tết nhưng đã có nhiều người vào tận vườn đánh dấu đặt hàng ngay trên cây, e đến Tết sẽ không còn hàng để bán", ông Sơn nói.

Để chọn những cặp có cùng cuống, ông Sơn phải tìm khắp vườn để lắp khuôn. Tuy nhiên không phải cặp bưởi nào cũng sẽ phát triển ưng ý chủ vườn. "Để ra một sản phẩm hoàn chỉnh phải chăm sóc tỉ mỉ một thời gian dài để nó không bị hư, nếu trật một vài chi tiết nhỏ coi như vứt bỏ", ông Sơn chia sẻ.

Cặp bưởi Tài - Lộc được viết bằng chữ thư pháp có giá 2 triệu đồng. Để chuẩn bị cho thị trường Tết năm nay, ông Sơn đã tạo dáng chăm sóc cho hơn 200 cặp bưởi này.

Ngoài bưởi hồ lô, ông Sơn còn thử nghiệm nhiều quả bưởi mang dáng hình thỏi vàng.

Vườn bưởi của ông Sơn được trồng cách đây 15 năm, phần lớn là bưởi đường lá cam, một quả nặng trung bình từ 600g đến 1,2kg. Hiện giá bưởi này đang tăng do nhà vườn giữ hàng để bán Tết, một chục có giá 600.000 đồng, tăng 100.000 đồng so với tháng trước và cùng kỳ năm ngoái.

Vườn bưởi rộng 2 hecta được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn Vietgap, tưới phân hữu cơ và ứng dụng nhiều kĩ thuật công nghệ vào làm vườn, giúp mùa vụ này ước tính anh Sơn thu về 25 tấn, doanh thu hơn tỷ đồng.

Phước Tuấn

Huyện Hồng Dân (Bạc Liêu): Nông dân trồng bưởi phục vụ thị trường tết

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu

Bưởi là một trong những mặt hàng nông sản được tiêu thụ mạnh vào dịp cuối năm. Nắm bắt nhu cầu đó, nhiều nông dân huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) đang tập trung chăm sóc vườn bưởi để kịp phục vụ thị trường Tết Đinh Dậu 2017.

Bà Phạm Thị Lài chăm sóc vườn bưởi để bán vào dịp Tết Đinh Dậu 2017. Ảnh: C.L

Bưởi da xanh ruột hồng và bưởi năm roi là hai giống bưởi được nhiều nhà vườn của huyện Hồng Dân chọn để trồng. Loại bưởi này chịu được đất phèn mặn lại cho trái sai, cây lâu lão hóa. Vào dịp tết, người tiêu dùng thường mua bưởi để bài trí, chưng cúng trên bàn thờ. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều hộ đã tìm tòi, học hỏi kỹ thuật để sản xuất những quả bưởi to tròn, da bóng, màu sắc bắt mắt.

Anh Võ Thanh Tú (ấp Ninh Định, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) là người có nhiều năm kinh nghiệm cũng như có diện tích trồng buởi lớn nhất huyện với gần 1.000 gốc. Theo anh Tú, cây bưởi thường ra hoa vào khoảng tháng 3 âm lịch hàng năm. Nếu để cây cho trái vào giai đoạn này thì bưởi sẽ “quá lứa”. Để tránh trường hợp cây cho trái sớm, người trồng phải loại bỏ những bông bưởi và trái con, đồng thời ủ gốc bằng các loại rơm rạ, cỏ mục và hạn chế tưới nước. Đến đầu tháng 5 âm lịch, chỉ cần dọn dẹp gốc bưởi, tăng lượng nước tưới và bón phân định kỳ là cây sẽ trổ hoa và cho trái đúng vào dịp tết.

Hiện nay, vườn bưởi của anh Tú có 7.600 trái với trọng lượng trung bình từ 0,9 - 1kg/trái. Nếu giá bưởi ổn định như mọi năm (trung bình từ 50.000 - 60.000 đồng/kg) thì vụ bưởi Tết Nguyên đán 2017 gia đình anh Tú thu về khoản tiền hơn 70 triệu đồng.

Anh Tú chia sẻ: “Trước khi trồng bưởi, tôi đã trồng thử nhiều loại cây ăn trái khác nhưng đều thất bại. Năm 2011, trong một lần xem tivi, thấy trồng bưởi cho lợi nhuận khá cao và ổn định nên tôi đã tìm mua cây giống về trồng. Nhờ cây bưởi mà giờ đây cuộc sống gia đình tôi ổn định”.

Cũng như anh Tú, bà Phạm Thị Lài (ngụ cùng ấp với anh Tú) đã bỏ rất nhiều công sức để có được vườn bưởi xanh tốt như hiện nay. Hơn 100 cây bưởi của gia đình bà Lài đang cho trái rất sai và to, thương lái rất ưa chuộng và tìm đến tận nhà để thu mua. Bà Lài cho biết: “Đối với việc trồng bưởi, nhiều người nhìn vào thấy đơn giản, nhưng không phải vậy. Để cây bưởi phát triển đồng đều và cho trái đẹp, người trồng phải bỏ nhiều công chăm sóc. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên tham khảo kỹ thuật trồng bưởi trên các phương tiện thông tin đại chúng để áp dụng vào sản xuất”.

Trồng bưởi đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, đây vẫn là một mô hình mang tính tự phát. Thiết nghĩ, thời gian tới, ngành Nông nghiệp cần mở các lớp tập huấn hướng dẫn bà con cách chăm sóc bưởi, cũng như cách phòng ngừa và điều trị các bệnh trên cây bưởi, giúp bà con áp dụng hiệu quả vào sản xuất.

Với kinh nghiệm canh tác qua nhiều năm, cùng với sự chuẩn bị chu đáo, tin rằng người trồng bưởi ở huyện Hồng Dân sẽ có vụ mùa bội thu để đón năm mới với nhiều niềm vui.

Chí Linh

Thanh long Bình Thuận tìm hướng không lệ thuộc thị trường Trung Quốc

Nguồn tin: VOV

Tìm giải pháp đa dạng thị trường xuất khẩu thanh long, hạn chế tác động tiêu cực từ thị trường Trung Quốc là vấn đề tỉnh Bình Thuận đang trăn trở.

Bình Thuận là địa phương có diện tích và sản lượng thanh long lớn nhất nước. Hơn 10 năm qua, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc vốn thường bấp bênh về giá và khả năng tiêu thụ. Tìm giải pháp đa dạng thị trường xuất khẩu thanh long, hạn chế tác động tiêu cực từ thị trường Trung Quốc là vấn đề được ngành công thương tỉnh Bình Thuận trăn trở.

Cũng như nhiều nông dân trồng thanh long khác, bà Nguyễn Thị Lộc (xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) rất lo lắng về thị trường tiêu thụ

Hiện nay, thanh long Bình Thuận đang ở mùa chong đèn nghịch vụ. Giá thu mua thanh long đạt chuẩn xuất khẩu trong những ngày qua dao động từ 11.000 - 12.000 đồng/kg. Gia đình bà Nguyễn Thị Lộc ở thôn Phú Phong, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam có gần 800 trụ thanh long đang chín rộ. 3 năm trở về trước, giá thanh long chong đèn nghịch vụ có giá rất cao, có khi lên đến 22.000 - 23.000 đồng/kg nhưng thời gian gần đây giá đã không còn ổn định.

“Thời gian gần đây người trồng thanh long đang lo ngại giá thấp thu nhập sẽ kém đi. Nếu tiêu thụ thanh long cứ phải phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thì người dân rất lo ngại, sợ rằng giá bán thanh long sẽ ngày càng giảm thấp”, bà Lộc bày tỏ.

Thanh long là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, giúp cho nhiều nông dân ở Bình Thuận, nhất là hai huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc thoát nghèo. Tuy nhiên, thị trường thanh long đang ẩn chứa nhiều rủi ro do phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.

Đến nay, toàn tỉnh Bình Thuận có hơn 26.500 ha thanh long, sản lượng đạt 500.000 tấn/năm. Trong đó, chỉ 15-18% tiêu thụ trong nước, còn lại xuất khẩu. Xuất khẩu chính ngạch chỉ chiếm từ 2-3%, trong khi phần lớn còn lại được xuất qua Trung Quốc theo đường buôn bán biên mậu.

Do vậy, chỉ cần một chút biến động ở thị trường này, thì ngay lập tức giá cả thu mua sẽ bị tác động. Đó là chưa kể đến việc thương nhân Trung Quốc đến tỉnh Bình Thuận móc nối với doanh nghiệp địa phương thao túng việc mua bán nông sản này.

Ông Trần Ngọc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Bình Thuận khẳng định, trước mắt khi chưa tìm được thị trường xuất khẩu mới, thanh long Bình Thuận vẫn phải bán cho thị trường Trung Quốc. Nếu không bán cho thị trường Trung Quốc, sản lượng thanh long sẽ dư thừa tạo ra khủng hoảng, càng làm cho người nông dân khó khăn.

Nhận thấy được điều đó, thời gian qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, cùng với nâng cao chất lượng thanh long thì mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ông Đỗ Minh Kính, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện nay thanh long Bình Thuận chủ yếu xuất khẩu qua Trung Quốc. Tuy nhiên, với chủ trương đa dạng hóa thị trường, mở rộng các thị trường theo hướng không lệ thuộc vào một thị trường, các doanh nghiệp cũng như Sở Công Thương trong thời gian vừa qua hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thêm các thị trường khác.

Đến thời điểm này, thanh long tỉnh Bình Thuận đã được xuất vào 14 thị trường, trong đó chủ lực là châu Á (chiếm 84%), châu Âu (14%), châu Mỹ (2%). Năm 2015, các doanh nghiệp đã xuất khẩu thanh long vào Ấn Độ, Myanmar. Năm nay, phát triển thêm thị trường tại Australia, Hàn Quốc và Cộng hòa Séc. Mặc dù chậm, nhưng điều này đã cho thấy sự nỗ lực các các doanh nghiệp, hiệp hội, sở ngành địa phương trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu.

Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá quả thanh long là cần thiết để mở rộng thêm thị trường

Tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ thanh long được tổ chức tại thành phố Phan Thiết cuối tháng 11 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, việc mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long là hướng đi đúng trong giai đoạn hiện nay. Xúc tiến thương mại là một trong những hoạt động cần thiết để thanh long Bình Thuận có thêm cơ hội vươn xa.

“Tại hội nghị xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm rất đông. Doanh nghiệp Trung Quốc, Pháp cũng như các doanh nghiệp của châu Âu cũng về rất nhiều. Các nhà sản xuất và các nhà phân phối cũng được gặp gỡ nhau trao đổi, cùng rút kinh nghiệm, hợp tác, tìm mọi cách để mở rộng thị trường xuất khẩu hơn là hướng rất tốt”, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nêu rõ.

UBND tỉnh Bình Thuận cũng vừa ban hành kế hoạch và bố trí kinh phí triển khai các hoạt động mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm thanh long Bình Thuận giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận đang tích cực làm việc với Hiệp hội Thanh long, các doanh nghiệp kinh doanh thanh long trên địa bàn tỉnh để xây dựng, tổ chức các chương trình xúc tiến tiêu thụ thanh long cả trong và ngoài nước./.

Việt Quốc/VOV-TP HCM

Trồng đậu phộng lãi gấp 3 lần hoa màu khác

Nguồn tin: Báo Bà Rịa Vũng Tàu

Ruộng đậu phộng của gia đình ông Nguyễn Văn Tư (ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ)

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu toàn huyện hiện có 490ha diện tích trồng đậu phộng. Đây là cây dễ trồng, không mất nhiều thời gian chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, phù hợp với mọi thời tiết nên đang được nhiều nông dân chuyển sang trồng.

Đậu phộng cho thu hoạch 3 vụ/năm, mỗi năm cho thu nhập từ 120-150 triệu đồng/ha, cao gấp 3 lần so với trồng các loại hoa màu khác. Giống đậu phộng được người dân trồng phổ biến là đậu phộng giấy, có vỏ mỏng, hạt chắc, trái sai, hàm lượng dầu cao, năng suất trung bình đạt từ 3-4 tấn/ha. Thời gian qua, Phòng NN-PTNT huyện đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân; đồng thời hướng dẫn khâu làm đất, gieo trồng, cách phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc theo hướng an toàn; phối hợp với các DN bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

NGÔ THANH

Giải pháp trồng mía lưu gốc đạt hiệu quả

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Hiện, mô hình trồng mía lưu gốc đang được nhiều nông dân tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang quan tâm áp dụng và khả năng diện tích sẽ tăng mạnh trong niên vụ 2017-2018. Nguyên nhân là do hệ thống đê bao khép kín hơn 6.000ha tại vùng mía nguyên liệu trên địa bàn huyện hoàn chỉnh, đồng thời trồng mía theo phương thức lưu gốc có thể tiết giảm 30% chi phí sản xuất, bao gồm chi phí phục vụ cho khâu làm đất, mua giống, thuê nhân công trồng.

Tuy nhiên, do đây là cách làm mới nên để giúp bà con trồng mía lưu gốc đạt hiệu quả, Bộ phận khuyến nông của Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) khuyến cáo nông dân sau khi thu hoạch mía xong, tiến hành dọn sạch ruộng, đốt sạch lá hoặc giữ lại lá mía bằng cách tủ lá qua hai bên và dùng cuốc hoặc dao chặt sát mặt đất, tránh gốc mía bị giập; còn lượng phân bón phải tăng từ 10-15% so với mía trồng mới. Cụ thể, bón lót ngay sau khi thu hoạch bằng vôi và phân hữu cơ; chú ý bón thúc lần 1: sau khi chặt gốc 1 tháng, tưới cho mía đủ ẩm, kết hợp vô chân ấm; bón thúc lần 2: sau khi bón thúc lần 1 từ 3-4 tháng, kết hợp vô chân khỏa.

Về cách chăm sóc, tương tự như mía tơ nguyên liệu nhưng cần sớm hơn vì mía lưu gốc sinh trưởng nhanh hơn; vun cao gốc để chống đổ ngã là biện pháp quan trọng trong canh tác mía lưu gốc (giai đoạn mía có 2-3 lóng); thường xuyên tưới nước giữ ẩm vào mùa khô và không để đọng nước vào mùa mưa; đánh lá 3 lần/vụ, cần giữ lại 10-12 lá xanh để cây mía đủ sức quang hợp. Theo đánh giá của cán bộ kỹ thuật Casuco, mía lưu gốc mọc mầm, đẻ nhánh và vươn lóng sớm hơn, đồng thời chín sớm và cho năng suất cao hơn mía tơ cùng thời điểm.

TUẤN PHÁT

Thành công từ cách làm khác

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Tuy chọn hướng đi không mới-trồng hồ tiêu, nhưng cách làm lại rất khác đã đem lại những thành công nhìn thấy rõ cho Đinh Lâm (thôn 2, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai). Minh chứng là thời điểm này, khi vườn hồ tiêu của hầu hết cả thôn đều bị dịch bệnh và chết hàng loạt thì những trụ hồ tiêu của Lâm vẫn xanh mướt và phát triển rất tốt.

Anh Lâm đang kiểm tra những thùng phuy ủ thuốc trừ sâu và phân bón sinh học. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Lựa chọn và quyết định hướng khởi nghiệp không khó, cái khó là phải vạch ra được kế hoạch, phương pháp thực hiện để hướng đi đó trở thành đúng đắn và thành công. Trồng hồ tiêu xưa nay là việc bình thường ở vùng đất Tây Nguyên nói riêng, Gia Lai nói chung. Và khi được giá, hồ tiêu trở thành loại cây chủ lực của kinh tế tỉnh, người người trồng hồ tiêu, nhà nhà trồng hồ tiêu, theo đó diện tích hồ tiêu không ngừng tăng lên. Bởi vậy, việc Lâm mong muốn đổi đời bằng cách trồng tiêu cũng là việc bình thường. Nhưng điều khác thường là khi hầu hết những người trồng hồ tiêu đi trước đều dùng phân bón lẫn thuốc trừ sâu hóa học vừa nhanh gọn, vừa hiệu quả ngay thì anh chỉ dùng các chế phẩm sinh học, thân thiện với môi trường, tuyệt đối an toàn, không độc hại.

Anh Lâm bên vườn tiêu xanh và sạch của mình. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Tất cả những sản phẩm này đều do Lâm tự tay làm. Thuốc trừ sâu thì làm từ các nguyên liệu như ớt, tỏi, rượu, các loại rau thơm... ủ với men; còn phân bón thì làm từ cá sông cũng ủ với men. “So với các sản phẩm phân bón vô cơ và thuốc trừ sâu hóa học, chi phí cho những sản phẩm mình làm ra chỉ bằng 1/3, chủ yếu tốn công. Nên mỗi lần làm thì mình làm luôn để dùng trong 6 tháng”-anh cho biết.

Và nếu chỉ như vậy thì vẫn chưa thấy được những nỗ lực của Đinh Lâm để cho ra sản phẩm tiêu sạch. Là con út trong ngôi nhà khá đông con-tới 8 anh chị em, nhưng tới năm 2 tuổi, ba mẹ mất, Lâm trở thành trẻ mồ côi và phải ở nhờ lần lượt nhà anh, chị. Học hết cấp II, anh nghỉ học và bắt đầu cuộc đời làm thuê làm mướn. Ai thuê làm gì cũng làm. Công việc thường xuyên nhất là hái cà phê cho Nông trường Ia Sao (huyện Ia Grai). Năm 1999, lúc 18 tuổi, Lâm vào Sài Gòn tìm kế sinh nhai, bắt đầu bằng việc rửa xe. Năm 2001, anh xuống Cần Thơ học nghề làm cửa sắt. 2 năm sau, Lâm về lại huyện Chư Pah lập gia đình và mở tiệm cửa sắt. Thời kỳ này, nghề cửa sắt làm cũng khá, cộng với sự cần cù, tỉ mẩn, trách nhiệm của chủ tiệm nên khách hàng tìm tới với anh rất đông.

Tuy nhiên, “vì vẫn muốn kinh tế ổn định hơn nên cách đây vài năm mình bắt đầu mày mò trồng hồ tiêu. Nhà không có tiền nên mình tự đúc trụ, và trồng 50 dây hồ tiêu. Trong lúc mình đúc trụ, những người dân ở đây thấy nên đặt mình đúc luôn, vậy là có thêm ít tiền nữa để đầu tư cho hồ tiêu. Tổng vốn ban đầu của vườn hồ tiêu chỉ có... 15 triệu đồng”-Lâm nói. Không có vốn để đầu tư nhiều, anh chọn cách “lấy nó nuôi nó”. Qua năm thứ 2, anh cắt giống từ 50 trụ đầu tiên để nhân ra làm 600 trụ. Và năm 3, lại tiếp tục nhân giống ra 1.100 trụ. Lúc này, ngoài giống để trồng, anh còn đem bán được 300 triệu đồng và lấy tiền này đầu tư cho hồ tiêu. “Mình chỉ tốn tiền mua đất, đó là tiền dành dụm được từ khi làm cửa sắt và vay mượn thêm ngân hàng”-Lâm nói. Ông chủ vườn hồ tiêu cho hay, gia đình anh vừa mới thu hoạch mùa đầu tiên trên 650 trụ hồ tiêu với tổng năng suất 5 tấn.

Khi mới bắt đầu trồng hồ tiêu, kiến thức về chăm sóc hồ tiêu với Lâm hoàn toàn là con số 0, nên có thời gian hồ tiêu bị rối loạn dinh dưỡng, quắn lá và không phát triển (người trồng hồ tiêu thường gọi là “tiêu điên”) do chăm không đúng quy trình. Lúc này, Lâm mới bắt đầu tìm hiểu cách chăm sóc hồ tiêu. Thấy một số người bạn ở Vũng Tàu, Đồng Nai trồng hồ tiêu rất tốt, năng suất cao, ít sâu bệnh, Lâm đã khăn gói vào tìm hiểu và học hỏi. Thì ra những người này đều dùng phân bón và thuốc trừ sâu sinh học, hoàn toàn không dùng các sản phẩm hóa học. Và anh đem những kiến thức đã học hỏi được về áp dụng cho vườn nhà.

Sau khi áp dụng thành công, tiếng lành đồn xa, nhiều người nghe tới cách làm của anh cũng đã tới học hỏi kinh nghiệm và được chia sẻ, hướng dẫn tận tình. Riêng với Lâm, công sức và nỗ lực đã bỏ ra được đền đáp xứng đáng. Trong khi hồ tiêu hiện đang bị dịch bệnh, cả thôn có 10 hộ trồng hồ tiêu thì có tới 8 hộ bị nhiễm bệnh và chết sạch, có hộ trồng 4.000 trụ giờ cũng chỉ còn lại vài trăm trụ; riêng vườn hồ tiêu nhà Lâm và 1 hộ khác, nhờ học cách chăm sóc hồ tiêu của anh mà vườn vẫn xanh mướt, những nhánh tiêu ken dày, có cảm tưởng như không có chỗ cho lá mọc. “Mình mong Nhà nước có những chính sách hỗ trợ, có những tổ chức hoặc cá nhân nhận bao tiêu sản phẩm tiêu sạch để người nông dân yên tâm sản xuất. Khi đã tìm được đầu ra, chắc chắn mình sẽ vận động được bà con ở đây liên kết lại để hình thành vùng hồ tiêu sạch tuyệt đối để cung cấp cho thị trường”-Đinh Lâm mong mỏi.

Kinh nghiệm khởi nghiệp của Đinh Lâm:

Không ngại “làm khác”.

Không nóng vội, không vì cái lợi trước mắt.

Thận trọng và có trách nhiệm với việc mình làm, với hướng đi đã chọn.

Luôn đặt mục tiêu cho sự bền vững.

Hà Duy

Hơn 15 triệu cây cà phê giống được phân phối tới nông dân Tây Nguyên

Nguồn tin: Báo Công Thương

Trong 5 năm qua, hơn 15 triệu giống cây cà phê kháng bệnh cho năng suất cao đã được phân phối tới nông dân trồng cà phê khu vực Tây Nguyên, góp phần đáng kể vào hoạt động tái canh vườn cà phê già cỗi.

Hơn 15 triệu giống cây cà phê kháng bệnh cho năng suất cao đã được phân phối tới nông dân trồng cà phê khu vực Tây Nguyên

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo tổng kết 5 năm hợp tác thực hiện chương trình phát triển cà phê bền vững tại Việt Nam, giai đoạn 2011-2015, diễn ra sáng nay (29/11) tại TP. Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk, do Nestlé Việt Nam và Viện khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) tổ chức.

Hợp tác này là một phần trong hoạt động của Dự án NESCAFÉ Plan mà Nestlé triển khai tại Việt Nam từ năm 2011 nhằm hỗ trợ canh tác cà phê bền vững. Hiện nay, Nestlé là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên và duy nhất hợp tác với WASI nhằm triển khai trực tiếp các hoạt động về nghiên cứu, phát triển và chuyển giao kỹ thuật về phát triển cà phê bền vững mang lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân trồng cà phê.

Các chuyên gia đến từ Cuba trao đổi với các chuyên gia của WASI tại hội nghị sáng nay

Trong 5 năm qua, phối hợp với WASI, Nestlé đã phân phối hơn 15 triệu giống cây cà phê kháng bệnh cho năng suất cao (trong đó vườn ươm của Viện là trên 4 triệu cây 2011-2016) tới nông dân trồng cà phê khu vực Tây Nguyên, góp phần đáng kể vào hoạt động tái canh vườn cà phê già cỗi.

Đánh giá cao hiệu quả hợp tác 5 năm qua giữa WASI và Nestlé, ông Nguyễn Văn Thường, Viện Phó WASI cho biết, với sự hỗ trợ về tài chính của Nestlé, WASI đã xây dựng các phòng thí nghiệm, lắp đặt các thiết bị hiện đại cho vườn ươm để sản xuất các loại giống tốt, kháng sâu bệnh, năng suất cao. Xây dựng các mô hình vườn mẫu để nông dân đến tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm và áp dụng tại vườn của mình nhằm tăng năng suất và thu nhập. Trong đó phải kể tới các mô hình như: Mô hình bón phân hợp lý, sàn xuất phân từ vỏ cà phê (giảm trên 20% lượng phân bón & thuốc bảo vệ thực vật); Mô hình cây che phủ; Mô hình xen canh hợp lý (cà phê, tiêu…, giúp tăng thu nhập người nông dân lên tới 100%); Mô hình so sánh giống; Mô hình tưới tiết kiệm nước (giảm 40% lượng nước tưới)…

Bên cạnh đó, trong suốt 5 năm qua, các cán bộ khoa học tại WASI đã sát cánh cùng đội ngũ các chuyên gia nông nghiệp, các chuyên gia quốc tế của Nestlé để trao đổi kinh nghiệm, làm chủ các công nghệ mới và lần đầu tiên có thể sản xuất giống cà phê nuôi cây mô tại Việt Nam.

Được biết, hiện Nestlé Việt Nam là đơn vị chiếm tỷ trọng lớn nhất hỗ trợ nông dân trong Chương trình Phát triển cà phê bền vững dựa vào nền tảng 4C (có trên 21.000 nông hộ tham gia Chương trình NESCAFÉ Plan tại Việt Nam), trên cơ sở này, Nestlé Việt Nam đã xây dựng hơn 274 trưởng nhóm nông dân tại 4 tỉnh. 274 trưởng nhóm nông dân tại 4 tỉnh sẽ là nguồn lực cung cấp cho các địa phương trong việc nhân rộng chương trình phát triển cà phê bền vững trên nền tảng 4C cho trên 500 ngàn nông dân trồng cà phê trên cả nước. Qua đó từng bước giúp nông dân cà phê tại Việt Nam tiếp cận với các tiêu chuẩn sản xuất cà phê quốc tế (4C, UTZ, Rainforest, Fairtrade…).

Chương trình hợp tác giữa Nestlé Việt Nam và WASI trong giai đoạn 2011-2015 đã mang lại nhiều kết quả thiết thực cho nông dân trồng cà phê, giúp cho nông dân sản xuất cà phê đảm bảo chất lượng ngay từ khâu canh tác, tăng thu nhập bền vững cho người nông dân, góp phần tăng giá trị cho hạt cà phê Việt Nam. Chương trình hiện đang bước sang giai đoạn 2: 2016 - 2020 với sự cam kết sẽ tiếp tục hợp tác của Nestlé Việt Nam và WASI.

Minh Long

Tây Ninh: Nhiều nông dân trồng mía thiệt hại do mưa ngập ruộng

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Do mưa lớn gây ngập úng nặng, nhiều ruộng mía nông dân hợp đồng trồng với công ty rơi vào cảnh ngập lụt kéo dài, dẫn đến bị thối gốc.

Một ruộng mía ở ấp Hội Tân, xã Tân Hội, huyện Tân Châu bị nước ngập.

Theo Công ty Cổ phần đường Nước Trong, mùa vụ ép mía của công ty so với các công ty mía đường trong tỉnh Tây Ninh không trùng thời gian. Công ty bắt đầu vụ ép mới từ ngày 15.7 và dự kiến kéo dài đến cuối tháng 12.2016 mới kết thúc. Trong khi đó, các công ty mía đường khác trong tỉnh hiện đang chuẩn bị vào vụ ép mía mới.

Do thời tiết năm nay mưa lớn gây ngập úng nặng, nhiều ruộng mía nông dân hợp đồng trồng với công ty cũng rơi vào cảnh ngập lụt kéo dài, dẫn đến mía bị thối gốc.

Tại huyện Tân Châu, nông dân ký hợp đồng trồng mía với Công ty đường Nước Trong được 2.663 ha, nhưng đến thời gian thu hoạch, ruộng mía bị ngập úng, trong đó có khoảng 250 ha mía vụ một phải cày bỏ để trồng lại. Trong khi đó, đối với nông dân trồng mía, vụ thứ hai mới cho lợi nhuận cao vì ít tốn kém công chăm sóc và năng suất cao.

Để trồng lại 1 ha mía, người nông dân phải đầu tư khoảng 30 triệu đồng. Trước những khó khăn của người trồng mía, công ty hỗ trợ 5 triệu đồng/ha để nông dân tiếp tục canh tác mùa vụ mới.

Đưa mía vào nhà máy Công ty cổ phần đường Nước Trong.

Cũng theo Công ty đường Nước Trong, năm nay mưa lớn gây ngập úng diện rộng nên nhiều người trồng mía trên ruộng cao cũng không kịp trở tay. Một số ruộng mía dù đang thu hoạch, nhưng do mưa gây ngập nên phải dừng lại, chờ nước rút. Mặt khác, nông dân phải tốn thêm chi phí nhân công để tăng bo mía từ ruộng ra ngoài xe vận chuyển…

Trao đổi với một nông dân trồng mía, người này cho biết mía bị ngập nước ngoài việc mất chữ đường, thân mía còn bị bọng nên giảm khối lượng khi thu hoạch. Vì vậy năm nay nông dân chỉ mong huề vốn, chứ không mong chuyện có lãi.

Cũng theo người này, công ty đã kịp thời có nhiều chính sách để hỗ trợ những người trồng mía bị ngập nước.

Phía Công ty đường Nước Trong khẳng định, nông dân trồng mía bị ngập nước khi thu hoạch vẫn có lợi nhuận nhưng không cao bằng những năm trước đây. Công ty luôn có những chính sách chia sẻ thiệt hại với người trồng mía, giúp nhà nông an tâm gắn bó lâu dài với công ty.

Thiên Tâm

Hiếu Giang tổng hợp

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop