Đắk Nông: Báo động về sự gia tăng đột biến diện tích bơ, sầu riêng
Nguồn tin: Báo Đắk Nông
Những năm gần đây, nhiều hộ dân đang đẩy mạnh trồng các loại cây ăn quả theo hai hình thức chuyên canh và xen canh. Điều này đã làm tăng diện tích nhiều cây ăn quả, trong đó nhiều nhất là bơ và sầu riêng, dễ dẫn đến các hệ lụy về sau.
Diện tích liên tục tăng
Mùa mưa năm nay, gia đình ông Nguyễn Chí Lân, thôn Quảng Lợi, xã Nghĩa Thắng (Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông) trồng thêm 20 cây bơ trong vườn cà phê. Theo ông Lân, mỗi cây bơ có giá 35.000 đồng, nên ông chỉ mất khoản giống là 700.000 đồng tiền vốn, nhưng nếu phát triển tốt thì khoảng 4 - 5 năm sau bơ sẽ cho thu nhập khá lớn. Cũng với suy nghĩ như ông Lân, những năm gần đây, nhiều hộ dân đã đẩy mạnh trồng bơ, làm cho diện tích cây trồng này liên tục tăng cao.
Một số hộ dân trồng bơ booth tại thôn 7, xã Đắk Ha (Đắk Glong) thất bại do tỷ lệ đậu quả thấp
Theo anh Hoàng Xuân Hậu, bon Sa Ú Dru, xã Quảng Khê (Đắk Glong), trước đây gia đình chỉ trồng hơn 1 ha cà phê, nhưng năm được mùa năm mất, nên thu nhập bấp bênh. Để hạn chế được rủi ro, tăng thu nhập, anh Hậu đã sản xuất theo hướng đa dạng, xen canh bơ vào cà phê. Từ năm 2015 - 2016, gia đình anh trồng bơ và đến nay bắt đầu cho thu hoạch.
Thống kê của Sở Nông nghiệp - PTNT, năm 2018, diện tích bơ của tỉnh là 1.537 ha. Đến cuối năm 2019, ước diện tích bơ của tỉnh gần 3.800 ha, đạt hơn 134% so với kế hoạch năm. Sản lượng bơ năm 2019 trên 15.000 tấn. Thực tế, hai năm gần đây, khi sản lượng bơ của nông dân nhiều, giá bơ cũng đã bị đẩy xuống. Điều này là đương nhiên khi cung vượt quá cầu.
Không chỉ bơ, sầu riêng cũng là cây trồng có diện tích tăng cao trong những năm gần đây. Năm 2018, tỉnh có 1.502 ha sầu riêng, đến cuối năm 2019 đã tăng lên 3.260 ha, bằng 114% so với kế hoạch năm. Sản lượng sầu riêng năm 2019 toàn tỉnh đạt 17.941 tấn.
Tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối cung cầu
Theo nhiều nông dân cũng như ngành Nông nghiệp tỉnh, quá trình trồng sầu riêng dễ bị sâu bệnh tấn công, khó đậu hoa, đậu quả. Ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ trang trại Gia Trung (Gia Nghĩa), người có kinh nghiệm trồng sầu riêng hơn 15 năm nay cho biết: “Sầu riêng rất dễ bị các bệnh như rầy trắng phá hoại, nhất là khi cây đang ra đọt non. Khi có quả thì phải phòng ngừa rệp sáp từ đất lên bám vào quả. Cây sai quá cũng dễ bị chết đứng”.
Người dân không nên tăng mạnh diện tích bơ, sầu riêng
Trong điều kiện chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như hiện nay, nhiều người trồng bơ cũng gặp thất bại, nhất là các loại bơ booth, hass, red.
Về thị trường tiêu thụ, do tăng diện tích, sản lượng, nên cũng đã cho thấy một số khó khăn. Anh Nguyễn Danh Chiến, người có hơn 10 năm thu mua bơ, sầu riêng tại phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) cho biết: "Về sản phẩm trái cây, tôi cũng như nhiều tiểu thương trên địa bàn tỉnh thu mua chủ yếu xuất bán cho bạn hàng các tỉnh, thành phố khác trong nước và đi Trung Quốc. Hình thức vẫn là bán tươi, bán xô chứ không qua sơ chế, chế biến gì nên được mùa thì giá xuống thấp, dễ bị ép giá, ngưng trệ. Điển hình như những tháng đầu năm 2020, khi dịch Covid bùng phát, lây lan, hàng hầu như “không chạy”".
Sản lượng lớn nhưng tiêu thụ chậm và ảnh hưởng Covid-19 nên giá bơ năm 2020 bị đẩy xuống. Ảnh: Thu mua bơ tại một đại lý ở thị trấn Kiến Đức (Đắk R'lấp)
Từ thực trạng trên, ngành chức năng, các địa phương khuyến cáo, nhà nông không nên ồ ạt tăng mạnh diện tích mà phát triển vừa phải, chú ý các bước chọn giống, phòng bệnh đúng cách để bảo đảm cây phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Sản phẩm sầu riêng và bơ đều có thời gian thu hoạch ngắn, dễ bị “dội chợ”, nên bà con cần chú ý tìm kiếm, xây dựng các kênh tiêu thụ qua các đại lý, chợ đầu mối, hệ thống phân phối hiện đại nhằm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Tỉnh cũng đang xúc tiến các hoạt động để quảng bá sản phẩm, kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy sơ chế, chế biến, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp.
Bài, ảnh: Hồng Thoan
Sơn La có 34 mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu sang các nước Mỹ, Úc
Nguồn tin: VOV
Năm nay, tỉnh Sơn La có hơn 17.000 ha nhãn cho thu hoạch, tập trung chủ yếu tại các huyện Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mường La...
Toàn tỉnh Sơn La đã được cấp 92 mã số vùng trồng nhãn với diện tích trên 2.400 ha, trong đó có 34 mã số vùng trồng xuất khẩu sang các nước Mỹ, Úc; 58 mã số được cấp để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Sản lượng nhãn năm nay dự kiến đạt hơn 70.400 tấn, trong đó có khoảng gần 22.500 tấn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Sơn La có 34 mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu sang các nước Mỹ, Úc.
Thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc và một số thị trường khác như: Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Đơn vị xuất khẩu gồm: Công ty TNHH Phong Trang (Lạng Sơn); Công ty TNHH Hùng Thảo (Bắc Giang); Công ty TNHH Tâm Hữu Dũng, Công ty cổ phần Nông lâm nghiệp Cánh Đồng Vàng, Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp.
Để chuẩn bị cho việc xuất khẩu nhãn, UBND tỉnh Sơn La đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nhãn năm 2020, dự kiến tổ chức vào ngày 01/8 với 2 điểm cầu tại Trung Quốc và huyện Sông Mã. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh chế biến tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm nhãn; chủ động cập nhật tình hình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu và thông tin cho các doanh nghiệp, HTX của tỉnh; cung cấp thông tin về các đơn vị đầu mối xuất khẩu nông sản; các giải pháp quản lý vùng nguyên liệu, hướng dẫn nông dân sản xuất, áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP.../.
Thanh Thủy/VOV-Tây Bắc
Trồng dưa lưới công nghệ cao trên vùng cát
Nguồn tin: Báo Quảng Bình
Bỏ ra cả tỷ đồng để đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao bằng mô hình trồng dưa lưới, anh Võ Minh Sáng (SN 1976), ở phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) là điển hình dám nghĩ, dám làm. Vụ mùa đầu tiên thành công, hứa hẹn một lối đi mới đầy triển vọng...
Những ngày này, gia đình anh Sáng đang tất bật thu hoạch dưa lưới để xuất bán cho các thương lái từ miền Bắc vào. Sau hơn 3 tháng chăm bón từng gốc dưa, khi từng quả dưa to đều, đẹp được xếp lên xe, nụ cười của anh nông dân Võ Minh Sáng như càng rạng rỡ hơn.
Ở vùng cát Quảng Long, xưa nay, người dân chủ yếu trồng các loại cây nông nghiệp truyền thống tại địa phương như: mía, sắn hay các loại rau, hoa… Người dân Quảng Long vốn có thế mạnh từ các nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh thương mại, dịch vụ nhưng để làm giàu từ sản xuất nông nghiệp thì có lẽ chưa bao giờ ai dám nghĩ. Gia đình anh Sáng cũng vậy, nhiều năm nay, hơn 3ha đất nông nghiệp được thuê lại từ UBND phường chủ yếu để trồng mía. Thế nhưng, cuối năm 2019, anh Sáng đã gom hết số tiền tiết kiệm, vay mượn thêm rồi đầu tư gần cả tỷ đồng để xây dựng nhà kính, trồng dưa lưới ngay trên vùng cát.
Biết ý tưởng của anh, anh em, bạn bè ai cũng khuyên can hết lời. Trong khu vực phường và các địa phương lân cận, cũng có người đã thực hiện thành công mô hình này nhưng phần lớn đều được các dự án của Nhà nước hỗ trợ và có cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật. Tuy nhiên, bỏ ra cả số lớn tiền lớn để đầu tư như anh thì chẳng mấy ai dám làm.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của anh Võ Minh Sáng, phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp địa phương.
Để đầu tư tiền tỷ giữa vùng cát, ít ai biết rằng ý tưởng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã được anh Sáng nung nấu từ nhiều năm trước. Anh Sáng chia sẻ, ban đầu xem sách báo thấy có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao làm ăn hiệu quả, nên anh rất hứng thú. Nhưng để chọn trồng cây gì có hiệu quả nhất, đặc biệt trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, lại mất khá nhiều thời gian.
Mấy năm trước, thời gian nông nhàn, anh Sáng đều lặn lội vào các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng-những địa phương phát triển nông nghiệp cao để tìm tòi, học hỏi. Vừa làm công vừa học tập kỹ thuật, anh cũng nỗ lực tìm loại cây trồng phù hợp.
Sau thời gian học hỏi, anh nhận thấy cây dưa lưới dễ dàng thích nghi trong điều kiện nắng nóng, nhiệt độ cao như ở Quảng Bình. Hơn 2 năm lăn lộn tại các mô hình trồng dưa lưới ở Ninh Thuận, cuối năm 2019, anh Sáng về quê quyết tâm đầu tư trồng dưa lưới trong nhà màng trên vùng cát Quảng Long.
Anh Sáng cho hay, việc trồng dưa lưới trong nhà màng có nhiều ưu điểm, như: quản lý cây trồng tốt hơn, giúp che mưa và ngăn côn trùng xâm nhập, nông dân giảm chi phí do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm sản phẩm sạch và bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc trồng dưa lưới trong nhà màng cũng có những khó khăn nhất định. Đó là vốn đầu tư tương đối lớn, việc phát triển mô hình trồng dưa lưới đòi hỏi công chăm sóc phải tỉ mỉ và đặc biệt là phải theo dõi, thụ phấn cho cây đúng thời gian cây vừa ra hoa vào lúc 8 giờ-10 giờ.
Với số vốn đầu tư ban đầu gần 900 triệu đồng, anh đã trồng thử nghiệm 2.500 gốc dưa lưới trên diện tích 1.200m2. Nhà màng được thiết kế để có sức chịu đựng được gió giật cấp 10 và dễ dàng kéo cuộn lại nếu gặp bão lớn đổ bộ. Hệ thống nước tưới, phân bón hữu cơ đều được nhập khẩu theo công nghệ Đức, Israel.
Theo tính toán của anh Sáng, mỗi năm có thể trồng được 3 vụ, mỗi vụ khoảng 3 tấn dưa, ước tính sẽ thu về khoảng 250 triệu đồng/vụ. Hiện tại, sau vụ thu hoạch đầu tay, kết quả đúng như mong đợi của anh, hầu hết dưa lưới được nhập cho các thương lái ở Nghệ An và khu vực phía Bắc đã được ký kết hợp đồng trước đó.
Thành công từ mô hình trồng dưa lưới của gia đình anh Sáng hứa hẹn một hướng đi mới và nếu được triển khai nhân rộng sẽ tạo đột phá tư duy trong sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương. Mô hình trồng dưa lưới của anh Sáng tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương.
Cũng theo anh Sáng, những vụ tiếp theo, anh sẽ dành khoảng một nửa sản lượng dưa lưới, chấp nhận khả năng bù lỗ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở thị trường trong tỉnh, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất.
Hiện tại, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao còn khá mới mẻ đối với người nông dân Ba Đồn nói riêng cũng như toàn tỉnh nói chung, đặc biệt là trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng nông thôn hiện nay, bởi chi phí đầu tư ban đầu lớn, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cũng như thị trường đầu ra sản phẩm. Vậy nên, rất cần được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành, chính quyền địa phương để nhân rộng các mô hình sản xuất này.
X.Phú
67 cơ sở công bố tiêu chuẩn chất lượng cây giống cà phê
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 67 cơ sở công bố tiêu chuẩn chất lượng cơ sở đối với hơn 7,7 triệu cây giống cà phê xuất vườn hàng năm.
Cụ thể, số cơ sở tương ứng với số cây giống cà phê được công bố tiêu chuẩn chất lượng gồm thành phố Bảo Lộc (19 cơ sở, 4.470.000 cây giống); huyện Lâm Hà (14 cơ sở, 1.291.000 cây giống); huyện Di Linh (14 cơ sở, 666.000 cây giống); huyện Đam Rông (7 cơ sở, 175.000 cây giống); huyện Đức Trọng (6 cơ sở, 467.000 cây giống); huyện Bảo Lâm (5 cơ sở, 550.000 cây giống); huyện Lạc Dương (1 cơ sở, 100.000 cây giống); thành phố Đà Lạt (1 cơ sở, 50.000 cây giống).
Được biết, nhu cầu tái canh cà phê trong năm 2020 trên địa bàn Lâm Đồng gồm trồng mới 140 ha cà phê chè, ghép cải tạo và trồng mới 6.900 ha cà phê vối.
VĂN VIỆT
Nông dân Sóc Trăng chủ động xuống giống sớm vụ Hè Thu để hạn chế ảnh hưởng hạn, mặn
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Sóc Trăng
Niên vụ sản xuất lúa 2019-2020, nông dân trên địa bàn các huyện Trần Đề, Long Phú… chịu thiệt hại lớn bởi tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Nhiều diện tích lúa vụ Đông Xuân muộn (còn gọi là lúa vụ 3) bị mất trắng, khiến nhiều hộ dân lao đao khi đây được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn cả về năng suất lẫn giá bán.
Để chủ động trong vụ sản xuất 2020-2021 được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã chủ động chuyển dịch cơ cấu vụ sản xuất, xuống giống lúa vụ Hè Thu sớm hơn so với các năm trước, nhằm hạn chế sức ảnh hưởng và tác động của tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn.
Ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo và khuyến cáo bà con nông dân trong tỉnh xuống giống sớm hơn lịch thời vụ hàng năm 1 tháng, để thời điểm thu hoạch lúa vụ Đông Xuân chính vụ đúng vào thời điểm trước và sau Tết. Đặc biệt là khuyến cáo nông dân không sản xuất lúa vụ 3 do mức độ rủi ro quá lớn.
Trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt và hạn chế thấp nhất thiệt hại trong quá trình sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vào mùa khô, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã tập trung tuyên truyền đến người dân để người dân nắm rõ các diễn biến thời tiết trong vụ sản xuất; từ đó chủ động phòng, tránh các tác hại đến sản xuất và đời sống, chủ động ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra.
Trong vụ lúa Hè Thu năm nay, nông dân trên địa bàn tỉnh chủ yếu chọn các giống OM, ST, Đài thơm… để xuống giống.
Để đảm bảo hiệu quả kinh tế trong vụ mùa sản xuất, ngành nông nghiệp Sóc Trăng cũng đưa ra khuyến cáo chung cho nông dân trên địa bàn tỉnh về lịch xuống giống. Theo đó, lịch xuống giống trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được chia làm 3 đợt gồm: Đợt 1, nông dân sẽ xuống giống vào cuối tháng 4 (dương lịch), chiếm 15% diện tích với khoảng 21.000 ha, chủ yếu ở những vùng chủ động được nguồn nước tưới tiêu, khu vực có nguồn nước ngọt, một phần thuộc diện tích các huyện Mỹ Tú, Thạnh Trị và thị xã Ngã Năm. Đợt 2, nông dân sẽ xuống giống trong tháng 5 (dương lịch), chiếm khoảng 45% với diện tích khoảng 63.000 ha, tập trung xuống giống hầu hết ở các huyện Châu Thành, Kế Sách và một phần diện tích ở các huyện Mỹ Tú, Thạnh Trị, Long Phú và thị xã Ngã Năm. Cuối cùng là đợt 3 sẽ kết thúc gieo sạ trong tháng 6 (dương lịch), với diện tích 57.200 ha tập trung tại các huyện Mỹ Xuyên, Trần Đề, Thạnh Trị, Châu Thành, một phần huyện Long Phú, thành phố Sóc Trăng. Những diện tích lúa ở các địa phương của tỉnh Sóc Trăng xuống giống chậm hơn các địa phương khác là do địa hình thuộc vùng gò đất cao, một số diện tích còn chịu ảnh hưởng của mặn, chưa chủ động được nguồn nước, phụ thuộc vào nguồn nước mưa…
Tính đến nay, nông dân Sóc Trăng đã xuống giống lúa vụ Hè Thu khoảng 80.000 ha/141.000 ha kế hoạch. Hướng đến tương lai với những cánh đồng lúa 2 vụ ăn chắc, nông dân Sóc Trăng đẩy mạnh chuyển đổi lịch sản xuất sớm hơn cho với mọi năm, đồng thời cũng tích cực trồng các loại cây trồng hiệu quả, cho giá trị kinh tế lớn, thích ứng với hạn mặn và tránh được những vụ sản xuất 3 trong hồi hộp và đứng trước nguy cơ mất trắng.
Các giống lúa thơm, đặc sản tiếp tục được nông dân Sóc Trăng chọn xuống giống nhiều trong vụ lúa Hè Thu chủ yếu là các giống OM, Đài Thơm, ST…Vụ sản xuất năm nay, giống lúa đặc sản ST được nông dân các huyện lựa chọn để sản xuất do sức hấp dẫn về thị trường, năng suất lẫn giá bán.
Ông Trương Minh Nhất, nông dân ở xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên) chia sẻ, năm nay, khoảng 5 công (5.000m2) được gia đình chọn xuống giống. Hy vọng thời tiết tốt, giá cả hấp dẫn thì sẽ được cân nhắc chọn sản xuất tiếp trong những vụ tới.
Trước đó, trong niên vụ 2019-2020, bất chấp những khuyến cáo của ngành chức năng về tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn gay gắt, nông dân nhiều địa phương của tỉnh Sóc Trăng vẫn xuống giống sản xuất lúa vụ 3, khiến hàng ngàn ha lúa bị chết khô. Sóc Trăng cũng là một trong 7 tỉnh tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Chanh Đa
Bắc Ninh: Khẳng định thương hiệu Cà rốt Gia Bình
Nguồn tin: Báo Bắc Ninh
Vùng bãi trù phú ven sông Đuống với chất đất màu mỡ đem lại những củ cà rốt phẩm cấp nổi trội và trở thành cây trồng thế mạnh của các xã ven sông huyện Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh). Việc vừa được cấp văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận “Cà rốt Gia Bình” được xem như bệ phóng giúp thương hiệu vươn xa và là động lực để người dân nơi đây thêm quyết tâm làm giàu từ cây màu này.
HTX dịch vụ nông nghiệp và thương mại Mỹ Linh (xã Cao Đức) có nhiều chuyến hàng cà rốt đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Được biết, toàn huyện Gia Bình có khoảng 500 ha canh tác cà rốt từ 2-3 vụ/năm. Những năm gần đây, do người dân có kinh nghiệm canh tác, được tập huấn kỹ thuật tiên tiến nên sản lượng cà rốt thu hoạch rất cao, bình quân đạt 1,2 tấn/sào với hình thức, mẫu mã đẹp. Tuy nhiên thị trường tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái nên giá cả bấp bênh, có vụ giá lên tới 16.000 đồng/kg nhưng cũng có thời điểm chỉ bán được 4.000 đồng/kg. Vì vậy, nông dân huyện Gia Bình rất kỳ vọng việc được chứng nhận, bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ khẳng định thương hiệu Cà rốt Gia Bình, thúc đẩy việc trao đổi, liên kết sản xuất, kinh doanh nông sản này để tăng giá trị.
Nắm bắt được nhu cầu đó, từ tháng 7-2018, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Đất và Phân bón vùng Trung du triển khai dự án “Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp huyện Gia Bình”, trong đó có cây cà rốt. Trong thời gian 30 tháng, đơn vị chủ trì đề tài tiến hành khảo sát, đánh giá tổng quan về thực trạng sản xuất và kinh doanh cà rốt; xác định phạm vi địa lý bảo hộ, bản đồ vùng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận; phân tích các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm và xây dựng bộ tiêu chí sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận Cà rốt Gia Bình; xây dựng quy chế quản lý và sử dụng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận; thiết kế hệ thống nhận diện bao gồm tem, nhãn, bao bì sản phẩm, tờ rơi, biểu mẫu; duy trì website và cập nhật hình ảnh về sản phẩm xây dựng bộ tiêu chí sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Cà rốt Gia Bình”; tổ chức các hội thảo khoa học để hoàn thiện về các quy chế, quy trình, hệ thống nhận diện... Trên cơ sở đó, hoàn thiện hồ sơ đề nghị và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Cà rốt Gia Bình, chủ sở hữu là UBND huyện Gia Bình. Ngoài ra, 6 HTX tiêu biểu được trao Giấy chứng nhận đủ điều kiện sử dụng Nhãn hiệu gồm 5 HTX dịch vụ nông nghiệp: thôn Xuân Dương, thôn Thọ Ninh, thôn Chính Thượng (xã Vạn Ninh); thôn Huề Đông (xã Đại Lai); thôn Tân Hương (xã Thái Bảo) và HTX dịch vụ nông nghiệp và thương mại Mỹ Linh (xã Cao Đức). Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh nhấn mạnh: “Nhãn hiệu chứng nhận là công cụ pháp lý quan trọng chống lại những biểu hiện gian lận thương mại, nền tảng để xác định rõ nguồn gốc và tạo dấu ấn trong tâm trí người tiêu dùng. Đồng thời, đây có thể coi như “bệ phóng” thuận lợi cho công tác quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương, nâng cao đời sống nhân dân”.
Vui mừng được trao chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu, ông Ngô Quý Hà, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp thôn Chính Thượng, xã Vạn Ninh cho biết: “10 năm qua, cây cà rốt trên đồng đất Vạn Ninh chứng minh được giá trị cao gấp 2-3 lần so với cấy lúa và là cây trồng chủ lực trong canh tác nông nghiệp. Vì vậy, chúng tôi sẽ nỗ lực duy trì, cải thiện chất lượng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu cao hơn, nhằm bảo vệ và nâng cao uy tín, thương hiệu Cà rốt Gia Bình”.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện Gia Bình cùng các địa phương sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân và các hộ trực tiếp sản xuất theo hướng an toàn; có chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất để hình thành nhiều vùng cà rốt quy mô lớn, đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch; thực hiện quản lý chặt chẽ, hiệu quả việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận theo đúng quy chế và pháp luật. Đặc biệt kêu gọi nhà đầu tư đủ tầm dẫn dắt để sản xuất, tiêu thụ cà rốt không những đáp ứng nhu cầu trong nước mà vươn ra thị trường quốc tế.
Huyền Thương
Lâm Đồng: Giá gà tăng cao nhất từ đầu năm tới nay
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Ngày 1/7, Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, giá gà công nghiệp đang ở mức cao nhất tính từ đầu năm 2020 tới nay. Hiện, giá gà công nghiệp bán ra tại chuồng ở mức 35.000 - 36.000 đồng/kg tùy loại, tăng khoảng 12.000 đồng/kg so với hơn một tháng trước.
Hiện giá gà công nghiệp đang ở mức cao nhất tính từ đầu năm tới nay
Theo các thương lái thu mua gà tại Đức Trọng và Lâm Hà, giá gà tăng cao do thời gian gần đây người chăn nuôi tại Lâm Đồng và nhiều địa phương trong cả nước đã hạn chế tái đàn vì giá thấp kéo dài. Đồng thời, thời gian qua do thịt lợn giá cao khiến nhiều người dân lựa chọn chuyển dần qua ăn thịt gà. Với giá gà hiện tại, người chăn nuôi lãi từ 10.000 - 12.000 đồng/kg gà xuất chuồng.
Hiện, đàn gà toàn tỉnh Lâm Đồng có gần 5 triệu con, tập trung chủ yếu tại TP Bảo Lộc và các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh.
C.PHONG
Thu nhập 150 triệu đồng/tháng nhờ chăn nuôi bò sữa
Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc
Cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, chăm sóc đúng quy trình, với quy mô đàn bò sữa 25 con, sản lượng sữa từ 4 - 5 tạ mỗi ngày, trung bình mỗi tháng, gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hằng ở thôn Khách Nhi Xuôi, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) có thu nhập 150 triệu đồng.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hằng có thu nhập cao từ chăn nuôi bò sữa.
Hệ thống chuồng trại kiên cố, sạch sẽ, đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông; nhiều loại máy móc hiện đại được đầu tư phục vụ sản xuất..., bấy nhiêu thôi, cũng nói lên sự đầu tư bài bản trong nghề chăn nuôi bò sữa của vợ chồng chị Hằng, một trong số các hộ thuộc “top” đầu về doanh thu bán sữa ở vùng quê Vĩnh Thịnh.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Hằng cho biết, năm 2003, vợ chồng chị tập trung làm việc tại xưởng mộc của gia đình. Mặc dù có thu nhập khá, song do hàng ngày phải tiếp xúc với bụi gỗ, mùn cưa độc hại và nhận thấy hiệu quả kinh tế từ các hộ chăn nuôi bò sữa ở địa phương, năm 2012, gia đình chị quyết định chuyển sang nuôi bò sữa với vốn liếng “dắt lưng” ban đầu là 2 con bò theo hình thức đầu tư, trả dần với Công ty cổ phần Sữa Quốc tế.
Năm 2013, sau khi mạnh dạn vay 300 triệu đồng từ Ngân hàng NN&PTNT huyện Vĩnh Tường, vợ chồng chị mở rộng diện tích chuồng trại, tăng số lượng bò lên 4 con. Do nuôi nhốt, sức đề kháng thấp, cộng thêm việc chưa có kinh nghiệm, nên đàn bò hay mắc các bệnh về chân, móng....
“Nhiều hôm đi ngủ không để ý, lúc gần sáng trở dậy, bò bị bệnh tụ huyết trùng, chết từ lúc nào không biết... Thậm chí, có thời điểm gia đình bị thiệt hại tới 300 triệu đồng”- chị Hằng chia sẻ.
Khó khăn là thế, nhưng vợ chồng chị Hằng không nản chí mà dành nhiều thời gian để tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật chăm sóc bò sữa trên mạng internet, qua sách báo và rút kinh nghiệm từ bản thân, họ hàng, anh em cùng nuôi bò ở địa phương, cộng sự hỗ trợ từ cán bộ thú y địa phương, dần dà mọi việc trở nên thuận lợi hơn. Được ngân hàng tạo điều kiện cho vay thêm 600 triệu đồng, vợ chồng chị tiếp tục mua thêm bò, đến nay lên tới 25 con.
Chị Hằng cho biết, để có đàn bò khỏe mạnh, cho sản lượng sữa đều và tốt cần rất nhiều yếu tố. Ngoài việc chọn con giống tốt, đầu tư hệ thống làm mát chống nóng cho bò, đệm nền chuồng để hạn chế bệnh viêm móng thì cần tiêm định kỳ các loại vắc xin phòng bệnh.
Hàng ngày, hai vợ chồng chị phải dậy từ 3 - 4 giờ sáng, vắt sữa bò 2 lần, cho bò ăn 3 lần và công việc thường kết thúc lúc 6 - 7 giờ tối. Thức ăn hàng ngày ngoài cỏ voi, ngô ủ và cám do công ty thu mua sữa cấp, gia đình chị bổ sung thêm các loại đậu tương, bã bia... để tăng sức đề kháng cho bò và cho chất lượng sữa tốt hơn.
Với quy mô đàn lớn, ngoài diện tích đất sẵn có của gia đình, vợ chồng chị phải thuê thêm đất của bà con trong thôn để trồng cỏ voi, đảm bảo thức ăn sạch cho đàn bò và đủ cỏ để dự trữ vào mùa đông.
Hiện nay, diện tích trồng cỏ voi của gia đình chị đã lên tới 5 mẫu. Để giảm thời gian, tiết kiệm công sức trong quá trình chăm sóc, gia đình chị Hằng tiếp tục đầu tư mua các loại máy thái cỏ, máy vắt sữa, máy trộn hỗn hợp có công suất lớn. Công việc không quá vất vả nhưng yêu cầu người nuôi phải luôn chân luôn tay, đảm bảo chuồng trại luôn được vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát để bò không bị mắc bệnh.
Thời gian vắt sữa được vợ chồng chị “căn” gần sát với thời gian công ty sữa thu mua hàng ngày để hạn chế lượng vi khuẩn gây hại, đảm bảo chất lượng sữa tốt nhất, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe, nghiêm ngặt mà đơn vị Công ty cổ phần Sữa Cô gái Hà Lan đưa ra.
Vất vả là thế, nhưng bù lại, theo chị Hằng, so với việc chăn nuôi các con vật khác như gia cầm và lợn, thu nhập từ nuôi bò sữa rất ổn định, trung bình từ 12 nghìn đồng/kg, hộ ít vài ba con cũng cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm từ việc bán sữa. Riêng với gia đình chị, với quy mô 25 con đang cho khai thác sữa như hiện nay, sản lượng sữa lên tới 4 - 5 tạ/ngày, với giá bán 14 nghìn đồng/kg, trung bình cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Hằng cho biết: “Thực tế cho thấy, việc nuôi bò sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi giá sữa luôn ổn định và ít xảy ra dịch bệnh. Nhất là trong thời gian qua, khi dịch Covid-19 bùng phát, trong khi nhiều loại thịt, trứng gia cầm rớt giá, giá lợn lên xuống thất thường và xuất hiện nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm, chăn nuôi bò sữa ở địa phương vẫn ổn định, giá sữa vẫn đạt ở mức cao và cho các hộ nuôi bò sữa như gia đình tôi thu nhập khá. Nếu việc đưa bò sữa ra ngoài khu dân cư thành công sẽ giúp nghề chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững hơn”.
Tâm sự về định hướng trong thời gian tới, chị Hằng cho biết, tháng 8 này, trời vào thu mát và dễ chịu hơn, gia đình chị sẽ mua thêm bò, tăng quy mô đàn lên 30 con để tăng thu nhập.
Bài, ảnh: Hồng Nhật
Cần quản lý nhà nuôi yến tự phát
Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng
Bỏ ra hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng để xây dựng nhà nuôi chim yến trong khu dân cư đang là phong trào thu hút người dân ở nhiều địa phương. Hiệu quả chưa biết như thế nào, trong khi tiếng ồn từ loa dẫn dụ yến đang phá vỡ không gian yên tĩnh ở các vùng quê. Đó là thực tế đang diễn ra ở các tỉnh Đông Nam bộ, rất cần có giải pháp để giúp nghề nuôi yến phát triển theo hướng bền vững và người dân có thể làm giàu từ nghề này.
Một nhà yến ngay khu dân cư trung tâm thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước. Ảnh: VĂN PHONG
Nhà nhà nuôi yến
Là tỉnh vùng biên, những năm gần đây, Tây Ninh nở rộ nghề nuôi chim yến, người người đầu tư nhà yến, nhà nhà mở các dịch vụ phụ trợ đi kèm như xây dựng nhà yến, cung ứng nội thất, máy móc thiết bị phục vụ cho chim yến. Nếu năm 2017, Tây Ninh chỉ có 17 nhà yến thì 1 năm trở lại đây số nhà yến tăng nhanh, hiện nay lên 231 nhà, tập trung chủ yếu tại các huyện Dương Minh Châu, Tân Châu và thị xã Trảng Bàng. Tuy nhiên số nhà yến trên thực tế có thể đến gần 600 và người nuôi có cả công chức, viên chức nhà nước.
Bà Mỹ, một người dân tại xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu làm nghề trồng trọt, chưa biết gì về chim yến, nhưng khi thấy bạn bè đầu tư xây nhà yến, bà cũng lập tức cho đất để con trai xây nhà nuôi yến. “Tôi chả biết kỹ thuật, bán buôn lời lãi gì khi nuôi yến, nhưng thấy người ta nuôi rần rần, tôi cũng bảo con cái cứ nuôi thử, mọi việc giao phó cho chúng nó hết”, bà Mỹ chia sẻ.
Giá trọn gói một nhà yến tùy thuộc vào diện tích và lượng sàn nhiều hay ít, thiết bị công nghệ dẫn dụ chim yến. Một nhà yến hoàn chỉnh gồm xây dựng phần thô và lắp đặt thiết bị, dao động từ 760 triệu đồng đến hơn 3 tỷ đồng. Chị Tô Thị Nhựt, nhân viên tư vấn thuộc Công ty TNHH Yến sào Asiannest, bật mí: “Thiết kế nhà yến, giàn loa cơ bản giống nhau, nhưng tay nghề hơn nhau ở công nghệ siêu sạch, không ồn, cách đi đường loa, điều chỉnh âm thanh loa, hướng đặt loa, độ ẩm, ánh sáng, xử lý mùi như thế nào”.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương, tính đến cuối tháng 5-2020, trên địa bàn tỉnh có 491 cơ sở nuôi yến với 495 nhà yến, tổng đàn gần 532.000 con. Sản lượng tổ chim yến khoảng gần 2 tấn/năm, tăng hơn 5 lần về số cơ sở và gần 3 lần về diện tích so với năm 2016. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, nhiều địa phương có số cơ sở nuôi yến phát triển nhanh, như: huyện Dầu Tiếng tăng 132 cơ sở mới, diện tích tăng gần 24.000m²; huyện Bàu Bàng tăng 53 nhà nuôi yến, diện tích tăng hơn 14.000m², Thị xã Bến Cát có thêm 60 cơ sở mới, diện tích tăng gần 14.000m²... Dù phát triển khá rầm rộ nhưng các cơ sở nuôi chủ yếu là hộ gia đình, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp hiện chỉ có Công ty TNHH Vườn bách thú Đại Nam, do đó việc quản lý, phòng chống dịch bệnh có rất nhiều khó khăn.
Còn tại tỉnh Bình Phước, nếu như năm 2014 toàn tỉnh có hơn 100 hộ nuôi yến thì đến nay là khoảng hơn 300 hộ, tập trung chủ yếu ở TP Đồng Xoài, các huyện Bù Gia Mập, Chơn Thành, Đồng Phú và nhiều nhất là Thị xã Phước Long (với hơn 200 hộ). Anh Lê Thanh Phước, một người nuôi yến ở thị xã Phước Long, cho biết, tổ yến có giá trị kinh tế cao, với giá bán từ 35-40 triệu đồng/kg nên nhiều hộ dân đầu tư tiền tỷ với mong muốn trở thành tỷ phú từ nghề nuôi chim yến. Tuy nhiên không phải ai xây nhà nuôi yến cũng thành công, bởi có nhiều trường hợp đầu tư xây nhà bạc tỷ mà không dẫn dụ được đàn yến vào ở hoặc yến vào ở rồi lại bỏ đi.
Hỗ trợ di dời ra khỏi khu dân cư
Các hộ dân sống gần nhà yến tại TP Đồng Xoài nhiều lần phản ánh đến chính quyền về tình trạng nuôi chim yến ồ ạt, tự phát, không theo quy hoạch như hiện nay. Tiếng ồn phát ra từ loa dẫn dụ chim yến mở suốt ngày đêm, chưa kể đến ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh từ phân và lông chim yến rơi vãi, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Tại tỉnh Tây Ninh, đến nay chỉ có 2 cơ sở có khai báo và được sự chấp thuận về chủ trương của UBND Thị xã Trảng Bàng, các hộ, cơ sở còn lại không có hồ sơ, giấy tờ xin phép nuôi, gồm đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường, an toàn sinh học... Một số hộ xin giấy phép xây dựng nhà ở, nhưng tự cải tạo làm nhà nuôi yến, hoặc xây dựng nhà nuôi chim yến trong khu dân cư và phát loa dẫn dụ chim yến vượt mức quy định, gây ảnh hưởng đến môi trường sống của các hộ xung quanh. Để chấn chỉnh vấn đề này, ngày 8-11-2019, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Chỉ thị số 09 về việc tăng cường quản lý nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Hiện các huyện, thị đang rà soát kiểm tra, hướng dẫn các chủ cơ sở nuôi yến trên địa bàn bổ sung đầy đủ hồ sơ, nếu vẫn không đảm bảo thì tiến hành xử lý theo quy định.
Về phía tỉnh Bình Dương, Sở NN-PTNT vừa xây dựng xong dự thảo quy định tạm thời về quản lý hoạt động nuôi chim yến trên địa bàn để tham mưu UBND tỉnh ban hành. Dự thảo quy định khu vực thuộc nội thành của TP, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép nuôi, chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực khu dân cư, dự kiến sẽ được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua vào kỳ họp cuối năm 2020.
Bà Đỗ Tú Quân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, cảnh báo, cả nước hiện có gần 12.000 nhà yến, trong đó Khánh Hòa là tỉnh có nhà yến tăng nhanh nhất (tăng 4,9 lần) và Kiên Giang là tỉnh có nhà yến nhiều nhất (với 2.025 nhà). Số nhà yến nhiều, đồng nghĩa số lượng chim yến về sẽ ít, khó dẫn dụ. Nếu muốn xuất khẩu sản phẩm yến sào phải đạt tiêu chuẩn “nhà yến Việt Nam uy tín” và giấy tờ pháp lý đầy đủ. Do đó cần có sự quy hoạch, tạo đầu ra cho sản phẩm để phát triển bền vững nghề nuôi yến.
NGUYÊN VŨ - XUÂN TRUNG - HOÀNG BẮC
Ðánh giá đa dạng di truyền để chọn lọc và phát triển nguồn gen chó Phú Quốc
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Mới đây tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Trường Ðại học Nguyễn Tất Thành (TP Hồ Chí Minh), Bộ Khoa học và Công nghệ và tỉnh Kiên Giang công bố kết quả đề tài cấp quốc gia nghiên cứu “Ðánh giá đa dạng di truyền để chọn lọc và phát triển nguồn gen chó Phú Quốc”.
Ðề tài này thực hiện từ năm 2015 đến năm 2019 do Trường Ðại học Nguyễn Tất Thành đảm trách, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Hoàng Dũng, Trưởng khoa Khoa Công nghệ sinh học chủ nhiệm đề tài về mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững đàn chó Phú Quốc, xây dựng quy trình chọn lọc đàn chó Phú Quốc có độ thuần phả hệ cao. Quá trình nghiên cứu khoa học, khẳng định đặc tính đa dạng và sự quý hiếm của quần thể chó Phú Quốc, đăng ký bản quyền chó Phú Quốc, đăng ký chó giống thế giới, giúp bảo tồn và phát triển đàn chó Phú Quốc đúng định hướng, hiệu quả. Bước đầu xây dựng lộ trình cho thương hiệu chó Phú Quốc.
Tại huyện đảo Phú Quốc, Công ty TNHH Bảo tồn chó xoáy Phú Quốc Thanh Nga đang nuôi dưỡng bảo tồn đàn chó lưng xoáy Phú Quốc hơn 400 con. Ðàn chó có kiểu hình chuẩn của chó lưng xoáy Phú Quốc. Khu bảo tổn này có diện tích 5ha, gồm các khu: chuồng giống, sinh sản, huấn luyện, biểu diễn leo vượt rào, trường đua, điều dưỡng y tế và nghĩa trang chó.
Tin, ảnh: PHƯƠNG ANH
Mô hình máy tách phân xử lý chất thải chăn nuôi: Hiệu quả cần nhân rộng
Nguồn tin: Báo Bắc Giang
Nhằm khắc phục tình trạng quá tải trong xử lý chất thải chăn nuôi từ hầm khí sinh học biogas, Ban Quản lý Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) tỉnh Bắc Giang đã triển khai thực hiện hợp phần quản lý toàn diện chất thải trong chăn nuôi, trong đó hỗ trợ người chăn nuôi quy mô trang trại máy tách phân. Thực tế ứng dụng, mô hình trên đã khẳng định hiệu quả khi môi trường chăn nuôi bảo đảm và thu được lượng lớn phân bón hữu cơ.
Mô hình máy tách phân tạo ra phân bón hữu cơ của gia đình anh Nguyễn Văn Dũng, xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng.
Mô hình máy tách phân được Ban quản lý dự án LCASP tỉnh Bắc Giang triển khai bắt đầu từ năm 2018 tại gia đình anh Nguyễn Văn Dũng, xã Tiến Dũng (Yên Dũng) chăn nuôi quy mô hàng nghìn con lợn. Tiếp đó, Ban quản lý dự án LCASP tỉnh Bắc Giang triển khai hỗ trợ mô hình này cho 2 nhóm hộ thuộc 2 huyện Việt Yên và Hiệp Hòa.
Qua theo dõi đánh giá của cơ quan chuyên môn, hầu hết các mô hình được hỗ trợ đã khẳng định hiệu quả trong việc khắc phục ô nhiễm môi trường, khắc phục quá tải của hệ thống biogas; đồng thời lượng bã phân sau khi được tách ép được đưa vào ủ với men vi sinh tạo ra sản phẩm phân bón hữu cơ phục vụ cây trồng.
Anh Nguyễn Văn Dũng, thôn Chùa, xã Tiến Dũng cho biết, mô hình trên rất phù hợp bởi lượng chất thải của gia đình là rất lớn do quy mô chăn nuôi ngày càng tăng. Không những vậy, gia đình lại thu được một lượng lớn phân bón hữu cơ phục vụ cho trồng trọt.
Mô hình của gia đình anh Dũng được nhiều hộ tới tham quan, học tập.
Được biết, sau gần 3 năm triển khai hỗ trợ máy tách phân và máy tách phân di động, đến nay Ban Quản lý Dự án LCASP tỉnh Bắc Giang đã tiến hành hỗ trợ lắp đặt cho hàng chục trang trại tham gia mô hình “Sử dụng hệ thống máy tách phân để xử lý chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ quy mô trang trại”.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Ban quản lý Dự án LCASP tỉnh Bắc Giang, đây là loại máy tiên tiến bao gồm: Hệ thống máy ép tách phân, máy khuấy thủy lực, máy bơm nước và một thùng chứa nước để xịt rửa. Ngay sau khi tiếp nhận thiết bị, lắp đặt và đi vào vận hành, bước đầu mô hình đã khẳng định được hiệu quả.
Thực tế hiện nay, khi chăn nuôi ngày càng phát triển thì vấn đề xử lý chất thải do chăn nuôi càng cần được quan tâm. Các hình thức hỗ trợ thuộc các hợp phần xử lý chất thải trong chăn nuôi của dự án LCASP tại Bắc Giang đã giúp người dân từng bước giải quyết được bài toán khó về môi trường.
Đồng thời, tạo ra sản phẩm phân hữu cơ thân thiện môi trường và có lợi cho cây trồng, góp phần tăng thu nhập cho người chăn nuôi, tạo điều kiện để ngành chăn nuôi phát triển theo hướng an toàn và bền vững.
Phương Thảo
Hiếu Giang tổng hợp