Tin nông nghiệp ngày 04 tháng 12 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 04 tháng 12 năm 2020

Hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp

Nguồn tin:  Báo Ấp Bắc

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, các chất thải, phế phụ phẩm sẽ được tái chế, quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng, chế biến nông, lâm thủy sản...

Là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, trong định hướng phát triển, Tiền Giang đã phân chia cụ thể 2 vùng trọng điểm: Vùng phía Đông có tiềm năng rất lớn về kinh tế biển, vùng phía Tây có thế mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm; vùng Trung tâm là vùng động lực, đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và chủ động hội nhập, hợp tác kinh tế với Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đô thị TP. Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

NÂNG CAO NĂNG SUẤT, GIẢM CHI PHÍ

Trên cơ sở phân định thế mạnh từng vùng, công tác chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn của tỉnh đã được thực hiện từ nhiều năm qua và ngày càng được chú trọng hơn. Các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, giảm chi phí sản xuất nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu và chất lượng, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, tăng thu nhập cho nông dân.

Đồng thời, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều mô hình, giải pháp hướng tới sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí tuần hoàn bền vững như: Áp dụng quy trình sản xuất lúa “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”; quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây trồng; sản xuất theo GAP, ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học; công trình khí sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi...

Tham quan thực tế mô hình trồng dưa lưới tại xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: HỒNG LINH

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đối với lĩnh vực trồng trọt, hiện nay ước tính 100% thân cây bắp, 85% rơm, 31% phụ phẩm trên cây lâu năm và 32% phụ phẩm trên cây rau đã được tận dụng để tái sử dụng để làm thức ăn chăn nuôi, làm nấm, ủ phân hữu cơ, tủ gốc giữ ẩm…

Đặc biệt, các mô hình sản xuất lúa theo quy trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, sản xuất lúa giống chất lượng cao đã góp phần tích cực trong việc thay đổi tập quán sản xuất lúa của nông dân, nhất là giảm mật độ gieo sạ và sử dụng cân đối phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.

Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực rau màu được người dân áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực. Trên cây ăn trái, nhà vườn ngày càng nhận thức và thực hiện sản xuất theo GAP gắn với liên kết tiêu thụ, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là sản xuất thân thiện với môi trường và hướng đến nền nông nghiệp bền vững.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ trên đàn gia súc, gia cầm đã giúp tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, tăng giá trị, sản lượng và chất lượng sản phẩm như chăn nuôi theo hướng VietGAP, theo hướng thân thiện với môi trường và an toàn sinh học; sử dụng các chế phẩm sinh học, acid hữu cơ để bổ sung vào thức ăn, nước uống cho đàn vật nuôi để làm giảm mùi hôi trong chăn nuôi, giảm tỷ lệ bệnh, tăng năng suất sản xuất...

Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang hướng dẫn các hộ chăn nuôi xử lý phân gà, chim cút thành phân hữu cơ truyền thống để sử dụng bón cho cây trồng tại địa phương hoặc bán cho thương lái mà không gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, loại hình canh tác mang lại hiệu quả kinh tế cao là mô hình kinh tế tổng hợp tuần hoàn VAC (vườn - ao - chuồng) đã và đang áp dụng thành công. Cây trồng chuyên canh trong mô hình có thể là bưởi da xanh, thanh long, dừa… kết hợp nuôi cá dưới ao, nuôi bò hoặc dê, heo trong chuồng cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với loại hình canh tác độc canh trước đây.

Ngoài ra, hệ thống trồng rau - nuôi cá, tận dụng phế phẩm của rau được loại thải trong quá trình chăm sóc, thu hoạch để nuôi cá, cải thiện thu nhập được áp dụng tại nhiều vùng trồng rau, cải chuyên canh của tỉnh; mô hình trồng cỏ - chăn nuôi cũng được phát triển, góp phần thích ứng với hạn, xâm nhập mặn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa.

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TUẦN HOÀN TOÀN DIỆN

Có thể dễ dàng nhận thấy, trong điều kiện biến đổi khí hậu, việc phát triển nông nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn đã và đang được tỉnh Tiền Giang quan tâm thực hiện, diện tích áp dụng ngày càng được mở rộng do hiệu quả cao về kinh tế, môi trường, xã hội.

Quá trình sản xuất theo chu trình khép kín, hầu hết các chất thải, phế phụ phẩm sẽ được tái chế, quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng, chế biến nông, lâm thủy sản; tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát và giảm tối đa lượng chất thải.

Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương bạn, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa thực sự đạt ở mức độ cao, vẫn còn nhiều phụ phẩm nông nghiệp chưa được tái sử dụng tại địa phương, tình trạng lãng phí các phụ phế phẩm cây trồng, vật nuôi vẫn còn...

Chính vì vậy, để phát huy những tiềm năng, lợi thế và nền tảng cơ bản về sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, trong thời gian tới, Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tuần hoàn một cách toàn diện, thông qua các giải pháp như: Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thực hiện các chuỗi liên kết trong sản xuất tiêu thụ.

Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua tập huấn, hội thảo, xây dựng và triển khai các dự án, mô hình trình diễn nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, sử dụng phế phụ phẩm sau thu hoạch.

Hoàn thiện và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, quay vòng tuần hoàn trả lại hữu cơ cho đất, không đốt rơm rạ, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; tiếp tục tăng cường thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Nhà nước để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; đồng thời, đề xuất chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn cho cả nông hộ và doanh nghiệp tham gia tái chế phụ phẩm nông nghiệp.

QUỐC ANH

Tiền Giang: Nông dân Nguyễn Văn Sáng giữ được vườn bưởi an toàn trong mùa khô, giảm thiệt hại do hạn, mặn

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Trong mùa hạn, mặn vừa qua, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) đã có nhiều sáng kiến áp dụng cho vườn cây ăn trái của gia đình đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhờ linh hoạt trong chuyển đổi cây trồng hiệu quả thấp sang lựa chọn giống cây phù hợp, nên dù chỉ mới bén duyên với cây bưởi da xanh khoảng 05 năm nhưng nhờ am hiểu về kỹ thuật chăm sóc nên vườn bưởi da xanh của anh Nguyễn Văn Sáng, ngụ ấp Bình An, xã Song Bình, huyện Chợ Gạo phát triển xanh tốt, cho trái sai và đạt chất lượng.

Anh Nguyễn Văn Sáng chăm sóc bưởi.

Với 7.000m2 đất trồng 7.000 gốc bưởi da xanh, sau hơn 03 năm chăm sóc, những gốc bưởi ban đầu đã cho hiệu quả tốt, sai trái, vụ bưởi của năm đầu tiên đã cho anh Sáng lợi nhuận trên 01 tỷ đồng.

Là nhà vườn giỏi thâm canh, biết tiếp thu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phù hợp với điều kiện canh tác và thổ nhưỡng, anh Sáng nắm vững đặc tính sinh trưởng của cây bưởi để khắc phục các bệnh thường gặp, bón phân cân đối, chủ động phòng ngừa sâu bệnh tấn công... Nổi bật là anh Sáng đã áp dụng xử lý trái vụ bằng cách thực hiện cắt tỉa cành, tước lá, điều chỉnh bón phân và tưới nước để cây trổ bông, thu hoạch đúng dịp lễ, Tết, cho năng suất cao, mẫu mã đẹp mà không làm ảnh hưởng đến môi trường, điều quan trọng là không làm suy cây bưởi và kéo dài tuổi thọ của cây. Đến năm 2020, do xâm nhập mặn và tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập từ vườn bưởi của gia đình, để bảo vệ vườn bưởi của mình, anh Sáng đã tìm tòi, nghiên cứu tìm ra cách lắp đặt mô hình tưới nước tiết kiệm, vừa hạn chế chi phí thuê nhân công tưới và là giải pháp hữu hiệu để vườn bưởi phát triển xanh tốt trong mùa khô, giảm tác động của hạn, mặn.

Nhờ cần cù trong lao động, miệt mài chăm chỉ với mảnh vườn của mình, chịu khó nghiên cứu, học hỏi, tìm tòi trên sách báo, tài liệu đã giúp anh Sáng bảo vệ được vườn bưởi da xanh của gia đình an toàn trong mùa hạn, mặn vừa qua. Không chỉ thế, giờ đây vườn bưởi của anh vẫn đảm bảo đủ sức để xử lý ra hoa, cho trái trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới và cả đến tháng 3, tháng 4 âm lịch năm 2021.

Ông Võ Trần Khôi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Song Bình nhận xét: "Không chỉ ham học hỏi những tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất áp dụng thành công xử lý ra hoa trái vụ, mô hình của anh còn sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, với cách chăm sóc của mình vườn bưởi của anh không bị thiệt hại trong đợt hạn, mặn vừa qua. Không chỉ sản xuất giỏi, anh còn tích cực đóng góp, hiến đất xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ nhiệt tình công tác an sinh xã hội tại địa phương".

Bình Yên - An Khương

Thị xã Long Mỹ (Hậu Giang): Hợp tác xã quýt đường Long Trị không có quýt cung ứng cho thị trường tết

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Các nhà vườn trong Hợp tác xã quýt đường Long Trị, thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), cho biết do ảnh hưởng tình hình mưa, bão vừa qua làm cho nhiều vườn quýt bị ngập, nhà vườn không “cắt” nước và xử lý cho trái để xuất bán vào thời điểm Tết Nguyên đán như mọi năm. Vì thế, năm nay có thể hợp tác xã sẽ không có quýt cung ứng cho thị trường tết. Hiện nay, nhà vườn của hợp tác xã đang thu hoạch quýt bán cho thương lái với giá từ 35.000-50.000 đồng/kg, sản lượng ước tính khoảng 10 tấn. Đây là lượng quýt thu hoạch từ vụ trái chiếng của 1ha quýt được nông dân cải tạo thời gian qua.

Được biết, Hợp tác xã quýt đường Long Trị hiện còn khoảng 9ha quýt đang được nông dân cải tạo và số diện tích cho trái rất ít.

HOÀNG NHÂN

246 tỷ đồng phát triển các giống bưởi đặc sản của Hà Nội

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã ký ban hành Quyết định số 5343/QĐ-UBND ngày 30-11-2020 về “Kế hoạch phát triển sản xuất giống bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.

Theo quyết định, trong 5 năm (2021-2025), thành phố Hà Nội sẽ tập trung xây dựng hình thành, phát triển các vùng trồng bưởi hàng hóa theo hướng an toàn, VietGAP, GlobalGAP đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô và xuất khẩu. Toàn thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, trồng mới 200ha bằng các giống bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn, bưởi Tam Vân, bưởi Thồ Bạch Hạ; 100% diện tích trồng bưởi theo hướng an toàn, trong đó 30-40% diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ…

Đáng chú ý, trên địa bàn thành phố cũng sẽ xây dựng 2-3 cơ sở trồng bưởi gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; xây dựng và duy trì từ 3 nhãn hiệu tập thể trở lên; cấp 2-3 mã số toàn cầu truy xuất nguồn gốc cho các vùng trồng bưởi tập trung.

Dự kiến kinh phí thực hiện gần 246 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố Hà Nội hỗ trợ gần 84,5 tỷ đồng, còn lại là kinh phí đối ứng của các tổ chức, cá nhân.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện kế hoạch trên.

THÚY NGA

Thủ phủ hồ tiêu Chư Pưh ‘hồi sinh’ nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Nguồn tin:  VOV

Từng là thủ phủ hồ tiêu của Tây Nguyên, nhưng vài năm gần đây, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai vắng lặng bởi tình trạng hồ tiêu chết hàng loạt, hàng ngàn hộ dân điêu đứng, phải bỏ xứ đi nơi khác mưu sinh.

Sau tổn thất nặng nề về cây hồ tiêu, chính quyền địa phương và những người nông dân nơi đây đang từng bước thay đổi giống cây trồng, vật nuôi, vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương...

Dẫn chúng tôi thăm vườn cây sum suê trái, anh Trần Bá Thanh, thôn Thiên An, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai cho biết, khu vườn này trước đây có 3.000 trụ hồ tiêu. Ở thời điểm được mùa, được giá, một năm gia đình anh thu về khoảng 1,6 tỷ đồng. Khi tiêu chết hàng loạt vì dịch bệnh, anh chuyển toàn bộ diện tích đất trồng tiêu sang trồng các loại cây ăn trái. Theo anh Thanh, dù thu nhập từ mô hình đa cây không cao như trước, song mang lại sự ổn định và an toàn

“Từ ngày tiêu ở đây dịch bệnh chết đi thì gia đình lại chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nói chung thì bây giờ gia đình có khoảng 8 loại cây ăn trái. Tổng thu nhập trong một tháng tầm mười mấy triệu đồng” - anh Thanh nói.

Vườn sầu riêng của gia đình anh Thanh liên kết với Hợp tác xã Đại Ngàn trong sản xuất và tiêu thụ.

Sau thất bại từ cây hồ tiêu, nhiều gia đình trên địa bàn huyện Chư Pưh đã không ngừng tìm tòi các mô hình mới, có cả cây nông nghiệp ngắn và dài ngày, các vật nuôi đa dạng như trùn quế, bò thịt, dê. Là một trong những người tiên phong ở xã Ia Blứ thực hiện nuôi dê lấy thịt, anh Lê Rừng Núi thử nghiệm mô hình nuôi dê không tốn quá nhiều công sức, thức ăn cũng dễ tìm, nguy cơ dịch bệnh cũng thấp hơn so với những vật nuôi khác. Hiện việc nuôi dê giúp gia đình anh Lê Rừng Núi thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

“Bây giờ đi làm thuê hoặc trồng cây thì không cao như nuôi con dê. Một trăm con dê, theo giá thị trường hiện tại thì một lứa xuất bán có thể lãi 100 triệu đồng” - anh Núi chia sẻ.

Xã Ia Blứ là địa phương của huyện Chư Pưh bị thiệt hại nặng từ cây hồ tiêu khi có hơn 1.000 ha tiêu chết. Ông Lê Quang Vang - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để từng bước vực dậy nền kinh tế, địa phương đã phải tìm kiếm nhiều nguồn hỗ trợ từ huyện đến các doanh nghiệp để tìm hướng đi mới. Tư duy nông nghiệp của người dân đã có sự thay đổi, bà con chủ động hơn về cây trồng vật nuôi, ít chạy theo phong trào để tránh rủi ro.

Người dân cũng liên kết thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để từng bước sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản. Hiện xã Ia Blứ đã có 2 sản phẩm Ocoop cấp tỉnh; Nhiều mô hình cây ăn trái và chăn nuôi đã mang lại hiệu quả cao.

Với mô hình nuôi dê, mỗi năm mang lại cho anh Lê Rừng Núi hàng trăm triệu đồng.

“Năm 2020 xã được UBND huyện chọn làm xã điểm về phát triển kinh tế thì cũng đã phê duyệt được 4 mô hình đó là cây sầu riêng, cây mít thái, dâu tằm tơ và mô hình chăn nuôi dê. Tính đến thời điểm hiện tại thì cơ bản tất cả bà con đều tham gia các mô hình. Tới đây UBND xã cũng đồng loạt vào cuộc để vận động tuyên truyền tiếp tục nhân rộng các mô hình điểm, một số cây ăn quả, vật nuôi trên địa bàn xã để giúp người dân ổn định đảm bảo phát triển kinh tế” - ông Vang nói.

Theo thống kê, tại huyện Chư Pưh có hơn 1.700 ha hồ tiêu bị chết do dịch bệnh. Đến nay, đã có trên 1.500 ha cây ăn trái được chuyển đổi từ diện tích tiêu này.

Ông Nguyễn Long Khánh - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pưh cho biết, các loại cây ăn trái chủ lực của huyện đều có chuỗi liên kết chặt chẽ giữa người dân với hợp tác xã và doanh nghiệp. Huyện đã làm việc với Trung tâm Xúc tiến thương mại Đà Nẵng nhằm đưa nông sản lên sàn giao dịch Đà Nẵng và tiêu thụ ở các tỉnh miền Trung. Cùng với cây trồng, trên địa bàn đã có 6 dự án chăn nuôi công nghệ cao được cấp phép đầu tư.

“Hiện nay huyện đang điều tra đánh giá lại chất lượng đất đai xây dựng bản đồ thổ nhưỡng theo mức độ phù hợp từng loại cây trồng, sẽ định hướng cho người dân sản xuất lại theo từng vùng chuyên canh phù hợp với điều kiện cây trồng. Vấn đề tiếp theo là tăng cường công tác xúc tiến thương mại để kết nối các siêu thị, các công ty tiêu thụ nông sản để họ xác định nhu cầu chủng loại hàng hóa, trên cơ sở đó huyện xác định lại nguồn cung ứng nông sản và tổ chức lại sản xuất theo hướng nhu cầu thị trường tiêu thụ mà các đơn vị có thể đặt hàng sản xuất” - ông Khánh nói.

Với cách làm khoa học, chính quyền và nhân dân Chư Pưh đang vực dậy kinh tế trên vùng đất từng được coi là thủ phủ cây hồ tiêu ở Tây Nguyên, từng bước xây dựng chuỗi phát triển nông nghiệp bền vững, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân./.

Nam Trang/VOV-Tây Nguyên

Thêm một vụ cà phê khó khăn với nông dân

Nguồn tin: Báo Kon Tum

Nông dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã bước vào vụ thu hoạch cà phê mới, song giá cà phê trên thị trường vẫn tiếp tục chuỗi ngày ảm đạm. Chưa hết, sản lượng thu hoạch sụt giảm; nhân công thu hái khan hiếm, đắt đỏ khiến hầu hết người trồng cà phê lao đao.

Đăk Hà là vùng chuyên canh cà phê lớn nhất của tỉnh với diện tích khoảng 9.000ha đang thời kỳ kinh doanh. Hiện nay, tại đây đang bước vào chính vụ thu hoạch, nhưng không khí thu hoạch, mua bán cà phê khá trầm lắng. Người mua ít, người bán thì buồn rầu vì cà phê vừa mất mùa, vừa mất giá. Hiện, giá cà phê nhân xô chỉ còn khoảng 31.000-32.000đ/kg; giá cà phê quả tươi khoảng 6.500 - 6.700 đồng/kg.

Ông Lê Văn Sửu (thôn 5, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà) buồn bã kể: Nhà tôi có hơn 2.000 cây cà phê, mới thu hoạch được hơn nửa, ước tính so với mọi năm, năng suất giảm khoảng 4 tấn quả tươi/ha. Hiện tại, giá bán cà phê tươi chỉ còn 6.600 đồng/kg nên tôi tính bán bớt một phần đủ để trả công thu hái, còn lại phơi khô, trữ lại chờ một thời gian nữa, xem giá cả có nhích thêm được chút nào không rồi mới bán.

Nói vậy, chứ ông Sửu cũng không hy vọng nhiều vì thực tế tình trạng giá cà phê ở mức thấp đã kéo dài suốt 2 năm qua. Thậm chí, như niên vụ cà phê trước, đầu vụ giá bán còn được 7.500-7.700 đồng/kg quả tươi, tương đương với mức 34.000- 35.000 đồng/kg cà phê nhân xô, nhưng sau đó thì giá cà phê giảm dần và giữ ở mức 31.000 – 33.000 đồng/kg nhân xô cho đến nay.

 

Năm nay thực sự là một niên vụ cà phê khó khăn với người dân. Ảnh: TH

Không chỉ mất mùa, mất giá, người trồng cà phê Đăk Hà còn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuê nhân công thu hái, giá thuê nhân công cao ngất ngưởng.

Đón mãi vẫn chưa tìm được người hái, ông Nguyễn Văn Vương (khối phố 1, thị trấn Đăk Hà) thở dài: Gần 3 ha cà phê nhà tôi đã chín đỏ, nhưng gần chục ngày nay chưa tìm được người hái. Không hiểu sao năm nay, số lao động từ các tỉnh khác như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên…lên làm công rất ít và họ đòi giá cao quá, tới 100.000 – 110.000 đồng/tạ quả tươi. Đấy là vườn cà phê nhà tôi được quả chứ nhà nào quả ít họ đòi tới 120.000 -130.000 đồng/tạ thì chịu sao nổi.

Vì khan hiếm nên để thu hút, giữ chân người lao động, các gia đình đều phải đưa ra nhiều “ưu đãi” như bố trí chỗ ăn nghỉ, nuôi cơm, mua thêm trái cây, nước ngọt bồi dưỡng khi làm việc… Nói chung là nhà nào cũng phải “chiều” người hái, chứ không họ “giận” bỏ về thì hỏng việc, bởi cà phê để lâu quá sẽ rụng quả.

Chẳng riêng gì ở Đăk Hà, tình cảnh mất mùa, mất giá, khó thuê nhân công diễn ra tại hầu hết các vùng trồng cà phê trên địa bàn tỉnh.

Theo tính toán của người trồng cà phê, chi phí cho mỗi héc ta cà phê (tương ứng với khoảng 1.000 cây) trung bình mất trên 100 triệu đồng gồm tiền phân bón, tưới nước, phun thuốc, làm cỏ, thuê nhân công... Như vậy, với năng suất bình quân khoảng 3-3,5 tấn cà phê nhân/ha và giá bán ở mức 30.000 – 31.000 đồng/kg thì người trồng gần như không có lời, thậm chí có nhà còn phải bù lỗ.

Giá bán thấp, trong khi các chi phí khác thì liên tục tăng cao qua từng năm đẩy thu nhập của người dân xuống thấp khiến nhiều người trồng cà phê nản lòng. Một số hộ bắt đầu tỏ ra chán nản và tính đến việc chặt bỏ cà phê để chuyển đổi sang các loại cây trồng khác hoặc trồng xen canh để tăng giá trị kinh tế.

Nông dân buồn vì không có lãi, còn các doanh nghiệp chuyên thu mua, chế biến cà phê cũng méo mặt vì quá “nhàn”, bởi người dân còn đang đắn đo, tiếc nuối nên chưa bán.

Với thực tế giá cả, năng suất, giá thuê công hiện tại, có thể nói, đây là một niên vụ cà phê đầy khó khăn với người nông dân.

Thiên Hương

Ia Grai: Hơn 300 nông dân tham gia chương trình ‘Bác sĩ nông học’

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Sáng 30-11, tại huyện Ia Grai, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Gia Lai, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí tổ chức chương trình “Bác sĩ nông học”.

Tham dự chương trình có các ông: Hoàng Văn Dự-Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp; Nguyễn Minh Trưởng-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; Phạm Ngọc Huyền-Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh; đại diện lãnh đạo huyện Ia Grai, các chuyên gia và nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp cùng hơn 300 nông dân trên địa bàn huyện Ia Grai.

Hơn 300 đại biểu và nông dân huyện Ia Grai tham dự chương trình. Ảnh: Hồng Thương

Tại chương trình, bà con nông dân đã trao đổi trực tiếp với các chuyên gia, nhà khoa học về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân. Đồng thời, các chuyên gia, nhà khoa học đã giải đáp nhiều câu hỏi liên quan đến lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật và sử dụng phân bón như: chọn giống cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu; cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây cà phê, cây ăn quả; các chủng loại phân bón, thời điểm bón phân, quy trình và liều lượng phân bón cho cây trồng trên từng giai đọan…

Chương trình nhằm nâng cao nhận thức cho nông dân về tác động của biến đổi khí hậu đến nền sản xuất nông nghiệp. Qua đó, giúp nông dân có thêm kinh nghiệm chăm sóc cây trồng; tăng cường mối liên kết giữa nông dân với nhà khoa học, nhà quản lý nhằm xác định kịp thời xu thế thị trường để có định hướng đúng trong sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

HỒNG THƯƠNG

Giới thiệu 80 chủng loại giống mới cho nông dân

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Sáng ngày 2.12.2020, Tập đoàn Lộc Trời và Công ty Syngenta Việt Nam vừa tổ chức giới thiệu 80 sản phẩm giống mới đến với nông dân Đà Lạt và vùng phụ cận Đơn Dương, Lạc Dương và Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng). Các giống mới đều thuộc bộ sản phẩm rau ôn đới, với nhiều thế mạnh về kháng bệnh, năng suất cũng như chất lượng so với các chủng loại trên thị trường.

Về cà chua, giống cây trồng chủ lực của nông dân, ngoài giống cà beef chuyên ăn sống, Syngenta- Lộc Trời giới thiệu giống cà chua trứng chín thành chùm với đặc điểm thịt quả dày, ít hạt, vỏ dầy và cứng, phù hợp với việc vận chuyển, phục vụ các thị trường ở xa cũng như xuất khẩu. Các giống cà chua mới có khả năng kháng virus gây bệnh xoăn lá và đui đọt đồng thời năng suất cao, đạt tới 4-5 kg trái/gốc.

Cà chua trứng phù hợp với xuất khẩu

Ớt ngọt cũng được du nhập thêm một số giống kháng bệnh phấn trắng, xoăn lá xoăn đọt, cho trái to, cùi dày, màu sắc đẹp.

 

Giới thiệu với nông dân trực tiếp trên đồng ruộng

Hai đơn vị còn giới thiệu nhiều giống mới như dưa leo mini, bí ngồi tròn, bí ngồi trắng, lơ xanh, sú, xà lách thủy tinh crispita…, đều là các giống mới, có khả năng kháng bệnh tốt, năng suất cao. Đặc biệt, bắp ngọt cabo lần đầu tiên trồng ở Đà Lạt đã cho kết quả tốt, cây phát triển nhanh, trồng 88 ngày cho thu hoạch. Trái bắp giòn, ngọt, thơm nhẹ, chuyên dùng để ăn sống và cũng có thể chế biến đa dạng các món ăn như hầm, salad, nấu sữa…, hiện đang được thị trường rất ưa chuộng.

Bắp ngọt Cabo có thể ăn ngay khi vừa hái

Tiến sĩ Lê Hoàng Kiệt, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu nông nghiệp Lộc Trời cho biết, 80 chủng loại giống trên đều đã được Trung tâm nghiên cứu và Thực nghiệm nông nghiệp Đà Lạt khảo nghiệm thành công, có quy trình canh tác chuẩn, sẵn sàng chuyển giao cho nông dân. Các loại giống mới sẽ giúp nông dân có thêm lựa chọn trong canh tác, cung cấp cho thị trường những nông sản ngon, sạch, chất lượng cao.

DIỆP QUỲNH

Nuôi thỏ theo hướng an toàn sinh học

Nguồn tin: Báo Long An

Dám nghĩ, dám làm, ông Đỗ Minh Đức, ngụ thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An đã áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi thỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập và ổn định cuộc sống gia đình.

Chọn con thỏ là vật nuôi để phát triển kinh tế cách đây hơn 2 năm, ông Đức chia sẻ, việc nuôi thỏ đến với ông như một cái duyên và cũng là một sự may mắn vì trong suốt thời gian chăn nuôi, con thỏ chưa bao giờ gặp vấn đề lớn về dịch bệnh hay giá cả đầu ra.

Ông Đức chia sẻ: “Không giống như heo, gà hay vịt, dịch bệnh trên thỏ rất ít khi xảy ra, nếu có thì cũng ở mức độ rất thấp, không lây lan và không gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Mặt khác, thỏ là loài vật có nhiều ưu điểm về khả năng sinh trưởng, thịt thơm, ngon, bổ dưỡng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Nuôi thỏ rất dễ, chỉ cần làm chuồng thoáng mát, sạch sẽ, khử trùng thường xuyên sẽ ít bệnh tật. Thông thường, thỏ hay bị bệnh ghẻ, nấm, rối loạn tiêu hóa nhưng chỉ cần tiêm phòng vắc-xin đầy đủ thì nguy cơ rủi ro rất thấp”.

Mô hình nuôi thỏ an toàn sinh học của ông Đỗ Minh Đức mang lại hiệu quả kinh tế cao

Để chủ động nguồn thức ăn cho thỏ, ông Đức đã tận dụng phần đất trống trước nhà để trồng cây chè đại, một loại cây mà ông đã mang từ miền Bắc về trồng. Theo ông Đức, đây là loại cây có hàm lượng dinh dưỡng và lượng kháng sinh tự nhiên cao, rất tốt cho thỏ. Bên cạnh đó, ông Đức còn lắp đặt hệ thống uống nước tự động gắn vào mỗi lồng, thỏ khát có thể đưa miệng vào uống nên tiết kiệm được nhiều thời gian và công chăm sóc.

Ngoài ra, ông Đức còn xử lý phân và nước tiểu thỏ bằng men sinh học nên dù nuôi thỏ với số lượng nhiều nhưng khu vực nuôi thỏ của gia đình ông vẫn sạch sẽ. Cũng nhờ đó, đàn thỏ không chỉ ít bệnh mà còn phát triển rất tốt. Trung bình 3 tháng, ông Đức sẽ xử lý phân thỏ một lần và dùng chúng để bón cho cây chè đại.

Được biết, thỏ là loài sinh sản nhanh, đều, mỗi thỏ mẹ 1 năm có thể sinh sản từ 7-8 lứa, mỗi lứa từ 6-9 con. Thỏ thịt thương phẩm có thời gian sinh trưởng khá ngắn, chỉ từ 3-3,5 tháng tuổi; trọng lượng trung bình khi xuất bán đạt từ 2,3-2,5kg/con. Với giá 60.000-70.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Đức có lãi khoảng 30.000 đồng/con.

Nhờ cần cù lao động và áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, hiện nay, đàn thỏ của gia đình ông Đức có trên 400 con, trong đó có 100 con thỏ nái, 30 con thỏ hậu bị, 200 con thỏ thịt và trên 70 con thỏ con. Hiện tại, giá cả và đầu ra của các loại thỏ khá ổn định. Với vai trò là Tổ trưởng Tổ Nuôi thỏ an toàn sinh học của thị trấn Thủ Thừa, ông Đức luôn tận tình chia sẻ kinh nghiệm với mọi người từ cách làm chuồng trại, chọn giống đến kỹ thuật phòng, trị bênh.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thủ Thừa - Nguyễn Văn Chót, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và sự bấp bênh về đầu ra của một số nông sản thì mô hình nuôi thỏ theo hướng an toàn sinh học của ông Đức thật sự đã góp phần mở ra hướng đi mới cho người chăn nuôi. Thời gian tới, huyện sẽ khuyến khích người dân nhân rộng mô hình này để từng bước đa dạng hóa vật nuôi, bình ổn giá cả thị trường và giải quyết phần nào khó khăn về đầu ra cho ngành chăn nuôi./.

Bùi Tùng

Đắk Nông: Người dân tập trung chăn nuôi phục vụ thị trường cuối năm

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang đẩy mạnh chăn nuôi nhằm cung ứng sản phẩm ra thị trường dịp cuối năm.

Gia đình ông Nguyễn Thế Vinh, thôn 7, xã Tâm Thắng (Cư Jút), đã phát triển chăn nuôi thỏ từ nhiều năm nay. Đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sản phẩm tiêu thụ chậm, nên ông đã thu hẹp quy mô. Những tháng cuối năm, ông đang dần tăng đàn trở lại để phục vụ nhu cầu thị trường.

Gia đình ông Nguyễn Thế Vinh (giữa) đang nuôi khoảng 400 con thỏ thịt để cung ứng ra thị trường cuối năm

Theo ông Vinh, dịp cuối năm, nhất là Tết Nguyên Đán, sản phẩm thịt thỏ luôn được người tiêu dùng ưa chuộng. Do đó, nguồn cung thịt thỏ không đủ phục vụ nhu cầu thị trường.

Để tăng đàn hiệu quả, cùng với con giống chất lượng, ông Vinh đặc biệt chú ý đến các yếu tố về an toàn dịch bệnh, cho thỏ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng để phòng, chống các bệnh như bại huyết, tụ huyết trùng, cầu trùng, ghẻ. Ông thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, cho thỏ ăn thức ăn sạch, uống nước sạch.

Ông Vinh cho biết, gia đình ông đang duy trì khoảng 700 con thỏ lớn nhỏ, trong đó khoảng 400 con thỏ thịt. Nuôi 3 tháng, thỏ có thể xuất chuồng với trọng lượng trung bình 2,5 kg/con. Với giá bán hiện nay khoảng 75.000 đồng/kg, mỗi con thỏ thu được khoảng 95.000 đồng trừ chi phí. Nếu tính 400 con thỏ thương phẩm, gia đình ông Vinh có lãi 38 triệu đồng trong 3 tháng.

Những tháng cuối năm, gia đình ông Hoàng Văn Kế, thôn 6, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp), cũng tập trung chăn nuôi heo để xuất bán vào dịp tết. Ông Kế cho biết, những tháng gần đây, giá heo thịt ở mức khá cao và ổn định khoảng 72.000 đồng/kg, nên gia đình rất yên tâm đầu tư.

Chăn nuôi heo đang phục hồi trở lại sau thiệt hại do dịch tả heo châu Phi

Quá trình chăn nuôi heo, ông Kế luôn tuân thủ các khuyến cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh. Cụ thể, ông chọn mua con giống tại các cơ sở, trang trại có chứng nhận, chủng ngừa đầy đủ các loại vắc xin. Gia đình cũng luôn tuân thủ tốt các quy trình về tiêu độc, khử trùng chuồng trại và môi trường xung quanh.

Cùng với khẩu phần ăn bình thường đúng độ tuổi, ông Kế còn bổ sung các loại vitamin để giúp heo phát triển, phòng chống dịch bệnh. Ông Kế cho biết: "Hiện gia đình đang nuôi khoảng 100 con heo thịt để xuất bán dịp cuối năm, hy vọng có thể tăng thu nhập".

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2020, toàn tỉnh có hơn 34.400 con bò, tăng 1.100 con so với cùng kỳ và đạt 100,13% so với kế hoạch năm; 223.988 con heo, đạt 104,89% kế hoạch năm. Tổng đàn gia cầm toàn tỉnh năm 2020 đạt 2.636.000 con, tăng hơn 479.000 con so với cùng kỳ và đạt 118,6% so với kế hoạch năm.

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình chăn nuôi heo của tỉnh đã dần ổn định trở lại và xu hướng tăng dần sau ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi. Chăn nuôi gia cầm cũng phát triển mạnh.

Ngành Nông nghiệp và các địa phương đã tăng cường các hình thức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định về chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tạo môi trường thuận lợi hơn cho vật nuôi phát triển.

Các cấp, ngành cũng phối hợp làm tốt việc kiểm soát chất lượng con giống, thức ăn, vật tư chăn nuôi, tiêu độc khử trùng, tiêm vắc xin, phát hiện và khống chế dịch bệnh không để lây lan ra diện rộng.

Bài, ảnh: Hồng Thoan

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop