Tin nông nghiệp ngày 03 tháng 03 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 03 tháng 03 năm 2020

Làm giàu nhờ phát triển kinh tế trang trại

Nguồn tin:  Báo Ninh Bình

Cần cù, chịu khó, cùng với sự nhanh nhạy, thanh niên Vũ Văn Tài ở xóm 5, Hồng Thắng, xã Yên Mạc (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) đã vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương từ mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp.

Anh Tài cho cá ăn.

Chúng tôi về thăm trang trại chăn nuôi tổng hợp của anh Vũ Văn Tài nhân dịp đầu xuân mới. Trang trại của anh nằm cách trung tâm xã chừng hơn 1 km, giáp khu vực đê sông Bút. Tiếp chúng tôi, anh Tài cho biết về cơ duyên chọn chăn nuôi, trồng trọt làm hướng phát triển.

Trước đây anh cùng gia đình chỉ chăn nuôi quy mô gia trại nhỏ lẻ, hiệu quả không cao. Với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, anh đã ấp ủ nhiều dự định khởi nghiệp cho chính bản thân mình.

Cách đây hơn 2 năm, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của xã nhằm đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, anh Tài đã mạnh dạn đấu thầu 8.000 m2 đất 313 khu vực giáp đê để xây dựng trang trại tổng hợp.

Có đất sản xuất cùng với nguồn vốn được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn tự có, anh bắt tay ngay vào việc lập kế hoạch, thuê phương tiện, máy móc, nhân lực xây dựng trang trại. Toàn bộ diện tích trang trại được anh tính toán, quy hoạch, đảm bảo tận dụng tối đa diện tích đất, không để đất thừa, đất trống, trong đó, một diện tích để xây dựng chuồng trại kiên cố và một phần đào đắp ao thả cá.

Với sự giúp sức của gia đình, chỉ sau vài tháng, trang trại đã hoàn thành và đưa vào sản xuất. Anh lựa chọn những con nuôi truyền thống là các con nuôi chính như: gà, vịt, ngan, lợn...

Bên cạnh đó, anh còn mạnh dạn đưa vào nuôi bồ câu Pháp với quy mô lớn. Sau 2 năm, hiện trang trại có hơn 300 con vịt đẻ, mỗi ngày có thể cho thu hơn 200 quả trứng; 700 đôi chim bồ câu Pháp, mỗi tháng xuất 700 đôi chim non; 200 con ngan đẻ đã cho thu hoạch trứng...

Ngoài ra, anh còn đưa vào nuôi cá giống và thả cá chép phóng sinh trên diện tích ao hơn 7 sào. Riêng Tết Nguyên đán Canh Tý năm nay anh Tài đã xuất bán ra thị trường trên 1,5 vạn cá chép phóng sinh đem lại nguồn lợi khá. Phần bờ ao và đất còn lại anh tận dụng triệt để trồng các loại cây ăn quả và rau, cỏ làm thức ăn cho vật nuôi.

Anh Tài cũng cho biết, để nuôi thành công các con nuôi trên ngoài yếu tố chuồng trại đảm bảo đúng kỹ thuật với từng loại con nuôi thì người nuôi đặc biệt chú ý đến việc lựa chọn giống đảm bảo chất lượng, được kiểm soát dịch bệnh và tiêm phòng đầy đủ, thức ăn bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và chuồng trại vệ sinh sạch sẽ.

Chịu khó học hỏi, đầu tư đúng hướng, mô hình trang trại tổng hợp bước đầu phát huy hiệu quả tốt và mang về cho gia đình anh thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Không giấu được niềm vui, anh Tài tâm sự: “Để có trang trại như ngày hôm nay, tôi đã dồn mọi tâm sức, kiên trì học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, vừa làm vừa học từ trên sách, báo, qua thông tin đại chúng và từ thực tế những mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp trong và ngoài huyện.

Do mới đi vào sản xuất, hiện trang trại mới đạt 60% công suất, dự kiến trong năm 2020 thu nhập sẽ tiếp tục tăng và đạt tầm 300 triệu đồng/năm.”

Việc xây dựng thành công những mô hình phát triển kinh tế có quy mô và hiệu quả như anh Tài đã góp phần cùng địa phương thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Giang Hồng

Ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến nông sản

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh

Ứng dụng tiến bộ KHKT vào các công đoạn, quy trình sản xuất đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, giá trị, đồng thời khẳng định thương hiệu, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã dành sự quan tâm lớn, ưu tiên nguồn lực cho KHCN, đặc biệt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chế biến sản phẩm trà hoa vàng tại Công ty CP Lâm sản Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ).

Những năm qua, nhiều nông sản, nhất là sản phẩm OCOP, sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, ngày càng đứng vững, vươn ra các thị trường lớn nhờ đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chế biến, bảo quản. Đơn cử như sản phẩm trà hoa vàng, trước đây, hầu hết các hộ dân sau khi thu hái sẽ thực hiện phơi khô hoặc sấy nóng thủ công; phương pháp này có nhiều hạn chế khi sản phẩm không giữ được hương thơm, màu sắc không bắt mắt. Khắc phục những bất cập trên, được sự hỗ trợ của tỉnh, địa phương, một số hộ sản xuất, chế biến đã đầu tư hệ thống máy sấy, máy đóng trà túi lọc để nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch. Anh Nịnh Văn Trắng, chủ cơ sở sản xuất trà hoa vàng ở xã Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ), cho biết: "Áp dụng công nghệ sấy lạnh, sấy thăng hoa trong quá trình chế biến giúp cho trà hoa vàng giữ được màu sắc, hương thơm tự nhiên, đẹp mắt hơn. Nhờ đó được người tiêu dùng đón nhận nhiều hơn".

Nhiều sản phẩm khác, như rau an toàn, sữa tươi, trứng gà, trứng vịt, hàu, tôm, ghẹ, sá sùng… được các chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, nông dân quan tâm áp dụng KHCN vào quy trình chế biến, bảo quản, đóng gói. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả sản phẩm nông nghiệp, từ năm 2013, HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều) đã đầu tư xây dựng trung tâm sơ chế, chế biến và bảo quản nông sản, quy mô khoảng 5.000m2 tại xã Hồng Phong (TX Đông Triều), với nhà sơ chế, kho lạnh, hầm sấy quy mô lớn, hiện đại... để bảo quản, sơ chế nông sản sau thu hoạch. Nhờ vậy, các sản phẩm rau, củ, quả chưa kịp tiêu thụ có thể bảo quản kịp thời, khắc phục tình trạng hư hỏng như trước kia.

Chế biến nước mắm sá sùng tại Công ty An Phú APS (huyện Vân Đồn).

Với thế mạnh là đa dạng về sản phẩm nông nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đang có những giải pháp chiến lược nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp trên cơ sở khai thác tốt những lợi thế, tiềm năng. Một trong các giải pháp là ưu tiên đẩy mạnh áp dụng KH&CN nhằm tăng năng suất, đảm bảo chất lượng, nâng cao được tính cạnh tranh của hàng hóa nông sản.

Ông Nguyễn Lâm Phong, Phó Phòng Quản lý khoa học (Sở KH&CN), cho biết: Thời gian vừa qua, Sở KH&CN đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ các hộ dân, hộ sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào chế biến, bảo quản một số nông sản có ưu thế của tỉnh. Tiêu biểu như: Công nghệ sấy bột dong riềng cho các hộ sản xuất miến dong Bình Liêu; chế biến ruốc hàu, ruốc tôm; công nghệ chế biến na dai Đông Triều thành một số sản phẩm bơ, kem, sữa; công nghệ sấy lúa; hạ thủy phần mật ong tại HTX mật ong Thống Nhất... Qua đó, nâng cao giá trị nông sản. Bên cạnh đó, Sở tăng cường phối hợp với các viện nghiên cứu tổ chức các hội thảo, hội nghị giới thiệu công nghệ bảo quản, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh, nhằm giảm tổn thất cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hướng đến ngành nông nghiệp công nghệ cao với việc ứng dụng tiến bộ khoa học trong tất cả các khâu từ sản xuất giống, nuôi trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản, tiêu thụ… là mục tiêu mà tỉnh đang nỗ lực thực hiện. Qua đó, góp phần quan trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị, phát triển bền vững.

Nguyên Ngọc

Kỹ sư hàng hải lập nghiệp bằng... cây bưởi da xanh

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Rời thành phố Hồ Chí Minh khi đang có công việc ổn định, anh Nguyễn Văn Đảm trở về quê ở thôn Đức Long, xã Đắk Sắk (Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), để trồng bưởi da xanh hữu cơ. Lựa chọn này của anh Đảm đã khiến gia đình, bạn bè không khỏi ngỡ ngàng, nhưng nó lại mang đến thành công ngoài mong đợi...

Anh Nguyễn Văn Đảm (1981), tốt nghiệp kỹ sư hàng hải và theo nghiệp này 2 năm. Sau đó, anh chuyển buôn bán hàng hóa, trái cây xuất khẩu. Từ công việc này, anh Đảm nhận thấy bưởi da xanh có nhiều giá trị và thị trường xuất khẩu ưa chuộng, tiềm năng. Từ đó, anh bắt đầu tìm hiểu sâu những thông tin về bưởi da xanh. Anh còn đến những vườn bưởi quy mô lớn, nổi tiếng trong nước để tìm hiểu và học cách trồng bưởi.

Bưởi da xanh không hạt của anh Đảm

Thấy vùng đất ở thôn Đức Long, xã Đắk Sắk, có nhiều lợi thế, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây bưởi da xanh. Cẩn thận hơn, anh Đảm đã lấy mẫu đất, nước gửi đi kiểm tra và kết quả cho thấy đạt chuẩn, đủ điều kiện sản xuất bưởi da xanh hữu cơ. Anh chia sẻ: "Thông số kiểm tra cho thấy nhiều yếu tố thuận lợi để trồng bưởi da xanh, nhưng khi đi tham khảo người dân xung quanh, ai cũng can bảo trồng bưởi chua, không ngon. Dựa vào kết quả kiểm tra nước, đất và những kiến thức có được, tôi vẫn tin tưởng mình làm được".

Tháng 8/2015, anh Đảm mua 5 ha đất và bắt đầu trồng bưởi da xanh hữu cơ. Xác định từ đầu là sản xuất bưởi da xanh hữu cơ, nên anh để cho cỏ mọc tự nhiên trong vườn bưởi. Khi cỏ lên cao mới cắt bỏ để ủ làm phân bón cho bưởi. Để chăm sóc bưởi tốt, anh dùng vôi xịt lên cây hoặc treo long não để hạn chế côn trùng. Năm 2018, bưởi bắt đầu cho quả bói và anh Đảm đã gửi những quả bưởi mẫu đến các cửa hàng chuyên thu mua hoa quả trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh để kiểm tra chất lượng. Kết quả, bưởi da xanh của anh Đảm được bạn hàng hài lòng và đặt hàng mua với số lượng lớn.

Anh Đảm tự ủ phân theo hướng sinh học để bón cho cây

Cách làm nông nghiệp hạn chế tối đa phân, thuốc hóa học của anh Đảm được xem là điểm then chốt dẫn đến thành công, vì phù hợp với xu hướng hiện nay. Vùng nguyên liệu được anh Đảm áp dụng quy trình sản xuất bền vững, tạo hướng đi riêng để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, hướng tới thị trường, khách hàng cao cấp, xuất khẩu.

Sử dụng long não treo lên cây để đuổi côn trùng chích hút

Theo kinh nghiệm của anh Đảm, đối với các loại cây nông nghiệp, bộ rễ quan trọng nhất. Rễ tốt cây sẽ hấp thụ được nhiều chất từ đất. Do đó, cần phải xử lý đất tốt để tạo được rễ tốt cho cây và khi đó cây sẽ phát triển tốt, cho quả chất lượng cao. "Bưởi da xanh là loại cây khó tính, bưởi cho quả đẹp, nhưng chưa chắc đã bán được nếu bưởi không ngon, chua, hoặc sần sùi. Vì thế người trồng bưởi phải hiểu về bưởi mới làm được", anh Đảm tiết lộ.

Vườn bưởi 5 ha được anh Đảm trồng 1.500 cây và năm vừa qua mới cho thu bói, nhưng đã được khoảng 10 tấn quả. Anh Đảm dự đoán năm nay sẽ được khoảng 20-30 tấn quả trở lên. Bưởi da xanh hiện nay có giá bán trên thị trường vào khoảng từ 50.000-70.000 đồng/quả loại 1. Anh hy vọng trong thời gian tới sẽ tìm được thị trường đầu ra ổn định để yên tâm chăm sóc vườn bưởi một cách bài bản, khoa học hơn.

Thông thường, bưởi 8 tháng mới cho thu hoạch, nhưng vườn cây của anh Đảm hiện nay ra nhiều lứa khác nhau trong năm. Do đó trên cùng một cây bưởi, vừa có quả đã 5 tháng, quả 3 tháng, quả mới đậu hoặc đang ra hoa. Để tạo được cây bưởi như vậy, anh Đảm đã áp dụng kỹ thuật chăm sóc khá đặc biệt. Theo đó, mỗi năm cây bưởi có 4 - 5 đợt tháo đọt và đây cũng dịp anh can thiệp kỹ thuật để cho cây bưởi cho quả quanh năm. Cụ thể, vào mỗi kỳ bưởi tháo đọt, Đảm đều tạo hạn sinh lý bằng cách không tưới nước và tăng cường bồi bổ cho cây. Do đó, cây thường trổ hoa bất thường và cho quả vào các kỳ khác nhau.

Bài, ảnh: Đức Hùng

Hưng Yên: Lo lắng giữa mùa chuối ‘đắng’

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) hiện có trên 900ha trồng chuối chủ yếu là chuối tiêu hồng và chuối tây. Đây là một trong những loại cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện. Thế nhưng, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nông dân trên địa bàn huyện rất lo lắng vì giá chuối liên tục giảm mạnh. Nếu như trước tết, giá chuối đạt mức khá cao, từ 9.000 - 11.000 đồng/kg thì nay giảm chỉ còn từ 2.000 - 3.500 đồng/kg, thậm chí không có người mua.

Xã Đại Tập có gần 500 mẫu trồng chuối, hầu như hộ nào trong xã cũng trồng. Những năm trước, thời điểm này nông dân trong xã đang thu hoạch rộ, những chuyến xe ô tô vào ra chở chuối đi tiêu thụ khắp nơi nhộn nhịp suốt đêm ngày. Thế nhưng năm nay, khung cảnh trái ngược, những buồng chuối chín vàng, nứt vỏ vẫn còn nguyên trên cây, nông dân không muốn chặt về bởi không bán được.

Chị Phạm Thị Thủy ở thôn Ninh Tập, xã Đại Tập (Khoái Châu), người có nhiều năm kinh nghiệm trồng chuối cho biết: Gia đình tôi trồng 6 mẫu chuối (trong đó 5,5 mẫu chuối tây, còn lại là chuối tiêu hồng). Hiện nay, diện tích chuối tây của gia đình tôi đang cho thu hoạch rộ, hàng chục tấn chuối đang bắt đầu chín nhưng không có người mua. Trước đây giá chuối ở mức cao thì thương lái tìm đến vườn mua, nay thương lái dừng thu mua khiến cho toàn bộ số chuối tới lứa của tôi đành nằm lại ở ruộng.

Không chỉ chủ vườn, các thương lái mua đi bán lại cũng điêu đứng khi giá chuối giảm.

Chị Phạm Thị Thủy ở thôn Ninh Tập, xã Đại Tập (Khoái Châu) xót xa nhìn những buồng chuối chín không có thương lái đến thu mua

Ông Phạm Quý Hà ở thôn Chi Lăng, xã Đại Tập là một thương lái chuyên thu mua chuối của người dân địa phương để xuất bán đi Trung Quốc và các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ông Hà cho biết: Hiện tại, giá chuối chỉ bằng 1/3 cùng kỳ năm ngoái do các bạn hàng phía Trung Quốc đồng loạt thông báo ngưng nhập khẩu mặt hàng này, trong khi đó, nhiều tỉnh, thành phố cho học sinh, sinh viên nghỉ học nên lượng chuối tiêu thụ cho các bếp ăn tập thể cũng giảm mạnh. Hiện nay, tôi đang thu mua chuối cho nông dân với giá 2.000 đồng/kg chuối tiêu và 3.500 đồng/kg chuối tây. Dù giá thấp nhưng lượng mua cũng rất ít, thời điểm này năm ngoái, trung bình mỗi tháng tôi tiêu thụ cho nông dân trong xã từ 30 - 50 tấn chuối, nhưng hiện nay, số lượng giảm chỉ còn khoảng 2 tấn/tháng. Để tìm đầu ra cho chuối của bà con, tôi bỏ công và chi phí vận chuyển chuối đến các tỉnh như Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và bán lẻ cho người dân bằng giá thu mua của nông dân nhưng lượng tiêu thụ cũng rất chậm.

Những ngày này, tại xã Hùng An, “vựa” chuối của huyện Kim Động, nhiều nông dân đang gặp khó khăn do giá chuối liên tục giảm mạnh, việc tiêu thụ diễn ra không thuận lợi.

Gia đình ông Lương Văn Lại ở xã Hùng An trồng 10 mẫu chuối các loại, trong đó có hơn 1 mẫu đang vào thời kỳ thu hoạch. Trái ngược với niềm vui bán chuối Tết vừa qua, ông Lại đang đối mặt với nỗi lo giá chuối giảm mạnh và ế ngay tại ruộng.

Ông Lại than thở: “Từ đầu năm đến nay, giá bán chuối còn 4.000 đồng/kg đối với chuối tây và 2.500 - 3.000 đồng/kg chuối tiêu, giảm từ 40 – 50% so với thời điểm cuối năm ngoái (không tính chuối phục vụ Tết). Với mức giá này, mỗi cây chuối tôi phải bù lỗ từ 10.000 – 15.000 đồng. Giá thấp nhưng thương lái đến thu mua cũng rất ít, các điểm cân chuối cũng không thu gom số lượng lớn nữa. Nhiều hộ trồng chuối thu hoạch xong không biết bán cho ai, phải chất đống trong nhà và mang ra chợ bán lẻ để thu được đồng nào hay đồng đó”.

Đang vào vụ thu hoạch chuối, nhưng vợ chồng chị Trần Thị Oánh ở xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) như ngồi trên đống lửa. Bởi giá chuối bây giờ rất rẻ, tiêu thụ chậm và nhà chị còn trên 2 tấn chuối tây ngoài ruộng đã già quả...

“Trước Tết, bao nhiêu hàng cũng cân hết mà sau Tết thì gọi mãi cũng không thấy thương lái nào đến thu mua. Nhiều nhà để chuối chín trên cây rồi chặt về cho trâu, bò ăn dần. Cũng may là nhà tôi đã bán “vo” được trên 100 buồng từ hôm mùng 8 tháng Giêng với giá 100.000 đồng/buồng. Nhưng với tình trạng giá cả và đầu ra bấp bênh như thế này, tôi cũng sẽ giảm giá bán để san sẻ khó khăn với mối buôn”, chị Oánh cho biết.

Theo số liệu của Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hưng Yên hiện trồng khoảng 2.400ha chuối các loại, tăng 200ha so với năm 2019, tập trung chủ yếu tại thành phố Hưng Yên, các huyện Kim Động và Khoái Châu.

Qua tìm hiểu, các thương lái cho biết, phần lớn chuối trên địa bàn tỉnh trước đây được thu mua để xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến thị trường chuối xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh; các lễ hội trong cả nước tạm dừng tổ chức và học sinh nghỉ học… khiến lượng chuối tiêu thụ nội địa cũng giảm theo… Giá thấp, nhưng nhiều nông dân vẫn ngóng thương lái về thu mua, mong vớt vát được tiền công.

Trước thực trạng trên, người trồng chuối trên địa bàn tỉnh đang rất cần sự hỗ trợ của các ngành, các cấp để tìm đầu ra ổn định lâu dài, tránh tình trạng giá chuối bấp bênh như hiện nay.

Hương Giang - Dương Miền

Chuyển hướng thị trường tiêu thụ trái cây

Nguồn tin: Công Thương

Trước tác động của dịch bệnh Covid-19, hoạt động xuất khẩu các loại trái cây sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp chủ động nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, trái cây, đồng thời triển khai tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc... tạo thuận lợi thực hiện công tác chuyển hướng thị trường thay thế một cách hiệu quả, kịp thời.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời gian qua, dù đã có nhiều nỗ lực để chuyển đổi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bằng hình thức chính ngạch nhưng xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân tại các chợ biên giới vẫn là phương thức xuất khẩu chủ yếu đối với một số chủng loại nông sản của nước ta, trong đó có nhiều loại trái cây tươi. Việc chính quyền các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc xuất khẩu các loại nông sản này.

Cần đa dạng hóa thị trường tiêu thụ trái cây

Đến nay, lượng hàng hóa nông sản, trái cây được vận chuyển lên các cửa khẩu biên giới phía Bắc để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang ngày càng nhiều. Trước tình hình đó, để giảm thiểu tối đa những nguy cơ, tác động tiêu cực, đồng thời để có cơ sở điều hành kịp thời, hiệu quả hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây qua các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu biên giới đường bộ, đường sắt trên cả nước, Bộ Công Thương đã thường xuyên trao đổi với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để khẩn trương rà soát, thống kê cụ thể, chi tiết sản lượng từng loại hàng nông sản, trái cây đã, đang và sắp thu hoạch, tiêu chuẩn chất lượng, năng lực cạnh tranh của các loại hàng hóa nêu trên để đánh giá khả năng và xây dựng kế hoạch chuyển hướng tiêu thụ.

Bộ Công Thương cũng đã và đang tiếp tục các nỗ lực để tìm kiếm thị trường tiêu thụ, xuất khẩu mới, trong đó có việc chỉ đạo toàn bộ hệ thống Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tham gia tìm kiếm và giới thiệu khách hàng mới, góp phần thúc đẩy chuyển hướng thị trường thay thế trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời đánh giá lại tình hình và chủ động kế hoạch điều chỉnh sản xuất phù hợp với diễn biến dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, khuyến nghị người nông dân điều tiết sản lượng, ít nhất là không sử dụng các cách thức để gia tăng sản lượng, xem xét chuyển sang các loại nông sản khác dễ tiêu thụ hơn; tiếp tục phối hợp chủ động, tích cực và chặt chẽ với các địa phương trong việc khuyến nghị các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới, hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và đối tác phía Trung Quốc có khả năng nhận hàng; liên hệ với đối tác phía Trung Quốc để đàm phán chuyển đổi sang hình thức xuất khẩu chính ngạch và chủ động áp dụng các biện pháp sẵn sàng chuyển đổi như thay đổi dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm…

Đặc biệt, hiện nay, Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực tại các địa phương ưu tiên cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi cho các lô hàng sẵn sàng chuyển sang hình thức xuất khẩu chính ngạch.

Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp chủ động nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, trái cây, đồng thời triển khai tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, quy cách đóng gói (bao bì, nhãn mác) cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với các nước nhập khẩu để tạo thuận lợi cho các Bộ, ngành liên quan thực hiện công tác chuyển hướng thị trường thay thế một cách hiệu quả, kịp thời.

Bảo Ngọc

Trồng lúa bón sữa tươi, trứng gà dưới góc nhìn của các nhà khoa học

Nguồn tin: Lao Động

Xung quanh việc một nông dân ở An Giang trồng lúa bón sữa tươi, trứng gà thay cho phân thuốc, nhiều người bày tỏ ủng hộ, nhưng cũng không ít phản đối. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc làm này không khác hành động “ném tiền qua cửa sổ”...

Thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên - nhà nghiên cứu nông nghiệp độc lập ở Đồng Tháp - cho rằng biện pháp canh tác trồng lúa bón sữa tươi, trứng gà đang diễn ra ở An Giang là ý tưởng phi khoa học. Và vì thế theo thạc sĩ Tuyên không có cơ sở để bàn bạc về tính kinh tế như thông tin đã loan truyền.

“Trước hết, giá sữa tươi và trứng gà ở Việt Nam thuộc hàng cao của thế giới” - thạc sĩ Tuyên nhấn mạnh. Theo ông Tuyên, ở các nước Châu Âu giá sữa chỉ có 4.000 đồng/lít, trứng gà 5.000 đồng/chục, nhưng chưa có quốc gia nào dám làm như trường hợp này.

Ruộng lúa được cho là cho cây lúa “uống” sữa tươi và trứng gà". Ảnh: TL

Tuy nhiên theo thạc sĩ Tuyên, vấn đề đáng quan tâm hơn là cây lúa không thể hấp thu dưỡng chất từ 2 mặt hàng đắt đỏ này.

“Như đã phân tích trước đây, về mặt sinh học, thực vật không thể hấp thu trực tiếp protein của trứng gà và sữa mà phải trải qua quá trình phân hủy tự nhiên khá dài. Còn trong trường hợp cụ thể với cây lúa, thì bản thân protein của sữa tươi và trứng gà có kích thước phân tử rất lớn nên lá lúa không hấp thu được và rễ lại càng không thể hấp thu. Vì thế theo ông Tuyên, điều này chẳng khác gì ném tiền qua cửa sổ.

Cũng ý tưởng này, ông Võ Tòng Anh - nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp và Tài nguyên thiên nhiên (Đại học An Giang) - đề nghị xem xét lại việc bón vôi một cách cẩn trọng và thấu đáo. Theo ông Tòng Anh, các nghiên cứu cho thấy, mỗi năm, lũ Đồng bằng sông Cửu Long mang lại khoảng 200kg vôi/ha đất. Tuy nhiên, có thể do hệ thống đê bao kiểm soát lũ đang làm thay đổi đường đi, thời gian đi... của nước lũ, kéo theo sự thay đổi khả năng cung cấp lượng vôi đối với một số vùng đất đặc thù.

Ông Võ Tòng Anh (bìa trái ảnh) trong lần lấy mẫu đất ở vùng ĐBSCL. Ảnh: LT

“Tất nhiên việc bón vôi cho đất là tốt, bởi ngoài những nguyên tố đại lượng như NPK, cây trồng cũng cần nguyên tố trung lượng và vi lượng, trong đó có vôi” - ông Tòng Anh cho biết thêm.

Tuy nhiên, ông Tòng Anh cũng lưu ý, cơ quan chức năng cần có phân tích, đánh giá để người trồng lúa cân nhắc trước khi đi đến quyết định có nên tiêu tốn chi phí cho bón vôi hay không. Cũng như định lượng sẽ bón bao nhiêu để hài hòa nhu cầu thực tế và chi phí sản xuất tối thiểu thay cho việc áp dụng theo công thức “cứng” như đã khuyến cáo là: 16kg phân vôi, 2 trứng gà và 2 hộp sữa cho bình phun 25 lít.

LỤC TÙNG

Hậu Giang: Xuống giống hơn 5.100ha mía

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Thông tin từ ngành nông nghiệp tỉnh, đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống được hơn 5.100ha mía cho niên vụ 2019-2020. Hiện tại, mía chủ yếu ở giai đoạn mới đặt hom đến vươn lóng và tập trung ở huyện Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy, thành phố Vị Thanh. So với cùng kỳ năm trước thì diện tích mía đã xuống giống đang giảm khoảng 2.000ha. Theo lý giải của một số hộ dân trồng mía, nguyên nhân bà con chưa xuống giống cho niên vụ mới hoặc chuyển sang cây trồng khác thay cho cây mía là do tình hình giá mía thấp và kéo dài nhiều vụ liên tiếp, nông dân không có lời nên không còn mặn mà với cây mía.

Diện tích xuống giống mía cho niên vụ mới trên địa bàn tỉnh đang giảm mạnh.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, thông tin: Diện tích mía giảm chủ yếu ở huyện Phụng Hiệp và thành phố Vị Thanh. Trong đó, tại huyện Phụng Hiệp, hiện bà con chưa biết trồng cây gì nên đa phần còn để đất trống. Đối với thành phố Vị Thanh, nhiều nông dân đã chuyển sang trồng cây chanh không hạt, bắp, khóm… để thay thế cho cây mía. Nhằm giúp người trồng mía của tỉnh an tâm sản xuất, tới đây ngành nông nghiệp và UBND tỉnh sẽ có buổi làm việc với lãnh đạo công ty mía đường trên địa bàn tỉnh để tìm các giải pháp hỗ trợ cho nông dân trong niên vụ mía đang xuống giống.

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách để nông sản an toàn

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Trước yêu cầu về nâng cao chất lượng nông sản theo hướng sạch hơn, an toàn, nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã quan tâm đúng mức đến vấn đề sử dụng hợp lý, đúng cách thuốc bảo vệ thực vật.

Tổ hợp tác sản xuất bơ an toàn Đắk Mil (Đắk Mil) có 40 ha bơ đạt chứng nhận VietGAP

Yêu cầu về nông sản an toàn

Gia đình ông Nguyễn Sỹ Kỳ, thôn 7, xã Trường Xuân (Đắk Song) có gần 2 ha đất trồng cà phê, hồ tiêu, xen với cây ăn quả. Nếu như trước đây, ông có tâm lý sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật thì nay suy nghĩ của ông đã khác.

Ông Kỳ cho biết, thật ra do lo sợ sâu bệnh phát sinh gây hại nhiều nên cứ mùa mưa là ông mua các loại thuốc phòng, trừ về phun, xịt để cây không bị bệnh. Nhưng khoảng 3 năm nay, khi nhiều vườn hồ tiêu bị chết, giá cả nông sản xuống thấp, gia đình ông đã hạn chế hơn việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Kỳ nhấn mạnh “Do thị trường, người tiêu dùng người ta yêu cầu phải bảo đảm vấn đề an toàn sức khỏe, không dư lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản trong sản phẩm cũng là nguyên nhân để tôi thay đổi nhận thức để bán sản phẩm được giá cao hơn. Lý do nữa là nông sản xuống giá quá, nên nông dân lời lãi không là bao, lấy công bù lỗ, mà tiền mua thuốc bảo vệ thực vật cũng đâu có rẻ nên phải hạn chế đầu tư”.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, ông Kỳ lại nhìn nhận được một số vấn đề và đúc rút được không ít kinh nghiệm để hạn chế sâu, bệnh phát sinh trên cây trồng. Cụ thể, cứ đến mùa khô, ông lại rửa vườn 1 lần. Cùng với đó, trong canh tác ông chú ý nhiều hơn tới khâu làm đất, xử lý đất đai sạch trước khi xuống giống. Quá trình chăm sóc cây trồng, ông sử dụng nhiều hơn phân chuồng ủ hoai mục để tăng độ phì nhiêu. Chính vì thế vườn cây ít sâu bệnh, sản phẩm được nâng cao chất lượng do không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Gia đình ông Nguyễn Văn Khánh, thôn Tân Lợi, xã Đắk Gằn (Đắk Mil), hiện đang canh tác hơn 2 ha xoài, trong đó chủ yếu là xoài Đài Loan với tổng sản lượng khoảng 50 tấn/năm. Ông Khánh cho biết, gia đình ông đã trồng xoài hơn chục năm nay. Trước đây, gia đình ông còn lạm dụng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chưa tuân thủ chặt chẽ quy trình về cách ly sản phẩm, nên chất lượng không cao. Khi bán xoài ra thị trường, gia đình thường bị tư thương ép giá. Tuy nhiên, vài năm nay, ông và các hộ dân trong xã đã liên kết, thành lập hợp tác xã trồng xoài đạt tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) với tổng diện tích gần 20 ha. Theo đó, ông đã được tham gia nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn về các kỹ thuật của ngành chức năng về trồng, canh tác xoài theo hướng an toàn. Trong đó việc sử dụng các chất về bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, nấm, bệnh hạn chế được phần lớn.

Gia đình ông Nguyễn Văn Khánh, xã Đắk Gằn (Đắk Mil) sử dụng bao bọc quả để chăm sóc 2 ha xoài đạt tiêu chuẩn Viet GAP

Ông Khánh cho biết: Để hạn chế sâu bệnh tấn công, tạo mẫu mã đẹp, chúng tôi sử dụng màng bọc quả. Khi có sâu bệnh tấn công nhiều vẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng phải đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, phun đúng cách, đúng lúc, đúng liều lượng, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình cách ly cho đến khi thu hái sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm xoài có chất lượng cao hơn, bảo đảm an toàn thực phẩm, giá cả ổn định. Trung bình mỗi năm, gia đình thu lãi khoảng 400 triệu đồng/ 2 ha xoài.

Sử dụng theo "nguyên tắc 4 đúng"

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, khoảng 3 năm lại đây, nhận thức của nông dân về sử dụng hợp lý, đúng cách thuốc bảo vệ thực vật đã có sự chuyển biến rõ nét. Tâm lý lạm dụng các loại thuốc hóa học trong nông nghiệp đã không còn phổ biến. Thay vào đó, nhận thức về hạn chế, sử dụng đúng cách được người sản xuất nông sản quan tâm đúng mức. Từ cà phê, hồ tiêu đến trái cây, cây lương thực, rau, củ đã được nâng cao chất lượng theo hướng sạch hơn, an toàn thực phẩm hơn.

Bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết, thông qua các chương trình, dự án, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp Đắk Nông đẩy mạnh việc tập huấn, xây dựng các mô hình về sử dụng đúng cách thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, nội dung chính được đề cập đó là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo "nguyên tắc 4 đúng", gồm: Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp.

Toàn tỉnh đã hình thành, nhân rộng được nhiều chuỗi sản xuất nông sản an toàn theo VietGAP. Theo thống kê của các địa phương, hiện đã có 60 cơ sở được chứng nhận về nông nghiệp tốt của Việt Nam và quốc tế với tổng diện tích hơn 465 ha. Trong đó, trồng trọt 55 cơ sở, chăn nuôi 5 cơ sở. Thực tế những diện tích được sản xuất theo chứng nhận, đều được bao tiêu với giá cao hơn thị trường.

Hiện nay, ngành Nông nghiệp cũng vận động Nhân dân cân bằng sử dụng các sản phẩm nguồn gốc hữu cơ, sinh học. Việc sử dụng cân đối, hợp lý, đúng cách thuốc bảo vệ thực vật là một trong những nội dung quan trọng mà ngành Nông nghiệp, các địa phương và nông dân, doanh nghiệp chung tay thực hiện. Làm được điều này sẽ góp phần lớn vào bảo vệ được tài nguyên đất đai, nguồn nước, môi trường xung quanh, bảo vệ sức khỏe nông dân, người tiêu dùng, góp phần nâng cao chất lượng các nông sản chủ lực của tỉnh theo hướng an toàn…

Bài, ảnh: Hồng Thoan

Kiên Giang: Hàng trăm ha lúa Đông Xuân thiệt hại do xâm nhiễm mặn

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Kiên Giang

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, qua khảo sát, thống kê ban đầu, toàn tỉnh hiện có hơn 750 ha lúa Đông Xuân 2019 - 2020 bị thiệt hại do xâm nhiễm mặn, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Kiên Lương và Hòn Đất. Tại Kiên Lương, diện tích lúa trên địa bàn huyện này bị ảnh hưởng năng suất do nguồn nước bị nhiễm mặn khoảng 250 ha, tập trung trên địa bàn xã Bình Trị và xã Kiên Bình; mức độ giảm năng suất từ 30% - 70%.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết: Qua kiểm tra, nguyên nhân nguồn nước trên các kênh nội đồng bị nhiễm mặn do các cống ngầm nội đồng dưới đường kênh Lung Lớn thuộc ấp Song Chinh, xã Bình Trị địa phương quản lý chưa đảm bảo công tác vận hành, bảo trì, bảo dưỡng. Cửa cống không đảm bảo nên một số người dân tự ý mở cửa cống để lấy nước mặn qua cống vào các kênh nội đồng để phục vụ nuôi trồng thủy sản, gây nhiễm mặn các trà lúa trong khu vực. Ngoài ra, tại các khu vực này, diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn đan xen trong vùng trồng lúa còn nhiều. Việc người dân bơm xả trực tiếp nước mặn trong quá trình cải tạo ao nuôi ra các kênh nước ngọt chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Tại Hòn Đất, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện này cho biết diện tích lúa bị ảnh hưởng do nguồn nước nhiễm mặn khoảng 500 ha, tập trung địa bàn xã Bình Sơn, nhưng thực tế hiện nay con số này đã tăng lên khá nhanh đang được các địa phương thống kê mức độ thiệt hại. Chỉ tính riêng ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, diện tích lúa bị ảnh hưởng năng suất do nhiễm mặn là 568 ha.

Ông Lâm Chí Thành, Bí thư chi bộ, Trưởng ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất chia sẻ: “Tổng diện tích gieo trồng vụ lúa Đông Xuân 2019 - 2020 của ấp Vàm Rầy hơn 1.630 ha, thống kê ban đầu đến thời điểm này, diện tích lúa bị ảnh hưởng 568 ha, nhưng ước lượng chưa dừng lại, sẽ còn thiệt hại hơn nữa, mức độ thiệt hại từ 50% - 80%, có những trà lúa thiệt hại trắng. Hiện nay, nông dân đang tiến hành thu hoạch lúa chín được bao nhiêu thì được. Những diện tích trồng giống lúa Nhật, lúa T24 khả năng chống chịu hạn mặn thì có phần đỡ hơn, nhưng cũng đang bị ảnh hưởng khoảng 30% - 40% năng suất, bà con phun xịt thuốc dưỡng, bơm nước ngọt rửa mặn trong đồng cứu diện tích lúa còn lại còn lại.”

Bên trà lúa bị ảnh hưởng mặn thiệt hại nặng, ông Phạm Văn Rạng, ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất gượng cười cho biết: “Vụ Đông Xuân này tôi sản xuất 6 ha, bị nước mặn xâm nhiễm ước thiệt hại 40 - 50%. Vốn đầu tư đã bỏ ra mỗi ha 20 triệu đồng, chưa tính tiền công thu hoạch, bơm nước cứu lúa hiện nay thì vụ mùa này coi như không lời đồng bạc nào, thậm chí thua lỗ nặng.”

Tương tự, anh Châu Văn Tửng ở cùng địa chỉ trên đang thu hoạch những bông lúa còn sót lại trên đồng nhưng chất lượng hạt lúa không đảm bảo. Anh Tửng cho biết: “Vụ Đông Xuân này tôi gieo sạ 11 ha giống RBT, lúa phát triển tốt. Thấy ruộng thiếu nước, tôi và bà con ở đây bơm nước vào cho lúa làm đòng, trỗ bông nhưng đâu nghĩ là nước dưới kênh bị nhiễm mặn nồng độ cao. Vài ngày sau đó, thấy lúa héo xèo lá khác thường mới biết là nước mặn gây ra, hậu quả là khi lúa trỗ chín thất bát khoảng 70% - 80%. Hạt lúa chín còn lại phần lớn cũng bị “lừng”, không no chắc, sáng đẹp như mọi năm, bị thương lái chê, giá bán thấp. Vụ lúa chính này coi như lỗ trắng tay, còn lại bao nhiêu thu hoạch bấy nhiêu để kiếm lại chút đỉnh.”

Ghi nhận tại xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), nguyên nhân chính nguồn nước trên các kênh nội đồng bị nhiễm mặn do các khu vực này, diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn gips với kênh cấp nước ngọt cho vùng sản xuất lúa. Các ao nuôi trồng thủy sản tập trung ven biển, nhất là từ cống Vàm Rầy đến cống 286 thuộc ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn. Việc người dân bơm xả trực tiếp nước mặn trong quá trình cải tạo ao đầm nuôi tôm ra các kênh nước ngọt chưa được kiểm soát chặt chẽ đã gây nhiễm mặn trên các tuyến kênh nội đồng trong khu vực. Mặt khác, nước mặn từ biển rò rỉ qua các cửa cống làm cho nồng độ mặn dưới kênh tăng cao. Bà con nông dân trong vùng chủ quan, không đo độ mặn dưới kênh trước khi bơm vào đồng ruộng gây thiệt hại cho lúa.

Trước tình hình này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang đề nghị 2 huyện Kiên Lương và Hòn Đất tập trung thực hiện các giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng nguồn nước bị nhiễm mặn gây ra. Cụ thể là, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ những xã có diện tích nuôi trồng thủy sản thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn nước thải, chất thải từ các ao đầm nuôi thủy sản. Thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xả mặn trực tiếp từ các ao đầm nuôi thủy sản vào các kênh nước ngọt trong khu vực. Tuyên truyền vận động người dân kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm tưới. Hai huyện Kiên Lương và Hòn Đất phối hợp với Chi cục Thủy lợi Kiên Giang vận hành các cống để xả nguồn nước nhiễm mặn ra biển khi thủy triều xuống; khẩn trương kiểm tra, sửa chữa việc rò rỉ nước mặn vào của hệ thống cửa cống thủy lợi đảm bảo an toàn khi triều cường lên; kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp tự ý vận hành các cống thủy lợi để lấy nước mặn vào kênh nội đồng./.

Lê Huy Hải

Phú Yên: Nông dân trồng sắn gặp khó vì bệnh khảm lá

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Nông dân xã An Hòa Hải (huyện Tuy An) thu hoạch sắn. Ảnh: LÊ TRÂM

Hiện nông dân trong tỉnh Phú Yên đang thu hoạch rộ sắn niên vụ 2019-2020, tuy nhiên trong thời gian sinh trưởng sắn gặp nắng hạn và bệnh khảm lá vi rút gây hại nên ít củ. Cùng với thu hoạch, nông dân trồng vụ sắn mới thì bệnh khảm lá tiếp tục gây bệnh. Đây là năm thứ 3 liên tiếp bệnh khảm lá gây hại cây trồng này.

Diện tích tăng, năng suất giảm

Ông Nguyễn Văn Tấn ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) cho hay: Tôi trồng 1ha sắn nhưng thời gian qua gặp nắng hạn nên sắn chết gần một nửa; diện tích còn lại thu hoạch được 5 tấn, tôi bán xô cho thương lái tại ruộng với giá 1.600 đồng/kg. Giá sắn tươi hiện nay bán tại nhà máy là 1.900 đồng/kg loại 30 chữ bột, nhưng sắn vụ này khó đạt được độ bột như vậy nên tôi bán tại ruộng.

Còn ông Bùi Văn Tiến ở xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa) thu hoạch 1,8ha sắn nhưng chỉ cân được 20 tấn. “Thường năng suất sắn vùng này trung bình đạt 21 tấn/ha, nhưng do nắng hạn cộng với bệnh khảm lá gây hại nên năng suất giảm. Vụ này nhà tôi mất gần 10 tấn sắn củ”, ông Tiến nói.

Bà Trần Thị Hiền, nông dân trồng sắn xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh) cho biết: Mấy năm trước, đất gò đồi nhà tôi trồng mía nhưng do mía hạ giá nên tôi chuyển sang trồng sắn. Mới đây, tôi thu hoạch 0,5ha sắn, được 6 tấn, giảm một nửa so với năm ngoái. Nguyên nhân là do sắn trồng gặp nắng hạn kéo dài 7 tháng, cây sắn chậm phát triển, khi gặp mưa thì sắn lại bị khảm lá, đọt xoăn, củ nhỏ.

Ông Nông Văn Trình, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây cho hay: Vùng trồng sắn của xã trên gò đồi không có nước tưới nên phụ thuộc vào thời tiết. Năm qua, nắng hạn kéo dài nên sắn không phát triển, một số diện tích bị khảm lá dẫn đến năng suất giảm mạnh, nông dân thất thu.

Trong khi đó, theo báo cáo của Sở NN-PTNT, niên vụ sắn 2019-2020, nông dân tỉnh trồng hơn 28.180ha, tăng 14,2% so với niên vụ trước, năng suất 20,8 tấn/ha, chỉ giảm 1,2% so với năm 2018. Cũng niên vụ sắn 2019-2020, toàn tỉnh có 4.015ha sắn bị nắng hạn mất trắng.

Bệnh khảm lá đeo bám cây sắn

Thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, hiện bệnh khảm lá virus gây hại với diện tích hơn 1.600ha, trong đó nhiễm nặng gần 325ha tập trung ở huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh. Đây là năm thứ 3 liên tiếp bệnh khảm lá virus gây hại vùng trồng sắn trong tỉnh. Tại huyện Đồng Xuân, bệnh khảm lá vi rút gây hại lây lan với diện tích 744ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 238ha, giai đoạn cây con phát triển thân, lá.

Ông Bùi Văn Tứ, Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Đồng Xuân cho hay: Bệnh khảm lá vi rút gây hại vùng trồng sắn tại các xã trên địa bàn huyện là do nông dân sử dụng giống sắn đã nhiễm bệnh. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã tuyên truyền vận động người dân không sử dụng giống nhiễm bệnh để trồng. Khi sắn nhiễm bệnh, trước mắt phải tiêu hủy.

Tại huyện Sơn Hòa, bệnh khảm lá vi rút gây hại lây lan với diện tích 150ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 20ha, giai đoạn cây con phát triển thân, lá, tập trung tại các xã Krông Pa, Ea Chà Rang, Suối Trai, Sơn Phước, Sơn Hội, Phước Tân, Cà Lúi, Sơn Nguyên, Suối Bạc và thị trấn Củng Sơn. Còn tại huyện Sông Hinh, bệnh khảm lá vi rút gây hại lây lan lên đến 650ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 50ha, tập trung tại các xã Đức Bình Đông, Ea Ly, Ea Lâm, Ea Bá, Ea Bia, Ea Bar, Ea Trol và thị trấn Hai Riêng.

Trước tình hình bệnh khảm lá vi rút đeo bám, nông dân chuyển sang trồng loại cây khác. Ông Phan Văn Long ở xã Hòa Phú (huyện Tây Hòa), chia sẻ: Năm rồi tôi trồng sắn nhưng do nắng hạn, bệnh khảm lá đeo bám cây sắn dẫn đến thất thu nên năm nay chuyển sang trồng đậu phộng, bắp.

Theo kế hoạch của Sở NN-PTNT, niên vụ sắn 2020-2021, diện tích sắn toàn tỉnh là 26.710ha. Đến thời điểm hiện nay, nông dân trồng hơn 13.050ha, giảm 4,5% so với cùng kỳ vụ trước. Số diện tích sắn giảm, nông dân chuyển sang trồng 1.180ha bắp, tăng 2,61%; đậu phộng 285ha, tăng 3,07%.

TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Hiện nay, bệnh khảm lá sắn tiếp tục phát sinh và gây hại trong niên vụ mới. Diện tích sắn khi bị bệnh khảm lá gây hại thì không cho năng suất, thiệt hại lớn về kinh tế. Do đó, các địa phương cần tuyên truyền, vận động nông dân không sử dụng giống sắn đã bị nhiễm bệnh từ vụ trước, giống từ vùng bị nhiễm bệnh để trồng mới; đồng thời vận động nông dân tiêu hủy những cây sắn có biểu hiện bệnh khảm lá, phun trừ bọ phấn trắng ngừa lây lan.

MẠNH LÊ TRÂM

Giá vịt hơi giảm

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Do lượng nguồn cung tăng, giá vịt hơi (vịt ta) tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL giảm mạnh từ 5.000-8.000 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tháng.

Chăn nuôi vịt tại một hộ dân ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Ở TP Cần Thơ và các tỉnh: Hậu Giang, An Giang… giá vịt hơi loại 1 (vịt ta, lông trắng) còn ở mức 50.000-52.000 đồng/kg; vịt hơi loại 2 có giá khoảng 45.000-48.000 đồng/kg. Giá vịt giảm do nguồn cung nhiều vì thời gian qua nông dân tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL phát triển nuôi vịt và gần đây vịt tại nhiều hộ chăn nuôi tới lứa xuất bán. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thịt vịt tại nhiều địa phương vẫn ở mức bình thường, thậm chí có phần chậm so với trước. Thời điểm này, hộ dân nuôi vịt cũng có tâm lý muốn xuất bán đàn vịt sớm nhằm giảm thiểu các rủi ro do dịch bệnh.

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG

Hỗ trợ người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Trước bối cảnh giá và sức mua sụt giảm, các cựu sinh viên cùng cán bộ, sinh viên Trường đại học (ĐH) Nông lâm, ĐH Huế mở chiến dịch hỗ trợ người chăn nuôi vịt tiêu thụ sản phẩm.

Am hiểu về nghề nên các thành viên nhóm hỗ trợ người chăn nuôi sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết

Những ngày qua, chiến dịch hỗ trợ người chăn nuôi vịt được mở ra, giúp người chăn nuôi vịt tại Huế bán hàng trăm con vịt mỗi ngày, hạn chế thua lỗ.

Anh Hồ Hoàng Sơn, cựu sinh viên Trường ĐH Nông lâm, thành viên nhóm cho biết, là những người làm trong ngành chăn nuôi thú y, gặp tình cảnh người chăn nuôi gặp khó, ban đầu các anh em trong nhóm chỉ có ý định kêu gọi bạn bè, người thân tiêu thụ giúp.

“Ngày đầu chúng tôi hỗ trợ họ bán được hơn 120 con vịt, đến ngày thứ hai thì người đặt hàng lên đến 400 con. Thấy hiệu quả nên chúng tôi mở chiến dịch giúp người chăn nuôi”, anh Sơn nói.

Theo đại diện nhóm hỗ trợ người chăn nuôi, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sinh viên nghỉ học chưa đến Huế, nhiều người cũng dè chừng trong việc mua sắm thực phẩm nên sức tiêu thụ giảm sút, giá cả giảm sâu. Trong khi đó, trung bình một đàn vịt từ khi nuôi đến thời điểm xuất bán là khoảng 50 ngày. Đối với các hộ chăn nuôi vịt lớn, cứ một nghìn con vịt thì mỗi ngày tốn khoảng 2 triệu đồng tiền thức ăn.

“Ban đầu, chúng tôi liên hệ thương lái giúp, nhưng họ cũng giảm buôn. Giá bán trước đây khoảng 145.000 – 150.000 đồng/con (khoảng 3 – 3,5kg) nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 90.000 – 100.000 đồng/con. Với giá này, người chăn nuôi có thể đã lỗ 5.000 – 10.000 đồng/con. Nhưng nếu không tiêu thụ được, chi phí nuôi vịt tăng lên thì nguy cơ lỗ càng cao", anh Sơn khẳng định.

Từ nhóm thành viên ở Huế, hiện nay, mạng lưới hỗ trợ các hộ chăn nuôi tiêu thụ vịt đã lan tỏa ra các tỉnh, thành từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, chủ yếu là lực lượng cựu sinh viên Trường ĐH Nông lâm, giúp các trang trại lớn theo hình thức là bán vịt lông hay vịt thịt, kêu gọi thương lái hỗ trợ mua với giá cao nhất có thể.

Đại diện nhóm cho biết, nguồn đầu vào của vịt được kiểm tra kỹ, hơn nữa các thành viên trong nhóm đa phần là bác sĩ thú y, làm việc trong ngành chăn nuôi thú y, am hiểu về công tác kiểm dịch. Đối với vịt mổ, sẽ chuyển đến lò mổ của tỉnh để kiểm tra chất lượng trước khi đóng gói, giao hàng, đảm bảo thực phẩm trước khi ra thị trường.

Chị Hoàng Thị Thủy Trang, hộ chăn nuôi vịt ở xã Phong An (huyện Phong Điền) tâm sự: “Nhờ nhóm hỗ trợ người chăn nuôi, số vịt trong trang trại tôi đã cơ bản bán gần hết, giảm bớt những gánh nặng, khó khăn. Họ làm với mục đích lấy công giúp người chăn nuôi chứ không phải thương lái mua bán kiếm lời”.

Đại diện nhóm hỗ trợ người chăn nuôi tại Huế chia sẻ, do lực lượng có hạn trong khâu nhận và giao hàng, nên mỗi ngày chỉ giúp người chăn nuôi bán khoảng 150 con vịt thịt và 300 – 500 con vịt lông, theo hình thức cuốn chiếu từng trang trại. Dự kiến khi giá cả ổn định, sẽ kết thúc chiến dịch.

Kêu gọi giúp người chăn nuôi, theo các thành viên trong nhóm, công việc này khá vất vả và căng thẳng do phải sắp xếp thời gian giữa công việc riêng và giúp người dân. Và dù đây là việc làm ý nghĩa, nhưng không mong muốn có thêm những trường hợp cần hỗ trợ, bởi lẽ với những người dân cần giúp đỡ hay “giải cứu” là họ đang rơi vào tình cảnh rất khó khăn.

PGS. TS. Nguyễn Xuân Bả, Trưởng khoa Chăn nuôi – Thú y, Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế cho rằng, chiến dịch hỗ trợ người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm rất ý nghĩa. Từ những trang trại nuôi công nghiệp bán đàn, các thành viên nhóm hỗ trợ người nông dân chuyển sang bán con, tiêu thụ nhỏ lẻ nhưng đã phần nào giải quyết được đầu ra trong bối cảnh khó khăn. Sinh viên tham gia chiến dịch cũng đã hiểu thêm về chuỗi cung, chuỗi giá trị, những kiến thức, thông tin cần thiết trong ngành chăn nuôi.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

Sông Cầu (Phú Yên): Nuôi chồn hương cho thu nhập cao

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Bà Diệp Thị Nguyên Mai, cán bộ Trạm Khuyến nông Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) cho biết, mô hình hỗ trợ nuôi chồn hương sinh sản ở thôn Triều Sơn, xã Xuân Thọ 2 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang phát huy hiệu quả. Trong đó, hộ ông Nguyễn Thanh Hải, một trong sáu hộ tham gia mô hình, nuôi hiệu quả nhất, mỗi năm có thể thu được hơn 100 chồn con, bán với giá 2 triệu đồng/con 2-3 tháng tuổi.

Trước đó, cuối năm 2016, ông Hải cùng với 5 hộ dân khác tại thôn Triều Sơn được UBND xã Xuân Thọ 2 chọn tham gia thực hiện mô hình nói trên. Mỗi hộ được Nhà nước hỗ trợ 4 con chồn giống, gồm 1 con đực và 3 con cái. Sau thời gian nuôi, từ năm 2019 đến nay, đàn chồn hương của gia đình ông Hải đã phát triển được 4 con chồn đực giống và 12 con chồn cái, mỗi năm chồn cái sinh sản 3 lứa, mỗi lứa từ 3-5 con.

Hiện nay nhu cầu mua chồn giống rất mạnh, nông dân ở huyện Đồng Xuân, Tuy An, TX Sông Cầu tìm đến mua. Khi cung cấp giống cho người mua, ông Hải đã không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm nuôi, tận tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, bởi không tốn nhiều công lao động, chi phí đầu tư và rủi ro ít.

LÊ TRÂM

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop