Tin nông nghiệp ngày 04 tháng 01 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 04 tháng 01 năm 2016

 

Tiền Giang: Xây dựng Cánh đồng lớn kiểu mẫu

 

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

 

Từ nay đến năm 2020, tỉnh Tiền Giang sẽ hình thành nên vùng sản xuất lúa theo phương án Cánh đồng lớn (CĐL) kiểu mẫu. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt cho Công ty Lương thực Tiền Giang thực hiện mô hình này giai đoạn 2015 - 2020.

 

66.200 ha lúa theo mô hình CĐL

 

Giai đoạn năm 2015 - 2020, tổng diện tích CĐL mà UBND tỉnh phê duyệt cho Công ty Lương thực Tiền Giang thực hiện là 66.200 ha, sản lượng khoảng 400 ngàn tấn; địa bàn triển khai trên 55 xã thuộc các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành, Gò Công Tây, Gò Công Đông, TX. Cai Lậy và TX. Gò Công.

 

Kinh phí thực hiện khoảng 560 tỷ đồng từ vốn công ty, vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ và vốn hợp pháp khác. Xây dựng CĐL thông qua việc đầu tư ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ lúa với 2 dòng sản phẩm gạo trắng thông dụng và gạo thơm, đặc sản chất lượng cao.

 

 

Thu hoạch lúa trong mô hình CĐL.

 

Theo ông Nguyễn Quốc Trực, Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, công ty sẽ thực hiện mỗi năm 2 vụ là đông xuân và 1 vụ còn lại trong năm tùy theo địa bàn. Đầu tư theo 3 phương thức: Hợp đồng sản xuất có đầu tư đồng bộ đầu vào; hợp đồng sản xuất đầu tư một phần lúa giống xác nhận hoặc vật tư nông nghiệp để tạo ra sản phẩm gạo thơm, đặc sản, nếp chất lượng tương đối, đảm bảo độ thuần hạt gạo; hợp đồng sản xuất và tiêu thụ lúa (không đầu tư giống, vật tư nông nghiệp) để tạo ra sản phẩm gạo trắng thông dụng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường.

 

Với phương thức đã được xây dựng, mô hình CĐL mà công ty xây dựng sẽ dần hình thành chuỗi giá trị lúa gạo, góp phần thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ nông dân sản xuất nhỏ liên kết nhau lại, hình thành kinh tế hợp tác để nâng cao năng lực cạnh tranh của nông dân sản xuất nhỏ.

 

Nông dân tham gia được tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và công nghệ, áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm”; ứng dụng công nghệ sinh học trong canh tác và quản lý dịch hại; 100% diện tích sử dụng giống cấp xác nhận, giảm giá thành sản xuất 10%, giảm thất thoát sau thu hoạch còn 7%, tăng thu nhập từ 10 - 15%.

 

CĐL sẽ gắn sản xuất lúa gạo với chế biến và tiêu thụ, gắn sản xuất với thị trường; tạo điều kiện ứng dụng được quy trình sản xuất tiên tiến, tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Tạo điều kiện cho nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả sản xuất.

 

Phương án xây dựng CĐL trên cây lúa được rất nhiều lãnh đạo và nông dân đồng tình, nhưng để mô hình này thành công và trở thành kiểu mẫu thì đơn vị thực hiện là Công ty Lương thực Tiền Giang rất cần sự hỗ trợ từ các cấp, cũng như sự chung tay của người dân.

 

Còn nhiều vấn đề đặt ra

 

Việc xây dựng phương án CĐL cũng khiến cho Công ty Lương thực Tiền Giang lo lắng nhiều vấn đề như: Việc sản xuất của những hộ nông dân còn gặp nhiều khó khăn do phải mua vật tư nông nghiệp trả chậm của các đại lý tại địa phương. Do đó, khi nông dân tham gia CĐL, họ dễ bị áp lực từ các đại lý này tác động nên chưa yên tâm tham gia mô hình. Có một vài nơi, nông dân yêu cầu công ty phải đặt cọc như hàng xáo thì mới tham gia sản xuất CĐL.

 

Sự bất cập về quản lý đối với một số tổ chức đại diện cho nông dân, nhất là trong khâu quản lý sản xuất, thống nhất thời gian gieo sạ, cũng như thu hoạch; còn để tự ý nông dân thực hiện sao cũng được, để thương lái vào chọn mua những thửa ruộng tốt, còn những thửa ruộng kém chất lượng thì bán cho công ty theo hợp đồng mà hợp tác xã, tổ hợp tác không can thiệp.

 

Để mô hình CĐL xây dựng thành công, ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho rằng, công ty cần phối hợp với Sở NN-PTNT để điều tiết lịch gieo sạ, thời gian thu hoạch phù hợp với tiến độ thu mua của công ty.

 

Phải xem CĐL là một mắc xích quan trọng trong chuỗi sản xuất của công ty, bao tiêu sản phẩm ít nhất 2 vụ trong năm. Về phía Sở NN-PTNT sẽ chỉ đạo các đơn vị trong ngành theo chức năng, nhiệm vụ để hỗ trợ công ty thực hiện tốt phương án CĐL; theo dõi tình hình ký hợp đồng, quá trình thu mua và các phương án phá vỡ hợp đồng…

 

Đặt ra rất nhiều vấn đề mà Công ty Lương thực Tiền Giang trong quá trình thực hiện có thể vấp phải, ông Lê Minh Trượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam yêu cầu công ty cũng nên xem xét cụ thể để có biện pháp giải quyết từng vấn đề trong quá trình thực hiện như: Thương lái mua giá cao hơn thì giải quyết như thế nào? Giá thị trường là giá như thế nào? Dựa vào cơ sở nào? Nếu dựa vào định hướng của Sở Tài chính thường là chậm và chưa có thực tế? Về chủng loại giống lúa cũng nên xem xét lại với xu thế thị trường để có thể đặt hàng đầu tư sản xuất cho phù hợp.

 

Để thực hiện phương án CĐL, Công ty Lương thực Tiền Giang còn mời các đối tác tiêu biểu cung ứng đầu vào và hướng dẫn quy trình canh tác cho nông dân như: Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH Hóa nông Hợp Trí, Công ty cổ phần Khử trùng Việt Nam (VFC), Công ty TNHH Bayer Việt Nam, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Công ty Giống cây trồng miền Nam, Công ty cổ phần Giống và Dịch vụ nông nghiệp Cửu Long…

 

Ngoài ra, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hoặc tổ hợp tác sản xuất tại các xã thuộc các huyện, thị trong tỉnh cũng tham gia.

 

Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành xây dựng CĐL cho biết, Công ty Lương thực Tiền Giang là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh đã lập và phê duyệt phương án CĐL để khuyến khích, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.

 

Trong thời gian tới, Công ty Lương thực Tiền Giang cần phối hợp với Ban điều hành và các huyện, thị xã tổ chức triển khai và thực hiện ký kết hợp đồng liên kết với tất cả các đối tượng có liên quan trong phương án được phê duyệt.

 

Xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm, trong đó hợp đồng ký kết với nông dân bền vững ít nhất là 2 vụ trong năm và suốt thời gian phương án được duyệt; thực hiện theo phương án cung ứng vật tư đầu vào và mua hết sản phẩm đầu ra cho nông dân.

 

Phối hợp với Sở NN-PTNT, các công ty cung ứng đầu vào cử cán bộ kỹ thuật xuống đồng ruộng để chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Liên kết ngang các doanh nghiệp cung ứng đầu vào để thực hiện việc cung ứng giống, vật tư đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý, phù hợp với quy trình kỹ thuật sản xuất; liên kết với lực lượng thương lái để mua lúa cho nông dân kịp thời, tránh cạnh tranh không lành mạnh.

 

Ký kết hợp đồng với tổ chức đại diện nông dân để triển khai phương án được hiệu quả nhất, đảm bảo sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, cũng như chất lượng của các sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng…

 

Phương án CĐL đã được xây dựng rất chi tiết. Vấn đề thực hiện như thế nào và thành công ra sao thì còn phải chờ trong thời gian tới.

 

SĨ NGUYÊN

 

Sản xuất rau an toàn theo VietGap còn nhiều khó khăn

 

Nguồn tin: Báo An Giang

 

Để nâng cao giá trị nông sản, giữ vững thị trường thì nông sản phải đạt chất lượng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản xuất rau an toàn theo chuẩn VietGap là điều kiện bắt buộc nếu muốn sản phẩm tồn tại trên thị trường. Thế nhưng, sau nhiều năm triển khai sản xuất rau an toàn theo VietGap, mô hình này vẫn chưa thật sự hấp dẫn nhà nông.

 

Sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGap hay Global Gap đang là hướng đi đúng nhằm nâng cao giá trị nông sản, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh An Giang đã chọn những nông sản là thế mạnh của địa phương để đầu tư phát triển theo hướng này, trong đó, nhiều nhất là các loại rau màu.

 

 

Nông dân vẫn chưa hứng thú với GAP

 

TP. Long Xuyên cung cấp hàng ngàn tấn rau mỗi năm cho thị trường trong và ngoài tỉnh, nhiều nhất là TP. HCM, Phú Quốc và xuất khẩu sang Campuchia. Năm 2012, được sự hỗ trợ về kỹ thuật cũng như quy trình công nghệ sản xuất của Viện Nghiên cứu rau quả, dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap đã được triển khai trên địa bàn ấp Mỹ An 2 của xã Mỹ Hòa Hưng. Thông qua dự án này, bà con nông dân được trang bị những kỹ năng cơ bản, như: Lập biểu mẫu định kỳ về hạt giống, cây con, kiểm tra, đánh giá nguồn nước và hệ thống cung cấp nước…, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thời gian cách ly khi phun thuốc, thu hoạch, đến sơ chế, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ.

 

Từ diện tích 5 héc-ta với 26 thành viên ban đầu, đến nay, Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap ở xã Mỹ Hòa Hưng đã nâng diện tích lên 7,5 héc ta. Anh Huỳnh Ngọc Diện, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn, cho biết: “Từ khi thành lập tổ người dân có ý thức hơn về việc sản xuất của mình, họ cân đối việc sản xuất lượng rau ra điều độ hơn, sản phẩm rau sạch, có chất lượng khi bán ra thị trường. Mỗi ngày, sản lượng rau màu an toàn của tổ hợp tác bán ra thị trường khoảng 1 tấn, giá bán các mặt hàng rau của xã cao hơn nơi khác 1.000 đồng/kg và rau màu được dán nhãn VietGap bán cao hơn giá thị trường 2.000 – 2.500 đồng/kg”.

 

Tuy nhiên, việc sản xuất rau an toàn còn gặp phải nhiều khó khăn, nhất là diện tích sản xuất rau tập trung còn hạn chế. Diện tích rau màu trồng theo hướng VietGap chiếm khoảng 15%. Bên cạnh đó, chưa áp dụng đa dạng hóa loại cây trồng để cung ứng theo yêu cầu nên có thời điểm dư thừa, có thời điểm thiếu hụt sản phẩm. Bên cạnh đó, nông dân còn khó khăn trong việc kiểm soát sâu bệnh, nhất là trong giai đoạn cuối chuẩn bị thu hoạch, phải thường xuyên thăm đồng và phải xịt thuốc đúng quy cách… Ngoài ra, quy trình sản xuất rau an toàn theo VietGAP còn phức tạp nên nông dân khó tiếp cận. Đa phần người dân còn bối rối, lúng túng, chưa quen việc ghi “nhật ký nhà nông”.

 

Thị trường tiêu thụ cũng là vấn đề đáng lưu ý. Sản lượng rau bán ra ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Trong hơn 1 tấn rau màu của Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn bán thì chỉ có 300-400kg được đóng dấu VietGap, còn lại phải bán đồng giá với mặt hàng cùng loại khác. Nông sản sạch đưa đến tay khách hàng, chỉ có mặt ở vài chợ, siêu thị trong địa bàn thành phố. “Người dân có tâm lý ưa chuộng hàng Đà Lạt hơn nên sản phẩm của chúng tôi khó cạnh tranh lại. Ngoài ra, ngoại trừ những mặt hàng có đóng dấu VietGap, khó phân biệt đâu là sản phẩm thông thường, sản phẩm nào là rau an toàn”.

 

Để tiến tới nền nông nghiệp sản xuất sạch, bền vững, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền từ đội ngũ cán bộ nông nghiệp đến người nông dân hiểu được lợi ích khi sản xuất nông nghiệp sạch. Ngoài ra, cần có những chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng VietGap, giúp nông dân mở mở rộng thị trường. “Nếu siết chặt công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn, quán, truy xuất nguồn gốc các loại rau màu không rõ nguồn gốc thì trong tương lai rau màu an toàn sẽ tiêu thụ nhiều hơn” – anh Diện chia sẻ.

 

ĐÌNH ĐỨC

 

Vườn rau du lịch

 

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

 

Vườn rau hữu cơ thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An (Quảng Nam) thành lập từ đầu năm 2014 đã giúp người dân thôn thu bạc triệu mỗi năm và hướng đến du lịch bằng mô hình rau hữu cơ. 1 rau = 3 đậu

 

Năm 2014, vườn rau hữu cơ Thanh Đông được thành lập trên diện tích 6.300m2,với sự tham gia của 8 hộ dân. Ông Phạm Mèo, Nhóm trưởng vườn rau hữu cơ Thanh Đông, cho biết: “Trồng rau hữu cơ không sử dụng các loại: phân hóa học, giống biến đổi gien, thuốc diệt sâu bọ và chất kích thích tăng trưởng nên rau rất sạch, thân thiện với môi trường và an toàn cho người tiêu dùng”.

 

Bà Phan Thị Sâm, 75 tuổi, vác cuốc ra vườn từ sáng sớm, bà già rồi nên việc trồng rau vừa cải thiện kinh tế, vừa như vận động buổi sáng. Bà Sâm kể, trước kia đất trồng hoa màu có 600m2, cứ đến tháng 12 bắt đầu tỉa đậu, chờ 3 tháng sau thì thu hoạch. Bà Sâm cho biết: “Trồng ngần ấy tháng thu được 150kg đậu, ép được 40 lít dầu để ăn. Đến mùa trồng bắp, sau hai tháng thu hoạch tôi bán được 3 triệu đồng, chưa trừ tiền chi phí. Còn từ khi chuyển sang trồng rau hữu cơ, cứ mỗi tháng tôi thu hoạch một lần và với giá bán 14.000 đồng/kg, tính bình quân, mỗi tháng thu về 1,2 - 1,5 triệu đồng/tháng”. Không chỉ thế, ở vườn rau 600m2 của bà còn trồng xen bí, ớt, cà chua,… “Tính ra trồng rau vừa có tiền hơn bắp, đậu mà còn có rau cắt ăn hàng ngày, đỡ tiền chợ”, bà Sâm cười.

 

 

Ông Mèo với vườn rau hữu cơ

 

Bà Đinh Thị Mài, 64 tuổi, cũng tham gia trồng rau trên mảnh vườn 400m2. Bà Mài kể: “Trước kia, tôi trồng mè chỉ được chừng 700.000 đồng/vụ, bắp được 3 triệu đồng/vụ. Cả năm 12 tháng, dân ở đây chỉ làm được 6 tháng, đất lại cằn cỗi do dùng nhiều phân hóa học nên canh tác ngày càng khó. Từ ngày trồng rau, tôi thu về mỗi tháng 1 - 1,5 triệu đồng”. Điều người dân an tâm khi trồng rau sạch là luôn có đầu ra ổn định, khách hàng đặt mua ngày càng nhiều. Bình quân mỗi tháng, người thu nhập thấp nhất cũng được 1,5 triệu đồng, cao nhất 2,5 triệu đồng (chỉ trên diện tích trồng từ 300 - 400m2). Năm 2015 vườn rau này bán ra được 10 tấn rau, quả. Luật “độc”

 

Người trồng rau hữu cơ phải tuân thủ nguyên tắc không phun bất cứ loại chất độc hại, kích thích tăng trưởng rau. Từ khi bắt đầu làm đất đến khâu gieo hạt, người dân ủ một lớp rơm lên để hạt giống mọc, đến khi thành cây thì lấy hết rơm ra và diệt sâu bọ bằng cách dùng thảo mộc, phân xanh, hoa cúc vạn thọ… Ông Mèo nói: “Tôi dùng gừng, ớt, tỏi giã nhỏ cho vào rượu ngâm chừng 15-20 ngày. Sau đó, dùng “rượu thuốc” này tưới rau để cân bằng hệ sinh thái. Thuốc này chỉ có tác dụng đuổi côn trùng đi chứ không làm chết nó, nên cũng không gây hại vườn rau”.

 

Ở vườn rau Thanh Đông có một luật “độc”, đó là nếu người dân nào dùng thuốc hóa học bị phát hiện sẽ “khai trừ” ra khỏi vườn rau và giao đất cho hộ khác làm. Ông Mèo cho biết thêm: “Các sản phẩm từ vườn rau bán ra thị trường đều được đóng bao bì và ghi tên đơn vị, kể cả tên hộ sản xuất. Nếu có khách hàng phàn nàn về chất lượng rau chúng tôi sẽ chuyển lại cho hộ liên quan giải quyết trước, sau đó nhóm sẽ tham gia xem xét, đưa ra giải pháp xử lý nếu hộ trồng rau vi phạm”.

 

Du lịch trải nghiệm

 

Vườn rau hữu cơ Thanh Đông được cấp chứng nhận PGS (chứng nhận dành cho nhóm nông dân tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ), đồng thời cũng mở ra cơ hội phát triển du lịch sinh thái. Ông Mèo cho biết: “Vườn rau có hợp đồng tour du lịch với các công ty lữ hành. Người dân sẽ hướng dẫn du khách trải nghiệm thực hành sản xuất rau hữu cơ và sản phẩm từ rau. Theo đó, khách vào tham quan có giá 30.000 đồng/khách, còn khách trải nghiệm làm rau thì trả 50.000 đồng/khách/giờ”.

 

Qua thống kê, lượng khách tham quan vườn rau hữu cơ Thanh Đông trong năm 2015 có khoảng 7.000 khách, trung bình thu nhập của nhóm được thêm từ 17 - 18 triệu đồng/năm. Bà Mài kể: “Mỗi lần dẫn khách tham quan tôi được trả công 50.000 đồng, một tour có 2 nông dân cùng tham gia. Đây là khoản thu nhập ngoài tiền bán rau”. Được biết, mô hình trồng rau hữu cơ này sẽ được nhân rộng đến các xã khác trên địa bàn thành phố Hội An.

 

PHÚ NHIÊU

 

Trà Vinh: Chuyển đổi gần 5.000ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu và nuôi thủy sản

 

Nguồn tin: Trà Vinh

 

Thực hiện chuyển đổi diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ngắn ngày kết hợp nuôi thủy sản, đến cuối tháng 12/2015 các huyện trong tỉnh Trà Vinh đã chuyển đổi 4.994ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bắp 2.373ha, đậu phộng 315ha, dưa hấu 288ha, rau các loại 1.373ha, nuôi thủy sản 172ha, trồng cỏ 473ha. Bên cạnh đó, trong triển khai mô hình cánh đồng mẫu ở cây lúa tiếp tục duy trì được 17 điểm mô hình cánh đồng mẫu, trên diện tích 3.367ha, với 3.154 hộ tham gia. Qua đó, năng suất lúa bình quân trong mô hình đạt 6,63 tấn/ha; chi phí sản xuất giảm so với ngoài mô hình 1,26 triệu đồng/ha, cho lợi nhuận 18,52 triệu đồng/ha (cao hơn ngoài mô hình trên 03 triệu đồng/ha).

 

 

Cơ giới hóa trong sản xuất ngày càng được nông dân đầu tư để nâng cao năng suất hàng hóa, giải quyết việc khan hiếm lao động

 

Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất của nông dân thông qua triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch để đưa cơ giới hóa vào trong sản xuất, đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu như: làm đất, bơm tát nước, tuốt lúa của nông dân trong tỉnh đạt 100%; thu hoạch 80%; gieo sạ, phun thuốc 50-60%; sấy khoảng 35-40% trong vụ hè-thu và thu-đông. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cho 125 khách hàng vay đầu tư các loại máy phục vụ sản xuất, với tổng dự nợ hơn 50 tỷ đồng.

 

HỮU HUỆ

 

Bình Thuận: Người dân lo lắng vì hành tím vụ tết bị sâu bệnh

 

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

 

Những ngày qua, hơn 20 ha hành tím vụ tết ở thôn 5 và thôn 6, xã Hàm Đức (huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) đang bị hiện tượng xụ lá, quỵt ngọn và khô đầu lá. Điều này khiến cho không ít gia đình trồng hành phải lo lắng, hoang mang, chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh để phòng trừ kịp thời.

 

 

Ông Nguyễn Văn Thỏ lo lắng trước bệnh lạ gây hại trên hành tím mấy ngày qua.

 

Đã nhiều năm gắn bó với cây hành tím trồng vụ tết, gia đình ông Nguyễn Ngọc Chén, ở thôn 5, xã Hàm Đức chưa khi nào gặp hiện tượng bệnh này. Những ngày qua ông lo lắng chưa biết nguyên nhân gây bệnh trên hành tím. Hiện 600 m2 đất trồng hành tím vụ tết đang gặp hiện tượng xụ lá, quỵt ngọn và khô đầu lá. Tình trạng hành tím mỗi ngày héo rũ, ông đã dùng nhiều biện pháp chăm sóc và dùng thuốc bảo vệ thực vật để xịt, phòng trừ bệnh nhưng chưa thấy hiệu quả. “Trên diện tích 600 m2 trồng hành tím vụ tết năm vừa rồi, gia đình thu lãi gần 10 triệu đồng để lo tết. Còn năm nay thì hành bị bệnh như thế biết có thu được không nữa”, ông Nguyễn Ngọc Chén lo lắng nói.

 

Cách đó không xa là ruộng hành tím của gia đình anh Lê Văn Hai, ở thôn 5 cũng chẳng khác gì mấy. Theo anh Hai cho biết: “Cách đây vài ngày thì hành tím phát triển xanh tốt bình thường. Qua mấy ngày thấy trời mưa, nắng thất thường, cây hành tím bỗng trở màu, lá hành xụ xuống, trên đầu hơi khô. Bằng kinh nghiệm của người trồng hành tím lâu năm, tôi dùng tưới nước nhiều và dùng thuốc bảo vệ thực vật để xịt, nhằm khắc phục hiện tượng bệnh lạ này như không khả quan”.

 

Không riêng gì thôn 5 mà ở thôn 6, xã Hàm Đức hiện tượng hành tím bị xụ xuống, quỵt ngọn và khô đầu lá cũng diễn ra khá phổ biến. Có mặt tại ruộng trồng hành tím của nhiều hộ dân tại đây, chúng tôi ghi nhận bao nỗi lo của người dân. Trao đổi với ông Nguyễn Văn Thỏ mới thấy sự lo lắng đến chừng nào. “Chưa năm nào gặp hiện tượng bệnh này, cả xóm trồng hành tím vụ tết đều bị chung tình cảnh như thế. Nếu tình trạng này kéo dài khoảng 1 tuần nữa, thì cây hành tím không thể nuôi củ được, phải nhổ bỏ hoặc thu hoạch sớm để bán kiếm được đồng nào hay đồng đó”, ông Nguyễn Văn Thỏ lo lắng nói.

 

Cây hành tím dễ trồng, ít sâu bệnh, kỹ thuật chăm sóc, xử lý đơn giản, trong khi thu nhập khá cao và được thị trường ưa chuộng, nhất là dịp Tết Nguyên đán tiêu thụ rất mạnh. Chính vì vậy, nhiều gia đình ở thôn 5 và thôn 6, xã Hàm Đức đã chuyển diện tích trồng cây màu kém hiệu quả sang trồng hành tím. Những năm qua, chính cách làm này đã giúp nhiều gia đình có nguồn thu nhập để lo trang trải tết. Trước hiện tượng bệnh lạ xuất hiện gây hại trên hành tím vụ tết, người dân địa phương rất mong ngành nông nghiệp huyện, tỉnh sớm có biện pháp hướng dẫn người dân khắc phục, yên tâm chăm sóc để vụ hành tím sắp tới được hiệu quả.

 

Theo những hộ chuyên trồng hành tím vụ tết tại xã Hàm Đức, trung bình 1 kg hành giống (32.000 đồng), khi trồng và chăm sóc tốt khoảng hơn 70 ngày là thu hoạch được gần 50 kg hành thương phẩm, giá bán trung bình từ 8.000 - 12.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Sau khi trừ chi phí lãi tương đối cao. So với các cây màu ngắn ngày khác, thì trồng hành tím vụ tết thu nhập cao, vì thế người dân trồng tương đối nhiều. Nếu hành bị bệnh không phòng trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng đến việc cho củ, gây thiệt hại cho người trồng.

 

NGUYÊN CHÂN

 

Mỗi ngày bán ra từ 80- 100kg cà chua đen trên phố đặc sản Đà Lạt

 

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

 

Trong 3 ngày- 29, 30 và 31/12, gian hàng cà chua đen các loại của thương hiệu Dalat Newfarm trên đường Hồ Tùng Mậu, Đà Lạt thu hút mỗi ngày trên dưới 1.000 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu và mua về sử dụng.

 

 

Khách chọn chọn mua cà chua đen Dalat Newfarm trên phố đặc sản Đà Lạt

 

Chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm, chủ gian hàng cho biết, trong tổng số lượng người dừng chân ở gian hàng cà chua đen của mình, chiếm từ 60 – 70% là khách du lịch trong và ngoài nước; 30- 40% còn lại là khách hàng trong tỉnh Lâm Đồng. Những câu hỏi khám phá của khách tập trung về quy trình sản xuất, tác dụng của sản phẩm cà chua đen chăm sóc theo công nghệ sạch trong nhà kính, nhà lưới… đều được nhân viên gian hàng giải đáp khá chi tiết. Đồng thời khách được ăn thử sản phẩm cà chua đen tươi tại chỗ trước khi chọn mua.

 

Với giá bán từ 60.000đồng đến 180.000 đồng/kg cà chua đen theo từng loại khác nhau, gian hàng Dalat Newfarm đã tiêu thụ mỗi ngày từ 80- 100kg.

 

VĂN VIỆT

 

Tân Châu (An Giang): phát triển xoài thơm Vĩnh Hòa ứng dụng công nghệ cao

 

Nguồn tin: An Giang

 

Xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang) được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất phù sa (đất cồn) thích hợp cho sự phát triển của 1 giống cây ăn quả có mùi thơm và vị ngọt rất đặc trưng cho vùng miền, đó là giống xoài thơm Vĩnh Hòa.

 

Có một điều rất lạ là cũng từ cây xoài thơm Vĩnh Hòa này nhưng nếu đem trồng ở các vùng đất khác ngoài xã thì trái xoài sẽ không có hương vị thơm giống như những cây được trồng tại vùng đất cồn ở xã Vĩnh Hòa. Đã từ lâu, sản phẩm Xoài thơm Vĩnh Hòa đã trở thành đặc sản của vùng đất này. Các cây xoài ở đây được trồng phân tán quanh nhà, trồng thuần hoặc xen với các loại cây khác trong vườn tạp.

 

Phần lớn các cây xoài ở đây có độ tuổi trên 10 năm được trồng từ hạt theo hình thức quảng canh nên tán cao lớn, cành rậm rạp, chăm sóc khó khăn, năng suất không ổn định. Với tập quán sản xuất như trên nên giống xoài thơm Vĩnh Hòa có số lượng giảm dần do sâu đục thân gây hại và chất lượng không còn thơm ngon như trước. Theo số liệu điều tra ở cuối năm 2015, số xoài thơm Vĩnh Hòa có độ tuổi từ 10-20 năm còn lại 171 cây. Các cây này cho năng suất đạt từ 150-250 kg/cây/năm. Giá bán dao động: 18.000 – 30.000 đồng/kg.

 

Nhằm bảo quản nguồn gen của một giống cây ăn quả quý hiếm của địa phương, Sở Khoa Học và Công Nghệ tỉnh An Giang đã phối hợp với Trường Đại Học Cần Thơ thực hiện Dự án” Khôi phục và phát triển giống xoài thơm Vĩnh Hòa” với gốc ghép được chọn từ các cây xoài có độ tuổi trên 30 năm. Kết quả của Dự án đã hỗ trợ cho nông dân được 630 cây/ 22hộ với diện tích 1,5 ha. Hiện còn 595 cây đang phát triển và sinh trưởng tốt. UBND xã cũng đã vận động nông dân thành lập 01 Tổ hợp tác sản xuất xoài thơm Vĩnh Hòa. Ngoài ra, nông dân cũng đã tự ương giống từ hạt trồng được 840 cây/ 65 hộ với diện tích hơn 3ha được trồng phân tán quanh nhà, vườn tạp. Hướng tới, địa phương sẽ tiếp nhận các cây xoài giống từ phương pháp cấy mô của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh để phát triển xoài thơm Vĩnh Hòa theo hướng ứng dụng công nghệ cao.

 

Kế hoạch của địa phương trong thời gian tới là tiếp tục vận động nông dân cải tạo vườn tạp để trồng xoài, dự kiến đến năm 2020 với diện tích phát triển là 20- 30 ha. Hiện tại, địa phương đang nhờ các ngành chức năng hỗ trợ xây dựng thương hiệu nên còn gặp khó khăn về đầu ra, sản lượng thu hoạch chỉ tiêu thụ nhỏ lẻ nên giá trị chưa cao. Do đó, sản phẩm Xoài thơm Vĩnh Hòa rất cần được xây dựng chuổi liên kết trong thời gian tới.

 

Phạm Thị Thu Thảo

 

Xuất khẩu xoài sang Nhật Bản - Triển vọng mới cho ngành hàng thế mạnh

 

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

 

Năm 2015 là cột mốc đáng nhớ đối với nhà vườn trồng xoài ở Đồng Tháp khi sản phẩm xoài cát chu của địa phương chính thức được thị trường Nhật Bản đón nhận. Qua đó, đánh dấu những thành tựu bước đầu trong tiến trình xây dựng chuỗi giá trị gia tăng cho ngành hàng xoài ở Đồng Tháp.

 

 

Thu hoạch xoài chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản

 

Vươn mình hội nhập

 

Đầu tháng 11 vừa qua, ngành nông nghiệp Đồng Tháp nói chung và đông đảo nhà vườn trồng xoài ở Đồng Tháp nói riêng vui mừng chào đón sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành nông nghiệp của địa phương, khi trái xoài cát chu lần đầu tiên có mặt ở các siêu thị lớn của Nhật Bản.

 

Để đưa trái xoài cát chu vào thị trường Nhật Bản, ngành nông nghiệp Đồng Tháp đã nỗ lực trong việc định hướng, thay đổi tập quán sản xuất của người nông dân trong suốt thời gian dài. Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho xoài cát chu “xuất cảnh” sang Nhật, các cơ quan chức năng của Việt Nam phải mất 5 năm để chuẩn bị hồ sơ, xây dựng quy trình xử lý dịch hại mới được phía Nhật Bản chấp thuận. Và ngay khi cánh cửa cơ hội mở ra, 3 tấn xoài cát chu được “xuất cảnh” và bày bán tại 209 điểm bán hàng của siêu thị Aeon trên toàn Nhật Bản với hai mức giá sau thuế là 77.000 đồng/trái và 116.000 đồng/trái.

 

Ông Phạm Tấn Minh - thành viên Tổ hợp tác sản xuất xoài an toàn phường 6, TP.Cao Lãnh phấn khởi: “Vừa qua tôi bán cho Công ty Good Life 3 tấn xoài, với mức giá 30 ngàn đồng/kg, cao hơn khoảng 4 ngàn đồng/kg so với xoài cùng loại được sản xuất bình thường bán ở thị trường nội địa. Để sản xuất xoài đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu sang Nhật Bản thật sự không quá khó như nhiều nhà vườn vẫn tưởng. Điểm mấu chốt là phải sản xuất theo quy trình an toàn, bên cạnh đó cần thay đổi thói quen trong một số khâu như: đảm bảo quy trình bao trái, tuyển trái, thu hoạch... thì tỷ lệ xoài đạt yêu cầu xuất khẩu sẽ cao. Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội lớn để xoài Đồng Tháp tiếp tục vươn xa hơn vào các thị trường khó tính khác.

 

Thay đổi để thích ứng với “sân chơi mới”

 

Việc thị trường Nhật Bản đang “mở cửa” đối với sản phẩm xoài cát chu sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành hàng thế mạnh này của tỉnh. Tuy nhiên, để chủ động với “sân chơi mới” này, người nông dân cần phải năng động hơn, kịp thời có những điều chỉnh và thay đổi kỹ thuật sản xuất hợp lý nhằm tạo ra được những sản phẩm đáp ứng được mọi yêu cầu từ đối tác.

 

Hiện tại, phần lớn sản phẩm xoài được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đều dưới dạng trái cây tươi. Do đó, bên cạnh việc đáp ứng quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo đạt tiêu chuẩn về rào cản kỹ thuật phía đối tác Nhật quy định thì sản phẩm xoài tươi xuất khẩu còn phải đảm bảo các tiêu chí: đẹp về hình thức, đồng nhất về kích cỡ, màu sắc và chất lượng... Vì vậy, đây là một trong những rào cản không nhỏ mà nhà vườn ở Đồng Tháp cần phải vượt qua khi muốn bán được xoài sang thị trường tiềm năng này.

 

Ông Huỳnh Thanh Bá - Phó Giám đốc Hợp tác xã xoài Mỹ Xương chia sẻ: “Dù sản lượng xoài của địa phương tương đối lớn, song trải qua các quy định nghiêm ngặt của nhà nhập khẩu thì tỷ lệ đạt yêu cầu xuất khẩu chỉ từ 20 - 25%. Điều này làm giảm lợi nhuận đáng kể của người nông dân. Một số nhược điểm mà nhiều nhà vườn vẫn còn vướng trong thời gian qua là: nông dân tái sử dụng túi bao trái, gây ảnh hưởng đến chất lượng vỏ trái xoài, thu hoạch và vận chuyển theo phương thức cơ học gây xây xát bề mặt vỏ trái, kích cỡ trái không đồng đều...

 

Ông Võ Hạnh Thìn - Trưởng phòng Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh cho biết: “Để xuất khẩu được sang Nhật Bản, trái xoài không chỉ đảm bảo các quy chuẩn về sản xuất an toàn mà còn phải đẹp về hình thức, trọng lượng và phẩm chất phải tương đối đồng đều. Để xoài đạt tỷ lệ xuất khẩu cao, trong giai đoạn bao trái nhà vườn phải tuyển chọn trái thật kỹ, loại bỏ những trái dị dạng, hình thức không đạt yêu cầu, tuyệt đối không sử dụng túi bao trái tái chế. Đối với giai đoạn thu hoạch nhà vườn cần lưu ý: xoài khi thu hoạch phải cắt chừa cuống khoảng 3 - 5cm và giữ trái nguyên trong túi bao. Khi hái xong, cần bảo quản kỹ lưỡng không được để xoài sau khi thu hoạch dưới đất để tránh bụi bẩn, vi sinh vật bám vào, phải giữ cho trái xoài không bị trầy xước trong quá trình hái...”.

 

Tuy nhiên, để có được vùng nguyên liệu xuất khẩu ổn định không riêng ngành nông nghiệp cố gắng mà phải có sự chung tay, đồng lòng của người nông dân. Ông Nguyễn Thành Tài - Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp phân tích, việc xoài Đồng Tháp xuất khẩu được sang thị trường Nhật Bản không những mở ra nhiều triển vọng mới cho ngành hàng xoài, giúp tăng lợi nhuận cho người nông dân trong sản xuất nông nghiệp mà đây còn là cơ hội để người nông dân nâng cao kỹ thuật và trình độ sản xuất, từng bước tiếp cận với nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, sản xuất theo yêu cầu của thị trường. Để chuỗi sản xuất này bền vững, ngành nông nghiệp rất cần có sự chung tay từ người nông dân trong thời gian tới.

 

Minh Nhật

 

Hà Giang: Tăng cường quản lý chất lượng cam sành

 

Nguồn tin: Báo Hà Giang

 

Là địa phương có diện tích cam quýt khá lớn, khoảng trên 3.000ha với vùng sản xuất khá tập trung là Vị Xuyên, Bắc Quang và Quang Bình (tỉnh Hà Giang). Cam sành Hà Giang từ lâu đã là sản phẩm nổi tiếng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Vài năm trở lại đây, giá cam sành Hà Giang ngày càng được nâng lên, góp phần giúp người trồng cam nâng cao thu nhập và ngày càng chú trọng việc phát triển diện tích cam quýt. Tuy nhiên, cùng với giá cam được nâng lên, một bộ phận người trồng cam lại chưa ý thức được việc phải giữ gìn và phát triển thương hiệu. Một số nơi, số hộ đã vì lợi nhuận mà quên đi trách nhiệm phải giữ gìn thương hiệu của cam sành, sử dụng không hợp lý các hóa chất để kích thích, bảo quản cam.

 

 

Vườn cam sành VietGAP tại xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang.

 

Để đảm bảo chất lượng cho trái cam sành Hà Giang, vì mục tiêu chung là phát triển vùng cam cũng như thương hiệu cam sành Hà Giang khá nổi tiếng, năm nay ngành NN&PTNT đã sớm tham mưu cho tỉnh ban hành công văn chỉ đạo các huyện vùng cam tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng cam sành niên vụ 2015 – 2016. Qua đó, UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên và các cơ quan chuyên môn, các ngành chức năng; các xã tăng cường tuyên truyền sâu rộng tới các tổ sản xuất, các hợp tác xã, các hộ sản xuất, kinh doanh cam tuân thủ quy định không sử dụng thuốc, hóa chất cấm bảo quản cam. Kiểm tra các cơ sở và khuyến khích người dân phát hiện, cung cấp thông tin về những cá nhân, cơ sở sử dụng thuốc, hóa chất cấm trong bảo quản cam. Đồng thời kiên quyết xử lý các lô hàng có sử dụng chất cấm trong bảo quản cam và các đối tượng vi phạm. Triển khai các địa điểm bày cán cam được sản xuất theo quy trình VietGAP.

 

Khuyến khích phát triển sản xuất theo hướng VietGAP, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện lập phương án cụ thể về phát triển cam sành trên địa bàn đến năm 2020. Trong đó, đảm bảo đến năm 2020 diện tích cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP chiếm 70% diện tích cam trên địa bàn. Đối với ngành NN&PTNT, cần ban hành quy định và hướng dẫn cụ thể về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong sản xuất và bảo quản cam sành. Có danh mục những loại thuốc được sử dụng và loại thuốc cấm sử dụng. Ngành NN&PTNT tổ chức kiểm tra việc tuân thủ thực hiện quy trình VietGAP toàn bộ các cơ sở sản xuất cam đã được cấp chứng nhận, lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng và cấp giấy xác nhận sản phẩm an toàn cho những sản phẩm được sản xuất tại cơ sở sản xuất cam sành VietGAP. Kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận VietGAP đối với những cơ sở đã được cấp chứng nhận nhưng không tuân thủ thực hiện đúng quy trình, quy định và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Huy Toán

 

Bắc Kạn: Hội thảo mô hình trồng giống táo Đài Loan-BG1

 

Nguồn tin: Báo Bắc Kạn

 

Sáng ngày 24/12/2015, phòng Kinh tế thành phố Bắc Kạn đã tổ chức Hội thảo mô hình trồng giống táo Đài Loan - BG1 với sự tham gia của lãnh đạo địa phương và bà con nhân dân phường Huyền Tụng. Giống táo Đài Loan lần đầu được đưa vào trồng thử nghiệm từ tháng 2/2015 tại phường Huyền Tụng trên diện tích là 5ha gồm 32 hộ thuộc các tổ Khuổi Pái, Bản Cạu, Tổng Nẻng, Nà Pam và Bản Vẻn tham gia. Do đây là mô hình thí điểm nên Nhà nước đã hỗ trợ 100%cây giống, hỗ trợ 50% vật tư gồm phần bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn khoa học kỹ thuật, phần đóng góp còn lại do dân tự bỏ ra như công lao động, vật tư.

 

Sau 10 tháng thực hiện, đến nay mô hình đã thu lại kết quả khả quan, cây sinh trưởng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh, chịu úng khá, thời gian ra hoa và ra quả tập trung, năng suất quả/cây cao. Dự kiến một cây có thể cho thu hoạch 10 - 15kg nếu được chăm sóc tốt, năm đầu tiên đạt 3 - 5 kg quả/năm, khối lượng quả của giống táo Đài Loan –BG1 lớn hơn gấp 3 lần so với táo chua, quả cho thu hoạch rộ từ năm thứ 3 trở đi. Đặc biệt giống táo Đài Loan mẫu mã quả đẹp, chất lượng tốt, chín đúng vào thời điểm Tết Nguyên đán nên người dân có thể bán được giá.

 

Tuy nhiên đây là giống táo chưa từng được sản xuất trên địa bàn nên trong quá trình triển khai còn gặp phải một số khó khăn như: Một số hộ chưa tuân thủ việc chăm sóc theo hướng dẫn kỹ thuật, vẫn còn tình trạng trồng xen với cây ngô, không tỉa quả nên dẫn đến số lượng quả/cây quá nhiều dẫn đến quả nhỏ.

 

 

Khối lượng quả giống táo Đài Loan-BG1 lớn gấp 3 lần so với giống táo chua bản địa.

 

Tử việc thực hiện mô hình sẽ là cơ sở để thay thế các giống táo cũ địa phương cho năng suất thấp, hình thành vùng sản xuất tập trung, nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Thu Trang

 

Ninh Thuận: Lại chuyện nông dân “nở rộ” trồng dưa tết

 

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

 

Hiện nay, đang bước vào vụ trồng dưa tết, nhiều người dân tại huyện Bác Ái và Ninh Sơn (Ninh Thuận) đang tích cực chăm sóc, mở rộng diện tích trồng loại cây này, kỳ vọng có một mùa dưa bội thu.

 

Anh Nguyễn Văn Nhân (ở thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn) nhưng đã thuê đất để trồng dưa tại xã Phước Thắng (Bác Ái) từ nhiều năm nay. Nếu như các năm trước, gia đình anh chỉ trồng khoảng 1ha thì năm nay anh quyết định mở rộng diện tích trồng lên 2ha để phục vụ nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán. Anh cho biết: Vụ dưa này thời tiết tương đối thuận lợi, nên phát triển rất tốt. Tuy nhiên chi phí đầu tư ban đầu tương đối cao, ngoài công chăm sóc, ước tính chi phí cho 1ha khoảng 130 triệu đồng. Anh Nhân tính toán nếu giá dưa khoảng từ 7-8 ngàn đồng/kg trở lên thì mới có lãi. Thế nhưng giá cả cũng rất bấp bênh và phụ thuộc rất lớn vào thị trường.

 

 

Người dân mở rộng diện tích trồng dưa tại Bác Ái.

 

Cùng với anh Nhân, năm nay gia đình anh Phan Đình Tùng (ở xã Phước Tiến, Bác Ái) cũng tăng diện tích trồng dưa từ 1,5ha lên 2ha. Anh Tùng cho biết: Không chỉ gia đình anh mà nhiều hộ dân tại địa phương cũng mở rộng diện tích trồng dưa phục vụ tết, vì vậy điều lo ngại nhất là việc tiêu thụ dưa sẽ gặp khó khăn vì sản lượng năm nay dự tính sẽ rất nhiều.

 

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bác Ái, người trồng dưa trên địa bàn chủ yếu là người dân từ huyện Ninh Sơn đến thuê đất để trồng với diện tích trên 180ha trồng dưa, trong đó có 170 ha trồng trong vụ đông-xuân là vụ chính để phục vụ Tết Nguyên đán, còn vụ hè-thu chỉ 12 ha. Ông Bá Duy Trường, chuyên viên phòng NN &PTNN huyện Bác Ái cho biết: Năm nay do hạn hán kéo dài nên kế hoạch của huyện chỉ khuyến cáo trồng dưa vụ đông-xuân 2015 là 110ha, tuy nhiên, thực tế hiện nay người dân đua nhau trồng loại cây này khiến diện tích tăng nhanh và rất khó kiểm soát. Điều này gây nên những hệ lụy xấu cho sản xuất nông nghiệp. Tuy huyện đã khuyến cáo không mở rộng diện tích nhưng nhiều người dân vẫn trồng theo kiểu tự phát, không theo quy hoạch, rất khó quản lý.

 

Thực tế, một số vụ trước đây, người trồng dưa đã “trúng đậm” do giá dưa lên cao, vì vậy năm nay người trồng dưa đã “đánh liều” tăng diện tích, đầu tư chi phí lớn, kỳ vọng có một vụ dưa bội thu. Tuy nhiên việc mở rộng diện tích trồng dưa đồng nghĩa với việc nông dân phải “đánh cược” vào giá cả tiêu thụ, vì thông tin duy nhất mà bà con được biết là các thương lái đưa ra, giá cả thu mua cũng do thương lái định đoạt, người dân thấy lợi trước mắt thì cứ đổ xô trồng, cùng với đó là lượng nước tưới theo kế hoạch của huyện cũng sẽ mất cân bằng.

 

Thế Quang

 

Bình Thuận: Sử dụng pin năng lượng mặt trời tưới thanh long

 

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

 

Mô hình sử dụng năng lượng mặt trời để vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt cho thanh long tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đang cho hiệu quả tốt, giúp giảm chi phí về nhân công, điện, nước.

 

 

Hệ thống tưới nhỏ giọt chạy bằng năng lượng mặt trời sử dụng tại hộ ông Dũng.

 

Nhiều năm qua, mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây thanh long được nông dân trong tỉnh áp dụng để tiết kiệm nước và tăng độ ẩm cho cây, giúp cây phát triển tốt. Tuy là cách tưới nhỏ giọt nhưng nhỏ giọt bằng công nghệ năng lượng mặt trời thì còn rất mới. Tức là người nông dân áp dụng mô hình này không cần dùng điện khi tưới nước cho cây. Hệ thống pin năng lượng mặt trời sẽ làm thay tất cả các công đoạn. Ông Lượng Thanh Dũng - Chủ tịch UBND xã Thuận Quý là người đầu tiên áp dụng mô hình tưới nước nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời cho vườn thanh long 400 trụ. Ông Dũng cho biết, dù chi phí cho mô hình cao (khoảng 100 triệu đồng/400 trụ) nhưng nếu tính lâu dài thì rất tiện lợi. Toàn bộ hệ thống tưới đều được khởi động bằng năng lượng mặt trời. Mô hình này không chỉ giúp tiết kiệm được điện, nước, nhân công… mà còn là điều kiện để thanh long đạt chuẩn VietGAP.

 

Tìm hiểu được biết, hệ thống tưới nước bằng năng lượng mặt trời bao gồm một 1 tấm pin tích hợp năng lượng mặt trời, công suất 175W. Năng lượng từ pin sẽ được dẫn tới một mô-tơ. Mô-tơ sẽ vận hành hệ thống bơm lấy nước từ dưới ao và dẫn nước theo hệ thống ống dẫn tới tận gốc cây. Hệ thống ống dẫn nước từ máy bơm lên đến vườn cây được sử dụng loại ống nhựa phi 40, khi đến gốc cây được phân thành nhánh theo hàng cây với loại ống nhỏ phi 14. Tại mỗi gốc sẽ có 2 van xả nước, nhỏ đều từng giọt và chỉnh lượng nước vừa đủ độ ẩm cho cây phát triển. Sử dụng hệ thống này sẽ chủ động được nguồn nước tưới hàng ngày, vì công suất chỉ đạt 2,4 m3/giờ, trung bình mỗi ngày từ khi mặt trời mọc đến khi lặn (10 giờ) bơm được khoảng 24 m3 nước. Sau gần 1 tháng áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời, 400 trụ thanh long được hơn 1 năm tuổi của ông Dũng đã phát triển cành chắc hơn, mập hơn so với số thanh long bên cạnh chưa áp dụng.

 

Ngoài ra, một ưu điểm nữa của mô hình này là ngoài tưới nước, hệ thống năng lượng mặt trời còn có chức năng bón phân cho cây rất đồng đều và tiện lợi. Theo đó, phân hòa với nước cho tan, liều lượng cân đối với diện tích rồi cho vào bình chứa bơm lên qua hệ thống dẫn nước tới từng gốc cây. Cách làm này không chỉ tạo điều kiện cho cây hấp thụ phân một cách triệt để (vì phân hòa với nước sẽ giúp cho cây dễ hấp thu hơn) mà còn giảm chi phí nhân công bón phân, lượng phân không còn bị lãng phí như trước. Nếu có kinh phí, ông Dũng sẽ thực hiện việc nhân rộng công nghệ tưới nước nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời ra toàn bộ vườn thanh long hơn 1.000 trụ của ông.

 

Nông dân tỉnh Tiền Giang cũng đã áp dụng mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây thanh long 3 năm nay, hiệu quả thấy rõ. Không chỉ tiết kiệm chi phí, năng suất vườn thanh long của hộ đầu tư sử dụng mô hình cũng tăng lên, đạt 30 tấn/ha. Trong điều kiện nguồn nước tưới nhiều địa phương trong tỉnh thiếu hụt và nguồn điện cần tích lũy đủ để chong đèn cho thanh long ra hoa trái vụ, việc nhân rộng mô hình tưới nhỏ giọt cho thanh long bằng năng lượng mặt trời là rất cần thiết.

 

KIM ANH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop