Tin nông nghiệp ngày 03 tháng 12 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 03 tháng 12 năm 2016

Phục tráng để giữ chất lượng và thương hiệu cam Vinh

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Ngày 17/12/2010, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ KH&CN đã cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Cam Vinh" cho sản phẩm cam quả Nghệ An. Đây là cơ sở và điều kiện để Nghệ An tổ chức phát triển, mở rộng giống cam Vinh trên quy mô lớn gắn với thương hiệu độc quyền nổi tiếng để sản xuất và kinh doanh giống cam đặc sản này.

Có một điều mà rất nhiều người thắc mắc: Tại sao cam Xã Đoài trồng trên vùng đất Xã Đoài thì ăn ngon, thơm; nếu đưa đi trồng ở một vùng đất khác thì chất lượng ngon và thơm giảm đi rõ rệt? Để trả lời câu hỏi này, theo ông Phan Công Hưởng - nguyên Chủ tịch UBND xã Nghi Diên (Nghi Lộc) cho biết: Cam Xã Đoài ngon, thơm có tiếng trước hết nhờ có giống cam tốt, lại được trồng trên nền đất thịt nặng có tầng canh tác sâu và hàng năm được bồi đắp thêm một lớp phù sa lắng đọng của kênh nhà Lê.

Trước hết là giống tốt, sau đó là có đất tốt. Nhưng đất ở vùng Xã Đoài có đặc điểm khá đặc biệt so với đất ở nhiều vùng khác; đó là: phía dưới tầng đất canh tác nếu đào sâu xuống khoảng 80 - 100 cm sẽ thấy một lớp vỏ sò, hến, ốc biển đã và đang phân hủy. Đây là đặc điểm của loại đất này cùng với giống cam tốt đã tạo nên hương vị thơm ngon nổi tiếng của giống cam Xã Đoài.

Cam Vinh, sản phẩm trên địa bàn Nghệ An được chỉ dẫn địa lý của tỉnh (Ảnh tư liệu).

Cái khác của cam Xã Đoài so với tất cả các giống cam khác không chỉ về chất lượng thơm, ngon mà còn rất khác về thời gian ra hoa và quả chín. Cam xã Đoài ra hoa vào tiết Lập xuân và chín rộ vào giáp Tết Nguyên đán. Vì vậy giống cam này rất được quý trọng bởi không những thơm, ngon mà còn được người dân khắp nơi tìm đến mua về để thờ cúng những ngày Tết hoặc làm quà tặng bạn bè gần xa.

Nhưng thật đáng buồn, cam Xã Đoài không còn như ngày xưa nữa. Cây cam đang già nua và còi cọc dần, số quả ra trên mỗi cây cũng giảm dần, quả lại nhỏ, hạt nhiều. Đây là hiện tượng thoái hóa về mặt sinh học. Bất cứ một loại giống cây trồng nào, gieo trồng lâu năm nếu không được phục tráng sẽ phát sinh hiện tượng thoái hóa được biểu hiện rõ về mặt sinh trưởng lẫn phát triển.

Với cây cam, biểu hiện rõ nhất là từ chỗ không có hoặc có rất ít hạt, dần dần trở thành quả cam ngày càng nhiều hạt, quả nhỏ lại, vỏ quả dày thêm và chất lượng quả cũng giảm dần về độ ngọt và hương vị thơm. Do không được phục tráng lại giống cam kịp thời, cùng với việc đầu tư chăm sóc không đầy đủ, nên tốc độ thoái hóa cây cam nhanh, kéo theo hiệu quả kinh tế giảm dần. Vì vậy, nhiều vườn cam bị xóa bỏ hoặc thu hẹp dần để trồng cây khác.

Từ chỗ cả xã Nghi Diên năm 1980 đang có 80 ha cam, nay chỉ còn lại hơn 10 ha cam được trồng rải rác chủ yếu ở xóm 1, xóm 8 và xóm 9. Hiện tại ở Nghi Diên số hộ dân có vườn cam từ 30 cây trở lên chỉ đếm đầu ngón tay được 14 - 15 hộ. Trong đó hộ có vườn cam vào loại đẹp nhất là hộ ông Nguyễn Văn Phúc ở xóm 8. Ông Phúc cho biết: Nhà ông có 30 gốc cam, chỉ có 10 gốc phát triển tốt nhất, bình quân mỗi gốc cho thu hoạch 100 quả, 20 gốc còn lại chỉ cho thu hoạch từ 60 - 70 quả/cây. Tết năm nay nhiều khách hàng đã đến đặt tiền cọc để mua với giá từ 50.000 - 60.000 đồng/quả tùy loại cam quả to hay nhỏ.

Đến nay thì cam Xã Đoài không còn bó hẹp ở vùng Xã Đoài nữa, nó đã được đem đi trồng ở nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh nhờ có phương pháp nhân giống vô tính bằng cách lấy mắt ghép ở cành cam Xã Đoài ghép lên gốc cây trấp, gốc cây bưởi vẫn cho quả thơm, ngon hơn hẳn các giống cam khác rất nhiều và có chất lượng tương đương cam Xã Đoài chính thống.

Hiện tại cam Xã Đoài được trồng bằng phương pháp nhân giống vô tính đã có mặt ở nhiều vùng trong cả nước. Riêng Nghệ An và Hà Tĩnh có các vùng cam ngon nổi tiếng hiện nay như: Cam Sơn Tây (Hương Sơn - Hà Tĩnh), cam Bãi Phủ (Con Cuông), cam Minh Thành, cam Thịnh Thành, cam Đồng Thành (Yên Thành), cam Xuân Thành, cam 3/2 (Quỳ Hợp)… Tất cả những vùng cam này đều trồng bằng cây giống được ghép bằng mắt ghép giống cam Xã Đoài và được trồng trên đất dưới chân các núi đá vôi (còn gọi là lèn đá). Vì vậy cam rất ngon và thơm, không khác gì so với cam Xã Đoài chính thống.

Hiện nay diện tích cam toàn tỉnh đang có 3.425 ha, trong đó có 2.042 ha cam kinh doanh, sản lượng cam năm 2016 dự kiến thu được từ 28.000 - 30.000 tấn. Trong số này có 75 - 80% là cam trồng bằng mắt ghép cam Xã Đoài, số còn lại là cam V2 và cam Vân Du. Địa phương trồng nhiều cam Xã Đoài là: Quỳ Hợp 1.115 ha, Yên Thành 429 ha, Con Cuông 25 ha, Anh Sơn 185 ha,…

Vấn đề mà người dân vùng Xã Đoài nói riêng, cả tỉnh Nghệ An nói chung quan tâm nhất là hiện nay làm thế nào để giữ lấy chất lượng và thương hiệu cam Vinh trên thị trường hiện nay.

Hình minh họa- Đào Tuấn

Đây là vấn đề không riêng gì người trồng cam quan tâm và lo lắng sợ giống cam mang thương hiệu cam Vinh "thất truyền thiên hạ đệ nhất cam" do chất lượng cam xuống cấp, kéo theo diện tích cam cũng giảm dần. Trước thực trạng này, nhiều năm qua Sở KH&CN đã có nhiều cố gắng trong việc đầu tư nhiều kinh phí cho việc nghiên cứu, phục trang giống cam Xã Đoài. Nhưng xem ra vẫn chưa giải quyết được mục tiêu đề ra. Vì sao vậy? Theo chúng tôi có mấy nguyên nhân sau:

Thứ nhất, phương pháp nghiên cứu chưa đáp ứng yêu cầu vừa trẻ hóa giống cam, vừa tạo ra cây cam mới đúng bản chất là cây cam xã Đoài chính thống.

Thứ hai, chọn người, chọn đội ngũ nghiên cứu để phục tráng lại giống cam Xã Đoài chưa đủ cả năng lực và trình độ nghiên cứu. Thậm chí chưa hiểu biết gì nhiều về cây cam. Chỉ biết rằng những người được nhận đề tài nghiên cứu về phục tráng giống cam xã Đoài là những người có bằng cấp tiến sỹ, có học hàm phó giáo sư… Kết thúc cuối cùng cũng không thành công, nếu không nói là thất bại.

Thứ ba, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu, phục tráng giống cam Xã Đoài chưa đủ để thực hiện quá trình nghiên cứu kéo dài.

Thứ tư, có thể do kinh phí bó hẹp, có thể do cả phương pháp nghiên cứu không rõ ràng. Vì vậy thời gian nghiên cứu để phục tráng giống cam Xã Đoài chưa đủ để nói rằng kết quả nghiên cứu đó thành công hay chưa thành công(?)

Theo chúng tôi và một số chuyên gia về cây ăn quả ở Nghệ An, muốn phục tráng lại giống cam Xã Đoài hay còn gọi là cam Vinh cần có các điều kiện sau đây:

- Phải có phương pháp nghiên cứu đúng với mục đích và yêu cầu là làm cho giống cam trẻ hóa lại từ đầu để kéo dài thời gian sinh trưởng, phát triển nối tiếp từ chu kỳ này sang chu kỳ khác.

- Phải có con người vừa có trình độ nghiên cứu, vừa hiểu biết nhiều về cây cam, vừa thật sự say mê nghiên cứu để chọn tạo ra giống cam đạt mục tiêu đề ra.

- Phải có đủ thời gian nghiên cứu, không phải là một năm, hai năm, ba năm mà ít nhất cũng phải từ 7 - 10 năm.

- Phải đảm bảo có đầy đủ kinh phí cho công tác nghiên cứu.

Về phương pháp phục tráng, chọn tạo lại giống cam Xã Đoài nên tiến hành đồng thời cả 2 phương pháp sau:

- Giải pháp trước mắt: Chọn cây tốt, cây khỏe, cây ít sâu bệnh, cây sai quả, quả to, quả ngọt, có hương vị thơm… Về bản chất cây được chọn có các đặc trưng đặc tính hoàn toàn giống cây cam Xã Đoài chính thống ngày xưa. Từ những cây cam được chọn này chọn những cành phía dưới gốc để chiết cành nhân giống vô tính đem đi trồng sau 2 - 3 năm sẽ cho quả.

Nhược điểm của phương pháp này là thời gian cho quả không kéo dài như cây giống gốc ban đầu. Hoặc từ những cây được chọn nói trên, chọn những cành cam bánh tẻ từ giữa thân cây cam trở lên, cắt lấy mắt ghép để ghép lên gốc cây trấp, cây bưởi vẫn cho ra quả nhiều, quả to, dáng cây khỏe. Cách làm này đang được tiến hành khá phổ biến ở hầu hết càc vùng trồng cam cả trong và ngoài tỉnh ta hiện nay.

- Giải pháp lâu dài: Từ những cây được chọn nói trên, chọn lại để lấy cây cam nào thật sự thỏa mãn các tiêu chí: Cây khỏe, cây có hình dạng phát triển đẹp, cành lá xum xuê, quả nhiều, quả to, quả có hình trụ, vỏ quả không dày và cũng không quá mỏng, quả mọng nước, màu sắc thịt quả vàng óng, có rất ít hạt, ăn vào miệng ngọt lịm và có mùi thơm dễ chịu, không sâu bệnh…

Từ cây cam này tạm gọi là cây đầu dòng, lấy hạt của cây cam này gieo lên để trồng. Trong số hàng chục, hàng trăm cây được trồng lên chọn lọc và loại bỏ dần những cây có hình dạng thân, cành, lá, quả, màu sắc ruột quả, hương vị quả… không giống như cây đầu dòng và chỉ giữ lại những cây đạt các tiêu chí giống như cây đầu dòng để lại làm giống. Phương pháp phục tráng, chọn giống như thế này phải mất ít nhất 6 - 7 năm và có thể kéo dài 8 - 10 năm mới cho kết quả tốt.

Từ kết quả phục tráng và chọn tạo giống cam nói trên, ta sẽ có giống cam có chất lượng tốt như giống cam Xã Đoài ngày xưa ta đã có cách đây trên dưới 100 năm.

Về địa điểm thực hiện để phục tráng giống cam Xã Đoài chỉ nên được tiến hành ngay trên vùng cam Xã Đoài ngày nay ở xã Nghi Diên (Nghi Lộc).

Doãn Trí Tuệ

Thành công nhờ trồng dừa chuyên canh

Nguồn tin: Báo Cà Mau

Thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân xã Biển Bạch Ðông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau đã chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng dừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vườn dừa của ông Võ Chí Công, Ấp 6 La Cua, xã Biển Bạch Ðông được trồng thẳng tắp, từng quày sai oằn. Ðể có vườn dừa “độc nhất vô nhị” trong vùng, ông Võ Chí Công đã trải qua những ngày cực khổ.

Ngày trước, cũng như bao người trong vùng, ông trồng mía bán cho thương lái, xí nghiệp. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, hạn hán kéo dài, thêm nhiều hộ trồng mía nên mía bắt đầu mất giá. Nhiều đêm tính toán và nghiên cứu thị trường giá cả các loại nông sản hàng hoá, ông quyết định phá cả vườn mía chuyển đổi sang trồng dừa chuyên canh.

Ông Công bên cây dừa trĩu quả.

Qua tìm hiểu thông tin trên báo, đài, ông có chuyến đi thực tế tại Hợp tác xã Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, tham quan và quyết định mua về 500 cây giống dừa mới. Ông nói: “Trước đây tôi cũng trồng xen canh dừa nhưng giống dừa xứ mình thân cao, trồng từ 5-6 năm mới cho trái. Nhưng với giống dừa mới, nếu chăm sóc tốt, tầm 2,5-3 năm đã bắt đầu ra trái".

Nhìn vườn dừa xanh mướt, một phần diện tích đã bắt đầu cho trái, ông hết sức vui mừng và cảm thấy quyết tâm của mình là đúng, sau một thời gian trồng rễ “bén” đất và phát triển tốt. Ông cải tạo thêm 3 ha đất liền kề để trồng dừa. Hiện tại trên 4 ha đất, ông trồng 1.300 gốc dừa, chủ yếu là các giống mới như xiêm lùn, dừa dứa, Mã Lai…

Nói đến giống dừa dứa, ông tự hào: "Trên cả vùng đất này chỉ có hộ nhà tôi là trồng dừa dứa, giống mới lạ chỉ có vùng nước ngọt mới trồng được. Cũng như tên gọi của chúng, khi bổ trái ra nước ngọt, thơm, trong và phảng phất mùi lá dứa, uống nước xong có thể làm “túi thơm” xông nhà cửa cũng nên".

Cách trồng dừa của ông rất bài bản, đúng kỹ thuật. Dừa được trồng thẳng tắp theo hàng, chạy dài, giữa các liếp dừa là một cái ao để lấy nước trực tiếp nên trái sai, to. Kinh nghiệm nhiều năm trồng dừa, ông chia sẻ: “Quan trọng nhất là khâu chọn giống và chăm sóc. Dừa con chọn cây nhiều lá, cuốn lá dày, dài, phiến lá rộng thường cho sản lượng cao về sau. Cần tưới nước đầy đủ trong giai đoạn cây con. Vườn trồng dừa cần thông thoáng, diệt sạch cỏ, xung quanh đào nhiều ao để cho cây hút nước thường xuyên, tránh bị teo trái vào mùa hạn".

Ngoài trồng dừa, ông còn trồng hoa màu các loại như đu đủ, cây ăn trái và hơn 2.000 gốc tắc đang đến mùa cho trái. Tận dụng ao, mương quanh vườn dừa, ông thả nuôi tôm, cua đem lại nguồn thu nhập 100 triệu đồng/năm.

Với ưu điểm nước ngọt, thơm nên thương lái đến tận vườn chào mua dừa xiêm lùn với giá 80.000 đồng/chục, dừa dứa với giá cao hơn, 130.000 đồng/chục. Ông còn bỏ mối dừa tươi cho các hàng quán, nhân thêm cây giống bán cho các hộ trong, ngoài vùng với giá 45.000 đồng/cây giống xiêm lùn, sọc; 100.000 đồng/cây dừa dứa.

Phó Chủ tịch UBND xã Biển Bạch Ðông Trần Thanh Phong cho biết: "Chúng tôi đánh giá cao mô hình của anh Công trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với vùng đất. Ðây là mô hình hay được chúng tôi khuyến khích các hộ nông dân nhân rộng sản xuất để nâng cao đời sống. Có nhiều đoàn tham quan từ các xã, huyện khác đến tham khảo, học hỏi mô hình, trong tương lai dừa sẽ là giống cây trồng chủ lực phát triển kinh tế của xã"./.

Yến Nhi

Dừa hồ lô, bánh tét chưng Tết hơn nửa triệu đồng mỗi trái

Nguồn tin: VnExpress

Năm thứ hai tham gia vào thị trường trái cây chưng Tết, các loại dừa như dừa in chữ, dừa hồ lô, dừa bánh tét dự kiến có giá bán tại vườn dao động từ 300.000 đồng đến 750.000 mỗi trái.

Anh Huỳnh Thanh Tâm, nông dân tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, người sáng tạo ra cách tạo hình trên trái dừa để chưng Tết cho biết, hiện tại, các đơn đặt hàng dừa in chữ đã vượt quá khả năng cung ứng. Sau năm đầu thăm dò thị trường, năm nay đã có thêm một số nông dân tại Bến Tre được chuyển giao kinh nghiệm làm dừa in chữ. Tuy nhiên, vườn dừa của anh Tâm hiện vẫn chiếm sản lượng chủ lực, với khả năng cung ứng khoảng 2.000 trái cho dịp Tết Đinh Dậu 2017.

Dừa hình hồ lô, bánh tét chưng Tết có giá rất cao.

Dừa in chữ được anh Tâm bán ra cho các đầu mối với giá từ 300.000 đến 500.000 đồng mỗi quả, bao gồm hộp đựng và đế gỗ để trưng bày. Quả dừa năm nay ngoài các chữ Tài Lộc thì có thêm các câu chúc như: Chúc mừng năm mới, Vạn sự như ý, An khang thịnh vượng và các nội dung theo đặt hàng riêng. Khách hàng chủ yếu là các đầu mối ở khu vực miền Trung và miền Bắc. So với giá bán tại vườn của dừa tươi thông thường chỉ 5.000 đồng mỗi trái thì giá trị gia tăng từ dừa in chữ khá cao, gấp 60 lần. Tuy nhiên, theo anh Tâm, để tạo hình dừa in chữ cũng tốn khá nhiều công sức.

“Làm khuôn để in chữ cho dừa phải làm thủ công hoàn toàn chứ không đúc đồng loạt như khuôn tạo chữ cho bưởi. Khuôn cũng đòi hỏi phải dầy hơn, dùng nhiều nhựa để đúc hơn. Tính bình quân, chi phí cho mỗi khuôn tốn đến 100.000 đồng”, anh Tâm cho hay.

Dự kiến, từ ngày 20 đến 21 tháng Chạp, dừa in chữ sẽ được thu hoạch và cung ứng ra thị trường. Hiện tại, anh Tâm cùng các nhà vườn đang tất bật chuẩn bị làm khuôn. Anh cho biết, giống dừa anh dùng để in chữ là dừa xiêm xanh. Dừa sẽ được ép khuôn tạo chữ từ 20 đến 25 ngày trước khi thu hoạch. Tuy nhiên, do năm nay mưa nhiều nên tỷ lệ thành công dự báo cũng sẽ thấp hơn Tết vừa rồi. Do đó, dù giá bán sỉ tại vườn không thay đổi nhiều nhưng giá bán lẻ của dừa in chữ năm nay có thể tăng đến 30%.

Dừa in chữ có giá 300.000-500.000 đồng mỗi trái.

Ngoài dừa in chữ, năm nay anh Tâm còn sản xuất giới hạn sản phẩm dừa hồ lô và dừa bánh tét. Giá dừa hồ lô dao động từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng mỗi quả. Trong khi đó, dừa bánh tét có giá đến 750.000 đồng mỗi quả. “Dừa hồ lô và dừa bánh tét tôi chỉ làm vài chục quả, chủ yếu để tặng khách và chào hàng cho đợt sản xuất năm sau. Làm hai loại này tốn công và mất thời gian hơn dừa in chữ nhiều. Để tạo hình thì cũng phải ép khuôn từ 2,5 đến 3 tháng trước ngày thu hoạch”, anh Tâm cho biết.

Theo các đầu mối kinh doanh trái cây độc lạ chưng Tết, so với bưởi tạo hình thì dừa in chữ đang có sức hút lớn vì còn mới mẻ, sản lượng ít. Ngoài ra, dừa in chữ có ưu điểm hơn về thời gian trưng bày, có thể đến cả tháng nếu điều kiện mát mẻ hay trong phòng lạnh. “Sau vụ dừa Tết này, tôi có ý định liên hệ với chính quyền địa phương và liên kết với các hộ nghèo có vườn dừa để năm sau mở rộng sản lượng cung ứng, vừa thỏa mãn nhu cầu, vừa cải thiện giá trị gia tăng cho trái dừa vào dịp Tết”, anh Tâm chia sẻ.

Viễn Thông

Quản lý bệnh chổi rồng theo quy trình mới

Nguồn tin: Trà Vinh

Bệnh chổi rồng đang hoành hành trên cây nhãn tiêu da bò tại Trà Vinh nói riêng và cả ĐBSCL nói chung, để tìm giải pháp đối phó, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh tổng hợp các kết quả nghiên cứu khoa học của Viện bảo vệ thực vật và kết quả từ thực tế đã ban hành quy trình kỹ thuật quản lý bệnh chổi rồng hại nhãn để nông dân ứng dụng hiệu quả hơn.

Trà Vinh hiện có gần 2.000 hecta nhãn, trong đó hơn 80% diện tích bị nhiễm bệnh chổi rồng. Năm 2015, Chi cục Trồng trọt và BVTV phối hợp cùng Hội Làm vườn triển khai thực hiện 3 mô hình quản lý bệnh chổi rồng trên nhãn tại 3 điểm: thị trấn Cầu Quan (huyện Tiểu Cần), xã Ninh Thới và xã An Phú Tân (huyện Cầu Kè), với tổng diện tích 7 hecta. Sau thời gian thực hiện, qua đánh giá, các nhà vườn đã nắm bắt và thực hành phương pháp phòng, trừ bệnh chổi rồng đúng cách, đạt hiệu quả cao, tỉ lệ chổi rồng chỉ còn khoảng 7% so với diện tích ngoài mô hình. Tuy nhiên hiện nay tỉ lệ cây nhãn bị bệnh chổi rồng tăng trở lại nguyên nhân chính là do giá nhãn bấp bênh khiến diện tích cũng như tỷ lệ nhiễm chổi rồng không được khắc phục. Những vườn nhãn nhiễm bệnh hơn 10 năm tuổi ngày càng suy kiệt, tạo điều kiện cho bệnh phát triển và lây lan diện rộng. Cùng với các giải pháp kỹ thuật, việc xử lý thuốc trừ nhện lông nhung của nông dân trong một vùng thường không đồng loạt, dẫn đến hiệu quả phòng trị chưa đạt yêu cầu.

Qua nhiều nghiên cứu cũng như tranh luận, đến thời điểm này, các nhà khoa học vẫn cho rằng nhện lông nhung là nguyên nhân gây hại các bộ phận non của cây nhãn tạo ra triệu chứng chổi rồng. Triệu chứng này xuất hiện rất sớm trên đọt non và trên bông. Nhện lông nhung rất khó nhìn thấy bằng mắt thường, vòng đời ngắn (8 - 15 ngày), hình thành 13 - 15 thế hệ trong một năm. Nhện chích hút trên cả hai mặt lá của đọt non tạo ra lớp lông mịn và sống trong đó. Cần chú ý, nhện phát sinh mạnh vào các đợt cây nhãn ra đọt non ra bông, gây hại nặng nhất trong các tháng mùa khô (tháng 11, 12 và tháng 2, 3, 4).

Bệnh chổi rổng trên cây nhãn

Theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn, sau khi thu hoạch nhãn, cần vệ sinh vườn, loại bỏ các ký chủ phụ trong hoặc gần vườn nhãn, bón phân NPK cân đối, tăng cường bón phân hữu cơ, bón phân trung vi lượng, giúp cây sinh trưởng tốt, ra hoa tập trung. Trong mùa khô cần tưới đủ nước, che phủ gốc bằng xác thực vật hoặc phủ bùn để giữ ẩm. Đối với vùng bị bệnh chổi rồng hại nặng, cần phun thuốc trừ nhện lông nhung (có kết hợp với dầu khoáng), thời điểm phun là cơi đọt 1, 2, phun khi đọt mới nhú 0,5 - 1 cm, phun kỹ lên đọt non, lá bánh tẻ và lá già. Khi mầm hoa vừa nhú 1 - 2 cm thì phun thuốc trừ nhện, phun kỹ lên mầm hoa, đọt non, lá bánh tẻ và lá già. Đối với vùng bệnh chổi rồng hại nhẹ thì tập trung phun thuốc trừ nhện lông nhung khi nhãn ra cơi đọt 1 và lúc ra bông. Sử dụng thuốc trừ nhện lông nhung trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam ban hành trong năm, phun theo nguyên tắc 4 đúng. Nên sử dụng luân phiên các loại thuốc trừ nhện lông nhung có cơ chế tác động khác nhau hoặc có hoạt chất khác nhau, tránh nhện kháng thuốc. Sau khi phun thuốc trên cơi bông, không phun thuốc trừ nhện lông nhung cho đến khi thu hoạch.

Theo Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh cho biết: Trước mắt, các địa phương và nông dân tuân thủ quy trình kỹ thuật hướng dẫn của Cục bảo vệ thực vật quản lý nhện lông nhung, dập dịch kịp thời khi phát hiện, không để bùng phát như thời điểm trước đây. Ngoài ra, nông dân trồng mới hoặc cải tạo vườn cần chú ý giống nhãn chống chịu bệnh chổi rồng và nhện lông nhung, không nhân giống từ vườn bệnh. Ở vùng nhiễm nặng nên chọn trồng giống mới hoặc ghép cải tạo bằng giống chống chịu bệnh. Vườn trồng mới nên xử lý nhện lông nhung trên cây giống trước khi trồng.

Hiện nay Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh đang xây dựng các mô hình quản lý bệnh chổi rồng hại nhãn. Bằng các giải pháp kỹ thuật cũng đã tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và năng lực của nông dân về biện pháp canh tác, chăm sóc bón phân, quản lý nước thích hợp để cây nhãn phát triển khỏe. Khi cần, xử lý thuốc trừ nhện lông nhung một cách kịp thời. Đặc biệt là sự chỉ đạo và các chính sách hỗ trợ của địa phương để giúp dân tiêu hủy và ngăn chặn sớm nguồn bệnh, góp phần quản lý bền vững bệnh chổi rồng. Hai biện pháp có tác động và hiệu quả nhất để quản lý bệnh chổi rồng là cắt tỉa cành và quản lý dinh dưỡng (bón phân đủ lượng để cây bung đọt nhanh). Hai biện pháp này phải tiến hành song song, nếu thực hiện riêng lẻ, hiệu quả quản lý bệnh sẽ không cao.

Hiện ở Trà Vinh, các khảo sát ngoài đồng cho thấy mức độ nhiễm chổi rồng của các giống nhãn rất khác nhau. Có giống nhiễm nặng, nhiễm nhẹ hơn và có giống chưa thấy triệu chứng. Có 3 giống nhãn chưa xuất hiện triệu chứng, đó là nhãn long, super và xuồng cơm vàng. Riêng giống nhãn Idor đang phát triển hiện nay vẫn xuất hiện bệnh chổi rồng nên nông dân thường xuyên theo dõi để xử lý, không nên chủ quan dù bệnh chưa xuất hiện nhiều như trên nhãn tiêu da bò.

NGUYỄN TÂN

Hiệu quả từ mô hình trồng khoai lang lấy rau trên đất lúa 2 vụ

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Sau khi thu hoạch xong vụ hè thu, nếu như nhiều địa phương khác để diện tích ruộng bỏ hoang chờ đến sản xuất vụ tiếp theo thì nhiều hộ dân tại thôn Tam Hiệp, xã Cam Thủy (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) lại tận dụng diện tích ruộng lúa để trồng cây khoai lang lấy rau. “Là loại rau dễ trồng, dễ tiêu thụ trên thị trường, mô hình trồng rau lang tại địa phương mang lại nguồn thu nhập cao hơn gấp 2 lần sao với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích. Đây là một mô hình kinh tế hiệu quả, vừa tận dụng được diện tích đất trồng lúa, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn trong thời điểm nông nhàn”, ông Nguyễn Văn Triển, Trưởng thôn Tam Hiệp cho biết.

Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 9, khi vừa hoàn thành xong việc thu hoạch vụ hè thu, chị Lê Thị Huệ, ở thôn Tam Hiệp đã tận diện tích ruộng trồng lúa để vun luống trồng khoai lang. Chỉ sau gần 1 tháng, chị Huệ đã có thu nhập từ lứa rau đầu tiên. Chị Huệ cho biết: “Ban đầu, tôi chỉ trồng khoảng 1 sào rau lang trên đất lúa để có rau xanh phục vụ nhu cầu thực phẩm cho gia đình và có thêm nguồn thức ăn để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, sau thời gian trồng thử nghiệm, tôi nhận thấy nhu cầu tiêu thụ rau lang trên thị trường khá lớn nên gia đình tôi chủ động mở rộng diện tích. Không chỉ tận dụng diện tích đất lúa sẵn có của gia đình, tôi còn thuê thêm đất lúa của các hộ khác để mở rộng diện tích trồng rau. Đến nay, tôi đã trồng được 7 sào rau lang vụ đông, bình quân mỗi vụ cung cấp khoảng trên 2.000 bó rau ra thị trường. Rau lang được chia làm 3 loại, phần ngọn được chọn để làm rau sạch, phần rau già hơn bán ra thị trường làm thức ăn cho chăn nuôi còn phần rễ, củ, tôi tận dụng để phục vụ chăn nuôi trong gia đình. Là loại rau sạch, khi trồng chúng tôi không phun bất cứ loại hóa chất nào nên được thị trường rất ưa chuộng, trung bình 1 sào trồng khoai lang thu rau bán, tôi thu khoảng từ 3-4 triệu đồng. Mỗi vụ rau kéo dài từ 3-4 tháng, sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi trên 10 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với trồng lúa”.

Trồng khoai lang lấy rau cho thu nhập khá cao tại thôn Tam Hiệp, xã Cam Thủy (Cam Lộ)

Đã từ lâu, khoai lang đã trở thành một trong những cây trồng chủ đạo cùng với ngô, sắn, giúp nông dân ở nhiều địa phương có thêm thu nhập. Khoai lang không chỉ cho củ, mà dây khoai là một loại rau sạch được thị trường ưa chuộng. Nhận thấy lợi ích của việc trồng rau lang, nhiều hộ dân tại thôn Tam Hiệp đã tận dụng diện tích đất trồng lúa để trồng chuyên canh cây khoai lang lấy ngọn làm rau chứ không thu củ như cách làm truyền thống trước đây. Chỉ sau thời gian ngắn, rau lang đã cho thu hoạch lứa rau đầu tiên. Cứ như thế, rau lang được thu hoạch liên tục trong khoảng thời gian từ 3-4 tháng cho đến khi sản xuất vụ lúa tiếp theo mà không cần phải xới đất trồng lại cây mới. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trung bình 1 sào trồng khoai lang thu rau bán cho thu nhập từ 2,5-4 triệu đồng (phụ thuộc vào giá thị trường), trong khi đó chi phí đầu tư cho việc mua cây giống, phân bón khá thấp, chưa đến 1 triệu đồng. Đây là loại rau ít nhiễm sâu bệnh nên quy trình chăm sóc đơn giản, người trồng chỉ tốn công làm cỏ, bón phân và thu hoạch. Mặt khác, cây khoai lang lại dễ trồng, phù hợp với nhiều loại đất, cho thu hoạch trong khoảng thời gian dài. Trong lúc đó, nếu trồng lúa, mỗi sào chỉ cho thu hoạch khoảng 1,5 triệu đồng, chưa trừ các chi phí như khâu làm đất, gặt máy, gieo sạ, phân bón, thuốc trừ sâu...Như vậy, nếu so với trồng lúa hay chuyên canh các loại cây hoa màu khác thì giá trị kinh tế từ cây khoai lang thu rau bán là khá cao.

Toàn thôn Tam Hiệp hiện có 184 hộ, canh tác trên 25 ha lúa, trong đó có 40 hộ tận dụng diện tích đất lúa để trồng khoảng 4 ha rau khoai lang. Thực tế tại địa phương cho thấy, trồng khoai lang lấy rau đem lại nguồn thu nhập khá cao, là một hướng phát triển mới dễ nhân rộng nhằm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Ông Nguyễn Văn Triển, Trưởng thôn Tam Hiệp cho biết thêm: “ Trên cơ sở những kết quả đạt được từ mô hình trồng chuyên canh cây rau lang trên đất lúa, địa phương đang dự kiến sẽ mở rộng diện tích trồng rau toàn thôn lên 10 ha. Hiện tại thôn đang tiến hành khảo sát đưa điện ra tận ruộng rau để phục vụ bơm nước, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân. Đồng thời, qua khảo sát chúng tôi cũng nhận thấy khoai lang là cây trồng phù hợp nhất tại địa phương bởi khả năng chống chịu ngập úng tốt hơn so với các loại hoa màu khác. Là vùng thường xuyên ảnh hưởng của thiên tai lũ lụt, trồng rau lang là giải pháp hiệu quả để tăng thu nhập cho người dân, đồng thời giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra”.

Về thôn Tam Hiệp một ngày đông, đi qua những cánh đồng làng nổi bật bởi màu xanh mướt của rau lang đang kỳ thu hoạch, chúng tôi nhận thấy được niềm vui, sự phấn khởi của những người nông dân vì năm nay rau lang vừa được mùa, được giá. Chính việc biết lựa chọn cây trồng phù hợp, xen canh hợp lý cùng với kinh nghiệm canh tác sẵn có, đất lúa 2 vụ ở thôn Tam Hiệp đã phát huy hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế khá cao. Đây cũng là một mô hình hay, hiệu quả để nhiều địa phương trong tỉnh học tập, làm theo.

THANH LÊ

Những kinh nghiệm trồng rau sạch tại nhà

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Ngày nay, nguồn rau xanh bán ngoài thị trường khiến nhiều người ái ngại về vấn đề dư lượng thuốc trừ sâu. Việc trồng rau sạch tại nhà đang trở thành xu hướng mới.

Trồng rau tại nhà không chỉ đơn giản là trồng và thu hoạch mà người trồng cũng cần nắm bắt thông tin kỹ thuật. Bởi trong quá trình trồng có rất nhiều điều phát sinh như gieo hạt khó lên, rau bị úng vì tưới không đúng cách, rau bị vàng lá… dễ làm người trồng lúng túng. Dưới đây là những kinh nghiệm trồng rau tại nhà để tham khảo cho kế hoạch trồng rau của mình.

Ngâm ủ hạt giống: Ngâm ủ là biện pháp giúp đảm bảo tỉ lệ nảy mầm tốt nhất cho hạt giống. Nên ngâm hạt trong thời gian 6-10 giờ sau đó đem ủ lại trong lớp khăn ướt với thời gian 1-2 ngày, khi thấy hạt vừa nứt vỏ thì mới bắt đầu trồng vào chậu đất.

Chọn đất trồng phù hợp: Thật ra việc tận dụng đất sẵn có tại nhà để trồng rau là điều không khả thi. Loại đất này thường đã bị chai cứng, ít dưỡng chất cần thiết cho rau. Mặt khác, rau là loài cây có bộ rễ ăn cạn trên lớp mặt từ 5-12cm, nếu đất không giữ ẩm tốt thì rau rất khó phát triển, cây rau vẫn sẽ lên nhưng bị còi cọc. Nếu bạn không muốn dùng phân vô cơ như NPK, lân, DAP, urê… khi trồng thì nên bổ sung thêm đất dinh dưỡng hay phân trùn quế để giúp cây kịp đà phát triển tốt.

Lưu ý dùng phân hóa học khi trồng rau: Khi trồng rau tại nhà chúng ta có thể khống chế liều lượng phân hóa học dưới ngưỡng cho phép và thời gian cách ly do mình chủ động nên khi thu hoạch rau vẫn đảm bảo sạch và an toàn. Ngoài ra, phân hóa học như urê, lân, DAP… có giá thành khá rẻ, dễ tìm, lại dễ sử dụng nên có thể pha loãng vào nước sạch tưới cho rau.

Lưu ý khi thu hoạch rau: Với các loại rau như mồng tơi, rau muống… ta thu hoạch được nhiều lần nên khi cắt rau cần dùng dao hay kéo bén cắt để không làm dập thân nhánh, cây rau sẽ cho lại nhánh mới. Còn khi trồng các loại cải, thu hoạch bằng cách nhổ cả cây tỉa thưa ăn dần, các cây cải còn lại sẽ nhanh lớn hơn do không bị cạnh tranh dinh dưỡng.

Tái sử dụng đất: Về lý thuyết là đất trồng rau có thể sử dụng được nhiều lần, tuy nhiên do còn tồn dư một phần rễ rau sót lại dễ ủ mầm bệnh. Sau khi thu hoạch nên nhặt hết lá rễ thừa còn phía dưới và đem phơi nắng từ 4-5 ngày để tiêu diệt mầm bệnh. Sau đó trộn thêm đất dinh dưỡng hay phân trùn quế với tỉ lệ 1:1 rồi đem trồng lại rau mới.

Lưu ý lượng nước tưới: Rau trồng tại nhà có nhu cầu nước rất cao, nếu mùa nắng gắt thì phải tưới 2 lần/ngày, trường hợp rau còn nhỏ hay khi vừa mới trồng sang chậu thì cần che bớt ánh nắng gắt lúc giữa trưa để rau không bị héo lá. Vào mùa mưa, rau rất dễ nhiễm bệnh do nước mưa làm dập lá hay hư thối rễ. Bạn nên che không cho nước mưa rơi trực tiếp xuống chậu rau, có thể phun thêm phân bón lá vitamin và vi lượng để tăng đề kháng cho rau trồng. Sau mỗi đợt nhổ hay cắt rau thu hoạch nên bổ sung phân vô cơ và hữu cơ (phân trùn quế) để rau trồng mau mọc thêm nhánh lá mới.

NGỌC NHƯ (tổng hợp)

Nghi Lộc (Nghệ An): Ngô nếp xen hành tăm thu nhập 22 triệu đồng/sào

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Những năm gần đây, trong sản xuất vụ đông, người dân Nghi Lộc (Nghệ An) đã mạnh dạn trồng ngô, các loại rau cải xen với cây hành tăm trên cùng một chân ruộng. Nhờ đó, giá trị kinh tế trên một đơn vị canh tác tăng gấp 2 - 3 lần so với việc chỉ trồng một loại cây.

Chị Lê Thị Thắm, xóm 5, Nghi Thuận thu hoạch ngô nếp trước khi thu hoạch hành tăm.

Hành tăm là loại cây có giá trị kinh tế cao, một vụ kéo dài đến tận 9 tháng. Bởi thế, để “lấy ngắn nuôi dài”, trên diện tích đất trồng hành đang trong thời gian chờ thu hoạch, bà con nông dân xã Nghi Thuận (Nghi Lộc) đã xen canh cây ngô nếp.

Thời điểm này, bà con nông dân xã Nghi Thuận đang tích cực thu hoạch ngô. Theo bà con nông dân, năm nay mặc dù thời tiết gặp nhiều khó khăn nhưng ngô trồng xen trong hành vẫn được mùa, được giá.

Gia đình chị Lê Thị Thắm - xóm 5 xã Nghi Thuận sản xuất 1 sào hành tăm và xen cải rễ, cải ngọt và ngô nếp. Sau khoảng thời gian 70 đến 80 ngày, ngô đều đã cho thu hoạch. Bình quân mỗi sào ngô nếp trồng xen hành tăm cũng cho thu nhập hơn 20 triệu đồng.

Chị Thắm phấn khởi nói: "Thu hoạch ngô xong thì tôi lại tiếp tục chăm sóc cho hành phát triển. Sau đó sẽ tỉa bán hành tăm cây. Như vậy là lúc nào cũng cho thu hoạch cả”.

Trồng hành tăm xen canh ngô nếp không chỉ góp phần giải quyết việc làm thời vụ cho hộ nông dân mà còn tăng thu nhập vụ đông.

Ngô xen hành tăm đạt trên 20 triệu đồng/sào.

Bà Nguyễn Thị Lan ở xóm 6 xã Nghi Thuận cho biết: Từ khi chuyển sang mô hình trồng xen canh này, trên diện tích một sào đất màu, quanh năm “không cho đất nghỉ” thu nhập gấp 3 lần trồng lúa. Đến nay, toàn xã Nghi Thuận có 80ha diện tích trồng hành tăm xen cây màu. Trong đó có gần 1 nửa xen ngô nếp. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các huyện Nghi Lộc, Cửa Lò và Thành phố Vinh.

Với giá bán ngô trên thị trường từ 3 đến 4 ngàn đồng 1 bông, bình quân, mỗi sào cho thu nhập xấp xỉ 2 triệu đồng. Nếu tính cả vụ gồm rau, ngô, hành tăm cũng cho thu nhập trên 22 triệu đồng/sào.

Anh Nguyễn Đình Phương - cán bộ khuyến nông xã Nghi Thuận - Nghi Lộc cho biết: “Năm nay mặc dù thời tiết rất khó khăn nhưng mô hình trồng xen ngô nếp trong đất hành vẫn đem lại thu nhập cao cho người dân. Ưu điểm của cách làm này là tận dụng được nguồn phân dư thừa trong hành tăm. Đây là cách làm hay, năm tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bà con nông dân mở rộng mô hình này”.

Hồng Vinh (Đài Nghi Lộc)

Trồng lúa hữu cơ, hướng đi mới cho bà con nông dân

Nguồn tin: Báo Quảng Ninh

Với hiệu quả kinh tế cao và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, mô hình trồng lúa hữu cơ đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân tỉnh Quảng Bình.

Xuất phát từ nhu cầu chú trọng sử dụng sản phẩm nông nghiệp bảo đảm chất lượng của người dân, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Nông sản hữu cơ Quế Lâm miền Trung thực hiện mô hình sử dụng phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm (được sản xuất theo quy trình lên men ủ hái khí sử dụng vi sinh vật từ 2 tập đoàn Natagri-Canada và EM-Nhật Bản) trong sản xuất giống lúa Bắc Thơm 7. Ban đầu, mô hình được thực hiện với quy mô 2 ha tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Lương Yến (xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh) trong vụ đông xuân 2015-2016.

Sau một thời gian thực hiện theo đúng quy trình sản xuất nghiêm ngặt với yêu cần bón phân hoàn toàn là phân hữu cơ, không sử dụng thuốc diệt cỏ, phân hóa học, thuốc trừ sâu hóa chất, kết quả cho thấy dù năng suất tương đương nhưng chất lượng của lúa hữu cơ lại ưu việt hơn.

Ông Lê Văn Nhâm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Lương Yến cho biết: Năng suất bình quân của mô hình thực hiện tại HTX đạt 51 tạ/ha. Giống lúa Bắc Thơm 7 sinh trưởng, phát triển khá, khả năng đẻ nhánh trung bình, lá đòng đứng, góc là vừa phải, màu xanh sẫm; trổ tập trung, thoát bông, hạt xếp sít.

Mô hình sử dụng phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm trong sản xuất giống lúa Bắc Thơm 7 tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Lương Yến (xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh).

Đặc biệt, giống lúa Bắc Thơm 7 bón phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm mang lại hiệu quả kinh tế cao, sau khi trừ chi phí sản xuất, mô hình cho lãi 720 ngàn đồng/sào (tương đương 14,4 triệu đồng/ha), cao hơn so với đại trà 441 ngàn đồng/sào (tương đương 8,8 triệu đồng/ha).

Với thành công bước đầu của mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Lương Yến, vụ hè-thu 2016, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư đã mở rộng thực hiện mô hình tại HTX Sản xuất kinh doanh nông nghiệp Trung Trạch (xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch) và HTX Dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất (xã An Ninh, huyện Quảng Ninh) với tổng diện tích 7 ha.

Để được tận mắt chứng kiến thành quả sản xuất lúa hữu cơ của bà con nông dân, chúng tôi tìm về xã Trung Trạch. Ông Trần Văn Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Sản xuất kinh doanh nông nghiệp Trung Trạch, ông Phương đã không giấu nỗi niềm vui được mùa trong vụ sản xuất lúa hữu cơ vụ hè-thu vừa qua.

Ông Phương chia sẻ: “Mô hình sản xuất lúa hữu cơ không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với cây lúa thông thường, mà còn tạo được sản phẩm lúa gạo sạch, môi trường sống sinh thái trong lành và giúp nông dân trong HTX đoàn kết sản xuất. Lúa thu hoạch lại được Công ty TNHH MTV Nông sản hữu cơ Quế Lâm miền Trung cam kết bao tiêu sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế, nên bà con nông dân chúng tôi rất ủng hộ và mong muốn được mở rộng diện tích”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hồng Viễn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh cũng đánh giá cao kết quả của mô hình sản xuất lúa hữu cơ. Theo ông, mô hình đã góp phần tích cực làm thay đổi nhận thức của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp sang hình thức sản xuất hàng hóa tập trung; gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng giữa người sản xuất với các doanh nghiệp, dưới sự quản lý của nhà nước.

Vật tư đầu vào được cung ứng tốt, kịp thời, chủ động, giá cả hợp lý, bảo đảm chất lượng, được hướng dẫn kỹ thuật nên hiệu quả mô hình cao; chi phí sản xuất giảm. Đây là hướng phát triển tất yếu, cần thiết trong việc xây dựng vùng sản xuất gạo hữu cơ theo VietGAP, mở ra hướng đi mới, cách làm mới cho nông dân trên địa bàn, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ xanh, sạch, an toàn và bền vững.

Với những kết quả đạt được, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại địa bàn xã Trung Trạch (Bố Trạch) và xã An Ninh (Quảng Ninh) với tổng diện tích 10 ha vụ đông-xuân 2016-2017 và vụ hè-thu 2017 là 10 ha.

Lê Mai

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop