Tin nông nghiệp ngày 01 tháng 8 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 01 tháng 8 năm 2019

Hiệu quả từ phong trào sản xuất kinh doanh giỏi

Nguồn tin:  Báo Khánh Hòa

Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và thoát nghèo bền vững” được Hội Nông dân (HND) các cấp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa triển khai có hiệu quả, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Nhiều tấm gương sản xuất giỏi

Ông Nguyễn Trọng Trung - Chủ tịch HND tỉnh cho biết, những năm qua, phong trào nông dân thi đua SXKDG trên địa bàn tỉnh có sức lan tỏa sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực sản xuất. Thông qua phong trào, ngày càng xuất hiện nhiều nông dân điển hình tiên tiến. Hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 58.600 hộ nông dân SXKDG các cấp, 38% trong số đó có mức thu nhập từ 200 triệu đồng trở lên sau khi trừ chi phí.

Ông Cao Văn Sang, xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn chăm sóc vườn sầu riêng.

Điển hình như gia đình ông Cao Văn Sang (xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn) hiện có trang trại sầu riêng rộng hơn 10ha. Ngoài sầu riêng, ông Sang phát triển thêm các loại cây ăn quả như: chuối, quýt, cam, chanh, măng cụt… lấy ngắn nuôi dài. Ông Sang cho biết: “Để có nước tưới cho trang trại rộng lớn, tôi đã kéo nước từ thượng nguồn về và đầu tư thêm công nghệ tưới nhỏ giọt tới từng gốc cây. Hệ thống nước tự chảy và công nghệ tưới tiết kiệm đã giúp gia đình tôi giảm chi phí sản xuất rất lớn”. Năm 2014, trang trại sầu riêng của ông Sang cho thu nhập hơn 2 tỷ đồng, đến nay đã cho thu nhập 12 tỷ đồng/năm.

Tương tự, với mô hình trồng mía, chăn nuôi bò thịt và dịch vụ vận tải, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Phan Kiến Nghĩa (xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa) thu lãi khoảng 1,2 tỷ đồng/năm. Hiện nay, gia đình ông tạo việc làm thường xuyên cho 30 - 40 lao động tại địa phương, giúp đỡ 4 hộ nghèo về vốn, cây giống phát triển kinh tế gia đình.

Gia đình ông Trần Xuân Hoàng (xã Cam Tân, huyện Cam Lâm) từng phải thuê đất trồng mía. Sau đó, ông tích góp dần và mua được đất trồng mía, mì, chuối, ông còn làm thêm dịch vụ thu mua nông sản và vận tải. Hiện nay, gia đình ông Hoàng có gần 20ha đất trồng cây các loại. Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nên năng suất cây trồng luôn đạt cao. Hiện nay, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu nhập 2,4 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, mô hình nuôi bò thịt, gà thương phẩm và dịch vụ tiệc cưới của gia đình bà Nguyễn Thị Én (xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm) mỗi năm thu lãi khoảng 3 tỷ đồng sau khi trừ chi phí; gia đình ông Lê Văn Nhân (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh) với mô hình trồng xoài cát Hòa Lộc xen canh cây đu đủ và nuôi cá, thu nhập bình quân 3,7 tỷ đồng/năm; gia đình ông Dương Văn Quang (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) với nghề đánh bắt xa bờ, mỗi năm thu nhập 4,8 tỷ đồng…

Động lực giúp nông dân phát triển kinh tế

Để hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, HND các cấp đã thường xuyên tuyên truyền, vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dồn điền, đổi thửa, tạo vùng sản xuất tập trung; tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới; tín chấp cho nông dân vay vốn…

Tính đến nay, các cấp hội đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn với tổng dư nợ các chương trình hơn 933 tỷ đồng, hơn 42.600 hộ vay; tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hộ nông dân vay với tổng dư nợ 369 tỷ đồng. Ngoài ra, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã cho gần 3.000 hộ nông dân vay với số tiền hơn 56 tỷ đồng. Bên cạnh hỗ trợ vốn, các cấp hội còn quan tâm đến công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. Một số mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như: ứng dụng công nghệ lai ghép giống xoài Úc với xoài canh nông truyền thống, mang lại năng suất cao và đảm bảo chất lượng (huyện Cam Lâm); trồng táo theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh)…

Cùng với đó, hội tăng cường hỗ trợ nông dân trong hoạt động tiêu thụ nông sản. Năm 2017 - 2018, HND tỉnh tổ chức thành công phiên chợ nông sản, giúp nông dân có điều kiện tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại; phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức bán hàng, mở rộng kênh phân phối hàng hóa thông qua việc tham gia hội chợ, hội thảo… Hội còn thường xuyên đẩy mạnh công tác vận động, hướng dẫn phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn. Đến nay đã có hơn 250 tổ hợp tác SXKD do hội hướng dẫn thành lập và thành lập mới 9 hợp tác xã. Việc đẩy mạnh thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã đã giúp nông dân cách thức làm ăn mới, phát triển quy mô, đẩy mạnh sản xuất thực phẩm sạch, an toàn, theo chuỗi giá trị… Hội còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức hỗ trợ nông dân đăng ký và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản xoài Cam Lâm, dừa xiêm Ninh Đa, hoa cúc Ninh Giang, rau VietGAP Ninh Đông, Đắc Lộc...

“Thời gian tới, hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và thoát nghèo bền vững”, phấn đấu xuất hiện ngày càng nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn mác, thương hiệu nhằm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản. Đặc biệt, tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp, đưa kinh tế tập thể trở thành thành phần kinh tế có vai trò quan trọng trong xây dựng cánh đồng lớn, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, giải quyết việc làm, giảm nghèo, góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn và quá trình xây dựng nông thôn mới”, ông Trung cho biết.

KHÁNH HÀ

Sachi có thể sa lầy

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Sachi là cây trồng mới xuất hiện ở Việt Nam. Mấy năm trước, cây sa chi được nông dân ở các tỉnh phía Bắc trồng. Những năm gần đây, nông dân các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Đắk Nông đang trồng nhiều. Tuy nhiên, nông dân cần cẩn trọng với cây trồng mới này vì đến khi thu hoạch sản phẩm khó bán.

Nhiều hộ bỏ bê sachi

Tháng 8 năm 2018, gia đình bà Nguyễn Thị Bốn, ở thôn 8, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) vượt 200 km lên Đắk Lắk mua 3.000 cây sachi với giá 4.000 đồng/cây về trồng, tương đương 1,5 ha. Để giảm chi phí, gia đình bà tận dụng trồng sachi trong vườn cao su. Lúc đó, gia đình bà Bốn xác định, cây sachi sẽ giúp gia đình phát triển kinh tế. Thế nhưng, sau 1 năm trồng, loại cây này đã cho thu hoạch nhưng nó đang làm cho gia đình thất vọng vì không như mình tưởng!

Bà Nguyễn Thị Bốn, ở thôn 8, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) vượt 200 km lên Đắk Lắk mua 3.000 cây sachi với giá 4.000 đồng/cây về trồng trên 1,5 ha xen trong vườn cao su

Bà Bốn chia sẻ: “Tôi xem trên internet thấy người ta bảo cây sachi là cây trồng mới và cho thu nhập cao 150.000 đồng/ kg quả khô. Cây sachi trồng không phải phun thuốc sâu, chúng tôi cảm thấy làm cũng nhàn và trồng. Trong quá trình trồng, cây to, nhiều trái nhưng giá quá rẻ nên không muốn chăm, không muốn hái. Thực tế cho thấy, nếu giá đắt thì cao hơn trồng hồ tiêu nhưng giờ không được giá nên chúng tôi không hái vì hái về bán rẻ không đủ tiền công. Hiện gia đình còn hơn 1 tấn quả thu trữ từ đầu năm đến nay chưa bán vì họ trả rẻ. Mới đây, một công ty ở Đắk Mil cũng xuống chốt giá nhưng trừ tiền phân, thuốc, giống thì cũng hết nên bây giờ gia đình tôi không hái”.

Bà Nguyễn Thị Bốn nói về quá trình trồng cây sachi:

Cách đây 1 năm, ông Phạm Văn Khang, ở thôn 8, xã Đắk Búk So được Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ khảo sát, triển khai trồng thử nghiệm 1ha sachi, nguồn giống từ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Nhân tiện, ông Khang mua giống trồng thêm 3 ha. Vốn là một nông dân sản xuất giỏi, nhận thấy những bất ổn của cây sachi, ông Khang sớm bỏ 2 ha, mặc dù trước đó đã đầu tư hàng chục triệu đồng tiền giống, phân bón và thuê công chăm sóc. Với ông Khang, việc sớm bỏ chăm sóc 2 ha sachi là đúng đắn để không “lún sâu” vào thiệt hại.

Sachi được Hội Nông dân tỉnh triển khai trồng thí điểm tại vườn của ông Phạm Văn Khang ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức) phát triển tốt

Ông Khang cho biết: “Năm vừa rồi gia đình phải bỏ không chăm sóc 2 ha sachi trồng ở xã Trường Xuân (Đắk Song). Diện tích này tôi trồng trong mùa khô, cây chậm phát triển do thiếu nước. Tôi theo dõi và trao đổi kinh nghiệm với những nông dân trồng sachi thì thấy cây trồng này đòi hỏi lượng nước tưới phải nhiều, gấp 2-3 lần so với tưới cho cà phê. Vì chưa tin tưởng vào cây sachi nên tôi trồng xen cùng với cây sầu riêng là cây cần nhiều nước nhưng mình trồng sachi trong vườn cùng với sầu riêng thì sầu riêng lên tốt vùn vụt nhưng sa chi thì không lên nổi. Mùa khô, sachi cần lượng nước nhiều, hạn chế nữa là vào mùa khô 2-3 ngày phải tưới một lần, tưới như tưới rau. Ba nữa là nông dân phải hái lai rai, rất mất công vì sachi không ra trái đồng loạt, mặc dù quả chính để 1 tháng mới hái cũng được nhưng vẫn rất mất thời gian”.

Hiện nay gia đình ông Khang chỉ còn lại 2 ha sachi được trồng tại Tuy Đức, trong đó có 1 ha Hội Nông dân tỉnh chọn trồng thử nghiệm và đều phát triển tốt vì chủ động được nước tưới. Theo tính toán của ông Khang và những hộ trồng sachi thì từ khi mua giống đến thu hoạch tổng chi phí hết khoảng 100 triệu đồng, nếu không tận dụng vườn cao su thì còn tiêu tốn thêm vài chục triệu đồng làm trụ để cây bám. Ông Khang cũng cho biết, thời điểm ông trồng sachi có giá 120.000 đồng/kg quả khô. Thế nhưng hiện nay nông dân bán ra thị trường các công ty, doanh nghiệp chỉ mua với giá 10.000 đồng/kg quả khô, nếu tách vỏ giá 20.000 đồng/kg thì không bỏ công đi hái nên không hái.

Không chỉ ông Khang mà một số hộ sau khi trồng sachi thấy giá cả thu mua thấp đã bỏ không chăm sóc hoặc phá bỏ trồng cây trồng khác.

Diện tích tăng nhanh

Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông, đầu mùa khô vừa qua nông dân đã trồng khoảng 120 ha cây sachi. Một số công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã dự kiến trong mùa mưa năm nay sẽ mở rộng diện tích và đến nay có thể đã tăng lên khoảng 1.000 ha sachi trồng trên địa bàn tỉnh. Sachi được người dân trồng chủ yếu tại các huyện như Tuy Đức, Cư Jút, Đắk Song, Đắk Mil, Krông Nô.

Trong khi những nông dân từng trồng sachi nhưng thấy không mang lại hiệu quả kinh tế bỏ không chăm sóc, không thu hoạch, thậm chí đã chặt bỏ để chuyển sang trồng những cây trồng khác thì mới đây, Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Thịnh, thôn 7, xã Nam Bình (Đắk Song) cho biết có kế hoạch liên kết với một công ty trên địa bàn huyện Đắk Mil phát triển cây sachi.

Theo lời ông Lê Công Sinh, Giám đốc Hợp tác xã Nam Thịnh cho biết thì giai đoạn 2018-2020, hợp tác xã liên kết trồng 300 ha sachi. Hiện nay, hợp tác xã đã hợp đồng với các hộ dân là thành viên trồng 100 ha sachi, trong đó 10 ha trồng từ năm 2018 bắt đầu cho thu hoạch, còn lại đa số diện tích trồng trong năm nay.

Nói về cây sachi, ông Sinh chia sẻ: “Sachi trồng 6 tháng ra trái, 9 tháng cho thu và thu hoạch kéo dài 15 năm. Thời tiết năm nay mưa ít nên cây không phát triển mấy còn năm trước thời tiết mưa nhiều nên vườn đẹp. Sau khi làm việc với công ty, thỏa thuận hợp đồng thì hợp tác xã vận động bà con trồng theo quy trình của công ty và được bao tiêu sản phẩm trong vòng 15 năm. Công ty này sẽ thu mua hạt ở mức thấp nhất 50.000 đồng/kg khô và thu mua lá để làm trà. Từ đầu năm đến nay, hợp tác xã mới bán cho công ty mà hợp tác xã hợp đồng khoảng 1 tấn hạt khô với giá 35.000 đồng/kg. Giải thích về việc bán với giá 35.000 đồng, ông Sinh cho rằng do các hộ dân này trước đây trồng tự phát, nay xin vào hợp tác xã nên chưa thực hiện sản xuất theo quy trình của công ty. Sau này, các hộ dân trồng theo quy trình sẽ được mua theo giá đã hợp đồng”.

Ông Lê Công Sinh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Thịnh (Đắk Song) thăm vườn sachi của gia đình bà Nguyễn Thị Chiến ở thôn Thuận Hải, xã Thuận Hạnh (Đắk Song) hợp đồng với hợp tác xã trồng 1,5 ha được 4 tháng

Ông Sinh cho biết: “Bây giờ người dân của hợp tác xã đang cầm của công ty gần 2 tỷ đồng. Mỗi hộ trồng 1 ha đã cầm của công ty 20 triệu đồng gồm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Cây giống công ty bán mỗi cây 4.000 đồng thì người dân chỉ trả một nửa, dây cũng trả một nửa, khi nào thu hoạch thì khấu trừ 20%. Công ty hợp đồng với hợp tác xã hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân”.

Gia đình bà Nguyễn Thị Chiến, ở thôn Thuận Hải, xã Thuận Hạnh (Đắk Song) hợp đồng với Hợp tác Nông nghiệp Nam Thịnh vừa trồng 1,5 ha sachi được 4 tháng.

Nói về việc quyết định trồng sachi, bà Chiến chia sẻ: “Nghe công ty vào họ nói bao tiêu sản phẩm thì mình cảm thấy mình làm được thì mình làm. Thu nhập thì họ nói năm đầu được 1,2 tấn, sang năm thì được 3 – 4 tấn, giá thì nếu thị trường 50.000 đồng/kg thì cũng mua cho 50.000 đồng/kg mà thị trường 40.000 thì họ cũng mua 50.000 đồng/kg thì mình thấy có lợi thì mình làm. Mình có hợp đồng với hợp tác xã thì mình mới dám làm, không hợp đồng không dám làm. Đất trước đây trồng hoa màu, giờ thấy công ty nói mà được như làm thì ngon hơn”.

Một phần diện tích sachi của ông Phạm Văn Khang ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức) bị chết vì thiếu nước tưới

Rất cần thận trọng

Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Cây sachi là cây mới của Việt Nam nên hệ thống nghiên cứu về nó chưa được nhiều. Đặc điểm của cây sachi trồng ở các địa phương cũng chưa được các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn nghiên cứu đẩy đủ. Đặc điểm bên ngoài mình nhìn thấy thì cây sachi dễ trồng, không khó. Chính vì dễ trồng nên nông dân tưởng kỹ thuật dễ, hầu hết kỹ thuật nông dân chưa biết vì chưa được ai tập huấn, có chăng chỉ một vài doanh nghiệp nhỏ tập huấn theo hướng sử dụng các sản phẩm của họ. Thật ra, nó trồng cần nhiều nước chứ không phải ít nước. Mấy năm trước, cây sachi được các doanh nghiệp đưa vào trồng ở các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk … và hầu hết bị thất bại do các doanh nghiệp không mua. Họ nói một đường làm một nẻo, “xúc” vào để cho nông dân trồng trồng rồi không có đầu ra, để dân mua giống, mua phân bón của mình”.

Thực tế, theo tính toán của những hộ dân ở Tuy Đức đã trồng sachi thì đầu tư cho cây trồng này trong 1 năm hết khoảng 100 triệu đồng, đó là gia đình đã tận dụng cọc, trụ hồ tiêu bị chết, máy móc phục vụ sản xuất sẵn có từ trồng hồ tiêu và cà phê…

Ông Khang còn cho biết, nếu người dân liên kết với các công ty mua cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dây làm giàn… thì không khéo còn lỗ nặng so với nông dân tự mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của các công ty sản xuất có uy tín trên thị trường.

Ông Khang so sánh riêng về cây giống: “Nếu mình mua hạt sachi với giá 120.000 đồng/kg và về tự ươm thì chỉ mất khoảng 1.000 đồng/cây. Sachi rất dễ ươm. Quả khô mà mình không hái, hạt rụng xuống là một thời gian sau tự mọc thành cây. Nông dân nếu sản xuất theo hợp đồng với công ty mua 1 cây giống với giá từ 4.000 đồng đến 6.000 đồng là quá đắt. 1kg hạt sachi có tới 200 hạt và nếu 1 ha trồng tới 2.000 cây thì chỉ bán giống thôi các công ty cũng đã quá lời”.

Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông thì cho biết: “Các doanh nghiệp bây giờ vẫn chơi kiểu không công bằng đối với nông dân. Phân, thuốc, giống của họ không có người kiểm định, không ai định giá. Tôi ví dụ, 1 kg phân thực chất giá chỉ 2.000 đồng nhưng doanh nghiệp tính 4.000 đồng và họ chỉ thu về 2.000 đồng trước, cho nông dân nợ 2.000 đồng. Những trường hợp này đã xảy ra ở thực tế và với cây sachi nông dân cũng cần cẩn trọng. Bởi mục đích có thể công ty, doanh nghiệp chủ yếu bán phân bón, thuốc, bảo vệ thực vật và cây giống rồi sau đó họ tìm lý do do nông dân không sản xuất đúng quy trình để không mua sản phẩm. Thực tế, một số doanh nghiệp cố tình “thổi” quy mô, năng lực của mình để nông dân trồng các loại cây trồng theo mục đích trục lợi và sau đó “rũ bỏ” mặc nông dân tự bơi”.

Ông Gấm cũng nhấn mạnh: “Hiện nay, đa số diện tích sachi được nông dân Đắk Song trồng trên vùng diện tích hồ tiêu bị chết. Hội chưa có khuyến cáo nông dân trồng sachi và cũng không khuyến cáo không trồng. Tuy nhiên, do nông dân đã trồng rồi nên Hội Nông dân tỉnh phải tìm cách giảm tác hại cho nông dân. Hiện nay, với mức 1.000 ha sachi do nông dân trồng trên địa bàn tỉnh là quá nhiều vì chưa có đầu ra cụ thể. Thời gian tới, hội sẽ tổ chức tập huấn cho nông dân ở những vùng trồng nhiều, nhất là Đắk Song về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và sơ chế còn chế biến. Sản phẩm chủ lực của Đắk Nông đó là cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn quả và phải ưu tiên cho những cây này”.

Vườn sachi của người dân ở huyện Tuy Đức trồng nhưng bỏ bê không thu hoạch vì giá rẻ

Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Trong năm 2017 và 2018, nhiều doanh nghiệp, công ty đến địa bàn các huyện để chèo kéo, vận động nông dân trồng cây sachi và vận động Hội Nông dân tỉnh hợp tác, vận động nông dân trồng. 2 năm trước, trên địa bàn huyện Tuy Đức cũng là một trong những địa phương có nhiều doanh nghiệp, công ty đến rầm rộ, chèo kéo nông dân trồng sachi. Thấy “nóng” như thế nên Hội Nông dân tỉnh đề xuất xin Sở Khoa học – Công nghệ xây dựng đề án trồng 2 ha trồng trên vùng đất của nông dân trồng để thử nghiệm. Giống của học Viện Khoa học Việt Nam cung cấp và trồng theo quy trình của viện. Mô hình được triển khai trồng tại đất của gia đình ông Khang cho thấy sinh trưởng khá nhưng chưa dám thúc đẩy phát triển vì thiếu doanh nghiệp có đủ năng lực để hợp tác, liên kết sản xuất. Vì vậy, nếu nông dân biết được có doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã nào muốn vận động trồng sachi thì nên báo cáo với các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn và các cấp Hội Nông dân để kiểm tra năng lực thực tế từ đó có giải pháp hỗ trợ nên trồng hay không”.

Ông Gấm cũng cho rằng, với diện tích sachi mà nông dân trên địa bàn tỉnh hiện nay đã trồng kết nối được với doanh nghiệp lớn, có đầu ra sản phẩm tốt thì rất tốt cho nông dân và góp phần giải quyết việc làm, đa dạng hóa nông nghiệp và phủ xanh đất trống. Bởi, hạt sa chi có thể làm lương thực, bánh, kẹo, dầu ăn, mĩ phẩm và lá làm trà, vỏ và thân ủ làm phân bón…

Bài, ảnh: Thanh Nga

Nông dân Đà Nẵng điêu đứng vì rau chết khô, xâm nhập mặn

Nguồn tin: VOV

Nắng nóng gay gắt, khiến nhiều diện tích rau ở HTX rau La Hường (Q.Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) chết khô. Nhiều hộ dân điêu đứng vì không thể sản xuất.

Mấy tháng nay, tại thành phố Đà Nẵng, nắng nóng như thiêu đốt, nhiệt độ ngoài trời lên đến 40oC, lại không có những trận mưa đủ lớn khiến cả làng rau La Hường thiếu nước tưới trầm trọng.

Là một trong những vựa rau lớn của thành phố Đà Nẵng, hiện nay, làng rau La Hường không còn là những ruộng rau xanh mướt mà thay vào đó là mảnh đất trống trơn, đen xì do rau bị cháy, nhiều chỗ cỏ dại che khuất.

Ruộng rau chết héo do nước nhiễm mặn

Ông Lê Duy Nam ở phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ cho biết, dù có kinh nghiệm hơn 20 năm trồng rau nhưng chưa khi nào gặp khó khăn như năm nay. Gia đình ông trồng 1 mẫu rau gồm mướp, rau cải, rau muống, thế nhưng do nắng hạn nên 5 sào rau của gia đình bị héo khô. Đã mấy tháng nay gia đình ông Nam không có nguồn thu nào từ rau.

“Trồng một mẫu rau nhưng bây giờ còn mấy sào thôi, nắng nóng bị nhiễm mặn và phèn nên tưới lên thì rau chết. Người dân bỏ đất trống nhiều, rất khó khăn. Từ Tết tới nay, nước sông mặn suốt, 5-6 sào rau phải bỏ, cháy khô hết”, ông Nam nói.

Nắng nóng làm rau cháy hết lá

Thời điểm này năm ngoái, người dân có thể gieo được rau để bán, mỗi tháng thu về khoảng 5 triệu đồng/sào rau các loại. Nhưng năm nay thời tiết nắng nóng kéo dài, nắng sông nhiễm mặn, bà con không biết xoay sở thế nào, chỉ biết chờ mưa xuống.

Vườn rau của gia đình bà Võ Thị Vân ở làng rau La Hường bị chết cháy khoảng 70%. Giờ chỉ còn mấy luống rau muống đã già, mót bán kiếm vài đồng.

Bà Vân cho biết, rau chết héo vì không có nước, nhiều hộ dân không dám gieo trồng, phải bỏ hoang đất: “2-3 tháng trở lại đây nắng quá nên trồng cây gì cũng bị chết cháy. Đầu tư vào đây rất nhiều, trồng xuống tốt rồi nhưng vì nước mặn nên cũng chết hết. Mấy tháng này không thu hoạch được”.

Người dân vớt vát lại những luống rau muống già còn sót lại

Không chỉ nắng nóng mà tình trạng xâm nhập mặn trên sông Cẩm Lệ xảy ra hơn 5 tháng nay. Người dân tìm mọi cách để cứu vườn rau của mình, họ tự đào giếng ngầm tìm nguồn nước ngọt để canh tác. Thế nhưng, mực nước ngầm xuống quá thấp nên độ nhiễm mặn trong nước cũng tăng lên, dùng nước này tưới rau cũng chết hết. Ngoài ra, người dân chuyển qua trồng các loại rau quả có khả năng chịu hạn nhưng năng suất và thu nhập không cao.

Ông Trần Văn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã rau La Hường, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện tại, có 5ha ở làng rau La Hường không thể canh tác được. Hợp tác xã rau chỉ còn mua bán nhỏ lẻ một số loại rau như rau muống, rau ngót...

“Bà con hiện giờ cũng đang làm đất, chờ mưa xuống. Cách đây 2-3 ngày có mưa nhưng lượng mưa chưa đủ làm cho mạch nước ngầm bớt mặn. Nếu mưa liên tục 5-7 ngày thì mới có thể xuống giống. Nếu bây giờ xuống giống mà không có nguồn nước tưới thì rau cũng sẽ bị chết”, ông Trần Văn Hoàng cho hay./.

PV/VOV-Miền Trung

Phòng chống sâu keo mùa thu: Thận trọng nhưng không quá lo ngại

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long,

Tại hội thảo nhận diện và giải pháp quản lý sâu keo mùa thu tổ chức tại Vĩnh Long mới đây, các chuyên gia cho rằng tuy là đối tượng rất khó phòng trừ nhưng sâu keo mùa thu chỉ gây hại nặng khi mật độ cao. Thực tế cho thấy sâu keo mùa thu dễ nhận biết và dễ dàng tiêu diệt nếu được phát hiện sớm.

Sâu keo mùa thu nguy hiểm nhưng vẫn có thể quản lý tốt nếu được phát hiện sớm.

Không quá lo ngại

Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), sâu keo mùa thu xuất hiện tại Việt Nam từ giữa tháng 4/2019. Đến tháng 7/2019, có 12/19 tỉnh- thành tại Nam Bộ như: TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Hậu Giang, Vĩnh Long,... bùng phát sâu keo mùa thu.

Đến nay, tại các tỉnh- thành phía Nam, sâu keo mùa thu đã gây hại trên 656ha. Hiện diện tích trồng bắp toàn vùng khoảng 30.650ha.

Tính đến ngày 18/7/2019, diện tích hiện nhiễm ngoài đồng là 462,2ha. Riêng tại Vĩnh Long, trong tổng số khoảng 100ha bắp của tỉnh đã có trên 50ha bị sâu keo mùa thu tấn công.

Qua đánh giá thì sâu keo mùa thu là đối tượng rất khó phòng trừ nhưng chỉ gây hại nặng khi mật độ cao sâu keo có khả năng di trú xa, nhất là di trú theo gió. Sâu keo có thể phòng trừ bằng thuốc BVTV. Tuy nhiên, thuốc chỉ có hiệu quả cao khi sâu ở tuổi 1- 3, tuổi 4- 6 sâu không chết.

Vì vậy, sâu nhanh chóng kháng thuốc khi nông dân phun thuốc nhiều lần. Sâu non có thể gây hại khi bắp từ 2- 3 lá non, hạt đông sữa nhưng tập trung ở giai đoạn bắp từ 3- 7 lá.

Theo PGS, TS Lê Văn Vàng- Trưởng Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (ĐH Cần Thơ), trong điều kiện ấm, 1 con ngài cái có thể đẻ từ 6-10 ổ trứng.

Mỗi ổ từ 100- 300 trứng. Ngài cái sau khi giao phối thường bị hấp dẫn mạnh bởi các hợp chất dễ bay hơi từ cây bắp, ánh sáng đen. Đây là loài di cư hàng năm ở Mỹ.

Theo khuyến cáo từ FAO thì cây bắp có thể bù đắp do sâu keo mùa thu gây ra. Ở mật số cao, mất năng suất từ 10- 20%. Năng suất giảm rất ít khi có ít hơn 25% số cây bị hại.

ThS Lâm Thị Mỹ Nương- Phó Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam- cho rằng đừng quá lo ngại đối với loại dịch hại này nếu có biện pháp quản lý và hướng đi đúng.

Giải pháp canh tác vẫn là giải pháp quan trọng nhất. Kế đến là giải pháp vật lý thủ công, cắt tỉa, sử dụng bẫy, bã để quản lý đối tượng dịch hại này. Thuốc BVTV là giải pháp cuối cùng sau khi đã sử dụng tất cả các giải pháp trên. Việc áp dụng các biện pháp này chặt chẽ thì việc quản lý sâu hại mới bền vững.

Thận trọng khi can thiệp thuốc BVTV

Thông tin về biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu trong thời gian tới, ThS Lâm Thị Mỹ Nương cho biết thêm, trước mắt, cần tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn nông dân nhận biết và biện pháp phòng trừ sâu keo.

Khuyến cáo áp dụng các biện pháp sinh học như nhân thả ong mắt đỏ và bọ đuôi kìm. Ở giai đoạn bắp còn nhỏ, trứng sâu được đẻ thành ổ chủ trên mặt lá, dễ dàng phát hiện và tiêu hủy bằng cách bẻ bỏ. Dùng bẫy diệt sâu trưởng thành, phun trừ sâu non nhỏ tuổi.

Ngành nông nghiệp các địa phương cần theo dõi, nắm sát các diện tích nhiễm sâu keo để có biện pháp xử lý thích hợp. Khi mật độ cao, có thể tạm thời sử dụng 4 hoạt chất để phòng trừ như: Bacillus thuring giensis, Indoxacrad, Spinetoram, Lufennuron.

Áp dụng biện pháp phòng trừ sâu keo theo quy trình kỹ thuật của Cục BVTV. Cục BVTV cũng đã khuyến cáo các doanh nghiệp đăng ký thuốc BVTV phòng trừ sâu keo mùa thu, ưu tiên thuốc sinh học.

Về lâu dài, cần nghiên cứu đánh giá khả năng ứng dụng và biện pháp phòng trừ nhập nội, nhân nuôi loài thiên địch có hiệu quả kiểm soát sâu keo mùa thu. Các địa phương cần áp dụng quản lý sâu keo bằng biện pháp IPM, trong đó lấy sinh học làm nòng cốt.

Hiện Viện Lúa ĐBSCL cũng đang nghiên cứu một chế phẩm sinh học 3M (nấm xanh) trong điều kiện ngoài đồng, bước đầu có tín hiệu khả quan, thấy diệt được sâu non, một phần sâu trưởng thành. Ngoài ra, nấm còn ký sinh trên con ngài giúp giảm vật chủ lây lan sâu keo.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT mong muốn trong thời gian tới, các cơ quan nghiên cứu tiếp tục phối hợp với tỉnh Vĩnh Long để tìm ra giải pháp tốt nhất để quản lý sâu keo mùa thu, khống chế không để thiệt hại, bảo vệ sản xuất.

Ông cũng chỉ đạo ngành trồng trọt và BVTV tiếp tục tập huấn tuyên truyền hỗ trợ các địa phương, đặc biệt là giúp nông dân nhận diện được loại sâu hại này để có biện pháp quản lý phù hợp, thay đổi tập quán sản xuất, tránh lạm dụng thuốc BVTV trong việc phòng trừ sâu keo mùa thu.

Quản lý sâu keo mùa thu

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV, để quản lý, phòng trị sâu keo mùa thu, cần áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng. Theo đó, biện pháp canh tác: Làm đất, phơi đất khô để ấu trùng, nhộng trong đất chết hoặc dễ bị thiên địch tiêu diệt. Làm sạch cỏ dại xung quanh vườn trồng bắp để hạn chế nơi trú ẩn của sâu.

Trồng luân canh, xen canh để giảm mật số sâu hại trước khi trồng vụ mới, gián đoạn nguồn thức ăn và xua đuổi sâu hại. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, chú ý giai đoạn bắp 3- 6 lá để phát hiện ổ trứng, ngắt tiêu hủy.

Biện pháp sinh học: Hạn chế sử dụng hóa chất, thuốc BVTV để bảo vệ thiên địch của sâu keo mùa thu. Tăng cường sử dụng chế phẩm nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bt, vi rút NPV để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ. Nhân thả ong ký sinh trứng (ong mắt đỏ,…), các loại bắt mồi ăn thịt như bọ đuôi kìm để kiểm soát sâu non mới nở- tuổi nhỏ.

Biện pháp bẫy, bã nhằm diệt con trưởng thành: Bẫy bã, bẫy đèn: Sử dụng bẫy dính màu vàng có pheromone giới tính, bẫy bã chua ngọt hoặc bẫy đèn để diệt con trưởng thành. Bẫy cây trồng: Trên cánh đồng trồng bắp, trồng một số diện tích cỏ voi, bắp nếp sớm hơn với thời vụ chung để dẫn dụ con trưởng thành đến đẻ trứng. Sử dụng bẫy diệt trưởng thành, ngắt ổ trứng và phun trừ sâu non trên các diện tích bẫy cây trồng.

Biện pháp hóa học: Sâu keo mùa thu có khả năng kháng thuốc rất cao. Sử dụng các hoạt chất thuốc BVTV được phép sử dụng như Bacillus thuringiensis, Spinetoram, Inoxacarb, Iufenuron… để phun trừ khi sâu non đa số ở tuổi 1- 3 (giai đoạn bắp 3- 6 lá), nên phun vào sáng sớm hoặc chiều tối, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”.

Bài, ảnh: THÀNH LONG

Huyện Cư M'gar (Đắk Lắk): Nông dân lao đao vì tiêu chết hàng loạt

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Thời gian gần đây nhiều vườn hồ tiêu của nông dân trên địa bàn huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) bỗng dưng bị héo khô và chết hàng loạt khiến nhiều người rơi vào tình cảnh nợ nần...

Những ngày này, ông Đoàn Văn Liêm ở thôn 6, xã Cư M’gar như “ngồi trên đống lửa” vì vườn hồ tiêu đang lụi tàn mà không còn cách cứu chữa. Mấy năm gần đây, gia đình ông đã đầu tư hơn 300 triệu đồng để chăm sóc vườn hồ tiêu gần 1 ha. Ông Liêm phiền muộn nói: “Trước đây do tiêu được giá nên ai cũng đua nhau trồng và đều phải "cắm" sổ đỏ vay vốn ngân hàng, người ít thì vài triệu đồng, có người vay cả tỷ đồng. Giờ đây giá tiêu xuống thấp, thêm vào đó là nhiều diện tích cây tiêu bị bệnh chết, mất mùa nên nhiều gia đình trồng hồ tiêu lâm vào cảnh nợ nần…”.

Vườn hồ tiêu của ông Nguyễn Ngọc Chất (bên trái) đang bị bệnh.

Đứng bên vườn tiêu chỉ còn trơ trụi trụ, anh Nguyễn Ngọc Chất ở thôn 6, xã Cư M’gar cho biết: Trước đây gia đình anh chủ yếu trồng cà phê, còn tiêu chỉ trồng 2 sào. Cách đây vài năm, thấy giá tiêu tăng cao, gia đình anh đã phá bỏ 7 sào cà phê để chuyển sang trồng tiêu. Khi ấy gia đình đã phải vay mượn hàng trăm triệu đồng để mua giống, trụ tiêu và phân bón. Thế nhưng khi trồng được 2 năm thì tiêu chết dần và giá tiêu cũng bắt đầu lao dốc, gia đình rơi vào cảnh khó khăn.

“Năm 2015, toàn huyện đã có hơn 300 ha tiêu bị bệnh chết. Mặc dù ngành chức năng của huyện đã có khuyến cáo, nhưng người dân vẫn ồ ạt xuống giống trồng tiêu. Từ năm 2016 đến nay, diện tích tiêu của toàn huyện đã tăng lên khoảng 5.000 ha; trong khi theo quy hoạch, đến năm 2020 toàn huyện chỉ có 3.000 ha”.

Ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M’gar

Không chỉ có gia đình ông Đoàn Văn Liêm và anh Nguyễn Ngọc Chất, mà hiện nay nhiều hộ gia đình ở xã Cư M’gar cũng gặp tình trạng tiêu chết như: gia đình ông Đoàn Văn Nhở; Đoàn Nghệ Thuật; Hồ Văn Trên; Hồ Văn Phương; Nguyễn Văn Mâu; Lê Đình Dơng... với diện tích hồ tiêu bị chết từ 5 sào, đến 1ha. Các biểu hiện thường thấy của cây tiêu là lá xoăn, vàng, sau đó lá rụng dần, cây còi cọc và chết. Mặc dù các ngành chức năng và các nhà khoa học đã vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân, “bắt bệnh”, cứu cây tiêu, nhưng diện tích tiêu chết vẫn không giảm.

Theo thông tin từ ngành chức năng của huyện, năm 2018, huyện Cư M’gar có khoảng 100 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết, tập trung ở các xã Ea M’nang, Ea M’roh, Cư M’gar, Cư Dliê Mnông, Quảng Tiến, thị trấn Quảng Phú, Ea Pốk... và dự báo trong thời gian tới số diện tích tiêu nhiễm bệnh có thể tăng lên. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là khi mở rộng diện tích trồng tiêu, người dân chưa chú trọng đến việc cải tạo đất, xử lý mầm bệnh, trồng trên vùng đất không phù hợp, bón phân hóa học với liều lượng cao… dẫn đến nhiều vườn hồ tiêu xảy ra bệnh chết nhanh, chết chậm.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M’gar Phạm Quang Mười cho biết: Trước tình hình dịch bệnh trên cây tiêu, huyện đã cử cán bộ chuyên môn xuống hướng dẫn kỹ thuật, cách cải tạo đất, phòng trừ dịch bệnh; đồng thời khuyến khích người dân chủ động trồng xen các nhóm cây ăn quả trong vườn tiêu, cũng như vườn cà phê để chia sẻ rủi ro trong khi giá cả tiêu, cà phê xuống thấp. Bên cạnh đó, hướng dẫn, định hướng cho bà con nông dân hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển hồ tiêu an toàn, hướng tới sản xuất hữu cơ để cải thiện hệ sinh vật trong đất đảm bảo cho sự phát triển bền vững lâu dài của cây tiêu…

Công Phong

Để cây chanh leo phát triển bền vững

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Từ năm 2018 đến nay, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) thực hiện hình thức liên kết, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng mô hình trồng cây chanh leo trên địa bàn. Hiện cây chanh leo đang trở thành loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân trong huyện.

Cây chanh leo mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân xã A Xing, huyện Hướng Hóa

Với mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, năm 2018 Sở Nông nghiệp và PTNT đã nghiên cứu, kết nối với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc để phát triển cây chanh leo ở huyện Hướng Hóa. Ngày 3/5/2018, Sở Nông nghiệp và PTNT kí Biên bản ghi nhớ số 09/BBGN-QT&Nafoods về hợp tác trồng và thu mua chanh leo giữa Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Hướng Hóa với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc. Theo đó, công ty cho các nhóm hộ ứng trước 50% giá giống và thanh toán vào cuối vụ thông qua khấu trừ sản phẩm bán chanh leo; cam kết thu mua 100% sản phẩm quả chanh leo do nông dân trồng và chăm sóc trên diện tích hai bên thống nhất; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kĩ thuật, theo dõi, giám sát mô hình… Trên cơ sở đó, tháng 10/2018, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai xây dựng dự án phát triển cây chanh leo với quy mô 12 ha tại 3 xã Hướng Phùng, Tân Liên và Tân Lập với 18 hộ gia đình tham gia. Đến nay, trên diện tích 12 ha (trồng từ tháng 9/2018) cho tỉ lệ đậu quả đạt 80-90%, năng suất bình quân 15 tấn/ ha. Bên cạnh đó, tại địa bàn xã A Túc, A Xing, Công ty TNHH Thảo dược Huế Đà - TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư 2 mô hình trồng chanh leo với diện tích 4 ha. Theo đánh giá của các địa phương có các hộ dân tham gia mô hình thì cây chanh leo sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của địa phương, bước đầu mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân tham gia mô hình trồng cây chanh leo.

Hướng tới, huyện Hướng Hóa tiếp tục nhân rộng mô hình trồng cây chanh leo theo chuỗi liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, mở hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân. Huyện cũng đã có nhiều giải pháp như thông tin đến người dân về hiệu quả kinh tế bước đầu của mô hình trồng cây chanh leo để người dân đăng kí trồng, chăm sóc cây chanh leo, đồng thời khuyến cáo người dân không phát triển ồ ạt. Trên cơ sở diện tích các hộ dân đăng kí trồng, chăm sóc cây chanh leo, UBND xã, thị trấn tiến hành rà soát, đánh giá xem có phù hợp với việc trồng cây chanh leo hay không để hướng dẫn cho người dân, không để thiệt hại xảy ra khi trồng cây chanh leo trên diện tích không phù hợp. Tổng hợp lại số hộ dân đủ điều kiện trồng cây chanh leo, diện tích cụ thể để tổ chức thành lập nhóm hộ, HTX, tổ liên kết trồng chanh leo nhằm có đủ điều kiện hợp tác với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm. Tuyên truyền, vận động các hộ, nhóm hộ, tổ hợp tác thực hiện theo đúng hợp đồng đã kí kết với doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng sản phẩm trong liên doanh, liên kết. Kịp thời nắm bắt, quản lí, tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp khi vào địa bàn huyện khảo sát, triển khai trồng cây chanh leo.

Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, hằng năm UBND các xã, thị trấn cân đối nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ chương trình giảm nghèo bền vững để hỗ trợ người dân trồng cây chanh leo. Chú trọng quy trình xử lí đất, từ việc chọn đất, vị trí đất đảm bảo phù hợp với yêu cầu kĩ thuật của việc trồng, chăm sóc và thu hoạch cây chanh leo. Quan tâm hướng dẫn quy trình trồng trọt, chăm sóc cây chanh leo cho các hộ dân tham gia mô hình trên địa bàn huyện. Lập phương án hỗ trợ người dân trong nguồn vốn phát triển sản xuất được phân bổ hằng năm. Thực hiện tốt công tác hướng dẫn chọn hộ, rà soát diện tích và đối với diện tích được hỗ trợ theo nguồn vốn của tỉnh, tiến hành phân bổ đảm bảo khách quan, tránh tình trạng tập trung vào một vài xã. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chủ động phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện tham mưu UBND huyện xây dựng đề án trồng cây chanh leo đến năm 2020 - 2025 (dự kiến hoàn thành trong tháng 8/2019) để trình HĐND huyện vào kì họp cuối năm 2019. Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, UBND các xã, thị trấn tham mưu UBND huyện rà soát lại diện tích có khả năng trồng cây chanh leo; chú trọng việc hướng dẫn các xã, thị trấn thành lập HTX, tổ hợp tác để liên doanh, liên kết trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn… Ngoài ra, huyện Hướng Hóa cũng đề nghị các doanh nghiệp hướng dẫn kĩ thuật trồng, chăm sóc và phát triển cây chanh leo; thường xuyên kiểm tra để hỗ trợ các địa phương trong phòng ngừa sâu bệnh, đảm bảo hiệu quả trong lộ trình phát triển cây chanh leo…

Với các giải pháp thiết thực, hiệu quả, tin rằng cây chanh leo sẽ mang lại kết quả khả quan, mở ra hướng đi mới cho nông dân trong việc lựa chọn cây trồng mới đảm bảo việc phát triển kinh tế bền vững.

A.P

Mùa nhãn lãi cao nhờ ‘được giá’

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu,

Theo các hộ dân trồng nhãn tại TP. Vũng Tàu, mặc dù năng suất vụ thu hoạch nhãn xuồng cơm vàng năm nay thấp hơn so với mọi năm do thời tiết không thuận lợi, tuy nhiên nhờ “được giá” nên nông dân trồng nhãn vẫn có lãi cao.

Ông Bùi Quang Duyệt (phường 12, TP.Vũng Tàu) thu hoạch nhãn của gia đình.

Những ngày này, vườn nhãn xuồng của ông Bùi Quang Duyệt (phường 12, TP. Vũng Tàu) đang vào vụ thu hoạch, tấp nập thương lái ra vào thu mua nhãn. Ông Duyệt cho biết, hiện đang đầu mùa nhãn nên bỏ mối cho thương lái 40.000-50.000 đồng/kg xuồng cơm vàng; 60.000-70.000 đồng/kg xuồng bao công. Riêng với nhãn bắp cải - loại nhãn thơm, ngon nhất và cũng có giá cao nhất khoảng 150.000 đồng/kg.

Vườn nhãn của ông Duyệt hiện có 300 cây với tổng diện tích 8.000m2, trồng các loại như: xuồng cơm vàng, xuồng cơm trắng và nhãn Hai Duyệt - loại nhãn do ông tự cấy ghép và đặt tên. Trung bình 1 cây nhãn thu hoạch khoảng 40-50kg. Mỗi ngày ông thu hoạch khoảng 1,5-2 tạ nhãn, riêng vào ngày rằm thì lên đến 7-8 tạ. Ước tính vụ này vườn nhãn cho năng suất 5-6 tấn. Sau mỗi vụ nhãn, gia đình ông Duyệt lãi khoảng 300-400 triệu đồng.

Cũng là hộ trồng nhãn lâu năm, trước đây ông Lê Trương Vinh (phường 12, TP. Vũng Tàu) trồng xen canh mãng cầu và nhãn. Tuy nhiên do mãng cầu thu hút nhiều rầy, sâu bọ, ảnh hưởng đến nhãn nên năng suất thu hoạch không cao. Vì vậy ông quyết định bỏ hết mãng cầu và chỉ trồng mỗi nhãn xuồng trên diện tích 2.000m2. Trung bình 1 cây nhãn thu hoạch 40-50kg, cả vườn nhà ông cho năng suất khoảng 1,5-2 tấn/vụ. Dự kiến năm nay, ông Lê Trương Vinh có thu lãi từ 70-80 triệu đồng từ vườn nhãn. Ông Lê Trương Vinh cho biết, để trái nhãn ngọt, cơm dày, cho năng suất cao, ông sử dụng phân gà và giảm bớt thuốc bảo vệ thực vật.

Theo các hộ trồng nhãn, vụ thu hoạch nhãn năm nay đến sớm hơn so với mọi năm nên giá bán cũng cao hơn từ 10-20%. Ngoài ra, tại phường 11 và phường 12 chủ yếu là đất cát, phù hợp với cây nhãn vì trong đất có hàm lượng kali cao, nên cho trái nhãn ngọt, thơm, thanh. Do đó, nhãn xuồng cơm vàng nơi đây rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Đến vụ thu hoạch, các thương lái thu mua tại vườn và chở đi tiêu thụ tại TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành lân cận. Lượng nhãn còn lại được bày bán dọc theo tuyến đường 3/2 để du khách có thể ghé mua, thưởng thức đặc sản của BR-VT. Chị Lê Thị Hiền (KP3, phường 12) cho biết, hiện gia đình chị có hơn 200 gốc nhãn từ 5-20 năm tuổi. Vụ nhãn năm nay chị không bán cho thương lái mà tự thu hoạch và bán dọc đường 3/2. “Hiện nay khách hàng rất ưa chuộng nhãn bắp cải vì cơm ngon, vàng, ráo... Đa số khách du lịch đến Vũng Tàu khi về đều tìm mua loại nhãn này, nên ngoài bán nhãn xuồng cơm vàng, tôi thu mua thêm nhãn bắp cải để bán kho khách du lịch. Mỗi ngày tiêu thụ từ 80-100kg các loại”, chị Hiền cho biết.

Hiện nay trên địa bàn phường 11 và 12 có khoảng 30ha diện tích trồng nhãn, trong đó chủ yếu là nhãn xuồng cơm vàng, bắp cải. Ông Trần Văn Phức, Chủ tịch UBND phường 12 cho biết, riêng địa bàn phường 12 chỉ có khoảng 17ha trồng nhãn, mặc dù đây là cây trồng mang lại thu nhập cao cho nông dân nhưng do quy hoạch, đất nông nghiệp đang thu hẹp dần nên phường chỉ duy trì, giữ ổn định diện tích trên.

Theo phản ánh của các hộ dân trồng nhãn, dù lợi nhuận từ trồng nhãn khá cao thế nhưng hiện nay vẫn đang còn phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng của cây nhãn. Ông Lê Trương Vinh cho biết thêm, bà con nông dân trồng nhãn rất cần ngành nông nghiệp hướng dẫn các kỹ thuật trồng, chăm sóc và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh để nhãn cho năng suất cao, ổn định.

Bài, ảnh: THU HƯƠNG

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả từ mô hình trồng sầu riêng

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Mạnh dạn chọn hướng đi riêng, ông Lê Thanh Điền ở xã Phú Hựu, huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp) đã chuyển đổi 1,1ha đất kém hiệu quả sang trồng sầu riêng Ri 6, nhờ cây trồng này mà gia đình ông có thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Lê Thanh Điền (giữa) cùng cán bộ xã kiểm tra sâu bệnh trên cây sầu riêng

Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn sầu riêng trên 10 năm tuổi của mình, ông Điền kể, trước đây, ông trồng nhãn, cam, ổi... nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Sau những chuyến đi học hỏi kinh nghiệm ở Tiền Giang, Bến Tre, ông thấy cây sầu riêng cho hiệu quả cao, nhiều người dân phất lên nhờ cây trồng này nên ông quyết định về cải tạo vườn nhà trồng cây sầu riêng.

“Những ngày đầu khởi nghiệp là một câu chuyện đầy khó khăn. Lúc mới trồng gặp khó khăn về kỹ thuật, đến khi khắc phục được thì đầu ra sản phẩm lại càng khó khăn hơn. Sầu riêng thời điểm đó rớt giá chỉ còn 30.000 đồng/kg, bán chỉ huề vốn... khiến gia đình rơi vào khó khăn. Nhiều lúc nghĩ khi chọn cây trồng này không biết mình có đi sai đường không”, ông Điền nhớ lại.

Để khắc phục những khó khăn về kỹ thuật, ông Điền chăm chỉ đọc sách báo, đồng thời xuống Tiền Giang, Bến Tre để tìm hiểu kỹ thuật trồng trọt. Sau thời gian học hỏi, ông Điền đã khắc phục được các bệnh trên cây sầu riêng đồng thời tìm được đầu mối thu mua sầu riêng ở Tiền Giang với giá ổn định. “Chỉ năm đầu tiên giá rớt thê thảm do thị trường Trung Quốc không “ăn”, còn từ vụ thứ hai đến nay giá sầu riêng vẫn ổn định từ 50.000 - 70.000 đồng/kg nên thu nhập gia đình cũng ổn định”, ông Điền cho hay.

Đến nay, sau 10 năm gắn bó với cây sầu riêng, ông Điền đã có hơn 100 gốc sầu riêng cho trái. Mỗi vụ ông thu về khoảng 14 tấn, với giá bán dao động từ 50.000 - 70.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Điền thu lãi gần 400 triệu đồng.

Với 1,1ha sầu riêng, mỗi năm gia đình ông Điền có thu nhập trên 400 triệu đồng

Hợp tác cùng phát triển

Cùng với việc phát triển kinh tế gia đình, ông Điền cũng là một trong những hộ tiên phong trong mô hình làm ăn liên kết của xã. Hiện ông cùng với 25 hộ trồng sầu riêng (diện tích hơn 10ha) của xã tập hợp lại thành lập Tổ hợp tác (THT) sầu riêng Phú Hựu do ông làm Tổ trưởng. THT thành lập nhằm mục tiêu hỗ trợ bà con kỹ thuật chăm sóc cây trồng, định hướng sản xuất hữu cơ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường hiện nay.

Ngoài định hướng sản xuất theo hướng sạch, theo ông Điền, THT đang có ý định tiến lên thành lập hợp tác xã (HTX) để có pháp nhân liên kết với các doanh nghiệp (DN), tìm đầu ra cho trái sầu riêng Phú Hựu. Thời gian gần đây, có DN ở TP.Hồ Chí Minh đến đặt vấn đề bao tiêu sầu riêng, với điều kiện phải ủ chín đồng loạt, tuy nhiên do THT chưa có điều kiện về cơ sở vật chất xây dựng kho bãi nên không thể liên kết được.

“Chúng tôi dự định khi thành lập HTX sẽ có pháp nhân vay vốn để xây dựng kho bãi và tự đứng ra ký kết hợp đồng với DN bao tiêu. Tin rằng với hướng đi này, trái sầu riêng Phú Hựu sẽ có đầu ra ổn định, giúp bà con an tâm sản xuất”, ông Điền cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hựu cho biết, mô hình trồng sầu riêng của ông Lê Thanh Điền nói riêng và THT trồng sầu riêng Phú Hựu nói chung đang được xem là mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả tại xã. Để phát triển ổn định loại cây trồng này, địa phương đang củng cố lại mô hình theo hướng vận động, khuyến khích bà con trồng sầu riêng theo hướng sạch, đồng thời tập hợp lại theo mô hình HTX để có cơ sở pháp nhân cho việc liên kết, tìm đầu ra cho nông sản...

Mỹ Nhân

Đắk Lắk: Mùa dứa ngọt của nông dân Krông Bông

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Nhiều nông dân trồng dứa trên địa bàn huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) đang trong thời điểm kết thúc mùa vụ với tâm trạng vui mừng, phấn khởi bởi dứa năm nay được mùa, được giá hơn năm trước.

Năm 2012, gia đình ông Trần Duy Tư (thôn 1, xã Cư Đrăm) tận dụng 2 ha đất đồi cằn cỗi, trồng cà phê kém hiệu quả để chuyển đổi sang trồng dứa. Nhận thấy nguồn thu nhập cao từ loại cây này, năm 2015, ông Tư mua thêm 1 ha đất để cải tạo lại và trồng dứa. Được đầu tư chăm sóc nên dứa phát triển tốt và cho chất lượng, năng suất cao, đạt khoảng 1.500 quả/ha. Năm nay, với giá bán đầu vụ từ 12.000 – 20.000 đồng/quả, gia đình ông thu lãi 300 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn bán chồi giống cho người dân, với giá 1.400 đồng/chồi, ông thu lãi hàng chục triệu đồng.

Ông Tư phấn khởi chia sẻ, dứa ở địa phương có ưu điểm quả to, giòn và nhiều mật nên được khách hàng rất ưa chuộng. Nhiều năm nay gia đình ông có thu nhập khá ổn định từ loại cây này, mặc dù đến thời điểm hiện tại giá dứa cuối vụ đã giảm chỉ còn 5.000 – 7.000 đồng/quả to và 3 nghìn đồng/quả nhỏ, nhưng mùa vụ này người dân vẫn có lời do đầu vụ giá khá cao. Đầu năm nay, ông Tư tiếp tục trồng mới thêm 1 ha dứa nữa và dự định trong thời gian tới sẽ mở rộng thêm diện tích.

Vườn dứa của gia đình ông Trần Duy Tư (thôn 1, xã Cư Đrăm).

Chung niềm vui được mùa, gia đình ông Trần Huy Dũng (thôn 3, xã Yang Mao) có hơn 4 ha dứa, trong đó có hơn 2 ha đã cho thu hoạch. Sau khi trừ hết chi phí gia đình ông thu lãi gần 200 triệu đồng. Ông Dũng cho biết, dứa đầu mùa thường có giá rất cao, nên nhiều năm nay người dân đã áp dụng phương pháp cho dứa ra trái sớm. Khi thu hoạch xong, cây bắt đầu cho ra từ 35 – 40 lá, người dân sẽ kích thích cho ra trái sớm đúng thời điểm phát triển của cây và 6 tháng sau dứa cho thu hoạch với năng suất và giá bán cao hơn chính vụ. Nhờ vậy, cuối vụ giá dứa có thấp xuống, người dân cũng không mấy lo ngại.

Ông Trần Huy Dũng (thôn 3, xã Yang Mao) đang chăm sóc đồi dứa của gia đình.

Ông Y Then Mkang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư Đrăm cho biết, nhiều năm nay, dứa là loại cây trồng giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, nhờ giá cả tương đối ổn định nên diện tích dứa không ngừng tăng lên. Nhiều diện tích trồng cà phê, tiêu, sắn kém hiệu quả được người dân chuyển đổi sang trồng dứa. Đến nay, xã đã có hơn 400 ha đất trồng dứa, trong đó riêng 6 tháng đầu năm nay đã tăng thêm 219 ha. Hiện nay, huyện Krông Bông cũng đã chọn cây dứa là một trong những cây trồng hiệu quả để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương và có kế hoạch quy hoạch thành vùng chuyên canh cây dứa ở các xã Yang Mao, Cư Đrăm, Cư Pui… Địa phương cũng đang nỗ lực liên kết với các công ty, doanh nghiệp để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm trong thời gian tới.

Phương Thảo

Trồng na Thái dễ kiếm tiền

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Ông Nguyễn Văn Năm (tự Năm Ổi), 65 tuổi, quê ở xã Phú Hựu, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp là nông dân từng trồng nhiều loại cây đặc sản.

Cách nay 7 năm ông đã chuyển sang trồng na Thái, vừa bán trái vừa bán giống, đạt hiệu quả kinh tế ngoài mong đợi.

Ông Nguyễn Văn Năm (trái) giới thiệu những cây na Thái đang ghép.

Na Thái còn có tên là na Hoàng hậu, có người gọi mãng cầu dai. Lúc khởi trồng, ông mua cây giống ở Bến Tre với giá 100.000đ/nhánh ghép và chỉ trồng thử nghiệm 32 cây. Sau hơn 1 năm rưỡi cây bắt đầu cho trái.

Thấy trái “khủng”, thịt ngọt, dai và thơm ngon nên ông tiếp tục mua thêm cây giống. Tính đến nay, ông đã phủ xanh 2.000 cây na Thái từ từ 3 - 7 năm tuổi trên diện tích rộng 2 ha. Tất cả đều cho trái, nhưng ông trồng chủ yếu là để lấy nhánh ghép bán giống nên không bắt cây ra nhiều trái.

Ông cho biết, giống na ông đang trồng là loại da vàng, thịt dai, ngot, ít hột, trái to, nặng trung bình từ 400 - 700gr, cá biệt có những trái trên 1kg, được thị trường ưa chuộng và dễ xuất khẩu hơn loại na da xanh, thịt bở.

Tiếng lành đồn xa, vườn na Hoàng hậu của ông Năm đã thu hút sự hiếu kỳ của bà con nông dân và khách tham quan càng lúc càng đông.

Cây giống na Thái chuẩn bị giao cho khách hàng.

Theo ông Năm, na Thái da vàng dễ trồng, cây phát triển mạnh, ít sâu bệnh nhờ sức đề kháng cao. Cây phù hợp với đất thịt nhưng chỗ trồng phải cao ráo và dễ thoát nước. Trong quá trình chăm sóc, ông đã sử dụng phân hữu cơ kết hợp với phân lân, ít khi sử dụng đến các loại phân thuốc hóa học.

Cây na Thái mỗi năm ông cho ra hoa hai vụ, vụ mùng 5 tháng 5 âm lịch và vụ Tết Nguyên đán (vụ chính). Muốn cho trái sai, mẫu mã đẹp người trồng na Thái phải thụ phấn nhân tạo cho hoa. Đây là công đoạn quan trọng, quyết định về chất lượng và sản lượng của na. Riêng ông, vì số lượng cây quá lớn nên không thể thụ phấn bằng tay mà còn phải kết hợp với biện pháp phun thuốc giúp hoa đậu trái.

Bằng kinh nghiệm cá nhân, ông cho biết, nếu trồng đúng kỹ thuật, sau 1 năm rưỡi cây sẽ cho trái. Mỗi công na Thái 4 - 5 năm tuổi có thể thu nhập trên 100 triệu đồng (2 vụ). Về giá thị trường, hiện giống na Thái vàng có giá cao gấp 2, 3 lần na nội địa. Thường dao động từ 60.000 – 80.000đ/kg, thậm chí lên đến 120.000đ/kg (loại I) vào những ngày lễ, tết.

Ông Nguyễn Văn Năm và trái na Thái da vàng sắp chín.

Trong những năm gần đây, do nhu cầu cây giống tăng cao nên ông Năm đã tập trung sản xuất cây giống. Để có đủ hàng giao cho thương lái và các nhà vườn ông phải thuê 2 nghệ nhân có tay nghề cao để ghép cây, tiền thù lao 1 triệu đồng/người/ngày công.

Năm 2018 ông đã bán ra 100.000 cây giống với giá 22.000 - 27.000đ/nhánh. Muốn có một nhánh ghép đạt chất lượng cao, ông phải chọn cây gốc, nhánh ghép thật khỏe mạnh, sạch bệnh và thường xuyên theo dõi từ 2 - 3 tháng trước khi giao cho khách hàng. Khách hàng đông nhất là các tỉnh miền Đông và đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện ông là người duy nhất trong huyện sản xuất cây giống đại trà. Ông vừa bán cây giống vừa bán trái với sản lượng khoảng 3 tấn/năm. Trừ hết các chi phí, mỗi năm còn lời trên 1 tỷ đồng. Ngoài sản xuất giống ông còn sẵn sàng tư vấn kỹ thuật và cung cấp tài liệu hướng dẫn cách chăm sóc từ A đến Z. Nhờ vậy mà nhiều khách hàng gần xa đã tin tưởng chọn thương hiệu của ông.

Ông Nguyễn Văn Năm giới thiệu trái na Thái nặng 750gr.

Ông Nguyễn Phi Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hựu nhận xét: “Mô hình trồng na Thái của ông Nguyễn Văn Năm còn mới mẻ, giá na khá cao nên sản phẩm chưa tới tay người có mức lương thấp. Lợi nhuận cao nhất của ông hiện nay là bán giống. Còn năng suất và sản lượng còn phải chờ một thời gian nữa mới đánh giá được hiệu quả”.

THÀNH HIỆP

Đứng vững giữa ‘cơn bão’ dịch tả lợn Châu Phi

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi và vận dụng kinh nghiệm được tích lũy mà trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao của chị Nguyễn Thị Anh Đào, trú tại khóm Hải Hòa, thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) vẫn đứng vững giữa “cơn bão” dịch tả lợn Châu Phi và đều đặn xuất bán những lứa lợn giống khỏe mạnh ra thị trường…

Trang trại chăn nuôi công nghệ cao của Công ty TNHH MTV QT Hùng Dung

Trang trại chăn nuôi công nghệ cao của Công ty TNHH MTV QT Hùng Dung do chị Đào làm giám đốc được xây dựng từ tháng 2/2016 trên nền đất rộng khoảng 2 ha ở thôn Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh với tổng số vốn 15 tỉ đồng. Đến tháng 12/2017, trang trại đi vào hoạt động. Chị Đào cho hay, trang trại của chị áp dụng quy trình nuôi khép kín hoàn toàn và ứng dụng công nghệ cao bằng hệ thống chuồng lạnh, phòng lạnh. Tất cả các phòng đều được sắp xếp khoa học và lắp đặt hệ thống làm lạnh, giữ cho nhiệt độ, độ ẩm luôn ổn định. Thức ăn cho lợn cũng được bảo quản trong kho lạnh. Ngoài ra, trang trại của chị còn lắp đặt hệ thống phun thuốc sát khuẩn, khử trùng bằng máy tự động hoàn toàn. Đàn lợn nái và lợn giống được nằm trên hệ thống chuồng nhựa, không tiếp xúc với nền xi măng. Trong trang trại, có 2 chuồng hậu bị (nuôi lợn nái), 1 chuồng đẻ, 1 chuồng tách con, 1 chuồng lợn đực và 1 phòng hấp tinh. Chất thải chăn nuôi được xử lí bằng chế phẩm sinh học EM rồi bán cho Công ty Cổ phần tập đoàn Quế Lâm. Nước thải được xử lí qua hệ thống 3 ngăn sau đó dùng làm nước tưới cho cây trồng tại công ty. “Mọi sinh hoạt của công nhân đều diễn ra trong trang trại. Nguồn thực phẩm mà công nhân sử dụng mỗi ngày đều tự cung tự cấp, rau xanh trồng trong trang trại, thịt lợn từ trang trại nên luôn đảm bảo sạch. Nếu có người đi ra hay vào trong trang trại đều phải qua phòng xử lí sát khuẩn, khử trùng rất kĩ càng. Ngay cả tôi là giám đốc mà cũng phải hạn chế ra vào trang trại”, chị Đào nói.

Trang trại của chị Đào có 6 công nhân, gồm 1 kĩ sư chăn nuôi, 2 thú y, 3 lao động phổ thông. Mọi việc tại trang trại đều được kĩ sư chăn nuôi này điều hành, quản lí. “Người ngoài không thể tùy ý vào bên trong và người bên trong thì hạn chế tối đa ra bên ngoài trang trại. Trong chuồng trại, 1 ngày xử lí tiêu độc khử trùng 2 lần, ngoài chuồng trại cũng vậy. Bên cạnh đó, xung quanh trang trại cũng được phun thuốc khử trùng. Nhờ chú trọng công tác khử trùng, vệ sinh nên đàn lợn mấy trăm con luôn khỏe mạnh và ổn định”, chị Đào tự tin.

Khi được hỏi về nguồn gốc đàn lợn nái thì chị Đào thông tin rằng, chị cùng với người kĩ sư chăn nuôi phải ra tận Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam, trụ sở ở tỉnh Bắc Ninh để kiểm tra, chọn giống và thức ăn rồi nhập về. “Bình thường mỗi năm, trang trại của tôi nuôi khoảng 300 con lợn nái (đàn lợn nái một năm đẻ 2,5 lứa). Vì đợt này có dịch bệnh nên giảm lại còn 150 con. Mỗi năm, tôi xuất bán khoảng 4.500 con lợn giống ra thị trường. 6 tháng đầu năm 2019, tôi xuất bán 2.500 con lợn giống ra thị trường trong tỉnh và Quảng Bình. Lợn mẹ và lợn con đều được tiêm vắc xin theo quy định nên nguồn giống luôn đảm bảo, tỉ lệ sống đạt 100% và sức đề kháng cao. Vì vậy, khách hàng rất tin tưởng và ưa chuộng lợn giống từ trang trại của tôi. Bình thường, tôi xuất bán lợn giống với giá 1,2 triệu đồng/con (trung bình 1 con nặng 7kg), đặc biệt, có lúc giá cao lên 1,4 triệu đồng/con. Từ khi bị dịch tả lợn Châu Phi đến nay, giá sụt xuống còn 1 triệu đồng/con, trong khi giá thị trường khoảng 600-700 ngàn đồng/con”, chị Đào kể. Doanh thu trung bình 1 năm từ trang trại của chị trên 4,5 tỉ đồng, chưa trừ chi phí. Sau khi trừ chi phí, chị Đào thu lãi ròng gần 2 tỉ đồng mỗi năm từ trang trại này.

Theo chị Đào, sắp tới sẽ xây dựng thêm 4 trang trại nuôi lợn thịt sạch để cung ứng cho các siêu thị trong và ngoài tỉnh. Chị cũng mong muốn chính quyền, ban, ngành các cấp hỗ trợ về mặt pháp lí, vốn vay ưu đãi. Đặc biệt trong tương lai gần, Công ty TNHH Một thành viên QT Hùng Dung sẽ sản xuất viên nén hữu cơ cung ứng ra thị trường. Vừa qua, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Ứng phó với biến đổi khí hậu (VCIC) - Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức trao giải cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh”. Trong đó, dự án “Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh thông qua tận dụng phế thải từ phân lợn chế biến thành phân hữu cơ” của chị Đào đã lọt vào tốp 16 dự án xuất sắc nhất để trao giải.

Dự án “Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh thông qua tận dụng phế thải từ phân lợn chế biến thành phân hữu cơ” của chị Đào ra đời từ thực tiễn chăn nuôi. Trước thực tế lượng phân chuồng thải ra hằng ngày rất lớn, nếu không được xử lí sẽ gây ô nhiễm môi trường nên năm 2018, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, chị đã thực hiện thành công dự án tận dụng phế thải từ phân lợn chế biến thành phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Trần Tuyền

Hậu Giang: Gà sao được giá

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Nhiều hộ nuôi gà sao trên địa bàn tỉnh Hậu Giang rất phấn khởi, bởi giá gà sao đang tăng, được thương lái tìm mua với giá 120.000-140.000 đồng/kg tại chuồng và giá 170.000-180.000 đồng/kg bán ra tại các chợ. Theo nhiều tiểu thương, hiện một số nhà hàng, quán ăn ở các khu du lịch đặt mua gà sao nhằm phục vụ khách ăn uống nên giá gà cũng tăng lên so với tháng trước đây.

Gà sao thích sống theo bầy đàn.

Một cán bộ của Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang, cho biết gà sao có tên khoa học là Bambusicola hay còn gọi là gà trĩ, trĩ sao thuộc họ gà phi có nguồn gốc từ châu Phi, thịt gà ăn rất ngon. Gà quen sống trong môi trường hoang dã, tìm kiếm thức ăn trên mặt đất, chủ yếu là côn trùng, chuối, lúa, cám, bắp, rau, cỏ, hay thức ăn công nghiệp… Gà sao mái có thể đẻ từ 20-30 trứng và tự ấp trứng, gà rất nhạy cảm với những tiếng động lớn như sấm chớp, mưa giông, tiếng rơi vỡ của đồ vật… Lúc nhỏ gà rất sợ bóng tối, đến khi gà lớn, gà bay giỏi như chim, gà mái nếu nuôi dạng công nghiệp thì trong khoảng thời gian 6 tháng thì đẻ trứng, nếu nuôi thương phẩm khoảng 3 tháng gà đạt trọng lượng từ 1-1,2kg/con, có thể xuất bán.

Hiện nay, có nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã gắn bó với mô hình nuôi gà sao để phát triển kinh tế. Nhờ áp dụng hiệu quả mô hình mà nhiều gia đình có nguồn thu nhập khá.

Tin, ảnh: QUANG HẢI

‘Cháy hàng’ giống gà lai Đông Tảo ông, bà

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Dù đã huy động hết công suất chăn nuôi, trang trại của anh Chu Đình Thiên ở xóm Trung, thôn Ốc Nhiêu, xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên vẫn không tránh được tình trạng “cháy hàng” con giống gà Đông Tảo ông, bà.

Lang thang hóng chuyện từ các hộ chăn nuôi gia cầm, chúng tôi được biết, anh Chu Đình Thiên mới ngoài 30 tuổi và chỉ học hết lớp 9 trường làng, nhưng đã chọn lọc thành công hàng trăm con gà Đông Tảo giống cụ kỵ chất lượng cao.

Ngoài ra, anh Thiên còn rất điêu luyện trong kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà, mà hiện nay trong giới chăn nuôi tỉnh Hưng Yên, mới có anh là người thứ hai làm chủ được kỹ thuật này.

Giống gà Đông Tảo cụ, kỵ do anh Thiên lưu giữ bảo tồn.

Không chỉ có vậy, anh Thiên còn là một chủ trang trại gà sinh sản, có rất nhiều bí quyết nuôi thâm canh gà lai Đông Tảo nói chung, nuôi hậu bị gà giống cụ kỵ nói riêng.

Nhờ vậy từ đầu năm đến nay, trang trại của anh Thiên đã xuất bán ra thị trường được gần 10.000 con gà lai Đông Tảo các loại, chủ yếu là con giống ông bà 1 ngày tuổi.

Để có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu con giống chất lượng của khách hàng, anh Thiên đã phải đầu tư máy ấp trứng gia cầm công suất 18.000 quả và chăn nuôi thường xuyên gần 1.000 gà lai Đông Tảo chuyên đẻ, trong đó có hơn 100 con là giống cụ kỵ. Đầu tư lớn là vậy, mà từ nhiều năm nay, trang trại của anh Thiên vẫn luôn ở trong tình trạng “cháy hàng” con giống, nhất là với giống gà ông, bà.

Giống gà Đông Tảo cụ, kỵ.

Tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy: Giống gà lai Đông Tảo do anh Thiên chọn lọc rất phù hợp thị hiếu người tiêu dùng như: Chân tròn to, vảy thịt đỏ. Tỷ lệ hao hụt sau nuôi thấp (dưới 10%). Gà mái có khả năng sinh sản tốt. Con trống 12 tháng tuổi có thể đạt trên 5kg/con, con mái nuôi tối đa đạt 3kg/con.

Tuy nhiên, dòng gà này phải chăn nuôi 7-8 tháng mới bộc lộ hết vẻ đẹp hùng vĩ của chúng (chân to, vảy thịt hồng, thể trọng lớn...). Một số dòng gà Đông Tảo khác (đối chứng với giống gà của anh Thiên) cũng có chân to, vảy thịt đỏ nhưng là vảy bị sùi xốp. Cũng có lông màu mã mận (con trống), màu lá chuối khô (con mái), nhưng con trống nuôi tối đa chỉ đạt 3kg/con, con mái 2,2kg/con. Khả năng sinh sản của gà mái rất kém. Tỷ lệ hao hụt sau nuôi lớn (khoảng 30%). Dòng gà này 1 tháng tuổi đã thể hiện mã đẹp, nhưng chỉ có thể bán cho những người mới chăn nuôi lần đầu.

Kết quả thụ tinh nhân tạo tại trang trại của anh Thiên cũng cho thấy: Tỷ lệ trứng có phôi đạt 85-90%. Tỷ lệ ấp nở thành công đạt 70%. Tỷ lệ nuôi sống và chọn lọc thành giống ông, bà đạt 60-65%. Tỷ lệ chọn thành giống cụ, kỵ đạt 20-30%.

Nếu để cho gà tự giao phối: Tỷ lệ trứng có phôi chỉ đạt 65%. Tỷ lệ ấp nở thành công 50%. Tỷ lệ nuôi sống và chọn lọc thành giống ông bà là 10-15%. Tỷ lệ chọn được giống cụ kỵ dưới 10%.

Theo đó, khi thụ tinh nhân tạo cho gà, sẽ giảm được 90% số lượng gà trống cần có trong đàn nuôi sinh sản, giảm chi phí thức ăn, giảm rủi ro dịch bệnh, chất lượng con giống tốt hơn và đồng đều hơn.

Theo anh Thiên, chăn nuôi gà hậu bị giống cụ, kỵ cũng khác biệt so với các loại gà hậu bị khác là, phải có sân thả cho gà chơi và chạy nhảy và phải cho gà ăn theo bữa: Gà dưới 1 tháng tuổi cho ăn 3 bữa/ngày (sáng, trưa, chiều). Gà trên 1 tháng tuổi cho ăn 2 bữa/ngày (sáng, chiều). Và chỉ cho gà ăn các loại cám công nghiệp có hàm lượng đạm vừa phải. Nếu cho gà hậu bị cụ, kỵ ăn các loại cám có hàm lượng đạm cao hoặc nuôi nhốt trong chuồng, gà sẽ bị khuỵu chân, khép gối, phải loại thải. Cần chú ý vacxin phòng dịch cho gà theo qui định.

Gà mái Đông Tảo giống cụ, kỵ

Anh Thiên chia sẻ: Ngày bước vào nghề chăn nuôi (năm 2003), em đã phải bán 5 tấn thóc mới mua được 1 gà trống Đông Tảo giống cụ, kỵ cùng hơn chục con gà mái, hy vọng sẽ sản xuất được loạt giống ông bà, cha mẹ, làm nền cho cho xây dựng gia trại trại chăn nuôi gà sinh sản. Nhưng vì không tìm hiểu kỹ tập tính sinh sống của con giống, chăn nuôi không đúng kỹ thuật, nên đã thất bại hoàn toàn.

Sau cú vấp ngã đau đớn ấy, em đã nghỉ chăn nuôi 2 năm để đi vác đất thuê phục hồi kinh tế gia đình, kết hợp với học hỏi kỹ thuật chăn nuôi mọi lúc mọi nơi có thể. Rồi số phận cũng mỉn cười với em - chăn nuôi phát đạt. Uy tín ngày càng nâng cao. Nhờ đó, em đã phụng dưỡng được bố mẹ già và nuôi dạy con cái ăn học. Quyết không để bọn trẻ chịu thiệt thòi phải nghỉ học giữa chừng để mưu sinh như bố.

“Các gia trại mua gà Đông Tảo từ gia đình anh Thiên, chủ yếu để nhân nuôi thành gà bố mẹ, sau khai thác con giống cung ứng người chăn nuôi thương phẩm. Có thể ví trang trại của anh Thiên sản xuất ra các máy cái”, anh Nguyễn Văn Nức, GĐ HTX Nông nghiệp Đồng Than cho biết.

NGUYỄN HẢI TIẾN

Hà Nội: 137 xã, phường qua 30 ngày không phát sinh bệnh Dịch tả lợn châu Phi

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Ngày 29-7, Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trong tuần (từ ngày 22-7 đến 28-7), bệnh Dịch tả lợn châu Phi phát sinh mới tại 164 hộ, cơ sở chăn nuôi, một thôn; làm mắc bệnh, tiêu hủy 3.696 con lợn với trọng lượng 242.352kg.

So với tuần trước (từ ngày 15-7 đến 21-7), số hộ phát sinh bệnh Dịch tả lợn châu Phi giảm 211 hộ, cơ sở chăn nuôi; số lợn tiêu hủy giảm 2.406 con.

Tính đến ngày 28-7, bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 28.532 hộ chăn nuôi (chiếm 35,3% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) ở 2.312 thôn, tổ dân phố của 447 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh và tiêu hủy 496.553 con lợn (chiếm 26,5% tổng đàn) với trọng lượng 34.151 tấn. Tổng số lợn nái, lợn đực giống phải tiêu hủy là 65.135 con, chiếm 13% tổng số lợn phải tiêu hủy trên địa bàn thành phố.

Đến nay, đã qua 30 ngày, có 137 xã, phường thuộc 24 quận, huyện không phát sinh bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Ngoài các đợt vệ sinh, khử trùng tiêu độc đại trà, thành phố và chính quyền địa phương đã cấp bổ sung 232 tấn hóa chất, 8.084 tấn vôi bột để khử trùng, tiêu độc ổ dịch, đặc biệt là nơi có nguy cơ mắc bệnh cao…

NGỌC QUỲNH

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop