Tin nông nghiệp ngày 03 tháng 8 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 03 tháng 8 năm 2019

Bình Thuận: Hạn giữa mùa mưa: Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc căng thẳng nước sản xuất

Nguồn tin:  Báo Bình Thuận

Không chỉ nông dân ở các nơi trên mà ở một số huyện, thị khác cũng đang mong mưa về, vì vụ hè thu này nhiều nơi đã cắt giảm diện tích hoặc không sản xuất vụ hè thu…

Thu hoạch lúa ở Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: N.Lân

Thiếu nước giữa vụ

Cơn mưa chiều 25/7 đã cứu nguy cho nhiều diện tích lúa có các độ tuổi khác nhau trên địa bàn huyện Bắc Bình. Nhưng tốt nhất vẫn là với những trà lúa dưới 70 ngày tuổi, lứa tuổi lúa cần nước nhiều nhất để làm đòng. Như trên hệ thống kênh Sông Lũy - Cà Giây có gần 1.600 ha thì trong đó có hơn 1.100 ha thuộc trà lúa từ 49 – 70 ngày tuổi, còn lại là những trà lúa có từ 70 ngày tuổi trở lên. Còn tại hệ thống Phan Rí - Phan Thiết có 800 ha thì hơn quá nửa diện tích trà lúa ở tuổi dưới 70 ngày… Nhưng từ hôm ấy đến nay, chưa có cơn mưa nào tương tự lặp lại nên nỗi lo thiếu nước khiến nhiều trà lúa bị mất trắng hay không đạt sản lượng sẽ diễn ra lại tiếp tục. Trong khi đó, tại Hàm Thuận Bắc cũng đang diễn ra tình cảnh tương tự nhưng số diện tích lúa có lứa tuổi dưới 50 ngày nhiều khiến khả năng bị mất trắng rất cao. Đây là điều lạ mà mấy năm nay chưa xảy ra, vì lâu nay chưa có vụ hè thu nào thiếu nước giữa vụ, đơn giản vì đây là thời gian đã vào mùa mưa. Nhưng năm nay, theo quan sát của ngành nông nghiệp, từ đầu vụ sản xuất đến nay, nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp so với cùng kỳ và trung bình nhiều năm. Hiện tại nguồn sinh thủy trên các sông suối tự nhiên trên khu vực hầu như chưa có. Do đó lượng nước tưới cho phần diện tích nói trên phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước thủy điện Đại Ninh. Thế nhưng, trên thượng nguồn này trời cũng không mưa nhiều, nguồn nước tại hồ Đại Ninh ít, vì vậy thủy điện không chạy máy đủ để lượng nước xả xuống hạ du đủ cho tưới sản xuất.

Trước đó, ngày 22/7 Công ty thủy điện Đại Ninh đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận thông báo: Hiện nay, tình hình thủy văn trên lưu vực hồ thủy điện Đại Ninh vẫn tiếp tục khô hạn, lưu lượng về hồ trong thời gian gần đây rất thấp, bình quân chỉ khoảng 0,4m3/s. Mực nước hồ tại thời điểm 7h ngày 22/7/2019 là 860,107m, trong khi mực nước chết là 860,00m, tương ứng dung tích hữu ích chỉ còn 0,8 triệu m3. Bên cạnh đó, nhà máy còn phải xả nước đảm bảo dòng chảy sinh thái và môi trường hạ du sông Đồng Nai với lưu lượng xả 0,7m3/s. Vì vậy, việc cấp nước cho hạ du Bình Thuận vào các ngày cuối tháng 7 chỉ bảo đảm bình quân ngày khoảng 3 m3/s.

Mong mưa

Theo số liệu từ Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận, hiện tổng diện tích gieo trồng vụ hè thu 2019 của tỉnh hưởng lợi từ nguồn nước thủy điện Đại Ninh là 26.257 ha, trong đó 15.227 ha lúa, 11.030 ha thanh long và được tưới trực tiếp từ nguồn nước thủy điện Đại Ninh 5.079 ha tập trung tại Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc. Điều đáng nói, diện tích được tưới trực tiếp này, ngoài 1.732 ha thanh long, còn có 3.347 ha lúa với tuổi lúa bình quân từ 50 - 70 ngày, thời gian cần nước nhiều để tập trung làm đòng và trổ bông. Nếu với lưu lượng xả 3m3/s, trời lại không mưa nữa thì diện tích trên sẽ bị mất. Mới đây, ngày 26/7, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận đã có văn bản kiến nghị duy trì lưu lượng chạy máy của nhà máy. Để tránh tình trạng hạn hán, mất mùa xảy ra, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi kính đề nghị Công ty thủy điện Đại Ninh xem xét duy trì lưu lượng chạy máy từ ngày 29/7/2019 đến 15/8/2019 tối thiểu 6 m3/s. Tổng lượng nước cần tưới là 8,81 triệu m3. Theo phân tích của đại diện công ty, qua số liệu cho thấy trong 10 ngày qua, dòng chảy đến hồ Đại Ninh đạt 9,25m3/s, vì vậy việc đề nghị Công ty thủy Điện Đại Ninh chạy máy đạt 6 m3/s là có thể thực hiện được. Bằng chứng ngày 29/7 rồi, lượng nước xả của thủy điện đạt 7 m3/s.

Nếu lưu lượng nước xả trên được duy trì trong nửa tháng tới thì diện tích khoảng 5.000 ha lúa, thanh long ở các địa phương trên tránh bị mất trắng. Nhưng dù vậy, thời điểm này, không chỉ nông dân ở các nơi trên mà ở một số huyện, thị khác cũng đang mong mưa về, vì vụ hè thu này nhiều nơi đã cắt giảm diện tích hoặc không sản xuất vụ hè thu…

HẢO CHI

Ấp ủ ‘ngôi làng thông minh’

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng

Là địa phương đi đầu trong tái cơ cấu nông nghiệp, đến nay tỉnh Đồng Tháp đã đạt được những kết quả ấn tượng, giúp nông dân tăng thu nhập và thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN) đến đầu tư.

Tuy vậy, Đồng Tháp vẫn chưa hài lòng mà đang nỗ lực thay đổi sang tư duy kinh tế nông nghiệp; đồng thời xây dựng không gian sản xuất theo hướng tích hợp, linh hoạt.

Kết quả khả quan

Theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, khoảng 5 năm gần đây, quy mô kinh tế của tỉnh ngày càng được mở rộng (ước đến năm 2020 tăng gần 1,6 lần so với năm 2015), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,66%/năm. Ước thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 51,66 triệu đồng - tăng 1,57 lần so với năm 2015.

Đồng Tháp là địa phương mạnh dạn triển khai đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” với nội dung “Hợp tác, liên kết thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, chế biến tinh”.

Theo đó, đẩy nhanh chuyển đổi từ tư duy độc canh, tăng sản lượng lúa gạo sang giảm dần diện tích lúa vụ 3; áp dụng luân canh các loại cây trồng, nuôi thủy sản… sử dụng hiệu quả nguồn nước.

Bên cạnh đó, phát triển kinh tế hợp tác để củng cố kinh tế hộ, tăng cường liên kết, lấy DN dẫn dắt hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản; triển khai các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và suy giảm số lượng, chất lượng nguồn nước.

Đã xuất hiện nhiều mô hình mang lại kết quả bước đầu như “lúa - cá”, “lúa - tôm”, “lúa - sen”; việc chuyển đổi đất lúa sang đất trồng cây ăn trái cũng mang lại lợi nhuận cao hơn cho nông dân. Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch… mở ra hướng tiếp cận mới, thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.

Đồng Tháp là địa phương đầu tiên trong cả nước xuất khẩu trái xoài sang thị trường Mỹ

Song song đó, Đồng Tháp cũng đẩy mạnh việc bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản, được triển khai bằng các dự án khởi nghiệp, gắn kết giữa nông dân và DN, cùng sự tham gia của nhà khoa học. Một số chuỗi ngành hàng bắt đầu được hình thành, kết nối giữa sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ, thương mại điện tử.

Một trong những điểm sáng ở Đồng Tháp thời gian qua là xây dựng “tinh thần hợp tác” trong nông dân. Đồng Tháp là địa phương đầu tiên cho ra đời mô hình “Hội quán nông dân” nhằm chia sẻ kiến thức trong sản xuất, là nơi kết nối tri thức, thông tin giữa các chuyên gia, nhà khoa học, DN với nông dân. Đến nay, toàn tỉnh có 75 Hội quán nông dân với 4.000 thành viên; có 14 hợp tác xã kiểu mới được thành lập trên nền tảng mô hình này.

Cùng với nông nghiệp thì công nghiệp phát triển tốt, tỉnh nâng cao tính cạnh tranh các sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng, nâng dần tỷ lệ tinh chế tạo ra giá trị lớn hơn và tính cạnh tranh cao hơn. Đến nay, xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 1,2 tỷ USD/năm, với 2 mặt hàng chủ lực là gạo và thủy sản. Đồng Tháp duy trì 11 năm liền trong tốp 5 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

3 trụ cột phát triển

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết, từ nay đến năm 2025 và năm 2030, Đồng Tháp tiếp tục phát triển trên nền tảng nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, thay vì vận hành theo “tư duy sản xuất”, Đồng Tháp hướng tới “tư duy kinh tế”, với mục tiêu giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến.

Tỉnh phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận “nền nông nghiệp phải là đầu vào của chuỗi ngành hàng công nghiệp, thương mại, dịch vụ”; tạo giá trị gia tăng thông qua thay đổi chất lượng giống, ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là thành tựu của nông nghiệp 4.0 vào quy trình sản xuất; nâng cao sản phẩm chế biến tinh từ các loại nông sản.

Sản xuất nông nghiệp vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa phải tính đến điều kiện suy giảm tài nguyên nước; đồng thời phát huy giá trị của du lịch nông nghiệp để tăng thu nhập cho nông dân và tạo dựng hình ảnh một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp trách nhiệm, bền vững môi trường.

Trong tương lai, Đồng Tháp sẽ thay đổi quy hoạch không gian sản xuất và không gian phân bố dân cư. Không gian sản xuất theo hướng tích hợp, không bị chia cắt bởi địa giới hành chính cấp xã, thậm chí là cấp huyện, mà liên xã, liên huyện dựa trên điều kiện tự nhiên, địa hình, thổ nhưỡng tương đồng.

Trong từng không gian như vậy kết nối, bổ sung cho nhau giữa kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kinh tế tập thể và doanh nghiệp nông nghiệp; kết hợp giữa tích tụ ruộng đất cứng và tích tụ ruộng đất mềm, linh hoạt. Trong từng không gian sẽ hình thành các cụm liên kết ngành hàng nông sản với hệ thống hạ tầng đồng bộ, các tổ hợp logistics với quy mô nhỏ và vừa tương ứng.

Trong từng cụm liên kết ngành hàng sẽ hình thành các hợp tác xã quy mô lớn hơn, đa dịch vụ hơn; các cơ sở cung cấp vật tư, nguyên liệu đầu vào, cơ khí nông nghiệp, dịch vụ nông thôn, tạo động lực phát triển các DN nông nghiệp, DN khởi nghiệp chế biến nông sản quy mô vừa và nhỏ.

Những cụm liên kết ngành hàng sẽ là tiền đề để thay đổi về chất lượng nông nghiệp, trình độ nông dân và diện mạo nông thôn dựa trên những “ngôi làng thông minh”. Mỗi cụm liên kết ngành, hạt nhân cho những không gian sản xuất được gắn kết của những “ngôi làng thông minh”, còn là một cấp độ chủ động lập kế hoạch cho cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Và cũng trong từng cụm liên kết ngành hàng như vậy, các thiết chế về khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, tập huấn cho nông dân, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phát triển văn hóa cộng đồng, xây dựng xã hội học tập được hình thành. Đó cũng là mục tiêu, là hình ảnh của nông thôn mới.

Đồng Tháp không chia tách nông nghiệp, công nghiệp và du lịch thành 3 lĩnh vực riêng lẻ, mà tạo thành một mảnh ghép chặt chẽ, hài hòa giữa “nông nghiệp - công nghiệp nông nghiệp - du lịch nông nghiệp” trên từng không gian sản xuất phù hợp.

Theo đó, công nghiệp và du lịch sẽ tạo ra giá trị gia tăng cho nông nghiệp và cơ cấu lại nguồn nhân lực nông thôn. Đây cũng là cách làm nông nghiệp bằng tư duy kinh tế.

HUỲNH LỢI

Khởi nghiệp nông nghiệp - chọn hướng để thành công

Nguồn tin:  Báo Vĩnh Long

Nông nghiệp là mảnh đất màu mỡ cho khởi nghiệp với hàng loạt các yếu tố thuận lợi như nguồn nguyên liệu phong phú, tại chỗ giúp hạ giá thành; đầu tư chi phí thấp … Tuy nhiên, dễ triển khai ý tưởng, dự án khởi nghiệp không có nghĩa dễ thành công, thậm chí còn gặp thất bại nặng nề nếu không chọn đi đúng hướng.

Không ngại khó khăn, thử thách nên họ - những người khác nhau về tuổi tác, học vấn, xuất thân nhưng có chung đam mê làm nông đã chọn nghĩ khác và làm khác. Họ thường xuyên học hỏi, cập nhật kiến thức, công nghệ mới để bắt nhịp, đón đầu xu hướng làm nông mới.

Mang trong mình bầu nhiệt huyết lớn, họ “bật mí” với chúng tôi, nhờ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nên dù gặp không ít thăng trầm với con đường đang đi, họ vẫn quyết chiến đấu trên “mặt trận” nông nghiệp - từng ngày hiện thực hóa giấc mơ làm giàu và cùng lan tỏa phương thức làm ăn hiệu quả cho cộng đồng. Không ít trong số họ đã góp phần tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp sức cùng địa phương đưa nông dân vào sản xuất lớn…

Kỳ 1: Trí thức trẻ về quê biến phế phẩm thành tiền

Họ từng theo đuổi con đường tri thức với mong muốn thoát khỏi cảnh làm nông. Tuy nhiên, khi có trong tay tấm bằng ĐH, bằng thạc sĩ thì từ tình yêu và những trăn trở muốn làm giàu cho mảnh đất quê hương, họ đã chọn quay về làm nông.

Lựa chọn “kỳ quặc” và cách bắt tay vào làm “không giống ai” của họ đã vướng phải nghi ngại của người xung quanh nhưng theo thời gian họ đã chứng minh những việc mình đang làm chẳng những giúp “hái ra tiền” mà còn giúp ích cho cộng đồng.

Trương Minh Trung (TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) luôn tất bật với các “dự án” nông nghiệp tận dụng phế phẩm, tạo quy trình “khép kín”.

Cử nhân kinh tế “biến” phân bò thành tiền

“Hốt phân bò” là việc mà anh Trương Minh Trung (sinh năm 1985 ở ấp Mỹ Thới 2, xã Mỹ Hòa - TX Bình Minh) đã làm khi trở về quê khởi nghiệp. Nhớ lại “kỷ niệm nặng mùi” đó, anh Trung nói: “Bây giờ nghĩ lại thì thấy vui vui chớ thời điểm đó thật sự rất khó khăn vì nhiều người cười mình có bằng cấp lại không đi làm ở thành phố mà về quê đi hốt phân”.

Gốc con nhà nông, cám cảnh làm nông vất vả nhưng bấp bênh nên ngay từ khi còn đi học, Trương Minh Trung đã nung nấu suy nghĩ thoát khỏi cảnh làm nông. Nghĩ vậy, nên anh học chuyên ngành trồng trọt, thú y để ra mua bán.

Sau đó, anh còn quyết định học ĐH chuyên ngành kinh tế để “hoàn toàn thoát khỏi ngành nghề liên quan đến nông nghiệp”.

Tuy nhiên, ngay khi vừa tốt nghiệp ĐH, thấy mẹ nuôi lươn, Trung nghĩ ngay đến con trùn quế - nguồn thức ăn bổ sung lý tưởng để nuôi gia cầm và thủy sản mà anh đã từng làm tiểu luận.

Thế là, xâu chuỗi các kiến thức đã học và kinh nghiệm đã tích lũy, anh bắt tay vào phụ mẹ nuôi trùn quế. Lúc đầu, anh nuôi thử nghiệm trong 10m2, hiện mở rộng lên 700m2.

Nguyên liệu nuôi trùn quế là phân bò nên dễ tìm và chi phí đầu tư thấp. Hiện mỗi năm anh xuất bán 100 tấn phân trùn quế, doanh thu khoảng trên 500 triệu đồng/năm.

Còn thịt trùn quế chủ yếu là làm thức ăn cho lươn. Mô hình nuôi lươn không bùn thì xuất bán từ 3,5 - 4 tấn/năm, được bao tiêu với giá khoảng 150.000 đ/kg, doanh thu khoảng hơn 500 triệu đồng/năm.

Trong đó, “lợi nhuận khoảng 20- 30%” - anh Trung cho biết. Để tận dụng phế phẩm, tạo quy trình khép kín, anh tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu nuôi trồng thêm các loại cây, con khác.

Cụ thể, trùn quế làm thức ăn cho lươn, có thức ăn thừa nên anh tận dụng nuôi ếch. Trong quá trình nuôi ếch, những con phát triển chậm thì tận dụng làm mồi cho rắn. Anh còn nghiên cứu cho ra thị trường loại dinh dưỡng từ phân trùn quế dạng viên, hợp tác trồng rau theo hướng an toàn…

Năm 2017, Trương Minh Trung mạnh dạn tham gia “Cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL 2017” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ tổ chức.

Dự án “Quy trình nuôi trùn quế kết hợp nuôi nhốt bò vỗ béo và nuôi lươn không bùn” lọt vào top 10 của cuộc thi. Dự án được đánh giá cao bởi là một giải pháp môi trường mang giá trị kinh tế cao, vừa giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường do sử dụng phân bón hóa học và thức ăn công nghiệp.

Sau khi tham gia các chương trình khởi nghiệp, Trương Minh Trung được biết đến nhiều hơn, sản phẩm làm ra bán đắt hơn. “Dự kiến tháng 8 tới sẽ phát triển thêm những sản phẩm mới dùng cho hoa kiểng, thanh long…”- anh Trung cho hay.

Thạc sĩ 9x với hành trình “nông trại xanh”

Bảo vệ luận văn Thạc sĩ Công nghệ sinh học với tấm bằng loại ưu, Nguyễn Văn Thảo (sinh năm 1990 ở xã Thuận Thới- Trà Ôn) quyết định trở về quê khởi nghiệp. Thảo cho biết: “Khi tôi về quê ai cũng phản đối. Đến khi tôi cất trang trại nuôi trùn quế rồi đi chở phân bò thì có người nói tôi bị “khùng”.

Thảo cho hay, khi học thạc sĩ, anh được giảng viên môn Sinh khối dạy về các vấn đề liên quan đến phế phẩm nông nghiệp và cho đi thực tế.

Nhận thấy phế phẩm ở quê mình cũng như tại ĐBSCL rất nhiều mà chưa được tận dụng, nên Thảo bắt đầu suy nghĩ, tìm hiểu rồi quyết định khởi nghiệp từ việc tận dụng phế thải nông nghiệp.

Lúc đầu, Thảo nuôi trùn quế thử nghiệm trong 200m2, 2 con bò và “thí nghiệm” đàn heo nhà đang nuôi. Hiện diện tích nuôi trùn quế tại nhà trên 600m2 và diện tích liên kết “mở trại nuôi” cho các hộ trong và ngoài tỉnh khoảng 2.000m2. Đồng thời, đã phát triển đàn bò, dê thêm hàng chục con.

Riêng đối với đàn heo thì kết quả thí nghiệm cho thấy đàn heo ăn cám trộn trùn quế thì rất mau lớn. Heo mẹ ăn cám trộn trùn quế cũng có sữa nhiều hơn.

Với ý tưởng “tận dụng tất cả phế thải nông nghiệp để không gây lãng phí và ô nhiễm môi trường” và nhận thấy mô hình này có thể nhân rộng tại địa phương nên Thảo đã quy hoạch 1ha, dự kiến làm 1 nông trại nho nhỏ, phát triển mô hình khép kín nuôi bò, dê, thỏ kết hợp nuôi trùn quế và cá. Đồng thời, cho sinh viên xuống thực tập về nông nghiệp hữu cơ.

Với trăn trở “nông dân quê mình làm nông vất vả nhưng giá cả bấp bênh, lợi nhuận không được bao nhiêu” do đó để giúp nông dân vào làm ăn tập thể, góp phần cùng địa phương xây nông thôn mới về tổ chức sản xuất nên Thảo đã “chuyển hướng” thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Thuận Thới thay vì thành lập công ty như dự định ban đầu.

15 thành viên, sau đại hội thường niên sẽ có thêm thành viên tham gia. Theo đó, Thảo vừa hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, con giống, chi phí nuôi trùn quế cho thành viên hợp tác xã và mua phân trùn. Đồng thời, thu mua phân bò từ các hộ nuôi.

“Chỉ cần nuôi 5 - 6 con bò thì có thể bán hơn 1 triệu đồng tiền phân mỗi tháng”… Bên cạnh, Thảo còn hỗ trợ sinh viên tới thực tập, nghiên cứu…

Trở về sau chuyến đi Trường Sa để hỗ trợ kỹ thuật nuôi trùn quế, trồng rau sạch và trồng cỏ vetiver để trữ nước ngọt, Thảo tâm sự: Tôi cũng gặp “khó khăn muôn trùng”, lỗ cả trăm triệu đồng vì trùn bị chết, nuôi chưa đúng kỹ thuật …

Đến nay, Thảo cũng vẫn vừa làm, vừa rút kinh nghiệm từ từ. “Mong muốn của tôi là làm sao cống hiến cho quê hương, giúp nông dân nâng cao thu nhập”.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Bỉ - Bí thư Đảng ủy xã Thuận Thới: Nguyễn Văn Thảo là tấm gương thanh niên tiêu biểu, dám nghĩ, dám làm, địa phương rất cần có những người trẻ như thế để góp phần đưa kinh tế xã nhà phát triển và cùng giúp người dân vươn lên…

Ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT: Nông nghiệp là lĩnh vực giàu có nhất cho nội dung về khởi nghiệp. Hội thi khởi nghiệp của tỉnh cho thấy, ý tưởng khởi nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp chiếm đa số. Ý tưởng phải có tính mới mẻ, nhất là phải gắn với thị trường, phải bán được. Để khởi nghiệp nông nghiệp hiệu quả hơn, cần tuyên truyền phát động trong đoàn viên thanh niên, nhà trường, các cơ quan và địa phương. Theo đó, cần có tập huấn, hướng dẫn hay có bài bản về khởi nghiệp (lên ý tưởng thế nào, triển khai ra sao…). Đồng thời, cần có gắn kết giữa các cơ quan, nhất là về chiến lược phát triển các sản phẩm làm sao có được những nơi giúp cho được các bạn về “môi trường” cho các bạn phát huy, từ ý tưởng khởi nghiệp. Về phía người khởi nghiệp, cần am hiểu (có kiến thức, kinh nghiệm), nắm bắt nhu cầu thị trường và cả những khắt khe, rào cản… trong quá trình tiêu thụ sản phẩm để đề ra chiến lược phù hợp.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN - XUÂN TƯƠI

Dán tem nhận diện 1.550 tấn khoai tây Ðà Lạt

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Từ đầu năm 2018 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tổ chức hỗ trợ dán tem, nhãn nhận diện 1.550 tấn khoai tây Đà Lạt trước khi đưa ra thị trường.

Theo đó, có 9 đơn vị liên kết sản xuất kinh doanh nông sản sử dụng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được chọn hỗ trợ gần 2 triệu tem, nhãn dán trực tiếp lên từng thùng hàng 10 kg và gói hàng bằng túi lưới 0,5 - 1 kg để nhận diện sản phẩm khoai tây Đà Lạt, chiếm tỷ lệ gần 7% sản lượng thu hoạch. Các đơn vị được hỗ trợ dán tem bao gồm: 5 hợp tác xã nông nghiệp là Anh Đào, Tân Tiến, Hiền Thi, Tiến Huy, Phước Lộc; 3 Công ty TNHH Phong Thúy, Thảo Nguyên, Nam An và 1 Cơ sở Nông sản Đức Thành.

Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tiếp tục nhân rộng việc dán tem nhận diện khoai tây sản xuất tại Đà Lạt và các vùng phụ cận, nhằm góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

VŨ VĂN

Bùng phát bệnh khảm lá vi rút hại mì trên địa bàn Gia Lai

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Bệnh khảm lá vi rút hại mì đang bùng phát tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai với diện tích bị nhiễm lên đến hàng ngàn héc ta, tập trung chủ yếu trên giống mì KM419, KM140, K98-5 và HL-S11. Trước thực tế này, ngành Nông nghiệp đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm khống chế sự lây lan của bệnh.

Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa, toàn huyện có hơn 1.379 ha mì bị bệnh khảm lá vi rút: 588 ha mì vụ Đông Xuân 2018-2019 và 791 ha mì vụ mùa. Trong đó, 1.254 ha bị nhiễm dưới 30%, hơn 111 ha bị nhiễm 30-70%, 13,2 ha nhiễm trên 70%. Ông Lê Văn Nguyên-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho biết: Hiện nay, tổng diện tích mì trên địa bàn huyện khoảng 9.725 ha, tăng hơn 2.000 ha so với kế hoạch. Nguyên nhân diện tích mì năm nay tăng cao là do giá mía niên vụ trước xuống thấp, người trồng mía không có lãi nên nhiều hộ dân đã phá bỏ để chuyển đổi sang cây mì. Sau khi nhận được phản ánh về tình trạng bùng phát bệnh khảm lá vi rút trên cây mì, Trung tâm đã phối hợp với UBND các xã và Công ty cổ phần Nông sản Thực phẩm Việt Nam đứng chân trên địa bàn huyện tiến hành kiểm tra xác định diện tích bị nhiễm và nguyên nhân bùng phát bệnh. Theo đó, nguyên nhân được xác định là từ cuối tháng 5, khi có mưa xuống đã tạo điều kiện cho bọ phấn trắng phát triển và lây lan bệnh. Ngoài ra, việc người dân mở rộng diện tích, nguồn giống bị thiếu hụt nên đã mua những giống trôi nổi trên thị trường, giống có mầm bệnh về trồng cũng là nguyên nhân lây bệnh.

Bà Trần Thị Mai-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang (bìa trái) hướng dẫn người dân xử lý bệnh khảm lá vi rút hại mì. Ảnh: L.N

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo: Đối với cây mì dưới 3 tháng tuổi mà bị nhiễm dưới 50% thì tiến hành nhổ tiêu hủy những cây bị bệnh, tiếp tục chăm sóc số cây còn lại và thu hoạch sớm; nếu nhiễm trên 50% thì tiến hành cày bỏ toàn bộ. Với cây mì trên 5 tháng tuổi đã bắt đầu hình thành củ mà bị nhiễm dưới 70% thì tiến hành nhổ tiêu hủy cây bị bệnh, tiếp tục chăm sóc cây còn lại; nếu nhiễm trên 70% thì tiến hành nhổ tiêu hủy toàn bộ, tận thu củ làm thức ăn cho gia súc.

Ông Nguyên cho biết thêm: “Bệnh khảm lá vi rút bùng phát rất nhanh. Ban đầu, trên địa bàn huyện chỉ có hơn 13 ha mì vụ Đông Xuân bị nhiễm bệnh. Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã và người dân tiến hành nhổ bỏ, tiêu hủy toàn bộ diện tích này. Tuy nhiên, từ cuối tháng 6 đến nay, diện tích nhiễm bệnh tăng lên hơn 1.379 ha”. Cũng theo ông Nguyên, hiện tại, địa phương mới tiến hành tiêu hủy cục bộ hơn 13 ha, còn lại gần 1.365 ha chưa xử lý được. Để hạn chế bệnh lây lan, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp với các xã mở 9 lớp tập huấn hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ bệnh khảm lá vi rút; đồng thời tập trung tuyên truyền, vận động người dân tích cực phối hợp với cơ quan chức năng nhổ bỏ, tiêu hủy số mì nhiễm bệnh. Tuy nhiên, việc xử lý diện tích mì bị nhiễm bệnh gặp nhiều khó khăn vì người dân chưa ý thức được tác hại của bệnh. Người dân cũng chưa chủ động triển khai các biện pháp phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Ngoài huyện Ia Pa, bệnh khảm lá vi rút hại mì còn xuất hiện ở các huyện: Phú Thiện, Krông Pa, Kbang và thị xã An Khê. Bà Trần Thị Mai-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang-cho biết: “Đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 151 ha mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút. Trong đó, hơn 56 ha bị nhiễm 30-50%, còn lại nhiễm dưới 20%. Chúng tôi đã cử cán bộ trực tiếp xuống địa bàn để kiểm tra tình hình và gửi thông báo hướng dẫn người dân cách phòng trừ bệnh. Người dân trên địa bàn hiện đã xử lý phun diệt trừ rầy, rệp làm môi giới được hơn 50 ha. Tuy nhiên, để hạn chế sự lây lan của bệnh, Trung tâm đề nghị các địa phương kiểm soát chặt chẽ nguồn hom giống mì đưa vào sản xuất; triển khai các biện pháp phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đặc biệt, các địa phương cần tuyên truyền người dân tuyệt đối không được lấy hom giống từ những ruộng bị nhiễm bệnh để sản xuất”.

Bệnh khảm lá vi rút hại mì lan truyền qua môi giới là bọ phấn trắng và qua hom giống, hiện chưa có thuốc đặc trị. Trao đổi với P.V, ông Hà Ngọc Uyển-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh-cho biết: Chi cục đã cử cán bộ xuống các địa phương để nắm tình hình bệnh. Trước mắt, Chi cục đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền cho người trồng mì nhận thức được tác hại của bệnh và khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Để triển khai hiệu quả, người dân cần xác định mức độ gây hại của bệnh, giai đoạn sinh trưởng của cây và áp dụng biện pháp tiêu hủy phù hợp. Nếu có bọ phấn thì phải tiến hành phun các loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Dinotefuran, Pymetrozine để diệt trừ ngay.

“Về lâu dài, các địa phương cần có vườn nhân giống sạch bệnh để cung cấp cho người dân trồng hàng năm; kiểm soát chặt nguồn giống, tuyệt đối không lấy hom giống từ vùng bị nhiễm bệnh để trồng hoặc đưa sang trồng ở các vùng khác chưa bị bệnh. Các giống mì nhập vào địa bàn phải thực hiện nghiêm túc công tác kiểm dịch thực vật. Đồng thời, chuyển đổi những diện tích bị nhiễm bệnh sang trồng các loại cây khác như bắp, đậu đỗ... ít nhất 1 năm mới trồng mì trở lại”-ông Uyển nêu giải pháp.

LÊ NAM

An Giang: Hiệu quả từ sự chuyển đổi

Nguồn tin: Báo An Giang

Thực tế hiện nay cho thấy, qua 2 vụ sản xuất, giá lúa trên đồng vẫn ở mức thấp, doanh thu không bù đắp nổi chi phí sản xuất. Nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh An Giang đã quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng để có thu nhập tốt hơn.

Từ rau màu…

Gia đình ông Trần Văn Hò (xã Long An, TX. Tân Châu) có 1ha đất sản xuất. Trong 2 vụ lúa vừa qua, trên ruộng đất nhà, ông gieo sạ giống lúa IR 50404. Nghĩ rằng năm nay tình hình xuất khẩu gạo vẫn như mọi năm, nghĩa là giống lúa IR 50404 sẽ được thương lái mua với giá từ 5.200 đồng/kg trở lên. Song, những dự đoán của ông đều không chính xác, cụ thể trong vụ đông xuân 2018-2019 vừa qua, ngay sau thời điểm Tết Nguyên đán, thương lái vào đồng ngã giá mua lúa IR 50404 với giá 4.600 đồng/kg. Bước qua vụ hè thu, thấy tình hình giá lúa không có triển vọng, ông quyết định chuyển 5 công đất sang trồng xoài, 2,5 công trồng bưởi da xanh và mít siêu sớm để xuất khẩu. Còn 2,5 công, ông Hò trồng rau màu để đa dạng hóa sản phẩm, tăng thu nhập cho gia đình. “Một vụ mùa kéo dài 3 tháng, mỗi công lúa lời 500.000 đồng thì xem như không hiệu quả. Đi tìm loại cây trồng nào đó cho hiệu quả cao hơn để đời sống được nâng lên” - ông Hò thông tin.

Để quá trình chuyển đổi thành công, ông Hò đã lặn lội lên Khánh Bình (An Phú), sang tận xã Kiến An (Chợ Mới), đến chợ đầu mối rau, củ, quả tại TP. Châu Đốc để tìm hiểu và đánh giá đầy đủ về tình hình thị trường đối với các mặt hàng rau, quả, nhất là đối với những loại được thương lái mua nhiều, giá cao. Sau thời gian tìm hiểu, thực hiện hợp đồng hợp tác với thương lái, ông Hò đã xuống giống trồng 3 công ớt và 2 công củ cải trắng. Vụ thu hoạch vừa qua, có thời điểm ớt lên giá đến 85.000 đồng/kg, riêng mỗi công ớt, ông Hò lãi trên 50 triệu đồng.

Việc chuyển đổi ra khỏi cây lúa đã giúp người nông dân trên địa bàn tỉnh năng động hơn, trồng được nhiều loại cây trồng khác để tăng thu nhập cho gia đình. Đi đầu trong vấn đề này, trước hết phải kể đến nông dân các địa phương: Chợ Mới, An Phú, Châu Phú và TX. Tân Châu. Tính đến thời điểm này, diện tích trồng rau màu các loại trên 35.000ha. Động thái này một phần làm giảm bớt áp lực cho cây lúa, một phần mang lại hiệu quả đáng kể cho những hộ nông dân năng động trong quá trình chuyển đổi cây trồng.

…đến cây ăn trái

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trương Kiến Thọ cho biết, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã trồng 9.697ha xoài xuất khẩu, trong đó xoài 3 màu (xoài Đài Loan) và Cát Hòa Lộc khoảng 7.700ha, chiếm khoảng 80% diện tích trồng xoài. Diện tích xoài cho trái hiện nay khoảng 7.000ha, sản lượng ước khoảng 94.527 tấn. Toàn tỉnh hiện đã cấp được 18 mã số vùng trồng (code) đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, với tổng diện tích 243,7ha. Ngoài cây xoài, các loại cây ăn trái khác đang phát triển mạnh như: bưởi da xanh, cam xoàn, quýt đường, cà na, mít siêu sớm…

Từ lâu ở ĐBSCL, trái cà na được xem là loại trái hoang dại, nay trái cà na trở thành đặc sản vùng, miền và được tiêu thụ rất mạnh tại các thị trường trong cả nước, đặc biệt là thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc. “Có lần đến huyện Tịnh Biên vào những năm nước lớn, trái cà na rớt dưới kênh, lượm mang về làm mứt, ăn rất ngon và mang ra chợ bán, nhiều người đến mua và đặt hàng nên từ đó mạnh dạn trồng 2ha cây cà na. Vào đầu vụ, trái cá na sống được thương lái tìm đến vườn thu mua với giá 22.000 đồng/kg, đem đến thu nhập khá cao mà đầu ra rất tốt” - chị Trần Thị Mỹ Lệ (xã Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú) chia sẻ.

Sự kiện nông dân Hợp tác xã nông nghiệp Bến Bà Chi (xã Lê Trì, Tri Tôn) và nông dân Hợp tác xã nông nghiệp Long Bình (An Phú) kết hợp Công ty xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu (Bến Tre) xuất 1 tấn xoài cát Hòa Lộc bằng đường hàng không sang Hoa Kỳ tiêu thụ đã dấy lên phong trào trồng xoài xuất khẩu trên địa bàn tỉnh một cách mạnh mẽ. Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng, phục vụ cho quá trình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái trên địa bàn các xã: Vĩnh Xương, Vĩnh Hòa, Tân Thạnh (TX. Tân Châu). Công trình thủy lợi này sẽ phục vụ tưới tiêu cho 300ha đất trồng cây ăn trái của nông dân nơi đây.

Chuyển đổi ra khỏi cây lúa, nông dân trên địa bàn tỉnh đã năng động, sáng tạo tìm cho mình những loại cây trồng vừa có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống nông dân.

“Bất cứ sản phẩm nào do nông dân sản xuất ra, việc tiêu thụ sản phẩm vẫn là yếu tố then chốt, quyết định đến hiệu quả sản xuất. Khai thông vấn đề này bằng việc tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân; tiếp tục hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua mô hình hợp tác xã kiểu mới” - Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Nguyễn Minh Hùng khẳng định.

Bài, ảnh: MINH HIỂN

Giá mít Thái tăng mạnh

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Theo một số nhà vườn trồng mít Thái tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang hiện giá mít Thái loại 1 (8 kg/trái trở lên) được thương lái thu mua khoảng 50.000 đồng/kg, còn trái loại 2 có giá từ 39.000 đồng/kg, tăng 12.000-15.000 đồng/kg so với cách đây 1 tuần. Nguyên nhân tăng giá là do kết thúc đợt thu hoạch và vào vụ nghịch, số lượng trái ở các vườn không còn nhiều dẫn đến nguồn cung hạn chế. Số lượng trái có trọng lượng đạt loại 1 cũng rất ít.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, diện tích trồng mít Thái trên địa bàn huyện là hơn 2.748ha, trong đó diện tích thu hoạch là trên 1.400ha.

T. NGỌC

Ngày hội Nhãn Sông Mã bắt đầu từ ngày 2/8

Nguồn tin: VOV

Ngày 2 và 3/8 tới đây, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La sẽ tổ chức Ngày hội Nhãn Sông Mã và Lễ công bố xuất khẩu nhãn Sơn La 2019.

Huyện Sông Mã hiện là địa phương có nhiều diện tích nhãn nhất tỉnh Sơn La với trên 6.700 ha nhãn, năng suất đạt từ 10 - 15 tấn/ha, sản lượng ước trên 30.000 tấn. Huyện Sông Mã có 17 HTX tham gia sản xuất nhãn theo chuỗi giá trị với gần 400 ha. Nhãn Sông Mã hiện đã xuất khẩu sang nhiều nước như: Australia, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Huyện Sông Mã hiện là địa phương có nhiều diện tích nhãn nhất tỉnh Sơn La, với trên 6.700 ha.

Ngày hội Nhãn Sông Mã năm nay sẽ diễn ra nhiều hoạt động phong phú, như: Trưng bày, tham quan các gian hàng, giới thiệu sản phẩm nông sản; biểu diễn nghệ thuật, chiếu phóng sự về sản xuất nhãn; hội thi nhãn ngon, an toàn; thi trưng bày các gian hàng của các xã, thị trấn; tổ chức thi các trò chơi dân gian…

Đặc biệt, trong khuôn khổ ngày hội sẽ trao Giấy chứng nhận và nghi thức Lễ khởi hành xuất khẩu sản phẩm nhãn sang thị trường Trung Quốc và các nước.

Nhãn Sông Mã hiện đã xuất khẩu sang nhiều nước như: Australia, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Qua xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm Nhãn quả tươi, Long nhãn của huyện Sông Mã được đánh giá chất lượng tốt, có đặc trưng riêng về mẫu mã, hương vị, có tính trái vụ.

Đây là các điều kiện cơ bản về xuất xứ, chất lượng, mẫu mã để tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại trong nước và xuất khẩu, được thị trường các nước đón nhận và đánh giá cao./.

VOV.VN - Nhãn Sông Mã đang từng bước đảm bảo chất lượng nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu.

Tuyết Lan/VOV-Tây Bắc

Đẩy mạnh xuất khẩu xoài sang các quốc gia phát triển

Nguồn tin: Báo An Giang

Xuất khẩu gạo, cá tra đang gặp khó, tăng trưởng của ngành nông nghiệp từ đầu năm đến nay chưa đạt như mong muốn. Việc xuất khẩu xoài tươi và các sản phẩm từ xoài sang các quốc gia phát triển trở thành niềm hy vọng của ngành nông nghiệp và nông dân. Đẩy mạnh xuất khẩu xoài sang các quốc gia phát triển gặp nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn.

Nhiều thuận lợi

Sau hơn 10 năm đàm phán, trái xoài tươi của nông dân An Giang đã chính thức xuất sang thị trường Hoa Kỳ, phục vụ người tiêu dùng nơi đây. Ngoài thị trường Hoa Kỳ, xoài trong tỉnh còn được xuất khẩu sang 39 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó thị trường chính vẫn là Trung Quốc, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand…

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Thực vật sau nhập khẩu II (Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giống xoài được xuất khẩu nhiều nhất là xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu, xoài Tượng da xanh, xoài Keo nhưng tỷ trọng xuất khẩu vẫn còn nhỏ so với tổng sản lượng xoài hiện có của cả nước. Cụ thể, sản lượng xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 5%, số còn lại chủ yếu tiêu thụ trong nước. Nhìn lại bức tranh xuất khẩu sản phẩm này trong những năm qua, đến nay Việt Nam là quốc gia đứng thứ 13 về sản xuất xoài trên thế giới nhưng số lượng xuất khẩu còn khiêm tốn và nằm ngoài “Top 10” nước xuất khẩu xoài nhiều nhất trên thế giới, từ đó cần nỗ lực nhiều hơn để đưa kim ngạch xuất khẩu xoài của An Giang ngày càng tăng lên.

“Chất lượng xoài của nông dân ĐBSCL không thua kém xoài ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Tại vùng ĐBSCL, nông dân trồng rất nhiều xoài Cát Chu, xoài cát Hòa Lộc. Đây là 2 giống xoài có phẩm chất ngon, vị thơm, thịt mịn chắc, trái to (400-500gr/trái), chín vàng tươi và rất ngọt. Xoài cát Hòa Lộc khi chín, độ Brix trung bình từ 18-20%. Riêng xoài Cát Chu thịt trái chặt nhưng ít xơ và vỏ trái dầy hơn xoài cát Hòa Lộc. Giống xoài này có thể cho năng suất 1.000 trái/cây/năm khi cây ở tuổi trưởng thành. Đây là những lợi thế, thuận lợi để tăng năng lực xuất khẩu xoài vào các quốc gia phát triển” - PGS.TS Trần Văn Hâu (Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng Trường Đại học Cần Thơ) phân tích.

An Giang có đến 4 loại xoài được xuất khẩu, gồm: xoài Cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu, xoài 3 màu và xoài Keo. Ảnh: M. HIỂN

Nhiều khó khăn

Về lợi thế so sánh, nhìn chung việc xuất khẩu xoài vào các quốc gia phát triển, Việt Nam nói chung, An Giang nói riêng có rất nhiều lợi thế. Ngoài các huyện cù lao, đất đai màu mỡ, An Giang còn có 2 huyện miền núi (Tri Tôn, Tịnh Biên) rất phù hợp phát triển cây xoài. “Cây xoài đã có trên vùng đất này hơn 100 năm nay, bằng chứng là ngay tại vườn nhà tôi, có nhiều gốc xoài to 5 người ôm không giáp. Những lúc trời nắng nóng, cây cối khô, héo lá nhưng cây xoài vẫn phát triển bình thường. Chính điều này, nông dân nơi đây tập trung phát huy lợi thế so sánh, trồng rất nhiều xoài Cát Chu, xoài cát Hòa Lộc để bán cho các công ty xuất khẩu, đưa xoài tươi sang các quốc gia phát triển…” - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn An Sơn Bảy Núi (xã An Hảo, Tịnh Biên) Nguyễn Hữu Thắng phân tích.

Xuất khẩu xoài sang các quốc gia phát triển đang gặp rất nhiều thuận lợi, song cũng không ít khó khăn. “Để xuất khẩu được trái xoài, đòi hỏi phải được cấp mã số vùng trồng, đồng thời người trồng phải áp dụng tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP. Trái xoài xuất khẩu có trọng lượng từ 400gr trở lên, dưới trọng lượng đó các doanh nghiệp dạt ra để lại bán cho thị trường nội địa. Song, để trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu không phải dễ. Cái khó hiện nay là chi phí để được cấp chứng nhận VietGAP hay GlobalGAP là rất cao nhưng giấy chứng nhận chỉ có giá trị trong 3 năm, sau 3 năm nhà vườn phải mời đơn vị chứng nhận độc lập để xem xét cấp lại, việc này rất tốn kém” - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bến Bà Chi (xã Lê Trì, Tri Tôn) Bùi Văn Quý thông tin.

Nâng cao diện tích trồng xoài chuyên canh từ 5% lên con số cao hơn là một khó khăn để tiếp tục nâng cao chất lượng trái xoài xuất khẩu. Ngoài những vùng chuyên canh xoài như: xã Khánh An, Khánh Bình (An Phú), xã An Hảo (Tịnh Biên), Lê Trì (Tri Tôn) hay Bình Phước Xuân, Tấn Mỹ (Chợ Mới), đa phần xoài của nông dân trong tỉnh còn trồng xen lẫn trong vườn tạp, chính điều này làm cho năng suất xoài trên mỗi vụ thấp, chất lượng và trọng lượng chưa đạt yêu cầu xuất khẩu. Khắc phục những nhược điểm trên, trái xoài của nông dân An Giang sẽ đi xa hơn, thâm nhập vào nhiều thị trường trên thế giới nhằm mang về cho tỉnh nhà kim ngạch xuất khẩu cao hơn.

“Xuất khẩu xoài sang các quốc gia phát triển còn dư địa rất lớn. Điển hình như năm 2015, Việt Nam xuất khẩu xoài ra thế giới đạt 46 triệu USD, năm 2016: 68 triệu USD, năm 2017: 156 triệu USD và năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu xoài và các sản phẩm chế biến từ xoài đạt 193,2 triệu USD. Mỗi năm, thị trường Hoa Kỳ phải nhập khoảng 400.000 tấn xoài tươi, trong khi nông dân nước này chỉ trồng và đáp ứng được khoảng 3.000 tấn/năm, vì vậy trái xoài đang có rất nhiều triển vọng” - GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc VASS kiêm Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam khẳng định.

MINH HIỂN

Cam Ranh (Khánh Hòa): Công bố nhãn hiệu tập thể táo Cam Thành Nam

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Sáng 31-7, UBND TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ công bố nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm táo Cam Thành Nam. Đây là kết quả đạt được sau 2 năm xây dựng, duy trì chất lượng nông sản của chính quyền, người dân xã Cam Thành Nam.

Từ năm 2017, Dự án Xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể Táo Cam Thành Nam được áp dụng cho hơn 50ha táo tại xã Cam Thành Nam và các sản phẩm chế biến từ táo. Dự án thuộc Chương trình phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, do Phòng Kinh tế TP. Cam Ranh thực hiện.

Nhãn hiệu Táo Cam Thành Nam do Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận, được giao cho Hội Nông dân xã làm chủ sở hữu, chịu trách nhiệm giữ vững và phát triển nhãn hiệu.

H.Đ

Hưng Yên: Nuôi bò sữa - rủi ro ít, hiệu quả cao

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Cuối năm 2012, anh Nguyễn Văn Tài ở thôn Đông Kết, xã Đông Kết (Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) mạnh dạn dồn toàn bộ vốn liếng đầu tư hơn 300 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua 4 con bò sữa giống về nuôi.

Anh Nguyễn Văn Tài ở thôn Đông Kết, xã Đông Kết (Khoái Châu)

Để đàn bò phát triển, sớm cho thu hoạch sữa, anh Tài tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do ngành nông nghiệp tổ chức, đọc thêm sách báo, tài liệu, học hỏi từ những mô hình nuôi bò sữa thành công, nắm vững kiến thức, kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng bệnh cho đàn bò của gia đình. Sau những năm tháng cần mẫn, thức khuya dậy sớm, đàn bò bắt đầu cho khai thác sữa. Với số vốn xoay vòng từ bán sữa, anh Tài tiếp tục đầu tư để nhân rộng đàn bò. Đến nay, gia đình anh nuôi 17 con, trong đó, có 5 con đang cho khai thác sữa. Trung bình, mỗi con cho thu từ 20 - 30kg sữa/ngày (chu kỳ thu sữa của bò đạt khoảng 300 ngày/năm), với giá ở thời điểm hiện tại, Công ty Vinamilk thu mua là 14.000 đồng/kg sữa bò loại 1 và 13.000 đồng/kg sữa bò loại 2, cho doanh thu trên 1,5 triệu đồng/ngày. Ngoài sữa bò, anh còn có thu nhập từ bán bê đực với giá 3 - 5 triệu đồng/con. Trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình anh Tài thu lãi trên 300 triệu đồng.

Theo anh Tài: “Nhằm bảo đảm chi phí đầu vào và chất lượng sữa, ngoài nguồn cỏ tươi, tôi cho bò ăn thêm thức ăn tinh là cám, ngô. Trung bình mỗi ngày, một con ăn khoảng 10kg thức ăn tinh và 40kg cỏ tươi. Toàn bộ diện tích đất ruộng 3 mẫu gia đình tôi tận dụng trồng cỏ voi, bảo đảm đủ thức ăn cho bò quanh năm. Thời gian tới, tôi mong muốn mở rộng chăn nuôi, phát triển thêm đàn bò và hướng dẫn các hộ nông dân khác cùng phát triển kinh tế từ nuôi bò sữa”.

Anh Phan Văn Hiếu, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu cho biết: “Với lợi thế có triền đê sông Hồng trải dài, diện tích trồng chuối lớn nên người dân trong huyện đã tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, phát triển chăn nuôi bò, đặc biệt là bò sữa. Hiện nay, toàn huyện có hơn 800 con bò sữa, trong đó có hơn 600 con đang cho khai thác sữa, tập trung ở các xã: Đông Kết, Bình Minh, Dạ Trạch, An Vĩ, Liên Khê... Nông dân nuôi bò sữa ít bị rủi ro hơn chăn nuôi những con vật khác bởi bò sữa ít bị dịch bệnh, tuy nhiên người nuôi phải có vốn khá lớn và nắm vững kỹ thuật chăm sóc. Đây là hướng đi phù hợp, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu”.

Theo chân cán bộ thú y xã Phú Thịnh (Kim Động), chúng tôi về thăm trang trại nuôi bò sữa của gia đình ông Trần Văn An ở thôn Trung Hòa, một trong những trang trại nuôi bò sữa nhiều nhất xã. Hiện nay, gia đình ông nuôi 23 con bò và bê sữa. Để bảo đảm nguồn thức ăn cho bò, gia đình ông trồng cỏ voi với diện tích hơn 5 mẫu và 3,5 mẫu trồng chuối để bán quả và tận dụng thân cây làm thức ăn cho bò.

Cũng theo ông An, mấy năm nay, do giá cả ổn định nên nuôi bò sữa hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với vật nuôi khác. Tuy nhiên, để duy trì được năng suất, chất lượng nguồn sữa theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp phải chú trọng các khâu phòng bệnh, chăm sóc khá khắt khe như: chú trọng khâu vệ sinh trước khi vắt sữa; đối với chuồng trại phải làm cao ráo, thông thoáng; bổ sung thêm các loại thức ăn thô; thường xuyên vệ sinh máng ăn, máng uống; khử trùng chuồng trại và tiêm phòng các bệnh phổ biến theo đúng lịch tiêm chủng...

Nhờ làm tốt công tác phòng và chăm sóc đàn bò sữa, nhiều năm nay, sữa bò của gia đình ông sản xuất đến đâu được thu mua hết đến đó. Mỗi ngày, gia đình ông An cung ứng 1,3 - 1,5 tạ sữa cho đơn vị thu mua, lúc cao điểm, ông cung cấp 4 tạ/ngày. Ông An ước tính, mỗi con bò sữa có thể cho thu lãi khoảng 20 - 30 triệu đồng/năm, chưa kể lợi nhuận từ việc bán bê con.

Theo số liệu của Phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, hiện nay, tổng đàn bò của toàn tỉnh ước khoảng 38.000 con, trong đó có trên 2.000 con bò sữa, tập trung ở các huyện: Khoái Châu, Kim Động và thành phố Hưng Yên. Với lợi thế được phù sa sông Hồng bồi đắp, đất đai màu mỡ, diện tích trồng màu lớn nên việc phát triển chăn nuôi bò sữa tại các địa phương ven sông Hồng gặp nhiều thuận lợi. Người chăn nuôi đã tận dụng được thức ăn xanh từ các phế phẩm nông nghiệp như: thân cây chuối, ngô, rơm... Qua quá trình chăn nuôi, người dân đã có kinh nghiệm chọn lọc những con bò sữa cho sản lượng cao. Việc chăm sóc, phòng dịch được bảo đảm, cộng với việc sản phẩm được bao tiêu hoàn toàn bởi các doanh nghiệp đã tạo nguồn thu nhập ổn định và bền vững cho người chăn nuôi.

Hương Giang

Thừa Thiên Huế: Tái cơ cấu ngành chăn nuôi: Hướng đến chăn nuôi đại gia súc

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Thách thức dịch bệnh đặt ngành chăn nuôi trước thực tế phải chuyển đổi. Chăn nuôi đại gia súc là một trong những định hướng ngành chăn nuôi hướng tới.

Ngành nông nghiệp đang tổ chức, cơ cấu lại ngành theo hướng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản…

Chuyển dịch chăn nuôi

Theo số liệu từ ngành nông nghiệp, 4 tháng dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện khiến 10% tổng đàn lợn trên địa bàn bị thiệt hại.

Cùng với việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn và khống chế dịch, ngành nông nghiệp đang tổ chức, cơ cấu lại ngành theo hướng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản…, nhất là gia súc ăn cỏ.

Chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang hệ thống trang trại, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có khoảng 1.400 trang trại, gia trại; trong đó, có 70 trang trại có doanh thu 1 tỷ đồng /năm trở lên. Các trang trại, gia trại này nuôi khoảng 58.000 con lợn (chiếm khoảng 35% tổng đàn lợn). Các trang trại chăn nuôi lợn, gà quy mô vừa và lớn đang hình thành và phát triển.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thông tin, một số địa phương trong tỉnh đang từng bước hình thành các vùng sản xuất chăn nuôi theo hướng tập trung và áp dụng công nghệ cao ngày càng nhiều. Khu trang trại thuộc các xã Quảng Vinh và Quảng Lợi (huyện Quảng Điền) có các trang trại chăn nuôi lợn và gà quy mô công nghiệp có áp dụng công nghệ bán tự động.

Trên địa bàn cũng có 5 cơ sở chăn nuôi lợn, gà (tại thị xã Hương Thủy) được cấp giấy chứng nhận phù hợp với quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAP). Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm xây dựng trên 10 mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ với số lượng trên 300 con, đang xúc tiến đầu tư trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ với quy mô 500 con/lứa…

Các trang trại cũng mạnh dạn xây dựng các địa điểm chăn nuôi gắn với hệ thống giết mổ, chế biến. Hạn chế dần chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học sang nuôi gia cầm. Nguồn cung con giống cũng đảm bảo, nhất là gà giống khi Công ty 3F Việt chi nhánh Huế đóng tại huyện Quảng Điền đang nâng cấp dây chuyền đáp ứng 600.000 con gà giống/tháng.

Chăn nuôi đại gia súc

Theo Cục Chăn nuôi, trong cơ cấu tiêu dùng sản phẩm thịt của nước ta, thịt lợn chiếm gần 71% tổng sản lượng thịt các loại, thịt gia cầm chiếm 20,4% và thịt gia súc chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ với 8,6%.

Trên địa bàn, chăn nuôi lợn cũng được xem là trọng tâm trong ngành chăn nuôi với tổng đàn là 192.000 con trong khi tổng đàn trâu, bò chỉ khoảng 50.000 con.

Trước tình hình dịch TLCP diễn biến phức tạp, không có vắc xin phòng bệnh hiệu quả, nguy cơ suy giảm mạnh tổng đàn dẫn đến thiếu nguồn cung thịt lợn là điều không thể tránh khỏi. Chuyển dịch sang chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thay thế dần thịt lợn trong khẩu phần ăn là hướng đi được ngành nông nghiệp vạch ra.

Chăn nuôi gia súc lớn là định hướng của ngành chăn nuôi

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ, trên địa bàn có khá nhiều thế mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc và các địa phương tổng đàn trâu bò thời gian qua đang dần tăng lên. Nhiều địa phương có các chương trình dự án nuôi bò lớn, xây dựng được thương hiệu thịt bò… đây là nền tảng trong định hướng sau này.

A Lưới là ví dụ, khi địa phương này đã xây dựng đề án từng bước nâng cao chất lượng đàn bò trên địa bàn huyện, phấn đấu đến năm 2020, tổng đàn bò đạt 10.000 con, làm cơ sở xây dựng thương hiệu “thịt bò A Lưới”. Để thực hiện đề án, người dân bắt tay trồng cỏ cao sản, làm chuồng trại kiên cố để chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh, hướng tới phát triển chăn nuôi trang trại.

Số liệu từ UBND huyện A Lưới, giai đoạn từ năm 2016 - 2018, diện tích trồng cỏ toàn huyện A Lưới đạt 18,8 ha. Người dân còn tận dụng thêm các phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ như rơm, thân ngô, khoai lang, cây ngô dày, thân cây chuối làm thức ăn cho bò.

Theo ông Hồ Vang, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang phối hợp ban ngành, các địa phương hỗ trợ tư vấn xúc tiến phát triển các dự án trang trại chăn nuôi đại gia súc theo hướng tăng tỷ lệ đàn bò lai; nâng cao năng lực sản xuất con giống; nhân rộng mô hình chăn nuôi theo hình thức gia trại, trang trại, chăn nuôi hữu cơ, phát triển liên kết “bốn nhà” trong sản xuất. Khuyến khích và hỗ trợ vốn vay từ chính sách cho các mô hình nuôi bò đảm bảo vệ sinh thú y và hạn chế gây ô nhiễm môi trường tại huyện A Lưới và các vùng gò đồi, miền núi để bổ sung thay thế nguồn cung cấp thực phẩm từ lợn bị giảm đàn do dịch bệnh.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

Từ bỏ bục giảng, thạc sĩ về quê nuôi gà

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc

Đang là giảng viên của một trường đại học, sẵn "máu" làm nông nghiệp, thạc sĩ Hoàng Ngọc Việt (sinh năm 1986) bất ngờ về quê lập nghiệp, cùng bạn bè biến đồi cây vốn chỉ trồng thông, bạch đàn năng suất thấp thành trang trại nuôi gà kết hợp trồng cây ăn quả. Hiện nay, thương hiệu gà Hamatra của anh từng bước có chỗ đứng trên thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế khá.

Mỗi tháng, trang trại nuôi gà sạch của anh Việt thu lãi hơn 80 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 15 công nhân với mức lương trung bình hơn 6 triệu đồng/người/tháng

Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội, chàng cử nhân trẻ Hoàng Ngọc Việt làm việc tại một công ty chuyên về in ấn sách, báo tại huyện Đông Anh (Hà Nội). Sau đó, anh học thạc sĩ và làm giảng viên giảng dạy bộ môn Tin học tại Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Tưởng như sẽ mãi gắn bó với công việc này nhưng đến năm 2016, anh quyết định về quê làm trang trại.

Tâm sự với chúng tôi, anh Việt cho biết: “Tôi vốn đam mê làm nông nghiệp từ hồi còn bé, bởi thế, sau khi lập gia đình, có con, đi mua thức ăn để nấu cháo cho con thấy nhiều loại thực phẩm: Chim câu, gà... sử dụng cám công nghiệp nên đã nảy sinh ý tưởng nuôi 10 đôi chim bồ câu trong khuôn viên gia đình tại phường Hùng Vương (thành phố Phúc Yên). Từ 10 đôi chim bồ câu ban đầu, chỉ sử dụng các loại thức ăn thông thường là lúa và ngô, thấy thịt thơm ngon, dần dần, người này giới thiệu người kia, gia đình phải làm chuồng kiên cố nuôi 200 đôi để cung ứng cho bạn bè, hàng xóm ở Phúc Yên và Hà Nội. Và rồi, khi được người chú “rủ rê” về quê làm nông nghiệp, năm 2016, sau khi khảo sát nhiều nơi, tôi cùng 3 người bạn mạnh dạn thuê 22ha đất đồi của một gia đình ở thôn Đồng Tâm (xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên) bắt tay xây dựng mô hình trồng cây ăn quả, chủ yếu là bưởi đỏ với trên 6.000 gốc và 2.000 gốc cam Cao Phong (Hòa Bình). Nhận thấy nhu cầu của thị trường về thịt gà sạch là rất lớn trong khi số lượng các trang trại nuôi gà sạch đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc lại chưa nhiều, đầu năm 2018, tôi mua 500 con gà ta lai của Công ty TNHH MTV Gia cầm Hòa Phát về nuôi thử nghiệm”.

Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên anh Việt gặp nhiều khó khăn, nhất là khi gà mắc bệnh hen. Để chất lượng thịt gà ngon, xây dựng được thương hiệu gà sạch, ngoài việc chăn thả bán tự nhiên trên đồi, thường xuyên phun khử trùng tiêu độc chuồng trại, trang trại của anh Việt sử dụng nguồn thức ăn phối trộn tự nhiên bao gồm: Thóc mầm, cám ngô, rau xanh theo mùa. Tuy nhiên, sau khi xuất bán, anh Việt nhận thấy nhược điểm của giống gà này là có trọng lượng lớn, thừa cân, không phù hợp với nhu cầu của thị trường là các nhà hàng, trung tâm tiệc cưới. Không nản lòng, sau lứa gà đầu tiên đó, mày mò tìm hiểu, anh Việt thử sức với gần 1.500 con gà Minh Dư bởi tỷ lệ tích mỡ của giống gà này khá ít. Nhưng cũng chính bởi đặc tính đó, giống gà này tiêu tốn lượng thức ăn khá nhiều khiến chi phí sản xuất lớn nên sau 8 tháng nuôi, trang trại của anh Việt bị thua lỗ.

Anh Việt cùng 3 người bạn quyết tâm làm lại từ đầu. Qua tham khảo nhiều kênh thông tin, các mô hình nuôi gà thả vườn trên mạng xã hội, nhóm cộng sự của anh Việt quyết định chọn nuôi giống gà mía Lạc Thủy, gà mía Sơn Tây với nhiều ưu điểm nổi trội như thịt chắc, thơm ngon và thời gian nuôi tới khi xuất chuồng ở mức vừa phải. Nhờ áp dụng quy trình chăn nuôi sạch nên sản phẩm thịt gà của trang trại được nhiều khách hàng tin tưởng và sử dụng. Đến nay, mỗi tháng, trang trại của anh Việt và cộng sự xuất bán ra thị trường hơn 2.000 con gà mía thương phẩm. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi tháng, trang trại nuôi gà sạch của anh Việt thu lãi hơn 80 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 15 công nhân với mức lương trung bình hơn 6 triệu đồng/người/tháng.Không chỉ từng bước ổn định đầu ra mà niềm vui tiếp tục đến với anh Việt khi sản phẩm gà của trang trại đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh Việt cho biết, anh cùng với các bạn đang tiến hành xây dựng thương hiệu gà sạch của trang trại mang tên Hamatra và một trang web riêng để giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. “Thực tế, có rất nhiều siêu thị, nhà hàng và các cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội đặt hàng nhưng với công suất như hiện nay, trang trại chưa thể đáp ứng được. Vì vậy, ngoài việc sẽ tăng quy mô đàn, phát triển thêm một số giống gà mới, trang trại của mình sẽ liên kết với một số mô hình nuôi gà sạch trong tỉnh hoặc ở các địa phương lân cận ”- Anh Việt chia sẻ.

Bài, ảnh Lưu Nhung

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop