Tin nông nghiệp ngày 03 tháng 04 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 03 tháng 04 năm 2021

Trồng rau màu trong mùa khô hạn

Nguồn tin: Báo Long An

Sau khi thu hoạch vụ rau màu phục vụ tết, nông dân trên địa bàn tỉnh Long An tiếp tục chuẩn bị đất và xuống giống vụ rau màu mới nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đến thời điểm này, nhiều diện tích đã bắt đầu cho thu hoạch và đạt năng suất cao.

Giá nhiều loại rau màu đang ở mức cao

Ngay sau vụ dưa hấu tết, ông Lê Minh Hùng, ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, dọn đất để xuống giống vụ kế tiếp. Ông Hùng cho biết: “Vụ này, nếu có sự chuẩn bị kỹ từ khâu làm đất, chăm sóc, chủ động nguồn nước tưới thì năng suất không kém vụ Đông Xuân”. Theo kinh nghiệm trồng dưa hấu nhiều năm, ông Hùng cho biết, vụ này muốn đạt năng suất cao phải phơi đất thật kỹ trước khi xuống giống để hạn chế mầm bệnh. “Để chuẩn bị sẵn sàng và chủ động nguồn nước tưới trong thời gian khô hạn và xâm nhập mặn, ngay từ đầu vụ, tôi chủ động trữ nước trong ao và dẫn nước vào các rãnh để trữ nước ngọt” - ông Hùng chia sẻ.

Được biết, trong vụ dưa cùng thời điểm vào năm trước, mặc dù hạn, mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều diện tích lúa cũng như hoa màu trên địa bàn huyện Tân Trụ nhưng nhờ chủ động trữ nước ngay từ đầu vụ mà ruộng dưa của gia đình ông không bị thiếu nước tưới. Vụ dưa hấu năm trước của gia đình ông đạt năng suất trên 2,5 tấn/1.000m2.

Năm nay, theo dự báo, diễn biến thời tiết vẫn khó lường và phức tạp, nhất là tình hình hạn, xâm nhập mặn có thể tác động đến hoạt động sản xuất rau màu trên địa bàn tỉnh. Do đó, không riêng những hộ trồng dưa hấu mà các loại rau màu khác cũng cần theo dõi thông tin về diễn biến thời tiết, độ mặn cũng như sự phát triển của vườn rau, chủ động chuẩn bị nguồn nước tưới và chăm sóc thường xuyên.

Ông Nguyễn Văn Hiệu, ngụ xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, cho biết, ông chuyên trồng rau màu với diện tích khoảng 0,5ha để cung ứng cho các chợ nông sản tại địa phương và chợ đầu mối tại TP.HCM, với chủ yếu là các loại rau: Cải xanh, cải ngọt, hành lá, rau cần,... Khoảng 2 tuần nữa, những liếp cải bẹ xanh, cải ngọt của gia đình ông sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên từ sau tết. Thông thường, thương lái sẽ đến tận vườn để thu mua.

Ngoài các loại cải, vụ này, ông Hiệu sẽ trồng thêm đậu bắp vì loại này có khả năng chịu hạn khá tốt, khi cây phát triển thì có thể cách 1-2 ngày mới cần tưới 1 lần, giá bán đậu bắp khá ổn định, ít khi xuống dưới mức 7.000 đồng/kg. Vào mùa nắng nóng, giá thu mua các loại rau màu nói chung cũng cao hơn nên nông dân có thu nhập khá. Hiện nay, giá nhiều loại rau màu đang ở mức cao, cụ thể: Hành lá từ 15.000-18.000 đồng/kg; cải ngọt, cải bẹ xanh từ 20.000-22.000 đồng/kg, đậu bắp từ 21.000-22.000 đồng/kg, dưa leo từ 18.000-24.000 đồng/kg,... Nhiều người trồng rau cho biết, vào mùa nắng nóng, rau thường đạt năng suất cao hơn từ 1,5-2 lần so với mùa mưa. Vì vậy, chỉ cần chủ động trữ nước để bảo đảm nguồn nước tưới thì hiệu quả vụ rau màu mùa khô sẽ rất cao.

Dưa hấu phát triển tốt trong mùa khô

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc cho biết: Đến thời điểm hiện tại, diện tích xuống giống trên địa bàn trên 1.400ha rau màu các loại, tập trung ở các xã: Phước Hậu, Phước Lâm, Mỹ Lộc,... Trước tình hình thời tiết

nắng nóng dự báo còn kéo dài, khả năng mặn xâm nhập trong thời gian tới, người dân cần trữ nước ngọt để tưới cho rau màu. Đối với những diện tích chuẩn bị xuống giống cần làm đất kỹ, bón đầy đủ các loại phân hữu cơ để cải tạo đất và sử dụng màng phủ nông nghiệp để hạn chế thoát nước, giữ ẩm tốt cho cây, bảo đảm cho rau màu phát triển trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài.

“Ngoài ra, một số sâu, bệnh có khả năng gây hại trong lúc nắng nóng, khô hạn như bọ trĩ, bọ nhảy, ruồi đục trái,... Vì vậy, nông dân cần thường xuyên theo dõi để phát hiện và phòng trị kịp thời. Theo đánh giá của ngành chức năng, trồng rau màu trong mùa khô hạn năm nay, người sản xuất thu được hiệu quả cao hơn hẳn trồng lúa. Mặc dù phụ thuộc nhiều vào thời điểm thu hoạch và thị trường tiêu thụ nhưng người dân vẫn thu lợi nhuận từ 20-50 triệu đồng/ha, tùy theo chủng loại. Trong đó, nhóm cho hiệu quả kinh tế cao nhất vẫn là nhóm rau ăn lá, còn nhóm rau ăn quả, ớt, dưa hấu tuy thu nhập không bằng nhưng vẫn cao hơn lúa” - ông Quốc cho biết thêm.

Đây là cơ sở để nông dân trên địa bàn tỉnh có nhiều lựa chọn tích cực hơn trong chuyển đổi sản xuất, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai trong tương lai theo định hướng của tỉnh nhằm mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân./.

Bùi Tùng

Hiệu quả liên kết sản xuất - tiêu thụ chanh GlobalGAP

Nguồn tin: Báo Long An

Giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất, chuyển từ canh tác truyền thống sang ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) tiên tiến, nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh của nông sản, tạo đầu ra ổn định cho nông sản,... là hiệu quả từ việc liên kết sản xuất - tiêu thụ chanh GlobalGAP mang lại trong thời gian qua.

Thay vì trồng chanh theo phương thức truyền thống, ít ứng dụng KHKT như nhiều nông dân khác ở địa phương, anh Huỳnh Hậu Tiến, ngụ xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An mạnh dạn liên kết với Công ty (Cty) TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ sản xuất chanh theo tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất sang thị trường châu Âu ngay từ những ngày đầu chuyển đổi 10ha đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng chanh. Theo đó, trên diện tích 10ha đất trồng chanh, anh Tiến tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu từ khâu chọn giống, triển khai trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Trong đó, anh đặc biệt chú ý áp dụng kỹ thuật trồng thưa, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng phân bón, thuốc hóa học, thay vào đó là tăng cường sử dụng thuốc sinh học và phân hữu cơ,… góp phần bảo đảm cho trái chanh không tồn dư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đủ tiêu chuẩn, chất lượng xuất khẩu sang thị trường châu Âu - một trong những thị trường khó tính của thế giới.

Hiện nay, Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ đang liên kết thu mua hơn 1.000ha chanh, trong đó có 200ha chanh sản xuất theo hướng GlobalGap, số còn lại sản xuất theo quy trình TFA

Nhờ áp dụng các tiến bộ KHKT theo tiêu chuẩn sản xuất GlobalGAP giúp vườn chanh của anh Tiến hạn chế sâu, bệnh, cây phát triển tốt, đạt năng suất 25 tấn/ha/năm, cao hơn bên ngoài 5 tấn/ha/năm. Chưa dừng ở đó, khi áp dụng tiến bộ KHKT theo tiêu chuẩn sản xuất GlobalGAP còn kéo dài tuổi thọ cây chanh lên 10 năm; đồng thời, thay đổi tư duy sản xuất của nông dân. Anh Tiến bộc bạch: “Trồng chanh theo tiêu chuẩn GlobalGap, bình quân mỗi hécta, tôi chỉ trồng 450 gốc (ở ngoài là 600-700 gốc); được Cty cử đội ngũ kỹ sư xuống hướng dẫn, chăm sóc vườn chanh thường xuyên và hỗ trợ xây dựng nhà kho, hố xử lý chanh bệnh,…Trong thời kỳ hội nhập, để được ổn định về đầu ra nông sản, trong đó có cây chanh thì đòi hỏi nông dân phải đặt chất lượng và an toàn, vệ sinh thực phẩm lên trên hết. Vì vậy, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là điều kiện bắt buộc đối với nông dân hiện nay và cả trong tương lai”.

Vốn là “tay ngang” chuyển đổi từ đất trồng mía cho năng suất, lợi nhuận thấp sang trồng chanh, anh Lê Văn Đặng, ngụ xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, không khỏi bỡ ngỡ, thậm chí không dám đầu tư mạnh. Thế nhưng, từ khi ký kết hợp đồng liên kết với Cty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ, anh lại trở thành nông dân giỏi ứng dụng KHKT vào sản xuất chanh. Nhìn vườn chanh của anh Đặng trái sum suê, xanh mượt, không tìm thấy vết tích của sâu, bệnh, cành vượt, cành khô, thậm chí trái hư, trái thối,… càng minh chứng cho sự liên kết hiệu quả này.

Anh Huỳnh Hậu Tiến sản xuất 10ha chanh theo hướng GlobalGAP, góp phần tạo ra sản phẩm sạch, tăng sức cạnh tranh trên thị trường

Anh Đặng chia sẻ: “Sau khi liên kết, cán bộ Cty đồng hành trong tất cả các khâu sản xuất, nhất là đầu ra sản phẩm ổn định, bán giá cao hơn thị trường từ 3.000-4.000 đồng/kg, lợi nhuận tăng thêm 15-20% so với trước đây. Ngoài ra, gia đình tôi cũng mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng mía kém hiệu quả còn lại sang trồng chanh. Giờ đây, kinh tế gia đình ổn định, đời sống không ngừng nâng lên, tất cả là nhờ cây chanh”.

Hiện diện tích liên kết sản xuất - tiêu thụ chanh theo tiêu chuẩn GlobalGAP giữa nông dân Long An và Cty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ khoảng 200ha. Đến cuối năm 2021, diện tích này sẽ tăng lên 260ha và tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Trưởng vùng nguyên liệu Cty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ - Hồ Vũ Khanh thông tin: “Hiện nay, Cty liên kết thu mua hơn 1.000ha chanh, trong đó có 200ha chanh sản xuất theo hướng GlobalGap, số còn lại sản xuất theo quy trình TFA. Dự kiến hàng năm, Cty sẽ tăng thêm 30% diện tích trồng chanh theo hướng GlobalGap tại Long An. Thông qua liên kết giữa Cty và nông dân, Cty sẽ góp phần thay đổi tư duy sản xuất cho nông dân, hướng đến sản xuất sạch, tránh lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, thay vào đó hướng đến thị trường châu Âu. Sau thời gian liên kết, tất cả người dân tham gia liên kết đều chấp hành tốt quy trình sản xuất của Cty đưa ra, nhất là chưa có nông dân nào bỏ liên kết”.

Có thể thấy, mô hình liên kết giữa Cty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ và nông dân trồng chanh trên địa bàn tỉnh đang mang lại nhiều hiệu quả và đầy tiềm năng, góp phần cho tỉnh phát triển mô hình gắn với Đề án Ứng dụng công nghệ trong sản xuất cây chanh, thúc đẩy mặt hàng nông sản của địa phương ngày càng phát triển nhanh, bền vững./.

Lê Ngọc

Bến Tre: Châu Thành phun chế phẩm sinh học phòng trừ sâu đầu đen

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) Dương Văn Phúc vừa chủ trì cuộc họp với các ngành có liên quan của tỉnh, huyện và Trường Đại học Cần Thơ về triển khai phun xịt thử nghiệm chế phẩm sinh học phòng trừ sâu đầu đen tại vườn dừa của 2 hộ dân ở xã Hữu Định và Phước Thạnh.

Bắt sâu đầu đen sau khi đã phun xịt chế phẩm sinh học.

Trước đó, vào trung tuần tháng 3-2021, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cùng với Hội Nông dân huyện phối hợp với TS. Phạm Kim Sơn - Phó trưởng bộ môn Bảo vệ thực vật Trường Đại học Cần Thơ khảo sát thực tế, lấy mẫu, nghiên cứu và tiến hành phun thử nghiệm chế phẩm sinh học phòng trừ sâu đầu đen trên 30 cây dừa ở xã Hữu Định. Sau khi phun, sâu có dấu hiệu hoạt động yếu đi, bò ra khỏi tổ và chết từ từ. Ngày 30-3-2021, TS. Phạm Kim Sơn cùng đoàn công tác của huyện tiếp tục phun xịt thử nghiệm tại vườn dừa của 2 hộ dân ở xã Hữu Định và Phước Thạnh.

Tại vườn dừa của ông Trần Văn Cẩn ở ấp Hữu Nhơn, xã Hữu Định, hơn 1,7 công dừa khoảng 15 năm tuổi đã bị sâu đầu đen phá hoại hết phân nửa. Nếu như trước đây, thu nhập khoảng 2 - 3 triệu đồng/tháng thì nay chỉ còn 1 triệu đồng. Ông Cẩn cho biết, nếu không cứu kịp thời thì sắp tới vườn dừa sẽ mất trắng. Từ khi bị sâu đầu đen đến nay ông chưa phun xịt loại thuốc nào, do tuổi già không có công lao động. Nhìn vườn dừa bị sâu phá hoại, ông chạnh lòng, vì đây là nguồn thu nhập của gia đình. Được đoàn chọn vườn dừa để phun thử nghiệm ông rất phấn khởi và phối hợp tốt với đoàn để phun xịt có hiệu quả.

Theo TS. Phạm Kim Sơn, đây là chế phẩm sinh học từ thực vật, không mùi, an toàn cho người nông dân. Qua thử nghiệm trong phòng nhận thấy, chế phẩm này có hiệu quả đối với sâu đầu đen, tỷ lệ chết cao nên phối hợp với địa phương tiến hành thử nghiệm thực tế trên vườn dừa. Để phun xịt chế phẩm có hiệu quả, khâu pha trộn trong nước phải đúng quy trình; chế phẩm cần được hòa tan trong nước, sau đó phun xịt trên tán lá. Lưu ý phun ướt đẫm trên tán lá mới hiệu quả, nếu phun sương hiệu quả không cao.

Hiện nay, sâu đầu đen đã lây lan nhanh ra các xã Hữu Định, Phước Thạnh, An Hóa, An Khánh, Tam Phước, với diện tích 92,8ha, có 156 hộ bị ảnh hưởng, trong đó diện tích nhiễm nặng 21ha, người dân đã tiêu hủy 708 cây dừa.

Ngành nông nghiệp huyện đang tiếp tục theo dõi các vườn dừa sau phun xịt để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nông dân cũng như đồng hành cùng các chuyên gia phát huy hiệu quả các đề tài nghiên cứu để phun xịt trên diện rộng, giúp nông dân diệt sâu đầu đen, cứu vườn dừa.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

Đồng Tháp: Bảo vệ vườn cây ăn trái mùa nắng nóng

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Hiện tại, thời tiết đang vào mùa nắng nóng cao điểm, đây là điều kiện thuận lợi cho một số sâu, bệnh trên cây ăn trái phát triển. Nhằm đảm bảo sản xuất đạt hiệu quả, hiện nay, các ngành chức năng cùng nhà vườn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đang triển khai nhiều biện pháp chăm sóc vườn cây và quản lý các đối tượng dịch hại.

Nông dân Lai Vung tích cực chăm sóc vườn cây có múi

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đồng Tháp, toàn tỉnh có tổng diện tích trồng cây ăn trái hơn 33.310ha. Thời điểm hiện tại, trên các diện tích cây ăn trái chủ yếu xuất hiện các loại sâu đục cành, bệnh thán thư, cháy lá, bệnh loét... gây hại rải rác hoặc ở mức nhẹ.

Lai Vung được xem là địa phương trồng cây ăn trái trọng điểm của tỉnh, với diện tích canh tác hơn 6.700ha, trong đó loại cây có múi chiếm hơn 60%. Hiện nay, thời tiết đang vào mùa nắng nóng kéo dài, phần nào gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển cây trồng.

Theo ông Trần Văn Danh ngụ xã Tân Thành, huyện Lai Vung, do thời tiết nắng nóng nên để đảm bảo sự phát triển cho 4.500m2 quýt hồng, ông sử dụng nhiều loại thuốc chủ yếu gốc sinh học để bón cho cây. Cùng với đó, áp dụng các biện pháp ngăn ngừa trị bọ trĩ, nhện đỏ. Để đảm bảo canh tác đạt hiệu quả, ông Danh chọn cách tưới dưới gốc cây giúp cho bộ rễ mạnh, chọn thời điểm tưới thích hợp vào buổi sáng để cây thoát nước tốt và không bị oi nước...

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, để đảm bảo đủ lượng nước tưới cho các diện tích sản xuất nông nghiệp, huyện cũng chủ động trong việc đầu tư nạo vét các tuyến kênh, mương nội đồng. Ông Huỳnh Văn Tồn - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung cho biết: “Để bảo vệ vườn cây ăn trái mùa nắng nóng, nhất là thời điểm các diện tích quýt hồng chuẩn bị tưới ra hoa cho vụ mùa Tết, nông dân cần chú ý về các thông tin diễn biến của thời tiết. Cụ thể, nếu nhiệt độ 35 - 36 độ thì không nên tưới ra hoa vì thời điểm nắng nóng quá, cây sẽ khó thụ phấn, rụng bông. Nông dân phải tích cực chăm sóc bón phân, chú ý sử dụng hữu cơ, phủ thảm cỏ cho gốc cây; tưới nước đủ ẩm; đào tầng đất xem nước tưới đến rễ nhằm tránh tình trạng thiếu nước cho cây. Cùng với đó, phải chú ý phòng, ngừa các loại sâu bệnh bằng các loại phân bón hữu cơ...”.

Châu Thành cũng là địa phương trọng điểm của tỉnh về canh tác cây ăn trái, với hơn 7.000ha, trong đó tập trung trồng nhiều loại cây như: nhãn, thanh long, sầu riêng... Vào mùa nắng nóng, cây thanh long là cây trồng bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết. Ông Trần Văn Tuấn - Giám đốc Hợp tác xã Thanh long Hội quán cho biết: “Vào mùa nắng nóng, cây thanh long dễ mẫn cảm với các loại dịch bệnh nên nông dân tập trung lưu ý việc đảm bảo sử dụng phân bón sao cho phù hợp. Trong đó, chú trọng sử dụng các loại phân hữu cơ nhằm đảm bảo cho cây khỏe, hạn chế sâu bệnh. Bên cạnh đó là giữ nguồn nước giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt. Nông dân cũng cần thường xuyên thăm vườn để phát hiện sâu, bệnh kịp thời nhằm có biện pháp phòng, tránh”.

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Châu Thành, trong mùa nắng nóng, cây thanh long dễ bị bệnh thối cành, thán thư, đốm trắng, đốm nâu, rệp sáp... Để hạn chế dịch bệnh, nông dân cần chăm sóc, bón cân đối phân NPK, không nên bón thừa đạm; sử dụng các loại phân bón có hàm lượng lân, canxi, magie cao để phun định kỳ. Đồng thời, ở những cành thanh long bị bệnh nặng cần tỉa bỏ cành và tiêu hủy để ngăn ngừa sự lây lan, tiến hành phun thuốc trừ bệnh. Có thể sử dụng một số loại thuốc trừ vi khuẩn thông thường có trong danh mục cho phép sử dụng và tuyệt đối đảm bảo thời gian cách ly.

Trang Huỳnh

Bình Thuận: Nông dân Đức Linh phấn khởi vì điều trúng mùa được giá

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Hiện nông dân trên địa bàn huyện Đức Linh (Bình Thuận) đang bước vào vụ thu hoạch điều. Năm nay do thời tiết thuận lợi nên hầu hết diện tích điều của nông dân đều trúng mùa. Bên cạnh đó, giá điều năm nay cũng ở mức cao nên các nhà vườn rất phấn khởi.

Người trồng điều ở xã Trà Tân phấn khởi vì điều trúng mùa.

Những năm gần đây, người trồng điều trên địa bàn huyện thường xuyên khốn đốn bởi những cơn mưa trái mùa khiến năng suất hạt điều chỉ đạt từ 8 tạ đến 1 tấn/ha. Vì mưa trái mùa làm cho cây điều bị khô đen bông, rụng trái non… Nhưng năm nay người trồng điều rất phấn khởi, khi từ cuối năm 2020 đến nay trên địa bàn huyện chỉ xuất hiện một số cơn mưa rào không đáng kể, nên cây điều đậu nhiều trái, hứa hẹn cho năng suất cao.

Anh Nguyễn Văn Hưng ở xã Trà Tân cho biết, với lượng điều như hiện tại, năm nay hơn 1 ha điều của anh có thể cho thu hoạch khoảng 2,5-3 tấn. Vụ điều năm nay còn kéo dài đến cuối tháng 4 do bông còn tươi và vẫn đang đậu hạt. Còn Ông Trương Thanh ở xã Đông Hà cho biết, mặc dù ông không tưới nước trong lúc điều ra hoa nhưng vườn điều của ông cũng đậu trĩu hạt. Ước tính hơn 2 ha điều của ông có thể cho thu hoạch được trên 6 tấn.

Điều khiến người nông dân phấn khởi hơn, đó là giá điều năm nay cũng ở mức cao. Hiện giá điều thu tại các đại lý từ 29.000 – 30.000 đồng/kg. Theo một số đại lý thu mua, giá điều thô đầu vụ thường không ổn định và có thể tăng khi điều vào chính vụ thu hoạch. Bởi sau nhiều vụ thất mùa do thời tiết diễn biến phức tạp nên nhiều nhiều người đã chặt điều để chuyển sang trồng một số cây công nghiệp khác, vì vậy diện tích giảm nhiều. Diện tích giảm dẫn đến sản lượng giảm, không đủ cung cấp cho các doanh nghiệp nên buộc giá thu mua phải tăng cao để kích cầu.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đức Linh, toàn huyện có khoảng 9.000 ha cây điều. Với năng suất và giá điều ngày càng được cải thiện, diện tích cây điều ở địa phương có thể sẽ tăng trong những năm tới. Đây là tín hiệu cho thấy cây điều đang dần hồi sinh sau nhiều năm bị thu hẹp diện tích.

Bảo Linh

Thông tin Trung Quốc cấm nhập khẩu ớt Việt Nam không chính xác

Nguồn tin:  Báo Chính Phủ

Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) vừa có thông tin chính thức về việc Hải quan Thâm Quyến thông báo về việc cấm nhập khẩu ớt của Việt Nam.

Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan Trung Quốc) khẳng định hình ảnh “văn bản” trên là giả mạo.

Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này đã nhận được hình ảnh “văn bản” của Hải quan Thâm Quyến thông báo về việc cấm nhập khẩu ớt của Việt Nam từ ngày 1/4/2021 theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã khẩn trương làm việc, xác minh thông tin với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu).

Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu khẳng định hình ảnh “văn bản” trên là giả mạo, không phải do phía Hải quan Trung Quốc ban hành. Ngoài ra, nội dung trong hình ảnh “văn bản” trên có nhiều lỗi về thể thức và ngôn ngữ, nhận định sơ bộ có dấu hiệu chỉnh sửa hình ảnh.

Mặc dù vậy, Bộ Công Thương cũng thông tin thêm, hoạt động xuất khẩu ớt sang thị trường Trung Quốc từ tháng 5/2020 cũng đang gặp vướng mắc về kiểm nghiệm, kiểm dịch. Bộ NN&PTNT đang chủ trì làm việc với phía Trung Quốc để thống nhất phương án tháo gỡ các vướng mắc nêu trên nhằm đưa hoạt động xuất khẩu sản phẩm ớt Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trở lại bình thường.

Phan Trang

Hiệu quả từ mô hình nuôi hươu sao ở huyện Mang Yang, Gia Lai

Nguồn tin: VOV

Mô hình giúp người dân trên địa bàn, nhất là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi phương thức sản xuất để phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống.

Dù mới được triển khai nhưng mô hình nuôi hươu sao lấy nhung và sinh sản ở huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai đã đem lại những hiệu quả bước đầu rất khả quan. Mô hình này còn giúp người dân trên địa bàn, nhất là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi phương thức sản xuất để phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống.

Ông Vũ Văn Dân, tổ dân phố 4, thị trấn Kon Dỡng là một trong những hộ gia đình trong diện được huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai hỗ trợ nuôi hươu sao. Ông Dân cho biết, ông được cấp 2 hươu sao đực và 1 hươu cái từ tháng 6 năm ngoái để nuôi dưỡng. Được sự giúp đỡ của cán bộ chuyên môn cùng với kinh nghiệm học hỏi trong quá trình chăm sóc, đến nay hươu nuôi sinh trưởng phát triển tốt, hươu bắt đầu sinh sản và cho lấy nhung thời điểm đầu.

“Chăm sóc hươu con cũng dễ vì nó chỉ ăn cỏ voi, lá mít, lá sung. Mỗi buổi sáng cần khoảng 30 phút để chăm sóc. Vào mùa mưa cỏ tốt thì chỉ mất khoảng 10 phút cắt cỏ bỏ vào cho nó ăn cả ngày. Khi hươu lên nhung cho ăn bổ sung thêm chuối ngô, bắp, mì để việc lên nhung hiệu quả hơn”, ông Dân chia sẻ.

Người dân ở huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai bước đầu thành công trong việc nuôi hươu sao.

Mặc dù mới triển khai, thế nhưng các hộ gia đình đều đã có sản phẩm nhung hươu cắt bán và có hươu sinh sản. Gia đình anh Nông Văn Đạo, trú tại làng Đê Bơ Tưk, xã Đăk Jơ Ta, huyện Mang Yang là một điển hình. Theo anh Đạo, trước đây gia đình từng nuôi dê, bò thế nhưng vật nuôi hay bị bệnh, giá cả lại bấp bênh. Anh Đạo nhận định nuôi hươu sao bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của người dân, nhất là trong vùng dân tộc thiểu số và sẽ tạo sinh kế lâu dài cho bà con để ổn định cuộc sống.

ADVERTISEMENT

“Gia đình cảm ơn Nhà nước đã quan tâm đem mô hình nuôi hươu sao này xuống cho bà con. Mô hình nuôi hươu sao rất hiệu quả vì gia đình nuôi chưa được 1 năm đã thu được 2 đợt nhung và sinh sản thêm 1 con hươu con. Gia đình đang muốn sau này mở rộng thêm, tái tạo đàn cho nhiều thêm để làm mô hình cho tất cả bà con ở đây học tập, làm theo”, anh Đạo bày tỏ.

Ông Trần Nam Danh, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai cho biết, mô hình nuôi hươu sao được thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ của huyện và một phần vốn từ người dân. Với 5 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ, mô hình bước đầu đã phát huy hiệu quả, giúp người dân tạo ra sinh kế và có đời sống khá giả từ việc nuôi hươu sao.

“Khi thực hiện dự án này, huyện cũng đã liên kết với các hợp tác xã để khi có sản phẩm nhung sẽ trực tiếp tiêu thụ cho người dân yên tâm. Trong thời gian vừa qua, người dân đã thực hiện mô hình nuôi hươu rất có hiệu quả nên bà con rất phấn khởi, đề xuất nhân rộng mô hình này ngày càng phát triển trên địa bàn huyện”, ông Danh nói./.

Hoàng Qui/VOV-Tây Nguyên

Giá thức ăn liên tục tăng, người chăn nuôi gặp khó

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

Chỉ trong vòng 5 tháng, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 5 lần. Điều này khiến người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đứng ngồi không yên.

Thời điểm này, giá các loại gia súc, gia cầm (trừ thịt heo) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chỉ nằm ở mức trung bình, một số loại ở mức thấp khiến người chăn nuôi thua lỗ. Đã vậy, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng đẩy giá thành sản xuất tăng theo khiến người nuôi đã khó càng thêm khó.

THÊM ÁP LỰC

Chúng tôi tìm về “thủ phủ” nuôi heo ở xã Xuân Đông (huyện Chợ Gạo), lúc cao điểm, toàn xã có khoảng 50.000 con heo. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi (DTHCP) nên đàn heo của xã hiện chỉ còn hơn 6.000 con. Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã “treo” chuồng, trong đó có một số hộ đã chuyển sang nuôi gà để duy trì kinh tế gia đình.

Dẫn chúng tôi đi thực tế tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã, cán bộ thú y xã Xuân Đông cho biết, lúc cao điểm toàn xã có khoảng 800 hộ chăn nuôi heo, song hiện chỉ còn khoảng 200 hộ. Riêng chăn nuôi gà thịt phát triển mạnh trên địa bàn xã với khoảng 500 ngàn con.

Giá thức ăn tăng đang gây khó cho người chăn nuôi.

Trước đây, gia đình ông Trần Văn Thương (ấp Tân Ninh, xã Xuân Đông) chủ yếu chăn nuôi heo. Do ảnh hưởng của DTHCP, hiện ông chỉ còn nuôi 4 con heo nái để gầy đàn lại. Để duy trì kinh tế gia đình, ông đã đầu tư nuôi gà tre lấy thịt. Hiện đàn gà của ông có 8.000 con. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khiến gia đình ông cũng như nhiều hộ chăn nuôi khác trên địa bàn gặp không ít khó khăn.

Ông Thương cho biết: “Gà tre nuôi khoảng 100 ngày là xuất chuồng. Với giá bán 70.000 đồng/kg như hiện tại, nếu nuôi đạt, 1.000 con gà sẽ cho lợi nhuận khoảng 8 triệu đồng. Song thức ăn tăng giá làm mất đi nguồn lợi nhuận của người chăn nuôi”. Cũng theo tính toán của ông Thương, với việc giá thức ăn tăng như thời gian qua, trung bình 1 con heo thịt đến lứa xuất chuồng, người nuôi phải tốn thêm khoảng 500 ngàn đồng.

Cũng tại ấp Tân Ninh, anh Lê Văn Nhơn nuôi khoảng 16.000 con gà tre lấy thịt. Theo anh Nhơn, năm vừa qua, phong trào nuôi gà phát triển mạnh ở địa bàn xã, trong khi đó giá gà ở mức thấp khiến người nuôi không có lãi, thậm chí thua lỗ. Trước đây, đàn gà của anh ăn thức ăn Cargill. Song, do từ cuối năm 2020 đến nay giá thức ăn tăng khoảng 4 - 5 lần làm chi phí đầu vào tăng cao, để giảm giá thành, anh Nhơn đã mua một máy ép và nguyên liệu như: Cám, bắp, đậu nành… để tự sản xuất thức ăn cho đàn gà. Anh dùng thức ăn tự sản xuất pha trộn với thức ăn Cargill để cho gà ăn.

Để giảm giá thành chăn nuôi, anh Nhơn đã mua nguyên liệu về để sản xuất thức ăn cung cấp cho đàn gà.

Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang Nguyễn Minh Thuần cho biết, từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng. Thêm vào đó, giá các sản phẩm gia cầm đang ở mức thấp nên người nuôi bị thua lỗ. Riêng giá heo vẫn ở mức cao nên không thấy bị tác động nhiều từ giá thức ăn. Tuy nhiên, đối với những hộ không nuôi heo nái thì việc tái đàn cũng gặp khó do giá thành sản xuất quá cao cộng với việc tiềm ẩn nhiều rủi ro.

GIÁ SẼ TIẾP TỤC TĂNG

Có khoảng 35 năm trong nghề nuôi heo, ông Nguyễn Hữu Phước (xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây) cho biết, từ trước Tết Nguyên đán 2021 đến nay, giá thức ăn cho heo liên tục tăng. Công ty sản xuất, kinh doanh thức ăn cho biết, nguyên liệu đầu vào tăng 30% dẫn đến công ty phải tăng giá bán. Khoảng 20 ngày nay, giá thức ăn tiếp tục tăng từ 10.000 - 12.000 đồng/bao 25 kg (tùy loại). “Hiện heo giống tại trại có giá khoảng 4 triệu/con 20 kg.

Trung bình, mỗi con heo đến lứa xuất chuồng phải tốn thêm 3 triệu đồng tiền thức ăn, tiêm phòng. Với giá heo từ 7 - 7,2 triệu đồng/tạ như hiện nay, người nuôi có nguy cơ thua lỗ nên không dám tái đàn. Do đó, muốn giảm giá thành, người nuôi phải tự tạo nguồn con giống, sau đó nuôi thành heo thương phẩm lúc đó mới có lãi cao” - ông Phước cho biết thêm.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo, hiện đàn heo ở huyện khoảng 52.000 con, đàn gia cầm (kể cả chim cút) khoảng 8,2 triệu con (tăng hơn 2 triệu con so với cùng kỳ năm trước). Thời gian qua, qua nắm bắt thông tin, giá thức ăn tăng do giá nguyên liệu sản xuất tăng. Mặt khác, khi người chăn nuôi thua lỗ, nợ tiền các điểm cung cấp thức ăn nên các cửa hàng, đại lý thức ăn bán tăng giá để bù vào tiền lãi.

Còn theo anh Lê Văn Tùng, nhân viên kinh doanh Công ty TNHH JAPFA Comfeed Việt Nam trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, từ tháng 5-2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng 6 lần, trong đó từ tháng 11-2020 đến nay tăng 5 lần. Trung bình, giá thức ăn dành cho heo tăng hơn 55.000 đồng/bao 25 kg, thức ăn cho gia cầm tăng hơn 40.000 đồng/bao 25 kg (mỗi lần tăng giá từ 5.000 - 10.000 đồng/bao tùy theo công ty). Nguyên nhân giá thức ăn tăng là do nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ, Argentina… ở mức cao.

Anh Tùng cho biết thêm, với giá bán các sản phẩm gia cầm và giá thức ăn như hiện nay, khả năng người nuôi bán, giảm đàn chiếm khoảng 30% - 40%. Riêng đối với gà thịt, khả năng người nuôi không tái đàn sẽ chiếm tỷ lệ cao. Trong 2 tháng tới, dự báo giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng và tăng cao hơn những lần trước.

TRỌNG ĐẠT

Chăm sóc vật nuôi khi thời tiết thay đổi

Nguồn tin: Báo Thái Bình

Những ngày qua thời tiết thay đổi, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có mưa phùn kéo dài, độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút phát triển, gây bệnh cho đàn vật nuôi. Để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, người dân các địa phương trên địa bàn tỉnh đang áp dụng đồng bộ các biện pháp.

Người dân cần thường xuyên kiểm tra, tu sửa chuồng trại, tránh để ẩm ướt khiến vật nuôi bị lạnh.

Chăn nuôi tổng hợp từ nhiều năm nay, gia đình ông Bùi Văn Bốn ở thôn Kiến Xá, xã Nguyên Xá (Vũ Thư) luôn chú trọng chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi nhằm hạn chế tối đa thiệt hại trong chăn nuôi. Ông Bốn cho biết: Gia đình tôi hiện nuôi 50 con bò, hàng trăm con gà. Xung quanh chuồng nuôi được trang bị các tấm bạt che chắn khi thời tiết thay đổi, tránh được mưa tạt, gió lùa nên gia súc, gia cầm không bị lạnh. Bên cạnh đó, tôi cũng thường xuyên thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi để không ảnh hưởng tới sức khỏe của vật nuôi. Hàng ngày tôi chú ý theo dõi các bản tin dự báo thời tiết, kịp thời nắm thông tin, từ đó điều chỉnh việc chăm sóc cũng như chế độ dinh dưỡng cho phù hợp. Khi có thông báo của địa phương về việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi, tôi đều chấp hành đầy đủ.

Từ cuối tháng 2/2021, trên địa bàn tỉnh phát sinh bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò. Tính đến hết ngày 25/3, dịch bệnh đã phát sinh tại 88 hộ chăn nuôi thuộc 27 xã, thị trấn của 8 huyện, thành phố. Số bò mắc bệnh là 143 con trong tổng đàn 406 con trâu, bò của 88 hộ nuôi; số bò chết đã tiêu hủy là 5 con với tổng trọng lượng là 937kg. Một trong những nguyên nhân gây bệnh được xác định do vật chủ trung gian gồm các loài côn trùng chân đốt như ruồi, muỗi, ve, mòng mang mầm bệnh. Thời tiết hiện nay đang mưa ẩm là điều kiện để các loài côn trùng phát triển mạnh, trong khi chuồng nuôi, bãi chăn thả trâu, bò tại nhiều địa phương chưa bảo đảm an toàn sinh học khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh ngày càng cao. Vì vậy, người chăn nuôi trâu, bò trong tỉnh đang quyết liệt thực hiện các biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại để tiêu diệt mầm bệnh.

Ông Nguyễn Đức Canh ở thôn Vạn Lập, xã Hồng Giang (Đông Hưng) cho biết: Hiện gia đình tôi nuôi 7 con bò sinh sản. Sau khi biết thông tin trên địa bàn xã phát sinh bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, tôi đã thường xuyên vệ sinh chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi, thu gom phân thải, luôn giữ cho nền chuồng khô ráo, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, phun thuốc khử trùng 2 lần/tuần, đồng thời phun thuốc tiêu diệt ruồi, muỗi, ve, mòng. Khi thời tiết mưa ẩm như hiện nay, tôi không chăn thả bò ra đồng, thực hiện nuôi nhốt tại nhà, chú trọng chế độ chăm sóc nuôi dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho đàn bò.

Hiện nay, tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh hơn 56.000 con, đàn lợn gần 700.000 con, đàn gia cầm hơn 14 triệu con. Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, để giảm thiểu thiệt hại trong chăn nuôi do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, người chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi. Về chuồng trại, thường xuyên kiểm tra, tu sửa, tránh để ẩm ướt, khi nhiệt độ môi trường xuống thấp cần bổ sung thêm chất độn chuồng hoặc sưởi để giữ ấm cho vật nuôi; thường xuyên khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm để hạn chế sự tồn lưu của mầm bệnh; vệ sinh, sử dụng hóa chất và vôi bột khử trùng, tẩy uế chuồng trại, máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi. Kiểm tra thức ăn khi cho vật nuôi ăn, loại bỏ những bao thức ăn bị ẩm mốc, khử trùng nguồn nước bảo đảm cung cấp nguồn nước sạch cho vật nuôi. Về chăm sóc nuôi dưỡng, người dân cần cung cấp đầy đủ thức ăn sạch, dễ tiêu, bảo đảm chất lượng và chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng lứa tuổi của vật nuôi; cung cấp đủ nước uống sạch, bổ sung thêm vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa... cho gia súc, gia cầm để nâng cao sức đề kháng. Bên cạnh đó, người dân cần đặc biệt quan tâm đến công tác thú y, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm theo đúng lịch trình phòng bệnh để tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi; hàng ngày thu gom phân, chất thải về đúng nơi quy định và xử lý. Thường xuyên kiểm tra đàn vật nuôi, nếu phát hiện sớm những biểu hiện bất thường như uể oải, ủ rũ, kém ăn hoặc nghi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cần cách ly ngay và thông báo cho chính quyền địa phương để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh.

Thanh Huyền

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop