Tin nông nghiệp ngày 03 tháng 12 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 03 tháng 12 năm 2020

Liên kết để đi ‘đường dài’ trong nông nghiệp

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp

Hiện phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở nước ta đều thuộc quyền sử dụng của nông dân. Điều này đã làm cho nông nghiệp Việt Nam phát triển rất đa dạng về chủng loại ở từng địa phương, vùng miền, đây là lợi thế rất riêng của nước ta. Song để có thể tạo thành một vùng sản xuất nguyên liệu lớn có chất lượng nông sản đồng nhất để phục vụ xuất khẩu, chế biến thì đặc điểm đặc thù này lại trở thành thách thức lớn. Dù biết là nhiều khó khăn để thực hiện chuỗi liên kết, song với sự cạnh tranh khốc liệt hiện nay từ thị trường thế giới đối với nhóm mặt hàng nông sản thì chỉ có thực hiện chuỗi liên kết mới có thể tăng khả năng cạnh tranh cho nông sản Việt.

Liên kết và cùng xây dựng mã số vùng trồng là yếu tố tiên quyết để trái cây có thể đi xa hơn

Liên kết để cùng nhau tồn tại

Hiểu được vai trò quan trọng của việc thực hiện chuỗi liên kết, thời gian qua, để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm trái cây của địa phương, nhiều tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) sản xuất cây ăn trái đã được thành lập trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Các THT và HTX này đóng vai trò là “ngôi nhà chung” quy tụ nông dân sản xuất cùng nhóm nông sản lại để có những chia sẻ và định hướng phù hợp trong việc cải tiến chất lượng trái cây cũng như tìm hướng liên kết để trái cây có đầu ra ổn định hơn.

Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Hòa, huyện Lai Vung chia sẻ: “Hiện nay, xã có 1 HTX và 7 THT, đây là những tổ chức nền tảng để địa phương quy tụ nông dân. Sau khi thực hiện liên kết ngang giữa nông dân với nông dân thành công, chúng tôi mới bắt đầu phổ biến về sản xuất nông sản sạch – an toàn. Tùy loại trái cây khác nhau, thị trường xuất khẩu khác nhau, chúng tôi sẽ có những tập huấn phù hợp cho nông dân. Hiện phần lớn nông dân sản xuất cây ăn trái ở địa phương đều hiểu tầm quan trọng của việc sản xuất sạch và cùng nhau liên kết. Vấn đề khó khăn là chuỗi liên kết tiêu thụ giữa các doanh nghiệp, siêu thị và người nông dân vẫn chưa thật sự bền chặt. Do thị trường luôn có những biến động khó lường, các “mắc xích” trong chuỗi liên kết chưa có sự thấu hiểu và san sẻ lợi ích hài hòa nên đâu đó tinh thần “thủ” cho riêng mình vẫn còn. Doanh nghiệp – nông dân không tin nhau, không hết lòng vì lợi ích chung nên thời gian qua một số mô hình liên kết của địa phương cũng gặp nhiều khó khăn”.

Tình hình thực hiện chuỗi liên kết của xã Phong Hòa, huyện Lai Vùng cũng là tình hình chung tại nhiều địa phương. Chính vì chưa hiểu hết về nhau, chưa từng đứng trên vị trí của nhau để thấu hiểu nên ở chừng mực nào đó giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn còn e dè nhau.

Không phải tự dưng nông dân và doanh nghiệp lại có tâm thế e dè nhau, thận trọng trong liên kết. Thực tế tại nhiều địa phương đã diễn ra tình trạng làm ăn không thật lòng đã khiến cho mối liên kết rạn nứt. Hiện nay trong số các loại cây ăn trái chủ lực của Đồng Tháp thì xoài là một trong những ngành hàng có thị trường tiêu thụ rộng lớn, không chỉ phục vụ xuất khẩu trái tươi và còn là nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng được nhiều doanh nghiệp tìm đến. Mặc dù thị trường khá rộng, song hằng năm, xoài của Đồng Tháp vẫn có những thời điểm rớt giá thê thảm. Nguyên nhân chính là phần nhiều diện tích sản xuất xoài của địa phương hiện nay nông dân vẫn chưa tham gia các mô hình liên kết và sản xuất xoài có chứng nhận.

Ông Lê Thanh Tùng - Tổ trưởng THT sản xuất xoài hữu cơ Tân Thuận Tây chia sẻ: “Hơn 2 năm qua, nhờ sản xuất xoài theo hướng hữu cơ, được doanh nghiệp bao tiêu giá ổn định quanh năm nên tôi cũng không còn lo lắng và áp lực về mùa vụ nữa. Thị trường đã an tâm thì việc còn lại của mình là phải không ngừng nâng cao chất lượng cho sản phẩm. Phải luôn ý thức như thế thì dù trong hoàn cảnh nào doanh nghiệp cũng không thể bỏ mình được. Nói vậy thì lo hơi xa, chứ hiện nay xoài bình thường thì đầy nhưng xoài sạch thì lại thiếu và doanh nghiệp luôn tìm kiếm nguồn cung. THT của chúng tôi ngày đầu thành lập số lượng thành viên lên tới 21 người nhưng dần dần nhà vườn không theo nổi quy trình sản xuất của doanh nghiệp đưa ra rồi bắt đầu “rụng nụ” từ từ. Tới thời điểm hiện tại thì chỉ còn có 2 thành viên bám trụ liên kết với doanh nghiệp”.

Liên kết trong các tổ chức tổ hợp tác, hợp tác xã để nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp

Không chỉ dừng lại ở liên kết và sản xuất sạch

Sản xuất sạch có truy xuất nguồn gốc rõ ràng không còn là câu chuyện xa vời ở các quốc gia phương Tây mà hiện nay láng giềng gần gũi nhất, “bạn hàng” nhập khẩu trái cây lớn nhất của Việt Nam đang có nhiều thay đổi về quy định trong nhập khẩu trái cây. Hiện nay để có thể xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Trung Quốc thì trái cây của Việt Nam phải có hai loại mã vạch kiểm soát là mã số vùng trồng và mã xưởng đóng gói. Để có hai giấy thông hành này thì trái cây phải có mã số vùng trồng và doanh nghiệp phải có mã xưởng đóng gói đúng qui định.

Về phía nông dân, để bán trái cây qua thị trường Trung Quốc thì việc đầu tiên phải làm là sản xuất trái cây sạch – an toàn và liên kết với các hộ liền kề để được cấp mã số vùng trồng. Mã số vùng trồng không những đóng vai trò là điều kiện để xuất khẩu mà chính mã số vùng trồng còn là cách để nông dân có thể chịu trách nhiệm và chứng minh chất lượng của nông sản mình làm ra. Càng kiểm soát được chất lượng và nguồn gốc thì giá trị nông sản sẽ càng cao.

Quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc rõ ràng là cách là giải pháp giúp nông dân bảo vệ chính mình và nông sản mình làm ra

Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho biết: “Trung Quốc đã ứng dụng truy xuất nguồn gốc nông sản tại nội địa từ rất lâu và hiện quốc gia này cũng đủ hành lang pháp lý để yêu cầu truy xuất nguồn gốc với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc. Đây là các biện pháp đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và cũng là xu thế chung hiện nay ở nhiều quốc gia tiên tiến. Do đó, để có thể đáp ứng được yêu cầu của đối tác thì không có giải pháp nào hiệu quả hơn là cùng nhau liên kết, sản xuất theo quy chuẩn và có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Ngoài ra, để có thể tăng khả năng cạnh tranh hơn thì đầu tư công nghệ chế biến sau thu hoạch là cần thiết. Bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống, nông dân và chính quyền địa phương cũng có thể tiếp cận thị trường đa kênh hơn, trong đó khai thác kênh thương mại điện tử là một hướng đi triển vọng”.

Hiện Đồng Tháp nói riêng và cả nước nói chung có nhiều lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nông sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, song để có thể định vị lại đúng giá trị của ngành nông nghiệp thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong đó, việc cùng nhau liên kết để sản xuất hàng hóa an toàn có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc là tiền đề quan trọng để có thể khai thác sâu hơn những tiềm năng và lợi thế của ngành kinh tế mũi nhọn này. Đã đến lúc cần từ bỏ tư duy “đèn nhà ai nấy rạng” bởi nếu không hiệp lực cùng nhau, không sẵn sàng liên kết và “làm ăn” lớn với doanh nghiệp thì nông sản của địa phương chỉ mãi quanh quẫn ở “ao làng” và điệp khúc được mùa mất giá hãy còn là câu chuyện dài. Muốn định vị lại giá trị nông sản thì trước tiên nông dân phải thay đổi cách làm của mình và hãy là một mắc xích cực kỳ quan trọng trong chuỗi giá trị nông nghiệp.

Mỹ Lý

Bắc Giang: Na dai Lục Nam được cấp Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Ngày 1/12, UBND huyện Lục Nam (Bắc Giang) tổ chức Lễ công bố Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của địa phương.

Đến dự có đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Vụ phát triển khoa học và công nghệ địa phương (Bộ Khoa học và Công nghệ) cùng lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh; huyện Lục Nam

Cây na dai được người dân trồng ở Lục Nam từ rất lâu. Khoảng 15 năm trở lại đây, na đã trở thành cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương. Nhờ kỹ thuật khống chế để cho na ra trái vụ đã kéo dài vụ na từ 1,5 tháng lên 5-6 tháng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đến nay, diện tích sản xuất na toàn huyện hơn 1.700 ha, trong đó có hơn 100 ha được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, diện tích sản xuất theo hướng VietGAP khoảng 1.050 ha. Hiện na dai được trồng tập trung ở các xã: Huyền Sơn, Cương Sơn, Nghĩa Phương, Đông Phú, Đông Hưng và Lan Mẫu. Năm 2020, doanh thu từ cây na ước đạt 350 tỷ đồng.

Các đại biểu tham qua khu vực trồng na dai theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Huyền Sơn.

Nhằm phát triển giá trị của cây na dai, tháng 8/2018, UBND huyện Lục Nam phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông hóa triển khai thực hiện Dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả Na Dai của huyện. Ngày 20/7/2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã có Quyết định số 2806/QĐ-SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” số cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam. Đây là chỉ dẫn địa lý thứ 2 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (sau cây vải thiều).

Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ trao Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Lục Nam" cho sản phẩm quả nai dai.

Sau khi công bố và trao văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm na dai của huyện, ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý chỉ là bước khởi đầu cho một giai đoạn mới, do đó địa phương cần quản lý và phát triển chỉ dẫn cần dựa trên lợi thế, đặc điểm tổ chức sản xuất của địa phương.

Với vai trò đơn vị quản lý, UBND huyện sớm xây dựng các chính sách, hoàn chỉnh nhãn bảo vệ những giá trị về chất lượng, nguồn gôc, danh tiếng của sản phẩm.

Thay mặt lãnh đạo huyện, đồng chí Hoàng Văn Toán, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Nam gửi lời cảm ơn tới cơ quan, đơn vị đã ủng hộ, tạo điều kiện để địa phương hoàn thành việc xây dựng chỉ dẫn đại lý cho sản phẩm quả na dai của huyện.

Đồng chí nhấn mạnh, để duy trì, phát triển thương hiệu na dai Lục Nam, thời gian tới, cơ quan chuyên môn của huyện sẽ hướng dẫn các hợp tác xã sản xuất na hoàn thiện hồ sơ của sản phẩm để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang năm 2021.

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá; xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm quả na dai mang chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” ra thị trường trong nước và nước ngoài.

ồng chí đề nghị, các hợp tác xã, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quả na dai mang chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” phải áp dụng những thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm tăng năng suất; duy trì, bảo đảm chất lượng, tính đặc thù của sản phẩm quả na dai mang chỉ dẫn địa lý “Lục Nam”.

Sử dụng hợp pháp chỉ dẫn địa lý "Lục Nam" trong hoạt động sản xuất, kinh doanh quả na dai như: Gắn lô gô, tem truy xuất nguồn gốc chỉ dẫn địa lý ”Lục Nam” trên sản phẩm quả na dai, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, giấy tờ giao dịch trong lưu thông, quảng cáo,...

Sỹ Quyết

Ninh Thuận: Nhiều diện tích cây trồng bị ngập nước do mưa, lũ

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Mưa lớn liên tiếp trong những ngày qua ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Nhiều diện tích cây trồng ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận bị ngập sâu trong nước; trong đó, có một số diện tích đang chuẩn bị thu hoạch bị thiệt hại lớn về năng suất.

Ghi nhận tại một số khu vực sản xuất trên địa bàn huyện Ninh Phước, nhiều diện nho, táo đang thời kỳ thu hoạch đã bị ngập sâu trong nước, gây thiệt hại cho nông dân. Anh Nguyễn Thanh Vân, ở thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu, chia sẻ: Gia đình hiện có trên 4 sào táo, còn khoảng mấy ngày nữa sẽ thu hoạch, với tình hình mưa liên tục như hiện nay đành hái sớm để tránh trường hợp trái bị rụng và hư hại, năng suất sẽ giảm đi rất nhiều, ước tính thiệt hại khoảng 50%.

Nhiều diện tích trồng táo của nông dân xã Phước Hậu (Ninh Phước) bị ngập sâu trong nước. Ảnh: Hồng Lâm

Theo thống kê, toàn xã Phước Hậu hiện có khoảng 10 ha nho, táo đang chuẩn bị thu hoạch bị ảnh hưởng bởi mưa lũ; trong đó, tập trung nhiều nhất ở thôn Trường Thọ. Ông Nguyễn Như Hùng Triết, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hậu, cho biết: Trước tình hình, chính quyền địa phương vận động bà con tranh thủ thu hoạch sớm để hạn chế thiệt hại; đồng thời, khuyến cáo người dân khẩn trương ra đồng khai thông kênh mương thoát nước.

Trên địa bàn xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) có trên 180 ha nho đang canh tác, mưa lớn kéo dài trong 2 ngày qua làm nhiều diện tích nho đang trong giai đoạn cắt cành và ra hoa bị ảnh hưởng. Gia đình anh Trần Quang Thu ở thôn Thái An đang canh tác 2 sào nho giống mới NH 01 -152, chia sẻ: Gần một năm nay nắng hạn nên bà con sản xuất rất bấp bên, do không có nước nhiều giàn nho không cắt cành được. Mấy hôm giờ có mưa tôi mới cắt cành chuẩn bị vụ nho tết mà mưa như thế này thì sợ nho ra bông bị tuột trái ảnh hưởng đến năng suất sau này.

Nho đang ra bông bị ngập nước do mưa lớn kéo dài. Ảnh: Phan Thanh

Theo thống kê sơ bộ của UBND xã, hiện trên địa bàn có gần 50 ha nho bà con vừa cắt cành và khoảng 25 ha nho đang trong giai đoạn ra bông bị thiệt hại. Ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải (Ninh Hải), cho biết: Trước tình hình diễn biến của mưa lũ kéo dài, xã đang vận động bà con thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết để có biện pháp chăm sóc cây trồng hợp lý, đặc biệt trên cây nho; đồng thời, thường xuyên bám đồng, bám rẫy khơi thông dòng chảy tránh tình trạng ngập úng, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng. Đối với những rẫy có trụ điện bị gẫy gần các con suối, xã khuyến cáo bà con chờ nước rút mới ra rẫy tắt cầu dao điện để đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng.

Hồng Lâm- Kha Hân

Nỗi lo đầu ra cho cây quýt: Chú trọng cải tạo, nâng cao chất lượng quýt

Nguồn tin: Báo Bắc Kạn

Mặc dù quýt là cây trồng chủ lực của các xã phía Tây của huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn), mang lại giá trị kinh tế, giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định và làm giàu. Tuy nhiên, giá cả còn bấp bênh. Vấn đề đặt ra là cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng thâm canh theo hướng bền vững.

Hiện nhiều hộ dân ở xã Quang Thuận chuyển đổi sang cây trồng khác.

(Trong ảnh: Một vườn cây thanh long ở thôn Khuổi Piểu, xã Quang Thuận cho thu nhập khá).

Ông Nguyễn Văn Thế, thôn Bản Pè (xã Dương Phong) từng gắn bó lâu năm với nghề trồng quýt, nhưng trước những khó khăn về đầu ra của cây ăn quả này, ông đã trồng vài trăm gốc cây trà hoa vàng dưới tán quýt, đồng thời trồng mới 1ha quế. Theo ông, cây lâm nghiệp tuy trồng lâu năm nhưng ưu điểm là không lo lắng về đầu ra hay mất nhiều công chăm sóc, hơn nữa phát triển kinh tế vườn, đồi, rừng còn phụ thuộc vào sức khỏe, nhân lực, nên cần tính toán trồng loại cây sao cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Theo lãnh đạo huyện Bạch Thông, trong mấy năm gần đây trên địa bàn đã có nhiều hộ chủ động chuyển đổi, thay thế một số cây trồng khác, điển hình như cây cam sành, cam đường canh, cam V2, cam Xã Đoài, bưởi, thanh long, táo, nhãn… Riêng giống cam sành mới và cũ cả huyện có gần 200ha; các giống cam V2, cam đường canh phát triển lên hơn 100ha. Việc đa dạng hóa các loại cây trồng là giải pháp nhằm thay thế các loại cây ăn qủa đã già cỗi, bệnh, năng suất thấp.

Điển hình như hộ anh Bàn Trường Minh, thôn Khuổi Cò (xã Dương Phong) lựa chọn trồng cam sành, theo anh cam sành chín vào thời điểm Tết Nguyên đán, giá thành cao gần gấp đôi quýt, dễ chăm sóc, thời gian bảo quản được lâu. Vì thế anh trồng hơn 200 gốc cam sành bản địa áp dụng theo hướng VietGAP, sau 4 năm trồng hiện cây đã cho quả, dự kiến hơn 1 tháng nữa là anh được bán.

Diện tích cây có múi của huyện Bạch Thông hiện có hơn 1.600ha, sản lượng hơn 12.000 tấn/năm. Cây quýt đã được cấp Giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý năm 2012, tham gia vào các chương trình hội chợ, quảng bá sản phẩm như Tuần lễ cam, quýt... tuy nhiên hiệu quả chưa cao. Nhiều ý kiến cho rằng, quýt Bắc Kạn chưa đạt yêu cầu về chất lượng, mẫu mã phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Dù giá cả bấp bênh nhưng đây vẫn là cây trồng chủ lực của các xã phía Tây huyện Bạch Thông. Chủ trương của huyện mấy năm gần đây không khuyến khích bà con mở rộng diện tích cây quýt, mà tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng cây ăn quả, chuyển đổi những diện tích già cỗi sang trồng cây có giá trị kinh tế cao.

Đáng chú ý, mấy năm gần đây Bạch Thông đã đưa vào các chương trình hỗ trợ, thâm canh, cải tạo cây cam, quýt theo hướng VietGAP. Các chương trình của tỉnh, huyện đã giúp cho nhiều hộ dân từng bước thay đổi thói quen trong sản xuất, thâm canh cây trồng, chú trọng nhiều hơn đến chất lượng quả. Gần đây nhất đã có 02 HTX là HTX Đại Hà và HTX dịch vụ Nông nghiệp Dương Phong được cấp giấy chứng nhận VietGAP với diện tích được công nhận là gần 27ha gồm cam, quýt, bưởi. Đây là cơ sở quan trọng để mở ra cơ hội đầu ra cho cây quýt bản địa, tạo lòng tin với người tiêu dùng.

Anh Bàn Trường Minh, thôn Khuổi Cò (xã Dương Phong) trồng hơn 200 gốc cam sành áp dụng theo hướng VietGAP.

Trong lộ trình phát triển cây ăn quả giai đoạn 2020 - 2025, huyện Bạch Thông đã ban hành Đề án chuyển đổi cơ cấu cây ăn quả theo hướng bền vững gắn với tiêu thụ sản phẩm. Theo đề án, huyện dự kiến trồng mới 500ha cây cam sành, trong đó thay thế một số diện tích quýt già cỗi, cải tạo 300ha quýt theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Những giải pháp về khoa học kỹ thuật, chính sách hỗ trợ và giải pháp về tiêu thụ cũng đã được đề ra khi bước vào tổ chức thực hiện.

Đã đến lúc phải nhìn nhận về thực trạng phát triển cây ăn quả của địa phương, từ định hướng quy hoạch, đến lựa chọn, thay thế cây trồng phù hợp để cây ăn quả đặc sản địa phương có thể cạnh tranh, thị trường tiêu thụ rộng, mang lại lợi ích kinh tế cho người dân./.

Thu Trang

Thoát nghèo từ mô hình kinh tế vườn rừng

Nguồn tin:  Báo Lạng Sơn

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Bản Piòa, xã Bình La, huyện Bình Gia (tỉnh Lạng Sơn), ông Vy Văn Hỏn (sinh năm 1964) đã tìm cách thoát nghèo từ phát triển mô hình kinh tế vườn rừng. Hơn 5 ha đất rừng, 3 ha đất vườn trồng cây ăn quả của ông đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể, giúp nâng cao đời sống.

Cách đây gần 30 năm, gia đình ông Hỏn sống trong một túp lều được dựng tạm bợ, nằm tách biệt trong Bản Piòa, bao quanh là đất đồi. Không chấp nhận cảnh “nghèo bền vững”, ông Hỏn quyết tâm biến khó khăn thành lợi thế từ đất đồi rừng của gia đình để phát triển mô hình kinh tế. Năm 2001, với số vốn ban đầu chỉ vỏn vẹn 600 nghìn đồng, ông Hỏn bắt đầu mua giống hồng Vành khuyên và hồng Bảo Lâm về trồng. Sau 6 năm, hơn 300 cây hồng đã mang lại gần 2 tấn quả mỗi năm. Năm 2004, với quyết tâm phát triển kinh tế, gia đình ông tiếp tục tự ươm giống hồi và quýt, 8 năm sau, 800 cây hồi mang lại hơn 1 tấn hoa/năm và 150 cây quýt giúp ông thu về trên 1 tấn/năm.

Vườn quýt, hồng mang lại cho gia đình ông Hỏn nguồn thu nhập cao

Ông Vy Văn Hỏn chia sẻ: “Nhớ lại những năm 2000, khi mới bắt tay vào thực hiện mô hình kinh tế này, không ít lần tôi thấy nản lòng, thậm chí là muốn bỏ cuộc, bởi dù bỏ ra khá nhiều công sức nhưng mãi vẫn chưa thu lại được thành quả. Thế rồi, cầy và đất đã không phụ công gia đình, sản phẩm của gia đình tôi luôn được thương lái đến tận vườn thu mua. Từ năm 2013 đến nay, mô hình kinh tế đã giúp gia đình tôi thoát nghèo, mỗi năm cho thu nhập từ 100 đến 120 triệu đồng. Và điều vui nhất của gia đình đó là đủ điều kiện chăm lo cho 3 con theo học đại học.

Có của ăn, của để, đến năm 2019, gia đình ông Hỏn đã đầu tư trồng thêm khoảng 2.000 cây keo, khai thác 2ha đất đồi rừng còn trống. Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, mỗi năm, ông Hỏn đều tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân huyện, tỉnh tổ chức để trao đổi và học tập kinh nghiệm làm kinh tế của những hội viên khác. Bản thân ông cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm của mình để giúp các hộ gia đình khác trong xã phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Với quyết tâm vươn lên, cùng với những đóng góp cho cộng đồng, nhiều năm nay, gia đình ông Hỏn luôn đạt hộ gia đình văn hóa tiêu biểu và được Hội Nông dân xã Bình La tặng giấy khen vì là hội viên điển hình trong phát triển kinh tế hộ gia đình, đặc biệt, năm 2018, gia đình ông Hơn được nhận giấy khen của Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn về gia đình làm kinh tế giỏi.

Ông Hoàng Văn Thời, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình La cho biết: Gia đình ông Vy Văn Hỏn là một trong những gia đình tiên phong trong việc làm giàu từ mô hình kinh tế vườn rừng và trở thành tấm gương điển hình được nhiều hộ gia đình trong xã học tập, noi theo, từ đó góp phần phát triển nền kinh tế của địa phương.

DƯƠNG KIM

Mùa thu hoạch cà phê ở Gia Lai: Năng suất giảm, giá nhân công tăng cao

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Người dân khu vực phía Tây tỉnh Gia Lai đang bước vào vụ thu hoạch cà phê với tâm trạng kém vui. Nguyên nhân do năng suất cà phê vụ này giảm mạnh, nhân công khan hiếm trong khi giá mặt hàng này vẫn giữ nguyên như năm ngoái.

Năng suất giảm mạnh

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 97.000 ha cà phê; trong đó, diện tích đang trong giai đoạn kinh doanh khoảng 83.148 ha, còn lại đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản và tái canh. Diện tích cà phê tập trung chủ yếu ở các huyện như: Ia Grai, Chư Prông, Chư Păh, Đak Đoa, Chư Sê, Mang Yang. Dù chỉ mới thu hoạch được khoảng 40% diện tích nhưng phần lớn người dân đều cho rằng, năng suất cà phê năm nay giảm khá mạnh so với niên vụ trước.

Người dân thu hoạch cà phê tại xã Ia Phìn (huyện Chư Prông). Ảnh: Nguyễn Diệp

Do diễn biến thời tiết trong niên vụ này gặp nhiều bất lợi đã gây ảnh hưởng lớn đến năng suất cà phê của gia đình ông Nguyễn Văn Thành (thôn Tân An, xã Ia Sao, huyện Ia Grai). Ông Thành buồn rầu nói: “Gia đình tôi trồng 1 ha cà phê và nhận khoán thêm 2 ha của Công ty Cà phê Ia Sao 2. Dù mới thu hoạch được gần một nửa diện tích nhưng dự kiến sản lượng cà phê năm nay giảm hơn 30% so với niên vụ trước. Thời tiết năm nay rất thất thường, mùa mưa đến muộn, lượng mưa thấp đã gây khó khăn trong việc chăm sóc, bón phân dẫn đến cây ra hoa đậu quả ít. Năm ngoái, trung bình mỗi héc ta, tôi thu được 18-20 tấn cà phê tươi thì năm nay chỉ thu được khoảng 12-13 tấn. Với mức giá hiện tại từ 31 ngàn đồng đến 33 ngàn đồng/kg cà phê nhân, sau khi trừ chi phí đầu tư, nộp sản lượng cho Công ty, gia đình không còn lãi bao nhiêu”. Cũng theo ông Thành, rất nhiều vườn cà phê trong vùng năng suất còn đạt thấp hơn, thu không đủ bù đắp chi phí đầu tư. Chính vì thế, không khí thu hoạch cà phê vụ này khá ảm đạm.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu (thôn Hoàng Ân, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) cho hay: “Trong giai đoạn cà phê ra hoa và nuôi quả, lượng mưa rất ít. Cơn bão số 9 vừa rồi gây mưa lớn và gió mạnh cũng làm vườn cây rụng quả rất nhiều. Vì vậy, năng suất cà phê năm nay giảm rất mạnh. Dự kiến, 2 ha cà phê của gia đình tôi vụ này chỉ thu được khoảng 15 tấn tươi, giảm khoảng 40% sản lượng so với vụ trước. Không riêng gì gia đình tôi mà hầu hết các vườn cà phê trong khu vực này cũng chung cảnh ngộ. Với mức giá cà phê như hiện tại, nhiều hộ không những không có lãi mà còn lỗ vốn”.

Cà phê mất mùa không chỉ xảy ra đối với diện tích của người dân mà cả với các công ty thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam đứng chân trên địa bàn tỉnh. Ông Vũ Văn Đại-Giám đốc Công ty Cà phê Ia Sao 2-cho biết: “Công ty có 464 ha giao khoán cho người dân sản xuất, hiện đã thu hoạch được khoảng 40% diện tích. Do ảnh hưởng của nhiều yếu tố thời tiết như mùa mưa đến muộn, mưa ít, ảnh hưởng của bão số 9… đã khiến năng suất cà phê năm nay giảm mạnh so với niên vụ trước. Bên cạnh đó, nhiều diện tích cà phê của Công ty đã già cỗi, xuống cấp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất. Dự kiến, niên vụ cà phê 2020-2021, tổng sản lượng của Công ty chỉ đạt khoảng 6.000 tấn cà phê tươi, giảm 20% so với vụ trước”.

Ông Đào Lân Hưng-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-thông tin: “Do ảnh hưởng nhiều yếu tố bất lợi của thời tiết nên một số vùng trồng cà phê trên địa bàn huyện năng suất giảm so với năm ngoái. Tuy nhiên, cũng có một số khu vực người dân mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo tiêu chuẩn 4C và UTZ, áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt… thì năng suất vẫn đạt cao. Thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo ngành Nông nghiệp, chính quyền xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê nói riêng và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nói chung nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Khan hiếm nhân công thu hoạch

Tình trạng khan hiếm nhân công thu hoạch cũng đang là vấn đề đau đầu của không ít hộ trồng cà phê trên địa bàn tỉnh. Những năm trước, mỗi khi đến mùa thu hoạch, hàng ngàn lao động từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi... lại đổ về Gia Lai nhận hái khoán cà phê. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, các khu công nghiệp ở những tỉnh này mở ra đã thu hút nguồn lao động tại chỗ, cộng với tình trạng không ít người dân Gia Lai đi các tỉnh, thành làm việc khiến các chủ vườn “đỏ mắt” tìm nhân công hái cà phê.

Năng suất giảm mạnh, nhân công thu hoạch khan hiếm khiến các hộ trồng cà phê trên địa bàn tỉnh kém vui. Ảnh: Đức Thụy

 

Bà Thu cho biết: “Giờ khó tìm nhân công hái cà phê lắm. Tôi thuê khoán với mức 900 ngàn đồng/tấn, cao hơn 500 ngàn đồng/tấn so với năm ngoái mà tìm không ra người. Nhiều nhân công đến nhận, đi dạo một vòng thấy cà phê ít quả quá lại bỏ đi vì sợ ngày công đạt thấp. Nhìn cà phê chín rụng đầy gốc mà thấy xót, nếu thu hoạch không kịp sẽ ảnh hưởng đến việc chăm sóc cũng như năng suất của vườn cây trong vụ tới”.

Ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp: Năm nay, do dịch Covid-19 nên hoạt động xuất khẩu cà phê bị ảnh hưởng nặng. Dịch chưa biết khi nào sẽ hết nên hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng và mức giá cà phê dự báo sẽ không tăng trong thời gian tới mà chỉ dao động quanh mức 34 ngàn đồng/kg nhân.

Nhân công khan hiếm nên nhóm của anh Kpuih Thế (thôn Plei Thơ Ga A, xã Chư Don, huyện Chư Pưh) gồm 10 người đến huyện Chư Prông hái cà phê thuê hơn 10 ngày nay khá “đắt hàng”.

Anh Thế cho hay: “Những ngày qua có nhiều người gọi điện, thậm chí tìm đến để thuê nhưng anh em chúng tôi đã nhận hái cho các hộ quen biết từ vụ trước. Nhóm nhận hái khoán với mức 900 ngàn đồng/tấn. Tùy vườn cà phê, nếu sai quả thì mỗi ngày nhóm hái được khoảng 2,5 tấn tươi, chia đều cho mỗi người được hơn 200 ngàn đồng. Số tiền này góp phần cải thiện đáng kể nguồn thu nhập của gia đình. Hái xong chỗ này, chúng tôi đi chỗ quen khác, khi nào hết mùa cà phê mới về nhà”.

Năng suất cà phê giảm, giá nhân công thu hoạch tăng trong khi giá bán giữ nguyên khiến người trồng không có lời, thậm chí lỗ vốn. Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Năng suất cà phê năm nay giảm, nguyên nhân do nắng hạn kéo dài dẫn đến vườn cây bị suy kiệt, kém phát triển. Cùng với đó, giá cà phê những năm qua khá bấp bênh, người dân gặp khó nên sức đầu tư chăm sóc vườn cây cũng giảm, dẫn đến năng suất không được như ý. Trong những năm tới, bên cạnh việc tiếp tục giữ ổn định diện tích, tỉnh sẽ tập trung tái canh cà phê, sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao, đẩy mạnh đầu tư thâm canh nhằm nâng cao năng suất. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp sẽ cùng với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất như: sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ, chế biến sâu các sản phẩm cà phê...; định hướng người dân sản xuất theo các tiêu chuẩn 4C, UTZ, VietGAP để cung cấp cho những doanh nghiệp xuất khẩu trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, xây dựng chỉ dẫn địa lý cà phê Gia Lai để rộng cửa xuất khẩu sang thị trường châu Âu”.

NGUYỄN DIỆP-QUANG TẤN

Phòng chống Bệnh khảm lá mì: Tây Ninh với những tín hiệu tích cực

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Thứ trưởng yêu cầu Tây Ninh và các tỉnh cấm sử dụng những giống nhạy cảm với bệnh, ví dụ như HLS bởi giống này dù có tỷ lệ nhiễm quá cao, sẽ làm lây lan cho những giống mì khác.

Nông dân chuẩn bị đất để trồng mì.

Theo BCÐ phòng chống bệnh khảm lá mì, vụ Ðông Xuân 2019-2020, có 4 địa phương (Trảng Bàng, Bến Cầu, TP. Tây Ninh và Tân Biên) không sử dụng mì HLS-11 làm giống. Diện tích xuống giống tập trung và sạch bệnh là 3.906 ha trên địa bàn các huyện Dương Minh Châu, Tân Biên và Tân Châu.

Vụ Hè Thu 2020, có 3 huyện không sử dụng mì HLS-11 làm giống. Diện tích xuống giống HLS-11 tăng so với cùng kỳ năm trước (tăng 9,8% so vụ Hè Thu 2019). Vụ Mùa 2020, đang xuống giống, hiện chỉ có huyện Dương Minh Châu trồng giống HLS-11.

Diện tích sử dụng giống mì sạch bệnh, xuống giống tập trung giảm so năm 2019 là do cây mì ở nhiều địa phương ngoài tỉnh đã bị nhiễm bệnh, khó tìm được cây mì ở vùng chưa nhiễm bệnh để thu mua, tốn kém chi phí vận chuyển...

Bệnh khảm lá mì được phát hiện gây hại đầu tiên trên địa bàn tỉnh vào tháng 5.2017 tại xã Tân Hà, huyện Tân Châu. Ðến nay, với sự nỗ lực của ngành chức năng, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh, tình hình bệnh khảm lá trên địa bàn tỉnh đã có những điểm tích cực, diện tích nhiễm nặng giảm mạnh, góp phần giữ được năng suất, sản lượng.

Tính đến ngày 12.11.2020, toàn tỉnh đã xuống giống khoảng 56.000 ha. Diện tích mì nhiễm bệnh khoảng 43.331 ha. Trong đó, nông dân đã thu hoạch 23.439 ha, diện tích nhiễm bệnh còn trên đồng khoảng 19.892 ha.

Ở xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, nông dân thường trồng 1 vụ lúa, 1 vụ mì, diện tích cây mì hằng năm trên địa bàn xã khoảng 3.500 ha. Hiện nay, nông dân bắt đầu xuống giống, trong đó diện tích đã xuống giống trên 10% (khoảng 400 ha).

Ông Lê Minh Phương - Chủ tịch UBND xã cho biết, năm 2019, diện tích cây mì nhiễm bệnh khảm lá của địa phương ít, mức độ nhiễm nhẹ do người dân sử dụng giống sạch bệnh. Ðịa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và người dân cũng nhận thức được, tìm nguồn giống sạch bệnh về trồng.

Nhiều người trồng diện tích lớn và thương lái địa phương đi đến các vùng không dịch để khảo sát mì, mua cây giống về bán lại cho nông dân. Do đó, năm rồi, cây mì ở xã có năng suất rất cao, có diện tích lên đến 45 tấn/ha.

Cây mì xuống giống được 1 tháng trên địa bàn huyện Dương Minh Châu.

Anh Ðào Văn Phương (ngụ ấp Phước Lễ, xã Phước Ninh) cho biết, diện tích trồng mì của gia đình anh gần 10 ha, đã xuống giống xong. Năm ngoái, diện tích mì nhiễm bệnh khảm lá của gia đình anh chỉ khoảng 1 ha với mức độ nhẹ do anh đã xử lý và chọn giống kỹ từ ban đầu. “Cây giống đưa về nếu xác định là cây bệnh thì mình không trồng. Lá cây phải còn xanh và thẳng, mắt cây phải nhặt, cây không có lá hoặc lá nhăn là không lấy. Ðây là cách mình chọn cây giống”- anh Phương chia sẻ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), công tác thông tin tuyên truyền đã thay đổi nhận thức của một bộ phận người sản xuất trong việc sử dụng nguồn giống sạch bệnh để trồng, từng bước loại bỏ giống mì nhiễm bệnh nặng như HLS-11.

Ðiển hình như ở huyện Dương Minh Châu, vụ Ðông xuân 2018 - 2019 có khoảng 80% người dân sử dụng nguồn giống sạch bệnh (chủ yếu là KM 94) ngoài tỉnh và người cung cấp cam kết cây giống không có bệnh.

Trong 10 tháng năm 2020, diện tích mì nhiễm bệnh khảm lá nặng chỉ chiếm dưới 1% diện tích nhiễm và đã giảm mạnh - khoảng 95,8% so với năm 2019. Nguyên nhân là nhờ áp dụng nhiều giải pháp như: một số vùng, khu vực triển khai xuống giống tập trung với nguồn giống sạch bệnh; hạn chế trồng giống nhiễm bệnh nặng (HLS-11); chăm sóc, tưới nước đầy đủ trong điều kiện khô giúp cây sinh trưởng tốt, ít thiệt hại năng suất cuối vụ; luân canh (vụ lúa - vụ mì/rau màu), chuyển đổi cây trồng khác để cắt, giảm nguồn bệnh khảm lá.

Ngoài ra, việc xuống giống tương đối đồng loạt trên vùng, khu vực; việc nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phun thuốc trừ bọ phấn trắng hạn chế truyền bệnh giai đoạn dưới 3 tháng tuổi…

Mặc dù áp lực bệnh trong vùng cao làm lây nhiễm chéo và tỷ lệ nhiễm bệnh cao ở giai đoạn 4 - 5 tháng tuổi, nhưng năng suất cuối vụ ảnh hưởng không đáng kể. Bước đầu, cơ quan nghiên cứu đã tuyển chọn được một số dòng kháng bệnh để cùng địa phương đẩy nhanh tiến độ nhân giống phục vụ sản xuất ngay khi được công nhận.

Ông Nguyễn Ðình Xuân - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Trong 3 năm qua, bệnh khảm lá mì đã lây lan rất mạnh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, chính quyền cùng với người dân đã có những giải pháp quyết liệt để kiểm soát dịch bệnh.

Chúng ta đã chọn được những giống có mức độ nhiễm bệnh từ trung bình đến nhẹ; thực hiện giải pháp canh tác, bảo vệ tổng hợp cho nên phần lớn diện tích nhiễm hiện nay tương đối nhẹ đến trung bình, diện tích nhiễm nặng rất ít, năng suất vẫn giữ được từ 30 - 40 tấn/ha với hàm lượng tinh bột bình quân khoảng 26 - 28 chữ bột.

Nông dân chặt hom mì.

Thông tin thêm về tình hình nghiên cứu giống cây mì mới, ông Xuân cho biết, Tây Ninh đã phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp nghiên cứu khảo sát giống kháng bệnh, đã triển khai trên 200 giống, trong đó, một nửa là nhập những giống mới cùng với giống trong nước trồng đại trà.

Trong số 200 giống này, các nhà khoa học phát hiện có 8 giống có khả năng kháng rất mạnh với bệnh khảm lá, đặc biệt có 2 giống HN3 và HN5 vừa giải quyết được vấn đề khảm và năng suất ban đầu rất tốt, có thể hứa hẹn nhân giống lên hoặc lai tạo với những giống hiện hữu để tạo ra những giống vừa kháng bệnh, vừa có năng suất chất lượng tốt và góp phần đẩy lui dịch bệnh này.

Vừa qua, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh tổ chức họp Ban Chỉ đạo (BCÐ) phòng, chống bệnh khảm lá mì. Tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh chỉ đạo, trong khi chờ phát triển những giống mì mới, tỉnh cần quản lý tốt những giống hiện có, từng bước đưa những giống sạch bệnh về, làm giảm những giống nhiễm bệnh trong tỉnh. Ðặc biệt, Thứ trưởng yêu cầu Tây Ninh và các tỉnh cấm sử dụng những giống nhạy cảm với bệnh, ví dụ như HLS bởi giống này dù có tỷ lệ nhiễm quá cao, sẽ làm lây lan cho những giống mì khác.

Bệnh khảm lá vẫn còn gây hại trên diện rộng tại tất cả các vùng trồng mì trên địa bàn tỉnh. Cây mì là cây trồng chủ lực, nguồn tiêu thụ ổn định, sản xuất có lãi so với một số loại cây trồng khác. Mùa vụ sản xuất liên tục tạo thuận lợi cho tiêu thụ nhưng là nguyên nhân chính làm lây nhiễm chéo dịch bệnh.

Trong thời gian tới, các ngành chức năng và địa phương tiếp tục thông tin tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp như xuống giống đồng loạt, tập trung từng khu vực sản xuất; sử dụng nguồn giống sạch bệnh, giống ít nhiễm bệnh; phun thuốc trừ bọ phấn giai đoạn mọc mầm đến 3 tháng để hạn chế bệnh hại; tiêu huỷ cây mì bị bệnh và tàn dư sau thu hoạch, không sử dụng cây trên ruộng bệnh để làm giống.

Trúc Ly

Hà Nội phát triển 200 vùng trồng lúa Japonica, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã ký ban hành Quyết định số 5342/QĐ-UBND ngày 30-11-2020 về “Kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu giai đoạn 2021-2025”.

Theo đó, trong 5 năm (2021-2025), các sở, ngành liên quan và các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp duy trì, phát triển 200 vùng trồng lúa Japonica, lúa chất lượng cao hàng hóa theo hướng an toàn, VietGAP, hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu với quy mô 12.080ha. Dự kiến năng suất lúa gieo trồng theo phương pháp hữu cơ đạt 5-5,5 tấn/ha, lúa an toàn, lúa gieo trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 6-6,5 tấn/ha.

Cùng với đó, các huyện, thị xã xây dựng, hình thành và phát triển 5-7 vùng gieo trồng lúa thảo dược làm thực phẩm chức năng; xây dựng và hình thành các mô hình chuyển đổi diện tích trồng hai vụ lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa - cá, góp phần làm tăng hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ.

Song song với việc đẩy mạnh phát triển thương hiệu gạo hữu cơ Hà Nội, UBND thành phố cũng giao các sở, ngành liên quan phối hợp với các huyện, thị xã xây dựng, hình thành 3-5 chuỗi liên kết nội địa và xuất khẩu nhằm mở rộng phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao, tạo tiền đề cho phát triển sản xuất bền vững; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, xúc tiến thương mại để người dân trong và ngoài nước biết đến sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao của Hà Nội, qua đó thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm…

THÚY NGA

Hà Giang: Hợp tác xã Hoa Bạc Hà chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm

Nguồn tin: Báo Hà Giang

Bắt đầu từ tháng 10 dương lịch, hoa Bạc hà vùng Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) bắt đầu nở rộ trong khoảng thời gian 2 tháng, đây là nguồn thức ăn chính của ong để có mật ong Bạc hà chất lượng tốt nhất. Yên Minh là một trong những huyện nằm trong vùng nguyên liệu nuôi ong. Nắm bắt được lợi thế trên, HTX Hoa Bạc Hà (Yên Minh) đã tập trung phát triển đàn ong, cũng như sản xuất sản phẩm mật ong đặc biệt này ra thị trường.

Sản phẩm mật ong của HTX Hoa Bạc Hà được công nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh.

Với mục đích phát triển nghề ong và phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, cuối năm 2017, HTX Hoa Bạc Hà được thành lập với ngành nghề chính là trồng trọt, chăn nuôi và chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Hiện nay HTX có 12 thành viên tập trung chủ yếu nuôi ong lấy mật; tổng số đàn ong HTX hiện có trên 800 tổ, sản lượng mật hàng năm đạt trên 3.000 lít, các thành viên trong HTX có doanh thu bình quân trên 100 triệu đồng/năm. Sản phẩm mật ong Bạc hà của HTX tạo ra dựa trên nguyên tắc kết hợp hài hòa giữa kiến thức bản địa nuôi ong địa phương và các kỹ thuật nuôi ong tiên tiến đang được áp dụng tại Việt Nam.

HTX Hoa Bạc Hà hiện ở tổ 5 thị trấn Yên Minh, là đơn vị đầu tiên của huyện có sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, với 3 mẫu đóng chai có thể tích 100 ml, 250 ml và 350 ml. Đây là những sản phẩm được thực hiện chung quy trình nuôi ong để đảm bảo chất lượng mật và chỉ thu mật vào mùa hoa Bạc hà; đàn ong được lựa chọn đặt ở những nơi có nguồn hoa Bạc hà nhiều nhất, kết hợp bảo vệ cây Bạc hà khi đến vụ, không đặt ở những nơi ô nhiễm và việc nuôi ong phải bằng mật hoa tự nhiên, không nuôi bằng đường, tạp chất… Để cung cấp ra thị trường sản phẩm mật ong đảm bảo uy tín, chất lượng, HTX đã phổ biến nhận thức về quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tập huấn kiến thức về phương pháp chăm sóc đàn ong trước khi vào vụ khai thác, cách phòng trừ dịch bệnh, kỹ thuật thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm mật ong tới tất cả các thành viên. Để đạt các chứng nhận HACCP, VietGAP, HTX luôn tuân thủ các quy trình chăn nuôi, sơ chế, đóng chai, tiêu thụ. Tất cả các sản phẩm trên của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh vào cuối năm 2019.

Anh Hà Văn Ngọc, thành viên HTX Hoa Bạc Hà chia sẻ: Từ khi tham gia HTX chúng tôi đều được tập huấn các quy trình, kỹ thật nuôi và khai thác mật. Ngay từ khai thác mật, phải đảm bảo khi nào trên sáp ong tất cả đều vít nắp mật và vào những ngày nắng ấm mới thực hiện quay mật, không quay trong những ngày mưa hay sương mù, rét; mật khi quay xong phải được lọc tạp chất. Sau đó mật được chuyển về đơn vị sản xuất sẽ tiếp tục được lọc lại một lần nữa đảm bảo loại bỏ hoàn toàn tạp chất trong quá trình quay mật. Đồng thời được đưa vào máy hạ thủy phần đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn của Chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm mật ong Bạc hà của Hà Giang do Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận.

Giám đốc HTX Hoa Bạc Hà, Nguyễn Văn Cương cho biết: Sau khi sản phẩm được công nhận OCOP, HTX luôn quan tâm giữ vững các tiêu chí, tập trung vào chất lượng, bởi đây là yếu tố quyết định sự thành bại của sản phẩm trên thị trường. Để tạo dựng điểm khác biệt của sản phẩm, HTX đã quan tâm xây dựng thương hiệu một cách bài bản; cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương mà HTX đã nhanh chóng hoàn thành việc đăng ký nhãn hiệu, làm tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm để giới thiệu sản phẩm mật ong ra thị trường… Cùng với đó, HTX còn chú trọng đến chất lượng mật ong, cam kết bán mật ong Bạc hà nguyên chất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy, HTX luôn ý thức được sự quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm và giữ cho giá thành được đảm bảo. Trong năm 2020, HTX tiếp tục phấn đấu nâng từ 3 sao lên 4 sao đối với 2 hũ mật ong Bạc hà 250ml và 350ml.

Bài, ảnh: HỒNG CỪ

Tái đàn heo phục vụ thị trường Tết trong thế khó!

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Năm 2020 tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc nói chung, đàn heo nói riêng cơ bản được kiểm soát tốt, giá cả heo hơi ở mức ổn định, ngành chăn nuôi heo ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ dần hồi phục. Hiện tại bà con chăn nuôi heo đã và đang khẩn trương tái đàn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, việc phục hồi sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn và nguy cơ dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn...

Ông Nguyễn Văn Hoàng chăm sóc đàn heo dự kiến sẽ kịp xuất chuồng vào dịp Tết Nguyên đán.

Nhiều khó khăn

Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi và Nông nghiệp Thạnh Lợi, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, sau đợt dịch tả heo châu Phi hoành hành vào năm 2019, mặc dù đã có chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhưng nhiều hộ thành viên của HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thua lỗ, thiếu vốn tái đàn nên việc phục hồi sản xuất khá chậm. Từ chỗ hơn 3.000 con heo thì hiện nay cả HTX với 36 thành viên còn khoảng 1.000 con heo lớn nhỏ. Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh tạm ổn định, các thành viên bắt đầu tái đàn nhưng do giá cả con giống và thức ăn tăng cao, dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nên nguy cơ rủi ro cao, các hộ chăn nuôi còn e dè khi tái sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Hoàng cho biết: "Hiện tại giá heo hơi trên thị trường dao động ở mức 7,4 triệu đồng/con (100kg), trong khi giá con giống từ 2,5-3 triệu đồng/con, giá thức ăn, thuốc thú y cũng khá cao nếu không may gặp rủi ro do dịch bệnh hoặc giá heo sụt giảm người chăn nuôi chúng tôi đã khó lại càng thêm khó. Vì thế, hiện nay việc tái đàn heo phục vụ thị trường Tết chủ yếu do bà con tự sản xuất con giống nên số lượng không nhiều. Nếu như trước đây có hộ nuôi từ 300-500 con heo thì nay thu hẹp lại chỉ nuôi từ 50-150 con".

Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng thận trọng khi tái đàn và cân nhắc việc tăng số lượng đàn heo phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Anh Nguyễn Bắc Hải, ấp E1, xã Thạnh An đang nuôi 4 con heo sinh sản và 20 con heo thịt. Trước đây, trong chuồng nhà anh lúc nào cũng duy trì đàn heo hơn 60 con lớn nhỏ. Nhưng sau đợt dịch tả heo châu Phi năm 2019, anh chỉ nuôi theo kiểu cầm chừng. Mặc dù từ đầu năm đến nay giá heo hơi luôn ở mức cao, anh cũng đã xuất bán được 3 đợt thu được lợi nhuận khá, nhưng anh chưa thể tăng tổng đàn, một phần vì thiếu vốn, một phần vì nguy cơ dịch bệnh có thể tái bùng phát bất cứ lúc nào. Và điều quan trọng nhất đối với anh hiện nay là làm sao chăm sóc đàn heo đảm bảo an toàn. "Trong chăn nuôi điều mà bà con chúng tôi lo lắng nhất là dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả heo châu Phi chưa có vắc-xin phòng ngừa và thuốc đặc trị. Vì thế chúng tôi không khỏi lo lắng, nhất là thời gian tới bước vào mùa đông, tiết trời lạnh, sức đề kháng heo kém nên dịch bệnh rất dễ xâm nhập" - anh Hải lo lắng.

Người chăn nuôi cần được hỗ trợ

Nhìn chung, sau đợt bệnh dịch tả heo châu Phi năm 2019, trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh số lượng đàn heo giảm mạnh và việc phục hồi sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn. Theo rà soát của ngành Thú y và các địa phương, hiện tổng đàn heo trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh là 21.376 con, giảm gần 30% so với trước. Nhiều địa phương có số lượng đàn heo giảm mạnh là xã Thạnh Thắng, Thạnh Lợi, Thạnh An và thị trấn Thạnh An. Ông Bùi Quang Nam, Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi, cho biết: "Trước đây, ngành chăn nuôi heo ở địa phương đem lại nguồn thu nhập ổn định và được xem là thế mạnh thứ 2 sau cây lúa, tập quán chăn nuôi của bà con chủ yếu theo hộ gia đình, mỗi hộ từ vài chục con đến vài trăm con, nhưng do dịch bệnh nên người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Ðể phục hồi sản xuất, ngành Thú y của thành phố cần có kế hoạch sản xuất cung ứng con giống tốt, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý giúp người chăn nuôi giảm giá thành đầu vào. Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố tạo điều kiện thuận lợi giúp bà con tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để bà con đầu tư phát triển sản xuất…".

Ðể góp phần giúp người chăn nuôi phục hồi sản xuất cũng như đảm bảo an toàn trong chăn nuôi nhằm cung ứng cho thị trường nguồn thực phẩm phục vụ Tết, huyện Vĩnh Thạnh và các xã, thị trấn triển khai thực hiện kế hoạch tiêm phòng gia súc đợt 2 và tổ chức tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đợt 2 năm 2020 từ ngày 5 đến 31-10-2020 vừa qua. Kết quả đã tiêm phòng bệnh lở mồm long móng được 10.246 con heo; tiêm phòng bệnh tai xanh cho 12.053 con; tiêu độc, khử trùng được 445.180m2 diện tích chuồng trại tại 5.488 hộ nuôi heo. Theo ngành Thú y huyện Vĩnh Thạnh, việc bà con tái đàn và nuôi thúc đàn heo phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới là vô cùng cần thiết, bởi Tết là thời điểm nhu cầu tiêu thụ thịt heo ở mức cao và dễ tiêu thụ. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là việc tăng số lượng đàn heo phải bảo đảm an toàn sinh học cho cả quá trình nuôi thì mới đem lại hiệu quả.

Ông Ðoàn Vĩnh Nghi, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vĩnh Thạnh, cho biết thêm: Ðể hạn chế rủi ro, người chăn nuôi cần cập nhật thường xuyên thông tin về tình hình dịch bệnh cũng như khuyến cáo của các ngành chức năng về việc thực hiện nghiêm túc các quy định trong chăn nuôi. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, tăng cường dinh dưỡng tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi, áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng sinh học, an toàn… Có như vậy mới đảm bảo hiệu quả, mang lại lợi nhuận ổn định, từng bước hướng ngành chăn nuôi heo phát triển an toàn và bền vững.

Bài, ảnh: MINH HẢI

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop