Tin nông nghiệp ngày 02 tháng 03 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 02 tháng 03 năm 2021

Nông dân Tiền Giang trồng bắp lãi gấp 2-3 lần so với trồng lúa

Nguồn tin: VOV

Đầu ra trái bắp thuận lợi, với mức giá bán tại ruộng trên 3.000 đồng/trái nên chỉ sau 1 đợt thu hoạch nhà nông có lãi trên 50 triệu đồng/ha.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thích ứng với hạn mặn, gần đây nông dân tỉnh Tiền Giang chuyển nhiều diện tích lúa sang trồng hoa màu mà đặc biệt là cây bắp (tức cây ngô). Loại cây trồng này thời gian thu hoạch ngắn, chi phí thấp, giá cả ổn định và cho lãi khá cao.

Vụ Đông Xuân này, diện tích cây bắp dưới chân ruộng được nông dân tỉnh Tiền Giang nhân rộng đến vài nghìn ha thay cho cây lúa. Các địa phương có diện tích đất trồng cây bắp thương phẩm lớn nhất là huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, thị xã Gò Công và TP Mỹ Tho. Đa số nông dân chọn giống bắp nếp, bắp Mỹ trồng để cho năng suất cao, ít sâu bệnh.

Ruộng bắp tại xã Bình Phụt Nhứt, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang.

Thời gian gần đây đầu ra trái bắp rất thuận lợi, với mức giá bán tại ruộng trên 3.000 đồng/trái, chỉ sau 1 đợt thu hoạch nhà nông có lãi trên 50 triệu đồng/ha. Trong khi đó, mỗi năm nông dân có thể trồng được 4-5 vụ bắp, cho lợi nhuận từ 200 - 250 triệu đồng/ha, cao gấp 2-3 lần so trồng lúa.

Ông Phan Văn Thức, nông dân xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây có 4 năm trồng cây bắp thay cây lúa chia sẻ, cây bắp dễ trồng và dễ tiêu thụ lại trồng được nhiều vụ trong năm. “Năm nay bắp có giá từ 3.500 - 4.000 đồng/trái nên trồng trên 1 công đất có lãi hơn 5 triệu đồng. Trồng bắp rất dễ, gieo hạt 6 ngày sau đó đưa ra ruộng trồng, quá trình chăm sóc chỉ cần phun thuốc ngừa bệnh sọc lá”, ông Thức cho biết./.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

ĐBSCL: diện tích lúa Đông Xuân giảm 30.000ha

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), diện tích lúa đã gieo trồng vụ Đông Xuân 2020– 2021 của ĐBSCL hơn 1,5 triệu héc ta, giảm 30.000ha so vụ Đông Xuân 2019- 2020; năng suất ước đạt 69,31 tạ/ha, tăng 0,96 tạ/ha; sản lượng hơn 10,5 triệu tấn, giảm 60.000 tấn. Đến nay đã thu hoạch được 350.000ha, dự kiến thu hoạch đến hết tháng 2 đạt 550.000ha.

Các trà lúa còn lại đang giai đoạn chín, đòng trổ và đẻ nhánh. Trong đó, diện tích có nguy cơ ảnh hưởng bởi hạn, mặn vào giai đoạn cuối vụ khoảng 10,7 ngàn héc ta tại tỉnh Trà Vinh.

Theo đánh giá sơ bộ của sở Nông nghiệp- PTNT các tỉnh- thành phía Nam, hiện nay các trà lúa sinh trưởng và phát triển tốt, bà con nông dân đang tăng cường thâm canh và áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất như “3 giảm- 3 tăng”, “1 phải- 5 giảm”…

Theo khảo sát các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL, đến nay chưa ghi nhận thiệt hại do hạn mặn đối với cây ăn trái. Tuy nhiên, nếu hạn mặn tiếp tục diễn ra kéo dài đến tháng 3/2021, dự kiến diện tích cây ăn trái bị ảnh hưởng khoảng 40.000ha, tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long. Để ứng phó với tình hình hạn mặn có thể xảy ra, nông dân đã chủ động tích nước để tưới cho vườn cây ăn trái.

SÔNG HẬU

Khánh Vĩnh (Khánh Hòa): Công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2019 - 2020

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Ngày 26-2, UBND huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) tổ chức hội nghị công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) năm 2019 - 2020 trên địa bàn huyện.

Theo báo cáo thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn huyện giai đoạn 2018 - 2020, đến nay, huyện có 3 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận và cấp chứng nhận sản phẩm OCOP, gồm: 1 sản phẩm đạt 4 sao là dưa lưới ô xanh của Công ty TNHH Nông nghiệp Thương mại bền vững Diệp Châu tại xã Sông Cầu; 1 sản phẩm đạt 3 sao là bưởi da xanh của Hợp tác xã cây ăn quả Khánh Đông; 1 sản phẩm đạt 2 sao là bưởi da xanh của hộ kinh doanh Đặng Thái Luyện (xã Khánh Phú).

THẾ TÀI

Sản xuất nông nghiệp, thủy sản giữ được đà phục hồi

Nguồn tin:  Báo Chính Phủ

Tổng cục Thống kê cho biết sản xuất nông, thủy sản tháng 2/2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi nên giữ được đà phục hồi. Riêng sản xuất lâm nghiệp chưa đạt được mức phát triển như mong muốn.

Theo đó, chăn nuôi phát triển tốt, cung ứng đủ sản phẩm chăn nuôi trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được kiểm soát nên đàn lợn tiếp tục đà hồi phục. Sản xuất thủy sản phát triển ổn định, giá tôm đang ở mức cao do nhu cầu của ngành chế biến; khai thác biển được khởi động lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Về nông nghiệp tính đến trung tuần tháng 2, cả nước gieo cấy được 2.606,1 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 95,9% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía bắc gieo cấy 710,5 nghìn ha, bằng 88,2%; các địa phương phía nam gieo cấy 1.895,6 nghìn ha, bằng 99,1%; riêng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy đạt 1.511,5 nghìn ha, bằng 98% cùng kỳ.

Trong tháng 2, chăn nuôi trâu, bò nhìn chung ổn định; dịch tả lợn châu Phi tiếp tục được kiểm soát nên chỉ còn phát sinh những ổ dịch nhỏ lẻ; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt.

Ước tính trong tháng, số bò cả nước tăng 2,2% so với cùng thời điểm năm trước.

Trong tháng 2, sản lượng thủy sản ước đạt 573,8 nghìn tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, sản lượng thủy sản ước đạt 1.141,4 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm sản lượng nuôi trồng đạt 600,5 nghìn tấn, tăng 2,5%; sản lượng khai thác đạt 540,9 nghìn tấn, tăng 0,5% (sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 512,7 nghìn tấn, tăng 0,5%).

Trong khi sản xuất nông nghiệp và thủy sản dù chịu ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 đã giữ được đà phục hồi thì lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp chưa đạt được sự phát triển như mong muốn.

Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng 2, diện tích rừng trồng mới tập trung của cả nước ước đạt 8,9 nghìn ha, giảm 1,1% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 15,8 nghìn ha, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 10,7 triệu cây, tăng 4,9%. Sản lượng gỗ khai thác đạt 1,85 triệu m3, tăng 3,5%.

Tuy nhiên, trong tháng 2 (tính từ 1 đến 15/2), diện tích rừng bị thiệt hại là 73,20 ha. Tính chung 2 tháng đầu năm, cả nước có 200,8 ha rừng bị thiệt hại, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 82,9 ha, giảm 9,9% (cùng kỳ năm trước là 92 ha); diện tích rừng bị chặt phá là 117,9 ha, tăng 15,6 %.

BT

Bạc Liêu: Mùa khô năm 2020 - 2021: Hài hòa mặn - ngọt cho con tôm và cây lúa

Nguồn tin:  Báo Bạc Liêu

Trước dự báo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2020 - 2021 diễn biến gay gắt, có thể xảy ra tương tự như mùa khô năm 2019 - 2020, ngay trong quý 3/2020, Sở NN&PTNT Bạc Liêu đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai các kịch bản ứng phó với hạn, mặn. Qua đó nhằm đảm bảo điều tiết nguồn nước hài hòa phục vụ cho con tôm và cây lúa, tránh tình trạng tranh chấp mặn ngọt và thiếu nước ngọt phục vụ các trà lúa đông xuân, hè thu.

Lãnh đạo tỉnh thị sát mô hình lúa - tôm ở xã Ninh Hòa (huyện Hồng Dân). Ảnh: M.Đ

Điều tiết hài hòa nguồn nước

Theo Sở NN&PTNT, các đơn vị chức năng đã điều tiết đủ nước mặn để nuôi tôm ở vùng Nam Quốc lộ 1A với độ mặn ở mức 22 - 24‰; riêng đối với vùng Bắc Quốc lộ 1A, mực nước ngọt trên kênh rạch tiểu vùng giữ ngọt ổn định vào ngày 22/2/2021, hiện cao trình +0,05m đến +0,15m (cao hơn cùng kỳ năm 2020 đến 0,50m). Mực nước trên trục kênh Quản lộ Phụng Hiệp hiện còn khá cao với mực nước đạt cao trình +0,30m. Ngoài ra, Sở NNN&PTNT còn mở được 4 cống tiếp nước ngọt vào tiểu vùng giữ ngọt ổn định. Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Đến thời điểm này, lượng nước ngọt còn rất dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ trà lúa đông xuân đến cuối tháng 3/2021...

Riêng đối với tiểu vùng chuyển đổi, ngành chức năng đã điều tiết nước mặn cho khu vực nuôi tôm của TX. Giá Rai trong cuối tháng 12/2020 qua các cống nhỏ trên địa bàn thị xã. Cụ thể, đơn vị điều tiết nước đã mở cống Hộ Phòng và cống Giá Rai từ ngày 8 - 18/2/2020 để cấp nước mặn vào khu vực TX. Giá Rai và huyện Phước Long. Hiện độ mặn đo được ở TX. Giá Rai từ 18 - 22‰, ở huyện Phước Long là 5 - 18‰ (giảm dần về phía Hồng Dân). Đợt điều tiết nước mặn vừa qua đã đáp ứng việc cấp nước mặn cho một nửa khu vực chuyển đổi sản xuất. Độ mặn đo được tại ngã tư Ninh Quới hiện ở mức 1,4‰; còn tại cống Âu thuyền Ninh Quới, độ mặn đo được là 1,2‰. Ở phía Bắc huyện Hồng Dân, do triều biển Tây nên nước mặn theo sông Cái Lớn (tỉnh Kiên Giang) xâm nhập vào khu vực này, từ đó độ mặn dao động từ 1,6 - 3,5‰. Ông Nguyễn Văn Thới - Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, cho biết: Huyện đã tiến hành đắp 20 đập tạm để bảo vệ diện tích lúa trên đất tôm. Dự kiến, 5.610ha lúa - tôm đang canh tác trên địa bàn huyện sẽ được thu hoạch dứt điểm vào đầu tháng 3/2021.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT và UBND huyện Vĩnh Lợi kiểm tra cống Cả Vĩnh (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi).

Chủ động ứng phó với hạn, mặn

Năm 2021, Sở NN&PTNT đã xây dựng các kịch bản ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô , tập trung nạo vét các tuyến kênh thủy lợi, thủy nông nội đồng để dẫn nước, trữ nước phục vụ sản xuất...

Nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, Sở NN&PTNT dự kiến sẽ điều tiết mạnh nước mặn vào tiểu vùng chuyển đổi vào cuối tháng 2, đầu tháng 3/2021 - khi diện tích lúa trên đất tôm của huyện Hồng Dân thu hoạch dứt điểm. Kết hợp việc điều tiết nước, ngành chức năng sẽ vận hành cống Âu thuyền Ninh Quới 24/24 giờ để ngăn mặn xâm nhập qua tỉnh Sóc Trăng.

Song song đó, làm tốt công tác phối hợp với tỉnh Sóc Trăng để mở 3 cống (cống Đá, Nàng Rền, Năm Kiệu), đồng thời tranh thủ mở các cống ở Bạc Liêu (cống Sáu Tàu, cống Tư Tảo) để tiếp nước ngọt về; Tăng cường tổ chức tập huấn phòng chống hạn, mặn cho nông dân, cũng như phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng về công tác phòng chống hạn, mặn.

Các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục phối hợp với Sở NNN&PTNT triển khai kịch bản 2 đã được UBND tỉnh phê duyệt để phòng chống hạn mặn trong thời gian còn lại của mùa khô năm 2020 - 2021. Đồng thời nhanh chóng triển khai thi công các công trình thủy lợi để tăng cường khả năng dẫn, trữ nước phục vụ sản xuất. Các huyện: Vĩnh Lợi, Hòa Bình và TX. Giá Rai sẵn sàng kế hoạch đắp đập tạm và tổ chức bơm chuyền khi cần thiết (dự kiến sẽ tiến hành vào cuối tháng 3/2021 nếu cần). Huyện Vĩnh Lợi và TX. Giá Rai cần lưu ý khuyến cáo nông dân không nên xuống giống vụ hè thu sớm để tránh tình trạng thiếu nước ngọt vào cuối tháng 5/2021…

Biểu dương tinh thần chủ động trong công tác phòng chống hạn, mặn của Sở NN&PTNT; Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều đồng thời lưu ý Sở NN&PTNT cần phối hợp với Sở Tài chính, Sở KH-ĐT thống kê, quy hoạch chi tiết các con đập để ưu tiên đầu tư theo từng tiến độ. Các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 - 2021 tại từng địa bàn cụ thể; cần có phương án cụ thể để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất hiệu quả…

Minh Đạt

Chi cục Thủy lợi kiểm tra độ mặn tại cống Vĩnh Phong (huyện Phước Long). Ảnh: M.Đ

Xâm nhập mặn sẽ tiếp tục tăng cao

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, dự báo từ ngày 25 - 28/2/2021, tình trạng xâm nhập mặn sẽ vào sâu trên dòng chính, các cửa sông… Do ảnh hưởng mưa trái mùa trong những ngày đầu tháng 2/2021 nên mức độ ảnh hưởng xâm nhập mặn bớt căng thẳng hơn so với dự báo trước đó, tuy nhiên, người dân vẫn cần đề phòng gió chướng mạnh có thể làm tăng mặn đột ngột trên các cửa sông Cửu Long.

Trước tình hình đó, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khuyến cáo các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần chủ động các biện pháp phòng chống hạn, mặn từ bây giờ, như: vận hành hệ thống công trình thủy lợi hợp lý, tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể, hạn chế tiêu thoát, đảm bảo tích trữ nước trước khi các ảnh hưởng gia tăng từ thượng nguồn về; tăng cường công tác giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, lấy nước phù hợp với các diễn biến nguồn nước…

M.C (trích dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam)

Tuần qua, giá thịt lợn hơi đồng loạt đi xuống

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Ngày 28-2, giá thịt lợn hơi trên địa bàn cả nước đồng loạt đi xuống. Trong tuần qua, giá thịt lợn hơi tại một số địa phương ở khu vực miền Bắc đã giảm nhẹ.

Cụ thể, tại các tỉnh: Lào Cai, Hưng Yên, Nam Định, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nam, giá thịt lợn hơi dao động trong khoảng 75.000-78.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với tuần trước.

Tại thành phố Hà Nội và các tỉnh: Vĩnh Phúc, Ninh Bình, thương lái thu mua với giá 75.000-76.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg so với tuần trước. Giá thịt lợn hơi dao động trong khoảng 75.000-78.000 đồng/kg, giảm 1.000-2.000 đồng/kg so với tuần trước.

Tại miền Trung, Tây Nguyên, giá thịt lợn hơi được các thương lái thu mua ở mức 74.000-77.000 đồng/kg, giảm 1.000-2.000 đồng/kg so với tuần trước. Tại miền Nam, giá dao động trong khoảng 77.000-78.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với tuần trước.

Theo các chủ trang trại, do nguồn cung thịt lợn đang dồi dào, cùng với nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sau Tết chậm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá thịt lợn giảm nhẹ từng ngày. Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh Dịch tả lợn châu Phi cơ bản được kiểm soát và việc nghiên cứu vắc xin bệnh Dịch tả lợn châu Phi đang rất thuận lợi, dự kiến, cuối quý II - đầu quý III-2021 sẽ triển khai việc sản xuất thương mại. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho các hộ chăn nuôi lợn mở rộng quy mô và tái đàn thành công, góp phần tăng nguồn cung, theo đó, thịt lợn và giá thịt lợn tiếp tục về mức hợp lý.

NGỌC QUỲNH

Người chăn nuôi tái đàn sau Tết

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Người chăn nuôi tập trung tái đàn sau Tết. Ảnh: THỦY TIÊN

Sau dịp Tết Nguyên đán vừa qua, lượng lớn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã được tiêu thụ. Hiện nay, người chăn nuôi đang tập trung tái đàn, ổn định sản xuất.

Tái đàn nuôi

Sau Tết, giá heo hơi vẫn đứng ở mức cao nên người nuôi heo phấn khởi, tập trung tái, tăng đàn. Ông Trần Văn Thành ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) cho biết: Trước Tết, nhà tôi xuất chuồng được 10 con heo thịt, tổng trọng lượng hơn 900kg, lãi khoảng 20 triệu đồng.

Sau khi phơi chuồng được nửa tháng, hiện tôi đã thả lại lứa mới, 15 con. Heo hơi đang có giá từ 75.000-78.0000 đồng/kg, mặc dù không bằng so với đợt Tết, nhưng với mức giá này thì người nuôi heo vẫn có lãi khá.

Còn theo bà Lê Thị Lài ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), do nhiều người có nhu cầu tái đàn nên con giống đang hút hàng. Gia đình bà vì không đặt trước nên phải qua rằm tháng Giêng mới được cấp giống. Trong khi đó, nhờ gia đình có nuôi heo nái sinh sản nên bà Nguyễn Thị Tâm cũng ở địa phương này chủ động hơn trong việc tái đàn.

Bà Tâm cho hay: Gia đình tôi có nuôi 1 con heo nái, bình quân mỗi năm đẻ được 2 lứa với khoảng 20-22 con, toàn bộ con giống này tôi để lại nuôi heo thịt. Vì vậy lúc nào trong chuồng cũng có heo gối vụ, không phải lo đến con giống. Mặc dù nuôi heo nái khá vất vả, tốn nhiều công chăm sóc nhưng chi phí sản xuất giảm đáng kể, lại chủ động được đầu vào, kiểm soát tốt dịch bệnh.

Từ sau Tết đến nay, người chăn nuôi bò cũng tập trung tái đàn. Ông Nguyễn Văn Phụng ở xã An Phú (TP Tuy Hòa), cho biết: Trong đợt Tết, tôi bán 3 con bò thịt được gần 150 triệu đồng. Vừa rồi mới mua lại 2 con bê 6 tháng tuổi, giống bê lai BBB nên giá khá cao, 21 triệu đồng/con. Gia đình cũng đang tìm mua thêm 2 bê cái nữa để nuôi làm giống.

Theo ông Trần Văn Bốn, một thương lái chuyên mua bán bò ở xã An Phú, từ sau Tết đến nay, ông đã mua, bán được gần 100 bê con cho bà con địa phương và các xã lân cận. Nhiều người tăng đàn, kéo giá bê giống tăng theo. Hiện nay, mỗi con bê lai các giống đang “hot” như BBB, Charolais, Braman… giá từ 20-25 triệu đồng/con 6 tháng tuổi; các giống khác giá mềm hơn từ 15-18 triệu đồng/con. So với các năm, giá tăng từ 3-5 triệu đồng/con.

Trong khi người nuôi heo, bò mạnh dạn tái, tăng đàn nuôi thì lúc này người nuôi gà lại rất dè dặt vì dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Ông Nguyễn Gian Phúc, chủ trại gà thịt tại xã An Chấn (huyện Tuy An) cho biết: Trong đợt Tết vừa qua, nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng nên giá gà nhích lên được chút đỉnh. Còn sau Tết đến nay, người dân không còn sử dụng nhiều, trong khi lễ hội bị hủy bỏ, hàng quán, du lịch ế ẩm nên đầu ra hạn chế. Vì vậy lứa này gia đình tôi chỉ thả 300 con giống, chủ yếu bán cho các mối quen và bán lẻ tiêu dùng.

Chủ động phòng dịch

Để phòng ngừa dịch bệnh, bảo toàn đàn vật nuôi, trong đợt tái đàn lần này, người chăn nuôi chủ động thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ. Bà Nguyễn Thị Hồng ở phường 9 (TP Tuy Hòa), cho hay: Mấy ngày nay, gia đình tôi thực hiện vệ sinh chuồng trại, xử lý rắc vôi bột toàn bộ khu vực chăn nuôi lần cuối để chuẩn bị thả giống. Lứa này, tôi thả nuôi 20 con. Để kiểm soát dịch bệnh ngay từ khâu đầu vào, toàn bộ giống nuôi tôi mua tại Trại cung cấp heo giống ở TX Sông Cầu, heo giống được chủng ngừa đầy đủ các loại vắc xin như tai xanh, tả, tụ huyết trùng…

Bên cạnh chất lượng con giống, các hộ chăn nuôi cũng rất chú trọng đến việc vệ sinh môi trường. Theo ông Nguyễn Văn Hà ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa), định kỳ mỗi tuần 2 lần ông đều chủ động phun thuốc tiêu độc sát trùng toàn bộ chuồng nuôi heo và khu vực xung quanh. Đồng thời, ông cũng thực hiện quét dội chuồng hàng ngày, chất thải được thu gom vào hố ga để xử lý, không thải ra môi trường. Trước khu chuồng nuôi còn bố trí bãi vôi để sát khuẩn giày dép mỗi khi ra vào trại giúp hạn chế mang mầm bệnh từ bên ngoài vào khu nuôi.

Trong khi đó, các hộ nuôi bò lại chú trọng đến công tác tiêm phòng vắc xin cho gia súc. Bà Nguyễn Thị Tâm ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) cho biết: Năm trước, vì bò nhà tôi không tiêm phòng tụ huyết trùng, khi bò bị bệnh lở mồm long móng sau đó kế phát tụ huyết trùng khiến 2 con bò bị chết. Rút kinh nghiệm, hiện nay, toàn bộ đàn bò gia đình tôi đều được tiêm đầy đủ vắc xin lở mồm long móng và tụ huyết trùng theo định kỳ để phòng ngừa dịch bệnh, giảm rủi ro.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh: Trong điều kiện người dân tập trung tái đàn chăn nuôi như hiện nay thì nguy cơ phát sinh dịch bệnh khá cao. Để phòng ngừa, bà con nên tuân thủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chú trọng kiểm soát nguồn gốc con giống, tiêm phòng vắc xin và vệ sinh môi trường theo hướng dẫn của ngành Thú y.

THỦY TIÊN

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop