Tin nông nghiệp ngày 02 tháng 01 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 02 tháng 01 năm 2016

Ninh Thuận: Gỡ khó cho người trồng táo

 

Nguồn tin: Đại Đoàn Kết

 

Nhiều năm qua, cây táo ở tỉnh Ninh Thuận xem là cây đặc thù và góp phần đáng kể trong việc nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân SX trên cùng diện tích đất so với trồng cây lúa và các loại hoa màu khác. Do vậy, tỉnh khuyến khích nông dân mở rộng diện tích. Thế nhưng năm nay nông dân lao đao vì giá táo xuống thấp.

 

 

Táo rớt giá khiến người nông dân lao đao.

 

Theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận Phan Quang Thựu, toàn tỉnh có hơn 1.000ha táo, trong đó xã Phước Sơn được xem là vùng chuyên canh táo.

 

Năng suất bình quân 30 tấn/ha, sản lượng 28.800 tấn/năm. Cây táo dễ trồng và đầu tư không cao, nhiều năm trước người nông dân trồng nhỏ lẻ trong vườn nhà thu hoạch quả chủ yếu ăn tươi và tiêu thụ theo kiểu tự phát. Nhưng những năm gần đây, táo Phan Rang đã được nhiều người biết đến hơn, thị trường tiêu thụ được mở rộng nên người dân trong tỉnh tập trung đầu tư thâm canh mở rộng diện tích. Cả tỉnh có hơn 50 cơ sở mua bán táo hoạt động liên tục quanh năm, họ đưa táo đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu sang Trung Quốc. Đến nay, cây táo đã được trồng ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, từ huyện Ninh Sơn, Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Nam, Thuận Bắc và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Tại phường Văn Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm) vốn được nhiều người biết đến là vùng trọng điểm của cây nho và các loại rau màu, nhưng vài năm trở lại đây, cây táo đã xuất hiện và dần dần thay thế cho một số cây trồng kém hiệu quả.

 

Tuy nhiên, với mô hình trồng nhỏ lẻ, theo kiểu tự phát mạnh ai nấy làm sẽ khiến người nông dân khó thoát cảnh được mùa rớt giá, giống như: dưa hấu, hành tím, thanh long, chuối… và gần đây là táo Ninh Thuận hiện giá xuống chỉ còn từ 1.500 - 4.000 đồng/kg.

 

Sau một vài năm trồng táo cho thu nhập cao, đến nay hàng chục hecta táo ở Ninh Thuận bị nông dân chặt phá mang cho bò ăn vì có lúc thậm chí táo rớt giá xuống 1.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Mọi, chủ một vườn táo ở xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước cho biết, mùa thu hoạch táo năm nay, giá táo loại 1 đẹp nhất, đưa vào siêu thị vẫn từ 15.000 - 17.000 đồng/kg, nhưng số lượng táo loại 1 rất ít. Đa phần, thương lái thường chọn cách mua xô tại vườn với giá chỉ từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, cá biệt có vườn thương lái chỉ mua với giá rẻ mạt 1.500 đồng/kg. Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là do thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp. Mặc khác, thời gian gần đây, thị trường tiêu thụ giảm mạnh. Người dân trồng táo ở Phước Sơn cho biết, những năm trước, lúc cao điểm giá táo đạt tới 20.000 đồng/kg, rồi hạ dần còn 10.000 đồng/kg. Vụ này thì giá rớt thê thảm. Vì vậy, thay vì thuê công hái táo để bán cho các mối lái như những vụ trước, nhiều hộ gia đình quyết định thu hoạch táo cho dê, bò ăn.

 

Chủ vườn lao đao vì táo rớt giá, các chủ vựa táo cũng than trời vì nhiều chuyến đưa táo đi giao bán sang tỉnh bạn bị lỗ. Một chủ vựa mua gom táo tại khu vực Phước Sơn cho biết, dù táo giá rẻ như vậy nhưng cộng thêm chi phí vận chuyển, mỗi kg táo chỉ lời từ 500 - 700 đồng/kg. Nhiều khi chở táo tới chợ rồi lỗ cũng phải bán, thậm chí tại Ninh Thuận có biết giá lỗ nhưng vẫn chở táo đi tiêu thụ.

 

Hiện ngành nông nghiệp Ninh Thuận đang đề xuất quy hoạch lại tổng thể vùng chuyên canh táo trên cơ sở tính toán, đánh giá tình hình đầu ra sản phẩm của nông dân và nhu cầu tiêu thụ của thị trường toàn quốc. Theo ông Phan Quang Thựu, sau khi quy hoạch lại, Sở NN& PTNT tỉnh Ninh Thuận sẽ chỉ đạo thành lập các hợp tác xã liên kết các khâu sản xuất của nông dân, tiêu thụ của doanh nghiệp lại với nhau nhằm ổn định giá táo giúp nông dân sống khá với nghề trồng táo.

 

Vân Hằng

 

Lão nông “điên” với cây trồng 10 loại quả "siêu lạ" ở Hà Nội

 

Nguồn tin: Báo Bình Phước

 

 

Loại cây với 10 loại quả 'siêu lạ' của ông Lê Đức Giáp

 

Lão nông “điên” cố trồng cây 10 loại quả

 

Những ngày cuối năm, rất nhiều người thích chơi cây cảnh từ khắp nơi lại tìm đến vườn cây của ông Lê Đức Giáp ở thôn Bãi, xã Cao Viên (huyện Thanh Oai, Hà Nội) để chọn và mua loại cây cảnh "siêu lạ" với 10 loại quả trên cùng một cây.

 

Các loại quả như: bưởi hoàng, bưởi Diễn, bưởi da xanh, phật thủ, quýt, cam đường, cam Vinh, quất, chanh, chanh đào được ông “nhét” chung vào một thân cây.

 

Ông Giáp chia sẻ, mọi năm ông chỉ ghép từ 5-9 quả trên một cây. Năm nay, ông mạnh dạn ghép hẳn 10 quả với ý nghĩa "thập toàn thập mỹ" phục vụ nhu cầu của khách chơi cây.

 

Không nhiều người biết rằng, để trồng được loại cây như vậy, ông đã phải trải qua rất nhiều khó khăn. Thậm chí nhiều người nói ông là hâm, là điên khi bỏ ra hàng đống tiền, tốn rất nhiều công sức để cắt ghép tạo ra một giống cây như vậy.

 

Bắt đầu với nghề làm vườn cách đây 14 năm nhưng phải đến năm 2008 ông mới có cơ hội tìm hiểu và trồng loại cây này. Ông nghĩ, tại sao không ghép nhiều loại quả cùng sống trên một thân cây để tạo sự khác biệt. Ông Giáp chia sẻ, ban đầu tìm giống quả và thân cây rất khó khăn, ông đã lặn lội đi khắp các nơi để tìm mua loại quả ưng ý.

 

Tìm được giống tốt, dựa vào kinh nghiệm và kỹ thuật học được, ông ghép 5 loại quả lên thân cây bưởi. Ông Giáp cho biết, cây chọn ghép phải có thân to và bộ rễ chùm khỏe, thường là cây bưởi, sau đó đưa thêm các loại quả khác như cam, phật thủ…

 

Ban đầu cây vẫn đậu quả nhưng đến cận Tết thì bị rụng gần hết vì nhiều lý do có loại quả không đúng thời vụ bị rụng, có quả chín quá nên bị thối... Vậy là phải bỏ đi toàn bộ vườn cây. Nhiều người lo lắng góp ý: "Cam thật, bưởi thật còn không ăn ai, ông lại đi ghép vào lung tung như thế này sao mà bán được!"

 

Không nản chí, năm sau ông tiếp tục làm lại. Ông mày mò nghiên cứu kỹ thời vụ từng loại quả, có loại chín tháng Bảy, có loại chín tháng Tám, có loại đến tháng 12 mới chín.

 

Sau nhiều đêm trăn trở, thử nghiệm hàng trăm cây ông mới nghĩ ra cách, bắt đầu từ tháng Sáu cho đến tháng Mười m lịch, mỗi tháng ông ghép lần lượt từng loại quả lên cây để quả chín dần đều.

 

 

Các loại quả như: bưởi hoàng, bưởi Diễn, bưởi da xanh, phật thủ, quýt, cam đường, cam Vinh, quất, chanh, chanh đào được ông ‘nhét’ chung vào một thân cây nhỏ bé

 

Ông tiết lộ, muốn quả ghép phát triển bình thường trên thân cây mới, người ghép phải khéo léo và rất cẩn thận để ghép cuống quả vào cành hay nhánh của cây thật chính xác, tương xứng nhau, khi buộc phải thắt chặt túi nilon ở vết ghép để quả có chất dinh dưỡng. Tiếp đó là bón phân, phun thuốc trừ sâu theo định kỳ.

 

Một cây ghép quả cỡ lớn, có đủ 10 loại sẽ có tới gần 100 quả trên thân chính. Ngoài ra, mỗi cây ghép ngoài quả đã lớn còn có đầy đủ chồi, lộc, quả non và hoa chanh, bưởi, cam tỏa hương thơm ngào ngạt.

 

Năm đầu tiên đưa ra thị trường, loại cây này ế ẩm không bán được, ông đành mang ra hội làng để chơi và tặng lại anh em bạn bè. Nhiều bà con đi làm ăn xa về thấy cây lạ và độc đáo nên đặt năm sau về mua, từ hàng chục người rồi họ mách nhau đến hàng trăm người tìm đến ông Giáp để chọn cây. Mãi đến năm 2012, loại cây của ông mới thực sự nổi tiếng, được nhiều người biết đến.

 

Tuy nhiên, để thành công với loại cây này cũng khá tỉ mẩn và yêu cầu sự sáng tạo cao. Hàng năm, bắt đầu từ tháng 6 âm lịch, ông Giáp bắt đầu đi tìm kiếm các thân cây bưởi, cây cam có thế đẹp về làm gốc, sau đó đi chọn đủ các loại quả cần ghép rồi tiến hành công việc cấy quả vào thân. Trải qua 6 tháng chăm sóc liên tục, đúng vào dịp cận Tết, các cây này sẽ đơm hoa kết trái theo đúng ý ông.

 

“Cái khó là làm sao để cây ra hoa, lộc non vào đúng dịp Tết nhưng vẫn có đủ sức nuôi quả chín căng mọng. Hơn nữa, người trồng cũng cần nắm vững các thế chơi cây cảnh, đáp ứng thị hiếu của khách hàng”.

 

Tỷ phú nhờ cây lạ, độc đáo

 

Những ngày cuối năm, công việc của ông Giáp lại càng bận rộn. Ông phải nhờ thêm người đến giúp đỡ việc tỉa cành, cắt tán và chở cây đi khắp nơi. Nhiều người thích chơi hoa quả cảnh từ khắp mọi nơi lại tìm đến vườn cây của ông Giáp để chọn mua và ngắm nhìn những “kiệt tác” do chính ông tạo ra từ những cây trong vườn.

 

Một số người mua cây 10 loại quả này dụng ý vừa làm vật trang trí, giúp hài hòa không gian trong nhà vừa mong muốn phát tài, phát lộc “thập toàn thập mỹ” trong năm mới.

 

Ông Giáp không bán đắt để ai cũng có thể chơi được, giá bán giống cây cảnh này dao động từ 2 đến 10 triệu đồng/cây. Một vài năm trở lại đây, người chơi thường thích những loại cây cảnh kiểu dáng độc đáo, lạ mắt nên ông rất đông khách. Vườn cây của ông có gần 300 gốc cây lai nhưng đã có hơn một nửa khách đặt.

 

 

Nhờ loại cây độc đáo này, ông Giáp đã vươn lên trở thành tỷ phú

 

Mỗi chậu cây cảnh 10 loại quả có tuổi thọ 3 - 4 năm, nếu chăm sóc tốt có thể lên đến 10 năm. Nhiều khách mua của ông xong lại nhờ ông chăm bón để năm sau chơi tiếp.

 

Năm nay để tạo sự khác biệt, ông đã làm khuôn in chữ Tài, Lộc, Phát lên quả bưởi để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Mỗi loại cây có in chữ như vậy, ông bán với giá 6-10 triệu đồng, cây nhỏ hơn có giá 2 - 3 triệu đồng. Ông cũng cho biết, vì nhiều khách hàng gợi ý nên năm tới ông định làm cây cảnh 10 loại quả này thành dáng bonsai.

 

“Năm nào tôi cũng bán hết hơn 300 cây, cộng thêm tiền bán cây giống, số lãi thu về mỗi năm ngót nghét 1 tỷ đồng. Cái nhà tôi sắp xây xong kia cũng từ tiền bán cây mà ra,” lão nông mà nhiều người gọi là “điên” này vui vẻ tiết lộ.

 

Nguồn TTXVN

 

Nông dân Bến Tre thu tiền tỷ từ bưởi da xanh

 

Nguồn tin: VOV

 

Trong khi nhiều loại trái cây thường rơi vào tình cảnh “được mùa rớt giá” thì bưởi da xanh ở tỉnh Bến Tre luôn hút hàng và được giá cao.

 

Nhiều năm liên tục, bưởi da xanh dao động ở mức 35.000 - 50.000 đồng/kg, nhưng cũng không đủ cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện bưởi da xanh đang giúp nông dân thu về tiền tỷ.

 

Cách nay chục năm, ông Lê Văn Phong, ở xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách dù gia đình sở hữu 6 công nhãn nhưng do giá cả rất bấp bênh, mỗi năm thu nhập chỉ vài chục triệu đồng nên kinh tế gia đình rất chật vật. Trước khó khăn về đầu ra của trái nhãn, cuối năm 2005 ông Phong quyết định chuyển sang trồng chuyên canh bưởi da xanh.

 

 

Bưởi da xanh được thị trường rất ưa chuộng, giá cả ổn định

 

Vốn là loại cây trồng khó tính nên thời gian đầu ông Phong gặp nhiều khó khăn, nhất là về kỹ thuật chăm sóc. Nhưng nhờ sự quyết tâm và được sự hỗ trợ kỹ thuật từ phía phòng nông nghiệp huyện, đến nay ông khá thành công với loại cây trồng này.

 

Hiện tại với 6 công chuyên canh bưởi da xanh, năng suất từ 6 - 8 tấn trái, với giá bán tại vườn giao động từ 35 ngàn đồng/kg – 50 ngàn đồng/kg sau khi trừ đi các chi phí ông Phong còn lãi hàng trăm triệu đồng. “Ở vùng này từ khi chuyển qua cây bưởi đạt hiệu quả lắm. Từ hồi tôi trồng tới giò số bưởi lớn năm nay đã 7 năm chưa bị rớt giá. Năm nay dự kiến từ 500 triệu trở lên. Hồi năm ngoái bỏ ra các chi phí còn hơn 300 triệu, năm nay là từ 500 trở lên”.

 

Nhờ bưởi da xanh có giá cao, ổn định nên rất nhiều nông dân ở Bến Tre mỗi năm có thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Ông Đào Văn Minh, tổ phó tổ hợp tác bưởi da xanh Phú Thành, huyện Châu Thành cho biết: hiện nay tổ của ông có 94 nông dân chuyên canh bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, diện tích 50ha.

 

Nếu như năm 2013 giá bưởi trung bình chỉ 29.000 đồng/kg, năm 2014 tăng lên 35 ngàn đồng/kg thì năm nay có giá từ 40 - 45 ngàn đồng/kg nên đời sống kinh tế của các tổ viên đều khá giả. Đặc biệt đối với vườn bưởi từ sáu năm tuổi trở lên, cho năng suất trung bình 20 tấn/ha, nhà vườn thu về gần tỷ đồng.

 

“Rất an tâm, mình còn lo nửa vì có doanh nghiệp bao tiêu rồi và giá cả cũng bao luôn. Còn nếu được chuẩn VietGAP thì được doanh nghiệp mua cao hơn nữa. Bà con an tâm lo sản xuất làm sao tạo cho trái bưởi của mình càng ngày chất lượng càng cao”.

 

Theo ông Đàm Văn Hưng, chủ doanh nghiệp Hương Miền Tây - một doanh nghiệp đi đầu trong việc tìm thị trường và xuất khẩu bưởi da xanh, và hiện đang ký hợp đồng với 27 tổ hợp tác và Hợp tác xã chuyên canh bưởi da xanh trên địa bàn Bến Tre khẳn định: tiềm năng của trái cây này rất lớn, ngày càng có nhiều đối tác nước ngoài liên hệ đặt hàng. Song, cũng yêu cầu nông dân phải tuân thủ các quy trình canh tác đảm bảo an toàn, tuyệt đối không sử dụng thuốc kích thích để thúc trái lớn nhanh. Riêng đối với mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc GlobalGAP thì cơ sở ông sẵn sàng mua hết số lượng, với giá cao hơn thị trường.

 

 

Nông dân Bến Tre giao trái bưởi da xanh cho vựa.

 

“Hai tiêu chuẩn này chúng đi được hầu hết các nước, chỉ trừ Mỹ chưa đi được thôi còn lại đều xuất được. Bây giờ mình có rất nhiều đối tác để xuất khẩu, nhu cầu xuất khẩu một năm khoảng 1.500 tấn trở lên mà chúng ta hiện đáp ứng được 300 tấn. Rất là tiếc”.

 

Toàn tỉnh Bến Tre hiện có hơn 5.500 ha bưởi da xanh, trong đó có 4.200ha đang cho trái, sản lượng ước đạt gần 48.000 tấn. Bưởi da xanh Bến Tre hiện không chỉ tiêu thụ mạnh ở thị trường trong nước mà còn xuất ra các nước như Đức, Canada, Hà Lan, Nga, Trung Quốc… Và hiện đã có thêm nhiều đơn đặt hàng từ Pháp và Nhật.

 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đầu mối thường e ngại không dám nhận đơn đặt hàng với lượng lớn, vì sợ chất lượng, kích cỡ trái bưởi không đồng đều khi phải thu gom trong thời gian ngắn. Nhằm giải quyết vấn đề này, bên cạnh việc đẩy mạnh mở rộng diện tích, ngành nông nghiệp địa phương đang tập trung nâng cao chất lượng trái bưởi bằng cách khuyến khích nhà vườn sản xuất theo hướng liên kết, áp dụng cùng quy trình sản xuất, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sản phẩm.

 

Ông Nguyễn Văn Thượng, Phó chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre nói: “Trong thời gian vừa qua sản xuất rất mánh mún, nhỏ lẻ, do đó ngành nông nghiệp tổ chức sản xuất lại, tổ chức hình thành liên kết ngang, tức hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã buổi da xanh. Trước mắt tiếp nhận khoa học kỹ thuật để họ thực hiện đúng một quy trình, để nâng cao được chất lượng sản phẩm”.

 

Với mức giá hấp dẫn và ổn định trong thời gian dài, bưởi da xanh không chỉ được trồng ở tỉnh Bến Tre mà hiện đang mở rộng sang các tỉnh ĐBSCL, miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên…với tiềm năng xuất khẩu rất lớn. Nếu sắp tới đây, việc xây dựng tiêu chuẩn sản xuất theo mô hình tập thể và chú trọng chất lượng xuất khẩu thì giá trị của trái bưởi da xanh chắc chắn sẽ tiếp tục được nâng lên./.

 

Sa Oanh/VOV - ĐBSCL

 

Nâng tầm chất lượng hồ tiêu Bình Phước

 

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

 

Sau 2 năm triển khai, đến nay, dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững” ở Bình Phước do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (TTKNKN) và Sở NN-PTNT phối hợp với Cty Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam tổ chức, đã hoàn thành giai đoạn 1 với kết quả khả quan.

 

 

Nông dân ở Lộc Ninh đang phơi và lọc tiêu sau thu hoạch

 

Đó là: Tăng năng suất, chất lượng tiêu, thành lập 24 CLB trồng tiêu bền vững với 540 hộ được cấp chứng nhận Rainforest Alliance (R.A).

 

Từng bước xây dựng thương hiệu

 

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Giám đốc TTKNKN cho biết: “Trong những năm gần đây giá tiêu liên tục tăng nên nhiều hộ dân đã chuyển sang trồng tiêu từ các diện tích cây trồng kém hiệu quả. Từ năm 2012, chúng tôi bắt đầu lập kế hoạch tăng giá trị hồ tiêu bằng cách phối hợp với công ty Nedspice thực hiện dự án phát triển cung ứng tiêu bền vững. Hiện nay, dự án đang triển khai tại 3 huyện Lộc Ninh, Hớn Quản, Bù Đốp với diện tích gần 700 ha".

 

Để được cấp chúng nhận R.A cho sản phẩm tiêu, phải thực hiện và đạt 10 tiêu chí gồm: Hệ thống quản lý môi trường và xã hội, Bảo tồn hệ sinh thái, Bảo vệ động vật hoang dã, Bảo tồn nguồn nước, Đối xử công bằng và điều kiện làm việc tốt cho người lao động, An toàn sức khỏe nghề nghiệp, Quan hệ cộng đồng, Quản lý mùa vụ tổng hợp, Bảo tồn - Quản lý đất canh tác và Quản lý rác thải tổng hợp.

 

Tháng 3/2015 vừa qua, dự án đã thuê chuyên gia Công ty Biocert của Indonesia, tiến hành đánh giá độc lập việc sản xuất tiêu chứng nhận của các CLB tham gia dự án. 2 hạng mục đánh giá là công tác đào tạo, lưu trữ, thu mua sản phẩm tiêu chứng nhận của công ty Nedspice và đánh giá việc thực hành bộ nguyên tắc R.A trên vườn tiêu. Kết quả cho thấy, các hộ tham gia dự án cơ bản tuân thủ theo tiêu chí chủ chốt đề ra, cả 24 CLB đủ điều kiện công nhận sản xuất tiêu theo tiêu chuẩn R.A lần 2.

 

Nếu áp dụng trồng tiêu theo lối truyền thống thì vòng đời chỉ 10 năm, nhưng áp dụng theo mô hình của dự án có thể lên đến 20 năm. Các phương pháp canh tác làm giảm độ xói mòn cho đất, tránh rửa trôi, tăng độ phì nhiêu cho đất, duy trì sản lượng ổn định hàng năm. Dự án này giúp cho bà con nhận thức được quy trình trồng tiêu mới bền vững, cho năng suất cao, thân thiện với môi trường, đảm bảo về công tác xã hội. Đặc biệt, đòi hỏi các hộ tham gia phải đảm bảo vườn tiêu đạt 40% độ che bóng mát bằng trụ sống.

 

“Trong các nguyên tắc đề ra thì khó nhất với người nông dân là hệ thống quản lý môi trường và xã hội. Khi trồng hồ tiêu cần phải có cây che bóng mát, hệ thống nước, rác và tưới nước thải sinh hoạt... Hàng tháng phải dọn vệ sinh và tỉa tán cành cây che mát cho tiêu. Điều bất cập là nếu dọn mà không đốt thì để cành cây, rác ở đâu khi chôn lấp thì quá nhiều... nên đây là tiêu chí khó đạt nhất của dự án”, anh Phí Thanh Hải, hội viên CLB tiêu bền vững xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp nói.

 

Nông dân hào hứng

 

Anh Bùi Quốc Hai, Chủ nhiệm CLB tiêu bền vững xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp kể, năm 2012, khi CLB thành lập, người dân cũng đăng ký tham gia nhưng chưa tin tưởng. Sau 2 năm hoạt động, thấy có lợi nên họ đã thay đổi thái độ, tích cực tham gia. Hiện CLB tiêu bền vững xã Hưng Phước có 35 hộ. Các hội viên đều có trên 1.000 nọc tiêu trở lên. Năng suất bình quân từ 4-5 tấn/ha/năm. Bà con rất yên tâm về đầu ra sản phẩm do công ty trực tiếp mua và giá hợp lý, minh bạch.

 

Ngoài việc đảm bảo sử dụng đúng thuốc bảo về thực vật, Công ty thu mua có thưởng nếu không có dư lượng chất bảo vệ thực vật. Ngoài được hưởng 1.500 đồng/kg so với thị giá trường thì các nông hộ được khuyến khích thêm 3.000 đồng/kg để động viên người bán ngày càng nhận thức, nâng cao ý thức bảo về môi trường, bảo vệ sức khỏe của bản thân và người tiêu dùng, tăng thêm nguồn thu nhập.

 

Ông Nguyễn Văn Lợi, ở xã Lộc An, huyện Lộc Ninh cho biết: “Tham gia dự án tiêu bền vững từ năm 2013, với diện tích 1,6ha. Gia đình tôi có được rất nhiều cái lợi từ việc tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tiêu theo đúng quy chuẩn của dự án. Trong câu lạc bộ chúng tôi gần 90% sử dụng trụ sống để trồng tiêu. Hiện nay hiệu quả từ trụ sống thấy rõ rệt việc tạo bóng mát, thông thoáng cho đất, tạo đất tơi xốp. Hiện nay vườn tiêu không sử dụng thuốc diệt cỏ như trước kia nữa. Đặc biệt, những phụ phẩm cành, lá tỉa từ cây trụ sống chúng tôi lại xây dựng mô hình nuôi dê nhốt chuồng để tiêu thụ, sau đó lấy phân bón ngược lại cho cây tiêu”.

 

Còn ông Trần Chí Thành, Chủ nhiệm CLB xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp bày tỏ: “Khi tham gia dự án, ngoài được hỗ trợ phân tích đất, nước, dự báo lượng mưa để hiểu rõ về nhu cầu dinh dưỡng của cây tiêu, còn được tư vấn cách chăm sóc, phân bón, thuốc phù hợp. Người dân khi giao dịch với công ty rất yên tâm về tính trung thực (cân đúng và đủ), giá cao hơn so với thương lái mua. Dù là tham gia dự án, nhưng nếu muốn, có thể bán nơi khác, không bắt buộc phải bán cho công ty. Sau khi tham gia dự án, tôi thấy rõ hiệu quả dự án bảo vệ, khôi phục môi trường sinh thái tự nhiên vốn có trước đây bà con canh tác quá tùy tiện không nhận ra. Từ các tiêu chí của dự án, chúng tôi sản xuất tiêu đảm bảo chất lượng, tiêu sạch theo đúng quy chuẩn sản xuất tiêu đảm bảo chất lượng để có thể cạnh tranh với thị trường tiêu thế giới”.

 

HỒNG THỦY – ĐỨC NGỌC

 

Hái lá ra tiền với cây sương sâm

 

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

 

Sương sâm là loại cây mọc hoang trong rừng. Lá sương sâm vò nhuyễn, lọc và đánh đông là thức uống giải nhiệt trong mùa hè. Trên thị trường, lá cây sương sâm được bán với giá cao và tiêu thụ khá nhanh. Vì vậy, anh Hoàng Văn Hùng, ở thôn 2, xã Hưng Bình, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông đã đem cây sương sâm về trồng trong vườn nhà.

 

 

Thường xuyên thăm vườn giúp anh Hùng sớm phát hiện những cây có dấu hiệu sâu bệnh, phát triển chậm để kịp thời cải tạo, chăm sóc. Ảnh: Đặng Hiền

 

Anh Hùng tâm sự: Thấy người quen trồng cây sương sâm đem lại hiệu quả kinh tế cao nên tranh thủ vào rừng tìm kiếm giống về trồng. Việc tìm giống khá vất vả vì cây sương sâm mọc rải rác chứ không thành cụm, rễ lại rất dài nên việc đào cũng khó khăn. Nhiều khi bỏ cả ngày trời đi vào rừng, vào rẫy nhà người ta tìm kiếm mà cũng chỉ được 1- 2 cây, cứ nghe ai chỉ ở đâu có sương sâm là mình lại lặn lội đến để tìm. Thời gian đầu, vì chưa có kinh nghiệm nên tỉ lệ cây chết nhiều. Thấy mình bỏ thời gian, công sức, tiền bạc khó nhọc chỉ để đi tìm mấy cây sương sâm, nhiều người không hiểu lại nói mình bị “điên”.

 

Sau hơn 6 tháng nhân giống, trồng cây sương sâm tại vườn nhà, gia đình anh đã có 2 sào sương sâm phát triển tốt. Nguyên tắc cơ bản để cây phát triển xanh tốt là đất trồng phải tơi xốp và nguồn nước tưới đầy đủ. Cây cần nhiều nước nhưng không chịu được úng nên phải bảo đảm thoát nước kịp thời vào mùa mưa. Vì là cây dây leo, trồng để lấy lá nên cần phải làm giàn cho cây leo và ngăn ngừa sâu ăn lá. Để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, cho lá to và dày hơn, anh Hùng còn bón lót phân chuồng và phân NPK 16 - 16 - 8 cho cây.

 

Cây sương sâm ít sâu bệnh, nhưng đòi hỏi người trồng phải thường xuyên chăm sóc. Vào mùa khô, mỗi tháng anh Hùng thu hoạch từ 2 sào sương sâm được 1,5 đến 2 tạ lá, mùa mưa thì thời gian thu hoạch ngắn hơn. Hiện tại, anh đang nhân giống để mở rộng trồng thêm 1 sào sương sâm nữa.

 

“Trồng sương sâm tốn ít chi phí và diện tích nhưng cho thu nhập ổn định. Hàng tháng, mình cứ hái lá, gọi cho thương lái chốt số lượng rồi gửi xe đi thành phố Hồ Chí Minh cho người ta là xong. Giá lá sương sâm dao động khoảng 60- 70 ngàn đồng/kg. Với 2 sào sương sâm, bình quân mỗi tháng gia đình có thu nhập khoảng 10-11 triệu đồng”- anh Hùng vui vẻ nói.

 

Trên thị trường nhu cầu thu mua sương sâm khá lớn nên người dân đầu tư trồng sương sâm có thu nhập tương đối cao. Hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Hưng Bình, huyện Đắk R’lấp cũng đã bắt tay vào trồng sương sâm để nâng cao thu nhập.

 

Đặng Hiền - Văn Biên

 

Ninh Thuận: Nha đam - cây trồng phù hợp trên vùng đất cát ven biển

 

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

 

Nha đam là loại cây trồng cạn, dễ trồng, dễ chăm sóc, sinh trưởng và phát triển tốt ở vùng đất cát, có nhiều nắng nên rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở tỉnh ta.

 

Tại các phường Văn Hải, Mỹ Bình, (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), vùng đất cát đầy nắng giờ đây đã được phủ một màu xanh của cây nha đam. Ông Huỳnh Kim Tích, nông dân phường Mỹ Bình cho biết: Nha đam là cây trồng cho thu hoạch lâu năm, đầu tư ít nhưng cho hiệu quả kinh tế cao. Sau thời gian trồng khoảng 6 tháng, cây nha đam bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên, sau đó cứ mỗi tháng thu hoạch một lần. Bình quân một ha nha đam cho thu hoạch 40 đến 45 tấn bẹ tươi/năm, với giá từ 1.000 đến 1.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi năm người trồng nha đam có lãi từ 30 đến 35 triệu đồng/ha. Hiện nay cây nha đam đang rất hút hàng, sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho thị trường, nên các thương lái tranh nhau đến tận ruộng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

 

 

Bà con nông dân phường Văn Hải chăm sóc nha đam.

 

Ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Cây nha đam có mặt tương đối lâu trên địa bàn tỉnh. Đây là cây dễ trồng, có năng suất cao, dễ chăm sóc đặc biệt cho hiệu quả rất cao ở những vùng đất cát ven biển. Tổng diện tích cây nha đam trên địa bàn tỉnh khoảng 387 ha, với sản lượng bình quân hàng năm từ 160 - 170 ngàn tấn. Cây nha đam đang có những hướng phát triển mới rất tích cực, sắp tới ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tổ chức sản xuất lại cây nha đam theo hướng liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao năng xuất và ổn định thị trường.

 

Hiện nay, nhà máy chế biến nha đam trên địa bàn tỉnh với công suất khoảng 3.600 tấn thành phẩm trên năm hiện đang vận hành thử nghiệm và sẽ đưa vào hoạt động trong thời gian tới. Đây sẽ là cơ hội để bà con nông dân trong tỉnh phát triển trồng cây nha đam, góp phần ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu.

 

Hữu Phương

 

 

 

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop