Tin nông nghiệp ngày 04 tháng 05 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 04 tháng 05 năm 2016

Nấm linh chi đỏ - lựa chọn “số 1” cho nông dân “3 ít”

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Nấm linh chi đỏ (còn gọi là xích chi) được coi là thảo dược tốt, giúp ổn định huyết áp, phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư, giải độc gan, phòng chữa bệnh tiểu đường, ngăn chặn quá trình lão hóa và các bệnh về hô hấp. Chỉ với 50m2, người trồng có thể thu được 25 triệu đồng cho 1 đợt thu hoạch mà chi phí đầu tư thấp và tốn rất ít nhân công.

PHÙ HỢP VỚI NÔNG DÂN “3 ÍT”

Dẫn chúng tôi tham quan trại nấm với những tai nấm mọc đều đặn, săn chắc có dạng bán nguyệt, vỏ cứng chắc màu nâu đỏ, nhiều bào tử trên bề mặt nấm, bà Nguyễn Thị Chung ở ấp Ruộng 2, xã Tân Quan (Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) không giấu được niềm vui. Bà nói: Trồng nấm linh chi đỏ chỉ tốn công ở giai đoạn đóng bịch và cấy nấm, còn lại chờ thu hoạch. Hệ thống tưới phun sương giúp tiết kiệm công và điều hòa lượng nước. Vì thế, vợ chồng tôi có thể làm được nhiều việc, vừa trồng 5.000 bịch nấm bào ngư vừa trồng nấm linh chi đỏ rồi chở nấm bào ngư đi bỏ mối, buôn bán thịt heo ở chợ và tranh thủ đi làm vườn. Vậy mà chúng tôi vẫn còn dư thời gian.

“Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, tôi làm kệ chứa phôi nấm thay vì treo bọc như thông thường, giúp tiết kiệm ½ diện tích. Tôi đầu tư trại nấm quy mô 3.000 bọc phôi cũng chỉ tốn 50m2” - vừa nói bà Chung vừa chỉ vào kệ chứa 2 tầng làm bằng nhiều cây tầm vông ghép lại. Được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ, bà tốn chưa đầy 10 triệu đồng đầu tư trại trồng 3.000 bọc nấm. Chỉ 1 lần đầu tư, trại có thể sử dụng trên 5 năm. Mỗi đợt cấy, tùy theo chu kỳ phát triển của nấm cũng như điều kiện chăm sóc, mỗi bọc nấm có thể cho thu hoạch 3 đợt. Đợt 1, bà thu về trên 25 triệu đồng. Với hiệu quả bước đầu, trồng nấm linh chi đỏ được xem là lựa chọn tối ưu cho người ít vốn, ít đất, ít nhân công.

Trại nấm linh chi đỏ của gia đình bà Nguyễn Thị Chung

Khi được Trạm Khuyến nông Hớn Quản chọn triển khai mô hình, đợt đầu bà trồng 300 bọc nấm linh chi đỏ. Do không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình lựa chọn, bảo quản giống, ủ phôi, thời gian cấy meo nên bà đã thất bại. Ông Dương Kim Đương, Trưởng trạm cho biết: “Trạm đã chỉ đạo cán bộ hướng dẫn người dân làm đúng kỹ thuật, hỗ trợ một phần vật tư, meo nấm, các vật liệu liên quan đến làm nấm. Loại nấm này tháng 3 trồng tốt nhất nhưng đến tháng 8, tháng 9, chúng tôi mới được cấp kinh phí nên triển khai muộn dẫn đến kết quả thấp. Tuy nhiên, trạm đã lấy đợt meo nấm thứ 2 và cấy lại, bước đầu cho hiệu quả tốt”.

VÔ TÌNH “LƯỢM ĐƯỢC BÍ QUYẾT”

Bà Chung cho biết: Trồng nấm linh chi đỏ gồm các giai đoạn chính, như chuẩn bị nguyên liệu, đóng bịch, hấp thanh trùng bằng hơi nước, cấy giống, ủ phôi và tưới đón nấm. Giống cấy phải đảm bảo đúng độ tuổi. Đóng bịch phải có độ chặt phù hợp, khối lượng túi từ 1,1-1,3kg. Đặc biệt, mùn cưa phải được thanh trùng bằng hấp cách thủy ở 95-100oC trong vòng 8-12 giờ, sau đó để nhiệt độ hạ xuống khoảng 70-80oC thì cho bịch ra ngoài. Khi tai nấm hình thành bào tử, tưới nước vào bọc phôi. Môi trường nuôi trồng phải được khử trùng, xử lý mầm bệnh, thoáng mát, đầy đủ ánh sáng khuếch tán. Thời tiết khô ráo, nhiệt độ cao thì đóng bịch; nếu nhiệt độ thấp, trời âm u, độ ẩm cao đến 80-90%, meo cấy sẽ không thành công.

Chỉ vào cây nấm mới nhú, bà Chung nói: Theo lý thuyết, khi hái nấm linh chi, người trồng nên dùng dao cắt bỏ phần tai nấm, sau đó xử lý bằng nước vôi. Tuy nhiên áp dụng cách đó, tôi không thu được kết quả tốt bởi phần xử lý sau khi cắt tai nấm đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng tỷ lệ sống thấp, hay bị mọt ở vị trí dùng dao cắt dẫn đến tỷ lệ ra và sống của tai nấm mới không cao, phải mất khoảng 2 tuần mới ra tai nấm nhưng ra chậm. Một lần, con tôi tự ý cầm tai nấm nhổ ra khi thu hái. 1-2 ngày sau, tôi tưới nước bình thường và 1 tuần sau thấy ở những tai nấm đã bị bẻ nhú lên tai mới, đảm bảo ra tai 100%. Đây là kinh nghiệm áp dụng cho cả nấm linh chi và nấm bào ngư mà tôi đã trồng.

Trồng nấm linh chi đỏ chi phí tương đương trồng nấm bào ngư nhưng giá trị kinh tế cao hơn. Nguyên liệu làm phôi gần như nhau nhưng nấm linh chi đòi hỏi nhiệt độ cao hơn. Khác với nấm bào ngư, linh chi đỏ bảo quản lâu mà không bị hao hụt nên người trồng có thể chờ đến khi được giá rồi bán. Hiện 3.000 phôi nấm linh chi đỏ của bà Chung cho tỷ lệ tai nấm đạt trên 95%. Sau 3,5 tháng nuôi trồng, 3.000 tai nấm cho thu hoạch gần 43kg, với giá bán 600 ngàn đồng/kg, bà thu về trên 25 triệu đồng chỉ trong 1 đợt, trừ chi phí bà lời hơn 15 triệu đồng. Dự kiến, ra lại 2 đợt 3.000 bọc nấm của bà cho khoảng 70kg nữa.

Trồng nấm linh chi đỏ được xem là lựa chọn tối ưu cho người ít vốn, ít đất, ít nhân công ở thời điểm này. Tuy nhiên về lâu dài, nếu muốn nhân rộng quy mô, người dân rất cần sự hỗ trợ của ngành chuyên môn để xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra, giúp nông dân làm giàu bền vững.

Thanh Mai - Lê Khương

Trồng nấm rơm trên bông vải và bột cưa

Nguồn tin: Báo Quảng Ngãi

Mô hình trồng nấm rơm đã trở nên khá quen thuộc với nhiều người. Tuy nhiên, trồng nấm rơm trên bông vải và bột cưa thải thì ít ai biết đến. Anh Nguyễn Duy Hưng – Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng và Kinh doanh nấm Bình Thạnh (Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã thực hiện thành công mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Do nguồn nguyên liệu rơm ngày càng khan hiếm, giá thành cao vì nhiều nơi phát triển chăn nuôi trâu bò và phục vụ vận chuyển dưa hấu nên anh Hưng nghĩ ra cách tận dụng mùn cưa thải ra sau khi trồng nấm bào ngư và linh chi ở gia đình kết hợp với bông vải thải để trồng nấm rơm. “Cách làm này vừa tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường”, anh Hưng chia sẻ.

Mô hình trồng nấm rơm trên bông vải và bột cưa thải của anh Nguyễn Duy Hưng.

Để chủ động meo giống và nâng cao chất lượng sản phẩm, anh Hưng không mua meo giống ở các nơi khác mà tiến hành nuôi cấy mô. Cách làm này cũng đã giúp anh Hưng tiết kiệm được khá nhiều chi phí trong đầu tư. Còn về nguyên liệu bông vải thải thì mỗi ngày nhà máy dệt ở Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi thải ra rất nhiều.

Chia sẻ về kỹ thuật trồng nấm rơm, anh Hưng tiết lộ: "Có nhiều cách trồng nấm rơm như trồng trong nhà, ngoài đồng ruộng. Thế nhưng, để tiết kiệm diện tích và dễ chăm sóc thì nên đưa lên kệ. Xung quanh kệ phải che chắn bạt cho kín gió và lắp đặt hệ thống tưới phun. Đồng thời, nước dùng để tưới nấm cũng phải là nguồn nước sạch, không được nhiễm phèn, nhiễm mặn...". Bên cạnh đó, nhiệt độ thích hợp trong mô phải từ 35 – 40 độ C. Để tạo nhiệt độ cho mô nấm thì phải phủ bạt khoảng 4 – 5 ngày. Sau khi cấy mô khoảng 12 ngày thì nấm sẽ ra quả và đến 15 ngày là thu hoạch được. Thời gian nấm ra quả cần thường xuyên tưới nước để nấm phát triển tốt. Đối với một mẻ nấm, người trồng có thể thu hoạch được nhiều lần. Tuy nhiên, những lần thu hoạch sau năng suất sẽ không đạt bằng lần đầu do lượng chất dinh dưỡng nuôi nấm đã giảm sút.

Sản phẩm nấm rơm được trồng trên bông vải và bột cưa thải của anh Hưng hiện rất được nhiều người ưa chuộng. Với giá bán 70 nghìn đồng/kg nấm rơm đối với những ngày bình thường và 140 nghìn đồng/kg đối với ngày rằm, mùng một, dịp Tết thì quả thật nấm rơm là nghề “một vốn bốn lời”. “Sắp tới tôi sẽ mở rộng mô hình trồng nấm rơm này và tiếp tục trồng thử nghiệm một số loại nấm “khó tính” khác để cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm nấm sạch, chất lượng”, anh Hưng cho biết.

HỒNG HOA

Vỡ quy hoạch hồ tiêu ở Đồng Nai

Nguồn tin: Báo Nhân Dân

Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, vườn tiêu của anh Thân Công Cường, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) luôn đạt năng suất cao.

Theo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Đồng Nai, năm 2011 trên địa bàn toàn tỉnh có 7.897 ha hồ tiêu thì đến nay đã tăng lên 13.638 ha, vượt gần 4.000 ha so với quy hoạch đến năm 2020. Sự phát triển ồ ạt diện tích hồ tiêu đang dấy lên mối lo về mất cân đối cung và cầu.

Nguyên nhân diện tích hồ tiêu “về đích” trước quy hoạch nhiều năm là thời gian qua giá hồ tiêu luôn ở mức cao, nông dân đổ xô thay thế các loại cây trồng khác bằng hồ tiêu để cho thu nhập cao hơn.

Trồng tự phát, nhiều rủi ro Không thể phủ nhận cây tiêu hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao, một ha có thể cho thu nhập cả tỷ đồng. Người trồng hồ tiêu ở Đồng Nai sau một vài vụ thu hoạch nhanh chóng trở thành tỷ phú là điều không còn xa lạ. Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ mất giá. Thực tế, giá hạt tiêu các đại lý ở Đồng Nai đang mua vào dao động từ 150 - 160 ngàn đồng/kg, giảm hơn 50 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn tiêu khoảng một ha gần ba năm tuổi, ông Phạm Văn Thắng, ấp Hưng Thạnh, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết: “Năm 2012, do giá mủ cao su rớt giá, tiền bán không đủ thuê nhân công, mình quyết định tỉa hết cành, dùng thân cây cao su làm trụ, đầu tư mua giống tiêu về trồng. Thấy người khác trồng tiêu lãi nhiều, mình cũng làm theo. Sau hơn ba năm, do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật, không hợp thổ nhưỡng nên vườn tiêu của tôi phát triển rất chậm”. Mặc dù đã thấy hậu quả nhãn tiền do trồng tiêu tự phát, nhưng ông vẫn kỳ vọng: “Bây giờ mình thấy hướng đi trồng tiêu chắc ăn hơn, mình cũng vừa làm vừa lấy kinh nghiệm. Khoảng mười năm nay giá hạt tiêu ổn định, về sau có rớt giá thì thu nhập cũng cao hơn so với các cây trồng khác”.

Không riêng ông Thắng, rất nhiều nông dân ở huyện Thống Nhất ồ ạt chặt bỏ các loại cây trồng như cà phê, điều ... chuyển sang trồng hồ tiêu. Theo thống kê, trong năm 2015, toàn huyện đã có gần 120 ha hồ tiêu được trồng mới, trong khi theo kế hoạch chỉ phát triển thêm khoảng 60 ha. Là người trồng tiêu có tiếng với gần 20 năm kinh nghiệm, anh Thân Công Cường, ấp Hưng Thịnh, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất khuyến cáo: “Tiêu rất khó trồng và đòi hỏi phải nắm bắt quy trình chăm sóc rõ. Nếu không nghiên cứu kỹ thổ nhưỡng, địa hình mà cứ liều lĩnh trồng theo kiểu phong trào rất dễ dẫn đến thất bại, trắng tay”.

Hiện tại, lợi nhuận bình quân mỗi năm một ha hồ tiêu đạt hơn 100 triệu đồng, cho thu nhập cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác. Tuy nhiên, tiêu cũng rất khó trồng, nhiều rủi ro. Chỉ vào vườn tiêu được đầu tư bằng các trụ bê tông bề thế nhưng phát triển rất èo uột, ông Nguyễn Văn Huân, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) nói: “Thấy người ta trồng cho thu nhập cao, tôi cũng gom vốn đầu tư. Do chưa nắm rõ kỹ thuật và đất nhà tôi không phù hợp nên tiêu bị bệnh chết rất nhiều. Những cây sống được thì vàng úa, năng suất rất thấp”.

Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, cơ quan này đã chỉ đạo phòng nông nghiệp các địa phương khuyến cáo nông dân không ồ ạt phát triển diện tích mới. Đồng thời, đã quy hoạch từng vùng đất phù hợp với từng loại cây trồng để xây dựng các vùng chuyên canh tập trung theo đề án cây trồng chủ lực gắn với thị trường tiêu thụ. Các hộ dân thực hiện đề án này được hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, và một phần tiền giống, phân bón, chi phí lắp hệ thống tưới nước tiết kiệm.

Việc làm này là hướng nông dân canh tác chuyên canh, nhằm tăng cao giá trị trên một diện tích cây trồng phù hợp với từng thổ nhưỡng. Qua đó, định hướng nông dân nên trồng loại cây trồng nào để đạt lợi nhuận cao nhất, tránh tình trạng do thiếu thông tin dẫn đến trồng tự phát rồi phải chặt bỏ. Tuy nhiên theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, để những giải pháp này mang lại hiệu quả, điều cần nhất vẫn là ý thức “tự bảo vệ mình” của nông dân. Các chính sách không thể thiếu sự hợp tác của người dân.

Hướng đến sản xuất tiêu an toàn

Tiêu là cây trồng chủ lực của tỉnh Đồng Nai, bình quân năng suất đạt hơn hai tấn/ha, trong đó khoảng 80% sản lượng tiêu để xuất khẩu. Nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đang ồ ạt phát triển loại cây trồng này. Tuy nhiên, nếu cứ phát triển theo cấp số nhân như hiện nay thì cây tiêu sẽ sớm đến giai đoạn bão hòa, “cung” sẽ sớm vượt “cầu”, kéo giá giảm sâu.

Hướng đến phát triển bền vững, sau gần hai năm thực hiện dự án “Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm hồ tiêu Xuân Lộc” do Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Đồng Nai thực hiện dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả Đông Nam bộ, sản phẩm hồ tiêu Xuân Lộc (Đồng Nai) đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa vào tháng 9-2015. Theo đánh giá, vườn tiêu của các hộ tham gia dự án phát triển rất tốt, ít bị sâu bệnh. Đặc biệt, năng suất trung bình khoảng 4,5 tấn/ha, cao hơn 25 - 30% so với các vườn không tham gia dự án. Mẫu hạt tiêu của các hộ tham gia mô hình không có kim loại nặng và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng hồ tiêu khá cao: dung trọng đạt 560-600g/lít; hàm lượng độ cay đạt 5,2%; hàm lượng tinh dầu bay hơi đạt 3,2%.

Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) đã xây dựng thành công quy trình sản xuất tiêu sạch. Toàn bộ 13,5 ha tiêu của bảy hộ nông dân ở xã Lâm San đã được chứng nhận GlobalGAP. Ông Phạm Hà Xuân Chiên, thành viên Tổ hợp tác trồng tiêu ấp 3, xã Lâm San, một trong bảy hộ thực hiện dự án cho biết: “Trước đây, khi chưa thực hiện sản xuất theo quy trình GlobalGAP, năng suất tiêu chỉ đạt 6 - 7 tấn/ha. Nhưng sau khi thực hiện sản xuất tiêu sạch, năng suất vườn tiêu tăng lên 8 tấn/ha. Đặc biệt, giá bán tiêu sạch cao hơn giá thị trường 13 ngàn đồng/kg”.

Đây là điều kiện để mở ra những cơ hội lớn cho sản phẩm tiêu Đồng Nai phát triển thương hiệu trên thị trường, nâng cao giá trị kinh tế và hướng đến sản xuất các sản phẩm tiêu sạch, an toàn.Thời gian tới, Sở KH-CN Đồng Nai sẽ tiếp tục hỗ trợ cho nông dân, các địa phương trên địa bàn xây dựng thương hiệu để xuất khẩu bền vững. Đây chỉ mới là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải quảng bá thương hiệu, nhất là kết nối “bốn nhà” để khẳng định thương hiệu hồ tiêu ở Đồng Nai.

CAO TÂN

Khánh Hòa: Nâng tầm thương hiệu dừa xiêm Ninh Đa

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Từ tháng 2-2016, nhãn hiệu tập thể “Dừa xiêm Ninh Đa” đã chính thức được Nhà nước bảo hộ. Điều này đã làm tăng uy tín thương hiệu, mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho dừa xiêm Ninh Đa.

Có lẽ do được thiên nhiên ưu ái cả về khí hậu lẫn địa hình, dừa xiêm Ninh Đa (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) có nhiều nước, mang vị ngọt thanh, cơm dừa béo và dẻo. Vì vậy, tên tuổi của dừa xiêm Ninh Đa được nhiều khách xa gần biết đến. Tuy nhiên, thời gian qua, dừa xiêm Ninh Đa chỉ được bán ra thị trường dưới dạng trái dừa tươi thông qua các thương lái địa phương, chưa được quảng bá rộng rãi và mở rộng thị trường để tương xứng với chất lượng và tiềm năng. Nhận ra hạn chế đó, phường Ninh Đa đã thành lập Tổ liên kết trồng dừa xiêm xanh để các thành viên thường xuyên tổ chức sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc dừa, đồng thời tìm đầu ra cho sản phẩm. Ngoài ra, Hội Nông dân còn phối hợp với Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu tiến hành chọn giống, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, giúp người dân thâm canh hiệu quả song song với các biện pháp truyền thống để duy trì và đảm bảo chất lượng dừa. Trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ cùng các cơ quan, ban, ngành của thị xã Ninh Hòa, nhãn hiệu “Dừa xiêm Ninh Đa” đã chính thức được công nhận và bảo hộ cho Hội Nông dân thị xã Ninh Hòa, đại diện cho các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình trồng và kinh doanh dừa xiêm Ninh Đa. Sự công nhận này là nền tảng cho việc sử dụng, quảng bá và quản lý có hiệu quả thương hiệu “Dừa xiêm Ninh Đa”.

Hội viên Hội Nông dân thị xã Ninh Hòa, cụ thể là chi hội nông dân của các tổ dân phố: Phước Đa 1, Phước Đa 2, Phước Đa 3, Vạn Thiện, Phước Sơn, Phú Diêm, Mỹ Lệ, Tân Kiều thuộc phường Ninh Đa sẽ là các chủ thể được quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Dừa xiêm Ninh Đa” theo một số điều kiện nhất định.

Ông Nguyễn Anh Tư - tổ trưởng Tổ liên kết dừa xiêm Ninh Đa chia sẻ: “Trước đây, người dân mong muốn được các sở, ban, ngành cấp chứng nhận nhãn hiệu “Dừa xiêm Ninh Đa” để phát triển thương hiệu. Nhưng bây giờ được cấp nhãn hiệu thì lại lo lắng làm sao để bảo vệ được nhãn hiệu. Bởi từ lâu, Ninh Đa là địa phương có chất lượng dừa tốt nhất trong tỉnh; đã có nhiều người thu mua dừa ở vùng khác lấy tên dừa xiêm Ninh Đa để bán giá cao hơn, gây mất uy tín thương hiệu. Vì vậy, Tổ liên kết dừa xiêm Ninh Đa sẽ cùng nhau chung tay xây dựng và bảo vệ thương hiệu dừa xiêm Ninh Đa với nhiệm vụ là tập huấn cho các thành viên về quy trình, cách thức, quy định sử dụng nhãn hiệu và khảo sát lại các hộ trồng dừa mỗi năm trồng bao nhiêu cây, mỗi cây thu hoạch được bao nhiêu trái, từ đó dễ dàng quản lý tem nhãn hiệu không bị thất thoát…”.

Hiện tại, ở phường Ninh Đa có gần 300 hộ trồng dừa xiêm, với tổng số hơn 40.000 cây. Mỗi cây trung bình thu hoạch được 100 trái/năm. Vụ mùa chính vào khoảng tháng 7 đến tháng 12 âm lịch. Thị xã Ninh Hòa đã xác định đây là cây trồng chủ lực trên địa bàn trong thời gian tới. Mới đây, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Khánh Hòa đã tổ chức hội nghị tập huấn về mô hình quản lý và sử dụng thí điểm nhãn hiệu tập thể thuộc dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể dừa xiêm Ninh Đa” cho Hội Nông dân thị xã Ninh Hòa, các cơ quan, ban, ngành địa phương và hơn 50 hộ trồng dừa trên địa bàn phường Ninh Đa. Trong thời gian tới, Hội Nông dân sẽ triển khai sử dụng thí điểm nhãn hiệu trước khi nhân rộng cho toàn bộ các hộ trồng dừa đủ điều kiện trên địa bàn phường Ninh Đa.

Dừa xiêm Ninh Đa được bảo hộ không chỉ làm tăng uy tín thương hiệu, mang lại giá trị kinh tế cao hơn, mà còn củng cố niềm tin cho người dân Ninh Đa để tiếp tục phát triển thương hiệu. Đồng thời, khuyến khích địa phương quy hoạch và tăng diện tích dừa xiêm Ninh Đa trên các vùng đất có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp.

Trường Huy - Minh Anh

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop