Tin nông nghiệp ngày 04 tháng 03 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 04 tháng 03 năm 2021

Tiền Giang: Xã Tam Bình khôi phục vườn cây ăn trái sau thiên tai hạn, mặn

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Trong mùa khô năm 2020 vừa qua, xã Tam Bình (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) có trên 1.120 ha vườn cây ăn trái bị thiệt hại do thiên tai hạn, mặn. Trong đó, có trên 760 ha bị thiệt hại hơn 70%, còn lại tỷ lệ thiệt hại của mỗi vườn từ 30 - 70%, chủ yếu là vườn trồng chuyên canh sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao.

Theo lãnh đạo địa phương, mùa khô năm 2020, tình hình hạn, mặn khốc liệt đã gây hại trên diện rộng tại vườn cây ăn trái trên địa bàn xã, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng trồng sầu riêng chuyên canh chất lượng cao lâu nay đã mang lại cho nông dân một nguồn thu nhập quan trọng để ổn định cuộc sống và góp phần xây dựng nông thôn mới. Mặc dù trong thời gian đó, xã Tam Bình đã triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó, nhưng do hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài khiến sản xuất và đời sống người dân không tránh khỏi ảnh hưởng nặng nề. Nhiều hộ dân lâm vào hoàn cảnh khó khăn bởi bị giảm hoặc mất đi nguồn thu nhập quan trọng.

Trước tình hình trên, sau khi thiên tai qua đi, xã đã khẩn trương khắc phục hậu quả, tranh thủ các nguồn hỗ trợ giúp nông dân giảm nhẹ thiệt hại. Theo đó, xã Tam Bình tiếp nhận và giải ngân nhanh nguồn vốn hỗ trợ khắc phục của tỉnh với kinh phí trên 3,765 tỷ đồng. Đồng thời, được sự giúp đỡ của các ngành hữu quan, các viện, trường, đặc biệt là Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, Viện Cây ăn quả Miền Nam,... xã Tam Bình đã chuyển giao kỹ thuật xử lý khôi phục vườn cây ăn trái sau hạn, mặn cho hàng ngàn nông dân vùng chuyên canh. Đối với những khu vườn bị thiệt hại nặng, không thể phục hồi được thì khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng hoặc trồng mới lại cây ăn trái đặc sản...

Theo thống kê của địa phương, trước mắt, đối với diện tích trên 760 ha vườn cây bị thiệt hại trên 70% không thể phục hồi thì nông dân đã cải tạo trồng mới lại 520 ha sầu riêng, còn lại trồng các cây ăn trái có giá trị kinh tế cao khác như: Sa pô chê, mít...

Minh Trí

Đồng Nai: Cây chuối trên vùng đất đá

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Nắng trưa tháng Giêng gay gắt nhưng những rẫy chuối trên đồi, triền đồi và rẫy đá ở một số vùng đất thuộc các huyện: Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán (tỉnh Đồng Nai) vẫn xanh tốt, trĩu quả nhờ bàn tay chăm sóc khéo léo của nhà nông.

Giống chuối Đài Loan hiện được nông dân vùng đất đá trên địa bàn tỉnh

phát triển mạnh

Nông dân Chền Vểnh Sáng (ngụ ấp Cây Điều, xã Bàu Hàm, H.Trảng Bom) cho hay, trước đây, đồng bào dân tộc Hoa ở xã Bàu Hàm và đồng bào các dân tộc anh em khác thường trồng chuối ven suối, ven đồi và ở những khu vực nhiều đá để giữ đất, “lấy ngắn nuôi dài”. Nhưng hiện nay, cây chuối là cây chủ lực tại vùng đất đá khi các loại cây trồng truyền thống như: điều, tiêu, cà phê, thuốc lá... kém năng suất.

Sức sống mãnh liệt của chuối

Ông Sáng cho hay, nông dân ở xã Gia Kiệm (H.Thống Nhất) vốn tiên phong trong việc đưa cây chuối (chủ yếu là các loại chuối: mốc, bơm, cau…) trồng trên những khu vực rẫy nhiều đá trước năm 1975, thỉnh thoảng “cõng” vài buồng chuối ra chợ bán để cải thiện bữa ăn. Từ đó, người dân ở xã Bàu Hàm 2 (H.Thống Nhất), trong đó có đồng bào dân tộc Hoa thấy hay, hiệu quả nên bắt chước làm theo.

“Thời đó, cây chuối ít được chăm sóc nên mùa khô rất èo uột, héo lá và không cho buồng. Cây chuối chỉ cho thu nhập vào mùa mưa và dứt mưa khoảng 2 tháng ” - ông Sáng kể lại.

Vì là cây trồng phụ nên khu đất nào xấu, nhiều đá, khó canh tác, thiếu nước tưới, nông dân mới dành cho cây chuối. Do cây chuối không được chăm sóc thuốc, phân, làm cỏ như những cây: bắp, đậu, thuốc lá... nên mùa nắng thường bị héo lá, xơ xác hoặc chết khô. Tuy vậy, nhà nông vẫn nhìn thấy lợi ích kinh tế từ lá, bắp, buồng chuối... nên những lúc nông nhàn, nông dân bắt đầu tập trung vào chăm sóc vườn chuối.

“Những năm 1978-1979, bị mất mùa nhưng nông dân nơi vùng đất đá ở xã Cây Gáo, xã Bàu Hàm (H.Trảng Bom), xã Gia Kiệm (H.Thống Nhất)… vẫn no bụng, có sức làm rẫy nhờ chuối xanh đem luộc” - ông Huỳnh Văn Thể (ngụ xã Gia Kiệm) bộc bạch.

Qua thời bao cấp, cây chuối ở vùng đất đá H.Trảng Bom, H.Thống Nhất và nhiều nơi khác được trồng nhiều hơn, chăm chút hơn khi lá, bắp, buồng của nó được vận chuyển khắp các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc và xuất khẩu sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch. Bên cạnh đó, chuối bơm, chuối cau, chuối mốc ngoài ăn tươi còn được sấy khô đem bán nên nông dân nào trồng nhiều chuối, sở hữu rẫy chuối vài ha thì bắt đầu phất lên khi chuối được giá.

“Từ đó, cây chuối mới được nhà nông dành thêm đất để trồng, chăm sóc và phát triển mạnh trên các sườn đồi, vùng đất tốt. Thời đó, vào mùa khô, nông dân nào mạnh dạn tưới nước cho chuối sẽ bị cho là dở hơi” - nông dân Lý A Bằng (ngụ xã Cây Gáo) cho biết.

Ông Bằng giải thích, trước đây do phong trào trồng cà phê, tiêu, cây ăn trái đang phát triển mạnh và nguồn nước giếng đào rất khan hiếm nên nông dân chỉ dành nguồn nước tưới cho những cây trồng chủ lực chứ không ai dành cho chuối. Nhất là cây chuối vốn được nông dân xem là cây “dễ tính”, chịu hạn, thu nhập phụ nên nó phải tự hấp thụ sương đêm, hơi nước từ đá mà sống hoặc “nhẫn nại” chờ mưa.

Cà phê, tiêu, điều nhường đất cho chuối

Những năm gần đây, cà phê, tiêu, điều liên tục xảy ra dịch bệnh, mất mùa, mất giá nên nông dân vùng đất đá ở các huyện như: Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán đã từng bước thu hẹp diện tích hoặc chuyển phần lớn diện tích trồng tiêu, điều, cà phê sang cây chuối cấy mô (chuối Đài Loan xuất khẩu) và các loại chuối thị trường nội địa ưa chuộng như: cau, mốc, bơm. Khi chuyển đổi sang trồng chuối, nông dân có sự đầu tư lớn về kỹ thuật, giống, phân bón...

Nông dân Nguyễn Tân (ngụ ấp Võ Dõng 3, xã Gia Kiệm) chia sẻ, để có quỹ đất 2ha trồng chuối cấy mô xuất khẩu, ông mạnh dạn chặt bỏ các cây trồng khác, đồng thời đầu tư thêm giếng khoan, hệ thống tưới tự động. Như vậy, mỗi ha trồng chuối cấy mô xuất khẩu, ông đầu tư khoảng 200 triệu đồng cho lứa chuối đầu. Với giá 10 ngàn đồng/kg như hiện nay, 1ha chuối xuất khẩu cho thu nhập 500 triệu đồng/năm. Sau khi trừ chi phí, ông lãi khoảng 250 triệu đồng/ha/năm.

Cây trồng nào cũng gặp rủi ro do giá cả, sâu bệnh, nguồn tiêu thụ. Riêng cây chuối cấy mô thì giá cả luôn phụ thuộc bởi thị trường Trung Quốc nên không ít lần nông dân trồng chuối trên vùng đất đá thua lỗ, kêu gọi xã hội giải cứu. Để tránh chạy theo phong trào trồng chuối cấy mô, nông dân các vùng đất đá như các xã: Bàu Hàm, Cây Gáo (H.Trảng Bom), Gia Kiệm, Quang Trung (H.Thống Nhất), Phú Vinh (H.Định Quán)… chuyển sang trồng chuối cau, mốc, bơm (loại chuối truyền thống) theo hướng chuyên canh bằng cách quy hoạch lại vườn, theo hàng và áp dụng khoa học kỹ thuật như: tưới tiêu, phân bón, chọn giống cây sạch. Loại chuối này cho thu nhập quanh năm và 9-10 năm mới phá bỏ vườn chuối cũ để trồng mới.

Khi cây chuối Đài Loan cho thu nhập cao, rất nhiều đoàn viên, thanh niên xã Thanh Bình (H.Trảng Bom) mạnh dạn thuê đất của nông dân khác để trồng chuối nhằm mục đích “lập thân,lập nghiệp”.

Nông dân Phùng Sẳn Mậu (ngụ xã Cây Gáo) giải thích, trồng chuối địa phương theo kỹ thuật mới thu nhập không thua kém chuối cấy mô, mỗi ha chuối vẫn cho lãi từ 200-250 triệu đồng/năm. Các loại chuối truyền thống này chỉ có một nhược điểm là thu hoạch kéo dài, còn ưu điểm là vốn đầu tư ít, không phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu, ít sâu bệnh và thân cây chuối còn tận dụng làm thức ăn cho gia súc, lá và bắp chuối vẫn bán được.

“Đó là lý do hiện nay mùa nắng cây chuối trên vùng đất đá vẫn xanh tươi, nặng buồng nhờ được nông dân chăm chút, tưới đủ nước, áp dụng khoa học kỹ thuật canh tác tiến bộ. Cây chuối nơi vùng đất đá còn xanh vào mùa nắng sẽ giúp nhà nông bớt đi thua lỗ, ổn định sản xuất, làm giàu từ đất khi tiêu, điều, cà phê kéo dài thời kỳ mất mùa, mất giá” - ông Mậu quả quyết.

Nhân Thái

Thích ứng hạn- mặn từ khâu chọn giống

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Lựa chọn giống lúa thích ứng với hạn- mặn để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long vừa đề xuất những giống lúa năng suất cao, phẩm chất gạo tốt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu lại thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng hạn- mặn ngày càng gia tăng ảnh hưởng.

Đáp ứng 76% nhu cầu giống lúa

Thời gian qua, tình trạng hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn đã làm ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất lúa cũng như trên các loại cây trồng khác tại tỉnh Vĩnh Long. Để hạn chế thiệt hại do hạn mặn gây ra thì công tác giống đóng vai trò rất quan trọng, do đó cần định hướng bộ giống cây trồng chủ lực thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Tỉnh Vĩnh Long xác định cây lúa vẫn là cây trồng chủ lực với tổng diện tích xuống giống hàng năm khoảng 180.000ha. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại các huyện: Tam Bình, Vũng Liêm, Trà Ôn, Long Hồ và vùng sản xuất lúa tròn (ML 202) tập trung phục vụ nhu cầu chế biến tại huyện Mang Thít.

Theo chỉ đạo của ngành nông nghiệp, hàng năm mỗi vùng sản xuất cần xác định 4- 5 giống lúa chủ lực và 3- 4 giống bổ sung. Tuy nhiên trên thực tế, các giống được sử dụng với tỷ lệ cao là OM5451, OM18, Đài thơm 8, ML202, IR50404.

Đặc biệt giống OM5451 được nông dân sử dụng nhiều nhất, trong khi 2 giống Đài thơm 8 và OM18 chỉ được sử dụng nhiều trong thời gian gần đây. Bên cạnh, giống ML202 cũng đang có xu hướng phát triển mạnh.

Ngoại trừ 2 giống IR50404 và ML202 là giống chất lượng thấp mà ngành chuyên môn khuyên sử dụng không quá 20% diện tích tại mỗi vùng sản xuất thì các giống còn lại tuy có nhiều khả năng phát triển như OM 5451, OM 18, Đài thơm 8 nhưng đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập trong công tác giống.

Theo ông Nguyễn Văn Hạnh- Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp (thuộc Sở Nông nghiệp- PTNT), tình trạng không chia sẻ tác quyền giống của các doanh nghiệp dẫn đến tình trạng mua bán trao đổi giống không có nguồn gốc, từ đó làm giảm chất lượng và hiệu quả canh tác giống của người dân.

Nhằm nâng cao năng suất và chất lượng lúa hàng hóa, thời gian qua, tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ cho nông dân trong sản xuất lúa.

Theo đó, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh đã xây dựng và thực hiện các dự án để sản xuất lúa giống như: đầu tư xây dựng hệ thống nhân giống và hỗ trợ sản xuất giống lúa nguyên chủng quy mô 325ha, dự án củng cố và nâng cao năng lực cho hệ thống nhân giống lúa thuần quy mô 350ha, cùng nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, dạy nghề…

Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành hệ thống nhân giống gồm 46 cơ sở và Trại Lúa giống tỉnh (thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp).

Tổng quy mô sản xuất 690ha, trong đó diện tích sản xuất lúa nguyên chủng 85ha, sản xuất mỗi năm 1 vụ, sản lượng khoảng 425 tấn/năm. Lúa xác nhận 605ha, sản xuất 3 vụ/năm, năng suất bình quân 5 tấn/ha, sản lượng 9.075 tấn.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có khoảng 220 cơ sở kinh doanh lúa giống với khả năng cung ứng hàng năm khoảng 7.000 tấn. Như vậy, với năng lực sản xuất và cung ứng giống lúa của hệ thống nhân giống và các cơ sở kinh doanh giống lúa thì nhu cầu về giống lúa trên toàn tỉnh được đáp ứng 76% nhu cầu.

Giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu

Hàng năm, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh thực hiện công tác khảo nghiệm, chọn tạo nhằm tìm ra những giống mới từ viện, trường phù hợp với điều kiện canh tác tại Vĩnh Long để nông dân trong tỉnh có nguồn giống để lựa chọn.

Số lượng, chủng loại giống đã khảo nghiệm, trình diễn giai đoạn 2016- 2020 là 240 giống. Qua 10 vụ khảo nghiệm, đã tuyển chọn và đề xuất bộ giống thích hợp sản xuất trên địa bàn tỉnh gồm 8 giống chủ lực năng suất cao, 15 giống lụa chịu mặn, 7 giống chịu hạn và một số giống khác có tiềm năng phát triển.

Để việc sản xuất lúa thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trước mắt về cơ cấu giống, trung tâm giống nông nghiệp tỉnh đề xuất cần tiếp tục bố trí các giống lúa chủ lực và đang được canh tác phổ biến tại tỉnh để gieo trồng tại các vùng ít ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn như OM18, OM6976, OM7347,… Đối với giống lúa thơm và cao sản như Đài thơm 8, Jasmine 85, OM4900,… chỉ nên bố trí sản xuất vụ Đông Xuân.

Bên cạnh cần quan tâm sử dụng các giống chịu mặn tốt của Viện Lúa ĐBSCL mới được công nhận lưu hành và khuyến cáo sử dụng như: OM344, OM429, OM375, OM22, OM380, OM384, OM11375,… trong đó qua thực tế khảo nghiệm tại các địa phương 2 giống OM429 và OM344 rất thích nghi và phù hợp.

Về lâu dài, cần có chính sách đầu tư nghiên cứu phối hợp với các viện, trường chọn tạo hoặc nhận chuyển giao bộ giống lúa có phẩm chất tốt, thích ứng với từng vùng sinh thái trên địa bàn mang thương hiệu Vĩnh Long, tiến tới xây dựng thành vùng nguyên liệu tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, hỗ trợ giống LH8 sớm được công nhận lưu hành giống để bố trí sản xuất trên những vùng bị ảnh hưởng hạn- mặn của tỉnh nhất là trong vụ Đông Xuân, bởi giống lúa này rất thích nghi và cho hiệu quả cao nhất trên vùng nhiễm mặn.

Hiện giống LH8 đã được Cục Trồng trọt công nhận là giống sản xuất thử (7/2019) và đang xem xét thực hiện giai đoạn 2 để công nhận lưu hành giống.

Đề xuất bộ giống thích hợp với điều kiện biến đổi khí hậu tại tỉnh Vĩnh Long gồm bộ giống chủ lực năng suất, chất lượng cao: OM5451, OM4900, OM6976, OM7347, OM6162, OM18, Jasmine 85, Đài thơm 8.

Bộ giống lúa chịu mặn gồm các giống có thời gian sinh trưởng từ 85- 110 ngày như: OM5464, OM359, OM232, OM5166, OM9916, OM9921, OM9584, OM9577, OM9579, OM429, OM18, OM11735, OM380, OM108, OM284. Các giống này có khả năng chịu mặn trong điều kiện nhân tạo ở nồng độ muối từ 4- 6‰, cho năng suất cao, phẩm chất gạo tốt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Bộ giống lúa chịu hạn: gồm các giống lúa OM7347, OM5464, OM6162, OM7398, OM7364, OM8928, OM6677. Các giống lúa này có thời gian sinh trưởng từ 85- 110 ngày, có khả năng chịu khô hạn từ cấp 1 đến cấp 3 (ở giai đoạn mạ và giai đoạn trỗ), năng suất cao, phẩm chất gạo tốt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Bộ giống có tiềm năng phát triển gồm nhóm giống ST (của tác giả Hồ Quang Cua), bên cạnh các giống có khả năng chịu mặn tốt do nông dân ở các địa phương chọn tạo như AG1, LH8, TC7, ND4. Tuy nhiên các giống này hiện đang gặp khó khăn trong mở rộng diện tích sản xuất do chưa được cấp phép lưu hành giống theo quy định.

Bài, ảnh: THÀNH LONG

Nông dân thiếu vốn chăm sóc cà phê

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Thời điểm này, các hộ trồng cà phê đang bước vào cao điểm chăm sóc, phục hồi vườn cây. Tuy nhiên, do thiếu vốn, nên nhiều hộ đã gặp khó khăn trong việc đầu tư, chăm sóc vườn cà phê.

Vụ thu hoạch cà phê vừa qua, nhiều nhà vườn đối mặt với tình trạng năng suất, giá cả giảm mạnh. Sau vụ thu hoạch, nhiều hộ trồng cà phê bị lỗ nặng. Do đó, khi bước vào thời kỳ tái đầu tư cho vườn cây cho vụ mới, bà con đã lâm vào cảnh thiếu vốn trầm trọng.

Gia đình ông Y Jét, thôn 2, xã Trường Xuân (Đắk Song, tỉnh Đắk Nông), có 1,5 ha cà phê. Những năm trước đây, mỗi năm gia đình ông thu hoạch được gần 8 tấn cà phê nhân. Vào thời điểm giá cả cà phê tăng cao, trừ tất cả các chi phí đầu tư, gia đình ông cũng thu lãi từ 60 - 70 triệu đồng/ha. Việc đầu tư cho vườn cây khi ấy khá dễ dàng.

Nhưng vụ mùa năm nay, năng suất cà phê giảm thấp, mỗi ha chỉ thu được 2 tấn nhân. Cùng với đó, giá cà phê ở mức thấp, chỉ từ 30.000 – 34.000 đồng/kg, nên cả năm gia đình ông Y Jét chỉ thu về hơn 60 triệu đồng/ha.

Ông Y Jét cho biết: “Bây giờ vườn cà phê bước vào giai đoạn cần cung cấp nước tưới, phân bón, nhưng mới tiến hành đợt 1, tôi đã gặp khó khăn vì hết vốn. Còn những lần tiếp theo trong suốt mùa khô, gia đình không biết lấy gì để chăm sóc cho vườn cà phê nữa”.

Vườn cà phê của ông Điểu Biên, ở thôn 2, xã Trường Xuân (Đắk Song) do thiếu vốn đầu tư, nên phát triển kém

Còn gia đình ông Điểu Biên, cũng ở xã Trường Xuân, năm vừa rồi hơn 1 ha cà phê cũng gặp cảnh thất bát do mất mùa. Ông Biên cho biết, vườn cà phê sau khi thu hoạch sẽ bị còi cọc, không đủ sức để ra quả nếu không bón đủ phân. Thế nhưng, vụ thu hoạch cà phê vừa qua, gia đình chỉ đủ để trả nợ, nên hiện nay không còn khoản nào để tái đầu tư cho vườn cây.

Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Dũng, thôn 9, xã Kiến Thành (Đắk R’lấp), với năng suất từ 3 – 3,5 tấn/ha, kèm mức giá trên dưới 30.000 đồng/kg như hiện nay, thu nhập của người trồng cà phê chỉ vào khoảng 100 triệu đồng/ha/vụ.

Trong khi đó, chi phí chăm sóc vườn cà phê đã lên đến 50 – 60 triệu đồng/năm. “Sau khi thanh toán các khoản công nợ, trả tiền nhân công cuối vụ nên số còn lại của gia đình không được bao nhiêu, không đủ để tái đầu tư cho vụ sau”, ông Dũng cho biết.

Tình trạng thu không đủ chi đã lặp đi lặp lại đối với các hộ trồng cà phê trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua. Bởi gần 10 năm nay, giá cà phê chỉ dao động ở mức trên trên dưới 30.000 đồng/kg.

Cùng với đó, sâu bệnh, dịch hại cũng phát sinh nhiều ở những khu vực rẫy cà phê của người dân. Do đó, nhiều năm qua, phần lớn người trồng cà phê chỉ đầu tư sản xuất cầm chừng để giảm bớt thua lỗ.

Cũng theo ông Dũng, vài năm trở lại đây, có một số hộ dân do thiếu vốn, nên việc chăm sóc cho cây cà phê trong mùa khô không bảo đảm. Ngoài việc thiếu phân bón cho cây phát triển, có hộ còn cắt giảm nước tưới, nên vườn cây sinh trưởng kém, năng suất cũng vì vậy mà giảm theo.

Theo bà con nông dân, mặc dù vụ thu hoạch cà phê kết thúc chưa bao lâu, nhưng có nhiều hộ phải đi vay vốn bên ngoài để tái đầu tư cho vườn cây. Thực trạng này đã trở thành cái vòng luẩn quẩn mà người trồng cà phê chưa biết khi nào mới thoát ra được.

Điều đáng lo ngại là, nhiều hộ dân không còn đủ điều kiện để vay vốn sản xuất từ ngân hàng, nên buộc phải đi vay bên ngoài với lãi suất cao. Trong bối cảnh giá cà phê thất thường, mất mùa, nên nhiều gia đình dần mất khả năng trả nợ, cuộc sống trở nên túng quẫn hơn...

Bài, ảnh: Thành Tâm

Bình Thuận: Hạt điều vào mùa

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Từ tháng 2 - 3 là thời điểm cây điều nở rộ hoa và cho trái. Trước đó, để cây điều cho năng suất cao nhiều hộ đã đầu tư phân bón, phun thuốc diệt rầy. Tuy nhiên, cây điều khi ra hoa phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết. Nếu hoa đang nở gặp đợt sương muối hay cơn mưa xuân trái mùa thì hầu như đợt hoa ấy bị “cháy” mùa điều xem như bị thất thu hết 1/3.

Mọi năm, người dân ở Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) sau Tết Nguyên đán đã rục rịch đi thu hoạch điều, đây là đợt trái chín đầu mùa, dù chưa nhiều nhưng tạo được sự hưng phấn cho người trồng điều. Thế nhưng năm nay thời tiết thất thường, nhiều nơi trở lạnh khác thường, nhiệt độ thấp kèm theo sương muối rơi cục bộ khiến không ít vườn điều của nông dân chậm ra hoa, có nơi ra hoa nhưng đậu trái rất ít. Anh Trần Ngọc Lương ở xã Đức Thuận, Tánh Linh cho hay: Nhà tôi có gần 1 ha điều, mọi năm vừa xong tết là tranh thủ đi lượm điều lấy lộc đầu năm, những ngày đầu đi hái điều dù chỉ 5 – 7 kg nhưng rất vui vì có thu nhập. Thế nhưng năm nay điều ra hoa chậm nên chưa có trái chín, khi ra thăm vườn chưa thu được kg nào… Vườn điều nhà anh Lương có hơn 3 sào trồng giống mới nên năng suất rất cao, mọi năm anh hay chụp hình những chùm điều trĩu quả đưa lên Facebook khoe thành quả khi mạnh dạn phá bỏ vườn điều giống cũ năng suất thấp để trồng giống điều mới triển vọng hơn. Còn năm nay dự báo sẽ khó khăn rất nhiều…

Ở khu vực Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc trước và trong tết có đợt mưa nhỏ cục bộ cũng làm không ít vườn điều bị cháy bông. Nhiều nơi khác như Đức Linh, Hàm Thuận Nam buổi sáng sương xuống rất nhiều nên phần nào cản trở sự ra hoa và kết trái cho các vườn điều. Bình Thuận có hơn 17.000 ha điều, tập trung chủ yếu tại các huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân và Hàm Thuận Bắc. Trong đó, có trên 15.000 ha đang trong thời kỳ thu hoạch với năng suất bình quân đạt 6,5 - 7 tạ/ha, sản lượng ước khoảng 11.000 tấn/năm. Năng suất điều Bình Thuận còn thấp vì phần lớn diện tích điều trước đây được trồng bằng hạt và không qua tuyển chọn, nông dân chưa đầu tư thâm canh đúng quy trình nên năng suất và sản lượng cây điều chưa đạt như kỳ vọng.

Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT cho biết: Để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu sản phẩm nhân hạt điều, tỉnh đã có chủ trương trồng tái canh và cải tạo giống trên 12.000 ha điều, nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Thời gian vừa qua, tỉnh đã hỗ trợ giá cây giống điều mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, vật tư, phân bón và kinh phí chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật cho đồng bào ở các xã miền núi khó khăn trên địa bàn tỉnh…

Trần Thi

Làm giàu từ mô hình VAC

Nguồn tin:  Báo Thái Bình

Là những nông dân khởi nghiệp với số vốn ít ỏi nhưng với tư duy dám nghĩ, dám làm, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã mạnh dạn vay vốn sản xuất, đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo hướng phát triển kinh tế VAC, từng bước nâng cao thu nhập, làm giàu trên quê hương.

Trang trại của gia đình chị Lê Thị Duyên, xã Tây Sơn (Kiến Xương) chăn nuôi hơn 6.000 con gà Ai Cập.

Chị Duyên chăn nuôi giỏi - đó là nhận xét người dân xã Tây Sơn (Kiến Xương) dành cho chị Lê Thị Duyên, thôn Trung Bắc bởi mô hình của gia đình chị là một trong những mô hình xây dựng chuồng trại quy mô, bài bản, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2008, khi UBND xã có chủ trương chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả, gia đình chị đã mạnh dạn thuê hơn 8.000m2 đất để đào ao, thả cá và làm chuồng trại chăn nuôi. Nhận thấy giống gà Ai Cập có năng suất trứng cao, chị Duyên đã quyết định đầu tư vào nuôi giống gà này. Hiện nay, trang trại của gia đình chị có hơn 6.000 con gà thịt, gà trứng đem lại doanh thu gần 240 triệu đồng/tháng. Xung quanh trang trại, chị cứng hóa ao nuôi để thả các loại cá truyền thống, xây dựng tường bao để ngăn cách khu chăn nuôi với trồng cây và sử dụng hệ thống lọc gió, chế phẩm vi sinh nên đã hạn chế được mùi hôi trong chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường. Với hơn 100 gốc bưởi diễn từ 5 - 7 năm tuổi, hơn 1 mẫu ao thả cá, mô hình trang trại tổng hợp của gia đình chị Duyên sau khi trừ chi phí thu về hơn 2 tỷ đồng/năm. Chị Duyên chia sẻ: Bây giờ gia đình tôi đã có điều kiện kinh tế hơn nên chúng tôi cũng giúp đỡ cho 4 hộ khác kinh nghiệm chăn nuôi và đầu ra nông sản. Thời gian tới, tôi sẽ thuê thêm lao động, tạo việc làm cho những hộ nông nhàn để giúp họ tăng thêm thu nhập.

Giống như chị Duyên, anh Mai Văn Dũng, thôn Bình Sơn, xã Tây Sơn cũng đầu tư vốn làm trang trại tổng hợp. Khởi nghiệp cách đây 5 năm, hiện anh Dũng đã có trong tay cơ ngơi với 40 con trâu, bò; hơn 7.000m2 ao cá, hơn 8 sào vườn trồng ổi, mít, bưởi và nhãn. Anh Dũng cho biết: Với đàn trâu, bò, bình quân một năm tôi thu về từ 300 - 400 triệu đồng; hơn 3 tấn cá và gần 5 tấn hoa quả các loại, sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu về hơn 800 triệu đồng/năm. Với mô hình này tôi tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân gần 6 triệu đồng/người/tháng. Khó khăn lớn nhất trong làm kinh tế VAC chính là việc quyết định sẽ trồng cây gì và nuôi con gì để có được lợi nhuận. Mô hình của tôi thành công được như ngày hôm nay chính là nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước tạo dựng được niềm tin với khách hàng. Hiện nay chăn nuôi thân thiện với môi trường, không lạm dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật mà dùng các sinh vật đối kháng có lợi cho cây trồng chính là cách làm mà gia đình tôi lựa chọn để cây trồng phát triển tốt.

Chia tay anh Dũng, chúng tôi đến thăm mô hình VAC của gia đình anh Nguyễn Văn Nghinh, thôn Trà Linh, xã Thụy Liên (Thái Thụy). Hơn 10 năm trước, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư toàn bộ vốn liếng để xây dựng mô hình VAC. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật cũng như được địa phương tạo điều kiện, gia đình anh đã chọn những cây trồng, đối tượng nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả cao. Gia đình anh hiện làm không hết việc và còn tạo thêm việc làm cho một số lao động trong thôn. Với 3 ao nuôi thả chủ yếu là cá rô đồng, cá trắm, cá chép, trung bình hàng năm cho thu hoạch từ 100 - 120 tấn cá, đạt doanh thu khoảng 400 triệu đồng/năm. Ngoài ra anh Nghinh trồng thêm các loại cây ăn quả như bưởi, cam lê, mít với hơn 1.000 gốc. Sau khi trừ chi phí, mô hình của gia đình anh cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm. Anh Nghinh chia sẻ: Mô hình của tôi chăn nuôi theo chuỗi khép kín, tận dụng và xử lý chất thải chăn nuôi làm nguồn phân bón cho cây trồng, một số loại phế phẩm cây trồng tôi lại ủ với vi sinh để làm phân bón hoặc nghiền nhỏ cho vật nuôi ăn. Chính hình thức xoay vòng thức ăn đã giúp gia đình tôi tiết kiệm được chi phí thức ăn chăn nuôi, góp phần tăng nguồn thu cho gia đình.

Những mô hình phát triển kinh tế VAC trên là minh chứng rõ nhất cho tư duy mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm của nông dân Thái Bình. Với những mô hình trang trại tổng hợp, người nông dân cần lưu ý tuân thủ chặt chẽ các bước sản xuất an toàn, không được lợi dụng các loại thuốc kích thích, phân bón hóa học khiến đất đai, môi trường, đặc biệt là nông sản bị tồn dư chất hóa học, gây hại đến sức khỏe con người. Chính việc nâng cao ý thức trách nhiệm của người nông dân trong trồng trọt, chăn nuôi sẽ giúp nông sản tiêu thụ dễ dàng hơn, từ đó thu nhập sẽ tăng lên đáng kể.

Tiến Đạt

Hưng Yên: Chăn nuôi an toàn sinh học theo quy trình Vietgahp

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Giảm thiểu nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh, đem lại nguồn thực phẩm an toàn; giảm hao hụt 20 – 25%; tăng hiệu quả sản xuất 20 – 30%, đó là những lợi ích mà chăn nuôi an toàn sinh học theo quy trình Vietgahp mang lại cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã được ngành chuyên môn đánh giá thực tế trong những năm gần đây. Đây cũng là hướng đi cần thiết để ngành chăn nuôi trong tỉnh phát triển hiệu quả và bền vững hơn.

Chăn nuôi bò thịt an toàn tại nông hộ ở xã Phú Cường (thành phố Hưng Yên)

Theo tổng hợp của phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT, trên địa bàn tỉnh đang có hơn 11 nghìn hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Hiện đang có khoảng 30% số trang trại chăn nuôi và khoảng 15% số hộ chăn nuôi áp dụng quy trình chăn nuôi Vietgahp vào sản xuất.

Ngày 22.6.2016, Bộ Nông nghiệp và PTNT có quyết định số 2509/QĐ-BNN-CN về việc ban hành quy chế chứng nhận và quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho chăn nuôi lợn, gà an toàn trong nông hộ (Vietgahp nông hộ). Ngoài ra, ngành chức năng có hướng dẫn quy trình chăn nuôi bò nông hộ an toàn sinh học; quy tình chăn nuôi an toàn sinh học đối với trang trại (Vietgahp trang trại). Trên thực tế, quy trình chăn nuôi Vietgahp là tổng hợp những nguyên tắc, trình tự hướng dẫn nhằm bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe người chăn nuôi và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Khi thực hành chăn nuôi tốt, người chăn nuôi sẽ phải áp dụng đồng bộ các biện pháp từ khâu chuẩn bị chuồng trại, chuẩn bị con giống, sử dụng thức ăn chăn nuôi, vệ sinh thú y, xuất bán, quản lý chất thải và bảo vệ môi trường, ghi chép và lưu trữ hồ sơ chăn nuôi.

Anh Nguyễn Văn Huynh, người chăn nuôi gia cầm an toàn tại xã Đại Tập (Khoái Châu) cho biết: Từ khi áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, dịch bệnh đã không còn xảy ra với gia cầm của gia đình tôi, hao hụt trong quá trình chăn nuôi giảm 20%. Mỗi lứa tôi đều nuôi trên 1 nghìn con gia cầm, ghi chép đầy đủ từ việc nhập giống, mua thức ăn, sử dụng vắc xin, quá trình chăn nuôi đến khi xuất bán. Người nhập gia cầm thương phẩm hoàn toàn có thể kiểm tra được quá trình sản xuất, yên tâm khi tiêu thụ sản phẩm.

Từ khi áp dụng quy trình Vietgahp đối với chăn nuôi lợn, ông Cao Văn Sơn ở xã Long Hưng (Văn Giang) đã đạt được hiệu quả cao hơn trong sản xuất. Ông Sơn chia sẻ, trong thời điểm bùng phát bệnh dịch tả lợn Châu Phi, trang trại của gia đình ông chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học nên không bị thiệt hại, duy trì được sản xuất. Thực tế tại trang trại của gia đình ông Sơn cho thấy việc thực hiện nghiêm ngặt các bước bảo đảm an toàn cho trang trại, cho vật nuôi đã đem lại hiệu quả bền vững. Hệ thống thu gom chất thải hoạt động hiệu quả, hệ thống khử trùng tự động liên tục. Người lạ tuyệt đối không được tiếp xúc với môi trường chăn nuôi trong trang trại, người chăn nuôi làm việc liên tục trong trang trại suốt cả tuần, mỗi khi có việc ra ngoài đều phải thực hiện khử trùng 3 lần.

Đồng chí Nguyễn Thị Bích Vân, Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Chăn nuôi theo quy trình Vietgahp là hướng đi cần thiết để bảo đảm hoạt động chăn nuôi mang lại hiệu quả bền vững, đem lại lợi ích cho cộng đồng. Mỗi năm, phòng Chăn nuôi phối hợp với đơn vị chuyên môn và các địa phương tổ chức tập huấn về quy trình chăn nuôi an toàn cho trên 1 nghìn lượt người. Đồng thời, liên tục nhiều năm trở lại đây, tỉnh thực hiện hiệu quả nhiều dự án, đề án để khuyến khích, nhân rộng chăn nuôi theo quy trình Vietgahp đối với các loại vật nuôi chủ đạo như: Lợn, bò, gà; mỗi năm có thêm gần 100 hộ chăn nuôi được hỗ trợ về con giống, thức ăn và quy trình sản xuất an toàn.

Tuy nhiên, để phát triển chăn nuôi an toàn sinh học một cách bền vững cần hướng tới việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn theo hướng tập trung, quy mô lớn. Bởi theo các quy định mới của Luật Chăn nuôi, người chăn nuôi không chỉ phải thực hiện các biện pháp an toàn trong sản xuất mà còn phải đáp ứng yêu cầu về khoảng cách khu sản xuất với khu vực dân cư. Khó khăn trong thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn trên địa bàn tỉnh hiện nay là đa phần chăn nuôi nông hộ trong khu dân cư và 60% số trang trại vẫn nằm trong khu vực dân cư. Mặt khác, nhiều hộ chăn nuôi chưa tích cực tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Việc đầu tư quy trình Vietgahp đòi hỏi vốn lớn để xây dựng chuồng trại khép kín và xử lý chất thải, trong khi chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh còn hạn chế, ảnh hưởng đến giá cả, tiêu thụ sản phẩm.

Để phát triển chăn nuôi theo quy trình Vietgahp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, hoạt động chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư và bảo đảm an toàn cần tiếp tục được ưu tiên, nhân rộng. Một mặt tạo điều kiện để người dân vay vốn xây dựng chuồng trại khép kín; thúc đẩy xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi an toàn; tạo điều kiện cho nông dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, mặt khác sớm loại bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, từng bước xây dựng các vùng chăn nuôi theo hướng tập trung, có khả năng bảo đảm các quy trình kỹ thuật, vệ sinh thú y, phù hợp với xu thế phát triển của chăn nuôi hiện đại, đồng thời mang lại lợi ích cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Vi Ngoan

Hợp tác nuôi heo rừng - Mô hình kinh tế mới vùng biên

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Vài năm trở lại đây, nắm bắt nhu cầu thị trường và hiệu quả mang lại, nông dân Đồng Tháp đã đầu tư phát triển mô hình nuôi heo rừng sinh sản và thương phẩm. Đến nay, địa phương đã có những Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi với quy mô lớn, liên kết đầu ra heo thương phẩm, giúp người dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Tổ hợp tác nuôi heo rừng hoạt động hiệu quả

Khu vực chuồng trại chăn nuôi heo rừng của THT hội viên Cựu Chiến binh xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự có quy mô 1.300m2 được chia làm 2 chuồng nuôi dành cho heo bố mẹ sinh sản, heo thương phẩm và khu sân vườn. Tất cả diện tích này được cải tạo lại từ chuồng nuôi heo thịt của hội viên Nguyễn Văn Hùng ở ấp Long Hòa, xã Long Thuận. Bằng kinh nghiệm chăn nuôi và dày công tìm tòi học hỏi cũng như được các cơ quan chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật, ông Hùng cũng là người trực tiếp quản lý đàn heo này.

Được biết, khởi điểm là từ tháng 8/2018, mô hình nuôi heo rừng sinh sản và thương phẩm với hình thức cổ phần được Hội Cựu chiến binh xã phát động thực hiện trong toàn thể cán bộ, hội viên. Ban đầu với vài thành viên tham gia, mô hình đã đem lại những hiệu quả nhất định. Từ đó, Ban Chấp hành Hội đã mạnh dạn tham mưu Đảng ủy địa phương và các ngành huyện tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn sản xuất cho hội viên. Đến nay, xã đã thành lập được THT nuôi heo rừng với 27 thành viên, góp vốn trên 300 triệu đồng. Ông Trần Văn Qui - Chủ tịch Hội Cựu Chiến Binh xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự cho biết: “Qua hơn 2 năm thực hiện, mô hình rất hiệu quả, đến nay sau nhiều đợt xuất bán đã chia lãi cho hội viên được 65% /1 cổ phần. Cơ quan thú y địa phương cũng đã hướng dẫn, phun khử trùng định kỳ để đảm bảo an toàn”.

Nhờ tận dụng nguồn phụ phẩm sẵn có tại vùng rau Long Thuận để làm thức ăn cho vật nuôi nên giúp giảm chi phí và tăng thu nhập trong quá trình chăn nuôi. Đến nay, THT đã phát triển đàn heo lên 130 con, gồm con giống sinh sản và heo rừng thương phẩm. Trung bình hơn 1 năm, heo sinh sản 2 lứa, mỗi lứa khoảng 20 con, sau đó được nuôi vỗ béo để đạt trọng lượng từ 20kg trở lên là xuất bán. Hiện THT đã chủ động liên kết với Công ty heo rừng miền Nam (tọa lạc tại huyện Châu Thành, Đồng Tháp) với thời gian 5 năm và hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi bao tiêu đầu ra sản phẩm. Mới đây, Tổ đã xuất bán đàn heo được trên 170 triệu đồng, trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 130 triệu đồng.

Ông Trần Văn Qui cho biết thêm: “Hội Cựu Chiến binh và Đảng ủy xã thống nhất chủ trương nhân rộng mô hình tại ấp Long Thới A. Hiện đang thực hiện các bước để nhân rộng mô hình này với diện tích tăng thêm khoảng 2.000m2”.

Mô hình hợp tác nuôi heo rừng của hội viên Cựu chiến binh xã Long Thuận đang được xem là mô hình kinh tế mới ở vùng Cù lao Long Thuận huyện biên giới Hồng Ngự. Mô hình góp phần tăng gia sản xuất tại hộ gia đình và phát triển kinh tế, thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Minh Thi

Thu nhập cao từ chăn nuôi đà điểu

Nguồn tin: Nhân Dân

Năm 2017, anh Lù Văn Nghĩa ở thôn Thác, xã Bằng Hành, huyện Bắc Quang (Hà Giang) tận dụng 0,5 ha vườn đồi của gia đình làm chuồng trại để nuôi đà điểu. Ban đầu, anh mua năm đôi đà điểu giống của trung tâm nghiên cứu gia cầm ở tận Hà Nội, với giá từ 2 đến 2,7 triệu đồng/con để nuôi thử nghiệm.

Do chưa có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi đối với loài gia cầm này, cho nên đàn đà điểu chậm lớn, hiệu quả kinh tế thấp... Với quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, anh Nghĩa tự tìm tòi, học hỏi thêm về kỹ thuật nuôi, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho đà điểu. Năm sau, anh mạnh dạn mua 40 con đà điểu giống về nuôi. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn đà điểu của gia đình anh Nghĩa nhanh lớn và không bị nhiễm dịch bệnh. Từ thành công bước đầu, đến nay mỗi đợt nuôi, anh Nghĩa thường duy trì số đà điểu của gia đình là 50 con.

Anh Nghĩa cho biết: Cái khó của người chăn nuôi là giá đà điểu giống khá đắt, loại bảy ngày tuổi có giá từ 1,5 đến hai triệu đồng/cặp; loại hai tháng tuổi trở lên có giá hơn bốn triệu đồng/cặp. Nhưng bù lại, đà điểu dễ nuôi vì thức ăn chủ yếu là các loại rau, cỏ, cám, ngô, thóc vốn sẵn có trong nhà, ngoài vườn, chất thải ít gây ô nhiễm môi trường hơn so với chăn nuôi lợn. Bên cạnh đó, đà điểu là loài vật nuôi có sức đề kháng khá cao so với các loài gia cầm truyền thống khác như gà, vịt, ngỗng… Ðặc biệt, thịt đà điểu là loại thịt đỏ mềm hơn thịt bò, nhưng dai chứ không bở, ít mỡ dắt, có vị thơm ngon đặc trưng, và có thể chế biến được nhiều món như xào, nướng, luộc, hấp, nấu canh,… nhưng không gây nguy cơ thừa cân, béo phì và bệnh tim mạch như các loại thịt khác.Vì vậy, thị trường tiêu thụ thịt đà điểu khá lớn.

Ðà điểu sau khi nuôi từ chín đến 10 tháng đạt trọng lượng từ 90 đến 110 kg/con là có thể xuất bán. Giá đà điểu thương phẩm dao động từ 170 đến 200 nghìn đồng/kg, mỗi con đà điểu có giá từ 17 đến 20 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí như giống, thức ăn… lãi khoảng 10 triệu đồng/con. Từ đó, mô hình phát triển chăn nuôi đà điểu cho hiệu quả cao của gia đình anh Nghĩa trở thành điểm tham quan, học tập của các tổ chức đoàn thanh niên, hội nông dân, hội phụ nữ trong và ngoài địa phương.

Thùy Dương

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop