Tin nông nghiệp ngày 02 tháng 06 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 02 tháng 06 năm 2021

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam tăng 30,3% trong 5 tháng năm 2021

Nguồn tin:  Hà Nội Mới

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản cả nước ước đạt 22,83 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng nông sản chính ước đạt 7,78 tỷ USD, tăng 13,0%; lâm sản chính đạt 7,06 tỷ USD, tăng 61,8%; thủy sản ước đạt 3,24 tỷ USD, tăng 12,0%; chăn nuôi ước đạt 166 triệu USD, tăng 43,9%.

Điển hình trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của 5 tháng đầu năm 2021 là mặt hàng cao su, chè, nhóm hàng rau quả, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn. Những mặt hàng này tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể, mặt hàng cao su tăng 58,7% khối lượng và 93,9% giá trị; chè tăng 6,5% về lượng và 10,4% về giá trị; hạt điều tăng 18,3% khối lượng, 4,9% về giá trị; sắn và sản phẩm từ sắn tăng 15,6% khối lượng, 27,5% giá trị.

Về thị trường, hiện một trong 4 thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam là Mỹ với 24,6% thị phần, 5 tháng qua, giá trị tại thị trường này tăng 63,6% so với cùng kỳ năm trước. Kế đến là thị trường Trung Quốc với 22,6% thị phần; Nhật Bản chiếm 6,6% thị phần; Hàn Quốc chiếm 4,9% thị phần.

Đánh giá về sự tăng trưởng trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 5 tháng qua, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã khẳng định được vị thế tại nhiều thị trường có giá trị. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đẩy mạnh đàm phán với các nước để kết nối, thúc đẩy xuất khẩu trái cây, thủy sản sang Trung Quốc, Thái Lan, EU... tháo gỡ khó khăn, phòng vệ thương mại tại thị trường trọng điểm như Mỹ, Trung Quốc.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhu cầu nông sản, thực phẩm tại nhiều quốc gia sẽ tăng; bên cạnh đó, việc kiểm soát dịch tại các nước châu Âu chuyển biến tốt, khối thị trường này sẽ hoạt động trở lại và nhu cầu nông sản sẽ tăng cao. Đây là cơ hội cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam bứt phá ở những tháng tới.

ĐỖ MINH

Thu nhập cao từ vườn nhãn Hương Chi

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Đầu năm 2018, bà Lê Thị Viện (thôn Tân Sao, xã Ia Yok, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) chuyển đổi diện tích hồ tiêu bị chết sang trồng nhãn Hương Chi. Bước đầu, loại cây trồng này mang lại hiệu quả kinh tế khả quan.

Vừa cắt những chùm nhãn để kịp giao cho thương lái, bà Lê Thị Viện cho biết: Cách đây 3 năm, gần 2.000 trụ hồ tiêu của gia đình bà chết trụi. Để tìm loại cây trồng phù hợp, bà đã tham quan nhiều mô hình trồng cây ăn quả ở các tỉnh: Bến Tre, Lâm Đồng, Đak Lak… Nhận thấy nhãn Hương Chi phù hợp với chất đất địa phương, đầu năm 2018, bà quyết định mua 500 cây giống tại tỉnh Đak Lak về trồng.

“Đến nay, vườn nhãn đã cho thu bói, trung bình mỗi cây cho thu hoạch hơn 40 kg quả. Với giá bán tại vườn 30-35 ngàn đồng/kg, dự tính sau khi trừ chi phí, gia đình lãi gần 400 triệu đồng. Từ đầu vụ đến giờ, tôi đã bán được gần 5 tạ nhãn. Thương lái đến tận vườn đặt cọc nên gia đình khá yên tâm về đầu ra”-bà Viện cho hay.

Bà Lê Thị Viện (thôn Tân Sao, xã Ia Yok, huyện Ia Grai) chăm sóc vườn nhãn của gia đình. Ảnh: Phan Thương

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng nhãn, bà Viện cho rằng, ngoài việc chọn giống có nguồn gốc đảm bảo, người trồng cần chú ý đến kỹ thuật chăm sóc, đặc biệt là sau khi nhãn trồng được 1 tháng. Đây là giai đoạn cây bắt đầu phát đọt. Lúc này, người trồng cần thường xuyên quan sát để diệt côn trùng ăn lá làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây.

“Sau 2 năm, nhãn sẽ ra hoa. Từ lúc ra hoa đến khi thu hoạch là hơn 7 tháng. Khi nhãn bắt đầu cho thu hoạch, tôi cắt tỉa cành, chỉ để lại mỗi cây 40-50 kg quả. Bằng kỹ thuật chăm sóc, người trồng có thể điều chỉnh nhãn ra trái vụ để bán giá cao”-bà Viện cho biết thêm.

Để tạo ra nguồn trái cây an toàn, bà Viện chủ yếu sử dụng các sản phẩm sinh học. Vì vậy, sản phẩm được khách hàng tin dùng. “Được bạn bè giới thiệu nhãn Hương Chi của gia đình bà Viện trồng đảm bảo nên tôi thường mua về ăn. Nhãn ở đây vỏ mỏng, hạt nhỏ, cùi dày, vị ngọt thanh”-bà Nguyễn Thị Thúy (thôn 2, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) cho hay.

Ngoài việc bán quả, bà Viện còn cung cấp cây giống cho người dân có nhu cầu. Hiện bà đã chiết 4.000 bầu nhãn với giá bán 40.000 đồng/bầu. Theo bà Viện, cây nhãn được chiết có bộ rễ khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt, dễ chăm sóc.

Đánh giá về mô hình trồng nhãn Hương Chi của gia đình bà Viện, bà Trần Thị Tú Anh-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Yok-cho biết: Thời gian gần đây, loại hình du lịch canh nông khá được ưa chuộng. Vì vậy, vườn nhãn sai trĩu quả của gia đình bà Viện cũng là địa điểm thú vị để mọi người đến tham quan, trải nghiệm cũng như trực tiếp mua tại vườn.

“Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo bà con nông dân cần tìm hiểu kỹ cách chăm sóc cũng như thị trường tiêu thụ trước khi đầu tư trồng nhãn; tránh tình trạng trồng ồ ạt, không có nơi tiêu thụ, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình”-bà Trần Thị Tú Anh khuyến cáo.

PHAN THƯƠNG

Đắk Lắk loay hoay tìm đầu ra cho quả dứa

Nguồn tin: VOV

Vụ thu hoạch năm nay, người trồng dứa ở Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) đang chật vật tìm đầu ra trên thị trường cho loại quả này.

Vụ dứa năm nay, gia đình ông Trần Dương Sỹ, ở xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk trồng 4 ha. Toàn bộ số dứa đã đến kỳ thu hoạch nhưng gia đình ông như ngồi trên đống lửa, bởi giá bán đang giảm sâu, thương lái đến thu mua cũng ít.

Ông Trần Dương Sỹ cho biết, đầu tư gần 160 triệu đồng tiền mua phân bón, các loại chế phẩm sinh học, bảo vệ thực vật, nhân công chăm sóc… để vườn cây đạt năng suất, nhưng giờ dứa khó bán, nguy cơ thua lỗ đang hiển hiện.

“Cách đây khoảng nửa tháng, dứa bán được giá 20.000 đồng/quả, hiện tại bây giờ chỉ còn được 12.000 – 13.000 đồng/quả. Thương lái thu mua còn nói sẽ giảm xuống nữa khi bà con thu hoạch nhiều. Bà con chỉ mong trên địa bàn có nhà máy chế biến hay thành lập hợp tác xã kết nối với các nơi hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm dứa ổn định”, ông Trần Dương Sỹ nói.

Do hợp với khí hậu, đất đai thổng nhưỡng, cây dứa trồng tại các xã Cư Đrăm, Cư Pui và Yang Mao (Krông Bông) luôn cho năng suất từ 35 - 40 tấn/ha/vụ

Không riêng gì gia đình ông Sỹ, mà hàng trăm hộ trồng dứa tại các xã Cư Pui, Cư Đrăm và Yang Mao, huyện Krông Bông cũng đang lâm vào cảnh khó khăn khi dứa đến kỳ thu hoạch rộ. Những vụ trước, với giá bán dứa từ 16.000 – 20.000 đồng/quả trọng lượng từ 2kg trở lên, thì giờ giảm chỉ còn 10.000 – 12.000 đồng. Khi dứa được mùa, được giá, mỗi hecta có thể cho lãi tới 50 triệu đồng, nhờ đó, nhiều nông hộ đã xây được nhà khang trang. Vụ năm nay dứa xuống giá thì lãi ít, thậm chí nhiều hộ đối diện với thua lỗ.

Tuy nhiên đầu ra của dứa luôn làm người trồng ở các xã huyện Krông Bông lo lắng.

Bà Niê Thanh Trang, Phó Bí thư Đảng ủy xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông cho biết, toàn xã có trên 300 hộ trồng dứa, với tổng diện tích khoảng 450 hecta. Trước việc cây dứa luôn phải đối mặt với tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người trồng, nhưng chưa phát huy hiệu quả.

“Thời gian này thì bà con đang thu dứa, tuy nhiên, chưa có đầu ra nên số dứa bà con bán ra được giá thấp. Đảng ủy có ý kiên lên cấp trên đề nghị xin chủ trương kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nhằm thu mua tiêu thụ dứa cho bà con. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện được”, bà Niê Thanh Trang cho hay.

Chất lượng quả dứa tại các xã Cư Đrăm, Cư Pui và Yang Mao (Krông Bông) rất ngon, thơm, vị ngọt thanh; gai đều, vàng óng nhìn bắt mắt.

Toàn huyện Krông Bông hiện có hơn 550 hecta dứa, tập trung chủ yếu ở các xã Cư Pui, Cư Đrăm và Yang Mao. Bà Trần Thị Len, Giám đốc HTX Nông nghiệp Cư Đrăm đánh giá, cây dứa rất hợp với đất đai, khí hậu ở địa phương. Sản lượng luôn đạt 35 - 40 tấn quả/hecta/vụ.

Chất lượng quả ngọt thanh, thơm ngon; gai đều, màu vàng óng nhìn khá bắt mắt. Năng suất, chất lượng của cây dứa ở Krông Bông đã được kiểm chứng từ nhiều năm trước; nhưng mối lo duy nhất và luôn thường trực của người trồng chính là đầu ra của sản phẩm.

“Diện tích dứa của xã Cư Đrăm hiện nay lên tới 450 hecta, nhưng đến nay chưa có đầu ra cho bà con. Đến thời điểm này, chưa có bất cứ công ty hay doanh nghiệp nào đến ký kết thu mua dứa. Mong muốn của xã viên trong hợp tác xã là tìm được đầu ra để bán được dứa vì nông dân làm ra được quả dứa khá vất vả”, bà Trần Thị Len nói./.

Tuấn Long/VOV-Tây Nguyên

Hỗ trợ người dân 36 triệu đồng/ha ngô ít hạt, không có hạt ở Nâm N’Đir

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Ngày 28/5, đại diện Công ty TNHH Hạt giống C.P Việt Nam cho biết, đơn vị đã thống nhất với UBND huyện Krông Nô (Đắk Nông) phương án hỗ trợ người dân bị thiệt hại do sản xuất giống ngô F1 không mang lại hiệu quả.

Đại diện Công ty TNHH Hạt giống C.P Việt Nam kiểm tra diện tích ngô F1 tại huyện Krông Nô

Theo đó, mức hỗ trợ từ 30 - 36 triệu đồng/ha ngô ít hạt, không có hạt. Toàn bộ kinh phí hỗ trợ do Công ty TNHH Hạt giống C.P Việt Nam chi trả.

Vụ Đông Xuân 2020-2021, huyện Krông Nô sản xuất gần 300 ha ngô giống F1 tại xã Đức Xuyên, Đắk Nang, Nâm N’Đir. Trong đó, có 10,6 ha ngô của 16 hộ dân tại xã Nâm N’Đir không có hạt hoặc rất ít hạt, thiệt hại từ 20%-70%.

Thời gian qua, Công ty TNHH Hạt giống C.P Việt Nam đã phối hợp với địa phương rà soát, đánh giá cụ thể tình hình thiệt hại và thống nhất phương án hỗ trợ cho bà con nông dân.

Đức Hùng

Nông dân phía Đông tỉnh Gia Lai thua lỗ vì giá ớt giảm sâu

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Thời điểm này, nông dân ở khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai bước vào vụ thu hoạch ớt. Mặc dù năng suất ớt đạt cao nhưng giá giảm sâu khiến người trồng lỗ nặng.

Được mùa, mất giá

Vụ Đông Xuân 2020-2021, bà con nông dân các huyện, thị xã phía Đông tỉnh trồng gần 1.225 ha ớt. Trong đó, huyện Đak Pơ có 616,2 ha, Kông Chro 253,1 ha, Kbang trên 100 ha và thị xã An Khê 255,6 ha.

Chị Trần Thị Hường (xã An Thành, thị xã An Khê) thu hoạch ớt. Ảnh: Ngọc Minh

Chị Trần Thị Hường (thôn 5, xã An Thành, thị xã An Khê) cho hay: “Gia đình tôi trồng gần 4 sào ớt. Từ đầu năm đến nay, cây ớt sinh trưởng phát triển tốt, năng suất đạt hơn 1 tấn/sào, cao gần gấp đôi so với năm trước. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá ớt giảm còn 6-8 ngàn đồng/kg. Trong khi đó, mỗi sào ớt đầu tư hết khoảng 12 triệu đồng. Với giá bán như hiện nay, tôi lỗ 5-6 triệu đồng/sào”.

Bà Huỳnh Thị Xuân (thôn 2, xã Đak Hlơ, huyện Kbang) cũng chung cảnh ngộ. Để giảm bớt chi phí, bà Xuân không thuê người mà tự thu hái. Bà chia sẻ: “Giá ớt thấp mà công thu hoạch quá cao (khoảng 4 ngàn đồng/kg) nên gia đình tôi phải tự thu hái, vớt vát được đồng nào hay đồng đó”.

Tại huyện Kông Chro, nhiều người như ngồi trên đống lửa khi giá ớt giảm mạnh. Ông Đinh Văn Bảo (làng Chiêu Liêu, xã An Trung) kể: Tầm này năm ngoái, giá ớt dao động từ 50 ngàn đồng đến 70 ngàn đồng/kg, có thời điểm tăng lên hơn 100 ngàn đồng/kg. Còn năm nay, giá rớt thê thảm, trong khi chi phí đầu tư rất cao. “Vụ ớt năm nay, tôi trồng hơn 1 ha. Giá ớt quá thấp nên tôi lỗ hơn 100 triệu đồng”-ông Bảo buồn bã nói.

Nông dân thu hoạch ớt. Ảnh: Hoàng Quốc Vĩnh

Phơi ớt khô chờ tiêu thụ

Vụ này, gia đình bà Cao Thị Loan (thôn Hiệp An, xã Cư An, huyện Đak Pơ) trồng 5 sào ớt. Khi giá ớt quá thấp, bà thu hái về phơi khô để bán dần. Bà chia sẻ: “Tôi thuê người hái, nhặt cuống rồi đem phơi khô. Hiện nay, giá ớt khô dao động từ 30 ngàn đồng đến 50 ngàn đồng/kg. Gia đình tôi đã bán được 1 tạ, thu về 4 triệu đồng. Hiện còn 3 tạ ớt, đang gọi thương lái để bán”.

Từ đầu vụ tới nay, chị Nguyễn Thị Minh Trang (thôn 3, xã Đak Hlơ, huyện Kbang) đã thu mua trên 150 tấn ớt tươi của bà con nông dân trên địa bàn. Sau khi phơi, chị thu được 40 tấn ớt khô. Chị cho biết: “Bình thường, tôi bán ớt tươi ở các tỉnh miền Trung và xuất đi Trung Quốc. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng hóa không lưu thông được, tôi phơi khô chờ bán cho các công ty chế biến ớt bột. Tôi đã xuất được 15 tấn ớt khô sang thị trường Lào”.

Người dân thị xã An Khê tập trung phơi ớt. Ảnh: Ngọc Minh

Còn chị Mai Xuân Điệp (tổ 2, phường An Tân, thị xã An Khê) thì tâm sự: “Hơn 10 năm trong nghề thu mua ớt, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh bà con ùn ùn chở ớt tới bán. Là bạn hàng nhiều năm nên tôi dành hết vốn liếng và vay thêm người thân 130 triệu đồng để thu mua ớt cho bà con trên địa bàn thị xã và huyện Đak Pơ”.

Trao đổi với P.V, ông Huỳnh Văn Hơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-cho biết: 2 năm gần đây, giá ớt dao động từ 40 ngàn đồng đến 70 ngàn đồng/kg. Thấy lợi nhuận cao nên nhiều hộ dân mở rộng diện tích không theo quy hoạch, khuyến cáo của địa phương. Vụ Đông Xuân 2020-2021, diện tích ớt trên địa bàn huyện tăng hơn 100 ha so với năm trước. Ớt chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Khi dịch bệnh xảy ra, việc tiêu thụ ớt tại thị trường trong nước và xuất khẩu bị ảnh hưởng.

“Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương khuyến cáo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích ớt mà đa dạng, luân canh nhiều loại cây. Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích các đại lý, người dân liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm”-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ thông tin.

NGỌC MINH

Thêm nguồn thu nhập từ nuôi dê

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Chuyển đổi từ nuôi bò sang nuôi dê đã giúp anh Lê Tiến Phong (thôn Tây 2, xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) có thêm nguồn thu nhập ổn định.

Sau mấy năm nuôi bò lai nhưng thất bại, anh Phong chuyển sang nuôi dê. Tận dụng chuồng trại nuôi bò để lại, anh cải tạo thành chuồng dê làm bằng sắt, thiết kế lối nhà sàn, cao ráo, cách mặt đất 1,2m, có nơi cho dê đi lại, có máng cỏ… Diện tích cỏ voi trồng lúc nuôi bò được anh tận dụng nuôi dê, kết hợp cho ăn thêm cây dẹp, cây chuối, lá dừa và thức ăn tổng hợp giúp dê mau lớn. Hiện nay, trại dê của anh Phong đã lên tới 60 con (2 con dê đực giống, 58 con dê cái sinh sản) và 50 dê con 2 tháng tuổi. Đây là giống dê Boer, có nguồn gốc từ Nam Phi, sức đề kháng cao, ít nhiễm bệnh, tăng trọng nhanh, 5 - 7kg/con/tháng.

Trại nuôi dê thịt của anh Phong.

Theo tính toán của anh Phong, nuôi dê Boer cho hiệu quả gấp 2 lần dê núi (dê ta). Tuy nhiên, đối với trại, anh xuất bán sớm hơn sau thời gian nuôi 5 tháng. Bình quân trọng lượng dê thịt xuất bán đạt 30 - 35kg. Đây là độ tuổi mà các nhà hàng rất thích; giá 1kg dê đực thịt khoảng 160.000 đồng, dê cái 130.000 đồng. Nếu nuôi bán giống thì dê đực giống 15 triệu đồng/con; dê cái tơ chửa 6 triệu đồng/con; dê cái rạ (sinh sản lứa 2 trở đi) 8 triệu đồng/con. Dê sinh sản 1 năm 2 lứa, 1 lứa 1 - 4 con. 3 năm qua, anh Phong đã xuất bán hơn 20 con dê giống cái và hơn 50 con dê thịt, thu nhập hàng trăm triệu đồng. Anh Phong cho biết: “Tôi tham gia hội nuôi dê tại thôn Đắc Lộc (xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang). Mỗi tháng, chúng tôi đều tổ chức gặp mặt để trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, chia sẻ khó khăn, đặc biệt là trao đổi dê đực giống để tránh tình trạng cận huyết do 1 con đực nhảy cho nhiều con cái sinh sản”.

Theo anh Dương Văn Là (thôn Đắc Lộc 1, xã Vĩnh Phương) - trưởng nhóm, đây là hội nuôi dê tự phát, quy tụ khoảng chục hộ nuôi dê từ nhiều nơi như: Vĩnh Phương (Nha Trang), Ninh Ích, Ninh Lộc (thị xã Ninh Hòa), Diên Hòa, Diên Sơn (Diên Khánh) nhằm giúp đỡ thành viên chia sẻ khó khăn trong nghề. Phương thức nuôi dê nhốt rất hiệu quả như: Dễ quản lý, không lo dê ốm hay mất mát do đi lạc, bị thú dữ tấn công; không lo chăn dắt; dê được cung cấp thức ăn đầy đủ từ nguồn cỏ voi trồng kết hợp với các thức ăn khác; dê lớn nhanh, ít bệnh vì nuôi trên sàn cao; chủ động tiêm phòng, chữa bệnh, đỡ đẻ… Hiện nay, dê có đầu ra ổn định. Nuôi 10 con dê chi phí bằng 1 con bò nhưng hiệu quả gấp nhiều lần. Nuôi 30 con dê cho thu nhập 200 triệu đồng/năm.

Ông Ngô Phước Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Diên Sơn cho biết, phương thức nuôi dê của anh Phong rất hay, tận dụng nguồn cỏ nuôi bò để nuôi dê, mang lại nhiều hiệu quả, thu nhập ổn định. Tuy nhiên, hiện nay, việc chăn nuôi trong khu dân cư cũng gây một số khó khăn nhất định. Sắp tới, xã sẽ nghiên cứu các mô hình hiệu quả về chăn nuôi để khuyến khích nhân rộng, nuôi khu vực xa khu dân cư hay đồi rẫy để đảm bảo vệ sinh môi trường...

V.L

Bà Rịa - Vũng Tàu: Ứng dụng công nghệ cao phát triển bền vững ngành chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong thời gian qua, để bảo đảm an toàn cho gia súc, gia cầm và phát triển bền vững, mô hình chăn nuôi công nghệ cao đang được nhiều gia đình, trang trại trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu áp dụng.

Mô hình nuôi gà trong chuồng lạnh của ông Trần Hồng Phong, xã Bình Ba, huyện Châu Đức.

NUÔI GÀ TRONG PHÒNG LẠNH

4 trại nuôi gà chuồng lạnh khép kín công nghệ cao với quy mô 80 ngàn con, được Công ty TNHH Đầu tư phát triển Đông Nam Toàn Cầu (xã Suối Rao, huyện Châu Đức) đưa vào hoạt động từ cuối năm 2020. Ông Phạm Hồng Thanh, Giám đốc Công ty cho biết, vốn đầu tư cho mô hình khá lớn, khoảng 2,2 tỷ đồng/trại. Các trại nuôi gà được nuôi đúng tiêu chuẩn với diện tích 1.600m2/20 ngàn con/trại. Trại được xây dựng kiên cố bằng bê tông, khung thép, hệ thống máy lạnh làm mát không khí, cùng máng nước tự động, khay để thức ăn. Không chỉ đầu tư chuồng lạnh, trang trại này còn có hệ thống quản lý nhiệt độ, ánh sáng, thức ăn, nước uống tự động.

Ngoài ra, hệ thống phun thuốc sát trùng và xử lý phân được kích hoạt để ngăn ngừa vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào ảnh hưởng đến đàn gà, ngăn mùi hôi phát sinh. Gà giống, thức ăn được nhập từ Công ty CP Việt Nam. Sau 6 tháng hoạt động, Công ty của ông Thanh đã xuất bán lứa thứ 2, toàn bộ đầu ra được Công ty CP Việt Nam bao tiêu. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 500 triệu đồng/lứa.

Theo ông Thanh, nuôi gà theo mô hình truyền thống là trại hở không điều chỉnh được nhiệt độ nên trại lúc nóng, lúc ẩm ướt, lạnh... khiến đàn gà dễ sinh bệnh, nguy cơ thất thu cao, chưa kể đầu ra bấp bênh. Đến kỳ xuất chuồng, nếu không tiêu thụ được, người nuôi phải tốn chi phí duy trì, gà ít tăng cân trong khi lượng thức ăn cho gà hàng ngày vẫn phải bảo đảm nên hiệu quả thấp. “Nuôi gà theo hướng công nghệ cao tuy mức đầu tư ban đầu khá lớn, song quá trình nuôi lại hạn chế tối đa được dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt chỉ khoảng 2%. Ngoài ra, việc liên kết với các doanh nghiệp khác cũng tạo đầu ra ổn định, bền vững hơn so với nuôi gà theo kiểu truyền thống”, ông Thanh cho hay.

Ông Trần Văn Nam (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) là một trong những người tiên phong áp dụng mô hình nuôi gà chuồng lạnh công nghệ cao tại BR-VT. Ông Nam cho biết, cuối năm 2009, sau khi tham quan mô hình nuôi gà bằng chuồng lạnh tại một số địa phương và được Công ty CP Việt Nam giới thiệu về công nghệ nuôi, ông quyết định đầu tư hệ thống trang trại nuôi gà chuồng lạnh. Với tổng vốn 7 tỷ đồng, ông xây dựng 8 dãy chuồng, mỗi dãy 400m2 để nuôi 40 ngàn con gà đẻ trứng. Chi phí đầu tư cao, đi kèm là lợi nhuận tăng 4-5%, chi phí giảm 2-3% so với nuôi thông thường. Hiện quy mô trang trại của ông Nam đã lên đến 90 ngàn con gà đẻ trứng, bình quân mỗi ngày thu 5.000-6.000 trứng.

Ông Nam cho biết, mô hình mang lại lợi nhuận cao hơn cách nuôi truyền thống, không gây ô nhiễm môi trường, gà tăng trưởng nhanh hơn. Ngoài ra, ưu điểm của mô hình là ít nhân công, quy trình sản xuất nghiêm ngặt nên sản phẩm đạt chất lượng an toàn thực phẩm. “Với quy trình nuôi chuồng lạnh khép kín, nguồn thức ăn phải bảo đảm không kháng sinh, không chất tăng trọng. Bên cạnh đó, nhiệt độ trong phòng nuôi luôn phải duy trì ở mức 25-28 độ C để bảo đảm sức khỏe cho gà, cũng như chuồng trại được sạch sẽ, hạn chế mùi hôi”, ông Nam chia sẻ.

HƯỚNG ĐI BỀN VỮNG

Theo chủ các trang trại, chi phí đầu tư ban đầu cho chuồng lạnh theo tiêu chuẩn an toàn sinh học rất cao, thường gấp 3 lần chuồng hở. Tuy nhiên, nếu tính toán một cách đầy đủ và dài hạn, chi phí nuôi gà chuồng lạnh lại thấp hơn chuồng hở và hiệu quả chăn nuôi cũng cao hơn.

Thông tin từ Sở NN-PTNT cho biết, đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 70 trang trại chăn nuôi kết hợp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 226ha. Quy mô đàn vật nuôi được ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ lệ khá cao so với tổng đàn vật nuôi toàn tỉnh (35% đàn heo thịt, 73% đàn heo nái, 46% đàn gà thịt, 42% đàn gà giống, 5% đàn vịt đẻ). Với quy mô đàn vật nuôi ứng dụng công nghệ cao như trên, tỷ lệ giá trị sản phẩm ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi so với tổng giá trị sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đạt 44-45%.

Công nghệ cao được ứng dụng trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện nay bao gồm ứng dụng công nghệ chăn nuôi chuồng kín (chuồng lạnh); chăn nuôi heo hạn chế sử dụng nước; chăn nuôi gà nhiều tầng; chăn nuôi tự động hóa, bán tự động hóa, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, kiểm soát; sử dụng biogas, đệm lót sinh học, chiết tách phân, sản xuất phân vi sinh và ứng dụng vi sinh trong xử lý chất và nước thải.

Giảm chi phí, nhân công

Chăn nuôi công nghệ cao là mô hình chăn nuôi ứng dụng kết hợp được những công nghệ hiện đại, tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu suất và tạo những bước đột phát trong nghề chăn nuôi.

Việc áp dụng mô hình chăn nuôi công nghệ cao giúp giảm bớt sức lực cho người lao động, thậm chí trước kia mỗi người chỉ chăm sóc được 1 chuồng nuôi thì nay một người có thể điều khiển hệ thống chăm sóc cả một trang trại chăn nuôi. Bên cạnh đó, những mô hình này đang ngày càng được cải tiến, nâng cấp độ chính xác, tốc độ làm việc và tối ưu chi phí nên được xem là xu hướng tích cực cho ngành chăn nuôi. Việc đưa chăn nuôi công nghệ cao làm mục tiêu phát triển chủ lực của ngành chăn nuôi đã góp phần giảm công lao động, tối ưu hóa chi phí thức ăn, chi phí chăm sóc đồng thời giảm được giá thành tăng sức cạnh tranh trên thị trường so với những phương thức chăn nuôi truyền thống trước kia. Một vai trò nữa của công nghệ cao ứng dụng trong chăn nuôi đó là giúp xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường một cách triệt để.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 121 trại (gồm 67 trại heo thịt, 28 trại heo nái, 22 trại gà thịt, 2 trại gà giống, 2 trại vịt đẻ) với quy mô đàn vật nuôi được ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ lệ khá cao so với tổng đàn vật nuôi toàn tỉnh. Trong lĩnh vực thủy sản, có 18 tổ chức, cá nhân nuôi tôm với diện tích khoảng 352ha, hơn 500 cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè, hơn 10 cơ sở sản xuất tôm giống sạch bệnh ứng dụng công nghệ cao (công nghệ: nuôi theo quy trình 3 sạch gồm giống, nước và đáy ao sạch, sản xuất giống thủy sản áp dung hệ thống máy HOD, máy RO, máy lọc UF...). Bên cạnh đó, các DN và nông dân đã và đang thực hiện liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi. Cụ thể, có 40 cơ sở nuôi heo với tổng đàn khoảng 24.000 con nái và 69.000 con heo thịt, 50 cơ sở chăn nuôi gà với tổng đàn 1,84 triệu con gà thịt và 120 ngàn con gà trứng. Trong thủy sản có khoảng 7ha tại Xuyên Mộc.

Ông Nguyễn Xuân Trung, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT) cho biết, Đề án số 04-ĐA/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được các DN, tổ chức kinh tế, các nhà khoa học và người dân tích cực hưởng ứng. Việc thực hiện Đề án này đã tạo được sự lan tỏa, tạo cú hích cho phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên quy mô toàn tỉnh. Để đẩy mạnh phát triển các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, ngành đang xây dựng Đề án chuỗi liên kết giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là hướng đi đầy triển vọng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop