Tin nông nghiệp ngày 03 tháng 06 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 03 tháng 06 năm 2021

Bình Dương: Các hợp tác xã nông nghiệp chuyển biến mạnh mẽ, tích cực

Nguồn tin:  Báo Bình Dương

Trong những năm qua, kinh tế tập thể (KTTT) trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có những chuyển biến mạnh mẽ và đạt những kết quả bước đầu trên tất cả các lĩnh vực, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mô hình trồng cây có múi của HTX Dân Tiến (xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên) cho hiệu quả cao

Liên kết để phát triển

Khu vực KTTT, nòng cốt là hợp tác xã (HTX) của tỉnh đã có những chuyển biến mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động, quy mô, được thể hiện qua số lượng thành viên và phạm vi hoạt động của HTX. Sản xuất, kinh doanh của khu vực KTTT, HTX đạt hiệu quả, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, KTTT chiếm 0,22% trong cơ cấu tổng sản phẩm của tỉnh. Trong đó, đáng chú ý là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đang có sự chuyển dịch mạnh theo hướng đa dạng hóa các ngành nghề, dịch vụ, bảo đảm sản phẩm sạch, hữu cơ và đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhiều HTX có các sản phẩm tham gia chương trình OCOP và đạt tiêu chuẩn từ 3 sao đến 4 sao…

Đến nay, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có 65 HTX, với 942 thành viên, tổng vốn hoạt động hơn 179 tỷ đồng. Trong đó, trồng trọt 14 HTX, chăn nuôi 6 HTX, tổng hợp 45 HTX. Doanh thu bình quân của 1 HTX là 2.676 triệu đồng, lãi bình quân của 769 triệu đồng, thu nhập bình quân của lao động 72 triệu đồng/năm. Có 11 HTX hoạt động hiệu quả theo Luật HTX năm 2012, các HTX nông nghiệp đều áp dụng sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, hữu cơ). Tiêu biểu như HTX cây ăn quả Tân Mỹ có ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Co.opmart, Co.opFood; HTX Nông nghiệp Nhân Đức có đầu tư hệ thống điện, máy bơm làm dịch vụ tưới tiêu cho các thành viên, được chứng nhận sản xuất hữu cơ; HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất dưa lưới và có liên kết tiêu thụ với Công ty TNHH Bình An (Hà Nội), HTX Năm Hạng áp dụng công nghệ cao Organic…

Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc HTX Dân Tiến (xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên), cho biết trước đây bà con nông dân sản xuất nhỏ lẻ, chưa tận dụng hết tiềm năng. Do đó, người nông dân muốn sống được thì cách duy nhất là liên kết, tham gia HTX. HTX là cầu nối cho việc tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho thành viên, tăng thu nhập, góp phần ổn định sản xuất và phát triển kinh tế hộ thành viên. Ngoài ra, để HTX phát triển vững mạnh, bản thân ông Tiến không ngừng nỗ lực tìm tòi, học hỏi thêm nhiều kỹthuật trồng cây ăn trái cho năng suất, hiệu quảcao đểphổbiến lại cho các thành viên trong HTX. Đồng thời ông cũng đầu tư thêm máy móc, hướng dẫn thành viên tiếp cận, áp dụng khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất. Nhờ đó, chất lượng bưởi, cam, quýt của HTX luôn đạt chất lượng, giá cả ổn định, góp phần tăng thu nhập cho thành viên.

Thời gian qua, các HTX trong tỉnh tiếp tục được củng cố và chú trọng chấn chỉnh nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, từng bước khắc phục tồn tại. Tuy nhiên, vẫn còn một số HTX đã ngưng hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả vẫn chưa làm các thủ tục giải thể, việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu, sự liên doanh, liên kết, hợp tác giữa các HTX còn yếu. Quy mô sản xuất nhỏ, lẻ, hiệu quả thấp, không có tích lũy để tái sản xuất; sử dụng nguồn lao động chưa nhiều, giải quyết việc làm cho lao động chưa ổn định, còn mang tính thời vụ, thu nhập các thành viên, người lao động trong một số HTX còn thấp...

Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT, nhất là đối với HTX nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Xây dựng vàphát triển mô hình KTTT, HTX nhanh và bền vững; phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống thành viên; phát triển thành viên thông qua thu hút ngày càng nhiều nhân dân, hộ kinh tế cá thể và tổ chức tham gia KTTT, HTX. Khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển HTX kiểu mới, tác động trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh của kinh tế thành viên; tăng cường tính tự chủ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của HTX, nâng cao hơn nữa vai trò của HTX đối với phát triển, bảo đảm an sinh xã hội...

Đồng bộ các giải pháp

Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ giúp các HTX đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho người lao động. Tuy các cơ chế chính sách đã ban hành kịp thời, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện chưa thực sự tạo động lực thúc đẩy KTTT phát triển do vướng các thủ tục, chưa phù hợp thực tế, việc thẩm định đơn giá tài sản thế chấp theo quy định còn thấp… Ông Nguyễn Huỳnh Thanh, Giám đốc Trang trại Tám Thanh (xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên), cho biết thời gian qua, trang trại được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ trong thủ tục cấp giấy chứng nhận VietGAP. Tuy nhiên, khi tiếp cận được vốn vay ưu đãi rất khó khăn, phải qua nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian và phải thế chấp tài sản tương ứng.

Theo lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, trong giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung một số giải pháp, như: Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn Luật HTX xã năm 2012, nâng cao năng lực nguồn nhân lực HTX… Tuyên truyền và tạo sự nhận thức đầy đủ, đúng đắn và thống nhất về bản chất, mô hình HTX kiểu mới trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của KTTT, HTX. Mặt khác, chấn chỉnh tổ chức HTX hiện có và hướng dẫn HTX mới thành lập hoạt động theo đúng Luật HTX năm 2012. Vận động giải thể hoặc chuyển hình thức xuống tổ hợp tác, thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp đối với những HTX không thể tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012. Nghiên cứu đề xuất để ban hành thêm các chính sách mang tính địa phương để tiếp tục hỗ trợ phát triển KTTT phùhợp với nhu cầu, điều kiện và trình độ phát triển của các HTX, phù hợp với khả năng nguồn lực của ngân sách.

Mặt khác, ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp trong khu vực KTTT, HTX, như hỗ trợ vốn vay ưu đãi, phát triển khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản. Đồng thời, đánh giá lại các mô hình KTTT có hiệu quả để có cơ sở nhân rộng trên địa bàn; lựa chọn một số HTX có quy mô phù hợp để hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết chuỗi với doanh nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021- 2025. Theo đó, các HTX, liên hiệp HTX đang hoạt động, hoạt động kém hiệu quả hoặc có nhu cầu phát triển, mở rộng; HTX, liên hiệp HTX được thành lập từ việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách; người dân có nhu cầu thành lập tổ chức KTTT được địa phương hỗ trợ, tư vấn xây dựng hoặc sửa đổi điều lệ; hướng dẫn và thực hiện các thủ tục sắp xếp, củng cố lại tổ chức, hoạt động cho phù hợp với các quy định hiện hành.

Tổ chức KTTT, HTX có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, thực hành sản xuất xanh, OCOP được hỗ trợ kinh phí tham gia các hội chợ, triển lãm, diễn đàn trong và ngoài nước; chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc; xây dựng một số trung tâm xúc tiến thương mại…

THOẠI PHƯƠNG

Vĩnh Long: Nông dân lao đao vì xoài Đài Loan rớt giá

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Những ngày qua, các nhà vườn trồng xoài Đài Loan đang gặp nhiều khó khăn do giá bán liên tục xuống thấp.

Nông dân xã Thạnh Quới chuẩn bị đem xoài bán.

Xoài Đài Loan chỉ còn 1.000- 2.000 đ/kg

Hiện, xoài Đài Loan loại I giá 2.000 đ/kg (bán tại vựa) trong khi cùng kỳ năm trước từ 5.000- 7.000 đ/kg. Theo nhiều tiểu thương thu mua xoài ở huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long), do các công ty, doanh nghiệp đang gặp khó trong việc xuất khẩu nên giá xoài Đài Loan liên tục giảm.

Những hộ trồng xoài Đài Loan tại xã Thạnh Quới cho biết, hiện nay giá xoài xuống thấp và không có thương lái tới mua, nên nhà vườn phải tốn thêm chi phí thuê vận chuyển đến các vựa trái cây tận huyện Cái Bè (Tiền Giang) và huyện Châu Thành (Đồng Tháp) để bán.

Theo dự đoán của các nhà vườn, giá xoài Đài Loan sẽ tiếp tục ở mức thấp khi tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Lê Văn Thơm (ấp Hòa Thạnh, xã Thạnh Quới) đúng lúc gia đình ông đang thu hoạch vườn xoài Đài Loan 4 năm tuổi.

Ông Thơm cho biết, đây là năm thứ 2 cây cho trái. Ông Thơm tâm sự: “Tuần rồi, tôi chở xoài đi lên xã An Phú Thuận (Châu Thành, Đồng Tháp) để bán, chủ vựa mua xoài loại I 2.000 đ/kg, còn xoài loại II chỉ 1.000 đ/kg. Bán hơn 2 tấn xoài chỉ được 2,5 triệu đồng, trong khi tiền thuê xe hết 700.000đ”.

Cách nhà ông Thơm không xa, vườn xoài Đài Loan của gia đình anh Biện Công Hùng cũng đang vào vụ thu hoạch.

Anh Hùng nói với giọng trầm buồn: “Vụ xoài này, tôi và mấy người cùng xóm ai cũng lỗ hết. Chi phí đầu tư, công chăm sóc nhiều mà giá rẻ quá, nên mấy ngày nay vợ chồng tôi hái xoài đem đến Khu công nghiệp Hòa Phú bán với giá 4.000 đ/kg, mỗi ngày bán chỉ được vài chục ký”.

Toàn huyện Long Hồ hiện có hơn 200ha trồng xoài Đài Loan, trong đó xã Thạnh Quới là địa phương có diện tích trồng nhiều nhất, với hơn 73ha.

Giải pháp cho tiêu chí thu nhập

Hiện, không riêng gì xoài Đài Loan mà nhiều loại cây ăn trái khác cũng đang rớt giá. Trong đó, mít Thái chỉ còn 4.000- 5.000 đ/kg, khi những năm trước giá bán bình quân 25.000 đ/kg, có khi lên đến 50.000đ/kg. Giá thanh long ruột đỏ, hiện còn 6.000- 7.000đ/kg, trong khi những năm trước có khi lên đến 40.000- 50.000đ/kg.

Chị Huỳnh Thị Trần Thảo (thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành- Đồng Tháp): “Hàng năm, trùng với mùa thu hoạch xoài cát chu, giá xoài Đài Loan thường xuống thấp, nhưng năm nay thì quá thấp do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng hóa bị ùn ứ, không tiêu thụ được. Vừa rồi, gia đình tôi tự hái xoài Đài Loan rồi đem bán tại vựa nhưng chỉ được giá 1.000 đ/kg. Còn giá bán tại chợ thì 15.000 đ/2kg hoặc 15.000 đ/3kg.

Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Quới Nguyễn Đăng Khoa cho biết, do đặc thù của Thạnh Quới là xã thuần nông, thu nhập người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp.

Hiện, không riêng gì xoài Đài Loan mà nhiều mặt hàng nông sản khác cũng đang rớt giá, ít nhiều ảnh hưởng đến tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới. Song, những tháng đầu năm giá lúa tăng cao, cũng là một cách “bù qua sớt lại” cho tiêu chí thu nhập.

Đối với xã Thạnh Quới, ngoài xoài Đài Loan, vẫn còn nhiều mô hình nông nghiệp khác. Hiện, xã đang tiếp tục chỉ đạo các đoàn thể phối hợp tổ chức những lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đồng thời tiếp tục thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, vận động nông dân phát triển thêm các mô hình chăn nuôi, luân canh cây màu trên đất ruộng để nâng cao hiệu quả trên cùng diện tích canh tác.

Ông Huỳnh Thanh Tâm- Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Quới- cho biết: Cùng với thực hiện các giải pháp của xã, hội sẽ vận động hội viên, nông dân tiếp tục giữ vững sản xuất vì dịch COVID-19 rồi sẽ qua, tránh tình trạng chán nản vì rớt giá mà không chăm sóc cây hoặc “trồng rồi chặt” vừa tốn kém chi phí, công sức, lại ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.

Thiết nghĩ, Nhà nước cần có những biện pháp hỗ trợ nông dân thiết thực hơn. Về phía nông dân, cần sản xuất theo khuyến cáo của ngành chức năng, hướng đến các mô hình sản xuất sạch gắn với phát triển kinh tế hợp tác…

Năm 2021, huyện Long Hồ chọn xã Thạnh Quới để xây dựng xã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Hiện, xã đang tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, áp dụng khoa học kỹ thuật, tập huấn nâng cao kiến thức trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Nâng cao chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch, từng bước tạo nguồn cây, con giống chủ lực chất lượng cao cho nông dân sản xuất.

Bài, ảnh: NGUYỄN XUÂN

Quảng Bình: Nông dân Minh Hóa được mùa mít ‘ngọt’

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Hiện đang vào mùa mít chín, nhiều thương lái ở các huyện lân cận ngược lên Minh Hóa để thu mua mít về bán. Năm nay, nhiều hộ dân trồng mít bản địa đón một mùa mít “ngọt” vì mít vừa được mùa lại được giá.

Mít là cây trồng bản địa của huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình), được trồng nhiều từ năm 1980 đến năm 1995. Thời điểm đó, giá cả bấp bênh, nhiều hộ gia đình đã chặt bỏ bán lấy gỗ.

Nông dân huyện Minh Hóa phấn khởi khi mít được mùa, được giá.

Tuy nhiên, vài ba năm trở lại đây, người dân lại chú trọng mở rộng diện tích trồng và chăm sóc cây mít khi giá cả thị trường ổn định và có xu hướng ngày càng tăng. Hiện trên địa bàn huyện Minh Hóa, loài mít bản địa được trồng tập trung nhiều ở một số xã, như: Hồng Hóa, Xuân Hóa, Hóa Sơn, Dân Hóa, Trọng Hóa…

Để khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân phát triển trồng cây ăn quả, hàng năm, trên cơ sở nhu cầu đăng ký tập huấn của các xã, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Minh Hóa phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, ghép cây cho bà con. Cùng với đó, huyện tích cực tuyên truyền, vận động người dân chú trọng duy trì các diện tích mít bản địa hiện có.

Theo thống kê, đến nay, người dân Minh Hóa đã trồng và mở rộng được hơn 340ha cây ăn quả, trong đó, diện tích trồng mít hơn 40ha, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế địa phương.

Quỳnh Nga - Đài TT-TH Minh Hóa

Trái cây Bình Ðịnh vào mùa: Giá rẻ bất ngờ

Nguồn tin: Báo Bình Định

Hiện nay, các vườn cây ăn trái, trang trại lớn trồng xoài, quýt, cam, mít, ổi, dưa gang, dưa lê, dưa lưới… ở Bình Ðịnh đã vào mùa thu hoạch. Trái cây năm nay sản lượng cao, chất lượng tốt, giá lại rẻ hơn năm ngoái khá nhiều nên được đông đảo người tiêu dùng chọn mua.

Những ngày này, tại chợ Sân Bay, chợ Khu 6, chợ Lớn mới, chợ Đầm, chợ Dinh… ở TP Quy Nhơn đầy ắp trái cây, với đặc điểm chung là rất tươi bởi hầu hết đều có xuất xứ trong tỉnh. Tại các chợ giá xoài sẻ 5.000 - 7.000 đồng/kg, xoài xanh giống Thái 15.000 - 20.000 đồng/kg, xoài giống Đài Loan giá 9.000 -12.000 đồng/kg; mít 15.000 đồng/kg, mít giống Thái 20.000 - 25.000 đồng/kg… Nhiều loại trái cây khác như mít, thơm, cam... cũng rớt giá so với năm ngoái.

Kiểm tra dưa lưới trước khi cắt bán ra thị trường tại HTXNN công nghệ cao La’sfarm.

Bà Lê Thị Thanh Ngọc, tiểu thương bán trái cây tại chợ Lớn mới, cho biết: “Đã nhiều năm kinh doanh trái cây, chưa năm nào tôi thấy giá xoài, mít rẻ như hiện nay. Mọi năm, xoài giống Úc giá 30.000 - 40.000 đồng/kg nhưng nay giảm chỉ còn 10.000 - 15.000 đồng/kg. Các loại xoài, mít khác cũng rẻ bất ngờ”.

Ông Nguyễn Văn Phúc, chủ một vườn cây ăn trái ở xã Bình Tường, huyện Tây Sơn cho biết: “Năm nay trời thuận, xoài và mít trúng mùa lớn, đã vậy chất lượng lại rất cao - thơm lừng, ngon ngọt, đậm đà. Đáng tiếc là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên sức tiêu thụ thấp, thương lái ít đến hỏi mua. Mình tự tìm mối tiêu thụ, hoặc đưa đi bán khắp mọi nơi! Nhiều công một chút nhưng được giá hơn”.

Theo nhiều tiểu thương, dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều người thắt chặt chi tiêu, hơn nữa nhiều nhà hàng, khách sạn, quán ăn đóng cửa… cùng với chuyện được mùa, những điểm này góp phần khiến sức mua giảm, nên giá buộc phải rẻ hơn mọi năm.

Các loại dưa như dưa hấu, dưa lưới, dưa Hoàng Kim hợp chuẩn VietGAP giá cũng giảm 20 - 30% so năm ngoái. Ông Trần Bảo Diệp, HTXNN công nghệ cao La’sfarm, xã Ân Phong, huyện Hoài Ân cho biết: “Tôi trồng khoảng 0,2 ha dưa lưới nhà màng, thu hoạch vụ hè này đạt trên 5 tấn. Chất lượng dưa cao hơn năm ngoái như: Độ ngọt Brix 14 +, thơm giòn, trái to hơn. Do dịch Covid-19 sức tiêu thụ giảm, giá bán lẻ 55.000 đồng/kg, giảm 20.000 đồng/kg so với năm ngoái”. Ông Đoàn Tuấn Sỹ, Phó trưởng Phòng Kinh tế TX An Nhơn đánh giá: “Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, HTXNN 2 Nhơn Thọ chuyển 3 ha vốn chuyên canh rau sang trồng các loại dưa gang, dưa lê, dưa lưới an toàn theo hướng hữu cơ. Vài năm gần đây, sản phẩm dưa lưới, dưa gang, dưa lê của HTX đạt chất lượng cao được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn”.

Khác với những năm trước, đa số các trang trại, nhà vườn ở Bình Định không chạy đua về sản lượng mà tập trung nhiều vào nâng cao chất lượng, phẩm cấp sản phẩm. Các loại dưa được trồng theo hướng hữu cơ đẩy mạnh kênh bán hàng qua mạng xã hội, cửa hàng chuyên trái cây sạch ở TP Quy Nhơn, TX An Nhơn, huyện Phù Cát, huyện Phù Mỹ, huyện Tây Sơn, huyện Hoài Ân và TX Hoài Nhơn. Nhiều loại trái cây điển hình như bưởi, xoài dần dần đã có uy tín cao trên thị trường, góp phần tạo nên thương hiệu “trái cây Bình Định”.

Bài, ảnh: HẢI YẾN

Bạc Liêu: Nông dân trúng mùa, trúng giá vụ lúa đông xuân

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu

Tính đến thời điểm này, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã thu hoạch dứt điểm vụ lúa đông xuân với tổng diện tích hơn 48.780ha. Do chủ động chỉ đạo phát triển sản xuất và thực hiện tốt lịch điều tiết nước nên vụ lúa đông xuân năm nay nông dân trúng mùa với năng suất bình quân đạt 7,73 tấn/ha và cho tổng sản lượng đạt trên 377.000 tấn.

Điều đáng nói, do áp dụng các giống lúa chất lượng cao nên giá bán tăng so với cùng kỳ và phần lớn được bao tiêu nên nông dân rất phấn khởi. Hiện lúa giống ST24, ST25 có giá từ 6.200 - 6.500 đồng/kg; Nàng Hoa 9 từ 6.600 - 6.750 đồng/kg; Đài Thơm 8 từ 6.500 - 6.700 đồng/kg, OM5451, OM18 từ 6.400 - 6.500 đồng/kg…

 PV

Kông Chro (Gia Lai): Giá bí đỏ giảm mạnh, nông dân lo lắng

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên gần 1 tháng nay, giá bí đỏ liên tục giảm, việc tiêu thụ cũng khó khăn khiến nhiều nông dân ở huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) lo lắng.

Nông dân thua lỗ

Vụ Đông Xuân 2020-2021, gia đình ông Đinh Văn Bảo (làng Chiêu Liêu, xã An Trung) trồng gần 3 ha bí đỏ giống hồ lô. Cách đây hơn 10 ngày, ông thu hoạch 1 ha được 16 tấn quả, trong đó có gần 10 tấn đạt loại 1, còn lại là loại 2. Thương lái mua bí loại 1 với giá 2.000 đồng/kg, loại 2 là 500 đồng/kg.

Ông Bảo cho hay: “Từ khi xuống giống đến lúc thu hoạch, chi phí đầu tư giống, phân bón, công chăm sóc khoảng 30 triệu đồng/ha mà giờ thu được hơn 22 triệu đồng/ha, tính ra lỗ nặng”.

Bà Vũ Thị Vui (làng Kươk, xã Sró, huyện Kông Chro) chưa thu hoạch bí đỏ để chờ tăng giá. Ảnh: Ngọc Minh

Hơn 3 sào bí đỏ của gia đình bà Vũ Thị Vui (làng Kươk, xã Sró) đã đến kỳ thu hoạch. Nhưng thấy giá bí xuống thấp nên bà vẫn để ngoài ruộng. Bà Vui chia sẻ: “Nếu giá bí tăng lên mức 6 ngàn đồng/kg thì mỗi sào cũng lãi được 4 triệu đồng. Nhưng giờ giá đã giảm, lại ít người mua nên tôi để thêm vài bữa nữa. Nếu không thấy khả quan, tôi sẽ thu hoạch rồi bỏ vào kho bảo quản, bán được thì mừng, bằng không để làm thức ăn cho gia súc”.

Vừa bán gần 30 tấn bí đỏ cho thương lái, ông Đinh A Rơh (làng Nhang Lớn, xã Đak Kơ Ning) thu về 34 triệu đồng, chỉ bằng một nửa chi phí đầu tư. Ông buồn bã nói: “Tôi nhờ nhiều người mới tìm được thương lái ở huyện Đak Pơ vào mua. Quả bí tuyển chọn hàng loại 1, họ trả 1.500 đồng/kg, loại 2 là 400 đồng/kg. Giá đã rẻ, họ còn lựa rất kỹ. Số tiền bán bí chỉ vừa đủ chi phí giống, phân bón”.

Ông Phạm Huy Vân-Chủ tịch UBND xã Đak Kơ Ning-cho biết: “Những ngày này, bà con tập trung thu hoạch bí vụ Đông Xuân 2020-2021. Do thời gian quả bí đỏ để trên ruộng được lâu hơn so với các loại rau củ quả khác nên khi giá bí xuống thấp, nhiều hộ dân thu hoạch cầm chừng hoặc đã thu hoạch về nhà thì bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng đãng, đợi giá lên”.

Khó khăn về đầu ra

Theo nhiều nông dân huyện Kông Chro, phần lớn bí đỏ được thương lái ở thị xã An Khê và huyện Đak Pơ thu mua. Đầu mùa, thương lái mua bí non còn cuối vụ thì thu mua bí già cung ứng cho các chợ đầu mối ở khắp các tỉnh, thành trong nước. Khi dịch Covid-19 bùng phát, thị trường tiêu thụ mặt hàng này bị thu hẹp khiến đầu ra sản phẩm gặp khó khăn.

Cơ sở thu mua bí của ông Đoàn Văn Cân (thôn Hiệp An, xã Cư An, huyện Đak Pơ) đang tồn hàng trăm tấn bí đỏ. Ảnh: Ngọc Minh

Vụ Đông Xuân 2020-2021, toàn huyện Kông Chro trồng được 261 ha bí đỏ. Trong đó, xã Đak Kơ Ning có 65,4 ha, Yang Nam 49 ha, Yang Trung 34 ha, Chơ Long 30,4 ha, Đak Pơ Pho 15 ha, Sró 18 ha, Ya Ma 10,8 ha, Đak Song 13,4 ha, Kông Yang 10 ha, Đak Tơ Pang 8 ha và An Trung 7 ha.

Ông Đoàn Văn Cân (thôn Hiệp An, xã Cư An, huyện Đak Pơ) kể: “Thời điểm này năm ngoái, gia đình tôi thu mua bí đỏ với giá dao động 10-14 ngàn đồng/kg và bán lại rất thuận lợi. Hồi đầu năm 2021, việc buôn bán còn được. Nhưng kể từ khi dịch bệnh bùng phát, tôi chỉ bán được vài tạ/ngày, giảm 10 lần so với trước đó. Hiện nay, tôi còn tồn hơn 400 tấn bí đỏ hồ lô và bí đỏ bánh xe. Loại bí bánh xe, tôi thuê người bổ lấy hạt còn vỏ bán làm thức ăn cho gia súc. Mong dịch sớm được đẩy lùi để giao thương buôn bán tốt hơn”.

Trao đổi với P.V, ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro-thông tin: “Năm 2020, giá bí đỏ ở mức cao. Thấy vậy, vụ Đông Xuân 2020-2021, bà con mở rộng diện tích. Thời tiết thuận lợi, năng suất bí đỏ đạt cao, nguồn cung dồi dào trong khi việc tiêu thụ gặp khó do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chính là nguyên nhân khiến giá giảm mạnh.

Trước tình hình giá cả bấp bênh, Phòng phối hợp với các địa phương tuyên truyền người dân giảm diện tích gieo trồng cây bí trong vụ mùa, không trồng ồ ạt cùng lúc; liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu đầu ra nhằm giảm thiệt hại cho người dân; khuyến khích các hợp tác xã tìm kiếm thị trường mới, tìm đầu ra cho sản phẩm”.

NGỌC MINH

Hà Giang: Cây lá Khôi tía ở thôn Tân Tiến

Nguồn tin: Báo Hà Giang

Chúng tôi cùng Bí thư Đảng bộ xã Việt Vinh (Bắc Quang, tỉnh Hà Giang), Hoàng Văn Hùng vào thôn Tân Tiến để thấy người dân trong làng trồng cây Khôi tía.

Ông Lý Văn Sinh, thôn Tân Tiến vui vẻ nói: Đầu năm nay, gia đình ươm khoảng 1 vạn bầu cây Khôi tía. Hiện, trong vườn ươm chỉ còn lại khoảng vài trăm bầu. Số bầu ươm đầu năm lên tốt chủ yếu bán cho dân làng Tân Tiến và một số thôn trong xã. Giá bán mỗi bầu cây Khôi tía là 10.000 đồng; giá bán lá Khôi sau thu hái là 35 – 45 ngàn đồng/kg. Mỗi năm, cây lá Khôi tía cho thu hái từ 8 – 10 lần. Năm vừa qua, gia đình ông Sinh có thu nhập trên 100 triệu đồng thu từ trồng lá Khôi tía trên đồi vầu sau nhà.

Cán bộ xã Việt Vinh kiểm tra vườn lá Khôi tía của gia đình ông Lý Văn Sinh, thôn Tân Tiến.

Khôi tía là cây trồng tán xạ, có thể trồng trong rừng, dưới tán cây; còn trồng ngoài ruộng, vườn thì nhất thiết phải làm giàn che bạt, hạn chế ánh sáng trực tiếp của mặt trời. Khôi tía là cây thảo dược đặc chữa trị bệnh dạ dày. Cách chữa trị bệnh dạ dày dân gian thường dùng là nấu nước lá Khôi tía uống hàng ngày. Người mới bị bệnh thì dùng lá Khôi tía đun nước uống trong khoảng nửa tháng sẽ khỏi. Người bị bệnh dạ dày mãn tính thì thời gian dùng lá Khôi tía đun nước uống sẽ kéo dài hơn. Người bệnh kiên trì dùng lá Khôi tía đun uống lâu dài ắt hẳn sẽ khỏi bệnh. Khi uống nước lá Khôi tía thì hạn chế dùng bia, rượu, ớt và kiêng những đồ ăn cay, nóng.

Ngày nay, nền y học hiện đại đã chiết suất cây lá Khôi tía để làm thuốc chữa bệnh dạ dày, bệnh trào ngược dạ dày. Bởi thế, các cơ sở chữa bệnh đông y, các công ty nam dược đã tìm mua lá Khôi tía để làm thuộc điều trị các căn bệnh về dạ dày. Hiện nay, cây lá Khôi tía đang được các doanh nghiệp tìm về tận làng Tân Tiến thu mua, lá Khôi tía phơi khô có giá bán từ 230 – 250 ngàn đồng/kg.

Cùng trồng lá Khôi tía, nhưng gia đình anh Nguyễn Quang Trực, người cùng làng Tân Tiến lại đưa cây Khôi tía ra vườn trồng quanh nhà. Phân chuồng hoai mục bón lót và nước tưới thường xuyên đã mang lại vườn Khôi tía tươi tốt. Cây xanh, lá to, dày cho năng suất khá cao. Anh Trực cho biết: Mỗi năm, vườn lá Khôi tía đã mang về cho gia đình từ 120 – 150 triệu đồng. Ngoài thu lá, gia đình còn ươm cây giống bán cho làng xóm. Giống ươm được đến đâu, bán hết đến đó. Hiện tại, làng Tân Tiến đã, đang phấn đấu trở thành làng dược liệu Khôi tía bán lá thuốc đặc trị bệnh dạ dày, trào ngược cho những người bệnh.

Bí thư Đảng uỷ xã Việt Vinh, Hoàng Văn Hùng cho biết: Cách đây khoảng 5 năm, đại diện của Công ty Nam dược đã tìm đến Tân Tiến tìm hiểu về cây Khôi tía. Trải qua nhiều năm, người dân, chính quyền cơ sở cũng đã nhận thấy tác dụng đầy đủ của việc mở rộng diện tích trồng Khôi tía tạo thành hàng hoá. Việt Vinh xem việc mở rộng diện tích trồng Khôi tía là cơ hội để Đảng bộ, chính quyền xã quy hoạch và xây dựng làng nghề trồng cây dược liệu tại Tân Tiến. Qua xem xét thực tiễn, Việt Vinh sẽ quy hoạch đưa việc cải tạo vườn, đồi tạp vào làm tại thôn Tân Tiến. Từ đó, từng bước nhân rộng thành một làng trồng Khôi tía. Mỗi kg hạt Khôi tía bán ra thị trường hiện nay giá bán không dưới 7 triệu đồng. Cơ hội để bà con Tân Tiến hoặc nhiều thôn khác trong xã Việt Vinh phát triển trồng Khôi tía để tạo sinh kế bền vững có thể làm giàu.

Bài, ảnh: Nguyễn Hùng

Giá lợn hơi giảm trong 'bão giá' thức ăn chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Nguồn cung trong nước đảm bảo nhờ việc tái đàn ở các địa phương diễn ra thuận lợi trong khi nhu cầu ở mức thấp do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã giúp giá lợn hơi thời gian qua giảm. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao khiến người chăn nuôi nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn khi tính toán việc tái đàn.

Ảnh minh họa.

Giá lợn hơi giảm, nhập khẩu thịt tăng

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong tháng 5/2021, giá lợn hơi biến động giảm do nguồn cung trong nước được đảm bảo, việc tái đàn ở các địa phương diễn ra thuận lợi trong khi nhu cầu vẫn ở mức thấp do tác động của dịch COVID-19. Hiện, giá lợn hơi ở nhiều địa phương đã xuống dưới mức 70.000 đồng/kg.

Trên thực tế, giá lợn hơi đã có xu hướng giảm ngay trong quý I/2021. So với cuối năm 2020, giá lợn hơi tại miền Bắc và miền Trung, Tây Nguyên vào cuối tháng 3/2021 giảm 3.000-4.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại miền Nam giảm 2.000-3.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi giảm trong bối cảnh nguồn cung đang dần phục hồi sau khi chịu tác động bởi dịch tả lợn châu Phi. Thời gian tới, dự báo giá lợn hơi không có nhiều biến động do dịch tả lợn châu Phi đang được khống chế tốt, đàn lợn ở các trang trại lớn tăng nhanh, nguồn cung các loại thịt gà, thịt bò, cá, tôm và thịt nhập khẩu về nhiều.

Riêng quý I, lượng thịt lợn nhập khẩu tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm 2020 - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Trong khi nguồn cung trong nước đang dần phục hồi thì lượng thịt nhập khẩu về vẫn không đổi. Theo Tổng cục Hải quan, quý I/2021, Việt Nam nhập khẩu 169.290 tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 337,18 triệu USD, tăng 0,5% về lượng và tăng 22,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Ấn Độ, Mỹ, Nga, Ba Lan và Brazil là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam.

Trong đó, riêng mặt hàng thịt lợn, quý I/2021 Việt Nam nhập khẩu 34.650 tấn, trị giá 80,07 triệu USD, tăng 101,4% về lượng và tăng 102,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Nga là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam trong quý I/2021 với 16.550 tấn, trị giá 44,85 triệu USD, tăng tới 1.116,5% về lượng và tăng 1.002,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Giá tới tay người tiêu dùng giảm “nhỏ giọt”

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), với mức giá lợn hơi như hiện nay, người chăn nuôi nhỏ lẻ đứng trước nguy cơ thua lỗ do giá thức ăn chăn nuôi đang tăng chóng mặt.

"Do giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua tăng quá cao, từ 20-30%, nhiều nông hộ sợ rủi ro nên có tâm lý bán sớm, trong khi đó, do tác động của dịch COVID-19 khiến hàng quán, nhiều khu công nghiệp đóng cửa, vận chuyển khó khăn hơn khiến giá lợn hơi giảm. Với đối tượng chăn nuôi nông hộ phải mua con giống đắt, cộng thêm giá thức ăn chăn nuôi tăng thì nguy cơ thua lỗ cao", ông Trọng nói.

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, có một nghịch lý là giá thịt lợn ở các chợ nói riêng và giá thịt đến tay người tiêu dùng nói chung lại giảm rất nhỏ giọt, bình quân vẫn ở mức 120.000-130.000 đồng/kg.

"Nguyên nhân là do có quá nhiều khâu trung gian trong quá trình phân phối thịt lợn ra thị trường, dẫn đến chưa hài hòa lợi ích giữa 3 khâu sản xuất, cung ứng, tiêu dùng. Trong khi người chăn nuôi có nguy cơ thua lỗ thì người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn với giá cao", ông Trọng phân tích. Từ thực tế đó, ông Trọng cho rằng, cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa các mô hình liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị.

Nhận định về giá thức ăn chăn nuôi trong thời gian tới, ông Trọng cho rằng, giá thức ăn chăn nuôi có thể sẽ còn tăng trong thời gian tới nhưng không tăng quá cao, bởi nếu tăng quá cao, vượt sức chịu đựng của nông hộ, người chăn nuôi dè dặt tái đàn thì doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng không có lợi.

Đỗ Hương

Công bố dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò tại xã Đak Djrăng

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Ủy ban nhân dân huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) vừa có quyết định công bố dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại xã Đak Djrăng.

Bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò. Ảnh: Nguyễn Diệp

Theo đó, vùng dịch là xã Đak Djrăng; vùng uy hiếp gồm thị trấn Kon Dơng và xã Lơ Pang; vùng đệm là các xã Hà Ra, Kon Thụp, Đak Yă. Trong thời gian này, huyện quyết định tạm dừng các hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc cảm nhiễm với bệnh viêm da nổi cục ra/vào vùng dịch.

Trước đó, nhận thông tin có 19 con bò của 12 hộ chăn nuôi tại 2 làng Brếp và Đê Rơn (xã Đak Djrăng) có các triệu chứng như: viêm mũi có dịch, mắt có dịch tiết, có các nốt sần ở đầu, bụng, chân, yếm, sốt 40 độ C và ăn ít, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND xã kiểm tra, họp dân tổ chức tiêu độc khử trùng, cách ly vật nuôi và không thả rông, cam kết không buôn bán, vận chuyển.

Ngày 28-5, Trung tâm phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh lấy mẫu bệnh phẩm gửi cơ quan Thú y vùng 5 xét nghiệm để xác định bệnh. Kết quả, có 2 mẫu bệnh phẩm dương tính với bệnh viêm da nổi cục.

Hiện các đơn vị liên quan đang tập trung phòng bệnh không để lây lan trên diện rộng.

NGUYỄN DIỆP

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop