Tin nông nghiệp ngày 01 tháng 6 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 01 tháng 6 năm 2019

Biến rơm rạ thành sản phẩm hữu ích

Nguồn tin:  Hà Nội Mới

Ngoại thành Hà Nội bắt đầu thu hoạch lúa xuân. Nếu như các năm trước, sau thu hoạch, người dân thường đốt rơm rạ ngay trên đồng thì năm nay tình trạng này đã được cải thiện. Sở dĩ vậy là trên địa bàn thành phố đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình xử lý rơm rạ hiệu quả, biến phụ phẩm này thành sản phẩm hữu ích.

Doanh nghiệp thu mua rơm rạ ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh) làm thức ăn cho bò.

Thời điểm này, nông dân nhiều xã trên địa bàn huyện Đan Phượng đang khẩn trương thu hoạch lúa vụ xuân. Ông Phạm Quang Viễn (xã Hồng Hà) cho biết: "Gia đình tôi có 2 sào trồng lúa, toàn bộ rơm được giữ lại, dùng chế phẩm sinh học để ủ thành phân bón. Việc làm này vừa giúp tăng độ phì nhiêu cho đất, vừa tiết kiệm được tiền mua phân bón, hạn chế sử dụng phân bón hóa học".

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son, 3 năm gần đây, huyện Đan Phượng đã triển khai hỗ trợ nông dân xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học. Vụ xuân năm 2019, huyện triển khai mô hình xử lý rơm rạ tại 9 xã trên địa bàn huyện với diện tích 357ha lúa sau thu hoạch.

Đan Phượng đã cung cấp cho hộ trồng lúa (đăng ký tham gia mô hình) chế phẩm sinh học và tập huấn, hướng dẫn các hộ sử dụng chế phẩm này để xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất. Việc hỗ trợ trong những năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, tác động rất mạnh vào nhận thức của người dân, xóa dần tâm lý coi rơm rạ là “đồ bỏ đi”.

Không chỉ ở Đan Phượng, huyện Đông Anh đã kết nối Công ty cổ phần Đông Thành Hà Nội với các hộ nông dân trên địa bàn huyện trong việc thu mua rơm rạ làm thức ăn chăn nuôi. Ngay đợt đầu tiên, Công ty cổ phần Đông Thành Hà Nội đã thu mua rơm rạ của gần 500ha lúa sau thu hoạch với giá 400 đồng/kg. Ngoài ra, huyện Đông Anh cũng tiếp tục triển khai mô hình trồng nấm rơm và xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học, nhờ vậy, tình trạng đốt rơm trên các cánh đồng ở Đông Anh đã hạn chế nhiều.

“Rơm được doanh nghiệp thu gom bằng máy cuốn và ép nên cần hoạt động trên thửa ruộng lớn. Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, huyện giới thiệu cho doanh nghiệp tới các xã đã hoàn thành dồn điền đổi thửa như: Liên Hà, Thụy Lâm, Việt Hùng... nơi có những thửa ruộng lớn để tiện thu mua rơm” - Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng cho biết.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, khắc phục tình trạng rơm rạ bị đốt bỏ lãng phí và gây ô nhiễm môi trường, Hà Nội đang triển khai mô hình “Thành phố không đốt rơm rạ” mục tiêu đến năm 2020, sẽ không còn rơm rạ bị đốt bỏ ngoài đồng ruộng. Năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã hướng dẫn các quận, huyện, thị xã (còn trồng lúa) xây dựng kế hoạch hạn chế đốt rơm rạ. Thành phố hỗ trợ 10% kinh phí; các quận, huyện, thị xã hỗ trợ 30% kinh phí để xử lý rơm rạ. Từ đó, góp phần hạn chế được tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng.

Mặc dù đã có những mô hình hiệu quả, tuy vậy, vẫn còn một số địa phương rơm rạ chưa được xử lý hiệu quả, tình trạng đốt rơm vẫn còn. Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, nguyên nhân do nhận thức của người dân về tác hại của việc đốt rơm rạ đến đời sống, sức khỏe và môi trường còn hạn chế. Bên cạnh đó, Nhà nước chưa có các quy định, chế tài cụ thể đối với việc đốt rơm rạ; quyết tâm "vào cuộc" của nhiều địa phương trong việc xử lý triệt để việc đốt rơm rạ chưa cao...

Đối với phía doanh nghiệp, đại diện Công ty cổ phần Đông Thành Hà Nội Lê Văn Hiên cho biết, rơm phải được cắt cách gốc rạ 20cm, khi rơm đạt độ ẩm dưới 20%, doanh nghiệp chỉ thu mua được rơm cho bà con trong điều kiện thời tiết nắng, nếu trời mưa công ty sẽ rất khó bảo quản, nên phần nào hạn chế trong công tác thu mua...

NGUYỄN MAI

Trồng xoài Đài Loan xanh thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ có diện tích trồng xoài lớn nhất ở thành phố. Những năm gần đây nhiều nông dân chuyển đổi đất lúa, đất màu kém hiệu quả sang trồng cây đặc sản, trong đó xoài được coi là một trong những cây chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xoài Đài Loan xanh trong thời kỳ thu hoạch

Anh Hồ Quang Nhớ, 30 tuổi ở ấp 8 cho biết, trước đây từng làm lúa, trồng màu nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi chuyển sang trồng xoài, kinh tế gia đình bắt đầu phất lên. Tính đến nay anh đã trồng được 500 gốc xoài Đài Loan xanh trên diện tích gần 1 ha.

Hiện vườn xoài phát triển rất tốt và đang thu hoạch. Năm 2018 năng suất trên 20 tấn trái, năm nay (2019) cũng tương đương với năm rồi nhưng chất lượng cao hơn nhờ thời tiết thuận lợi và chăm sóc kỹ hơn. Hiện xoài Đài Loan xanh bán cho thương lái tại vườn có giá dao động từ 13.000 - 17.000đ/kg, tổng thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm.

Xoài Đài Loan xanh là giống xoài thích ứng với điều kiện sinh thái khác nhau, khả năng chống sâu bệnh tốt hơn các loại xoài khác. Cây phát triển nhanh, chỉ sau 2 năm chăm sóc là bắt đầu cho trái chín. Trái lúc còn sống có màu xanh, khi chín chuyển sang màu hồng sáng. Xoài Đài Loan xanh có thể ăn chín hoặc sống. Thịt ít xơ, cùi dầy, hạt mỏng, vị ngọt thanh. Ngoài ăn tươi, nhiều người còn chế biến xoài thành mứt, sấy khô, nước ép…nên đầu ra rất ổn định. Cây cho trái quanh năm, nhưng muốn cho cây ra trái tập trung, người trồng phải biết xử lý cho hoa ra theo ý muốn.

Là một nông dân cần cù, năng động và say mê trồng trọt, anh Nhớ đã chịu khó học hỏi tìm tòi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào vườn cây ăn trái. Nhờ vậy mà liên tiếp nhiều năm trúng mùa.

Anh Hồ Quang Nhớ giới thiệu xoài Đài Loan xanh

Ngoài ra, anh cũng rất có ý thức trong việc tuân thủ các quy trình canh tác an toàn, tránh lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật làm ảnh hưởng đến quá trình xuất khẩu. Theo anh, muốn cho trái xoài căng tròn, bóng bẫy, sáng đẹp, màu sắc tươi, trái phải được bao từ lúc còn nhỏ.

Hiện nông dân ở xã Thới Hưng, thủ phủ của xoài cát Hòa Lộc và xoài Đài Loan đang tích cực hưởng ứng việc phát triển vùng sản xuất xoài theo hướng tập trung, đồng thời chú ý nâng cao chất lượng nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu. HTX Nông nghiệp Lộc Hưng ở ấp 8 đã đi vào hoạt động. Ông Phạm Văn Tây, Giám đốc HTX cho biết, HTX có 19 xã viên, trồng được 39 ha xoài, trong đó có 31 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cung cấp cho thị trường nội địa mỗi năm trên 300 tấn xoài đủ loại.

Chị Nguyễn Thị Thu Sương, cán bộ Khuyến nông xã Thới Hưng cho biết, toàn xã có 2.384 ha diện tích trồng cây ăn trái, trong đó cây xoài chiếm trên 1.700 ha. Ngoài nông dân trồng xoài ra, số người làm dịch vụ như xịt thuốc, bao trái, bẻ xoài, lựa xoài, đóng gói, vận chuyển... rất đông. Nhiều thương lái địa phương kể cả nơi khác cũng kéo về đây mở vựa, hoạt động tất bật từ sáng tới chiều.

THÀNH HIỆP

An Giang: Châu Phú thí điểm trồng táo trong nhà lưới

Nguồn tin: Báo An Giang

Trồng táo trong nhà lưới là mô hình mới, được thực hiện thí điểm với diện tích 1.000m2 tại hộ ông Nguyễn Văn Sáng, ấp Mỹ Trung, xã Mỹ Phú (Châu Phú). Sau khi mô hình cho thu hoạch, ngành nông nghiệp huyện Châu Phú sẽ tiến hành đối chứng hiệu quả sản xuất để làm cơ sở khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng táo trong nhà lưới, nhằm hướng đến sản xuất sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Có nhiều năm kinh nghiệm trong việc canh tác các loại cây ăn trái, ông Nguyễn Văn Sáng cho biết, với diện tích 1.000m2 trồng táo, những năm trước, mỗi vụ thu hoạch được khoảng 2,1 - 2,2 tấn trái, với giá bán khoảng 22.000 đồng/kg. Tuy nhiên, lợi nhuận chỉ khoảng hơn 20 triệu đồng/1.000m2, do chi phí phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh khá cao. Ông Sáng nhẩm tính: “Mỗi vụ, kể từ khi vườn táo ra hoa đến cuối vụ thu hoạch, thời gian kéo dài khoảng 8 - 10 tháng, trong quá trình đó, trung bình mỗi tháng phải phun thuốc từ 3 - 4 lần, chỉ tính riêng chi phí phân, thuốc đã lên đến 15 - 16 triệu đồng”. Năm nay, 1.000m2 diện tích trồng táo của ông Sáng đã được hỗ trợ xây dựng nhà lưới kiên cố, với kinh phí 47 triệu đồng, trích từ nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phục vụ xây dựng nông thôn mới. Mô hình giúp hạn chế sâu bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hướng tới xây dựng sản phẩm táo an toàn.

Những gốc táo trồng trong nhà lưới phát triển tốt

Chia sẻ về ý tưởng thực hiện mô hình trồng táo trong nhà lưới, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú Huỳnh Tấn Hưng cho biết: “Đa số nông dân Châu Phú đều canh tác nhỏ lẻ, manh mún, quá trình sản xuất thường cho ra các sản phẩm chất lượng không cao, không ổn định, giá trị hàng hóa thấp. Mặt khác, do áp lực sâu bệnh nên nông dân sử dụng nhiều phân, thuốc trên cây trồng, dẫn đến sản phẩm làm ra chưa đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Từ thực trạng đó, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn trái theo hướng an toàn, nhằm hướng dẫn nông dân xóa bỏ dần tập quán sản xuất truyền thống để đi theo hướng sản xuất mới. Hiện nay, dù năng suất và sản lượng cây ăn trái được cải thiện hơn so với phương thức sản xuất trước đây nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Do đó, chúng tôi muốn hỗ trợ nông dân mở ra hướng phát triển ổn định lâu dài, sản xuất sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường, từng bước hướng đến xây dựng nhãn hiệu để tiếp cận các kênh tiêu thụ lớn”.

Ông Huỳnh Tấn Hưng cho biết, trong quá trình thực hiện mô hình trồng táo trong nhà lưới, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Phú sẽ theo dõi, tư vấn kỹ thuật, giải đáp các thắc mắc của nông dân và kịp thời xử lý các tình huống bệnh hại phát sinh. Hiện, trên địa bàn xã Mỹ Phú có khoảng 1,5ha diện tích trồng táo truyền thống, mô hình trồng táo trong nhà lưới tại hộ ông Sáng được xem là mô hình điểm, khi diện tích táo trong nhà lưới cho thu hoạch, ngành nông nghiệp huyện sẽ tiến hành đối chứng, phân tích hiệu quả kinh tế để khuyến khích phát triển mô hình.

Theo phân tích của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú, sử dụng nhà lưới giá rẻ trong sản xuất cây ăn trái có thể giảm từ 40 - 60% lượng thuốc trừ sâu so với phương pháp trồng truyền thống. Trong quá trình sản xuất, nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật sản xuất cây ăn trái theo hướng an toàn có thể giảm khoảng 10 - 20% lượng thuốc từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng và môi trường sinh thái.

MỸ LINH

Chuyện ở ấp trắng hộ nghèo

Nguồn tin:  Báo Cà Mau

"Xóm nhà tường" là cái tên gọi vui cho Ấp 1, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau), bởi chạy dài hàng cây số trong ấp không thấy bóng dáng của một căn nhà lụp xụp mà là hình ảnh hàng nối hàng của những ngôi nhà khang trang. Chỉ khi kinh tế phát triển thì bộ mặt nông thôn mới thay đổi như thế.

Phó bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ấp 1 Trần Văn Giới tâm sự: “Có thể nói đời sống bà con trong ấp thay đổi từ khi được chính quyền địa phương và Nhân dân cùng bắt tay vào xây dựng nông thôn mới”.

Ông Trần Văn Giới, Phó bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng Ấp 1, là người tiên phong trong các mô hình kinh tế: Nuôi cá bống tượng, tôm 2 giai đoạn... thu nhập từ 300-400 triệu đồng/năm.

Toàn ấp hiện có 184 hộ, trong đó có 17 hộ dân tộc Khmer. Năm 2016, phong trào xây dựng nông thôn mới được phát động và lan toả mạnh mẽ trong Nhân dân. Thời điểm ấy, toàn ấp có 4 hộ nghèo, ông Giới cùng các đảng viên trong chi bộ ra sức giúp đỡ cho các hộ dân thoát nghèo bằng nhiều việc làm thiết thực như: Hỗ trợ tiền, gạo, hướng dẫn cách làm ăn, tổ chức tập huấn canh tác đúng theo quy trình kỹ thuật. Bên cạnh đó, ông cũng là người tiên phong phát triển nhiều cách làm ăn hay để bà con cùng học hỏi, cùng làm giàu. Cuối năm 2018, hộ nghèo cuối cùng của ấp đã vươn lên thoát nghèo.

Điểm nhấn trong câu chuyện xây dựng nông thôn mới tại Ấp 1 là khi chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang nuôi tôm quảng canh 2 giai đoạn. Chính quyết định đúng đắn này đã đánh thức tiềm năng của đất và người nơi đây. Trước đây, diện tích nuôi tôm trong xã chỉ chiếm một phần rất nhỏ, việc nuôi tôm quảng canh 2 giai đoạn chỉ có ông Giới cùng một vài hộ mạnh dạn thử nghiệm và đạt kết quả khả quan. Từ đó, bà con chủ động tìm đến học hỏi kinh nghiệm và làm theo. Đến nay, tổng diện tích nuôi tôm trên 9 ấp là 185 ha, trong đó Ấp 1 có 40 ha, dự kiến sẽ nhân rộng lên trên 300 ha.

Từ hiệu quả của mô hình, Tổ hợp tác Nông nghiệp thuỷ sản Ấp 1 ra đời, ban đầu chỉ có 7 thành viên, nay tăng lên 46 thành viên. Tất cả đều ý thức được nhu cầu của mình nên chủ động liên hệ cán bộ vào tập huấn kỹ thuật mà không cần bất cứ nguồn kinh phí hỗ trợ nào.

Ông Hứa Văn Tiết có tổng diện tích 3 ha đất canh tác, trong đó có 2 ha ông dành cho nuôi tôm quảng canh 2 giai đoạn. Là 1 trong 7 thành viên đầu tiên tham gia vào tổ hợp tác, ông Tiết cho biết: “Trước đây do sản xuất theo phương pháp truyền thống nên không có lãi, từ đầu năm 2019 tôi triển khai mô hình này, thả con giống thưa nhằm giảm thiểu lượng thức ăn. Chỉ sau 3 tháng rưỡi, tôi thu hoạch được 120 kg tôm, cao hơn nhiều vụ trước”.

Anh Nguyễn Duy Thanh, cán bộ khuyến nông xã Tân Lộc Bắc, cho biết, để mô hình phát triển bền vững cần phải đi theo từng bước, không triển khai đồng loạt, áp dụng điệp khúc nhân rộng, duy trì, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Theo Phó chủ tịch UBND xã Tân Lộc Bắc Võ Văn Ấu, nhược điểm trong sản xuất của bà con là không có nhật ký canh tác, vẫn còn đi theo lối mòn của kiểu sản xuất truyền thống, nên khi thu hoạch xong, thu nhập chỉ ở mức phỏng đoán, thậm chí lỗ vốn. Chính vì thế, cán bộ chuyên trách phải có trách nhiệm khuyến cáo bà con tự giác áp dụng khoa học - kỹ thuật để phát triển mô hình một cách bền vững. “Người quản lý Nhà nước phải làm cơn gió thúc đẩy người dân có ý thức trong việc canh tác để mang lại hiệu quả cũng như lợi nhuận”, ông Ấu nhấn mạnh./.

Hữu Nghĩa

Hậu Giang: Năng suất mía chục tăng gần 5 tấn/ha

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Vào thời điểm này, nông dân chuyên trồng mía để bán mía chục ở huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy đã bắt đầu vào mùa thu hoạch để bán cho thương lái chở đi tiêu thụ tại một số thành phố lớn. Giống mía mà bà con chọn trồng để bán mía chục chủ yếu là giống ROC 16.

Nông dân trồng mía bán mía chục đánh giá cao năng suất, chất lượng mía đã và sắp thu hoạch.

Theo nhiều hộ dân đang đốn mía để bán mía chục ở huyện Phụng Hiệp, năm nay tuy thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng lại dễ cho bà con trong khâu chăm sóc, trong đó chỉ cần cung cấp đủ nguồn nước tưới, thường xuyên đánh lá để tạo sự thông thoáng và chủ động phòng trừ các loại dịch hại nên mía đang thu hoạch đạt năng suất cao. Cụ thể, năng suất mía chục lúc này dao động từ 12-14 tấn/công (công 1.300m2), cao hơn cùng kỳ 400-500kg/công (gần 5 tấn/ha). Với giá bán tương đương năm rồi là 1.500-1.700 đồng/kg (tùy theo mía tốt hay xấu), sau khi trừ chi phí sản xuất, nông dân trồng mía kiếm được nguồn lợi nhuận từ 8-10 triệu đồng/công.

Ông Nguyễn Văn Túc, Chủ tịch UBND xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, cho biết: Nông dân trồng mía để bán mía chục chỉ mất 7 tháng chăm sóc là có thể thu hoạch nên chi phí đầu tư nhẹ, cộng với giá cả ổn định ở mức cao nên hầu hết đều có lời sau khi cân mía cho thương lái. Chính điều này nên hiện toàn xã Phụng Hiệp còn khoảng 400ha mía thì có hơn 250ha là bà con trồng để bán mía chục, còn lại là bán mía nước cho các nhà máy đường…

Qua thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, đến thời điểm này của niên vụ mía 2019-2020, nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống được gần 8.500ha, tập trung ở huyện Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy và thành phố Vị Thanh. Hiện tại, mía ở giai đoạn vươn lóng (từ 5-7 tháng tuổi), tình hình sinh vật gây hại ít nên hầu hết các diện tích mía đang phát triển tốt.

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Phú Yên: Bệnh chết nhanh, chết chậm, thán thư gây hại 64ha tiêu

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, hiện bệnh chết nhanh, chết chậm, thán thư gây hại 64ha tiêu. Trong đó, bệnh chết chậm gây hại 25ha, phần lớn trên diện tích tiêu kinh doanh chăm sóc kém; bệnh thán thư gây hại 30ha, bệnh tấn công tầng lá gần mặt đất...

Trong thời gian đến, tuyến trùng, chết nhanh, chết chậm, thán thư… tiếp tục gây hại ở những vùng tiêu chăm sóc kém, vì vậy người trồng tiêu cần chú ý phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm, tuyến trùng và bệnh thán thư.

Thời gian qua, do ảnh hưởng mưa bão, giá tiêu xuống thấp, người trồng tiêu không đầu tư chăm sóc dẫn đến tình trạng xuất hiện sâu bệnh trên nhiều vườn tiêu nên diện tích tiêu thu hẹp lại. Theo Sở NN-PTNT, hiện vùng trồng tiêu của tỉnh tập trung tại huyện Tây Hòa với diện tích 590ha. Còn trước đó, diện tích tiêu toàn tỉnh là 860ha, chủ yếu ở các huyện Tây Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa, Tuy An. Hiện để phòng sâu bệnh hại cho hồ tiêu, ngành chức năng tăng cường khảo nghiệm, chọn lọc giống mới năng suất cao và hướng dẫn biện pháp phòng trừ dịch hại nguy hiểm như tuyến trùng, bệnh chết nhanh, chết chậm. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn đẩy mạnh phát triển diện tích trồng tiêu theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, kết hợp bón phân qua nguồn nước tưới, phòng trừ các đối tượng dịch hại nguy hiểm, nâng cao giá trị sản phẩm hồ tiêu, giúp người trồng nâng cao thu nhập.

TRÂM TRÂN

Cao Bằng: Trà Lĩnh phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo

Nguồn tin: Báo Cao Bằng

Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) là huyện biên giới có chợ gia súc được xem là lớn nhất miền Bắc, mỗi phiên chợ ở đây tiêu thụ hàng nghìn con gia súc. Đây là một trong những yếu tố thuận lợi thúc đẩy ngành chăn nuôi gia súc của địa phương phát triển. Những năm gần đây, phát triển kinh tế nông nghiệp bằng hình thức nuôi nhốt trâu, bò vỗ béo trở thành hướng đi hiệu quả trên địa bàn các xã, thị trấn trong huyện.

Nhiều hộ dân ở xã Quang Hán đầu tư nuôi trâu.

Ông Bế Văn Định ở xóm Bản Niếng, xã Quang Hán gắn bó với nghề buôn bán trâu, bò được gần 30 năm. Đây là một nghề đem lại lợi nhuận khá cao. Từ việc buôn bán gia súc, ông có nhiều kinh nghiệm trong nuôi trâu, bò vỗ béo. Từ năm 2015, gia đình ông duy trì nuôi vỗ béo mỗi lứa 5 con trâu, sau khi trừ chi phí mỗi con lãi 5 - 10 triệu đồng, mỗi năm từ 3 - 4 lứa, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Trước đây, người dân nuôi trâu, bò theo hướng chăn thả để phục vụ nhu cầu cày kéo, nay một số hộ dân chuyển sang phát triển kinh tế bằng nuôi vỗ béo trâu, bò. Các hộ dân mua trâu, bò ở chợ về để vỗ béo trong khoảng hơn 2 tháng rồi bán lại cho các thương lái. Quang Hán là xã tiên phong với gần 100 hộ dân thường xuyên vỗ béo trâu, bò. Dù chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chọn mua giống trâu, bò về vỗ béo, nhưng anh Bế Văn Đồng, xóm Bản Niếng, xã Quang Hán đã học tập kinh nghiệm của các hộ dân để nuôi vỗ béo 12 con trâu, bò, đem lại nguồn thu nhập khoảng 70 triệu đồng/năm. Anh Đồng chia sẻ: Nuôi vỗ béo trâu, bò không tốn nhiều công sức và thời gian, chủ yếu phải trồng cỏ và bổ sung thức ăn công nghiệp cho trâu, bò, quan trọng cần vệ sinh chuồng trại sạch và thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ nuôi vỗ béo trâu, bò góp phần tạo nguồn thu ổn định, nhiều hộ dân ở các địa phương trong huyện đã đến học tập kinh nghiệm chăn nuôi tại xã. Anh Sầm Văn Lộc, xóm Lũng Rỳ, xã Lưu Ngọc cho biết: Nhận thấy sức mua của chợ gia súc lớn, tôi đã chuyển từ nuôi lợn sang nuôi vỗ béo trâu, bò, sử dụng vốn vay ngân hàng xây dựng chuồng trại, mua trâu, bò, đồng thời tận dụng những diện tích đất bãi khô cằn ven núi kém hiệu quả sang trồng cỏ để tạo nguồn thức ăn thô xanh phục vụ chăn nuôi, giảm chi phí đầu tư. Gia đình duy trì 6 con/lứa. Hiện, toàn xã Lưu Ngọc có 30 hộ phát triển kinh tế từ nuôi vỗ béo trâu, bò, cuộc sống ổn định.

Chợ gia súc huyện Trà Lĩnh có diện tích hơn 18.000 m2 với sức chứa gần 3.000 con gia súc, diễn ra 5 ngày/phiên vào ngày mùng 4, 9 (âm lịch). Đây là địa điểm tập kết lượng lớn gia súc từ các tỉnh như: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Nghệ An và gia súc trên địa bàn huyện. Chính hoạt động của chợ gia súc Trà Lĩnh đã tạo ra hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi ở địa phương. Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Lĩnh Hà Minh Hải, với lợi thế của địa phương có chợ gia súc với sức tiêu thụ lớn, huyện Trà Lĩnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi tập quán chăn nuôi từ chăn thả tự nhiên sang nuôi vỗ béo gia súc. Đồng thời lồng ghép các chương trình, chính sách để hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc nhằm tạo hướng phát triển kinh tế cho người dân.

Lợi nhuận từ việc nuôi vỗ béo trâu, bò của các hộ dân trên địa bàn huyện đã cho thấy hiệu quả kinh tế cũng như nhu cầu thị trường. Đại hội Đảng bộ huyện Trà Lĩnh khoá XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra chương trình công tác trọng tâm tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó thực hiện nuôi vỗ béo trâu, bò là một trong những nội dung huyện tập trung đẩy mạnh thực hiện nhằm phát huy thế mạnh của địa phương để nâng cao mức thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bế Gia - Mạnh Quân

Tìm giải pháp phát triển gia súc ăn cỏ

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Mặc dù đã có nhiều chính sách thúc đẩy nhưng thời gian qua, chăn nuôi gia súc ăn cỏ chưa phát triển. Trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi lây lan diện rộng, chưa có dấu hiệu ngừng lại, việc tìm giải pháp phát triển gia súc ăn cỏ đang trở thành nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp.

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN& PTNT), mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách thúc đẩy song chăn nuôi gia súc ăn cỏ chưa phát triển. Cụ thể, năm 2018, cả nước sản xuất hơn 5,376 triệu tấn thịt các loại, trong đó thịt gia súc ăn cỏ chỉ đạt hơn 462 nghìn tấn (chiếm 8,6%); sản lượng còn lại là thịt lợn với 3,816 triệu tấn (chiếm 70,98%); thịt gia cầm 1,097 triệu tấn (chiếm 20,42%)...

Phát triển đàn bò sữa quy mô hàng hóa trên địa bàn huyện Ba Vì.

Về đánh giá trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, thành phố Hà Nội hội đủ các yếu tố để phát triển đàn gia súc ăn cỏ. Tuy nhiên, lĩnh vực chăn nuôi này trên địa bàn thành phố mới cung cấp cho thị trường Hà Nội khoảng 12 nghìn tấn thịt trâu, bò, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu tiêu dùng…

Nguyên nhân chính khiến chăn nuôi gia súc ăn cỏ chưa phát triển do phương thức chăn nuôi còn nặng về truyền thống, nguồn thức ăn chủ yếu ở dạng tận dụng, quy mô nhỏ lẻ, năng suất thấp... Nhiều hộ chăn nuôi thiếu vốn, chưa nắm rõ kiến thức trong mở rộng đàn nuôi, chưa có phương pháp cải tạo và nâng cao chất lượng con giống…

Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố chưa có doanh nghiệp đủ mạnh về lĩnh vực cung cấp thức ăn chất lượng cao phục vụ chăn nuôi bò thịt, bò sữa; chưa có doanh nghiệp chăn nuôi trâu, bò quy mô lớn...

Tại những địa phương có truyền thống chăn nuôi trâu, bò lớn trên địa bàn cả nước (Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Giang, Sơn La...), chăn nuôi gia súc ăn cỏ phụ thuộc chủ yếu nguồn thức ăn thô xanh từ hệ thống canh tác.

Tuy nhiên, ở nước ta chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu (đồng cỏ, bãi chăn thả tự nhiên...) cho trâu, bò; việc chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang trồng cỏ và thức ăn cho gia súc ăn cỏ gặp khó khăn…

Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, để khắc phục hạn chế, thực hiện mục tiêu của Bộ NN&PTNT đến năm 2025, sản lượng thịt gia súc ăn cỏ đạt hơn 500 nghìn tấn, chiếm hơn 10% tổng sản lượng thịt các loại… Hà Nội cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Hiện Bộ NN&PTNT đã có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thức ăn chất lượng cao trong chăn nuôi bò thịt; xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến sản phẩm; tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố tiếp cận các dự án chăn nuôi…

Trên cơ sở đó, các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến thịt và sản phẩm từ gia súc ăn cỏ đang đề xuất Bộ NN&PTNT rà soát, bổ sung quy hoạch chăn nuôi gắn với giết mổ, thị trường tiêu thụ; từng bước chuyển dần chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, phân tán sang quy mô trang trại, công nghiệp, phù hợp thực tế từng địa phương; rà soát, điều chỉnh cơ chế chính sách hỗ trợ, phát triển đàn trâu, bò nuôi kết hợp tăng cường đầu tư công nghệ chế biến...

Nhằm hoàn thành mục tiêu về sản lượng thực phẩm gia súc ăn cỏ và thiết thực hỗ trợ các địa phương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường giao các đơn vị chức năng (thuộc Bộ) tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng chiến lược phát triển lĩnh vực chăn nuôi gia súc ăn cỏ quy mô hàng hóa, tương xứng với tiềm năng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương tiếp tục chủ động rà soát các chương trình, dự án, đề xuất giải pháp cụ thể tới các cấp, các ngành liên quan. Mặt khác, các doanh nghiệp cần lựa chọn sản phẩm để đầu tư tập trung; đồng thời, cần tích cực nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong chuỗi phát triển đàn gia súc ăn cỏ...

BÀI, ẢNH: KIM VĂN

Giữ ổn định nguồn cung thực phẩm

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Hiện nay, lượng lợn bị dịch bệnh phải tiêu hủy khá lớn. Để bù đắp nguồn cung thực phẩm, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các địa phương tích cực phát triển chăn nuôi các vật nuôi khác, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Giá cả bấp bênh

Gia đình ông Phí Văn Thành, thôn Tân Độ, xã Tân Liễu (Yên Dũng) chăn nuôi vịt gần 20 năm nay. Ông luôn duy trì tổng đàn 1,5 nghìn con vịt đẻ, cung cấp ra thị trường hơn 1,2 nghìn trứng/ngày. Ngoài ra, ông còn tận dụng hơn 1 ha mặt nước để thả cá. Từ chăn nuôi ông thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm.

Ông Phạm Văn Dũng (bên phải), thôn Đồng Thịnh, xã Nhã Nam (Tân Yên) giới thiệu với khách cơ sở chăn nuôi gà đẻ công nghệ cao.

Ông Thành chia sẻ, hằng năm, trước khi thu hoạch lúa chiêm nửa tháng là ông vào đàn vịt con để sau khi gặt, vịt có thể ra đồng kiếm ăn. “Đầu tháng 5 vừa rồi tôi mua 1,7 nghìn vịt con hậu bị với mục đích kế vào đàn vịt đang sinh sản hiện có. Năm ngoái gia đình tôi nuôi 6 nghìn vịt thịt nhưng năm nay dự kiến chỉ nuôi một nghìn con vì lo thị trường có nhiều biến động”, ông Thành nói.

Thời điểm này, các cơ sở sản xuất gà giống tại Hiệp Hòa, Tân Yên, Việt Yên… sức tiêu thụ, giá bán đều giảm so với trước. Trong đó, giá gà giống các loại giảm từ 7 đến 9 nghìn đồng/con. Hiện gà đồi thương phẩm tại Yên Thế dao động từ 50 đến 60 nghìn đồng/kg (tùy theo độ tuổi của gà), thấp hơn thời điểm này năm trước hơn 5 đến 10 nghìn đồng/kg.

Giá vịt thương phẩm dao động từ 40 đến 45 nghìn đồng/kg, giảm khoảng 5 nghìn đồng/kg so với tháng trước (riêng giá vịt lại phụ thuộc vào lứa nuôi, nếu các hộ vào đàn và bán ra cùng thời điểm thì vịt sẽ rẻ và ngược lai). Các loại thực phẩm như thịt bò, trâu vẫn ổn định; thịt dê hơi tăng nhẹ, đạt 145 nghìn đồng/kg.

Ông Giáp Quý Cường, Giám đốc HTX Nông nghiệp Xanh Yên Thế nói: “Thông thường, khi nguồn cung thịt lợn giảm thì giá gà, vịt sẽ tăng nhưng năm nay lại hoàn toàn ngược lại, cả trước và sau khi lợn bị dịch bệnh, giá gà, vịt vẫn chững lại. Hiện HTX chúng tôi vẫn chưa có kế hoạch tăng đàn gà thịt”. Được biết, không chỉ HTX của ông Cường mà hầu hết các hộ chăn nuôi trong huyện Yên Thế đều chưa tăng đàn vì đây là thời điểm mùa hè, và giá gà chưa có tín hiệu tăng.

Theo ông Lương Đức Kiên, Chi cục Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện tượng trên chứng tỏ trước mắt nguồn cung thực phẩm ngoài lợn của Bắc Giang vẫn dồi dào. Người chăn nuôi không tái đàn mạnh là do giá gà, vịt đang thấp. Một nguyên nhân nữa, năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, người dân có tâm lý e ngại phát sinh dịch bệnh.

Đẩy mạnh chăn nuôi ngoài đàn lợn

Hiện bệnh dịch tả lợn châu phi (DTLCP) vẫn diễn biến phức tạp, đã lan ra 34 tỉnh, TP trên cả nước với hơn 1 triệu con lợn bị tiêu hủy và chưa dừng lại ở đó. Tình hình này ảnh hưởng lớn tới chăn nuôi lợn của Việt Nam nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng. Các đàn lợn khi mắc dịch bệnh đều phải tiêu huỷ, người chăn nuôi hạn chế tái đàn sẽ dẫn tới nguồn cung thực phẩm cho thị trường giảm sút trong thời gian tới.

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, trước thực tế này, Sở đã có văn bản yêu cầu các huyện, TP phát triển các đối tượng vật nuôi khác thay thế chăn nuôi lợn bị giảm sút trong thời gian qua. Theo đó, về gia cầm, tập trung phát triển mạnh đàn gà lông màu thả vườn, gà đồi, gà chuyên đẻ trứng; quan tâm tới các giống gà đang được thị trường ưa chuộng như gà lai chọi, lai đông tảo, gà hồ lai, phấn đấu tăng đàn từ 7% - 10% so với năm 2018, đưa tổng đàn gà của tỉnh đạt 17 triệu con vào tháng 10-2019. Cùng đó, các địa phương cũng tích cực chăn nuôi thủy cầm, chim bồ câu.

Đối với gia súc ăn cỏ, Sở yêu cầu người chăn nuôi tích cực nhân đàn, vỗ béo đàn trâu, bò, dê trước khi giết mổ để nâng cao chất lượng, sản lượng thịt đáp ứng nhu cầu thực phẩm của thị trường. Các huyện có lợi thế phát triển chăn nuôi trâu, ngựa bạch, dê, thỏ như: Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam, Tân Yên, Việt Yên cần xây dựng kế hoạch và có cơ chế đặc thù để khuyến khích, hỗ trợ người chăn nuôi.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và PTNT, Bắc Giang hiện có tổng đàn gia cầm 14 triệu con; trâu 47 nghìn con; bò 140 nghìn con; dê 32 nghìn con; lợn hơn 600 nghìn con (giảm khoảng 40% tổng đàn từ khi có bệnh DTLCP),…

Sở Nông nghiệp và PTNT cũng yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông tăng cường giúp người dân phòng bệnh cho đàn vật nuôi và áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAHP, chăn nuôi hữu cơ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng sản phẩm...

Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngoài Yên Thế và Lục Ngạn thực hiện các đề án xây dựng vùng nuôi và thương hiệu “Dê núi Hồng Kỳ” (Yên Thế) và “Dê Biên Sơn”, “Trâu Phong Minh”, “Ngựa Phong Vân”, “Gà thiến Tân Sơn” (Lục Ngạn) từ trước khi bệnh DTLCP xuất hiện thì các địa phương vẫn chưa triển khai chỉ đạo của ngành nông nghiệp theo chủ trương trên. Lý do được các nơi đưa ra là đang tập trung nhân lực cho việc chống bệnh DTLCP.

Thiết nghĩ, việc chăn nuôi không phải một sớm một chiều mà hình thành và có sản phẩm xuất bán được. Do đó, các huyện, TP không được chủ quan vì thấy thời điểm này nguồn cung thực phẩm vẫn dồi dào mà lơ là khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi. Bởi ngoài tránh bị động nguồn cung thực phẩm, bù cho lượng thịt lợn thiếu hụt thì việc tăng đàn vật nuôi ngoài lợn cũng làm tăng giá trị, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển ổn định.

Thế Đại

Đưa dê lên đồi chăn thả người dân thu hàng trăm triệu mỗi năm

Nguồn tin: VOV

Trang trại của anh Tuấn lúc nào cũng có khoảng 100 con dê cung cấp ra thị trường thu về từ 200 – 300 triệu đồng/năm.

Ở tỉnh miền núi Sơn La những năm qua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Anh Đinh Anh Tuấn ở xã Huy Hạ, huyện Phù Yên là một điển hình như thế, khi mô hình chăn nuôi dê của anh cho thu nhập gần 300 triệu đồng mỗi năm.

Xuất thân từ nông thôn, anh Đinh Anh Tuấn ở bản Đồng Lỳ, xã Huy Hạ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La trước đây chỉ chủ yếu cùng gia đình tập trung làm nương rẫy, thu nhập không cao.

Sau khi lập gia đình, thấy việc làm nương rẫy vất vả mà thu nhập không ổn định, anh mạnh dạn bàn với gia đình chuyển sang phát triển mô hình chăn nuôi dê. Từ một ít vốn tích lũy được, cộng với vay ngân hàng thêm 2 triệu đồng, anh Tuấn đã đầu tư mua 20 con dê về nuôi.

Nụ cười vui vẻ trên khuôn mặt của anh Đinh Anh Tuấn khi cho đàn dê của mình ăn

Ban đầu, anh gặp không ít bỡ ngỡ, từ việc khắc phục một số dịch bệnh trên đàn dê, đến cách chăm sóc dê như thế nào cho chất lượng tốt nhất. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 6 tháng kiên trì vừa làm vừa mày mò học hỏi; địa phương lại có nhiều nguồn thức ăn phù hợp với việc chăn thả dê, anh Tuấn đã trả nợ được ngân hàng và có nhiều kinh nghiệm để phát triển mô hình của mình.

Đến nay, trung bình trong trang trại của anh Tuấn lúc nào cũng có khoảng 100 con dê. Không chỉ phục vụ cho thị trường trong huyện, trong tỉnh, sản phẩm dê của anh còn được xuất bán ra các tỉnh như Hà Nội, Hưng Yên, Phú Thọ… cho thu lãi khoảng 200 - 300 triệu đồng/năm.

“Nuôi dê không khó, chỉ cần chú ý theo dõi hàng ngày khi thả cho dê lên đồi ăn cỏ và khi tối dồn về. Bình thường, gia đình vẫn rắc muối cho dê ăn nhưng tuyệt đối không nên thả dê khi trời mưa”, anh Tuấn chia sẻ.

Không chỉ đầu tư phát triển kinh tế cho gia đình mình, anh Tuấn còn vận động anh chị em, cùng bà con trong bản cùng phát triển chăn nuôi để có thu nhập ổn định, góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói chung.

Đánh giá về mô hình của anh Đinh Anh Tuấn, bà Đinh Thị Thoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Huy Hạ, huyện Phù Yên cho biết, mô hình chăn nuôi của ông Tuấn là mô hình điển hình của xã. Nhiều hội viên nông dân của xã đã học tập mô hình này để phát triển kình tế gia đình. Từ thành công của những mô hình chăn nuôi có hiệu quả trong xã, đã góp phần vào hương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương”, bà Thoa cho biết.

Dám nghĩ, dám làm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Đinh Anh Tuấn thực sự là tấm gương tiêu biểu trong phong trào xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho gia đình và quê hương ở tỉnh miền núi Sơn La./.

CTV Đắc Thanh/VOV-Tây Bắc

Xã đầu tiên của Đồng Nai công bố hết dịch tả heo châu Phi

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

UBND huyện Trảng Bom vừa ký quyết định công bố xã đồi 61 đã hết dịch tả heo châu Phi. Đây là địa phương đầu tiên của Đồng Nai công bố hết dịch.

Theo quy định, tính từ khi tiêu hủy đàn heo bị bệnh, theo dõi 30 ngày nếu không ghi nhận, phát hiện có heo chết thêm do dịch bệnh này thì địa phương đủ điều kiện công bố hết dịch. Sau khi công bố hết dịch, 2 chốt kiểm dịch tạm thời được lập tại xã cũng ngưng hoạt động; mọi hoạt động chăn nuôi, thú y, giết mổ, vận chuyển heo trên địa bàn xã trở lại bình thường. Hiện xã đồi 61 có 4 trang trại chăn nuôi và 97 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với tổng đàn khoảng 6,8 ngàn con.

Tuy nhiên, huyện Trảng Bom vẫn tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị; giao trách nhiệm cho Đảng bộ, UBND xã chịu trách nhiệm tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh môi trường, khử trùng chuồng trại…, tránh dịch tái phát.

Bình Nguyên

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop