Tin nông nghiêp ngày 02 tháng 11 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiêp ngày 02 tháng 11 năm 2019

Anh Dũng sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với du lịch miệt vườn

Nguồn tin:  Báo Phú Yên

Anh Ngô Quốc Dũng (giữa) trồng mít mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: KHANG ANH

Mạnh dạn vay vốn đầu tư để phát triển vườn cây ăn trái kết hợp chăn nuôi, sau 4 năm, anh Ngô Quốc Dũng (SN 1980, xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) đã sở hữu một trang trại cây ăn trái, trồng rau, nuôi cá… kết hợp du lịch miệt vườn, lợi nhuận hàng năm gần 1 tỉ đồng.

Xuất thân là kỹ sư điện, song anh Dũng lại bén duyên với nghề nông. Hiện anh sở hữu vườn cây mãng cầu 2,5ha, đến mùa cho trái sum suê, nhất là vào dịp lễ, Tết cho năng suất rất cao. Anh Dũng bộc bạch: Trước đây lên xã Hòa Quang Bắc chơi, tình cờ thấy vườn cây mãng cầu, mít…, hỏi qua cách chăm sóc, tôi nảy sinh ý định trồng cây ăn trái. Sau khi bàn với gia đình, năm 2015, đầu tư số tiền dành dụm lâu nay và vay thêm ít vốn, tôi lên vùng đất này trồng cây ăn trái.

Nhờ thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, kết hợp với việc trồng cây ăn trái theo hướng VietGAP nên vườn cây của anh Dũng phát triển khá nhanh. Năm 2018, anh Dũng tiếp tục áp dụng phương pháp tưới nước bằng hệ thống tự động cho khu vườn mình để giảm sức lao động và giúp cây phát triển tốt hơn. Kể từ đó, vườn cây nhà anh bắt đầu cho thu hoạch với hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm thu được luôn được thương lái đến tận nơi thu mua, đặt hàng bao tiêu sản phẩm. Không những vậy, hiện anh Dũng còn đầu tư chăn nuôi heo rừng lai, nuôi gà sạch trên đệm lót sinh học, đào ao thả cá, trồng rau sạch… Tất cả sản phẩm từ chăn nuôi đều được bán ra thị trường trong tỉnh.

Ngoài ra, khu vườn của anh Dũng còn được làm điểm đến cho du khách với mục đích học tập kinh nghiệm làm ăn, tham quan, chụp hình lưu niệm… Những ngày nghỉ hay dịp lễ, Tết, khu vườn thu hút đông đảo người dân, du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. “Ban đầu, tôi làm khu vườn này chỉ với mong muốn trồng cây ăn trái, phục vụ cho việc phát triển kinh tế. Nhưng sau đó thấy nhiều người tìm đến tham quan nên tôi đưa ra ý tưởng mở rộng vườn và hướng đến mô hình cho người dân trải nghiệm du lịch miệt vườn”, anh Dũng nói.

Đến khu vườn của anh Dũng, du khách có thể chạm tay vào trái, chọn và hái những trái cây chín theo ý thích để thưởng thức. Chị Hồ Thị Minh Nguyên, du khách ở TP Tuy Hòa, chia sẻ: Vườn cây ăn trái của anh Dũng rất nhiều loại, ra trái sum suê. Đây là điểm dừng chân lý tưởng, giúp những người đến đây trải nghiệm một không gian hoàn toàn mới lạ. Đặc biệt là giúp các em nhỏ hay những người sống ở phố thị cảm nhận được không gian miệt vườn đúng nghĩa mà tưởng như chỉ có ở miền Tây Nam Bộ.

Với những cố gắng, 2 năm gần đây, anh Ngô Quốc Dũng đạt được danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Từ thu nhập khoảng 200-250 triệu đồng/năm, tùy thời điểm, đến nay thu nhập của anh Dũng gần 1 tỉ đồng/năm. Bà Huỳnh Thị Son, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Hòa, nhận xét: Ngô Quốc Dũng là một trong những nông dân cần cù, chịu khó. Thành công, làm giàu chính đáng từ trang trại tổng hợp, kết hợp du lịch miệt vườn của Ngô Quốc Dũng là một trong những cách làm hay để mọi người có thể học tập. Chúng tôi cũng mong muốn trên địa bàn huyện ngày càng có những mô hình tương tự để giúp kinh tế địa phương ngày càng phát triển.

Chị Hồ Thị Minh Nguyên, du khách ở TP Tuy Hòa: Vườn cây ăn trái của anh Dũng rất nhiều loại, ra trái sum suê. Đây là điểm dừng chân lý tưởng, giúp những người đến đây trải nghiệm một không gian hoàn toàn mới lạ. Đặc biệt là giúp các em nhỏ hay những người sống ở phố thị cảm nhận được không gian miệt vườn đúng nghĩa mà tưởng như chỉ có ở miền Tây Nam Bộ.

THÀNH TÍN

Tỉ phú trên mảnh đất ‘chết’

Nguồn tin:  Báo Long An

Nhìn vào thành công như bây giờ của ông Võ Quan Huy (Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình, xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An), ít ai biết rằng ông phải trải qua nhiều khó khăn mới có được. Có thể nói, cuộc đời của tỉ phú nông dân này là một câu chuyện dài của sự nỗ lực, cố gắng không ngừng.

Trang trại chuối của ông Võ Quan Huy tạo việc làm cho hàng trăm nông dân nghèo

1. Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, ngay từ nhỏ, ông Huy luôn mang trong mình ước mơ đổi đời. Khác với bạn bè cùng trang lứa, chỉ mới 14 tuổi, ông đã trở thành trụ cột chính của gia đình khi cha mất sớm, hai anh tham gia chiến trường, nhà chỉ còn mẹ và các chị gái. Ngày ấy, người ta biết đến ông Huy như là dân “cày thuê” chuyên nghiệp, ôm chiếc máy cày đi cày thuê, cày mướn khắp làng trên, xóm dưới để đỡ đần gia đình.

Khát vọng đổi đời luôn rực cháy trong người, hơn 20 tuổi, ông mạnh dạn đến vùng đất mới cách nhà hơn 100km để khai hoang, lập nghiệp. Ông khởi nghiệp bằng việc trồng mía. Thế nhưng, thành công chưa đến thì mía đã bị trận lụt lịch sử nhấn chìm trong biển nước. Chàng nông dân đánh dấu khởi đầu bằng sự thất bại đầu đời.

Tuy nhiên, chưa bao giờ từ bỏ, càng khó khăn, ông lại càng muốn chinh phục, vượt qua. Lần này, ông quyết định quay trở về và cố gắng làm giàu trên mảnh đất “chết”. Mảnh đất chẳng trồng nổi cây gì khác ngoài đước và tràm. Mảnh đất ấy chính là nơi ông đi cày thuê, cày mướn từ thuở nhỏ - ấp 3, xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ hiện nay.

Ông Huy ra sức cải tạo vùng đất "chết" này và tiếp tục khởi nghiệp với việc trồng mía. Từ mảnh đất "chết", những vụ mía mới bắt đầu nảy mầm, xanh tốt, nhen nhóm hy vọng cho ông. Từ từ, mía đã giúp ông đổi đời và biệt danh Huy “mía” cũng ra đời từ đó.

Cũng trên mảnh đất này, ông Huy tiếp tục chuyển hướng, mở rộng sản xuất bằng việc trồng ớt, xoài, dưa hấu, nuôi bò,… và khảo sát một số địa phương khác để nuôi tôm. Sau những nỗ lực, "trái ngọt" tiếp tục đến với ông. Ông Huy chia sẻ: “Với tôi, mỗi lần trồng cây gì hay nuôi con gì đều là một sự bắt đầu. Bản thân mình phải tập trung tối đa để làm. Thành công chỉ là bước đầu, giữ được mới là điều khó. Tôi luôn nhắc nhở anh em làm việc ở đây phải cố gắng, dùng tâm trong công việc, ắt hẳn sẽ đạt được điều mình mong muốn”.

Khi gần 60 tuổi, dù đã trở thành tỉ phú nhưng ông Huy vẫn không ngừng nghiên cứu, trải nghiệm và tiếp tục khởi nghiệp. Lần này, ông bắt đầu với cây chuối. Ông tự tìm tòi, đến những nước xuất khẩu chuối lớn nhất thế giới để học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm chuyên gia về Việt Nam hỗ trợ. Ông mời hẳn chuyên gia người Philippines (một trong những quốc gia xuất khẩu chuối đứng đầu trên thế giới) đến Việt Nam, ở lại trong trang trại chuối của gia đình để hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật. Ông cũng nhắm đến thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước châu Âu để đưa sản phẩm của mình vào đây.

Ông thuê hẳn đội ngũ chuyên gia người Nhật trực tiếp giám sát các công đoạn trồng chuối nhằm đưa chuối tiếp cận các thị trường khó tính này.

Thương hiệu chuối Fohla có mặt tại những thị trường khó tính nhờ vào áp dụng quy trình sản xuất sạch, hữu cơ

Chuối của ông Huy được sản xuất theo hướng hữu cơ ngay từ ban đầu, quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói, bảo quản,… được theo dõi, giám sát chặt chẽ.Công nhân làm việc trong trang trại chuối được tập huấn các kỹ thuật, hướng dẫn kỹ lưỡng,… để sản phẩm làm ra là chuối sạch, bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn do thị trường đề ra ngay cả hiện tại và tương lai.

Ông Huy đầu tư hơn 100 tỉ đồng để trồng 200ha chuối và đăng ký thương hiệu Fohla (Fruit of Huy Long An). Hiện nay, Fohla có mặt tại nhiều thị trường trên thế giới, trong đó đặc biệt là các thị trường khó tính: Nhật Bản, Hàn Quốc,... Thương vụ chuối đã mang về cho ông Huy doanh thu lớn, năm 2018 đạt 6 triệu USD, ước tính năm 2019, doanh thu từ chuối có thể chạm mốc 10 triệu USD. 95% sản lượng chuối từ trang trại phục vụ việc xuất khẩu.

Hệ thống cáp treo được áp dụng khi thu hoạch chuối vừa giảm cực nhọc cho công nhân, vừa tăng năng suất, hiệu quả hoạt động

2. Cả cuộc đời gắn bó với mảnh đất quê hương, ngoài góp công lớn trong việc đưa nông sản Việt khẳng định vị trí, tên tuổi trên thị trường thế giới, ông Huy còn là "chỗ dựa" cho hàng trăm công nhân nghèo khó đến từ khắp mọi miền đất nước, thậm chí ngay cả những người Việt ở Biển Hồ (Campuchia) hồi hương.

Họ từ quê Cà Mau, Hậu Giang, Nghệ An,…rỉ tai nhau và dắt díu gia đình đến trang trại của ông Huy sống và làm việc. Ngôi nhà mới của họ chính là những căn phòng do ông Huy xây dựng trên khu đất của trang trại. Khu ở tập thể này là dãy nhà khoảng 20 căn phòng, nơi ở của hàng chục gia đình công nhân. Tất cả những người này đều có xuất phát điểm giống nhau, chính là “nghèo”. Họ đến đây với hy vọng mới cho tương lai của mình, tìm kiếm một công việc với những đồng tiền đủ trang trải, nuôi sống gia đình.

Ở đây, ngoài những kỹ sư lành nghề, công nhân, lao động cũng kiếm được khoản thu nhập ổn định từ công sức của mình bỏ ra. Mỗi ngày, họ được trả khoảng 200.000-300.000 đồng. Những ngày nghỉ, công nhân đến kênh, rạch gần đó bắt cá, hái rau,… để giảm bớt chi phí và tăng thêm nguồn thức ăn cho mình.

Chị Duyên - công nhân làm việc ở đây, chia sẻ: “Nhà mình ở tận Biển Hồ (Campuchia). Sống ở bên ấy rất cực khổ, không đủ ăn. Cả gia đình theo ông chú về đây làm cho ông Huy được hơn 1 năm nay. Công việc lao động chân tay ở đâu cũng vậy, mình chịu khó tí là được. Ở đây, chúng tôi có cuộc sống tốt hơn. Tiền công cũng tương đối khá. Nhà thì được ông Huy cất cho ở, không tốn chi phí gì cả. Mấy đứa nhỏ, tối đến cũng được mấy chú kỹ sư làm ở đây dạy chữ để có thêm kiến thức. Chúng tôi xem ở đây như nhà của mình, tết đến cũng ở lại đây. Chỉ mong gia đình có cuộc sống tốt hơn, vậy là mừng rồi!”.

Còn anh Phúc (quê Hậu Giang) cho biết: “Ở quê trồng lúa, cuộc sống thiếu trước, hụt sau nên tôi lên đây làm thuê. Công việc tuy có vất vả nhưng tiền kiếm được đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Ông Huy rất tốt bụng, hỗ trợ, tạo điều kiện để anh em có chỗ ăn, chỗ ở ổn định. Mọi người làm việc rất phấn khởi, chăm chỉ. Một năm, tôi thường về thăm nhà một đến hai lần”.

Công đoạn thu hoạch chuối là vất vả nhất, di chuyển trong trang trại quãng đường dài và công nhân phải vác trên vai những buồng chuối nặng từ 30-50kg đến điểm tập kết nên ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động. Vì thế, sau khi tìm tòi, nghiên cứu thực tế, ông Huy thiết kế và xây dựng hệ thống cáp treo để thu hoạch chuối. Hệ thống cáp dài 33km, kinh phí lắp đặt khoảng 200 triệu đồng, vận chuyển được 50 buồng chuối/ lần, vừa giảm được nặng nhọc, vất vả cho công nhân, vừa giảm chi phí, tăng hiệu quả, năng suất.

Hiện nay, dù là tỉ phú nhưng ông Huy vẫn ngày ngày chăm chỉ làm việc, gắn bó với mảnh đất quê hương để tạo ra những sản phẩm chất lượng, góp phần đưa nông sản Việt đến với thế giới. Và ở đó, ông cũng trở thành "điểm tựa" cho hàng trăm nông dân nghèo./.

Châu Sơn

Long An: Trên 2.000 ha thanh long ứng dụng công nghệ cao

Nguồn tin: Báo Long An

Sáng 30/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An phối hợp UBND huyện Châu Thành tổ chức hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Đề án "Xây dựng vùng sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) 2.000 ha trên địa bàn tỉnh”.

Quang cảnh hội nghị

Với quyết tâm phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và gắn liền với xây dựng nông thôn mới, huyện Châu Thành đã bứt phá, đưa đề án ƯDCNC trong sản xuất thanh long về đích trước hẹn. Đến nay, toàn huyện thực hiện được 2.082,05 ha thanh long ƯDCNC với khoảng 3.465 hộ tham gia, đạt 104,1% kế hoạch. Trong đó, xây dựng các mô hình điểm hơn 841 ha: Mô hình sản xuất thanh long theo VietGap, ứng dụng cơ giới hóa trong xử lý cành nhánh thanh long, tưới nước tiên tiến, ứng dụng đèn compact ánh sáng đỏ xử lý thanh long ra hoa nghịch vụ, trồng thanh long kiểu giàn. Qua đó, mô hình được nhân rộng hơn 1.240 ha với khoảng 2.006 hộ tham gia.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, đề án sản xuất 2.000ha thanh long ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đạt kết quả bước đầu, tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng, góp phần tăng lợi nhuận cho nông dân. Cùng với đó, hướng dẫn 31 hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất thanh long đăng ký áp dụng quy trình VietGap; diện tích được cấp giấy chứng nhận VietGAP trên 322ha với khoảng 483 hộ. Ước đến cuối năm 2019, tổng diện tích thanh long được chứng nhận VietGap trên 619 ha với 981 hộ.

Huyện Châu Thành đã bứt phá, đưa Đề án Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thanh long về đích trước hẹn

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Châu Thành nhiệm kỳ 2015-2020 đạt tốt theo yêu cầu, đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm nông nghiệp tạo ra chưa đạt yêu cầu, giá thị trường biến động, môi trường chưa được quản lý tốt; quản lý đất đai, xây dựng chưa chặt chẽ; việc vận động thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác thanh long ƯDCNC còn nhiều yếu kém.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An – Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Toàn tỉnh có trên 11.800 ha thanh long, riêng huyện Châu Thành có khoảng 9.100 ha. Hiện nay, nông dân trồng thanh long trên địa bàn tỉnh đã và đang áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần làm giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, việc thực hiện đề án sản xuất thanh long ƯDCNC mang lại hiệu quả: Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thanh long bước đầu đã làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của nông dân, phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay và xu thế phát triển của thế giới; nông dân sản xuất theo VietGAP, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học, tưới nước tiết kiệm, trồng thanh long bằng giàn...; nông dân đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý hơn trong quản lý dịch bệnh, làm quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất. Đặc biệt, mô hình tưới tiết kiệm đã giúp nông dân tiết kiệm được 80% công lao động (công tưới nước, bón phân), tiết kiệm điện năng, lượng nước sử dụng,... Kết quả, hạch toán hiệu quả kinh tế cho thấy, trồng thanh long ƯDCNC lợi nhuận tăng bình quân khoảng 2,5-5 triệu đồng/ha”./.

Huỳnh Phong

Phát triển vùng trồng cây ăn quả tập trung

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Gia đình chị Dương Thị Hằng, xóm 3, thị trấn Quân Chu (Đại Từ) có gần 4ha trồng các loại cây ăn quả, như: Cam Canh, cam Vinh, bưởi đỏ, bưởi da xanh, ổi… trung bình mỗi năm thu từ 45-50 tấn quả, thu được 600-650 triệu đồng.

Với lợi thế về đất đai, thời tiết thuận lợi cho phát triển cây ăn quả, những năm gần đây, huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) đã khuyến khích, hỗ trợ người dân lựa chọn các loại cây ăn quả phù hợp, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dần hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp và gia tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Thị trấn Quân Chu nằm sát chân núi Tam Đảo, có đất đai màu mỡ nên có điều kiện thuận lợi trong trồng cây ăn quả. Những năm qua, nhiều hộ dân trong thị trấn đã mạnh dạn đưa các giống cây ăn quả vào trồng, đưa Quân Chu trở thành một trong những vùng sản xuất cây ăn quả tập trung của huyện, với nhiều giống cây được thị trường ưa chuộng, như: Cam Canh, bưởi Hoàng, bưởi Diễn, nhãn... Chúng tôi có dịp đến thăm vườn cây ăn quả của gia đình anh Lê Văn Lợi, ở xóm 3, thị trấn Quân Chu khi những trái cam Canh sai trĩu cành, căng mọng. Đón chúng tôi, anh Lợi niềm nở thông tin: Vườn cam này từ trung tuần tháng 10 cho tới tháng 12 âm lịch sẽ cho thu quả, trung bình mỗi gốc cam cho thu từ 70-100kg quả. Với 6.000m2 trồng cam Canh, mỗi năm gia đình tôi thu được từ 10-12 tấn quả, sau khi trừ chi phí cho thu lãi khoảng 200-250 triệu đồng.

Không chỉ ở thị trấn Quân Chu, hiện nay, cây ăn quả còn được trồng tập trung tại nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện, như: Cát Nê, Hoàng Nông, Tiên Hội, Bản Ngoại… Qua đánh giá, các mô hình trồng cây ăn quả tại các khu vực có thổ nhưỡng phù hợp, người dân chú trọng đầu tư thâm canh đem lại doanh thu bình quân khoảng 300 triệu đồng/ha/năm. Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Hồ Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ cho biết: Trước đây, người dân đầu tư trồng các loại cây ăn quả không có sự tính toán, chủ yếu là trồng theo sở thích và phục vụ nhu cầu tiêu dùng của gia đình là chính. Tuy nhiên, khoảng chục năm trở lại đây, tư duy người dân đã có nhiều thay đổi, thể hiện ở việc mạnh dạn phát triển các loại cây ăn quả tập trung. Để nâng cao năng suất, chất lượng, người dân đã tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn. Qua đó, năng suất các loại quả khi thu hoạch cao hơn so với trước đây, cụ thể đối với cây nhãn trung bình đạt 7-10 tấn/ha; năng suất bình quân của cây cam đạt 25-30 tấn/ha; cây bưởi cho thu từ 25.000-35.000 quả/ha…

Nhằm khuyến khích người dân trong việc phát triển các mô hình trồng cây ăn quả tập trung, góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác, hướng tới sản xuất hàng hóa, những năm qua, huyện Đại Từ đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo đúng quy trình, tổ chức và phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân. Trung bình mỗi năm, huyện tổ chức khoảng 10 lớp tập huấn về phát triển nông nghiệp, trong đó lồng ghép tập huấn về các kỹ thuật trồng cây ăn quả, giới thiệu các giống cây mới cho bà con. Bên cạnh đó, huyện còn phối hợp với các đơn vị, như: Chi cục Nông nghiệp và PTNT, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Chi cục Bảo vệ thực vật… chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Năm 2019, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã triển khai mô hình thâm canh nhãn, cam tại xã Quân Chu, Cát Nê và thị trấn Quân Chu với quy mô 40ha. Tham gia mô hình, trên 80 hộ dân được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nhãn, cam theo tiêu chuẩn VietGAP, được hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn, tem truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ 6 triệu đồng/ha chi phí cấp giấy chứng nhận lần đầu cho diện tích sản xuất cây ăn quả an toàn theo quy trình VietGAP; hỗ trợ 70% kinh phí mua kéo cắt cành, quả trên cao với mức hỗ trợ không quá 700 nghìn đồng/chiếc… Ngoài ra, từ năm 2018 đến nay, huyện đã thực hiện hỗ trợ kinh phí lắp đặt pano vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho 4 mô hình trồng cây ăn quả tập trung (7 triệu đồng/pano); hỗ trợ 70% giá giống, 50% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Trên cơ sở đó, nhiều vùng sản xuất cây ăn quả tập trung đã được hình thành, đáng chú ý là ở nhiều địa phương, người dân đã tự nguyện liên kết với nhau để hình thành nên các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) trồng cây ăn quả như: HTX Tiên Trường 3; HTX cây ăn quả Hoàng Nông; THT sản xuất nhãn an toàn Tân Tiến 1, Tân Tiến 2; THT sản xuất cam an toàn xã Cát Nê; THT sản xuất cam an toàn thị trấn Quân Chu…

Tính đến thời điểm này, toàn huyện Đại Từ có gần 2.200ha cây ăn quả, trong đó có khoảng 550ha tập trung. Bên cạnh việc khuyến khích nhân dân chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây ăn quả, huyện đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua đưa các giống cây trồng có năng suất, chất lượng vào thâm canh, áp dụng quy trình sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện, toàn huyện đã có 60ha cây ăn quả được cấp chứng nhận VietGAP (bưởi: 20ha; nhãn: 26ha; cam: 14ha). Từ những cơ chế chính sách ưu đãi, sự quan tâm đầu tư về khoa học kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, xây dựng thương hiệu cũng như sự nỗ lực, thay đổi tư duy trong sản xuất của nông dân, tin tưởng rằng cây ăn quả sẽ là một điểm nhấn trong cơ cấu cây trồng của huyện, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương…

Thu Huyền

Hưng Yên: Tam Đa mùa cam

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Ở xã Tam Đa (Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên), khu vực trồng cam được quy hoạch gọn vùng tại thôn Ngũ Phúc. Thời điểm này, nông dân đang tập trung chăm sóc các vườn cam, chuẩn bị cho thu hoạch. Chị Đào Thị Thủy, thành viên của HTX nông nghiệp Ngũ Phúc cho biết, được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương cho phép chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, gia đình chị đã trồng cam từ 9 năm nay. Hiện tại gia đình chị có 1 mẫu trồng cam, chủ yếu là cam Vinh, cam Bố Hạ và cam đường canh. Thời điểm này đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch cam Vinh (cam Bố Hạ và cam đường canh thu hoạch muộn hơn), năng suất, giá cả được dự báo ổn định như năm trước. Chị Thủy cho biết thêm, năm 2018, với 6 sào cam, gia đình chị thu khoảng 8 tấn cam các loại, đem lại nguồn thu hơn 100 triệu đồng, trừ chi phí còn khoảng 70 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 2 lao động của gia đình, cuộc sống nhờ thế mà được cải thiện đáng kể. Năm 2018, HTX nông nghiệp Ngũ Phúc được thành lập, gia đình chị tham gia vào HTX với mong muốn được học hỏi những kinh nghiệm, phương pháp sản xuất hiệu quả để tạo ra sản phẩm tốt, bảo đảm an toàn cho người dùng, góp phần tạo nên thương hiệu cho sản phảm nông sản của địa phương.

Trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cam chuẩn bị thu hoạch

Anh Trần Văn Bính, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX nông nghiệp Ngũ Phúc cho biết, xã Tam Đa đã quy hoạch vùng trồng cam ở thôn Ngũ Phúc, rộng 51 héc-ta, trong đó có 21,6 héc-ta cam được sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap. Nông dân đã lựa chọn các giống cam phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để đầu tư sản xuất, trong đó có 7 héc-ta cam Vinh. Toàn xã có 144 hộ trồng cam. Riêng HTX nông nghiệp Ngũ Phúc có 48 hộ với tổng diện tích 18 héc-ta. HTX đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức được 1 lớp tập huấn cho các thành viên về sản xuất cam theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm; các thành viên cũng thường xuyên trao đổi về kinh nghiệm sản xuất, thông tin thị trường... Ngoài ra, HTX còn vận động thành viên đóng góp xây dựng quỹ hỗ trợ sản xuất được 48 triệu đồng, dành cho 2 thành viên khó khăn, có nhu cầu về vốn vay đầu tư sản xuất, mỗi chu kỳ vay vốn 1 năm, sau đó quay vòng cho thành viên khác có nhu cầu vay. Song song với hỗ trợ sản xuất, trong khâu tiêu thụ, HTX chủ động tìm kiếm nguồn tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên đưa sản phẩm đi tham gia các hội chợ, phiên chợ nông sản để quảng bá, giới thiệu, bán hàng; chủ động tìm các đầu mối thu mua để từng bước đưa sản phẩm vào các siêu thị... Sản phẩm của các thành viên HTX đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Vietgap từ năm 2018, HTX thường xuyên tuyên truyền trong thành viên cũng như những người trồng cam luôn bảo đảm quy trình sản xuất tốt nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế, đồng thời bảo đảm chất lượng đã được chứng nhận, đem lại hiệu quả bền vững. Năm 2018, tổng sản lượng cam của xã đạt 836 tấn (giá bán bình quân 20 nghìn đồng/kg), trong đó 283 tấn cam Vinh. Năm nay, thời tiết bất thuận nên cam Bố Hạ và cam đường canh bị ảnh hưởng dẫn đến tổng sản lượng cam các loại chỉ đạt khoảng 550 tấn, tuy nhiên sản lượng và giá bán cam Vinh vẫn bảo đảm ổn định như năm trước, dự kiến đem lại nguồn thu đáng kể cho người trồng cam. Anh Bính nhẩm tính, chỉ riêng gia đình anh, với 3,5 mẫu, trồng 1 nghìn gốc cam, ước thu khoảng 600 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất, công lao động... còn thu lãi khoảng 400 triệu đồng.

Năm nay HTX nông nghiệp Ngũ Phúc được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương hỗ trợ 60 nghìn tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cam; HTX cũng đã in túi có logo của HTX để cung cấp cho thành viên thuận lợi trong đóng gói, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm; đồng thời chủ động tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Ngoài nỗ lực của HTX, các thành viên HTX nói riêng và người trồng cam ở Tam Đa nói chung cần có sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, tạo điều kiện từ khâu sản xuất đến tiêu thụ để giúp nông dân yên tâm sản xuất, tạo ra những sản phẩm tốt, có chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đức Hùng

1 ha trồng dưa chuột lấy hạt, thu hơn 500 triệu đồng

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Mỗi năm, một ha đất trồng dưa chuột cho năng suất từ 500 đến 600 kg hạt khô. Theo nhẩm tính của ông Vũ Văn Bàn, ở thôn 6, xã Trường Xuân (Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) với giá bán từ 900 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/kg thì mỗi năm 1 ha dưa chuột đã mang về nguồn thu cho gia đình hơn 500 triệu đồng.

Mô hình trồng dưa chuột lấy hạt của gia đình ông Vũ Văn Bàn

Mô hình trồng dưa chuột của ông Vũ Văn Bàn có diện tích 1,5 ha. Theo ông Bàn, cuối năm 2018, gia đình bắt đầu liên kết với Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Trang Việt (tỉnh Đồng Nai) để trồng dưa chuột lấy hạt giống.

Theo đó, Công ty hỗ trợ miễn phí hạt giống và hướng dẫn kỹ thuật, quy trình chăm sóc. Ngoài ra, gia đình còn được Công ty hỗ trợ phân bón trả chậm, thuốc trừ sâu, hệ thống tưới nước nhỏ giọt. Khi thu hoạch, Công ty hỗ trợ máy móc để lấy hạt bảo đảm đúng kỹ thuật và đạt chất lượng cao. Với giá bán theo hợp đồng liên kết từ 900 nghìn đồng đến một triệu đồng/kg hạt dưa khô thì mỗi năm, trừ chi phí gia đình thu về khoảng 700 triệu đồng.

Theo ông Bàn cho biết, trồng dưa chuột lấy hạt giống khác với trồng dưa lấy quả tươi. Đó là, trồng gốc dưa “bố” trước khoảng 5 ngày và sau đó trồng xen gốc dưa “mẹ”. Cứ 15 khóm dưa “mẹ” thì xen vào 3 khóm dưa “bố”. Sau khi xuống giống được khoảng một tuần thì phải kiểm tra côn trùng, bón phân... Khi dưa ra hoa thì gia đình tiến hành diệt bông hoa đực trên cây mẹ bằng thuốc. Để tăng hiệu quả thụ phấn cho hoa, mỗi khu vực trồng dưa khoảng 1.000 m2 thì ông nuôi một thùng ong lấy mật.

Để hạn chế côn trùng xâm hại, ông Bàn căng lưới cho vườn dưa

Về khâu thu hái, ông Vũ Văn Bàn cho biết, cách thu hoạch khá đơn giản. Sau khi hái trái dưa về thì cho vào máy tách hạt. Sau đó, gia đình làm sạch hạt dưa và phơi khoảng 2 đến 4 giờ nắng là hạt khô. Với thời gian trồng và thu hoạch mỗi vụ khoảng 2 tháng (60 - 65 ngày) thì một năm gia đình canh tác được 3 vụ dưa. Thời gian còn lại trong năm, gia đình trồng luân canh đậu, hoặc mướp đắng để cải tạo đất...

Cũng theo ông Bàn, trồng dưa chuột lấy hạt giống đòi hỏi nông dân phải thực hiện quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Người trồng phải làm đất sạch, bọc bao ni lông theo luống để hạn chế cỏ dại và căng lưới cho dưa leo… Với việc áp dụng đúng quy trình chăm sóc, thu hoạch như trong liên kết, nên Công ty luôn cam kết bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định.

Bài, ảnh: Đức Hùng

Phú Yên: Hỗ trợ doanh nghiệp 300 triệu đồng sản xuất máy thu hoạch mía

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Ngày 29/11, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Phú Yên (Sở Công thương) tổ chức nghiệm thu, trình diễn mô hình hỗ trợ sản xuất máy thu hoạch mía tại Công ty TNHH Cơ khí nông nghiệp Thành Đạt (thôn Nguyên An, xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa).

Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại hỗ trợ Công ty TNHH Cơ khí nông nghiệp Thành Đạt 300 triệu đồng mua máy tiện vạn năng, máy phay vạn năng và máy cắt plasma CNC, với tổng trị giá trên 800 triệu đồng. Đây là những loại máy phục vụ cho việc chế tạo máy thu hoạch mía, công suất 25 tấn mía/ngày. Máy giúp người dân và các nhà máy đường trong việc thu hoạch mía, đặc biệt là vào thời điểm chính vụ.

Dự kiến, sản phẩm máy thu hoạch mía sẽ cung cấp cho các nhà máy mía đường và nông dân trồng mía trong và ngoài tỉnh trong thời gian tới, với giá gần 1 tỉ đồng/máy.

NGÔ XUÂN

‘Bí quyết’ trồng rau giảm tác động tới môi trường

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Trong khi chất thải nông nghiệp đang trở thành “vấn nạn” làm “đau đầu” nhà quản lý thì tại trang trại sản xuất nông nghiệp của gia đình bà Nguyễn Thị Huệ, tổ dân phố Phước Thành, Phường 7, TP Đà Lạt, lại tiên phong cách làm hay để giảm thiểu tối đa chất thải nông nghiệp ra môi trường.

Cách làm độc đáo tăng thêm 50% năng suất rau thủy canh trên cùng diện tích. Ảnh: V.Báu

Không ai còn xa lạ với trang trại sản xuất nông nghiệp Kim Bằng của gia đình bà Nguyễn Thị Huệ, bởi đây là mô hình tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại Đà Lạt từ nhiều năm qua. Mỗi tháng trang trại của bà Huệ xuất ra thị trường từ 20 - 25 tấn rau, củ, quả thành phẩm, với khoảng 20 loại rau xà lách, 2 loại dưa leo, 6 loại cà rốt, 6 loại củ cải, 18 loại cà chua với các màu khác nhau, hơn 10 loại rau gia vị.

Hiện phần lớn trang trại của gia đình bà Huệ được sử dụng để trồng rau theo phương pháp thủy canh. Toàn bộ bằng khung sắt, đảm bảo chiều cao, độ thông thoáng, hệ thống tưới nước, châm phân tự động. Với công nghệ và hệ thống trên, bà Hệ phải đầu tư hàng trăm triệu đồng/1.000 m2. Bên cạnh đó, nhiều năm qua, các mặt hàng nông sản tí hon như cà rốt, củ cải đường, củ dền... cũng đã được gieo trồng và đưa ra thị trường với số lượng hàng năm rất lớn và ổn định. Gia đình bà Nguyễn Thị Huệ không gieo trồng các loại nông sản tí hon dưới đất mà trên các giá thể được lắp ráp hình thức giống như chiếc giường nằm, bao gồm có 2 tầng để gieo trồng, mỗi tầng cách nhau 1 m, chất liệu trồng là xơ dừa trộn với các loại phân dinh dưỡng, bên dưới được lót bằng nilon nhựa. Tuy nhiên, với hệ thống này, những túi đựng giá thể xơ dừa đều là nhựa, thời gian sử dụng ít mà lại lâu phân hủy, ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy, thời gian gần đây, trước áp lực rất lớn từ chất thải nông nghiệp thải ra môi trường, gia đình bà Huệ đã quyết định làm những bể bằng gạch rộng 1 m, sâu 40 cm để trồng rau, hạn chế tối đa việc sử dụng các vật liệu có khả năng gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, nhất là nilon.

“Một số khu tôi đang chỉnh sửa, thay vì cách làm truyền thống, tôi sẽ làm bể gạch sau đó cho giá thể vào rồi trồng rau. Với cách làm này, dù lúc đầu có tốn kém hơn nhưng chúng lại bền, sử dụng được lâu dài, không phải lót nilon nên không ảnh hưởng đến môi trường”, bà Huệ giải thích.

Bên cạnh đó, những diện tích trồng theo phương pháp thủy canh, bà Huệ đã có cách làm mới lạ, đó là đưa rau lên tầng hai của giàn thủy canh, giúp năng suất rau tăng thêm 50%, lợi nhuận thu về cũng tăng tương đương với năng suất rau đạt được. Đây là cách làm rất sáng tạo của công ty mà vẫn giữ được nguyên chất lượng của các loại rau.

Ngoài làm giàu cho bản thân, bà Huệ còn tạo công ăn việc làm cho 20 - 30 lao động thường xuyên và 50 - 60 lao động thời vụ đảm đương công việc từ khi gieo trồng đến lúc được thu hoạch. “Ngoài ra, bộ phận giám sát, bộ phận kỹ thuật, kỹ sư hằng ngày theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây, điều chỉnh lượng nước tưới, phân bón, nhiệt độ hợp lý để đảm bảo sản phẩm khi ra thị trường đạt được chất lượng tốt nhất” - bà Nguyễn Thị Huệ, giới thiệu khái quát về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao rộng 7 ha của mình.

Vừa qua, bà Nguyễn Thị Huệ được tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2013 - 2018.

VĂN BÁU

Nông dân cần chủ động các biện pháp bảo vệ đồng ruộng

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Trong vụ lúa thu đông 2019, toàn tỉnh Đồng Tháp xuống giống hơn 118 ngàn ha. Đến nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch hơn 74 ngàn ha với năng suất bình quân 5,56 tấn/ha.

Ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân nên thăm đồng thường xuyên để bảo vệ lúa

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh Đồng Tháp, trong tuần qua, có nhiều loại sâu bệnh trên lúa, trong đó, sâu cuốn lá có số diện tích nhiễm nhẹ 20 ha trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, mật số sâu 25 - 30 con/m2, giảm 60 ha so với tuần trước; bệnh cháy bìa lá có số diện tích nhiễm nhẹ 50 ha trên lúa giai đoạn làm đòng - trổ chín, tỷ lệ bệnh 10 - 20%, giảm 150 ha so với tuần trước...

Dự báo, trong tuần từ 27/10 - 2/11/2019, đợt rầy cám mới sẽ nở rộ từ gây hại phổ biến ở mức nhẹ - trung bình trên lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh - đòng trổ. Cùng với đó, sâu cuốn lá sẽ gây hại chủ yếu ở mức nhẹ - trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trỗ, những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm, phun thuốc trừ sâu sớm đầu vụ có thể bị hại nặng. Trong khi đó, bệnh đạo ôn lá, cháy bìa lá, lem lép hạt sẽ tiếp tục phát sinh gây hại phổ biến ở mức nhẹ - trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - trỗ chín, cục bộ có diện tích nhiễm nặng trên các giống nhiễm như IR 50404, OM 4218, Jasmine 85, VD 20, nếp... Ngoài ra các đối tượng khác như: chuột, bệnh vàng lá chín sớm, đạo ôn cổ bông... xuất hiện gây hại chủ yếu ở mức nhẹ.

Theo đó, Chi cục TT&BVTV tỉnh khuyến cáo, với các trà lúa thu đông 2019 đang sản xuất, nông dân cần kiểm tra, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh hại để áp dụng các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả; có thể phun thuốc ngừa bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt khi lúa trỗ lẹt xẹt và trỗ đều; tuân thủ tốt nguyên tắc 4 đúng khi phun thuốc. Nông dân không nên phun thuốc trừ sâu bệnh, thuốc kích thích sinh trưởng cho lúa ít nhất 20 ngày trước thu hoạch nhằm bảo đảm thời gian cách ly, an toàn thực phẩm; thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng để hạn chế ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, với các diện tích chuẩn bị xuống giống lúa đông xuân 2019 - 2020 nông dân cần vệ sinh đồng ruộng, cày xới trục nhận rơm rạ nhằm cắt đứt nguồn sâu bệnh còn tồn dư trong đất. Đồng thời, cần chủ động phương tiện, điều kiện thoát nước tốt, hạn chế ảnh hưởng đến lượng giống gieo sạ nếu gặp mưa nhiều. Nông dân cần gieo sạ tập trung, đồng loạt, né rầy và áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, bón vùi phân bón theo tỷ lệ 100% DAP, 50% kali trước khi trục trạc đất lần cuối, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)…

Trang Huỳnh

Xã Bình Hòa Phước (Long Hồ, Vĩnh Long): 70% diện tích đất nông nghiệp cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha

Nguồn tin:  Báo Vĩnh Long

Bình Hòa Phước (Long Hồ, Vĩnh Long): hiện có gần 877ha vườn cây ăn trái với 706ha vườn chuyên lâu năm, hơn 170ha vườn mới thu hoạch. Trong đó, có 405ha nhãn, 295ha chôm chôm và hơn 176ha các loại trái cây khác. Trong 9 tháng đầu năm, nhà vườn trong xã đã thu được 14 ngàn tấn trái cây các loại với năng suất bình quân đạt 15 tấn/ha.

Ngoài việc quan tâm trồng các loại cây ăn trái đặc sản, chọn giống cây tốt sạch bệnh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây ăn trái, nhất là việc cho trái nghịch vụ để nâng cao giá trị kinh tế, một số nhà vườn có điều kiện còn đầu tư xây dựng mô hình vườn cây ăn trái kết hợp với làm dịch vụ du lịch, nên hiệu quả thu được từ kinh tế vườn ngày càng cao.

thống kê của UBND xã Bình Hòa Phước, đến cuối tháng 9/2019, toàn xã có gần 560ha đất vườn cho giá trị lợi nhuận từ 100 triệu đồng/ha/năm trở lên, chiếm 70% tổng diện tích vườn cây ăn trái hiện có, tăng 100ha so với năm 2015.

Nhằm nâng cao hiệu quả từ kinh tế vườn, trong những tháng cuối năm 2019, xã Bình Hòa Phước tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đê bao, thủy lợi, đảm bảo chống lũ, tưới tiêu cho 100% diện tích đất vườn.

Kết hợp với các ngành hữu quan tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc vườn cây ăn trái đặc biệt là kết hợp với ngành chuyên môn hướng dẫn người dân phòng trị bệnh chổi rồng trên cây nhãn và có kế hoạch hỗ trợ nhà vườn tiêu thụ sản phẩm.

Phấn đấu, năng suất cây ăn trái bình quân hơn 15,5 tấn/ha, tổng sản lượng cả năm thu được hơn 15 ngàn tấn trái cây các loại.

PHƯỚC GIANG

Bắc Giang: Hiệu quả mô hình chăn nuôi gà mía lai trên đệm lót sinh học

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Lạng Giang thực hiện mô hình “Chăn nuôi gà mía lai trên đệm lót sinh học” tại xã Tân Thanh.

Mô hình có quy mô 3000 con gà mía lai. 04 hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 70% giống, 50% thức ăn, một phần thuốc sát trùng và chế phẩm sinh học để xử lý nền chuồng. Ngoài ra hộ tham gia còn được tập huấn kỹ thuật nuôi gà mía lai trên đệm lót sinh học

Vừa qua, TTKN Bắc Giang đã tổ chức hội nghị tổng kết mô hình. Tại buổi tổng kết, các đại biểu đã được báo cáo về kết quả thực hiện mô hình. Sau thời gian nuôi 3 tháng, gà mía đạt tỷ lệ nuôi sống 96%, tiêu tốn thức ăn 2,64kg, trọng lượng bình quân đạt trên 2 kg/con. Với giá bán hiện nay là 48.000 đồng/kg, nếu nuôi 1000 con sẽ đem lại lợi nhuận cho bà con nông dân từ 13 – 15 triệu đồng/lứa.

Ông Bùi Văn Thùy, thôn Nguộn xã Tân Thanh cho biết, gia đình ông nuôi 1000 con. Khi tham gia mô hình, ông đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học. Từ đó, hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu hao hụt giảm ô nhiễm môi trường nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế.

Giống gà mía lai có khả năng thích nghi cao

Gia đình anh Đinh Văn Thùy thôn Nguộn, xã Tân Thanh là hộ tiên phong thực hiện mô hình chăn nuôi gà mía lai trên đệm lót sinh học. Anh chia sẻ: “Với kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi gà, gia đình tôi đã biết đến giống gà mía lai có nhiều ưu điểm vượt trội. Chính vì vậy, tôi đã mạnh dạn đăng ký tham gia thực hiện mô hình. Sau thời gian nuôi hơn 3 tháng, gia đình tôi cũng thu lãi 12 triệu đồng”.

Tham gia mô hình chăn nuôi gà mía lai trên đệm lót sinh học còn có hộ anh Nguyễn Văn Dũng ở thôn Nguộn với quy mô 1.000 con. Anh Dũng cho biết giống gà mía lai do Trung tâm Khuyến nông chuyển giao được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin nên gà khỏe mạnh, tỷ lệ nuôi sống cao. Mô hình cho hiệu quả cao hơn so với giống gà trước kia do gia đình tự mua. Anh Dũng xuất bán hơn 2000 kg gà mía, sau khi trừ chi phí, anh thu lãi 13 triệu đồng.

Cũng theo anh Dũng, thị trường đầu ra cho sản phẩm gà mía lai vẫn ổn định hơn so với các giống gà khác do gà mía lai phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Tại hội nghị tổng kết, ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh về việc tập trung phát triển đàn gà thả vườn, thả đồi, với hai giống chủ lực là ri lai và mía lai nuôi theo quy trình an toàn sinh học. Hiện Trung tâm cũng đã nhân rộng mô hình chăn nuôi gà mía lai trên đệm lót sinh học sang huyện Hiệp Hòa và sẽ nhân rộng mô hình sang các huyện tiếp theo trong những năm tới. Đối với các xã có thế mạnh về đất đai, vườn đồi nên đẩy mạnh chăn nuôi gà mía lai theo quy mô trang trại, phát triển sản xuất hàng hóa với số lượng lớn.

Nguyễn Thanh - Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang

Tuy An (Phú Yên): Vỗ béo bò lãi từ 2-2,5 triệu đồng/con

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Ông Ngô Thái Hưng, Trưởng Phòng Khuyến nông (Trung tâm Khuyến nông Phú Yên) cho biết, Trung tâm Khuyến nông vừa triển khai mô hình chăn nuôi bò thịt vỗ béo tại 2 xã An Định, An Thạch (huyện Tuy An) quy mô 220 con bò, giống bò lai BBB, với 139 hộ tham gia mô hình.

Sau 3 tháng triển khai mô hình (từ tháng 7-10/2019), đàn bò khỏe mạnh, phát triển tốt. Tăng trọng bình quân của đàn bò tại xã An Định đạt 863gr/con/ngày. Tại xã An Thạch đạt 869gr/con/ngày. Đàn bò không bị dịch bệnh, cộng với được chăm sóc tốt nên ngoại hình đẹp, khối lượng thịt xẻ cao. Sau khi trừ các chi phí, mỗi con bò lãi từ 2-2,5 triệu đồng.

Đây là mô hình vỗ béo bò vừa nâng cao giá trị sản phẩm vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

TRÂM TRÂN

Người chăn nuôi thận trọng tái đàn

Nguồn tin: Báo Long An

Cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao, nhất là các loại thịt gia súc, gia cầm. Để bảo đảm nguồn cung, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi thận trọng tái đàn heo và những loại vật nuôi khác.

Không dám tái đàn ồ ạt

Những năm trước, vào thời điểm này, người chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Long An đang tập trung tái đàn, tăng đàn để sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp tết. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết hộ chăn nuôi heo nuôi cầm chừng, cẩn trọng khi tái đàn mặc dù giá heo hơi đang tăng cao.

Nhằm phục vụ thị trường tết, hiện nay, trên địa bàn tình Long An thúc đẩy chăn nuôi bò và gia cầm,... bù đắp cho nguồn thịt heo bị thiếu hụt

Dù số lượng heo nuôi không nhiều nhưng thời gian này, gia đình anh Nguyễn Văn Đức (xã Đức Tân, huyện Tân Trụ) không dám tái đàn ồ ạt để chuẩn bị cho thị trường tết. Theo anh Đức, thông thường, sau khi tách mẹ, heo con được nuôi khoảng 3-4 tháng sẽ bán heo thịt. Khoảng thời gian này là thời điểm thích hợp để người chăn nuôi tái đàn chuẩn bị cho thị trường tết nhưng vì đầu năm 2019, dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xảy ra nên hầu hết hộ chăn nuôi e ngại hoặc cẩn trọng tái đàn. Anh Đức trăn trở, giá heo đang tăng cao, tuần qua, có người xuất bán với giá 58.000 đồng/kg, lãi trên 1 triệu đồng/con nhưng số hộ có heo thịt để bán trong thời gian này không nhiều. Những năm trước, khi giá heo hơi tăng cao, đặc biệt lại chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán, người dân sẽ ồ ạt tái đàn, mở rộng chăn nuôi, còn hiện nay, hầu hết người chăn nuôi heo tại địa phương chỉ tự cung tự cấp (heo nhà sinh sản đến đâu nuôi đến đó chứ không nhập heo con từ bên ngoài về nuôi).

Hiện nay, gia đình anh Đức đang nuôi 3 con heo nái, 30 con heo thương phẩm, trong đó có khoảng 15 con heo thịt chuẩn bị xuất chuồng. Dù không có nhiều heo chuẩn bị cho thị trường tết nhưng gia đình anh cũng không dám tái đàn từ nguồn heo bên ngoài vì sợ dịch bệnh lây lan. Để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, thời gian qua, gia đình anh tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho vật nuôi. Từ khi xảy ra DTHCP trên địa bàn, bất cứ phương tiện nào qua lại đều phải phun thuốc khử trùng, khu vực chăn nuôi chỉ có 2 người chăm sóc được ra, vào.

Ông Nguyễn Văn Giàu (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa) có gần 10 năm chăn nuôi heo, cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thường xuyên duy trì đàn heo hàng chục con. Tuy nhiên, thời gian qua, DTHCP gây thiệt hại cho nhiều hộ chăn nuôi nên gia đình tôi luôn cẩn trọng khi tái đàn. Địa phương cũng khuyến cáo người dân cẩn trọng, không nên tái đàn ồ ạt bởi thị trường heo thịt, tình hình dịch bệnh cuối năm còn tiềm ẩn nhiều rủi ro”.

Không những giá heo tăng, hiện nay, giá gà, vịt cũng tương đối ổn định. Hiện nay, giá gà thả vườn dao động từ 65.000-70.000 đồng/kg nên người chăn nuôi có lãi. Để kịp thời gian cung cấp sản phẩm cho thị trường tết, gia đình anh Nguyễn Văn Sang (xã Tân Lân, huyện Cần Đước) nuôi gần 1.000 con gà thịt. Anh Sang cho biết: “Mỗi năm, gia đình nuôi 4 lứa gà, trung bình mỗi lứa từ 500 con trở lên, còn dịp tết thì tăng tổng đàn lên khoảng 1.000 con. Để có đàn gà khỏe mạnh phục vụ thị trường tết, ngoài việc tiêm đầy đủ các loại vắc-xin, khi gà được 25 ngày tuổi, gia đình thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, giúp gà kháng khuẩn, dịch bệnh và bổ sung các loại vitamin thích hợp,... Nếu như thời điểm Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, giá gà ở mức ổn định như thế này thì sau 3 tháng chăm sóc, mỗi con gà cho lãi 20.000 đồng”.

Người chăn nuôi thận trọng tái đàn

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương, toàn huyện có trên 60% số lượng heo bị tiêu hủy do DTHCP, người chăn nuôi thiệt hại từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Hiện nhiều hộ chuyển sang nuôi gia cầm để tăng thu nhập, tái đàn kịp phục vụ thị trường tết. Trước tình hình trên, huyện khuyến cáo người dân thận trọng trong tái đàn gia súc, gia cầm và phải bảo đảm an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi.

Quản lý chặt dịch bệnh

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, trong điều kiện hiện nay, người chăn nuôi heo tái đàn phải tuân thủ hướng dẫn về phòng, chống dịch bệnh, tập trung chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, con giống phải nhập từ những đơn vị có uy tín,... nhằm bảo đảm an toàn cho vật nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: Việc tái đàn với người chăn nuôi nhỏ, lẻ hiện rất khó. Các hộ chăn nuôi lớn, doanh nghiệp thì khả năng tái đàn cao theo phương pháp an toàn sinh học. Trong tái đàn, người chăn nuôi khi nhập giống gia súc, gia cầm ngoài tỉnh phải kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, xác nhận giống đã được cơ quan thú y kiểm dịch, kiểm tra đầy đủ; không nhập con giống không rõ nguồn gốc hay con giống ở vùng có dịch nhằm tránh thiệt hại và ảnh hưởng đến an toàn dịch bệnh trên địa bàn.

Giá gà, vịt ổn định, người chăn nuôi tái đàn phục vụ tết

Thời điểm cuối năm, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm rất dễ xảy ra do thời tiết diễn biến bất thường. Bên cạnh đó, tình trạng giết mổ, buôn bán tại một số chợ, cơ sở chưa được kiểm soát chặt chẽ, nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm, heo tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả,... rất dễ xảy ra. Do đó, lực lượng thú y địa phương phải tăng cường giám sát dịch bệnh tại các cơ sở chăn nuôi; phối hợp chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, xử lý và tiêu độc, khử trùng các cơ sở giết mổ; có biện pháp xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ tự phát,... Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi; tập trung giám sát các trang trại, gia trại, nông hộ chăn nuôi tại các địa phương. Lực lượng thú y triển khai phun thuốc tiêu độc, khử trùng để phòng trừ dịch bệnh tái phát trên đàn vật nuôi.

“Nhằm phục vụ thị trường tết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh thúc đẩy chăn nuôi bò và gia cầm,... bù đắp cho nguồn thịt heo bị thiếu hụt” - bà Đinh Thị Phương Khanh cho biết thêm./.

Trong tuần, giá gà thả vườn, vịt ổn định so với tuần trước. Cụ thể: Gà có giá từ 60.000-85.000 đồng/kg; vịt từ 45.000-60.000 đồng/kg. Giá heo tăng so với tuần trước, từ 5-6 triệu đồng/tạ, tăng 1-1,2 triệu đồng/tạ.

Đến nay, dịch tả heo châu Phi được phát hiện tại 2.544 hộ trên địa bàn tỉnh. Tổng số heo bệnh và tiêu hủy trên 62.900 con, ước kinh phí hỗ trợ tiêu hủy heo trên 138 tỉ đồng.

Huỳnh Phong

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop