Tin nông nghiệp ngày 02 tháng 12 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 02 tháng 12 năm 2016

Hút hàng cam đỏ Hiệp An (Lâm Đồng)

 

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

 

Hàng chục hecta cam đỏ cao sản ở xã Hiệp An, Ðức Trọng, Lâm Đồng bước vào chính vụ thu hoạch nhưng vẫn không đủ bán theo nhu cầu đặt hàng khắp nơi trong nước, cho thấy thế mạnh mới của sản phẩm đặc trưng trên vùng đất này.

 

 

Kỹ sư Mai Viết Phương - người trực tiếp nghiên cứu, chiết ghép thành công giống cam đỏ tại Đức Trọng. Ảnh: V. Việt

 

Cam đỏ liên tục… “báo đỏ”

 

Mùa chính vụ cam đỏ ở vùng đất Hiệp An, Đức Trọng thu rộ từ đầu tháng 11 năm trước và kết thúc vào đầu tháng 2 năm sau. Thời gian còn lại trong năm là mùa vụ nghịch, sản lượng thu hoạch bằng 20 - 30% so với mùa vụ chính.

 

Tôi đến trang trại cam đỏ ở thôn K’Long, xã Hiệp An khi vừa qua hơn 2 tuần đầu thu hoạch chính vụ. Nơi đây bố trí vài ngàn mét vuông vườn ươm cây giống và khu văn phòng làm việc của “pháp nhân cam đỏ” là Công ty TNHH Thương mại và Chế biến nông nghiệp Phương Mai (gọi tắt là Công ty Phương Mai). Không khí ngày mùa cam đỏ thật tất bật. Người quản lý liên tục làm việc với khách trực tiếp và khách qua điện thoại để thỏa thuận nhận tiền, giao hàng. Đội ngũ công nhân vừa hái cam đỏ từ trên cây xuống là tập trung phân loại, đóng thùng chuyển đi các vùng miền trong nước (khoảng 20 - 30% sản lượng); đồng thời bán trực tiếp tại trang trại và dùng xe tải nhỏ vận chuyển lên Đà Lạt giao các đầu mối phân phối (khoảng 70 - 80% sản lượng còn lại).

 

Trong nửa đầu tháng 11/2016, ông Nguyễn Công Cẩm, Phó Giám đốc Công ty Phương Mai, ước tính hàng tuần thu hoạch tính bằng “đơn vị tấn” cam đỏ trên diện tích gần 40 ha ở xã Hiệp An, Đức Trọng. Sản lượng này dự kiến tiếp tục tăng vào những tháng tới.

 

“Diện tích 40 ha cam đỏ của công ty chúng tôi bắt đầu thời kỳ thu hoạch từ 4 - 7 năm trước, năng suất trung bình từ 35 - 40 tấn/ha/năm. Và vào thời điểm chính vụ, công ty phải huy động hơn 10 công nhân thu hái đầu giờ buổi sáng đến đầu giờ buổi chiều, tất cả lượng hàng đã chuyển đi và bán hết. Mọi năm đối với thị trường miền Bắc, miền Trung, công ty phân phối một số lượng đáng kể sản phẩm cam đỏ. Nhưng năm nay phải giảm xuống nhiều lần vì khách hàng trong tỉnh Lâm Đồng và thành phố Hồ Chí Minh bất ngờ đặt những đơn hàng số lượng lớn trước cả mấy tháng.

 

Mặc dù sản phẩm cam đỏ đang tiêu thụ rất nhanh, công ty vẫn giữ ổn định mức giá bán ra 50.000 đồng/kg loại 1 và 40.000 đồng/kg loại 2…” - Phó Giám đốc Cẩm cho biết.

 

Lập đỉnh 60 tấn/ha/năm

 

Cũng theo Phó Giám đốc Cẩm, mùa cam đỏ chính vụ năm 2016 có nhiều diện tích của trang trại công ty thu hoạch năm thứ 6, thứ 7, sản lượng có thể lập đỉnh 50 - 60 tấn/ha, tương đương tổng doanh thu trung bình 2 - 2,5 tỷ đồng/ha. Nếu trừ mọi nguồn vốn đầu tư về cây giống, phương tiện cơ giới làm đất, vật tư phân bón, công lao động… thì cam đỏ năm 2016 vẫn đạt lãi từ 1,5 - 2 tỷ đồng/ha.

 

Đó là chưa kể nguồn cây giống cam đỏ bán ra mỗi tháng từ 50 - 60 triệu đồng cho người nông dân trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng. Hiện giá thành trung bình mỗi cây giống bán ra tại vườn ươm 150.000 đồng/cây. Đến Công ty Phương Mai mua cây giống, ông Nguyễn Văn Trà, chủ hộ gia đình ở khu vực đèo Prenn, phường 3 Đà Lạt, đánh giá: “Mùa mưa năm 2015, gia đình tôi đã mua lần lượt hơn 100 cây giống cam đỏ ở đây về trồng xen canh trên diện tích 1 ha cà phê catimor đang thời kỳ kinh doanh. Trồng và chăm sóc theo hướng dẫn của Công ty Phương Mai, phần lớn cây cam đỏ mua về trồng đều đang phát tán xanh tốt, chiều cao mỗi cây hơn cả mét. Hôm nay, tôi tiếp tục mua thêm cây giống cam đỏ để mở rộng diện tích trồng xen canh mới. Hy vọng trong 3 năm tới sẽ có thêm nguồn thu cam đỏ đáng kể hàng tuần cho hộ gia đình tôi…”.

 

Được biết, giống cam đỏ của Công ty Phương Mai được ghép giữa gốc giống nhập về từ nước Úc với mầm chồi đầu dòng sản xuất đầu những năm 2000 khoảng 5 ha, tọa lạc khu đồi đá thuộc thôn Phi Nôm, xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng. Năm 2008, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng công nhận nguồn giống cam đỏ này đạt tiêu chuẩn cây đầu dòng để bảo tồn, nhân rộng trên địa bàn. Từ đó đến nay, hàng năm, Công ty Phương Mai thường xuyên ghép tạo và nuôi cây giống cam đỏ trong vườn ươm nhà kính ở xã Hiệp An, Đức Trọng với các kỹ thuật riêng biệt. Thời gian chăm sóc trong vườn ươm khoảng 12 tháng, đạt các yêu cầu chất lượng mới xuất bán rộng rãi cho người trồng trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng.

 

“Gọi cam đỏ vì trái có múi màu đỏ, tổng hợp 3 thành phần hoạt chất của cam, cà rốt và cà chua. Đây là một loại cam không hạt, xuất xứ từ Venezuela di thực qua Mỹ rồi đến Úc. Ông Mai Viết Phương, một Việt kiều Úc (hiện là Giám đốc Công ty Phương Mai) đưa giống cam đỏ về trồng thử nghiệm thành công ở khu đồi đá xã Hiệp An, Đức Trọng từ năm 2000, sau đó nhân giống đại trà trong vùng. Với hương vị chua nhẹ và ngọt thơm đặc trưng, nhiều giá trị dinh dưỡng, hỗ trợ phòng chống các loại bệnh ung thư phổi, tuyến tiền liệt, cổ tử cung, da… nên sản phẩm cam đỏ trên đất Đức Trọng của Lâm Đồng vẫn luôn hút hàng ở khắp mọi thị trường trong nước…” - Phó Giám đốc Nguyễn Công Cẩm nhận định.

 

VĂN VIỆT

 

Lâm Đồng: Chuyển giao công nghệ sấy hồng khô kiểu Nhật cho nông dân

 

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

 

Trung tâm khuyến nông vừa thực hiện chuyển giao công nghệ sấy hồng khô theo phương pháp Hoshigaki Nhật Bản cho nông dân trồng hồng vùng D’Ran, Đơn Dương (Lâm Đồng). Ngoài chuyển giao kỹ thuật, Trung tâm còn hỗ trợ cho 5 hộ tại D’Ran 5 nhà sấy hồng bao gồm nhà kính sắt mạ kẽm kiên cố, ngoài phủ nilon và hệ thống dây treo hồng, mỗi nhà hồng có giá xấp xỉ 20 triệu đồng, trong đó, nông dân đối ứng 25%, nhà nước hỗ trợ 75%.

 

Sấy hồng khô theo công nghệ Nhật Bản là phương pháp sấy cổ truyền của Nhật, cho thành phẩm là những trái hồng khô ngọt, dẻo, chất lượng vượt trội so với hồng khô sấy than, sấy điện truyền thống Đà Lạt.

 

Hiện 1 kg hồng sấy Hoshigaki có giá bán trên thị trường trung bình 300 ngàn đồng/kg, gần gấp 3 lần hồng sấy thường nhưng vẫn không đủ hàng cung cấp.

 

D.Q

 

Nông dân cần kết nối trong sản xuất và tiêu thụ trái cây

 

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

 

Là nhận định của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương trong buổi tọa đàm “Sản xuất và tiêu thụ trái cây” vào ngày 29/11, tại xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh. Tham dự tọa đàm có đại diện các sở, ngành tỉnh, lãnh đạo huyện Cao Lãnh và hơn 40 nhà vườn đến từ các xã Mỹ Hiệp, Mỹ Long, Bình Hàng Tây, Bình Hàng Trung.

 

 

Nông dân kiến nghị nhà nước hỗ trợ cơ chế và chính sách phù hợp trong phát triển kinh tế vườn

 

Trong buổi tọa đàm, nhiều ý kiến đề xuất thiết thực được nông dân thẳng thắn bày tỏ như: đề xuất nhà nước hỗ trợ máy móc thiết bị trong việc kiểm tra độ PH và thành phần dinh dưỡng trong đất; đề nghị hỗ trợ kỹ thuật sản xuất xoài trong điều kiện biến đổi khí hậu; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trái cây; đề nghị kiểm soát phân bón giả… Dịp này, bà con nông dân cũng được Tiến sĩ Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ về những lưu ý và nguyên tắc kỹ thuật bắt buộc nông dân cần tuân thủ trong sản xuất và chế biến xoài.

 

Các đề xuất, kiến nghị của bà con nông dân được lãnh đạo tỉnh lắng nghe, ghi nhận và hứa sớm có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho nông dân. Tuy nhiên, Bí thư Lê Minh Hoan và Chủ tịch Nguyễn Văn Dương cũng lưu ý bà con nông dân, điều cốt lõi để giải quyết mọi vấn đề chính là cùng ngồi lại, cùng nhau liên kết giữa nông dân với nhau trong các tổ chức tập thể như tổ hợp tác và hợp tác xã. Chính sự đồng lòng của nông dân sẽ giúp cho nông sản có số lượng lớn, đồng nhất về chất lượng hơn. Đây là nền tảng để kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ và doanh nghiệp đầu vào. Ngoài ra, lãnh đạo cũng lưu ý nông dân cần phải sản xuất hàng hóa chất lượng, phải có uy tín và xây dựng thương hiệu… đây là những nền tảng căn bản giúp nông dân làm giàu, trụ vững hơn với nghề nghiệp của mình.

 

Mỹ Lý

 

Làm giàu từ bưởi Năm Roi

 

Nguồn tin: Khoa Học Phổ Thông

 

Nhờ phát huy tiềm năng kinh tế vườn, nhất là trồng bưởi Năm Roi mà nhiều năm qua đời sống người dân ở xã Phú Tân (huyện Châu Thành - Hậu Giang) có nhiều thay đổi, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

 

Hiện nay, toàn xã Phú Tân có 1.552 ha vườn cây ăn trái, kể cả 1.391 ha diện tích trồng cây có múi, trong đó có trên 770 ha bưởi Năm Roi. Ước tính, sản lượng bình quân đạt 7.654 tấn/năm, riêng sản lượng bưởi tạo hình các loại khoảng 4.000 cặp/năm, giá dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/kg đối với bưởi thương phẩm và 400.000 - 800.000 đồng/cặp bưởi tạo hình. Một trong những yếu tố dẫn đến thành công đó chính là nhờ Phú Tân biết phát huy những tiềm năng, lợi thế của mình, từ đó làm thay đổi đời sống của người dân, tạo động lực xây dựng NTM.

 

Theo ông Trần Văn Luân, chủ tịch UBND xã Phú Tân, là xã có thế mạnh về kinh tế vườn, chính vì vậy, trong quá trình phát triển kinh tế hộ gia đình, Phú Tân luôn tìm mọi cách để phát huy lợi thế này. Trong đó, thường xuyên vận động người dân chuyển từ đất ruộng kém hiệu quả hoặc vườn tạp sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao: bưởi Năm Roi, cam xoàn, cam sành, chanh không hạt… Trong đó, cây bưởi Năm Roi và cam sành là loại cây phát triển mạnh về diện tích trong những năm trở lại đây và cũng là cây trồng đang cho nguồn thu nhập ổn định, khá hơn so với những cây trồng khác. "Từ mô hình vườn cây ăn trái, mỗi năm nhà vườn ở Phú Tân có nguồn thu nhập từ 150 - 300 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ lên đến 500 triệu đồng/ha. Hiện tại, mức thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn gần 5% (tính đến cuối năm 2015). Bên cạnh đó, tham mưu, đề xuất ngành chức năng huyện về những chính sách cụ thể để thu hút các công ty, doanh nghiệp đến bao tiêu sản phẩm, giúp người dân an tâm sản xuất, gia tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững" - ông Luân nói.

 

Nhiều năm qua, thương hiệu bưởi tạo hình (đặc biệt là bưởi hồ lô) Hậu Giang đã trở thành "món ăn tinh thần" không thể thiếu trong mỗi dịp tết đến xuân về. Anh Võ Trung Thành, chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) khuyến nông Phú Trí A (xã Phú Tân, huyện Châu Thành - Hậu Giang) là nhà vườn đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long nghĩ ra tạo hình bưởi hồ lô ở Hậu Giang. Những ngày này, "vua bưởi tạo hình" di chuyển như con thoi để tư vấn cho nhà vườn ở Phú Tân vừa làm bưởi tạo hình "hồ lô”, "Cát Tường", "Tài - Lộc", "Bản đồ Việt Nam…". Chỉ với gần 4 công vườn trồng bưởi Năm Roi, trong 6 năm qua, anh Thành đã thành tỷ phú nổi tiếng với trái cây tạo hình độc đáo. Anh Võ Trung Thành chia sẻ: "Nhờ vậy, kể từ khi nổi tiếng với thương hiệu trái cây tạo hình vào năm 2010 đến nay, các thương lái thu mua loại trái có hình dáng độc, lạ luôn tìm đến CLB". Ngoài ra, anh tích cực chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, "trẻ hóa" lại vườn cây, kể cả tạo hình cho một số hộ dân ở các tỉnh: Đồng Nai, Tiền Giang, Sóc Trăng. Đặc biệt là liên kết với Công ty Nguyễn Gia (Hà Nội) để bao tiêu sản phẩm bưởi Cát Tường, góp phần giữ vững thương hiệu bưởi tạo hình "độc nhất vô nhị” do bản thân mình tạo ra.

 

PHƯƠNG NGHI

 

Chăm sóc cây ăn trái và hoa kiểng thích ứng với biến đổi khí hậu

 

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

 

Sáng 29-11-2016, Trung tâm Khuyến nông Bến Tre tổ chức hội thảo “Giải pháp chăm sóc cây ăn trái và hoa kiểng thích ứng với biến đổi khí hậu”.

 

Các diễn giả đến từ viện, trường, cán bộ ngành nông nghiệp cùng 70 nông dân trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến thực trạng và giải pháp phát triển sản xuất cây ăn trái, kinh nghiệm phòng tránh ảnh hưởng hạn mặn trên cây ăn trái, giải pháp chăm sóc cây ăn trái và hoa kiểng thích ứng với biến đổi khí hậu, hiện trạng và phương hướng sản xuất hoa kiểng ở Chợ Lách trong điều kiện biến đổi khí hậu, biện pháp hạn chế của mặn trên cây ăn trái ở đồng bằng sông Cửu Long, giải pháp phòng, chống hạn mặn trên cây xoài, cây chôm chôm, hoa kiểng, hoa giấy, sầu riêng…

 

Hội thảo chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu gây hậu quả khó lường, thời tiết cực đoan, diễn biến thất thường, mặn từ các cửa sông chính xâm nhập sớm và ngày càng sâu vào đất liền ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt, sản xuất của người dân. Để phát triển sản xuất cây ăn trái theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đại biểu quan tâm giải pháp về giống, ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất rải vụ, xây dựng mối liên kết sản xuất, thành lập tổ hợp tác, giải pháp thị trường, giải pháp chính sách…

 

Bà Phan Thị Thu Sương - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao ý kiến của diễn giả và nông dân chia sẻ tại hội thảo. Bà Sương cho biết, toàn tỉnh có 27.700ha trồng cây ăn trái. Đợt hạn mặn đầu năm 2016 gây thiệt hại 6.000ha. Nguyên nhân do mặn xâm nhập sớm, diễn biến phức tạp, giải pháp ứng phó chưa được kịp thời. Chủ trương của tỉnh là cần có những giải pháp thiết thực nhằm giảm thiệt hại do hạn mặn gây ra. Trên địa bàn tỉnh, cây trồng với chủng loại khá đa dạng. Từng vùng đất thích nghi với chủng loại cây trồng riêng, chịu ảnh hưởng hạn mặn cũng khác nhau. Trung tâm Khuyến nông Bến Tre cần tổng hợp các ý kiến chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo, làm cơ sở đề xuất giải pháp thiết thực. Các huyện tăng cường thông tin tuyên truyền, cập nhật thông tin thời tiết, thủy văn, tăng cường đi thực tế đưa ra những khuyến cáo, không để người dân lấy phải nước nhiễm mặn tưới cây trồng…

 

Trần Quốc

 

Huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang): Diện tích dưa hấu giảm

 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

 

Thời điểm này, nông dân huyện Phụng Hiệp đã xuống giống được 94ha dưa hấu các loại cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, giảm 69ha so với cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở 3 xã vùng chuyên canh: Hòa Mỹ, Phương Bình và Hòa An.

 

 

Nông dân xuống giống dưa hấu tết.

 

Năm nay, do thời tiết không thuận lợi, nhất là mực nước nội đồng dâng cao, mùa mưa kết thúc muộn, nên việc xuống giống gặp rất nhiều khó khăn. Các giống dưa được nông dân lựa chọn trồng là giống dưa dài, như: Thành Long, Hắc Long, Hắc Mỹ Nhân… Đây là những giống dưa cho năng suất, chất lượng cao và giá cả tương đối ổn định. Theo nhiều hộ trồng dưa cho biết, năm nay giá hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giá nhân công không biến động nhiều.

 

VĂN MINH

 

Trầu không Nghệ An xuất khẩu sang Đài Loan

 

Nguồn tin: Báo Nghệ An

 

Trầu không là loại cây trồng có từ lâu ở xã Nghi Ân (thành phố Vinh). Sau thời gian mai một, cây trồng này được nhiều người dân địa phương khôi phục và phát triển. Những năm gần đây, cây trầu đem lại giá trị kinh tế cao: 200 triệu đồng/sào/năm.

 

 

Chị Nguyễn Thị Hoa ở xóm 5 xã Nghi Ân có gần 2 sào trầu đã cho thu hoạch

 

Cây trầu không có mặt ở Nghi Ân đã từ lâu. Trước đây, hầu như nhà nào cũng trồng vài trăm gốc trầu. Khi người ăn trầu giảm thì cây trồng này cũng mai một theo. Thế nhưng khoảng vài chục năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng trầu tăng lên thì cây truyền thống này cũng dần được phục hồi và phát triển.

 

Trước đây chị Nguyễn Thị Hoa ở xóm 5 xã Nghi Ân chỉ trồng một ít cây trầu không để thi thoảng hái đi bán chợ quê, lấy ít tiền lo chi tiêu vặt vãnh trong nhà. Giờ đây, chị là chủ một vườn trầu rộng 1.300m2. Trong đó 900m2 vườn đã cho thu hoạch từ nhiều năm nay. Chị Hoa cho biết: vườn trầu nhà chị ngày nào cũng được hái bán khoảng 100 liền trầu (mỗi liền 20 lá). Cứ mỗi liền được bán nhập với giá 10 ngàn đồng. Riêng ngày tuần, lễ tết, dịp cưới hỏi thì lượng trầu thu hái tăng lên mấy lần.

 

 

Nghi Ân hiện có 2 ha trầu không

 

Toàn xã Nghi Ân hiện có khoảng 100 hộ dân rải rác ở các xóm trồng cây trầu hàng hóa và tập trung nhất là các xóm 5, 7, 8. Nhà trồng nhiều vài sào, ít cũng khoảng vài ba thước đất. Tổng diện tích cây trồng này toàn xã xấp xỉ 2 ha. Hàng ngày, người dân đem lá trầu thu hoạch đến các điểm hẹn trong xã để nhập sỷ cho thương lái. Ngoài cung cấp thị trường nội địa, từ tháng 8 âm lịch năm nay, bà con Nghi Ân có thêm mối nhập cho thương lái xuất khẩu trầu đi Đài Loan.

 

Mỗi năm, người dân Nghi Ân thu về tiền tỷ từ cây trồng ít người biết đến này. "Gia đình tôi đã nuôi hai con ăn học đến nơi đến chốn và còn tích lũy được tiền tỷ nhờ trồng cây trầu không", anh Nguyễn Hồng Thái ở xóm 5 xã Nghi Ân chia sẻ.

 

 

Trầu không phục vụ đám cưới hỏi.

 

Cây trầu có giá trị kinh tế cao nhưng trồng được nó với diện tích lớn để bán hàng hóa thì không phải ai cũng làm được. Cây trầu trồng vào dịp từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch. Đất trồng phải ẩm, không được úng ngập. Phân bón phải là phân chuồng hoai mục. Hạn chế tối đa sử dụng phân hóa học.

 

Vườn trầu phải được rào kín, chắn nắng nóng mùa hè, che kín sương muối vào dịp trời đông giá lạnh. Chăm bón cũng phải biết cách để lá trầu phát triển đồng đều, không to quá hay nhỏ quá. Lá trầu bán để thắp hương, cưới hỏi hay xuất khẩu phải lành lặn, không bị thủng lỗ. Cây trầu dễ bị lây nhiễm bệnh nấm. Chỉ một cây bị bệnh, cả vườn trầu sẽ chết theo.

 

 

Hàng ngày các hộ hái trầu đi chợ. Mỗi liền trầu được bán với giá 10.000 đồng.

 

Ông Phạm Huy Thông – Chủ tịch UBND xã Nghi Ân cho biết: Cây trầu có giá trị kinh tế rất cao nhưng trồng lại khó, chỉ những người có kinh nghiệm mới trồng được nhiều. Đầu ra cho cây trầu chưa thật ổn định, tuy nhiên chúng tôi cũng rất mừng cho các hộ có thu nhập cao từ trầu.

 

Nhật Tuấn

 

Vụ đông xuân nên tập trung giống ngắn ngày

 

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

 

Thời tiết vụ đông xuân 2016-2017 dự báo sẽ không có gì bất thường nên các địa phương phía bắc cần hạn chế tối đa trà xuân sớm với các giống dài ngày, thay vào đó là các giống ngắn ngày và gieo trà muộn.

 

Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh tại hội nghị sơ kết sản xuất vụ hè thu, vụ mùa 2016; triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2016-2017 các tỉnh phía bắc ngày 29/11.

 

Vụ hè thu và vụ mùa 2016 sản xuất trong điều kiện thời tiết bất lợi. Bão, áp thấp nhiệt đới liên tục gây mưa to, ngập úng trên 200.000 ha. Tình hình sâu bệnh hại lúa cũng có xu hướng tăng so với vụ trước. Bởi vậy, năng suất lúa vụ hè thu đã giảm 0,6 tạ/ha, vụ mùa giảm 0,1 tạ/ha so với vụ trước. Tuy nhiên, vụ hè thu và vụ mùa 2016 ở các tỉnh phía bắc được đánh giá vẫn đạt kết quả thắng lợi. Vụ hè thu 2016 các tỉnh Bắc Trung Bộ đạt 835.000 tấn, vụ mùa đạt 5,787 triệu tấn.

 

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, các địa phương cần đẩy mạnh sang gieo thẳng. Mỗi địa phương tập trung sản xuất 3-4 giống lúa chủ lực để nâng cao chất lượng cũng như sản lượng lúa hàng hóa. Khuyến cáo mở rộng diện tích lúa lai, ưu tiên giống lúa lai có năng suất cao, chất lượng tốt.

 

Theo Cục Trồng trọt, vụ đông xuân tới, tiết Đại hàn sẽ bắt đầu từ 20/1/2017, tiết Lập xuân vào 3/2, do đó tùy thời gian sinh trưởng của từng giống, điều kiện thực tế ở địa phương để bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp theo nguyên tắc bảo đảm lúa phân hóa đòng và trỗ gặp thời tiết thuận lợi, tránh rét “nàng Bân” khi trỗ, tránh lũ tiểu mãn ở vùng đất thấp khi thu hoạch, đồng thời tạo thuận lợi cho việc gieo cấy lúa vụ hè thu, vụ mùa và vụ đông 2017.

 

Về tình hình nguồn nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân tới, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, cơ bản các hồ chứa đang đầy nước nên sẽ thuận lợi, đáp ứng đủ nước cho gieo cấy. Tổng cục sẽ phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương để cấp đủ nước cho đổ ải, tưới dưỡng. Tuy nhiên, các địa phương cũng cần sử dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, tranh thủ lấy nước tối đa qua các đợt triều cường, đồng thời bám sát lịch xả nước từ các hồ chứa bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất.

 

Vụ đông xuân 2016-2017, toàn miền Bắc dự kiến gieo cấy 1,137 triệu ha, giảm khoảng 18.000 ha so với vụ đông xuân 2015-2016; năng suất trung bình đạt 63 tạ/ha, tăng 0,2 tạ /ha so với năm trước. Sản lượng ước đạt 7,166 triệu tấn, giảm khoảng 93.000 tấn so với vụ trước.

 

Dự báo về tình hình dịch hại trong vụ đông xuân 2016-2017, ông Bùi Sĩ Doanh, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, do năm 2016 không có lũ lớn nên nhiều khả năng vụ tới chuột tiếp tục phát sinh gây hại nặng. Cần chú ý bệnh rầy nâu và rầy lưng trắng có khả năng phát sinh sớm, mật độ, diện tích nhiễm có xu hương cao hơn vụ đông xuân năm trước. Khả năng về mức độ nhiễm và diện tích nhiễm sâu đục thân cao hơn, cùng với đó là sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn ở các thời kỳ sinh trưởng của cây lúa.

 

Đỗ Hương

 

Người trồng bí gạt nước mắt đối mặt với mùa thu hoạch trắng tay

 

Nguồn tin: Báo Nghệ An

 

Quỳnh Yên (Quỳnh Lưu, Nghệ An) là xã có phong trào sản xuất vụ đông, ngoài các cây trồng truyền thống như khoai lang, ngô, bà con trồng thêm bí xanh, bí đỏ. Tuy nhiên, hiện nay nông dân trồng bí đang đứng trước nguy cơ thất thu lớn, thậm chí là mất trắng do ảnh hưởng của đợt mưa lụt vừa qua.

 

Gia đình chị Hồ Thị Sơn ở xóm 10, xã Quỳnh Yên trồng 7 sào bí đỏ trên xứ Đồng Cao. Vụ đông năm 2015 chị chỉ trồng 2 sào nhưng thấy dễ trồng, đỡ công chăm sóc mà lại cho thu nhập cao gấp 2 – 3 lần so với các loại cây trồng khác nên năm nay chị đã mạnh dạn dồn đổi toàn bộ ruộng của gia đình mình về cùng một xứ đồng để mở rộng diện tích.

 

Dự kiến vụ bí này gia đình chị sẽ có thu nhập hơn hai chục triệu đồng nhưng chưa kịp hưởng niềm vui được mùa thì hiện nay gia đình chị Sơn đang lo lắng với 7 sào bí đỏ bị hư hỏng, thối quả do ảnh hưởng của đợt mưa lớn vừa qua.

 

 

Chị Hồ Thị Sơn buồn bã trên diện tích 7 sào bí đỏ của gia đình mình vừa bị mất trắng do mưa ngập

 

Những quả bí lứa thứ hai do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên không phát triển được. Chỉ tính riêng chi phí đầu tư, gia đình chị đã mất hơn 5 triệu đồng. Chị Hồ Thị Sơn cho biết: “7 sào này lúc mới trồng gặp mưa đã trôi mất 2 triệu tiền giống rồi, sau đó phải trồng đi trồng lại nhiều lần. Thế nhưng, đến lúc thu hoạch vẫn bị mất trắng.”

 

Vụ đông năm 2016 toàn xã Quỳnh Yên gieo trồng gần 150 ha các loại cây trồng, trong đó riêng diện tích bí xanh, bí đỏ gần 20 ha. Những năm trước, cây bí đã mang lại nguồn thu nhập cao cho bà con địa phương, đầu ra của bí cũng thuận tiện, thương lái đến tận ruộng thu mua.

 

Nếu thời tiết thuận lợi, mỗi sào trồng bí cũng cho sản lượng từ 4 – 5 tạ, với giá bán nhập cho thương lái 6 – 7 ngàn đồng/kg, còn nếu bán lẻ ở chợ mức giá cao hơn, khoảng 9 – 10 ngàn đồng/kg thì bà con cũng thu nhập trên dưới 3 triệu đồng.

 

Tuy nhiên, vụ đông năm nay hầu hết diện tích bí xanh, bí đỏ của xã Quỳnh Yên đều bị thất thu lớn, nhất là cây bí đỏ vì ảnh hưởng của mưa lụt dài ngày. Tính tổng toàn xã đã thất thu hơn 10 ha bí đỏ, giá trị khoảng 500 triệu đồng.

 

 

Bí đến ngày thu hoạch nhưng bị ngập nước nên bị thối, hỏng. Mỗi sào ước thiệt hại hơn 3 triệu đồng.

 

Ông Hồ Xuân Đức – Phó giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Thượng Yên, xã Quỳnh Yên cho biết: “Mưa liên tục nên không chăm bón được, hầu hết bí bị hư hỏng, còn cây nào thì giờ cứ choằn lại. Loại này tiền giống rất đắt, mỗi sào 4 trăm ngàn, trong đó nhà nước đã hỗ trợ 50%, bà con mong được hỗ trợ thêm để đỡ thiệt hại về công, của.”

 

Hiện nay, địa phương cùng hợp tác xã nông nghiệp đang thống kê, rà soát lại diện tích báo cáo lên cấp trên để có sự hỗ trợ, động viên bà con tiếp tục giữ vững phong trào sản xuất vụ đông những năm tiếp theo./.

 

Lê Nhung

 

Trồng xen mắc ca trong vườn cà phê cho doanh thu tăng gấp đôi

 

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

 

Anh Nguyễn Hữu Việt - 42 tuổi, ở thôn Phúc Thọ 2, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, quê gốc ở Đông Anh (Hà Nội), vào Lâm Hà được 9 năm, hiện đang có 200 gốc mắc ca trồng xen với cà phê trên diện tích 2,7 ha, được 7 năm tuổi và đang thu hoạch ở năm thứ 3. Trong vụ thu hoạch năm 2015, gia đình anh có thu nhập từ mắc ca trồng xen tương đương với thu nhập từ cà phê.

 

 

Vườn cà phê trồng xen mắc ca của gia đình anh Việt. Ảnh: L. Hoa

 

Năm 2015, vườn mắc ca của gia đình anh Việt đã có cây cho thu hoạch vượt trội được hơn 50 kg. Toàn vườn thu được 2 tấn hạt chưa sấy và 10 tấn cà phê. Với giá cà phê là 38 ngàn đồng/kg và giá hạt mắc ca là 200 ngàn đồng/kg, trừ chi phí, gia đình anh lãi gần 500 triệu đồng. Anh Việt cho biết, mùa thu hoạch năm 2016 này, giá bán hạt mắc ca chỉ còn 120.000 - 130.000 đồng/kg, giá thấp hơn năm ngoái, nhưng tỷ lệ trái lại cao hơn. Cà phê cũng cho sản lượng tốt hơn, dự tính sẽ thu khoảng 11 tấn. Trồng xen mắc ca vào vườn cà phê, khi mắc ca lớn tạo tán thì chi phí cho cà phê lại tiết kiệm hơn do tưới ít hơn vì cây mắc ca che bóng mát cho cà phê...

 

Tại thời điểm gia đình anh Việt trồng mắc ca, có nhiều hộ ở Lâm Hà mua giống cây của Công ty Đức Anh với giá 50 ngàn đồng/cây, trả trước 25 ngàn đồng/cây ngay tại thời điểm nhận giống, 25 ngàn còn lại đến cuối vụ thu sau mới phải trả. Thực chất, đây là giống thực sinh, lá có nhiều gai. Sau đó, khi phát hiện cây giống không tốt, nhiều người dân đã cải thiện bằng cách cắt cành và ghép chồi mới. Nhưng đến nay, nhiều gia đình ở Lâm Hà nói riêng và các vùng trồng mắc ca khác trong tỉnh như Di Linh, Bảo Lâm, Bảo Lộc mua giống cây thực sinh của công ty này bị rơi vào tình trạng không cho quả, hoặc quả cho hạt nhỏ, kém chất lượng.

 

Còn nguồn giống mắc ca vườn nhà anh Việt là giống cây ghép mua ở Ba Vì (Hà Nội) với giá 65 ngàn đồng/cây (tính cả chi phí vận chuyển). Chuyện anh lựa chọn trồng xen mắc ca vào vườn cà phê cũng là tình cờ xem trên tivi một phóng sự có ý kiến phát biểu của Giáo sư Nguyễn Lân Hùng. Lúc đang phân vân không biết mua giống ở đâu thì anh em bạn bè rủ nhau làm một chuyến xe chở giống từ Ba Vì vào (năm 2009). Cũng do chưa biết giống có những chủng loại nào, nên người ta đưa bao nhiêu giống là trồng bấy nhiêu, vì vậy, trong vườn nhà anh Việt hiện có cả chục loại giống. Thời điểm đó, rộ lên việc trồng mắc ca khiến xảy ra tình trạng cây trồng 2 năm tuổi còn bị nhổ trộm.

 

Tuy nhiên, may mắn cho anh Việt và nhiều người khác mua giống từ Ba Vì vào đều đạt chất lượng nên cây cho trái tốt. Việc bà con trồng cây thực sinh không cho quả đa số là vốn của gia đình, đến nay, công ty bán giống không có chính sách bồi thường gì, bà con thì không có sự hỗ trợ vốn và hướng dẫn kỹ thuật của chính quyền, chỉ là trồng mắc ca tự phát. Nay, người dân đã nâng cao nhận thức, cộng với những khuyến cáo từ chính quyền, bà con cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn giống mắc ca. Chính vì vậy, những buổi tư vấn về kỹ thuật canh tác mắc ca được Hiệp hội Mắc ca tổ chức thời gian qua luôn thu hút đông đảo bà con, mà đa phần trong số họ là những người chỉ đang có ý định trồng mắc ca.

 

Sau nhiều năm chăm sóc mắc ca xen trong vườn cà phê, theo anh Việt, kỹ thuật trồng và chăm sóc mắc ca khá đơn giản, nhưng phải là giống tốt và được chăm sóc kỹ càng. Những cây mắc ca ghép xen cà phê ở vườn nhà anh Việt trồng từ bầu phủ đất đến mặt đất chính 30 cm, hố đào 70 cm x 70 cm. Cây mắc ca không đòi hỏi nhiều công chăm sóc và công thu hái như cà phê, lại rất lợi về phân bón và công lao động. Chẳng hạn, vào vụ thu hoạch vườn cà phê nhà anh cần hàng chục công hái, nhưng mắc ca chỉ cần hai người hằng ngày đi nhặt quả về. Anh cũng khẳng định, trồng mắc ca xen trong vườn cà phê không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây cà phê, thậm chí còn cho năng suất tốt hơn, vì vừa thu được mắc ca vừa thu được cà phê khiến thu nhập trên một đơn vị diện tích tăng lên rất nhiều.

 

Không chỉ riêng gia đình anh Việt thành công với vườn mắc ca xen cà phê, mà còn nhiều gia đình khác cũng cho kết quả rất khả quan từ mô hình này, như gia đình ông Huynh, ông Hòa… ở xã Tân Hà, Lâm Hà. Không chỉ trồng mắc ca, gia đình anh Việt còn đầu tư máy sấy hạt, đóng gói và đưa sản phẩm mắc ca phân phối ra thị trường tiêu thụ tại Đà Lạt, Hà Nội, TP HCM... Vì công suất máy sấy dùng riêng cho gia đình không hết, anh tổ chức thu gom hạt mắc ca của bà con. Năm 2015, anh đã thu gom và sấy thêm được khoảng 15 tấn hạt mắc ca nữa, góp phần gia tăng thu nhập cho gia đình.

 

LÊ HOA

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop